Ngày 12/10, Bộ trưởng Tài chính trình UB Thường vụ Quốc hội phương án phát hành 3 tỷ USD trái phiếu nhằm tái cơ cấu nợ trong nước giai đoạn 2015-2016.
Theo đề xuất, từ năm 2017, lượng trái phiếu này sẽ được bán ra để bù đắp bội chi ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) sửa đổi, tiếp tục tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ theo quy định tại Luật quản lý nợ công và bù đắp thiếu hụt nguồn vốn nước ngoài.
|
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình phương án phát hành trái phiếu quốc tế nhằm tái cơ cấu lại nợ trong nước |
Bộ Tài chính khẳng định rằng việc vay mới để đảo nợ vẫn đảm bảo duy trì tỉ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ không quá 50% tổng nợ Chính phủ theo chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, dự kiến các đợt phát hành sẽ có kỳ hạn dài từ 10 đến 30 năm. Lãi suất phụ thuộc vào điều kiện thị trường vốn quốc tế tại thời điểm phát hành.
Trong khi đó, VnExpress dẫn lời Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính & Ngân sách - Phùng Quốc Hiển nhắc lại nguyên tắc Luật Ngân sách không cho phép phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ, song ông thừa nhận đây gần như là cách khả thi nhất khi mà phát hành trái phiếu trong nước từ đầu năm đến nay đang gặp khó, vẫn còn hơn 40% chưa thực hiện được.
“Chính phủ đang đề nghị phát hành trái phiếu quốc tế, tất cả đều giành cho đảo nợ. Nếu Quốc hội bảo không thì Chính phủ phải chấp hành, nhưng khi đó tình hình sẽ hết sức khó khăn”, ông Hiển nói.
Cho ý kiến vào đề án này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý phải có biện pháp thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển ở tầng sơ cấp lẫn thứ cấp để lôi kéo các nhà đầu tư.
“Tôi biết các ngân hàng, công ty bảo hiểm có tiền, họ sẵn sàng mua nhưng làm sao để khi cần, ví dụ sau 1-2 năm dù chưa hết hạn nhưng họ phải bán được chứ ai dám để tiền trong 5-10 năm, 20 năm theo các kỳ hạn. Tức là phải có thị trường”, ông Hùng nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong bối cảnh nợ công áp lực lớn như hiện nay thì yêu cầu của Quốc hội khi phát hành trái phiếu cần có thời hạn dài. “Ngắn cũng phải 3 năm, chứ nếu thời hạn chỉ là một năm thì không thể. Như vậy cứ sang Ngân hàng Nhà nước mà vay chứ đi phát hành làm gì cho mất phí, mất tiền trả lãi”, ông nhấn mạnh, đồng thời gợi ý cần có một cơ cấu tỷ lệ phù hợp như trái phiếu kỳ hạn 3 năm chỉ chiếm dưới 30%, còn lại phải từ 5 năm trở lên.
“Kéo dài thời hạn không chỉ để đỡ áp lực trả nợ mà quan trọng là để tiền vay làm ra của cải, có thứ mà trả nợ chứ không phải vay tiếp để trả”, ông Hùng nói thêm.
Theo số liệu của The Economist, đến ngày 12/10, nợ công của Việt Nam được ước tính ở mức 92,64 tỷ USD, tương đương gần 1.017 USD trên một đầu người.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính lên Quốc hội vào 18/5 về việc sử dụng vốn vay và quản lý nợ công thì chỉ số nợ công so với GDP ước năm 2014 là 59,6%. Còn Học viện Chính sách và phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán lại và đưa ra con số nợ công trong năm 2014 là 66,4% GDP.
Gần đây nhất, vào cuối năm 2014, Bộ Tài chính đã phát hành thành công một tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế nhằm đảo nợ các khoản vay đến hạn vào năm 2016 và 2020.
An Nhiên