TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Thời của trí tuệ nhân tạo

Ván đấu cuối của Lee Sedol và AlphaGo.Ảnh: GOOGLE

- Những cỗ máy biết học hỏi, suy nghĩ, phán đoán và hành động độc lập với con người - chuyện tưởng như chỉ có trong phim viễn tưởng Hollywood, giờ đã bước ra đời sống, dưới tên gọi “Trí tuệ nhân tạo” (Artificial intelligence, A.I.)

Sau 5 tiếng đồng hồ căng thẳng hôm Chủ nhật 13-3, kỳ thủ cờ vây số 1 thế giới Lee Sedol, người Hàn Quốc, 33 tuổi, đã giành được chiến thắng đầu tiên sau ba ván thua trước một đối thủ độc đáo: chương trình máy tính AlphaGo - một phần mềm trí tuệ nhân tạo (A.I.) do Công ty DeepMind - một công ty con của tập đoàn Google - phát triển. Nhưng sang ngày thứ Ba 15-3, AlphaGo lại đánh bại Lee Sedol trong ván thứ 5 cũng là ván cuối, giành thắng lợi chung cuộc với tỷ số 4-1 và giải thưởng 1 triệu đô la Mỹ. Chiến thắng của AlphaGo được coi là “cột mốc” đánh dấu khả năng vượt trội của trí tuệ nhân tạo trước một kỳ thủ đã có 20 năm trầm tư trước bàn cờ.

Giữa máy và người

Cờ vây - môn cờ xuất xứ từ Trung Quốc vài ngàn năm trước - được coi là “khó” hơn rất nhiều so với cờ tướng, cờ vua. Trên một bàn cờ hình vuông, mỗi cạnh 19 ô, hai đấu thủ sử dụng những quân cờ đen và trắng để triệt hạ nhau, phần thắng thuộc về đấu thủ nào dùng quân cờ của mình “bao vây” quân cờ của đối phương, không cho chúng di chuyển. Mỗi nước đi, kỳ thủ cờ vây có tới 200 khả năng lựa chọn khác nhau, so với chỉ 20 lựa chọn trong môn cờ vua; còn theo các chuyên gia của DeepMind, số vị trí của quân cờ trên bàn cờ vây còn nhiều hơn số nguyên tử trong vũ trụ.

DeepMind là một công ty Anh Quốc, chuyên phát triển trí tuệ nhân tạo, tức là những thuật toán giúp cho máy tính có khả năng học hỏi, phán đoán và ra quyết định như trí tuệ con người. Công ty DeepMind được sáp nhập vào tập đoàn Google - nay là tập đoàn Alphabet - năm 2014. Demis Hassabis, 33 tuổi - chuyên gia phần mềm, người sáng lập và điều hành Công ty DeepMind, cũng là kiện tướng cờ vua - nói rằng hệ thống AlphaGo “tự chơi, tự đưa ra những phiên bản khác nhau, hàng triệu hàng triệu lần và mỗi lần nó lại tự tiến bộ một chút”. “Nó biết học hỏi từ những sai lầm”, Hassabis nói với đài BBC.

Máy tính thắng con người trong môn đánh cờ không phải là chuyện mới; 10 năm trước hệ thống máy tính Deep Blue của tập đoàn IBM đã từng đánh bại danh thủ cờ vua số 1 thế giới Garry Kasparov, người Nga. Tuy nhiên, theo Giáo sư Howard Yu, khoa Quản trị chiến lược trường Kinh doanh IMD ở Thụy Sỹ, trong khi máy Deep Blue - có kích thước bằng cả một căn phòng - dùng sức mạnh áp đảo của các bộ vi xử lý mạnh nhất thời ấy để tính toán trước những nước cờ của đối phương và đưa ra cách hóa giải theo một chương trình đã lập sẵn thì hệ thống AlphaGo của DeepMind hoạt động hoàn toàn khác. AlphaGo sử dụng công nghệ “máy học tập” (machine learning; deep-learning technology) cùng với một mạng máy tính mô phỏng hoạt động của bộ não người (neural network) để học hỏi và suy nghĩ và tự điều chỉnh phán đoán theo tình huống mà nó gặp phải.

Trí tuệ nhân tạo để làm gì?

Tất nhiên trí tuệ nhân tạo không chỉ dùng để đánh cờ. Demis Hassabis cho rằng AlphaGo chỉ là một “thử nghiệm” (testbed), một nền tảng (platform) để công ty nghiên cứu phát triển thuật toán, nhắm tới giải quyết những vấn đề thực. “Đích cuối cùng chúng tôi muốn áp dụng trí tuệ nhân tạo vào những bài toán lớn của thế giới thực, nơi mà việc đưa ra quyết định của con người sẽ được lợi nhờ những chiếc máy biết học tập nhanh và xử lý dữ liệu hiệu quả hơn”, Hassabis nói.

Thực tế, trí tuệ nhân tạo ở những dạng thức ban đầu, đã được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống thường nhật, có thể thấy ở phần mềm Siri trên điện thoại iPhone, Cortana trong hệ điều hành Windows... Ở tập đoàn Google, công nghệ máy học tập và mạng mô phỏng não người đã được sử dụng rộng rãi trong một số sản phẩm, chẳng hạn như tìm kiếm (search), dịch thuật Google Translate hoặc xe hơi tự lái. Hassabis dự đoán chỉ trong vòng năm năm nữa, trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi cuộc sống của mọi người.

Jeff Dean, kỹ sư máy tính được coi là “người thông minh nhất” ở Google, người phụ trách dự án nghiên cứu công nghệ máy học tập GoogleBrain và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các sản phẩm của Google, cho rằng, công nghệ người máy (robotics) có thể là lĩnh vực đầu tiên ứng dụng trí tuệ nhân tạo và Google đang hoạt động tích cực ở lĩnh vực này sau khi mua lại một số công ty robotics như Boston Dynamics. “Tôi nghĩ robotics thật sự là một ví dụ tốt về khả năng của trí tuệ nhân tạo. Chúng tôi đã mua nhiều công ty robotics nhưng khả năng tích hợp trí tuệ nhân tạo vào công nghệ robotics sẽ là hướng đi quan trọng và thú vị trong vài năm tới”, ông Dean nói.

Eric Schmidt, Chủ tịch tập đoàn Alphabet, cũng đồng ý như vậy. “Tôi không nghĩ ra được có lĩnh vực nào không thể áp dụng trí tuệ nhân tạo. Đối với tôi, công nghệ này là thứ mà chúng tôi sẽ dùng trong mọi công ty của tập đoàn Alphabet”, ông Schmidt nói. Ông Schmidt đã ngồi máy bay 10 tiếng đồng hồ từ Mỹ đến Hàn Quốc chỉ để khai mạc trận đấu cờ lịch sử giữa kỳ thủ Lee Sedol và máy AlphaGo.

Triển vọng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào đời sống đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng công nghệ và kích hoạt một làn sóng đầu tư mới. Theo Công ty Phân tích dữ liệu Quid, năm ngoái các quỹ đầu tư mạo hiểm đã đổ hơn 8,5 tỉ đô la Mỹ vào các dự án nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, gấp 3,5 lần mức đầu tư năm 2010.

Con người sẽ về đâu?

“Thành công của AlphaGo cho thấy lợi thế của con người đang bị xói mòn rất nhanh”, giáo sư Howard Yu của trường Kinh doanh IMD Yu, nhận định trong cuộc thảo luận bàn tròn về trí tuệ nhân tạo do báo The New York Times tổ chức nhân giải đấu cờ vây AlphaGo-Lee Sedol. Ông Yu đánh giá thắng lợi của AlphaGo là “cột mốc” lớn trong việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và cho rằng, công cuộc đào tạo bồi dưỡng nhân tài trong tương lai phải thay đổi tận gốc nếu không muốn bị máy móc đào thải.

Doina Precup, Phó giáo sư ngành khoa học máy tính Đại học McGill, đánh giá thành công của AlphaGo “mở ra cánh cửa vào tương lai tốt đẹp hơn... Thuật toán phát triển cho AlphaGo sẽ giúp chúng ta sử dụng máy tính hiệu quả hơn trong việc nâng cao năng lực của con người”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hồ hởi như vậy. Phó giáo sư Emma Brunskill, ngành khoa học máy tính Đại học Carnegie Mellon, Mỹ cho rằng, đến nay trí tuệ nhân tạo của hệ thống AlphaGo đã được “suy luận quá xa”.

Theo bà Brunskill, cờ vây là một trò chơi cố định: luật chơi, các nước đi đều đã xác định trước. AlphaGo không được phép sáng tạo ra một nước cờ mới, không học được tri thức mới từ việc quan sát đối thủ. Trong thế giới thực thì không phải như vậy, từ kính viễn vọng Hubbles đến tiêm chủng phòng dịch, con người thường xuyên sáng tạo ra những ý tưởng mới cho phép quan sát và định hình vũ trụ và đạt tới những kết quả mà trước đó chưa ai tưởng tượng ra được. “Một dấu hiệu phân biệt của trí tuệ con người là chúng ta có khả năng định hình lại trò chơi và suy nghĩ ra ngoài các khuôn khổ và đó chính là biên giới của trí tuệ nhân tạo”, bà nói.

Một mối quan ngại đang lan rộng là trong tương lai máy móc được trang bị trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, khiến nhiều người mất việc làm. Báo cáo “Tương lai của việc làm” trình bày tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2016 đầu năm nay cảnh báo, từ nay đến năm 2020 sẽ có 5 triệu việc làm bị mất đi trong 15 nền kinh tế đã và đang phát triển; số phụ nữ bị mất việc sẽ nhiều hơn nam giới vì phụ nữ khó thích nghi với công nghệ mới trong các công việc làm mới. Không chỉ lao động chân tay mới bị máy móc thay thế mà ngay cả giới “cổ cồn trắng” cũng bị đe dọa, tầng lớp trung lưu có thể sẽ biến mất trong một “thế giới không có việc làm”.

Ông Schmidt của Alphabet thừa nhận, khi trí tuệ nhân tạo được sử dụng đại trà thì những người làm những công việc lặp đi lặp lại sẽ gặp nguy cơ. “Tôi hiểu lập luận về kinh tế nhưng công nghệ A.I. sẽ mang lại lợi ích cho mọi người trên hành tinh. Nó thật sự làm cho chúng ta thông minh hơn và đó là bước phát triển tự nhiên”, ông Schmidt nói.

Nhà báo Geoff Colvin, biên tập viên của tạp chí Fortune thì lạc quan hơn: “Tôi không tin máy đánh cờ thắng người sẽ báo hiệu một kỷ nguyên thất nghiệp tràn lan trong đó máy tính trang bị trí tuệ nhân tạo sẽ khiến chúng ta không còn việc gì để làm. Công nghệ tiên tiến sẽ thay đổi sâu sắc bản chất các kỹ năng của con người nhưng kỹ năng quý giá nhất là sự tương tác giữa người với người thì không máy móc nào làm được”, ông nói.

Ông Eric Schmidt của Alphabet nhấn mạnh rằng, dù thông minh đến đâu thì các hệ thống trí tuệ nhân tạo như AlphaGo cũng là sản phẩm của trí tuệ con người, nên sẽ là phi lý khi tuyên bố “máy thắng người”. “Dù chuyện gì xảy ra thì người chiến thắng ở đây vẫn là con người”, ông Schmidt tuyên bố khi bấm nút khai mạc trận đấu cờ vây đầu tiên trong lịch sử giữa máy và người.

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness