Từ mức GDP bình quân chỉ 100 USD hơn 30 năm trước, Việt Nam giờ là nước có thu nhập trung bình thấp với gần 2.000 USD cho mỗi người dân.
Dấu hiệu phát triển kinh tế tại Việt Nam có thể thấy rất rõ nếu nhìn quang cảnh tại TP HCM. Tòa tháp Vietcombank đang xây tại đây đã gần hoàn thành. Công trình này được thiết kế bởi hãng kiến trúc nổi tiếng - Pelli Clarke Pelli, cách không xa tòa nhà cao nhất thành phố - Bitexco.
Đánh giá qua số liệu kinh tế ngắn hạn là chuyện rất đơn giản. Nhưng thi thoảng, nhìn dài hạn cũng khá hữu dụng. Như với trường hợp của Việt Nam là vài thập kỷ chẳng hạn.
30 năm trước, Việt Nam là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Ngày nay, đây là nước có thu nhập trung bình thấp. Công cuộc Đổi Mới năm 1986 đã được thực hiện để đưa Việt Nam phát triển kinh tế theo định hướng thị trường.
|
Các tòa nhà chọc trời tại TP HCM là minh chứng cho sự phát triển của Việt Nam. Ảnh:Bloomberg
|
Khách du lịch đến Việt Nam, đặc biệt là khách từ phương Tây, thường ngạc nhiên với các tòa tháp văn phòng, các cửa hàng thời trang cao cấp và đường phố đông đúc. Ấn tượng của họ chỉ dừng lại ở những hình ảnh phát trên TV từ thập niên 60, 70... với chiến tranh và những vùng nông thôn nghèo đói.
Forbes nhận định Việt Nam đã thực sự đi lên. Năm 1986, thu nhập bình quân tại đây chỉ quanh 100 USD một năm. Tuy nhiên, con số này hiện là gần 2.000 USD. Ở các thành thị, số liệu này còn cao gấp đôi.
Cũng như các nước khác, Việt Nam chịu tác động từ khủng hoảng kinh tế 2008. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP tại đây nửa đầu năm trước vẫn đạt 6,3%, tương đương trung bình những năm 2000. Sau vài năm vật lộn với lạm phát tăng, CPI tháng 8/2015 chỉ tăng 0,6%, so với 4,3% cùng kỳ năm trước đó.
Động cơ tăng trưởng tại đất nước 94 triệu dân này là dân số trẻ. Theo số liệu năm 2014, hơn 40% dân số Việt Nam dưới 25 tuổi.
Khả năng kết nối với thế giới của người Việt cũng đáng kinh ngạc. Các quán café, nhà hàng, quán bar đều có wifi miễn phí cho khách hàng. Tỷ lệ sở hữu smartphone cũng đang bùng nổ. Nghiên cứu Khách hàng Kết nối toàn cầu (GCCS) của TNS năm 2014 chỉ ra 40% dân số Việt Nam tiếp cận Internet hàng ngày. Và tỷ lệ sở hữu smartphone tại đây là 25%.
Dĩ nhiên, trong quá trình phát triển, Việt Nam cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Bất bình đẳng thu nhập đang tăng lên. Tỷ lệ nghèo đói tại các vùng dân tộc thiểu số vẫn khó giảm. Tham nhũng, quan liêu và luật kinh doanh, sở hữu đất vẫn là vấn đề chưa được giải quyết. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) về độ dễ dàng kinh doanh, Việt Nam hiện đứng thứ 90 trong số 189 quốc gia được khảo sát.
Dù vậy, bất chấp các thách thức, triển vọng kinh tế tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều điểm tích cực. Nếu nhìn vào tình hình 30 năm trước, có thể kết luận đây là câu chuyện thành công rất lặng lẽ tại châu Á.
Hà Thu (theo Forbes)