"Tôi hy vọng phía Mỹ có thái độ hợp lý và thực tế để cùng Trung Quốc gặp nhau nửa đường, để quan hệ Trung - Mỹ có thể ổn định và phát triển".
Đó là chia sẻ của Phó thủ tướng phụ trách kinh tế của Trung Quốc Hà Lập Phong với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khi bà này thăm Bắc Kinh trong một chuyến đi rất được chú ý đầu tuần này. Ngụ ý của ông Hà: cả hai bên đều sẽ phải nhượng bộ.
Giới lãnh đạo song phương đã có nhiều tiếp xúc cấp cao thời gian qua và cùng phát đi những tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng, bao gồm thái độ bớt cứng rắn hơn trong chính sách "tách rời" (decoupling) khỏi Trung Quốc của Mỹ - tức giảm bớt làm ăn, tiến tới chấm dứt phụ thuộc trong vấn đề chuỗi cung ứng vào nước này. Nhưng thật dễ hiểu, còn nhiều khúc mắc không thể sớm giải quyết.
Bà Janet Yellen và ông Hà Lập Phong. Ảnh: Foreign Policy
Đều là dân điều hành kinh tế, giọng điệu của ông Hà và bà Yellen cũng mềm mỏng hơn, dù báo Mỹ The New York Times bình luận sau chuyến đi là "cả bà (Yellen) lẫn các quan chức phía Trung Quốc không hề nhượng bộ gì về lập trường chính sách... với triển vọng xung đột về thương mại, đầu tư, và công nghệ vẫn còn nguyên". Điều đó đồng nghĩa hy vọng "gặp nhau nửa đường" của ông Hà sẽ khó sớm thành sự thật.
Nhưng ít ra, hai phía đã hiểu nhau hơn sau chuyến hội đàm kéo dài 10 giờ đồng hồ của bà Yellen với nhiều quan chức chủ nhà, khi giới lãnh đạo kinh tế Mỹ lần đầu tiên gặp gỡ những người ngang hàng Trung Quốc.
Tháng 10-2022, sau đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhiều thay đổi nhân sự diễn ra với đội ngũ lãnh đạo cấp cao. Ông Hà lên thay phó thủ tướng Lưu Hạc, người đã nắm vai trò điều hành kinh tế Trung Quốc một thời gian dài.
Nhân vật 68 tuổi quê ở Phúc Kiến Hà Lập Phong này được đánh giá là còn ít kinh nghiệm quốc tế cũng như quan hệ cá nhân với giới lãnh đạo phương Tây, nhất là so với người tiền nhiệm kỳ cựu, trong bối cảnh Trung Quốc đang có những chính sách chặt chẽ hơn về điều hành lẫn thông tin kinh tế.
Báo chí Mỹ tiết lộ ở Bắc Kinh, bà Yellen đã dùng một chữ D khác để nói về chính sách thương mại - kinh tế với Trung Quốc của Washington, không phải là "decoupling", mà là "diverse" (đa dạng hóa).
Điều này là để trấn an Bắc Kinh về một chiến dịch do Mỹ dẫn đầu khuyến khích, hối thúc, thậm chí là cưỡng ép các công ty đa quốc gia đưa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc (cùng hàng chục triệu công ăn việc làm, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với tỉ lệ thất nghiệp ở người trẻ cao nhất trong lịch sử).
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hồi tháng 3 cũng đã dùng một chữ D nữa, với tông chính là mềm mỏng hơn, "de-risking" (giảm rủi ro).
Về phía Mỹ, chính quyền Biden hiện vẫn duy trì những hạn chế với xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc, đáng chú ý nhất là linh kiện bán dẫn hiện đại, và chuyến đi của bà Yellen có vẻ chưa đủ để xua tan nghi ngờ từ bên kia Thái Bình Dương.
Ví dụ, ông Wu Xinbo (Ngô Tâm Bá), trưởng khoa nghiên cứu quốc tế ở Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, đặt câu hỏi nếu các chính sách của Mỹ hiện giờ "chỉ là vì lý do an ninh quốc gia, thì phạm vi của nó rộng lớn đến đâu?".
Có lẽ cũng vì hiểu như vậy, nên ngày 9-7, bà Yellen đã nói với báo chí Mỹ: "Tìm được đường đi qua những khúc quanh của mối quan hệ Mỹ - Trung là không dễ dàng, nhưng chúng ta không bao giờ được quên rằng bất chấp mọi thách thức, con đường chung không hề là tất yếu, mà vẫn có thể thay đổi"
Có sự khác biệt quan trọng giữa một mặt là tách rời (khỏi Trung Quốc), và mặt khác là đa dạng hóa những chuỗi cung ứng tối quan trọng hay hành động có mục tiêu để bảo vệ an ninh quốc gia. Bà Janet Yellen (bộ trưởng tài chính Mỹ)
H.MINH - Theo Tuổi Trẻ