Thời gian gần đây, những thông tin liên quan về hiện tượng cá chết hàng loạt ở khu vực biển miền Trung đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Cuộc sống của hàng triệu ngư dân miền Trung cũng đang vì thế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và xa hơn nữa, những lo lắng về vấn đề môi trường, về sức khỏe cộng đồng... đã được đặt ra.
Sức “nóng” của câu chuyện này vì thế là vô cùng lớn. Không chỉ Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – những cơ quan được cho là có trách nhiệm cao nhất trong vụ việc này – đã vào cuộc mà rất nhiều Bộ, ngành, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu... cũng đã vào cuộc. Mục tiêu cuối cùng được các cơ quan, tổ chức này hướng đến là phải tìm cho ra “thủ phạm” gây ra tình trạng ô nhiễm nặng ở vùng biển miền Trung khiến cá chết hàng loạt như thời gian vừa qua.
|
Đường ống xả thải của Formosa ra biển Vũng Áng |
Và trong cuộc điều tra này đã có rất nhiều luận giải, phân tích về những khả năng có thể dẫn tới hiện tượng trên đã được đưa ra. Có người bảo là do biến đổi khí hậu, lượng ôxi trong nước thiếu hụt nghiêm trọng khiến cá không thể sống nổi. Có người bảo vì nhiệt độ nước biển tăng mạnh sẽ tạo ra sự phân tầng mật độ nước biển, và nếu gió không mạnh, sóng mặt không đủ để tạo ra sự xáo trộn nước sẽ khiến nước ở tầng dưới cạn ôxi làm cá chết. Cũng có người lại cho rằng có thể do hiện tượng bùng phát tảo độc, rồi thì cạn kiệt ôxi do phân hủy chất hữu cơ trong tầng nước sâu; dịch bệnh do vi trùng; virus hoặc ký sinh trùng... Nhưng cũng có ý kiến cho rằng cá chết là do chất ô nhiễm hữu cơ thải ra từ bờ.
Theo đó, đối với khu vực biển không sâu, chất ô nhiễm hữu cơ được thải ra từ bờ sẽ không được pha loãng nhanh. Nếu nhiệt độ nước biển tăng mạnh, quá trình phân hủy chất hữu cơ sẽ diễn ra nhanh, lượng tiêu thụ ôxi sẽ lớn. Sự đốt nóng bề mặt sẽ tạo ra sự phân tầng mật độ nước biển rất mạnh, nếu gió không mạnh, sóng mặt không đủ để tạo ra sự xáo trộn nước, sẽ khiến nước ở các tầng dưới mặt bị cạn kiệt ôxi, làm chết cá... Và điều này cũng được Viện nghiên cứu hải sản sau khi khảo sát, lấy mẫu đã khẳng định, cá chết bất thường là do “độc chất mạnh”.
Với những thông tin như trên và căn cứ theo tài liệu thu thập được, chúng tôi cho rằng, nguyên nhân cá chết ở vùng biển miền Trung do chất ô nhiễm hữu cơ được thải ra từ bờ là có cơ sở nhất và “nghi can tiềm năng” ở đây chính là Formosa.
Sở dĩ chúng tôi đưa nhận định này là bởi:
Thứ nhất, suốt dọc bờ biển miền Trung hiện các cơ quan chức năng vẫn chưa phát hiện được bất kỳ một nhà máy, khu công nghiệp nào khác có hệ thống xả thải ra biển ngoài Formosa.
Thứ hai đó là việc đường ống xả thải của Formosa được đặt ở nơi quá kín đáo mà để nhìn thấy, người ta phải lặn xuống đáy biển. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường 2005 (hết hiệu lực từ 1/1/2015) thì “Cửa xả nước thải vào hệ thống tiêu thoát phải đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát...”. Và điều này cũng được quy định tại Điều 101 Luật Bảo vệ môi trường 2014 (có hiệu lực từ 1/1/2015).
|
Khu xử lý nước thải của Formosa |
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao Formosa lại xây dựng đường ống xả thải trái với quy định của pháp luật Việt Nam như vậy? Họ không biết hay cố tình không biết để bưng bít, che giấu việc xả chất độc ra biển?
Và nếu họ xây dựng đường ống xả thải không đúng như quy định là “ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra giám sát” thì ai sẽ chịu trách nhiệm việc này?
Chúng ta cũng không thể không nhắc đến là Formosa là một tập đoàn có “lý lịch đen” về tàn phá môi trường? Đã bị nhiều quốc gia xử phạt…
Thứ ba là việc vùng xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt ở miền Trung là quá rộng lớn, trải dài suốt dọc bờ biển lên tới 250km nên để tạo ra được một vùng “nước độc” như vậy phải có một nguồn phát độc tố rất lớn. Mà ở đây, theo như con số được Formosa công bố thì mỗi ngày có 12.000m3 nước thải được Formosa xả qua đường ống xả thải dưới đáy biển. Một con số chắc chắn đủ lớn để đầu độc toàn bộ vùng biển rộng lớn trên, đặc biệt khi nguồn nước xả thải chứa những “độc chất mạnh”!
Formosa vì thế phải chịu trách nhiệm trước hiện tượng cá chết ở vùng biển, còn trách nhiệm đến đâu, như thế nào, nặng – nhẹ ra sao thì phải chờ kết luận từ phía các cơ quan chức năng!
Nhưng trước mắt, phải kiểm tra ngay việc xây dựng đường ống xả thải của Formosa.
Thanh Ngọc