Cơ hội nào cho Trần Nhựt Thành?
30 tuổi đã có ba bản án với tổng cộng 10 năm tù giam về tội trộm cắp tài sản. Mới ra tù 11 ngày lại tiếp tục trộm cắp thêm 11 lần. Với bị cáo này, hầu như con đường đời chỉ có một đích đến duy nhất: trại giam. Trần Nhựt Thành sống cùng cha mẹ và sáu người em trên một chiếc ghe. Cả gia đình không đăng ký hộ khẩu, cũng không sống cố định một nơi nào. 20 tuổi, Thành nhận bản án 3 năm tù đầu tiên trong đời của Tòa án nhân dân tỉnh Long An về tội cùng cha và mẹ ruột trộm cắp xuồng máy dọc theo sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây thuộc các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Bến Lức... (Long An).
Sau khi mãn hạn tù về được ba tháng, tháng 1-1999 Thành tái phạm. Bị phạt 4 năm tù giam.
Lần thứ ba, cũng sau khi mãn hạn tù được ba tháng, đầu tháng 3-2003 Thành lại trộm liên tiếp chín lần được chín xuồng máy các loại. Bị phạt 3 năm tù.
Lần này là lần thứ tư Thành đứng trước vành móng ngựa Tòa án nhân dân huyện Thạnh Hóa, Long An. Ở phiên tòa lưu động, thường thì các bị cáo đứng trước tòa tỏ ra rụt rè và sợ hãi hay nhìn quanh để tìm thân nhân nhưng Thành thì không. Vẻ mặt vẫn bình thản, tác phong lẹ làng, nhanh gọn, thoáng một cái bị cáo đã lọt thỏm trong vành móng ngựa, bị cáo chỉ nhìn vào hội đồng xét xử.
Con đường duy nhất!
Chủ tọa hỏi:
- Bị cáo bao nhiêu tuổi? Trước đây làm nghề gì?
Thành đáp:
- 30 tuổi. Không nghề.
- Không nghề thì lấy gì sinh sống, bị cáo khai rõ hơn xem?
- Khi nhỏ sống cùng cha mẹ.Vừa lớn lên đã phải ngồi tù.
Chủ tọa hỏi tiếp:
- Vì sao phải tù và hôm nay sao lại bị tòa xử?
Thành bắt đầu chậm rãi trình bày:
- Tôi đã có ba tiền án về tội trộm cắp với thời gian chấp hành án là 10 năm, khi ra tù tôi sống lang thang, sau đó 11 ngày tôi tiếp tục tìm kiếm xuồng máy trộm cắp đem bán để có tiền sinh sống, gần hai tháng qua tôi đã thực hiện 11 lần trộm cắp và trong khi đang lấy xuồng máy thì bị bắt.
Thành khai rõ từng vụ lấy trộm nên hội đồng xét xử không hỏi gì thêm về hành vi phạm tội của bị cáo mà xoay qua hỏi về nhân thân, nguyên nhân và điều kiện phạm tội.
Tòa hỏi:
- Sau khi chấp hành hình phạt xong sao bị cáo không về đoàn tụ với gia đình, làm lại cuộc đời như những người lầm lỗi khác?
Thành đáp:
- Tôi không biết gia đình ở đâu mà tìm vì từ nhỏ sống cùng gia đình trên một chiếc ghe máy lênh đênh khắp nơi, đến năm 1997 tôi và cha mẹ bị đưa ra tòa lần đầu tiên về tội trộm và lãnh án 3 năm tù, cha tôi 4 năm, mẹ tôi 2 năm nhưng mẹ tôi được án treo vì còn phải nuôi ba đứa em tôi. Cha tôi bệnh chết trong tù, còn mẹ tôi cũng thất lạc từ đó. Tôi không biết nơi mình sinh ra cũng như ai là họ hàng. Tôi cũng không có một người bạn thân nào ở ngoài đời.
Nói đến đây bị cáo sụt sùi khóc và lời khai cũng nhỏ dần rồi dừng lại.
Một vị hội thẩm hỏi tiếp:
- Bị cáo học tập, cải tạo được gì mà khi ra trại vẫn đi trộm?
- Bị cáo lao động như cuốc đất, vác đất, nhổ cỏ, trồng rau... và được giáo dục những điều hay lẽ phải - Thành trả lời.
- Thế sao bị cáo không thực hiện những cái hay cái tốt, tránh những cái xấu khi được ra trại mà còn phạm pháp?
Lời đáp của Thành nhỏ nhưng rõ ràng hơn:
- Dạ... bị cáo biết nhưng thật sự là mỗi lần ra trại bị cáo không tìm được việc làm, bị cáo lại không có nơi nào để nương tựa, mà người lạ đâu ai thuê mướn một người vừa ra tù mà lại tù về tội trộm cắp, không ai tin bị cáo cả! Đói quá nên bị cáo đi dọc theo bờ sông, bờ kênh tìm những nhà vắng chủ vào lấy trộm gạo, bắt gà chủ yếu là để ăn, để sống. Nhưng được vài ngày gà, gạo cũng khó lấy, túng quá, bí quá bị cáo quay sang trộm xuồng máy vì ở quê người ta thường không khóa xuồng máy, dễ lấy mà bán có tiền nhiều...
Cứ thế, vấn đề của bị cáo này không phải là những vụ trộm cắp cụ thể. Hầu như phần lớn thời gian xét hỏi tòa dành để làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo tái phạm nhiều lần.
Lời sau cùng đau xót
Lời nói sau cùng của Thành trước khi tòa nghị án cũng lạ vì bị cáo không xin tòa giảm nhẹ mà chỉ nói: "Tôi chỉ xin quí tòa xem xét sau khi tôi chấp hành xong bản án mới này, bản thân mong mỏi có một chỗ làm thuê để có cái ăn, cái mặc, tránh xa con đường phạm pháp...".
Phiên tòa kết thúc, Thành đã quay lại trại giam với mức án 5 năm tù. Thế nhưng những lời khai của Thành tại phiên tòa khiến những người thực thi pháp luật cũng như những ai dự khán không khỏi băn khoăn, ái ngại cho những mảnh đời lầm lỗi có hoàn cảnh tương tự như Thành. Rõ ràng có quá ít cơ hội cho họ hòa nhập cộng đồng.
Mong mỏi có một chỗ làm thuê là quá giản đơn, nhưng lại rất khó thực hiện đối với Thành.
Hình như chúng ta chỉ mới quan tâm quản lý giáo dục phạm nhân khi họ còn trong trại giam. Còn sau khi họ được trả tự do thì việc theo dõi, giúp đỡ, tạo điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng bị buông lỏng. Lâu nay chỉ qui định chung chung là giao về địa phương quản lý giáo dục nhưng giao làm sao, quản lý như thế nào và cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm chính thì không rõ. Thực tế cho thấy nếu họ có một gia đình tốt thì đó sẽ là nơi quan trọng, là điểm tựa vững chắc để họ làm lại cuộc đời. Còn với những người sống lang thang không nơi nương tựa, không có được mái ấm gia đình thì con đường hòa nhập cộng đồng của họ thật sự quá khó khăn, như trường hợp của Thành.