có sốt chứng khoán cuối năm
Bên cạnh những dự báo bi quan về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ sụt giảm thì cũng không ít dự doán thị trường này sẽ thăng hoa như dịp cuối năm 2006.
Tiền từ chứng khoán "nhảy" sang địa ốc
Đó cũng là những hy vọng còn lại của nhiều nhà đầu tư khi thị trường đang trồi sụt thất thường như hiện nay. Liệu điều ấy có xảy ra?
Từ nay đến cuối năm, chưa có dấu hiệu nào cho thấy TTCK Việt Nam sẽ tăng đột biến trong 6 tháng tới như cùng thời kỳ năm 2006.
TS kinh tế Nguyễn Quang Hưng nhận định: “Giống như cơn sốt đất 5 năm mới lặp lại một lần, TTCK sẽ rất khó tăng đột biến như cuối năm 2006 đầu năm 2007 vì có nhiều yếu tố không thuận lợi”.
Dẫn chứng sinh động nhất là tình hình kinh tế, xã hội và TTCK Việt Nam hiện nay khác rất nhiều so với nửa cuối năm 2006.Khi đó TTCK có rất nhiều điểm để bùng nổ và nhảy vọt. Việc Việt Nam sắp vào WTO, tổ chức APEC và quan trọng nhất là nguồn chứng khoán cung cấp cho thị trường đang còn ít.
Đến cuối năm 2006 mới có 108 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết (đến tháng 12/2006 mới có thêm 50 tổ chức niêm yết) trên cả hai sàn Hà Nội và TPHCM so với 197 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ hiện hay. Chưa kể thời gian vừa qua hàng loạt doanh nghiệp phát hành thêm hàng trăm triệu cổ phiếu, các đợt IPO hút hàng chục ngàn tỷ đồng (riêng Đạm Phú Mỹ và Bảo Việt đã “ngốn” hơn 10 tỷ đồng).
Trong khi đó, sau đợt điều chỉnh giảm hồi tháng 4/2007, vốn từ chứng khoán đã đổ bớt sang địa ốc và ngành nghề khác, vừa qua Ngân hàng Nhà nước hạn chế cho vay, cầm cố chứng khoán cũng làm vơi đi một lượng tiền đã đang và sẽ đổ vào TTCK.
Bên cạnh đó một lượng tiền cực lớn cũng đang “đông cứng” cùng thị trường OTC hiện đang rất khó “giải ngân”. Nhà phân tích chứng khoán Thiệu Quang Thắng cho biết: “Tôi cho rằng VN-Index sẽ khó lên lại đỉnh 1.170 điểm từ nay đến cuối năm, VN-Index sẽ còn nhiều lần xuống dưới 1.000 rồi lên lại trong khoảng 1.000-1.070 điểm như thời gian qua”.
Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế chứng khoán khẳng định việc cung cầu bão hoà chưa phải là nguyên nhân duy nhất khiến TTCK Việt Nam khó thăng hoa trong dịp cuối năm.
6 tỷ USD để tiêu thụ lượng cổ phiếu sắp phát hành
Tổng giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài phân tích: “Những cổ phiếu tiềm năng tốt, tăng trưởng cao, nhiều triển vọng thì đã hết room hoặc còn không đáng kể, còn đầu tư vào thị trường OTC thì chúng tôi rất ngại nên chưa xác định được thời gian giải ngân”.
Hiện quỹ này đã chuẩn bị sẵn 200 triệu USD để đầu tư vào Việt Nam khi thuận lợi nhưng với tình hình TTCK như hiện nay thì họ đang có kế hoạch đầu tư vào bất động sản và du lịch. Việc hàng loạt các quỹ lớn như Vina Capital, Dragon Capital, Indochina Capital, Bankkinvest... đổ vốn vào các khu du lịch, dự án bất động sản, các công ty mới nổi... cho thấy TTCK không còn là ưu tiên hàng đầu của các quỹ đầu tư.
Nhiều ý kiến cho rằng nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đang đợi các đợt IPO nhưng các đợt IPO của Đạm Phú Mỹ, Nhiệt điện Bà Rịa, Bảo Việt,Vincom... vừa qua các nhà ĐTNN chỉ chiếm thiểu số . Với thực tế trên thì các đợt IPO lớn sắp tới chưa chắc đã thu hút lượng vốn lớn từ nước ngoài.
Ngoài các đợt IPO lớn hút hàng chục ngàn tỷ đồng thì các đợt phát hành cổ phiếu thêm của các doanh nghiệp niêm yết tại TTGDCK Hà Nội và TPHCM sẽ cần gần 100.000 tỷ đồng mới có thể tiêu thụ hết. Chuyên gia chứng khoán Bùi Ngọc Tước đánh giá “với số tiền tương đương hơn 6 tỷ USD này thì ngay cả khi vốn nước ngoài đổ vào cũng không đủ giúp TTCK lên ngôi như cuối năm 2006”.
Vốn trong nước không còn nhiều hoặc chưa muốn đổ thêm vào TTCK, vốn nước ngoài vẫn nằm chờ thì khó hy vọng mức cầu tăng vọt cho nên nhận định VN-Index vẫn nằm trong khoảng 1.000-1.100 điểm dịp cuối năm không phải là vô căn cứ.
Chuyên gia chứng khoán Huy Nam còn cho rằng tâm lý bất ankhi đầu tư vào TTCK cũng sẽ là một nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư không còn háo hức với thị trường này như năm 2006.
Họ không chỉ sợ những cơn nóng lạnh bất thường đôi khi “cướp” cả gia tài mà còn nhận ra rằng những hạn chế về minh bạch thông tin, quản lý giám sát thị trường, chính sách quản lý... không cải thiện nhiều và giúp thị trường ổn định, phát triển tốt như mong muốn của nhà đầu tư và hứa hẹn của nhà quản lý.