Kỳ 1: Việt Nam đã lãng phí quá nhiều…?
Đất nước chúng ta mệnh danh xuất khẩu gạo thuộc top đầu thế giới nhưng lợi ích chúng ta đem về rất ít vì sản phẩm ta xuất dưới dạng thô. Chúng ta lấy gì tự hào khi xuất khẩu lúa gạo của ta còn thua Campuchia – hiện tại ở khu vực Liên minh Châu Âu, Campuchia cũng đã xuất khẩu hơn 200 nghìn tấn sang thị trường này năm 2014. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu chưa đến 30 nghìn tấn? Nhìn thẳng vào thực tế này, chúng ta thấy, Việt Nam đang tụt hậu???
Việt Nam mệnh danh xuất khẩu gạo thuộc top đầu thế giới nhưng chúng ta lấy gì tự hào khi xuất khẩu lúa gạo của ta còn thua Campuchia???
Trong các buổi dự thảo, triển khai đề án nông nghiệp, các nhà nghiên cứu làm công tác nông nghiệp cứ hô hào áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của các nước như Israel, Hàn Quốc, Nhật… vào sản xuất. Nhưng tại vùng nông thôn, không khó để nhận ra, nông dân đa phần vẫn gieo trồng, sản xuất, buôn bán một cách tự thân vận động và chưa có sự quan tâm sâu sắc hay hành động thiết thực từ cơ quan chức năng. Chúng ta đã lãng phí quá nhiều thời gian, lãng phí tiền ngân sách đầu tư cho các nhà nghiên cứu đi nước ngoài học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp của các nước tiên tiến nhưng không áp dụng được nhiều khi về nước.
Việt Nam có gần ba ngàn tiến sĩ nông nghiệp nhưng liệu đã có bao nhiêu người làm công tác thực tế? Bao nhiêu người nghiên cứu phát triển nông nghiệp đến nơi đến chốn. Các nhà lãnh đạo làm công tác nông nghiệp nếu có dịp, một lần về các vùng nông thôn xem nông dân sử dụng thuốc thần dược tưới cho hoa màu, rồi đối chiếu với các nước tiên tiến, sẽ thấy công tác tuyên truyền, gần nông dân, giúp nông dân làm kinh tế của cơ quan chức năng nó tệ bạc, tắc trách đến mức nào!
Các nhà làm công tác nông nghiệp ca ngợi mô hình phát triển nông nghiệp của Israel nhưng chỉ việc tuyên truyền nông dân không sử dụng chất kích thích vượt ngưỡng cho phép, những người có trách nhiệm cũng không làm được thì hỏi làm sao sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có thể có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường quốc tế?
Mặc dù ở nông thôn hầu như nhà nào cũng làm nông nhưng sản xuất manh mún, ai muốn trồng gì thì trồng. Điệp khúc được mùa mất giá vẫn còn tồn tại hết mùa này qua mùa khác. Khoai lang, dưa hấu, hành tím … của bà con đồng bằng sông Cửu Long đến mùa thu hoạch là bị bị ép giá; nông sản Đà Lạt: hành tây, cà chua bỏ đầy đồng, thương lái không tìm tới; những vùng khác thì ớt chín đỏ cây nhưng phải bỏ khô ngoài đồng vì giá quá rẻ… Những lúc như thế này, người nông dân chỉ biết trông chờ vào các chương trình từ thiện, kêu gọi ủng hộ nông sản Việt do các bạn trẻ thực hiện – đáng lý ra trách nhiệm này phải thuộc về cơ quan chức năng!
Giá như người nông dân biết liên kết với nhau để trồng trọt, cùng nhau xây nhà kín sản xuất nông sản thì số lượng, chất lượng sản phẩm sẽ tăng lên gấp bội?! Để có công nghệ, có vốn đầu tư trang thiết bị nông dân cần hỗ trợ nhưng điều này, các nhà làm công tác nông nghiệp lại không quan tâm, hỗ trợ đúng mực. Kết quả là, nông sản nông dân sản xuất ra nhiều nhưng bán không được do không đạt yêu cầu hoặc có bán được thì giá thấp, bị ép giá. Như thế bảo sao mà GDP không thấp cho được!
50 kg muối = 1 bát bún? Nông sản làm ra của người nông dân Việt Nam rẻ mạt?
Tin nổi không khi 50 kg muối = 1 bát bún? 40 kg chanh = 1 ổ bánh mì? 2 kg khoai lang = ly trà đá? 20 kg dưa hấu = 1 tô phở? Nông sản làm ra của người nông dân Việt Nam rẻ mạt vậy đó! Nhưng nghịch lý là, giá muối ở nơi sản xuất có 500 đồng/kg, thì tại Hà Nội, người Thủ đô phải mua muối với giá đắt gấp hơn 10 lần, tức 5.000-6.000 đồng/kg. Chanh ở nơi trồng chỉ 300 đồng/kg mà tại Hà Nội và TP.HCM, nó đội giá lên 15.000-20.000 đồng/kg. Dưa hấu ở nơi trồng được thì đổ bỏ, cho bò ăn, còn dân thành phố phải mua với giá trên 10.000 đồng/kg.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng bất cập này, lỗi lớn nhất là do “con đường”. Vì đường xá từ nông thôn đến thị thành quá xấu, khó đi nên việc vận chuyển tốn thời gian, công sức, nguyên liệu. Chưa kể, việc trao tay qua nhiều thương lái khiến giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ đội lên. Người tiêu dùng phải mua với giá cao, còn nông dân khóc ròng vì phải bán sản phẩm với giá quá rẻ. Đáng lẽ ra, cơ quan chức năng cần quan tâm nhiều đến vấn đề giao thông vùng nông thôn, sông nước – vì đây chính là những con đường huyết mạch kết nối, vận chuyển hàng hóa, kết nối buôn bán mạnh mẽ giữa nông dân và thương lái. Có những nơi, người dân tự kêu nhau góp tiền xây cầu; có khi là doanh nghiệp, mạnh thường quân làm đường, kết nối những bờ vui cho trẻ đến trường, cho lái vào mua trái cây, hoa màu… Đáng lẽ ra, những việc này phải được thực hiện từ ngân sách nhà nước!
Bộ Văn hóa-Thể Thao- Du lịch giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tại hội chợ thương mại quốc tế vừa diễn ra tại Milano nghèo nàn như thế này đây.
Những nơi cần đầu tư tiền để phát triển thì không được quan tâm sâu sắc; còn những nơi đầu tư, ngốn tiền ngân sách bạc tỷ thì chẳng đem lại lợi ích gì cho nông dân. Ví như hội chợ thương mại quốc tế vừa diễn ra tại Milano, đây là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam quảng bá sản phẩm nông nghiệp nhưng Bộ Văn hóa-Thể Thao- Du lịch (VH-TT-DL) đã không tận dụng tốt cơ hội này. Tại quầy trái cây: thanh long và dứa thì héo úa; dưa lưới sản xuất với công nghệ cao lèo tèo vài ba trái; những loại trái cây đặc sản Việt Nam như dừa, bưởi năm roi, sầu riêng, mít… thì không có mặt. Làm công tác quảng bá sản phẩm Việt mà với cái tâm như lãnh đạo Bộ VH-TT-DL thì hỏi làm sao mà giá nông sản Việt Nam không rẻ???
Đất nước Việt Nam được đánh giá là rừng vàng, biển bạc; tấc đất tấc vàng; nguồn lao động dồi dào, nông dân hăng say sản xuất; thiên nhiên ưu đãi cho Việt Nam có điều kiện khí hậu rất phù hợp với việc phát triển nông nghiệp nhưng chúng ta lại không tận dụng, khai thác tốt những tiềm năng. Nguyên nhân là do chúng ta không chịu phát triển, yếu kém trong khâu vận hành hay do chúng ta không muốn làm giàu từ nông nghiệp nên chúng ta hời hợt, đầu tư không đến nơi đến chốn???
(Còn tiếp)
Kỳ 2: Những tia sáng khơi dậy tiềm năng phát triển nông nghiệp
Để giải quyết vấn nạn các nhà nghiên cứu đi nước ngoài quá nhiều, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu dứt khoát: lãnh đạo hạn chế đi công tác nước ngoài, đi đúng mục đích, không được phung phí tiền ngân sách và mỗi chuyến đi phải đem về lợi ích thiết thực cho đất nước. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ giao cho lãnh đạo bộ, ngành, địa phương phải quản lý chặt chương trình đi công tác nước ngoài của bộ, ngành, địa phương theo phương châm tiết kiệm, hiệu quả và không ảnh hưởng đến thời gian thực hiện các nhiệm vụ ở trong nước.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của năm 2015 cũng như 5 năm tới các cấp ủy đảng, chính quyền phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn, nông dân”.
Đưa ra mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: Phải khuyến khích làm sao về đất đai, thuế khóa, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân nông thôn.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: “Chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành hữu quan rà soát, bổ sung các chính sách phù hợp hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn. Trước tiên là chính sách ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp… Khuyến khích làm sao về đất đai, thuế khóa, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân nông thôn, qua đó cũng góp phần tái cơ cấu lao động ngay trên địa bàn nông thôn”.
Chính sách khai thác tiềm năng nông nghiệp Việt Nam của Thủ tướng bước đầu đã có nhiều khả thi khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư chuyên sâu, hiệu quả vào ngành nông nghiệp. Đi tiên phong trong việc chuyển dịch đồng vốn về nông thôn, khai thác tiềm năng, phát triển nông nghiệp, bầu Đức đã thu về khoản lợi nhuận đáng kể hàng tỷ đồng mỗi ngày. Sự thành công của bầu Đức đã cổ vũ mạnh mẽ cho ông chủ thép Hòa Phát lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp; đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup rốt ráo lên ý tưởng, mạnh dạng về nông thôn đầu tư.
Lĩnh vực nông nghiệp ngày càng được nhiều doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán, doanh nghiệp đầu tư đúng mực hứa hẹn trong tương lai gần ngành nông nghiệp VN sẽ có nhiều đột phá.
Như kỳ vọng của Chính phủ, việc tỷ phú Phạm Nhật Vượng phát triển các dự án trồng rau trên địa bàn hai tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc – quy mô 500ha với tổng số vốn đầu tư 500-700 tỉ đồng hứa hẹn cho ra các sản phẩm chất lượng, giá trị xuất khẩu cao. Cùng với đó, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát đầu tư 300 tỉ đồng thành lập công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên đã cung cấp nguồn thức ăn phục vụ đắc lực cho chăn nuôi và giúp giải quyết việc làm cho bà con sinh sống tại nông thôn.
Thấy được lợi nhuận từ việc đầu tư vào nông nghiệp, không ít doanh nghiệp mạnh dạng đầu tư nuôi trồng các giống cây mới với quy mô lớn – ngay sau khi được cơ quan chức năng khuyến khích. Điển hình là cây mắc ca, sau khi được Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên – Đại tướng Trần Đại Quang xác định mắc ca là cây trồng mũi nhọn của vùng đất Tây Nguyên và thấy được lợi nhuận tương lai mà cây mắc ca đem lại, Công ty CP Him Lam mạnh dạng phối hợp cùng Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đẩy mạnh dự án trồng cây này. Hiện nay Việt Nam vẫn trồng và bán quả mắc ca thô đem lại giá trị không lớn nhưng điều này sẽ được cải thiện đáng kể khi có sự đầu tư mạnh mẽ, bài bản, đến nơi đến chốn của các doanh nghiệp lớn.
Rõ ràng, để ngành nông nghiệp đất nước phát triển, đưa nông dân thoát nghèo làm giàu trên mảnh đất của mình thì cần sự vào cuộc, nỗ lực của tất cả ban ngành. Chính phủ chỉ đạo đầu tư phát triển nông nghiệp, cán bộ làm công tác nông nghiệp cần chủ động kết hợp với ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và gắn kết chặt chẽ với nông dân. Vì chúng ta đã bỏ phí quá nhiều thời gian, bỏ qua quá nhiều cơ hội để phát triển nông nghiệp nên giờ chúng ta cần cố gắng gấp đôi. Với những hướng đi, khơi dậy tiềm năng mà Chính phủ đề ra, cùng với sự kết nối đồng bộ ban ngành, có sự đầu tư sâu sắc của người làm kinh tế, hy vọng, chỉ một thời gian ngắn, bộ mặt nông thôn sẽ được thay áo mới.
Hải Dương