LTS: Tính đến năm 2016, khi Đảng ta tiến hành Đại hội lần thứ XII, công cuộc đổi mới toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ở nước ta do Đảng khởi xướng, lãnh đạo và tổ chức thực hiện đã trải qua một chặng đường dài 30 năm. 30 năm với 6 kỳ đại hội, từ thực tiễn sinh động, phong phú ở mỗi địa phương, ở mỗi thời kỳ, và từ những kết quả quan trọng trên từng lĩnh vực, Đảng ta đã nỗ lực cụ thể hóa, bổ sung và điều chỉnh nhiều vấn đề hệ trọng đi từ nhận thức đến chủ trương, biện pháp để phát triển và hoàn thiện đường lối cách mạng tiến lên theo con đường XHCN. Qua đó, Đảng đã từng bước trưởng thành về tư duy lý luận, nâng cao tiềm lực tư tưởng, trí tuệ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và bản lĩnh chính trị của một Đảng cách mạng chân chính, có trọng trách lãnh đạo Nhà nước và xã hội với tư cách là một Đảng cầm quyền.
Từ số báo này, Báo SGGP trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài: “30 năm đổi mới - Từ thực tiễn đến lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”. Qua đó, đặt ra những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn từ những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 30 năm đổi mới, nhằm góp ý, kiến nghị bổ sung cho dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng lần thứ XII.
Xuất phát từ thực tiễn ở TPHCM và một số địa phương khu vực phía Nam từ trước, trong và sau những năm đổi mới, Đảng ta đã có những đúc kết và khẳng định sức sống của nền sản xuất hàng hóa nhiều thành phần đã minh chứng một chân lý: Nền sản xuất hàng hóa với nhiều thành phần kinh tế là con đường để giải phóng lực lượng sản xuất ở nước ta, trong điều kiện của một nước nông nghiệp lạc hậu tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa. Và trong nhiều năm qua, sự đóng góp của TPHCM vào quá trình hình thành và hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN càng được làm sáng rõ hơn với những mô hình thí điểm được áp dụng trong thực tế…
Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ V
Vận dụng đường lối, chính sách vào thực tiễn
Đồng chí Trần Trọng Tân (nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM), cách đây hơn 2 năm, lúc sinh thời, ông đã có lần trao đổi với chúng tôi rất sâu, rất tường tận về giai đoạn đất nước ta từ sự đổi mới tư duy về thời kỳ quá độ đi lên CNXH, chuyển đổi từng bước nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, mà kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn ở TPHCM với các chính sách tập trung giải phóng lực lượng sản xuất. Ông nói, ngay như Nghị quyết Đại hội VI lúc bấy giờ cũng chưa đánh giá hết được tiềm năng và sức sản xuất khi lực lượng sản xuất được giải phóng, nên chỉ xác định mục tiêu của thời kỳ đầu đổi mới, giai đoạn 1986-1990, là: “Sản xuất đủ tiêu dùng và có tích lũy”.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
“Năm 2002, kinh tế khu vực nhà nước ở TPHCM đóng góp vào GDP chiếm 38%, 10 năm sau (2012) giảm chỉ còn 18%. Trong khi đó, nếu năm 2002 khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 17,5% vào GDP, thì 10 năm sau (2012) đã tăng lên 50%. Từ nhiều năm nay, TPHCM đã xác định kinh tế khu vực tư nhân đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường và nó trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước”.
Nguồn: Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Trên thực tế, ở trước giai đoạn này, tại TPHCM, các thành phần kinh tế đã “bung ra” dưới các hình thức công ty hợp doanh, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác sản xuất… Các thành phần kinh tế này nhanh chóng hình thành cơ cấu kinh tế khá hợp lý và chỉ sau một thời gian ngắn đã tạo ra được cơ cấu các ngành phù hợp với tính quy luật về sự phát triển các ngành sản xuất vật chất. Quy luật thị trường cũng từ đây được hình thành, từng bước đảm nhận vai trò phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển theo yêu cầu xã hội. Nhiều doanh nghiệp (DN) khu vực ngoài quốc doanh có quy mô lớn về vốn đầu tư, lao động, ngành nghề của những năm đầu đổi mới ở TPHCM được biết đến như Giày Bitis, Dệt Thái Tuấn, Thực phẩm Kinh Đô…, góp phần hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Việc vận dụng đường lối đổi mới kinh tế ở TPHCM thời kỳ này đã kích thích, huy động lực lượng vật chất xã hội rất lớn và hình thành những ngành mới sản xuất ra nhiều hàng hóa với số lượng, chủng loại phong phú, không chỉ “đủ tiêu dùng và có tích lũy” như Nghị quyết Đại hội VI đặt ra, mà bắt đầu xuất khẩu đi một số nước trong khu vực, thu về ngoại tệ để nhập máy móc, thiết bị, vật tư phát triển các ngành và lĩnh vực kinh tế đang có động lực phát triển rất lớn lúc bấy giờ. Không những thế, thành tựu đầu tiên của công cuộc đổi mới về kinh tế ở Việt Nam - bắt đầu từ TPHCM, đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trong thực hiện các mục tiêu của ba chương trình kinh tế lớn là: Lương thực, thực phẩm; Hàng tiêu dùng; Hàng xuất khẩu.
Theo nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, từ nhiều năm qua các thế hệ lãnh đạo của TPHCM đã rất quan tâm, chú trọng đến phát triển các loại hình DN, nhất là ở khu vực tư nhân. Thành phố đã có nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, hạ tầng kỹ thuật, vốn đầu tư, lao động… để các DN tư nhân phát triển và trên thực tế khu vực này phát triển rất mạnh, làm cơ sở để Nhà nước ban hành các chính sách, hoàn thiện thể chế luật pháp theo định chế của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Cũng từ chủ trương vận dụng đường lối đổi mới kinh tế, Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ V đã xác định về cơ cấu thành phần kinh tế, phương hướng chung là khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, đồng thời sắp xếp, củng cố kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, thực hiện quản lý theo định hướng XHCN. Theo đồng chí Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TPHCM, tư duy và thực tiễn ở TPHCM về định hướng này đã được Đại hội VIII (năm 1996) và Đại hội IX của Đảng (năm 2001) phát triển lý luận từ nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, với cơ cấu thị trường theo thuộc tính của nó.
Những đóng góp của TPHCM
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Động thái phát triển nền kinh tế qua các giai đoạn ở TPHCM
- Giai đoạn 1986-1990: Mô hình kinh tế chủ yếu là nền sản xuất hàng hóa nhiều thành phần (tư duy về thị trường và quan hệ thị trường chưa được xác lập).
- Giai đoạn 1991-2000: Nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
- Giai đoạn từ năm 2001 đến nay: định hình của nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ IX đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn thực hiện đường lối đổi mới kinh tế sau 15 năm đã có những nhận định về vai trò của TPHCM với tư cách là trung tâm kinh tế lớn của đất nước - là nơi hình thành những nhân tố mới đóng góp vào quá trình hình thành và hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế thị trường ở nước ta. Trong đó, như tổng kết đánh giá của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM khóa VII lúc bấy giờ, được thể hiện trên 14 mô hình kinh tế tiêu biểu và sau đó trở thành chế định chung của cả nước.
Trước khi Quốc hội khóa VIII ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty (năm 1991) thì luật pháp nước ta chưa chế định các loại hình DN. Thế nhưng, từ năm 1989 - khi đường lối đổi mới kinh tế ở nước ta đã định hình và đang vận hành với những mô hình kinh tế của TPHCM, thì cũng chính ở địa phương này, UBND TPHCM đã ban hành một quyết định nhằm chế định các loại hình DN như: doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần nhằm tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo khuôn khổ pháp lý. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chế định này được xem là “luật chơi” đầu tiên ở nước ta để vận hành cơ chế thị trường, bảo đảm tính pháp lý cho các chủ thể kinh doanh. Và thực tế, “luật chơi” của một địa phương ra đời, có trước chế định pháp luật của Nhà nước, đã nói lên những đóng góp rất thiết thực, sáng tạo của TPHCM trong tiến trình hình thành và hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. “Đêm trước” của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là chính do từ thực tiễn của TPHCM định hình và phát triển lên.
Rất nhiều những đóng góp khác của TPHCM trong thực tế vận dụng đường lối đổi mới kinh tế do Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra. Trong đó phải kể đến các mô hình kinh tế như: Xây dựng khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung để hướng nền kinh tế vào xuất khẩu, thực hiện chính sách kinh tế mở; thí điểm cổ phần hóa DN nhà nước, tạo mô hình thực tiễn để tổ chức lại hệ thống DN nhà nước; thành lập Trung tâm Chứng khoán TPHCM; thực hiện chủ trương đổi đất lấy hạ tầng để giải quyết bài toán phát triển đô thị; phát hành trái phiếu dự án và trái phiếu đô thị; nhượng quyền khai thác đường cho các thành phần kinh tế; thành lập các công ty cổ phần đại chúng để thực hiện các dự án đầu tư vào dịch vụ hạ tầng kỹ thuật và khuyến khích xã hội hóa đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội và đổi mới thiết bị công nghệ. Một số mô hình phát triển và hình thành thị trường lao động, phát triển thị trường công nghệ; vai trò của chính quyền địa phương tham gia vào nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô…, cũng được cho là những đột phá, sáng tạo của TPHCM, được cụ thể hóa bằng chế định pháp luật cho cả nền kinh tế đất nước vận hành sau này.
HOÀI NAM