TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

‘Đại gia’ đất Nam Kỳ: Ông Huyện Sỹ - Người giàu nhất Đông Dương một thuở

Cuối thế kỷ 19, dân gian truyền nhau câu nói về “tứ đại phú hộ”giàu nhất Việt Nam, thậm chí cả Đông Dương lúc bấy giờ bao gồm nhất Sỹ,nhì Phương, tam Xường, tứ Định.

‘Đại gia’ Nam kỳ - Bài 1: Hội đồng Trạch - nhiều đất nhất Đông Dương Cuộc đời trắc trở của hai hoàng hậu triều Nguyễn

Tuy nhiên, người thứ tư có nhiều thay đổi, có lúc là tứ Hỏa (tức chú Hỏa - Hui Bon Hoa), có lúc là tứ Bưởi (ông Bạch Thái Bưởi). Riêng người đứng đầu là ông Huyện Sỹ không bao giờ thay đổi.

Ông Huyện Sỹ tên thật là Lê Nhứt Sỹ, sinh năm 1841, vốn quê quán ở Long An và là một gia đình theo đạo Công giáo, ông có tên thánh là Philippe. Thấy ông thông minh, lanh lợi nên các cha người Pháp đưa ông sang học ở Malaysia, nơi ông học thêm nhiều ngôn ngữ khác bên cạnh chữ quốc ngữ. Do thầy dạy cũng có tên Sỹ nên theo truyền thống Nho giáo tôn trọng “quân, sư, phụ”, ông được đổi tên là Lê Phát Đạt, cái tên mong muốn cuộc đời được phát đạt và không ngờ ứng với cuộc đời ông sau này. Khi về nước, do giỏi tiếng Pháp nên ông được gọi làm thông ngôn và tới năm 1880 được chính phủ Nam Kỳ bổ nhiệm làm hội đồng quản hạt Nam Kỳ.

Mặc dù đã đổi tên là Lê Phát Đạt nhưng dân gian vẫn gọi ông theo tên cũ là Huyện Sỹ.

Có chí làm quan, có gan làm giàu

Cơ may của ông đến nhờ làm việc cho người Pháp. Khi Pháp đưa quân vào đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa như của Thủ Khoa Huân, tình hình loạn lạc, dân chúng sợ quân Pháp nên bỏ chạy tứ tán. Pháp chiêu dụ cách mấy vẫn không có mấy người trở lại hoặc đứng ra nhận ruộng đất, thành ra ruộng đất bỏ hoang rất nhiều, được xem là đất vô thừa nhận. Người Pháp bèn tổ chức phát mại ruộng đất này nhưng không ai mua. Giá phát mại hạ xuống rất thấp, có lúc chỉ bằng 1% giá trị ban đầu mà vẫn không có người mua, vì người ta sợ Pháp và sợ sau này bị triều đình bắt tội. Bất đắc dĩ, chính quyền Pháp bèn vận động những người Việt đang làm việc phải mua đất để làm gương cho người dân mua theo.

Ông Huyện Sỹ lúc đó dành được một số tiền khá lớn, dự định mua ít nhà phố ở Sài Gòn để cho thuê. Nhân việc này ông đánh liều lấy tiền mua một số thửa đất có địa thế tốt và thuê người gieo trồng thử. Không ngờ năm đó mưa thuận gió hòa, lúa lên xanh tốt. Không cần đợi đến cuối mùa, nhận thấy lợi ích từ đầu tư vào ruộng lúa rất lớn, là người quảng giao, ông Huyện Sỹ lập tức đi vay mượn tiền của bạn bè để mua đất tiếp, mấy năm trúng mùa liên tiếp khiến tài sản ông tăng đến chóng mặt, hầu như ruộng đất khu vực Tân An, Đức Hòa, Đức Huệ đều về tay ông. Khi ruộng lúa bão hòa, lại nhận thấy xu hướng Sài Gòn sẽ sớm gia tăng dân số, mở rộng thành phố, ông lấy lợi nhuận từ lúa để mua hàng loạt khu đất rộng lớn mênh mông sát với thành phố như vùng Gò Vấp (lúc đó chỉ là đất hoang ngoại thành) để cho thuê xưởng, nhà máy, cất nhà cho thuê… Không có số liệu được ghi lại nhưng người ta ước tính chỉ riêng nhà cho thuê, ông Huyện Sỹ đã có tới hàng ngàn căn.

Như vậy, có thể nói phần lớn thành công của ông Huyện Sỹ là nhờ may mắn đã song hành nhưng cũng không thể phủ nhận được cái gan, cái liều và sự nhìn xa trông rộng của ông đã góp phần đưa ông lên thành phú hộ hàng đầu Việt Nam và Đông Dương.

Hai pho tượng ông bà Huyện Sỹ như nằm ngủ trên hai ngôi mộ. Ảnh: PTG
Hai pho tượng ông bà Huyện Sỹ như nằm ngủ trên hai ngôi mộ. Ảnh: PTG

Sống cần kiệm và làm việc thiện

Là một người được học hành tử tế và bản thân có lẽ cũng hiểu việc giàu lên của mình cũng có sự mất mát, thiệt thòi của người khác nên ông Huyện Sỹ có cách hành xử đặc biệt. Không giống nhiều phú hộ giàu xổi khác, ông treo trong nhà hai câu đối:

Cần dữ kiệm, trị gia thượng sách/ Nhẫn nhi hòa, xử thế lương đồ

Tạm dịch: Trong gia đình phải chăm chỉ và tiết kiệm/ Xử thế với người ngoài phải hòa hoãn và nhẫn nhịn.

Ông không xây dinh thự quá to lớn, ông cũng không tiêu xài xa xỉ. Các con ông đều được cho đi du học nước ngoài, khi về ông giao cho ruộng đất để kinh doanh tiếp bước gia đình. Trong các con của ông Huyện Sỹ, người con trưởng Denis Lê Phát An được ông giao cho vùng đất Hạnh Thông ở Gò Vấp và ông An đã góp phần làm cơ ngơi này ngày càng phát triển.

Các người con còn lại như Lê Thị Bính, Lê Phát Thanh, Lê Phát Vĩnh, Lê Phát Tân đều được chia đất đai và trở thành các đại điền chủ nhiều ruộng đất ở Long An, Đồng Tháp Mười…

Ông Huyện Sỹ đã bỏ tiền để xây dựng nhà thờ Chợ Đũi (sau gọi là nhà thờ Huyện Sỹ), số tiền bỏ ra rất lớn, tương truyền bằng 1/7 gia sản của ông. Sau khi hiến tặng sáu mẫu đất để xây nhà thờ Chí Hòa nhưng giáo xứ không có tiền xây, ông Huyện Sỹ đã cắt bớt một gian công trình nhà thờ Chợ Đũi rồi thêm tiền hiến tặng đó xây nhà thờ Chí Hòa.

Noi gương ông, người con trai Denis Lê Phát An cũng đã hiến tặng tiền để xây nhà thờ Hạnh Thông Tây thay cho ngôi nhà thờ nhỏ cũ kỹ và dột nát.

Một dòng họ vinh quang tột đỉnh

Người con gái thứ của ông Huyện Sỹ là Lê Thị Bính đã kết hôn với ông Nguyễn Hữu Hào, một đại điền chủ người Gò Công. Đến năm 1914, bà hạ sinh một người con gái, đặt tên là Marie-Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, đến năm 12 tuổi gia đình cho cô Lan sang Pháp học, đến năm 1932 sau khi tốt nghiệp tú tài mới về nước. Một thời gian sau, khi đang ở Đà Lạt, cô Lan được cậu Lê Phát An gọi đến dự tiệc và ra mắt với vua Bảo Đại, cuộc gặp đó dẫn đến tình cảm phát sinh giữa hai người.

Trong hồi ký Con rồng Việt Nam, vua Bảo Đại kể lại rằng đây là cuộc hôn nhân sóng gió vì ông bị triều thần phản đối, lý do Bảo Đại theo đạo Phật còn cô Lan theo đạo Công giáo lại mang quốc tịch Pháp. Khi Bảo Đại cầu hôn, gia đình cô Lan đưa ra những điều kiện như cô Lan phải được tấn phong hoàng hậu, ngoài ra còn phải được tòa thánh cho phép đặc biệt, ai giữ đạo nấy nhưng con cái sinh ra đều chịu phép rửa tội và giữ đạo giáo luật.

Ngay sau hôn lễ, cô Nguyễn Hữu Thị Lan đã được tấn phong hoàng hậu với tước vị Nam Phương hoàng hậu. Đây là một biệt lệ đối với các chánh cung trong triều Nguyễn vì cả mười hai đời vua nhà Nguyễn trước đó, các bà chánh cung chỉ được phong tước hoàng quý phi, chỉ đến khi qua đời mới được truy phong hoàng hậu.

Tương truyền ông bà Nguyễn Hữu Hào đã tặng của hồi môn cho con gái về nhà chồng là một triệu đồng bạc Đông Dương, tương đương 20.000 lượng vàng. Người ta cũng đồn đại rằng vua Bảo Đại sau đó tha hồ ăn chơi du hí là nhờ tiền vợ. Ông còn mang tiếng là vua mà ngân khố chẳng có bao nhiêu để tiêu xài.

Ông Denis Lê Phát An sau này được Bảo Đại phong tước vương (An Định Vương), là một tước hiệu cao quý nhất xưa nay chỉ phong tặng cho những người thuộc tầng lớp hoàng tộc chứ không phải cho dân thường.

Một cõi an nhiên

Ông Huyện Sỹ mất năm 1900, lúc đó nhà thờ chưa xây xong, phải đến năm 1920 khi bà Huỳnh Thị Tài mất, lúc đó thi hài hai vợ chồng ông Huyện Sỹ mới được đưa vào an táng trong một gian phòng phía sau cung thánh tại nhà thờ Huyện Sỹ.

Được ngăn cách bên ngoài bởi một hàng rào sắt, phần mộ của hai vợ chồng nằm ở hai bên, theo phong cách cổ “nam tả, nữ hữu”. Công trình mộ toàn bộ bằng đá, chạm trổ công phu, có các phù điêu điển tích của chúa Giêsu rất sinh động. Mộ được đặt trong một khối đá cẩm thạch trắng, phía trên có tạc tượng hai vợ chồng đang nằm như ngủ. Ông Huyện Sỹ mặc áo dài đội khăn đóng, không để râu, hai tay đan lại đặt trước bụng. Bà Tài để đầu trần, tư thế cũng y như chồng. Cả hai pho tượng đều được tạc vô cùng mềm mại và sống động, những đường nét tinh tế trên từng nét mặt, thớ vải…

Ngoài hai pho tượng nằm an nghỉ, còn hai pho tượng chân dung ông bà Huyện Sỹ được đặt đối diện nhìn nhau, thần sắc tươi tỉnh. Ngôi mộ là một tuyệt tác về kiến trúc lẫn điêu khắc.

Linh mục Ernest Nguyễn Văn Hưởng, chánh xứ Chợ Đũi (nhà thờ Huyện Sỹ), cho biết khu mộ đã có nhiều thay đổi, trước đây hai bên khu mộ là hai gian phòng lễ nghi, sau này nhà thờ xây dựng bổ sung hành lang phía sau nên có thể đi vòng qua giữa hai gian cung thánh mà không cần đi ngang phòng mộ. Khu mộ luôn được nhà thờ chăm sóc kỹ càng để thể hiện lòng biết ơn với hai ông bà. Trong vài năm gần đây, ba lần các con cháu ông Huyện Sỹ từ nước ngoài về thăm mộ và đều tỏ ra vui mừng khi thấy mộ phần được giữ gìn và rất tự hào về truyền thống gia đình. Họ là những người cháu đời thứ ba, nhiều người đã lập gia đình với người nước ngoài và không nói được tiếng Việt. Có người cho biết gia cảnh họ cũng nghèo, không khá giả gì, khác hẳn với sự giàu có năm xưa của dòng tộc.

Theo PHẠM TRƯỜNG GIANG

Pháp luật TPHCM

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness