TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Điểm nhấn chính sách tiền tệ những tháng đầu năm 2021

Có thể thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành tiền tệ theo hướng nới lỏng kể từ đầu năm để hỗ trợ tăng trưởng, trong bối cảnh yếu tố vĩ mô tiếp tục gặp thuận lợi. Giữ bộ khung lãi suất điều hành không đổi so với cuối năm 2020 và tiếp tục duy trì các chính sách trợ giúp doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 có lẽ là những điểm nhấn quan trọng của chính sách tiền tệ các tháng đầu năm

Tỷ giá và lạm phát - hai biến số quan trọng có diễn biến thuận lợi

Điều hành chính sách tiền tệ luôn gắn liền với bối cảnh vĩ mô, vì vậy chúng ta sẽ điểm qua một vài yếu tố vĩ mô như một điều kiện cần thiết để NHNN đưa ra các quyết định về chính sách tiền tệ. Hai biến số quan trọng là lạm phát và tỷ giá đều có diễn biến tương đối thuận lợi trong bốn tháng đầu năm nay.

Lạm phát lũy kế bốn tháng đầu năm chỉ tăng 0,89% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 (theo công bố của Tổng cục Thống kê). Nhưng, có nhiều sức ép lên lạm phát năm nay, do hệ quả từ việc cung tiền mạnh của giới ngân hàng trung ương toàn cầu trong năm ngoái và sự hồi phục kinh tế và thương mại toàn cầu sau dịch đã kích thích tổng cầu, tạo áp lực tăng giá nhiều loại hàng hóa, điển hình như giá xăng, dầu, nông sản,... Song, do nền giá cả năm 2020 tại Việt Nam tương đối cao, nhất là hai quí đầu năm 2020, nên so với cùng kỳ, nền giá cả những tháng đầu năm 2021 không tăng đáng kể.

Những tháng đầu năm cho thấy những thuận lợi trong điều hành tiền tệ và chúng ta cũng thấy được sự linh hoạt của Nhà điều hành trong một chính sách tiền tệ đa mục tiêu.

Song những rủi ro từ tình hình tài chính quốc tế đang dần hiện hữu và có thể trở thành áp lực lớn cho chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm nay, điển hình là lạm phát, tín dụng tăng trở lại và những động thái “diều hâu” của Fed mà giới đầu tư đang dự đoán.

Với tỷ giá, diễn biến ổn định tiếp tục duy trì trong phần lớn thời gian từ đầu năm tới nay. Có thể nói việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì nới lỏng tiền tệ thông qua duy trì lãi suất mục tiêu cận 0% và mua vào trái phiếu 120 tỉ đô la Mỹ/tháng đã triệt tiêu đáng kể nhu cầu nắm giữ đô la Mỹ trên thế giới, cũng như tại Việt Nam và là một điều kiện tốt để tỷ giá Việt Nam tiếp tục ổn định.

Đi kèm với nó là nguồn cung đô la Mỹ chảy vào Việt Nam tiếp tục thặng dư trên cả cán cân thương mại và cán cân vốn, đã góp phần rất lớn vào việc ổn định tỷ giá.

Tỷ giá và lạm phát ổn định cũng cho thấy giá trị tiền đồng so với hàng hóa và ngoại tệ nhìn chung khá ổn định trong những tháng đầu năm. Đây là cơ sở vĩ mô thuận lợi để NHNN có thể điều hành tiền tệ theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế sau dịch, với những điểm nhấn đáng chú ý sau:

Lãi suất điều hành không thay đổi

Điểm nhấn đáng chú ý kể từ đầu năm tới nay là bộ công cụ lãi suất điều hành tiếp tục được NHNN giữ nguyên so với cuối năm 2020, bao gồm trần lãi suất huy động, cho vay, bộ lãi suất cho vay các ngân hàng thương mại trên thị trường mở, hay thông qua cửa chiết khấu.

Lãi suất điều hành luôn gửi gắm thông điệp về triển vọng kinh tế dưới góc độ của nhà điều hành tiền tệ. Không thay đổi lãi suất là xu hướng chung của các ngân hàng trung ương kể từ đầu năm, nhằm thúc đẩy tổng cầu trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn tới đà phục hồi tăng trưởng.

Với vai trò định hướng lãi suất liên ngân hàng (LNH), nghiệp vụ thị trường mở là kênh chủ đạo để NHNN điều tiết lãi suất này trong các năm qua, với hai công cụ là cho vay mua kỳ hạn giấy tờ có giá (repo) để bơm tiền và phát hành tín phiếu để hút tiền. Kể từ đầu năm, kênh repo luôn mở cửa khi các ngân hàng thương mại cần thanh khoản, trong khi kênh tín phiếu không phát hành mới.

Điều này cho thấy NHNN sẵn sàng cung ứng đầy đủ thanh khoản cho hệ thống và muốn duy trì lãi suất LNH ở mức thấp khi không thực hiện phát hành tín phiếu để hút bớt thanh khoản. Như vậy, thông qua việc sử dụng lãi suất điều hành cho thấy NHNN đang điều hành theo hướng nới lỏng.

Lãi suất LNH thường xuyên ở mức rất thấp kể từ đầu năm (ngoại trừ một vài ngày thanh khoản thiếu hụt bất thường, dẫn tới lãi suất tăng nóng). Điều này góp phần rất lớn để ngân hàng duy trì lãi suất huy động, cho vay ở mức hợp lý, nhằm kích thích nền kinh tế gia tăng sản xuất, đầu tư.

Mặt khác, lãi suất điều hành không thay đổi, trong khi lãi suất LNH duy trì ở mức thấp đã góp phần duy trì mặt bằng lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) ổn định ở mức thấp, trước sức ép rất lớn từ việc tăng cường phát hành TPCP nhằm phục vụ các kế hoạch chi ngân sách lớn như chi đầu tư phát triển với kế hoạch 477.300 tỉ đồng, chiếm 28,3% tổng chi ngân sách nhà nước (dự toán năm 2020 là 26,9%), tăng 6.700 tỉ đồng so dự toán năm 2020. Lợi suất TPCP ổn định ở mức thấp giúp cho Kho bạc Nhà nước huy động được nguồn vốn với chi phí hợp lý, tạo thuận lợi cho chính phủ trong việc mở rộng đầu tư công để kích thích tăng trưởng.

Như vậy, việc giữ nguyên bộ lãi suất điều hành ở mức thấp như cuối năm 2020 đã giúp duy trì môi trường lãi suất thấp trên cả thị trường 1 và thị trường 2, tạo lực đẩy cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cho đầu tư tư nhân và cả đầu tư công.

Tiếp tục cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

NHNN đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2-4-2021 về việc tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với thời hạn thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng đến ngày 31-12-2021. Như vậy, việc cơ cấu nợ trong năm 2020 tiếp tục được gia hạn đến hết năm 2021.

Việc giãn thời hạn trả nợ sẽ giúp doanh nghiệp ổn định về thanh khoản, song trên lý thuyết sẽ đẩy ngân hàng vào trạng thái thiếu thanh khoản, do cơ cấu nguồn vốn có phần lớn là nguồn tiền gửi, với tỷ trọng lớn từ tiền gửi ngắn hạn. Lưu ý rằng, phần diễn giải ở trên đề cập tới việc NHNN sẵn sàng cung ứng thanh khoản cho hệ thống khi thường trực mở cửa kênh cho vay trên thị trường mở. Thì kết hợp lại, ở một khía cạnh nào đó, NHNN đang gián tiếp đảm bảo thanh khoản cho doanh nghiệp thông qua hệ thống ngân hàng.

Ngưng mua ngoại tệ giao ngay và chuyển sang mua kỳ hạn ngoại tệ

Ngày 31-12-2020, NHNN chính thức ngừng hoạt động mua ngoại tệ giao ngay và tới ngày 4-1-2021, NHNN thông báo mua ngoại tệ kỳ hạn sáu tháng với các ngân hàng thương mại, với giá 23.125 đồng/đô la Mỹ. Việc chuyển sang hình thức mua kỳ hạn sáu tháng là để tránh khỏi tiêu chí thứ 3 trong số ba tiêu chí quy kết một quốc gia thao túng tỷ giá của Bộ Thương mại Mỹ.

Việc mua kỳ hạn ngoại tệ, nếu đúng như dự kiến, thì nửa cuối năm sẽ có lượng lớn ngoại tệ được NHNN mua vào, đi kèm một lượng lớn tiền đồng tương ứng quy đổi theo tỷ giá được bơm ra thị trường và sẽ là dư địa lớn để ổn định lãi suất LNH ở mức thấp.

Song việc thông báo mua ngoại tệ tại thời điểm tương lai cho thấy mục tiêu tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối của NHNN. Và có lẽ đây mới là mục tiêu hàng đầu trong chính sách tỷ giá này, bởi lẽ nó là nguồn lực quan trọng để NHNN bình ổn tỷ giá trong kỷ nguyên thắt chặt tiền tệ, với áp lực lớn lên tỷ giá từ việc Fed sẽ tăng lãi suất đô la Mỹ, vốn đang được dự báo sẽ đến trong tương lai gần, khi mà tăng trưởng toàn cầu phục hồi và lạm phát dự báo sẽ tăng nhanh.

Những tháng đầu năm cho thấy những thuận lợi trong điều hành tiền tệ và chúng ta cũng thấy được sự linh hoạt của nhà điều hành trong một chính sách tiền tệ đa mục tiêu. Song những rủi ro từ tình hình tài chính quốc tế đang dần hiện hữu và có thể trở thành áp lực lớn cho chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm nay, điển hình là lạm phát, tín dụng tăng trở lại và những động thái “diều hâu” của Fed mà giới đầu tư đang dự đoán. Liệu rằng những thuận lợi về mặt vĩ mô những tháng cuối năm có còn được duy trì và áp lực nào cho chính sách tiền tệ thời gian tới? 

Phạm Minh - Theo TheSaigonTimes

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness