TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Việt Nam: Mãnh hổ hay mèo rừng?

“Chúng ta phải nhìn nhận trong bối cảnh hiện nay, điều cần làm trước nhất là làm sao cho khoảng cách giữa thể chế chính trị thu hẹp lại so với cải cách kinh tế.”- TS. Huỳnh Thế Du.

LTS:Trong cuốn “Việt Nam - mãnh hổ hay mèo rừng", GTS Phạm Văn Thuyết, chuyên viên của Ngân hàng thế giới (WB) ghi nhận, có lúc Việt Nam đã là trở thành điểm sáng của thế giới về cải cách kinh tế.

Một số chuyên gia, nhà kinh tế khác cũng từng tiên đoán rằng Việt Nam sắp trở thành “con hổ” của châu Á. Thậm chí, 3 vị GS kinh tế học nổi tiếng của đại học Harward là Dwight H. Perkins, David D.Dapice và Jonathan H. Haughton còn ra sách về cải cách kinh tế ở Việt Nam có tựa đề: “Theo hướng rồng bay”. Tiếc rằng, cơ hội tuyệt vời đó đã bị bỏ lỡ khi tiến trình cải cách của Việt Nam bị chựng lại.

Giờ đây làm sao để tránh lặp lại vết xe cũ và làm thế nào để tránh bi kịch “bỏ qua cơ hội vàng” đã từng xảy ra trong lịch sử? Xung quanh những câu hỏi này, Tuần Việt Nam đã trò chuyện với TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo và Giảng viên Chính sách công của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbrigh nhằm soi rọi vào chiều sâu của sự phát triển để tìm ra hướng đi cho giai đoạn sắp tới.

Thưa ông Huỳnh Thế Du, nhìn lại chặng đường đã qua, ông có thể mô tả thế nào về đặc trưng của công cuộc Đổi mới tại Việt Nam trong 30 năm qua?

TS. Huỳnh Thế Du: Đặc trưng nổi bật nhất của 30 năm Đổi mới ở Việt Nam là quá trình tự do hóa. Hiểu một cách đơn giản là Nhà nước giảm dần “lấn sân” để tập trung vào nhiệm vụ của mình. 

Xã hội có 3 trụ cột cơ bản đóng vai trò khác nhau là nhà nước, thị trường và xã hội công dân. Mỗi trụ cột đều đóng một vai trò khác nhau và đều cần thiết như nhau.

Tất nhiên đó là tiến trình, còn đúng hay chưa ở từng giai đoạn có thể hiện điều này thì còn nhiều cái để bàn nữa. Bởi vì cho tới giờ này, có vẻ như Nhà nước vẫn còn muốn đóng một vai trò lớn hơn khả năng của mình. Nhưng hướng đi trong 30 năm qua đúng là như thế.

Theo nhiều nhà nghiên cứu kinh tế nhận xét, so với hàng loạt nước thuộc hệ thống XHCN trước đây thì bước đầu cải cách của Việt Nam, mà ta gọi là Đổi mới, có sự đột phá mạnh mẽ hơn. Ví dụ Việt Nam đã đi thẳng vào giá, xóa bao cấp lương thực, điều mà các nước như Liên Xô (sau này là LB Nga), Trung Quốc mãi sau này mới dám “đụng” đến?

TS. Huỳnh Thế Du: Thực ra tiến bộ hay chựng lại còn tùy góc nhìn. Nhưng nếu nhìn lại chu kỳ cái vòng 30 năm để so sánh với quốc tế thì thấy các chỉ tiêu cơ bản của Việt Nam rất là tốt.

Ví dụ, bình quân tăng trưởng GDP từ năm 1986 đến nay bình quân hàng năm là 6,5%/ năm, xếp thứ 6 toàn cầu. Theo số liệu Ngân hàng Thế giới, chỉ có 2 nước có dân số từ 20 triệu người trở lên là cao hơn Việt Nam, là TQ và Mozambique mà thôi. Điều này có nghĩa là trừ những nước rất nhỏ có khả năng xoay sở cao, thì trong chu kỳ 30 năm, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ sau TQ.

Ở khía cạnh giảm nghèo, thì Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những nước có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất toàn cầu. Theo con số của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc, năm 1992, Việt Nam có khoảng 58% hộ nghèo. Nhưng tới nay chỉ còn 10,7%. Điều này có nghĩa, nhiều người dân được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế cao.

Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, tức chỉ số bất bình đẳng trong 20 năm qua ở ta không lớn. Lẽ ra với đà phát triển kinh tế thì mức độ bất bình đẳng giàu nghèo thường càng gia tăng theo đà phát triển kinh tế lên, nhưng ở Việt Nam gần như không thay đổi nhiều trong 20 năm qua.

Đổi mới, Cải cách thể chế, Việt Nam: Mãnh hổ hay mèo rừng?
TS. Huỳnh Thế Du. Ảnh: vnexpress.net

Vậy chênh lệch nông thôn – thành thị thì sao, thưa ông?

TS. Huỳnh Thế Du: Có điều tôi rất lấy làm lạ là việc thay đổi thu nhập hơn một thập kỷ qua ở hộ gia đình nông thôn lại cao hơn thành thị. Mức tuyệt đối thì thành thị vẫn cao, nhưng mức tăng trưởng thì nông thôn cao hơn. Điều này có nghĩa là khoảng cách giữa nông thôn và thành thị đang giảm xuống.

Do đặc điểm của nền kinh tế nước ta là người lao động đi ra từ nông thôn vào thành thị sẽ gửởi một phần thu nhập về nông thôn. Cho nên tăng trưởng kinh tế ở nông thôn chủ yếu dựa vào nông nghiệp thấp hơn nhiều so với thành thị, nhưng thu nhập có quá trình tái phân bổ, nên mới có kết quả thu nhập ở nông thôn cao hơn thành thị. Đây là tín hiệu tích cực.

Một điểm khác có thể quan sát thấy từ Hà Nội cho tới TP.HCM. Đô thị thực ra có nhiều vấn đề thật, nhưng xét dưới góc độ nhà ở, sự phân cực thì điều đáng ngạc nhiên là hầu hết các hộ gia đình ở Việt Nam, kể cả ở thành phố đều có nhà ở. Và đô thị của ta không có quá nhiều nhà ổ chuột, tức là không bị phân cực quá mức để xảy ra quá mức như ở nhiều đô thị lớn trên thế giới.

Điều này chứng tỏ về mặt kinh tế, quá trình phát triển ở Việt Nam có tính bao trùm cao hơn và nhiều người được hưởng lợi hơn. Nếu chúng ta về các vùng quê, rất dễ nhìn thấy đời sống của người dân tăng lên trông rõ rệt. Kể cả nhóm có thu nhập thấp nhất cũng được cải thiện chứ không bị bỏ rơi.

Đương nhiên chúng ta vẫn còn phải bàn tới vô số vấn đề trục trặc của quá trình công nghiệp hóa. Tác động của quá trình này là có nhưng với, những số liệu chúng tôi thu thập được từ các tổ chức quốc tế cho thấy Việt Nam đã cải thiện về hiệu quả. Để so sánh, ví dụ với TQ sẽ thấy họ tăng trưởng bình quân khoảng 10%, nhưng hậu quả về ô nhiễm môi trường và những mặt khác rất kinh khủng lắm. Chúng ta cũng có những vấn đề đó nhưng ở mức độ vừa phải hơn.

Nếu tính tổng thể 30 năm qua kết quả phát triển ở Việt Nam rất là tốt. Tuy nhiên vẫn còn  không phải là ít những trục trặc đáng phải bàn.

Ông mô tả về những trục trặc và nhiều vấn đề đáng bàn đó như thế nào?

TS. Huỳnh Thế Du: Sự chênh lệch giữa cái được và không được đang gia tăng.

Thứ nhất, các mối quan hệ thân hữu mà ở Việt Nam hay gọi là “lợi ích nhóm” đang tăng lên, cái này cực kỳ nguy hiểm, tạo thêm bất công trong xã hội…;

Thứ hai nữa là thể chế chính trị ở Việt Nam không có tính bao trùm. Nhu cầu tham gia của người dân vào đời sống chính trị, tổ chức Nhà nước và những thứ khác vẫn cần tiếp tục điều chỉnh. Ví dụ, cần tiếp tục khớp giữa kinh tế thị trường và thể chế chính trị để đạt được kết quả tăng trưởng bền vững hơn nữa.

Dù muốn hay không chúng ta không thể giữ mãi những cái đã cũ kỹ, lạc hậu. Để tiếp tục tiến lên, chúng ta phải chọn đúng đường.

Thưa TS. Huỳnh Thế Du, trên nền tảng những điều được và chưa được trong thời gian qua cũng như những “điều đáng bàn”…. nhiệm kỳ mới này, chúng ta cần phải tiếp tục ra sao để đưa đất nước thoát khỏi thế kẹt?

TS. Huỳnh Thế Du: “Chúng ta” là ai? Mọi người thường nghĩ chúng ta là Nhà nước. Thực ra chúng ta gồm 3 “ông”: Nhà nước, thị trường – doanh nghiệp và người dân. Đó là “chúng ta”!

“Ông” doanh nghiệp chỉ làm một việc thôi, đó là trên cơ sở cái hiện có, ông đừng than vãn, đổ thừa nữa, mà hãy  tận dụng tất cả cơ hội, cố gắng khai thác tốt nhất những cái gì có lợi cho “ông”. Đối với doanh nghiệp, cần phải thấy một điều rằng, trong nhìn cái vòng 30 năm qua, thì mọi thứ sự tốt lên rất là nhiều, kể cả cách quản trị nNhà nước. Nhà nước đã nắm vững biết hơn về ổn định vĩ mô, về môi trường kinh doanh, khả năng huy động vốn … Trong môi trường cạnh tranh thì phải cạnh tranh. Doanh nghiệp phải tận dụng tất cả cơ hội, từng doanh nghiệp hãy tận dụng cơ hội tốt nhất cho mình.

Người dân cũng y như thế. Đương nhiên cũng có những thứ chưa được nhưng về cơ bản là vậy về hiệu quả, công bằng xã hội, tăng trưởng kinh tế đều tốt. Và những trục trặc luôn tồn tại. Nhưng đừng vì những trục trặc mà làm ảnh hưởng đến việc tận dụng các cơ hội mình có. “Ông” người dân cũng chỉ cần như thế thôi.

Còn “ông” Nhà nước thì phải tiếp tục tạo điều kiện cho hai “ông” kia làm tốt việc của họ. Những việc gì làm không được thì thôi, ví dụ bên cạnh vai trò “chủ đạo” của quốc doanh, không thể thiếu được sự tiếp sức của khu vực doanh nghiệp dân doanh cũng như doanh nghiệp liên doanh. Hãy tập trung làm những thứ mà người dân, doanh nghiệp làm không được. Ví dụ phải đảm bảo vĩ mô, đảm bảo luật chơi cho các doanh nghiệp có quyền cạnh tranh bình đẳng; Đảm bảo pháp quyền, đảm bảo cho tất cả mọi người, doanh nghiệp có quyền tiếp cận các cơ hội như nhau.

Ở đâu cũng vậy, kể cả Singapore, nhìn Nhà nước quản lý thấy hiệu quả vậy thôi, chứ thực ra thị trường nó làm. Nhà nước là người thiết lập các luật chơi để cho hai “ông” kia làm. Nhà nước làm trọng tài và tham gia vào những lĩnh vực mà hai “ông” kia không có động cơ làm hoặc làm không có hiệu quả.

Đó mới chính là “chúng ta” là như vậy. Mỗi “ông” cứ phát huy đúng vai trò của mình. Hãy để cho sự sáng tạo, năng động của các tầng lớp thăng hoa. Các tổ chức xã hội công dân là một xu thế chung trong tiến trình phát triển. Thể hiện qua những: quán cơm từ thiện, trà đá miễn phí, bữa cơm có thịt nở rộ lên. Đó là niềm hạnh phúc nho nhỏ của người dân. Vậy thì hãy để cho người ta làm.

Hiện chúng ta đang tư duy theo kiểu vị kỷ, ích kỷ. Ta được cái này thì người khác mất. Ai cũng nghĩ, vì tôi được được cái này thì xã hội ắt phải mất cái gì đó.

Thực ra làm gì có chuyện đó!

Đó là những thứ mà chúng ta phải nhìn nhận trong bối cảnh hiện nay. Và việc Nhà nước cần làm bây giờ là làm sao cho khoảng cách giữa thể chế chính trị thu hẹp lại so với cải cách kinh tế.

Điều ông nói liên quan đến thể chế. Phải chăng điều này đóng vai trò cực kỳ quan trọng mang tính quyết định cho con đường của Việt Nam?

TS. Huỳnh Thế Du: Trong một hệ thống có tính khai thác, anh được có nghĩa là tôi mất. Hệ thống này có xu hướng tổng trò chơi bằng không, thậm chí là âm. Nên người ta có xu hướng phải tranh thủ cố gắng giành giật cho mình, dù có khi thiệt hại cho cái chung. Đơn giản chỉ  vì anh được thì tôi mất. Khi đó, cái tính đố kỵ càng dâng cao lên.

Còn trong thể chế phát triển thì, anh được tôi cũng được. Lúc đó, người ta thấy sự thành công của anh qua việc anh tạo ra công ăn việc làm, tạo ra lợi ích cho xã hội thì tôi cũng được hưởng cái lợi  đó. Và ngược lại. Có nghĩa là mọi người đều cảm thấy có mình trong bất kỳ một thành công của ai trong xã hội.…

Vậy thì ta nên chọn đổi mới thể chế thế nào để bước về phía trước?

Xin cám ông TS. Huỳnh Thế Du đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam/báo VietnamNet.

Duy Chiến thực hiện

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness