“An Nam quận vương cùng con là Liễn đều bị giết, nước ấy sắp mất, có thể nhân lúc này đem một cánh quân sang đánh lấy. Nếu bỏ lúc này không mưu tính, sợ lỡ mất cơ hội. Xin cho thần đến cửa khuyết để tâu bày”. Song một viên quan tại triều là Lư Đa Tốn bàn:
– An Nam bên trong rối loạn, đó là lúc trời làm mất triều đình, nên bất ngờ đem quân sang đánh úp chớp nhoáng, như người ta thường nói “sét đánh không kịp bịt tai”. Nếu lại còn đi gọi Nhân Bảo về, mưu ấy ắt bị lộ, kẻ kia sẽ phòng bị. Chi bằng giao cho Nhân Bảo trách nhiệm ngầm đem quân sang, theo lệnh mà lo liệu việc ấy, chọn tướng đem 3 vạn quân Kinh Hồ (Hồ Nam, Hồ Bắc) duỗi dài mà tràn sang, tạo thành cái thế vạn toàn như xô bẻ cành khô gỗ mục, không phải lo tốn một mũi tên!
Vua Tống cho là phải bèn hạ lệnh xuất binh sang Đại Cồ Việt bằng cả bốn hướng, dưới sự chỉ huy của các tướng Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng, Hác Thư Tuấn, Trần Kham Tộ, Thôi Lượng, Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn.
Trên cương vị hoàng đế nước Đại Cồ Việt, Lê Đại Hành sẵn sàng thống lĩnh toàn quân toàn dân nghênh chiến với giặc Tống, bảo vệ giang sơn xã tắc.
Mùa thu năm 980, vua Tống Thái Tông xuống chiếu xuất binh, sai Lư Đa Tốn đem thư sang tuyên cáo cho dân Đại Cồ Việt với giọng lưỡi trịch thượng như sau:
“Trung Hoa đối với Nam di, cũng như thân người có tứ chi, vận động, duỗi co tuỳ ở tim mình, cho nên nói tim là chủ. Nếu ở một tay một chân mà máu ngưng đọng, gân cốt không yên thì phải dùng thuốc thang để chữa. Chữa mà không công hiệu thì phải châm cứu cho kì khỏi... Giao Châu các ngươi ở xa cuối trời, ví như ngón chân ngón tay của thân người, tay chỉ một ngón bị đau, bậc thánh nhân lại không nghĩ đến hay sao? Cho nên phải mở lòng ngu tối của ngươi, để thanh giáo của ta trùm toả. Huống hồ từ thời Thành Chu, nước ngươi đã đem chim trĩ trắng sang dâng, đến đời Hán, dựng cột đồng làm mốc, đến đời Đường vẫn thuộc về nội địa... Lễ phần phong đã sắp đặt sẵn, còn đợi ngươi đến chúc sức khoẻ ta. Ngươi đừng ru rú trong bốn góc nhà, khiến cho ta buồn phiền, phải sai tướng làm cỏ nước ngươi, thì hối cũng không kịp. Dân của ngươi (chỉ biết) bay nhảy, còn ta thì có ngựa xe, dân ngươi uống bằng mũi (xưa có một bộ tộc uống như vậy), còn ta thì có cơm rượu để thay đổi phong tục của nước ngươi, dân ngươi cắt tóc, còn ta thì có áo mũ, dân ngươi nói tiếng như tiếng chim (!) còn ta thì có Thi, Thư để dạy lẽ cho dân ngươi. Cõi nóng chói chang, khói hơi mù mịt, ta toả mây Nghiêu tưới cho mưa ngọt. Khí biển hầm hập cháy mây cháy đá, ta gảy đàn Thuấn, quạt làm gió thơm. Sao trên trời nước ngươi, chẳng ai biết tên gì, ta quay chòm Tử Vi để ngươi biết chầu về. Đất ngươi nhiều ma quỷ, ta đúc vạc lớn (để yếm trừ). Liệu ngươi có muốn ra khỏi chốn đảo di của ngươi mà xem nhà “Minh đường” (nơi các nước chư hầu triều kiến vua Chu), “Bích Ung” (nhà học của vua Chu) chăng? Các ngươi có chịu trút áo quần cỏ lá của ngươi để mặc áo cổn hoa thêu hình rồng núi chăng?... Nay ta đang chỉnh đốn xe cộ, quân lính, truyền hiệu lệnh chiêng trống. Nếu chịu theo giáo hoá, ta sẽ tha tội cho, nếu trái lệnh, ta sẽ sai quân đánh. Theo hay chống, lành hay dữ, tự ngươi xét lấy!”.
Sau đó, vua Tống còn sai Trương Tông Quyền đưa thư sang dụ: một là phong cho Đinh Toàn (ấu chúa) làm thống soái, cho Lê Hoàn làm phó, hai là cả mẹ con Đinh Toàn phải sang Bắc triều xin quy phục, triều đình sẽ trao cờ tiết cho Lê Hoàn sau.
Nhưng Lê Đại Hành bác bỏ tức khắc cả hai điều phủ dụ ấy.
Năm 981, tướng binh nhà Tống rầm rộ kéo sang Đại Cồ Việt. Hầu Nhân Bảo và Tôn Hoàn Hưng đến Lạng Sơn. Trần Khâm Tộ đến Tây Kết. Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng.
Lê Đại Hành thân cầm quân đi đánh giặc, sai quân đóng cọc ngăn sông Bạch Đằng. Quân Tống lại đi theo đường sông ở Chi Lăng (sông Thương chảy vào Lạng Sơn). Lê Đại Hành sai quân sĩ trá hàng để dụ Nhân Bảo, bắt sống được Nhân Bảo đem chém. Quân ta thừa thắng tiến đánh quân Tống ở khắp các mặt trận, giết giặc chết quá nửa, bắt sống được các tướng Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân giải về Hoa Lư. Thế là cuộc xâm lược của nhà Tống bị đại bại. Vua Tống xuống chiếu rút hết quân về, nghiêm khắc quở trách và trừng trị bọn tướng soái. Lưu Trừng sợ quá thành bệnh mà chết. Vương Soạn bị hành hình ở Ung Châu. Tôn Toàn Hưng bị giết bêu ở chợ.
Võ công cực kì oanh liệt và chiến thắng thần tốc của Lê Đại Hành làm triều đình nhà Tống kinh hồn táng đởm.
Biết không thể khuất phục được vị vua phương Nam anh hùng, năm 985 vua Tống bèn sai sứ... sang thăm! Nhân đó, Lê Đại Hành mới chịu sai sứ sang Tống xin lĩnh chức tiết trấn (cai trị phiên trấn). Cùng năm đó, vua Tống sai hai sứ giả là Lí Nhược Chuyết và Lí Giác sang phong cho Lê Đại Hành là An Nam đô hộ Tĩnh hải quân tiết độ sứ kinh triệu quận hầu.
Lời lẽ tờ chế phong vương này xem ra khác hẳn với lời chiếu đe doạ khi vua Tống cử quân sang đánh Đại Cồ Việt trước kia:
“... Nay ngài họ Lê, tư cách gồm nghĩa, dũng, bẩm tính vốn trung thuần (!), được lòng người trong nước, kính giữ tiết phiên thần (!)... Người là tâm phúc (của ấu chúa họ Đinh) giữ quyền coi quân lữ, hiệu lệnh ban phát, ưu ái đều gồm.
Họ Đinh đã bỏ quyền ba đời tiết sứ. Thuận theo ý muốn của Người đã tỏ lòng thành, xin ta ban tiết việt, nay Người xứng được chức đứng đầu cõi xa, cùng dự hàng chư hầu tôn quý”.
Lê Đại Hành nhận chế phong rất oai nghiêm kính cẩn, lại thết đãi sứ thần rất hậu và bày triển lãm rất nhiều thứ của quý phương Nam đầy cả một sân rồng! Rồi vua đem bọn tướng tù binh nhà Tống là Quách Quân Biện, Triệu Phùng Huân trả về. Đoạn vua bảo hai sứ giả Bắc triều:
– Nước tôi bé nhỏ, sông núi xa xôi, nghìn dặm cách trời, ở lánh góc đất, sứ thần đi lại, lặn lội núi sông, há chẳng khó nhọc lắm ư?
Lí Giác, một con người nổi tiếng nho nhã đáp:
– Bản triều cõi bờ muôn dặm, các quận có đến bốn trăm, đất có chỗ bằng phẳng, có chỗ hiểm trở, một phương này cũng có gì lấy làm xa?
Có thể nói sự hoà hiếu giữa hai nước – sau một phen quyết chiến – đã trở nên thắm thiết hơn bao giờ hết! Lí Giác thậm chí đã để lại sử sách đời sau một bài thơ nổi tiếng mô tả lòng ưu ái và ngưỡng mộ của mình với đất nước của Lê Đại Hành:
Hạnh ngộ minh thì tán thịnh du,
Nhất thân nhị độ sứ Giao Châu.
Đông Đô lưỡng biệt tâm vưu luyến,
Nam Việt thiên trùng, vọng vị hưu!
Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch,
Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu.
Thiên ngoại, hữu thiên ưng viễn chiếu,
Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu.
(May mắn gặp thời ruổi vó câu,
Một mình hai chuyến sứ Giao Châu.
Đông Đô cám cảnh đôi lần biệt,
Nam Việt ghi tình mấy dặm sâu.
Vó ngựa đạp non mây mờ dấu,
Vòng xe lăn núi nước khe thâu.
Ngoài trời, còn trời soi sáng nữa,
Khe lặng đầm trong bóng nguyệt chầu.)
Thái Bạch dịch
Pháp Thuận đem thơ của sứ Tống dâng lên vua. Vua cho gọi Ngô Khuông Việt vào giảng nghĩa thơ. Khuông Việt xem thấy ý tứ của bài thơ rất nồng hậu, nhất là câu “Thiên ngoại, hữu thiên ưng viễn chiếu” nghĩa là “Ngoài trời (của vua Tống) lại còn có trời khác (của vua Lê Đại Hành) chiếu rọi cõi xa”, bèn tâu:
– Tâu bệ hạ, thơ này tôn bệ hạ không khác gì vua Tống!