Các nền kinh tế đang phát triển cần tăng gấp 7 lần đầu tư vào năng lượng sạch ở vào cuối thập niên, nếu không sẽ càng bị bỏ lại phía sau trong cuộc chuyển đổi sang năng lượng sạch, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC), thành viên của Ngân hàng Thế giới, cảnh báo trong một báo cáo chung hôm 21-6.
Trang trại điện mặt trời ở bang Gujarat, Ấn Độ. Ảnh: Alamy
Báo cáo cho biết, chưa đến 1/5 trong số khoảng 1,7 ngàn tỉ đô la Mỹ đầu tư dự kiến dành năng lượng sạch trong năm nay sẽ được chi tiêu ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc.
IEA cho rằng tổng số tiền đầu tư cho năng lượng sạch ở các nền kinh tế này cần phải tăng từ khoảng 260 tỉ đô la trong năm nay lên 1,4-1,9 nghìn tỉ đô la la mỗi năm vào đầu những năm của thập niên 2030 để đạt được các mục tiêu về khí hậu và đáp ứng nhu cầu năng lượng. Nhưng họ đang đối mặt sự cạnh tranh đầu tư ngày càng gia tăng từ các nước giàu có hơn.
“Thế giới năng lượng sạch ngày nay đang phát triển nhanh chóng, nhưng có nguy cơ lớn, nhiều nước trên thế giới bị bỏ lại phía sau. Đầu tư là yếu tố then chốt để giúp các nước này hưởng lợi từ nền kinh tế năng lượng sạch”, Fatih Birol, giám đốc của IEA, nói.
Ông nhấn mạnh rằng việc thúc đẩy đầu tư năng lượng sạch mang lại nhiều lợi thế và cơ hội , bao gồm mở rộng khả năng tiếp cận năng lượng, tạo việc làm, phát triển các ngành công nghiệp, cải thiện an ninh năng lượng và một tương lai bền vững cho tất cả người dân.
Báo cáo của IEA và IFC cho rằng chỉ riêng các khoản đầu tư công sẽ không đủ để mang lại khả năng phổ cập năng lượng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển. Báo cáo ước tính, khoảng 60% vốn đầu tư cho năng lượng sạch ở các nước đang phát triển không bao gồm Trung Quốc cần phải huy động từ khu vực tư nhân. Con số đầu tư 135 tỉ đô la hàng năm hiện nay mà khu vực tư nhân dành cho năng lượng sạch ở các nền kinh tế này sẽ cần tăng lên tới 1,1 nghìn tỉ đô la Mỹ mỗi năm trong thập niên tới, báo cáo cho biết thêm.
Tuy nhiên, giới đầu tư đang trì hoãn đầu tư vì chi phí vốn cao hơn, phản ánh “rủi ro thực tế và có thể nhận thấy được”. .
“Hiện tại, chi phí vốn cho một dự án năng lượng mặt trời quy mô lưới điện điển hình ở các nền kinh tế mới nổi lớn có thể cao gấp hai hoặc ba lần so với các nền kinh tế tiên tiến hoặc Trung Quốc”, báo cáo của IEA và IFC cho hay.
Báo cáo cho biết thêm, các chính sách trợ cấp được thiết kế để thu hút đầu tư vào châu Âu và Mỹ đang giúp thúc đẩy đổi mới trong ngành năng lượng. Tuy nhiên, chúng cũng “khiến các thị trường mới nổi gặp nhiều thách thức hơn” trong việc cạnh tranh để thu hút vốn tư nhân.
Báo cáo của IEA và IFC nhấn mạnh sự cần thiết của việc hỗ trợ kỹ thuật, quy định và tài chính quốc tế lớn hơn để mở ra tiềm năng năng lượng sạch ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Ông Birol lưu ý, đầu tư vào năng lượng sạch ở các nước đang phát triển “gần như không thay đổi” kể từ Thỏa thuận khí hậu Paris được ký kết năm 2015, trong đó các nước cam kết hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
IEA và IFC kêu gọi các nước cải cách quy hoạch và quy định quản lý để giúp khuyến khích các quyết định đầu tư hướng đến công nghệ sạch hơn và hiệu quả hơn.
“Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có tiềm năng về năng lượng sạch rất lớn nhưng mức độ đầu tư còn thấp hơn nhiều so với mức cần thiết. Để giải quyết các nhu cầu cấp bách về năng lượng và các mục tiêu giảm phát thải ở các nền kinh tế này, chúng ta cần huy động vốn tư nhân với tốc độ nhanh và quy mô lớn, đồng thời khẩn trương phát triển nhiều dự án có thể đầu tư hơn”, Makhtar Diop, giám đốc của IFC, nói.
Trong cuộc trao đổi với Financial Times, ông Birol nói rằng ông hy vọng Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của chính quyền Tổng thống Joe Biden, bao gồm khoản trợ cấp 369 tỉ đô la để tăng tốc phát triển năng lượng sạch ở Mỹ, sẽ tạo ra tác động kích thích đầu tư năng lượng sạch trên toàn cầu về tổng thể.
“Tôi rất hy vọng rằng điều này sẽ không trở thành gánh nặng cho các nước khác trên thế giới và sẽ có một số cơ chế linh hoạt, tạo động lực đầu tư năng lượng sạch ở các nước khác”.
Hôm 19-6, Bộ trưởng điện lực và năng lượng tái tạo Ấn Độ Raj Kumar Singh lên tiếng chỉ trích các biện pháp trợ cấp mạnh mẽ cho năng lượng tái tạo ở Mỹ và châu Âu sẽ gây tổn hại cho nỗ lực sản xuất năng lượng sạch ở các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ.
“Tôi nhận thấy chủ nghĩa bảo hộ ở đạo luật IRA của Mỹ và chương trình trợ cấp để sản xuất hydrogen xanh ở châu Âu. Chúng tôi đã thấy các nước phát triển rao giảng cho phần còn lại của thế giới về tầm quan trọng của thương mại tự do . Nhưng chính họ đang dựng lên những rào cản”, Bộ trưởng Raj Kumar Singh nói.
Để bảo vệ lĩnh vực năng lượng tái tạo trước các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ trong những năm gần đây đã áp đặt thuế nhập khẩu đối với các thiết bị năng lượng mặt trời và công bố các chương trình ưu đãi để thúc đẩy sản xuất trong nước, chẳng hạn như chương trình trợ cấp cho sản xuất hydro xanh.
Nhưng các chuyên gia cho biết những lợi thế này bị lu mờ bởi các khoản trợ cấp khổng lồ trong đạo luật IRA.
Theo ước tính của Viện Công nghệ Ấn Độ, Mỹ trợ cấp cho các nhà sản xuất khoảng 3 đô la cho mỗi kg hydrogen xanh, so với mức dự kiến là dưới 1 đô la trong kế hoạch trợ cấp của Ấn Độ.
Theo Financial Times
Lê Linh - Theo TheSaigonTimes