Sau lần hủy chuyến thăm Việt Nam hồi năm ngoái cùng khoảng thời gian Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dừng chân ở Việt Nam trên đường đi dự hội nghị G20 ở Bali giữa bối cảnh cuộc chiến Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cuối cùng đã tới Hà Nội.
Trong chuyến thăm đầu tiên với tư cách là ngoại trưởng Mỹ, ông Blinken đã diện kiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người mà Phó Tổng thống Kamala Harris đã không gặp mặt trong chuyến thăm Hà Nội vào năm 2021.
Khi gặp mặt ông Blinken, ông Trọng nói rằng “những kết quả tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua là cơ sở để tiếp tục nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới.” Còn trong thông cáo kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện đưa ra ngay trước khi ông Blinken tới Hà Nội, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng “Hoa Kỳ muốn mở rộng quan hệ đối tác này trong những năm tới.”
Mặc dù không có tuyên bố nào được đưa ra sau chuyến thăm của ông Blinken về việc nâng cấp mối quan hệ và có những ý kiến cho rằng chuyến thăm của ông không đạt được một bước đột phá nào cho quan hệ Mỹ-Việt nhưng các chuyên gia nhận định với VOA rằng những gì ông Blinken làm ở Hà Nội là một thành công và đánh đi một thông điệp tới Trung Quốc, hiện đang tìm cách thay thế Mỹ để giành ảnh hưởng trong khu vực cũng như trên toàn thế giới.
“Chuyến đi của ông Blinken có một biểu tượng rất quan trọng, đó là ông ấy đã động thổ (để) khởi công xây dựng đại sứ quán Mỹ mới tại Hà Nội, một trong những đại sứ quán có tầm cỡ rất lớn trên thế giới giai đoạn hiện tại,” Luật sư Vũ Đức Khanh, chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam và quan hệ quốc tế, nói với VOA.
Công trình khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ mới được ước tính trị giá 1,2 tỷ USD, tọa lạc tại quận Cầu Giấy của Hà Nội, với hợp đồng thuê đất trong thời gian 99 năm được công bố trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris hồi tháng 8/2021.
Thông điệp tới Trung Quốc
LS Khanh, hiện đang giảng dạy về luật dân sự ở Đại học Ottawa của Canada, cho rằng “cam kết của Hoa Kỳ ở Hà Nội thông qua khu phức hợp mới là về hợp tác chính trị, an ninh quốc phòng cũng như kinh tế cho thấy rằng người Mỹ sẽ không phải một sáng một chiều mà rời khỏi Việt Nam.”
“Họ đang chuẩn bị cho 50 năm và hơn thế nữa tại Việt Nam,” LS Khanh nói. “Đó là thông điệp chuyển thẳng tới Bắc Kinh rằng người Mỹ đã và đang tiếp tục đầu tư và có mặt ở tại đây.”
Từ quan điểm của Mỹ, Giáo sư Zachary Abuza, chuyên nghiên cứu về chính trị Đông Nam Á tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, cho rằng chuyến thăm của ông Blinken tới Hà Nội từ ngày 14 đến ngày 16 vừa qua là “thành công”.
“Hoa Kỳ rõ ràng vui mừng rằng cuối cùng thì họ cũng đã động thổ và bắt đầu (xây dựng) một đại sứ quán mới, vốn từ lâu (là một vấn đề) gây khó chịu trong mối quan hệ song phương (giữa hai nước),” GS Abuza nói với VOA.
Nói tại lễ động thổ hôm 15/4 tại Hà Nội, ông Blinken cho biết “đây là niềm vui đặc biệt, ngày tôi chờ đợi lâu rồi” kể từ khi ông còn là thứ trưởng ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama. Ông Blinken cho biết dự án đã được chuẩn bị trong nhiều năm và là “kết quả đỉnh cao” có được từ sự gắn kết của rất nhiều nhà ngoại giao Hoa Kỳ và Việt Nam.
Cũng tại sự kiện, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết dự án là nỗ lực được thực hiện trong nhiều năm qua của hai nước với sự tham gia tích cực của nhiều cơ quan. Dự án dự kiến sẽ tạo việc làm cho khoảng 1.800 lao động địa phương và đóng góp thêm 350 triệu USD cho nền kinh tế Việt Nam.
Trước khi ông Blinken tới Hà Nội, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink cho biết rằng dự án này “được mong đợi từ lâu” và sẽ là “một biểu tượng mới tuyệt đẹp về cam kết của Hoa Kỳ đối với quan hệ đối tác” với Việt Nam.
Theo GS Abuza, tác giả cuốn sách “Đổi mới chính trị ở Việt Nam đương đại” xuất bản năm 2001, ngoài sự kiện quan trọng trên, ông Blinken cũng đã nhận được lời khẳng định của Tổng bí thư Trọng nhận lời mời thăm Mỹ của Tổng thống Biden cũng như mời tổng thống đương nhiệm Mỹ tới thăm Hà Nội. GS Abuza cho rằng điều này có thể mở đường cho một cuộc gặp mặt giữa những người đứng đầu Nhà Trắng và người đứng đầu Đảng Cộng sản, mà ông gọi là một bước tiến “tích cực”.
Ông Trọng trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản đầu tiên tới thăm Nhà Trắng vào năm 2015 khi Tổng thống Obama tiếp đón ông tại Phòng Bầu dục. Chuyến thăm, mà cựu Đại sứ Mỹ tại Hà Nội cho là tạo dựng được lòng tin nhiều hơn từ phía chính quyền Cộng sản, đã khiến mối quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù gần gũi hơn.
Hợp tác song phương giữa hai nước phát triển trên nhiều mặt, đặc biệt về thương mại và an ninh quốc phòng. Thương mại hai chiều giữa hai nước đạt gần 140 tỷ USD khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và quốc gia Đông Nam Á này nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ.
Mỹ sắp tới sẽ cung cấp cho Việt Nam tàu tuần duyên thứ 3 nhằm giúp nâng cao năng lực an ninh hàng hải của quốc gia Đông Nam Á trên Biển Đông. Cả Mỹ và Việt Nam đều có chung những quan ngại mạnh mẽ về sự bành trướng của Trung Quốc trên vùng biển có nhiều tranh chấp. Mối quan tâm chung này được xem là yếu tố khiến Mỹ ngày càng coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
“Người Mỹ rõ ràng là đang tìm cách nuôi dưỡng quan hệ với lãnh đạo của Việt Nam và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước,” GS Abuza nói. “Hoa Kỳ thực sự muốn cho thấy rằng chúng tôi là một đối tác cam kết với sự phát triển và thịnh vượng kinh tế của Việt Nam.”
Hai chuyến thăm liên tiếp trong vòng một tháng của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Phó Tổng thống Harris hồi tháng 7 và tháng 8 năm 2021 cho thấy Washington muốn tăng cường mối quan hệ với Hà Nội như thế nào nhằm tăng cường sự hiện diện và sức mạnh trong khu vực, theo các nhà quan sát.
Nhưng các lãnh đạo Việt Nam khi đó không tỏ ra hồ hởi với lời đề nghị nâng cấp quan hệ của Phó Tổng thống Harris. Trong năm 2022, chuyến thăm được dự kiến của ông Blinken đến Việt Nam, được xem là nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Hà Nội đã bị hủy bỏ.
Yếu tố Nga
Trong thời gian đó, Việt Nam không có thái độ trung lập với cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, mà các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đã mạnh mẽ lên án cũng như cô lập Moscow. Giống như Trung Quốc, Việt Nam thậm chí bỏ phiếu chống lại việc loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Sau khi Ngoại trưởng Lavrov bất ngờ ghé thăm Việt Nam hồi tháng 7 năm ngoái, Ngoại trưởng Blinken đã hủy bỏ chuyến thăm đến Hà Nội. Cuộc điện đàm được dự kiến giữa Tổng thống Biden và Tổng bí thư Trọng cuối năm đó cũng đã không diễn ra như dự kiến.
Tuy nhiên, theo LS Khanh, Việt Nam, dù tránh lên án Nga, một đồng minh lâu năm và cung cấp phần lớn thiết bị quốc phòng cho Việt Nam, đã nhận thấy rằng họ phải mở rộng mối quan hệ với Mỹ hơn để tránh sự phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc, hai quốc gia đang ngày càng khăng khít trong bối cảnh cuộc xung đột Ukraine.
“Dù rằng Hà Nội vẫn còn giữ mối quan hệ tốt với Nga nhưng vấn đề là Nga càng ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn thì sẽ càng làm cho Hà Nội ở một thế càng bị lệ thuộc vào Trung Quốc hơn,” LS Khanh nói.
Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong giao thương hàng hóa giữa lúc các xung đột trên Biển Đông tăng cao giữa hai nước Cộng sản láng giềng. Việt Nam cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của mình, mặc dù hiện Nga vẫn là nhà cung cấp đến 80% thiết bị quốc phòng cho quốc gia Đông Nam Á.
Việc Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, người từng là thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, gần đây lên truyền hình nhà nước dự đoán về sự thua cuộc của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc chiến tranh với Ukraine, theo LS Khanh, cho thấy “Bộ Chính trị đã có sự chuyển hướng” dù trước đó Việt Nam từng bỏ phiếu trắng trong cuộc xung đột.
“Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc thì tất cả những vũ khí của Nga có thể bán cho Việt Nam là phải được sự đồng thuận của Trung Quốc,” LS Khanh nói. “Việt Nam sẽ không thể nào phụ thuộc vào trữ lượng vũ khí của Nga vì điều này ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.”
GS Abuza, người đang viết một cuốn sách về Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho biết rằng Sách Trắng Quốc phòng của Việt Nam năm 2019 cho thấy chính phủ Việt Nam nói rõ rằng việc đa dạng hóa nguồn cung vũ khí là “ưu tiên hàng đầu”.
“Từ năm 2019, Sách Trắng đã cho thấy việc Việt Nam phải dựa quá nhiều vào vũ khí của Nga và một điều rõ ràng là (Việt Nam) lo ngại người Nga ngày càng thân thiết với Trung Quốc,” GS Abuza nói. “Việt Nam rất lo ngại rằng Trung Quốc sẽ có thể ảnh hưởng đến nguồn cung vũ khí cho Hà Nội.”
Đó là lý do, theo GS Abuza, vì sao Việt Nam trong những năm qua, và đặc biệt kể từ khi Nga bị cô lập vì gây chiến ở Ukraine, đã quyết tâm xóa bỏ sự phụ thuộc nguồn cung vũ khí từ Nga. Theo vị giáo sư này, Hoa Kỳ vẫn đang miễn trừng phạt Việt Nam theo Đạo luật CAATS, đạo luật chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt áp cho những nước mua vũ khí của Nga, vì hiểu rằng Việt Nam đang tìm cách loại bỏ vũ khí Nga và cần thời gian để làm điều đó.
“(Hoa Kỳ) muốn quân đội của Việt Nam đủ mạnh trước những mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc hoặc chống lại Trung Quốc,” GS Abuza nói.
Việc Việt Nam chưa muốn nâng cấp quan hệ với Mỹ, theo các nhà quan sát, là vì Hà Nội không muốn làm Bắc Kinh nổi giận.
Tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong bài xã luận đưa ra sau khi ông Blinken rời Hà Nội, nhận định rằng mục đích của ngoại trưởng Mỹ rõ ràng là để “nhằm chia rẽ Trung Quốc và Việt Nam cũng như phần còn lại của khu vực.” Trước khi ông Blinken đến Hà Nội, nhà nghiên cứu kiêm phó giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế của Học viện Khoa học Xã hội Thượng hải Lý Khai Thịnh được tờ báo này trích dẫn nói rằng “Việt Nam không muốn đứng về phía nào trong trò chơi trính trị hiện nay, ý nói đến giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc, vì những mối lo ngại, trong đó có sự khác biệt về hệ thống chính trị giữa Washington và Hà Nội.
Nhưng cả LS Khanh và GS Abuza đều cho rằng việc có những tín hiệu tích cực và rõ ràng hơn từ các lãnh đạo Việt Nam khi Ngoại trưởng Blinken tới thăm Hà Nội cho thấy Việt Nam đang quyết tâm hơn để nâng cấp quan hệ.
Việc nâng cấp mối quan hệ, theo LS Khanh và GS Abuza, chỉ mang tính biểu tượng bởi họ đều cho rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã thực chất là chiến lược. Nhưng một sự chính thức đặt tên cho mối quan hệ ở tầm mức mà nhiều nước phương Tây khác đang có với Việt Nam, như Đức, Anh hay Úc, sẽ là một điều có lợi cho cả hai bên, theo hai nhà phân tích chính trị Việt Nam.
“Nhưng việc nâng cấp sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng tới Bắc Kinh rằng Việt Nam đang chọn một chính sách đối ngoại độc lập và không bị lệ thuộc vào Bắc Kinh, không khiếp sợ trước phản ứng của Bắc Kinh,” GS Abaza nói.
Theo LS Khanh, Mỹ cần một thắng lợi chính trị và ngoại giao ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi Trung Quốc ngày càng tăng cường sự ảnh hưởng trong khu vực và “việc nâng cấp mối quan hệ với Việt Nam đáp ứng được nhu cầu đó.”
LS Khanh cho rằng chuyến thăm của ông Blinken đã “mở đường cho việc nâng cấp (mối quan hệ) giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.”
Theo VOA