TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 8
  • Hôm nay: 1030
  • Tháng: 5392
  • Tổng truy cập: 5150657
Chi tiết bài viết

Bình luận khoa học hình sự tập 5

ĐINH VĂN QUẾ

THẠC SĨ LUẬT HỌC – TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

 

BÌNH LUẬN BỘ LUẬT HÌNH SỰ 1999

PHẦN CÁC TỘI PHẠM

 

CHƯƠNG XXI

CÁC TỘI PHẠM VỀ CHỨC VỤ

 

NHÀ XUẤT BẢN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

LỜI GIỚI THIỆU

 

Bộ luật hình sự đã được Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1999, có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2000 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự năm 1999). Đây là Bộ luật hình sự thay thế Bộ luật hình sự năm 1985 đã được sửa đổi, bổ sung bốn lần vào các ngày 28-12-1989, ngày 12-8-1991, ngày 22-12-1992 và ngày 10-5-1997.

Bộ luật hình sự năm 1999 không chỉ thể hiện một cách toàn diện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay, mà còn là công cụ sắc bén trong đấu tranh phòng và chống tội phạm, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm hiệu lực quản lý của Nhà nước, góp phần thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

So với Bộ luật hình sự năm 1985, Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều quy định mới về tội phạm và hình phạt. Do đó việc hiểu và áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự về tội phạm và hình phạt là một vấn đề rất quan trọng. Ngày 17 tháng 2 năm 2000, Thủ tướng chính phủ  ra chỉ thị số 04/2000/CT-TTg về việc tổ chức thi hành Bộ luật hình sự đã nhấn mạnh: "Công tác phổ biến, tuyên truyền Bộ luật hình sự phải được tiến hành sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang và trong nhân dân, làm cho mọi người năm được nội dung cơ bản của Bộ luật, nhất là những nội dung mới được sửa đổi bổ sung để nghiêm chỉnh chấp hành".

Với ý nghĩa trên, tiếp theo cuốn Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999 (phần chung); cuốn "Bình luận Bộ luật hình sự (phần các tội phạm) tập I, tập II, tập III và tập IV Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản tiếp cuốn “bình luận Bộ luật hình sự (phần các tội phạm) tập V- các tội phạm về chức vụ” của tác giả Đinh Văn Quế - Thạc sỹ Luật học, Phó chánh toà Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao, người đã  nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy và cho công bố nhiều tác phẩm bình luận khoa học về Bộ luật hình sự và cũng là người trực tiếp tham gia xét xử nhiều vụ án các tội phạm về chức vụ.

Dựa vào các quy định của chương XXI Bộ luật hình sự năm 1999, so sánh với các quy định của Bộ luật hình sự năm 1985, đối chiếu với thực tiễn xét xử các vụ án về chức vụ, tác giả đã giải thích một cách khoa học về các các tội phạm về chức vụ quy định tại chương XXI Bộ luật hình sự, đồng thời tác giả cũng mạnh dạn nêu ra một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật hình sự ở nước ta.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

MỞ ĐẦU

 

Bộ luật hình sự năm 1999 chia các tội phạm về chức vụ ra hai mục. Mục A là các tội phạm về tham nhũng. Mục B là các tội phạm khác về chức vụ.

Mục A Chương XXI Bộ luật hình sự quy định 7 tội phạm được coi là tội tham nhũng, đó là: Tội tham ô tài sản ( Điều 278); tội nhận hối lộ ( Điều 279); tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản ( Điều 280); tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ ( Điều 281); tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ ( Điều 282); tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi ( Điều 283) và tội giả mạo trong công tác ( Điều 284).

Mục B Chương XXI Bộ luật hình sự quy định 7 tội phạm khác về chức vụ, đó là: tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285); tội cố ý làm lộ bị mất công tác, tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tài liệu bí mật công tác (Điều 286); tội vô ý làm lộ bị mất công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 287); tội đào nhiệm (Điều 288); tội đưa hối lộ (Điều 289); tội làm môi giới hối lộ (Điều 290) và tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 291).

Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên cuộc đấu tranh chống tham nhũng chưa đem lại hiệu quả, tình trạng tham nhũng vẫn rất nghiêm trọng, vẫn đang là một trong những nguy cơ làm suy yếu chế độ xã hội chủ nghĩa, trực tiếp làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.

Ngoài những hành vi tham nhũng, thì đi liền với nó là những hành vi có liên quan đến tham nhũng hoặc có liên quan đến chức vụ, quyền hạn.

Các quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với các tội phạm về tham nhũng, các tội phạm khác về chức vụ đầy đủ hơn, chi tiết hơn, phản ảnh được thực trạng công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này trong thời gian qua; giúp cho việc điều tra, truy tố mà đặc biệt là việc xét xử loại tội phạm này sẽ thuận lợi hơn trước đây.

Tuy nhiên, do những quy định của Bộ luật hình sự năm 1985 về các tội phạm về tham nhũng, các tội phạm khác về chức vụ còn nhiều điểm chưa được hướng dẫn và thực tiễn xét xử nhiều trường hợp phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng đã gặp không ít khó khăn trong việc áp dụng Bộ luật hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.  Nay Bộ luật hình sự năm 1999 lại quy định thêm nhiều điểm mới hơn, nếu không được hiểu thống nhất sẽ càng khó khăn hơn trong việc áp dụng Bộ luật hình sự khi xét xử các tội phạm về tham nhũng, các tội phạm khác về chức vụ.

Để góp phần tìm hiểu Bộ luật hình sự năm 1999, qua thực tiễn xét xử và tổng kết công tác xét xử các tội phạm về tham nhũng, các tội phạm khác về chức vụ trong những năm qua, chúng tôi xin cung cấp cho bạn đọc những vẫn đề có tính lý luận và thực tiễn nhằm gúp bạn đọc, đặc biệt là các cán bộ công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật các dấu hiệu pháp lý cơ bản đối với các tội phạm về tham nhũng, các tội phạm khác về chức vụ được quy định tại Chương XXI Bộ luật hình sự năm 1999.

 

Phần thứ nhất

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA CÁC TỘI VỀ THAM NHŨNG

VÀ CÁC TỘI PHẠM KHÁC VỀ CHỨC VỤ

TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999

 

Chương XXI Bộ luật hình sự năm 1999 quy định các tội phạm về chức vụ gồm 15 Điều tương ứng với 14 tội danh khác nhau, trong đó có một điều nêu khái niệm về chức vụ. So với Chương IX (phần tội phạm) Bộ luật hình sự năm 1985 (không tính điều luật quy định về hình phạt bổ sung) thì Bộ luật hình sự năm 1999 quy định nhiều hơn 3 Điều (Bộ luật hình sự năm 1985 có 12 Điều), trong đó tội tham ô, tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trước đây Bộ luật hình sự năm 1985 quy định tại chương các tội phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa này Bộ luật hình sự năm 1999 quy định tội phạm này trong chương Các tội phạm về chức vụ và tội đưa hối lộ, tội làm môi giới hối lộ Bộ luật hình sự năm 1985 quy định chung trong cùng một điều luật (Điều 227) nay hai tội phạm này được quy định ở hai điều luật riêng (Điều 289-Tội đưa hối lộ và Điều 290-Tội làm môi giới hối lộ)

Chương IX Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định các tội phạm về chức vụ mà không phan biệt tội phạm nào là tội phạm về tham nhũng còn tội phạm nào là tội phạm khác về chức vụ.

Do yêu cầu của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, ngày 26-2-1998, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh chống tham nhũng.

Theo Điều 1 Pháp lệnh chống tham nhũng ngày 26-2-1998 thì tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để tham ô, hối lộ hoặc cố ý làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan tổ chức.

Pháp lệnh chống tham nhũng liệt kê 11 hành vi tham nhũng được xây dựng trên cơ sở Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự ngày 10-5-1997 về các tội tham nhũng, ma tuý và các tội phạm tình dục đối với trẻ em bao gồm:

 

- Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa;

- Nhận hối lộ;

- Dùng tài sản xã hội chủ nghĩa làm của hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đưa hối lộ, môi giới hối lộ;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của cá nhân;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ để vụ lợi;

- Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ để vụ lợi;

- lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;

- Lập quỹ trái phép;

- Giả mạo trong cong tác để vụ lợi.

Tuy nhiên trong quá trình xây dựng Bộ luật hình sự năm 1999, Ban soạn thảo đã xem xét lại những hành vi đích thực là tham nhũng thì quy định trong Mục A Chương XXI, còn lại chuyển về các chương khác cho phù hợp với tính chất của hành vi phạm tội.

Để phù hợp với quy định tại Bộ luật hình sự năm 1999, ngày 28-4-2000 Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh chống tham nhũng, trong đó chỉ còn quy định 7 hành vi được coi là tham nhũng bao gồm:

 - Tham ô tài sản;

- Nhận hối lộ;

- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ vì vụ lợi;

- Lạm quyền trong khi thi hành công vụ vì vụ lợi;

- lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;

- Giả mạo trong công tác để vụ lợi.

Đối với các tội phạm khác về chức vụ, so với Bộ luật hình sự năm 1985 nói chung không có sửa đổi bổ sung lớn như đối với các tội phạm về tham nhũng. Tuy nhiên trong từng điều luật cụ thể, nhà làm luật quy định các tình tiết là yếu tố định tội hoặc yếu tố định khung hình phạt cho phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng và chónh loại tội phạm này trong giai đoạn hiện nay.

Về hình phạt bổ sung đối với các tội phạm về chức vụ, đều được quy định ngay trong điều luật mà không quy định thành một điều luật riêng.

Đối với tội tham ô tài sản(Điều 278), không còn quy định tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, mà chỉ quy định tham ô tài sản. Việc thay đổi này không chỉ đơn thuần về câu chữ mà làm cho bản chất của tội tham ô cũng thay đổi, không chỉ có tài sản xã hội chủ nghĩa mới là đối tượng của tội tham ô và không chỉ những người trực tiếp quản lý tài sản xã hội chủ nghĩa mới có thể trở thành chủ thể của tội tham ô. Mức định lượng tài sản quy định là yếu tố định tội quy định tại khoản 1 điều luật  theo hướng không có cho người phạm tội, nếu khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định tham ô 5.000.000 đồng mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì khoản 1 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định tham ô 500.000 đồng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự; thay tình tiết đã bị xử lý kỷ luật bằng tình tiết đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này; thay tình tiết vi phạm nhiều lần băng tình tiết "đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục A chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm".

Các tình tiết định khung hình phạt cũng được quy định lại như: thêm từ "khác" đối với tình tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là yếu tố định khung hình phạt; bỏ tình tiết "có sự thông đồng với người khác"; tình tiết "có tổ chức" Điều 113 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định ở khoản 3, nay Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định ở khoản 2; thêm từ "chiếm đoạt" vào các tình tiết "tài sản có giá trị..."; định lượng tài sản bị chiếm đoạt trong các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt cũng thay đổi theo hướng không có lợi cho người phạm tội ( từ một trăm triệu đồng đến ba trăm triệu đồng được thay bằng từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng(khoản 2); từ ba trăm triệu động đến dưới năm trăm triệu đồng được thay bằng từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng ( khoản 3 ); hình phạt bổ sung được quy định ngay trong điều luật.

- Đối với tội nhận hối lộ (Điều 279), bổ sung tình tiết "đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục A chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm" trong trường hợp của hối lộ chưa đến 500.000 đồng; thay tình tiết "biết rõ của hối lộ là tài sản xã hội chủ nghĩa" bằng tình tiết "biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước" làm cho bản chất của tình tiết này thay đổi đáng kể. Nếu của hối lộ là tài sản của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội... thì không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự; thêm từ "khác" đối với tình tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là yếu tố định khung hình phạt; các mức tài sản là của hối lộ quy định trong các khung hình phạt cũng được quy định lại theo hướng có lợi cho người phạm tội hơn Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985 như: từ mười triệu đến dưới ba mươi triệu được thay bằng từ mười triệu đến dưới năm mươi triệu (khoản 2); từ ba mươi triệu đến năm mươi triệu được thay bằng từ năm mươi triệu đến dưới ba trăm triệu (khoản 3); từ năm mươi triệu trở lên được thay bằng từ ba trăm triệu trở lên ( khoản 4). Về hình phạt bổ sung thay từ "còn bị" bằng từ "có thể" bị phạt tiền và thời gian cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định cũng nhẹ hơn so với khoản 5 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985; bỏ tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 điều này, khoản 3 điều này” quy định tại khoản 3 và khoản 4 của điều luật; hình phạt bổ sung được quy định ngay trong điều luật.

- Đối với tội lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản (Điều 280) là tội phạm được quy định tại Chương IV phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 1985 là tội xâm phạm sở hữu, này tội phạm này được coi là tội phạm về tham nhũng và quy định tại Mục A Chương XXI Bộ luật hình sự năm 1999. Điều 280 bổ sung tình tiết "đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục A chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm" trong trường hợp giá trị tài sản bị chiếm đoạt chưa đến 500.000 đồng; mức định lượng tài sản quy định là yếu tố định tội quy định tại khoản 1 điều luật theo hướng không có cho người phạm tội, nếu khoản 1 Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định chiếm đoạt 5.000.000 đồng mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì khoản 1 Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định tham chiếm đoạt 500.000 đồng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự; giá trị tài sản bị chiếm đoạt quy định trong các khung hình phạt cũng được quy định lại theo hướng tăng nặng hơn so với Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1985 như: từ một trăm triệu đến dưới ba trăm triệu được thay bằng từ năm mươi triệu đến dưới hai trăm triệu ( khoản 2); từ ba trăm triệu đến dưới năm trăm triệu được thay bằng từ hai trăm triệu đến dưới năm trăm triệu ( khoản 3); thêm từ "khác" đối với tình tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là yếu tố định khung hình phạt; bỏ tình tiét "có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3 điều này" ở khoản 3 và khoản 4 của điều luật; hình phạt bổ sung được quy định ngay trong điều luật.

- Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281) được cấu tại lại thành 3 khoản ( ngoài hình phạt bổ sung) theo hướng nhẹ hơn Điều 221 Bộ luật hình sự năm 1985. Khoản 1 thêm loại hình phạt cải tạo không giam giữ, khoản 3 được cấu tạo theo hướng nhập khoản 3 và khoản 4 của Điều 221 có khung hình phạt từ mười năm đến mười lăm năm ( khoản 4 Điều 221 có khung hình phạt từ mười lăm năm đến hai mươi năm); bỏ tình tiết "có nhiều tình tiết quy tại khoản 2, khoản 3 điều này"; hình phạt bổ sung được quy định ngay trong điều luật.

- Đối với tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282) được cấu tạo lại thành 3 khoản ( ngoài hình phạt bổ sung) theo hướng nhẹ hơn Điều 221a Bộ luật hình sự năm 1985. Khoản 1 mức thấp nhất của khung hình phạt là một năm tù (khoản 1 Điều 221a là hai năm tù), khoản 2 có khung hình phạt từ năm năm đến mười hai năm (khoản 2 Điều 221a từ bảy năm đến mười lăm năm), khoản 3 có khung hình phạt từ mười năm đến hai mươi năm ( khoản 3 Điều 221a từ mười lăm năm và khoản 4 tù hai mươi năm hoặc chung thân); bỏ tình tiết"có nhiều tình tiết quy tại khoản 2, khoản 3 điều này"; hình phạt bổ sung được quy định ngay trong điều luật.

- Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi (Điều 283) về cơ bản vẫn như Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985, chỉ có một số thay đổi nhỏ như: bỏ tình tiết "có nhiều tình tiết quy tại khoản 2, khoản 3 điều này"; thêm từ "khác” đối với tình tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là yếu tố định khung hình phạt; giá trị tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác quy định là yếu tố định khung hình phạt tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của điều luật đều theo hướng có lợi cho người phạm tội hơn Điều 228a như: từ mười triệu đồng đến dưới ba mươi triệu đồng được thay bằng từ mười triệu đồng đến dưới năm mười triệu đồng (ở khoản 2), từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng được thay bằng từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng (ở khoản 3); từ năm mươi triệu đồng trở lên được thay bằng từ ba trăm triệu đồng trở lên(khoản 4); hình phạt bổ sung được quy định ngay trong điều luật.

- Đối với tội giả mạo trong công tác (Điều 284) được quy định lại theo hướng nhẹ hơn Điều 224 Bộ luật hình sự năm 1985 ở cả 4 khoản, khoản 1 của điều luật có mức cao nhất của khung hình phạt là năm năm ( khoản 1 Điều 224 là bảy năm), khoản 2 của điều luật có khung hình phạt từ ba năm đến mười năm ( khoản 2 Điều 224 từ bảy năm đến mười lăm năm), khoản 3 của điều luật có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm (khoản 3 Điều 224 từ mười lăm năm đến hai mươi năm), khoản 4 của điều luật có khung hình phạt từ mười hai năm đến hai mươi năm ( khoản 4 Điều 224 là hai mươi năm hoặc tù chung thân); bỏ tình tiết "có nhiều tình tiết quy tại khoản 2, khoản 3 điều này", hình phạt bổ sung được quy định ngay trong điều luật.

Đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285), nói chung không có gì thay đổi lớn, vẫn cấu tạo thành hai khoản (ngoài khoản 3 quy định hình phạt bổ sung). Tuy nhiên, khoản 1 của điều luật quy định thêm loại hình phạt cải tạo không giam giữ, khoản 2 của điều luật quy định thêm tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng” là yếu tố định khung hình phạt.

Đối với tội cố ý làm lộ bị mất công tác, tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tài liệu bí mật công tác (Điều 286), cũng không có thay đổi lớn, ngoài việc quy định hình phạt bổ sung ngay trong điều luật thì chỉ có một thay đổi là hình phạt cải tạo không giam giữ quy định tại khoản 1 của điều luật không phải là đến một năm như khoản 1 Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985 mà là đến ba năm.

Đối với tội vô ý làm lộ bị mất công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 287) cũng không có thay đổi lớn, ngoài việc quy định hình phạt bổ sung ngay trong điều luật thì chỉ có một vài thay đổi, đó là: bổ sung tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” là yếu tố định tội và hình phạt cải tạo không giam giữ quy định tại khoản 1 của điều luật không phải là đến một năm như khoản 1 Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985 mà là đến hai năm.

Đối với tội đào nhiệm (Điều 288), có một số thay đổi như: Thay thuật ngữ nhân viên Nhà nước, nhân viên tổ chức xã hội bằng thuật ngữ cán bộ, công chức; thay thuật ngữ rời bỏ băng thuật ngữ từ bỏ; bổ sung thuật ngữ công tácvào thuật ngữ nhiệm vụ thành nhiệm vụ công tác; hình phạt cải tạo không giam giữ quy định tại khoản 1 của điều luật không phải là đến một năm như khoản 1 Điều 225 Bộ luật hình sự năm 1985 mà là đến hai năm; tình tiết “ phạm tội trong thời chiến” là yếu tố định khung hình phạt quy định tại khoản 2 của Điều 225 Bộ luật hình sự năm 1985 được sửa lại là “phạm tội trong hàn cảnh chiến tranh”; bổ sung các tình tiết “phạm tội trong hoàn cảnh thiên tai hoặc trong những trường hợp khó khăn đặc biệt khác của xã hội; gây hậu quả rất nghiêm trọng” yếu tố định khung hình phạt quy định tại khoản 2 của điều luật; hình phạt bổ sung cũng được quy định ngay trong cùng điều luật.   

Đối với tội đưa hối lộ (Điều 289), là tội phạm được tách từ tội đưa hối lộ, tội làm môi giới hối lộ quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985. Mặc dù vậy, tội phạm này nói chung cũng không có thay đổi lớn, mà chỉ bổ sung hoặc sửa đổi một số tình tiết là yếu tố định khung hình phạt cũng như mức hình phạt trong khung hình phạt cho phù hợp với thực tiễn xét xử và phù hợp với một số tội phạm khác trong chương này như:

Nếu điểm đ khoản 2 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “ dùng tài sản xã hội chủ nghĩa để dưa hối lộ” thì điểm c khoản 2 Điều 289 quy định: “dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

Nếu điểm c khoản 2 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến ba mươi triệu đồng”, thì điểm đ khoản 2 Điều 289 quy định “của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới nămmươi triệu đồng”;

Thêm từ “khác” vào sau các tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là yếu tố định khung hình phạt;

Nếu điểm a khoản 3 Điều 227 Bộ luật hình sự quy định: “của hối lộ có giá trị ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng”, thì điểm a khoản 3 Điều 289 quy định: “của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng”;

Nếu điểm a khoản 4 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên”, thì điểm a khoản 3 Điều 289 quy định: “của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên”;

Nếu khoản 4 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 có khung hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì khoản 4 Điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt từ hai mươi năm tù, tù chung thân hoặc tử hình;

Bỏ các tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 điều này”;

Hình phạt bổ sung cũng được quy định ngay trong cùng một điều luật.

Đối với tội làm môi giới hối lộ (Điều 290) cũng là tội phạm được tách từ tội đưa hối lộ, tội làm môi giới hối lộ quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, đối với tội phạm này, Điều 290 có những thay đổi tương đối lớn như:

Nếu khoản 1 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 có khung hình phạt từ một năm tù đến sáu năm tù, thì khoản 1 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt từ sáu tháng tù đến năm năm tù;

Nếu khoản 2 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định, thì điểm c khoản 2 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định tình tiết “biết của hối lộ là tài sản của Nhà nước” là yếu tố định khung hình phạt;

Nếu điểm c khoản 2 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến ba mươi triệu đồng”, thì điểm đ khoản 2 Điều 290 quy định “của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới nămmươi triệu đồng”;

Thêm từ “khác” vào sau các tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là yếu tố định khung hình phạt ;

Nếu khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 từ sáu năm tù đến mười ba năm, thì khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 từ ba năm đến mười năm;

Nếu điểm a khoản 3 Điều 227 Bộ luật hình sự quy định: “của hối lộ có giá trị ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng”, thì điểm a khoản 3 Điều 290 quy định: “của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng”;

Nếu khung hình phạt quy định tại khoản 3 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 từ mười ba năm tù đến hai mươi năm tù, thì khung hình phạt quy định tại khoản 3 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 từ tám năm đến mười lăm năm;

Nếu điểm a khoản 4 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên”, thì điểm a khoản 3 Điều 290 quy định: “của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên”;

Nếu khoản 4 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 có khung hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì khoản 4 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt từ mười hai năm tù đến hai mươi năm tù;

Bỏ các tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 điều này”;

Nếu Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định, thì k6 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự

Hình phạt bổ sung cũng được quy định ngay trong cùng một điều luật.

Đối với tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 291) là tội phạm có nhiều thay đổi so với tội phạm này quy định tại Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1985 như:

Nếu khoản 1 Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1985 không định thì khoản 1 Điều 291 quy định tình tiết “ có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” là yếu tố định tội

Nếu khoản 2 Điều 228 chỉ quy định một tình tiết “phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng” là yếu tố định khung hình phạt, thì khoản 2 Điều 291 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định nhiều tình tiết là yếu tố định khung hình phạt như:“Phạm tội nhiều lần; nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ năm mươi  triệu đồng trở lên;gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác”.

Hình phạt bổ sung cũng được quy định trong cùng một điều luật.

PHẦN THỨ HAI

CÁC TỘI PHẠM CỤ THỂ

I- ĐẶC ĐIỂM CHUNG CÁC TỘI PHẠM VỀ CHỨC VỤ

 

Theo Điều 277 Bộ luật hình sự, thì các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ.

Nếu căn cứ vào quy định trên thì các tội phạm về chức vụ quy định từ Điều 278 đến Điều 291 Bộ luật hình sự có một số trường hợp không thoả mãn khái niệm mà Điều 277 quy định như: tội đưa hối lộ quy định tại Điều 289, tội làm môi giới hối lộ quy định tại Điều 290 Bộ luật hình sự, không chỉ người có chức vụ thực hiện mà còn bao gồm cả những người không có chức vụ thực hiện, mặc dù hành vi của họ cũng xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức.

Ngoài các tội phạm quy đinh tại Chương XXI Bộ luật hình sự ra, còn nhiều tội phạm khác quy định ở các Chương khác cũng do người có chức vụ thực hiện và cũng xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, nhưng lại không phải là các tội phạm về chức vụ.

Việc đưa ra một khái niệm về các tội phạm về chức vụ thật chính xác, thật đặc trưng cho loại tội phạm này về lý luận và thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá câu lệ vào khái niệm hay định nghĩa về loại tội phạm này, vì khi đã là luật thì trước hết mọi cơ quan, tổ chức và mọi người phải tuân theo. Vấn đề quan trọng là cần hiểu và nắm chắc các dấu hiệu pháp lý đối với các tội phạm quy định tại chương XXI Bộ luật hình sự.

Cơ quan, tổ chức bị xâm phạm do hành vi phạm tội gây ra bao gồm các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, được gọi chung là cơ quan, tổ chức.

Hành vi xâm phạm đến cơ quan, tổ chức rất đa dạng và phong phú, nhưng các tội phạm về chức vụ chỉ xâm phạm đến các hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức và cũng chỉ xâm phạm đến một số lĩnh vực chứ không phải xâm phạm hết tất cả các hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức.

Khi nói đến các cơ quan, tổ chức là nói đến một cơ quan, tổ chức cụ thể có tên, có trụ sở được tổ chức hoặc được thành lập theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ một cách hợp pháp, chứ không phải cơ quan, tổ chức với ý nghĩa là một cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội một cách chung chung. Ví dụ: Xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp X, Uỷ ban nhân dân huyện Y, Hợp tác xã vận tải H.v.v...

Hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức là những hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ do pháp luật hoặc điều lệ quy định, những hoạt động này nhằm thực hiện chức năng và mục đích đã đề ra. Ví dụ: Theo quy định của pháp luật thì cán bộ, công chức phải chí công, vô tư, không được lợi dụng chức vụ để trục lợi, nhưng trong cơ quan, tổ chức nào đó có cán bộ đã tham ô, nhận hối lộ, hoặc lấy tiền của cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên để đưa hối lộ... là đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức đó. Có thể nói, những hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức bị xâm phạm do các tội phạm về chức vụ gây ra, chính là những quy định của pháp luật hoặc của điều lệ buộc phải làm mà không làm, cấm không được làm thì lại làm. Những quy định cụ thể này được thể hiện trong từng hành vi phạm tội cụ thể trong từng tội phạm về chức vụ trong chương này.

Người có chức vụ quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.

Người do bổ nhiệm, do bầu cử có thể được coi họ là cán bộ, công chức và theo Điều 1 Pháp lệnh Công chức của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 26-2-1998, thì cán bộ, công chức gồm:

- Những người do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ nhất định theo nhiệm kỳ trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;

- Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên làm việc trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;

- Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc giao giữ một công vụ thường xuyên, được phân loại theo trình độ đào tạo, ngành chuyên môn, được xếp vào một ngạch hành chính, sự nghiệp trong các cơ quan nhà nước; mỗi ngạch thể hiện chức và cấp về chuyên môn nghiệp vụ, có chức danh tiêu chuẩn riêng;

- Thẩm phán Toà án nhân dân, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân;

- Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp.

Để cụ thể hoá Pháp lệnh Công chức trên, ngày 17-11-1998, Chính phủ dã ban hành Nghị định số 95-1998/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và tại Điều 1 của Nghị định quy định định: Công chức bao gồm những người đã được quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 1 Pháp lệnh Cán bộ, công chức. Cụ thể là:

- Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc giao giữ một công vụ thường xuyên, được phân loại theo trình độ đào tạo, ngành chuyên môn, được xếp vào một ngạch hành chính, sự nghiệp, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, làm việc trong các cơ quan: Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội; Cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Toà án nhân dân,  Viện Kiểm sat nhân dân các cấp; Cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Trường học, bệnh viện, cơ quan nghiên cứu khoa học của Nhà nước; Cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình của Nhà nước; Thư viện, bảo tàng, nhà văn hoá của Nhà nước; Các tổ chức sự nghiệp khác của Nhà nước.

- Những người  được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp.

Ngoài những cán bộ, công chức ra, những người do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, những người này tuy không phải là cán bộ, công chức, họ chỉ được các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hợp đồng làm một công việc nhất định thường xuyên hay theo thời vụ hoặc trong một thời gian nhất định. Những người này cũng được coi là người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, họ chỉ có thể thực hiện một số hành vi phạm tội nhất định.

Người có chức vụ, quyền hạn chỉ có thể trở thành chủ thể của các tội phạm về chức vụ khi hành vi phạm tội của hộ được thực hiện trong khi thi hành công vụ, nếu họ thực hiện hành vi phạm tội ngoài phạm vi thi hành công vụ thì không thuộc trường hợp phạm tội về chức vụ. Tuy nhiên, điều khẳng định này không bao gồm các trường hợp phạm tội có đồng phạm (nhiều người tham gia), trong đó có người không thực hiện hành vi phạm tội trong phạm vi thi ành công vụ, nhưng trong một vụ án cụ thể, tội phạm mà họ thực hiện phải có người thực hiện hành vi phạm tội trong khi thi hành công vụ.

Mặc dù các tội phạm về chức vụ là do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhưng không vì thế mà cho rằng trong một vụ án cụ thể chỉ có những người có chức vụ thực hiện tội phạm mà không có những người khác. Những người có chức vụ nhất thiết phải là người trực tiếp thực hiện tội phạm, nếu là vụ án có đồng phạm thì họ phải là người thực hành, còn những người khác không có chức vụ có thể là người tổ chức, người xúi dục hoặc người giúp sức.

Một đặc điểm chúng ta thường thấy đối với các tội phạm về chức vụ là: Tội phạm thường được thực hiện dưới hình thức đồng phạm, có vụ được thực với quy mô rất lớn, có tổ chức chặt chẽ như: Vụ Tân Trường Sanh, vụ Nhà máy dệt Nam Định, vụ Tamexco, vụ Epco-Minh Phụng, vụ Mường Tè, vụ nước khoáng Kim Bôi, vụ Trịnh Vĩnh Bình ở Bà Rịa-Vũng Tàu, vụ tham ô xảy ra ở cầu Sông Hàn-Đà Nẵng, vụ Thuỷ Cung Thăng Long...

Thủ đoạn phạm tội cũng ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn trước, người phạm tội mặc dù đã là người có chức vụ nhưng thường móc nối với một số cán bộ có chức, có quyền cao hơn trong các cơ quan, tổ chức kể cả các cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng để tạo dựng mối quan hệ nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.

Nếu trước đây tài sản bị chiếm đoạt, của hối lộ trong các vụ án tham nhũng nhiều lắm cũng chỉ một vài trăm triệu đồng, nhưng đến nay giá trị tài sản bị chiếm đoạt lên tới hàng chục tỷ đồng thậm chí hàng trăm tỷ đồng. còn giá trị của hối cũng tới hàng tỷ đồng. Những quy định của Bộ luật hình sự cũng như các hướng dẫn của các cơ quan chức năng luôn bị lạc hậu với tình hình phạm tội xảy ra.

 

II- CÁC TỘI PHẠM CỤ THỂ

MỤC A
CÁC TỘI PHẠM VỀ THAM NHŨNG

 

Tham nhũng là lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân và lấy của. Tham nhũng là một hiện tượng xã hội gắn liền với sự ra đời và phát triển của bộ máy Nhà nước, nó diễn ra ở tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị; tham nhũng xảy ra ở mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội; tham nhũng được coi là một căn bệnh nguy hiểm, nó gây ra tác hại nhiều mặt, cản trở sự phát triển của xã hội, thậm chí dẫn đến sự sụp đổ của cả một thể chế. Vì vậy, Đảng và Nhà nước coi tham nhung là một trong bốn nguy cơ, là mục tiêu đấu tranh để loại trừ ra khỏi đời sống xã hội.

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng là cuộc đấu tranh trên mọi mặt trận, trong đó việc xử lý các hành vi phạm tội về tham nhũng là một việc rất quan trọng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước loại trừ tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội nhưng cũng phải xác định rằng không thể ngày một ngày hai chúng ta có thể loại trừ tệ nạn này được, đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gay go và quyết liệt và trong tình hình kinh tế xã hội nước ta hiện nay thì tính chất phức tạp càng gấp bội.

Các tội phạm về tham nhũng là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện một cách cố ý xâm phạm đến tài sản, uy tín của cơ quan, tổ chức; xâm phạm đến tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Bộ luật hình sự năm 1999 quy định 7 tội phạm là tội phạm về tham nhũng, đó là: tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và tội giả mạo trong công tác.

Các tội phạm về tham nhũng quy định tại mục A chương XXI, So với các tội phạm này quy định tại chương IX Bộ luật hình sự năm 1985 có nhiều sửa đổi bổ sung. Bộ luật hình sự năm 1985 không phân biệt tội phạm tham nhũng với tội phạm về chức vụ khác mà coi tham nhũng cũng là tội phạm về chức vụ.

Các yếu tố định tội và định khung hình phạt quy định tại mục A chương XXI Bộ luật hình sự năm 1999 cũng có nhiều sửa đổi bổ sung theo hướng không có lợi cho người phạm tội, nhưng cũng có những quy định lại có lợi cho người phạm tội.

Sau đây chúng tài sản sẽ lần lượt nghiên cứu các tội phạm cụ thể về tham nhũng.

 

1. TỘI THAM Ô TÀI SẢN

Điều 278.   Tội tham ô tài sản 

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ)  Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến  hai mươi năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn  bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Định nghĩa: Tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý

Tội tham ô tài sản là tội phạm được Nhà nước ta quy định rất sớm, ngay sau khi giành được chính quyền, trước khi Bộ luật hình sự năm 1985 được 

ban hành, tội tham ô tài sản được quy định tại Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa ngày 23-10-1970 và Sắc luật số 03/SL-76 ngày 15-3-1976 của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam. Sau khi Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành, Quốc hội cũng đã bốn lần sửa đổi bổ sung, trong đó tội tham ô quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985 cũng được sửa đổi một lần vào ngày 10 tháng 5 năm 1997 (có hiệu lực từ ngày 22 tháng 5 năm 1997). Vì vậy, khi nghiên cứu các dấu hiệu pháp lý của tội tham ô tài sản cần chú ý đến các thời điểm thời điểm ban hành, sửa đổi, bổ sung có liên quan đến hiệu lực về thời gian quy định tại Điều 7 Bộ luật hình sự.

Theo quan niệm truyền thống, tham ô là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lấy của công làm của riêng, là việc làm xấu xa bị xã hội lên án; tham ô được coi như là một thứ bệnh hoạn, làm giảm lòng tin của nhân dân vào bộ máy Nhà nước. Tham ô

Khi còn sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “đứng về phía cán bộ mà nói; tham ô là ăn cắp của công thành của tư; đục khoét của nhân đân; ăn bớt của bộ đội; tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung, của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình cũng là tham ô”

Tham ô là một trong những hành vi tham nhũng, nhưng có thể nói cùng với hành vi nhận hối lộ, nó là hành vi chủ yếu của tham nhũng, đặc trưng điển hình của tệ tham nhũng.

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

Có thể nói, đối với tội tham ô các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm là các dấu hiệu quan trọng nhất để xác định hành vi phạm tội. Sự khác nhau giữa tội tham ô tài sản với các tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt cũng chính là sự khác nhau về các dấu hiệu thuộc chủ thể của tội phạm.

Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội tham ô tài sản cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội tham ô tài sản, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:

Trước hết, người phạm tội tham ô phải là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm đối với tài sản mà họ chiếm đoạt.

Người có chức vụ, quyền hạn đã được nêu ở phần khái niệm các tội phạm về chức vụ.

Ngoài những cán bộ, công chức ra, chủ thể của tội tham ô tài sản còn có cả những người do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, những người này tuy không phải là cán bộ, công chức, họ chỉ được các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hợp đồng làm một công việc nhất định thường xuyên hay theo thời vụ hoặc trong một thời gian nhất định có liên quan đến việc quản lý tài sản và họ có trách nhiệm quản lý đối với tài sản.

Người có chức vụ, quyền hạn, phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản,  nếu họ không có trách nhiệm quản lý tài sản thì cũng không thể là chủ thể của tội tham ô tài sản được. Đây là điều kiện cần và đủ để một người có thể trở thành chủ thể của tội tham ô tài sản và cũng là dấu hiệu để phân biệt với một só tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt.

Người có trách nhiệm đối với tài sản là người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản như: Thủ quỹ, thủ kho, kê toán, người được giao vận chuyển tài sản của cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị mình... Ngoài ra, còn những người tuy không được giao trực tiếp quản lý tài sản nhưng lại có trách nhiệm trong việc quyết định việc thu chi, xuất nhập, mua bán, trao đổi tài sản như: Giám đốc công ty, Chủ nhiệm hợp tác xã, người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức là chủ tài khoản hoặc là người có quyền quyết định về tài sản của cơ quan, tổ chức mình.

Việc xác định trách nhiệm của một người đối với tài sản là rất quan trọng, nếu xác định không đúng tư cách của người có trách nhiệm đối với tài sản mà họ chiếm đoạt thì dễ nhầm lẫn với các tội phạm có tính chất chiếm đoạt quy định tại Chương XVI Bộ luật hình sự như: tội trộm cắp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản... Cũng là hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối nhưng nếu người thực hiện là người có trách nhiệm quản lý tài sản thì hành vi chiếm đoạt tài sản cấu thành tội tham ô, nhưng nếu người thực hiện không phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản thì hành vi chiếm đoạt tài sản cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ví dụ: Nguyễn Hùng C là Phó trưởng phòng kinh doanh thuộc Công ty vật tư tổng hợp. Trong một chuyến đi công tác, C đã khai khống thời gian lưu trú để được thanh toán khống 3.500.000 đồng là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, cũng tương tự như vậy, nếu Nguyễn Hùng C đã tạm ứng một số tiền để đi công tác, khi về C đã khai khống thời gian lưu trú để được thanh toán khống 3.500.000 đồng nên C không phải hoàn trả số tiền này cho phòng tài vụ thì hành vi của C lại là hành vi tham ô, vì C đã chiếm đoạt số tiền do chính mình có trách nhiệm quản lý.

Cũng chính vì đặc điểm này của tội tham ô tài sản nên về lý luận cũng như thực tiễn xét xử các luật gia đã đưa ra một kết luận là: Tham ô là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã trộm cắp, công nhiên, lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm... chiếm đoạt tài sản mà họ có trách nhiệm quản lý.

Do những đặc điểm riêng về chủ thể của tội tham ô tài sản, nên khoa học luật hình sự cho rằng, chủ thể của tội tham ô tài sản là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn mới tham ô được. Tuy nhiên, khẳng định này chỉ đúng đối với trường hợp vụ án tham ô không có đồng phạm, còn trong vụ án có đồng phạm thì có thể có cả những người không có chức vụ, quyền hạn nhưng người thực hành trong vụ án có đồng phạm, thì nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Nếu người phạm tội chỉ chiếm đoạt dưới 500.000 đồng thì phải là người trước đó đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tham ô bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong Điều lệ của tổ chức và chưa hết thời hạn được xoá kỷ luật1, mà lại có hành vi tham ô. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý kỷ luật, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi tham ô thì cũng chưa cấu thành tội phạm này. Ví dụ: Nguyễn Trung K là thủ kho Công ty vật tư nông nghiệp tỉnh P đã bị kỷ luật cảnh cáo về hành vi vi phạm kỷ luật lao động thường xuyên đi làm muộn, bỏ cơ quan không xin phép. Do bị thua bạc, nên Nguyễn Trung K đã lấy một chiếc máy bơm trị giá 450.000 đồng đem bán được 300.000 đồng thì bị bắt. Mặc dù Nguyễn Trung K đã bị xử lý kỷ luật, nhưng không phải là hành vi tham ô tài sản nên hành vi của K chưa cấu thành tội tham ô tài sản.

Nếu người phạm tội chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 500.000 đồng nhưng đã  bị két án về về một trong các tội quy định tại mục A chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản.

Đã bị kết án về tội quy định tại mục A chương này chưa được xoá án tích mà còn vi phạm là trường hợp, trước khi thực hiện hành vi tham ô tài sản, người phạm tội đã bị Toà án kết án về một trong các tội: Tội tham ô tài sản ( Điều 278); tội nhận hối lộ ( Điều 279); tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản ( Điều 280); tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ ( Điều 281); tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ ( Điều 282); tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi ( Điều 283) và tội giả mạo trong công tác (Điều 284), nhưng chưa được xoá án tích theo quy định tại Điều 77 Bộ luật hình sự; nếu người phạm tội bị kết án về tội phạm khác ( không phải là một trong 7 tội phạm trên) hoặc tuy đã bị kết án về một trong 7 tội phạm trên nhưng đã được xoá án tích thì cũng chưa cấu thành tội tham ô tài sản.

Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người đồng phạm khác trong vụ án tham ô thì họ cũng chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 2. khoản 3 và khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự, vì các trường hợp tham ô quy định tại các khoản trên là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với những người này họ chỉ có thể là đồng phạm trong vụ án tham ô với vai trò giúp sức, vì những người này chưa thể trở thành cán bộ, công chức hoặc những người được giao quản lý tài sản. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cũng có trường hợp người dưới 16 tuổi lại là người chủ mưu, khởi xướng trong vụ án tham ô có đồng phạm. Ví dụ: Trần Quốc T sinh ngày 15 tháng 1 năm 1986, đã bị nghiện ma tuý. Ngày 25-10-2001, T đến Trường phổ thông trung học cơ sở nơi mà T đã bỏ học bàn với Phạm Tuấn A là bảo vệ của nhà trường lấy linh kiện máy vi tính đem bán. Lúc đầu A chần chừ không đồng ý, sợ bị lộ, nhưng T đã vạch kế hoạch và thuyết phục A là không thể bị lộ được. A đồng ý. Khi học sinh đã tan học, A mở cửa phòng học vi tính để T vào dùng tô lô vít tháo lấy 8 ổ đĩa cứng, 15 con chuột, hai máy in và một số linh kiện có giá trị khác. Khi T mang đi tiêu thụ thì bị phát hiện bắt giữ. Trong vụ án này, A là người có trách nhiệm quản lý tài sản nhưng lại chỉ là người thực hành ( mở cửa phòng học vi tính) còn T mới 15 tuổi 9 tháng 10 ngày lại là tên chủ mưu đồng thời cũng là người cùng với A thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 278 Bộ luật hình sự mà chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội tham ô theo khoản 1 của Điều 278 Bộ luật hình sự, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội tham ô tài sản khoản 1 của điều luật là tội phạm nghiêm trọng.

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Nếu trước đây, tội tham ô quy định tại Chương các tội phạm xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa (Chương IV phần tội phạm, Bộ luật hình sự năm 1985), thì khách thể của tội phạm này nhất định là chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa. Nay tội tham ô tài sản được quy định tại Chương các tội phạm về chức vụ thì khách thể của tội phạm không còn là chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa nữa. Vậy khách thể của tội tham ô hiện nay là quan hệ xã hội nào bị xâm phạm ?

Đây là vấn đề mới và cũng là vấn đề đang có nhiều ý kiến khác nhau về khách thể của tội tham ô tài sản hiện nay.

Có ý kiến cho rằng, khách thể của tội tham ô vẫn là quan hệ sở hữu về tài sản của Nhà nước của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, vì nó trực tiếp xâm phạm đến quan hệ sở hữu. Tuy nhà làm luật không quy định sở hữu xã hội chủ nghĩa nhưng thực chất tội phạm này chỉ xâm phạm quan hệ sở hữu.

Ý kiến khác lại cho rằng, tội tham ô là tội do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện là tội phạm thuộc nhóm tội tham nhũng nên khách thể của tội phạm phải là những hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, còn quan hệ sở hữu chỉ là đối tượng tác động của tội phạm (thông qua quan hệ sở hữu mà xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức).

Có thể còn những ý kiến khác nhau về khách thể của tội tham ô tài sản. Tuy nhiên, khách thể của tội phạm này không còn là dấu hiệu để phân biệt tội tham ô tài sản với các tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt nên việc xác định khách thể của tội tham ô tài sản chỉ có ý nghĩa về lý luận mà không có ý nghĩa trong thực tiễn xét xử nên chúng tôi chỉ nêu những quan điểm khác nhau để tham khảo và tiếp tục nghiên cứu. 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

Đối với tội tham ô tài sản, các dấu hiệu thuộc mặt khác quan cũng là những dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội cũng như để phân biệt tội tham ô tài sản với các tội phạm khác.

a. Hành vi khách quan

Trước hết, người phạm tội tham ô tài sản phải là người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình có để chiếm đoạt tài sản.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi chiếm đoạt tài sản đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc chiếm đoạt tài sản ; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc chiếm đoạt tài sản một cách dễ dàng. Ví dụ: Nguyễn Quan L là Chánh văn phòng cơ quan T. Do cơ quan có nhu cầu phải sửa chữa trụ sở, L đã bàn bạc với Phạm Thị H kê toán trưởng, Vũ Thị M thủ quỹ sửa chữa hoá đơn, chứng từ nâng khống giá trị các hạng mục sửa chữa để chiếm đoạt 250.000.000 đồng chia nhau, phần L được 100.000.000 đồng, H được chia 80.000.000 đồng và M được chia 70.000.000 đồng.

 Tuy nhiên, người phạm tội  có việc lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt tài sản thì mới bị coi là tham ô tài sản. Nếu hành vi chiếm đoạt tài sản do người có chức vụ, quyền hạn  thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không bị coi là tham ô tài sản. Ví dụ: Trần Thị H là thuỷ quỹ của một Công ty X. Do chơi hụi nên H nợ nhiều người và mất khả năng thanh toán. H đã bàn với chồng là Đào Văn T dùng giấy tờ nhà thế chấp cho Công ty để vay 200.000.000 đồng với mục đích đầu tư nuôi tôm. Vì H là thủ quỹ Công ty lại có tài sản thế chấp nên Giám đốc công ty X đồng ý cho vợ chồng H vay tiền. Sau khi vay được tiền, vợ chồng H đã trả cho các chủ nợ, đến hạn không có tiền trả cho Công ty mới phát hiện bộ hồ sơ do vợ chồng H thế chấp cho Công ty là bộ hồ sơ giả. Hành vi chiếm đoạt của H và T là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không phải là hành vi tham ô tài sản, mặc dù H là người có chức vụ, quyền hạn và cũng có trách nhiệm quản lý tài sản nhưng H đã không lợi dụng chức vụ, quyền hạn đề chiếm đoạt tài sản mà chỉ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để Giám đốc công ty tin mà cho vợ chồng H vay tiền; chức vụ, quyền hạn của H chỉ là phương tiện để thực hiện thủ đoạn gian dối khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty.

Chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản lý. Về trách nhiệm quản lý tài sản đã được phân tích ở các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm. Ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu thế nào là hành vi chiếm đoạt tài sản ?

Chiếm đoạt tài sản là một hành vi chuyển dịch bất hợp pháp tài sản từ chủ sở hữu thành tài sản của mình hoặc của người khác mà mình quan tâm.

Hành vi chuyển dịch bất hợp pháp tài sản có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, có trường hợp người phạm tội tự chuyển dịch tài sản như: Thủ quỹ tự lấy tiền trong két, thủ kho tự lấy tài sản trong kho đem bán... Cũng có trường hợp việc chuyển dịch lại do người khác thực hiện theo lệnh của người phạm tội như: Giám đốc lệnh cho thủ quỹ đưa tiền cho mình; kê toán lập phiếu thu, phiếu chi, chuyển khoản theo lệnh của người phạm tội.

Thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của người phạm tội tham ô hoàn toàn tương tự như thủ đoạn của người phạm tội trộm cắp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhệm chiếm đoạt tài sản...như: lén lút, công khai, gian dối, bội tín... Cũng chính vì đặc điểm này mà tội tham ô tài sản được coi là trộm cắp, công nhiên chiếm đoạt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người có chức vụ, quyền hạn có trách nhiệm quản lý tài sản.

Hiện nay, việc xác định hành vi chiếm đoạt tài sản nói chung và chiếm đoạt tài sản trong tội tham ô tài sản nói riêng trong nhiều trường hợp đã khác nhiều so với quan niệm truyền thống. Ví dụ: Nếu trước đây một thủ quỹ lấy tiền trong két đem gửi tiết kiệm mang tên mình hoặc tên người khác bị coi là chiếm đoạt tài sản và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản, thì ngày nay hành vi này của Thủ quỹ chỉ là hành vi sử dụng trái phép tài sản.

Thực tiễn xét xử cho thấy, trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhiều công ty, đơn vị đã phải chi một khoản tiền không đúng với quy định của Nhà nước. Khi chi những khoản tiền này, thông thường người phụ trách không nói lý do cho các nhân viên dưới quyền biết mục đích của việc chi tiêu và nếu có biết thì chỉ được giải thích là chi “giao dịch” hoặc “tiếp khách”. Trong các khoản chi sai nguyên tắc không ít khoản Giám đốc công ty, người đứng đầu đơn vị bỏ túi. Khi vụ án bị phát hiện, thông thường các khoản chi sai đều bị quy kết là chiếm đoạt và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản.

Việc quy kết cho Giám đốc công ty hoặc người đứng đầu đơn vị chiếm đoạt toàn bộ số tiền chi sai nguyên tắc và truy cứu trách nhiệm hình sự họ về tội tham ô tài sản rõ ràng là không chính xác vì họ không chiếm đoạt số tiền đó. Vì vậy, gặp trường hợp này các cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định trong các khoản tiền chi sai nguyên tắc, khoản nào người phạm tội chiếm đoạt thì mới phạm tội tham ô, còn khoản nào chi thực thì chỉ coi hành vi đó là hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nếu người phạm tội dùng tiền hoặc tài sản để đưa hối lộ cho người khác nhưng không có căn cứ xác định người nhận hối lộ, mới chỉ có lời khai của người đưa hối lộ thì phải coi hành vi của người “khai” đưa hối lộ là hành vi chiếm đoạt số tiền đã “khai đưa hối lộ cho người khác”. Về vấn đề này, hiện nay cũng đang có ý kiến khác nhau và việc xử lý của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, cho dù không xác định được người nhận hối lộ, bời vì người nhận hối lộ nếu không có bằng chứng cụ thể thì không bao giờ họ chịu nhận, nhưng vẫn có thể xác định người “khai” đưa hối lộ là hành vi đưa hối lộ.

Quan điểm thứ hai lại cho rằng, nếu lấy tiền do mình có trách nhiệm quản lý để đưa hối lộ mà không chứng minh được hành vi nhận hối lộ thì phải coi là chiếm đoạt và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản, bởi lẽ người phạm tội đã chuyển dịch bất hợp pháp tài sản từ chủ sở hữu sang người khác mà mình quan tâm.

Quan điểm thứ ba lại cho rằng, chỉ nên truy cứu trách nhiệm hình sự đôi với hành vi trên về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Những quan điểm khác nhau trên, cũng xuất phát từ thực tiễn xét xử đặt ra, nhưng chưa được tổng kết, hướng dẫn thống nhất.

b. Hậu quả

Cũng như hậu quả của các tội phạm khác, hậu quả của tội tham ô tài sản là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội.

Đối với tội tham ô tài sản, thiệt hại trước hết là thiệt hại về tài sản, ngoài ra còn có những thiệt hại khác phi vật chất.

Hậu quả của tội tham ô tài sản, xét về phương diện các yếu tố cấu thành tội phạm thì không phải là dấu hiệu bắt buộc, tức là, dù hậu quả chưa xảy ra nhưng hành vi vẫn cấu thành tội phạm.

Hiện nay, không chỉ đối với tội tham ô tài sản mà đối với nhiều tội phạm khác, nhà làm luật quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt làm ranh giới phân biệt tội phạm với hành vi vi phạm, nên có quan điểm cho rằng, thiệt hại về tài sản của các tội phạm này là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm nếu chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được nhưng giá trị tài sản dưới mức quy định của điều luật thì chưa cấu thành tội phạm. Đây là sự nhầm lẫn giữa hậu quả của tội phạm với thiệt hại thực tế đã xảy ra, bời vì hậu quả của tội phạm không chỉ là những thiệt hại do tội phạm đã gây ra mà còn đe doạ gây ra cho xã hội, tức là thiệt hại vật chất chưa xảy ra nhưng cũng đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

Đối với tội tham ô tài sản cũng vậy, nhà làm luật quy định chiếm đoạt từ 500.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu chiếm đoạt dưới 500.000 đồng thì phải có thêm những điều kiện như: Gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục A chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Quy định này không có nghĩa là trong mọi trường hợp người phạm tội phải chiếm đoạt được 500.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng có kèm theo điều kiện thì mới cấu thành tội phạm, mà quy định này chỉ đối với trường hợp người phạm tội có ý định tham ô 500.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng và ngay cả với hai trường hợp này nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản thì hành vi của họ vẫn cấu thành tội phạm nhưng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Khái niệm chiếm đoạt chứa đựng nội dung của sự cố ý nên cũng có thể hiểu rằng người phạm tội có ý định chiếm đoạt. Tuy nhiên, nếu có ý định chiếm đoạt 500.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng nhưng chưa chiếm đoạt được thì hầu như người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi tham ô tài sản gây ra là những thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi tham ô tài sản gây ra nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả nghiêm trọng do hành vi tham ô tài sản gây ra:

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa. 2

Tuy nhiên, hướng dẫn trên là hướng dẫn đối với các tội xâm phạm sở hữu, nhưng đối với tội tham ô cũng là tội phạm có tính chất chiếm đoạt nên trong khi chưa có hướng dẫn chính thức về trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng đối với tội tham ô tài sản, có thể áp dụng Thông tư liên tịch này để xác định trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng đối với tội phạm này.

Về Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự năm 1999 cũng có nhiều vấn đề cần trao đổi, nhưng dù sao đó cũng là một văn bản hướng dẫn của các cơ quan có trách nhiệm ở trung ương, nên chúng tôi không đề cập khi phân tích các dấu hiệu cấu thành các tội phạm về chức vụ. Nếu thời gian sắp tới Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ công an và Bộ Tư pháp ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng các quy định tại chương “các tội phạm về chức vụ” mà tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng không giống như quy định tại thông tư số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001, thì cũng không có gì là lạ và chúng ta sẽ căn cứ vào các hướng dẫn đó để xác định trường hợp tham ô gây hậu quả nghiêm trọng.3

4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Tội tham ô cũng là tội phạm có tính chất chiếm đoạt nên cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt khác, người phạm tội thực hiện hành vi của mình là cố ý (cố ý trực tiếp), tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; không có trường hợp tham ô tài sản nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn chiếm đoạt được tài sản.

Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt sản. Vì vậy, có thể nói mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội tham ô tài sản. Nếu mục đích của người phạm tội chưa đạt được (chưa chiếm đoạt được tài sản), thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản, nếu mục đích đó không cấu thành một tội phạm độc lập. Ví dụ: Mai Anh Th là kê toán nhà máy X, vì bị kỷ luật, nên Mai Anh Th có thù hằn với ông Đinh Khắc T là Giám đốc nhà máy. Khi ông T gợi ý với Th sửa chữa sổ sách để rút 100.000.000 đồng chia nhau thì Th đồng ý ngay, vì Th cho rằng sau khi rút được tiền, Th sẽ tố cáo hành vi của ông T để trả thù vì việc Th bị kỷ luật.

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1. Phạm tội tham ô tài sản không có các tình tiết định khung hình phạt

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 278 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội tham ô tài sản, có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù. So với tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985, nếu chỉ căn cứ vào khung hình phạt, thì khoản 1 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn, nhưng căn cứ vào các dấu hiệu quy định tại khoản 1 của Điều 278 thì khoản 1 Điều 278 không có lợi cho người phạm tội, vì khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định chiếm đoạt 5.000.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn khoản 1 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định chiếm đoạt 500.000 đồng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự và nếu so sánh tội tham ô quy định tại Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 với tội tham ô quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985 thì không có tội phạm nào nặng hơn tội phạm nào, nên hành vi tham ô xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985.

Khoản 1 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là bảy năm tù, nên đối với người phạm tội dưới 16 tuổi mà thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 278 thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội tham ô tài sản theo khoản 1 Điều 278 Bộ luật hình sự, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54).4 Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới hai năm tù), nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì được hưởng án treo. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì:

- Người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 278 Bộ luật hình sự bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật;

- Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự sẽ được áp dụng hình phạt thấp hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ;

- Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết tăng nặng;

- Người phạm tội chiếm đoạt được tài sản phải bị phạt nặng hơn người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản; tài sản bị chiếm đoạt càng nhiều, hình phạt càng nặng;

- Người phạm tội bồi thường được càng nhiều tài sản bị chiếm đoạt thì mức hình phạt càng được giảm so với người phạm tội chỉ bồi thường hoặc chỉ bồi thường không đáng kể. 5

2. Tham ô tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự

a.                 Có tổ chức.

Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, tham ô tài sản có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ án tham ô tài sản có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên, mà tuỳ từng trường hợp, có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi dục hoặc người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành thì mới là phạm tội có tổ chức. Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên phạm tội tham ô tài sản có tổ chức có những đặc điểm riêng như:

Người thực hành trong vụ án tham ô có tổ chức phải là người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp thực hiện hành vi chiếm đoạt và thủ đoạn chiếm đoạt tài sản như: Thủ quỹ lấy tiền trong két, sửa chữa sổ sách; kê toán viết phiếu thu chi khống, sửa chữa sổ sách hoặc xác nhận các phiếu thu chi khống để hợp thức hoá việc chiếm đoạt tài sản;

Tham ô có tổ chức thường khó bị phát hiện, vì việc thu, chi khống đã được hợp thức hoá bằng một hệ thống sổ sách, hoá đơn chứng từ. Chỉ khi nào một trong những người đồng phạm tố giác thì sự việc mới bị phát hiện;

Trong những năm gần đây, tham ô có tổ chức với quy lớn thường được tổ chức rất chặt chẽ và kèm theo hành vi tham ô là hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ. Người phạm tội tham ô tài sản và dùng tài sản chiếm đoạt được đưa hối lộ cho những người có chức, có quyền với mục đích để được bao che cho hành vi tham ô của mình, người nhận hối lộ lúc đầu chỉ là để bao che cho hành vi tham ô nhưng sau đó lại là người giúp sức hoặc chính họ lại là người khởi xướng để đồng phạm tham ô tiếp tài sản. Các vụ án tham nhũng như: vụ Nhà máy dệt Nam Định, vụ Tamexco, vụ Epco-Minh Phụng, vụ Mường Tè, vụ nước khoáng Kim Bôi...phản ảnh rất rõ đặc điểm này của tham ô có tổ chức.

b. Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm.

Dùng thủ đoạn xảo quyệt khi thực hiện hành vi tham ô tài sản là trường hợp  người phạm tội có những mánh khoé, cách thức thâm hiểm làm cho cơ quan, tổ chức, người quản lý tài sản và những người khác khó lường trước để đề phòng như: Thủ quỹ, kê toán sửa chữa sổ sách để chiếm đoạt tài sản bằng các hoá chất rất khó phát hiện hoặc sau khi đã chiếm đoạt được tài sản người phạm tội tạo hiện trường giả như phá khoá cửa tạo vụ trộm cắp giả, giả vờ bị cướp, bị cướp giật, bị trộm cắp... để che giấu hành vi tham ô của mình.

Dùng thủ đoạn nguy hiểm khi thực hiện hành vi tham ô tài sản là trường hợp người phạm tội có những thủ đoạn chiếm đoạt tài sản hoặc thủ đoạn che giấu hành vi tham ô gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của con người như: Thủ kho sau khi lấy tài sản trong kho do mình quản lý, đã đốt kho để phi tang; người bảo vệ hồ cá dùng hoá chất hoặc thuốc trừ sâu, diệt chuột đổ xuống ao, hồ để bắt cá chết nổi gây ô nhiễm nguồn nước sạch gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ của nhiều người.

c. Phạm tội nhiều lần

Tham ô tài sản nhiều lần là có từ hai lần tham ô tài sản trở lên và mỗi lần tham ô tài sản đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý ( xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội tham ô tài sản nhiều lần.

d. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng

Đây là trường hợp người phạm tội tham ô tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng. Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội khác, nếu tài sản bị chiếm đoạt không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản là căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm phạm tội, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định (định giá).

Mặc dù điều luật quy định chiếm đoạt tài sản, nhưng không vì thế mà cho rằng, người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản trị giá từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng mới thuộc trường hợp phạm tội này, mà chỉ cần xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản, đã thực hiện thủ đoạn để chiếm đoạt  có giá trị như trên là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, nếu chưa chiếm đoạt được tài sản thì người phạm tội thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

Ví dụ: Vũ Thị C là thủ quỹ công ty kinh doanh tổng hợp huyện K, do chơi số đề nên thị C đã lấy 30.000.000 đồng trong két đem giấu vào tủ tài liệu ở cơ quan rồi tạo dựng hiện trường giả là bị mất trộm. Sau khi cơ quan công an nhận được tin Công ty K bị mất trộm đã khám xét hiện trường và phát hiện đó là hiện trường giả, nên đã đấu tranh với thị C. Thấy không thể chối cãi nên C đã nhận tội. Mặc dù Thị C chưa chiếm đoạt được số tiền 30.000.000 đồng nhưng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự. Ngoài ra, thị C còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 với tình tiết dùng thủ doạn xảo quyệt.

đ. Gây hậu quả nghiêm trọng khác

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng quy định ở khoản 1 của điều luật, chỉ khác ở chỗ trường hợp phạm tội này là hậu quả nghiêm trọng do hành vi phạm tội tham ô từ 500.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng. Nếu dưới 500.000 đồng mà gây hậu quả nghiêm trọng thì đã thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật rồi. Được coi là gây hậu quả nghiêm trọng khác nếu do hành vi tham ô mà:

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa. Việc đánh giá này hoàn toàn thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.

Khoản 1 của điều luật chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng còn điểm đ khoản 2 của điều luật lại quy định gây hậu quả nghiêm trọng khác, nên có ý kiến cho rằng hậu quả nghiêm trọng khác và hậu quả nghiêm trọng không phải là một. Đây là vấn đề có thể có những quan điểm khác nhau, vì về lý luận cũng như thực tiễn xét xử chưa có trường hợp nào cần phải phân biệt giữa hậu quả nghiêm trọng với hậu quả nghiêm trọng khác. Mặt khác, Bộ luật hình sự năm 1985 quy định tội tham ô tài sản cũng chỉ quy định hậu quả nghiêm trọng, hậu quả rất nghiêm trọng và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà chưa quy định hậu quả nghiêm trọng khác.

Tuy nhiên, khi nói hậu quả nghiêm trọng do hành vi tham ô gây ra và hậu quả nghiêm trọng khác do hành vi tham ô gây ra cũng có thể hiểu được rằng, hậu quả nghiêm trọng do hành vi tham ô gây ra là những thiệt hại trực tiếp do chính hành vi phạm tội cũng như thủ đoạn thực hiện tội phạm gây ra như: giá trị tài sản bị chiếm, còn hậu quả nghiêm trọng khác do hành vi tham ô gây ra là những thiệt hại gián tiếp do việc thực hiện tội phạm gây ra như: do tham ô tài sản nên gây ra sự nghi ngờ nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng, do tham ô tài sản nên không thực hiện được chính sách đối với thương binh và gia đình liệt sỹ. v.v...

Nếu sự phân biệt trên là có căn cứ thì khoản 1 của điều luật quy định hậu quả nghiêm trọng cũng khó xác định ngoài giá trị tài sản bị chiếm đoạt, thì các thiệt hại khác đều là những thiệt hại gián tiếp do hành vi phạm tội gây ra và nó chỉ là hậu quả khác. Do đó có ý kiến cho rằng, khoản 1 điều luật cũng nên quy định gây hậu quả khác mới chính xác. Quan điểm này cũng có cơ sở lý luận và thực tiễn. Hy vọng rằng khi có điều kiện, nhà làm luật sẽ nghiên cứu sửa đổi để phù hợp hơn.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

So với khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 2 Điều 278 có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho người phạm tội, mặc dù khung hình phạt ở khoản 2 Điều 133 và khoản 2 Điều 278 như nhau (từ bảy năm đến mười lăm năm). Vì vậy, khi áp dụng khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý một số điểm sau:

Nếu hành vi tham ô có sự thông đồng với người khác xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì không áp dụng khoản 2 Điều 133 hay khoản 2 Điều 278 mà áp dụng khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985;

Nếu hành vi tham ô có tổ chức xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì không áp dụng khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985 mà áp dụng khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999;

Nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì vẫn áp dụng khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985;

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội tham ô tài sản theo khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự, Toà án cũng cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới bảy năm tù) nhưng không được dưới hai năm tù vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 2 là khoản 1 Điều 278 Bộ luật hình sự ).

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì: Người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 278 sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự.6

3. Tham ô tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự

a. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự, chỉ khác là tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng. Cũng như các trường hợp khác, việc xác định giá trị tài sản là căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm phạm tội, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định (định giá).

Cũng như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2, điều luật chỉ quy định chiếm đoạt tài sản nhưng không vì thế mà cho rằng, người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản trị giá từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng mới thuộc trường hợp phạm tội này, mà chỉ cần xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản và đã thực hiện thủ đoạn chiếm đoạt số tài sản có giá trị như trên là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, nếu chưa chiếm đoạt được tài sản thì người phạm tội thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả  nghiêm trọng khác, chỉ khác ở chỗ: Trường hợp phạm tội này hậu quả khác do hành vi tham ô gây ra là hậu quả rất nghiêm trọng. Cũng như các trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng khác, khi xác định cần căn cứ vào các thiệt hại về thể chất, về tài sản, thiệt hại phi vật chất do hành vi phạm tội tham ô gây ra.

Hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi tham ô tài sản gây ra là những thiệt  rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi tham ô tài sản gây ra nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi tham ô tài sản gây ra:

Làm chết hai người;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến bảy người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;

Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản thuộc hai đến ba trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Làm chết một người và còn làm bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; Làm chết một người và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. v.v...

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là rất nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

So với khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định theo hướng có lợi cho người phạm tội, mặc dù khung hình phạt ở khoản 3 Điều 133 và khoản 3 Điều 278 như nhau (từ mười lăm năm đến hai mươi năm tù). Vì vậy, khi áp dụng khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý một số điểm sau:

Nếu hành vi tham ô có tổ chức xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì không áp dụng khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985 mà áp dụng khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999;

Nếu hành vi tham ô có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều 278 xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì không áp dụng khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 và cũng không áp dụng khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985;

Nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì vẫn áp dụng khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985;

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội tham ô tài sản theo khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới mười lăm năm tù) nhưng không được dưới bảy năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 3 là khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự ).

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì: Người phạm tội thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 278 sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự.7

4. Tham ô tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự

a. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự, chỉ khác là tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên. Cũng như các trường hợp khác, việc xác định giá trị tài sản là căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm phạm tội, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định (định giá).

Cũng như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 và và điểm a khoản 3, điều luật chỉ quy định chiếm đoạt tài sản nhưng không vì thế mà cho rằng, người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản trị giá từ năm trăm triệu đồng trở lên mới thuộc trường hợp phạm tội này, mà chỉ cần xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản và đã thực hiện thủ đoạn chiếm đoạt số tài sản có giá trị như trên là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, nếu chưa chiếm đoạt được tài sản thì người phạm tội thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

b. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng khác quy định tại điểm đ khoản 2 và gây hậu quả rất nghiêm trọng khác tại điểm b khoản 3 của điều luật, chỉ khác ở chỗ: Trường hợp phạm tội này hậu quả khác do hành vi tham ô gây ra là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cũng như các trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, khi xác định cần căn cứ vào các thiệt hại về thể chất, về tài sản, thiệt hại phi vật chất do hành vi phạm tội tham ô gây ra.

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi tham ô tài sản gây ra là những thiệt  đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi tham ô tài sản gây ra nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi tham ô tài sản gây ra:

Làm chết ba người trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của tám người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 201% trở lên, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên;

Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc bốn trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng;

Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc hai trường hợp được coi là hậu quả rất nghiêm trọng;

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

So với khoản 4 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985, nếu chỉ xét về hình phạt  thì khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, vì mức thấp nhất của khung hình phạt là hai mươi năm tù và khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 bỏ tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 điều này”.  Vì vậy, khi áp dụng khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý một số điểm sau:

Nếu hành vi tham ô có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 Điều 278 xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì không áp dụng khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 và cũng không áp dụng khoản 4 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985;

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội tham ô tài sản theo khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới hai mươi năm tù) nhưng không được dưới mười lăm năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 4 là khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự ).

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì: Người phạm tội thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 278 sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự.8

Do điều luật quy định khung hình phạt có ba mức khác nhau và để việc áp dụng thống nhất pháp luật Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15-3-2001 dẫn áp dụng một số quy định của các Điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 Bộ luật hình sự. Theo hướng dẫn này thì:

Trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ tương đương nhau thì xử phạt người phạm tội mức án tương ứng với giá trị tài sản bị chiếm đoạt như sau:

- Xử phạt hai mươi năm tù nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng;

- Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ một tỷ đồng đến dưới ba tỷ đồng;

- Xử phạt tử hình nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ ba tỷ đồng trở lên.

Trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà không có tình tiết tăng nặng hoặc có ít tình tiết tăng nặng hơn, đồng thời đánh giá tính chất giảm nhẹ và tính chất tăng nặng xét thấy có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nhẹ hơn, cụ thể như sau:

- Xử phạt tù từ mười lăm năm đến dưới hai mươi năm nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng (trường hợp này phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự);

- Xử phạt hai mươi năm tù nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ một tỷ đồng đến dưới ba tỷ đồng;

- Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ ba tỷ đồng trở lên.

Trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ hơn, đồng thời đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ xét thấy cần tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, thì có thể phạt người phạm tội mức hình phạt nặng hơn mức hình phạt được hướng dẫn trên, cụ thể như sau:

- Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng;

- Xử phạt tử hình nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ một tỷ  đồng trở lên.

Trong trường hợp theo hướng dẫn thì người phạm tội phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội  đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội) thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.

Được coi là đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt nếu:

- Đã bồi thường được ít nhất  một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt; 

- Đã bồi thường được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn... đến mức tối đa).

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội tham ô tài sản

Theo quy định tại khoản 5 Điều 278 Bộ luật hình sự thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội tham ô tài sản còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

So với tội tham ô tài sản quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985 thì hình phạt bổ sung đối với tội tham ô tài sản quy định tại Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 có những điểm được sửa đổi bổ sung như sau:

Nếu Điều 142 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định quản lý tài sản xã hội chủ nghĩa từ hai năm đến năm năm”, thì khoản 5 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”. Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đối với người phạm tội tham ô trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 5 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Nếu Điều 142 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “có thể bị phạt tiền đến ba mươi triệu đồng và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, thì khoản 5 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”. Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt tiền đối với người phạm tội tham ô trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì không được áp dụng khoản 5 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 mà phải áp dụng Điều 142 Bộ luật hình sự năm 1985 đối với người phạm tội. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự thì có thể phạt dưới mười triệu đồng nhưng không được dưới một triệu đồng vì theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Bộ luật hình sự mức phạt tiền không được dưới một triệu đồng.

 

2. TỘI NHẬN HỐI LỘ

Điều 279.   Tội nhận hối lộ  

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào  có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

đ) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm  mươi triệu đồng;

g)  Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm  năm đến hai mươi năm:

a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a)  Của hối lộ  có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Định Nghĩa: Nhận hối lộ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

          Cùng với tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ cũng được Nhà nước ta quy định từ rất sớm ngay sau khi giành được chính quyền. Điều 1 Sắc lệnh số 223-SL ngày 17-11-1946 quy định: Công chức nhận hối lộ bị phpha tù từ 5 năm đến 20 năm và phạt bạc gấp đôi tang vật hối lộ. Tang vật hối lộ bị tịch thu sung công. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu nhiều nhất là đến ba phần tư gia sản. Tuy nhiên, tệ hối lộ lại chỉ phát triển trong những gia đoạn nhất định. Nếu trong thời kỳ đất nước tập trung cho hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thì tệ tham ô, hối lộ, tính chất, mức độ chưa nghiêm trọng như trong giai đoạn hiện nay khi mà Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cũng chính vì vậy, sau khi Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành, cùng với nhiều tội phạm khác, Điều 226 quy định về tội nhận hối lộ được sửa đổi, bổ sung tới ba lần: Lần thứ nhất vào ngày 12-8-1991, lần thức hai vào ngày 22-12-1992 và lần thứa ba vào ngày 10-5-1997. Mặc dù đã sau ba lần sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh phong chống loại tội phạm này trong tình hình hiện nay. Nhiều trường hợp nhận hối lộ rất nghiêm trọng thậm chí đặc biệt nghiêm trọng, nhưng do có quan điểm khác nhau về đánh giá chứng cứ hoặc, về xác định các tình tiết của vụ án, về các dấu hiệu cấu thành tội nhận hối lộ, nên không truy cứu trách nhiệm hình sự, để lọt tội phạm.

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

Cũng như tội tham ô, đối với tội nhận hối lộ, các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm là các dấu hiệu quan trọng nhất để xác định hành vi phạm tội, là dấu hiệu phân biệt sự khác nhau giữa tội hối lộ với các tội phạm khác do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện.

Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội nhận hối lộ cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội nhận hối lộ, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:

Trước hết, người phạm tội nhận hối lộ phải là người có chức vụ, quyền hạn, nhưng lại không giống như người có chức vụ, quyền hạn trong tội tham ô tài sản.  Nếu người có chức vụ, quyền phạm tội tham ô tài sản phải là người có liên quan đến việc quản lý tài sản, thì người có chức vụ, quyền hạn phạm tội nhận hối lộ không nhất thiết phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản. Phạm vi chức vụ, quyền hạn của người phạm tội nhận hối lộ rộng hơn. Tuy nhiên, người phạm tội nhận hối lộ lại không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản lý mà là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

Người có chức vụ, quyền hạn là người đã được nêu ở phần khái niệm các tội phạm về chức vụ. Tuy nhiên, đối với chủ thể của tội nhận hối lộ có tổ chức, ngoài những người có chức vụ, quyền hạn còn có thể có những người không có chức vụ, quyền hạn là chủ thể của tội phạm nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi dục, người giúp sức còn người thực hành nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Người có chức vụ, quyền hạn, phải là người có trách nhiệm trong việc giải quyết những yêu cầu của người đưa hối lộ. Những yêu cầu đó có thể là yêu cầu về lợi ích vật chất hoặc phi vật chất của người đưa hối lộ. Tuy nhiên, người có chức vụ, quyền hạn khi giải quyết những yêu cầu của người đưa hối lộ phải là việc thực hiện công vụ. Nếu có chức vụ, quyền hạn khi giải quyết yêu cầu cho người khác để nhận tiền hoặc lợi ích vật chất của họ, nhưng không phải là thực hiện cong vụ thì không phải là nhận hối lộ. Ví dụ: Anh Nguyễn Trọng L là Giảng viên của Trường đại học GT , Ký hợp đồng với Công ty trách nhiệm hữu hạn vẽ thiết kế cho một công trình năm trong dự án phát triển miền núi. Do muốn thay đổi thiết kế, nên bên B (đơn vị thi công) đề nghị anh L vẽ lại thiết kế, anh L nhận lời và đề nghị phải được sự đồng ý của bên A và Công ty trách nhiệm hữu hạn vì anh chỉ là người thực hiện hợp đồng. Để việc thay đổi thít kế nhanh chóng, một số cán bộ bên B đã đưa cho anh L nhiều lần với tổng số tiền gần 10.000.000 đồng. Trong trường hợp này, nếu xét về mối quan hệ giữa anh L với đơn vị thi công là mối quan hệ giữa người giải quyết yêu cầu với người yêu cầu, anh L cũng là người có chức vụ, quyền hạn nhất định trong việc giải quyết yêu cầu cho bên B, nhưng việc anh L giải quyết yêu cầu cho bên B không phải là thi hành công vụ mà là thực hiện một nhiệm vụ tư, vì hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn không phải là thi hành công vụ. Do đó, việc anh L nhận tiền của bên B và hứa sẽ giải quyết là sai nhưng không phải là hành vi nhận hói lộ. Cũng hành vi này nhưng nếu anh L thực hiện nhiệm vụ do Ban giám hiệu nhà trường giao thì hành vi của anh L lại là hành vi nhận hối lộ. Vì vậy, việc xác định tư cách chủ thể của tội nhận hối lộ là rất quan trọng.   

Người có trách nhiệm đối với việc giải quyết yêu cầu của người đưa hối lộ là người được giao nhiệm vụ và do nhiệm vụ đó mà họ quyền đối với việc giải quyết yêu cầu của người khác. Những người này, muốn xác định chỉ cần căn cứ vào Điều 1 Pháp lệnh cán bộ công chức và Nghị định số 95-1998/NĐ-CP ngày 17-11-1998 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức như đã phân tích ở phần thứ nhất.

Việc xác định trách nhiệm của một người đối với việc giải quyết yêu cầu của người đưa hối lộ là rất quan trọng, vì trong thực tế không ít trường hợp người đưa hối lộ cứ tưởng rằng người mà mình đưa hối lộ là người có trách nhiệm giải quyết được yêu cầu của mình. Ví dụ: Phạm Thanh B là thư ký phiên toà, biết được chủ trương của Hội đồng xét xử là sẽ cho bị cáo Phạm Quốc Đ được hưởng án treo, nên B đã tìm gặp Đ và gợi ý rằng, B có quan hệ thân thiết với vị Thẩm phán chủ toạ phiên toà, có thể xin cho Đ được hưởng án treo. Đ tin là B nói thật nên đã đưa cho B 5.000.000 đồng và nhờ B lo giúp, xong việc sẽ hậu tạ thêm. Sau khi nhận tièn của Đ, B không hề có tác động nào với chủ toạ phiên toà và tin rằng Đ sẽ được hưởng án treo, nhưng tại phiên toà, do có những tình tiết khác với hồ sơ vụ án, nên Hội đồng quyết định phạt Phạm Quốc Đ hai năm tù giam. Vì không đáp ứng được yêu cầu, nên Phạm Quốc Đ đã tố cáo hành vi nhận hối lộ của Phạm Thanh B. Trong vụ án này, đúng là B là người có chức vụ quyền hạn, nhưng không phải là người có trách nhiệm giải quyết yêu cầu của Đ, nhưng Đ lại tưởng lầm là B có trách nhiệm giải quyết yêu cầu của mình nên đưa hối lộ cho B. Hành vi của Đ là hành vi đưa hối lộ, nhưng hành vi của B lại là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không phải là hành vi nhận hối lộ. 

Cũng như chủ thể của tội tham ô tài sản, chủ thể của tội nhận hối lộ là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn mới nhận hối lộ được. Tuy nhiên, khẳng định này chỉ đúng đối với trường hợp vụ án nhận hối lộ không có đồng phạm, còn trong vụ án có đồng phạm thì có thể có cả những người không có chức vụ, quyền hạn nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi dục, người giúp sức, còn người thực hành trong vụ án có đồng phạm, thì nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Tương tự như đối với tội tham ô tài sản, nếu người phạm tội chỉ nhận hối lộ  dưới 500.000 đồng thì phải là người trước đó đã bị xử lý kỷ luật về hành vi nhận hối lộ bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong Điều lệ của tổ chức và chưa hết thời hạn được xoá kỷ luật, nay lại có hành vi nhận hối lộ. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý kỷ luật, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi nhận hối lộ thì cũng chưa cấu thành tội phạm này. Ví dụ: Đặng Văn H là cán bộ tín dụng Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo về hành vi thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định tài sản thế chấp nên Ngân hàng đã cho vay không đúng với quy định. Trong thời gian chưa quá một năm kẻ từ ngày có quyết định kỷ luật, Đặng Văn H lại nhận hối lộ 400.000 đồng của Bùi Văn Q để xác nhận không đúng giá trị tài sản thế chấp để Bùi Văn Q được vay 100.000.000 đồng của Ngân hàng. Mặc dù Đặng Văn H đã bị xử lý kỷ luật, nhưng không phải do hành vi nhận hối lộ mà là do hành vi thiếu trách nhiệm nên hành vi nhận hối lộ 400.000 đồng của H chưa cấu thành tội phạm.

Nếu người phạm tội nhận hối lộ có giá trị dưới 500.000 đồng nhưng đã  bị két án về về một trong các tội quy định tại mục A chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì  hành vi nhận hối lộ đã cấu thành tội phạm và người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ.

Đã bị kết án về tội quy định tại mục A chương này chưa được xoá án tích mà còn vi phạm là trường hợp, trước khi thực hiện hành vi nhận hối lộ, người phạm tội đã bị Toà án kết án về một trong các tội: Tội tham ô tài sản ( Điều 278); tội nhận hối lộ ( Điều 279); tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản ( Điều 280); tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ ( Điều 281); tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ ( Điều 282); tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi ( Điều 283) và tội giả mạo trong công tác (Điều 284), nhưng chưa được xoá án tích theo quy định tại Điều 77 Bộ luật hình sự. Nếu người phạm tội bị kết án về tội phạm khác (không phải là một trong 7 tội phạm trên) hoặc tuy đã bị kết án về một trong 7 tội phạm trên nhưng đã được xoá án tích thì cũng chưa cấu thành tội nhận hối lộ.

Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người đồng phạm khác trong vụ án thì họ cũng chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2. khoản 3 và khoản 4 Điều 279 Bộ luật hình sự, vì các trường hợp nhận hối lộ quy định tại các khoản trên là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với những người này họ chỉ có thể là đồng phạm trong vụ án nhận hối lộ với vai trò giúp sức, vì những người này chưa thể trở thành cán bộ, công chức. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cũng có trường hợp người dưới 16 tuổi lại là người chủ mưu, khởi xướng, giúp sức trong vụ án nhận hối lộ có đồng phạm như: Được người có chức vụ, quyền hạn giao cho đi nhận tiền của người đưa hối lộ, được giao đưa thư, đưa tài liệu...

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự mà chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ  theo khoản 1 của Điều 279 Bộ luật hình sự, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội nhận hối lộ quy định tại khoản 1 của điều luật là tội phạm nghiêm trọng.

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Có thể xác định được ngay khách thể của tội nhận hối lộ là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, cao hơn là chính thể bị sụp đổ. Vì vậy, hối lộ cùng với tham ô được Đảng và Nhà nước ta coi là quốc nạn, phải đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi.

Hầu hết hành vi nhận hối lộ của người có chức vụ, quyền hạn là làm trái công vụ được giao, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên, cá biệt có trường hợp người có chức vụ, quyền hạn nhận hối lộ nhưng vẫn làm đúng chức năng nhiệm vụ, nhưng cho dù có làm đúng đi nữa thì hành vi nhận hối lộ của họ cũng đã xâm phạm đến uy tín của cơ quan, tổ chức mà họ là thành viên. Ví dụ: theo quy định của pháp luật thì Nguyễn Văn D có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho bà Lê Thị H, nhưng D vẫn sách nhiễu đòi bà H phải đưa cho D số tiền 4.000.000 đồng thì D mới cấp giấy cho bà H. Cho dù việc làm của D là đúng pháp luật, nhưng uy tín của cơ quan mà D là thanh viên bị mang tiếng là cái gì cũng phải có tiền mới xong. Tình trạng này hiện nay ở nước ta khá phổ biến, nhất là đối với các cơ quan, tổ chức có quyền “cho”, khi người khác có nhu cầu “xin”. Tạo ra tâm lý là cái gì cũng phải có tiền mới xong.

Vì vậy, dù người chức vụ, quyền hạn giải quyết đúng pháp luật nhưng nhận hối lộ để giải quyết theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì hành vi nhận hối lộ vẫn xâm phạm đến sự hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức.

Đối tượng tác động của tội nhận hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Về tiền hoặc tài sản không có gì cần trao đổi nhưng đối với lợi ích vật chất khác thì có nhiều ý kiến khác nhau:

Có ý kiến cho rằng, điều luật quy định lợi ích vật chất khác là không cần thiết. Bởi lẽ, ngoài tiền hoặc tài sản ra thì khó có thể xác định được lợi ích vật chất khác là gì, vì đã là lợi ích vật chất thì chỉ tồn tại dưới hai dạng tiền hoặc tài sản, không có cái gọi là lợi ích vật chất phi tài sản, ngoài tài sản và tiền bạc ra không thể xác định lợi ích vật chất nào khác.

Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp người nhận hối lộ không nhận tiền hoặc tài sản, nhưng cái mà họ được người đưa hối lộ lại là một lợi ích vật chất, nhưng lợi ích này không tính ra tiền được hoặc chưa tính ra được bằng tiền. Ví dụ: Hứa cho hưởng hoa lợi, hưởng lãi suất cao, hứa cho đi du học v.v... các lợi ích này tuy là lợi ích vật chất nhưng lại không tính ra được bằng một số tiền cụ thể, có cũng không tồn tại dưới dạng tài sản cụ thể. Chính vì vậy, nhà làm luật quy định lợi ích vật chất khác cũng là để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này trong tình hình hiện nay.

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

Đối với tội nhận hối lộ, các dấu hiệu thuộc mặt khác quan cũng là những dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội cũng như để phân biệt tội nhận hối lộ với các tội phạm khác.

a. Hành vi khách quan

Trước hết, cũng tương tự như tội tham ô tài sản, người phạm tội nhận hối lộ phải là người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình. Nếu ở tội tham ô tài sản, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn là để chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản lý, thì ở tội nhận hối lộ người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà mình có để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ. Có thể nói thủ đoạn của hai tội phạm này như nhau chỉ khác nhau ở mục đích thực hiện hành vi.  

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ. Ví dụ: Lý Công C là cán bộ tổ chức cơ quan X đã lợi dụng việc được Cơ quan giao cho nhiệm vụ tìm người thay một cán bộ sắp nghỉ hưu. Do nhu cầu hợp lý hoá gia đình, nên chị Nguyễn Thị M đang công tác ở Quảng Ninh có nguyện vọng xin về Hà Nội công tác, mặc dù chị M không đủ điều kiện vào cơ quan vì chưa có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành, nhưng C vẫn hứa với chị M là lo được. Chị M đã đưa cho C 5 chỉ vàng và hứa khi nào xong việc sẽ đưa nột cho C 5 chỉ vàng nữa. Sau khi nhận vàng của chị M, C đã báo cáo lãnh đạo cơ quan là chị C có đủ điều kiện, nên thủ trưởng cơ quan đã ra quyết định tiếp nhận chị M về cơ quan, nhưng khi kiểm tra lại hồ sơ, Trưởng phòng tổ chức, cán bộ mới phát hiện chị M không đủ điều kiện vào cơ quan công tác.

Tuy nhiên, người phạm tội  có việc lợi dụng chức vụ để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ thì mới bị coi là nhận hối lộ. Nếu hành vi để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ do người có chức vụ, quyền hạn  thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không bị coi là nhận hối lộ. Ví dụ: Hoàng Thanh Q quen Bùi Văn Th là Phó trưởng phòng kiểm sát án dân sự của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. T đặt vấn đề với Th giúp đỡ em trai của Q là Hoàng Thanh C bị Công an bắt về tội mua bán trái phép chất ma tuý, Th nhận lời và hứa với Q  sẽ xin cho C được tại ngoại. Q đã đưa cho Th 10.000.000 đồng để Th lo giúp. Sau khi nhận tiền, Th đã gặp anh Vũ Quốc K là Kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc điều tra vụ án này. Th nói với anh Q cố gắng giúp đỡ, nếu C được tại ngoại gia đình C sẽ không quên ơn; anh K thấy Th là người cùng cơ quan lại là lãnh đạo của một Phòng, nên đã nhận lời và đè xuất tạm tha Hoàng Thanh C. Sau khi C được tạm tha, gia đình C kể cho người quen biết phải mất 10.000.000 đồng. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh biết được tin, đã kiểm tra và sự việc bị bại lộ. Trong trường hợp này mặc dù Bùi Văn Th có chức vụ, quyền hạn và cũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhưng việc nhận tiền của Hoàng Thanh Q lại không liên quan đến chức vụ, quyền hạn của Th. Th cũng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện yêu cầu của Q, vì Th không phải là người được giao trách nhiệm giải quyết yêu cầu của người đưa hối lộ, mà chỉ lợi dụng ảnh hưởng của mình đối với anh K để trục lợi.

Trực tiếp hoặc qua trung gian để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ

Trực tiếp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ là trường hợp người nhận hối lộ trực tiếp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ không thông qua người khác như: A đưa hối lộ cho B bằng cách trực tiếp cầm tiền giao cho B hoặc chuyển tiền vào tài khoản của B tại ngân hàng.

Việc trực tiếp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ, thực tiễn không có vấn đề vướng mắc. Tuy nhiên, cần phân biệt trường hợp người trực tiếp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người khác nhưng người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác lại không phải là người đưa hối lộ, cũng không phải là người môi giới hối lộ nhưng người nhận tiền vẫn là người nhận hối lộ. Ví dụ: Trong vụ án Tân Trường Sanh, cán bộ Phòng chống buôn lậu Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh mỗi lần nhận “tiền thưởng” của người có trách nhiệm phát, họ chỉ biết đó là tiền do các chủ hàng “bồi dưỡng” còn cụ thể tiền đó ai đưa, ai  nhận họ không quan tâm. Mặc dù người phát tiền cho họ không phải là người đưa hối lộ cũng không phải là người môi giới hối lộ, mà người đưa tiền thực chất là người được phân công chia của hối lộ trong vụ nhận hối lộ tập thể (có tổ chức).

Qua trung gian để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ là trường hợp người nhận hối lộ không trực tiếp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ hoặc người đưa hối lộ không trực tiếp đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người nhận hối lộ. Qua trung gian không nhất thiết là chỉ qua người thứ ba mà có thể qua nhiều người, nhiều khâu nhưng cuối cùng thì tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ cũng đến với người nhận hối lộ.

Trường hợp qua trung gian để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, không nhất thiết người nhận hối lộ phải biết người đưa hối lộ là ai, chỉ cần biết đó là của hối lộ là đã bị coi là nhận hối lộ. Tuy nhiên, người nhận hối lộ phải biết nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác là nhận của hối lộ, nếu có căn cứ xác định người nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác nhưng không biết đó là của hối lộ thì người nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác đó không bị coi là nhận hối lộ. Ví dụ: Ông Vũ Ngọc P là Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện M được giao làm chủ dự án phát triển khu định canh định cư, đã phê duyệt dự án. Sau khi phê duyệt, ông P đi học ở Hà Nội. Trong quá trình thi công, Đỗ Quốc B đại diện cho bên thi công, đã chỉ đạo cấp dưới đem một xe máy, một ti vi và một tủ lạnh đến nhà ông P nói dói với vợ ông P là ông B nhờ mua; bà H vợ ông P tưởng thật nên đã nhận số tài sản trên. Khi ông P về mới biết B cho người đưa tài sản đến gia đình ông trong lúc ông đi vắng. Ông P đã gọi B đến và trả lại số tài sản trên.

Tuy nhiên, hiện nay thủ đoạn nhận hối lộ diễn ra rất phức tạp, thường thì người nhận hối lộ không trực tiếp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ mà để cho cho người thân của mình như: Bố, mẹ, vợ, chồng, con...nhận. Có trường hợp người thân của người phạm tội nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác thông qua việc giao dịch mua bán tài sản như: Người đưa hối lộ mua tài sản của gia đình người nhận hối lộ với giá gấp 5 gấp 10 lần giá trị thật của tài sản đó. Ví dụ: Trịnh Vĩnh B đã mua của gia đình ông Trọng M một mảnh đất với giá 200 lượng vàng, trong khi đó mảnh đất này nếu tính theo giá thực vào thời điểm trao đổi chỉ khoảng 50 lượng vàng. Cũng có trường hợp nhân dịp ma chay, cưới hỏi, sinh nhật, lễ tết... để nhận hối lộ nhưng lại được lại được ngụy trang bởi những lý do có vẻ chính đáng.

Pháp luật của ta chưa quy định giá trị tài sản bao nhiêu thì được coi là hối lộ hay chỉ là nhận quà biếu, nên thực tiễn xét xử không ít trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng khi xác định hành vi nhận hối lộ hay chỉ là nhận quà biếu.

Có ý kiến cho rằng, căn cứ vào khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự thì, quà biếu là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị dưới 500.000 đồng, vì trên 500.000 đồng là bị coi là nhận hối lộ. Tuy nhiên, nếu hiểu như vậy, thì lại quá máy móc, vì trên thực tế có những món quà có giá trị hàng chục triệu đồng nhưng nó vẫn là quà biếu, ngược lại có tài sản chỉ có giá trị vài trăm ngàn đồng nhưng nó lại là của hội lộ. Vì vậy, giá trị tài sản không phải là căn cứ để phân biệt hành vi nhận hối lộ hay chỉ là nhận quà biếu, mà còn phải căn cứ cào những dấu hiệu khác của tội phạm này.

Đã nhận nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác Là trường hợp người nhận hối lộ đã nhận được tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà người đưa hối lộ trực tiếp hoặc qua trung gian giao cho, tức là người nhận hối lộ đã chiếm hữu số tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác như: đã cầm tiền, đã cầm tài sản, tiền đã được chuyển vào tài khoản của mình ( Ngân hàng đã báo có)...

Sẽ nhận nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác là trường hợp người đưa hối lộ hứa sẽ giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người nhận hối lộ nhưng chưa giao. Người nhận hối lộ và người đưa hối lộ mới thoả thuận với nhau về của hối lộ, nhưng chưa có việc giao nhận của hối lộ. Ví dụ: Trần Ngọc C là cán bộ kiểm lâm thuộc Chi cục kiểm lâm tỉnh B bắt được Nguyễn Văn S mua bán động vật quý hiếm. C yêu cầu S đưa cho C 10.000.000 đồng thì tha cho đi; vì không đem theo tiền, nên Nguyễn Văn S hứa nếu C không xử lý, S sẽ đưa cho C 10.000.000 đồng. Để làm tin, C yêu cầu S viết một giấy nhận nợ  C số tiền 10.000.000 đồng.

Dù người nhận hối lộ đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ thì cũng không vì thế mà cho rằng, trường hợp đã nhận là tội phạm hoàn thành còn trường hợp sẽ nhận là tội phạm chưa hoàn thành, vì giá trị của hối lộ không phải là hậu quả của tội phạm mà nó chỉ là phương tiện để thực hiện tội phạm, một dấu hiệu khách quan của tội nhận hối lộ, vì tội nhận hối lộ không phải là tội phạm có tính chất chiếm đoạt, nên hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác không phải là hành vi chiếm đoạt.

Hành vi trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào là việc nhận của hối lộ không bị phụ thuộc vào thủ đoạn mà người đưa và nhận hối lộ thực hiện. Hình thức ở đây là hình thức nhận hối lộ chứ không phải là hình thức giao nhận tiền, nên khi xác định hình thức nhận hối lộ trong một số trường hợp núp dưới danh nghĩa tưởng như hợp pháp thì cần xác định hình thức đó chính là thủ đoạn đưa và nhận hối lộ, còn hình thức cụ thể đó chỉ là thủ đoạn giảo quyết để che giấu tội phạm. Tuy nhiên, nếu hình thức đó không phải là thủ đoạn đưa và nhận hối lộ thì đó lại là một quan hệ thuộc các lĩnh vực dân sư, kinh tế, hành chính hoặc chỉ là quan hệ thuộc lĩnh vực đạo đức. Ví dụ: Thông qua một hợp đồng mua bán, nhưng hợp đồng mua bán đó về hình thức và nội dung đều đúng với quy định của pháp luật; người mua chuyển tiền, người bán giao hàng với giá cả thoả thuận thì không thể coi đó là thủ đoạn đưa và nhận hối lộ được.

Như vậy hình thức nhận hối lộ không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với cấu thành tội nhận hối lộ, nhưng căn cứ vào hình thức ta xác định được thủ đoạn của hành vi nhận hối lộ do người phạm tội thực hiện. Trong nhiều trường hợp chính thông qua hình thức nhận hối lộ giúp ta xác định được đó là thủ đoạn nhận hối lộ hay chỉ là quan hệ xã hội khác. Ví dụ: Cũng là việc nhận quà biếu, trong một hoàn cảnh cụ thể này thì đó là thủ đoạn của hành vi nhận hối lộ, nhưng đặt nó trong một hoàn cảnh khác thì đó lại là quan hệ thuộc lĩnh vực đạo đức. Nhà làm luật quy định “dưới bất cứ hình thức nào” là nhằm bảo đảm không lọt bất cứ một thủ đoạn nào mà người phạm tội sử dụng để nhận hối lộ là rất cần thiết. Tuy nhiên, cũng chính do quy định này nên trong việc xác định đâu là thủ đoạn nhận hối lộ, đâu là quan hệ xã hội khác là một vấn đề phức tạp đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải đánh giá một cách tổng hợp tất cả các tình tiết của vụ án một cách khách quan, toàn diện để tìm ra sự thật.

Để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ

Đây là dấu hiệu rất quan trọng thuộc mặt khách quan của tội phạm này và thực tiễn xét xử khi xác định dấu hiệu này của tội nhận hối lộ trong nhiều vụ án các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng còn có nhiều ý kiến khác nhau dẫn đến việc xác định hành vi phạm tội cũng rất khác nhau. Quan niệm chung của xã hội khi đánh giá một hành vi đưa và nhận hối lộ là phải có tiền thì mới được việc dù việc đó giải quyết đúng hay sai người có yêu cầu giải quyết không quan tâm. Ví dụ: Để xin cho con vào học ở một trường chuyên, một phụ huynh đã phong bao cho ông Hiệu trưởng 5.000.000 đồng, mặc dù con mình vẫn đủ điểm để được vào học trường đó; việc ông Hiệu trưởng chấp nhận cho con của phụ huynh này vào học là việc làm đúng quy định. Mặc dù việc tiếp nhận con của vị phụ huynh vào trường là hoàn toàn đúng quy định, không trái pháp luật nhưng hành vi nhận 5.000.000 đồng của ông Hiệu trưởng vẫn là hành vi nhận hối lộ. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, nếu con của vị phụ huynh trên không đủ điều kiện vào học trường chuyên, vì nhận 5.000.000 đồng nên ông Hiệu trưởng mới nhận học sinh đó vào trường thì hành vi của ông Hiệu trưởng mới là hành vi nhận hối lộ, vì ông đã nhận tiền để làm trái công vụ. Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cũng thường nêu ra lý do người nhận hối lộ không làm trái công vụ để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc giảm nhẹ hình phạt và coi đây là một tình tiết giảm nhẹ đặc biệt.

Để làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ là hành vi của người nhận hối lộ đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để giải quyết cho người đưa hối lộ một việc nào đó, mà việc đó có lợi cho chính người đưa hối lộ như:  Thẩm phán nhận hố lộ của bị cáo để cho bị cáo được hưởng án treo; Điều tra viên nhận hố lộ của bị can đang bị tạm giam để đề xuất thay đổi biện pháp tạm gam thành biệt pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; Kiểm sát viên nhận hối lộ của bị can để ra quyết định đình chỉ điều tra; Thủ trưởng nhận hối lộ của cán bộ cấp dưới để tăng lương, bổ nhiệm, đề bạt họ; Cán bộ của Bộ thương mại nhận hối lộ của doanh nghiệp để cấp “quata” xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp đó; Cán bộ của sở nhà đất hoặc của Uỷ ban nhân dân nhận hối lộ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà.v.v... Có thể nói, trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có thể xẩy ra việc đưa và nhận hối lộ. Tuy nhiên, để phân biệt dấu hiệu này với các dấu hiệu khác, thì chỉ cần xem người phạm tội làm một việc và việc đó đem lại lợi cho người đưa hối lộ hay người khác mà người đưa hối lộ quan tâm. Nếu người nhận hối lộ làm một việc vì lợi ích của chính người đưa hối lộ thì thuộc trường hợp phạm tội  này, nếu người nhận hối lộ làm một việc lại vì lợi ích của người khác không phải của người đưa hối lộ thuộc trường hợp “để làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”.

Để làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ là trường hợp người nhận hối lộ đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để giải quyết cho người đưa hối lộ một việc nào đó, mà việc đó đem lại lợi ích cho người khác mà người đưa hối lộ quan tâm như: Bố mẹ đưa hối lộ để xin học cho con; con đưa hối lộ chạy tội cho bố mẹ; vợ hoặc chồng đưa hối lộ để chạy tội cho chồng hoặc vợ; anh chị em đưa hối lộ để chạy tội cho nhau...Có khi người đưa hối lộ chỉ yêu cầu người nhận hối lộ thi hành nhanh một quyết định của cơ quan, tổ chức có lợi cho người mà người đưa hối lộ quan tâm. Ví dụ: Theo quyết định của Toà án nhân dân quận thì bà Phạm Thị M phải trả nhà cho bà Lê Thị H, nhưng sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bà H nhiều lần làm đơn gửi Phòng thi hành án yêu cầu tổ chức thi hành bản án, nhưng vẫn chưa được đáp ứng. Nguyễn Quốc V là con bà H đã đưa hối lộ cho Trần Tuấn A là Đội trưởng đội thi hành án quận và nhờ A làm việc với Phòng thi hành án ra quyết định cưỡng chế để bà H sớm nhận được nhà.

Không làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ là trường hợp vì đã nhận hối lộ nên người phạm tội không thực hiện một việc mà lẽ ra họ phải thực hiện và do không thực hiện nhiệm vụ đó nên đã đem lại lợi ích cho người đưa hối lộ. Ví dụ: Không thi hành lệnh bắt tạm giam, để người phạm tội bỏ trốn; không ra lệnh thi hành án phạt tù để người bị kêt án bỏ trốn hoặc hết thời hiệu thi hành án; không bắt người đang phá trại giam để bỏ trốn; không thi hành lệnh cưỡng chế giải phóng mặt bằng; không lập biên bản vi phạm trong trường hợp bắt được hàng lậu, hàng cấm; không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội hoặc không kết án người có tội...  Khoa học luật hình sự coi trường hợp phạm tội này là không hành động, tức là không làm một việc mà pháp luật bắt người có chức vụ, quyền hạn phải làm.

Không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ là trường hợp cũng tương tự như trường hợp không làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ, chỉ khác ở chỗ: lợi ích mà người nhận hối lộ đem lại không phải cho người đưa hối lộ mà là cho người khác mà người đưa hối lộ quan tâm, có thể là những người thân của người đưa hối lộ nhưng cũng có thể chỉ là bạn bè của người đưa hối lộ. Ví dụ: Phạm Văn Ph bị bắt về tội cưỡng đoạt tài sản và mặt dù Ph không yêu cầu, cũng không có ý định đưa hối lộ, nhưng vì muốn lo cho Ph nhẹ tội, nên Trần Văn K đã đến gặp và đưa hối lộ cho Nguyễn Văn M là điều tra viên được phân công điều tra vụ án 1.000 USD và nhờ M tìm cách làm nhẹ tội cho Ph.

Tóm lại, bị coi là hành vi nhận hối lộ nếu người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình trực tiếp hoặc quan trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào.

b. Hậu quả

Cũng như hậu quả của các tội phạm khác, hậu quả của tội nhận hối lộ là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội.

Hậu quả của hành vi nhận hối lộ không phải là dấu hiệu bắt buộc, tức là, dù hậu quả chưa xảy ra thì hành vi của người phạm tội vẫn cấu thành tội phạm.

Đối với tội nhận hối lộ, nhà làm luật quy định giá trị của hối lộ làm ranh giới phân biệt tội phạm với hành vi vi phạm, nên có quan điểm cho rằng, giá trị của hối lộ là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm và nếu chưa nhận hối lộ hoặc đã nhận hối lộ nhưng giá trị của hối lộ dưới mức quy định của điều luật thì chưa cấu thành tội phạm; coi gía trị của hối lộ là hậu quả của tội phạm. Đây là sự nhầm lẫn giữa hậu quả của tội phạm với giá trị của hối lộ là dấu hiệu khách quan của tội phạm.

Đối với tội nhận hối lộ, nhà làm luật quy định giá trị của hối lộ từ 500.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu dưới 500.000 đồng thì phải có thêm những điều kiện như: Gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục A chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Quy định này không có nghĩa là trong mọi trường hợp người phạm tội đã nhận hối lộ mà của hối lộ 500.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng có kèm theo điều kiện thì mới cấu thành tội phạm, mà quy định này chỉ đối với trường hợp người phạm tội có ý định nhận hối lộ 500.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng và ngay cả với hai trường hợp này nếu người phạm tội chưa nhận của hối lộ thì hành vi của họ vẫn cấu thành tội phạm nhưng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, nếu người phạm tội mới có ý định nhận hối lộ 500.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng và đã làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ nhưng chưa nhận được của hối lộ thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Nếu người phạm tội nhận hối lộ dưới 500.000 đồng ngoài những điều kiện: Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích đã nêu ở phần các dấu hiệu thuộc về nhân thân người phạm tội thì còn phải gây hậu quả nghiêm trọng thì mới cấu thành tội phạm. Trong trường hợp này, thì hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội nhận hối lộ.

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi nhận hối lộ gây ra là những thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi nhận hối lộ  gây ra nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả nghiêm trọng do hành vi nhận hối lộ gây ra:

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

 - Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.9

4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội nhận hối lộ thực hiện hành vi của mình là cố ý (cố ý trực tiếp), tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; không có trường hợp nhận hối lộ nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn nhận được của hối lộ.

Mặc dù điều luật quy định đã nhận hoặc sẽ nhận, nhưng không vì thế mà cho rằng ý định nhận hối lộ của người phạm tội có sau khi thực hiện hành vi phạm tội, cho dù người phạm tội sẽ nhận của hối lộ sau khi làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì người nhận hối lộ vẫn có ý định nhận của hối lộ trước khi thực hiện hành vi phạm tội. Mục đích của người phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu người phạm tội không có ý định nhận của hối lộ thì dù họ có làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì cũng không phải nhận hối lộ. Ví dụ: Anh Trần Quốc T là Cảnh sát hình sự được đơn vị phân công điều tra truy tìm thủ phạm trong vụ cướp giật dây chuyền vàng của chị Đào Xuân L. Biết được anh T điều tra vụ án, nên chị L  đến gặp anh T đặt vấn đề: “Nếu tìm được sợi dây chuyền chị L sẽ biếu anh T 2.000.000 đồng”. Nghe chị L nói vậy, anh T chỉ cười và nói: “Chúng tôi sẽ làm hết khả năng để tìm được thủ phạm và sợi dây chuyền cho chị.” Khi về đơn vị, anh T kể chuyện cho đơn vị nghe về việc chị L hứa sẽ thưởng 2.000.000 đồng nếu ai tìm được sợi dây chuyền cho chị. Sau một thời gian truy tìm, anh T và tổ công tác đã bắt được thủ phạm cướp giật dây chuyền và mời chị L đến nhận lại. Khi đến nhận lại sợi dây chuyền, chị L kể cho chồng nghe về lời hứa với anh T, nhưng chồng chị L cho rằng anh T đòi hối lộ nên đã làm đơn tố cáo anh T. Sau khi lãnh đạo đơn vị xác minh, thì thấy anh T không hề có ý định nhận hối lộ của chị L, nên đơn vị đã mời vợ chồng chị L đến để giải thích. Chồng chị L xin lỗi anh T về sự nghi ngờ không có căn cứ của mình.

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1. Phạm tội nhận hối lộ  không có các tình tiết định khung hình phạt

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội nhận hối lộ, có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù.

So với tội nhận hối lộ quy định tại Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 179 Bộ luật hình sự năm 1999 không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn và nếu so sánh giữa tội nhận hối lộ quy định tại Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 thì mức cao nhất và mức thấp nhất của khung hình phạt như nhau.

 Nhưng căn cứ vào các dấu hiệu quy định tại khoản 1 của Điều 279 thì khoản 1 Điều 279 có lợi cho người phạm tội hơn khoản 1 Điều 226, vì khoản 1 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định tình tiết “đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” là yếu tố định tội và tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm ” quy định tại khoản 1 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985, nay khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999  quy định lại là “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” cũng là quy định có lợi hơn cho người phạm tội. Do đó, hành vi nhận hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì căn cứ vào các quy định tại khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 để xác định hành vi phạm tội, nhưng khi quyết định hình phạt thì vẫn phải áp dụng khoản 1 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985 đối với người phạm tội.

Khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là bảy năm tù, nên đối với người phạm tội dưới 16 tuổi mà thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 279 thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, như đã phân tích ở phần các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm, người dưới 16 khó có thể trở thành chủ thể của tội nhận hối lộ theo khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự, nhưng về lý thuyết thì vẫn có thể xảy ra bởi vì người dưới 16 tuổi vẫn có thể nhận hối lộ trong trường hợp người này giữ một chức vụ trong lớp học như: Lớp trưởng, lớp phó, bí thư chi đoàn...

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội nhận hối lộ theo khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc nếu có nhưng mức tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới hai năm tù), nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì được hưởng án treo. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì:

- Người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật;

- Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự sẽ được áp dụng hình phạt thấp hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ;

- Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết tăng nặng;

- Người phạm tội đã nhận được của hối lộ phải bị phạt nặng hơn người phạm tội chưa nhận được của hối lộ; giá trị của hối lộ càng lớn, hình phạt càng nặng và ngược lại;

- Người phạm tội đã tự nguyện nộp lại của hối lộ thì được giảm nhẹ hình phạt hơn người không nộp lại của hối lộ.10

2. Phạm tội nhận hối lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự

a.                 Có tổ chức.

Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, nhận hối lộ có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ án nhận hối lộ có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên, mà tuỳ từng trường hợp, có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi dục hoặc người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành. Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên phạm tội nhận hối lộ có tổ chức có những đặc điểm riêng như:

Người thực hành trong vụ án nhận hối lộ có tổ chức phải là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trực tiếp hoặc qua trung gian nhận của hối lộ.

Nhận hối lộ có tổ chức thường khó bị phát hiện, vì có sự cấu kết, phân công vai trò, trách nhiệm của từng người đồng phạm nên khó bị phát hiện. Điển hình cho việc nhận hối lộ có tổ chức là vụ án Tân Trường Sanh, trong đó việc nhận hối lộ xảy ra tại Phòng điều tra chống buôn lậu do Phùng Long Thất cầm đầu. Chỉ khi cơ quan điều tra phát hiện hành vi buôn lậu của Trần Đàm và đồng bọn thì hành vi nhận hối lộ của Phùng Long Thất và đồng bọn mới bị phát hiện. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra truy tố đối với một số cán bộ hải quan thuộc Phòng điều tra chống buôn lậu thuộc Cục hải quan thành phố Hồ Chí Minh, do không nắm chắc các dấu hiệu của hành vi phạm tội có tổ chức, nên đã có quan điểm cho rằng những cán bộ không phải là Trưởng, Phó phòng chỉ phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can từ tội nhận hối lộ sang tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đối với một số cán bộ thuộc Phòng điều tra chống buôn lậu hải quan thành phố Hồ Chí Minh được tách ra từ vụ án Tân Trường Sanh để truy tố xét xử trong vụ án Anh Lâm. Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và bản cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đã quyết định trả hồ sơ và đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố các cán bộ hải quan thuộc Cục hải quan thành phố Hồ Chí Minh về tội nhận hối lộ.

Trong những năm gần đây, nhận hối lộ có tổ chức với quy lớn thường được tổ chức rất chặt chẽ và kèm theo hành vi nhận hối lộ là hành vi tham ô, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm và những hành vi khác gây thiệt hại rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích của cơ quan, tổ chức.

b.                 Lạm dụng chức vụ, quyền hạn

Người phạm tội nhận hối lộ nhất thiết phải là người lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì mới nhận được hối lộ, nếu chỉ có lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà mình có thì đó chỉ là tình tiết là yếu tố định tội, nhưng nếu người nhận hối lộ lại lạm dụng chức vụ, quyền hạn mà mình có để nhận hối lộ thì lại là tình tiết là yếu tố định khung hình phạt.

Lạm dụng chức vụ, quyền hạn là làm một việc vượt quá chức vụ, quyền hạn mà mình có (vượt ra khỏi phạm vi quyền hạn của mình) như: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường ra lệnh bắt người tạm giữ hoặc tạm giam; Trưởng Công an phường, xã bắt người tạm giữ, tạm giam để đòi hối lộ; cán bộ quản lý thị trường ra lệnh khám nhà, khám người v.v...

Để lạm dụng chức vụ, quyền hạn, trước hết người phạm tội phải có chức vụ, quyền hạn nhưng đã sử dụng vượt quá chức vụ, quyền hạn đã có. Nếu một người không có chức vụ, quyền hạn gì nhưng lại mạo danh là mình có chức vụ, quyền hạn đó để lấy của hối lộ thì không phải là lạm dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ mà là hành vi lừa dảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.

Thông thường, người phạm tội trong trường hợp này chỉ lạm dụng quyền hạn, chứ ít khi lạm dụng chức vụ. Tuy nhiên, quyền hạn bao giờ gắn liền với chức vụ, nên khi nói đến lạm quyền cũng là lạm dụng chức vụ. Trước đây, thuật ngữ lợi dụng chức vụ, quyền hạn và lạm dụng chức vụ, quyền hạn được hiểu như nhau. Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản của công dân đã dùng thuật ngữ “lạm dụng chức quyền” để chỉ hành vi phạm tội lạm dụng chức quyền, để chiếm đoạt tài sản của công dân (Điều 8) và được giải thích là: “Lạm dụng chức quyền có thể là làm trong phạm vi quyền hạn của mình hoặc vượt ra khỏi phạm vi quyền hạn của mình”.11

Quá trình phát triển của pháp luật hình sự và qua thực tiễn xét xử các nhà làm luật thấy cần thiết phải phân biệt hai thuật ngữ “lạm dụng chức vụ, quyền hạn” và lợi dụng chức vụ, quyền hạn”. Lạm dụng là có ít mà dùng nhiều, dùng quá mức, vượt ra khỏi phạm vi được phép. Trong cuộc sống chúng ta cũng thường gặp khái niệm lạm dụng như: Lạm dụng việc sử dụng thuốc tân dược, lạm dụng việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc mầu thực phẩm. v.v... và thuật ngữ lạm dụng đã được sử dụng đúng với nghĩa của nó.

c. Phạm tội nhiều lần

Phạm tội nhận hối lộ nhiều lần là có từ hai lần nhận hối lộ trở lên và mỗi lần nhận hối lộ đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý (kỷ luật, phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội nhiều lần.

d. Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước

Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước là trường hợp người nhận hối lộ biết rõ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác là tài sản Nhà nước mà vẫn nhận.

Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định tài sản của Nhà nước mà chỉ quy định tài sản xã hội chủ nghĩa. Việc nhà làm luật thay đổi khái niệm tài sản xã hội chủ nghĩa bằng khái niệm tài sản của Nhà nước không chỉ đơn thuần thay đổi về tên gọi tính chất tài sản mà nó làm thay đổi tính chất, phạm vi áp dụng đối với hành vi phạm tội nói chung và tội nhận hối lộ nói riêng. Tài sản xã hội chủ nghĩa có nội hàm rộng hơn tài sản của Nhà nước. Tài sản xã hội chủ nghĩa bao gồm cả tài sản của các tổ chức kinh tế tập thể, nhưng tài sản của Nhà nước thì chỉ bao gồm tài sản thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.

Về khái niệm tài sản của Nhà nước cho đến nay vẫn còn ý kiến khác nhau, nếu tài sản thuộc quyền sở hữu hoàn toàn của Nhà nước thì không cần phải bàn cãi, nhưng nếu tài sản chỉ thuộc quyền sở hữu một phần của Nhà nước thì vấn đè lại không đơn giản như: Các công ty cổ phần, Công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các đơn vị liên doanh, liên kết giữa Nhà nước với các đơn vị kinh tập thể hoặc tư nhân... Nếu người nhận hối lộ biết của hối lộ là tài sản của các đơn vị kinh tế này thì có coi là tài sản của Nhà nước không ? Đây là vấn chưa được hướng dẫn giải thích nên trong thực tiễn xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng thường có quan điểm khác nhau khi phải xác định tài sản của Nhà nước là yếu tố định khung hình phạt hoặc là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong một số tội phạm.

Có thể còn ý kiến khác nhau về thế nào là tài sản của Nhà nước nhưng chúng tôi cho rằng, về nguyên tắc, tài sản của Nhà nước phải thuộc sở hữu của Nhà nước. Nếu tài sản đó Nhà nước chỉ có quyền sở hữu một phần dù đó là phần lớn thì cũng chưa thể coi đó là tài sản của Nhà nước.

đ. Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt

Tình tiết này chứa đựng ba nội dung khác nhau: Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt. Người phạm tội chỉ thuộc một trong ba trường hợp phạm tội này đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự, nhưng nếu người phạm tội nhận hối lộ thuộc cả ba trường hợp phạm tội này thì cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 của điều luật.

Đòi hối lộ là người nhận hối lộ chủ động yêu cầu người khác phải đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho mình thì mới làm hoặc không làm một việc vì lợi ích của hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Ví dụ: Đinh Minh L là Phó chi cục trưởng chi cục kiểm lâm tỉnh N được phân công giải quyết xử lý hai xe gỗ lậu do tổ công tác kiểm lâm bắt được. Chủ của hai xe gỗ này là Vũ Văn H đã đến nhà L xin được xử phạt hành chính để được xin lại hai xe gỗ trên, nhưng L không đồng ý mà yêu cầu H, muốn xử phạt hành chính thì phải đưa cho L 50.000.000 đồng. Sau khi nhận được 50.000.000 đồng, L đã quyết định xử phạt hành chính và trả hai xe gỗ cho H. 

Thực tiễn xét xử cho thấy người nhận hối lộ không trực tiếp yêu cầu người khác phải đưa hối lộ nhưng lại có thủ đoạn gợi ý hoặc qua trung gian để gợi ý cho người khác đưa hối lộ cho mình. Trường hợp phạm tội này cũng phải coi là đòi hối lộ, thậm chí còn bị coi là dùng thủ đoạn xảo quyệt để đòi hối lộ.

Sách nhiễu là trường hợp người nhận hối lộ gây khó dễ cho người khác để đòi tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của họ như: Đã có quyết định cấp đất nhưng cố tình trì hoãn việc giao quyết định cho người được giao đất; đã có chủ trương đền bù giải phóng mặt bằng nhưng cố tình trì hoãn việc thanh toán cho người được đền bù; đã có bản án có hiệu lực pháp luật, có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành nhưng cố tình trì hoãn việc ra quyết định thi hành án.v.v... Nói chung người sách nhiễu để đòi hối lộ là người không làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người nhận hối lộ sách nhiễu để đòi hối lộ và làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Sách nhiễu là gây chuyện lôi thôi để đòi hối lộ, sách nhiễu, vòi vĩnh để đòi của đút là thói tham lam, xấu xa của bọn quan lại ngày xưa mà nhân dân ta thường lên án. Ngày nay Đảng và Nhà nước ta cũng coi sách nhiễu là hành động tha hoá của một bộ phận công chức trong bộ máy Nhà nước cần phải xử lý nghiêm khắc. Nhà làm luật coi tình tiết sách nhiễu để dòi hối lộ là yếu tố định khung hình phạt cũng là phù hợp với đạo đức xã hội thể hiện được ý chí của nhân dân.

Dùng thủ đoạn xảo quyệt để nhận hối lộ là người phạm tội nhận hối lộ có những mánh khoé, cách thức gian dối, thâm hiểm làm cho người đưa hối lộ hoặc những người khác khó lường thấy được để đề phòng.

Những mánh khoé, cách thức mà người nhận hối lộ sử dụng để nhận hối lộ rất đa dạng, nhưng chỉ coi là dùng thủ đoạn xảo quyệt đối với những mánh khoé, cách thức làm cho người khác dễ bị lừa hoặc nếu biết cũng không đối phó được như: Nhận hối lộ nhưng lại buộc người đưa phải viết giấy bán tài sản cho mình hoặc giấy biên nhận nợ; nhận hối lộ bằng cách buộc người đưa hối lộ mua tài sản của mình với giá gấp nhiều lần so với giá thật; nhận hối lộ bằng cách buộc người đưa hối lộ chuyển vào tài khoản của mình một khoản tiền được ngụy trang dưới một hợp đồng mua bán hay đứng tên người khác...

Nói chung, những mánh khoé, cách thức nhận hối lộ mà người nhận hối lộ sử dụng rất khó phát hiện hoặc nếu có bị phát hiện thì khó tìm được chứng cứ để buộc tội họ.

e. Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng

Đây là trường hợp người phạm tội nhận hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng. Nếu của hối lộ không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản đó là giá thị trường vào thời điểm nhận của hối lộ hoặc đã hứa nhận hối lộ, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Ví dụ: Nguyễn Văn M mua chiếc xe Wave với giá 12.000.000 đồng, nhưng khi đưa hối lộ cho Vũ Ngọc P thì xe Wave của Trung Quốc bị hạ giá chỉ còn 9.000.000 đồng. Nếu tính giá trị chiếc xe khi M mua thì P phạm tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự, nhưng nếu tính giá trị chiếc xe vào thời điểm M đưa hối lộ cho P thì chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị của hối lộ  thì phải trưng cầu giám định (định giá).

Điều luật quy định của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng, chứ không quy định người phạm tội đã nhận được của hối lộ có giá trị như trên, nên chỉ cần xác định người phạm tội sẽ nhận của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng là thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã nhận được hay chưa, không phải là dấu hiệu bắt buộc.

Trường hợp người phạm tội chưa nhận được của hối lộ, thì cũng không vì thế mà cho rằng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt, vì điều luật quy định: “ đã nhận hoặc sẽ nhận”, nên chỉ cần có thoả thuận là sẽ nhận là tội phạm đã hoàn thành. Đây là đặc điểm khác với một số tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt nếu chưa chiếm đoạt được tài sản thì được coi là phạm tội chưa đạt, nhưng đối với tội nhận hối lộ thì dù chưa nhận được của hối lộ vẫn coi là tội phạm đã hoàn thành.

g. Gây hậu quả nghiêm trọng khác

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng quy định ở khoản 1 của điều luật, chỉ khác ở chỗ trường hợp phạm tội này là hậu quả nghiêm trọng do hành vi nhận hối lộ từ 500.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng. Nếu dưới 500.000 đồng mà gây hậu quả nghiêm trọng thì chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật. Được coi là gây hậu quả nghiêm trọng khác nếu do hành vi nhận hối lộ mà:

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.12

 

Tương tự như đối với tọi tham ô, khoản 1 của điều luật chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng còn điểm g khoản 2 của điều luật lại quy định gây hậu quả nghiêm trọng khác, nên có ý kiến cho rằng hậu quả nghiêm trọng khác và hậu quả nghiêm trọng không phải là một.

Nếu sự phân biệt trên là có căn cứ thì khoản 1 của điều luật quy định hậu quả nghiêm trọng cũng khó xác định đâu là hậu quả trực tiếp do hành vi nhận hối lộ gây ra, còn đâu là hậu quả gián tiếp do hành vi nhận hối lộ gây ra ? vì các thiệt hại khác đều là những thiệt hại gián tiếp do hành vi nhận hối lộ gây ra và nó chỉ là hậu quả khác. Do đó có ý kiến cho rằng, khoản 1 điều luật cũng nên quy định gây hậu quả nghiêm trọng khác mới chính xác. Quan điểm này cũng có cơ sở lý luận và thực tiễn. Hy vọng rằng khi có điều kiện, nhà làm luật sẽ nghiên cứu sửa đổi để phù hợp hơn.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

So với khoản 2 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985, nếu chỉ căn cứ vào khung hình phạt thì khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn khoản 2 Điều 226. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 279 có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho người phạm tội. Vì vậy, khi áp dụng khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý:

Nếu hành vi nhận hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý mà của hối lộ từ 30.000.000 đồng đén dưới 50.000.000 đồng thì vẫn áp dụng khoản 2 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985;

Nếu hành vi nhận hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý mà của hối lộ là tài sản xã hội chủ nghĩa nhưng không phải là tài sản của Nhà nước thì chỉ áp dụng khoản 1 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985 mà không áp dụng điểm d khoản 2 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội nhận hối lộ theo khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự, Toà án cũng cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới bảy năm tù) nhưng không được dưới hai năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì, khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 2 là khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự ). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới mười lăm năm tù. Khi cân nhắc để quyết định một mức hình phạt cụ thể đối với người phạm tội nhận hối lộ, Toà án cần căn cứ vào nguyên tắc đã được nêu ở tội tham ô tài sản 13

 

3. Nhận hối lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 279 Bộ luật hình sự

a. Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Giá trị của hối lộ từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng.

Cũng như đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 của điều luật, nếu của hối lộ không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản đó là giá thị trường vào thời điểm nhận của hối lộ hoặc đã hứa nhận hối lộ; chỉ cần xác định người phạm tội sẽ nhận của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng là thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 279 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã nhận được hay chưa, không phải là dấu hiệu bắt buộc; nếu người phạm tội chưa nhận được của hối lộ, thì cũng không vì thế mà cho rằng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm g khoản 2 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Hậu quả do hành vi nhận hối lộ gây ra là hậu quả rất nghiêm trọng khác.

Hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi nhận hối lộ gây ra là những thiệt  rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Cũng như đối với tội tham tài sản, tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng khác do hành vi nhận hối lộ gây ra, nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi nhận hối lộ gây ra:

- Làm chết hai người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến bảy người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;

 Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản thuộc hai đến ba trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Làm chết một người và còn làm bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; Làm chết một người và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. v.v...

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là rất nghiêm trọng.14

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 279 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

So với khoản 3 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985, nếu chỉ căn cứ vào khung hình phạt thì khoản 3 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn khoản 3 Điều 226. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 279 có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho người phạm tội. Vì vậy, khi áp dụng khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý:

- Nếu hành vi nhận hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý mà của hối lộ từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng thì vẫn áp dụng khoản 3 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985;

- Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật thì cũng chỉ áp dụng khoản 2 điều luật mà không áp dụng khoản 3 của điều luật, vì tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều này” khoản 3 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 không còn quy định nữa.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội tham ô tài sản theo khoản 3 Điều 279 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự (từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới mười lăm năm tù) nhưng không được dưới bảy năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 3 là khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự ).

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới hai mươi năm tù. Khi cân nhắc để quyết định một mức hình phạt cụ thể đối với người phạm tội nhận hối lộ, Toà án cần căn cứ vào nguyên tắc đã được nêu ở tội tham ô tài sản 15

4. Nhận hội lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 279 Bộ luật hình sự

a. Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm e khoản 2, điểm a khoản 3 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Giá trị của hối lộ từ ba trăm triệu đồng trở lên.

Cũng như đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 2, điểm a khoản 3 của điều luật, nếu của hối lộ không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản đó là giá thị trường vào thời điểm nhận của hối lộ hoặc đã hứa nhận hối lộ; chỉ cần xác định người phạm tội sẽ nhận của hối lộ có giá trị từ ba mươi triệu đồng trở lên là thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 4 Điều 279 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã nhận được hay chưa, không phải là dấu hiệu bắt buộc; nếu người phạm tội chưa nhận được của hối lộ, thì cũng không vì thế mà cho rằng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

b. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm g khoản 2, điểm b khoản 3 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Hậu quả do hành vi nhận hối lộ gây ra là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác do hành vi nhận hối lộ gây ra là những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Cũng như đối với tội tham tài sản, tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi nhận hối lộ gây ra nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi nhận hối lộ gây ra:

Làm chết ba người trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của tám người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 201% trở lên, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên;

Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc bốn trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng;

Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc hai trường hợp được coi là hậu quả rất nghiêm trọng;

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.16

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 279 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

So với khoản 4 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 4 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn khoản 4 Điều 226, vì khoản 4 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985 có khung hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, còn khoản 4 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt tù hai năm, tù chung thân hoặc tử hình. Mặt khác, khoản 4 Điều 279 không còn quy định tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 Điều này” là yếu tố định khung hình phạt và giá trị của hối lộ quy định tại khoản 4 Điều 279 cũng lớn hơn ( 300.000.000 đồng so với 50.000.000 đồng). Vì vậy, khi áp dụng khoản 3 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý:

- Nếu hành vi nhận hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý mà của hối lộ từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng thì vẫn áp dụng khoản 4 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng khi quyết định hình phạt thì phải căn cứ vào khung hình phạt tại khoản 3 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

- Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 của điều luật thì cũng chỉ áp dụng khoản 3 điều luật mà không áp dụng khoản 4 của điều luật, vì tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 Điều này” khoản 4 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 không còn quy định nữa.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội nhận hối lộ theo khoản 4 Điều 279 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới hai mươi năm tù) nhưng không được dưới mười lăm năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 4 là khoản 3 Điều 279 Bộ luật hình sự ). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tuy có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, là người có nhân thân xấu, không còn khả năng cải tạo thì có thể áp dụng hình phạt tử hình.

Do điều luật quy định khung hình phạt có ba mức khác nhau và để việc áp dụng thống nhất pháp luật Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15-3-2001 dẫn áp dụng một số quy định của các Điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 Bộ luật hình sự. Theo hướng dẫn này thì:

Trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ  hoặc vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ tương đương nhau, thì xử phạt người phạm tội mức án tương ứng với của hối lộ như sau:

- Xử phạt hai mươi năm tù nếu của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới tám trăm triệu đồng;

- Xử phạt tù chung thân nếu của hối lộ có giá trị từ tám trăm triệu đồng đến dưới hai tỷ đồng;

- Xử phạt tử hình nếu của hối lộ có giá trị từ hai tỷ đồng trở lên.

Trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà không có tình tiết tăng nặng hoặc có ít tình tiết tăng nặng hơn, đồng thời đánh giá tính chất giảm nhẹ và tính chất tăng nặng xét thấy có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nhẹ hơn mức án được hướng dẫn trên, cụ thể như sau:

- Xử phạt tù từ mười lăm năm (đối với tội nhận hối lộ) hoặc từ mười ba năm (đối với tội đưa hối lộ) đến dưới hai mươi năm nếu của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới tám trăm triệu đồng (trường hợp này phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS);

- Xử phạt hai mươi năm tù nếu của hối lộ có giá trị từ tám trăm triệu đồng đến dưới hai tỷ đồng;

- Xử phạt tù chung thân nếu của hối lộ có giá trị từ hai tỷ đồng trở lên.

Trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ hơn, đồng thời đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ xét thấy cần tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nặng hơn mức án được hướng dẫn trên, cụ thể như sau:

- Xử phạt tù chung thân nếu của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới tám trăm triệu đồng;

- Xử phạt tử hình nếu của hối lộ có giá trị từ tám trăm triệu đồng trở lên.

Trong trường hợp theo hướng dẫn thì người phạm tội nhận hối lộ phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội nhận hối lộ đã nộp lại một phần đáng kể giá trị của hối lộ (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội đã nộp thay cho người phạm tội), thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và  tuỳ vào giá trị của hối lộ nộp lại mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.

Được coi là đã nộp lại một phần đáng kể giá trị của hối lộ nếu:

- Giá trị của hối lộ đã nộp lại phải được ít nhất một phần hai giá trị của hối lộ đã nhận;

- Giá trị của hối lộ đã nộp lại phải được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị của hối lộ đã nhận, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để nộp lại giá trị của hối lộ đã nhận (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn... đến mức tối đa).

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội nhận hối lộ

Theo quy định tại khoản 5 Điều 279 Bộ luật hình sự thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội nhận hối lộ còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

So với quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 về hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, thì hình phạt bổ sung đối với tội nhận hối lộ quy định tại khoản 5 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 có những điểm được sửa đổi, bổ sung như sau:

- Nếu Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “ có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hainăm đến năm năm”, thì khoản 5 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm”. Nếu căn cứ vào mức hình phạt thì khoản 5 Điều 279 nhẹ hơn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng căn cứ vào nguyên tắc áp dụng hình phạt này thì khoản 5 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định không có lợi cho người phạm tội vì việc áp dụng hình phạt cấm đảm chức vụ đối với người phạm tội nhận hối lộ là bắt buộc “bị cấm”, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định không bắt buộc Toà án phải áp dụng “có thể bị cấm”.

ậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đối với người phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 5 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

- Nếu Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, thì khoản 5 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 lại quy định: “có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Như vậy, việc áp dụng hình phạt tiền hoặc tịch thu tài sản đối với người nhận hối lộ quy định tại khoản 5 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 không còn là bắt buộc nữa. Toà án có thể áp dụng và cũng có thể không áp dụng nếu tháy việc áp dụng hình phạt tiền hoặc tịch thu tài sản đối với người phạm tội là không cần thiết.

 

Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt tiền đối với người phạm tội nhận hối lộ  trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 5 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999.

 

3. TỘI  LẠM DỤNG CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Điều 280.  Tội  lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản 

1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

e) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm  trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a)  Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

Định Nghĩa: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn và đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn đó để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Khác với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ, tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn là tội phạm không được Nhà nước ta quy định sớm mà tội phạm này lần đầu tiên được quy định tai Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản của công dân ngày 21-10-1970 với tội danh là: “Tội lạm dụng chức quyền để chiếm đoạt tài sản của công dân” (Điều 8).

Bộ luật hình sự năm 1985 quy định tội phạm này tại chương: “các tội xâm phạm sở hữu của công dân” (Điều 156). Khi pháp lệnh chống tham nhũng ra đời thì tội phạm này được coi là một trong những tội tham nhũng và được sửa đổi theo Luật sửa đổi, bổ xung một số điều của Bộ luật hình sự được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 10-5-1997. Cùng với tội tham ô tài sản, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trong chương các tội phạm về tham nhũng mà không quy định tại chương các tội phạm xâm phạm sở hữu là đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong tình hình hiện nay.

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm cũng là các dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội; là dấu hiệu phân biệt sự khác nhau giữa tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với các tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt.

Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:

Trước hết, người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Người có chức vụ, quyền hạn là người đã được nêu ở phần khái niệm các tội phạm về chức vụ.

Nếu so sánh với tội tham ô tài sản, thì người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác không phải là người có liên quan đến việc quản lý tài sản; còn nếu so sánh với tội nhận hối lộ, thì người phạm tộilạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản cũng tương tự như người phạm tội nhận hối lộ ở chỗ: Phạm vi chức vụ, quyền hạn của người phạm tội rộng hơn, chỉ khác nhau ở chỗ: Người phạm tội nhận hối lộ lại không có hành vi chiếm đoạt tài sản mà là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ.

Nếu chỉ xét về yếu tố chủ thể thì tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác và tội nhận hối lộ có nhiều điểm tương đồng, chỉ cần căn cứ vào Điều 1 Pháp lệnh cán bộ, công chức và Nghị định số 95-1998/NĐ-CP ngày 17-11-1998 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức như đã phân tích ở phần thứ nhất để xác định thế nào là cán bộ, công chức.

Cũng như chủ thể của tội tham ô tài sản và chủ thể của tội nhận hối lộ, chủ thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn mới chiếm đoạt được tài sản của người khác. Tuy nhiên, khẳng định này chỉ đúng đối với trường hợp vụ án không có đồng phạm, còn trong vụ án có đồng phạm thì có thể có cả những người không có chức vụ, quyền hạn nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi dục, người giúp sức, còn người thực hành, thì nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Tương tự như đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ, nếu người phạm tội chỉ có ý định chiếm đoạt dưới 500.000 đồng thì phải là người trước đó đã bị xử lý kỷ luật về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong Điều lệ của tổ chức và chưa hết thời hạn được xoá kỷ luật, nay lại có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác.

Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý kỷ luật, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác thì cũng chưa cấu thành tội phạm này.

Nếu người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị dưới 500.000 đồng nhưng đã  bị két án về một trong các tội quy định tại mục A chương XXI, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì  hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác đã cấu thành tội phạm và người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác.

Đã bị kết án về tội quy định tại mục A chương này chưa được xoá án tích mà còn vi phạm là trường hợp, trước khi thực hiện hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, người phạm tội đã bị Toà án kết án về một trong các tội: Tội tham ô tài sản ( Điều 278); tội nhận hối lộ ( Điều 279); tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản ( Điều 280); tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ ( Điều 281); tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ ( Điều 282); tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi ( Điều 283) và tội giả mạo trong công tác (Điều 284), nhưng chưa được xoá án tích theo quy định tại Điều 77 Bộ luật hình sự. Nếu người phạm tội bị kết án về tội phạm khác (không phải là một trong 7 tội phạm trên) hoặc tuy đã bị kết án về một trong 7 tội phạm trên nhưng đã được xoá án tích thì cũng chưa cấu thành tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác.

Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người đồng phạm khác trong vụ án thì họ cũng chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác thuộc trường hợp quy định tại khoản 2. khoản 3 và khoản 4 Điều 280 Bộ luật hình sự, vì các trường hợp lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác quy định tại các khoản trên là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với những người này họ chỉ có thể là đồng phạm trong vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác với vai trò giúp sức, vì những người này chưa thể trở thành cán bộ, công chức. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cũng có trường hợp người dưới 16 tuổi lại là người chủ mưu, khởi xướng, giúp sức trong vụ án có đồng phạm như: Được người có chức vụ, quyền hạn giao cho đi nhận tiền của người bị hại; chuyển các yêu cầu của người có chức vụ, quyền hạn đến người bị hại; hứa hẹn chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản cho người có chức vụ, quyền hạn...

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 280 Bộ luật hình sự mà chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này theo khoản 1 của Điều 280 Bộ luật hình sự, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác quy định tại khoản 1 của điều luật chỉ là tội phạm nghiêm trọng.

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm này là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chính quyền; cao hơn là chính thể bị sụp đổ. Vì vậy, tham ô hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác là đối tượng phải đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi.

Tuy nhiên, cũng như đối với tội tham ô tài sản, tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác quy định tại chương các tội phạm xâm phạm sở hữu của công dân (Chương VI phần tội phạm, Bộ luật hình sự năm 1985), nên khách thể của tội phạm này là chế độ sở hữu của công dân. Nay tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác được quy định tại Chương các tội phạm về chức vụ thì khách thể của tội phạm không còn là chế độ sở hữu nữa. Do đó, có ý kiến cho rằng, khách thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác vẫn là quan hệ sở hữu, vì nó trực tiếp xâm phạm đến quan hệ sở hữu.

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, các dấu hiệu thuộc mặt khác quan cũng là những dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội cũng như để phân biệt tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác với các tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt hoặc do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện.

a. Hành vi khách quan

Trước hết, người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, phải là người có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình.

Lạm dụng chức vụ, quyền hạn là hành vi vượt quá quyền hạn của mình, làm trái công vụ để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Theo điều văn của điều luật thì người có chức vụ, quyền hạn chỉ là chủ thể của tội phạm này khi họ lạm dụngchức vụ, quyền hạn mà họ có. Vậy nếu họ không lạm dụng mà chỉ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của người khác thì có phạm tội này không ? Nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản lý là hành vi tham ô, nhưng nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do người khác quản lý thì có phạm tội không, nếu có thì đó là tội gì ?

Lợi dụng và lạm dụng là hai thuật ngữ khác nhau, mặc dù trước đây được giải thích là một. Tuy nhiên, ranh giới giữa hành vi lợi dụng với hành vi lạm dụng không phải bao giờ cũng phân biệt được một cách rạch ròi. Ví dụ: Một cán bộ cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự đường phố đã thu toàn bộ số vé xổ số của người bán vé số trên vỉa hè và chiếm đoạt luôn số hàng đó. Trong trường hợp này, khó có thể xác định người cảnh sát lạm dụng hay lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Nếu cho rằng người cảnh sát lạm dụng chức vụ, quyền hạn thì cũng không sai, bởi lẽ: Theo quy định của pháp luật thì Cán bộ cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự đường phố không có chức năng thu giữ tài sản, việc thu giữ tài sản là vượt quá quyền hạn mà người cảnh sát có. Nhưng nếu cho rằng người cảnh sát này lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì cũng không có gì sai, vì nếu không là cảnh sát thì không được làm nhiệm vụ, mà không được làm nhiệm vụ thì làm sao thu giữ được vé số của người bán vé số trên vỉa hè.

Có thể có trong thực tế có những trường hợp khó phân biệt giữa lạm dụng với lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhưng không vì thế mà cho rằng hai khái niệm là một. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn là hành vi vượt quá giới hạn cho phép. Giới hạn cho phép chính là quyền hạn mà người có chức vụ có; quyền hạn này do pháp luật quy định, thường là do luật tổ chức cơ quan, tổ chức quy định; trong một số trường hợp quyền hạn này do một ngành luật đặc trưng cho nghề nghiệp quy định như: Quyền hạn của những người tiến hành tố tụng trong các vụ án hình sự là do Bộ luật tố tụng hình sự quy định; quyền hạn của cán bộ Hải quan do Pháp lệnh về hải quan quy định. Ví dụ: Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì Thẩm phán Toà án các cấp không có quyền ra lệnh bắt bị cáo tạm giam, cũng như không có quyền trả tự do cho bị cáo đang tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử mà chỉ có Chánh án, Phó chánh án mới có quyền này; Chỉ có Thẩm phán từ cấp tỉnh trở lên chủ toạ phiên toà mới có quyền bắt người để tạm giam.

Vì vậy, khi xác định một người có lạm dụng chức vụ, quyền hạn hay không, trước hết phải căn cứ vào chức vụ họ đang giữ và theo pháp luật thì họ có những quyền gì ? Nếu trong khi thi hành công vụ họ đã thực hiện vượt quá giới hạn cho phép là lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Đây là dấu hiệu cơ bản để phân biệt giữa hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong nhiều tội phạm có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn và lạm dụng chức vụ, quyền hạn.

Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trước đây được quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1985 thuộc nhóm tội có tính chất chiếm đoạt, nay quy định tại chương các tội phạm về chức vụ nhưng tính chất chiếm đoạt của hành vi phạm tội này vẫn không có gì thay đổi. Tuy nhiên, thủ đoạn chiếm đoạt của người phạm tội chủ yếu bằng hình thức công khai trắng trợn, tức là hành vi chiếm đoạt gần như đối với trường hợp cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự, cũng chính vì vậy mà tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự, nhà làm luật không quy định tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” hay “lạm dụng chức vụ, quyền hạn” là yếu tố định khung hình phạt.

Người có chức vụ, quyền hạn, lạm dụng chức vụ, quyền hạn phải chiếm đoạt tài sản của người khác thì mới cấu thành tội phạm này. Nếu không có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác, mà chỉ gây thiệt hại đến lợi ích của người khác thì tuỳ trường hợp mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ theo Điều 282 Bộ luật hình sự; tội nhận hối lộ theo điểm b khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự hoặc tội tha trái pháp luật người đang bị tạm giam, giữ theo Điều 302 Bộ luật hình sự .v.v... Ví dụ: Vũ Quốc H là kỹ sư vẽ thiết kế chỉ giới mở đường đã cố tình thay đổi chỉ giới mở đường để người bị hại tin rằng nhà của mình bị giải toả nên họ đã vội bán với rất rẻ, rồi sau đó lại thay đổi chỉ giới theo đúng thiết kế ban đầu.

Cũng như hành vi chiếm đoạt trong các tội có tính chất chiếm đoạt khác, hành vi chiếm đoạt trong tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác là hành vi chuyển dịch trái phép tài sản thuộc sở hữu hoặc quyền quản lý hợp pháp thành của mình hoặc của người khác mà mình quan tâm. Hành vi chiếm đoạt tài sản vừa là hệ quả vừa là mục đích của hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn của người phạm tội. Mối quan hệ giữa hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn với hành vi chiếm đoạt là mối quan hệ nhân quả, trong đó hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn là nguyên nhân còn hành vi chiếm đoạt là hậu quả.

Mặc dù điều văn của điều luật quy định: “chiếm đoạt tài sản của người khác” nhưng không vì thế mà cho rằng đó chỉ là tài sản của công dân, mà phải hiểu người khác bao gồm: Nhà nước, tổ chức và mọi công dân. Như vậy, người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác không chỉ bao gồm tài sản của công dân mà bao gồm cả tài sản của Nhà nước, của tổ chức. Đây là đặc điểm khác với tội phạm lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của công dân quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1985.

Tuy nhiên, về lý luận, cũng như thực tiễn xét xử có trường hợp người phạm tội không lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản do chính mình quản lý thì hành vi của người phạm tội cấu thành tội tham ô tài sản hay tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác ?

Nếu xác định hành vi của người phạm tội là hành vi tham ô tài sản thì không thoả mãn dấu hiệu “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”, còn nếu xác định hành vi của người phạm tội là hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thì lại không thoả mãn dấu hiệu “chiếm đoạt tài sản của người khác”. Có ý kiến cho rằng, không thể có trường hợp người phạm tội tham ô tài sản có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do chính mình có trách nhiệm quản lý; nếu có thì hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn của họ cũng không có ý nghĩa vì trên thực tế họ chỉ lợi dụng chức vụ, quyền hạn là đủ, còn nếu trong khi lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà họ vượt quá quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản do chính mình có trách nhiệm quản lý thì cũng không vì thế mà cho rằng, họ không lợi dụng chức vụ, quyền hạn; chẳng qua là do họ lợi dụng một cách thái quá mà thôi. Hơn nữa dấu hiệu chiếm đoạt tài sản là chiếm đoạt tài sản do chính người phạm tội có trách nhiệm quản lý nên họ vẫn phạm tội tham ô tài sản. Theo chúng tôi, có thể còn ý kiến khác nhau về trường hợp này, nhưng ý kiến trên có nhân tố hợp lý của nó và có như vậy, thì mới lý giải được những vướng mắc khi mà pháp luật quy định còn những điểm còn mâu thuẫn. Nếu tội tham ô tài sản cũng quy định tình tiết lạm dụng chức vụ, quyền hạn là yếu tố định khung hình phạt như đối với tội nhận hối lộ thì vẫn đề sẽ đơn giản hơn. Hy vọng rằng, khi có điều kiện, Quốc hội sẽ bổ sung tình tiết lạm dụng chức vụ, quyền hạn là yếu tố định khung hình phạt đối với tội tham ô tài sản.

b. Hậu quả

Cũng như hậu quả của các tội phạm về chức vụ khác, hậu quả của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội.

Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, thiệt hại trước hết là thiệt hại về tài sản, ngoài ra còn có những thiệt hại khác phi vật chất.

Hậu quả của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, xét về phương diện các yếu tố cấu thành tội phạm thì không phải là dấu hiệu bắt buộc, tức là, dù hậu quả chưa xảy ra nhưng hành vi vẫn cấu thành tội phạm.

Trong Bộ luật hình sự, không chỉ đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, mà đối với nhiều tội phạm khác, nhà làm luật quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt làm ranh giới phân biệt tội phạm với hành vi vi phạm, nên có quan điểm cho rằng, thiệt hại về tài sản của các tội phạm này là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm nếu chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được nhưng giá trị tài sản dưới mức quy định của điều luật thì chưa cấu thành tội phạm. Sự nhầm lẫn này xuất phát từ sự nhầm lẫn về lý luận, giữa hậu quả của tội phạm với thiệt hại thực tế đã xảy ra, bời vì hậu quả của tội phạm không chỉ là những thiệt hại do tội phạm đã gây ra mà còn đe doạ gây ra cho xã hội, tức là thiệt hại vật chất chưa xảy ra nhưng cũng đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, nhà làm luật quy định chiếm đoạt từ 500.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu chiếm đoạt dưới 500.000 đồng thì phải có thêm những điều kiện như: Gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục A chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Quy định này không có nghĩa là trong mọi trường hợp người phạm tội phải chiếm đoạt được 500.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng có kèm theo điều kiện thì mới cấu thành tội phạm, mà quy định này chỉ đối với trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt 500.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng và ngay cả với hai trường hợp này nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản thì hành vi của họ vẫn cấu thành tội phạm nhưng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác gây ra là những thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả nghiêm trọng do hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, gây ra:

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

 - Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa. 17

Tuy nhiên, hướng dẫn trên là hướng dẫn đối với các tội xâm phạm sở hữu, nhưng đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác,  cũng là tội phạm có tính chất chiếm đoạt nên trong khi chưa có hướng dẫn chính thức về trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, có thể áp dụng Thông tư liên tịch này để xác định trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.

4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, cũng là tội phạm có tính chất chiếm đoạt nên cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt khác, người phạm tội thực hiện hành vi của mình là cố ý (cố ý trực tiếp), tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; không có trường hợp lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn chiếm đoạt được tài sản.

Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Vì vậy, có thể nói mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu mục đích của người phạm tội chưa đạt được (chưa chiếm đoạt được tài sản), thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, nếu mục đích đó không cấu thành một tội phạm độc lập.

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1. Phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác,  không có các tình tiết định khung hình phạt

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 280 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, có khung hình phạt từ một năm đến sáu năm tù. So với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của công dân quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1985, nếu chỉ căn cứ vào khung hình phạt, thì khoản 1 Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999 không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn, nhưng căn cứ vào các dấu hiệu quy định tại khoản 1 của Điều 280 thì không có lợi cho người phạm tội, vì khoản 1 Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định chiếm đoạt 5.000.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn khoản 1 Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định chiếm đoạt 500.000 đồng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu so sánh tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác quy định tại Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999 với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1985 thì tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác quy định tai Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1985, vì hình phạt cao nhất quy định tại Điều 280 là tù chung thân, còn hình phạt cao nhất quy định tại Điều 156 là tử hình, nên hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 1 Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999. Nhưng để xác định các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1985 đối với hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác theo khoản 1 Điều 280 Bộ luật hình sự, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54).18 Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới một năm tù), nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì được hưởng án treo. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tuy có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến sáu năm tù.19

2. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 280 Bộ luật hình sự

b.                 Có tổ chức.

Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên, mà tuỳ từng trường hợp, có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi dục hoặc người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành thì mới là phạm tội có tổ chức. Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự.

Các vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có tổ chức, thường kèm theo các hành vi phạm tội khác xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân như: Khám người, khám chỗ ở trái phép; bắt người trái phép...

b. Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm.

Dùng thủ đoạn xảo quyệt khi thực hiện hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác là trường hợp người phạm tội có những mánh khoé, cách thức thâm hiểm làm cho cơ quan, tổ chức, người quản lý tài sản và những người khác khó lường trước để đề phòng như: Tạo dựng ra một sự việc vu khống cho người bị hại để chiếm đoạt tài sản của họ hoặc dùng thủ đoạn tinh vi làm cho người bị hại không lường được buộc phải giao tài sản cho người phạm tội.

Dùng thủ đoạn nguy hiểm khi thực hiện hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác là trường hợp người phạm tội có những thủ đoạn chiếm đoạt tài sản hoặc thủ đoạn che giấu hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của con người như:

c. Phạm tội nhiều lần

Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác nhiều lần là có từ hai lần lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trở lên và mỗi lần đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý ( xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác nhiều lần.

d. Tái phạm nguy hiểm

Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội dặc biệt nghiêm trọng do cố ý, hoặc tái phạm, chưa được xoá án mà lại phạm tội do cố ý (điểm a và điểm b khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự năm 1999).

So với trường hợp tái phạm nguy hiểm được quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điêu 40 Bộ luật hình sự năm 1985, thì Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tái phạm nguy hiểm có một số điểm khác như sau:

- Nếu Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: "đã bị phạt tù về tội nghiêm trọng" thì Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: "đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng".

- Nếu Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: "mà lại phạm tội nghiêm trọng", thì Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: "mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng".

- Nếu Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: "mà lại phạm tội ít nghiêm trọng do cố ý hoặc tội nghiêm trọng", thì Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: "mà lại phạm tội do cố".

Như vậy, tái phạm nguy hiểm theo Bộ luật hình sự năm 1999 có đặc điểm sau:

- Đã hai lần phạm tội đều là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, hoặc một trong hai lần đó là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, trong đó có một lần đã bị kết án. Ví dụ: Đã bị kết án về tội giết người theo khoản 2 Điều 93, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999.

- Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý, không phân biệt tội đó là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hay tội đặc biệt nghiêm trọng.

- Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999 đều không quy định: "đã tái phạm nguy hiểm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội mới" thì có bị coi là tái phạm nguy hiểm hay không ? Đây cũng là vấn đề về lý luận cũng như thực tiễn xét xử còn ý kiến trái ngược nhau. Có ý kiến cho rằng, Bộ luật hình sự không quy định thì không được áp dụng vì nếu áp dụng là làm xấu đi tình trạng của người phạm tội. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, một người đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội mới còn bị coi là tái phạm nguy hiểm huống hồ người đã tái phạm nguy hiểm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội mới thì càng phải coi họ là tái phạm nguy hiểm. Chúng tôi cho rằng, chỉ coi là tái phạm nguy hiểm đối với trường hợp mà Bộ luật hình sự quy định "đã tái phạm...", tức là đã tái phạm nguy hiểm, chưa được xoá án tích mà còn phạm tội do cố ý thì mới bị coi là tái phạm nguy hiểm, còn nếu phạm tội do vô ý dù là tội đó là tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng, thì cũng không coi là tái phạm nguy hiểm. Ví dụ: A đã bị án về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác và trong bản án đó, Toà án đã xác định A phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm. Sau khi chấp hành xong hình phạt tù về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, chưa được xoá án tích, thì A lại phạm tội " lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác "thì phải coi trường hợp phạm tội của A là tái phạm nguy hiểm.20

Đối với Chương các tội phạm về chức vụ ( cả mục A và mục B ) chỉ có tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác nhà làm luật quy định tái phạm nguy hiểm là yếu tố định khung hình phạt. Không phải các tội phạm khác không có trường hợp tái phạm nguy hiểm, mà việc nhà làm luật không quy định tình tiết tái phạm nguy hiểm là yếu tố định khung hình phạt là căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của từng tội phạm cụ thể. Cũng như đối với các tội phạm khác quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999 không phải tội phạm nào nhà làm luật cũng quy định tình tiết tái phạm nguy hiểm là yếu tố định khung hình phạt mà chỉ đối với một số tội phạm xét thấy người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm cần phải xử lý nghiêm hơn trường hợp không tái phạm nguy hiểm. Tuy nhiên, theo đánh giá của các luật gia, các cán bộ làm công tác thực tiễn thì trong chương các tội phạm về chức vụ còn có một số tội phạm nhà làm luật có thể quy định tình tiết tái phạm nguy hiểm là yếu tố định khung hình phạt như: tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ... Vì những tội phạm này, nếu người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm đều cần phải xử phạt nghiêm hơn trường hợp không tái phạm nguy hiểm. Những ý kiến này, chúng tôi thấy thoả đáng, không chỉ bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật mà còn phù hợp với thực tiễn xét xử. Hy vọng rằng, khi có dịp sửa đổi bổ sụng Bộ luật hình sự năm 1999, Quốc hội sẽ quan tâm đến đề nghị này.

Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là trường hợp người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 280 Bộ luật hình sự, hoặc tái phạm, chưa được xoá án mà lại phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 280 Bộ luật hình sự.

đ. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng

Đây là trường hợp người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng. Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội khác, nếu tài sản bị chiếm đoạt không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản là căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm phạm tội, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định (định giá).

Mặc dù điều luật quy định chiếm đoạt tài sản, nhưng không vì thế mà cho rằng, người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản trị giá từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng mới thuộc trường hợp phạm tội này, mà chỉ cần xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản, đã thực hiện thủ đoạn để chiếm đoạt  có giá trị như trên là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 280 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, nếu chưa chiếm đoạt được tài sản thì người phạm tội thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

e. Gây hậu quả nghiêm trọng khác

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng quy định ở khoản 1 của điều luật, chỉ khác ở chỗ trường hợp phạm tội này là hậu quả nghiêm trọng do hành vi phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác từ 500.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng. Nếu dưới 500.000 đồng mà gây hậu quả nghiêm trọng thì đã thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật rồi. Được coi là gây hậu quả nghiêm trọng khác nếu do hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản  mà:

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.21

Tương tự như đối với tội tham ô, khoản 1 của điều luật chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng còn điểm e khoản 2 của điều luật lại quy định gây hậu quả nghiêm trọng khác, nên có ý kiến cho rằng hậu quả nghiêm trọng khác và hậu quả nghiêm trọng không phải là một. Đây là vấn đề có thể có những quan điểm khác nhau, vì về lý luận cũng như thực tiễn xét xử chưa có trường hợp nào cần phải phân biệt giữa hậu quả nghiêm trọng với hậu quả nghiêm trọng khác. Mặt khác, Bộ luật hình sự năm 1985 quy định tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác cũng chỉ quy định hậu quả nghiêm trọng, hậu quả rất nghiêm trọng và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà chưa quy định hậu quả nghiêm trọng khác.

Tuy nhiên, khi nói hậu quả nghiêm trọng do hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác gây ra là những thiệt hại trực tiếp do chính hành vi phạm tội cũng như thủ đoạn thực hiện tội phạm gây ra như: giá trị tài sản bị chiếm, còn hậu quả nghiêm trọng khác do hành vi tham ô gây ra là những thiệt hại gián tiếp do việc thực hiện tội phạm gây ra như: do lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác nên gây ra sự nghi ngờ, mất lòng tin của nhân dân vào chính quyền, do lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, nên không thực hiện được các chính sách xã hội, do lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác nên dễn đến người bị hại điêu đứng phải bỏ nhà, phải ốm đau dẫn đến tổn hại đén sức khoẻ thậm chí bị tử vong v.v...

Nếu sự phân biệt trên là có căn cứ, thì khoản 1 của điều luật quy định hậu quả nghiêm trọng cũng khó xác định ngoài giá trị tài sản bị chiếm đoạt, còn các thiệt hại khác đều là những thiệt hại gián tiếp do hành vi phạm tội gây ra và nó chỉ là hậu quả khác. Do đó có ý kiến cho rằng, khoản 1 điều luật cũng nên quy định gây hậu quả khác mới chính xác. Quan điểm này cũng có cơ sở lý luận và thực tiễn. Hy vọng rằng khi có điều kiện, nhà làm luật sẽ nghiên cứu sửa đổi để phù hợp hơn.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 280 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

So với khoản 2 Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 2 Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999 có những thay đổi theo hướng không có lợi cho người phạm tội, mặc dù khung hình phạt ở hai khoản này như nhau (từ sáu năm đến mười ba năm tù) như: điểm đ khoản 2 Điều 280 quy định “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng”, còn điểm c khoản 2 Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng”.Vì vậy, nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì vẫn áp dụng khoản 2 Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1985.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 2 Điều 280 Bộ luật hình sự, Toà án cũng cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới bảy năm tù) nhưng không được dưới một năm tù vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 2 là khoản 1 Điều 280 Bộ luật hình sự ). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mực độ giảm nhẹ không đáng kể, tập trung nhiều tình tiết là yếu tố định khung hình phạt quy định tại khoản 2 của điều luật thì có thể bị phạt mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt (đến 13 năm tù)

 Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì: Người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 280 sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 280 Bộ luật hình sự.22

3. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 280 Bộ luật hình sự

a. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 280 Bộ luật hình sự, chỉ khác là tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng. Cũng như các trường hợp khác, việc xác định giá trị tài sản là căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm phạm tội, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định (định giá).

Cũng như trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2, điều luật chỉ quy định chiếm đoạt tài sản nhưng không vì thế mà cho rằng, người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản trị giá từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng mới thuộc trường hợp phạm tội này, mà chỉ cần xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản và đã thực hiện thủ đoạn chiếm đoạt số tài sản có giá trị như trên là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 3 Điều 280 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, nếu chưa chiếm đoạt được tài sản thì người phạm tội thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả  nghiêm trọng khác, chỉ khác ở chỗ: Trường hợp phạm tội này hậu quả khác do hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác gây ra là hậu quả rất nghiêm trọng. Cũng như các trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng khác, khi xác định cần căn cứ vào các thiệt hại về thể chất, về tài sản, thiệt hại phi vật chất do hành vi phạm tội tham ô gây ra.

Hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác gây ra là những thiệt  rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác gây ra:

Làm chết hai người;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến bảy người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;

Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản thuộc hai đến ba trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Làm chết một người và còn làm bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; Làm chết một người và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. v.v...

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là rất nghiêm trọng.23

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 280 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

So với khoản 3 Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 3 Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định theo hướng có lợi cho người phạm tội, mặc dù khung hình phạt ở khoản 3 Điều 280 và khoản 3 Điều 280 như nhau (từ mười ba năm đến hai mươi năm tù), Vì vậy, khi áp dụng khoản 3 Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý một số điểm sau:

Nếu hành vi hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều 280 xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì không áp dụng khoản 3 Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999 và cũng không áp dụng khoản 3 Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1985, mà chỉ áp dụng khoản 2 Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1985.

Nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì vẫn áp dụng khoản 3 Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1985;

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác theo khoản 3 Điều 280 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới mười ba năm tù) nhưng không được dưới sáu năm tù.

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì: Người phạm tội thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 280 sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 280 Bộ luật hình sự.24

4. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 280 Bộ luật hình sự

a. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 280 Bộ luật hình sự, chỉ khác là tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên. Cũng như các trường hợp khác, việc xác định giá trị tài sản là căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm phạm tội, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định (định giá).

Cũng như trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 và và điểm a khoản 3, điều luật chỉ quy định chiếm đoạt tài sản nhưng không vì thế mà cho rằng, người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản trị giá từ năm trăm triệu đồng trở lên mới thuộc trường hợp phạm tội này, mà chỉ cần xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản và đã thực hiện thủ đoạn chiếm đoạt số tài sản có giá trị như trên là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 4 Điều 280 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, nếu chưa chiếm đoạt được tài sản thì người phạm tội thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

b. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả  nghiêm trọng khác quy định tại điểm đ khoản 2 và gây hậu quả rất nghiêm trọng khác tại điểm b khoản 3 của điều luật, chỉ khác ở chỗ: Trường hợp phạm tội này hậu quả khác do hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác gây ra là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cũng như các trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, khi xác định cần căn cứ vào các thiệt hại về thể chất, về tài sản, thiệt hại phi vật chất do hành vi phạm tội  lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác gây ra.

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác gây ra là những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác gây ra:

Làm chết ba người trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của tám người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 201% trở lên, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên;

Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc bốn trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng;

Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc hai trường hợp được coi là hậu quả rất nghiêm trọng;

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.25

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

So với khoản 4 Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 4 Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, vì mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân và khoản 4 Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999 bỏ tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 điều này”.

Vì vậy, khi áp dụng khoản 4 Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý: Nếu hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 Điều 280 xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì không áp dụng khoản 4 Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999 và cũng không áp dụng khoản 4 Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1985, mà chỉ áp dụng khoản 3 Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1985. 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác theo khoản 4 Điều 280 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới hai mươi năm tù) nhưng không được dưới mười ba năm tù.

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì: Người phạm tội thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 280 sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 280 Bộ luật hình sự.26

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác

Theo quy định tại khoản 5 Điều 280 Bộ luật hình sự thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác còn  bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

So với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1985 thì hình phạt bổ sung đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác quy định tại Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999 có những điểm được sửa đổi bổ sung như sau:

 Nếu Điều 163 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ hai năm đến năm năm”, thì khoản 5 Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”. Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đối với người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 5 Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

- Nếu Điều 163 Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định hình phạt tiền là hình phạt bổ sung thì Điều 20 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng”. Vì vậy, Toà án không được áp dụng hình phạt tiền đối với người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý.

- Nếu Điều 163 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “Tuỳ theo tính chất nghiêm trọng của tội phạm mà có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản” thì Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999 không còn quy định loại hình phạt này nữa. Vì vây, Toà án không được áp dụng hình phạt tịch thu tài sản đối với người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý.

 

4. TỘI LỢI DỤNG CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN TRONG KHI THI HÀNH CÔNG VỤ  

Điều 281.  Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ  

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt  tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Định Nghĩa: Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.  

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là tội phạm chỉ được quy định từ khi Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành. Trước khi Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ chỉ được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Ví dụ: khoản 4 Điều 19 Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng ngày 13-10-1967 quy định lợi dụng chức vụ, quyền hạn để hoạt động phản cách mạng là trường hợp cần xử phạt nặng; bản tổng kết ngày 10-8-1970 của Toà án nhân dân tối cao về thực tiễn xét xử loại tội giết người cũng quy định lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giết người là tình tiết tăng nặng.

Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ đều tại một điều luật ( Điều 221). Tuy nhiên, do chưa có thực tiễn xét xử nhiều loại tội phạm này, nên lúc đầu Điều 221 chỉ quy định một khung hình phạt, không quy định các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt.

Đến năm 1991, do yêu cầu đấu tranh loại tội phạm này, nên từ năm 1991 đến năm 1997, Quốc hội liên tục sửa đổi bổ sung Điều 221 vào các ngày 12-8-1991, ngày 22-12-1992 và ngày 10-5-1997 theo hướng tách hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ ra thành điều luật riêng (Điều 221a); cấu tạo lại thành nhiều khoản khác nhau; mức hình phạt cũng nghiêm khắc hơn nhiều so với Điều 221 chưa sửa đổi, bổ sung. (nếu mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 221 lúc đầu là năm năm tù thì sau khi sửa đổ, bổ sung lần thứ 3 vào ngày 10-5-1997 thì mức cao nhất đối với tội phạm này là hai mươi năm tù).

Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo Bộ luật hình sự năm 1999, Ban soạn thảo đã căn cứ vào thực tiễn xét xử và yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này nên chỉ cấu tạo tội phạm này thành ba khoản (không tính khoản 4 quy định hình phạt bổ sung) và mức hình phạt cao nhất cũng giảm xuống còn mười lăm năm tù, đồng thời bổ sung, sửa đổi một số tình tiết không còn phù hợp.

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm cũng là các dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội; là dấu hiệu phân biệt sự khác nhau giữa tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với các tội phạm khác cũng có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụcũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:

Trước hết, người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Người có chức vụ, quyền hạn là người đã được nêu ở phần khái niệm các tội phạm về chức vụ.

Nếu so sánh với tội tham ô tài sản, thì người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụcũng có thể là người có liên quan đến việc quản lý tài sản và cũng có thể không; phạm vi chức vụ, quyền hạn của người phạm tội rộng hơn đối với tội tham ô; còn nếu so sánh với tội nhận hối lộ, thì người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ cũng tương tự như người phạm tội nhận hối lộ, chỉ khác nhau ở chỗ: Người phạm tội nhận hối lộ lại không có hành vi gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lơi ích hợp pháp của công dân mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ.

Nếu chỉ xét về yếu tố chủ thể thì tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và các tội có liên quan đến chức vụ, quyền hạn thì có nhiều điểm tương đồng, chỉ cần căn cứ vào Điều 1 Pháp lệnh cán bộ, công chức và Nghị định số 95-1998/NĐ-CP ngày 17-11-1998 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức như đã phân tích ở phần thứ nhất để xác định thế nào là cán bộ, công chức.

 Cũng như chủ thể của các tội phạm về chức vụ, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn mới thực hiện được tội phạm. Tuy nhiên, khẳng định này chỉ đúng đối với trường hợp vụ án không có đồng phạm, còn trong vụ án có đồng phạm thì có thể có cả những người không có chức vụ, quyền hạn nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi dục, người giúp sức, còn người thực hành, thì nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người đồng phạm khác trong vụ án thì họ cũng chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 281 Bộ luật hình sự, vì các trường hợp phạm tội trên là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với những người này họ chỉ có thể là đồng phạm trong vụ án, vì ở độ tuổi này họ chưa thể trở thành cán bộ, công chức. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cũng có trường hợp người dưới 16 tuổi lại là người chủ mưu, khởi xướng, giúp sức trong vụ án.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 281 Bộ luật hình sự mà chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này theo khoản 1 của Điều 281 Bộ luật hình sự, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại khoản 1 của điều luật chỉ là tội phạm nghiêm trọng.

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ cũng là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước.

Mặc dù tội phạm này gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của công dân nhưng không vì thế mà cho rằng khách thể của tội phạm này những thiệt hại thực tế xảy ra của Nhà nước, của xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của công dân, mà những thiệt hại đó chỉ là hậu quả của hành vi phạm tội.

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, các dấu hiệu thuộc mặt khác quan cũng là những dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội cũng như để phân biệt tội phạm này với các tội phạm khác có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

a. Hành vi khách quan

Trước hết, người phạm tội phải là người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình.

Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ cũng tương tự như hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người phạm tội tham ô, tội nhận hối lộ và các tội phạm khác có việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn và đã sử dụng chức vụ, quyền hạn đó một cách trái phép nhằm mục đích mà họ đặt ra. Nếu không sử dụng chức vụ, quyền hạn mà mình có thì không thực hiện được hành vi để đạt được mục đích của mình.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi gây thiệt hại đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện được hành vi gây thiệt hại; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện hành vi gây thiệt hại  một cách dễ dàng.

Vì vậy, khi xác định một người có lợi dụng chức vụ, quyền hạn hay không, trước hết phải căn cứ vào chức vụ họ đang giữ và theo pháp luật thì họ có những quyền gì ?

Nếu trong khi thi hành công vụ họ đã thực hiện vượt quá giới hạn cho phép là lạm dụng chức vụ, quyền hạn, mà không phải là lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Đây là dấu hiệu cơ bản để phân biệt giữa hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn với hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong nhiều tội phạm có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn và lạm dụng chức vụ, quyền hạn.

b. Hậu quả

Người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn phải gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Nếu không gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân mà nhằm mục đích khác, thì tuỳ trường hợp mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ theo Điều 282 Bộ luật hình sự; tội nhận hối lộ theo điểm b khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự; tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác theo Điều 280 Bộ luật hình sự, hoặc tội tha trái pháp luật người đang bị tạm giam, giữ theo Điều 302 Bộ luật hình sự .v.v...

Khác với các tội phạm khác, hậu quả của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, hậu quả lại là dấu hiệu bắt buộc. Nếu hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chưa gây thiệt hại thì chưa cấu thành tội phạm này.

Ngoài thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm thì còn có những hậu quả khác không phải lại dấu hiệu bắt buộc nhưng trong một số trường hợp nó là yếu tố định khung hình phạt như: hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó có những thiệt hại vật chất, có thiệt hại phi vật chất.

4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, người phạm tội thực hiện hành vi của mình là cố ý (cố ý trực tiếp), tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; không có trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn gây thiệt hại cho xã hội.

Tuy nhiên, vẫn đề không chỉ có tính lý luận mà có ý nghĩa vô cùng quan trọng là xác định động cơ của người phạm tội. Theo điều văn của điều luật thì động cơ phạm tội là dấu hiệu bắt buộc. Điều này thể hiện ngay câu đầu tiên:“Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác”. Nếu không xác định được động cơ của người phạm tội thì hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân chưa cấu thành tội phạm này.

Động cơ vụ lợi là vì lợi ích vật chất của mình, của đơn vị mình hoặc của một tổ chức mà mình tham gia... Nói chung, thực tiễn xét xử việc xác định động cơ vụ lợi không khó, nhưng khó nhất vẫn là việc xác định động cơ cá nhân khác của người phạm tội.

Động cơ cá nhân khác là vì lợi ích phi vật chất của mình, của người khác mà mình quan tâm như: vì nể nang, vì cảm tình cá nhân, vì danh vọng, địa vị xã hội...

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1. Phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ không có các tình tiết định khung hình phạt

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 281 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, có khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến ba năm bị phạt tù từ một năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

So với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 221 Bộ luật hình sự năm 1985, nếu chỉ căn cứ vào hình phạt tù, thì khoản 1 Điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999 không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn, nhưng khoản 1 của Điều 281 có quy định hình phạt cải tạo không giam giữ nên phải coi khoản 1 Điều 281 là quy định có lợi cho người phạm tội. Nếu hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì Toà án có thể áp dụng khoản 1 Điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999 để có thể áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo khoản 1 Điều 281 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụpha hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc dưới mức thấp nhất của khung hình phạt tù (dưới một năm tù), nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì được hưởng án treo. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 281 Bộ luật hình sự

a.                 Có tổ chức.

Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên, mà tuỳ từng trường hợp, có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi dục hoặc người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành thì mới là phạm tội có tổ chức. Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự.

b. Phạm tội nhiều lần

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhiều lần là có từ hai lần lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trở lên và mỗi lần đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý (xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụnhiều lần.

c. Gây hậu quả nghiêm trọng

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng là do thực hiện hành vi phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nên đã gây ra những thiệt hại cho xã hội và cho con người. Khác với một số tội phạm quy định trong chương các tội phạm về chức vụ nhà lam luật quy định gây hậu quả nghiêm trọng khác, tội phạm này chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, như chúng tôi đã phân tích về các tội phạm có tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng khác, hậu quả nghiêm trọng và hậu quả nghiêm trọng khác không phải là một, nhưng thực tiễn xét xử trong những trường hợp cụ thể lại phải chấp nhận là một và cũng tuỳ thuộc vào tội phạm cụ thể mà hiểu và xác định tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng hay hậu quả nghiêm trọng khác như thế nào cho phù hợp. Đến nay, việc hướng dẫn về tình tiết này trong một số tội phạm đã được quan tâm, nhưng cũng không phải trường hợp phạm tội nào cũng có thể áp dụng hoặc tham khảo các hướng dẫn đó để xác định tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, có thể coi là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây ra nếu:

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.27

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 281 Bộ luật hình sự thì người phạm tội bị phạt tù từ năm năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

So với khoản 2 Điều 221 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 2 Điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999 không có quy định gì mới. Tuy nhiên, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nhẹ hơn so với Điều 221 Bộ luật hình sự năm 1985, nên hành vi phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 2 Điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 2 Điều 281 Bộ luật hình sự, Toà án cũng cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới năm năm tù) nhưng không được dưới một năm tù vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 2 là khoản 1 Điều 281 Bộ luật hình sự ). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mực độ giảm nhẹ không đáng kể, tập trung nhiều tình tiết là yếu tố định khung hình phạt quy định tại khoản 2 của điều luật thì có thể bị phát mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt (đến 10 năm tù).

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì: Người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 281 sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 281 Bộ luật hình sự.28

3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 281 Bộ luật hình sự

Khoản 3 của điều luật quy định hai tình tiết có nội dung như nhau nhưng lại có tính chất và mức độ nghiêm trọng khác nhau là yếu tố định khung hình phạt, đó là: Gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nếu xét về kỹ thuật lập pháp thì việc quy định này chưa khoa học, tình trạng này không chỉ đối với tội phạm lợi chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, mà chúng ta còn thấy ở nhiều tội phạm khác, nhà làm luật cũng quy định như vậy. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử mặc dù hai tình tiết này đều được quy định trong cùng một khung hình phạt, nhưng khi quyết định hình phạt Toà án vẫn có thể phân biệt trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng với trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để áp dụng một hình phạt tương xứng đối với hậu quả mà người phạm tội gây ra.

a. Gây hậu quả rất nghiêm trọng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả  nghiêm trọng, chỉ khác ở chỗ: Hậu quả do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây ra là hậu quả rất nghiêm trọng. Cũng như các trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi phạm tội gây ra, khi xác định cần căn cứ vào các thiệt hại về thể chất, về tài sản, thiệt hại phi vật chất do hành vi phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây ra.

Hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây ra là những thiệt rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây ra:

- Làm chết hai người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến bảy người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản thuộc hai đến ba trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Làm chết một người và còn làm bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; Làm chết một người và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. v.v...

  - Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là rất nghiêm trọng.29

b. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả  nghiêm trọng quy định tại điểm c khoản 2 và gây hậu quả rất nghiêm trọng tại điểm a khoản này, chỉ khác ở chỗ: Trường hợp phạm tội này hậu quả khác do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây ra là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cũng như các trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, khi xác định cần căn cứ vào các thiệt hại về thể chất, về tài sản, thiệt hại phi vật chất do hành vi phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác gây ra.

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây ra là những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây ra:

Làm chết ba người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của tám người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 201% trở lên, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên;

- Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc bốn trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng;

- Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc hai trường hợp được coi là hậu quả rất nghiêm trọng;

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.30

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 281 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

So với khoản 3 Điều 221 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 3 Điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định theo hướng có lợi cho người phạm tội, mặc dù khung hình phạt ở khoản 3 Điều 221 và khoản 3 Điều 281 như nhau (từ mười năm đến mười lăm năm tù), Vì vậy, khi áp dụng khoản 3 Điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý một số điểm sau:

Nếu hành vi hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều 281 xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì không áp dụng khoản 3 Điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999 và cũng không áp dụng khoản 3 Điều 221 Bộ luật hình sự năm 1985;

Nếu hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì không áp dụng khoản 4 Điều 221 Bộ luật hình sự năm 1985 mà áp dụng khoản 3 Điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo khoản 3 Điều 281 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội chỉ gây hậu quả rất nghiêm trọng và có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới mười năm tù) nhưng không được dưới năm năm tù. Nếu người phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tuy có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, là người tổ chức, phạm tội nhiều lần thì có thể bị phạt mức cao nhất của khung hình phạt (mười lăm năm tù).

4. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

So với Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, thì khoản 4 Điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999 có những sửa đổi bổ sung sau:

Nếu Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “ có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm”, thì khoản 4 Điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm”. Nếu căn cứ vào mức hình phạt thì khoản 4 Điều 281 nhẹ hơn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng căn cứ vào nguyên tắc áp dụng hình phạt này thì khoản 4 Điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định không có lợi cho người phạm tội vì việc áp dụng hình phạt cấm đảm chức vụ đối với người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là bắt buộc “bị cấm”, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định không bắt buộc Toà án phải áp dụng “có thể bị cấm”.

Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đối với người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 4 Điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999.

 

5. TỘI LẠM QUYỀN TRONG KHI THI HÀNH CÔNG VỤ 

 

Điều 282. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ 

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ  gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp  của công dân, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3.  Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

 

Định nghĩa: Lạm quyền trong khi thi hành công vụ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi hoặc động cơ các nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ được giao gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Cũng như đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ chung trong một điều luật ( Điều 221) và lúc đầu cũng chỉ quy định một khung hình phạt, không quy định các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt.

Do yêu cầu đấu tranh loại tội phạm này, nên từ năm 1991 đến năm 1997, Quốc hội liên tục sửa đổi bổ sung Điều 221 vào các ngày 12-8-1991, ngày 22-12-1992 và ngày 10-5-1997 theo hướng tách hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ ra thành điều luật riêng (Điều 221a); cấu tạo lại thành nhiều khoản khác nhau; mức hình phạt cũng nghiêm khắc hơn nhiều so với Điều 221 chưa sửa đổi, bổ sung. (nếu mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 221 lúc đầu là năm năm tù thì sau khi sửa đổ, bổ sung lần thứ 3 vào ngày 10-5-1997 thì mức cao nhất đối với tội phạm này là tù chung thân), nặng hơn cả tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ,

Tuy nhiên, cũng như đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong quá trình soạn thảo Bộ luật hình sự năm 1999, Ban soạn thảo đã căn cứ vào thực tiễn xét xử và yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này nên chỉ cấu tạo tội phạm này thành ba khoản (không tính khoản 4 quy định hình phạt bổ sung) và mức hình phạt cao nhất cũng chỉ còn hai mươi năm tù, đồng thời bổ sung, sửa đổi một số tình tiết không còn phù hợp.

Về cơ bản, tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 282 được cấu tạo tương tự như tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 281, kể cả đối với các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, chỉ khác nhau ở chỗ mức hình phạt trong từng khung hình phạt quy định tại Điều 282 nặng hơn Điều 281. Qua đó ta thấy thái dộ của Nhà nước ta trừng trị hành vi lạm quyền nặng hơn hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

Đối với tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm cũng là các dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội; là dấu hiệu phân biệt sự khác nhau giữa tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ với các tội phạm khác cũng có hành vi lạm quyền.

Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:

Trước hết, người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ phải là người có chức vụ, quyền hạn, nếu không có chức vụ, quyền hạn thì không thể lạm quyền được. Người không có chức vụ, quyền hạn mà tự xưng là mình có chức vụ, quyền hạn thì đó là mạo danh, giả danh chứ không phải là lạm quyền.

Người có chức vụ, quyền hạn là người đã được nêu ở phần khái niệm các tội phạm về chức vụ.

Nếu so sánh với các tội có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thì tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, xét về tư cách chủ thể thì không có gì khác nhau, chỉ khác nhau ở hành vi khách quan (lạm quyền với lợi dụng quyền). Do đó, chỉ cần căn cứ vào Điều 1 Pháp lệnh cán bộ, công chức và Nghị định số 95-1998/NĐ-CP ngày 17-11-1998 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức như đã phân tích ở phần thứ nhất để xác định thế nào là cán bộ, công chức. Tuy nhiên, ngoài cán bộ công chức, thì còn có những người khác cũng có thể lạm quyền nếu họ đủ những điều kiện quy định tại Điều 278 Bộ luật hình sự.

Cũng như chủ thể của các tội phạm về chức vụ, tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn mới thực hiện được tội phạm. Tuy nhiên, khẳng định này chỉ đúng đối với trường hợp vụ án không có đồng phạm, còn trong vụ án có đồng phạm thì có thể có cả những người không có chức vụ, quyền hạn nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi dục, người giúp sức, còn người thực hành, thì nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người đồng phạm khác trong vụ án thì họ cũng chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 282 Bộ luật hình sự, vì các trường hợp phạm tội trên là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với những người này họ chỉ có thể là đồng phạm trong vụ án (người chủ mưu, khởi xướng, giúp sức), vì ở độ tuổi này họ chưa thể trở thành cán bộ, công chức.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 282 Bộ luật hình sự, mà chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này theo khoản 1 của Điều 282 Bộ luật hình sự, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ quy định tại khoản 1 của điều luật chỉ là tội phạm nghiêm trọng, vì mức cao nhất của khung hình phạt đến bảy năm tù.

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ cũng là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Mặc dù tội phạm này gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của công dân, nhưng không vì thế mà cho rằng khách thể của tội phạm này là những thiệt hại thực tế xảy ra cho Nhà nước, của xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của công dân, mà những thiệt hại đó chỉ là hậu quả của hành vi phạm tội (dấu hiệu thuộc mặt khách quan).

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

Đối với tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, các dấu hiệu thuộc mặt khác quan cũng là những dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội cũng như để phân biệt tội phạm này với các tội phạm khác có hành vi lạm quyền.

a. Hành vi khách quan

Trước hết, người phạm tội phải là người có hành vi lạm quyền.

Hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ cũng tương tự như hành vi lạm quyền trong các tội phạm tội khác, người phạm tội đã vướt quá quyền hạn mà pháp luật cho phép. Hành vi vượt quá quyền hạn cũng tương tự như hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác quy định tại Điều 280 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, hành vi lạm quyền quy định tại Điều 282 Bộ luật hình sự không phải là phương tiện để người phạm tội chiếm đoạt tài sản của người khác mà là nguyên nhân gây ra những thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Nếu căn cứ vào điều văn của điều luật, thì hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn quy định tại Điều 280 với hành vi lạm quyền quy định tại Điều 282 Bộ luật hình sự không phải là một vì nếu là một thì Điều 280 cũng phải quy định làm quyền chiếm đoạt tài sản của người khác hoặc Điều 282 phải quy định lạm dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Vì vậy, cũng có ý kiến cho rằng, hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn và hành vi lạm quyền không phải là một. Về hình thức cấu tạo từ ngữ thì đúng là hai thuật ngữ này khác nhau và nếu phân tích một cách chi tiết từng âm tiết thì lạm dụng chức vụ, quyền hạn với lạm quyền có điểm giống nhau và cũng có điểm khác nhau. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn có nội hàm rộng hơn, nó bao gồm cả lạm quyền, còn lạm quyền chỉ là một bộ phận của lạm dụng chức vụ, quyền hạn.

Tuy nhiên, xét về ý nghĩa pháp lý thì khi dùng thuật ngữ lạm dụng chức vụ, quyền hạn thì phải đi liền với hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc hành vi khác và hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chỉ là thủ đoạn còn hành vi tiếp theo là mục đích của người có chức vụ, quyền hạn. Còn khi dùng thuật ngữ lạm quyền thì hành vi này không phải là thủ đoạn phạm tội mà nó là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại và thiệt hại do chính hành vi lạm quyền gây ra, liền ngay sau hành vi lạm quyền, không còn hành vi nào khác của người phạm tội nữa. Đây là điểm khác nhau cơ bản giữa việc dùng hai thuật ngữ, chứ không phải sự khác nhau về bản chất của hai thuật ngữ.

Lạm quyền trong khi thi hành công vụ là vượt quá quyền hạn của mình, tức là làm một việc ngoài phạm vi chức trách của mình như: Chủ tịch xã, phường ra lệnh dỡ nhà dân để giải phóng mặt bằng, ra lệnh tạm giữ người có hành vi vi phạm pháp luật; Cán bộ quản lý thị trường tịch thu hàng hoá của người kinh doanh trái phép; Cảnh sát giao thông phạt tiền lái xe vi phạm quá mức tiền phạt mà pháp luật cho phép; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra ra lệnh bắt người tạm giam khi chưa có phê chuẩn của Viện kiểm sát; Kiểm sát viên phê chuẩn lệnh gia hạn tạm giam mà lẽ ra lệnh này phải do Viện trưởng mới có quyền phê chuẩn; Thẩm phán ký quyết định tạm giam bị cáo mà lẽ ra phải do Phó chánh hoặc Chánh án mới có quyền ký.v.v...

Nếu người phạm tội lạm quyền nhưng không phải trong khi thi hành công vụ thì không thuộc trường hợp quy định tại Điều 282 Bộ luật hình sự, mà tuỳ trường hợp mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng. Ví dụ: Kiểm sát viên không được giao nhiệm vụ kiểm sát điều tra nhưng đã tự ý can thiệp với cán bộ điều tra để làm sai lệch hồ sơ vụ án theo hướng có lợi cho người phạm tội để trục lợi, thì hành vi của Kiểm sát viên là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi thuộc trường hợp quy định tại Điều 283 Bộ luật hình sự. 

b. Hậu quả

Cũng như đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, hậu quả của tội lạm quyền trong khi người thi hành công vụ là dấu hiệu bắt buộc. Nếu hành vi lạm quyền chưa gây thiệt hại thì chưa cấu thành tội phạm này.

Ngoài thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì còn có những hậu quả khác không phải lại dấu hiệu bắt buộc nhưng trong một số trường hợp nó là yếu tố định khung hình phạt như: hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó có những thiệt hại vật chất, có thiệt hại phi vật chất.

4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, người phạm tội thực hiện hành vi của mình là cố ý ( có  cả cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp), tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra.

Cũng như đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, động cơ phạm tội của người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ là dấu hiệu bắt buộc. Điều này cũng được thể hiện ngay câu đầu tiên của điều văn: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác”. Nếu không xác định được động cơ của người phạm tội thì hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân chưa cấu thành tội phạm này.

Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác cũng tương tự đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thành công vụ chúng tôi đã giới thiệu ở trên.

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1. Phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ không có các tình tiết định khung hình phạt

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 282 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, có khung hình phạt từ một năm đến bảy năm tù, là tội phạm nghiêm trọng.

So với tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 221a Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn và nếu so sánh giữa Điều 221a với Điều 282 thì Điều 282 là điều luật quy định một tội phạm nhẹ hơn. Vì vậy, nếu hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì Toà án áp dụng khoản 1 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ theo khoản 1 Điều 282 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1  Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt tù (dưới một năm tù), nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì được hưởng án treo. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

2. Lạm quyền trong khi thi hành công vụ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 282 Bộ luật hình sự

a.                 Có tổ chức.

Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, lạm quyền trong khi thi hành công vụ có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ án lạm quyền trong khi thi hành công vụ có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên, mà tuỳ từng trường hợp, có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi dục hoặc người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành thì mới là phạm tội có tổ chức. Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự.

b. Phạm tội nhiều lần

Lạm quyền trong khi thi hành công vụ nhiều lần là có từ hai lần lạm quyền trong khi thi hành công vụ trở lên và mỗi lần đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý (xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ nhiều lần.

c. Gây hậu quả nghiêm trọng

Lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng là do thực hiện hành vi phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, nên đã gây ra những thiệt hại cho xã hội và cho con người. Khác với một số tội phạm quy định trong chương các tội phạm về chức vụ nhà làm luật quy định gây hậu quả nghiêm trọng khác, tội phạm này chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, như chúng tôi đã phân tích về các tội phạm tội có tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng khác, hậu quả nghiêm trọng và hậu quả nghiêm trọng khác không phải là một. Cũng như đối với các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng quy định ở các tội phạm khác, có thể coi là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây ra nếu:

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.31

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 282 Bộ luật hình sự thì người phạm tội bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

So với khoản 2 Điều 221a Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 2 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, nên hành vi phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 2 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Cũng như đối với các trường hợp phạm tội khác, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 2 Điều 282 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới năm năm tù) nhưng không được dưới một năm tù vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 2 là khoản 1 Điều 282 Bộ luật hình sự ). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mực độ giảm nhẹ không đáng kể, tập trung nhiều tình tiết là yếu tố định khung hình phạt quy định tại khoản 2 của điều luật thì có thể bị phạt đến mười hai năm tù.

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì: Người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 282 sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 282 Bộ luật hình sự.32

3. Lạm quyền trong khi thi hành công vụ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 282 Bộ luật hình sự

Cũng tương tự như khoản 3 của Điều 281, khoản 3 của Điều 282 cũng quy định hai tình tiết có nội dung như nhau nhưng lại có tính chất và mức độ nghiêm trọng khác nhau là yếu tố định khung hình phạt, đó là: Gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nếu xét về kỹ thuật lập pháp thì việc quy định này chưa khoa học, không chỉ đối với tội phạm này mà chúng ta còn thấy ở nhiều tội phạm khác, nhà làm luật cũng quy định như vậy. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử, mặc dù hai tình tiết này đều được quy định trong cùng một khung hình phạt, nhưng khi quyết định hình phạt Toà án vẫn phải phân biệt trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng với trường hợp gây hậu quả đặc biệtnghiêm trọng để áp dụng một hình phạt tương xứng đối với hậu quả mà người phạm tội gây ra.

a. Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả  nghiêm trọng, chỉ khác ở chỗ: Hậu quả do hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây ra là hậu quả rất nghiêm trọng. Cũng như các trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng khác, khi xác định cần căn cứ vào các thiệt hại về thể chất, về tài sản, thiệt hại phi vật chất do hành vi phạm tội gây ra.

Hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây ra là những thiệt rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi lạm quyền trong khi người thi hành công vụ gây ra:

- Làm chết hai người;

 

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến bảy người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản thuộc hai đến ba trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Làm chết một người và còn làm bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; Làm chết một người và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. v.v...

 - Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là rất nghiêm trọng.33

b. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả  nghiêm trọng quy định tại điểm c khoản 2 và gây hậu quả rất nghiêm trọng tại điểm a khoản này, chỉ khác ở chỗ: Trường hợp phạm tội này hậu quả khác do hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây ra là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cũng như các trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, khi xác định cần căn cứ vào các thiệt hại về thể chất, về tài sản, thiệt hại phi vật chất do hành vi phạm tội  lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây ra.

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây ra là những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây ra:

Làm chết ba người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của tám người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 201% trở lên, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên;

- Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc bốn trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng;

- Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc hai trường hợp được coi là hậu quả rất nghiêm trọng;

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.34

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 282 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

So với khoản 3 Điều 221a Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 3 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nhẹ hơn, Vì vậy, khi áp dụng khoản 3 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý một số điểm sau:

- Nếu hành vi hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều 282 xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì không áp dụng khoản 3 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999 và cũng không áp dụng khoản 3 Điều 221a Bộ luật hình sự năm 1985;

- Nếu hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì không áp dụng khoản 4 Điều 221a Bộ luật hình sự năm 1985 mà áp dụng khoản 3 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ theo khoản 3 Điều 282 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội chỉ gây hậu quả rất nghiêm trọng và có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới mười năm tù) nhưng không được dưới năm năm tù. Nếu người phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tuy có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, là người tổ chức, phạm tội nhiều lần thì có thể bị phạt mức cao nhất của khung hình phạt (hai mươi năm tù).

4. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

So với Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hình phạt bổ sung đối với tội phạm này thì khoản 4 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999 có những sửa đổi bổ sung sau:

Nếu Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “ có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm”, thì khoản 4 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm”. Nếu căn cứ vào thời gian cấm (mức), thì khoản 4 Điều 282 nhẹ hơn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng căn cứ vào nguyên tắc áp dụng hình phạt này thì khoản 4 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định không có lợi cho người phạm tội vì việc áp dụng hình phạt cấm đảm chức vụ đối với người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ là bắt buộc “bị cấm”, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định không bắt buộc Toà án phải áp dụng “có thể bị cấm”.

Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đối với người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 4 Điều 282 Bộ luật hình sự năm 1999.

 

6. TỘI LỢI DỤNG CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN GÂY ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÁC ĐỂ TRỤC LỢI 

 

 

Điều 283.  Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi 

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến  hai mươi  năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng:

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi  năm hoặc tù chung thân:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền hoặc giá trị tài sản đã trục lợi.

Định Nghĩa: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào, để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm.

 

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là tội phạm mới được quy định do yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng chống tệ tham nhũng đặt ra, nên tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá IX ngày 10-5-1999 đã bổ sung và được quy định tại Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985.

Tội phạm này gần giống với tội nhận hối lộ nhưng vì người phạm tội không thoả mãn yếu tố chủ thể của tội nhận hối lộ, vì người phạm tội nhận tiền, tài sản  hoặc lợi ích vật chất khác của người khác nhưng họ không có trách nhiệm giải quyết yêu cầu của người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà phải tác động với người có trách nhiệm trực tiếp yêu cầu cho người “đưa hối lộ”.

So với Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này, thì Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 không có thay đổi lớn, vẫn cấu tạo thành 4 khoản, khung hình phạt ở mỗi khoản không thay đổi. Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới, nên Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 có một số sửa đổi, bổ sung. Trong đó, sửa đổi lớn nhất là giá trị tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà người phạm tội nhận được quy định theo hướng có lợi cho người phạm tội; bỏ tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3 điều này”.

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 Như chúng tôi đã nêu ở trên, tội phạm này gần giống với tội nhận hối lộ, nên các dấu hiệu của tội phạm này cũng tương tự như các dấu hiệu của tội nhận hối lộ, điểm khác nhau duy nhất của tội phạm này với tội nhận hối lộ là mối quan hệ giữa chức vụ, quyền hạn mà người phạm tội có với hành vi khách quan mà họ thực hiện. Dấu hiệu khác nhau cơ bản này sẽ được phân tích cụ thể. Tuy nhiên, để tiện theo dõi một cách có hệ thống, chúng tôi vẫn lần lượt phân tích từng dấu hiệu của tội phạm này.

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

Cũng như đối với các tội phạm về chức vụ, các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là các dấu hiệu quan trọng nhất để xác định hành vi phạm tội, là dấu hiệu phân biệt sự khác nhau giữa tội phạm này với các tội phạm khác do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện.

Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:

Trước hết, người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi phải là người có chức vụ, quyền hạn nhất định. Phạm vi chức vụ, quyền hạn của người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi cũng giống với tội nhận hối lộ. Tuy nhiên, người phạm tội nhận hối lộ là người đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, còn người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi chỉ dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc không được phép làm.

Người có chức vụ, quyền hạn là người đã được nêu ở phần khái niệm các tội phạm về chức vụ. Tuy nhiên, đối với chủ thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, ngoài những người có chức vụ, quyền hạn còn có thể có những người không có chức vụ, quyền hạn là chủ thể của tội phạm nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi dục, người giúp sức còn người thực hành nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Nếu người có chức vụ, quyền hạn phạm tội nhận hối lộ là người có trách nhiệm trong việc giải quyết những yêu cầu của người đưa hối lộ, thì người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi không có trách nhiệm trong việc giải quyết những yêu cầu của người người đưa hối lộ hoặc đối với người khác. Ví dụ: Bùi Văn T là Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện đã tác động với Vũ Xuân Đ là Vịên trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện K quyết định đình chỉ vụ án đối với Vũ Đức Q là cháu của Đ phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.  

Chủ thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn mới gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi được. Tuy nhiên, khẳng định này chỉ đúng đối với trường hợp vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi không có đồng phạm, còn trong vụ án có đồng phạm thì có thể có cả những người không có chức vụ, quyền hạn nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi dục, người giúp sức, còn người thực hành trong vụ án có đồng phạm, thì nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Tương tự như đối với một số tội phạm khác, nếu người phạm tội chỉ nhận dưới 500.000 đồng thì phải là người trước đó đã bị xử lý kỷ luật về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong Điều lệ của tổ chức và chưa hết thời hạn được xoá kỷ luật, nay lại có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi thì mới cấu thành tội phạm. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý kỷ luật, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, thì cũng chưa cấu thành tội phạm này.

Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người đồng phạm khác trong vụ án thì họ cũng chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 283 Bộ luật hình sự, vì các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi quy định tại các khoản trên là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với những người này họ chỉ có thể là đồng phạm trong vụ án với vai trò giúp sức, vì những người này chưa thể trở thành cán bộ, công chức.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 283 Bộ luật hình sự mà chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này theo khoản 1 của Điều 283 Bộ luật hình sự, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi quy định tại khoản 1 của điều luật chỉ là tội phạm nghiêm trọng.

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, cao hơn là chính thể bị sụp đổ. Vì vậy, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi cùng với tham ô hối lộ được Đảng và Nhà nước ta coi là quốc nạn.

Đối tượng tác động của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi cũng là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau:

 

 Có ý kiến cho rằng, đối tượng tác động của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đối tượng tác động của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi chính là người có chức vụ, quyền hạn bị người phạm tội thúc đẩy làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ. Quan điểm này có nhân tố hợp lý hơn, vì tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác chỉ là những thứ mà người phạm tội nhằm tới (mục đích) và để đạt được mục đích này, thì người phạm tội phải thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ.

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, các dấu hiệu thuộc mặt khác quan cũng là những dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội cũng như để phân biệt tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi với các tội phạm khác.

a. Hành vi khách quan

Trước hết, cũng tương tự như tội nhận hối lộ, người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi phải là người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, chỉ khác nhau ở chỗ: người nhận hối lộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm hoặc không làm một việc, còn người lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thúc đẩy người khác làm hoặc không làm một việc.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thúc đẩy người khác là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc thúc đẩy người khác làm hoặc không làm một việc; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc thúc đẩy người khác. Thông thường, người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn cao hơn chức vụ, quyền hạn của người bị tác động như: cấp trên đối với cấp dưới, nhưng cũng có trường hợp chức vụ, quyền hạn của người phạm tội chỉ ngang bằng hoặc thấp hơn người bị tác động như: cùng cấp trưởng hoặc cùng cấp phó; cấp phó đối với cấp trưởng; cấp dưới đối với cấp trên; Cũng có trường hợp chức vụ, quyền hạn của người phạm tội hoàn toàn độc lập với chức vụ, quyền hạn của người bị tác động nhưng lại có mối quan hệ như: Cấp uỷ đảng đối với cán bộ các ngành ở một cơ quan, tổ chức nhất định.v.v... Nói chung, người phạm tội là người chức vụ, quyền hạn và người bị tác động (bị thúc đẩy) cũng là người có chức vụ, quyền hạn, còn mối quan hệ giữa người phạm tội với người bị thúc đẩy không phải là dấu hiệu bắt buộc để xác định hành vi phạm tội của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Tuy nhiên, muốn thúc đẩy được người khác thì chức vụ, quyền hạn của người phạm tội phải gây được ảnh hưởng đối với người bị tác động.

 

Dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người khác là hành vi sử dụng mối quan hệ giữa mình với người khác, mà mối quan hệ này do chức vụ, quyền hạn đem lại cho người phạm tội, do có chức vụ, quyền hạn nên có ảnh hưởng nhất định đối với người mà người phạm tội tác động, thúc đẩy. Nếu chỉ dùng ảnh hưởng trong lĩnh vực tình cảm, gia đình, họ hàng, bạn bè... không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn thì không phải là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Ví dụ: Đào Thị X là tình nhân của Trần Mai H là Tổng giám đốc. X đã lợi dụng mối quan hệ này nhận tiền của Đỗ Thuý N để tác động với Trần Mai H nhận N vào làm việc tại công ty. Hành vi của Đào Thị X không phải là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi mà là hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi quy định tại Điều 291 Bộ luật hình sự.

Thúc đẩy người khác là làm cho hoạt động của người bị thúc đẩy nhanh hơn theo ý muốn của người thúc đẩy. Tuy nhiên, thuật ngữ thúc đẩy với ý nghĩa là dấu hiệu của tội phạm này còn được hiểu như là một sự tác động người khác (người chức vụ, quyền hạn) để người này giải quyết theo yêu cầu của người tác động. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, việc nhà làm luật dùng thuật ngữ “thúc đẩy” chưa hàm chứa đầy đủ bản chất của hành vi phạm tội mà lẽ ra phải dùng thuật ngữ “tác động” mới chính xác hơn.

Tác động là làm cho một đối tượng đó có những biến đổi nhất định, còn thúc đẩy là làm cho hoạt động, phát triển mạnh hơn theo một hướng nhất định nào đó, thường là hướng tốt35. Nếu người phạm tội thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn nhưng là để người có chức vụ, quyền hạn chỉ làm một việc theo đúng tiến độ, đúng chức năng, nhiệm vụ nhưng người thúc đẩy vẫn trục lợi thì hành vi của người thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn vẫn vị coi là hành vi phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, và như vậy, hành vi thúc đẩy quy định trong cấu thành không còn đúng nghĩa của nó nữa, vì không làm cho hoạt động của người bị thúc đẩy nhanh hơn theo yêu cầu của người thúc đẩy.

Yếu tố trục lợi được nhà làm luật mô tả như là hành vi nhận hối lộ. “trực tiếp hoặc qua trung gian dã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào”. Do đó việc xác định dấu hiệu khách quan này cũng tương tự như đối với hành vi của người phạm tội nhận hối lộ. Nếu người phạm tội nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác rồi dùng một phần đưa cho người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc có lợi cho người đưa tiền, tài sản hoặc lơi ích vật chất khác thì cần phân biệt:

Nếu người nhận tiền, tài sản của người khác rồi dùng một phần tiền và tài sản đó để đưa cho người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa tiền, tài sản, thì tuỳ trường hợp, người nhận tiền bị tổ chức trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ (với vai trò đồng phạm) hoặc tội làm môi giới hối lộ (về khoản tiền, tài sản mà họ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn) và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Nếu người nhận tiền, tài sản của người khác nhưng không có hành vi thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa tiền, nhưng lại hứa với người đưa tiền, tài sản là sẽ thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn thì hành vi của người nhận tiền là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà không thuộc trường hợp phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Nếu người nhận tiền, tài sản của người khác và đưa hết số tiền hoặc tài sản đó cho người có chức vụ, quyền hạn, đồng thời vẫn thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa tiền thì tuỳ trường hợp mà người phạm tội nhận tiền bị tổ chức trách nhiệm hình sự về tội đưa hối hối lộ (với vai trò đồng phạm) hoặc tội làm môi giới hối lộ. Không có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi trong trường hợp này.

Một dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm này tuy không phải là hành vi khách quan của người phạm tội, đó là các đặc điểm và hành vi của người bị thúc đẩy.

Người bị thúc đẩy là người có chức vụ, quyền hạn và khi bị người khác thúc đẩy thì người này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của mình hoặc làm một việc không được phép làm.

Nói chung, đặc điểm và hành vi của người bị thúc đẩy cũng tương tự như các dấu hiệu thuộc về chủ thể và hành vi khách quan của tội nhận hối lộ. Tuy nhiên, chủ thể của tội nhận hối lộ chỉ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm hoặc không làm một việc vì lợi hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ mà không có hành vi làm một việc mà không được phép làm, cũng như không bao gồm người có liên quan trực tiếp đến công việc của họ.

Người bị thúc đẩy có thể là người phạm tội nếu hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền cấu thành tội phạm, nhưng cũng có thể không phạm tội nếu hành vi của họ không trái với công vụ và họ không biết được mục đích của người thúc đẩy.

 

Dù người bị thúc đẩy có phải là người phạm tội hay không thì khi xem xét hành vi của họ trong mối quan hệ với hành vi của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi cũng cần phải xác định chức vụ, quyền hạn và hành vi của họ khi bị thúc đẩy.

b. Hậu quả

Cũng như hậu quả của các tội phạm khác, hậu quả của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội.

Hậu quả của hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, xét về phương diện các yếu tố cấu thành tội phạm thì không phải là dấu hiệu bắt buộc, tức là, dù hậu quả chưa xảy ra nhưng hành vi vẫn cấu thành tội phạm.

Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, nhà làm luật cũng quy định giá trị tài sản mà người phạm tội đã nhận hoặc sẽ nhận làm ranh giới phân biệt tội phạm với hành vi vi phạm, nhưng không vì thế mà cho rằng, giá trị tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm và nếu chưa nhận được tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị như trên hoặc đã nhận được nhưng giá trị dưới mức quy định của điều luật thì chưa cấu thành tội phạm.

Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, nhà làm luật cũng quy định tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chát khác có mà người phạm tội nhận phải có giá trị từ 500.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu dưới 500.000 đồng thì phải có thêm những điều kiện như: Gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm. Quy định này không có nghĩa là trong mọi trường hợp người phạm tội đã nhận được tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị 500.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng có kèm theo điều kiện thì mới cấu thành tội phạm, mà quy định này chỉ đối với trường hợp người phạm tội có ý định nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất có giá trị 500.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng và ngay cả với hai trường hợp này nếu người phạm tội chưa nhận được thì hành vi của họ vẫn cấu thành tội phạm nhưng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, nếu người phạm tội mới có ý định nhận 500.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng và đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa, nhưng chưa nhận được, thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Nếu người phạm tội nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị dưới 500.000 đồng ngoài những điều kiện: Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm đã nêu ở phần các dấu hiệu thuộc về nhân thân người phạm tội thì còn phải gây hậu quả nghiêm trọng thì mới cấu thành tội phạm. Trong trường hợp này, thì hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi gây ra là những thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi gây ra nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi gây ra:

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

 - Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.36

4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi thực hiện hành vi của mình là cố ý (cố ý trực tiếp), tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; không có trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn nhận được tiền, tài sản hoặc lợ ích vật chất khác.

Động cơ trục lợi là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nếu người phạm tội không có động cơ trục lợi thì dù có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác thì cũng không cấu thành tội phạm này. Trục lợi ở đây chỉ bao gồm những lợi ích vật chất như: tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà không bao gồm lợi ích phi vật chất như: về tình cảm, về tinh thần hay các lợi ích phi vật chất. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội phạm này với một số tội phạm khác cũng có dấu hiệu trục lợi nhưng là lợi ích phi vật chất. Ví dụ: Vũ Khắc X là vụ trưởng vụ hành chính đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình thúc đẩy Trần Văn T vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ để T đề bạt Vũ Thị C là nhân viên của X lên chức Phó phòng nghiệp vụ. Để trả ơn X, thị C đã cho X quan hệ tình dục.

Điều luật quy định đã nhận hoặc sẽ nhận, nhưng không vì thế mà cho rằng, ý định nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người phạm tội có sau khi thực hiện hành vi phạm tội, cho dù người phạm tội sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác sau khi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì người phạm tội vẫn có ý định nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trước khi thực hiện hành vi phạm tội.

Mục đích của người phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu người phạm tội không có ý định nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác thì dù họ có lợi dụng chức vụ, quyền hạn để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm thì cũng không phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1. Phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi  không có các tình tiết định khung hình phạt

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 283 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, có khung hình phạt từ một năm đến sáu năm tù, là tội phạm nghiêm trọng.

So với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi quy định tại Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn và nếu so sánh giữa tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi quy định tại Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 thì mức cao nhất và mức thấp nhất của khung hình phạt như nhau.

 Nhưng căn cứ vào các dấu hiệu quy định tại khoản 1 của Điều 283 thì khoản 1 Điều 283 có lợi cho người phạm tội hơn khoản 1 Điều 228a, vì khoản 1 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 không quy định tình tiết “vi phạm nhiều lần” là yếu tố định tội và tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm ” quy định tại khoản 1 Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985, nay khoản 1 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999  quy định lại là “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” cũng là quy định có lợi cho người phạm tội. Do đó, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì căn cứ vào các quy định tại khoản 1 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 để xác định hành vi phạm tội, nhưng khi quyết định hình phạt thì vẫn phải áp dụng khoản 1 Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985 đối với người phạm tội.

Khoản 1 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là sáu năm tù, nên đối với người phạm tội dưới 16 tuổi mà thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 283 thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, như đã phân tích ở phần các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm, người dưới 16 khó có thể trở thành chủ thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi theo khoản 1 Điều 283 Bộ luật hình sự, nhưng về lý thuyết thì vẫn có thể xảy ra bởi vì người dưới 16 tuổi vẫn có thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, trong trường hợp người này giữ một chức vụ nhất định như: Lớp trưởng, lớp phó, bí thư đoàn trường...

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi theo khoản 1 Điều 283 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc nếu có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới một năm tù), nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì được hưởng án treo. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giám nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến sáu năm tù.37

2. Phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 283 Bộ luật hình sự

a.                 Có tổ chức.

Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức. Nhưng không phải vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên, mà tuỳ từng trường hợp, có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi dục hoặc người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành. Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi có tổ chức có những đặc điểm riêng như:

Người thực hành trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi có tổ chức phải là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm. Người thực hành có thể là người trực tiếp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác nhưng cũng có thể không trực tiếp nhận mà giao cho người khác nhận.

b. Phạm tội nhiều lần

Phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi nhiều lần là có từ hai lần lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi trở lên và mỗi lần lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý (kỷ luật, phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội nhiều lần.

c. Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng

Đây là trường hợp người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi mà tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng. Nếu tài sản không phải là tiền, thì giá trị tài sản đó là giá thị trường vào thời điểm nhận hoặc đã hứa nhận, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản hoặc lợi ích vật chất khác thì phải trưng cầu giám định (định giá).

Điều luật quy định tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng, chứ không quy định người phạm tội đã nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị như trên, nên chỉ cần xác định người phạm tội có ý định nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng là thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 283 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã nhận được hay chưa, không phải là dấu hiệu bắt buộc.

Trường hợp người phạm tội chưa nhận được tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, thì cũng không vì thế mà cho rằng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt, vì điều luật quy định: “ đã nhận hoặc sẽ nhận”, nên chỉ cần có thoả thuận là sẽ nhận là tội phạm đã hoàn thành. Đây là đặc điểm khác với một số tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt nếu chưa chiếm đoạt được tài sản thì được coi là phạm tội chưa đạt, nhưng đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi thì dù chưa nhận được tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác thì vẫn coi là tội phạm đã hoàn thành.

d. Gây hậu quả nghiêm trọng khác

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng quy định ở khoản 1 của điều luật và các tội phạm khác có quy định tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, chỉ khác ở chỗ trường hợp phạm tội này là hậu quả nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi từ 500.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng. Nếu dưới 500.000 đồng mà gây hậu quả nghiêm trọng thì chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật. Được coi là gây hậu quả nghiêm trọng khác nếu do hành vi nhận hối lộ mà:

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.38

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 283 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

So với khoản 2 Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985, nếu chỉ căn cứ vào khung hình phạt thì khoản 2 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn khoản 2 Điều 228a. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 283 có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho người phạm tội. Vì vậy, khi áp dụng khoản 2 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý:

Nếu hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý mà tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì vẫn áp dụng khoản 2 Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985;

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 2 Điều 283 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới sáu năm tù) nhưng không được dưới một năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì, khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 2 là khoản 1 Điều 283 Bộ luật hình sự ). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới mười lăm năm tù.39

3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 283 Bộ luật hình sự

a. Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Giá trị tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng.

Cũng như đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 của điều luật, nếu tài sản không phải là tiền, thì giá trị tài sản đó là giá thị trường vào thời điểm nhận tài sản đó hoặc đã hứa nhận tài sản đó; chỉ cần xác định người phạm tội sẽ nhận tài sản  có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng là thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 283 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã nhận được hay chưa, không phải là dấu hiệu bắt buộc; nếu người phạm tội chưa nhận được tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, thì cũng không vì thế mà cho rằng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Hậu quả do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi gây ra là hậu quả rất nghiêm trọng khác.

Hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi gây ra là những thiệt rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Cũng như đối với một số tội phạm khác, tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng khác do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi gây ra, nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi gây ra:

- Làm chết hai người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến bảy người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản thuộc hai đến ba trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Làm chết một người và còn làm bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; Làm chết một người và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. v.v...

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là rất nghiêm trọng.40

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 283 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

So với khoản 3 Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985, nếu chỉ căn cứ vào khung hình phạt thì khoản 3 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn khoản 3 Điều 228a. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 283 có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho người phạm tội. Vì vậy, khi áp dụng khoản 3 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý:

- Nếu hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý mà tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng thì vẫn áp dụng khoản 3 Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985;

- Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật thì cũng chỉ áp dụng khoản 2 điều luật mà không áp dụng khoản 3 của điều luật, vì tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều này” khoản 3 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 không còn quy định nữa.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 3 Điều 283 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự (từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới mười ba năm tù) nhưng không được dưới sáu năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 3 là khoản 2 Điều 283 Bộ luật hình sự ).

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới hai mươi năm tù. Khi cân nhắc để quyết định một mức hình phạt cụ thể đối với người phạm tội, Toà án cần căn cứ vào nguyên tắc đã được nêu ở tội tham ô tài sản 41

4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 283 Bộ luật hình sự

a. Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác giá có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm c khoản 2, điểm a khoản 3 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Giá trị tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác từ ba trăm triệu đồng trở lên.

Cũng như đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 2, điểm a khoản 3 của điều luật, nếu là tài sản thì giá trị tài sản đó là giá thị trường vào thời điểm người phạm tội nhận hoặc đã hứa nhận; chỉ cần xác định người phạm tội sẽ nhận tiền, tài sản oặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ ba mươi triệu đồng trở lên là thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 4 Điều 283 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã nhận được hay chưa, không phải là dấu hiệu bắt buộc; nếu người phạm tội chưa nhận được, thì cũng không vì thế mà cho rằng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

b. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2, điểm b khoản 3 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Hậu quả do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi gây ra là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi gây ra là những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Cũng như đối với các tội phạm về chức vụ, tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi gây ra:

Làm chết ba người trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của tám người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 201% trở lên, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên;

Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc bốn trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng;

Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc hai trường hợp được coi là hậu quả rất nghiêm trọng;

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.42

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 283 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

So với khoản 4 Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 4 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999, nếu chỉ căn cứ vào khung hình phạt thì không nhẹ hơn và cũng không nặng hơn, nhưng căn cứ vào các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt thì khoản 4 Điều 283 quy định có lợi cho người phạm tội, vì khoản 4 Điều 283 không còn quy định tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 Điều này” là yếu tố định khung hình phạt. Mặt khác, khoản 4 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên”, còn khoản 4 Điều 228a quy định: “tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên” Vì vậy, khi áp dụng khoản 4 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý:

- Nếu hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý mà giá trị tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác từ 50.000.000 đồng trở lên thì vẫn áp dụng khoản 4 Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng khi quyết định hình phạt thì phải căn cứ vào khung hình phạt tại khoản 3 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

- Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 của điều luật thì cũng chỉ áp dụng khoản 3 điều luật mà không áp dụng khoản 4 của điều luật, vì tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 Điều này” khoản 4 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 không còn quy định nữa.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 4 Điều 283 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới hai mươi năm tù) nhưng không được dưới mười ba năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 4 là khoản 3 Điều 283 Bộ luật hình sự ). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tuy có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, là người có nhân thân xấu, thì có thể áp dụng hình phạt tù chung thân.

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi

Theo quy định tại khoản 5 Điều 283 Bộ luật hình sự thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị tài sản đã trục lợi.

So với quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 về hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, thì hình phạt bổ sung đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi quy định tại khoản 5 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 có những điểm được sửa đổi, bổ sung như sau:

- Nếu Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm”, thì khoản 5 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm”.

- Nếu căn cứ vào mức hình phạt thì khoản 5 Điều 283 nhẹ hơn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng căn cứ vào nguyên tắc áp dụng hình phạt này thì khoản 5 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định không có lợi cho người phạm tội vì việc áp dụng hình phạt cấm đảm chức vụ đối với người phạm tội  là bắt buộc “bị cấm”, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định không bắt buộc Toà án phải áp dụng “có thể bị cấm”.

Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đối với người phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 5 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

- Nếu Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, thì khoản 5 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 lại quy định: “có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị tài sản đã trục lợi”.

Như vậy, việc áp dụng hình phạt tiền đối với người phạm tội quy định tại khoản 5 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 không còn là bắt buộc nữa. Toà án có thể áp dụng và cũng có thể không áp dụng nếu thấy việc áp dụng hình phạt tiền đối với người phạm tội là không cần thiết. Riêng hình phạt tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản khoản 5 Điều 283 không còn quy định. Do đó, Toà án không được áp dụng hình phạt tịch thu một phạm hoặc toàn bộ tài sản đối với người phạm tội   trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý. Nếu Toà án áp dụng hình phạt tiền, thì được áp dụng khoản 5 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999.

 

7. TỘI GIẢ MẠO TRONG CÔNG TÁC  

Điều 284. Tội giả mạo trong công tác  

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

b) Làm, cấp giấy tờ giả;

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười  năm:

a) Có tổ chức;

b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ,  tài liệu;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.;

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm  chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Định nghĩa: Giả mạo trong công tác là hành vi của một người vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

Tội giả mạo trong công tác là tội phạm đã được quy định tại Điều 224 Bộ luật hình sự năm 1985.

Tội phạm này cũng là loại tội tham nhũng mà người phạm tội có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhưng không phải để chiếm đoạt, cũng không phải để nhận hối lộ hay để gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi mà người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; để làm hoặc cấp giấy tờ giả; để giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

 

Tội phạm này, nếu chỉ xét về hành vi khách quan thì gần giống với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, còn nếu xét về thủ đoạn thì lại gần giống với các tội phạm khác có việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nếu xét về động cơ thì gần giống với các tội có động cơ vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác.

So với Điều 224 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này, thì Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều thay đổi. Tuy vẫn cấu tạo thành 4 khoản, nhưng khung hình phạt ở mỗi khoản quy định theo hướng có lợi cho người phạm tội, hình phạt cao nhất đối với tội phạm này là hai mươi năm tù (Điều 224 Bộ luật hình sự năm 1985 hình phạt cao nhất là tù chung thân); bỏ tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3 điều này”; hình phạt bổ sung quy định ngay trong điều luật.

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 Như đã nêu ở trên, tội phạm này gần giống với một số tội phạm khác có thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn; có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác và có hành vi gian dối, nên các dấu hiệu của tội phạm này nếu xét về từng khía cạnh cũng tương tự như các dấu hiệu của các tội khác có cùng dấu hiệu mà các dấu hiệu đó đã được phân tích ở từng tôi phạm cụ thể. Tuy nhiên, để theo dõi một cách có hệ thống, chúng ta lần lượt nghiên cứu từng dấu hiệu của tội phạm này, trong đó có dấu hiệu đã được phân tích ở các tội phạm khác.

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

Cũng như đối với các tội phạm về chức vụ, các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội giả mạo trong công tác cũng là các dấu hiệu quan trọng để xác định hành vi phạm tội, là dấu hiệu phân biệt sự khác nhau giữa tội phạm này với các tội phạm khác do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện.

Chủ thể của tội giả mạo trong công tác phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội giả mạo trong công tác, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:

Trước hết, người phạm tội giả mạo trong công tác phải là người có chức vụ, quyền hạn nhất định. Phạm vi chức vụ, quyền hạn của người phạm tội giả mạo trong công tác cũng tương đối rộng. Tuy nhiên, người phạm tội giả mạo trong công tác là người đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; để làm hoặc cấp giấy tờ giả; để giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn khác.

Người có chức vụ, quyền hạn là người đã được nêu ở phần khái niệm các tội phạm về chức vụ. Tuy nhiên, đối với tội giả mạo trong công tác còn có thể có những người không có chức vụ, quyền hạn là chủ thể của tội phạm nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi dục, người giúp sức còn người thực hành nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Nếu người có chức vụ, quyền hạn lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn tiếp tay cho người khác để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; để làm hoặc cấp giấy tờ giả; để giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì tuỳ trường hợp cụ thể mà người lợi dụng chức vụ, quyền hạn bị tổ chức trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội tham ô.  

Chủ thể của tội giả mạo trong công tác là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn mớisửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn được. Nếu là người khác thì hành vi giả mạo trên lại cấu thành tội phạm khác chứ không phải là hành vi phạm tội giả mạo trong công tác. Tuy nhiên, khẳng định này chỉ đúng đối với trường hợp vụ án giả mạo trong công tác không có đồng phạm, còn trong vụ án có đồng phạm thì có thể có cả những người không có chức vụ, quyền hạn nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi dục, người giúp sức, còn người thực hành trong vụ án có đồng phạm, thì nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người đồng phạm khác trong vụ án thì họ cũng chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác thuộc trường hợp quy định tại khoản 2. khoản 3 và khoản 4 Điều 284 Bộ luật hình sự, vì các trường hợp giả mạo trong công tác quy định tại các khoản trên là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với những người này họ chỉ có thể là đồng phạm trong vụ án với vai trò giúp sức, vì những người này chưa thể trở thành cán bộ, công chức.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 284 Bộ luật hình sự mà chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này theo khoản 1 của Điều 284 Bộ luật hình sự, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội giả mạo trong công tác quy định tại khoản 1 của điều luật chỉ là tội phạm nghiêm trọng.

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội giả mạo trong công tác là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín. Vì vậy, giả mạo trong công tác là tội phạm tham nhũng là đối tượng bị xử lý nghiêm.

Đối tượng tác động của tội giả mạo trong công tác là giấy tờ, tài liệu, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Người phạm tội đã tác động vào làm cho các tài liệu, giấy tờ, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn bị sai lệch, không đúng với thực tế.

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

Đối với tội giả mạo trong công tác, các dấu hiệu thuộc mặt khác quan cũng là những dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội cũng như để phân biệt tội giả mạo trong công tác với các tội phạm khác.

a. Hành vi khách quan

Trước hết, người phạm tội phải là người lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc giả mạo trong công tác; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc giả mạo. Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn là dấu hiệu để phân biệt với một số tội phạm khác cũng có những hành vi khách quan như đói với tội phạm này như: tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 266); tội làm con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 267), nhưng đối với các tội phạm này người phạm tội không lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Đối với tội giả mạo trong công tác, thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn còn là tiền đề để người phạm tội thực hiện một trong những hành vi khách quan.

Theo điều văn của điều luật thì người phạm tội thực hiện một trong các hành vi khách quan sau đây:

- Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu.

Nội dung của hành vi này gồm hai hành vi: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ và sửa chữa, làm sai lêch nội dung tài liệu.

Sửa chữa, làm sai nội dung giấy tờ là hành vi tẩy xoá, viết thêm, bỏ bớt hoặc bằng thủ đoạn khác làm cho nội dung giấy tờ đó không còn đúng với nội dung vốn có của nó. Sửa chữa, theo hướng tích cực thì sửa sai thành đúng, nhưng hành vi sửa chữa ở đây được hiểu là sửa đúng thành sai với động cơ xấu. hậu quả của việc sửa chữa là làm sai lệch nội dung giấy tờ đó, làm cho nội dung của giấy tờ đó không đúng với thực tế kách quan.

Giấy tờ là giấy có mang một nội dung nhất định và có một giá trị theo quy định như giấy phép, giấy chứng nhận, công văn... Nói chung, giấy tờ là đối tượng tác động của tội phạm này bao gồm các loại giấy mang tiêu đề nhất định và có giá trị nhất định căn cứ vào nội dung của loại giấy tờ đó, chứ không bao gồm tất cả các loại giấy tờ.

Giấy tờ bị sửa chữa bao gồm nhiều loại, nhưng chủ yếu là các loại văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành có liên quan đến quyền và lợi ích của cá nhân, tập thể, cơ quan, tổ chức mà người phạm tội quan tâm. Ví dụ: Một chuyên viên của Bộ thương mại sửa chữa giấy phép nhập khẩu (quota) với số lượng từ 500 xe máy lên 5.000 xe máy cho một công ty; một cán bộ tổ chức sửa chữa năm sinh cho một cán bộ và đề nghị bổ nhiệm cán bộ này vào chức vụ nhất định; một cán bộ kiểm lâm đã sửa chữa biên bản thu giữ lâm sản để người vi phạm không bị xử lý...

Sửa chữa, làm sai lệch nội dung tài liệu là hành vi thêm, bớt hoặc bằng thủ đoạn khác làm cho nội dung của tài liệu đó không đúng với nội dung vốn có của nó, sửa đúng thành sai như đối với việc sửa chữa giấy tờ.

Tài liệu và giấy tờ, xết về một khía cạnh nào đó thì cũng như nhau, trong tài liệu có giấy tờ và ngược lại trong giấy tờ cũng có tài liệu, nhưng khi nói đến tài liệu là muốn nói đến nội dung của một loại giấy tờ như: một văn bản giúp cho việc tìm hiểu một vấn đề gì, tài liệu học tập, tài liệu tham khảo, thu thập tài liệu để viết luận văn tốt nghiệp... Tài liệu có thể tồn tại dưới dạng giấy tờ, nhưng cũng có thể tồn tại dưới các dạng khác như: trên mạng internet, băng ghi hình, băng ghi âm, có khi chỉ là một danh lam thắng cảnh, một khu di tích lich sử, một tấm bia. v.v... nhưng chỉ những tài liệu có liên quan đến hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người phạm tội bị sửa chữa mới là đối tượng tác động của tội phạm này.

- Làm, cấp giấy tờ giả

Nội dung của hành vi này cũng gồm hai hành vi khác nhau, đó là: làm giấy tờ giả và cấp giấy tờ giả.

Làm giấy tờ giả là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm ra một trong các giấy tờ mang tiêu đề nhất định và có giá trị nhất định, nhưng nội dung không đúng với thực tế khách quan. Giấy tờ giả là giấy tờ không có thật, tức là cơ quan Nhà nước không ban hành loại giấy tờ đó hoặc có ban hành nhưng nội dung không đúng với giấy tờ mà người phạm tội làm. Điều luật chỉ quy định làm giấy tờ giả, mà không quy định làm tài liệu giả, nên trong trường hợp người phạm tội có hành vi làm tài liệu giả thì cần phải xác định tài liệu đó có tồn tại ở dạng giấy tờ không, nếu không tồn tại ở dạng giấy tờ thì không phải là đối tượng tác động của tội phạm này.

Cấp giấy tờ giả là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để cấp giấy tờ cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân mà người phạm tội biết chắc đó là giấy tờ giả. Hành vi cấp giấy tờ giả cho người khác, có thể cũng là hành vi làm giấy tờ giả rồi cấp giấy đó cho người mà mình quan tâm, nhưng cũng có thể người phạm tội chỉ thực hiện việc cấp giấy tờ giả đó, còn việc làm ra nó lại do một người khác thực hiện. Thông thường, người làm ra giấy tờ giả cũng là người cấp giấy tờ giả đó. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người làm và người cấp khác nhau. Ví dụ: Đô Ca Th là Thẩm phán, vụ án chưa xét xử đã yêu cầu Nguyễn Hữu Ch là Trưởng phòng nghiệp vụ cấp trích lục bản án cho Phạm Thị N nguyên đơn trong vụ án ly hôn, để N kịp xuất cảnh ra nước ngoài. Trong trường hợp này, Th là người làm giấy tờ giả, còn Ch là người cấp giấy tờ giả. Người cấp giấy tờ giả phải là người có quyền cấp giấy đó chứ không phải bằng hành động như: chuyển, đưa giấy tờ đó cho người khác.

Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn

Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn là hành vi ký giả hoặc bằng những thủ đoạn khác như: in, photocopy... chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

Hành vi giả mạo chữ ký của người giả mạo trong công tác có đặc điểm khác với hành vi giả mạo chữ ký quy định trong một số tội phạm khác ở chỗ: Người phạm tội giả mạo trong công tác lại chính là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để gải mạo chữ ký của người khác mà người này cũng là người có chức vụ, quyền hạn.

Vấn đề đặt ra là: Vì sao người chức vụ, quyền hạn lại phải giả mạo chữ ký của người khác, mà lại phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn mới giả mạo được chữ ký của người khác ?

Trước hết người có chức vụ, quyền hạn phải giả mạo chữ ký của người khác là vì chữ ký của người phạm tội không có giá trị hoặc không phù hợp với hình thức và nội dung giấy tờ, tài liệu. Ví dụ: Quyết định thay đổi biện pháp tạm giam phải do Chánh án ký mới có giá trị, nhưng Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà, vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân đã ký giả chứ ký của Chánh án để trả tự do cho người đang bị tạm giam. Chánh phòng Uỷ ban nhân dân huyện lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ký giả chữ ký của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện thu hồi đất của công dân.

Nói chung, người phạm tội khi giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn họ không cần phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vì việc giả mạo chữ ký của người khác thì ai cũng làm được không cần phải người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn mới làm được. Tuy nhiên, nếu không phải là ký giả mà bằng thủ đoạn khác giả mạo chức ký của người có chức vụ, quyền hạn thì người phạm tội phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn mới có thể giả mạo được. Hành vi giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn cũng là một trong những hành vi làm sai lệch nội dung giấy tờ, nhưng vì đây là hành vi giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn nên chỉ cần có hành vi giả mạo chữ ký là đã cấu thành tội phạm giả mạo trong công tác rồi.

b. Hậu quả

Cũng như hậu quả của các tội phạm khác, hậu quả của tội giả mạo trong công tác là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội.

Hậu quả của hành vi giả mạo trong công tác không phải là dấu hiệu bắt buộc, tức là, dù hậu quả chưa xảy ra nhưng hành vi vẫn cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu hậu quả do hành vi giả mạo trong công tác gây ra là hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị tổ chức trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật. 

4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội giả mạo trong công tác thực hiện hành vi của mình là cố ý (cố ý trực tiếp), tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Đối với tội phạm giả mạo trong công tác, động cơ phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, nếu người phạm tội có các hành vi khách quan nêu ở trên nhưng không vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác thì hành vi giả mạo trong công tác chưa cấu thành tội phạm.

Động cơ phạm tội là cái bên trong thuộc mặt chủ quan của tội phạm và người phạm tội không bao giờ thừa nhận nếu không có căn cứ. Tuy nhiên, việc xác định động cơ của người phạm tội không phải khó tới mức không xác định được. Ngay cả việc xác định lỗi của người phạm tội cũng là một việc khó, nhưng về lý luận, ý thức chủ quan của con người bao giờ cũng được thể hiện bằng những hành vi và các dấu hiệu khách quan.

Người phạm tội vì vụ lợi mà giả mạo trong công tác là vì lợi ích của bản thân mình hoặc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình công tác. Ví dụ: Nguyễn Ngọc H là giám đốc Công ty xuất nhập khẩu, vì lợi ích của công ty mình, nên đã sửa chữa giấy phép nhập khẩu để nhập hàng tránh sự phát hiện của Hải quan.

Người phạm tội vì động cơ cá nhân khác là vì lợi ích của người khác mà người phạm tội quan tâm mà không vì lợi ích của cá nhân mình hoặc cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên. Ví dụ: Vũ Hồng M là trưởng phòng thi hành án dân sự đã sửa chữa bản án có hiệu lực pháp luật theo hướng có lợi cho Đặng Xuân D là em vợ của M. 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1. Phạm tội giả mạo trong công tác không có các tình tiết định khung hình phạt

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 284 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội giả mạo trong công tác, có khung hình phạt từ một năm đến năm năm tù, là tội phạm nghiêm trọng.

So với tội giả mạo trong công tác quy định tại Điều 224 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn và nếu so sánh giữa tội giả mạo trong công tác quy định tại Điều 224 Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 thì Điều 284 nhẹ hơn Điều 224 vì mức cao nhất  của khung hình phạt quy định tại Điều 284 là tù hai mươi năm, còn mức cao nhất của khung hình phạt quy định tại Điều 224 là tù chung thân. Do đó, hành vi phạm tội giả mạo trong công tác thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 1 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội giả mạo trong công tác theo khoản 1 Điều 284 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc nếu có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới một năm tù), nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì được hưởng án treo. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

2. Phạm tội giả mạo trong công tác thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 284 Bộ luật hình sự

a.                 Có tổ chức.

Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, giả mạo trong công tác có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức. Nhưng không phải vụ án giả mạo trong công tác có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên, mà tuỳ từng trường hợp, có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi dục hoặc người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành. Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên phạm tội giả mạo trong công tác có tổ chức có những đặc điểm riêng như:

Người thực hành trong vụ án giả mạo trong công tác có tổ chức phải là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để giả mạo trong công tác. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện các hành vi khách quan quy định tại khoản 1 Điều 284 Bộ luật hình sự.

b. Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu

Trường hợp phạm tội này là trường hợp đối với người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu thật đúng với quy định của Nhà nước, nhưng lại lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu có nội dung sai lệch với nội dung thật.

Người có trách nhiệm lập các giấy tờ, tài liệu là người được giao lập các giấy tờ, tài liệu nhưng đã lợi dụng nhiệm vụ được giao để làm sai lệch nôi dung thật của các giấy tờ tài liệu. Ví dụ: Trịnh Kim A là cán bộ của Sở giáo dục, đào tạo tỉnh T, được phân công viết Bằng tốt nghiệp phổ thông trung học. Lợi dụng nhiệm vụ được giao, Trịnh Kim A đã thông đồng với một số người khác làm 50 bằng tốt nghiệp giả để trục lợi.

Người có trách nhiệm cấp các giấy tờ, tài liệu là người được giao cấp các giấy tờ, tài liệu nhưng đã lợi dụng nhiệm vụ được giao để làm sai lệch nội dung thật của các giấy tờ tài liệu và cấp cho người khác. Ví dụ: Trần Văn K là cán bộ của Toà án huyện Q, được giao cấp trích lục bản án. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, K đã làm giả trích lục bản án ly hôn rồi cấp cho Trần Xuân P là anh họ của K đang làm ăn ở nước ngoài, để Trần Xuân P dùng trích lục bản án ly hôn giả này kết hôn với người khác ở nước ngoài.

c. Phạm tội nhiều lần

Phạm tội giả mạo trong công tác nhiều lần là có từ hai lần giả mạo trong công tác trở lên và mỗi lần giả mạo trong công tác đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý (kỷ luật, phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội nhiều lần.

Trong trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi khách quan quy định tại khoản 1 của điều luật và mỗi hành vi đó nếu tách ra thì cũng đã cấu thành tội phạm và mỗi hành vi người phạm tội thực hiện vào những thời điểm khác nhau thì cũng coi là phạm tội nhiều lần. Ví dụ: Ngày 1-10-2000, Nguyễn Đức Th cấp giấy tờ giả, đến ngày 10-10-2000, Th lại giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, nếu trong cùng một thời gian, người phạm tội có nhiều hành vi khách quan quy định tại khoản 1 của điều luật thì không coi là phạm tội nhiều lần. Ví dụ: Ngày 15-1-2002, Trần Quốc T vừa ký giả chức ký của người có chức vụ, quyền hạn vừa cấp giấy tờ giả có chữ kỹ giả cho người khác.

d. Gây hậu quả nghiêm trọng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng quy định ở các tội phạm khác. Tuy nhiên, đối với tội giả mạo trong công tác, chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó việc xác định thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi giả mạo trong công tác gây ra, phải căn cứ vào hướng dẫn về tình tiết này đối với các tội phạm khác.

Hiện nay, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở trung ương mới hướng dẫn áp dụng một số chương đối với một số tội phạm. Về tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số: 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999. Tuy nhiên, mỗi tội phạm tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khác nhau nên hậu quả do hành vi phạm tội gây ra cũng khác nhau. Việc đánh giá hậu quả như thế nào là nghiêm trọng do hành vi phạm tội gây ra phải tuỳ thuộc vào hành vi phạm tội cụ thể. Đối với tội giả mạo trong công tác, nếu căn cứ vào hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số: 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 thì không phù hợp, nhưng trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể, chúng tôi chỉ nêu cách xác định thế nào là hậu quả nghiêm trọng đối với các tội xâm phạm sở hữu tại Thông tư liên tịch số: 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 để tham khảo. Theo thông tư này, được coi là gây hậu quả nghiêm trọng nếu:

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.43

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 284 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

So với khoản 2 Điều 224 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 2 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn. Vì vậy, hành vi  giả mạo trong công tác xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 2 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 2 Điều 284 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới ba năm tù) nhưng không được dưới một năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì, khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 2 là khoản 1 Điều 284 Bộ luật hình sự ). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2, thì có thể bị phạt tới mười lăm năm tù.

3. Giả mạo trong công tác thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 284 Bộ luật hình sự

Khoản 3 Điều 284 Bộ luật hình sự chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt đó là, giả mạo trong công tác gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Hậu quả do hành vi giả mạo trong công tác lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi gây ra là hậu quả rất nghiêm trọng khác.

Hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi giả mạo trong công tác gây ra là những thiệt rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Cũng như đối với một số tội phạm khác, tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng khác do hành vi giả mạo trong công tác gây ra, nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi giả mạo trong công tác gây ra:

- Làm chết hai người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến bảy người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản thuộc hai đến ba trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Làm chết một người và còn làm bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; Làm chết một người và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. v.v...

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là rất nghiêm trọng.44

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 284 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, cũng là tội phạm rất nghiêm trọng.

So với khoản 3 Điều 224 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 3 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn. Ngoài ra, khoản 3 Điều 284 có thay đổi theo hướng có lợi cho người phạm tội, vì khoản 3 Điều 224 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 điều này” là yếu tố định khung hình phạt, còn khoản 3 Điều 284 không quy định tình tiết này là yếu tố định khung hình phạt nữa. Vì vậy, hành vi giả mạo trong công tác xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 3 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999. Khi áp dụng khoản 3 của điều luật cần chú ý:

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật thì cũng chỉ áp dụng khoản 2 điều luật mà không áp dụng khoản 3 của điều luật, vì tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều này” khoản 3 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 không còn quy định nữa.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 3 Điều 284 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự (từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới bảy năm tù) nhưng không được dưới ba năm tù. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới mười lăm năm tù.

4. Giả mạo trong công tác thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 284 Bộ luật hình sự

Khoản 4 Điều 284 Bộ luật hình sự cũng chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt đó là: “giả mạo trong công tác gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2,khoản 3 của điều luật chỉ khác ở chỗ: hậu quả do hành vi giả mạo trong công tác gây ra là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi giả mạo trong công tác gây ra là những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi giả mạo trong công tác gây ra:

Làm chết ba người trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của tám người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 201% trở lên, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên;

Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc bốn trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng;

Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc hai trường hợp được coi là hậu quả rất nghiêm trọng;

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.45

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 284 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

So với khoản 4 Điều 224 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 4 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn và có lợi cho người phạm tội, vì khoản 4 Điều 284 không còn quy định tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 Điều này” là yếu tố định khung hình phạt. Vì vậy, hành vi phạm tội giả mạo trong công tác được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện thì áp dụng khoản 4 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999.

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 của điều luật thì cũng chỉ áp dụng khoản 3 điều luật mà không áp dụng khoản 4 của điều luật, vì tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 Điều này” khoản 4 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 không còn quy định nữa.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 4 Điều 284 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới mười hai năm tù) nhưng không được dưới bảy năm tù. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, là người có nhân thân xấu, thì có thể bị phạt tới hai mươi năm tù.

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi

Theo quy định tại khoản 5 Điều 284 Bộ luật hình sự thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

So với quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 về hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, thì hình phạt bổ sung đối với tội giả mạo trong công tác quy định tại khoản 5 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 có những điểm được sửa đổi, bổ sung như sau:

- Nếu Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm”, thì khoản 5 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm”.

- Nếu căn cứ vào mức hình phạt thì khoản 5 Điều 284 nhẹ hơn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng căn cứ vào nguyên tắc áp dụng hình phạt thì khoản 5 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định không có lợi cho người phạm tội vì việc áp dụng hình phạt cấm đảm chức vụ đối với người phạm tội là bắt buộc “bị cấm”, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định không bắt buộc Toà án phải áp dụng “có thể bị cấm”.

Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đối với người phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 5 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Về hình phạt tiền, Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 và khoản 5 Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 không có gì thay đổi, nên hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện thì áp dụng Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 đối với bị cáo.

 

MỤC B
CÁC TỘI PHẠM KHÁC VỀ CHỨC VỤ

 

8. TỘI THIẾU TRÁCH NHIỆM GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG   

Điều 285.  Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng 

1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một  năm đến năm năm.

Định nghĩa: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng.

Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là tội phạm đã được quy định Điều 220 Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, do yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, nên Quốc hội đã hai lần sửa đổi bổ sung vào ngày 12-8-1991 và ngày 22-12-1992 theo hướng nghiêm khắc hơn.

Tội phạm này, nếu chỉ xét về hành vi khách quan và ý thức chủ quan thì giống với tội “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” (Điều 144), tội “ thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 235) và tội “thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn” (Điều 301) chỉ khác với các tội phạm này ở hậu quả, ở đối tượng tác động. Cũng chính vì vậy, điều văn của điều luật quy định: “nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này”.

 So với Điều 220 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này, thì Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 không có thay đổi lớn, chỉ bổ sung loại hình phạt cải tạo không giam giữ và thêm trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng ở khoản 2 của điều luật, đồng thời quy định hình phạt bổ sung ngay trong điều luật.

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 Như đã nêu ở trên, tội phạm này gần giống với một số tội phạm khác có hành vi thiếu trách nhiệm, nên các dấu hiệu của tội phạm này nếu chỉ xét về hành vi khách quan và ý thức chủ quan thì cũng tương tự như các tội thiếu trách nhiệm quy định ở các điều 144, 235 và 301. Trong đó, Điều 144 chúng tôi đã phân tích trong cuốn “ Bình luận Bộ luật hình sự 1999- tập 2”46 Tuy nhiên, để theo dõi một cách có hệ thống, chúng ta lần lượt nghiên cứu từng dấu hiệu của tội phạm này.

1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

 Cũng như đối với tội “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước”, chủ thể của tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cũng được coi là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Việc xác định tư cách chủ thể của tội phạm này là việc làm đầu tiên khi xác định hành vi phạm tội.

Cũng như đối với các tội phạm về chức vụ khác, người có chức vụ, quyền hạn là người đã được phân tích ở phần khái niệm về chức vụ. Tuy nhiên, đối với tội phạm này khác với các tội thiếu trách nhiệm quy định tại các Điều 144, 235 và 301 Bộ luật hình sự ở chỗ, trách nhiệm của người phạm tội là trách nhiệm gián tiếp đối với hậu quả xảy ra (hành vi thiếu trách nhiệm không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả nghiêm trọng). Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với ba trường hợp thiếu trách nhiệm quy định tại các Điều 144, 235 và 301 Bộ luật hình sự.

Mặc dù chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biêt, nhưng điều khẳng định này cũng chỉ đúng đối với trường hợp vụ án không có đồng phạm, nếu vụ án có đồng phạm thì chỉ yêu cầu người thực hành phải là người có chức vụ, quyền hạn, còn những người đồng phạm khác không nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người đồng phạm khác trong vụ án, thì họ cũng chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự, vì trường hợp  phạm tội này là tội phạm rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với những người này họ chỉ có thể là đồng phạm trong vụ án với vai trò giúp sức, vì những người này chưa thể trở thành người có chức vụ, quyền hạn.

Người dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 285 Bộ luật hình sự mà chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 của điều luật chỉ là tội phạm nghiêm trọng.

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng đến tài sản của cơ quan, tổ chức; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức mình bị thoái hoá biến chất

3. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm

a. Hành vi khách quan

Có thể nói người phạm tội chỉ có hành vi khách quan duy nhất là thiếu trách nhiệm, bản thân của hành vi này đã phản ảnh bản chất của tội phạm. Nhưng biểu hiện của hành vi thiếu trách nhiệm lại không phải giống nhau nó tuỳ thuộc vào nhiệm vụ được giao và tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra hậu quả.

Hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành của người có chức vụ, quyền hạn được biểu hiện như: Vi phạm các nguyên tắc, chính sách, chế độ liên quan đến việc quản lý Nhà nước, quản lý con người, quản lý tài sản. v.v...

Các nguyên tắc, chế độ có liên quan đến việc quản lý Nhà nước có thể là là các chế độ chính sách trên phạm phi toàn quốc, từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực.

Các nguyên tắc, chế độ có liên quan đến việc quản lý con người là nguyên tắc chế độ quản cán bộ, công chức hoặc thành viên trong một cơ quan, tổ chức; có thể là quy chế, chỉ thị, nghị quyết, nghị định... về công tác quản lý cán bộ, công chức

Các nguyên tắc, chế độ có liên quan đến việc quản lý tài sản có thể là các nguyên tắc, chế độ quản lý kinh tế, nhưng cũng có thể chỉ là nguyên tắc, chế độ về hành chính nhưng có liên quan quản lý tài sản, đôi khi chỉ là một bản nội quy cơ quan nếu vi phạm mà gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng bị coi là thiếu trách nhiệm.

Thiếu trách nhiệm là không làm hoặc làm không hết trách nhiệm được giao nên mới gây ra hậu quả, nếu làm tròn trách nhiệm được giao thì không thể gây ra hậu quả. Trường hợp đã làm hết trách nhiệm mà hậu quả vẫn xảy ra thì không phải là thiếu trách nhiệm và không phải là hành vi phạm tội này dù hậu quả gây ra rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ: Ông Đào Ngọc H là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã giao cho Bùi Văn T là Phó chủ tịch đại diện cho bên A ký hợp đồng với Công ty xây dựng M sửa chữa Trụ sở Uỷ ban nhân dân xã với tổng giá trị là 600.000.000 đồng. Trong quá trình thi công, ông H đã thường xuyên yêu cầu T báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện hợp đồng. Việc thực hiện đang tiến triển thuận lợi thì đột nhiên ông H bị bệnh phải vào Bệnh viện tỉnh đièu trị. Trong thời gian nằm bệnh viện, ông H yêu cầu T thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng cho ông nghe, nhưng T đã móc ngoặc với bên B nâng khống một số hạng mục công trình rút tiền chia nhau. Sau khi nghiệm thu công trình dưa vào sử dụng được 6 tháng thì bị sập một góc làm chết một người và bị thương 2 người với tỷ lệ thương tật mối người là 35%. Mặc dù là người đứng đầu, nhưng ông H đã làm hết trách nhiệm của mình, nên không thể coi việc làm của ông H là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Thực tiễn xét xử cho thấy, hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bị coi là hành vi phạm tội thường là những hành vi thiếu yếu tố cấu thành tội phạm khác hoặc không chứng minh được động cơ, mục đích phạm tội. Ví dụ: Trong vụ án Nguyễn Ngọc Lâm, một số cán bộ kiểm hoá thuộc Cục hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã không làm tròn trách nhiệm (không kiểm hoá hoặc kiểm hoá qua loa) để Nguyễn Ngọc Lâm buôn lậu trót lọt một lượng lớn xe ô tô. Trong quá trình điều tra, không chứng minh được các cán bộ Hải quan này nhận hối lộ của Nguyễn Ngọc Lâm, nên chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự họ về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

b. Hậu quả

Hậu quả của tội phạm này là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm là một bộ phân hợp thành tội danh, đó là hậu quả nghiêm trọng. Nếu hậu quả gây ra rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật.

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây là những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của con người; những thiệt hại về tài sản, uy tín của cơ quan, tổ chức và những thiệt hại phi vật chất khác.

Hành vi thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng, được xác định như là một nguyên nhân gián tiếp. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội phạm tội này với  một số tội phạm khác có hành vi thiếu trách nhiệm là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả như tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.

Tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra, nhưng tham khảo hướng dẫn của liên ngành về các tội xâm phạm sơ hữu, thì có thể coi hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra nếu:

 - Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.47

Các hướng dẫn trên, có thể áp dụng đối với hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 285 Bộ luật hình sự.

4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được thực hiện do vô ý.

Các dấu hiệu về vô ý phạm tội được quy định tại Điều 10 Bộ luật hình sự. Có hai trường hợp vô ý phạm tội:

Trường hợp thứ nhất là người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được; khoa học luật hình sự gọi trường hợp vô ý phạm tội này là “vô ý vì quá tự tin”.

Trường hợp thứ hai là người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả , mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước. Khoa học luật hình sự gọi trường hợp vô ý phạm tội này là “vô ý vì cẩu thả”.

Cả hai trường hợp vô ý trên, người phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đều có thể mắc phải tuỳ thuộc vào chức vụ, quyền hạn của họ và hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra hậu quả. Việc xác định lỗi vô ý gây hậu quả nghiêm trọng của người phạm tội là bắt buộc, nhưng không bắt buộc phải xác định người phạm tội do vô ý vì quá tự tin hay vô ý vì cẩu thả.

Động cơ phạm tội không phải là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Đây là đặc điểm khác với một số tội phạm khác mà người phạm tội có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Do đó, khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nếu cần xác định động cơ phạm tội cũng chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt chứ không có ý nghĩa định tội.

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1. Phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng không có các tình tiết định khung hình phạt

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 285 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. So với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 220 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, vì khoản 1 Điều 285 có quy định hình phạt cải tạo không giam giữ và nếu so sánh Điều 220 Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999, thì Điều 285 cũng là điều luật nhẹ hơn. Vì vậy, đối với hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000  mới phát hiện,xử lý thì được áp dụng khoản 1 Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

 

Khi áp dụng khoản 1 Điều 285 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ phải đúng quy định tại Điều 31 Bộ luật hình sự về loại hình phạt này. Nếu không đủ điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo hoặc áp dụng mức thấp nhất của khung hình phạt ( sáu tháng tù). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới 5 năm tù.

2. Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự

Nhà làm luật quy định hai tình tiết có nội dung như nhau nhưng lại có tính chất và mức độ nghiêm trọng khác nhau là yếu tố định khung hình phạt, đó là: Gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nếu xét về kỹ thuật lập pháp thì việc quy định này chưa khoa học, không chỉ đối với tội phạm này mà chúng ta còn thấy ở nhiều tội phạm khác, nhà làm luật cũng quy định như vậy như: Khoản 3 của Điều 281, khoản 3 của Điều 282.... Tuy nhiên, thực tiễn xét xử, mặc dù hai tình tiết này đều được quy định trong cùng một khung hình phạt, nhưng khi quyết định hình phạt Toà án vẫn phải phân biệt trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng với trường hợp gây hậu quả đặc biệtnghiêm trọng để áp dụng một hình phạt tương xứng đối với hậu quả mà người phạm tội gây ra.

a. Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả  nghiêm trọng, chỉ khác ở chỗ: Hậu quả do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra là hậu quả rất nghiêm trọng. Cũng như các trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng khác, khi xác định cần căn cứ vào các thiệt hại về thể chất, về tài sản, thiệt hại phi vật chất do hành vi phạm tội gây ra.

Hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra là những thiệt rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra:

- Làm chết hai người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến bảy người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản thuộc hai đến ba trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Làm chết một người và còn làm bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; Làm chết một người và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. v.v...

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là rất nghiêm trọng.48

Đây là hướng dẫn đối với các tội xâm phạm sơ hữu, trong khi chưa có hướng dẫn chính thức về hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây thì có thể tham khảo hướng dẫn này để xác định hành vi thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.

b. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả  nghiêm trọng và gây hậu quả rất nghiêm trọng, chỉ khác ở chỗ: Trường hợp phạm tội này, hậu quả do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cũng như các trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, khi xác định cần căn cứ vào các thiệt hại về thể chất, về tài sản, thiệt hại phi vật chất do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra.

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra là những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra:

- Làm chết ba người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của tám người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 201% trở lên, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên;

- Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc bốn trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng;

- Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc hai trường hợp được coi là hậu quả rất nghiêm trọng;

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.49

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc nếu có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể và hậu quả gây ra chỉ là hậu quả rất nghiêm trọng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới ba năm tù), nhưng không được dưới sáu tháng tù. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể hoặc chỉ là tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46, là người đã bị xử lý nhiều lần về hành vi thiếu trách nhiệm nhưng vẫn tái phạm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị phạt đến 12 năm tù.

3. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Theo quy định tại khoản 3 Điều 285 Bộ luật hình sự thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm.

So với quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 về hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, thì hình phạt bổ sung đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 3 Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 có những điểm được sửa đổi, bổ sung như sau:

- Nếu Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm”, thì khoản 3 Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm”.

- Nếu căn cứ vào mức hình phạt thì khoản 3 Điều 285 nhẹ hơn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng căn cứ vào nguyên tắc áp dụng hình phạt này thì khoản 3 Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định không có lợi cho người phạm tội vì việc áp dụng hình phạt cấm đảm chức vụ đối với người phạm tội là bắt buộc “bị cấm”, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định không bắt buộc Toà án phải áp dụng “có thể bị cấm”.

Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đối với người phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 3 Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

 

9. TỘI CỐ Ý LÀM LỘ BÍ MẬT CÔNG TÁC; TỘI CHIẾM ĐOẠT, MUA BÁN HOẶC TIÊU HUỶ TÀI LIỆU BÍ MẬT CÔNG TÁC   

Điều 286. Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu  bí mật công tác 

1. Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 và Điều 263 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt  tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một  năm đến năm năm.

Do điều luật quy định hai tội danh độc lập đều xâm phạm đến cùng một khách thể là bí mật công tác, nhưng do hành vi khách quan khác nhau. Đây cũng là vấn đề có liên quan đến kỹ thuật làm luật. Lẽ ra, nhà làm luật phải quy định hai tội phạm  này ở hai điều luật khác nhau, nhưng do kỹ thuật làm luật nên hai tội này được quy định trong cùng một điều luật. Do đó, khi bình luận, chúng tôi phân tích các dấu hiệu cấu thành của từng tội để tiện theo dõi.

 

9a.  TỘI CỐ Ý LÀM LỘ BÍ MẬT CÔNG TÁC

Định Nghĩa: Cố ý làm lộ bí mật công tác là nhận thức rõ hành vi của mình là làm lộ bí mật công tác, thấy trước được hậu quả của hành vi tất yếu hoặc có thể làm lộ bí mật công tác, mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả đó xảy ra.

Tội cố ý làm lộ bí mất công tác là tội phạm đã được quy định tại Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985. Trong quá trình thi hành Bộ luật hình sự năm 1985, tội phạm này không có sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, so với Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985, thì Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội phạm này chỉ sửa đổi, bổ sung loại hình phạt cải tạo không giam giữ từ một năm lên ba năm và hình phạt bổ sung được quy định trong cùng một điều luật, còn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, khung hình phạt vẫn như Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985.

Tội phạm này thực tế xảy ra nhiều, nhưng việc truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác lại rất ít, mà chủ yếu xử lý bằng hình thức kỷ luật hoặc xử phạt hành chính. Theo báo cáo thống kê hàng năm của ngành Toà án nhân dân thì việc xét xử loại tội phạm này hầu như không có. Việc các cơ quan tiến hành tố tụng có truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác hay không, điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng nhà làm luật vẫn quy định hành vi này là hành vi phạm tội là rất cần thiết, vì thực tế, hành vi này đã và đang xảy ra nhiều, có trường hợp rất nghiêm trọng gây thiệt hại nhiều mặt cho cơ quan, tổ chức.

A1. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 Theo điều văn của điều luật, thì tội phạm này gần giống với tội làm gán điệp và tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước quy định ở các điều 80 và Điều 263 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, mỗi tội phạm có những dấu hiệu riêng biệt để phân biệt. Nếu ở tội làm gián điệp quy định tại Điều 80 Bộ luật hình sự, người phạm tội cố ý cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài là để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì ở tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước quy định ở Điều 263 Bộ luật hình sự, người phạm tội không nhằm chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng đối với tội cố ý làm lộ bí mật công tác, người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao đã cố ý làm lộ bí mật công tác.

Có thể nói, tội cố ý làm lộ bí mật công tác gần giống với tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ: Người phạm tội có ý làm lộ bí mật công tác là người có chức vụ, quyền hạn làm lộ những thông tin liên quan đến việc thi hành nhiệm vụ của mình, còn người phạm tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước là người không có chức vụ, quyền hạn hoặc nếu có chức vụ, quyền hạn nhưng những bí mật Nhà nước mà họ làm lộ không liên quan đến nhiệm vụ của họ.

1a. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

Cũng như đối với các tội phạm về chức vụ khác, chủ thể của tội “cố ý làm lộ bí mật công tác” cũng được coi là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức trong khi thi hành công vụ mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Việc xác định tư cách chủ thể của tội phạm này có ý nghĩa phân biệt với tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự.

Người có chức vụ, quyền hạn là người đã được phân tích ở phần khái niệm về chức vụ. Tuy nhiên, đối với tội phạm này, người có chức vụ, quyền hạn đã cố ý làm lộ bí mật trong phạm vi công tác của mình. Nếu bí mật đó không thuộc phạm vi công tác của mình mà người phạm tội biết được và đã cố ý làm lộ bí mật đó thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 hoặc Điều 263 Bộ luật hình sự. Ví dụ: Trần Mai H với tư cách là tổng biên tập một tờ báo đã trực viết bài và cho đăng nội dung công văn số 1333 ngày 19-8-1996 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi Bộ nội vụ ( nay là Bộ công an) nhằm bênh vực cho một tên tội phạm nguy hiểm. Công văn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã được đóng dấu mật. mặc dù Trần Mai H là người có chức vụ, quyền hạn nhưng những thông tin bí mật mà H làm lộ không liên quan đến trách nhiệm của H, nên hành vi của H không phải là hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác mà là hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước qu định tạ Điều 263 Bộ luật hình sự.

Mặc dù chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biêt, nhưng điều khẳng định này chỉ đúng đối với trường hợp vụ án không có đồng phạm, nếu vụ án có đồng phạm thì chỉ yêu cầu người thực hành phải là người có chức vụ, quyền hạn, còn những người đồng phạm khác không nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người đồng phạm khác trong vụ án thì họ cũng chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội cố ý làm lộ bí mật công tác cả khoản 1 và khoản 2 của điều luật không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

2a. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội cố ý làm lộ bí mật công tác là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức liên quan đến việc bảo mật của Nhà nước; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, thậm chí gây ra tác hại rất lớn, để người khác lợi dụng chống lại chế độ, gây mất đoàn kết hoặc đối phó với các chủ trương chính sách trước khi được thi hành.

Đối tượng tác động của tội phạm này được nêu ngay trong cấu thành tội phạm, đó là: bí mật công tác. Bí mật công tác cũng là bí mật Nhà nước, nhưng được gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chứvu và gắn liền với nhiệm vụ công tác của người có chức vụ, quyền hạn.

Theo quy định tại Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước thì, những tin tức trong phạm vi sau đây thuộc độ tuyệt mật:

1- Kế hoạch chiến lược phòng thủ đất nước; kế hoạch động viên đối phó với chiến tranh; các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh có ý nghĩa quyết định khả năng phòng thủ đất nước;

2- Các chủ trương, chính sách về đối nội, đối ngoại chưa công bố hoặc không công bố.

Những tin tức của nước ngoài hoặc của các tổ chức quốc tế chuyển giao cho Việt Nam mà theo yêu cầu của bên giao hoặc được Hội đồng bộ trưởng xác định thuộc độ tuyệt mật;

3- Tổ chức và hoạt động tình báo, phản gián;

4- Mật mã quốc gia;

5- Dự trữ chiến lược quốc gia; các số liệu dự toán, quyết toán ngân sách Nhà nước về những lĩnh vực chưa công bố hoặc không công bố; kế hoạch phát hành tiền tệ, khoá an toàn của từng mẫu tiền; phương án, kế hoạch thu đổi tiền chưa công bố;

6- Các khu vực cấm mà Hội đồng bộ trưởng xác định thuộc độ tuyệt mật.

Những tin tức trong phạm vi sau đây thuộc độ tối mật:

1- Các cuộc đàm phán về chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác giữa nước ta với nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế chưa công bố.

Những tin tức của nước ngoài hoặc của các tổ chức quốc tế chuyển giao cho Việt Nam mà theo yêu cầu của bên giao hoặc được Hội đồng bộ trưởng xác định thuộc độ Tối mật;

2- Tổ chức, trang bị, phương án tác chiến của các đơn vị vũ trang; phương án vận chuyển và cất giữ vũ khí; công trình quan trọng phòng thủ biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo;

3- Tài liệu về đường biên giới chưa công bố.

Bản đồ quân sự; toạ độ điểm hạng I, hạng II Nhà nước của mạng lưới quốc gia hoàn chỉnh cùng với các ghi chú điểm kèm theo.

Vị trí và trị số cao độ các mốc chính của các trạm khí tượng; thuỷ văn, hải văn; số liệu, độ cao số không tuyệt đối của các mốc hải văn;

4- Số liệu tuyệt đối về thu chi ngân sách Nhà nước chưa công bố.

Số lượng tiền in, phát hành; tiền dự trữ bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ; các số liệu về bội chi, lạm phát tiền mặt chưa công bố;

Phương án giá Nhà nước chưa công bố;

5- Nơi lưu giữ và số lượng kim loại quý hiếm, đá quí, ngoại hối và vật quí hiếm khác của Nhà nước.

Địa điểm, trữ lượng của các mỏ kim loại, phi kim loại quí hiếm, chất phóng xạ chưa công bố;

6- Phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, bí quyết nghề nghiệp đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng, an ninh quốc gia, kinh tế, khoa học, công nghệ chưa công bố;

7- Kế hoạch xuất nhập khẩu các mặt hàng giữ vị trí trọng yếu trong việc phát triển tiềm năng kinh tế - xã hội của đất nước.

Bí mật Nhà nước trong các lĩnh vực công tác của các cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế ngoài phạm vi được quy định trên, thì thuộc độ Mật50.

Như vậy, bí mật công tác thuộc độ tuyệt mật và tối mật được quy định cụ thể trong pháp lệnh tại Điều 6 và Điều 7, nhưng đối với bí mật công tác của các cơ quan, tổ chức không thuộc độ tuyệt mật và tối mật mà thuộc độ mật thì do cơ quan, tổ chức đề nghị và Thủ tướng quyết định. Ví dụ: Tại quyết định số 208/TTg ngày 6 tháng 4 năm 1995, Thủ tướng chính phủ quyết định về danh mục bí mật của Toà án nhân dân tối cao. Theo quyết định này, thì danh mục bí mật Nhà nước của Toà án nhân dân tối cao cũng được chia làm hai loại: loại tối mật và loại mật.51 Do đó, khi xác định tài liệu bị tiết lộ có phải là bí mật công tác hay không, ngoài việc căn cứ Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước, còn phải căn cứ vào các văn bản khác của từng ngành, liên ngành quy định về danh mục bí mật của cơ quan, tổ chức.

3a. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm

a1. Hành vi khách quan

Người phạm tội chỉ có hành vi khách quan duy nhất là làm lộ bí mật công tác. Nhưng biểu hiện của hành vi làm lộ lại tuỳ thuộc vào chức vụ, quyền hạn và hoàn cảnh cụ thể lúc người phạm tội làm lộ bí mật đó.

Hành vi làm lộ bí mật công tác được biểu hiện như: Kể cho người khác nghe những bí mật mà mình biết; cung cấp tài liệu, tin tức bí mật cho người khác để người khác sử dụng các tài liệu, tin tức bí mật đó; loan truyền những tin tức bí mật bằng nhiều hình thức như truyền miệng, đăng báo, truyền thanh, truyền hình...

Hành vi làm lộ bí mật Nhà nước bao giờ cũng gắn liền với nhiệm vụ của người phạm tội. Cũng chính vì thế nên mới gọi là làm lộ bí mật công tác, nếu không có chức vụ, quyền hạn và không thực hiện nhiệm vụ, thì không thể làm lộ bí mật Nhà nước được. Ví dụ: Hồ Thị Th là chuyên viên vụ xuất nhập khẩu Bộ thương mại đã tiết lộ kế hoạch xuất nhập khẩu các mặt hàng giữ vị trí trọng yếu trong việc phát triển tiềm năng kinh tế - xã hội của đất nước.

b1. Hậu quả

Hậu quả của hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác là những thiệt hại về vật chất và phi vật chất cho cơ quan, tổ chức và cho con người.

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. chỉ cần người phạm tội có hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác là tội phạm đã hoàn thành. Tuy nhiên, việc xác định hậu quả của tội phạm vẫn rất cần thiết, dù nó không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng nó có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt, vì hành vi làm lộ bí mật công tác nếu đã gây ra hậu quả thì tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn trường hợp chưa gây ra hậu quả; nếu hậu quả gây ra lại là nghiêm trọng, thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật.

4a. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Tên tội danh và điều văn của điều luật đã quy định người phạm tội này là do cố ý, tức là người phạm tội thấytrước được hậu quả của hành vi tất yếu hoặc có thể làm lộ bí mật công tác, mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả đó xảy ra.

Việc xác định người phạm tội có cố ý làm lộ bí mật công tác hay không là vấn đề có ý nghĩa quyết định trong việc xác định hành vi phạm tội, nếu người phạm tội không cố ý làm lộ bí mật công tác thì dù bí mật đó đã bị tiết lộ thì người có hành vi tiết lộ bí mật không cấu thành tội phạm này mà tuỳ trường hợp người có hành vi phạm tội vô ý làm lộ bí mật công tác hoặc không phạm tội.

Khi xác định người phạm tội có cố ý làm lộ bí mật công tác hay không, không chỉ căn cứ vào lời khai của người phạm tội, mà phải căn cứ vào các tình tiết khách quan của vụ án, vì thực tiễn cho thấy nhiều trường hợp người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyết để cố ý làm lộ bí mật công tác nhưng khi sự việc được phát hiện thì lại cho rằng mình chỉ vô ý để lộ bí mật công tác để trốn trách nhiệm. Ví dụ: Vũ Khắc X là Phó bí thư Đảng uỷ cơ quan đã cố ý để tài liệu bí mật về việc sắp xếp lại cán bộ trên bàn làm việc rồi nói cho Vũ Thị C là nhân viên và là người tình của X vào lấy tài liệu bí mật đó.

B1. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1a. Phạm tội cố ý làm lộ bí mật công tác không có các tình tiết định khung hình phạt

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 286 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội cố ý làm lộ bí mật công tác. So với tội cố ý làm lộ bí mật công tác quy định tại khoản 1 Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn, vì khoản 1 Điều 286 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm, trong khi đó khoản 1 Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Mặt khác, nếu so sánh Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999, thì Điều 286 cũng là điều luật nặng hơn. Vì vậy, đối với hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000  mới phát hiện, xử lý thì không áp dụng khoản 1 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội, mà vẫn áp dụng k1 Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985.

Khi áp dụng khoản 1 Điều 286 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ phải đúng quy định tại Điều 31 Bộ luật hình sự về loại hình phạt này. Nếu không đủ điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo hoặc áp dụng mức thấp nhất của khung hình phạt ( sáu tháng tù). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới 3 năm tù.

2a. Cố ý làm lộ bí mật công tác thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 286 Bộ luật hình sự

Khoản 2 của điều luật chỉ quy định một trường hợp phạm tội, đó là cố ý làm lộ bí mật công tác gây hậu quả nghiêm trọng.

Cố ý làm lộ bí mật công tác gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp do làm lộ bí mật công tác nên đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội. Những thiệt hại này có thể là thiệt hại về thể chất, vật chất hoặc những thiệt hại phi vật chất.

Do thực tiễn xét xử chưa truy cứu trách nhiệm hình sự nhiều về tội phạm này nên việc định ra như thế nào là hậu quả nghiêm trọng do hành vi làm lộ bí mật công tác gây ra chưa được tổng kết hướng dẫn. Tuy nhiên, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác, tham khảo các hướng dẫn về gây hậu quả nghiêm trọng đối với một số tội phạm khác, có thể coi những thiệt hại sau đây là hậu quả nghiêm trọng do hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác gây ra:

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.52

Khoản 2 của điều luật chỉ quy định trường hợp gay hậu quả nghiêm trọng, nhưng không vì thế mà cho rằng nếu hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác mà gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật. Đây cũng là vấn đề hạn chế về kỹ thuật lập pháp chúng ta không chỉ thấy ở tội phạm này mà còn thấy ở một số tội phạm khác. Trong khi đó, một số tội phạm trong cùng một khoản của điều luật, nhà làm luật lại quy định hai trường hợp gây hậu quả khác nhau. Ví dụ: Tại khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự quy định phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Hy vọng rằng, khi sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự các nhà làm luật sẽ quan tâm đến sự bất hợp lý này.

3a. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cố ý làm lộ bí mật công tác

Theo quy định tại khoản 3 Điều 286 Bộ luật hình sự thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

So với quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 về hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, thì hình phạt bổ sung đối với tội cố ý làm lộ bí mật công tác quy định tại khoản 5 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 có những điểm được sửa đổi, bổ sung như sau:

- Nếu Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm”, thì khoản 3 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm”.

- Nếu căn cứ vào mức hình phạt thì khoản 3 Điều 286 nhẹ hơn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng căn cứ vào nguyên tắc áp dụng hình phạt này thì khoản 3 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định không có lợi cho người phạm tội vì việc áp dụng hình phạt cấm đảm chức vụ đối với người phạm tội là bắt buộc “bị cấm”, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định không bắt buộc Toà án phải áp dụng “có thể bị cấm”.

Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đối với người phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 3 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

 

9b.  TỘI CHIẾM ĐOẠT, MUA BÁN HOẶC TIÊU HUỶ TÀI LIỆU BÍ MẬT CÔNG TÁC

Do kỹ thuật lập pháp nên điều luật quy định ba hành vi phạm tội khác nhau, đó là: Chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác; mua bán tài liệu bí mật công tác; tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác. Do đó, khi định tội, cần chú ý:

Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội nào thì định tội theo hành vi đó. Ví dụ: Nếu người phạm tội chỉ tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác thì định tội là: “tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác” mà không định tội theo điều văn của điều luật (chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác).

Nếu người phạm tội thực hiện cả ba hành vi phạm tội mà điều luật đã quy định thì định tội là: “chiếm đoạt, mua bán và tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác”.

Nếu người phạm tội thực hiện hai hành vi phạm tội thì định tội là: “chiếm đoạt và mua bán tài liệu bí mật công tác” hoặc “chiếm đoạt và tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác”, hoặc “mua bán và tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác”.

Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau với đối tượng ( tài liệu bí mật công tác) khác nhau thì việc định tội lại phức tạp hơn. Ví dụ: Một người chiếm đoạt phát minh kinh tế và mua bán bí quyết nghề nghiệp chưa công bố, thì phải định tội: “chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác” và tội “ mua bán tài liệu bí mật công tác” rồi tổng hợp hình phạt theo Điều 50 Bộ luật hình sự.

Do điều luật quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau nên không thể nêu một định nghĩa chung cho tất cả các hành vi phạm tội mà tuỳ từng trường hợp cụ thể mà định nghĩa cho từng hành vi.

Chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác là hành vi chuyển dịch trái phép tài liệu bí mật công tác bằng nhiều hình thức khác nhau như: cướp, bắt cốc nhằm chiếm đoạt, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên, trộm cắp, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm... từ sở hữu hoặc thuộc quyền quản lý hợp pháp của người khác thành sở hữu hoặc quyền quản lý bất hợp pháp của mình.

Mua bán tài liệu bí mật công tác là bán; mua, xin, nhặt được hoặc chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác để bán lại cho người khác; tàng trữ nhằm mục đích bán lại; vận chuyển để bán hoặc vận chụyển giúp cho người mua bán các tài liệu bí mật công tác.

Tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác là huỷ hoạt hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu bí mật công tác làm cho tài liệu đó mất giá trị không sử dụng được nữa.

Cũng như đối với tội cố ý làm lộ bí mật công tác, tội chiếm đoạt, mua bán và tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác đã được quy định tại Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985. Trong quá trình thi hành Bộ luật hình sự năm 1985, tội phạm này cũng không có sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, so với Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985, thì Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội phạm này chỉ sửa đổi, bổ sung loại hình phạt cải tạo không giam giữ từ một năm lên ba năm và hình phạt bổ sung được quy định trong cùng một điều luật, còn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, khung hình phạt vẫn như Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985.

Khác với tội cố ý làm lộ bí mật công tác, tội phạm này thực tế xảy ra không nhiều, nhưng nếu xảy ra thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, việc xử lý bằng hình thức kỷ luật hoặc xử phạt hành chính rất ít. Thông thường, tội phạm này gắn liền với một số tội phạm khác khi bị phát hiện, người phạm tội đã tiêu huỷ tài liệu để che giấu tội phạm. Thực tiễn xét xử cho thấy, nếu tài liệu bị tiêu huỷ không phải là tài liệu bí mật Nhà nước thì hành vi tiêu huỷ chỉ bị coi là hành vi che giấu tội phạm, còn nếu tài liệu bị tiêu huỷ lại là tài liệu bí mật công tác thì hành vi tiêu huỷ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác, mặc dù hành vi tiêu huỷ là nhằm che giấu tội phạm.

 A2. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 Tội phạm này cũng gần giống với tội làm gán điệp và tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước quy định ở các điều 80 và Điều 263 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, tội phạm này nhà làm luật quy định tới ba hành vi phạm tội khác nhau, nên không phải hành vi phạm tội nào cũng có điểm gần giống với tội phạm quy định tại Điều 80 Bộ luật hình sự mà chỉ có một số hành vi. Ví dụ: Chỉ có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác nhằm cung cấp cho nước ngoài để nước ngoài sử dụng chống nước chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 80 Bộ luật hình sự mới tương tự với hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác quy định tại Điều 286 Bộ luật hình sự.

 

  Riêng hành vi chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước quy định ở Điều 263 Bộ luật hình sự, thì lại hoàn toàn tương tự với hành vi của tội phạm này, chỉ khác nhau ở chỗ: Người phạm tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước là người không có chức vụ, quyền hạn hoặc nếu là người có chức vụ, quyền hạn thì những bí mật nhà nước mà họ làm lộ không liên quan đến nhiệm vụ của họ, ngược lại người phạm tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác là người có chức vụ, quyền hạn, những bí mật công tác mà họ làm lộ bao giờ cũng liên quan đến nhiệm vụ của họ.

1b. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

 Cũng như đối với các tội phạm về chức vụ khác, chủ thể của tội “chiếm đoạt, mua bán và tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác” cũng được coi là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức trong khi thi hành công vụ mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Việc xác định tư cách chủ thể của tội phạm này có ý nghĩa phân biệt với tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự.

Mặc dù chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biêt, nhưng điều khẳng định này chỉ đúng đối với trường hợp vụ án không có đồng phạm, nếu vụ án có đồng phạm thỉ chỉ yêu cầu người thực hành phải là người có chức vụ, quyền hạn, còn những người đồng phạm khác không nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người đồng phạm khác trong vụ án thì họ cũng chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội chiếm đoạt, mua bán và tiêu huỷ tài liệu bí mật công táccả khoản 1 và khoản 2 của điều luật không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

2b. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Cũng như đối với khách thể của tội cố ý làm lộ bí mật công tác, khách thể của tội chiếm đoạt, mua bán và tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức liên quan đến việc bảo mật của Nhà nước; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, thậm chí gây ra tác hại rất lớn, để người khác lợi dụng chống lại chế độ, gây mất đoàn kết hoặc đối phó với các chủ trương chính sách trước khi được thi hành.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này được nêu ngay trong cấu thành tội phạm, đó là: tài liệu bí mật công tác, nhưng được gắn liền với công tác của cơ quan, tổ chức. Các tài liệu bí mật công tác bao gồm các tài liệu được quy định trong Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước và các tài liệu bí mật của các cơ quan, tổ chức được Chính phủ quyết định theo đề nghị của cơ quan, tổ chức đó. (xem đối tượng tác động đối với tội cố ý làm lộ bí mật công tác).

3b. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

a2. hành vi khách quan

Điều luật quy định ba hành vi khách quan, đó là: Chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác; mua bán tài liệu bí mật công tác và tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác.

Hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác

Hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác cũng tương tự như hành vi chiếm đoạt tài sản trong các tội xâm phạm sở hữu, chỉ khác ở chỗ đối tượng chiếm đoạt không phải là tài sản mà là tài liệu bí mật công tác. So với hành vi chiếm đoạt tài sản, thì hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác được người phạm tội thực hiện bằng nhiều thủ đoạn hơn hành vi chiếm đoạt tài sản quy định trong chương các tội phạm xâm phạm sở hữu.

Người phạm tội chiếm đoạt bí mật công tác vì là người có chức vụ, quyền hạn nên thông thường hành vi chiếm đoạt được thực hiện bằng hình thức lợi dụng chức vụ, quyền hạn nên có thể coi hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác là hành vi tham ô tài liệu bí mật công tác. Nếu người không có chức vụ, quyền hạn hoặc nếu có nhưng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài liệu bí mật đó thì lại thuộc trường hợp quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên, ngoài hành vi tham ô, người phạm tội có thể còn có những thủ đoạn khác để chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác như: cướp, bắt cóc nhằm chiếm đoạt, cưỡng đoạt, công nhiên chiếm đoạt, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt. Nếu người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt ằng những thủ đoạn trên thì cũng phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì mới là hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác.

Hành vi mua bán tài liệu bí mật công tác

Hành vi mua bán tài liệu bí mật công tác cũng như hành vi mua bán hàng hoá, nhưng mua bán tài liệu bí mật công tác là hành vi đã bán tài liệu bí mật công tác mà mình có trách nhiệm bảo quản, gữi gìn; mua, xin, nhặt được hoặc chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác để bán lại cho người khác; tàng trữ nhằm mục đích bán lại; vận chuyển để bán hoặc vận chụyển giúp cho người mua bán các tài liệu bí mật công tác.

Hành vi mua bán tài liệu bí mật công tác khác với hành vi mua bán hàng hoá và hành vi mua bán tài liệu bí mật Nhà nước quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự  ở chỗ: Hành vi mua bán tài liệu bí mật công tác chỉ những người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mua bán tài liệu bí mật công tác.

Hành vi tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác

 Tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác là huỷ hoạt hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu bí mật công tác làm cho tài liệu đó mất giá trị không sử dụng được nữa như: đốt cháy, xé bỏ, xoá bỏ các dữ liệu trong máy tính, phá hỏng máy móc có chứa các tài liệu bí mật công tác. Hành vi này cũng tương tự như hành vi tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước quy định tại Điều 263 nhưng khác ở chỗ: Người thực hiện hành vi tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác phải là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ quyền hạn để tiêu huỷ tài liệu bí mật có liên quan đến nhiệm vụ của mình.

b2. Hậu quả

Hậu quả của hành vi chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác là những thiệt hại về vật chất và phi vật chất cho cơ quan, tổ chức và cho con người.

Cũng như đối với tội cố ý làm lộ bí mật công tác, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. chỉ cần người phạm tội có hành vi chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác là tội phạm đã hoàn thành. Tuy nhiên, việc xác định hậu quả của tội phạm vẫn rất cần thiết, dù nó không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng nó có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt, vì hành vi chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệubí mật công tác nếu đã gây ra hậu quả thì tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn trường hợp chưa gây ra hậu quả; nếu hậu quả gây ra lại là nghiêm trọng, thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật.

4b. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Tuy điều văn của điều luật chỉ quy định mua bán, chiếm đoạt hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác, nhưng phải hiểu rằng, người thực hiện hành vi phạm tội này là do cố ý, tức là người phạm tội thấy trước được hậu quả của hành vi tất yếu hoặc có thể làm lộ bí mật công tác, mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả đó xảy ra.

B2. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1b. Phạm tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác không có các tình tiết định khung hình phạt

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 286 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác. So với tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu lộ bí mật công tác quy định tại khoản 1 Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn, vì khoản 1 Điều 286 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm, trong khi đó khoản 1 Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Mặt khác, nếu so sánh Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999, thì Điều 286 cũng là điều luật nặng hơn. Vì vậy, đối với hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000  mới phát hiện, xử lý thì không áp dụng khoản 1 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Khi áp dụng khoản 1 Điều 286 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ phải đúng quy định tại Điều 31 Bộ luật hình sự về loại hình phạt này. Nếu không đủ điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo hoặc áp dụng mức thấp nhất của khung hình phạt ( sáu tháng tù). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới 3 năm tù.

2b. Cố ý làm lộ bí mật công tác thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 286 Bộ luật hình sự

Khoản 2 của điều luật chỉ quy định một trường hợp phạm tội, đó là chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác gây hậu quả nghiêm trọng.

Chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp do chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác nên đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội. Những thiệt hại này có thể là thiệt hại về thể chất, vật chất hoặc những thiệt hại phi vật chất.

Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác, tham khảo các hướng dẫn về gây hậu quả nghiêm trọng đối với một số tội phạm khác, có thể coi những thiệt hại sau đây là hậu quả nghiêm trọng do hành vi chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác gây ra:

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.53

Khoản 2 của điều luật chỉ quy định trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng không vì thế mà cho rằng nếu hành vi chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác mà gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật. Đây cũng là vấn đề hạn chế về kỹ thuật lập pháp, không chỉ thấy ở tội phạm này mà còn thấy ở một số tội phạm khác. Trong khi đó, một số tội phạm trong cùng một khoản của điều luật nhà làm luật lại quy định hai trường hợp gây hậu quả khác nhau. Ví dụ: Tại khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự lại quy định phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Hy vọng rằng, khi sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự các nhà làm luật sẽ quan tâm đến sự bất hợp lý này.

3b. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cố ý làm lộ bí mật công tác

Theo quy định tại khoản 3 Điều 286 Bộ luật hình sự thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

So với quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 về hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, thì hình phạt bổ sung đối với tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác quy định tại khoản 5 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 có những điểm được sửa đổi, bổ sung như sau:

- Nếu Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm”, thì khoản 3 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm”.

- Nếu căn cứ vào mức hình phạt thì khoản 3 Điều 286 nhẹ hơn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng căn cứ vào nguyên tắc áp dụng hình phạt này thì khoản 3 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định không có lợi cho người phạm tội vì việc áp dụng hình phạt cấm đảm chức vụ đối với người phạm tội là bắt buộc “bị cấm”, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định không bắt buộc Toà án phải áp dụng “có thể bị cấm”.

Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đối với người phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 3 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

 

10. TỘI VÔ Ý LÀM LỘ BÍ MẬT CÔNG TÁC; TỘI LÀM MẤT TÀI LIỆU  BÍ MẬT CÔNG TÁC   

Điều 287.  Tội  vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí  mật công tác 

1. Người nào vô ý làm lộ bí mật công tác hoặc làm mất tài liệu bí mật công tác gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 264 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt   tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ  một năm đến năm năm.

 

Cũng tương tự như đối với Điều 286, Điều 287 Bộ luật hình sự quy định hai tội danh độc lập. Đây cũng là vấn đề có liên quan đến kỹ thuật làm luật. Lẽ ra, nhà làm luật phải quy định hai tội phạm này ở hai điều luật khác nhau, nhưng hai tội này được quy định trong cùng một điều luật. Do đó khi bình luận, chúng tôi cũng phân tích các dấu hiệu cấu thành của từng tội để tiện theo dõi.

 

10a.  TỘI VÔ Ý LÀM LỘ BÍ MẬT CÔNG TÁC

Định Nghĩa: Vô ý làm lộ bí mật công tác là tuy thấy trước hành vi của mình có thể làm lộ bí mật công tác, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, hoặc không thấy trước được hành vi của mình có thể làm lộ bí mật công tác, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Tội vô ý làm lộ bí mất công tác là tội phạm đã được quy định tại Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985. Tội phạm này, trong quá trình thi hành Bộ luật hình sự năm 1985, cũng không có sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, so với Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985, thì Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội phạm này đã có sửa đổi, bổ sung đáng kể.

Nếu Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; tăng mức hình phạt cải tạo không giam giữ từ một năm lên hai năm và hình phạt bổ sung được quy định trong cùng một điều luật, còn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, khung hình phạt vẫn như Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985.

Tội phạm này thực tế xảy ra cũng nhiều, nhưng cũng như đối với tội cố ý làm lộ bí mật công tác, việc truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi vô ý làm lộ bí mật công tác lại rất ít, mà chủ yếu xử lý bằng hình thức kỷ luật hoặc xử phạt hành chính.

A1. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 Nếu bỏ qua các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm, thì tội vô ý làm lộ bí mật công tác tương tự với tội cố ý làm lộ bí mật công tác quy định tại Điều 286 Bộ luật hình sự hoặc tội làm gián điệp quy định tại Điều 80 Bộ luật hình sự.

Nếu bỏ qua dấu hiệu về chủ thể của tội phạm, thì tội vô ý làm lộ bí mật công tác tương tự với tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự.

Như vậy, tội vô ý làm lộ bí mật công tác có những dấu hiệu tương tự với một số tội phạm khác cùng xâm phạm đến bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác.

1a. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

 Cũng như đối với các tội phạm về chức vụ khác, chủ thể của tội “vô ý làm lộ bí mật công tác” cũng là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức trong khi thi hành công vụ mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Việc xác định tư cách chủ thể của tội phạm này có ý nghĩa phân biệt với tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất tài liệu bí mật nhà nước quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự.

Người có chức vụ, quyền hạn là người đã được phân tích ở phần khái niệm về chức vụ. Tuy nhiên, đối với tội phạm này, người có chức vụ, quyền hạn đã vô ý làm lộ bí mật trong phạm vi công tác của mình. Nếu bí mật đó không thuộc phạm vi công tác của mình mà người phạm tội biết được và đã vô ý làm lộ bí mật đó thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự.

Vì là vô ý phạm tội nên chỉ người có chức vụ, quyền hạn mới có thể là chủ thể của tội phạm này, không có trường hợp đồng phạm nên không thể có người đồng phạm.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý. Đối với tội vô ý làm lộ bí mật công tác chỉ là tội phạm ít nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là hai năm tù.

2a. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội vô ý làm lộ bí mật công tác là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức liên quan đến việc bảo mật của Nhà nước; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, thậm chí gây ra tác hại rất lớn, để người khác sử dụng các bí mật đó chống lại chế độ, gây mất đoàn kết hoặc đối phó với các chủ trương chính sách trước khi được thi hành.

Đối tượng tác động của tội phạm này được nêu ngay trong cấu thành tội phạm, đó là: bí mật công tác. Bí mật công tác cũng là bí mật Nhà nước, nhưng được gắn liền với công tác của cơ quan, tổ chức54.

3a. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm

a1. Hành vi khách quan

Hành vi khách quan của tội phạm này hoàn toàn giống với hành vi khách quan của tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; biểu hiện của hành vi làm lộ bí mật công tác cũng tuỳ thuộc vào chức vụ, quyền hạn và hoàn cảnh cụ thể lúc người phạm tội làm lộ bí mật đó.

Hành vi làm lộ bí mật công tác được biểu hiện như: Kể cho người khác nghe những bí mật mà mình biết; cung cấp tài liệu, tin tức bí mật cho người khác để người khác sử dụng các tài liệu, tin tức bí mật đó; loan truyền những tin tức bí mật...

Hành vi làm lộ bí mật Nhà nước bao giờ cũng gắn liền với nhiệm vụ của người phạm tội. Cũng chính vì thế nên mới gọi là làm lộ bí mật công tác, nếu không có chức vụ, quyền hạn và không thực hiện nhiệm vụ, thì không thể làm lộ bí mật Nhà nước được.

b1. Hậu quả

Hậu quả của hành vi vô ý làm lộ bí mật công tác là những thiệt hại về vật chất và phi vật chất cho cơ quan, tổ chức và cho con người.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, nếu vô ý làm lộ bí mật công tác mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì chưa cấu thành tội phạm.

So với Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định thêm hai mức hậu quả, đó là: “hậu quả rất nghiêm trọng và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Tuy nhiên, việc quy định này không làm thay đổi bản chất của cấu thành mà chỉ cụ thể hơn mà thôi. Đây lại là vấn đề có liên quan đến kỹ thuật lập pháp, nhiều tội phạm nhà làm luật chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng mà không quy định gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng nếu gây ra các hậu quả này thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự như là trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng nếu điều luật đó không quy định gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ: khoản 2 Điều 286 Bộ luật hình sự chỉ quy định: “phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng không vì thế mà cho rằng nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 286 Bộ luật hình sự. Do đó có ý kiến cho rằng, nếu không cơ cấu thành nhiều điều khoản khác nhau có khung hình phạt khác nhau thì chỉ cần quy định gây hậu quả nghiêm trọng là đủ. Quan điểm này, theo chúng tôi là phù hợp, vì sự phân biệt giữa hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng không có ý nghĩa trong việc định tội mà chỉ có ý nghĩa quyết định hình phạt.

Do chưa có hướng dẫn thế nào là hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vô ý làm lộ bí mật công tác gây ra, nên việc xác định thiệt hại tới mức nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vô ý làm lộ bí mật công tác là việc khá phức tạp, chúng ta không thể coi hậu quả nghiêm trọng do hành vi vô ý gây ra cũng như do hành vi cố ý gây ra.

Thông thường, nếu hành vi cố ý gây ra hậu quả nghiêm trọng, thì hành vi vô ý gây hậu quả phải gấp hai lần hậu quả do hành vi cố ý gây ra mới được coi là hậu quả nghiêm trọng, nên có ý kiến cho rằng, thiệt hại gấp ba lần hậu quả nghiêm trọng do hành vi cố ý gây ra mới coi là hậu quả nghiêm trọng do hành vi vô ý gây ra. Có thể còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nghiên cứu các tội phạm khác, chúng ta có thể xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi vô ý làm lộ bí mật công tác gây ra. Ví dụ: Hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích cho người khác có tỷ lệ thương tật là 31% được coi là gây hậu quả nghiêm trọng. Tội vi phạm các quy định an toàn giao thông đường bộ là tội phạm do vô ý. Tuy nhiên, hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ là hành vi trực tiếp gây ra hậu quả, còn hậu quả do hành vi vô ý làm lộ bí mật công tác lại không trực tiếp gây ra hậu quả. Do đó, việc xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi vô ý làm lộ bí mật công tác gây không thể vận dụng như trường hợp vô ý trực tiếp gây ra hậu quả.

Nếu nghiên cứu hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số Số: 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999, thì hậu quả nghiêm trọng do hành vi phạm tội gây ra không bao gồm hành vi vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản vì tội phạm này không quy định trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng mà chỉ quy định cho các tội do cố ý. Tuy nhiên, những thiệt hại được quy định tại Thông tư liên tịch trên cũng là những thiệt hại gián tiếp do hành vi phạm tội gây ra và nó cũng được coi là những thiệt hại mà người phạm tội không mong muốn. Vì vậy, trong khi chưa có hướng dẫn chính thức về hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vô ý làm lộ bí mật công tác gây ra, chúng ta có thể vận dụng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số Số: 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999.55

4a. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Tên tội danh và điều văn của điều luật đã quy định người phạm tội này là do vô ý, tức là người phạm tội tuy thấytrước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, hoặc không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.56

B1. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1.b Hình phạt chính

Điều 287 Bộ luật hình sự chỉ quy định một trường hợp phạm tội, đồng thời là cấu thành cơ bản của tội phạm, mặc dù có quy định ba mức hậu quả khác nhau nhưng đều có khung hình phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

So với tội vô ý làm lộ bí mật công tác quy định tại Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985, thì Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn, vì khoản 1 Điều 287 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm, trong khi đó Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Mặt khác, nếu so sánh Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999, thì Điều 287 cũng là điều luật nặng hơn. Vì vậy, đối với hành vi vô ý làm lộ bí mật công tác xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000  mới phát hiện, xử lý thì không áp dụng khoản 1 Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Khi áp dụng khoản 1 Điều 287 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt chỉ gây ra hậu quả nghiêm trọng, thì có thể được áp dụng hình phạt cảnh cáo hoặc cải tạo không giam giữ. Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ phải đúng quy định tại Điều 31 Bộ luật hình sự về loại hình phạt này. Nếu không đủ điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo hoặc áp dụng mức thấp nhất của khung hình phạt ( ba tháng tù). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì có thể bị phạt tới 2 năm tù.

Do điều luật quy định ba mức hậu quả khác nhau (nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng), nên khi quyết định hình phạt nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau thì người phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng bị phạt nặng hơn trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng; người phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng bị phạt nặng hơn trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

2b. Hình phạt bổ sung

Ngoài hình phạt chính người phạm tội Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ  một năm đến năm năm.

So với quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 về hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, thì hình phạt bổ sung đối với tội vô ý làm lộ bí mật công tác quy định tại khoản 2 Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 có những điểm được sửa đổi, bổ sung như sau:

- Nếu Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm”, thì khoản 2 Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm”.

- Nếu căn cứ vào mức hình phạt thì khoản 2 Điều 287 nhẹ hơn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng căn cứ vào nguyên tắc áp dụng hình phạt này thì khoản 2 Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định không có lợi cho người phạm tội vì việc áp dụng hình phạt cấm đảm chức vụ đối với người phạm tội là bắt buộc “bị cấm”, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định không bắt buộc Toà án phải áp dụng “có thể bị cấm”.

Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đối với người phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 2 Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

 

 10b.  TỘI LÀM MẤT TÀI LIỆU BÍ MẬT CÔNG TÁC

Định nghĩa: Làm mất tài liệu bí mật công tác là hành vi thiếu trách nhiệm hoặc do cẩu thả nên để tài liệu bí mật công tác bị mất

Cũng như đối với tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác đã được quy định tại Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985. Tội phạm này, trong quá trình thi hành Bộ luật hình sự năm 1985, cũng không có sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, so với Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985, thì Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội phạm này đã có sửa đổi, bổ sung đáng kể.

Nếu Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; tăng mức hình phạt cải tạo không giam giữ từ một năm lên hai năm và hình phạt bổ sung được quy định trong cùng một điều luật, còn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, khung hình phạt vẫn như Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985.

 

Tội phạm này thực tế xảy ra cũng nhiều, nhưng cũng như đối với tội cố ý làm lộ bí mật công tác và vô ý làm lộ bí mật công tác, việc truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi làm mất tài liệu bí mật công tác lại rất ít, mà chủ yếu xử lý bằng hình thức kỷ luật hoặc xử phạt hành chính.

A2. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 Tội phạm này tương tự với một số tội phạm có dấu hiệu thiếu trách nhiệm như: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285; tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước quy định tại Điều 144; tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn quy định tại Điều 301 Bộ luật hình sự.

Có thể nói, tội làm mất tài liệu bí mật công tác là hành vi thiếu trách nhiệm để mất tài liệu bí mật công tác. Tuy nhiên, đối với tội làm mất tài liệu bí mật công tác không chỉ có hành vi thiếu trách nhiệm mà còn cả hành vi do cẩu thả ( bất cẩn) trong việc cất giữ, trông coi, vận chuyển, giao nhận... để tài liệu bí mất công tác bị mất.

1b. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

 Cũng như đối với các tội phạm về chức vụ khác, chủ thể của tội “làm mất tài liệu bí mật công tác” cũng là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức trong khi thi hành công vụ mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Việc xác định tư cách chủ thể của tội phạm này có ý nghĩa phân biệt với tội tội làm mất tài liệu bí mật nhà nước quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự.

Người có chức vụ, quyền hạn là người đã được phân tích ở phần khái niệm về chức vụ. Tuy nhiên, đối với tội phạm này, người có chức vụ, quyền hạn đã vô ý làm mất tài liệu bí mật trong phạm vi công tác của mình. Nếu bí mật đó không thuộc phạm vi công tác của mình mà người phạm tội biết được và đã làm mất tài liệu bí mật đó thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự.

Tội phạm này cũng là tội phạm tội mà người phạm tội thực hiện hành vi là do vô ý nên không có trường hợp đồng phạm và người đồng phạm. Do đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không thể là chủ thể của tội phạm này, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý. Đối với tội làm mất tài liệu bí mật công tác chỉ là tội phạm ít nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là hai năm tù.

2b. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội làm mất tài liệu bí mật công tác là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức liên quan đến việc bảo mật của Nhà nước; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, để người khác sử dụng các bí mật đó chống lại chế độ, gây mất đoàn kết hoặc đối phó với các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đối tượng tác động của tội phạm này được nêu ngay trong cấu thành tội phạm, đó là: bí mật công tác. Bí mật công tác cũng là bí mật Nhà nước, nhưng được gắn liền với công tác của cơ quan, tổ chức57.

3b. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm

a2. Hành vi khách quan

Có thể nói hành vi khách quan của tội phạm này hoàn toàn giống với hành vi khách quan của tội làm mất tài liệu bí mật Nhà nước; biểu hiện của hành vi làm mất tài liệu bí mật công tác cũng tuỳ thuộc vào chức vụ, quyền hạn và hoàn cảnh cụ thể lúc người phạm tội làm mất tài liệu bí mật đó.

Hành vi làm mất tài liệu bí mật công tác được biểu hiện như: để cho người khác chiếm đoạt tài liệu bí mật mà mình có trách nhiệm quản lý; giao nhầm tài liệu bí mật công tác cho người khác; để quên tài liệu bí mật công tác mà không tìm lại được; để người khác chụp, sao chép tài liệu bí mật công tác...

Hành vi làm mất tài liệu bí mật công tác bao giờ cũng gắn liền với nhiệm vụ của người phạm tội. Cũng chính vì thế nên mới gọi là làm mất tài liệu bí mật công tác, nếu không có chức vụ, quyền hạn và không thực hiện nhiệm vụ, thì không thể làm mất tài liệu bí mật công tác được.

b2. Hậu quả

Hậu quả của hành vi làm mất tài liệu bí mật công tác là những thiệt hại về vật chất và phi vật chất cho cơ quan, tổ chức và cho con người.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, nếu làm mất tài liệu bí mật công tác mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì chưa cấu thành tội phạm.

So với Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985, cũng như tội vô ý làm lộ bí mật công tác, Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định thêm hai mức hậu quả, đó là: “hậu quả rất nghiêm trọng và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Việc quy định này cũng không làm thay đổi bản chất của cấu thành mà chỉ cụ thể hơn mà thôi. Đây cũng là vấn đề có liên quan đến kỹ thuật lập pháp như đã phân tích trong tội vô ý làm lộ bí mật công tác.

Cũng như đối với tội vô ý làm lộ bí mật công tác, chưa có hướng dẫn thế nào là hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hành vi làm mất tài liệu bí mật công tác gây ra, nên việc xác định thiệt hại tới mức nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hành vi làm mất tài liệu bí mật công tác cũng là một vấn đề rất phức tạp như đối với trường hợp vô ý làm lộ bí mật công tác mà chúng tôi đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể, chúng ta cũng có thể vận dụng Thông tư liên tịch số Số: 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 về các trường hợp hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng để xác định trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng đối với hành vi làm mất tài liệu bí mật công tác.

4b. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Tuy điều văn của điều luật không quy định vô ý làm mất tài liệu bí mật công tác nhưng tội phạm này người phạm tội thực hiện hành vi của mình là do vô ý, tức là người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, hoặc không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Nếu người phạm tội cố ý làm mất tài liệu bí mật công tác thì lại thuộc trường hợp quy định tại Điều 286 hoặc Điều 263 Bộ luật hình sự.

B2. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1b. Hình phạt chính

Cũng như đối với tội vô ý làm lộ bí mật công tác, Điều 287 Bộ luật hình sự chỉ quy định một trường hợp phạm tội, đồng thời là cấu thành cơ bản của tội phạm, mặc dù có quy định ba mức hậu quả khác nhau nhưng đều có khung hình phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

So với tội làm mất tài liệu bí mật công tác quy định tại Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985, thì Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn, vì khoản 1 Điều 287 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm, trong khi đó Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Mặt khác, nếu so sánh Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999, thì Điều 287 cũng là điều luật nặng hơn. Vì vậy, đối với hành vi vô ý làm lộ bí mật công tác xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000  mới phát hiện, xử lý thì không áp dụng khoản 1 Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Khi áp dụng khoản 1 Điều 287 Bộ luật hình sự đối với tội làm mất tài liệu bí mật công tác, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt chỉ gây ra hậu quả nghiêm trọng, thì có thể được áp dụng hình phạt cảnh cáo hoặc cải tạo không giam giữ. Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ phải đúng quy định tại Điều 31 Bộ luật hình sự về loại hình phạt này. Nếu không đủ điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo hoặc áp dụng mức thấp nhất của khung hình phạt ( ba tháng tù). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì có thể bị phạt tới 2 năm tù.

Do điều luật quy định ba mức hậu quả khác nhau (nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng), nên khi quyết định hình phạt nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau thì người phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng bị phạt nặng hơn trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng; người phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng bị phạt nặng hơn trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

2b. Hình phạt bổ sung

Ngoài hình phạt chính người phạm tội Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ  một năm đến năm năm.

So với quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 về hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, thì hình phạt bổ sung đối với tội làm mất tài liệu bí mật công tác quy định tại khoản 2 Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 có những điểm được sửa đổi, bổ sung như sau:

- Nếu Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm”, thì khoản 2 Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm”.

- Nếu căn cứ vào mức hình phạt thì khoản 2 Điều 287 nhẹ hơn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng căn cứ vào nguyên tắc áp dụng hình phạt này thì khoản 2 Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định không có lợi cho người phạm tội vì việc áp dụng hình phạt cấm đảm chức vụ đối với người phạm tội là bắt buộc “bị cấm”, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định không bắt buộc Toà án phải áp dụng “có thể bị cấm”.

Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đối với người phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 2 Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

 

11. TỘI ĐÀO NHIỆM

 Điều 288. Tội đào nhiệm 

1. Người nào là cán bộ, công chức mà cố ý từ bỏ nhiệm vụ công tác gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt   tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Lôi kéo người khác đào nhiệm;

b) Phạm tội trong hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai hoặc trong những trường hợp khó khăn đặc biệt  khác của xã hội;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một  năm đến năm năm.

Định nghĩa: Đào nhiệm là cố ý từ bỏ nhiệm vụ công tác của cán bộ, công chức gây hậu quả nghiêm trọng

Tội đào nhiệm là tội phạm đã được quy định tại Điều 225 Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy hành vi phạm tội này cũng xảy ra nhiều, nhưng chủ yếu xử lý bằng biện pháp hành chính, rất ít trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì các trường hợp đào nhiệm chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc việc định hậu quả nghiêm trọng do hành vi này gây ra không được.

So với tội đào nhiệm quy định tại Điều 225 Bộ luật hình sự năm 1985, thì về cơ bản tội đào nhiệm quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự năm 1999 không có sửa đổi bổ sung nhiều mà chỉ sửa đổi, bổ sung một số nội dung có tính chất học thuật cho chính xác hơn và phù hợp với Pháp lệnh cán bộ, công chức như:

- Nếu Điều 225 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “ nhân viên Nhà nước, nhân viên tổ chức xã hội” thì Điều 288 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “ cán bộ, công chức”; nếu Điều 225 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “cố ý rời bỏ nhiệm vụ” thì Điều 288 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “ cố ý từ bỏ nhiệm vụ công tác”.

- Nếu khoản 1 Điều 225 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến một năm thì khoản 1 Điều 288 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm;

- Nếu điểm b khoản 2 Điều 225 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “ phạm tội trong thời chiến” thì diểm b khoản 2 Điều 288 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “phạm tội trong hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai, hoặc trong những trường hợp khó khăn đặc biệt khác của xã hội”;

- Nếu điểm c khoản 2 Điều 225 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định: “ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” thì điểm c khoản 2 Điều 288 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”;

Hình phạt bổ sung được quy định ngay trong cùng một điều luật.

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 Tội đào nhiệm cũng tương tự như tội đào ngũ quy định tại Điều 325 Bộ luật hình sự chỉ khác ở chỗ người phạm tội đào ngũ là quân nhân, còn người phạm tội đào nhiệm là cán bộ, công chức. Tuy nhiên, hành vi đào nhiệm rộng hơn hành vi  đào ngũ. Đào ngũ là bỏ hẳn đơn vị, còn đào nhiệm có thể bỏ hẳn cơ quan, tổ chức nhưng cũng có thể chỉ bỏ nhiệm vụ được giao trong một thời gian nhất định.

1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

 Cũng như đối với các tội phạm về chức vụ khác, chủ thể của tội “ đào nhiệm” cũng là chủ thể đặc biệt, chỉ có cán bộ, công chức mới có thể là chủ thể của tội phạm này.

Theo Điều 1 Pháp lệnh Công chức của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 26-2-1998, thì cán bộ, công chức gồm:

- Những người do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ nhất định theo nhiệm kỳ trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;

- Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên làm việc trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;

- Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc giao giữ một công vụ thường xuyên, được phân loại theo trình độ đào tạo, ngành chuyên môn, được xếp vào một ngạch hành chính, sự nghiệp trong các cơ quan nhà nước; mỗi ngạch thể hiện chức và cấp về chuyên môn nghiệp vụ, có chức danh tiêu chuẩn riêng;

- Thẩm phán Toà án nhân dân, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân;

- Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp.

Để cụ thể hoá Pháp lệnh Công chức trên, ngày 17-11-1998, Chính phủ ban hành Nghị định số 95-1998/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và tại Điều 1 của Nghị định quy định định: Công chức bao gồm những người đã được quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 1 Pháp lệnh Cán bộ, công chức. Cụ thể là:

- Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc giao giữ một công vụ thường xuyên, được phân loại theo trình độ đào tạo, ngành chuyên môn, được xếp vào một ngạch hành chính, sự nghiệp, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, làm việc trong các cơ quan: Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội; Cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Toà án nhân dân,  Viện Kiểm sat nhân dân các cấp; Cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Trường học, bệnh viện, cơ quan nghiên cứu khoa học của Nhà nước; Cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình của Nhà nước; Thư viện, bảo tàng, nhà văn hoá của Nhà nước; Các tổ chức sự nghiệp khác của Nhà nước.

- Những người  được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp.

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội đào nhiệm là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức liên quan đến việc quản lý cán bộ, công chức; làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức; gây ra hậu quả nghiêm trọng cho chính các cơ quan, tổ chức có người đào nhiệm và cho xã hội.

3. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm

a. Hành vi khách quan

Có thể nói, tội phạm này chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “từ bỏ nhiệm vụ công tác”; biểu hiện của hành vi này cũng đa dạng như: Bỏ hẳn cơ quan, tổ chức mà mình là cán bộ, công chức; không thực hiện nhiệm vụ được giao và những hành vi khác từ bỏ nhiệm vụ công tác của mình.

Bỏ cơ quan, tổ chức mà mình là cán bộ, công chức là tự ý bỏ việc để đến làm việc ở cơ quan, tổ chức khác không được sự đồng ý của người có thẩm quyền. Thông thường trường hợp này, người phạm tội từ bỏ luôn chức danh “cán bộ, công chức” để làm một việc có thu nhập cao hơn như: bỏ cơ quan Nhà nước để làm kinh tế tư nhân; bỏ Bệnh viện ra thành lập trung tâm khám chữa bệnh tư nhân.v.v.. Hành vi này tương tự như hành vi đào ngũ trong tội đào ngũ, tức là bỏ luôn cơ quan, tổ chức và không công tác ở cơ quan, tổ chức mà mình là cán bộ, công chức nữa. Loại hành vi này dễ xác định. Tuy nhiên, trong trường hợp cán bộ, công chức đã làm đơn xin nghỉ việc hoặc đã thông báo xin nghỉ việc cho người có trách nhiệm trong cơ quan, tổ chức mà mình công tác nhưng đã hết thời hạn giải quyết mà cơ quan, tổ chức không trả lời cho cán bộ, công chức mà cán bộ, công chức đó tự bỏ việc thì không coi là đào nhiệm. Nếu đã có thông báo của cơ quan, tổ chức không đồng ý cho cán bộ, công chức nghỉ việc mà cố tình bỏ việc gây hậu quả nghiêm trọng thì vẫn có thể coi là đào nhiệm.

Hành vi không thực hiện nhiệm vụ được giao là hành vi từ bỏ nhiệm vụ công tác mà theo quy định thì người cán bộ, công chức này phải có trách nhiệm thực hiện như: Một giáo viên dạy toán được phân công lên vùng cao công tác, nhưng được một năm, người giáo viên này đã bỏ về quê vì không chịu được khó khăn dẫn đến thiếu giáo viên phải cho 4 lớp 9 phải nghỉ học môn toán ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng học tập, cả 4 lớp 9 của trường không đủ điều kiện thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở.

Khi xác định hành vi từ bỏ nhiệm vụ ở dạng không thực hiện nhiệm vụ được giao cần chú ý phân biệt với hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của những người có chức vụ, quyền hạn vì nhất thời bỏ vị trí công tác nên gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Một bác sĩ trực đã bỏ vị trí đi chơi nên dẫn đến hậu quả có một bệnh nhân cấp cứu không được cứu chữa kịp thời đã tử vong, người bác sĩ này tuy có hành vi từ bỏ nhiệm vụ công tác nhưng không phải là hành vi đào nhiệm mà chỉ là hành vi thiéu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhiệm vụ công tác mà người phạm tội cố ý từ bỏ là nhiệm vụ mà theo pháp luật hoặc theo điều lệ của cơ quan, tổ chức giao thường xuyên hoặc đột xuất. Dù là thường xuyên hay nhiệm vụ đột xuất thì nhiệm vụ đó phải là nhiệm vụ công (công vụ). Đây là dấu hiệu rất quan trọng để xác định người từ bỏ nhiệm vụ có phải là người đào nhiệm hay không. Nếu nhiệm vụ mà người từ bỏ không phải là nhiệm vụ công thì người có hành vi từ bỏ không phải là đào nhiệm mà tuỳ trường hợp cụ thể người đó chỉ vi phạm luật lao động.

b. Hậu quả

Hậu quả của hành vi đào nhiệm là những thiệt hại về vật chất và phi vật chất cho cơ quan, tổ chức và cho con người.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, nếu đào nhiệm mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, thì chưa cấu thành tội phạm. Nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật.

Cũng như đối với các tội phạm về chức vụ, chưa có hướng dẫn thế nào là hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hành vi đào nhiệm gây ra, nên việc xác định thiệt hại tới mức nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hành vi đào nhiệm gây ra cũng là một vấn đề rất phức tạp. Tuy nhiên, trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể, chúng ta cũng có thể vận dụng Thông tư liên tịch số Số: 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 về các trường hợp hậu quả nghiêm trọng để xác định trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng đối với hành vi đào nhiệm. Tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể, việc xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi đào nhiệm gây ra, nhất là đối với những thiệt hại phi vật chất, cần phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể trong một trường hợp cụ thể để xác định hậu quả nghiêm trọng.

4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Tuy điều văn của điều luật quy định người phạm tội cố ý từ bỏ nhiệm vụ công tác, nhưng hậu quả nghiêm trọng gây ra người phạm tội không mong muốn, họ có thể bỏ mặc hoặc không quan tâm đến hậu quả, họ chỉ cố ý thực hiện hành vi (từ bỏ nhiệm vụ ) còn hậu quả như thế nào họ không quan tâm, có trường hợp người phạm tội không biết hậu quả xảy ra hay không, tức là người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, hoặc không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Như vậy, người phạm tội đào nhiệm thực hiện hành vi do cố ý nhưng tội phạm này được thực hiện do cố ý hay vô ý là một vấn đề cần trao đổi.

Có ý kiến cho rằng, người phạm tội đào nhiệm thực hiện hành vi của mình do cố ý vì trước hết người phạm tội đã cố ý thực hiện hành vi đào nhiệm, mặc dù người phạm tội không mong muốn cho hậu quả xảy ra nhưng chí ít cũng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Có ý kiến khác cho rằng, tuy người phạm tội cố ý thực hiện hành vi nhưng không mong muốn và cũng không bỏ mặc cho hậu quả xảy ra nên không phải là cố ý phạm tội, trường hợp phạm tội này cũng như trường hợp người lái xe cố ý đi vào đường ngược chiều gây tai nạn làm chết người.

Có thể còn ý kiến khác nhau về lỗi của người phạm tội đào nhiệm, nhưng dù sao chúng ta có thể khẳng định rằng, người phạm tội đã cố ý thực hiện hành vi đào nhiệm, còn thái độ của người phạm tội đối với hậu quả là bàng quang bỏ mặc, do đó theo chúng tôi, người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội này là do cố ý (cố ý gián tiếp). 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1. Phạm tội đào nhiệm không có các tình tiết định khung hình phạt

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 288 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội đào nhiệm. So với tội đào nhiệm quy định tại khoản 1 Điều 225 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 288 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn, vì khoản 1 Điều 288 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm, trong khi đó khoản 1 Điều 225 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Mặt khác, nếu so sánh Điều 225 Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 288 Bộ luật hình sự năm 1999, thì Điều 288 cũng là điều luật nặng hơn. Vì vậy, đối với hành vi đào nhiệm xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000  mới phát hiện, xử lý thì không áp dụng khoản 1 Điều 288 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

  Khi áp dụng khoản 1 Điều 288 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Nếu không đủ điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo hoặc áp dụng mức thấp nhất của khung hình phạt ( ba tháng tù). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới ba năm tù.

2. Phạm tội đào nhiệm thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 288 Bộ luật hình sự

a. Lôi kéo người khác đào nhiệm

Lôi kéo người khác đào nhiệm là bằng mọi cách để người khác nghe theo và đứng về phía mình, cùng mình đào nhiệm.

Cách thức mà người phạm tội sử dụng có thể là hăm doạ, dụ dỗ, mua chuộc... để người khác cùng đào nhiệm với mình.

Nếu người phạm tội dùng vũ lực, khống chế làm cho người khác tê liệt ý chí, không có khả năng kháng cự phải cùng đào nhiệm với mình thì không phải là lôi kéo, mà tuỳ trường hợp người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt người trái pháp luật hoặc các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người.

Nếu người phạm tội đã thực hiện hành vi lôi kéo, nhưng người bị lôi kéo không nghe theo và không đào nhiệm, thì về nguyên tắc, người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tình tiết “lôi kéo người khác đào nhiệm” nhưng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.

b. Phạm tội trong hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai hoặc trong những trường hợp khó khăn đặc biệt  khác của xã hội

Điểm b khoản 2 của điều luật quy định ba tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là: Phạm tội trong hoàn cảnh chiến tranh; phạm tội trong hoàn cảnh thiên tai và phạm tội trong những trường hợp khó khăn đặc biệt khác. Do đó, khi áp dụng điểm b khoản 2 của điều luật cần chú ý:

Chỉ cần người phạm tội có một trong ba tình tiết là yếu tố định khung hình phạt nêu trên là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 288 Bộ luật hình sự.

Người phạm tội trong hoàn cảnh nào, thì xác định trong hoàn cảnh đó, không xác định một cách chung chung; trong bản án cần xác định rõ người phạm tội trong hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai hay trong hoàn cảnh đặc biệt khác của xã hội.

Điểm b khoản 2 của điều luật quy định “phạm tội trong hoàn cảnh...” nên khi xác định tình tiết này cần phân biệt với một số trường hợp đối với một số tội phạm khác có quy định tình tiết: “lợi dụng hoàn cảnh...”. Người phạm tội đào nhiệm không đòi hỏi họ phải “lợi dụng hoàn cảnh”, mà chỉ cần xác định họ đào nhiệm “trong hoàn cảnh...” là thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 288 Bộ luật hình sự.

Phạm tội trong hoàn cảnh chiến tranh

Đào nhiệm trong hoàn cảnh chiến tranh là trường hợp cán bộ, công chức đang thực hiện nhiệm vụ ở nơi có chiến sự xảy ra đã từ bỏ nhiệm vụ của mình. Người phạm tội có thể bỏ nơi đang có chiến sự về nơi không có chiến sự hoặc tuy vẫn ở nơi có chiến sự nhưng từ bỏ nhiệm vụ được giao.

Hiện nay đất nước không có chiến tranh, nên tình tiết này nhà làm luật quy định có tính chất dự phòng. Tuy nhiên, nếu cán bộ, công chức được nhận nhiệm vụ làm chuyên gia cho nước bạn, mà nước đó có chiến tranh xảy ra, chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền mà người cán bộ, công chức đó từ bỏ nhiệm vụ để về nước hoặc chạy sang nước khác, thì vẫn bị coi là đào nhiệm trong hoàn cảnh chiến tranh.

Phạm tội trong hoàn cảnh thiên tai

Đào nhiệm trong hoàn cảnh thiên tai là trường hợp cán bộ, công chức đang thực hiện nhiệm vụ ở nơi có thiên tai đã từ bỏ nhiệm vụ của mình.

Thiên tai là nhưng tai hoạ do thiên nhiên gây ra, thiên tai bao giờ cũng gây ra nhưng khó khăn cho xã hội. Những khó khăn này phải đáng kể nếu không nói là đặc biệt, như bị bão lụt, bị động đất. Trong lúc Nhà nước đang cần sức người, sức của để giả quyết những hậu quả do thiên tai gây ra thì cán bộ, công chức lại từ bỏ nhiệm vụ của mình ở nơi có thiên tai, càng làm cho tình hình gặp khó khăn hơn.

Phạm tội trong những trường hợp khó khăn đặc biệt  khác của xã hội

Ngoài khó khăn do thiên tai, địch hoạ, gây nên, còn có những khó khăn đặc biệt khác. Những khó khăn này, có thể xảy ra ở từng nơi, vào từng lúc. Có thể xảy ra ở một địa bàn rộng, nhưng cũng có thể xảy ra ở một làng, một xã, một cơ quan, xí nghiệp trường học v.v... Ví dụ: Nguyễn Xuân K là bác sỹ bệnh viện B được phân công cùng với Đoàn cán bộ y tế đến khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây nên ở huyện M tỉnh H, nhưng do không chịu được khó khăn, nên K đã bỏ về, gây khó khăn cho việc cứu chữa các bệnh nhân bị dịch bệnh.

Khó khăn đặc biệt, thể hiện ở mức độ và phạm vi gây thiệt hại đến người và tài sản. Việc khắc phục đòi hỏi phải tập trung sức người, sức của và phải kịp thời, cấp bách như: Dịch bệnh, tai nạn máy bay, tàu biển, tàu hoả gây chết nhiều người, hư hại nhiều tài sản, những khó khăn đặc biệt do công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội gây nên mà nhà làm luật chưa dự tính được.

c. Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng

Đào nhiệm gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp do đào nhiệm mà đã gây ra những thiệt hại rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội. Những thiệt hại này có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người; thiệt hại về tài sản và những thiệt hại khác.

Điểm c khoản 2 của điều luật cũng quy định hai tình tiết là yếu tố định khung hình phạt nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm khác nhau. Nếu xét về kỹ thuật lập pháp thì cách quy định này chưa thật khoa học. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cần phân biệt hai trường hợp phạm tội này để quyết định hình phạt cho chính xác.

Cũng như trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi đào nhiệm gây ra, chưa có hướng dẫn chính thức thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do hành vi đào nhiệm gây ra. Mặt khác, thực tiễn xét xử cũng chưa có trường hợp đào nhiệm nào gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng để chúng ta có thể tham khảo. Tuy nhiên, như đối với trường hợp đào nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, khi chưa có hướng dẫn chính thức thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi đào nhiệm gây ra, chúng ta có thể tham khảo Thông tư liên tịch số Số: 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 về các trường hợp hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng để xác định trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng đối với hành vi đào nhiệm. Tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể, việc xác định hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do hành vi đào nhiệm gây ra, nhất là đối với những thiệt hại phi vật chất, cần phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể trong một trường hợp cụ thể để xác định hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Khi áp dụng khoản 2 Điều 288 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt ( dưới hai năm tù). Nếu không đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo. Nếu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật,  người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới bảy năm tù.

3. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội đào nhiệm

Ngoài hình phạt chính người phạm tội Người phạm tội đào nhiệm còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ  một năm đến năm năm.

So với quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 về hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, thì hình phạt bổ sung đối với tội đào nhiệm quy định tại khoản 3 Điều 288 Bộ luật hình sự năm 1999 có những điểm được sửa đổi, bổ sung như sau:

- Nếu Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm”, thì khoản 3 Điều 288 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm”.

- Nếu căn cứ vào mức hình phạt thì khoản 3 Điều 288 nhẹ hơn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng căn cứ vào nguyên tắc áp dụng hình phạt này thì khoản 3 Điều 288 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định không có lợi cho người phạm tội vì việc áp dụng hình phạt cấm đảm chức vụ đối với người phạm tội là bắt buộc “bị cấm”, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định không bắt buộc Toà án phải áp dụng “có thể bị cấm”.

Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đối với người phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 3 Điều 288 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tộ

 

12. TỘI ĐƯA HỐI LỘ   

Điều 289.  Tội đưa hối lộ  

1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần,  thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

d) Phạm tội nhiều lần;

đ) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm  mươi triệu đồng;

e) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm:

a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ.

6. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được  trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Định nghĩa: Đưa hối lộ là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trực tiếp hoặc qua trung gian để đưa cho người có chức vụ, quyền hạn, để người này làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của mình.

Tội đưa hối lộ là tội phạm được tách từ tội đưa hối lộ, tội làm môi giới hối lộ quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985. Nói chung, so với Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999 không có thay đổi lớn. Tuy nhiên, Điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều quy định theo hướng có lợi cho người phạm tội mặc dù mức hình phạt thấp nhất và cao nhất vẫn không thay đổi ( từ một năm tù đến tử hình).

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 Có thể nói, tội phạm này là tội phạm đối xứng với tội nhận hối lộ ( có đưa có nhận). Tuy nhiên, thực tiễn xét xử không phải trường hợp nào cứ có người nhận thì phải có người đưa hối lộ mà tuỳ từng trường hợp có thể có người nhận hối lộ nhưng không có người đưa, ngược lại có trường hợp có người đưa hối lộ nhưng lại không có nhận hối lộ. Vì vậy, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà xác định hành vi phạm tội của người đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có phải là hành vi đưa hối lộ hay không. 

1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

 

Khác với các tội phạm về chức vụ, tội đưa hối lộ không phải là chủ thể đặc biệt, người phạm tội không nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn và cũng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Việc nhà làm luật quy định tội phạm này trong chương “ các tội phạm về chức vụ” là vì khách thể của tội phạm chứ không phải vì chủ thể của tội phạm. Tuy nhiên, người phạm tội đưa hối lộ cũng có thể là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để đưa hối lộ, nhưng không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này.

Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người không có chức vụ, quyền hạn thì họ chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 289 Bộ luật hình sự, vì các trường hợp  phạm tội này là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Người dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 289 Bộ luật hình sự mà chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội đưa hối lộ quy định tại khoản 1 của điều luật chỉ là tội phạm nghiêm trọng.

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội đưa hối lộ là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức mình bị thoái hoá biến chất.

3. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm

a. Hành vi khách quan

Người phạm tội chỉ có hành vi khách quan duy nhất là “đưa”. Nhưng biểu hiện của hành đưa hối lộ rất đa dạng. Có trường hợp người phạm tội trực tiếp đưa hối lộ cho người nhận hối lộ, có trường hợp qua trung gian (người môi giới) để đưa hối lộ cho người nhận hối lộ, có trường hợp người đưa hối lộ dùng thủ đoạn tinh vi xảo quyệt không trực tiếp đưa hối lộ cho người nhận hối lộ cũng không qua trung gian mà tìm cách mua chuộc những người thân thích của người có chức vụ, quyền hạn theo kiểu “mưa dầm thấm đất”; cũng có trường hợp người đưa hối lộ thông qua việc thanh toán hợp đồng kinh tế, hợp đồng mua bán, thông qua việc nộp thuế, nộp lệ phí để đưa hối lộ từ ít đến nhiều, rồi đến một lúc nào đó người đưa hối lộ mới yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của mình. Loại hành vi này, hiện nay đang phổ biến. Qua các vụ án, Tân Trường Sanh, Anh Lâm, Mỹ Phượng, Trịnh Vĩnh Bình, Tamexco, Epco- Minh Phụng và đặc biệt là vụ án Năm Cam cho thấy một số cán bộ, công chức kể cả cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước cũng bị những người phạm tội mua chuộc theo kiểu “mưa dầm thấm đất”. Do mất cảnh giác, nên đã vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho kể phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Khi xác định hành vi đưa hối lộ cần phân biệt với hành vi làm môi giới hối lộ trong trường hợp người đưa hối lộ không dùng tiền, tài sản của mình và mục đích đưa hối lộ cũng không đem lại lợi ích cho mình mà đem lại lợi ích cho người mà người đưa hối lộ yêu cầu. Ví dụ: Trong vụ án Năm Cam, Trần Văn Thuyết (Thuyết trăm voi, Thuyết buôn vua) nhận tiền của Năm Cam từ Dương Ngọc Hiệp (Hiệp phò mã) là con rể của Năm Cam để đưa hối lộ cho Trần Mai Hạnh, Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam để Trần Mai Hạnh lợi dụng chức vụ quyền hạn can thiệp thả Năm Cam đang bị tập trung cải tạo. Trong trường hợp này, nếu xem xét một cách máy móc, thì Trần Văn Thuyết phạm tội làm môi giới hối lộ nhưng căn cứ vào hành vi và các dấu hiệu của tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ, thì hành vi của Thuyết là hành vi đưa hối lộ. 

b. Hậu quả

Hậu quả của tội phạm này không phải dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu của hối lộ chưa đến 500.000 đồng thì hậu quả lại là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng phải là hậu quả nghiêm trọng. 

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi đưa hối lộ là những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của con người; những thiệt hại về tài sản, uy tín của cơ quan, tổ chức và những thiệt hại phi vật chất khác.

Hành vi đưa hối lộ gây ra hậu quả nghiêm trọng, được xác định như là một nguyên nhân gián tiếp.

 

Tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi đưa hối lộ gây ra, nhưng tham khảo hướng dẫn của liên ngành về các tội xâm phạm sơ hữu, thì có thể coi hậu quả nghiêm trọng do hành vi đưa hối lộ gây ra nếu:

 - Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.58

4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Tội đưa hối lộ người thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

Động cơ phạm tội tuy không phải là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm này, nhưng hầu hết các trường hợp đưa hối lộ đều có động cơ.

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1. Phạm tội đưa hối lộ không có các tình tiết định khung hình phạt

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 289 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội đưa hối lộ.

So với tội đưa hối lộ quy định tại khoản 1 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999 không nặng hơn mà cũng không nhẹ hơn, vì đều có khung hình phạt từ một năm đến sáu năm tù và nếu so sánh Điều 227 với Điều 289 thì không tội phạm nào nặng hơn hoặc nhẹ hơn tội phạm nào. Vì vậy, đối với hành vi đưa hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện, xử lý thì áp dụng khoản 1 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 đối với người phạm tội.

  Khi áp dụng khoản 1 Điều 289 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự (từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc nếu có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới một năm tù) hoặc cho người phạm tội được hưởng án treo. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới 6 năm tù.

2. Đưa hối lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 289 Bộ luật hình sự

a. Có tổ chức.

Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, đưa hối lộ có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ án đưa hối lộ có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên, mà tuỳ từng trường hợp, có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi dục hoặc người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành. Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự.

 Đưa hối lộ có tổ chức thường khó bị phát hiện, vì có sự cấu kết, phân công vai trò, trách nhiệm của từng người đồng phạm nên khó bị phát hiện. Điển hình cho việc đưa hối lộ có tổ chức là vụ án Tân Trường Sanh, vụ Anh Lâm và vụ Năm Cam. Trong đó, việc đưa hối lộ của Trần Đàm, Anh Lâm và Năm cam được tổ chức rất tinh vi, Trần Đầm và Anh Lâm giao cho thuộc hạ của mình mỗi lần nhận hàng lậu hoặc mối lần Hải quan tổ chức kiểm hoá hàng lậu đã đưa tiền cho cán bộ Hải quan thuộc các Cục hải quan Thừa Thiên-Huế, Long An, Cần Thơ, Vũng Tàu và Phòng chống buôn lậu Hải quan thành phố Hồ Chí Minh trong một thời gian dài. Đối với Năm Cam cũng giao cho “đàn em” móc nối với một số cán bộ có chức có quyền và đưa hối lộ để chạy tội cho Năm Cam. Chỉ khi cơ quan điều tra phát hiện hành vi phạm tội của Trần Đàm, của Anh Lâm và Năm Cam thì hành vi đưa hối lộ của mới bị phát hiện.

b. Dùng thủ đoạn xảo quyệt

Dùng thủ đoạn xảo quyệt để đưa hối lộ là người phạm tội đưa hối lộ có những mánh khoé, cách thức gian dối, thâm hiểm làm cho người nhận hối lộ hoặc những người khác khó lường thấy được để đề phòng.

Những mánh khoé, cách thức mà người đưa hối lộ sử dụng để đưa hối lộ rất đa dạng, nhưng chỉ coi là dùng thủ đoạn xảo quyệt đối với những mánh khoé, cách thức làm cho người nhận không thể từ chối hoặc nếu biết cũng không đối phó được như: Đưa hối lộ nhưng núp dưới hình thức quà tặng nhân ngày sinh nhật, ngày lễ, tết, nhân đám tang, đám cưới, tân gia; chi phí cho một chuyến du lịch, tham quan nước ngoài; chi phí cho con của người nhận hối lộ đi du học nước ngoài; cho vay tiền nhưng “quên” không đòi; bán nhà, đất với giá rất rẻ hoặc mua tài sản với giá rất đắt v.v...

 Nói chung, những mánh khoé, cách thức đưa hối lộ mà người đưa hối lộ sử dụng rất khó phát hiện hoặc nếu có bị phát hiện thì khó tìm được chứng cứ để buộc tội họ.

 c. Dùng tài sản của Nhà nước để hối lộ 

Dùng tài sản của Nhà nước để hối lộ là người đưa hối lộ lấy tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ cho người khác.

 Trương hợp phạm tội này hoàn toàn tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 179 Bộ luật hình sự đối với tội nhận hối lộ. Tuy nhiên, trường hợp phạm tội này thường đối với người đưa hối lộ là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội đã dùng tiền hoặc tài sản của cơ quan, tổ chức của mình để đưa hối lộ cho người khác với động vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Ví dụ: Dùng tiền của công ty để đưa hối lộ, để được giảm thuế nhập khẩu, để được cấp quota, để được trúng thầu, để che giấu hành vi phạm tội của mình...

Cũng như đối với một số tội phạm khác, Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định tài sản của Nhà nước mà chỉ quy định tài sản xã hội chủ nghĩa. Việc nhà làm luật thay đổi khái niệm tài sản xã hội chủ nghĩa bằng khái niệm tài sản của Nhà nước không chỉ đơn thuần thay đổi về tên gọi tính chất tài sản mà nó làm thay đổi tính chất, phạm vi áp dụng đối với hành vi phạm tội nói chung và tội đưa hối lộ nói riêng. Tài sản xã hội chủ nghĩa có nội hàm rộng hơn tài sản của Nhà nước. Tài sản xã hội chủ nghĩa bao gồm cả tài sản của các tổ chức kinh tế tập thể, nhưng tài sản của Nhà nước thì chỉ bao gồm tài sản thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.

Về khái niệm tài sản của Nhà nước cho đến nay vẫn còn ý kiến khác nhau, nếu tài sản thuộc quyền sở hữu hoàn toàn của Nhà nước thì không cò phải bàn cãi, nhưng nếu tài sản chỉ thuộc quyền sở hữu một phần của Nhà nước thì vấn đề lại không đơn giản như: Các công ty cổ phần, Công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các đơn vị liên doanh, liên kết giữa Nhà nước với các đơn vị kinh tập thể hoặc tư nhân... Nếu người đưa hối lộ biết của hối lộ là tài sản của các đơn vị kinh tế này thì có coi là tài sản của Nhà nước không ? Đây là vấn chưa được hướng dẫn giải thích nên trong thực tiễn xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng thường có quan điểm khác nhau khi phải xác định tài sản của Nhà nước là yếu tố định khung hình phạt hoặc là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong một số tội phạm.

Có thể còn ý kiến khác nhau về thế nào là tài sản của Nhà nước, nhưng chúng tôi cho rằng, về nguyên tắc, tài sản của Nhà nước phải thuộc sở hữu của Nhà nước. Nếu tài sản đó Nhà nước chỉ có quyền sở hữu một phần dù đó là phần lớn thì cũng chưa thể coi đó là tài sản của Nhà nước.

d. Phạm tội nhiều lần

Phạm tội đưa hối lộ nhiều lần là có từ hai lần đưa hối lộ trở lên và mỗi lần đưa hối lộ đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý (kỷ luật, phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội nhiều lần.

đ. Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng

Đây là trường hợp người phạm tội đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng. Nếu của hối lộ không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản đó là giá thị trường vào thời điểm đưa của hối lộ hoặc đã hứa đưa hối lộ, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Ví dụ: Trần Văn T mua chiếc xe máy Dream II Trung quốc với giá 13.000.000 đồng, nhưng khi đưa hối lộ cho Phạm Văn B thì giá xe của Trung Quốc chỉ còn 9.000.000 đồng. Nếu tính giá trị chiếc xe khi T mua thì T phạm tội đưa hối lộ thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 Điều 289 Bộ luật hình sự, nhưng nếu tính giá trị chiếc xe vào thời điểm T đưa hối lộ cho B thì chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 289 Bộ luật hình sự. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị của hối lộ thì phải trưng cầu giám định (định giá).

Điều luật quy định của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng, chứ không quy định người phạm tội đã đưa được của hối lộ có giá trị như trên, nên chỉ cần xác định người phạm tội có ý định đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng là thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 Điều 289 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã đưa được hay chưa, không phải là dấu hiệu bắt buộc.

e. Gây hậu quả nghiêm trọng khác

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng quy định ở khoản 1 của điều luật, chỉ khác ở chỗ, trường hợp phạm tội này là hậu quả nghiêm trọng do hành vi đưa hối lộ từ 500.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng. Nếu dưới 500.000 đồng mà gây hậu quả nghiêm trọng thì chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật. Được coi là gây hậu quả nghiêm trọng khác nếu do hành vi nhận hối lộ mà:

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.59

Tương tự như đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ, khoản 1 của điều luật chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng còn điểm e khoản 2 của điều luật lại quy định gây hậu quả nghiêm trọng khác, nên có ý kiến cho rằng hậu quả nghiêm trọng khác và hậu quả nghiêm trọng không phải là một.

Nếu sự phân biệt trên là có căn cứ thì khoản 1 của điều luật quy định hậu quả nghiêm trọng cũng khó xác định đâu là hậu quả trực tiếp do hành vi đưa hối lộ gây ra, còn đâu là hậu quả gián tiếp do hành vi nhận hối lộ gây ra ? vì các thiệt hại khác đều là những thiệt hại gián tiếp do hành vi đưa hối lộ gây ra và nó chỉ là hậu quả khác. Do đó có ý kiến cho rằng, khoản 1 điều luật cũng nên quy định gây hậu quả khác mới chính xác. Quan điểm này cũng có cơ sở lý luận và thực tiễn. Hy vọng rằng khi có điều kiện, nhà làm luật sẽ nghiên cứu sửa đổi để phù hợp hơn.

 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 289 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

So với khoản 2 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985, nếu chỉ căn cứ vào khung hình phạt thì khoản 2 Điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999 không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn khoản 2 Điều 227. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 289 có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho người phạm tội. Vì vậy, khi áp dụng khoản 2 Điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý:

- Nếu hành vi đưa hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý mà của hối lộ từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì vẫn áp dụng khoản 2 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985;

- Nếu hành vi đưa hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý mà của hối lộ là tài sản xã hội chủ nghĩa nhưng không phải là tài sản của Nhà nước thì chỉ áp dụng khoản 1 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 mà không áp dụng điểm c khoản 2 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội đưa hối lộ theo khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự, Toà án cũng cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới sáu năm tù) nhưng không được dưới một năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì, khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 2 là khoản 1 Điều 289 Bộ luật hình sự ). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới mười ba năm tù. Khi cân nhắc để quyết định một mức hình phạt cụ thể đối với người phạm tội đưa hối lộ, Toà án cần căn cứ vào nguyên tắc đã được nêu ở tội tham ô tài sản 60

3. Đưa hối lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 289 Bộ luật hình sự

a. Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Giá trị của hối lộ từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng.

Cũng như đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 của điều luật, nếu của hối lộ không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản đó là giá thị trường vào thời điểm đưa của hối lộ hoặc đã hứa đưa hối lộ; chỉ cần xác định người phạm tội sẽ đưa của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng là thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 289 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã đưa được hay chưa, không phải là dấu hiệu bắt buộc; nếu người phạm tội chưa đưa được của hối lộ, thì cũng không vì thế mà cho rằng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Hậu quả do hành vi đưa hối lộ gây ra là hậu quả rất nghiêm trọng khác.

Hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi đưa hối lộ gây ra là những thiệt rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Cũng như đối với tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng khác do hành vi đưa hối lộ gây ra, nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi đưa hối lộ gây ra:

- Làm chết hai người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến bảy người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản thuộc hai đến ba trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Làm chết một người và còn làm bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; Làm chết một người và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. v.v...

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là rất nghiêm trọng.61

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 289 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

So với khoản 3 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985, nếu chỉ căn cứ vào khung hình phạt thì khoản 3 Điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999 không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn khoản 3 Điều 227. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 289 có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho người phạm tội. Vì vậy, khi áp dụng khoản 3 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý:

- Nếu hành vi đưa hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý mà của hối lộ từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì vẫn áp dụng khoản 3 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng khi quyết định hình phạt thì phải căn cứ vào khung hình phạt tại khoản 2 Điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

- Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật thì cũng chỉ áp dụng khoản 2 điều luật mà không áp dụng khoản 3 của điều luật, vì tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều này” khoản 3 Điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999 không còn quy định nữa.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 3 Điều 289 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự (từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới mười ba năm tù) nhưng không được dưới sáu năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 3 là khoản 2 Điều 289 Bộ luật hình sự ).

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt tới hai mươi năm tù. Khi cân nhắc để quyết định một mức hình phạt cụ thể đối với người phạm tội đưa hối lộ, Toà án cần căn cứ vào nguyên tắc đã được nêu ở tội tham ô tài sản 62

4. Đưa hội lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 289 Bộ luật hình sự

a. Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2, điểm a khoản 3 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Giá trị của hối lộ từ ba trăm triệu đồng trở lên.

 

Cũng như đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2, điểm a khoản 3 của điều luật, nếu của hối lộ không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản đó là giá thị trường vào thời điểm đưa của hối lộ hoặc đã hứa đưa hoặc nhận hối lộ; chỉ cần xác định người phạm tội sẽ đưa của hối lộ có giá trị từ ba mươi triệu đồng trở lên là thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 4 Điều 289 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã đưa được hay chưa, không phải là dấu hiệu bắt buộc; nếu người phạm tội chưa đưa được hoặc mới đưa được một phần của hối lộ, thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

b. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm e khoản 2, điểm b khoản 3 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Hậu quả do hành vi đưa hối lộ gây ra là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác do hành vi đưa hối lộ gây ra là những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Cũng như đối với tội nhận hối lộ, tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi đưa hối lộ gây ra, nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi đưa hối lộ gây ra:

Làm chết ba người trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của tám người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 201% trở lên, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên;

Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc bốn trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng;

Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc hai trường hợp được coi là hậu quả rất nghiêm trọng;

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.63

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 289 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

So với khoản 4 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 4 Điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn khoản 4 Điều 227, vì khoản 4 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 có khung hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, còn khoản 4 Điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt tù hai năm, tù chung thân hoặc tử hình. Mặt khác, khoản 4 Điều 289 không còn quy định tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 Điều này” là yếu tố định khung hình phạt và giá trị của hối lộ quy định tại khoản 4 Điều 289 cũng lớn hơn ( 300.000.000 đồng so với 50.000.000 đồng). Vì vậy, khi áp dụng khoản 4 Điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý:

- Nếu hành vi nhận hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý mà của hối lộ từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng thì vẫn áp dụng khoản 4 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng khi quyết định hình phạt thì phải căn cứ vào khung hình phạt tại khoản 3 Điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

- Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 của điều luật thì cũng chỉ áp dụng khoản 3 điều luật mà không áp dụng khoản 4 của điều luật, vì tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 Điều này” khoản 4 Điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999 không còn quy định nữa.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội đưa hối lộ theo khoản 4 Điều 289 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới hai mươi năm tù) nhưng không được dưới mười ba năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 4 là khoản 3 Điều 289 Bộ luật hình sự). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tuy có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, là người có nhân thân xấu, không còn khả năng cải tạo thì có thể áp dụng hình phạt tử hình.

Do điều luật quy định khung hình phạt có ba mức khác nhau và để việc áp dụng thống nhất pháp luật, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15-3-2001 dẫn áp dụng một số quy định của các Điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 Bộ luật hình sự. Theo hướng dẫn này thì:

Trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ  hoặc vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ tương đương nhau, thì xử phạt người phạm tội mức án tương ứng với của hối lộ như sau:

- Xử phạt hai mươi năm tù nếu của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới tám trăm triệu đồng;

- Xử phạt tù chung thân nếu của hối lộ có giá trị từ tám trăm triệu đồng đến dưới hai tỷ đồng;

- Xử phạt tử hình nếu của hối lộ có giá trị từ hai tỷ đồng trở lên.

Trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà không có tình tiết tăng nặng hoặc có ít tình tiết tăng nặng hơn, đồng thời đánh giá tính chất giảm nhẹ và tính chất tăng nặng xét thấy có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nhẹ hơn mức án được hướng dẫn trên, cụ thể như sau:

- Xử phạt tù từ mười ba năm đến dưới hai mươi năm nếu của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới tám trăm triệu đồng (trường hợp này phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS);

- Xử phạt hai mươi năm tù nếu của hối lộ có giá trị từ tám trăm triệu đồng đến dưới hai tỷ đồng;

 - Xử phạt tù chung thân nếu của hối lộ có giá trị từ hai tỷ đồng trở lên.

 Trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ hơn, đồng thời đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ xét thấy cần tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nặng hơn mức án được hướng dẫn trên, cụ thể như sau:

- Xử phạt tù chung thân nếu của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới tám trăm triệu đồng;

- Xử phạt tử hình nếu của hối lộ có giá trị từ tám trăm triệu đồng trở lên.

5. Đưa hội lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 289 Bộ luật hình sự

Đối với hành vi đưa hối lộ, tuy cũng là hành vi phạm tội nguy hiểm và cũng bị trừng trị rất nghiêm khắc như đối với tội nhận hối lộ. Tuy nhiên, đối với người bị ép buộc phải đưa hối lộ hoặc sau khi đưa hối lộ đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì chính sách hình sự đối với họ là rất khoan hồng. Vì vậy, khoản 6  Điều 289 Bộ luật hình sự quy định: “Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.”

Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác là trường hợp trước khi đưa hối lộ, người có hành vi đưa hối lộ đã bị người nhận hối lộ hoặc bị người khác có những hành vi ép buộc để người đưa hối lộ phải đưa hối lộ.

Hành vi ép buộc người khác phải đưa hối lộ là hành vi đe doạ để đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt buộc người khác phải đưa hối lộ cho mình hoặc cho người khác mà minh quan tâm. Người bị ép buộc không thể không đưa hối lộ, nếu không đưa thì chắc chắn quyền và lợi ích hợp pháp của mình không được bảo đảm thậm chí còn bị thiệt hại hơn, vì muốn được việc và biết đưa hối lộ là sai nhưng buộc phải đưa, vì bị ép buộc mà phải đưa chứ thực lòng không muốn làm như vậy. Người đưa hối lộ phải thật sự bị ép buộc nên phải đưa hối lộ mới được coi là không phạm tội, nếu mới có sự gợi ý, đòi hối lộ của người khác mà đã vội đưa hối lộ thì không được coi là không phạm tội.

Chủ động khai báo trước khi bị phát giác là trường hợp việc đưa hối lộ chưa bị phát giác ( chưa ai biết gì ) mà người đưa hối lộ đã tự mình viết đơn hoặc trực tiếp đến cơ quan, tổ chức khai báo toàn bộ sự việc đưa hối lộ mà mình thực hiện, tố cáo hành vi ép buộc của người nhận hối lộ. Nếu bị ép buộc phải đưa hối lộ và việc đưa và nhận của hối lộ đó đã bị phát hiện, thấy không có cách nào che giấu được hành vi phạm tội của mình nữa mới tố giác, thì dù người đưa hối lộ có chủ động khai báo cũng không được loại trừ trách nhiệm hình sự.

Bị ép buộc và chủ động khai báo là hai điều kiện cần và đủ để được coi là không phạm tội, nếu thiếu một trong hai điều kiện này thì người phạm tội vẫn bị coi là phạm tội đưa hối lộ. Tuy nhiên, người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Miễn trách nhiệm hình sự là hành vi đã cấu thành tội phạm nhưng do có tình tiết giảm nhẹ đặc biệt là trước khi hành vi phạm tội bị phát giác đã khai báo toàn bộ hành vi phạm tội của mình nên được miễn trách nhiệm hình sự. Trường hợp này cũng tương tự như trường hợp người phạm tội tự thú quy định tại khoản 2 Điều 25 Bộ luật hình sự.64

Có thể coi quy định tại khoản 6 Điều 289 Bộ luật hình sự là trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự hoặc là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đối với hành vi đưa hối lộ, nên khi xác định trường hợp bị ép buộc cũng như việc chủ động khai báo của người đưa hối lộ phải thật chính xác, phải phù hợp với các tình tiết và diễn biến của vụ án.

Nếu được coi là không phạm tội đưa hối lộ thì người có hành vi đưa hối lộ được trả lại toàn bộ của hối lộ đã đưa, nếu được miễn trách nhiệm hình sự thì người có hành vi đưa hối lộ được trả lại một phần hoặc toàn bộ của hối lộ đã đưa.

6. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội đưa hối lộ

Ngoài hình phạt chính người phạm tội đưa hối lộ còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ.

So với Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về hình phạt bổ sung đối với tội phạm này thì khoản 5 Điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định hình phạt tiền mà không quy định hình phạt tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Mặt khác, khoản 5 Điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định “có thể bị phạt...”, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “thì bị phạt...” Vì vậy, đối với hành vi đưa hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 5 Điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

 

13. TỘI LÀM MÔI GIỚI HỐI LỘ   

Điều 290.  Tội làm môi giới hối lộ 

1. Người nào làm môi giới hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần,  thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Biết của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

d) Phạm tội nhiều lần;

đ) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm  mươi triệu đồng;

e) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm:

a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ.

6. Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Định nghĩa: Làm môi giới hối lộ là hành vi làm trung gian giữa người đưa hối lộ với người nhận hối lộ để cho hai người này thực hiện hành vi đưa và nhận hối lộ.

 Tội làm mối giới hối lộ cũng là tội phạm được tách từ tội đưa hối lộ, tội làm môi giới hối lộ quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, do tách từ Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985, nên nội dung của Điều 290 có nhiều thay đổi. Trước hết về hình phạt, Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hình phạt thấp nhất là sáu tháng tù và cao nhất là hai mươi năm tù. So với Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 290 nhẹ hơn nhiều. Các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt quy định tại Điều 290 cũng có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho người phạm tội; quy định thêm trường hợp người phạm tội làm môi giới hối lộ cũng được miễn trách nhiệm hình sự như người đưa hối lộ mà Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định.

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 Tội phạm này là tội phạm vừa có hành vi tương tự của tội nhận hối lộ vừa có hành vi tương tự của tội đưa hối lộ, vì là trung gian nên có lúc họ là người nhận tiền, tài sản của người đưa hối lộ để chuyển cho người nhận hối lộ, có khi lại là người đưa. Tuy nhiên, hành vi chuyển tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác từ người đưa hối lộ đến người nhận hối lộ người làm môi giới hối lộ chỉ đóng vai trò như một phương tiện để người đưa hối lộ và người nhận hối lộ thực hiện hành vi đưa và nhận hối lộ. Nếu người phạm tội lại có hành vi yêu cầu người đưa hoặc nhận hối lộ thì không còn là làm môi giới hối lộ nữa mà tuỳ trường hợp người phạm tội có thể là đồng phạm với người đưa hoặc người nhận hối lộ.

1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

Cũng như đối với tội đưa hối lộ, chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, người phạm tội không nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn và cũng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Việc nhà làm luật quy định tội phạm này trong chương “các tội phạm về chức vụ” là vì khách thể của tội phạm chứ không phải vì chủ thể của tội phạm. Tuy nhiên, người phạm tội làm môi giới hối lộ cũng có thể là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm môi giới hối lộ, nhưng không phải là bắt buộc đối với tội phạm này.

Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người không có chức vụ, quyền hạn thì họ chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội làm môi giới hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 290 Bộ luật hình sự, vì các trường hợp phạm tội này là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Người dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 290 Bộ luật hình sự mà chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội làm môi giới hối lộ quy định tại khoản 1 của điều luật chỉ là tội phạm nghiêm trọng.

Nếu giá trị của hối lộ dưới 500.000 đồng thì người phạm tội phải là người đã vi phạm nhiều lần mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vi phạm nhiều lần là trường hợp đã có từ hai lần làm môi giới hối lộ nhưng chưa có lần nào đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, các làn vi phạm có thể dã có lần bị xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật nhưng chưa hết thời hạn được coi là xoá kỷ luật hoặc không coi là đã bị xâm phạm hành chính.

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội làm môi giới hối lộ là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức bị thoái hoá biến chất. Làm môi giơi hối lộ chính là hành vi giúp sức, tiếp tay không chỉ cho một tội phạm mà cho nhiều tội phạm mà thể là tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ.

3. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm

a. Hành vi khách quan

Người phạm tội chỉ có hành vi khách quan duy nhất là làm môi giới giữa người đưa và nhận hối lộ. Nhưng biểu hiện của hành vi làm môi giới hối lộ rất đa dạng.

Người có hành vi làm môi giới hối lộ có thể gặp người nhận hối lộ để gợi ý thăm dò và đưa ra những yêu cầu của người đưa hối lộ hoặc nhận lời với người nhận hối lộ là sẽ tìm gặp người đưa hối lộ để đưa ra những điều kiện của người nhận hối lộ. Việc làm này có thể chỉ diễn ra một lần hoặc có thể diễn ra nhiều lần.

Người có hành vi làm môi giơi hối lộ có thể chỉ thu xếp, bố trí thời gian, địa điểm để người đưa hối lộ và người nhận hối lộ tiếp xúc, giao thiệp với nhau về việc đưa và nhận hối lộ.

Cũng có trường hợp người làm môi giới hối lộ có mặt trong cuộc tiếp xúc giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ để chứng kiến hoặc tham gia vào việc đưa và nhận hối lộ.

Khi xác định hành vi làm môi giới hối lộ cần phân biệt với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi; hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nếu hành vi tuy có tính chất làm môi giới hối lộ nhưng người có hành vi đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi” theo Điều 283 Bộ luật hình sự.

 

Nếu hành vi tuy có tính chất làm môi giới hối lộ nhưng người có hành vi đã lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” theo Điều 291 Bộ luật hình sự.

Nếu hành vi tuy có tính chất làm môi giới hối lộ nhưng người có hành vi đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người đưa hối lộ thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “lửa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, người bị chiếm đoạt tài sản là người đưa hối lộ nên họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ và của hối lộ sẽ bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.

b. Hậu quả

Hậu quả của tội phạm này không phải dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu của hối lộ chưa đến 500.000 đồng thì hậu quả lại là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng phải là hậu quả nghiêm trọng. 

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi làm môi giới hối lộ là những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của con người; những thiệt hại về tài sản, uy tín của cơ quan, tổ chức và những thiệt hại phi vật chất khác.

Hành vi làm môi giới hối lộ gây ra hậu quả nghiêm trọng, được xác định như là một nguyên nhân gián tiếp.

Cũng như đối với các tội phạm khác về chức vụ, tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi làm môi giới hối lộ gây ra, nhưng tham khảo hướng dẫn của liên ngành về các tội xâm phạm sơ hữu, thì có thể coi hậu quả nghiêm trọng do hành vi làm môi giới hối lộ gây ra nếu:

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.65

4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Tội làm môi giới hối lộ người thực hiện hành vi phạm tội là do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là làm môi giới hối lộ, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn việc đưa và nhận hối lộ được thực hiện, hoặc tuy không mong muốn nhưng có ý thức bỏ mặc cho việc đưa và nhận hối lộ xảy ra.

 

Người làm môi giới hối lộ có nhiều động cơ khác nhau, có thể vì tình cảm, có thể vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; động cơ phạm tội không phải là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định động cơ để làm căn cứ khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội.

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1. Phạm tội làm môi giới hối lộ không có các tình tiết định khung hình phạt

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 290 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội làm môi giới hối lộ.

So với tội làm môi giới hối lộ quy định tại khoản 1 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, vì khoản 1 Điều 190 có khung hình phạt từ sáu tháng đến năm năm, trong khi đó khoản 1 Điều 227 có khung hình phạt từ một năm đến sáu năm, và nếu so sánh Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999, thì Điều 290 nhẹ hơn. Vì vậy, đối với hành vi làm môi giới hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000  mới phát hiện, xử lý thì được áp dụng khoản 1 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Khi áp dụng khoản 1 Điều 290 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt ( dưới sáu tháng tù) hoặc cho người phạm tội được hưởng án treo. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới năm năm tù.

2. Môi giới hối lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 290 Bộ luật hình sự

a. Có tổ chức.

Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, làm môi giới hối lộ có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ án môi giới hối lộ có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên, mà tuỳ từng trường hợp, có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi dục hoặc người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành. Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự.

Thực tiễn xét xử cho thấy, hành vi làm môi giới hối lộ có tổ chức ít xẩy ra hoặc nếu có xảy ra thì cũng khó phát hiện, vì làm môi giới hối lộ có tổ chức thường gắn liền với hành vi đưa hoặc nhận hối lộ có tổ chức, nên khó có thể phân biệt làm môi giới hối lộ với hành vi đưa hoặc nhận hối lộ có tổ chức.

 b. Dùng thủ đoạn xảo quyệt

Dùng thủ đoạn xảo quyệt để làm môi giới hối lộ là người phạm tội đưa hối lộ có những mánh khoé, cách thức gian dối, thâm hiểm làm cho người đưa và nhận hối lộ hoặc những người khác khó lường thấy được để đề phòng.

Những mánh khoé, cách thức mà người làm môi hối lộ sử dụng rất đa dạng, nhưng chỉ coi là dùng thủ đoạn xảo quyệt đối với những mánh khoé, cách thức làm cho người nhận và người đưa hối lộ không thể từ chối hoặc nếu biết cũng không đối phó được.

 Nói chung, những mánh khoé, cách thức làm môi giới hối lộ mà người phạm tội sử dụng rất khó phát hiện hoặc nếu có bị phát hiện thì khó tìm được chứng cứ để buộc tội họ.

 c. Biết của hối lộ là tài sản của Nhà nước 

 

Trương hợp phạm tội này hoàn toàn tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 179 Bộ luật hình sự đối với tội nhận hối lộ và điểm c khoản 2 Điều 289 Bộ luật hình sự đối với tội đưa hối lộ. Tuy nhiên, trường hợp phạm tội này thường đối với người làm môi giới hối lộ là người biết người đưa hối lộ là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội sẽ dùng tiền hoặc tài sản của cơ quan, tổ chức để đưa hối lộ cho người khác với động cơ cá nhân hoặc với động cơ vụ lợi cho cơ quan, tổ chức của mình. Ví dụ: Nguyễn Hồng A là nhân viên của Công ty dịch vụ nhà đất đã nhận lời với Lê Văn K là Giám đốc Công ty xây dựng thuộc Tổng công ty xây dựng thành phố H tìm cách móc lối với Nguyễn Trọng Th. là Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và là chủ đầu tư dự án phát triển khu đô thị mới. A đã nhiều lần gặp Th để thăm dò những thông tin vè dự án và báo cho K biết, đồng thời đưa K đến nhà Th để K xin Th cho Công ty của mình được đáu thầu xây dựng phần các công trình hạ tầng, nếu được K sẽ biếu ông Th 3% tổng giá trị công trình trúng thầu, ngoài 10% mà bên B phải trả cho bên A theo thoả thuận.

Cũng như đối với các tội phạm khác có quy định tình tiết “tài sản Nhà nước”, khái niệm tài sản của Nhà nước cho đến nay vẫn còn ý kiến khác nhau đối với tài sản chỉ thuộc quyền sở hữu một phần của Nhà nước như: Các công ty cổ phần, Công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các đơn vị liên doanh, liên kết giữa Nhà nước với các đơn vị kinh tập thể hoặc tư nhân...

Có thể còn ý kiến khác nhau về thế nào là tài sản của Nhà nước, nhưng chúng tôi cho rằng, về nguyên tắc, tài sản của Nhà nước phải thuộc sở hữu của Nhà nước. Nếu tài sản đó Nhà nước chỉ có quyền sở hữu một phần dù đó là phần lớn thì cũng chưa thể coi đó là tài sản của Nhà nước.

d. Phạm tội nhiều lần

Phạm tội làm môi giới hối lộ nhiều lần là có từ hai lần làm môi giới hối lộ trở lên và mỗi lầngilamf môi giới hối lộ đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý (kỷ luật, phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội nhiều lần.

đ. Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng

Đây là trường hợp người phạm tội làm môi giới hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng. Nếu của hối lộ không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản đó là giá thị trường vào thời điểm đưa hoặc nhận của hối lộ hoặc đã hứa đưa hoặc nhận hối lộ, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị của hối lộ thì phải trưng cầu giám định (định giá).

Điều luật quy định của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng, chứ không quy định người phạm tội đã môi giới hối lộ mà người đưa hoặc người nhận được của hối lộ có giá trị như trên, nên chỉ cần xác định người phạm tội có ý định môi giới hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng là thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 Điều 290 Bộ luật hình sự, còn đã đưa hoặc nhận được số tiền đó hay chưa, không phải là dấu hiệu bắt buộc.

e. Gây hậu quả nghiêm trọng khác

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng quy định ở khoản 1 của điều luật, chỉ khác ở chỗ trường hợp phạm tội này là hậu quả nghiêm trọng do hành vi làm môi giới hối lộ từ 500.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng. Nếu dưới 500.000 đồng mà gây hậu quả nghiêm trọng thì chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật. Được coi là gây hậu quả nghiêm trọng khác nếu do hành vi làm môi giới hối lộ mà:

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.66

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 290 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

So với khoản 2 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 2 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn khoản 2 Điều 227, vì khoản 2 Điều 290 có khung hình phạt nhẹ hơn và nếu so sánh Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 thì Điều 290 nhẹ hơn, đồng thời khoản 2 Điều 290 có nhièu quy định có lợi cho người phạm tội. Vì vậy, nếu hành vi làm môi giới hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 2 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội làm môi giới hối lộ theo khoản 2 Điều 290 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, không tập trung nhiều tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới ba năm tù) nhưng không được dưới sáu tháng tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì, khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 2 là khoản 1 Điều 290 Bộ luật hình sự). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, lại tập trung nhiều tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, thì có thể bị phạt tới mười năm tù.

3. Làm môi giới hối lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 290 Bộ luật hình sự

a. Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Giá trị của hối lộ từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng.

Cũng như đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 của điều luật, nếu của hối lộ không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản đó là giá thị trường vào thời điểm đưa hoặc nhận của hối lộ, hoặc đã hứa đưa hứa nhận của hối lộ có giá trị như trên; chỉ cần xác định người phạm tội sẽ làm môi giới hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng là thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 290 Bộ luật hình sự, còn người đưa hoặc người nhận đã đưa hoặc đã nhận được hay chưa, không phải là dấu hiệu bắt buộc.

 b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Hậu quả do hành vi làm môi giới hối lộ gây ra là hậu quả rất nghiêm trọng khác.

Hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi làm môi giới hối lộ gây ra là những thiệt rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Cũng như đối với tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và một số tội phạm khác, tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng khác do hành vi làm môi giới hối lộ gây ra, nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi làm môi giới hối lộ gây ra:

- Làm chết hai người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến bảy người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản thuộc hai đến ba trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Làm chết một người và còn làm bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; Làm chết một người và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. v.v...

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là rất nghiêm trọng.67

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 290 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm, cũng là tội phạm rất nghiêm trọng, nhưng so với khoản 2 của điều luật thì mức độ nghiêm trọng cao hơn.

So với khoản 3 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 3 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn khoản 3 Điều 227, vì khoản 3 Điều 290 có khung hình phạt nhẹ hơn và nếu so sánh Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 thì Điều 290 nhẹ hơn, đồng thời khoản 3 Điều 290 có nhiều quy định có lợi cho người phạm tội. Vì vậy, nếu hành vi làm môi giới hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 3 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 3 Điều 290 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự (từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới tám năm tù) nhưng không được dưới ba năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 3 là khoản 2 Điều 290 Bộ luật hình sự ).

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới mười lăm năm tù.

4. Làm môi giới hội lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 290 Bộ luật hình sự

a. Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2, điểm a khoản 3 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Giá trị của hối lộ từ ba trăm triệu đồng trở lên.

Cũng như đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2, điểm a khoản 3 của điều luật, nếu của hối lộ không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản đó là giá thị trường vào thời điểm đưa hoặc nhận của hối lộ hoặc đã hứa đưa hoặc nhận hối lộ; chỉ cần xác định người phạm tội làm môi giới hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ ba mươi triệu đồng trở lên là thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 4 Điều 290 Bộ luật hình sự, còn của hối lộ đó đã đưa hoặc nhận được hay chưa, không phải là dấu hiệu bắt buộc.

b. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm e khoản 2, điểm b khoản 3 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Hậu quả do hành vi làm môi giới hối lộ gây ra là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác do hành vi làm môi giới hối lộ gây ra là những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Cũng như đối với tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ, tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi làm môi giới hối lộ gây ra, nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi làm môi giới hối lộ gây ra:

Làm chết ba người trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của tám người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 201% trở lên, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên;

Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc bốn trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng;

Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc hai trường hợp được coi là hậu quả rất nghiêm trọng;

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.68

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 290 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

So với khoản 4 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 4 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn khoản 4 Điều 227, vì khoản 4 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 có khung hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, còn khoản 4 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm. Mặt khác, nếu so sánh Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 thì Điều 290 nhẹ hơn, đồng thời khoản 4 Điều 290 có nhiều quy định có lợi cho người phạm tội. Vì vậy, nếu hành vi làm môi giới hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 4 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 4 Điều 290 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới mười hai năm tù) nhưng không được dưới tám năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 4 là khoản 3 Điều 290 Bộ luật hình sự ). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tuy có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, là người có nhân thân xấu, thì có thể bị phạt tới hai mươi năm tù.

 5. Làm môi giới hội lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 290 Bộ luật hình sự

Đối với hành vi làm môi giới hối lộ, người phạm tội sau khi đã thực hiện hành vi phạm tội đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự .

 Chủ động khai báo trước khi bị phát giác là trường hợp đã thực hiện hành vi làm môi giới hối lộ; việc đưa hoặc nhận hối lộ chưa thực hiện hoặc đã thực hiện nhưng chưa bị phát giác ( chưa ai biết gì ) mà người làm môi giới hối lộ đã tự mình viết đơn hoặc trực tiếp đến cơ quan, tổ chức khai báo toàn bộ sự việc phạm tội  mà mình thực hiện, góp phần vào việc ngăn chặn, phát hiện hoặc điều tra tội phạm.

 Chủ động khai báo trước khi hành vi bị bị phát hiện được coi như là trường hợp tự thú nên có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 25 Bộ luật hình sự.

 Có thể coi quy định tại khoản 6 Điều 290 Bộ luật hình sự là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đối với hành vi làm môi giới hối lộ, nên khi xác định trường hợp này phải đối chiếu với các quy định về miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 25 Bộ luật hình sự.

Đây là quy định mới theo hướng có lợi cho người phạm tội mà Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định. Vì vậy, đối với hành vi làm môi giới hối lộ thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 chưa bị phát hiện mà người phạm tội chủ động khai báo thì được áp dụng khoản 6 Điều 290 Bộ luật hình sự để miễn trách nhiệm hình sự đối với họ. 

6. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội làm môi giới hối lộ

Ngoài hình phạt chính người phạm tội làm môi giới hối lộ còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ.

So với Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về hình phạt bổ sung đối với tội phạm này thì khoản 5 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định hình phạt tiền mà không quy định hình phạt tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Mặt khác, khoản 5 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định “có thể bị phạt...”, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “thì bị phạt...” Vì vậy, đối với hành vi làm môi giới hối lộ xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 5 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

 

14. TỘI LỢI DỤNG ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CHỨC VỤ QUYỀN HẠN ĐỂ  TRỤC LỢI 

Điều 291. Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để  trục lợi 

1. Người nào trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ  một năm  đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba  năm đến mười năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ năm mươi  triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền hoặc giá trị tài sản đã trục lợi.

Định nghĩa: Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi là hành vi dùng ảnh hưởng của mình đối với người có chức vụ, quyền hạn nhằm thúc đẩy người này làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào.

Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi là tội phạm đã được quy định tại Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1985. So với Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1985, thì Điều 291 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều thay đổi như: Quy định ranh giới giữa hành vi phạm tội với hành vi chưa phải là tội phạm; thêm các dấu hiệu là yếu tố định khung hình phạt tại khoản 2 của điều luật; hình phạt bổ sung được quy định ngay trong cùng một điều luật

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 Tội phạm này có dấu hiệu của tội nhận hối lộ nhưng không phải là nhận hối lộ vì người nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất của người khác, nhưng không có hành vi làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của mình hoặc làm một việc không được phép làm, mà hành vi này lại do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện do bị thúc đẩy. Có thể nói, trong vụ án lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, có người đưa hối lộ nhưng lại không có người nhận hối lộ, vì người nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác không phải người phạm tội nhận hối lộ; không có hành vi nhận hối lộ trong vụ án lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để  trục lợi.

Trong xã hội hiện nay, loại tội phạm này tương đối phổ biến và thường xảy ra trong trường hợp người phạm tội là người có ảnh hưởng lớn đối với người có chức vụ, quyền hạn; họ thường là những người đang có chức vụ, quyền hạn hoặc đã từng là người có chức vụ, quyền hạn là thủ trưởng, cấp trên của người đang có chức vụ, quyền hạn; nếu không phải là người đã từng có chức vụ, quyền hạn thì họ người thân thích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc có mối quan hệ xã hội có ảnh hưởng lớn đến người có chức vụ, quyền hạn như là ân nhân, là thấy giáo, cô giáo, bạn học...

1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, người phạm tội không nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn và cũng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, mà chỉ lợi dụng ảnh hưởng của mình đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi. Việc nhà làm luật quy định tội phạm này trong chương “các tội phạm về chức vụ” là vì khách thể của tội phạm chứ không phải vì chủ thể của tội phạm. Tuy nhiên, người phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi cũng có thể là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, nhưng không phải là bắt buộc đối với tội phạm này.

Người phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi có thể là người đang có chức vụ, quyền hạn, nhưng họ không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, mà họ chỉ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chi phối người có chức vụ, quyền hạn khác làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

Cũng có trường hợp người phạm tội chỉ là người đã giữ những chức vụ, quyền hạn nên có ảnh hưởng nhất định đối với người đang có chức vụ, quyền hạn và người đang có chức vụ, quyền hạn vì nể, thậm chí sợ người này mà làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm. Ví dụ: Nguyễn Trọng M, nguyên là chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện đã nghỉ hưu. Trước khi nghỉ hưu, M đã giới thiệu ông Hoàng Ngọc H lúc đó là Phó chủ tịch để thay M, nên giữa ông H và M có mối quan hệ và M có ảnh hưởng rất lớn đối với ông H. Đỗ Xuân Đ là cháu M vừa tốt nghiệp đại học thuỷ lợi được phân công lên mièn núi công tác, Đ không muốn lên miền núi nên đã đến nhờ M tác động với ông H để ông H nhận Đ về Uỷ ban nhân dân huyện. M nhận lời và đã tác động với ông H xincho Đ vào công tác ở Uỷ ban nhân dân huyện, vì nể M nên ông H đồng ý nhận Đ vào công tác ở Uỷ ban nhân dân huyện. Để trả ơn M, Đỗ Xuân Đ đã biếu M một dàn máy DC gồm một màn hình 21 in, một bộ âm ly và hai chiéc loa thùng trị giá 2.500 USD.

Ngoài những người đang hoặc đã có chức vụ, quyền hạn, chủ thẻ của tội phạm này còn gồm những người khác như: Người có quan hệ thân thích với người có chức vụ, quyền hạn ( ông, bà, cha, mẹ, anh, chị em ruột, con, cô, dì, chú, bác...); người có quan hệ lệ thuộc với người có chức vụ, quyền hạn ( thầy giáo đối với học sinh, bác sỹ đối với người bệnh, người nuôi dưỡng với người được nuôi dưỡng, chủ nợ với con nợ...); bạn bè, đồng đội...

Nếu tiền hoặc tài sản mà người phạm tội được lợi dưới 500.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm mới bị coi là phạm tội.

Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này là đã bị xử lý kỷ luật về hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong Điều lệ của tổ chức và chưa hết thời hạn được xoá kỷ luật, nay lại có hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi thì mới cấu thành tội phạm. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý kỷ luật, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục                  lợi, thì cũng chưa cấu thành tội phạm này.

Việc nhà làm luật chỉ quy định đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm chỉ phù hợp với người phạm tội là người đang có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức nhưng không phù hợp với người phạm tội là người thân thích, là người có quan hệ lệ thuộc với người có chức vụ, quyền hạn hoặc họ chỉ là bạn bè của người có chức vụ, quyền hạn. Phải chăng, nhà làm luật chỉ giới hạn chủ thể của tội phạm này là cán bộ, công chức ? Đây là vấn đề cả về lý luận và thực tiễn cần phải làm rõ.

Người có hành vi dùng ảnh hưởng của mình đối với người có chức vụ, quyền hạn, trong thực tế không chỉ có người có chức vụ, quyền hạn mới dùng ảnh hưởng của mình đối với người có chức vụ, quyền hạn mà có nhiều trường hợp họ chỉ là người thân của người có chức vụ, quyền hạn. Ví dụ: Trần Thị H là nhân tình của ông Bùi Văn N, giám đốc Công ty dịch vụ, thương mại thành phố Q; thị H chỉ là người làm nghề buôn bán tự do không phải là cán bộ, công chức, cũng không phải là thành viên trong bất cứ tổ chức nào. Nhưng vì là tình nhân của N nên thị H đã dùng ảnh hưởng của mình tác động ông N, để ông N nhận Nguyễn Thị Kim Th một sinh viên mới ra trường vào làm việc tại Công ty do N làm giám đốc và thị H đã nhận của chị Th nhiều lần với tổng só tiền là 3.000.000 đồng. Rõ ràng trong trường hợp này thị H không phải là người có chức vụ, quyền hạn hoặc là cán bộ, công chức, nếu thị H nhiều lần nhận dưới 500.000 đồng thì không cấu thành tội phạm vì không thể xử lý kỷ luật thị H được, mà chỉ có thể xử phạt hành chính, nhưng điều luật chỉ quy định đã bị xử lý kỷ luật dẫn đến việc trong thực tễ có một số đối tượng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội này.

Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, không bỏ lọt người phạm tội, chúng tôi thiết nghĩ khi có điều kiện sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự, nhà làm luật thì nên bổ sung trường hợp người phạm tội nhận tiền dưới 500.000 đồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.

Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người không có chức vụ, quyền hạn thì họ chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 291 Bộ luật hình sự, vì trường hợp phạm tội này là tội phạm rất nghiêm trọng.

Người dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 291 Bộ luật hình sự mà chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi quy định tại khoản 1 của điều luật chỉ là tội phạm nghiêm trọng.

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi cũng tương tự như khách thể của tội nhận hối lộ hoặc tội đưa hối lộ, đó là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức bị thoái hoá biến chất.

3. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm

a. Hành vi khách quan

Người phạm tội có hai hành vi khách quan: Dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ quyền hạn và hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào.

Dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ quyền hạn là lợi dụng mối quan hệ giữa mình với người có chức vụ, quyền hạn để yêu cầu, thúc dục, chi phối người này làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm. Biểu hiện của hành vi thúc đẩy có thể là trực tiếp yêu cầu; viết thư, gọi điện thoại; thông qua người khác để yêu cầu... Việc yêu cầu này có thể là một lần, nhưng có thể là nhiều lần cho đến khi yêu cầu đó được đáp ứng. Nội dung của yêu cầu mà người phạm tội đưa ra là vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người mà người phạm tội nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

Người có chức vụ, quyền hạn bị thúc đẩy thực hiện yêu cầu của người phạm tội tương tự như hành vi khách quan của người nhận hối lộ. Tuy nhiên, họ làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm là vì người phạm tội chứ không vì người được hưởng lợi ích do người có chức vụ, quyền hạn đem lại. Nhưng người có chức vụ, quyền hạn khi làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm biết rõ sẽ đem lại lợi ích cho ai, nhưng họ vẫn làm để vừa lòng người phạm tội.

Người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 281 Bộ luật hình sự hoặc tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 282 Bộ luật hình sự, nếu họ không nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Tuy nhiên, nếu người có chức vụ, quyền hạn làm đúng, còn việc thúc đẩy của người dùng ảnh hưởng chỉ là điều kiện để người có chức vụ, quyền hạn làm nhanh hơn thì hành vi của người có chức vụ, quyền hạn không phải là hành vi phạm tội.

Hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào là hành vi của người nhận hối lộ trong tội nhận hối lộ.69 Họ là người trực tiếp hoặc qua trung gian để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người “nhờ” người phạm tội.

Hành vi của người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người phạm tội có thể là hành vi phạm tội đưa hối lộ hoặc có thể chỉ là người bị hại trong vụ án lừa đảo nếu người nhận tiền không có hành vi thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm.

b. Hậu quả

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, vì số tiền mà người phạm tội nhận không phải là hậu quả của tội phạm này mà nó chỉ là hành vi khách quan (hành vi nhận tiền), còn số tiền bao nhiêu lại là phương tiện thực hiện tội phạm, còn hậu quả của tội phạm này chỉ là những thiệt hại về tài sản, tinh mạng, sức khoẻ và những thiệt hại nghiêm trọng khác do hành vi phạm tội gây ra.

Tuy nhiên, nếu tiền hoặc tài sản mà người phạm tội nhận chưa đến 500.000 đồng thì hậu quả nghiêm trọng lại là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

Tiền hoặc tài sản mà người phạm tội nhận chưa đến 500.000 đồng và không thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm thì chưa cấu thành tội phạm, vì chưa thoả mãn dấu hiệu khách quan của cấu thành tội phạm chứ không phải vì chưa có hậu quả xảy ra.

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi là những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của con người; những thiệt hại về tài sản, uy tín của cơ quan, tổ chức và những thiệt hại phi vật chất khác.

Cũng như đối với một số tội phạm khác trong chương này, tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi gây ra, nhưng tham khảo hướng dẫn của liên ngành về các tội xâm phạm sơ hữu, thì có thể coi hậu quả nghiêm trọng do hành vi làm môi giới hối lộ gây ra nếu:

 - Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.70

4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, người thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

Mục đích của tội phạm này lại là dấu hiệu bắt buộc, nếu người phạm tội không có mục đích trục lợi thì người có hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn không cấu thành tội phạm này. Dấu hiệu trục lợi quy định trong cấu thành tội phạm này không phải là động cơ mà là mục đích. Còn động cơ của người phạm tội trước hết là vì tư lợi, ngòi ra có thể vì động cơ khác. Nhà làm luật không quan tâm đến động cơ của người phạm tội mà chỉ quy định mục đích (để trục lợi).

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1. Phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi không có các tình tiết định khung hình phạt

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 291 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.

So với tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi quy định tại khoản 1 Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 291 Bộ luật hình sự năm 1999, nếu chỉ căn cứ vào khung hình phạt thì khoản 1 Điều 228 và khoản 1 Điều 291 không nhẹ hơn và cũng không nặng hơn. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 291 có quy theo hướng có lợi cho người phạm tội như: tiền hoặc tài có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, mà khoản 1 Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định. Vì vậy, đối với hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000  mới phát hiện, xử lý thì được áp dụng khoản 1 Điều 291 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Khi áp dụng khoản 1 Điều 291 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới một năm tù) hoặc cho người phạm tội được hưởng án treo. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới năm năm tù.

2. Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 291 Bộ luật hình sự

a. Phạm tội nhiều lần

Phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi nhiều lần là có từ hai lần lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi trở lên và mỗi lần lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý (kỷ luật, phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội nhiều lần.

b. Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ năm mươi  triệu đồng trở lên;

Đây là trường hợp người phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi mà người phạm tội nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên. Nếu không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản đó là giá thị trường vào thời điểm người phạm tội nhận hoặc đã yêu cầu người khác phải đưa, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định (định giá).

Điều luật quy định nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên, chứ không quy định người phạm tội đã nhận, nên chỉ cần xác định người phạm tội có ý định nhận hoặc đã có hành vi yêu cầu người khác phải đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên là thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 291 Bộ luật hình sự, còn đã nhận được hay chưa, không phải là dấu hiệu bắt buộc. Nếu chưa nhận được hoặc nhận chưa đủ ssos tiền đã thoả thuận hoặc đã yêu cầu thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt nhưng vẫn thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 của Điều 291 Bộ luật hình sự.

c. Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.

Cũng tương tự như đối với một số tội phạm khác, nhà làm luật quy định ba mức hậu quả khác nhau trong cùng một khung hình phạt, nên các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải xác định từng loại hậu quả trên cơ sở đó để cá thể hoá mức hình phạt đối với người phạm tội.

Gây hậu quả nghiêm trọng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng quy định ở khoản 1 của điều luật, chỉ khác ở chỗ trường hợp phạm tội này là hậu quả nghiêm trọng do hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi từ 500.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng. Nếu dưới 500.000 đồng mà gây hậu quả nghiêm trọng thì chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật. Được coi là gây hậu quả nghiêm trọng nếu do hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi mà:

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.71

Gây hậu quả rất nghiêm trọng

Hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi gây ra là những thiệt rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi gây ra:

- Làm chết hai người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến bảy người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản thuộc hai đến ba trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Làm chết một người và còn làm bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; Làm chết một người và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. v.v...

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là rất nghiêm trọng.72

Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác do hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi gây ra là những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi làm lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi gây ra:

Làm chết ba người trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của tám người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 201% trở lên, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên;

Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc bốn trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng;

Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc hai trường hợp được coi là hậu quả rất nghiêm trọng;

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.72

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 291 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

So với khoản 2 Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1985, nếu chỉ căn cứ vào khung hình phạt thì khoản 2 Điều 291 Bộ luật hình sự năm 1999 không nhẹ hơn và cũng không nặng hơn khoản 2 Điều 228, nhưng khoản 2 Điều 291 quy định các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt cụ thể hơn, trong khi khoản 2 Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định một trường hợp, đó là: “phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng”. Mặt khác, trong thực tiễn xét xử chưa có trường hợp nào áp dụng khoản 2 Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1985 nên cũng chưa có hướng dẫn như thế nào là phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi trong trường hợp nghiêm trọng. Vì vậy, phải coi quy định tại khoản 2 Điều 291 là quy định mới, nên hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 291 Bộ luật hình sự năm 1999, thì áp dụng khoản 2 Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1985 đối với người phạm tội.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 2 Điều 291 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội chỉ gây hậu quả nghiêm trọng và có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới ba năm tù) nhưng không được dưới một năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 2 là khoản 1 Điều 291 Bộ luật hình sự ). Nếu người phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng và có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tuy có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, là người có nhân thân xấu, thì có thể bị phạt tới mười năm tù.

3. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền hoặc giá trị tài sản đã trục lợi.

 

So với Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về hình phạt bổ sung đối với tội phạm này thì khoản 3 Điều 291 Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định hình phạt tiền mà không quy định hình phạt tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Mặt khác, khoản 3 Điều 291 Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định “có thể bị phạt...”, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “thì bị phạt...” Vì vậy, đối với hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 3 Điều 291 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

HẾT

Phần phụ lục

 

PHÁP LỆNH

CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 03/1998/PL-UBTVQH10
NGÀY  26 THÁNG  02 NĂM 1998 VỀ VIỆC CHỐNG THAM NHŨNG

 

Để nâng cao hiệu quả của việc phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng, tăng cường kỷ cương pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân;

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 2 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 1998;

Pháp lệnh này quy định các biện pháp phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng.

 

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1

Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để tham ô, hối lộ hoặc cố ý làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức.

Người có hành vi tham nhũng phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

 

Điều 2

Người có chức vụ, quyền hạn quy định trong Pháp lệnh này bao gồm :

1. Cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân theo quy định của Pháp lệnh cán bộ, công chức;

2. Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

3. Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp nhà nước;

4. Cán bộ xã, phường, thị trấn;

5. Những người khác được giao nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

 

Điều 3

Các hành vi tham nhũng quy định trong Pháp lệnh này bao gồm :

1. Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa;

2. Nhận hối lộ;

3. Dùng tài sản xã hội chủ nghĩa làm của hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đưa hối lộ, môi giới hối lộ;

4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa;

5. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa;

6. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của cá nhân;

7. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ để vụ lợi;

8. Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ để vụ lợi;

9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để vụ lợi;

10. Lập quỹ trái phép để vụ lợi;

11. Giả mạo trong công tác để vụ lợi.

 

Điều 4

Mọi hành vi tham nhũng đều phải được phát hiện kịp thời. Người có hành vi tham nhũng bất kỳ ở cương vị, chức vụ nào đều phải bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Tài sản bị chiếm đoạt do hành vi tham nhũng phải được thu hồi; tài sản do tham nhũng mà có phải bị tịch thu; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại thì phải bồi thường.

 

Điều 5

Người có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, tích cực hạn chế thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra, nộp lại tài sản đã tham nhũng, thì tuỳ từng trường hợp mà được xem xét giảm nhẹ hoặc miễn xử lý kỷ luật, giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Người có hành vi tham nhũng mà dùng thủ đoạn xảo quyệt để che giấu hành vi vi phạm, cản trở cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý thì bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật.

 

Điều 6

Công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng, tham gia phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng.

Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng khi người đó bị đe dọa, trả thù, trù dập.

Cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong quá trình thanh tra, điều tra, xử lý người có hành vi tham nhũng.

 

Điều 7

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, xử lý và tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý người có hành vi tham nhũng; nếu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức mình thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Điều 8

Các cơ quan Thanh tra, Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc phát hiện hành vi tham nhũng; xử lý người có hành vi tham nhũng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận, quyết định của mình trong quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng.

 

Điều 9

Chính phủ tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra các cấp, các ngành thực hiện việc phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng ở Bộ, ngành, địa phương.

 

Điều 10

Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát các cơ quan, tổ chức trong việc phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng và xử lý người có hành vi tham nhũng; khi phát hiện có hành vi tham nhũng có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời ngăn chặn hành vi tham nhũng và xử lý người có hành vi tham nhũng.

 

Điều 11

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm động viên nhân dân tham gia tích cực vào việc phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng; yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận, xử lý vụ tham nhũng; giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa hành vi tham nhũng và xử lý người có hành vi tham nhũng.

Tổ chức thanh tra nhân dân được thành lập ở cơ sở theo quy định của pháp luật dưới sự hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công đoàn cơ sở, có trách nhiệm phát hiện, kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý và giám sát việc xử lý người có hành vi tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, địa phương mình.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét lại quyết định xử lý vụ tham nhũng, nếu thấy việc xử lý chưa nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải xem xét và trả lời cho tổ chức đã kiến nghị, yêu cầu.

 

Điều 12

Cơ quan thông tin, báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng; khi đưa tin công khai phải bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan theo quy định của pháp luật về báo chí và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đưa tin đó.

 

CHƯƠNG II
CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA, PHÁT HIỆN
THAM NHŨNG

 

Điều 13

1.  Người có chức vụ, quyền hạn không được làm những việc sau đây :

a)  Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà trong khi giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

b)  Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công việc mà mình giải quyết;

c)  Chi tiền công quỹ cho việc tặng quà hoặc chia cho cán bộ, công chức và những người khác ngoài quy định của Nhà nước;

d)  Can thiệp bất hợp pháp vào việc xem xét, giải quyết lợi ích cho mình, cho người khác hoặc để người khác lợi dụng ảnh hưởng của mình làm trái pháp luật, thu lợi bất chính;

đ)  Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vay, cho vay tiền của công quỹ, của ngân hàng hoặc của tổ chức tín dụng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bảo lãnh cho người khác vay tiền của công quỹ, của ngân hàng hoặc của tổ chức tín dụng;

e)  Dùng tiền công quỹ, nhà, đất hoặc tài sản khác của cơ quan, tổ chức hoặc lợi dụng công sức của người do mình quản lý để thu lợi bất chính;

g)  Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm dụng đất, sử dụng đất để phát canh thu tô hoặc kinh doanh trái pháp luật dưới các hình thức khác;

h)  Tiết lộ thông tin kinh tế và các thông tin khác chưa được phép công bố;

i)  Gửi tiền, kim khí quý, đá quý vào ngân hàng nước ngoài.

2. Những người quy định tại các điểm 1, 2 và 3 Điều 2 của Pháp lệnh này không được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý điều hành các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư, tổ chức nghiên cứu khoa học tư.

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá, thì cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ của doanh nghiệp, vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con của họ làm việc tại doanh nghiệp đó chỉ được mua cổ phần không vượt quá mức cổ phần bình quân của các cổ đông.

3. Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ lãnh đạo về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ; làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức hoặc mua bán vật tư, hàng hóa, giao dịch, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức đó.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc áp dụng những quy định tại Điều này.

 

Điều 14

1. Người có chức vụ, quyền hạn phải kê khai nhà, đất và các loại tài sản khác có giá trị lớn của mình.

2. Người kê khai phải kê khai chính xác, trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai.

3. Chính phủ quy định cụ thể đối tượng phải kê khai, các loại tài sản phải kê khai, thời điểm, trình tự và thủ tục kê khai.

 

Điều 15

1.  Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý trong lĩnh vực nhà, đất, xây dựng, đăng ký kinh doanh, xét duyệt dự án, cấp vốn ngân sách nhà nước, tín dụng, ngân hàng, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quản lý hộ khẩu, thuế, hải quan, bảo hiểm và các cơ quan khác trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải công khai thủ tục hành chính, giải quyết đúng thời hạn, đúng pháp luật và đúng yêu cầu hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Nghiêm cấm việc tự đặt ra các thủ tục, phí, lệ phí ngoài quy định của pháp luật.

2.  Việc cấp phát, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, vốn và tài sản nhà nước cho các dự án, chương trình có mục tiêu đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đúng nội dung đã được phê duyệt và phải công khai cho các cơ quan, tổ chức có liên quan và nhân dân nơi trực tiếp sử dụng biết.

3.  Việc huy động nguồn vốn đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng các công trình, lập các quỹ ngoài quy định của Nhà nước phải được nhân dân bàn bạc, quyết định. Việc sử dụng nguồn vốn đó phải đúng mục đích, công khai để nhân dân giám sát và chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

Điều 16

1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải gương mẫu, liêm khiết; định kỳ kiểm điểm việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ và kiểm điểm trách nhiệm của mình trong việc phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng.

1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền; áp dụng các biện pháp phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng và thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

 

Điều 17

Người có chức vụ, quyền hạn không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, để người khác vi phạm pháp luật thu lợi bất chính, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Điều 18

Khi phát hiện hành vi tham nhũng, công dân có trách nhiệm kịp thời tố cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nhận được tố cáo về hành vi tham nhũng phải kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật; giữ bí mật họ tên, địa chỉ của người tố cáo.

 

Điều 19

1.  Người tố cáo kịp thời hành vi tham nhũng, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng thì được xét khen thưởng thích đáng theo quy định của Chính phủ.

Người tố cáo hành vi tham nhũng có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan bảo vệ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền để bảo vệ người tố cáo.

2.  Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng quyền tố cáo để vu cáo làm thiệt hại đến danh dự, uy tín và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Người vu cáo phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

 

Điều 20

Trong quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan Thanh tra, Điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật để phát hiện nhanh chóng, chính xác hành vi tham nhũng và xử lý kịp thời, nghiêm minh người có hành vi tham nhũng.

Người được giao nhiệm vụ thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử do thiếu trách nhiệm mà để lọt người có hành vi tham nhũng, lọt hành vi tham nhũng, cố ý vi phạm các quy định của pháp luật, bao che cho người có hành vi tham nhũng hoặc làm oan người vô tội, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

 

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness