TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Ảo vọng và viễn tưởng

Nguyễn Vạn Phú

Cảnh hàng chục người chụp hình lễ thượng cờ ở quảng trưởng Thiên An Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc, mờ ảo sau lớp sương khô độc hại. Ảnh: The New York Times

- Những ngày cuối năm 2015, tình cờ đọc được một sáng kiến kinh doanh mà báo chí nước ngoài ca tụng có khả năng khai sinh một Uber mới trong ngành quảng cáo. Nhưng nhìn cách nào đó, sáng kiến này chỉ đẩy nhanh bức tranh một xã hội hỗn mang chỉ thấy trong các phim khoa học viễn tưởng ngày trước.

Ai cũng là một quảng cáo di động

Miêu tả ngắn gọn thì ý tưởng này xuất phát từ thực tế lúc nào trên đường phố cũng có những dòng xe nối đuôi chạy khắp hướng. Sáng kiến kinh doanh ở đây là kết nối chủ xe với nhà quảng cáo để bất kỳ ai đồng ý cũng có thể cho dán lên xe những logo hay thông điệp quảng cáo để kiếm thêm tiền.

Wrapify, đã bắt đầu hoạt động từ tháng 7-2015 hiện đã thu hút được chừng 6.000 chủ xe ở 11 thành phố trải khắp năm tiểu bang nước Mỹ - mỗi người kiếm thêm được chừng 400-500 đô la Mỹ mỗi tháng. Chủ xe, phải từ 21 tuổi trở lên, xe phải mới, đời từ 2008 trở lên, sẽ tải một ứng dụng của Wrapify trong đó hệ thống định vị GPS sẽ tính được số ki lô mét xe chạy trong ngày, các cảm biến khác sẽ tính được có bao nhiêu người thấy cái quảng cáo dán lên thân xe. Một chiến dịch quảng cáo cho một nhà bán lẻ, dùng năm xe ở San Francisco trong vòng hai tháng thu được 3,2 triệu lượt xem, nhiều hơn bất kỳ quảng cáo ngoài trời nào trong cùng khu vực.

Wrapify chỉ mới nhận được chừng 1 triệu đô la vốn khởi nghiệp từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng biết đâu sẽ trở thành “điểm nóng” trong thời gian tới. Một chiêu thức của doanh nghiệp này vừa tạo ra không ít dư luận: trong một thời điểm nào đó, cả chục chiếc xe quảng cáo cho cùng một nhãn hiệu sẽ tụ hội về một địa điểm để thu hút sự chú ý.

Ý tưởng kinh doanh này hay hay dở tùy sự phán xét của mỗi người nhưng sự khác biệt của nó nằm ở chỗ này: các quảng cáo truyền thống thường đổi một lợi ích gì đó cho người xem, như kiểu đọc báo rồi xem quảng cáo đi kèm hay coi chương trình truyền hình thỉnh thoảng bị gián đoạn bởi quảng cáo. Còn viễn cảnh tất cả mọi thân xe chạy ngoài đường đều sặc sỡ các quảng cáo nào đó thật đáng sợ. Quảng cáo đuổi theo con người ta từ sáng sớm (đọc báo) đến chiều tối (coi ti vi) nay còn chạy theo suốt trên con đường đi làm và về nhà thì... ai rồi cũng phải đầu hàng.

Trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, xã hội tương lai loài người thường được miêu tả theo hai cách: hoặc là các thành phố hiện đại, xe bay trên trời, người lướt dưới đất hoặc các thành phố hoang tàn, loài người trên bờ diệt vong. Cái thế giới mà chúng ta đang trôi tới không nằm hẳn trong hai kịch bản này nhưng có từng phần của cả hai.

Có thể sẽ sớm có ngày mọi chiếc xe trên đường đều đeo quảng cáo và cũng có thể quần áo chúng ta mặc sẽ trở thành màn hình di động quảng cáo cho một sản phẩm nào đó. Chuyện viễn tưởng? Ở đây quảng cáo chỉ là một ví dụ minh họa. Đó là chúng ta không chú ý thôi chứ thật ra thế giới đang thay đổi theo chiều hướng “rất viễn tưởng” một cách đáng ngại. Cùng một thời điểm bất kỳ nào trong ngày cũng có hàng chục triệu người chăm chăm nhìn vào cái màn hình nhỏ xíu trong tay để gián tiếp đọc quảng cáo từ các thông tin do chính chúng ta tự tạo ra. Thậm chí có ai ngờ đến ngày quảng cáo chui ngay vào bức thư chúng ta vừa nhận, loại quảng cáo rất liên quan đến nội dung lá thư rất riêng tư của chúng ta.

Hai thế giới đối nghịch

Cũng những ngày cuối cùng của năm 2015, một hình ảnh mang trong nó những thông điệp chỏi nhau khác xuất hiện: tờ The New York Times, khi tường thuật về tình hình ô nhiễm không khí trầm trọng ở Bắc Kinh đã dùng tấm hình mà bối cảnh là lễ thượng cờ ở quảng trường Thiên An Môn mờ mờ ảo ảo đằng xa sau lớp sương khô độc hại còn tiền cảnh là hàng chục người dùng gậy “tự sướng” và điện thoại thông minh để chụp hình buổi lễ.

Rất có thể tin rằng nếu phỏng vấn những người dân này, liệu họ có đổi lại bầu trời xanh trong lành của ngày xưa rồi chịu mất hết các tiện nghi họ đang hưởng như chiếc điện thoại di động đắt tiền đó không, ắt tất cả đều muốn hít thở lại cái không khí ngày xưa.

Và đó chính là hai thế giới đối nghịch mà chúng ta đang sống. Một mặt nhìn đâu cũng thấy những thành tựu của công nghệ mà chỉ cách đây chục năm thôi, ít ai hình dung nổi; mặt khác, thế giới vẫn chưa giảm được chút nào các nỗi khổ của chiến tranh, xung đột, hận thù hay thậm chí còn tệ hại hơn ngày xưa. Điều đáng nói là những tiến bộ công nghệ có làm cho con người xích lại gần nhau hơn không, có xóa bớt hố sâu ngăn cách về tín ngưỡng, màu da hay sự giàu nghèo?

Có lẽ gần gũi với người Việt Nam chúng ta nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà 12 nước trong đó có Việt Nam vừa kết thúc đàm phán và được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều công ăn việc làm cho chúng ta. Cái tiến bộ công nghệ làm cho sự phân công lao động giữa các nước TPP trở nên hiện thực: công nhân may mặc Việt Nam có thể ngồi ở đây nhận mẫu mã từ Canada, vải vóc từ Singapore rồi may quần áo sẽ được bán ở Mỹ. Ngày xưa thì không thể tạo một chuỗi sản xuất khép kín như thế vì chi phí đắt đỏ.

Mới nhìn qua tưởng đâu ai cũng có lợi khi tổ chức được một vòng khép kín như thế giữa các nước thành viên TPP vì người dân Việt Nam có thêm việc làm, người tiêu dùng Mỹ mua quần áo rẻ hơn và người Canada hay Singapore có thể tạo ra giá trị gia tăng từ dịch vụ của họ. Nhưng nhìn từ những xáo động các thay đổi này đem lại, chưa hẳn mọi việc đã tốt đẹp như chúng ta tưởng. Các xưởng may mặc ở Mỹ trước khi biến mất hẳn vì không hiệu quả cũng từng biến dạng thành các điểm may mặc tuyển dụng công nhân nhập cư bất hợp pháp, trả đồng lương rẻ mạt từng được mệnh danh là các xưởng mồ hôi. Công việc mất đi nhưng người chỉ biết may vá vẫn còn đó. Đừng có nói theo các nhà kinh tế, họ sẽ được huấn luyện để trở thành người thiết kế mẫu mã cho công nhân Việt Nam vì nó không thật. Họ sẽ cạnh tranh với những ngành nghề lao động chân tay khác, không dịch chuyển đi đâu được và càng làm đồng lương bị teo tóp lại do quy luật cung cầu lao động.

Lợi hay hại của các dàn xếp kiểu TPP thì vô chừng, không lúc nào phân tích cho hết được. Nhưng điều có thể thấy ngay là trong suốt 20 năm phát triển kinh tế vừa qua, rõ ràng với người dân bình thường, thu nhập của họ hầu như không tăng thêm được gì. Còn ngược lại, những người do một ngẫu nhiên của số phận cộng với tài năng nắm bắt được xu thế mới đã bỗng chốc trở nên giàu sụ, giàu không thể tưởng nổi, cái giàu mà ngày xưa các đại phú gia phải trải qua nhiều thế hệ mới gầy dựng được. Quy luật muôn đời vẫn luôn đúng: người này được thì người kia mất, Mark Zuckerberg giàu thêm 1 tỉ thì phần còn lại của nhân loại phải giảm tài sản bớt đi 1 tỉ vì sự thịnh vượng của toàn cầu có tăng bao nhiêu đâu trong nhiều năm qua. Biết là biết vậy để khỏi ảo tưởng về các điều mới như TPP.

Viễn tưởng hay đã là thực tế

Vậy, cái ý tưởng kinh doanh nói ở đầu bài rốt cuộc là tốt hay xấu cho một cuộc sống bình thường hay nói khái quát lên, làm sao để biết được lúc nào chúng ta đang tiến về cái thế giới viễn tưởng xe chạy trên không, lúc nào thì đang trôi về một thế giới hoang phế?

Một câu hỏi như thế, không ai dám trả lời bởi chính bọn IS cũng dùng Twitter để tung thông tin cập nhật ra với thế giới; chúng vẫn sử dụng Facebook để tuyển mộ thanh niên và Donald Trump cũng biết tận dụng các mặt trái của tự do hóa thương mại để đánh vào nỗi sợ của dân Mỹ.

Có lẽ chỉ biết tự nhủ cái gì hợp với tự nhiên sẽ trường tồn, cái gì đi ngược lại các quy luật của tạo hóa sẽ dần bị đào thải. Xây dựng một nền kinh tế làm công xưởng quốc tế để rồi nhiều thành phố biến mất trong màn khói bụi ô nhiễm như ở Trung Quốc thì làm công xưởng để làm gì? Kết nối mọi người vào một ngôi làng toàn cầu hóa nhỏ bé nhưng xung đột, hận thù càng bùng phát vì một không gian ngột ngạt thì toàn cầu hóa để làm gì?

Nhưng đâu là lòng tham dẫn tới sự suy kiệt nguồn lực của trái đất; đâu là khát vọng tổ chức cuộc sống ngày càng hợp lý hơn - đó mới là câu hỏi muôn đời mà có lẽ số phận của nhân loại mãi vẫn chưa tìm được lời giải đáp.

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness