TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Đột phá vào 5 chữ C

TTCN - Các chuyên gia kinh tế cho rằng VN chỉ có thể đạt được mục tiêu vừa tăng tốc lại vừa cải thiện được chất lượng tăng trưởng khi đột phá thành công vào năm lĩnh vực trọng yếu: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Cải thiện cơ sở hạ tầng; Cải cách hành chính; Chấn hưng giáo dục; Chống tham nhũng, lãng phí.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế (CCKT)

Qua gần 20 năm đổi mới, CCKT của nước ta đã chuyển dịch đúng hướng (trong GDP công nghiệp chiếm 41,1%, dịch vụ 38,5%, nông nghiệp 20,4%). Xu hướng đó là tích cực, nhưng để nhắm đến một CCKT hiện đại theo tiêu chí một nước công nghiệp thì không phải cứ đề ra mục tiêu rồi “chế biến vo tròn” các con số (như không ít địa phương vẫn làm hiện nay) mà phải thật sự có sự chuyển dịch đồng bộ, cơ bản ở tất cả các lĩnh vực, các ngành của nền kinh tế.
Như ngành công nghiệp, phải làm sao vừa “kéo” được các dự án công nghiệp sử dụng nhiều lao động, nguyên liệu tại chỗ về các tỉnh, lại vừa chuyển từ công nghiệp thâm dụng lao động sang công nghiệp có công nghệ, hàm lượng chất xám cao và giá trị gia tăng lớn cho các đô thị lớn và các vùng kinh tế trọng điểm. Ngoài tăng cường đầu tư chiều sâu của từng doanh nghiệp (DN), đổi mới cơ cấu nguồn nhân lực..., cần điều chỉnh và cải thiện chất lượng qui hoạch, hệ thống chính sách và khẩn trương phát triển công nghiệp phụ trợ, nhất là các ngành dệt may, da giày, điện tử, ôtô, đóng tàu... để chuyển từ gia công, lắp ráp sang sản xuất hoàn chỉnh sản phẩm công nghiệp thương hiệu VN.

Chuyển dịch CCKT cũng đòi hỏi phải nhanh chóng mở rộng lĩnh vực dịch vụ, đa dạng hóa loại hình DN, theo đó cả hai “chân” là thành lập DN (dân doanh) mới và cổ phần hóa DN nhà nước đều phải bước nhanh hơn. Và nội bộ từng DN cũng phải chuyển dịch CCKT theo xu hướng đa dạng sở hữu, sản phẩm dịch vụ và mở rộng thị trường.

Chuyển dịch CCKT cần bắt đầu ngay từ khâu qui hoạch và chính sách phân bố đầu tư ở cấp vĩ mô, để không lặp lại tình trạng tỉnh nào cũng cân đối lương thực tại chỗ, có nhà máy ximăng, nhà máy đường (như trước đây) hay cũng xin có trường đại học, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, du lịch sinh thái, cảng biển, sân bay... (như hiện nay). Các chính sách khuyến khích đầu tư, điều tiết ngân sách... phải thống nhất trên cơ sở tiềm năng thế mạnh so sánh của mỗi vùng, địa phương, lấy yếu tố hiệu quả kinh tế - xã hội làm căn cứ hàng đầu.

Cải thiện cơ sở hạ tầng (CSHT) kỹ thuật

CSHT yếu kém cản trở phát triển. Trong khi đó, việc đầu tư cho CSHT của chúng ta lại đang mang đủ các biểu hiện kém cỏi, lạc hậu vì manh mún, phân tán, kém chất lượng và đặc biệt là rất lãng phí, kém hiệu quả. Vì thế mới có tình trạng càng đầu tư chống ngập thì lại càng ngập lụt; đầu tư cho ngành giao thông chiếm tỉ trọng rất cao trong tổng nguồn vốn chung nhưng ách tắc và tai nạn vẫn gia tăng...

Trong khi đó, sự tăng tiến (về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận) của các ngành điện lực, viễn thông, cấp nước lại dẫn tới mâu thuẫn làm xuống cấp trầm trọng, nhếch nhác hóa bộ mặt đô thị. Đã đến lúc bức thiết phải đổi mới qui hoạch, phương thức, giải pháp đầu tư xây dựng CSHT, nhất là CSHT đô thị và giao thông.

Để cải thiện, tăng cường CSHT, việc tìm nguồn vốn đầu tư là cần thiết (và khó khăn) nhưng thay đổi cách nghĩ, cách làm mới là quan trọng số một. Như làm đường đô thị chẳng hạn, nếu chúng ta không khẩn trương chuyển từ kiểu để mỗi ngành điện, viễn thông, cấp thoát nước... tự đào riêng một hào rãnh của mình như hiện nay bằng phương thức (mà thế giới đã làm từ lâu) là xây dựng một hào rãnh kỹ thuật chung cho tất cả các công trình ngầm.

Cải cách hành chính (CCHC)

Sự trì trệ của bộ máy và rối rắm của thủ tục hành chính làm ảnh hưởng xấu đến tốc độ phát triển. CCHC dù được xem là một nhiệm vụ trọng tâm nhưng giữa chủ trương và thực tế còn có khoảng cách lớn. Chính phủ đã quyết định trong năm 2005 sẽ thực hiện qui chế “một cửa” ở toàn bộ cấp phường xã, tổ chức thanh tra công vụ... nhưng vẫn đáng lo, vì đến nay mới có 67% số bộ - ngành và 80% số tỉnh thành xây dựng và ban hành kế hoạch CCHC 2004 - 2005. Đã có những giải pháp. Tuy nhiên, mọi giải pháp cần bắt đầu từ sự dũng cảm nhìn nhận sự thật: yếu kém của bộ máy hành chính là yếu về năng lực nghiệp vụ, thiếu trách nhiệm và thiếu cái tâm phục vụ nhân dân của những người được coi là công bộc của dân.

Căn bệnh đã được phát hiện, vấn đề còn lại là chữa bệnh và có dùng đúng thuốc đặc trị căn bệnh kinh niên này hay không!

Chấn hưng giáo dục (CHGD)

Vượt lên ý nghĩa cải cách thông thường, CHGD đòi hỏi sự thống nhất về hệ thống quan điểm, nhận thức và có các giải pháp đồng bộ, toàn diện, mang tính cách mạng nhằm tìm ra lời giải tối ưu cho hàng loạt vấn đề nóng bỏng của GD-ĐT: chương trình nội dung, chế độ chính sách, đào tạo đại học và sau đại học, chế độ thi cử - xét tuyển, thực hiện xã hội hóa và quốc tế hóa... Mục tiêu cao nhất của CHGD là phải nhanh chóng nâng cao chất lượng, hiệu quả của GD-ĐT, rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chống tham nhũng, lãng phí (CTNLP)

Có lẽ chưa bao giờ tham nhũng, lãng phí được nhìn nhận tương đối thẳng thắn và thống nhất như hiện nay. Như vậy, mục tiêu, chủ trương và cả đối tượng cần CTNLP cũng đã có, vấn đề đặt ra là sẽ chống như thế nào cho có hiệu quả. Năm 2005 được xác định là năm chống thất thoát lãng phí, thực hành tiết kiệm; cùng với việc sẽ nâng pháp lệnh CTNLP lên thành luật, thiết nghĩ cần cụ thể hóa một cách khả thi chủ trương vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia tích cực và có hiệu quả vào cuộc đấu tranh nội bộ đầy cam go, khó khăn này. 

NGUYỄN VĂN HÙNG

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness