Những người góp phần tạo nên tình thế
Có thể nói, với các lưới tình báo của Ban An ninh T4 được cài cắm trong các cơ quan trọng yếu của chính quyền Sài Gòn, nếu lịch sử không kết thúc chiến tranh bằng chiến thắng 30/4/1975 thì chính quyền việt nam cộng hòa cũng vẫn bị chi phối bởi tài thao lược của nhà tình báo Trần Quốc Hương.
Vai trò của Ông Mười Hương trong việc lo “hậu sự” cho VNCH như thế nào?
Nói theo ngôn ngữ của CIA thì ông Mười Hương là "ông trùm tình báo". Ông đã tiên liệu và góp phần chuẩn bị "hậu sự" cho VNCH từ trước năm 1972 chu đáo đến mức: “Làm thế nào để giải phóng Sài Gòn mà không đổ máu và thành phố còn nguyên vẹn không đổ nát vì giao tranh”.
Tại buổi lễ Tổng cục Tình báo Bộ Công an trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp tình báo" cho các cán bộ điệp báo miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 vào ngày 20/4 vừa qua tại TP HCM, người chỉ huy tình báo Mười Hương đã hào hứng nhắc lại quá khứ.
Xin được tóm lược ý ông như sau: "Sau năm 1975, một số đoàn cán bộ cao cấp nước ngoài gặp tôi nói: Trong lịch sử chiến tranh nhân loại, hậu chiến trường của tất cả các trận đánh cuối cùng kết thúc chiến tranh là một thành phố hoang tàn đổ nát. Sự chống cự giãy chết cuối cùng luôn thảm khốc và quyết liệt.
Họ thắc mắc hỏi tôi: Các ông làm thế nào để chiến thắng mà vẫn giữ được Sài Gòn nguyên vẹn? Tôi không trả lời họ ngay được vì sự nhạy cảm của vấn đề vào thời điểm đó. Bây giờ, chiến tranh đã lùi vào quá khứ suốt 37 năm, đã đến lúc chúng ta nhìn nhận lại vấn đề để tôn vinh những người góp công sức thầm lặng vào chiến-công-giải-phóng-Sài-Gòn-nguyên-vẹn. Đó là những cán bộ điệp báo. Một cán bộ điệp báo giỏi có sức mạnh tương đương một sư đoàn quân sự".
Ông không nói điều đó cho riêng ông mà cho tất cả những cán bộ điệp báo của Trung ương, của miền Nam và cho những học trò tình báo của ông, trong đó có cụm điệp báo mang mật danh A10. Tài thao lược trong mặt trận tình báo của ông thể hiện qua việc đã chuẩn bị thời khắc 1975 từ nhiều năm trước.
Trước đây, một số báo đã viết về thành tích cụm điệp báo A10 nhưng do thời điểm công khai chưa thích hợp nên nhiều chiến công chưa được khái quát hết. Ngoài những chiến công làm lũng đoạn chính trường VNCH, xoay chuyển dư luận báo chí quốc tế làm có lợi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, thúc đẩy Dương Văn Minh đầu hàng và kêu gọi binh lính VNCH buông súng… còn có rất nhiều điệp vụ hoàn hảo khác cần được lịch sử ghi nhận.
Và chính những điệp vụ này đã khẳng định: Nếu chiến tranh dài hơn thời điểm 1975 thì chính quyền Sài Gòn vẫn có thể nằm trong sự chi phối của nhà chỉ huy tình báo Mười Hương.
Năm 1973, ông Mười Hương chỉ đạo cụm trưởng A 10 đưa điệp viên của ta vào làm việc trong một cơ sở vệ tinh của CIA núp dưới danh nghĩa một công ty kinh doanh tên H. Công ty H đóng trụ sở trong sân bay Tân Sơn Nhất để được bảo vệ nghiêm ngặt.
Công ty này có nhiệm vụ do thám tin tình báo, tiếp nhận mọi nguồn tin tình báo, xử lý qua hệ thống điện toán rồi chuyển tải về trung tâm CIA. Vì vậy, chính sách tuyển dụng của công ty này rất chặt chẽ. Ngoài việc giỏi tiếng Anh, kiến thức điện toán cao, người được tuyển dụng còn phải thuộc diện "không liên can đến Cộng sản" và phải bước qua cuộc phỏng vấn có máy kiểm tra nói dối.
Cụm phó Năm Quang (tức bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy) và cụm phó Ba Hoàng (tức Thiếu tướng Huỳnh Huề) đã tuyển dụng 3 sinh viên vừa tốt nghiệp kỹ sư điện, điện tử loại giỏi ở Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ Sài Gòn đưa vào mạng lưới của mình.
Trước khi tuyển dụng, Năm Quang và Ba Hoàng đã ngầm kiểm tra nhân thân của 3 người này. Khi đã an toàn, Năm Quang và Ba Hoàng nói rõ yêu cầu họ phải thi tuyển vào Công ty H. Thời điểm đó, máy kiểm tra nói dối là điều lạ lẫm.
Vốn là một sinh viên giỏi ngành y, Năm Quang phỏng đoán, có thể đó là một loại máy đo điện não đồ và điện tâm đồ. Để "qua mặt" được máy kiểm tra nói dối, Năm Quang đề nghị trước khi thi tuyển, 3 điệp viên chỉ nên ăn chơi và không giao tiếp với tổ chức một thời gian dài nhằm loại bỏ mọi "tư tưởng cách mạng" trong tư duy.
Cuối cùng, họ cũng vượt qua được cuộc thi tuyển và vào làm chuyên viên chính thức cho Công ty H. Kể từ đó, những thông tin tình báo tối mật của CIA "đi qua" công ty này đều có trên bàn làm việc của các vị lãnh đạo An ninh T4.
Lũng đoạn chính trị nội bộ chính quyền VNCH cũng là một trong những nhiệm vụ khó mà ông Mười Hương cùng ông Sáu Ngọc chỉ đạo cụm A10 thực hiện ngay từ những ngày mới thành lập (tháng 9/1972). Trong đó, việc tác động để đưa Dương Văn Minh lên làm Tổng thống VNCH là điệp vụ khó khăn nhất.
Ông Mười Hương đánh giá Dương Văn Minh là một người có tinh thần dân tộc. Ông ta là một đại tướng có nhiều công trạng với chế độ VNCH nhưng do biểu hiện tinh thần dân tộc nên Mỹ hất khỏi chính trường và phải lưu vong ra nước ngoài một thời gian.
Từ cuối năm 1972, ông Mười Hương đã phán đoán rằng, sẽ có lúc Mỹ hất Nguyễn Văn Thiệu. Thiệu ra đi, ắt phải có người khác lên thay Thiệu. Nếu một phần tử chống Cộng cực đoan ngồi vào ghế tổng thống VNCH sẽ bất lợi cho ta. Ông Mười Hương phân tích dữ liệu từng nhân vật chính trị có thể thay Thiệu và nhận thấy Dương Văn Minh là người có thể chấp nhận bắt tay với ta. Ông chỉ đạo cụm A10 tìm người tiếp cận với nhóm Dương Văn Minh.
Họa sĩ Ớt (tức cố nhà báo Huỳnh Bá Thành) là người được ông Mười Hương chọn tiếp cận ông Dương Văn Minh. Thời điểm đó, họa sĩ Ớt là giám đốc kỹ thuật của tờ báo Điện Tín, còn Dương Văn Minh dù đang thất sủng nhưng cũng là đại tướng, cựu nguyên thủ VNCH. Tờ Điện Tín lúc bấy giờ là chỗ dựa, là tiếng nói của lực lượng chính trị đối lập Nguyễn Văn Thiệu, ủng hộ ông Dương Văn Minh.
Với tư cách là giám đốc kỹ thuật của tờ Điện Tín, họa sĩ Ớt có đủ điều kiện để giao tiếp thường ngày với các nghị sĩ, dân biểu, tầng lớp trí thức, lãnh đạo các tôn giáo khác và nhóm Dương Văn Minh. Vì thế, ông Mười Hương chọn họa sĩ Ớt là giải pháp đúng nhất.
Để hỗ trợ cho họa sĩ Ớt, một vài điệp viên của ta nằm trong giới nghị sĩ dân biểu được yêu cầu mang tờ báo Điện Tín có bức biếm họa lên án sự tham nhũng của Nguyễn Văn Thiệu đến dinh Hoa Lan đưa cho Dương Văn Minh xem rồi phân tích giá trị phê phán của Ớt đối với chế độ.
Lần khác, một sĩ quan quân đội (điệp viên của ta) ghé thăm Dương Văn Minh, nhân tiện ca ngợi tinh thần dân tộc của tờ báo Điện Tín. Dần dà, trong ý thức của Dương Văn Minh đã hình thành tình cảm với Ớt. Nhờ đó, họa sĩ Ớt tiếp cận với Dương Văn Minh dễ dàng. Khi đã thân, Ớt khơi gợi ý thức dân tộc trong lòng ông Dương Văn Minh và thẳng thắn yêu cầu ông ta phải làm một điều gì đó cho hòa bình.
|
Ông Trần Quốc Hương và các học trò tình báo.
|
Từ đầu năm 1973, dinh Hoa Lan của Dương Văn Minh trở thành nơi tụ họp thường xuyên của cánh chính trị gia đối lập với Thiệu. Từ những chính trị gia này, họa sĩ Ớt thu thập được nhiều nguồn tin có giá trị cho Ban An ninh T4. Cũng từ những mối quan hệ này, họa sĩ Ớt và đồng đội thực hiện được nhiều thủ pháp chính trị làm thay đổi cục diện có lợi cho ta.
Tháng 1/1973, ngay thời điểm Hiệp định Paris được ký kết, thông qua mạng lưới điệp viên, ta phát hiện Mỹ có ý định bí mật tấn công miền Bắc bằng bom nguyên tử theo lời nài nỉ của Nguyễn Văn Thiệu. Ngay lập tức, Ban An ninh T4 chỉ đạo họa sĩ Ớt phải tìm cách loan báo điều này ra công luận quốc tế, đồng thời điểm mặt chỉ tên để dư luận lên án dã tâm của Nguyễn Văn Thiệu. Nếu độc quyền loan tin bí mật trên báo Điện Tín, họa sĩ Ớt sẽ để lộ chân tướng và gặp nguy hiểm. Ông sử dụng các mối quan hệ của mình, chuyển gián tiếp bằng chứng cho các đồng nghiệp trong nước lẫn nước ngoài.
Ngay hôm sau, các báo, đài phát thanh quốc tế đưa tin, bình luận tính phi nhân của hành động quân sự này. Căn cứ vào đó, họa sĩ Ớt viết bài trên báo Điện Tín vạch trần âm mưu tàn sát nhân loại của Mỹ, Thiệu. Bị phát hiện âm mưu, Tổng thống Ford và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Schlesinger đã phải điều trần trước Quốc hội Mỹ. Chi tiết này là một trong số những chuỗi sự kiện chính trị khiến Quốc hội Mỹ quyết định ngưng viện trợ cho VNCH.
A10 tác động VNCH đầu hàng vô điều kiện
Ô. Mười Thắng (ngồi) & Ô. Ba Vũ (đứng).
Tháng 3/1975, trước tình hình cấp thiết trong chiến dịch tổng tấn công giải phóng Sài Gòn, ông Mười Hương yêu cầu Cụm trưởng (Mười Thắng) đưa các cụm phó A10 ở nội đô như Huỳnh Huề (Ba Hoàng), Trần Thiếu Bảo (Hai Phương) và Huỳnh Bá Thành (họa sĩ Ớt) vào căn cứ để triển khai nhiệm vụ mới. Mỗi người ông giao một tuyến nhiệm vụ khác nhau nhưng tổng hợp nhiệm vụ của các tuyến đều tập trung phục vụ cho việc giải phóng Sài Gòn không đổ máu.
Đối với họa sĩ Ớt, ông yêu cầu khéo léo thúc đẩy tư tưởng Dương Văn Minh bằng khẩu hiệu "hòa bình, hòa hợp dân tộc". Ở tuyến khác, ông Mười Hương yêu cầu các điệp viên tìm cách tác động các nghị sĩ VNCH tẩy chay Thiệu, thúc đẩy Thiệu ra đi rồi tác động đưa Minh lên làm Tổng thống VNCH.
Từ những tác động đó, kết hợp với tấn công quân sự và nổi dậy của quần chúng (Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và nhiều nơi khác ở miền Trung được giải phóng, ngày 20/4/1975 tuyến phòng thủ Xuân Lộc của quân đội VNCH bị vỡ), ngày 21/4/1975, tại dinh Độc Lập, Nguyễn Văn Thiệu tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để ngậm ngùi tuyên bố từ chức (ngày 22/4/1975, thông tin này mới được công bố).
Theo luật VNCH, ông Trần Văn Hương là Phó tổng thống được lên thay thế Thiệu. Ớt cùng với một nhóm chính trị gia VNCH tại dinh Hoa Lan đã viết và phát hành
tuyên cáo "chống chính quyền Thiệu nhưng không có Thiệu" (có nghĩa là chính quyền Trần Văn Hương cũng tham nhũng, độc tài, phi hòa bình như chính quyền Nguyễn Văn Thiệu) để tác động dư luận chống Hương.
Ông Ớt liên tục nói bóng gió xa xôi với Dương Văn Minh về việc "phải có ai đó đứng ra thu xếp cho VNCH chấp nhận hòa bình, nếu cứ để ông già Hương chống gậy thì càng nhiều sinh linh phải chết" (Ông Trần Văn Hương tuyên bố "cương quyết tử thủ cho dù phải hy sinh đến nắm xương tàn"). Thấy ông Minh vẫn lưỡng lự, nhóm A10 thúc đẩy một thượng tọa Phật giáo tác động thêm. Lúc này, sức kháng cự quyết liệt của lực lượng phòng thủ xung quanh Sài Gòn đã khiến tình hình chiến sự ngày càng diễn ra phức tạp.
Ngày 26/4/1975, lưỡng viện VNCH bầu ông Dương Văn Minh lên làm Tổng thống thay ông Trần Văn Hương. Chiều ngày 28/4/1975, ông Minh làm lễ nhậm chức Tổng thống.
Ngày 29/4/1975, Ớt và các điệp viên của An ninh T4, cùng với các cán bộ Binh vận đã vận động trực tiếp những nhân vật có uy tín tác động ông Dương Văn Minh ở nhiều mức độ khác nhau: ngừng bắn đơn phương, giao chính quyền cho cách mạng, đầu hàng để tránh đổ máu vô ích.
Từ những tác động đó, ông Dương Văn Minh đã có ý định đầu hàng Quân giải phóng. Ý định này được ông Dương Văn Minh thực hiện vào sáng ngày 30/4/1975. Sau này, chính ông Dương Văn Minh cũng xác nhận, họa sĩ Ớt là người tác động quan trọng nhất để ông lên nhận chức Tổng thống - bước đệm để ra tuyên bố đầu hàng.
Cụm A10 còn tác động để anh Phan Xuân Huy (dân biểu đối lập, trí thức yêu nước là con rể - chồng con gái nuôi của Dương Văn Minh) lấy lý do chưa có lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh ngăn chặn thiếu tá Biệt động quân tên Chỉnh không giật sập cầu Sài Gòn tạo thuận lợi cho quân ta tiến vào Sài Gòn tối 29/4/1975.
Sáng sớm 30/4/1975, khi những đơn vị quân đội của ta tiến vào Sài Gòn thì lực lượng hậu thuẫn chính trị của cụm điệp báo A10 (Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Văn Tòng, Cung Văn - Nguyễn Vạn Hồng) đã vào dinh Độc Lập và Đài Phát thanh Sài Gòn. Lực lượng này đã hỗ trợ ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào lúc 11h30 ngày 30/4/975.
Chính cụm phó Ba Hoàng đã chủ động rải điệp viên chiếm giữ, cắm cờ và tiếp quản Phủ thủ tướng đặc trách kinh tế, Bưu điện Sài Gòn, Đài Phát tín Chí Hòa, Sứ quán Mã Lai và nhiều dinh thự sĩ quan cao cấp, những trụ sở chính quyền từ sân bay Tân Sơn Nhất chạy dọc theo tuyến Tân Bình, quận 3 đến dinh Độc Lập. Ba Vũ, tức Võ Vân - thành viên của A10 - là người trực tiếp tiếp quản treo cờ giải phóng, tiếp quản khu vực Bảy Hiền, Bàu Cát và Sứ quán Mã Lai. Võ Văn Chin (Chín Thanh) làm chủ tình hình ở Phú Nhuận v.v...
Ngoài ra, Ba Hoàng còn chỉ đạo các nhóm đi thu gom vũ khí, quân dụng của các sĩ quan tàn quân tập trung vào các điểm tiếp quản. Khi Quân giải phóng tiếp cận Dương Văn Minh, bên cạnh ông ta có 2 điệp viên của cụm A10 đang làm việc cho hãng tin quốc tế.