TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

TS. Vũ Quang Việt và Ông Võ Văn Kiệt

Lãnh đạo và dân cùng chí hướng

Chiều ngày 23-11-2009, tôi xuống Vĩnh Long lang thang trong vườn nhà ông Võ Văn Kiệt ở ấp Bình Phụng. Ngay từ khi nghỉ hưu, 2001, ông Võ Văn Kiệt đã muốn xây một ngôi nhà nhỏ trên cái nền nhà cũ ấy để có chỗ thắp nén nhang cho những người đã sinh ra 8 anh em ông. Nhưng, mãi tới cuối năm 2007, ông mới cho đặt lên ở đấy một “mái che” mấy năm sau khi đình làng được sửa. Không phải là vấn đề tiền bạc, cái ấp mà từ đó, năm 1940 ông đi làm Cách mạng, nay về lại và nhận ra là nó vẫn quá nghèo. Gia đình các anh, các chị, các cháu của ông vẫn sống ở đó trong những căn nhà đơn sơ như lối xóm. Tôi đứng khá lâu trước một phiến đá nhỏ khắc chữ của ông: “Nơi đây, mẹ đã sinh ra chúng con”. Bên cạnh đó là một tấm bia nhỏ ghi tên tuổi những người thân và tên ông, viết như những người anh em nông dân khác.

Khi trở lại Sài Gòn, ngồi trước máy, đọc được công trình nghiên cứu của nhóm chuyên gia người Việt do TS Vũ Quang Việt chủ biên: Khủng Hoảng Kinh Tế Việt Nam 2008, Sự Sai Lầm Về Chính Sách và Vai Trò Của Tập Đoàn Kinh tế Quốc Doanh. Công trình được công bố trên Southeast Asian Affairs 2009; bản gốc tiếng Việt đăng trên tapchithoidai.org. Sau khi phân tích những nguyên nhân đem tới khủng hoảng kinh tế Việt Nam 2008, trong đó có những đầu tư thiếu hiệu quả cho các tập đoàn kinh tế nhà nước do chính Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp, TS Vũ Quang Việt viết: “Những người chỉ trích Thủ tướng cũng không nghĩ ra cách quản lý tốt hơn các tập đoàn quốc doanh khi mà việc xây dựng doanh nghiệp nhà nước đã được coi là quốc sách”. Câu kết luận của TS Vũ Quang Việt khiến tôi nhớ lại những trăn trở cuối đời của ông Võ Văn Kiệt: duy trì lực lượng quốc doanh như hiện nay không chỉ dẫn tới khủng hoảng nhất thời mà còn là tác nhân sâu xa của cái nghèo không chỉ ở quê ông, Bình Phụng.

Tháng 3 năm 2008, trong một buổi làm việc thường lệ, ông trở nên trầm lặng. Thời điểm ấy, lạm phát tăng cao, một trong những nguyên nhân lạm phát là do nền kinh tế vận hành không hiệu quả. Khu vực làm ăn không hiệu quả nhất lại chính là khối kinh tế quốc doanh, khối kinh tế tồn tại với vai trò “định hướng”. Khó có một nghiên cứu nào phân tích vấn đề này sâu hơn công trình nói trên của nhóm TS Vũ Quang Việt, tôi không nhắc lại những con số, chỉ muốn nhắc lại lời ông Kiệt: “Chính vì sợ ‘chệch’ cái ‘hướng’ ấy mà chúng ta đã không tận dụng được thời cơ để bứt lên, cải thiện tình hình”.

Tháng 9-1995, ông Võ Văn Kiệt phát biểu: “Nếu chúng ta cho rằng kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo là một tiêu chí của định hướng xã hội chủ nghĩa, là mục tiêu phấn đấu của dân tộc ta, thì hoàn toàn không đúng”. Khi đó ông đề nghị, để tránh nguy cơ tụt hậu, Việt Nam phải xây dựng một nền kinh tế tuân thủ các nguyên tắc của kinh tế thị trường. Nhưng, như ông Lê Văn Triết, Bộ trưởng Thương mại của ông thời đó cho biết, những dự định ấy bị coi là “chệch hướng” và ngay trong lĩnh vực thương mại, khuynh hướng “tự do kinh doanh” mà Chính phủ chủ trương đã phải xếp lại để “xây dựng quốc doanh, kiên quyết không cho tư thương đẩy lùi trận địa”.

Năm 2005, ông Võ Văn Kiệt nhìn lại: “Thay vì từ sự sụp đổ của Đông Âu và Liên Xô mà rút ra bài học, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, triệt để hơn nhằm khắc phục những khuyết tật của mô hình quan liêu bao cấp dẫn đến sự suy kiệt của nền kinh tế, thì… với cái vỏ bọc của lập trường quan điểm, khuynh hướng “tả” đã kìm hãm tiến trình đổi mới mà Đại hội VI đã khởi động”. Ông nói, thật xót xa khi những người lo cho dân và bị coi là “hữu” như Kim Ngọc thì phải chịu kỷ luật còn những người người “tả”, đánh mất cơ hội phát triển của dân tộc thì chưa bao giờ phải kiểm điểm gì. Nhưng, điều đáng lo hơn, “định hướng” nếu như đã từng là “vỏ bọc của lập trường” đang tự diễn biến để trở thành “vỏ bọc của đặc quyền, đặc lợi”.

TS Nguyễn An Nguyên ( năm 2005 là nghiên cứu sinh ở đại học Rice) có lẽ là người đầu tiên khuyến cáo trên báo chí Việt Nam về sự chi phối chính sách của các nhóm lợi ích (interest groups). Tuy nhiên, nếu như các nhóm lợi ích được hình thành trong một xã hội dân sự minh bạch thì tác động của nó sẽ là bình thường; nếu các nhóm lợi ích ấy hoạt động âm thầm trong điều kiện có những chính sách có thể ký tá tại nhà thì không còn là “lợi ích” nữa mà là các nhóm đặc quyền đặc lợi (từ privileged groups đến syndication of privileged groups). Lợi ích quốc gia sẽ càng dễ dàng bị đe dọa khi những nhóm như vậy được phụ trách bởi một vài người. Trước những nhóm nhiều đặc lợi và có không ít đặc quyền, quyền quản lý họ rất dễ trở thành “rơm” và thậm chí có thể trở thành “con tin” của họ.

Công trình nghiên cứu của TS Vũ Quang Việt đã thu thập đầy đủ bằng chứng để chỉ ra thủ phạm của tình trạng lạm phát, của sự phát triển mất cân đối và không hiệu quả. Và, ông cũng đã có lý khi nhận xét, không ai có thể nghĩ ra cách quản lý tốt tập đoàn quốc doanh “khi mà việc xây dựng doanh nghiệp nhà nước đã được coi là quốc sách”. Ngay từ tháng 3-2008, ông Võ Văn Kiệt đã muốn nói ra một cách thẳng thắn thang thuốc đặc trị tình trạng này, một thang thuốc bắt đầu từ “Cương lĩnh”. Trước khi đi Hà Nội sau vụ “hai nhà báo bị bắt” ông đã trao đổi khá lâu và, ngày 21-5-2008, khi trở lại Sài Gòn, ông gọi điện thoại ngay cho tôi. Khi đó, tôi đang ở An Giang nên cuộc gặp được dời lại vào chiều 23-5-2008. Hôm ấy, ông đang bị cảm, đôi khi có vẻ như khó thở, nhưng câu chuyện vẫn kéo tới gần hết buổi chiều. Đó là buổi làm việc cuối cùng. Sáng 24-5-2008 ông vào viện rồi không bao giờ về nữa.

Có lẽ do trước khi rời Hà Nội, ông có tham gia đoàn các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước viếng lăng Hồ Chủ Tịch nên trong câu chuyện chiều ngày 23-5, ông nói: “Ai nghĩ, việc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đổi tên Đảng Cộng Sản thành Đảng Lao Động Việt Nam chỉ là sách lược thì không thực sự là ‘học trò’ của Hồ Chí Minh”. Năm 1951, ông Võ Văn Kiệt là đại biểu từ Nam Bộ được cử ra Việt Bắc dự Đại hội Đảng lần thứ II. Và, đúng như ông Việt Phương viết: “Hàng chục năm cuối đời, anh Sáu Dân (ông Võ Văn Kiệt) có những câu hỏi dằn vặt: Đại hội IV của Đảng năm 1976 quyết định đổi tên Đảng và đổi tên nước, là do những nguyên nhân nào”. Ông Kiệt nhìn nhận: “Cũng không thể đổ hết lỗi cho những người đứng đầu, bản thân những đại biểu như chúng tôi cũng về Đại hội IV như để dự một cuộc liên hoan mừng chiến thắng, thay vì ý thức đang quyết định những vấn đề làm thay đổi vận mệnh quốc gia, đất nước”.

Nhận thức, Đại hội không chỉ là sinh hoạt nội bộ của một đảng mà những quyết định ở đó còn ảnh hưởng đến số phận dân tộc, nên ông Võ Văn Kiệt muốn cảnh báo những sai lầm mà những đại biểu như ông đã từng gặp phải. Bắt đầu nắm trọn vẹn giang sơn kể từ năm 1975, ông Võ Văn Kiệt nhận thấy: “Đôi khi, chính tư duy ‘giáo điều’ đã chia rẽ dân tộc này; đã làm chậm tiến trình phát triển của đất nước này”. Khi đọc “Hồi Ký” của ông Lý Quang Diệu, thấy ông ấy viết, “Năm 1975, Thành phố Hồ Chí Minh có thể cạnh tranh ngang với Bangkok; còn năm 1992, tôi nghĩ, có lẽ nó đã tụt hậu 20 năm”, ông Võ Văn Kiệt nói, “Tôi đau không chịu được”. Điều cuối cùng mà ông Võ Văn Kiệt muốn góp tay “tháo gỡ” là những gì đang cản trở khả năng tập hợp sức mạnh của mọi người Việt Nam, những gì ràng buộc khiến cho các nguồn lực của quốc gia đang phải tập trung cho một khu vực hoạt động không hiệu quả. Ông nói: “Dân tộc trở thành một khối, quốc gia mạnh giàu, mới là định hướng tối cao”. Ông đề nghị để thực sự “học tập Hồ Chí Minh”, câu hỏi vì sao năm 1945, Cụ Hồ đã chọn tên nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và, năm 1951, đã đổi tên Đảng là Đảng Lao Động, nên được đưa ra thảo luận.

Tôi tin là ông đã rất tiếc khi chưa kịp gửi tới các nhà lãnh đạo những suy nghĩ nói trên và điều đó cứ đeo đuổi tôi hơn một năm qua, nhất là từ hôm đứng trong vườn nhà ông ở ấp Bình Phụng.

Huy Đức

 

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness