Tác giả: HUỲNH PHAN
"Đối với tôi Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch là một trong ba vị lãnh đạo để lại ấn tượng mạnh nhất. Ảnh hưởng của ông Thạch với tôi là bản lĩnh khi đương đầu với các vấn đề quốc tế, luôn tự tin, lạc quan, và luôn tìm mọi khe hở dù nhỏ nhất để tìm ra lối đi." - Cựu phóng viên VTV và Reuters Nguyễn Văn Vinh sự kiện nóng
LTS: Trong cuộc đời làm báo suốt hơn bốn mươi năm của mình, nhà báo lão thành Nguyễn Văn Vinh đã gặp gỡ và phỏng vấn nhiều lãnh đạo của Việt Nam và nước ngoài. Nhưng có ba người để lại cho ông ấn tượng mạnh nhất, theo ông, là do có thời gian tiếp cận nhiều hơn, cả trong các sự kiện chính thức, lẫn các cuộc trò chuyện bên lề.
Đó là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch.
Tuần Việt Nam xin được tiếp tục cuộc trò chuyện với nhà báo Nguyễn Văn Vinh với những kỷ niệm về Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch - người mà ông Vinh gặp lần đầu tiên tại Đại hội Đảng IV (1976) và cuộc phỏng vấn cuối cùng của ông với ông Thạch là vào năm 1995, nhân sự kiện phần lớn "Hanoi Hilton" (Hoả Lò) bị phá đi để được thay thế bằng Hanoi Tower.
Khi cựu ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch mất (1998), ông Vinh đã theo xuống tận Nghĩa trang Mai Dịch, quay riêng một bộ phim tư liệu về lễ tang này, để giữ lại một kỷ niệm về một nhà ngoại giao tài ba, một con người đặc biệt trong một hoàn cảnh đặc biệt của đất nước.
Ông nói rằng Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch là một trong những người ông có cơ hội tiếp xúc nhiều nhất?
Rất nhiều. Kể từ năm 1979 đến 1989, cứ một năm hai lần các ngoại trưởng của ba nước Đông Dương lại gặp nhau, rồi cấp cao thường niên ba nước Đông Dương, rồi JIM1 và JIM2, tôi đều đi cả. Đó là chưa kể nhiều cuộc họp báo, hay phỏng vấn trong nước.
Lần đầu tiên ông tháp tùng ông Nguyễn Cơ Thạch công du nước ngoài là khi nào?
Đó là lần tôi đi với đoàn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi thăm Ấn Độ và Sri-Lanka năm 1978. Ông Nguyễn Cơ Thạch lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao. Ấn tượng của tôi về ông trong chuyến đi đó là một người dễ gần, lúc nào cũng tươi cười, và rất quan tâm đến người khác.
Lần đó, tôi đi giày cao, khi chạy bị trẹo chân. Ông Thạch thấy đi tập tễnh, đã kéo lên ngồi cùng xe ông cho dễ tác nghiệp. Bởi anh biết đấy, xe phóng viên đi cuối cùng trong đoàn xe có hộ tống, tới nơi phải chạy thật nhanh mới kịp ghi hình. Tôi bị trẹo chân, đi còn khó, huống hồ là chạy...
Chuyến đi nước ngoài cùng ông Thạch mà ông cảm thấy ấn tượng nhất?
Đó là JIM1 vào cuối tháng 7. 1988. Chuyện được đi theo chuyên cơ của ông cũng rất thú vị.
Thời gian đó, tôi đang giúp cho cô Tiana Thanh Nga làm phim "Từ Hooliwood đến Hà Nội". Trong đó có một cuộc phỏng vấn Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Sau khi phỏng vấn xong, tôi tranh thủ hỏi ông Thạch là nghe nói Việt Nam cử đoàn đi dự JIM1 tại Indonesia. Tôi mới hỏi ông Thạch là tôi biết có đoàn đi JIM1, theo sáng kiến Jakarta Cocktail của Ngoại trưởng Indonesia một năm trước đó.
Ông Thạch nói, như chợt nhớ ra: Ừ nhỉ? Tại sao lại không cho truyền hình đi theo nhỉ?
Ngay chiều hôm đó, Bộ Ngoại giao quyết định cho Đài THVN hai suất.
Tối hôm đó, tôi về báo với Tổng Giám đốc Phạm Khắc Lãm, và ông Lãm nói: Tôi đi với cậu.
Thế là sáng hôm sau, tôi lên Bộ Ngoại giao làm thủ tục, để buổi chiều chúng tôi lên chuyên cơ của Liên Xô bay sang Phnompenh luôn.
Tại sao lại phải transit qua Phnompenh?
Vì phải đón bốn phái của Campuchia, trước khi qua Viên Chăn đón đoàn Lào, rồi mới bay đến Jakarta. Hồi đó, các đoàn của chúng ta đi nước ngoài đều do Liên Xô lo tất.
Nhưng ngạc nhiên nhất là tới sân bay Jakarta. Phóng viên Indonesia, phóng viên các nước ASEAN khác và phóng viên quốc tế đã tập trung ở đó rất đông. Máy ảnh, máy quay, rồi máy ghi âm lăm lăm chờ Ngoại trưởng Việt Nam xuống.
Lúc đó, tôi mới nhận thấy sự linh hoạt của ông Thạch. Thay vì sẽ tổ chức họp báo bên lề JIM1, như kế hoạch ban đầu, ông quyết định trả lời báo chí ngay tại phòng khách ở sân bay. Ông biết làm như vậy sẽ tạo được dư luận tích cực và kịp thời.
Tôi còn nhớ phóng viên chen chúc vòng trong vòng ngoài ở phòng khách, và tôi phải len mãi mới chui được vào trong để quay cuộc họp báo đó.
Ông nhận xét gì về cách tiếp xúc với báo chí, nhất là báo chí nước ngoài, của Ngoại trưởng Thạch?
Ông là người lúc nào cũng sẵn sàng trả lời phỏng vấn báo chí, một nhà ngoại giao không bao giờ ngại phóng viên.
Tôi dự nhiều cuộc họp báo của ông, và thấy ông là người tự tin, có uy, và lại rất hài hước. Câu trả lời của ông luôn đầy đủ và mạch lạc về nội dung, và rõ ràng về thông điệp.
Trong câu chuyện của mình, ông luôn biết cách thuyết phục người nghe, với cách nói hài hước, hấp dẫn. Đặc biệt, ông có biệt tài thu hút sự chú ý của phóng viên vào những điều ông muốn nói.
Chẳng hạn, không ít lần ông bắt đầu câu trả lời bằng câu hỏi. Ông hỏi lại: Vậy bạn nghĩ như thế nào về điều đó?
Tất cả cùng cười.
|
Ông Nguyễn Văn Vinh (bìa trái) trong chuyến công du Ấn Độ và Sri-Lanka của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch
|
Đó là cách không ít quan chức sử dụng để tránh những câu hỏi nhạy cảm?
Đó là người khác chứ không phải ông Thạch, bởi ông không phải người thích né tránh. Ông chờ người hỏi xem có nói gì không, ông mới bắt đầu trả lời. Đó là cách ông khiến mọi người chú ý vào câu trả lời của ông hơn, và cách tiếp nhận nó cũng nhẹ nhàng hơn.
Ấn tượng của ông về ông Thạch với tư cách một nhà ngoại giao?
Ông Thạch ở vào thời kỳ ngoại giao khó khăn nhất, có rất nhiều bài toán cùng được đặt ra một lúc.
Tất nhiên, chúng ta hay nói tới trí tuệ tập thể, nhưng nếu không có người có khả năng thể hiện ra một cách vừa thẳng thắn, vừa khéo léo, thì trí tuệ đó cũng không phát huy được hiệu quả mong muốn. Ông Thạch đã thể hiện xuất sắc vai trò đó, khiến cho quá trình xây dựng lòng tin giữa Việt Nam với Đông Nam Á, rồi Việt Nam với Mỹ, chẳng hạn, tiến triển rất tốt, và xu thế đối thoại đã dần lấn át sự đối đầu.
Chắc anh còn nhớ từ khoảng từ 1984 đến 1986, ở Việt Nam đã có một làn sóng vượt biển ra đi, như một phong trào. Ngay từ đầu, ông Thạch giải thích là những người này ra đi phần lớn vì sự mơ hồ với lời hứa về một miền đất hứa, nhưng phương Tây không nghe, bởi họ muốn chính trị hoá vấn đề và nói rằng những người ra đi là vì chán ghét chế độ cộng sản. Nhưng khi ra đi đông quá, dễ dàng quá, riêng Hồng Công có tới 6-7 trại tị nạn, họ lại nói đây là vấn đề di dân kinh tế.
Hơn nữa, nước Anh đã thoả thuận với chính phủ Trung Quốc là sẽ trao trả Hồng Kông vào năm 1997, và vì thế việc phải đóng cửa các trại tị nạn là một nhu cầu bức thiết với họ.
Và, lúc đó, ngoài vấn đề Campuchia, Việt Nam lại phải đối mặt với vấn đề thuyền nhân. Đặc biệt là ở Hồng Kông và một số nước Đông Nam Á. Giải quyết dứt điểm vấn đề đó cùng với cam kết về lộ trình rút quân khỏi Campuchia mới dẫn đến sáng kiến "Jakarta Cocktail".
Bộ Ngoại giao Việt Nam, và cá nhân Bộ trưởng Thạch, rất chủ động trong vấn đề này. Tôi đã dự hầu như tất cả các cuộc họp mà ông Thạch chủ trì, từ 1987 đến 1989, cũng như các cuộc họp báo, nói rõ rằng Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận người trở về. Năm 1989, Việt Nam đã thoả thuận với Cao uỷ Liên Hợp Quốc về người tị nạn (HCR) là đưa hết thuyền nhân từ các trại tị nạn về.
Tại sao vậy? Thuyền nhân sợ bị trả thù khi trở lại Việt Nam?
Còn một lý do nữa là chứng tỏ cho bên ngoài biết rằng Việt Nam không hề có chủ trương đuổi người ra đi. Chắc anh còn nhớ làn sóng ra đi năm 1978, đã bị một nước khác xuyên tạc về mục đích, mặc dù họ đâu có vô can trong việc này.
Cuối 89' đầu 90', tôi đi sang Hồng Công làm bộ phim "Giã từ ảo ảnh", để phản ánh thực tế cái trại ở Hồng Kông, và vận động bà con về. HCR mời, và chính ông Thạch đã tác động với bên chức năng để tôi được phép đi. Hồi đó đi nước ngoài làm phim không đơn giản như bây giờ đâu.
Chính vì thành công của bộ phim đó, HCR lại đặt hàng Đài THVN làm tiếp bộ phim "Quê hương", nói về những người trở về.
Trong cả hai bộ phim, chúng tôi có nhấn mạnh tới nguyên nhân sâu xa của chuyện ra đi, tức là cấm vận kinh tế đã khiến một đất nước mới thoát khỏi chiến tranh chưa bao lâu đã bị bần cùng hoá, và nhiều người không chịu được khổ cực đã ra đi.
Trong "Việt Nam: Thiên lịch sử truyền hình", cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Richard Holbrooke có kể rằng, trong cuộc đàm phán vào mùa thu năm 1978 về bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt, suốt mấy ngày đầu tiên ông Thạch vẫn khăng khăng yêu cầu phía Mỹ phải viện trợ 3,25 tỷ USD như Tổng thống Nixon đã hứa trong công hàm gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhưng sang tới ngày tiếp theo, ông Thạch tự nhiên chấp nhận bình thường hoá vô điều kiện.
Holbrooke nhận xét rằng kiểu đàm phán như vậy trái hẳn với kiểu đàm phán của phương Tây, tức là mỗi bên nhượng bộ từng ít một, và, như vậy, mới xây dựng được lòng tin.
Theo ông, có phải thất bại đó là một kinh nghiệm tốt cho ông Thạch về sau này không?
Tôi lại không nghĩ như vậy. Theo những thông tin mà chúng ta đã biết, lúc đó Mỹ đã ngả theo hướng khác rồi. Họ sợ bình thường hoá quan hệ với Việt Nam sẽ cản trở quá trình bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc. Bởi họ muốn chơi con bài Trung Quốc trong việc hạn chế ảnh hưởng của Liên Xô.
Thứ hai, anh nên nhớ rằng ông Thạch lúc đó mới là thứ trưởng ngoại giao, tức là cấp thừa hành những chỉ đạo từ bên nhà.
Còn sau này, lên bộ trưởng, phó thủ tướng và vào Bộ Chính trị, ông Thạch đã trở thành một nhân vật quan trọng trong hoạch định chính sách đối ngoại. Lúc đó, cờ đến tay ông, ông mới phất chứ.
Có lẽ Đại sứ William Sullivan là người hiểu ông Nguyễn Cơ Thạch hơn Trợ lý Ngoại trưởng Holbrooke, nên họ mới cùng nhau đưa ra sáng kiến tìm một kênh riêng để thúc đẩy việc bỏ cấm vận (thành lập Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt).
Ông nói ông Thạch là một trong ba người gây ấn tượng đậm nét nhất với ông. Vậy nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch có ảnh hưởng gì đến nhà báo đối ngoại Nguyễn Văn Vinh không?
Có chứ. Ảnh hưởng của ông Thạch với tôi là bản lĩnh khi đương đầu với các vấn đề quốc tế, luôn tự tin, lạc quan, và luôn tìm mọi khe hở dù nhỏ nhất để tìm ra lối đi.
|
Ngoại trưởng Thạch trong vòng vây của phóng viên tại JIM1 |
Ông nói rằng ông Thạch lãnh đạo ngành ngoại giao ở thời kỳ khó khăn nhất đối với ngành này. Vậy theo ông, câu tục ngữ "cái khó ló cái khôn", hay câu "cái khó bó cái khôn", phù hợp hơn với trường hợp ông Thạch?
Tôi nghĩ cả hai câu đều đúng. Câu thứ nhất phản ánh đúng tính cách của nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Còn câu thứ hai lại vận đúng vào cái khúc quanh trong sự nghiệp của ông.
Tư tưởng của ông Thạch đi trước thời đại, nên thiệt cho ông. Bởi khi vấn đề đặt ra chưa được chấp nhận, thì người đặt vấn đề lại bị nhìn nhận khác đi. Bài học lịch sử không bao giờ cũ là cái gì vượt trước đều khó chấp nhận ở Việt Nam.
Nhưng, dù sao, ông vẫn còn may hơn những người khác. Ông Kim Ngọc là một ví dụ. Và một số người khác mà tôi không tiện nêu tên ở đây. (Cười lớn)
Đến thời điểm nào thì ông thực sự cảm thấy sự nghiệp của ông Thạch sắp kết thúc?
Tôi là người quay buổi ông Thạch tiếp Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Từ Đôn Tín tại nhà khách chính phủ. Sau buổi đó, tôi hiểu ngày ông Thạch ra đi không còn bao xa nữa.
Nếu được hỏi, nét tính cách nào khiến ông nhớ nhất về ông Thạch, ông chọn cái gì?
Tính hài hước - một nét tính cách mà các nhà ngoại giao đều nên có.
Với cách nói hài hước, cách kể những câu chuyện tiếu lâm của ông, những ý tưởng và vấn đề về quan hệ đối ngoại, những khó khăn trong quan hệ chính trị - ngoại giao, được người ta hiểu một cách nhẹ nhàng, dễ chịu.
Câu chuyện ông Lê Văn Bàng rằng "ông Thạch bảo với phía Mỹ là muốn nhập thuốc nổ để làm sập mấy nhà máy in tiền" là một ví dụ rất đặc trưng cho cách nói hài hước của ông Thạch.
Thế còn ví dụ của ông?
Có một lần, anh em phóng viên tháp tùng ông ra nước ngoài, có hỏi ông làm ngoại giao là như thế nào.
Ông nói: "Khi vào nhà vệ sinh, nếu anh biết làm điều gì trước khi ngồi xuống la va bô, thì khi ra khỏi nhà vệ sinh anh thấy hết sức thoải mái. Còn, nếu vội vàng, không làm đúng như vậy, thì hẳn anh sẽ phát điên lên vì phải lo giải quyết hậu quả xảy ra với cái quần.
Làm ngoại giao cũng như vậy. Nếu không theo đúng trình tự cần thiết, việc giải quyết hậu quả sẽ rất mất công."
Anh em chúng tôi, lúc đó, đều cười ồ lên. Nhưng, cho tới tận bây giờ, qua bao nhiêu chứng kiến, trải nghiệm, tôi mới thấy "ông cụ" thâm thuý và thấu đáo thật!
Xin cám ơn ông!