Tỷ giá luôn được coi là biến số biến động khó lường và khó kiểm soát tại Việt Nam. Những diễn biến có phần bất ngờ của thị trường ngoại hối trong những ngày cuối năm này có thể là gợi ý để suy đoán về cơ chế điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2020.
Đã vào mùa cao điểm, nhưng thị trường vẫn thừa đô la
Thông tin từ một số ngân hàng cho biết, NHNN vẫn tiếp tục mua được hàng tỉ đô la Mỹ từ các ngân hàng thương mại chỉ trong tuần đầu của tháng 12. Đây được xem là diễn biến khá bất ngờ, bởi thời điểm cuối năm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp thường tăng cao, nên nhu cầu về ngoại tệ cũng ở mức cao. Chính vì vậy mà những năm trước tỷ giá thường có xu hướng tăng trong tháng 12 và ổn định trở lại vào tháng 1 và 2 của năm sau, khi kiều hối được chuyển mạnh về nước.
Số liệu gần đây cho thấy NHNN đã mua được trên 18 tỉ đô la từ đầu năm 2019 đến nay. Đây là một con số chưa từng có từ trước đến nay, nó cao gấp khoảng 3 lần con số của năm 2018 và 1,6 lần của năm 2017. Đó là cơ sở để NHNN hạ tỷ giá mua vào từ mức 23.200 xuống còn 23.175 đồng/đô la kể từ ngày 29-11-2019. Như vậy, nhiều khả năng là tiền đồng sẽ lên giá so với đồng đô la khi kết năm 2019.
Điều đáng chú ý hơn chính là việc NHNN đã chủ động tăng tỷ giá trung tâm và hiện đã gần chạm với tỷ giá giao dịch trên thị trường. Đây cũng được xem là tiền đề để NHNN có thể chủ động điều hành linh hoạt chính sách tỷ giá trong thời gian tới. Bởi lẽ, từ trước đến nay, khi tỷ giá trung tâm tăng thì thị trường thường “kỳ vọng” NHNN sẽ phá giá tiền đồng, nên khoảng cách giữa hai tỷ giá rất khó thu hẹp được trong quá khứ.
Nhờ thặng dư thương mại lớn và nền tảng vĩ mô mạnh
Năm 2019 tiếp tục được xem là một năm mà tiền đồng phải chịu rất nhiều áp lực, thậm chí áp lực còn lớn hơn nhiều so với năm 2018. Bởi lẽ, nếu nhìn vào diễn biến của thị trường ở thời điểm đầu năm thì sẽ rất ít người có thể hình dung ra được thực tế hiện nay.
Khi đó, diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang là ẩn số lớn nhất đối với thị trường tài chính cũng như tiền tệ toàn cầu.
Thực tế, chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế này đã có lúc được đẩy lên đến mức đỉnh điểm vào tháng 5-2019. Theo đó, Mỹ đã đưa ra lộ trình áp thuế 25% lên toàn bộ khối lượng hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, cán cân thương mại của Việt Nam cũng thâm hụt tới 1,5 tỉ đô la trong tháng 5, làm xuất hiện những lo ngại về việc hàng hóa của Trung Quốc sẽ tràn sang Việt Nam. Tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ có lúc đã tăng tới hơn 1% chỉ trong một tuần. Tuy nhiên, cùng với sự lắng xuống của cuộc chiến này thì nền tảng vĩ mô của Việt Nam đã được cải thiện theo chiều hướng tích hơn. Do vậy mà dòng vốn từ bên ngoài tiếp tục có xu hướng chảy vào Việt Nam.
Theo đó, nếu như dấu ấn của năm 2018 là nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A), thì thặng dư thương mại chính là điểm nhấn lớn nhất trong năm 2019. Do đó, việc NHNN tiếp tục mua được hàng tỉ đô la trong những ngày cuối cùng của năm 2019 là kết quả tất yếu bởi nền tảng vĩ mô ổn định và sự kiên định trong điều hành chính sách tiền tệ.
Thực tế này cũng là một sự bất ngờ khi mà xu hướng bảo hộ thương mại diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp được dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2019. Tuy nhiên, mặc dù hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ tăng khoảng 8% so với năm 2018, nhưng thặng dư thương mại thì tăng gấp 1,5 lần và đạt tới 10,9 tỉ đô la trong 11 tháng của năm 2019.
Diễn biến này cho thấy hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đều đang đạt kết quả tích cực. Đây sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Cơ chế điều hành tỷ giá có thể thay đổi?
Từ trước đến nay, tỷ giá luôn được coi là biến số biến động khó lường và cực kỳ khó kiểm soát tại Việt Nam. Bởi lẽ, nó chịu tác động của rất nhiều yếu tố, cả bên trong lẫn bên ngoài, cả yếu tố nền tảng cũng như yếu tố tâm lý.
Tuy nhiên, tiền đồng của Việt Nam đã trải qua hai năm sóng gió 2018 và 2019 nhưng vẫn đang giữ được vị thế của mình khi chỉ mất giá 2% trong năm 2018 và tăng giá nhẹ trở lại trong năm 2019. Nhờ vậy, nguồn vốn FDI vẫn đang có xu hướng tăng, trong khi dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) cũng được kỳ vọng gia tăng khi mà Việt Nam đang có những bước đi tiếp theo để mở rộng hơn nữa các dịch vụ cũng như hoạt động vốn do Nhà nước chi phối như hoạt động ngân hàng, vận tải đường sắt cũng như hàng không...
Và quan trọng nhất chính là tâm lý của người dân đã thay đổi một cách toàn diện khi đặt niềm tin vào giá trị của tiền đồng thay vì luôn phải trong trạng thái phòng thủ thông qua việc gia tăng nắm giữ vàng và ngoại tệ như trong quá khứ. Do đó, ngay cả khi các luồng vốn từ bên ngoài suy giảm thì nguồn cung trong nước cũng là một yếu tố rất quan trọng. Chính vì vậy, khả năng NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ trong năm 2020 là rất cao.
Với nền tảng vững chắc về cán cân dòng vốn như vậy thì NHNN hoàn toàn có thể thiết lập một cơ chế điều hành tỷ giá mới từ bị động sang chủ động trong thời gian tới. Theo đó, một cơ chế điều hành linh hoạt, như tại thị trường Trung Quốc, có thể là hình mẫu để Việt Nam tham khảo nhằm áp dụng hoàn toàn cơ chế thị trường lên thị trường ngoại hối. Có như vậy thì tỷ giá mới có thể hoàn toàn chịu sự dẫn dắt của NHNN, thay vì khá bị động như trong quá khứ.
Để có thể thực hiện được cơ chế này, NHNN cần thay đổi cách thức tính toán và điều hành tỷ giá trung tâm. Theo đó, tỷ giá trung tâm phải được xác định dựa vào cung cầu thực tế của toàn thị trường, thay vì phụ thuộc phần lớn vào sự biến động của 8 cặp đồng tiền như hiện nay.
Bên cạnh yếu tố cung cầu hàng ngày thì các yếu tố khác như trạng thái ngoại hối của các ngân hàng, trạng thái của từng sản phẩm, thậm chí là tâm lý đầu cơ của các traders... cũng cần phải được phản ánh vào tỷ giá trung tâm. Muốn vậy phải có cơ chế giám sát và theo dõi chặt chẽ dòng vốn vào và ra để có cơ sở xác định tỷ giá trung tâm một cách phù hợp, phản ánh được đầy đủ cung và cầu về ngoại tệ trên thị trường hàng ngày.
Theo TheSaigonTimes