Dù bằng bạch văn hay bằng ngôn ngữ ngoại giao, ai cũng thấy mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung quốc là một quan hệ không thoải mái. Trung quốc cho Hoa Kỳ nghi ngờ tham vọng bá quyền của Trung quốc, trái lại Trung quốc cho rằng Hoa Kỳ có chính sách bao vây mình. Hai nước đã dùng chiến lược và chiến thuật nào để canh chừng lẫn nhau? Đó là ý chính của một bài viết đăng tải trên tờ The Economist, số ngày 19 -25/11/2005, nhan đề “China’s world order: Aphorisms and suspicions” nhân chuyến thăm viếng Bắc Kinh lần thứ nhì của tổng thống George Bush. Trần Bình Nam lược dịch.
Gần đây ông Hồ Cẩm Đào, chủ tịch nước Trung quốc thường dùng từ ngữ “thế giới hài hòa” (harmonious world) để miêu tả chính sách đối ngoại của Trung quốc. Ông Hồ Cẩm Đào dùng danh từ này lần đầu tiên trong bài diễn văn đọc tại Liên hiệp quốc ngày 15/9 vừa qua.
Bộ máy tuyên truyền của Trung quốc giải thích rằng chính sách “thế giới hài hòa” là cách trả lời của Trung quốc đối với sự chỉ trích của Hoa Kỳ rằng Trung quốc có tham vọng bá quyền. Trung quốc nói các quốc gia có chế độ chính trị khác nhau cũng cần lắng nghe ý kiến của nhau và kính trọng lẫn nhau. Và cần có thái độ dân chủ trong khuôn khổ sinh hoạt của Liên hiệp quốc. Qua sự giải thích đó Trung quốc muốn nói rằng dù Trung quốc là một thế lực đang lên có lý tưởng khác với Hoa Kỳ, Trung quốc cũng có quyền hưởng một thế giới trật tự trong đó Hoa Kỳ biết tự chế.
Thật ra ý tưởng của ông Hồ Cẩm Đào không có gì lạ. Trung quốc đã bày tỏ ý kiến này trong ¼ thế kỷ qua từ lúc chiến tranh lạnh chấm dứt rằng Trung quốc muốn hợp tác với Hoa Kỳ để kiến tạo một thế giới đa cực (multipolar world order). Nhưng từ khi Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền lãnh đạo Trung quốc, nhất là kể từ chuyến thăm viếng Trung quốc trước đây của tổng thống Bush, Trung quốc đã đi những bước bạo dạn làm cho Hoa Kỳ nghĩ rằng mình bị thiệt thòi.
Tháng 2 năm 2002 khi tổng thống Bush viếng Bắc Kinh lần đầu tiên quan hệ Trung quốc-Hoa Kỳ được cải thiện nhờ vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Trung quốc chọn lúc Hoa Kỳ đang bối rối trước vụ khủng bố để hàn gắn mối quan hệ đang căng thẳng do vụ máy bay của Hoa Kỳ và Trung quốc đụng nhau ngoài khơi bờ biển Trung quốc tháng 4 năm trước. Trong khi đó Hoa Kỳ cũng dùng thời điểm tế nhị đó để thắt chặt quan hệ với một đồng minh quan trọng trong việc chống khủng bố Hồi giáo. Trung quốc không phản đối khi Hoa Kỳ mang lực lượng quân sự sang Trung Á, ngay tại cửa ngõ nhà mình, và khi Hoa Kỳ đánh Iraq Trung quốc không ủng hộ nhưng không làm ồn ào câu chuyện.
Ba năm sau (trước ngưỡng cửa của chuyến viếng thămTrung quốc lần thứ hai này của tổng thống Bush nhân dịp công du Á châu 8 ngày - từ 14/11 đến 21/11/2005 - thăm bốn nước Nhật Bản, Nam Hàn, Trung quốc, Mông cổ và tham dự Hội nghị Hợp Tác Kinh tế của các nước Á châu -Thái Bình Dương tại Nam Hàn) Trung quốc vẫn chưa tỏ ra sẵn sàng đối đầu với Hoa Kỳ. Thị trường rộng lớn của Hoa Kỳ còn là một mối lợi lớn. Nhưng khi Trung quốc thấy Hoa Kỳ thiết lập một vòng đai quân sự quanh mình (Afghanistan, Uzbekistan, Tajikistan, Thái Lan, Nam Hàn, Nhật Bản, Singapor, Ú châu, Guam) thì Trung quốc tìm cách giải vây bằng cách ve vãn các nước Á châu và các nước khác ở xa hơn.
Tháng 7 vừa qua, Trung quốc cùng với Liên bang Nga vận động Tổ chức Hợp tác Thượng hải (Shanghai Co-operation Organization – SCO), một tổ chức gồm 4 nước Trung Á (Kazakhstan, Kyrgystan, Tajikistan, Uzbekistan), Trung quốc và Liên bang Nga (thành lập ngày 15/6/2001) yêu cầu Hoa Kỳ thiết lập một chương trình rút quân ra khỏi các nước thành viên. Tháng 8/2005 Trung quốc và Liên bang Nga tập trận chung gọi là “Công tác Hòa bình 2005” (Peace Mission 2005) nói là tập chống khủng bố. Nhưng cuộc tập trận có vẻ như một cuộc thực tập đổ bộ Đài Loan.
Tại bán đảo Triều Tiên,Trung quốc và Hoa Kỳ hợp tác với nhau giải quyết cuộc khủng hoảng nguyên tử Bắc Hàn. Và Trung quốc đã khéo léo dùng vị trí then chốt của mình để xích lại gần Nam Hàn vì chính sách ôn hòa của Nam Hàn đối với Bắc Hàn gần gũi với chính sách của Bắc Kinh hơn là biện pháp mạnh của Hoa Kỳ.
Hiện nay quan hệ giữa Nam Hàn và Hoa Kỳ vẫn khắng khít dù hai nước bất đồng ý kiến về chính sách đối với Bắc Hàn. Nhưng Trung quốc nhắm xa hơn, cố làm cho Nam Bắc Hàn xích lại gần nhau để tạo điều kiện yêu cầu Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Nam Hàn.
Tại Đông Nam Á Trung quốc tìm cách thay thế ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Ngày 14 tháng 12 tới hội nghị đầu tiên các nước Đông Á châu (gồm 10 nước hội viên Asean thêm các nước Trung quốc, Nhật, Nam Hàn, Úc, Tân Tây Lan, Ấn Độ) sẽ họp tại Kuala Lumpur. Hoa Kỳ không được mời tham dự và do đó Trung quốc sẽ có tiếng nói nổi bật trong hội nghị này. Trung quốc có tư thế đó vì cán cân thương mãi thặng dư của Trung quốc đối với nhiều nước Á châu, và ngay cả đối với Hoa Kỳ.
Xa hơn, Trung quốc cũng đang là nguồn gốc của mối bất hòa giữa Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu. Liên hiệp Âu châu muốn bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung quốc (áp dụng từ năm 1989 sau vụ Thiên An Môn), trong khi Hoa Kỳ lo rằng bãi bỏ lệnh cấm vận, Trung quốc sẽ thu thập được những kiến thức chế tạo vũ khí hiện đại và có thể dùng để chống Hoa Kỳ trong eo biển Đài Loan.
Trong không khí canh chừng nhau như hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung quốc, mỗi bước đi của nước này đều được nước kia quan sát kỹ lưỡng. Tại Hoa Kỳ dư luận tin rằng Trung quốc là một đe dọa của Hoa Kỳ, nhất là sau khi Ủy ban Nghiên cứu về Kinh tế và An ninh Trung quốc (một ủy ban lưỡng đảng thuộc quốc hội Hoa Kỳ) công bố bản nghiên cứu hằng năm vào giữa tháng 11.
Bản nghiên cứu dài 263 trang viết: “Sự canh tân quân đội của Trung quốc một cách có hệ thống là một đe dọa” cho quyền lợi và an ninh của Hoa Kỳ tại Thái bình dương. Tại Trung Á, khi SCO kêu gọi Hoa Kỳ rút quân chứng tỏ “Trung quốc xem chống khủng bố là thứ yếu”, và mục đích chính là làm suy giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại đó. Bản nghiên cứu nói sự đe doạ của Trung quốc đối với Đài Loan càng lúc càng rõ ràng và có tính hiện thực. Bản nghiên cứu nói có bằng chứng Trung quốc vẫn chuyển hiểu biết kỹ thuật nguyên tử cho Bắc Hàn mặc dù đang đóng vai trò trung gian với Hoa Kỳ để dàn xếp vụ Bắc Hàn chế tạo vũ khí nguyên tử.
Tuy nhiên câu hỏi then chốt là: Trung quốc có thật là một đe dọa để Hoa Kỳ phải quá lo lắng không? Trên thực tế dù Trung quốc làm gì Trung quốc cũng chưa có sức ngăn chận sự bành trướng sức mạnh của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ khó chịu vì không thể hiện diện tại hội nghị Đông Á châu tháng 12 này, nhưng nếu không có Hoa Kỳ thì hội nghị cũng không đi tới đâu, vì các nước tham dự đều là đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ.
Hầu hết các nước Đông Á tỏ ra thân mật với Trung quốc vì quyền lợi kinh tế, nhưng vẫn nghĩ Hoa Kỳ là nước bảo đảm an ninh cho mình. Và Trung quốc chơi với Hoa Kỳ cũng cùng một lý do, mặc dù Trung quốc không nói ra. Hầu hết dầu hỏa nhập cảng vào Trung quốc và vào ba nước đồng minh của Hoa Kỳ là Nhật, Nam Hàn, Đài Loan đều đi qua eo biển Malacca nên Hoa Kỳ và Trung quốc có cùng quyền lợi trong vùng biển này.
Kenneth Lieberthal, nguyên giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia (National Security Council) nhận xét rằng mặc dù Trung quốc tỏ ra năng động tại Á châu, nhưng không phải để thách thức Hoa Kỳ mà chỉ là lấp khoảng trống khi Hoa Kỳ đang bận rộn nơi khác (Afghanistan, Iraq).
Trong một báo cáo công bố hồi tháng 7, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ viết rằng với đà canh tân quân lực hiện nay Trung quốc có khả năng phóng tầm ảnh hưởng của mình xa hơn là khả năng đánh Đài Loan, nhưng rất giới hạn. Bản báo cáo viết Trung quốc không có kế hoạch kiểm soát biển cả ngoài vùng biển chung quanh Đài Loan. Khả năng quân sự tầm xa của Trung quốc được thấy qua vụ sóng thần tháng 12 năm 2004. Trong khi quân đội Hoa Kỳ được triển khai tham gia công tác cứu trợ, người ta không thấy bóng dáng của người lính Trung quốc.
Không có dấu hiệu gì chứng tỏ phản ứng của Hoa Kỳ làm cho Trung quốc thay đổi chương trình tăng cường lực lượng quân sự trên bờ biển đối diện với Đài Loan, Hiện nay Pentagon ước lượng tại đó Trung quốc có từ 650 đến 730 dàn hỏa tiễn tầm ngắn, và mỗi năm được dựng thêm khoảng 100 dàn nữa. Tuy nhiên các chỉ dẫn cho thấy Trung quốc không định giải quyết vấn đề Đài Loan bằng quân sự mà bằng kinh tế. Trung quốc gia tăng quan hệ kinh tế với Đài Loan tin rằng làm vậy Đài Loan sẽ không dám đơn phương tuyên bố độc lập - một điều Hoa Kỳ vẫn thường khuyến cáo Đài Loan không nên làm. Thật ra với quy chế hiện tại Đài Loan đã là một nước độc lập. Trung quốc biết nếu dùng quân lực để kiểm soát Đài Loan Trung quốc sẽ thiệt thòi nhiều về mặt ngoại giao và kinh tế trước sự trừng phạt của thế giới.
Trong chuyến đi của Hồ Cẩm Đào qua Anh, Đức, Tây Ban Nha vừa qua Hồ Cẩm Đào không thuyết phục được Liên hiệp Âu châu bỏ cấm vận vũ khí, mặc dù trước đây Liên hiệp Âu châu nói sẽ bỏ. Lý do, một phần do sự phản đối của Hoa Kỳ, một phần do Trung quốc ban hành luật chống Đài Loan ly khai tháng Ba vừa qua xác định rằng Trung quốc sẽ dùng vũ lực nếu Đài Loan tuyên bố độc lập.
Trong chính sách toàn cầu Trung quốc khéo léo khai dụng đòn phép ngoại giao. Để đủ dầu và nguyên liệu phát triển kinh tế, Trung quốc ve vãn những nước vốn bất thân thiện với Hoa Kỳ như Venezuela, Sudan, Zimbabwe, và nhất là Iran, nước bán dầu nhiều nhất cho Trung quốc. Do sự phản đối của Trung quốc, vấn đề (diệt chủng ở) Darfur của Sudan không được mang ra thảo luận đúng lúc trước Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Trung quốc cũng tỏ ra không bằng lòng khi Liên hiệp quốc bàn chuyện mang Iran ra Hội đồng Bảo An, nhưng nếu Liên hiệp quốc nhất định mang ra chưa chắc Trung quốc sẽ dùng quyền phủ quyết để chận lại. Nói thì nói mạnh nhưng Trung quốc sẽ không phủ quyết điều gì mà Hoa Kỳ cho là tối quan trọng cho quyền lợi của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ có lý do để lo ngại việc Trung quốc bán hiểu biết về sự chế tạo vũ khí giết người tập thể và kỹ thuật chế tạo hỏa tiễn ra ngoài. Hoa Kỳ đã ban hành nhiều biện pháp trừng phạt công ti Trung quốc nào bán các hiểu biết kỹ thuật này cho Iran. Tuy nhiên có dấu hiệu Trung quốc cũng thận trọng trong việc này. Ông Evan Medeiros (một nhân viên của RAND) trong một nghiên cứu mới đây kết luận rằng Trung quốc chưa sẵn sàng bán các hiểu biết kỹ thuật tế nhị, và sau cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 Trung quốc lại càng thận trọng hơn.
Do sự nghi ngờ của Hoa Kỳ đối với tham vọng toàn cầu của Trung quốc, chính sách của tổng thống Bush được miêu tả bằng thuật ngữ “đối kháng chiến lược” (strategic competitor) trong các mùa bầu cử trước đây cũng đang đổi mầu sắc. Trước khi lên đường công du Á châu tổng thống Bush nói rằng: “Quan hệ với Trung quốc rất quan trọng và hiện đang tốt” và hôm 9/11 (sáu ngày trước khi lên đường) tổng thống đã tiếp đức Đạt Lai Lạt Ma để nhắn với Trung quốc rằng ông quan tâm đến vấn đề nhân quyền, nhưng tế nhị tránh không chụp hình chính thức buổi gặp gỡ. Khi đặt chân đến Á châu, tổng thống Bush nói đến nền tự do và dân chủ của Đài Loan và thúc hối Trung quốc cải tổ, nhưng trong khi đó phái đoàn của tổng thống chỉ nói về mậu dịch và tránh bàn chuyện an ninh chung.
Thái độ chính trị của Hoa Kỳ đối với Trung quốc có thể tóm tắt qua câu hỏi của ông Robert Zoellick thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ trong một bài diễn văn ông đọc trong tháng 9. Ông nói: “Cứ nhìn những vấn đề toàn cầu trước mắt chúng ta phải giải quyết trong những năm tới như khủng bố, Hồi giáo quá khích, sự lan tràn vũ khí giết người tập thể, sự nghèo đói, bệnh tật và tự hỏi xem chúng ta sẽ giải quyết dễ hơn hay khó hơn nếu Hoa Kỳ và Trung quốc hợp tác với nhau hay kình chống nhau.”
Ông Zoellik phân biệt Trung quốc bây giờ với Liên bang xô viết trước đây. Ông nói Trung quốc không tuyên truyền chống Hoa Kỳ, Trung quốc không chống trào lưu dân chủ hóa trên thế giới và Trung quốc không nhất thiết tuyên bố sống chết với chủ nghĩa tư bản. Và ông nhấn mạnh Trung quốc biết sự thành công của mình tùy thuộc vào sự làm việc chung với cộng đồng thế giới.
Tuy nhiên ông Zoellik không quên cảnh giác thái độ của Trung quốc củng cố quyền lực của đảng cộng sản qua phát triển kinh tế và khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc nơi người Trung hoa. Ông Zoellik nói người Trung hoa không cần phải quá lo lắng như vậy nếu họ cởi mở hơn trong lĩnh vực chi phí quốc phòng và cho thế giới biết chương trình xử dụng sức mạnh quân sự của họ. Các lân bang của Trung quốc chia xẻ quan điểm này với ông Zoellik, nhất là Nhật Bản. Nhật cảm thấy bất an trước sự lớn mạnh của Trung quốc và đảng cộng sản Trung quốc cố tình khai thác tình cảm chống Nhật của người Trung hoa để mua chuộc sự ủng hộ của người dân đối với đảng.
Ông Hồ Cẩm Đào kêu gọi một “Thế giới Hài hòa” nhưng Trung quốc không làm gì để đánh tan sự nghi ngờ của các nước khác khi Trung quốc coi thường sự trong sáng và dân chủ. Trước diễn đàn Liên hiệp quốc ông Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh đến “nhu cầu của dân chủ trong quan hệ quốc tế” và giải thích rằng “tìm cách làm cho những xã hội tổ chức khác nhau suy nghĩ và hành động như nhau sẽ làm mất tính năng động và làm cho các xã hội này suy thoái.” Nhưng ông không nói gì đến nhu cầu một xã hội đa nguyên trong nước.
Năm 2002 khi nói chuyện tại đại học Tsinghua ở Bắc Kinh tổng thống Bush trích lời hứa của ông Đặng Tiểu Bình rằng Trung quốc sẽ tổ chức bầu cử dân chủ ở cấp quốc gia để nói với các sinh viên rằng “sự cải tổ sẽ tới”. Nhưng cho đến chuyến công du này tổng thống Bush cũng chưa thấy có gì thay đổi về mặt cải tổ chính trị. Người Mỹ hy vọng sự phát triẻn kinh tế sẽ kéo theo sự cởi mở chính trị. Nhưng cho đến tháng 9 năm 2005 này Trung quốc mới nói rằng may ra trong vài năm nữa các cuộc bầu cử dân chủ tại cấp làng xã mới có thể áp dụng ở cấp thị trấn. Trong khi đó các cuộc bầu cử cấp xã cũng không thấy có gì là dân chủ lắm.
Người Trung hoa có biệt tài khi dùng những nhóm chữ tượng trưng để làm yên lòng người khác. Trước nhóm chữ “thế giới hài hòa” là nhóm chữ “tiến lên một cách hòa bình” (peaceful rise). Giới chức Trung quốc từng tranh luận về nhóm chữ này cho rằng (tiến lên) có tính đe dọa thế giới, nhưng (hòa bình) lại quá yếu đối với Đài Loan.
Tốt hơn hết là ông Hồ Cẩm Đào nên nói thẳng ra điều gì Trung quốc muốn.
Dec. 1, 2005
BinhNam@sbcglobal.net