- Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa,
Ấn tượng nhất của ông trong tuần qua là gì?
- Là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ B. Obama. Có thể nói tràn ngập các kênh truyền thông, từ truyền hình, báo chí chính thống cho đến các trang mạng xã hội, các trang Blog, Facebook của những người dân bình thường là hình ảnh B. Obama. Báo chí, truyền thông cũng đã khai thác đến hết mọi góc độ của chuyến thăm lịch sử ấy. Từ chuyên cơ, trực thăng, lính bắn tỉa bảo vệ, chó nghiệp vụ, người phiên dịch, người viết diễn văn, cô trợ lý gốc Việt, ông đầu bếp, cho đến cả hai cái máy nhắc chữ…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa. |
Có lẽ mọi ngóc ngách của chuyến đi, cả những chuyện “hậu cung” của ông B. Obama cũng được lôi ra bàn luận, mổ xẻ. Dường như đến Việt Nam, Ngài Tổng thống chẳng còn gì bí mật nữa. Tất cả đã thành một cơn sốt B. Obama. Không chỉ những người dân ở mạng xã hội, cả chính khách, trí thức, văn nghệ sĩ và các “yếu nhân” của công chúng cũng bàn về ông. Nhiều người còn đưa ra cả những lý giải, vì sao ông B. Obama được người dân Việt Nam yêu mến đến thế…
- Vâng! Đúng là rất ấn tượng. Và đối với ông thì ấn tượng nhất trong các ấn tượng ấy là gì?
- Là những người dân ta đón ông. Đấy mới là điều đáng bàn. Còn nói B. Obama diễn thuyết hay thì đó là điều dĩ nhiên. Vì ông là một ký giả, một nhà hùng biện. Bản thuyết trình của ông còn trên cả tuyệt vời. Vì nó hoàn thiện đến tuyệt đối. Ông đã lấy văn hoá Việt làm đại lộ đến với người Việt là lựa chọn thông minh nhất để chinh phục tuyệt đối những người tiếp xúc với mình. Cả ba Tổng thống Mỹ tới Việt Nam đều chọn con đường này nhưng đến B. Obama mới hoàn thiện nhất, chính xác nhất và cũng hay nhất.
Những danh nhân văn hoá tiêu biểu nhất của Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực Chính trị, Quân sự, Tôn giáo, Ngoại giao, Khoa học, văn hoá Nghệ thuật đều được ông “huy động” trong bản thuyết trình. Như Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Ngô Bảo Châu. Nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn Những trích dẫn rất đích đáng.
Hình ảnh Tổng thống Mỹ dùng bữa cùng đầu bếp, nhà văn, MC nổi tiếng Anthony Bourdain tại Hà Nội, gây bão mạng tối 23/5.( ảnh: Facebook). |
Tôi muốn nói thêm về Văn Cao. Năm 1975, khi thống nhất đất nước, nhiều người, trong đó có những nhà thơ rất lớn gọi đó là năm vĩ đại, ngày vĩ đại, nhưng Văn Cao chỉ coi đó là ngày bình thường: “ngày bình thường, ngày vui nay đã về…”. Đúng thật. Chiến tranh là bất thường. Chúng ta đã trải qua gần nửa thế kỷ sống trong sự bất thường, đến nỗi cái bất thường đã trở thành bình thường, khi có được những ngày bình thường đích thực mà chúng ta giành được bằng bao xương máu, thì ta lại choáng ngợp, rồi phải rất vất vả mới làm quen được với nó, cho đến nay, cũng đã hơn một phần tư thế kỷ rồi, mà chúng ta vẫn chưa nhuần với đời sống dân sự. “Từ nay người biết thương người. Từ nay người biết yêu người”.
Văn Cao quả là một nghệ sĩ có tầm nhìn vượt trước thời đại. Ông viết không nhiều nhưng lại có rất nhiều tác phẩm đặc sắc. Và tác phẩm đặc sắc nhất của đời ông, theo tôi, có lẽ lại chính là “Mùa xuân đầu tiên”, một ca khúc vừa hay vừa lớn, vừa đẹp về giai điệu lại rất sâu sắc trong ca từ, mà ông B. Obama đã chọn để trích dẫn.
Và cuối cùng trên đại lộ văn hoá mà Tổng thống Mỹ chọn để đến với chúng ta là Đại thi hào Nguyễn Du. B. Obama đã dẫn Nguyễn Du để bàn về mối bang giao giữa hai nước: “Rằng trăm năm cũng từ đây – Của tin còn một chút này làm ghi”. Phải nói là rất tuyệt vời. Đúng vậy. Vấn đề là niềm tin. Không có niềm tin thì không có gì hết. Chơi với nhau thì phải tin nhau. Nhiều người bạn lớn cũng đến với chúng ta, thậm chí họ còn có cả những tấm áo rất đẹp, rất lộng lẫy được đính thêm những hạt kim cương bằng lòng tốt nhưng vẫn không tạo được niềm tin để chúng ta có thể yên tâm, sống chết với họ, khi họ cứ nói một đằng, làm một nẻo.
Lại còn đe chúng ta: “Chơi với Mỹ cần phải cẩn thận”. Vâng! Đúng là chơi với ai cũng phải cẩn thận. Nhất là những người không tạo cho chúng ta có được niềm tin, dù chúng ta luôn tin và rất muốn tin. Ông B. Obama được dân ta quý chính vì ông rất hiểu chúng ta và tạo cho chúng ta có được niềm tin này. Đặc biệt ông dẫn Lý Thường Kiệt để bàn về chủ quyền của chúng ta: “Sông núi nước Nam, Vua Nam ở”.
Ông còn nói: “Việt Nam là một nước có chủ quyền độc lập và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt lên ý chí của người dân Việt Nam. Độc lập, chủ quyền ấy do người dân Việt Nam quyết định. Mỹ rất quan tâm đến sự thành công của đất nước Việt Nam”.
Về Biển Đông, đây là vấn đề nhạy cảm nhất, ông cho rằng “Ở Biển Đông, chúng tôi không phải là một bên tranh chấp, nhưng chúng tôi khẳng định và đề cao quyền tự do hàng hải và hàng không; tự do thương mại không bị ngăn trở; giải quyết các tranh chấp phải thông qua pháp lý và luật pháp quốc tế. Nước Mỹ sẽ đưa tàu và máy bay di chuyển ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, và ủng hộ quyền của các nước khác cũng hành động như vậy”.
Ông còn nói “Không thể cứ cậy nước lớn mà bắt nạt nước nhỏ”. Rồi ông tuyên bố xoá bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Đây cũng là vấn đề mấu chốt khiến nhiều kẻ tức tối…
- Vậy thì ấn tượng quá chứ…
- Vâng! Rất ấn tượng. Nhưng ấn tượng nhất, như tôi nói, lại chính từ phía ta, phía những người dân đối với B. Obama. Họ đứng đặc hai bên đường để chào ông đến và tiễn ông về. Như thế, B. Obama không chỉ là vị khách trọng thể của nhà nước mà còn là khách quý của nhân dân. Không phải Tổng thống nước nào cũng có được hạnh phúc này. Và điều ấy làm cho chính B. Obama và đoàn tuỳ tùng của ông thấy choáng ngợp. Nhân dân bao giờ cũng rất sâu sắc. Họ mới đúng là những nhà ngoại giao siêu đẳng nhất: Ngoại giao Nhân Dân. Họ đã đưa ra một thông điệp: Người Việt Nam không thù dai.
Người Việt Nam rất trọng hoà bình. Anh đến với tôi bằng tấm lòng thì chúng tôi cũng mở hết lòng ra để đón anh. Và Thông điệp thứ hai: Việt Nam là Đất nước Hoà bình. Anh mang đến cho Dân điều tốt lành thì Dân sẽ đùm bọc anh, che chở anh. Và người Dân quây quanh B. Obama. Và B. Obama cũng hoà đồng với họ, ăn bún chả với họ, tránh mưa bên mái hiên với họ, chụp ảnh “tự sướng” cùng họ.
Nhiều học giả của ta và cả thế giới cũng bàn về tấm lòng của Dân này. Đại tá, nhà thơ nổi tiếng Vương Trọng lại thấy ở B. Obama có cái gì đó rất gần với Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. “Đấy là hai nhân vật nổi tiếng, năm sinh cách nhau trên nửa thế kỷ, lại cách nhau nửa vòng trái đất, cứ tưởng như chả có gì liên quan với nhau, chả có điểm gì chung. Thế mà có đấy! Đó là lòng mến mộ của người dân Việt Nam.
Có lẽ sau Bác Hồ, thật hiếm có một vị lãnh tụ nào khi qua đời lại được dân tiếc thương như tướng Giáp, và ngoài nghi thức Quốc tang là Dân tang. Cũng hiếm có một vị khách nước ngoài nào được người Việt Nam quan tâm, yêu mến và chào đón như Tổng thống B. Obama. Có người phân vân rằng, tại sao rừng người đón Tổng thống Mỹ này lại không cầm cờ Mỹ hay cờ Việt, mà chỉ có hai bàn tay không. Xin thưa, chính điều ấy nói lên rằng, họ không đi đón vì một sự tổ chức hay sự vận động nào cả, mà đi theo tiếng gọi của trái tim mình.
Với người dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng thống Obama gặp nhau điều đó. Thiết tưởng hiện tượng này có ý nghĩa không nhỏ đối với những ai quan tâm đến tình cảm, mong muốn của số đông người dân”.
Cũng bàn về Tổng thống B. Obama, Đại tá, nhà thơ Vương cũng có một bình luận xác đáng: “Không ai đánh giá cao giá trị của phản biện bằng Tổng thống Ôbama. Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, ông nói đại ý rằng: Hàng ngày tôi nhận được không ít những lời chỉ trích. Và chính những lời chỉ trích đó đã làm cho nước Mỹ tốt đẹp hơn. Đó là nhận định của vị Tổng thống quyền lực nhất thế giới! Có hai thông tin từ nhận định này. Thứ nhất, nhà cầm quyền phải biết lắng nghe ý kiến ngược chiều, trái với mình để tìm ra chân lý hoạch định chính sách đúng đắn. Thứ hai, những người phản biện cũng cần xác định mục đích của sự phản biện, không phải là phá rối mà là làm cho đất nước tốt đẹp hơn…”.
- Trong bài thơ Kể cho bé nghe, trước đây anh viết "Chăm ngoan học giỏi/ Là bạn thiếu nhi/ Ngu xuẩn nhất nhì/ Là tổng thống Mỹ". Giờ anh muốn nói gì về câu thơ ấy?
- Vừa rồi, nhân sự kiện ông B. Obama sang, mấy người cũng trích câu thơ này để diễu vui tôi. Xin thưa rằng, câu thơ này tôi viết cách đây nửa thế kỷ. Không phải viết về ông B. Obama hay ông Bin Clinton. Cần phải đặt nó vào hoàn cảnh cụ thể. Nói về Tổng thống Mỹ lúc ấy như thế, đến bây giờ tôi vẫn nghĩ không sai. Tổng thống Mỹ có thể thông minh ở đâu đấy, vì không thông minh, tài giỏi thì chắc chắn nhân dân Mỹ đã chẳng bầu ông ta, nhưng việc đánh Việt Nam, giết hại hàng ngàn phụ nữ và trẻ con vô tội trong những năm chiến tranh thì không thể gọi là một việc làm thông minh được. Cứ bảo Mỹ chỉ ném bom khu vực quân sự, nhưng B52 rải thảm khu phố Thượng Lý Hải Phòng, hay Bệnh viện Bạch Mai, khu phố Khâm Thiên Hà Nội thì đâu phải khu quân sự. Ai đặt pháo hay tên lửa trong lòng thành phố? Cả bệnh viện Bạch Mai bị san phẳng. Trong đó có bao nhiêu người già, phụ nữ, trẻ con đang ốm đau. Nếu ông Nixon sáng suốt thật sự thì ông ấy đã chẳng "ngã ngựa" giữa đường. Ngã ngay giữa nước Mỹ. Hay như ông Tổng thống Mỹ gì đó đã hạ lệnh ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, khi cuộc chiến đã tàn thì làm sao có thể gọi được đó là những người thông minh? Còn Tổng thống Mỹ như Bin Clin ton hay B. Obama thì thật tuyệt vời…
- Có lẽ vì thế, ông đã sửa câu thơ đó? Mà sửa cách đây cũng gần hai chục năm rồi. Nhưng sửa đi lại mất tính lịch sử…
- Đấy không phải lịch sử mà chỉ là một bài thơ mang hơi đồng dao. Câu ấy sau này tôi có sửa. Tôi sửa để bài thơ giữ được sự tự nhiên, trong sáng, nó hợp với không khí đồng dao của toàn bài chứ không phải vì Tổng thống Mỹ. Để nó, cả bài thơ sẽ mất đi sự hồn nhiên. Đây là cuộc chơi chỉ có chó, mèo, cào cào, châu chấu mà Tổng thống Mĩ không thể "can dự" vào được. Sự có mặt của ông ta chỉ làm hỏng cuộc chơi..
- Nếu cần nói một câu về Tổng thống B. Obama thì ông sẽ nói sao?
- Tôi thấy có rất nhiều học giả nói rồi, và họ nói rất hay. Ví như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết. Ông Thuyết nhiều năm ở Uỷ ban Văn hoá của Quốc hội. Ông cũng từng là một Đại biểu Quốc hội rất có uy tín. Ông Thuyết cho rằng : “B. Obama rất hiểu nền văn hóa, tập quán của Việt Nam. Ba lần các nhà lãnh đạo cao nhất Hoa Kỳ "lẩy" Kiều, câu nào cũng hay, cũng trúng và giàu cảm xúc, ý nghĩa.
Nhưng người Việt tâm đắc và đánh giá cao nhất là câu Kiều mà Tổng thống B. Obama đã chọn, nhất là việc lấy câu Kiều để kết bài phát biểu quá hợp cảnh, hợp tình, khó có câu nào trong truyện Kiều hợp hơn. Trước tấm chân tình đối với Việt Nam, sự lịch duyệt và thân thiện cũng như tầm vóc mà Tổng thống B. Obama đã thể hiện, tôi cũng xin gửi tặng Ngài một câu Kiều nói lên ấn tượng sâu sắc của tôi cũng như rất nhiều người dân Việt Nam về Ngài: "Thiên tư, tài mạo tót vời - Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa".
- Vâng, chúng ta cũng có thể lấy câu Kiều của G.S Nguyễn Minh Thuyết dựng chân dung Ngài Tổng thống B. Obama để kết thúc cuộc trò chuyện này. Xin cám ơn ông!./.