“Làm việc từ xa” là từ khóa xuất hiện trong hầu hết tổng kết về bức tranh việc làm trong năm 2021, song không phải người lao động nào cũng có thể dễ dàng chuyển đổi và thích nghi.
Tuổi Trẻ Cuối Tuần tìm gặp những người trẻ, nghe họ kể những xáo động trong công việc vì COVID-19 trong năm qua và kỳ vọng trong năm mới.
Một đường về quê, nhiều lối rẽ
Trước khi TP.HCM giãn cách xã hội hồi tháng 6-2021, Trương Bá Tuấn (25 tuổi) đã trở về quê Rạch Giá (Kiên Giang). Ở quê, Tuấn gửi hồ sơ, phỏng vấn và được nhận vào làm nhân viên marketing từ xa cho một công ty bất động sản tại TP.HCM. Tất cả các khâu đều bằng hình thức trực tuyến, Tuấn nhận việc chính thức dù chưa một lần đặt chân đến trụ sở hay chạm mặt đồng nghiệp.
Tuấn kể gần như 100% các đầu việc đều thực hiện qua máy tính, từ họp hành, thảo luận đến chia sẻ tài liệu, cập nhật tiến độ. Sự kiện giới thiệu dự án cũng được chuyển sang hình thức trực tuyến, việc dẫn khách đến thăm các căn hộ được số hóa bằng trải nghiệm tham quan “ảo” qua những mô phỏng 3D trên Internet.
Sau gần nửa năm, Tuấn bắt đầu mê làm việc tại nhà - thoải mái hơn rất nhiều so với trong văn phòng, tránh được nhiều ánh nhìn quản lý của sếp hay đồng nghiệp và không gian dễ chịu sẽ giúp nảy ra nhiều ý tưởng. Tuấn dự tính: Nếu đã ngồi tại Kiên Giang có thể làm được việc ở TP.HCM, tại sao không thể làm online từ những đầu cầu khác như Đà Lạt hay Nha Trang, mỗi nơi một thời gian tùy sở thích, tâm trạng, cảm giác như được thay đổi văn phòng nhiều lần trong năm.
Trương Bá Tuấn thích làm việc online từ bất cứ đâu. Ảnh NVCC
Mai Thị Tâm (24 tuổi) đang làm trong bộ phận tư vấn tuyển sinh tại Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) thì xin nghỉ, về Bà Rịa - Vũng Tàu. Vất vả lắm Tâm mới xin được một đầu việc đúng chuyên ngành tại văn phòng một cơ quan quản lý nhà nước trong tỉnh. Gắn bó với khu vực công ngay mùa dịch, Tâm nhiều lúc choáng váng với cường độ làm việc khá nặng nề, không nhàn hạ như mọi người vẫn nghĩ. Các cuộc họp lên kế sách phòng chống COVID-19 diễn ra bất ngờ, có khi đến nửa đêm.
Theo các chuyên gia, do COVID-19 mà nhiều lao động như Tâm có thể cơ hội thay đổi môi trường làm việc để trải nghiệm, biết mình thật sự hợp với điều gì, có nhất thiết phải đến ở một đô thị lớn như TP.HCM hay vẫn có thể lập nghiệp trên mảnh đất quê hương. Điều này sẽ tạo ra xu hướng dịch chuyển lao động đa chiều và với tốc độ nhanh chóng giữa các địa phương trong thời gian tới, không chỉ từ các tỉnh về TP.HCM mà cả ngược lại.
Nhưng điều đó không dành cho tất cả. Lâm Quý Long (22 tuổi) bỏ việc làm thợ cơ khí ở Q.9 (TP.HCM) để trở về quê hương Sóc Trăng sau khi hết thời hạn cách ly tập trung vì là F1 vào đầu đợt bùng phát dịch. Về vì sợ nếu lỡ bị “bế đi” lần nữa sẽ không biết làm gì sống. Anh loay hoay gần 2 tháng chưa kiếm được việc, Sóc Trăng lại bắt đầu thực hiện lệnh giãn cách xã hội từ đầu tháng 8, thu nhập của Long gần như không có. Không muốn sống bám vào gia đình, Long trở lại TP.HCM xin việc hồi giữa tháng 10 và hiện là nhân viên bảo vệ ở TP Thủ Đức.
“5 đứa bạn về quê với tôi mấy tháng trước, giờ một đứa phụ nhà làm ruộng, một thằng theo ghe gạo, còn lại vẫn thất nghiệp. Các nhà máy hiện vẫn hạn chế tuyển công nhân nên càng thêm khó. Tôi nghĩ rằng rồi họ cũng sẽ lên lại các thành phố lớn. Trước đây, họ không thể tìm được việc ở quê nên mới tha hương, giờ vì dịch mà về lại nhưng họ cũng sẽ nhận ra tìm việc ở quê vẫn không dễ gì” - Long nói.
Quay về những mong muốn cơ bản
Những người không phải rời thành phố về quê thì đối mặt những vấn đề khác. Trong nửa đầu năm 2021, Vũ Thị Yến Nhi (24 tuổi, TP.HCM) đã gặp nhiều rắc rối khi là nhân viên truyền thông cho một công ty dược ở TP.HCM. Tưởng lĩnh vực dược sẽ có nhiều sức bật trong mùa dịch, Nhi bất ngờ hay tin công ty tự ý cắt giảm thu nhập tới 25%, lại thêm chậm trả lương mà không hề thông báo trước. Khi gửi đơn nghỉ việc, Nhi “té ngửa” vì công ty cũng chưa đóng bảo hiểm xã hội cho mình, do vậy không thể nhận được các khoản tiền quyền lợi theo quy định. Nhi phải tốn nhiều thời gian thưa kiện, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Sau biến cố ấy, Nhi nhận ra mình chỉ cần một công việc đáp ứng được những đòi hỏi cơ bản nhất. Không cần công ty hứa hẹn sẽ thưởng lớn, sẽ cho đi du lịch vài lần trong năm… mà chỉ cần trả lương đúng hạn, được đóng bảo hiểm xã hội.
Nhi giờ là nhân viên tại Viện đào tạo quốc tế tại 1 trường đại học ở TP.HCM. Suốt mấy tháng giãn cách, cô cùng đồng nghiệp trong nhóm truyền thông giải quyết khối lượng công việc cực lớn mà gần như chưa từng gặp mặt trực tiếp nhau. Hiện tại cơ quan của Nhi cho làm việc đan xen, trong đó 30% nhân sự sẽ có mặt ở văn phòng và 70% làm tại nhà, phân chia mỗi người lên cơ quan khoảng 2 buổi/tuần. Cách làm việc trên cho Nhi thêm thời gian làm việc tại gia để vừa chu toàn công việc, vừa tận hưởng cuộc sống.
Vũ Thị Yến Nhi khi đến văn phòng làm việc theo hình thức kết hợp. Ảnh NVCC
Nguyễn Thị Tuyết Nhung (24 tuổi), hiện là nhân viên tư vấn khách hàng cho một doanh nghiệp công nghệ tại TP Đà Nẵng, cảm nhận rõ công ty đang có xu hướng cắt giảm nhân sự nhưng lại giao thêm công việc cho các nhân viên. Tuy nhiên, cô vẫn thấy may mắn vì vẫn có việc làm, có thu nhập, nên dù làm việc không đúng chuyên môn (chuyên ngành tiếng Anh) hay quá tải vẫn sẵn lòng gánh vác.
Để sẵn sàng thích ứng với các biến động, Nhung học thêm một khóa về kiểm nghiệm phần mềm (tester) dẫu xuất phát điểm không phải là dân kỹ thuật. “Đại dịch trong tương lai có khó lường, nhưng xu hướng công nghệ thông tin vẫn diễn ra mạnh mẽ. Khi bạn có thêm một công việc trong lĩnh vực công nghệ, khả năng chống chịu của bạn cũng sẽ tốt hơn” - Nhung nói.
TRỌNG NHÂN - Theo Tuổi Trẻ