Lính Liên Xô giao tranh tại Afghanistan hồi 1988
Đã hơn 26 năm kể từ khi quân đội Xô-viết rút khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, ngày nay nước Nga lại một lần nữa đang có cuộc chiến ở bên ngoài lãnh thổ Liên Xô cũ - cuộc chiến tại Syria. Phóng viên BBC Steve Rosenberg từ Moscow đã gặp gỡ một số cựu chiến binh của cuộc chiến trước để tìm hiểu xem những bài học gì đã được rút ra.
Nước Nga hiện đại thường nói rằng họ đã học được những bài học Afghanistan, và rằng họ sẽ không bao giờ để mình kẹt vào một cuộc chiến đẫm máu kéo dài nằm cách xa biên giới nước mình nữa.
Ca sỹ, nhạc sỹ và cũng là cựu chiến binh, Vladimir Mazur hy vọng rằng đó là sự thực.
"Chúng tôi đã mất quá nhiều thanh niên trai tráng tại Afghanistan," ông hát, "nhưng chẳng có gì phải đau lòng. Chúng tôi chỉ cần đảm bảo để điều đó sẽ không bao giờ lặp lại."
Tại một cuộc họp cựu chiến binh ở Moscow, ông với tay lấy cây đàn guitar và hát một trong những ca khúc của mình, bài "Số liệu Afghanistan".
"Chẳng người lính nào từng ở Afghanistan," ông hát, "sẽ quên được".
"Cứ năm người trong số chúng tôi, thì một người nay chẳng có gì trong đời. Một phần bảy bị ly hôn."
"Một phần tám trở về với huân chương, chỉ để về sau được nói cho hay rằng họ chẳng phải anh hùng."
"Một phần chín vẫn còn những cơn ác mộng. Một phần mười chẳng bao giờ trở về. Chiến tranh luôn cướp đi những mạng sống."
Afghanistan đã khiến hơn 15 ngàn binh lính Liên Xô thiệt mạng. Trong ca khúc của mình, Vladimir Mazur mô tả cuộc chiến Afghanistan là "một cái bẫy... một sợi thòng lòng thắt quanh cổ chúng tôi".
Ông Mazur từng phục vụ hai năm tại Afghanistan. Ông đã viết hơn 150 ca khúc về cuộc xung đột này.
"Mỗi người lính khi ở đó đều nghĩ về sự sống và cái chết," Vladimir nhớ lại. "Chúng tôi đều nghĩ rằng mình có lẽ sẽ không sống cho tới lúc trở về. Tôi cảm thấy cần phải để lại cái gì đó của mình. Cho nên tôi bắt đầu viết ca khúc."
"Bài học chính rút ra từ Afghanistan là các chính trị gia cần phải nghĩ đi nghĩ lại trước khi tham gia vào một cuộc xung đột quân sự. Chiến tranh luôn là điều xấu xa. Nó cho thấy sự yếu kém của các chính trị gia."
Tháng 5/1988: Quân Liên Xô rút khỏi Afghanistan sau gần một thập niên chiến đấu
Trở lại cuộc chiến
Đã một tháng nay, các máy bay ném bom của Nga đã tiến hành các cuộc không kích ở Syria, trong cái mà Moscow gọi là cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Nga nói rằng họ sẽ không triển khai binh lính trên bộ và rằng Syria sẽ không trở thành một Afghanistan thứ hai.
"Chúng tôi đã có ký ức không phải chỉ về Afghanistan, mà còn về các cuộc chiến khác mà Nga có tham dự. Với chúng tôi đó là một vấn đề rất to lớn," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với tôi.
"Chúng tôi không sẵn sàng, cũng không lên kế hoạch tham dự vào một cuộc chiến dài hạn. Chúng tôi đang đem đến một chiến dịch chống khủng bố tại nơi đó."
Các nhà lãnh đạo phương Tây nghi rằng mục tiêu chính trong chiến dịch trên không của Nga là nhằm duy trì quyền lực cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad chứ không phải là nhằm loại trừ các thành phần khủng bố. Họ cáo buộc Moscow là đã tấn công vào các thành phần chống đối Tổng thống Assad.
Nga phản đối việc bị phương Tây chỉ bảo cho biết ai là khủng bố, ai không.
"Quý vị có nhớ vụ 11/9 không?" bà Zakharova hỏi. "Nga có bao giờ hỏi Hoa Kỳ xem cụ thể là Mỹ đang phải đối phó với ai không? Không, chúng tôi không hỏi. Chúng tôi hiểu rằng đây là mối đe dọa đối với Hoa Kỳ và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ cho cuộc chiến chống khủng bố quốc tế của họ. Chúng tôi giúp đỡ hết lòng để chống lại thế lực xấu xa này."
Nay, đa phần người Nga ủng hộ việc nước mình can thiệp quân sự vào Syria. Một phần là bởi cách thức mà truyền hình Nga tường thuật tình hình.
Kịch tính trên truyền hình
Với nhạc nền đầy kịch tính và cảnh quay từ trên không được thực hiện như trong phim ngoài rạp về chiến trường, có những lúc cuộc chiến Syria được dựng lên như trong phim Hollywood hơn là cảnh tại Homs; giống như một đoạn video nhạc pop, một trò chơi điện tử, hay một cuộc chiến trên truyền hinh mà người xem có thể tắt đi bật lại lúc nào cũng được.
Tôi nói chuyện với một cựu chiến binh Liên Xô thời cuộc chiến Afghansitan khác, Vladimir Barabanov.
"Hầu hết mọi người ở đây coi nó như một bộ phim hành động," Vladimir nói với tôi, "nhưng khi cuộc chiến gõ cửa nhà họ, khi những cỗ quan tài bắt đầu được đưa về, thì khi đó thực tế sẽ thức tỉnh họ."
Vladimir không chấp nhận là bốn tuần không kích của Nga cùng hai chục trái hỏa tiễn tuần du được phóng đi từ biển Caspi đã giúp Nga tái khẳng định mình trên vũ đài quốc tế.
"Sự vĩ đại được đo bằng tiêu chuẩn kinh tế của một quốc gia," ông nói với tôi. "Trung Quốc được kính trọng mà không cần phải có chiến tranh. Một kẻ côn đồ có thể đi gây thanh thế bằng cách đánh ai đó. Nhưng những kẻ côn đồ thường xuất thân từ những gia đình nghèo, tranh luận chủ yếu bằng nắm đấm."
"Người ta sẽ chỉ ghen tỵ với nước Nga nếu như chúng tôi cải thiện được điều kiện sống trong nước. Nếu chúng tôi chỉ vung nắm đấm thì ai thèm ghen tỵ làm gì?"