Dường như là lần đầu tiên liên quan đến bảo lãnh của Chính phủ cho các khoản vay mới, Nghị quyết của Chính phủ đề cập đến việc: “Đồng thời nghiên cứu chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các ngân hàng thương mại”.
Trong Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước 2016 mà Chính phủ vừa ban hành có một số nội dung mới, đáng chú ý và hàm ý những thay đổi quan trọng trong thời gian tới.
Về chính sách tiền tệ và tỷ giá, ngoài những câu chữ quen thuộc như “chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô…”, Nghị quyết nhấn mạnh đến mục tiêu kiểm soát lạm phát (theo mục tiêu đề ra là dưới 5%), chứ không có mục tiêu ổn định tỷ giá như trước đây. Thay vào đó, Nghị quyết chỉ nêu “sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và các công cụ, biện pháp để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ”.
Có thể “dịch” thông điệp trên ra nghĩa là Chính phủ vẫn muốn NHNN ổn định cung cầu trên thị trường ngoại tệ. Tuy nhiên cung và cầu, nhất là ngoại tệ là thứ rất khó nắm bắt, dự đoán và kiểm soát. Vì, ngoài cung và cầu trong nền kinh tế thật còn có cung và cầu trong nền kinh tế “ảo”, hình thành do những biến động tâm lý và môi trường vĩ mô và đầu tư toàn cầu - vốn là những thứ rất… “ảo”, không thể dùng ý chí để nắm bắt nó “hiện hình” ra được. Thế nên cho dù có muốn ổn định cung cầu thì cũng không có nghĩa là ổn định hoàn toàn được tỷ giá.
Như vậy có thể nói thêm rằng nhiệm vụ chủ chốt của NHNN trong năm nay sẽ chỉ là theo đuổi lạm phát mục tiêu (nhờ đó điều chỉnh được lãi suất trong mức hợp lý) và để ngỏ cho tỷ giá biến động hơn nếu môi trường hình thành tỷ giá thay đổi mạnh.
Điều này sẽ giúp NHNN thoát khỏi tình trạng tiến thoái lưỡng nan như trong thời gian trước đây khi phải thực hiện “bộ ba bất khả thi” bao gồm ổn định tỷ giá, lãi suất và kiểm soát dòng vốn.
Về chính sách tài khóa, Nghị quyết nêu: “Tiếp tục tái cơ cấu lại nguồn thu ngân sách Nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa. Không đề xuất, ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách Nhà nước, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện cam kết quốc tế”. Hàm ý của nội dung này có thể sẽ không còn hy vọng Chính phủ sẽ cắt giảm các loại thuế, phí nội địa, giúp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng “dễ thở” hơn...
Tiếp theo, dường như là lần đầu tiên liên quan đến bảo lãnh của Chính phủ cho các khoản vay mới, Nghị quyết nêu ra: “Đồng thời nghiên cứu chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các ngân hàng thương mại”.
Mặc dù mới chỉ là “nghiên cứu” để “chuyển dần sang” kênh bảo lãnh của các ngân hàng thương mại, nhưng nội dung này cho thấy một biến chuyển rất mới. Các nhà điều hành đã nhận ra những rủi ro quá lớn cho nền kinh tế khi biến nghĩa vụ nợ thương mại, của doanh nghiệp (dù là doanh nghiệp Nhà nước – DNNN) thành nghĩa vụ nợ quốc gia.
Khi “chuyển giao” trách nhiệm bảo lãnh này sang cho các ngân hàng thương mại, có thể Chính phủ kỳ vọng rằng sẽ không phải đáp ứng nhu cầu vay của các DNNN ngay như trước đây (đứng ra bảo lãnh đi vay). Nhờ thế, các DNNN sẽ phải tính toán cẩn trọng và có trách nhiệm hơn với đồng vốn huy động, với sứ mệnh và nhiệm vụ sản xuất và kinh doanh của mình, bởi không phải DNNN nào, khoản vay nào cũng sẽ được các ngân hàng thương mại đáp ứng (bảo lãnh) đầy đủ nếu hiệu quả và tính khả thi của dự án sử dụng vốn vay là thấp nhìn từ góc độ thương mại.
Việc này sẽ không chỉ giúp Chính phủ giảm được gánh nặng nợ công mà còn có tác dụng nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN, gián tiếp tác động một cách tích cực đến quá trình tái cơ cấu khu vực DNNN.
Tuy có tác động lớn như vậy nhưng Chính phủ vẫn thận trọng khi chủ trương chỉ “chuyển dần sang” kênh bảo lãnh của các ngân hàng thương mại. Bởi lẽ, nếu thực thi đồng bộ, trên diện rộng thì sẽ không có mấy DNNN vay được vốn trong khuôn khổ mới này vì rất nhiều trong số các DNNN đang sản xuất kinh doanh không hiệu quả, khó mà được các ngân hàng thương mại bảo lãnh đi vay trừ khi các ngân hàng cho vay theo chỉ định. Trong những tình huống đó, bắt buộc Chính phủ vẫn phải bảo lãnh để các DNNN này tiếp tục vay vốn nhằm vực lại sản xuất, kinh doanh hoặc tái cơ cấu theo hướng lành mạnh hơn.
Nói cách khác, có thể hiểu rằng Chính phủ, trước mắt, sẽ “nhường” cho các ngân hàng thương mại vai trò bảo lãnh đi vay với những DNNN lành mạnh nhất, (có dự án) hiệu quả nhất. Đây cũng là một điều tích cực khi các ngân hàng thương mại sẽ có thêm một nguồn thu tiềm năng tương đối chắc chắn.