TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Bước chân vô định

Hoàng Sơn

 

 

 

 

 

Người nông dân vẫn đang loay hoay trong vòng luẩn quẩn trồng rồi chặt, được mùa mất giá... Ảnh: DUY KHƯƠNG

- Hiện cả nước có khoảng 9 triệu hộ gia đình với trên 50% dân số làm nông nghiệp, nhưng số hộ tham gia vào các chương trình liên kết với doanh nghiệp có lẽ chỉ vài chục ngàn, một con số quá khiêm tốn và khó mà có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể nào cho ngành nông nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt theo tiến độ hội nhập.

- Sang năm định trồng cây gì? - Tôi hỏi.
- Anh đáp chậm rãi: Chưa biết...
- Chưa biết là sao?
- Thì chưa biết nghĩa là chưa biết!
- Phải biết chứ! Không biết thì lấy gì mà ăn. Tính bây giờ đã là trễ rồi.

Anh gắt lên: Làm sao mà biết được! Mà biết cũng chưa chắc có ăn. Trồng cà phê nhưng phải chặt để trồng chôm chôm rồi lại phá tiếp để trồng ổi. Trồng ổi mới được hai năm, lại phá đi trồng mít; cũng may chưa kịp phá mít để trồng lại cà phê. Xóm này mấy người trồng cà phê năm nay dở khóc dở cười với giá cả, chỉ có những người trồng tiêu vài năm qua là có ăn, nhưng tôi không dám... Hình như anh định nói gì nữa, nhưng rồi lại làm thinh, nhìn mông lung qua làn khói thuốc.

Đã có một thời Nguyễn Văn Định hài lòng với cuộc sống thoải mái dựa vào hơn 1,5 mẫu đất ở vùng Xuân Lộc, Đồng Nai, mỗi năm cho gần 5 tấn cà phê từ những năm đầu thập niên trước. Giá cà phê lúc đó - trừ năm 2000 rớt thảm hại - cũng có lúc lên, lúc xuống, nhưng bình quân cũng trên dưới ba cây vàng mỗi tấn.
Khi giá cà phê giảm dần xuống đến mức hòa vốn những năm sau đó, người nông dân ngoài 50 tuổi này phá bỏ vườn cà phê, thay bằng cây chôm chôm, để rồi nhận ra rằng quyết định này là một sai lầm khi giá cao điểm đầu mùa chỉ xoay quanh 3.000-4.000 đồng mỗi ký trước khi rớt xuống trên dưới 1.000 đồng vào chính vụ. Anh kể người ta trồng chôm chôm Thái được giá gấp ba bốn lần, còn mình trồng loại chôm chôm thuần Việt nên ế ẩm.

“Tôi thấy ổi có ăn, giá đến 7.000 đồng mỗi ký, mà chỉ sau một năm là có trái, nên nhanh chóng chuyển đổi. Đến khi tôi thu hoạch, năm đầu giá còn khoảng 4.000-5.000 đồng một ký, kể ra cũng có lời kha khá, nhưng từ năm thứ hai, giá chỉ còn 2.000 đồng, và bây giờ nghe đâu 1.000 đồng thương lái cũng không thèm mua”, anh nói. Và thế là anh chuyển sang trồng mít, mà là mít Thái hẳn hòi, giá cao vút. Vậy mà cũng chỉ được hai năm!
Giờ thì tôi hiểu tại sao anh trả lời chưa biết trồng cây gì...

Mà làm sao có thể biết được, khi những người nông dân đơn lẻ như anh khó có thể nắm bắt nhu cầu thị trường, khó có thể hình dung ra nguồn cung năm nay hay năm tới như thế nào, khó có thể hiểu được những khái niệm như xu hướng tiêu dùng, chưa nói tới một khái niệm thời thượng là hội nhập.

Vấn nạn đó dẫn đến nhu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, với một trọng tâm là liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp.

Mối liên kết: yếu và thiếu

Tuy nhiên, trong thực tế, phần lớn các mối liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp chưa đem lại hiệu quả đáng kể, trong khi xuất hiện ngày càng nhiều những mối hoài nghi từ cả hai phía. Doanh nghiệp than phiền nông dân “bẻ kèo” để bán nông sản cho thương lái khi giá thị trường cao - chẳng hạn trong ngành mía đường - trong khi nông dân thì trách doanh nghiệp bội tín, đặt ra những yêu cầu kỹ thuật cao hơn khi giá thị trường xuống thấp để từ chối mua hàng - như đã thấy trong ngành chăn nuôi bò sữa hay cá tra chẳng hạn.

Có lẽ mối liên kết trong ngành chăn nuôi heo hiện nay là tương đối chặt chẽ khi CP Việt Nam là đơn vị dẫn đầu trong việc thúc đẩy nông dân nuôi gia công cho mình trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Hiện nay, sản lượng heo do nông dân nuôi gia công hàng năm đã lên đến trên dưới 300.000 tấn, và trải rộng trên nhiều địa bàn từ Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai cho đến Bình Thuận, Khánh Hòa...

Tuy nhiên, mọi chuyện cũng không hề dễ dàng cho nông dân, nhất là những người ít vốn, khi muốn tham gia vào chuỗi giá trị của CP Việt Nam.

Anh Trung, một nông dân khá thành công trong lĩnh vực chăn nuôi ở Gia Kiệm (Đồng Nai), nói rằng để được nhận nuôi gia công cho CP Việt Nam, nông dân phải đầu tư rất lớn vào chuồng trại theo chuẩn mực mà CP Việt Nam yêu cầu. “Chuồng trại phải có quy mô lớn, và mật độ chăn nuôi trong vùng không được quá cao để ngăn ngừa dịch bệnh... Điều đó khiến những nông dân không mạnh về vốn đành bó tay”, anh nói.

Nhưng, một lý do khác khiến nhiều nông dân không muốn tham gia nuôi gia công cho CP Việt Nam chính là yếu tố lợi ích.

“Nếu người nông dân tự lo toàn bộ chi phí, thì với giá heo hơi hiện nay là 45.000 đồng ký, một trang trại sẽ có lời khoảng 1 triệu đồng mỗi đầu heo. Trong khi đó, nuôi gia công thì mức lời phổ biến chỉ là 250.000 đồng, và mức tối đa là 400.000 đồng”, anh Trung cho biết.

Dĩ nhiên, hiện cũng có một số mô hình liên kết nông dân-doanh nghiệp khá thành công, như mô hình mà Dalat Hasfarm đang thực hiện với nông dân ở Đà Lạt để gia tăng sản lượng và chất lượng hoa xuất khẩu, mô hình Nescafé Plan do Nestlé Việt Nam thực hiện nhằm cung cấp cây giống tốt và nâng cao chất lượng hạt cà phê...

Hiện nay, có khá nhiều doanh nghiệp có tiềm lực, chẳng hạn như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai hay Lộc Trời... đang xúc tiến những chương trình đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có việc liên kết với nông dân. Nhưng thành thực mà nói, số doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân còn quá ít, chưa đủ để tạo ra một môi trường cạnh tranh đủ mạnh giữa các doanh nghiệp để có lợi cho người nông dân. Hơn nữa, các doanh nghiệp này cũng có xu hướng tự đầu tư tạo ra sản phẩm, còn việc bắt tay với nông dân rất có thể chỉ là bước đi quá độ.

Thay đổi như thế nào?

Như đã nói, chương trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp được đặt ra từ năm 2013 sau một quyết định của Thủ tướng.

Tại một phiên thảo luận mới đây của Quốc hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, nhiều đại biểu băn khoăn không rõ tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang ở đâu. Câu trả lời, từ đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Dak Nông), là ngành nông nghiệp không có sự gắn kết trong liên kết chuỗi giá trị, mạnh ai người nấy làm, còn đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho rằng “chưa có chuyển biến gì đáng kể”, theo tạp chí Kinh tế và Dự báo thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Hiện nay đã có một số mô hình liên kết nông dân - doanh nghiệp khá thành công, đặc biệt là Dự án cạnh tranh nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.

Dự án này, với số vốn tài trợ khoảng 60 triệu đô la Mỹ, hỗ trợ trực tiếp cho nông dân và doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết tại tám địa phương, đã kết thúc vào giữa năm 2014 với kết quả được đánh giá là rất tích cực.

Theo tài liệu từ WB, dự án giúp cho sản lượng tăng 17% và doanh thu tăng 22% tại những khu vực áp dụng, và dự án cũng giúp hình thành 105 tổ liên kết hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp.

Tại Lâm Đồng, dự án đã hỗ trợ mở rộng quy mô của liên minh sản xuất do Dalat Hasfarm khởi xướng, đồng thời hình thành thêm 12 liên minh sản xuất hoa, atiso, cà phê và chăn nuôi bò sữa thu hút 709 nông hộ tham gia, theo báo Tiền Phong.

Các liên minh sản xuất giữa doanh nghiệp và các nhóm nông hộ thông qua các tổ hợp tác hay hợp tác xã, từ kết quả của dự án nói trên, có thể xem là một mô hình thích hợp, vì, nói như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại một hội thảo đầu năm 2015, khó có doanh nghiệp nào có thể liên kết với hàng ngàn, hàng vạn hộ nông dân mà chỉ có thể liên kết với các tổ chức đại diện cho người nông dân.

Hiện cả nước có khoảng 9 triệu hộ gia đình với trên 50% dân số làm nông nghiệp, nhưng số hộ tham gia vào các chương trình liên kết với doanh nghiệp có lẽ chỉ vài chục ngàn, một con số quá khiêm tốn và khó mà có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể nào cho ngành nông nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt theo tiến độ hội nhập. Phần lớn nông dân chưa biết, Nhà nước chưa quan tâm đủ, còn doanh nghiệp vẫn chần chừ.

* * *

Cuộc trò chuyện của tôi với người nông dân không biết trồng cây gì Nguyễn Văn Định cũng kết thúc sau khi chiếc gạt tàn thuốc đã đầy, và những ly cà phê đã cạn. Tôi hỏi anh, để rồi chợt nhận ra mình cũng chỉ hỏi cho có: Vậy anh có ý định tham gia tổ hợp tác để cùng liên kết sản xuất với doanh nghiệp không?

Anh nhìn tôi như nhìn một người xa lạ, và đáp: Chưa từng biết, và cũng chưa từng nghe bao giờ!

 

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness