TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Sáu tác động của tỷ giá mới đến nền kinh tế - Hồng Phúc


Chuyên gia cho rằng Việt Nam không nên chỉ dựa vào chính sách tỷ giá để duy trì sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Ảnh Thành Hoa

- Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường EU và Mỹ sẽ không có nhiều tác động, lo ngại về nhập siêu gia tăng mạnh trong 5 tháng cuối năm không quá lớn, nhiều khả năng mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng sẽ có xu hướng tăng thêm, dòng vốn vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu trong ngắn hạn có thể sẽ bị ảnh hưởng nhất định… Đó là nhận định của các chuyên gia tài chính về sự điều chỉnh giá trị tiền đồng vừa qua của NHNN.

“Rất khó để chỉ ra một mức tỷ giá tối ưu cho một nền kinh tế, nhưng nhìn chung sẽ tốt hơn khi nới lỏng việc gắn tiền đồng với đô la Mỹ và mở rộng biên độ dao động cho phép,” Dan Svensson, Giám đốc quản lý danh mục Quỹ đầu tư trái phiếu Vietnam Debt Fund (VDeF) thuộc Dragon Capital, nói với TBKTSG Online trong cuộc phỏng vấn tuần này.

“Đồng thời phải nói rằng Việt Nam không nên chỉ dựa vào chính sách tỷ giá để duy trì sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Việt Nam không nên phụ thuộc vào tiền đồng yếu, mà thay vào đó nên tăng năng lực cạnh tranh thông qua cơ sở hạ tầng tốt hơn, và tái cấu trúc cả khu vực công và tư nhân,” ông Svensson nói.

Đã sống và làm việc trong môi trường tài chính tại Việt Nam nhiều năm, vị chuyên gia này cho rằng, ngay việc xác định danh sách các vấn đề cần cải tổ cho nền kinh tế cũng đã là một câu chuyện dài. Thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc là một vấn đề với Việt Nam và việc đồng nhân dân tệ yếu đi sẽ không cải thiện tình hình.

Song, một đồng tiền yếu có thể ảnh hưởng không tốt đến tâm lý chung để tái cấu trúc. Việt Nam cần có một cái nhìn rộng hơn đối với vấn đề này và tìm các giải pháp khác bên cạnh chính sách tỷ giá để nâng cao sức cạnh tranh trong giao dịch thương mại với Trung Quốc, ông nói.

Tác động cơ bản

Trong một báo cáo nhanh vừa công bố, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt nhận định một số tác động cơ bản có thể xảy ra của tỷ giá mới đến nền kinh tế.

Trước hết, về khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu, quyết định phá giá tiền đồng nương theo việc mất giá của nhân dân tệ so với đô la Mỹ của NHNN ngoài mục tiêu đảm bảo cho Việt Nam không ở vào thế bất lợi thêm trong quan hệ thương mại với Trung Quốc thì còn nhắm đến bảo toàn sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam sang các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản...

Kể từ khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá (ngày 11-8), các đồng tiền khu vực đều giảm giá mạnh và so với các đồng tiền các nước thì mức giảm giá của đồng Việt Nam ở mức trung bình. “Chúng tôi cho rằng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường EU và Mỹ sẽ không bị tác động nhiều trong khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực nhờ sự linh hoạt, kịp thời điều chỉnh của NHNN,” nhóm tác giả báo cáo viết.

Thứ hai, về tác động nhập siêu từ Trung Quốc. Trong cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất của Việt Nam 6 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 16 tỷ đô la Mỹ chiếm tới 38% tổng kim ngạch nhập khẩu. Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu là đầu vào cho hoạt động sản xuất trong nước bao gồm các mặt hàng máy móc thiết bị (nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 32%); linh kiện điện tử (17%); nguyên phụ liệu dệt may da giày (21,5%)…

Với cơ cấu kinh tế như hiện nay, trong ngắn hạn, Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc. Do sự mất giá của nhân dân tệ và tiền đồng so với đô la Mỹ hiện nay là gần tương đương nhau (3% so với 2,7%) nên hiệu ứng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ đi khó diễn ra. Do vậy, theo quan điểm của báo cáo này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường EU và Mỹ sẽ không bị tác động nhiều, lo ngại về nhập siêu gia tăng mạnh trong 5 tháng cuối năm không quá lớn.

Thứ ba, về tác động đến lạm phát. Một tỷ trọng lớn hàng nhập khẩu phục vụ cho sản xuất của Việt Nam là từ Trung Quốc (mà tương quan tỷ giá giữa tiền đồng và nhân dân tệ không thay đổi quá nhiều). Một số thị trường nhập khẩu lớn khác của Việt Nam như Hàn Quốc và các nước ASEAN cũng có đồng nội tệ giảm giá so với đô la Mỹ thời gian vừa qua nên sẽ không làm cho hàng nhập khẩu vào Việt Nam tăng giá nhiều. Còn lại các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ phần lớn nhập từ Mỹ, Nhật Bản và EU. Do vậy, tác động của việc giảm giá tiền đồng đến lạm phát sẽ không đáng kể và chủ yếu nằm ở phần nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ như ô tô, điện thoại, hàng điện tử… Hiện các mặt hàng này chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Thứ tư, tác động đến mặt bằng lãi suất. Mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng trên thị trường đã có dấu hiệu chạm đáy vào tháng 5 và bắt đầu tăng nhẹ trở lại kể từ tháng 6. Việc giảm giá dồn dập đồng Vệt Nam sẽ càng củng cố cho xu hướng này. Tuy nhiên, phản ứng của NHNN sẽ giúp dập tắt tâm lý kỳ vọng tiếp tục phá giá tiền đồng, từ đó hạn chế các hoạt động đầu cơ. Mặc dù vậy, để giữ vững niềm tin của người người gửi tiền vào tiền đồng và tạo một khoảng cách đủ hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi đô la Mỹ (đề phòng cả trường hợp FED tăng lãi suất trở lại), nhiều khả năng mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng sẽ có xu hướng tăng thêm quanh mức 0,5% trong thời gian tới.

Thứ năm, về nợ nước ngoài của Việt Nam sau sự điều chỉnh tỷ giá, ông Dan Svensson nhận định: “Nợ nước ngoài nhìn chung sẽ trở nên đắt hơn, tuy nhiên vẫn có thể kiểm soát được.”

Thứ sáu, tác động đến dòng vốn đầu tư nước ngoài. “Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu trong ngắn hạn có thể sẽ bị ảnh hưởng nhất định do lo ngại của khối ngoại trước rủi ro biến động tỷ giá. Trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng ba tuần liên tiếp gần đây trên thị trường trái phiếu với giá trị bán ròng đạt hơn 1.200 tỉ đồng”, theo nhóm tác giả báo cáo của Bảo Việt. Song về dài hạn, họ cho rằng quyết định chủ động giảm giá tiền đồng của NHNN lại có tác dụng xóa bỏ kỳ vọng tỷ giá còn tiếp tục tăng, hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại tệ, giúp nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hơn trong các quyết định đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Là người theo sát diễn biến trên thị trường trái phiếu chính phủ, ông Dan Svensson nói: “Điều quan trọng là việc môi trường tiền tệ biến động sẽ ảnh hưởng không tốt lên tâm lý của các nhà đầu tư khi mua trái phiếu Việt Nam bằng tiền đồng... Đây là một tình huống không dễ khi lạm phát ở mức thấp và lãi suất ở mức cao. Trái phiếu Chính phủ giờ phải cạnh tranh với nhiều dạng tài sản khác, nhất là khi nhóm các nhà đầu tư là không nhiều và mỏng”.

Sự lo ngại của ông có lý do, bởi “ngân hàng là các nhà đầu tư chính thì đang chịu sức ép gia tăng cho vay đầu ra. Nhưng cùng lúc, biến động của đồng tiền khiến cho ngân hàng phải tăng lãi suất huy động. Thị trường muốn đẩy lãi suất lên trước rồi sau đó kéo xuống vào cuối năm nay. Nhìn chung mà nói, lãi suất sẽ chỉ dao động trong biên độ hẹp”.

Ông nói tiếp: Sẽ có một mức lãi suất nhất định giúp duy trì sự ổn định của tiền đồng. Lãi suất thực (lãi suất danh nghĩa có điều chỉnh theo lạm phát) hiện là rất cao so với các nước trong khu vực, và điều này sẽ không tốt cho nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Không nên dựa vào tỷ giá để duy trì sức cạnh tranh xuất khẩu

“Còn quá sớm để cho là thương mại của Việt Nam sẽ được khắc phục khi tỷ giá thay đổi”, đại diện một quỹ đầu tư tại TPHCM nhận định với TBKTSG Online. "Nếu xét về cơ cấu thâm hụt thương mại của Việt Nam trong dài hạn, tôi cho rằng quan điểm có lợi cho nền kinh tế là NHNN nên phá giá tiền đồng từ từ, giảm kỳ vọng lạm phát và tỷ giá của thị trường, không nên phá giá ồ ạt và cao hơn mức Trung Quốc điều chỉnh trong đợt này.

“Gần đây có chuyên gia cho rằng nên phá giá tiền đồng ngay và nhiều hơn Trung Quốc, tôi không đồng ý hoàn toàn bởi thứ nhất, Việt Nam nhập nhiều hàng từ Trung Quốc là vấn đề của cơ cấu kinh tế chứ không hẳn là từ giá cả cạnh tranh nên phá giá nhiều hơn Trung Quốc không giúp được chuyện hạn chế nhập khẩu”, vị này nói.

Ông phân tích tiếp, nếu phá giá đồng tiền để khuyến khích xuất khẩu, cái này đúng trong điều kiện các nước xung quanh đều có đồng tiền yếu đi so với đô la Mỹ nhất là các thị trường mục tiêu ở châu Á và Nhật và một số nước châu Á đóng vai trò trung chuyển. Nếu tiền đồng vẫn ổn định liên tục thì xuất khẩu sẽ yếu đi vì giá cả kém cạnh tranh hơn. Vậy nên phá giá một vài điểm phần trăm là cần thiết (và NHNN đã làm).

Điểm cần lưu ý là tỷ giá luôn đi kèm với "kỳ vọng lạm phát" và vấn đề ổn định trạng thái ngoại tệ của hệ thống ngân hàng. Quyết định tỷ giá thay đổi bao giờ cũng khó khăn và đây là điểm khác biệt cơ bản giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc có thặng dư thương mại và dư thừa ngoại tệ lớn trong khi Việt Nam lại yếu hơn rất nhiều. Nếu phá giá quá mạnh một lúc làm ảnh hưởng yếu tố tâm lý trong dân chúng (tình trạng đô la hóa trở lại) thì vấn đề còn khó giải quyết hơn.

Gần giống với quan điểm của vị đại diện quỹ nước ngoài trên, ông Dan Svensson nói: “Tôi không nghĩ Việt Nam cần phải hạ giá tiền đồng nhiều đến vậy (điều chỉnh nhanh và mạnh hơn Trung Quốc như một số chuyên gia đã phát biểu - PV). Có thể 1 - 4%/năm là đủ (năm nay - PV). Các công cụ như chỉ số tỷ giá hối đoái thực hiệu dụng (Real effective exchange rate – REER) có thể cho là cần phải hạ giá tiền đồng thêm nữa, nhưng tôi không cho rằng công cụ này phù hợp với các nền kinh tế cận biên (tức là các nền kinh tế đang phát triển, khá tốt, nhưng chưa đủ để thành nền kinh tế mới nổi - PV).

“Tôi cũng cho rằng việc can thiệp vào thị trường ngoại hối cần được thực hiện một cách thận trọng bởi vì trong trường hợp xấu nó có thể không mang lại hiệu quả, mà lại rất tốn kém. Xu thế và áp lực của thị trường tài chính đôi khi rất lớn và thậm chí không thể cản được thông qua các biện pháp can thiệp”, theo lời ông Dan Svensson,

“Còn về vấn đề biến động của tỷ giá, chúng ta cũng phải nhớ rằng các quốc gia khác trong khu vực cũng đã trải qua nhiều đợt tăng giảm mạnh tỷ giá trong năm nay,” ông nói.

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness