Leo cao nhờ cha mẹ
Không tự thân lập nghiệp như cha mẹ, thế hệ doanh nhân thứ hai nổi danh chủ yếu do được thừa hưởng những di sản của cha mẹ. Rất nhiều cái tên doanh nhân lừng lẫy trên thương trường Việt bắt đầu từ nền tảng của cha mẹ.
Trước khi trở thành một doanh nhân, Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) đã là cái tên nổi tiếng nhất nhì trong giới trẻ thế hệ 8X. Cường đô la được biết đến nhiều với niềm đam mê siêu đắt đỏ - siêu xe và những thú vui tốn kém. Tất cả là nhờ vào khối tài sản khổng lồ của mẹ anh – bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Sau này, khi đi qua tuổi “trẻ trâu”, Cường đô la đã “đằm” hơn và trở thành một doanh nhân đích thực. Anh gánh vác vai trò Phó Tổng giám đốc và người phát ngôn của Quốc Cường Gia Lai. Dù khả năng kinh doanh của Cường đô la còn gặp nhiều tranh cãi nhưng Cường đô la vẫn khiến nhiều người nể phục nhờ cách cư xử khéo léo của mình.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Đặng Hồng Anh và Trần Hùng Huy |
Nổi tiếng muộn hơn Cường đô la nhưng ông Trần Hùng Huy, con trai đại gia ngân hàng Trần Mộng Hùng lại leo lên vị trí cao hơn Cường đô la. Đảm nhận vai trò Chủ tịch ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) ở độ tuổi rất trẻ là điều không phải ai cũng làm được.
Tài năng của ông Trần Hùng Huy đã được người trong giới khẳng định nhưng vẫn khó có thể phủ định một điều nếu không phải là cậu cả của đại gia ngân hàng, ông Hùng Huy không dễ để leo cao như vậy.
Tham gia thương trường từ rất sớm nên ông Đặng Hồng Anh sớm tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm kinh doanh. Ông Hồng Anh cũng được đánh giá là một trong những doanh nhân trẻ có thực lực, có tâm và có tầm.
Dù vậy, để có đủ khả năng nắm giữ trong tay doanh nghiệp bất động sản ngàn tỷ Sacomreal và có chân trong ngành ngân hàng, rõ ràng, ông Hồng Anh vẫn cần nền tảng từ gia đình: cha là đại gia ngân hàng Đặng Văn Thành, mẹ là “Nữ hoàng mía đường” Huỳnh Ngọc Bích.
Cậu ấm Việt đang gặp khó
Có nền tảng gia đình tốt nên không khó để những cậu cấm cô chiêu Việt gặt hái được nhiều thành công rực rỡ. Quốc Cường Gia Lai và Sacomreal có thời được xem là một trong những đại gia bất động sản trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế và các biến cố gia đình, hai thế lực này lao đao và vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.
Trong nhiều năm trở lại đây, Quốc Cường Gia Lai luôn đối mặt với doanh thu, lợi nhuận sụt giảm mạnh. Năm 2011, công ty nhà Cường đô la thậm chí lỗ gần 40 tỷ đồng. Để tái cơ cấu, Quốc Cường Gia Lai thậm chí phải bán nhiều dự án tiềm năng.
Một trong những vấn đề lớn mà Quốc Cường Gia Lai mắc phải chính là nợ vay quá cao. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2015, tại ngày 30/9/2015, vay và nợ thuê ngắn hạn lên tới 333,49 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 115,3 tỷ đồng hồi cuối năm 2014. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn đạt 1.604,06 tỷ đồng, giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức khá cao.
Như vậy, tổng nợ vay của Quốc Cường Gia Lai là 1.719,36 tỷ đồng, gần bằng 50% vốn chủ sở hữu. Một vấn đề mà Quốc Cường Gia Lai thường xuyên gặp phải chính là công ty “chạy đuổi” những khoản nợ gần đến ngày đáo hạn.
Kết quả là, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai giao dịch dưới mệnh giá trong nhiều năm qua. Chốt phiên giao dịch 4/12, QCG dừng ở mức 5.500 đồng/CP. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên rất thấp, chỉ đạt hơn 55.000 đơn vị.
Các số liệu cho thấy Quốc Cường Gia Lai vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Cường đô la và mẹ vẫn phải nỗ lực rất nhiều để giải quyết những khó khăn kể trên.
Ông Đặng Hồng Anh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự Cường đô la. Khi mới chào sàn, cổ phiếu SCR của Sacomreal được nhà đầu tư săn đón. Nhưng khi khủng hoảng kinh tế nổ ra, hoạt động của Sacomreal ít nhiều bị ảnh hưởng. Đặc biệt, khi Đặng gia gặp biến cố lớn, mối quan hệ của Sacomreal với đối tác bị ảnh hưởng, công ty đi xuống nghiêm trọng.
Nếu năm 2010, công ty đạt lợi nhuận ròng 426,6 tỷ đồng thì trong các năm sau đó, chỉ tiêu này giảm sút nghiêm trọng. Năm 2014, chỉ tiêu này chỉ đạt 29 tỷ đồng. Tình hình có vẻ khả quan hơn với Sacomreal khi lợi nhuận của công ty vọt lên 142,7 tỷ đồng trong quý 2/2015. Nhưng tới quý 3, công ty chỉ thu về gần 5 tỷ tiền lãi.
Sacomreal cũng đang gánh khoản nợ khá cao, có thời điểm còn cao hơn cả vốn chủ sở hữu. Trong những quý gần đây, tình hình này được cải thiện chút ít nhưng chắc chắn Sacomreal và ông Đặng Hồng Anh vẫn gặp khó khi tổng nợ quý 3/2015 lên tới 2.348,9 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ là 2.752 tỷ đồng.
Vì vậy, cổ phiếu SCR cũng giao dịch dưới mệnh giá trong suốt thời gian qua. Chốt phiên 4/12, SCR dừng ở mức 8.300 đồng/CP.
Kém may mắn hơn một chút, ông Trần Hùng Huy ngồi “ghế nóng” khi ngân hàng ACB đang ở đúng “tâm bão” khủng hoảng tài chính nên ông Hùng Huy chưa được nếm mùi “đỉnh vinh quang” cùng ACB. Mà ngược lại, vị doanh nhân trẻ tuổi đã trải qua nhiều thăng trầm cùng ngân hàng này.
Sau khi “nhậm chức”, ông Hùng Huy được nhắc đến nhiều khi “thổi bay” khoảng 50.000 tỷ đồng của ACB. Tuy nhiên, hiện tại, dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ACB tạm thời đã vượt qua giai đoạn “nước sôi lửa bỏng”.
(Theo VTC News)