Giới doanh nhân cho rằng để TPHCM có thể phát triển thành trung tâm kinh tế tài chính hàng đầu thì không chỉ có “phần cứng” là phát triển cơ sở hạ tầng mà cần phải có thêm “phần mềm” đi kèm là các chính sách hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực cao cấp, cơ chế tài chính, thuế…
Sáng nay 13-6, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã có buổi làm việc với gần 50 doanh nhân thành viên Tổ chức Lãnh đạo trẻ Việt Nam (YPO – Young President Organization) để lắng nghe và trao đổi về những chính sách giúp thúc đẩy TPHCM phát triển mạnh hơn.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TPHCM, đề xuất chính quyền thành phố phát triển một trung tâm nghiên cứu chế biến gỗ quy mô lớn. Ngoài ra, hiện nay trung tâm triển lãm tại Phú Mỹ Hưng quá nhỏ (khoảng 20.000 m2), không đủ chỗ cho doanh nghiệp tham gia triển lãm nên thành phố cần phát triển một trung tâm triển lãm quy mô lớn hơn.
Theo ông Khanh, ngành chế biến xuất khẩu mặt hàng gỗ đóng góp rất lớn cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, dự kiến đến năm 2020 ngành chế biến gỗ sử dụng khoảng 1 triệu lao động trên cả nước.
Đáp lại đề nghị của ông Khanh, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết UBND thành phố vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố được chỉ định thầu một liên doanh nhà đầu tư xây dựng trung tâm triển lãm quốc tế rộng 12 héc ta tại Thủ Thiêm.
TPHCM hàng năm đóng góp 21 -23% tổng GDP của cả nước, giá trị kinh doanh dịch vụ chiếm 27-30% cả nước, kim ngạch xuất khẩu của thành phố cũng chiếm 21 – 22% của cả nước. |
Còn theo ông Võ Sỹ Nhân, Tổng giám đốc Công ty NP Capital Partner Limited, để thu hút nhà đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm thành trung tâm tài chính – thương mại – dịch vụ cao cấp thì ngoài “phần cứng” là hạ tầng thì cần có thêm “phần mềm” là các cơ chế ưu đãi đi kèm.
Theo ông Nhân, thành phố cần có cơ chế khuyến khích để các định chế tài chính, các ngân hàng mở chi nhánh, trụ sở quỹ đầu tư mới vào vùng đất mới bằng cách giảm thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và một số cơ chế ưu đãi khác tạo thuận lợi về cấp visa cho người nước ngoài làm việc.
Trả lời kiến nghị của ông Võ Sỹ Nhân, ông Nguyễn Thành Phong cho biết vừa qua, có một số tập đoàn tài chính lớn từ Mỹ bày tỏ ý định xây dựng Thủ Thiêm thành trung tâm tài chính lớn và chính quyền thành phố rất hoan nghênh. Ông Phong nhấn mạnh chủ trương chung của thành phố là thu hút các tập đoàn lớn vào làm ăn.
Ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital Group và là Chủ tịch YPO Việt Nam, cho rằng đầu tư các dự án hạ tầng tại thành phố hiện nay vẫn vướng nhiều cái khó và nhiều rủi ro. Chẳng hạn khi nhà đầu tư muốn xây dựng một tuyến đường thì ban đầu họ phải đàm phán về chi phí bồi thường giải tỏa có khi mất 3-4 năm trời. Ông Don Lam cho biết hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ mong muốn chính quyền thành phố chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch để các nhà đầu tư có thể tham gia vào các dự án hạ tầng thuận lợi hơn.
Còn ông Trần Văn Trọng, Tổng giám đốc Công ty Việt Hương Investment&Development, cho biết nhiều doanh nghiệp đang rất cần những khu nhà nhà xưởng cao tầng với diện tích nhà xưởng nhỏ để sản xuất sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt là ngành dệt may, da giày rất cần không gian nhà xưởng nhỏ để sản xuất, giới thiệu bán nguyên phụ liệu. TPHCM nên quan tâm phát triển hơn nữa nhà xưởng dạng này.
Ông Nguyễn Thành Phong trả lời rằng hiện thành phố dành 80 héc ta tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) để phát triển nhà xưởng cao tầng diện tích nhỏ 50 – 100 mét vuông. Tại khu chế xuất Tân Thuận cũng có khu nhà xưởng 7 tầng cho các doanh nghiệp Nhật Bản thuê.
Ông Phong nhấn mạnh thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp phát triển, mặt khác thúc đẩy doanh nghiệp không ngừng đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường, tránh sản xuất kiểu “ăn xổi ở thì”.
Liên quan đến nguồn nhân lực, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Talentnet Corporation, kiến nghị lãnh đạo thành phố có chính sách khác biệt để thu hút nhân tài ở các nước ngoài về, đặc biệt là hàng triệu Việt kiều và có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cấp cao để cung cấp cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, bà Yến Trinh cho rằng thành phố cần quan tâm đến chính sách giữ nhân tài, chính sách miễn phí về giáo dục cho con cái chuyên gia nước ngoài làm việc tại thành phố, chính sách về thuế để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư giáo dục, phát triển trung tâm đào tạo chất lượng cao tại thành phố.
“Khi làm được những chuyện này, tôi tin chừng 5 – 10 năm nữa ai cũng ước mơ đến thành phố này làm việc”, bà Yến Trinh nói.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong, UBND thành phố đã giao các sở ngành nghiên cứu cơ chế thu hút và giữ nhân tài. Ngoài ra, thành phố sẽ xây dựng đề án phát triển nhân lực đáp ứng nhu cầu hội nhập. Theo ông Phong, đối với giới tri thức thì môi trường làm việc, điều kiện phát triển là rất quan trọng chứ không phải chỉ là thu nhập.
Phát biểu với các thành viên YPO Việt Nam sáng nay, ông Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, mục tiêu của TPHCM trong tương lai sẽ phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo của khu vực Đông Nam Á.
Tính đến cuối năm 2015, dịch vụ chiếm tỉ trọng 60% cơ cấu kinh tế của thành phố, còn lại là công nghiệp, nông nghiệp… TPHCM đang hướng đến phát triển dịch vụ có giá trị gia tăng cao, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bốn ngành công nghiệp trọng yếu. Hiện nay TPHCM có 170.000 doanh nghiệp hoạt động có nộp thuế, nếu so dân số hơn 10 triệu người thì số lượng doanh nghiệp ở thành phố còn khá khiêm tốn.
Theo thông tin từ đại diện YPO Việt Nam, YPO là một tổ chức được thành lập tại Mỹ vào năm 1950. Đến nay YPO có 24.000 thành viên tại 130 quốc gia trên toàn cầu với tổng doanh số các thành viên YPO chiếm khoảng 15% tổng GDP toàn cầu. Điều kiện trở thành thành viên của YPO là doanh nhân phải dưới 45 tuổi, là người đứng đầu doanh nghiệp, doanh số của doanh nghiệp ít nhất 13 triệu đô la Mỹ/năm.
Tại Việt Nam, YPO Việt Nam thành lập năm 1996 với số lượng hội viên đến nay là 31 thành viên, mỗi thành viên YPO Việt Nam có ít nhất 5 công ty con và các doanh nghiệp trải rộng trên cả nước.
|