TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 8
  • Hôm nay: 147
  • Tháng: 1195
  • Tổng truy cập: 5245199
Chi tiết bài viết

Đằng sau một bản án treo

TT - Bị cáo T.V.H., sinh 1975, ra tòa (vụ án trộm cắp tài sản, cuối tháng 9-2006, TAND tỉnh Bạc Liêu) trong bộ quần áo xộc xệch và cái đầu trọc mới mọc tóc lún phún.Hỏi vì sao lại “xuốngtóc”,

1. Vợ, con và 23 ký tôm

T.V.H. sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân tại vùng quê lúa huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Cha bị mất một chân do làm ruộng cuốc nhằm trái nổ. H. không được học hành, cũng theo nghề nông với gia đình. Nhưng rồi mùa màng thất bát, cha H. nuôi tôm thất bại, nợ nần chồng chất nên phải bán hết đất đai để trả nợ. 

Từ đó cả nhà H. lâm vào cảnh làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày. Năm 25 tuổi, H. học được nghề sửa máy nổ để sửa máy bơm nước cho các vuông tôm. Hạnh phúc tưởng chừng đã mỉm cười khi H. cưới vợ và có được đứa con gái kháu khỉnh, đáng yêu. Vợ chồng H. lên Bạc Liêu, mua được một miếng đất, định cất nhà, vợ vẫn tiếp tục làm thuê, chồng đi sửa máy nổ.

Bức tranh gia đình màu hồng tươi sáng bỗng chốc tối sầm khi một ngày cuối tháng 3-2004, tai họa từ trên trời ập xuống cái gia đình nhỏ bé ấy: H. té xe bị thương ở chân. Vài ngày sau vợ H. cũng bị tai nạn giao thông nằm một chỗ. Dù chân chưa lành nhưng H. vẫn phải gượng dậy đi làm và chăm sóc vợ con. Chạy đôn chạy đáo khắp nơi vay mượn. 

H. bán rẻ miếng đất gom tiền đưa vợ đi Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) hai lần để rồi nhận được cái kết luận bàng hoàng: hai chân liệt vĩnh viễn. Hết tiền nhưng vẫn nuôi hi vọng chữa trị, H. đưa vợ đi khắp các chùa chiền khu vực Bạc Liêu để châm cứu. Các sư chùa Phước Tiên (phường 5, Bạc Liêu) cám cảnh nghèo của H. đã gom góp tiền mua tặng vợ H. một chiếc xe lăn.

Nhờ có tay nghề sửa máy nổ, H. xin vào làm thợ sửa máy cho Công ty tôm giống DH, lương 1,2 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng trừ tiền cơm hết 300.000đ, còn được 900.000đ đem về nhà. 

Bấy giờ cả nhà ba miệng ăn, trong đó có một người bệnh, chỉ tính riêng tiền thuốc nam và châm cứu mỗi ngày cũng mất 20.000đ/ngày, ăn uống tằn tiện cũng phải 10.000đ, chưa kể con H. đã đến tuổi đi học cần sắm sửa tập vở, áo quần và người cha tàn tật cần trợ cấp. Đồng lương không đủ vào đâu nên tháng nào H. cũng phải mượn tiền trước của chủ rồi làm trừ nợ dần, mà không lúc nào dứt nợ. 

Được cha vợ cho mượn tạm miếng đất nằm thoi loi ngoài ruộng, H. vay 1,5 triệu đồng để cất căn chòi cho vợ con ở tạm. Số tiền nợ nhỏ ấy nhưng H. đôn đáo mãi vẫn chưa trả được nên cứ phải cúi gằm mặt nghe những lời mắng nhiếc đủ điều. 

Nợ nần thúc bách, nhìn vợ con ốm đau không tiền thang thuốc, đói ăn, thiếu mặc, thân thể cứ như tàu lá chuối khô mà đau lòng, H. nghĩ mãi không ra cách nào thoát cảnh khốn khó. Trong lúc quá túng quẫn, H. nghĩ: “Mình thì sao cũng được, chứ vợ bệnh, con nhỏ mà ăn kho khô kho quẹt mãi vầy, tội quá. Thôi, mặc tới đâu thì tới, liều một phen, kéo đại một ít tôm của công ty bán, tôm nhiều chắc không ai biết được...”. 

Thế là ngày 26-2-2006 H. rủ V. (nhân viên hợp đồng của công ty) kéo trộm tôm. Cả hai kéo được 23 ký (trị giá khoảng trên 800.000đ) thì bị phát hiện. V. bỏ chạy, H. bị bắt giam hơn một tháng. Xét hoàn cảnh gia đình neo đơn, thân nhân không người chăm sóc, H. được cho tại ngoại.

Tòa nhận định bị cáo H. thật thà khai báo, mới phạm tội lần đầu, hành vi phạm tội ít nghiêm trọng, tài sản cũng đã thu hồi nên đã tuyên mức án chín tháng tù treo, một năm thử thách.

2. Những mảnh đời đáng thương

Sau phiên tòa, tôi tìm gặp H.. Căn chòi vách lá thấp lè tè trên nền đất ẩm của H. chỉ vỏn vẹn khoảng 20m2, nằm sâu trong ruộng. Phía trước chòi kê một tấm ván sần sùi và một chiếc ghế nhựa. Từ trước đến sau căn chòi thông thốc không có vật dụng gì đáng giá. 

H. bảo: “Vợ em phải về ở với ông già, mượn người cô ở gần đó qua lại săn sóc. Em ở trên này đi làm mướn. Ở đây nuôi tôm nhiều, máy nổ nhiều hơn. Nắng chủ vuông thường kêu đi sửa máy, hôm nào trời mưa thì đi kéo đất, mỗi ngày cũng kiếm được bốn năm chục ngàn. Lâu lâu gom gửi về cho ông già, còn chút ít hai cha con sống qua ngày...”. Con H. 6 tuổi, năm nay đã vô lớp 1. 

Tôi hỏi H. biết án treo là sao không, anh ngơ ngác lắc đầu. Sau khi nghe tôi giải thích nếu trong thời gian thử thách mà phạm một tội nữa thì án treo sẽ chuyển thành án giam, tổng hợp với án mới, H. nói lí nhí: “Em sợ quá rồi, cả đời cũng không dám làm gì vi phạm nữa, chị à. Hôm mới ở tù về em mượn được chiếc nhẫn tám phân vàng, đem cầm 200.000đ mua gạo ăn đến nay chưa có tiền trả. Em đi hỏi mấy chủ tàu cá có mướn người thì đi biển đánh cá, nhưng ai cũng lắc đầu vì hổm rày biển động quá”...

Rời khỏi nhà H., tôi vẫn cứ hình dung về sự ngơ ngác của anh khi nói về bản án treo, về sự sợ hãi “cả đời không dám làm gì phạm tội...”. Đành rằng ai cũng biết cái đạo lý “đói cho sạch, rách cho thơm”, “giấy rách phải giữ lấy lề”, không ai có thể viện lý do hoàn cảnh để biện minh cho hành vi phạm tội, không ai có thể nhân danh cái nghèo để xâm phạm đến tài sản người khác, nhưng... 

Trong phiên tòa, khi biết nguyên nhân xô đẩy H. - người nông dân chất phác - vào hành vi phạm tội trong một lúc quá túng quẫn, ai dự khán phiên tòa cũng cảm thấy đau lòng... Đằng sau hành vi phạm tội ấy là trách nhiệm đè nặng lên vai một người đàn ông nghèo khó, bất lực trước hoàn cảnh gia đình mình, là những mảnh đời đáng thương...

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness