Ngày càng nhiều người Việt tới Hoa Kỳ và các nước khác tìm cuộc sống dễ chịu hơn
Tôi đến thăm một công ty giày thể thao làm ăn khá ở khu công nghiệp quận T.P, nghe nói đang chuẩn bị tung ra nhiều sản phẩm mới đưa về tận các vùng xa Tây Nguyên và các tỉnh cực nam, cả những vùng xa ở Campuchia.
Cầm trên tay sản phẩm của họ, đôi dép nhựa đen của đàn ông, nhìn như bằng da, láng đẹp, công ty bán cho mối sỉ có 25 ngàn đồng. Cùng loại, hàng Thái đang có giá gấp đôi, thậm chí gấp 3 mà trông xấu hơn.
Tôi hỏi, mở rộng xưởng máy chứ?
Giám đốc, một kỹ sư kinh doanh giỏi, trả lời: "Đúng là cần nhưng cứ phân vân mãi, vì khó. Đang tìm thuê một phân xưởng mới, chừng 1000 mét vuông mà cả khu công nghiệp này, người ta chỉ muốn bán đứt, không muốn cho thuê.
"Họ bán nhà máy, phân xưởng nhiều lắm, bán rần rần, để đi. Cũng có công ty bán để thu hẹp sản xuất lại, chuyển hàng cho các hộ gia đình bên ngoài gia công. Có người bán đứt luôn công ty, chuyển nghề hay đi xa."
Buổi chiều, trời vào tối, trong văn phòng một công ty đang sản xuất mạnh, bán hàng rất tốt mà sao câu chuyện làm ăn buồn vậy?
Khu công nghiệp này cũng không khác gì các nơi khác , doanh nghiệp Việt đang nhỏ dần, teo tóp dần. Chủ các công ty đã lặng lẽ tính, đang lặng lẽ rút lui theo những con đường riêng.
Một khoảng xám lạnh băng, phẳng lì, xám và lạnh buốt. Một lớp khói lạnh che mờ số phận mù mịt của các doanh nghiệp nhỏ. Nhưng bên dưới là sự quẫy đạp để sinh tồn của doanh nghiệp, là sóng ngầm dữ dội.
Giải thể hàng loạt
Năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết có hơn 80.000 doanh nghiệp đóng cửa và giải thể.
Nhiều ngày tôi trò chuyện về “tương lai” kinh doanh với các chủ doanh nghiệp. Thường, giọng họ ráo hoảnh, không than van, không cảm xúc.
Nghe nói Nhật, Mỹ, doanh nghiệp vay vốn lãi suất có 3%, Việt Nam mình sang quá mạng, cho vay tới 12%; hàng lậu, hàng giả thì không cần vốn luôn. Nhưng làm ăn thời này, quan trọng nhất là phải có “đường dây” để chạy, để lo, mình không có đường dây, cuối cùng đành gom tiền tính đường khác.
Cũng ráng tính lâu rồi, mà giờ hết sức. Con mình đẻ ra, đâu ai muốn bán hay bóp mũi nó. Nhưng giờ cạn máu. Chi phí vốn quá đắt, 12%/ năm, thuế cao, phí vận hành lớn, mất kênh siêu thị vì chen lấn không nổi lại thanh tra kiểm tra liên miên.
Nghe nói Nhật, Mỹ, doanh nghiệp vay vốn lãi suất có 3%, Việt Nam mình cho vay tới 12%; hàng lậu, hàng giả thì không cần vốn luôn. Nhưng làm ăn thời này, quan trọng nhất là phải có “đường dây” để chạy, để lo, mình không có đường dây, cuối cùng đành gom tiền tính đường khác.
Đổi nửa triệu đô lấy thẻ xanh
Lại có câu chuyện “đường khác” mà không biết có nhiều người biết không.
Ở những công ty đa quốc gia, công ty dịch vụ hay các tập đoàn lớn của nhà nước, trong những bữa ăn trưa chung, hay bữa nhậu chiều tối, mốt thời thượng bây giờ là hỏi nhau, đưa chuyện thân mật, bình thường (mà có hơi...khoe chút, khoe kín đáo một cách khá hở hang): sao, mấy đứa nhỏ xong thẻ xanh rồi chứ, mua nhà xong chưa, nhanh nhanh đi, cân nhắc gì, bờ Đông một cái, bờ Tây một cái, mình xong hết rồi !...
Làm việc cho chương trình EB5 mới thấy số người giàu có VN đầu tư vào Mỹ 500.000 USD để đổi lấy thẻ xanh cho gia đình ngày càng tăng, chủ yếu là doanh nhân ở độ tuổi 40-50, sở hữu nhiều triệu đô la.
Luật sư Hồ Minh Kính
Quả đúng như một chia sẻ của Luật sư Hồ Minh Kính: “Làm việc cho chương trình EB5 mới thấy số người giàu có VN đầu tư vào Mỹ 500.000 USD để đổi lấy thẻ xanh cho gia đình ngày càng tăng, chủ yếu là doanh nhân ở độ tuổi 40-50, sở hữu nhiều triệu đô la.
"Nước Mỹ đang thu hút chất xám và dòng tiền từ VN... Người đã đầu tư 500.000 đô la nhận thẻ xanh sẽ mua nhà, mua xe, mang tiền qua Mỹ thêm vài lần 500.000 đô la nữa.
"Dòng kiều hối chảy về Việt Nam từ Mỹ khoảng 7-8 tỷ đô la, thì dòng đô la chảy ra cũng không ít: du học, chữa bệnh, du lịch...và bây giờ thêm kênh đầu tư, chuyển dịch tài sản. Làm được nhiều hồ sơ, thu nhập tốt hơn nhưng sao trong lòng vẫn man mác buồn."
'Tị nạn giáo dục'
Mốt thịnh hành nữa của 8X, 9X là đi học, đi làm rồi tính chuyện định cư luôn nước ngoài. Nhân lực có học thật, có năng lực thật lặng lẽ ra đi mà nhiều nhất là con cán bộ to.
“Tị nạn giáo dục” là chuyện ai cũng biết.
Nền kinh tế này đi về đâu, nền sản xuất èo uột tiến tới kiểu gì.
Hội nhập sâu, thế tất yếu là các nước phải cạnh tranh với nhau mạnh mẽ về thể chế để thu hút vốn, công nghệ, nhân lực và nhân tài, bằng cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam đang làm gì, có mảy may quan tâm về tình thế phải cạnh tranh và cục diện cạnh tranh sống còn (để hành động, hành động thay vì chỉ tuyên ngôn) với các nước về thể chế, cũng là để cho doanh nghiệp Việt Nam tồn tại hầu góp hơi, góp sức cho nền kinh tế?
Khoảng xám lạnh băng trên bề mặt đời sống kinh tế, sẽ có cách gì chuyển sáng dần lên không hay chính sự thờ ơ, thụ động, vô trách nhiệm sẽ khiến sóng ngầm vụt trồi lên thành sóng thần?