Vị doanh nhân Australia mới được nhận thêm một khoản “phụ cấp sức khỏe”, bởi ông đang sống ở Hà Nội.
Ông làm việc cho một quỹ đầu tư lớn trên thị trường Việt Nam đã ngót chục năm, luôn theo sát và am hiểu diễn biến kinh tế Việt Nam. Gặp lại, ông mời tôi cà phê. "Việt Nam là một điểm sáng trên bức tranh khu vực năm nay", ông cười, chỉ qua ban công tòa nhà. Từ nơi chúng tôi đang ngồi, Hà Nội như một công trường xây dựng, những quần thể nhà cao tầng mọc lên chi chít khu vực phía tây, không khác gì một rừng nhà của thành phố châu Á mới nổi nào đó.
Khác với các doanh nghiệp Việt Nam, quỹ của ông đã hoàn tất bản chiến lược đầu tư cho năm 2020 ở thị trường này trước khi "đóng sổ" cho kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới, như thông lệ của giới đầu tư quốc tế. Bản danh mục đầu tư này đã khác đi nhiều. Họ thu hẹp số lượng các khoản đầu tư trên thị trường cổ phiếu và các mảng kinh doanh vốn cổ phần, để ngỏ khả năng rót vốn vào mảng kinh doanh mới như khởi nghiệp, công nghệ, bán lẻ và nông nghiệp. Nhưng khác mọi năm, ban lãnh đạo tập đoàn mẹ chưa chốt tỷ lệ đầu tư sẽ rót thêm vào thị trường này.
Theo ông, cần thừa nhận rằng trên bề mặt, các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam "trông rất khả quan". Kinh tế duy trì đà tăng trưởng khá cao, hơn 7%; xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tư nhân, nền tiêu dùng nội địa và dịch vụ đều tăng trưởng khá; lạm phát được kiểm soát ở con số đẹp, 2,79%. Nền tảng vĩ mô được củng cố khi cân đối ngân sách diễn biến tích cực hơn, tỷ giá ổn định và lãi suất giảm nhẹ... Nói một hồi, ông nhìn tôi dò hỏi.
"Vậy tỷ trọng giá trị đầu tư của ông cho năm tới là bao nhiêu?", tôi hỏi. Cuộc trò chuyện chuyển sang một trạng thái khác. Vị doanh nhân trả lời: "Có tăng". Nhưng quyết định sẽ rót thêm bao nhiêu vốn vào thị trường nghĩa là chấp nhận nhiều lợi nhuận, nhiều rủi ro. Họ còn đang quan sát và cân nhắc tiếp.
Tôi đồng ý với ông, năm 2019 kết thúc một thập kỷ kinh tế Việt Nam qua đôi lần "tái cơ cấu", bây giờ có vẻ đã "chín" hơn. Song, để trả lời được câu hỏi quan trọng nhất: 2020 sẽ ra sao? liệu Việt Nam có thể kết thúc thập niên này một cách trọn vẹn hơn?. "Việt Nam phải giải quyết được ít nhất ba thách thức lớn từ chính nội tại để duy trì sức đề kháng của mình", tôi nói.
Thứ nhất, sự bấp bênh của ngành nông nghiệp. Khu vực nông-lâm-ngư nghiệp chỉ tăng trưởng khoảng 2% trong năm qua, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,76% năm 2018 và 2,96% năm 2017.
Lý do chính, Việt Nam vẫn bị động trước dịch bệnh, thiên tai, thị trường, quy hoạch, sản xuất theo chuỗi và khâu chế biến... Dịch tả lợn Châu Phi tuy đã được kiểm soát nhưng để lại một thị trường thịt lợn đầy áp lực cho mùa Tết này và có thể cả đầu năm tới. Biến đổi khí hậu, hạn hán, cháy rừng, xâm nhập mặn khiến sản lượng nông, lâm, thủy sản sa sút nặng nề.
Trong khi đó, xuất khẩu nông sản khó khăn hơn về thị trường tiêu thụ do chưa đáp ứng kịp yêu cầu của EU, Trung Quốc. Nếu không có đột phá, nông nghiệp và cuộc sống của hàng triệu người ở khu vực nông thôn sẽ còn luẩn quẩn khi mà đô thị hóa hối hả hơn.
Thứ hai là tiến độ tái cơ cấu và cải cách vĩ mô. Tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước và giải ngân vốn đầu tư công rất chậm. Tôi dẫn giải số liệu của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2016-2019, chỉ có 36 trên 128 doanh nghiệp cổ phần hóa, đạt 28% kế hoạch; thoái vốn nhà nước trong ba năm qua mới đạt khoảng 10% kế hoạch.
Tính đến hết năm 2019, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện thấp nhất trong bốn năm, tiếp tục là một điểm nghẽn tăng trưởng. Cải cách thể chế chưa đáp ứng được đòi hỏi của thị trường, hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, các mô hình kinh doanh mới chưa được ban hành. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa tốt dẫn đến nguy cơ chậm thanh toán nợ nước ngoài, khiến tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã thay đổi triển vọng từ "ổn định" thành "tiêu cực" đối với xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam hồi tháng 12 vừa qua.
Vị doanh nhân gật gật đầu. Ngoài ra, "chi phí giao dịch không chính thức" là cái ông muốn nói đến như một điểm trừ khiến giới đầu tư chưa yên lòng khi làm ăn ở đây. "Chính phủ cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để cải cách thể chế, môi trường đầu tư - kinh doanh một cách thực chất", ông nói, "đặc biệt ở khâu thực thi chính sách. Hiệu quả còn phải bàn nhiều".
Thách thức thứ ba tôi chia sẻ với ông cũng là điều khiến Việt Nam bỗng dưng nổi tiếng trong năm qua chính là các vấn đề xã hội - môi trường. Hà Nội trải dài trước mắt chúng tôi gần như không thấy màu xanh, nhạt nhòa trong làn bụi mờ. Bầu trời TP HCM cũng tương tự. Chất lượng nước, không khí, môi trường sống diễn biến xấu đi cùng với nhiều vấn đề xã hội khiến người dân chưa thể an tâm: tai nạn giao thông nghiêm trọng, đạo đức cộng đồng, ma túy và tín dụng đen còn nhức nhối.
Ngân hàng Thế giới vào tháng 8 vừa qua công bố một báo cáo cho biết, GDP hàng năm của các nước ở hạ lưu những con sông bị ô nhiễm nặng có thể giảm 0,82 điểm phần trăm. Ô nhiễm môi trường và ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã gây thiệt hại đến 5 điểm phần trăm GDP mỗi năm. "Bụi mịn" chính là lý do doanh nhân bạn tôi từ năm nay được nhận thêm một khoản "tiền phụ cấp sức khỏe". Thêm thu nhập mà ông không thấy vui.
Ngày cuối năm này, nhà kinh tế chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều câu hỏi tiên liệu về tình hình năm tới, đồng thời đề ra các gợi ý chính sách từ quan sát của mình. Tôi trả lời họ, ưu tiên cần làm ngay của Chính phủ là: "An dân, hành động và trách nhiệm".
"Để lòng dân an" phải được đặt vào trọng tâm của chiến lược quốc gia trong năm mới. Bởi bài học năm 2019 trên toàn cầu cho ta thấy: khó có thành tựu nào bền vững trên một hạ tầng mềm mà lòng dân chưa thể lắng yên.
Cấn Văn Lực - Theo VnExpress