TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Công sở 2022 sẽ như thế nào?

Tình trạng phong tỏa vì dịch bệnh và sau đó là sức ép của cuộc bỏ việc quy mô lớn trong năm 2021 đã buộc công sở phải đổi mới sâu rộng hơn nữa để củng cố nhân lực, sau những đứt gãy trong năm 2020.

Những xu hướng sau đây đã được thúc đẩy mạnh hơn trong hai năm qua để trở thành chủ lưu trong năm 2022.

Ngày làm ở nhà, ngày ra công sở

Cuộc đại thử nghiệm với cả tỉ người toàn cầu phải làm ở nhà trong đại dịch đã khiến các nhà quản lý mới thừa nhận rằng nhân viên của họ có thể hoàn tất mọi công việc mà chẳng cần hiện diện ở văn phòng, đúng như câu châm ngôn “Laptop của tôi ở đâu thì văn phòng của tôi ở đó” (My office is where my laptop is) vào những năm 2000, khi bắt đầu có Internet băng thông rộng.

Nhưng các nhà quản lý lao động chỉ thực sự thay đổi quan điểm sâu sắc và thực hành sau khi diễn ra cuộc bỏ việc quy mô lớn (big quit hay great resignation) với đông đảo người lao động sau hàng tháng làm việc ở nhà đã nhận thức lại nhu cầu cuộc sống, mạnh dạn từ bỏ công việc hiện có để đi tìm công việc khác tốt hơn, linh hoạt và có thể làm từ xa.

Khảo sát được Hãng tư vấn McKinsey & Company công bố vào tháng 5-2021, dựa trên ý kiến 504 lãnh đạo cấp cao ở các doanh nghiệp lớn, cho thấy 52% “sếp bự” mong đợi sau đại dịch thì các nhân viên cốt lõi, ngoài thời gian làm việc ở nhà, sẽ trở lại văn phòng 4 ngày/tuần, 36% mong đợi ở mức 3 ngày/tuần và 12% mong đợi ở mức 2 ngày/tuần.

Mô hình làm việc kết hợp tại nhà và tại sở (hybrid work) cuối cùng đã nhanh chóng trở thành xu hướng và mạng xã hội về việc làm Linkedin từ tháng 9-2021 phải “bắt trend” và mở thêm tính năng lọc tìm việc “hybrid” cho người dùng. Tại Việt Nam, dạng công việc này vào cuối tháng 12-2021 có hơn 750 vị trí đang được đăng tuyển trên Linkedin, chủ yếu trong các ngành sáng tạo hay trong nhóm vị trí quản lý.

Cuộc sống mới rồi, làm phải thấy vui

Nhưng mô hình kết hợp mà người lao động đang ao ước cũng có sự phức tạp riêng của nó. Nếu các cấp quản lý có gia đình và phải di chuyển nhiều chọn làm việc từ xa, mà những nhân viên trẻ lại bám trụ ở văn phòng, thì lớp sau có thể sẽ thiếu cơ hội được hấp thụ văn hóa doanh nghiệp hay được hướng dẫn đào tạo sâu sát.

Mô hình làm việc mới cũng có thể làm giảm các tương tác thường ngày ở văn phòng, đôi khi đơn giản như là vài câu chuyện trò lúc nghỉ tay uống cà phê, vốn thường được xem là dịp để nảy ra các ý tưởng đột phá hay phát hiện hiền tài cho vị trí quản lý. Trong khi đó, phụ nữ - nhóm lao động đặc biệt thích mô hình làm việc kết hợp - có thể sẽ bị căng thẳng với tình trạng vừa phải xử lý công việc vừa phải cơm nước, giặt giũ, quét dọn…

Đó là một số lý do các nhà quản lý suốt đại dịch băn khoăn đến việc thay đổi văn hóa doanh nghiệp cho phù hợp với mô hình làm việc kết hợp mới đầy linh hoạt kia. Bill Schaninger, đồng tác giả quyển sách về quản lý doanh nghiệp Beyond Performance 2.0 (Không chỉ là hiệu suất 2.0), trong một phỏng vấn của chương trình McKinsey Talks Talent đã nhận xét: “Trước đây, nhiều dạng văn hóa doanh nghiệp đặt trọng tâm vào sự hoàn thành công việc, nhưng hai năm qua các doanh nghiệp đã chuyển hướng để tập trung trước hết vào người lao động”.

Tăng cường sự gắn bó giữa nhân viên với nhau, giữa các phòng ban với nhau và giữa người lao động với doanh nghiệp đã được các nhà quản lý bàn đến. Và còn hơn thế nữa: Khi nhận ra tỉ lệ trầm cảm và lo lắng tăng cao trong đại dịch - tại Mỹ là đến 40%, gấp bốn lần mức trước đại dịch - một số công ty chủ động cung cấp dịch vụ nâng cao sức khỏe tâm thần và trả lương cả cho những ngày nghỉ bất thường để “sạc pin”, trong đó có LinkedIn, Citigroup, Red Hat và SAP. Hơn 200 doanh nghiệp cùng với nhóm vận động Time's Up mới đây đã lập một liên minh để thúc đẩy các giải pháp chăm sóc người già và trẻ em.

 

60 bàn cho 100 nhân viên

Khi mô hình làm việc từ xa xuất hiện vào những năm 2000 và lượng nhân viên đến công sở hàng ngày giảm xuống, một số doanh nghiệp cũng đã giảm số bàn làm việc ở văn phòng, tiên phong áp dụng hình thức hotelling - vốn cho phép nhiều người thay phiên nhau sử dụng một chỗ làm việc thông qua hình thức đặt chỗ.

Vừa tối ưu hóa diện tích vừa tiết kiệm chi phí, văn phòng kiểu hotelling đang có điều kiện phổ biến hơn trước cùng với làn sóng làm việc từ xa kết hợp tại sở. Theo Amy Yin, nhà sáng lập Công ty OfficeTogether ở San Francisco chuyên cung cấp phần mềm đặt bàn làm việc, văn phòng hotelling ban đầu chỉ được thử nghiệm trong các công ty công nghệ ở San Francisco và New York, nhưng từ tháng 9-2021 kiểu văn phòng này bằt đầu được nhiều công ty Mỹ áp dụng và tìm mua phần mềm quản lý.

Tổng giám đốc của PMorgan Chase, ông Jamie Dimon, trong thư gửi cổ đông từ tháng 4-2021, đã viết: “Làm việc từ xa sẽ thay đổi cách chúng ta quản lý địa ốc… Kết quả là cho mỗi 100 nhân viên, chúng ta có lẽ chỉ cần khoảng 60 chỗ làm việc”. Tuy nhiên, với việc doanh nghiệp đang nỗ lực tăng cường sự gắn kết giữa các nhân viên với nhau, chuyên gia Bill Schaninger nhận định rằng hình thức hotelling sẽ được cải tiến theo hướng nguyên nhóm nhân viên sẽ đặt chỗ để đến công sở làm cùng nhau.

Trong khi đó, một số công ty đang hướng đến việc thu nhỏ trụ sở chính và tạo ra những “trạm làm việc” cho các nhân viên có nhà ở xa văn phòng chính. Nhà bán lẻ ngoài trời REI đang chuẩn bị có những bước tiến xa hơn: bán trụ sở ở thành phố Bellevue (bang Washington, Mỹ) để giảm chi phí và lập các văn phòng vệ tinh ở khắp vùng xung quanh.

Liệu khi đại dịch được dự đoán sẽ kết thúc vào cuối năm 2022 thì những điều tốt đẹp trong các xu hướng kể trong bài này có được giữ lại mãi? Joanne Lipman - tác giả quyển What Men and Women Need to Know About Working Together (Điều đàn ông và phụ nữ cần biết về cách làm việc cùng nhau) viết trên tạp chí Time: “Các công ty không thay đổi có lẽ rồi sẽ phải trả giá, mất nhân tài về những công ty đang cố gắng cải thiện môi trường làm việc”.

Vì bà mẹ và trẻ em

Việc nhiều lao động phải nghỉ việc để chăm sóc lũ con không được đến trường trong hai năm qua đã đặt các doanh nghiệp vào giữa hai lựa chọn: hỗ trợ việc trông trẻ để giữ chân lao động nữ và củng cố được nhân sự, hoặc để các bà mẹ nghỉ việc rồi mất chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động mới.

Lựa chọn thứ nhất cuối cùng đã trở thành ưu tiên của nhiều doanh nghiệp. Báo cáo ECE Executive Briefing do Phòng Thương mại Mỹ công bố cuối năm 2020 cho thấy đến 89% nhà sử dụng lao động nay đang tìm kiếm các giải pháp trông trẻ cho người lao động tuyến đầu.

Các sáng kiến hỗ trợ việc trông trẻ đa dạng chưa từng thấy. Công ty tư vấn quản lý Accenture hỗ trợ con em nhân viên tham gia các lớp học từ xa theo nhóm nhỏ chỉ với 5 USD/giờ. Microsoft, Facebook, Google và Home Depot cung cấp dịch vụ trông trẻ có trợ giá. Ngân hàng Bank of America bù lỗ phí trông trẻ cho nhân viên 75 - 100USD/ngày tùy mức lương. Công ty dịch vụ tài chính Synchrony Financial mở lớp dạy kèm miễn phí cho 3.700 con em nhân viên.

Đáng chú ý là mô hình hợp tác mở điểm trông trẻ gần hay ngay tại văn phòng và bao toàn bộ hoặc hỗ trợ một phần chi phí trông trẻ cho nhân viên đang được nhiều công ty Mỹ áp dụng. Các bà mẹ ủng hộ hết mình!

MAI MAI HƯƠNG - Theo Tuổi Trẻ

 

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness