Năm 1943, trong lúc Thế chiến II đang tới hồi ác liệt, Chính phủ Anh, Mỹ đề nghị họp Thượng đỉnh với Liên Xô ở Teheran. Trên đường tới Teheran, Thủ tướng Winston Churchill của nước Anh đã ghé lại Cairo, mục đích gặp Tổng thống Mỹ F. D. Roosevelt để hội đàm một chính sách chung Anh-Mỹ trước khi gặp Stalin. Khi tới Cairo, Churchill ngạc nhiên thấy Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch đã tới đó trước vài ngày, và đang hội đàm riêng với Roosevelt. Bị va chạm tự ái vì không được mời họp, Churchill đã nói với Roosevelt : “ Trung Quốc là cái gì mà Tổng thống gặp ? Chẳng qua họ chỉ là 500 triệu cái đuôi sam ” 1.
Bài này là Lời nói đầu cuốn sách QUAN HỆ MỸ - TRUNG QUỐC của Nguyễn Văn Nhã. 6 chương sách gồm 53 bài của những chuyên gia và nhà bình luận, do tác giả tuyển chọn và biên dịch.
Diễn Đàn xin thành thực cảm ơn tác giả đã cho phép chúng tôi lần lượt đăng các bài viết theo trình tự của cuốn sách.
Churchill đã quên, và Roosevelt có thể cũng đã quên câu nói bất hủ của Napoléon : “Trung Quốc là một con rồng đang ngủ, đánh thức nó dậy, nó sẽ làm chao đảo thế giới ”. Chính sách của chính phủ Roosevelt ngay từ Thế chiến II đã coi rất trọng Trung Quốc : Đó là một cường quốc tương lai của thế giới. Cho nên khi thành lập Liên Hiệp Quốc, Roosevelt đã phản đối ý kiến của Churchill, nhất định dành một ghế cho Trung Quốc ở trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (Gồm có 5 cường quốc: Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc và Pháp). Hơn thế nữa, ông còn cử Đại tướng Joseph Stilwell qua chỉ huy mặt trận Ấn Độ – Miến Điện – Trung Quốc để chống lại xâm lược Nhật Bản 2.
Sáng kiến Kissinger
Hai mươi năm sau chiến tranh Triều Tiên chấm dứt, một nhà nghiên cứu chiến lược của Mỹ, Henry Kissinger, đã đề nghị với Tổng thống Richard Nixon (Đảng Cộng hòa) một chương trình hòa hoãn với Trung Quốc, để giúp giữ thể diện cho việc rút quân Mỹ khỏi Việt Nam. Đó là năm 1971.
Tình hình nước Mỹ lúc đó có nhiều khó khăn : chiến tranh Việt Nam đã bị các phong trào quần chúng ở Mỹ và khắp thế giới phản đối, uy tín của Mỹ xuống rất thấp. Kinh tế Mỹ bị chao đảo, thứ nhất vì chiến tranh Việt Nam làm cho ngân sách bị thâm thủng nặng nề; thứ hai vì các quốc gia bại trận trước kia (Đức và Nhật Bản) đã hồi phục, và cạnh tranh kinh tế ác liệt với Mỹ. Từ Hội nghị Bretton Woods (1944), nước Mỹ đã quay trở lại kim bản vị, và hứa hẹn với cả thế giới là đồng USD có thể đổi qua vàng vào bất cứ thời điểm nào, theo tỉ giá 1 ounce vàng = 35 USD. Nhưng tới năm 1971, các nước khác đã nắm giữ một số lượng USD rất lớn, họ đòi đổi ra vàng, ngân khố Mỹ bị đe dọa nặng nề : Số vàng trữ kim giảm mạnh. Trước tình hình này, chính phủ Nixon đã phải hủy bỏ kim bản vị của đồng USD, và tuyên bố giá vàng sẽ nổi lên theo cung cầu của thị trường. Nhiều người đã coi động thái này là một vụ xù nợ, hay là phá sản của nước Mỹ, vì đã không giữ được lời cam kết trước kia. Ngoài ra, sâu xa hơn, là sức sản xuất của Tây Âu và Nhật Bản ngày càng cạnh tranh với hàng hóa Mỹ, nhờ họ có nhân công giá rẻ, nhất là Nhật Bản. Các mặt hàng công nghệ chế biến của Mỹ, điện tử, quang học, xe hơi… dần dần bị hàng của Nhật và Tây Âu lấn át. Trước tình hình như vậy, Kissinger đưa ra kế hoạch hòa hoãn và hợp tác với Trung Quốc. Mục tiêu của Mỹ : sử dụng nguồn nhân lực giá rẻ của Trung Quốc để cạnh tranh với các quốc gia khác 3. Mục tiêu của Trung Quốc: để giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm triệu con người.
Tại thời điểm 1971, Mao Trạch Đông đã nắm toàn quyền kiểm soát đời sống chính trị của Trung Quốc, và đã rút ra bài học đau đớn về kinh tế trong chính sách Đại nhảy vọt (1958-60). Thời kỳ Đại nhảy vọt đã gây ra nạn chết đói của khoảng hơn 40 triệu người, mà không đưa nền kinh tế đi lên 4. Cách mạng văn hóa đã giúp Mao hạ bệ tất cả các đối thủ chính trị tiềm năng : Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài, Đào Chú, Đặng Tiểu Bình… Nhờ thế, Mao đã thuận theo lời đề nghị của Chu Ân Lai, đàm phán với Mỹ, và đưa Đặng Tiểu Bình về tham gia chính quyền để đẩy mạnh công cuộc canh tân đất nước. Nhưng kế hoạch của Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình đã bị Nhóm 4 tên ngăn trở. Phải chờ tới khi Mao mất, Hoa Quốc Phong hợp tác cùng các lão tướng, bắt giam bè lũ 4 tên, tạo điều kiện cho Đặng Tiểu Bình đẩy mạnh sự canh tân đất nước (1976).
Bước Đại nhảy vọt kinh tế thị trường
Con rồng Trung Quốc đã trỗi dậy, và ba mươi năm sau, đã trở thành một đại cường kinh tế. Trong suốt thời gian này, các chính phủ Mỹ, từ Nixon tới Clinton, đều không nghĩ là một ngày nào đó, Trung Quốc có thể ngang vai cùng Mỹ. Trong những năm 1980, Chính phủ Reagan đã chú tâm nhiều tới kinh tế Nhật Bản và cố gắng ngăn chặn sự vươn lên của nước này. Hội nghị Plaza ở New York (1985) đã ép buộc Nhật Bản phải cho nổi giá đồng yên trên thị trường tiền tệ. Kể từ đó, tăng trưởng của Nhật Bản hầu như ngưng lại, tạo ra những “thập kỷ bị đánh mất” – và Reagan không để ý tới Trung Quốc.
Bảy năm sau, vào năm 1992, Chu Dung Cơ được Đặng Tiểu Bình chọn lựa, lên làm Phó Thủ tướng Trung Quốc, chuyên lo về kinh tế, đã đẩy mạnh xuất khẩu. Năm 1994, xuất khẩu Trung Quốc đạt 5.3 tỉ USD, và dự trữ ngoại hối 51 tỉ USD 5.
Kể từ đó, các chính sách kinh tế vĩ mô ở Trung Quốc đã đi theo lý thuyết của J. M. Keynes, một nhà kinh tế Anh, người đã cố vấn cho chính phủ Roosevelt giải quyết nạn khủng hoảng kinh tế trong thập niên 1930. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều cải tổ kinh tế quan trọng : tăng giá nông sản, cho tư nhân kinh doanh, mở cửa thị trường chứng khoán Thượng Hải, Thẩm Quyến, hạn chế tình trạng độc quyền của các công ty quốc doanh, cải tổ cơ cấu ngân hàng, ngân hàng xuất tiền cho các công ty tư nhân vay mượn, và kêu gọi công ty nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc..
Sự nổi lên của nền kinh tế Trung Quốc trong suốt hai thập kỷ 1990 và 2000 rất mạnh mẽ. Tăng trưởng trung bình 9%-10% một năm. Cho tới năm 2008, khi nước Mỹ bị rúng động vì cuộc khủng hoảng tài chính họ mới chợt nhận ra rằng, kinh tế Trung Quốc không những không suy thoái, mà vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức 9%/năm.
Ngày nay hàng hóa của Mỹ lại bị hàng Trung Quốc cạnh tranh. So với Nhật Bản trước kia (1970-80) quy mô cạnh tranh lớn gấp bội. Cán cân mậu dịch của Mỹ luôn luôn thâm hụt với Trung Quốc. Các công ty sản xuất ô tô của Mỹ (GM, Chrysler) đã phải đóng cửa. Do đó, tiền nợ của Mỹ ngày một tăng. Nói chung, trước kia Kissinger tưởng tư bản Mỹ có thể sử dụng nhân công giá rẻ của Trung Quốc để cạnh tranh với hàng hóa Nhật Bản và Tây Âu. Không ngờ, 40 năm sau, Trung Quốc đã gom được một quỹ dự trữ rất lớn, chủ yếu bằng USD, cùng lúc họ lại thu nhập được các loại công nghệ của Mỹ, cùng với một số lượng lao động khổng lồ 700-800 triệu người. Nhờ đó họ đã tự mình sản xuất hàng hóa bán qua Mỹ. Nước Mỹ không những phải đối phó với sự cạnh tranh của Nhật Bản, Tây Âu, mà còn cả với Trung Quốc. Sức mạnh kinh tế của Mỹ yếu hẳn đi, và vị trí bá quyền của Mỹ trên thế giới bị đe dọa trầm trọng.
Từ đó, các nhà bình luận kinh tế, chính trị đổ dồn con mắt về Trung Quốc. Tuy GDP đầu người còn thấp (khoảng 8.000 USD vào năm 2011, nếu tính theo mãi lực tương đương) nhưng vì dân số Trung Quốc lớn gấp gần 4 lần của Mỹ, cho nên GDP toàn quốc của Trung Quốc tiến tới gần ngang với Mỹ. Tình hình này đã làm nhiều học giả Mỹ lo ngại là sức mạnh quân sự của Trung Quốc sẽ nổi lên tương xứng với sức mạnh kinh tế. Ví dụ, ngân sách quốc phòng của Mỹ vào năm 2012 là 550 tỉ USD. Của Trung Quốc chỉ có 650 tỉ nhân dân tệ, xấp xỉ 106 tỉ USD. Nhưng vì chi phí quân đội, và giá cả vũ khí sản xuất ở Trung Quốc rất rẻ, cho nên ngân sách quốc phòng Trung Quốc có thể được coi ngang với Mỹ 6.
Người Mỹ vẫn muốn hợp tác với Trung Quốc, để có hàng giá rẻ, và tiền vay lãi suất thấp ; nhưng cùng lúc họ lo sợ sức mạnh của Trung Quốc sẽ thay thế sức mạnh quân sự của Mỹ, để tạo những vùng ảnh hưởng, ví dụ tại châu Á. Nhiều cuộc bàn cãi sôi nổi đã được tổ chức ở Mỹ trong những năm qua, để tìm hiểu xem Trung Quốc liệu có khả năng trở thành siêu cường thế giới hay chỉ là đại cường khu vực. Người Mỹ lo lắng là Trung Quốc, với một nền văn hóa khác biệt, một tinh thần dân tộc mạnh mẽ, có thể đe dọa tới bá quyền của Mỹ tại châu Á. Nhất là với một tư duy triết lý về chính trị còn đơn giản, họ có thể gây ra chiến tranh với các nước lân bang vì các vụ tranh chấp lãnh thổ hay lãnh hải. Hầu hết các quốc gia lân bang của Trung Quốc đều sợ hãi Trung Quốc, không những vì sức mạnh quân sự mà còn vì tính không minh bạch trong chi phí quốc phòng cũng như trong chiều hướng chiến lược.
Trong một cuốn sách xuất bản năm 2012, Wang Jisi, một chuyên gia người Trung Quốc về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đã cho biết : “ Giới lãnh đạo Trung Quốc đã không còn coi Mỹ là một quốc gia đáng sợ, hay đáng tin nữa. Những tấm gương Mỹ đưa ra cho thế giới, cũng như những lời Mỹ cảnh báo Trung Quốc do đó mất giá trị ”. Ngược lại Trung Quốc rất tự tin về sự tiến bộ kinh tế và quân sự của họ, nhất là họ đã lấp đầy hố cách biệt (GDP) giữa hai quốc gia, kể từ khi bắt đầu chiến tranh Iraq (2003). Lúc đó, GDP của Mỹ lớn gấp 8 lần Trung Quốc. Nhưng ngày nay, chưa tới 3 lần” 7.
Đây là một thái độ của những phú ông nông dân. Khi tài sản sung túc, nghĩ ngay là mình có thể đứng đầu thiên hạ. Họ quên một điều, muốn thiên hạ quy phục, sức mạnh kinh tế, quân sự không đủ, mà phải có quyền lực mềm, một thể chế, một triết lý xã hội mà ai cũng có thể chấp nhận được. Khi Trung Quốc đưa Khổng Giáo ra như một quyền lực mềm để thu hút thiên hạ, họ đã quên đi có một thời, từ đầu thế kỷ 20, Khổng giáo đã bị giới sĩ phu Trung Quốc coi là nguồn gốc của tình trạng chậm tiến của đất nước 8. Họ quên mất trong khoảng thời gian 2000 năm qua, tư duy nhân loại đã phát triển ghê gớm trong chiều hướng duy lý. Quay trở lại với những quan niệm cổ truyền, dù rất đẹp đẽ, có thể làm tăng thêm tinh thần dân tộc của người Trung Quốc, nhưng không lãnh đạo được những quốc gia nào khác. Nhưng chính cái trình độ duy lý của những người Trung Quốc bảo thủ này là mối nguy cho nhân loại. Có thể Kissinger bào chữa là khi kinh tế khá lên, người Trung Quốc sẽ có cái nhìn thế giới một cách hợp lý hơn. Nhưng không có gì cấm cản một Hitler có máu phục thù chủng tộc, dù kinh tế Đức lúc đó khấm khá hơn những cường quốc châu Âu khác, vẫn có thể gây ra chiến tranh. Còn chưa nói tới, mối thù của Trung Quốc đối với Nhật Bản vẫn chưa được hóa giải, và tinh thần khinh thị đối với các nước lân bang nhỏ yếu không được xóa bỏ. Lòng tự tôn và tự ái dân tộc có nguồn gốc sâu xa từ hàng trăm năm bị chèn ép, không dễ gì trong một thời gian ngắn có thể chuyển qua sự bao dung, thông cảm.
Sự thành công kinh tế Trung Quốc trong cơn khủng hoảng 2008 đã làm rúng động các nhà “thông thái Mỹ”. Lý do vì trước đó, nhiều người đã tiên đoán là kinh tế Trung Quốc sẽ suy sụp. Nào là vì Nhà nước đưa ra gói kích cầu quá lớn, mà chỉ tập trung vào hạ tầng cơ sở, như vậy Trung Quốc không nâng được mức cầu hàng tiêu dùng ; nào là chính sách cho các ngân hàng vay ào ạt (hơn 1.500 tỉ USD) trong năm 2009, sẽ làm bùng lên bong bóng bất động sản, nhưng cuối cùng cho tới 2012, chưa thấy bong bóng nổ. Nào là chính sách Nhà nước vơ vào tay mọi thặng dư giá trị của xã hội : lương nhân công rẻ, người dân không được hưởng các nguồn lợi nhuận khi giá đất tăng cao, Nhà nước không lo việc mở mang mạng lưới an sinh xã hội, tất cả những chuyện này làm người tiêu dùng Trung Quốc không dám tiêu xài, và họ giữ chặt số tiền tiết kiệm. Ngoài ra, các xí nghiệp quốc doanh đầu tư thái quá, nào các kho dự trữ thép, đồng, xi măng tăng vọt ….
Tất cả những động tác này báo hiệu bong bóng sẽ nổ lớn. Nhưng cuối cùng, bong bóng vẫn chưa nổ, và số xuất khẩu vào năm 2012 của Trung Quốc vẫn vượt mức 1.200 tỉ USD, và quỹ dự trữ, nằm trên 3.200 tỉ USD, tăng mỗi năm hơn 400 tỉ USD. Trong một cuốn sách mới xuất bản đầu năm 2012, học giả Nicholas R.Lardy cho biết chính phủ Trung Quốc đã cho thi hành các biện pháp để sửa chữa hầu hết sự bất cân đối trong các chính sách kể trên : Tăng lương lao động, tăng giá đền bù đất đai, ngân hàng xuất tiền cho tư nhân vay để kinh doanh, giới hạn hoạt động đầu cơ bất động sản, thúc đẩy mạng lưới an sinh xã hội, khuyến khích người tiêu dùng, và thúc đẩy khu vực dịch vụ 9.
Di sản của Mao và chính sách đối ngoại của Trung Quốc
Trong lúc đó nội bộ Trung Quốc cũng có nhiều vấn đề. Tinh thần dân tộc tự tôn của người Trung Quốc muốn các nước lân bang phải phụ thuộc vào ý muốn chính trị của họ (một hình thức triều cống), cũng như tinh thần cách mạng văn hóa thời Mao Trạch Đông đe dọa tới sự ổn định của khu vực. Sự cố Bạc Hy Lai mất chức Bí thư Trùng Khánh không phải chỉ có ảnh hưởng trong nội tình Trung Quốc. Nó còn cho thấy mô hình Trùng Khánh theo chủ thuyết của Mao vẫn còn có đông người ủng hộ. Chính quyền Bắc Kinh đã phải cách chức Bạc Hy Lai vào tháng 3-2012, mặc dù họ muốn duy trì tinh thần đoàn kết trong giới lãnh đạo trước khi họp Đại hội Đảng lần thứ 18 (tháng 8-2012). Có một số người cho rằng Bắc Kinh đã phải mạnh tay với Bạc Hy Lai vì không muốn trở lại thời kỳ Mao trước kia, nhất là kinh nghiệm về các vụ lật đổ những nhà cải cách Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương chưa phai mờ trong ký ức giới lãnh đạo .
Trong một bài báo gần đây, John Garnaut 10 đã cho biết là Ôn Gia Bảo, sau khi họp Quốc hội Trung Quốc (15/3/2012) đã nhắc tới mối hiểm nguy của cuộc cách mạng văn hóa. Và ngày hôm sau, có tin Bạc Hy Lai bị cách chức. Ông Ôn (một trợ thủ thân cận của Cố Tổng Bí Thư Hồ Diệu Bang) đã cho thấy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết liệt với việc phân định ranh giới giữa “cải tổ chính trị” và “cách mạng văn hóa”, một di sản đáng buồn của lịch sử Trung Quốc..
Như một chuyên gia về Trung Quốc đã cho biết : “ Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã đạt tới cấp bậc siêu cường, nhưng cách suy nghĩ, triết lý chính trị của họ còn nằm ở mức trung bình trên thế giới ” 11. Điều này hàm nghĩa gì ? Nếu không phải là một tư duy dân tộc chủ nghĩa cực đoan, coi thường hạnh phúc và giá trị của những dân tộc khác trên thế giới, nhất là những quốc gia lân bang. Cuộc chiến giữa hai phe bảo thủ và cải cách ở Trung Quốc vào đầu năm 2012 đã cho thấy khá rõ rệt : Một bên là các nhà lãnh đạo Trung ương khóa 17, gồm cả Hồ Cẩm Đảo và Ôn Gia Bảo, chủ trương xây dựng một xã hội hài hòa, và nổi lên một cách hòa bình trên thế giới. Một bên là Bạc Hy Lai, dương cao ngọn cờ chủ nghĩa Mao, tả khuynh. Cuối cùng thì Bạc Hy Lai mất chức Bí thư Trùng Kháng, nhưng những người ủng hộ Bạc không phải đã chấm dứt hoạt động của họ. Thêm vào đó, giới quân sự, được hướng dẫn bởi những triết lý chính trị từ thời Xuân Thu, Chiến Quốc luôn luôn nghĩ rằng quan điểm của họ là có cội nguồn lịch sử, có khuynh hướng đấu tranh bạo động. Họ không chấp nhận phương thức suy nghĩ duy lý theo kiểu châu Âu. Đối với họ, phương Tây là đối thủ. Đây mới là điều đáng sợ, vì họ chủ trương rõ rệt “ hiện đại hóa nhưng không Tây phương hóa ”, tức là họ từ chối cách suy nghĩ duy lý của phương Tây. Khi người Mỹ nói : “ hai bên hợp tác cùng thắng ” (win win), người bảo thủ Trung Quốc có thể nghĩ ngay tới ý đồ Mỹ muốn lợi dụng hoặc bóc lột Trung Quốc. Đối với họ, không thể như thế được, nếu có người thắng phải có người thua ; và họ không nề hà gì chấp nhận chiến tranh là giải pháp khả dĩ để giải quyết mâu thuẫn quyền lợi giữa các quốc gia. Đó là triết lý “ tổng bằng không ” (zero-sum game).
Đoàn phái và Thái Tử Đảng
Các nhà nghiên cứu Tây phương có khuynh hướng xếp loại các nhà lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc làm hai phe, có nguồn gốc khác nhau : một phe là những người dòng dõi lãnh đạo cách mạng, được mệnh danh là Thái Tử Đảng, đảng của những vị thái tử, nói nôm na là con ông cháu cha. Cụ thể là Bạc Hy Lai, bí thư Trùng Khánh, và Tập Cận Bình, hiện nay là Phó Chủ tịch, và có triển vọng sẽ trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào Đại hội Đảng lần thứ 18. Phe thứ hai, là những người xuất thân khiêm tốn, phải trải qua chọn lọc của Đoàn Thanh niên Cộng sản. Phe này có rất nhiều người tiêu biểu, ví dụ Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Cách phân chia này có nhiều khuyết điểm. Thứ nhất, trong cả hai phe đều có nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau : Khuynh hướng cải cách, bao gồm có vẻ đa số, muốn cải cách kinh tế, và tiệm tiến cải cách hệ thống chính trị hiện nay của Trung Quốc ; đối nghịch lại là khuynh hướng bảo thủ muốn quay về những giá trị thời đầu cách mạng : đề cao ý thức hệ, bình đẳng giai cấp, dân tộc chủ nghĩa, tôn sùng lãnh tụ (Mao Trạch Đông)… Cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng chính trị này mới là nội dung chính của chính trường Trung Quốc từ thời cách mạng văn hóa vô sản đến nay. Còn sự khác biệt giữa Đoàn phái và Thái tử Đảng chỉ có ảnh hưởng tương đối lên chính sách Trung Quốc.
Về phương diện đối ngoại, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thuộc khuynh hướng cải cách có một tầm nhìn hiếu hòa và cầu thị hơn khuynh hướng bảo thủ. Theo mệnh lệnh của Đặng Tiểu Bình (1982) trước kia : “ Hãy giấu mình đi ”, Hồ Cẩm Đào đã đưa ra chủ thuyết “ xã hội hài hòa ”, và “ trỗi dậy hòa bình ”. Mục đích để tập trung phát triển kinh tế, tạo điều kiện quốc tế ổn định cho phát triển đất nước. Ngược lại, phe bảo thủ nặng về khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, muốn đề cao những giá trị của Trung Quốc : văn minh lâu đời, cách mạng chủ nghĩa thường trực kiểu Mao Trạch Đông. Do đó, chính sách đối ngoại của phe bảo thủ mang tính cứng rắn, thích gây hấn, nguồn gốc tư tưởng bành trướng, bá quyền khu vực, và chống lại ảnh hưởng nói chung của phương Tây. Trong nhóm này, ngoài một số thái tử đảng có đặc quyền đặc lợi, phải kể thêm giới quân sự, nhiều người còn mang nặng tư duy thời chiến tranh lạnh, coi Tây phương như kẻ thù tiềm ẩn, coi lân bang như những chư hầu phải triều cống… Tự nhiên là nhóm bảo thủ này (nhiều khi cũng chỉ vì quyền lợi cá nhân) chống lại nhóm cải cách. Ví dụ trong những năm 1980, Hồ Diệu Bang được Đặng Tiểu Bình đề nghị làm Tổng bí thư. Nhưng một nhóm lão tướng (Trần Vân, Bạc Nhất Ba, Lý Tiên Niệm…) đã chống đối chính sách mở cửa của Hồ Diệu Bang, và truất phế ông này vào năm 1987. Cái chết của Hồ Diệu Bang vào năm 1989 đã gây ra vụ mồng 4 tháng 6 (4-6) ở Thiên An Môn, xô xát giữa phe đổi mới, cải cách và phe bảo thủ. Cũng trong vụ Thiên An Môn, Tổng Bí thư Triệu Tử Dương mất chức, vì tỏ ra hòa hoãn với phong trào đòi dân chủ. Ôn Gia Bảo là Chánh văn phòng của Hồ Diệu Bang vào lúc đó, cho nên ý thức rất rõ về tính quyết liệt của cuộc đấu tranh giữa hai phe nhóm. Bạc Hy Lai, cũng có khuynh hướng muốn dùng phe nhóm bảo thủ để xây dựng uy tín cá nhân. Tại Trùng Khánh, ông quảng bá công khai những tư tưởng cách mạng của Mao, tổ chức những buổi “hồng ca” theo kiểu cách hồng vệ binh trước kia. Và chính cách làm này đã khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh lo lắng, phải tìm cách khai trừ ông ra khỏi guồng máy lãnh đạo cao cấp, gây ra một sự cố chấn động chính trường Trung Quốc vào đầu năm 2012.
Chiến lược mới của Mỹ
Cho tới năm 2012, chính phủ Trung Quốc vẫn giơ cao khẩu hiệu “ giấu kín mình ” của Đặng Tiểu Bình, và “ xã hội hài hòa ” của Hồ Cẩm Đào. Nhưng khi sức mạnh kinh tế đã vượt trội các cường quốc khác, liệu Trung Quốc sẽ chọn lựa một chính sách gây hấn hơn không ? Đó là vấn đề mà nhiều quốc gia lân bang của Trung Quốc đang đặt dấu hỏi. Các vụ tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Philippines đã làm dư luận quốc tế sôi nổi về chính sách gây hấn của Trung Quốc trong những năm 2010, 2011. Đây là một minh chứng cho tư duy “ tổng bằng không ”, gây mất ổn định cho tình hình trong khu vực. Hậu quả là chính phủ Mỹ phải định hướng lại chiến lược quốc phòng của họ.
Sau biến cố 11-9-2001, nước Mỹ đã dấn sâu vào hoạt động báo thù. Nền kinh tế Mỹ lúc đó đang bay bổng, thị trường chứng khoán tăng không ngừng nghỉ, (chỉ số Dow Jones có lúc tăng lên tới 14.000 điểm – năm 2007), nợ công của Mỹ cũng tương đối thấp (66% GDP). Do đó, chính phủ Bush, với sự “ cố vấn ” của Phó Tổng thống Dick Cheney đã tiến hành hai cuộc chiến tranh trên bộ ở Iraq và Afghanistan. Nhưng sau gần 8 năm chiến tranh, phí tổn lên tới gần 3.000 tỉ USD, tạo một thâm hụt nặng nề cho ngân sách quốc gia. Cũng vào lúc đó (năm 2008) hệ thống tài chính Mỹ sụp đổ, kéo theo một cuộc khủng hoảng rộng lớn khắp thế giới. Chính phủ Mỹ phải phát hành thêm 3.000 tỉ USD tiền mặt để cứu trợ các ngân hàng. Hậu quả đã làm mất giá đồng USD, và làm cho giá vàng thế giới tăng mạnh. Những chi phí này cộng lại đè nặng lên ngân khố Mỹ, đe dọa trầm trọng lên toàn bộ tương lai nền kinh tế.
Năm 2009, chính phủ Mỹ quyết định rút quân khỏi Iraq và Afghanistan, nhưng đã quá trễ. Từ đỉnh cao thành tựu kinh tế, nước Mỹ đã trở thành con nợ lớn nhất thế giới (14.000 tỉ USD, tương đương khoảng 100% GDP), và người chủ nợ lớn của Mỹ lại là Trung Quốc. Trong hoàn cảnh như vậy, các chuyên gia chiến lược của Mỹ đã đề nghị phải cắt giảm chi tiêu quân sự, để lấy tiền trả nợ. Và thay thế chiến lược “ triển khai tiền phương ” bằng chiến lược “ cân bằng ngoài khơi ”, chỉ sử dụng tới không quân và hải quân cho bớt tốn kém.
Đã có một số chuyên gia đề nghị nước Mỹ nên trở lại chủ thuyết Guam của Nixon (1969). Theo đó, Mỹ không triển khai quân đội mà chỉ hỗ trợ kinh tế khí tài cho các quốc gia lân bang của Trung Quốc ; còn nhân lực, các quốc gia sở tại tự lo liệu lấy.
Nhưng vì lo sợ ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên ở châu Á, người Mỹ đã phải tiếp tục duy trì đạo quân 50.000 người ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Không những thế, một số chiến lược gia Mỹ vẫn nghĩ là phải làm sao kiểm soát được vùng Tây Thái Bình Dương. Bà Hillary Clinton, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, đã đưa ra ý kiến “ Thế kỷ 21 phải là Thế kỷ Thái Binh Dương của Mỹ ”, để đối chọi lại đề nghị của Hải quân Trung Quốc, vùng biển từ Nhật Bản tới Guam, xuống tới New Guinea ở phía Nam Thái Bình Dương là của Trung Quốc 12.
Chiến lược gia người Mỹ gốc Ba Lan, Zbigniew Brzezinski đã đề nghị một chiến lược mới cho nước Mỹ : Cân bằng phương Đông và nâng cấp phương Tây. Phương Tây của ông bao gồm cả châu Âu, Nga, Mỹ và Nhật Bản, Hàn Quốc. Cân bằng phương Đông là Mỹ phải trợ giúp các nước lân bang Trung Quốc đối trọng lại sức mạnh của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa rõ rệt là người Mỹ chưa tin vào chế độ của Bắc Kinh. Chỉ khi nào Trung Quốc cho thế giới thấy họ đã hòa nhập hẳn vào lối sống của thế giới, từ tính minh bạch trong chính sách tới sự ôn hòa trong chính trị đối ngoại, lúc đó, may ra có triển vọng trấn an được các quốc gia lân bang và duy trì ổn định cho khu vực. Còn như nếu Trung Quốc không cải tổ được như đề nghị của Thủ Tướng Ôn Gia Bảo, có khả năng sẽ gây ra xung đột vũ trang với các nước nhỏ trong khu vực và lúc đó uy tín của Trung Quốc sẽ không còn nữa đối với thế giới.
Nếu Trung Quốc còn được lãnh đạo bởi những người có tinh thần dân tộc cực đoan, mối lo ngại của các quốc gia lân bang sẽ không giảm, và như thế sự phát triển kinh tế của Trung Quốc khó lòng có được môi trường hòa bình, ổn định. Hơn thế nữa, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng biết rằng một sa sẩy trong quan hệ quốc tế, sẽ làm giảm rất nhiều uy tín của Trung Quốc, và như vậy làm thiệt hại cho chính sách ưu tiên phát triển kinh tế của họ.
Sống chung với Rồng
Nhiều người đã phê phán Kissinger tính toán sai lầm khi đưa Nixon qua gặp Mao vào năm 1972. Đáng lẽ lúc đó, kinh tế Trung Quốc bi đát, Mao phải qua Mỹ để nhờ viện trợ mới phải 13. Nhưng, lúc đó, theo truyền thống từ thời Roosevelt, Kissinger đã đánh thức Con Rồng tỉnh dậy. Trong mấy chục năm nay, thế giới đã phải vơ vét mọi nguồn tài nguyên để nuôi Rồng. Bây giờ Rồng đã trưởng thành. Các nước Đông Á, Đông Nam Á, và có lẽ cả thế giới đã phải cảnh giác, tìm phương cách thích hợp để sống chung với Rồng 14. Kissinger đúng hay sai, tùy theo từng quốc gia, vào từng thời điểm, người ta có thể đánh giá ông. Nhưng cũng phải chờ một thời gian dài trước khi lịch sử đánh giá chính xác công trình hợp tác với Trung Quốc của ông.
Nguyễn Văn Nhã
1 Hồi ký Winston Churchill, nxb Văn hóa Thông tin, 2002.
2 Gerhard Weinberg, The World at Arm, Cambridge Press. 2010.
3 Mặc dù lý do chính do chính phủ Mỹ đưa ra là Mỹ hợp tác với Trung Quốc để bao vây Liên Xô.
4 Tham khảo Thống kê biến thiên dân số toàn cầu của Angus Maddison, cho thấy từ 1958-1962, số tăng dân số của Trung Quốc có một lỗ hổng khoảng 15 triệu người mỗi năm, trong 4 năm.
5 Coi thêm Chu Dung Cơ, Nguyễn Doanh Hải biên soạn, nxb Công an Nhân dân, 2007.
6 Coi thêm : Dennia Blasko, Analysis of China 2011’s defense budget and total military spending, China Brief, ngày 10-3-2011.
7 Jane Perlez, Chinese insider offer rare glimpse of US-China friction, New York Times 2-4-2012. Sách của Wang Jisi và Kenneth Lieberthal :Addressing US-China Strategic Distrust, Brookings Institution, 2012.
8 Phong trào canh tân đất nước của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Tôn Dật Tiên. Ảnh hương qua Việt Nam là phong trào Đông Du và Khai Dân Trí của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh.
9 Nicholas Lardy, Sustaining China’s Economic Growth after the Global Financial Crisis, Peterson Institute for International Economics, 2012.
10 Năm 1987, Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang đã bị phe bảo thủ cách chức, và sau này cái chết của ông (1989) đã dẫn tới tấn thảm kịch Thiên An Môn. John Garnaut đã coi đây là một hành động báo thù của Ông Ôn (phe cải cách) đối với phe bảo thủ theo Mao của Bạc Hy Lai, mà người cha (Bạc Nhất Ba) đã từng tham gia vào việc truất phế Hồ Diệu Bang.
11 Tư duy trung bình : Xem thêm bài Sự cô đơn của một Siêu cường, chương 4, của Tào Tân (Cao Xin). Một minh chứng hiện nay là số du học sinh Trung Quốc tại Mỹ lên tới 150.000 người, trong đó có khoảng hơn 15.000 người học tại Kennedy School of Gorvernment.
12 Năm 1980, Đô đốc Lưu Hoa Thanh (về sau làm Phó Bí thư Quân Ủy Trung ương Trung Quốc) đưa ra chiến lược kiểm soát vùng biển này. Xem thêm bài China’s naval ambition của Olivier Zajec, tháng 9-2008, Le Monde diplomatique. Có dịch trong sách Trung Quốc sau Khủng hoảng, nxb Trí thức Ha nội, 2011.
13 Coi bài Henry Kissinger’s miscaculation may have kept Mao Zedong in power, theaustralian.com
14 Giống như tại Đồng bằng sông Cửu Long, người dân vẫn có thói quen “sống chung với lũ”.