Nhiều tân ủy viên khóa mới đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị ĐCSVN phân công công tác mới ngay trước Tết Bính Thân.
Bổ nhiệm lãnh đạo của đảng và nhà nước phải tìm người có 'tài thao lược', theo tinh thần 'minh triết' Việt Nam, tuy nhiên trước hết Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải giải quyết vấn đề bỏ ngỏ về 'tính chính danh', theo một nhà phản biện từ Hà Nội.
Mới đây, ngay trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Bộ Chính trị do Tổng Bí thư tái đắc cử Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo, đã phân công bổ nhiệm vị trí công tác mới cho một loạt các tân ủy viên BCT, trong đó có các ông Đinh La Thăng làm Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Hoàng Trung Hải làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Võ Văn Thưởng làm Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng v.v...
Trao đổi với BBC nhân dịp này, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt Nam nêu quan điểm về việc phân công, phân bổ các nhân sự lãnh đạo mới của đảng nói chung:
Ngày xưa, bà Nguyễn Thị Bích Châu, một bà phi của Vua Trần Duệ Tông, để lại một áng văn 'Kê minh thập sách', tức là mười chính sách viết để dâng lên Triều Đình lúc gà gáy sáng. Chỉ riêng vấn đề này, bà khẳng định 'chọn Tướng, cốt người thao lược'... thì đấy là minh triết Việt NamÔng Nguyễn Khắc Mai
"Tôi thấy như thế này, không phải là họ không có ưu điểm gì, không có giá trị gì, họ có những ưu điểm, họ có những năng lực đấy của cá nhân, nhưng tài thao lược thì không có...
"Bởi vì người ta nhìn thấy mấy chục năm họ đã làm gì cho nền kinh tế Việt Nam để ngày càng tụt hậu xa, đến mức là giá trị lao động, đến mức là năng suất lao động còn thua kém xa những nước mà ngày xưa là mình hơn họ? Thì đã thấy điều đó rồi, chứ cần gì phải nói thêm".
'Kê minh thập sách'
Đề cập một kinh nghiệm về chọn người tài trong lịch sử dân tộc và gọi đây là 'minh triết Việt Nam', nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nói:
"Ngày xưa, bà Nguyễn Thị Bích Châu, là một bà phi của Vua Trần Duệ Tông, mà bây giờ trở thành một Thánh mẫu ở Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh)..., bà để lại một áng văn 'Kê minh thập sách', tức là mười chính sách viết để dâng lên Triều Đình lúc gà gáy sáng.
Về vấn đề 'tính chính danh' của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong lúc đề cập xu hướng quan hệ của Việt Nam với các cường quốc khu vực và quốc tế như Trung Quốc, Hoa Kỳ v.v... ra sao, ông Nguyễn Khắc Mai nói:
"Chúng ta sẽ có quan hệ với tất cả các dân tộc trên thế giới, nhưng người ta cũng đánh giá rằng quan hệ ấy không đến nơi, đến chốn, có hiến định mà không có luật định, chẳng qua họ nể mặt dân tộc Việt Nam thôi, rồi họ đành phải chấp nhận.
"Nhưng tôi cho rằng phải khẳng định hiến định và luật định của những nhân vật cầm quyền, lãnh đạo hiện nay. Bây giờ ai cho phép anh tự nhiên nhảy... lên và lãnh đạo một thành phố với tư cách là bí thư thành ủy, ai cho phép?
Những nhà chính sách, nhà lập chính sách kinh tế nếu dựa vào chuyện phát triển kinh tế thị trường, thì cứ phát triển kinh tế thị trường, quên đi cái vế gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa, thì như vậy đấy đã là hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam rồiKinh tế gia Tôn Thất Thông
"Chẳng có luật nào cho phép hết, chỉ có những chỉ thị, những văn bản của Đảng thôi, mà như thế quản trị một đất nước văn minh, văn hóa như thế, thì làm thế nào được?
"Dân trí bây giờ khác trước rồi, phải sửa đổi đi, phải nhanh chóng sửa đổi, còn nếu không, người dân người ta sẽ không chấp nhận tư cách của anh, dù anh là gì," ông Nguyễn Khắc Mai nói với BBC.
Phúc của dân tộc
Cũng về một khía cạnh chính sách quan yếu khác không kém gì so với vấn đề nhân sự, mới đây, một chuyên gia kinh tế người Việt Nam từ CHLB Đức cũng chia sẻ với BBC và góp ý với nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam nên thay đổi chính sách và sách lược, đặc biệt liên quan cụm từ "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Gọi việc thay đổi chính sách ấy, nếu được chấp nhận, là một niềm 'hạnh phúc của dân tộc', kinh tế gia Tôn Thất Thông nêu quan điểm:
"Mà kinh tế nhà nước áp đảo như vậy chúng ta đều thấy rồi, tất cả các nước trên thế giới đều bị phá sản bởi chính sách đó, thế thì nếu chúng ta vẫn tiếp tục đi theo như thế... và tất nhiên chúng ta không thể đòi hỏi là đảng cộng sản phải tuyên bố từ bỏ chuyện đó, nhưng mà không nên thực hiện nó. Chúng ta (Việt Nam) bây giờ cứ im lặng với nhau và chấp nhận với nhau như thế, thế là hai bên đều vui vẻ."
Và kinh tế gia nói này thêm:
"Nếu chúng ta âm thầm với nhau đồng ý để từ bỏ điều đó thì tôi gọi đó là một hành phúc lớn của dân tộc, nếu đằng sau Đảng Cộng sản chịu chấp nhận chuyện từ bỏ nó, chúng ta không đòi hỏi phải tuyên bố, nhưng mà sẽ chấp nhận.
"Bởi vậy cho nên những nhà chính sách, nhà lập chính sách kinh tế nếu dựa vào chuyện phát triển kinh tế thị trường, thì cứ phát triển kinh tế thị trường, quên đi cái vế gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa, thì như vậy đấy đã là hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam rồi," chuyên gia kinh tế Tôn Thất Thông từ CHLB Đức nói với BBC.