TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 17
  • Hôm nay: 631
  • Tháng: 8470
  • Tổng truy cập: 5153735
Chi tiết bài viết

Bình luận khoa học hình sự tập 8

ĐINH VĂN QUẾ

CHÁNH TOÀ TÒA HÌNH SỰ TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

 

BÌNH LUẬN KHOA HỌC

BỘ LUẬT HÌNH SỰ
 

PHẦN CÁC TỘI PHẠM

 

 (TẬP VIII)

 

CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

VÀ CÁC TỘI PHẠM VỀ MÔI TRƯỜNG

 

BÌNH LUẬN CHUYÊN SÂU

 

NHÀ XUẤT BẢN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

LỜI GIỚI THIỆU

 

Bộ luật hình sự đã được Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1999, có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2000 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự năm 1999). Đây là Bộ luật hình sự thay thế Bộ luật hình sự năm 1985 đã được sửa đổi, bổ sung bốn lần vào các ngày 28-12-1989, ngày 12-8-1991, ngày 22-12-1992 và ngày 10-5-1997.

Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh đang xuất bản bộ sách BÌNH LUẬN KHOA HỌC BỘ LUẬT HÌNH SỰ, được thể hiện với nội dung Bình luận chuyên sâu. Hiện tại đã in 10 tập: 1 tập Phần chung và 8 tập Phần các tội phạm.

Tác giả của bộ sách là Thạc sĩ luật học Đinh Văn Quế, Chánh toà Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao. Tác giả đã nhiều năm công tác trong ngành, có nhiều đề tài nghiên cứu, tham gia giảng dạy, có nhiều tác phẩm về luật hình sự, đồng thời cũng là người trực tiếp tham gia xét xử nhiều vụ án hình sự.

Xin trân trọng giới thiệu tập 8 (Phần các tội phạm) của Bộ sách trên và mong nhận được sự đóng góp của bạn đọc.

 

 

NHÀ XUẤT BẢN

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

 

PHẦN THỨ NHẤT

CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

 

MỞ ĐẦU

 

Quản lý hành chính là lĩnh vực rộng lớn và phức tạp nhất của quản lý Nhà nước đối với xã hội. So với các lĩnh vực khác, thì quản lý hành chính chiếm một tỷ lệ lớn trong toàn bộ quản lý Nhà nước đối với xã hội.

Các quy phạm về trật tự quản lý hành chính cũng rất đa dạng, có quy định do Chính phủ ban hành, có quy định do các Bộ các ngành ban hành, có quy định do chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ban hành, nhưng cũng có quy định chỉ do cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành ở địa phương ban hành, thậm chí một bản nội quy, quy chế của một cơ quan cũng được coi là quy phạm quản lý hành chính.

Các hành vi xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính cũng rất đa dạng, phức tạp và xảy ra thường xuyên hàng ngày, hàng giờ trên nhiều lĩnh vực, với tính chất và mức độ khác nhau, nhưng nhà làm luật chỉ quy định một số hành vi xâm phạm một số lĩnh vực trật tự quản lý hành chính là hành vi tội phạm.

Thực tiễn cho thấy, việc phân biệt các hành vi vi phạm các quy định về trật tự quản lý hành chính với hành vi phạm tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính trong nhiều trường hợp không dễ dàng, có trường hợp hành vi xâm phạm các quy định trật tự quản lý hành chính lẽ ra phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng lại chỉ xử phạt hành chính, ngược lại có những hành vi chỉ đáng xử phạt hành chính thì lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặt khác, các quy định của Nhà nước về quản lý hành chính luôn thay đổi cho phù hợp với tình hình phát triển của xã hội, có hành vi xâm phạm nay là hành vi phạm tội nhưng ngày mai không còn là hành vi phạm tội nữa vì do sự chuyển biến của tình hình hoặc Nhà nước không quy định hành vi đó là hành vi vi phạm nữa, ngược lại, có hành vi trước đây không bị coi là hành vi phạm tội nhưng nay lại bị coi là hành vi phạm tội.v.v...

 

Các quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 về các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính so với Bộ luật hình sự năm 1985 cũng có nhiều thay đổi, kể cả các tình tiết là yếu tố định tội cũng như các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt. Ngoài ra, Bộ luật hình sự năm 1999 còn quy định thêm tội mới, chuyển một số tội từ Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia về Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính. Sau khi Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực, cũng chưa có giải thích hướng dẫn nào về việc áp dụng Chương XX về các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính. Do đó thực tiễn xét xử không ít trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng trong việc xử lý các hành vi xâm phạm trật tự quản lý hành chính. 

 

Với ý nghĩa trên, qua nghiên cứu và qua thực tiễn xét xử, chúng tôi sẽ phân tích các dấu hiệu của các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính quy định tại Chương XIX Bộ luật hình sự năm 1999, giúp bạn đọc, nhất là các cán bộ làm công tác pháp lý tham khảo.

 

I - MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ  QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

  

Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính được quy định tại Chương XX Bộ luật hình sự năm 1999 gồm các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính được quy định tại Mục C, Chương VIII và một số tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Mục B, Chương I phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 1985. Ngoài ra do tình hình kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi nên nhà làm luật quy định thêm hai tội phạm mới mà Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định, đó là: “tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân nhập ngũ” (Điều 260) và “tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới” ( Điều 273)

 

So với Mục C, Chương VIII và Mục B Chương I phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 1985 thì các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính quy định tại Chương XX Bộ luật hình sự năm 1999 có những điểm sửa đổi, bổ sung sau:

 

- Mục C, Chương VIII, phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 1985 có 14 Điều ( từ Điều 205 đến Điều 217) quy định về các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, nay Chương XX Bộ luật hình sự năm 1999 có 20 Điều ( từ Điều 257 đến Điều 276) quy định các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính với 20 tội danh tương ứng. Trong đó có 14 tội đã được quy định tại Mục C, Chương VIII Phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 1985, 4 tội quy định tại Mục B Chương I phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 1985 và bổ sung hai tội mới là tội “không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ” (Điều 260) và tội “vi phạm quy chế về khu vực biên giới” (Điều 273).

 

- Tên tội danh trong các điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 cũng được sửa đổi, bổ sung; một số tội danh quy định thêm hành vi phạm tội mới hoặc sửa đổi cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của đất nước. Ví dụ: Điều 215 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định: “tội vi phạm các quy định về xuất bản và phát hành sách, báo, ấn phẩm khác”, thì Điều 271 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “tội vi phạm các quy định về xuất bản và phát hành sách, báo, đĩa, âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác” ; một số tội danh được tách từ một hoặc một số tình tiết là yếu tố định khung hình phạt. Ví dụ: tình tiết “làm giả con dấu, giấy tiêu đề hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội hoặc sử dụng con dấu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội hoặc công dân” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 211 Bộ luật hình sự năm 1985 nay được quy định thành tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” tại Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999. 

 

- Các tình tiết là yếu tố định tội ở một số tội danh cũng được sửa đổi bổ sung theo hướng phi hình sự hoá một số hành vi hoặc quy định các tình tiết làm ranh giới để phân biệt hành vi phạm tội với hành vi chưa tới mức là tội phạm. Ví dụ: Người có hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép trước đây không cần đã bị xử lý hành chính về hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép cũng đã cấu thành tội phạm, nay nếu chưa bị xử lý hành chính thì chưa cấu thành tội phạm.

 

- Hầu hết các tội phạm đều được bổ sung nhiều tình tiết là yếu tố định khung hình phạt.

 

- Hình phạt bổ sung đối với từng tội phạm, nếu thấy là cần thiết thì được quy định ngay trong cùng một điều luật.

 

 

II - CÁC TỘI PHẠM CỤ THỂ

 

1. TỘI CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ

 

Điều 257.  Tội chống người thi hành công vụ

 

1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc  họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng  đến  ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm :

a)  Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động  người khác phạm tội;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

 

Định nghĩa: Chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.

 

Tội chống người thi hành công vụ là tội phạm đã được quy định tại Điều 205 Bộ luật hình sự năm 1985. Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999 cũng cấu tạo thành hai khoản nhưng cả hai khoản đều bổ sung những tình tiết mới là yếu tố định tội hoặc yếu tố định khung hình phạt.

 

So với Điều 205 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999 về tội phạm này, có những sửa đổi, bổ sung như sau:

 

Nếu khoản 1 Điều 205 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “nếu không thuộc trường hợp quy định ở Điều 101 và Điều 109...”, thì khoản 1 Điều 257 không còn quy định tình tiết này nữa, vì quy định đó là không cần thiết.

 

Nếu khoản 1 Điều 205 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định: “người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực chống người thi hành công vụ cũng như dùng mọi thủ đoạn cưỡng ép họ thực hiện hành vi trái pháp luật” thì khoản 1 Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật” (thêm hành vi cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ).

 

Nếu khoản 2 Điều 205 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định một trường hợp phạm tội là “gây hậu quả nghiêm trọng”, thì khoản 2 Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999, ngoài trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, còn bổ sung thêm 4 trường hợp phạm tội, đó là: Có tổ chức; phạm tội nhiều lần; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; tái phạm nguy hiểm.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần hội tụ đủ điều kiện theo quy định của pháp luật là có thể là chủ thể của tội phạm này, tức là đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự và không thuộc trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự.

 

Như vậy, người dưới 16 tuổi không chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chống người thi hành công vụ vì tội phạm này cả khoản 1 và khoản 2 của điều luật không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Khách thể của tội phạm này là xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ và thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của Nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là người thi hành công vụ, thông qua việc xâm phạm đến người thi hành công vụ mà xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ công. Người thi hành công vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao một nhiệm vụ và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.

 

Người đang thi hành công vụ là người đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ và chưa kết thúc, nếu chưa bắt đầu hoặc đã kết thúc nhiệm vụ mà bị xâm phạm thì không thuộc trường hợp chống người thi hành công vụ, mà tuỳ trường hợp cụ thể để xác định một tội phạm khác có tình tiết vì lý do công vụ của nạn nhân. Ví dụ: Ông Vũ Văn K là Trưởng công an xã đã tổ chức bắt Nguyễn Văn T, Bùi Quốc H và Mai Đức Q tiêm chích ma tuý, nên Bùi Quốc B là cha của Bùi Quốc H đã đón đường đánh ông K gây thương tích với tỷ lệ thương tật là 10%. Hành vi của B là hành vi phạm tội cố ý gây thương tích thuộc trường hợp quy định tại điểm k khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự ( vì lý do công vụ của nạn nhân).

 

Người đang thi hành công vụ phải là người thi hành một công vụ hợp pháp, mọi thủ tục, trình tự thi hành phải bảo đảm đúng pháp luật. Nếu người thi hành công vụ lại là người làm trái pháp luật mà bị xâm phạm thì người có hành vi  xâm phạm không phải là hành vi chống người thi hành công vụ. Ví dụ: Toà án nhân dân huyện K kết án Đặng Quốc H về tội trộm cắp tài sản và buộc H phải bồi thường cho chị Hoàng Kim D 4.500.000 đồng. Sau khi xét xử sơ thẩm, Đặng Quốc H kháng cáo xin giảm hình phạt và giảm mức bồi thường, Toà án nhân dân tỉnh B chưa xét xử phúc thẩm. Vì muốn thi hành ngay khoản tiền bồi thường thiệt hại cho chị họ mình, nên Hoàng Văn T là Chấp hành viên đã đến gia đình Đặng Quốc H, lấy danh nghĩa là Chấp hành viên yêu cầu H phải nộp ngay 4.500.000 đồng. Đặng Quốc H không đồng ý vì cho rằng mình đang kháng cáo bản án sơ thẩm và yêu cầu Hoàng Văn T ra khỏi nhà, dẫn đến xô xát. Do chưa xem xét một cách đầy đủ, lại cho rằng H là đối tượng hình sự, có nhiều tiền án tiền sự, nên Cơ quan điều tra công an huyện K đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đặng Quốc H về tội chống người thi hành công vụ. Sau khi xem xét một cách toàn diện và đầy đủ, Viện kiểm sát nhân dân huyện K đã không phê chuẩn và yêu cầu Cơ quan điều tra đình chỉ vụ án đối với Đặng Quốc H, vì hành vi của Hoàng Văn T không phải là hành vi thi hành công vụ.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội chống người thi hành công vụ có thể thực hiện một trong các hành vi khách quan như: Dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ; đe doạ dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ; dùng thủ đoạn cản trở người thi hành công vụ; dùng thủ đoạn ép buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật.

 

- Dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ

 

Hành vi dùng vũ lực là hành vi (hành động) mà người phạm tội đã thực hiện, tác động vào cơ thể của người thi hành công vụ như: Đấm, đá, đẩy, bóp cổ, trói, bắn, đâm, chém... Nói một cách khái quát là hành vi dùng sức mạnh vật chất nhằm vào vào cơ thể người thi hành công vụ nhằm làm cho họ bị đau đớn mà không thực hiện được nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, hành vi dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ có thể làm cho người thi hành công vụ bị thương, bị tổn hại đến sức khoẻ, nhưng chưa gây ra thương tích đáng kể (không có tỷ lệ thương tật). Nếu hành vi dùng vũ lực đã gây ra thương tích cho người thi hành công vụ, có tỷ lệ thương tật hoặc gây ra cho người thi hành công vụ bị chết, thì tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo Điều 104 hoặc tội giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự với tình tiết là yếu tố định khung hình phạt “để cản trở người thi hành công vụ” hoặc “giết người đang thi hành công vụ”.

 

Như vậy, hành vi dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về ba tội tuỳ thuộc vào hậu quả mà hành vi này gây ra cho người thi hành công vụ. Người có hành vi dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ khi chưa gây ra thương tích (có tỷ lệ thương tật) hoặc gây ra chết người. Đây cũng là vấn đề về lý luận cũng như thực tiễn xét xử còn ý kiến khác nhau. Rõ ràng người phạm tội có mục đích chống lại người thi hành công vụ nhưng vì nạn nhân có tỷ lệ thương tật nên phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích. Trong khi đó khoản 1 Điều 104 và khoản 1 Điều 257 có khung hình phạt như nhau, lẽ ra trong trường hợp người phạm tội chống người thi hành công vụ mà gây thương tích cho nạn nhân phải bị phạt nặng hơn người chưa gây ra thương tích cho nạn nhân.

 

- Đe doạ dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ

 

Hành vi đe doạ dùng vũ lực là hành vi dùng lời nói hoặc hành động nhằm đe doạ người thi hành công vụ nếu không ngừng việc thực hiện nhiệm vụ thì sẽ dùng vũ lực, có thể ngay tức khắc hoặc sau đó một thời gian. Ví dụ: Bùi Hoàng B bị cưỡng chế thi hành án, khi ông Nguyễn Văn Q là Chấp hành viên cùng với một số người trong đoàn cưỡng chế thi hành án đến nhà B để thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế. Thấy vậy, B  cầm một con dao phay đứng trước cửa tuyên bố: “đứa nào vào tao chém”. Thấy thái độ hung hăng của B, ông Q và đoàn cưỡng chế phải ra về. 

 

Dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ

 

Dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ là ngoài hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ra, người phạm tội còn dùng những thủ đoạn khác không cho người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ, những thủ đoạn này có thể là hành động hoặc không hành động. Khoản 1 Điều 205 Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định hành vi này.

 

Việc nhà làm luật quy định thêm hành vi khách quan này cũng xuất phát từ thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm này. Thực tiễn xét xử cho thấy, nhiều trường hợp người phạm tội không dùng vũ lực, cũng không đe doạ dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ nhưng vẫn cản trở được việc thi hành công vụ của họ. Ví dụ: Để thực hiện lệnh cưỡng chế giải phóng mặt bằng mở đường quốc lộ số 5, Ban tổ chức giải phóng mặt bằng đã vận động, giải thích cho bà Nguyễn Thị T và gia đình, nhưng bà T và gia đình vẫn không chấp hành. Ban giải phóng mặt bằng phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Khi lực lượng làm nhiệm cưỡng chế đưa xe ủi tới, bà T cùng người nhà đã ra nằm trước đầu xe ủi không cho lực lượng làm nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ, nên họ đành phải cho xe ủi về, nhiều lần như vậy, nhưng vì Điều 205 không quy định hành vi khác cản trở người thi hành công vụ nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà T về tội chống người thi hành công vụ. Nay điều luật quy định hành vi dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ thì việc xử lý thuận lợi hơn. Tuy nhiên, quy định mới này là quy định không có lợi cho người phạm tội nên không áp dụng đối với hành vi xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý.

 

Dùng thủ đoạn khác ép buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật.

 

Ép buộc người thi hành công thực hiện hành vi trái pháp luật là bằng nhiều cách khác nhau tác động đến người thi hành công vụ để buộc người thi hành công vụ phải thực hiện hành vi trái pháp luật. Nếu chỉ căn cứ vào tính chất của hành vi ép buộc thì không có liên quan gì đến tội danh “chống người thi hành công vụ”, bởi vì việc ép buộc người khác thực hiện một hành vi trái pháp luật không phải là chống lại họ mà buộc họ phải làm một việc sai trái ngoài ý muốn của họ. Hành vi này, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc ép buộc người thi hành công vụ. Ngay trong lĩnh vực này, cũng chỉ giới hạn ở hành vi ép buộc người đang thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên, do tính chất của việc bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ công và do hành vi ép buộc mà làm cho nhiệm vụ không được hoàn thành, nên coi hành vi này đối với người thi hành công vụ cũng là hành vi chống người thi hành công vụ.

 

Về phía người thi hành công vụ phải là người đang thi hành công vụ và do bị ép buộc mà phải thực hiện hành vi trái pháp luật thì người có hành vi ép buộc mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ. Tuỳ theo tính chất mức độ của hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ đã thực hiện, mà có thể họ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng với hành vi trái pháp luật mà họ thực hiện. Nếu họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì họ phạm tội thuộc trường hợp phạm tội vì bị người khác đe doạ cưỡng bức.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, chỉ cần người phạm tội thực hiện một trong các hành vi khách quan nêu trên là tội phạm đã hoàn thành. Nhiệm vụ có thể vẫn được thực hiện, mặc dù người phạm tội đã thực hiện hành vi dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ; đe doạ dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ; dùng thủ đoạn cản trở người thi hành công vụ hoặc dùng thủ đoạn ép buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật.

 

Tuy nhiên, về đường lối xử lý thực tiễn xét xử cho thấy, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp do có hành vi chống người thi hành công vụ mà dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ của người thi hành công vụ bị gián đoạn hoặc gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

 

Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử đối với hành vi chống người thi hành công vụ, nếu gây thương tích cho người người thi hành công vụ có tỷ lệ thương tật từ 1% trở lên, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác, mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ. Thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp rõ ràng hành vi của người phạm tội là hành vi chống người thi hành công vụ nhưng Toà án lại kết án họ về tội cố ý gây thương tích làm cho nhiều người hiểu lầm rằng Toà án kết án người phạm tội không đúng với hành vi khách quan và ý thức chủ quan của họ; có trường hợp nhiều người cùng chống người thi hành công vụ nhưng người này thì bị kết án về tội chống người thi hành công vụ, còn người khác lại bị kết án về tội cố ý gây thương tích. Đây không chỉ là vấn đề lý luận mà còn là vấn đề lập pháp. Nếu nhà làm luật không quy định tình tiết “để cản trở người thi hành công vụ” đối với hành vi cố ý gây thương tích tại điểm k khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự thì vấn đề đơn giản hơn. Nếu cần xử lý nghiêm người có hành vi chống người thi hành công vụ và còn gây thương tích cho người thi hành công vụ thì nên quy định tình tiết “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người thi hành công vụ” là tình tiết định khung hình phạt đối với tội chống người thi hành công vụ sẽ hợp lý hơn. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu người phạm tội có hành vi chống người thi hành công vụ và còn gây thương tích cho người thi hành công vụ có tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” và tội “chống người thi hành công vụ”, nếu người phạm tội chỉ cố ý gây thương tích cho người thi hành công vụ có tỷ lệ thương tật dưới 11% thì họ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chống người thi hành công vụ”. Hy vọng khi có dịp sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự nhà làm luật sẽ quan tâm đến các ý kiến này.    

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Đối với tội chống người thi hành công vụ các dấu hiệu khách quan khác không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, những dấu hiệu này có ý nghĩa bổ sung cho các dấu hiệu thuộc hành vi khách quan hoặc các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt như: Nhiệm vụ cụ thể của người thi hành công vụ; nghĩa vụ phải thi hành của người có hành vi chống người thi hành công vụ; các quy định của pháp luật về trách nhiệm của người thi hành công vụ.v.v...

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội chống người thi hành công vụ thực hiện hành vi do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi chống người thi hành công vụ, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.1

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội chống người thi hành công vụ không có các tình tiết định khung hình phạt

 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 257 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội chống người thi hành công vụ, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

So với tội chống người thi hành công vụ quy định tại Điều 205 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn, vì khoản 1 Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999 mức cao nhất của hình phạt cải tạo không giam giữ là đến ba năm ( khoản 1 Điều 205 Bộ luật hình sự năm 1985 là một năm), mặc dù khung hình phạt tù như nhau. Tuy nhiên, so sánh giữa Điều 205 Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999 thì Điều 257 là điều luật nhẹ hơn, nên hành vi chống người thi hành công vụ xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới xử lý thì áp dụng khoản 1 Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999. Tuy nhiên, nếu áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì không được quá một năm.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội chống người thi hành công vụ theo khoản 1 Điều 257 Bộ luật hình sự, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự (từ Điều 45 đến Điều 54).2 Nguyên tắc này chúng tôi sẽ không nhắc lại khi phân tích đối với các tội phạm khác trong chương này.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc áp dụng dưới sáu tháng tù, nhưng không được dưới ba tháng tù vì đối với hình phạt tù mức thấp nhất là ba tháng. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù.

 

Đối với tội chống người thi hành công vụ, trong mấy năm vừa qua xẩy ra rất nghiêm trọng, nhiều trường hợp những tên lâm đặc, hải tặc đã tấn công cán bộ Công an, kiểm lâm, hải quan làm nhiệm vụ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; tình trạng coi thường pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước ở nhiều địa phương đang là vấn đề bức xúc. Việc xử lý nghiêm những hành vi chống người thi hành công vụ là một yêu cầu không chỉ đối với các cơ quan chức năng mà đối với Toà án cũng đã được quán triệt tại các Hội nghị tổng kết công tác xét xử hàng năm. Thực tiễn xét xử cho thấy, các Toà án đã áp dụng hình phạt nghiêm minh đối với người phạm tội chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, cũng còn nhiều trường hợp Toà án áp dụng hình phạt quá nhẹ hoặc cho người phạm tội hưởng án treo không đúng, không có tác dụng đấu tranh phòng chống loại tội phạm này. 

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 257 Bộ luật hình sự

 

a.  Có tổ chức

 

Phạm tội chống người thi hành công vụ có tổ chức, là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện việc chống người thi hành công vụ, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.

 

Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (khoản 3 Điều 20 Bộ luật hình sự )3

 

Trong vụ án chống người thi hành công vụ có tổ chức, tuỳ thuộc vào quy mô và tính chất mà có thể có những người giữ những vai trò khác nhau như: Người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức.

 

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người tổ chức có thể có những hành vi như: khởi xướng việc chống người thi hành công vụ; vạch kế hoạch thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ cũng như kế hoạch che giấu tội phạm; rủ rê, lôi kéo người khác cùng thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ; phân công trách nhiệm cho những người đồng phạm khác để thống nhất thực hiện việc chống người thi hành công vụ; điều khiển hành động của những người đồng phạm; đôn đốc, thúc đẩy người đồng phạm khác thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ...

 

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ. Tức là trực tiếp có hành vi dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ; đe doạ dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ; dùng thủ đoạn cản trở người thi hành công vụ hoặc dùng thủ đoạn ép buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật. Người thực hành là người có vai trò quyết định việc thực hiên hành vi chống người thi hành công vụ. Nếu không có người thực hành thì tội chống người thi hành công vụ chỉ dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, mục đích tội phạm không được thực hiện; hậu quả vật chất của tội phạm chưa xảy ra và trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm khác sẽ được xem xét theo quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự. Trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm khác rõ ràng phụ thuộc vào hành vi của của người thực hành.

 

Thực tiễn xét xử cho thấy, không phải bao giờ người thực hành cũng thực hiện đúng những hành vi do các đồng phạm khác đặt ra, có trường hợp người thực hành tự ý không thực hiện tội phạm hoặc tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiên tội phạm, nhưng thực tế cũng không ít trường hợp người thực hành tự ý thực hiện những hành vi vượt quá yêu cầu của các đồng phạm khác đặt ra, Khoa học luật hình sự gọi là hành thái quá của người thực hành trong vụ án có đồng phạm. Luật hình sự của nhiều nước ghi rõ chế định “thái quá’ của người thực hành trong Bộ luật hình sự hoặc trong các văn bản luật hình sự. Ở nước ta chế định này chưa được ghi nhận trong Bộ luật hình sự, nhưng về lý luận cũng như thực tiến xét xử đều thừa nhận chế định này khi cần phải xem xét đến trách nhiệm hình sự  của người thực hành cũng như những người đồng phạm khác trong một vụ án có đồng phạm. Hiện nay, đa số ý kiến cho rằng khi Bộ luật hình sự của nước ta được sửa đổi, bổ sung, cần quy định chế định “hành vi thái quá của người thực hành” cùng với chế định đồng phạm đã được quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự hiện hành.

 

Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử đã khẳng định, hành vi thái quá của người thực hành trong vụ án có đồng phạm và hậu quả do hành vi thái quá đó gây ra chỉ người thực hành phải chịu trách nhiệm hình sự còn những người đồng phạm khác không phải chịu về việc “thái quá” đó. Như vây, khi nghiên cứu tình trạng loại trừ trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm khác đối với hành vi thái quá của người thực hành chúng ta chỉ có thể nghiên cứu nội dung của sự “thái quá” mà người thực hành đã gây ra, từ đó xác định trách nhiệm hình sự của người thực hành về hành vi thái quá đó mà loại trừ trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm khác.

 

Hành vi thái quá của người thực hành là việc người thực hành tự ý thực hiện hành vi tội phạm mà những người đồng phạm khác không mong muốn. Ví dụ: Gia đình Trần Quang L xây dựng nhà trái phép trên đất của công. Uỷ ban nhân dân các cấp đã giải thích, thuyết phục nhiều lần để gia đình tự nguyện tháo bỏ, nhưng gia đình Trần Quang L vẫn không tháo dỡ, vì vậy Uỷ ban nhân dân huyện đã ra quyết định cưỡng chế. Biết được chủ trương này, Trần Quang L, Nguyễn Văn T, Bùi Quốc C, Bùi Quốc A bàn bạc chống lại việc cưỡng chế tháo dỡ nhà xây dựng trái phép do Trần Quang L cầm đầu. L phân công T cầm đòn gánh, C cầm cuốc, A cầm xẻng, còn L cầm một búa bổ củi, khi đoàn cưỡng chế đến thì tất cả dàn hàng ngang trước cửa nhà không cho đoàn cưỡng chế vào nhà. Trần Quang L dặn: “không được đứa nào manh động, tất cả phải nghe lệnh của tao, không được đứa nào tấn công khi chưa có lệnh của tao”. Khi đoàn cưỡng chế đến, thì Trần Quang L, Nguyễn Văn T, Bùi Quốc C, Bùi Quốc A đứng chặn lối đi không cho đoàn cưỡng chế vào nhà. Đoàn cưỡng chế đã giải thích để gia đình Trần Quang L chấp hành lệnh cưỡng chế. Trong lúc đang giải thích thích thì Bùi Quốc A đã cầm xẻng chém vào bả vai ông Hoàng Danh N là Trưởng đoàn cưỡng chế, làm cho ông N bị thương có tỷ lệ thương tật là 15%. Trong ví dụ này, ngay từ khi bàn bạc việc chống lại người thi hành công vụ, Trần Quang L đã dặn là không ai được tự ý hành động khi chưa có lệnh, nhưng trong khi thực hiện tội phạm A đã tự ý đánh ông N là hành vi thái quá, vì vậy chỉ có A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích với tình tiết đối với người thi hành công vụ.

 

Khoa học luật hình sự chia hành vi thái quá ra làm hai loại chính: Thái quá về chất lượng của hành vi và thái quá về số lượng của hành vi4.

 

Người xúi dục là người kính động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ. Hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ chỉ được coi là người đồng phạm trong vụ án có tổ chức, khi hành vi xúi dục có liên quan trực tiếp đến toàn bộ hoạt động tội phạm của những người đồng phạm khác và người thực hiện tội phạm trước khi bị xúi dục chưa có ý định tội phạm, vì có người khác xúi dục nên họ mới nảy sinh ý định tội phạm. Nếu việc xúi dục không liên quan trực triếp đến hoạt động tội phạm của những người đồng phạm khác và người thực hiện tội phạm đã có sẵn ý định tội phạm, thì không phải là người xúi dục trong vụ án có đồng phạm (phạm tội có tổ chức). Ví dụ: Lê Tùng D đi qua nhà Bùi Huy T thấy một số cán bộ kiểm lâm đang lập biên bản thu hồi số gỗ lậu. T và mọi người trong gia đình đang lôi kéo không cho đưa số gỗ lên xe, thấy vậy D nói: “ làm gì mà dữ vậy, thôi các anh tha cho nó đi”, nhưng chỉ nói như vậy rồi thôi. Sau đó D vẫn líu kéo không cho chuyển số gỗ lậu lên xe. Hành vi của D tuy có vẻ xúi dục người khác, nhưng khi D có hành vi xúi dục thì ý định cản trở người thi hành công vụ của T đã có sẵn từ trước nên hành vi xúi dục của D không có ý nghĩa gì đến việc phạm tội của T, dù D có nói hay không nói câu “làm gì mà dữ vậy, thôi các anh tha cho nó đi” thì cũng không làm thay đổi ý định của T, nên không thể coi D là người xúi dục được.

 

Người xúi dục thường là người giấu mặt, dân gian thường gọi là “kẻ ném đã giấu tay”. Tuy nhiên, nếu xúi dục trẻ em dưới 14 tuổi, người không có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện tội phạm, thì hành vi xúi dục được coi là hành vi thực hành thông qua hành vi của người không chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, người không phải chịu trách nhiệm hình sự trở thành phương tiện, công cụ để người xúi dục thực hiện tội phạm. Nếu xúi dục trẻ em từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi tội phạm thì người xuí dục còn phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "xúi dục người chưa thành niên tội phạm" (điểm n khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự ).

 

Trong trường hợp người xúi dục lại là người tổ chức và cùng thực hiện tội phạm, thì họ trở thành người tổ chức và nếu xúi người chưa thành niên tội phạm thì họ còn phải chịu tình tiết tăng nặng" xúi dục người chưa thành niên tội phạm".

 

Hành vi xúi dục phải cụ thể, tức là người xúi dục phải nhằm vào việc chống người thi hành công vụ nếu chỉ có lời nói có tính chất thông báo hoặc gợi ý chung chung thì không phải là người xúi dục và không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi tội phạm của người thực hiện tội phạm. Ví dụ: Nguyễn Quang P biết được chủ trương giải toả chợ cóc (chợ họp trên đường phố) của Uỷ ban nhân dân phường, nên P về báo cho một số hộ kinh doanh biết ngày mai Uỷ ban nhân dân phường phối hợp với Công an và Dân phòng giải toả chợ, mọi người liệu mà đối phó. Ngày hôm sau, một số người buôn bán tại chợ đã có hành vi cản trở cán bộ, Công an làm nhiệm vụ giải toả chợ. Đúng là trong trường hợp này, P có thông báo chủ trương giải toả chợ và còn dặn mọi người liệu mà đối phó như có vẻ xúi dục, nhưng việc làm của P không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc một số người buôn bán cản trở việc giải toả chợ.

 

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ. Trong một vụ án chống người thi hành công vụ có đồng phạm, vai trò của người giúp sức cũng rất quan trọng, nếu không có người giúp sức thì người thực hiện tội phạm sẽ gặp khó khăn. Ví dụ: Phạm Thị M hứa với Trần Công B sẽ cho con gái của B bán hàng ở quán mình, nếu B ngăn cản không cho đoàn cưỡng chế giải toả quán xây dựng trái phép của M. Vì có sự hứa hẹn của M nên khi đoàn cưỡng chế đến để thực hiện việc giải toả quán xây dựng trái phép của bà M, B quyết tâm thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ.

 

Người giúp sức có thể giúp bằng lời khuyên, lời chỉ dẫn; cung cấp phương tiện phạm tội hoặc khắc phục những trở ngại cho việc thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ; hứa che giấu người phạm tội, hoặc phương tiện phạm tội...

Hành vi tạo những điều kiện về tinh thần thường được biểu hiện như: Hứa hẹn sẽ che giấu hoặc hứa ban phát cho người phạm tội một lợi ích tinh thần nào đó như: hứa gả con, hứa đề bạt, thăng cấp, tăng lương cho người phạm tội, bày vẽ cho người phạm tội cách thức thực hiện tội phạm như: nói cho người phạm tội biết ngày giờ người thi hành công vụ đến để người phạm tội đối phó...

 

Hành vi tạo điều kiện vật chất cho việc thực hiện tội phạm là hành vi cung cấp phương tiện phạm tội như: cung cấp dao, súng, côn gỗ, xe máy, xe ô tô... để người phạm tội thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ.

 

Dù tạo điều kiện tinh thần hay vật chất cho việc thực hiện tội phạm thì hành vi đó cũng chỉ tạo điều kiện dễ dàng cho việc thực hiện tội phạm chứ người giúp sức không trực tiếp thực hiện tội phạm.

 

Hành vi tạo điều kiện cho việc thực hiện tội phạm của người giúp sức cũng có thể là hành vi của người tổ chức, nhưng khác với ngừơi tổ chức, người giúp sức không phải là người chủ mưu. cầm đầu, chỉ huy mà chỉ có vai trò thứ yếu trong vụ án có đồng phạm. Nếu các tình tiết khác như nhau thì người giúp sức bao giờ cũng được áp dụng hình phạt nhẹ hơn những người đồng phạm khác.

 

Cần chú ý rằng, khi đã xác định vụ án được thực hiện có tổ chức thì tất cả những người trong vụ án đều bị áp dụng tình tiết "phạm tội có tổ chức". Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự đối với từng người còn tuỳ thuộc vào vai trò của họ trong vụ án như đã phân tích ở trên.

 

b. Phạm tội nhiều lần

 

Phạm tội chống người thi hành công vụ nhiều lần là thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ từ hai lần trở lên và mỗi lần thực hiện hành vi đã cấu thành tội chống người thi hành công vụ nhưng tất cả các lần phạm tội đó đều bị xét xử trong cùng một bản án. Ví dụ: Ngày 15 tháng 1 năm 2004 Nguyễn Văn H  đã có hành vi đe doạ dùng vũ lực đối với đoàn cán bộ thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự nên đoàn cán bộ phải bỏ về không thực hiện được lệnh cưỡng chế đến ngày 20 tháng 1 năm 2004, đoàn cán bộ lại đến thực hiện việc cưỡng chế thì H lại dùng vũ lực đối với cán bộ trong đoàn.

 

Phạm tội nhiều lần khác phạm tội liên tục ở chỗ: Phạm tội liên tục, là do một loạt hành vi phạm tội cùng loại, xảy ra kế tiếp nhau về mặt thời gian tạo thành, nhằm đạt tới mục đích phạm tội. Trong một loạt hành vi ấy có cái đã là tội phạm, có cái chưa phải là tội phạm. Nhưng nó là tội phạm thống nhất. Ví dụ: Đào Công T không chấp hành lệnh dừng xe của Cảnh sát giao thông, sau đó lại có lời lẽ đe doạ Cảnh sát giao thông, rồi dùng vũ lực đối với Cảnh sát giao thông khi người Cảnh sát giao thông giữ được xe của T. Hành vi liên tục chống người thi hành công vụ của T không phải là phạm tội nhiều làn mà là phạm tội liên tục.

 

Việc xác định một người phạm tội nhiều lần không khó. Tuy nhiên có một số trường hợp cần chú ý:

 

- Nếu hành vi chống người thi hành công vụ của bị cáo đã bị xử lý không kể bị xử lý bằng hình thức gì như: đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật... thì không tính lần phạm tội đó vào lần phạm tội sau để coi bị cáo phạm tội nhiều lần.

 

- Trường hợp, hành vi chống người thi hành công vụ đã được Viện kiểm sát miễn truy tố hoặc không truy tố cùng với hành vi chống người thi hành công vụ bị đưa ra xét xử, hoặc đã tách để xử lý ở vụ án khác thì cũng không coi là phạm tội nhiều lần.

 

c. Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

 

Trường hợp phạm tội này về hành vi hoàn toàn tương tự với hành vi của người tổ chức, người xúi dục trong vụ án có tổ chức. Tuy nhiên, trường hợp phạm tội này là hành vi của người phạm tội không có tổ chức, mà chỉ là đồng phạm thông thường, có nhiều người tham gia. Nếu đã bị coi là phạm tội có tổ chức thì không coi là xúi dục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội nữa.

 

Chỉ cần người phạm tội có một trong các hành vi xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác phạm tội là bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2 của điều luật mà không cần phải thực hiện đầy đủ cả ba hành vi.

 

Người phạm tội trong trường hợp này chủ yếu là người vừa thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ vừa có hành vi xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác phạm tội, nhưng cũng có thể là người không trực tiếp thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ mà chỉ có hành vi xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác phạm tội.

 

d. Gây hậu quả nghiêm trọng;

 

Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng nói chung và phạm tội chống người thi hành công vụ nói riêng là trường hợp do hành vi phạm tội mà gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người; thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho cơ quan, tổ chức và những thiệt hại nghiêm trọng khác phi vật chất. Tuy nhiên, những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ cho người thi hành công vụ dùng vũ lực trực tiếp gây ra không được tính để xác định hậu quả nghiêm trọng, mà chỉ tính những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản hoặc những thiệt hại phi vật chất do vô ý gây ra hoặc do người khác gây ra để xác định hậu quả nghiêm trọng.

 

Trong trường hợp người thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ cho người thi hành công vụ thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích, còn những người khác bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ, còn thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của người thi hành công vụ cũng được tính để xác định hậu quả cho những người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ. Ví dụ: A, B, C cùng thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ, nhưng A có hành vi cố ý gây thương tích cho người thi hành công vụ có tỷ lệ thương tật là 61%, thì A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự, còn B và C bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chống người thi hành công vụ theo điểm d khoản 2 Điều 257 Bộ luật hình sự với tình tiết là yếu tố định khung hình phạt “gây hậu quả nghiêm trọng”

 

Hiện nay, chưa có hướng dẫn chính thức thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi chống người thi hành công vụ gây ra, nhưng căn cứ vào các hướng dẫn đối với các tội phạm khác, chúng ta có thể tham khảo Thông tư liên tịch số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 về trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng để xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi chống người thi hành công vụ gây ra, cụ thể là:

 

          - Làm chết một người;

 

          - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

 

          - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

         

          - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, nếu không thuộc các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a.2 và a.3 trên đây;

 

          - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

 

            - Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

 

          Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là nghiêm trọng.

 

đ. Tái phạm nguy hiểm.

 

Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội dặc biệt nghiêm trọng do cố ý, hoặc tái phạm, chưa được xoá án mà lại phạm tội do cố ý (điểm a và điểm b khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự ).

 

Phạm tội chống người thi hành công vụ thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là trường hợp người phạm tội đã tái phạm, chưa được xoá án mà lại phạm tội chống người thi hành công vụ. Còn trường hợp người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội chống người thi hành công vụ thì chưa phải là tái phạm nguy hiểm, vì tội chống người thi hành công vụ không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 257 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

So với Điều 205 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 2 Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn và nếu so sánh giữa Điều 205 Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999 thì Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999 cũng là điều luật nhẹ hơn. Vì vậy, đối với hành vi phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới xử lý thì áp dụng khoản 2 Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

 

Nếu người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới hai năm tù) hoặc chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ. Nếu người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

 

2. TỘI LỢI DỤNG CÁC QUYỀN TỰ DO DÂN CHỦ XÂM PHẠM LỢI ÍCH CỦA NHÀ NƯỚC, QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA TỔ CHỨC, CÔNG DÂN 

 

Điều 258.   Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân 

 

 1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm  hoặc phạt tù từ sáu  tháng đến ba năm.

2. Phạm tội trong  trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

 

Định nghĩa: Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân là hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

 

Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân là tội phạm đã được quy định tại Điều 205a Bộ luật hình sự năm 1985 (điều luật được sửa đổi bổ sung vào ngày 12-8-1991 và có hiệu lực vào ngày 16-8-1991). Nay tội phạm này được quy định tại Điều 258 Bộ luật hình sự năm 1999 và được cấu tạo thành hai khoản. khoản 2 hai là cấu thành tăng nặng với một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, còn khoản 1 của điều luật có sửa đổi, bổ sung một số tình tiết cho phù hợp với thực tiễn xét xử và tình hình kinh tế, xã hội.

 

So với Điều 205a Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 258 Bộ luật hình sự năm 1999 có những sửa đổi, bổ sung như sau:

 

Nếu khoản 1 Điều 205a chưa quy định: “lợi dụng quyền tự do tôn giáo” thì khoản 1 Điều 258 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định thêm hành vi lợi dụng quyền này, đồng thời quy định rõ hơn “ xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp” của tổ chức, công dân.

 

Bổ sung khoản 2 có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm với một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt “Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng”.

 

Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân là tội nhà làm luật quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau trong cùng một điều luật, vì vậy khi định tội danh phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để định tội cho chính xác.

 

Nếu người phạm tội chỉ thực hiện một trong các hành vi quy định tại điều luật thì chỉ định tội theo hành vi mà họ thực hiện. Ví dụ: Nếu người phạm tội chỉ thực hiện hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của công dân thì định tội là: “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của công dân” mà không định tội danh đầy đủ theo điều văn của điều luật.

 

Nếu người phạm tội thực hiện tất cả hành vi quy định tại điều luật thì định tội danh đầy đủ như điều văn của điều luật.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này cả khoản 1 và khoản 2 của điều luật không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Khách thể của tội phạm này là lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Các lợi ích này có thể là lợi ích vật chất hoặc phi vật chất. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy lợi ích mà người phạm tội xâm phạm chủ yếu là lợi ích phi vật chất.

 

Khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1985 nhà làm luật chưa coi hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân là tội phạm. Tuy nhiên, qua thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy, một mặt những hành vi xâm phạm quyền tự do dân chủ xẩy ra nghiêm trọng cần phải được xử lý nghiêm, nhưng mặt khác nhiều trường hợp lợi dụng quyền tự do dân chủ đã xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì lại không được xử lý nghiêm minh nên nhà làm luật quy định những hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân là tội phạm nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm; đồng thời bảo đảm sự công bằng xã hội như Hiến pháp năm 1992 đã quy định: “Không ai được lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước. Nghiêm cấm lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác” ( trích Điều 70 và Điều 74 Hiến pháp năm 1992). Chính do có sự thay đổi này, nên ngày 10-5-1997 Quốc hội nước ta mới quy định hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân là tội phạm.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người thực hiện hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân có thể thực hiện một trong các hành vi như: lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của  Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

 

 Nếu nói một cách khái quát thì người phạm tội này có hai hành vi chính, đó là hành vi lợi dụng và hành vi xâm phạm. Lợi dụng và xâm phạm là hai hành vi cần và đủ, nếu lợi dụng nhưng chưa xâm phạm hoặc xâm phạm nhưng không lợi dụng thì chưa phải là hành vi phạm tội này. Tuy nhiên, hành vi lợi dụng và xâm phạm lại không giống nhau, mà tuỳ thuộc vào quyền mà người phạm tội lợi dụng và lợi ích bị xâm phạm, nên tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể thực hiện một trong những hành vi cụ thể sau:

 

- Lợi dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

 

Tự do ngôn luận là quyền do Hiến pháp quy định (Điều 69 Hiến pháp năm 1992)5. Quyền này cho phép mọi công dân được phát biểu, bày tỏ ý kiến về những vấn đề của đất nước trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội... một cách công khai, rộng rãi theo quan điểm cá nhân mình, nhưng không được lợi dụng việc phát biểu, bày tỏ ý kiến để xâm phạm đến xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Ví dụ: Hoàng Minh Ch đã từng là cán bộ cao cấp của Nhà nước nhưng do bất mãn, nên sau khi nghỉ hưu Ch đã tụ tập một số người bất mãn với chế độ, in ấn tài liệu với nội dung phê phán đường lối, chính sách của Đảng rồi tán phát tài liệu, vận động một bộ phận công dân không chấp hành chủ trương chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.  

 

- Lợi dụng quyền tự do báo chí xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

 

Tự do báo chí cũng là quyền do Hiến pháp quy định (Điều 69 Hiến pháp năm 1992) và Luật báo chí quy định.

 

Theo Điều 2 Luật báo chí, thì Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng. Tuy nhiên, nếu lợi dụng quyền tự do báo chí mà xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì bị coi là hành vi phạm tội.

 

Hiện nay, trong xã hội ta có rất nhiều loại hình báo chí như: báo in (báo, tạp chí, bản tin thời sự, bản tin thông tấn); báo nói (Chương trình phát thanh); báo hình (Chương trình truyền hình, Chương trình nghe - nhìn thời sự được thực hiện bằng các phương tiện kỹ thuật khác nhau); báo điện tử; trang thông tin trên mạng (website) bằng tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài. Các báo chí này hoạt động theo Hiến pháp và Luật báo chí.

 

Hành vi lợi dụng quyền tự do báo chí có thể là của những người hoạt động trong các cơ quan báo chí, nhưng cũng có thể là người khác. Tuy nhiên, người khác muốn lợi dụng quyền tự do báo chí thì phải thông đồng, móc ngoặc với người trong cơ quan báo chí mới thực hiện được ý đồ của mình. Thực tiễn cho thấy, việc xác định hành vi lợi dụng quyền tự do báo chí là rất khó khăn, vì người có hành vi lợi dụng luôn luôn biện luận rằng, những gì mà họ nêu trên báo chí là đúng, nếu xác minh không đúng thì cũng chỉ đăng bài cải chính là cùng, ít có trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự do các cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được là họ đã lợi dụng quyền tự do báo chí. Đây cũng là một thực tế mà nhiều năm nay mặc dù đã có luật nhưng việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi lợi dụng quyền tự do báo chí xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân hầu như không có. Tuy nhiên, nếu hành vi lợi dụng nghề nghiệp làm báo mà xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân, thì tuỳ trường hợp mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, tội hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Hành vi xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân cũng rất đa dạng, có thể là viết sai, vu khống, xuyên tạc sự thật hướng dư luận hiểu và làm theo nội dung bài viết, bài nói của mình. Thực tiễn cho thấy nhiều trường hợp chỉ vì một bài báo mà đã gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, tổ chức hoặc công dân.

 

Việc xác định hành vi lợi dụng quyền tự do báo chí đã xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân hay chưa, cần phải xem xét một cách toàn diện, căn cứ vào tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và yêu cầu bảo vệ các lợi ích đó, vì những lợi ích này chủ yếu là lợi ích phi vật chất.

 

Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

 

Tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng là quyền được Hiến pháp quy định tại Điều 70 Hiến pháp năm 1992. Quyền này cho phép Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.

 

Người có hành vi lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thường là người theo một tôn giáo nhất định như: Công giáo (Thiên chúa giáo), Tin Lành, Đạo phật, Đạo Cao Đài, Đạo Hoà Hảo... Tuy nhiên, những người không theo một tôn giáo nào cũng có thể lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

 

Như vậy, hành vi lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng với hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo là khác nhau. Lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo là người theo một tôn giáo và lợi dụng tôn giáo mà mình theo để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, còn lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là lợi dụng việc Nhà nước cho phép theo hoặc không theo một tôn giáo nào để có hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo rộng hơn lợi dụng tôn giáo. Do đó khi xác định hành vi phạm tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân cần phải phân biệt giữa quyền với hành vi cụ thể mà người phạm tội thực hiện. Thông thường, những người theo một tôn giáo dễ lợi dụng quyền tự do tĩn ngưỡng, tôn giao hơn người không theo một tôn giáo, nhưng người không theo một tôn giáo nào cũng có thể lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. 

 

Hiến pháp năm 1992 và điều văn của điều luật đều quy định: “quyền tự do tính ngưỡng, tôn giáo” nên có ý kiến cho rằng quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do tôn giao là hai quyền độc lập. Tuy nhiên, khi nói đến tín ngưỡng là đã nói đến theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Do đó, tín ngưỡng và tôn giáo không phải là hai quyền độc lập với nhau mà tôn giáo chỉ là một biểu hiện của tín ngưỡng.

 

Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là hành vi của người theo hoặc không một tôn giáo đã lợi dụng quyền mà pháp luật quy định để có những hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

 

Lợi dụng cũng là hành vi, nhưng hành vi này được biểu hiện như là một thủ đoạn phạm tội và thủ đoạn này được thể hiện ở những hành vi xâm phạm, thông qua hành vi xâm phạm mà xác định người phạm tội có lợi dụng. Ví dụ: Một linh mục khi làm lễ tại nhà thờ đã lợi dụng việc làm lễ để vận động các giáo dân không đi bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và do việc vận động của vị Linh mục này nên nhiều giáo dân đã không đi bỏ phiếu bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp.

 

Lợi dụng quyền tự do hội họp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

 

Quyền tự do hội họp cũng là quyền được quy định tại Điều 69 Hiến pháp năm 1992. Quyền tự do hội họp của công dân được biểu hiện ở việc tổ chức hoặc tham gia các cuộc mít tinh, biểu tình; các cuộc họp do các cơ quan, tổ chức chủ trì hoặc do một nhóm người tụ tập để bàn hoặc giải quyết một công việc nào đó như: Họp đồng hương, họp lớp, họp tổ sản xuất, họp tổ dân phố.v.v...

 

Hành vi lợi dụng quyền tự do hội họp là mượn cớ hội họp để bàn bạc, quyết định những vấn đề mà pháp luật cấm hoặc mượn cớ hội họp để có những hành động gây rối trật tự công cộng, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Ví dụ: Một số người sẵn có tư tưởng bất mãn, đã tụ tập, lôi kéo nhiều người tập trung tại đình làng, họp bàn việc kéo nhau lên tỉnh khiếu nại việc đền bủ giải phóng mặt bằng mở đường giao thông mà theo họ là không thoả đáng. Nhận được tin, cán bộ xã cùng với đại diện các tổ chức của Mặt trận tổ quốc xã đến khuyên giải và yêu cầu họ giải tán, nhưng số người này không những không giải tán mà còn có những lời nói xúc phạm đến danh dự của những người dại diện cho cơ quan, tổ chức đến khuyên can kéo dài nhiều giờ, ảnh hưởng đến an ninh thôn xóm. Khi lực lượng công an huyện phối hợp với dân quân tự vệ xã đến bắt một số người cầm đầu về trụ sở xã giải quyết thì họ mới giải tán.

 

Lợi dụng quyền tự do lập hội xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

 

Quyền tự do lập hội thông thường đi liền với quyền tự do hội họp, lập hội là tiền đề của hội họp, còn hội họp là kết qủa của việc lập hội. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp hội họp và lập hội không có liên quan với nhau; có trường hợp hội họp không phải là kết quả của lập hội, ngược lại lập hội nhưng không hội họp vẫn có thể xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

 

Hiện nay, trên đất nước ta có nhiều Hội như: Hội luật gia, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội sinh viên, Hội chữ thập đỏ, Hội văn học nghệ thuật, Hội người mù, Hội làm vườn.v.v... Xã hội càng phát triển thì các tổ chức Hội càng được thành lập rộng khắp. Có nhiều tổ chức Hội, việc thành lập và hoạt động như là một thành viên, một tổ chức trong hệ thống chính trị, là thành viên của Mặt trận tổ quốc, nhưng cũng có nhiều Hội không phải là thành viên của mặt trận, tổ chức và hoạt động cũng không có điều lệ mà chỉ do tự phát như: Hội đồng hương, Hội đồng niên, Hội đồng môn... Tuy không được thành lập theo một quyết định của cơ quan có thẩm quyền, nhưng các hội này không bị coi là trái pháp luật.

 

Lập hội cũng là một quyền do Hiến pháp quy định ( Điều 69), nhưng việc lập hội không được trái với lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Lập hội không chỉ là hành vi thành lập các tổ chức có tên là “Hội” mà còn bao gồm cả hành vi thành lập các tổ chức khác mang những cái tên khác nhau như: Trung tâm, tập đoàn, tổ, nhóm... Ví dụ: Một số Số luật sư của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã thành lập “Nhóm sáng kiến Dự án vì công lý”, nhưng thực chất là một tổ chức vì Luật sư, nên đã bị Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đình chỉ hoạt động vì tổ chức này được thành lập là bất hợp pháp.

 

Lợi dụng quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

 

Quyền tự do dân chủ khác ở đây được hiểu là ngoài các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội đã được liệt kê trong điều luật. Các quyền tự do dân chủ khác có thể được quy định trong Hiến pháp hoặc được quy định trong các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ... Tuy nhiên, các quyền tự do dân chủ của công dân hầu hết đã dược quy định trong Hiến pháp, nếu các văn bản pháp luật khác có quy định cũng chỉ cụ thể hoá các quyền đã được Hiến pháp quy định. Ví dụ: Điều 57 Hiến pháp quy định: “ Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Quyền này được cụ thể hoá bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau.

 

Cũng chính vì thế mà có ý kiến cho rằng, điều văn của điều luật đối với tội phạm này không cần phải liệt kê những quyền mà người phạm tội lợi dụng mà chỉ cần quy định “lợi dụng quyền tự do dân chủ” là đủ, còn quyền cụ thể nào thì các cơ quan tiến hành tố tụng xác định căn cứ vào Hiến pháp và pháp luật, vì dù có liệt kê thì cũng không hết và cuối cùng vẫn phải quy định “ các quyền tự do dân chủ khác”. ý kiến này có nhân tố hợp lý, nên chúng tôi đề nghị khi có chủ trường sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự ý kiến này sẽ được xem xét.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ là những thiệt hại đã gây ra hoặc đe doạ gây ra những thiệt hại về vật chất và tinh thần cho Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

 

Nói chung hậu quả của hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ gây ra, chủ yếu là thiệt hại phi vật chất, nếu có thiệt hại về vật chất thì cũng từ thiệt hại phi vật chất dẫn đến những thiệt hại vật chất như: Chi phí cho việc đăng tin cải chính, thu hồi ấn phẩm hoặc các chi phí khác để khắc phục những thiệt hại về tinh thần, danh dự, uy tín...

 

Theo điều văn của điều luật thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng cần chứng minh là hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ đã xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân là lợi ích gì, nếu lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân không bị xâm phạm thì hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ chưa cấu thành tội phạm này.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Ngoài các dấu hiệu khách quan đã nêu, đối với tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà tội phạm này còn có những dấu hiệu khách quan khác, nếu thiếu nó thì không cấu thành tội phạm. Ví dụ: Nếu người phạm tội thực hiện hành vi lợi dụng quyền tự do lập hội xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì cần phải căn cứ vào các quy định của Nhà nước, của tổ chức về việc thành lập hội, thành lập tổ chức xem người có hành vi lợi dụng quyền này đã xâm phạm đến lợi ích của ai.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thực hiện hành vi do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

 

Người phạm tội có thể vì động cơ, mục đích cũng khác nhau tuỳ thuộc vào hành vi lợi dụng quyền cụ thể và ý thức của người phạm tội xâm phạm đến lợi ích nào. Việc xác định động cơ, mục đích đối với tội phạm này là rất quan trọng vì nó là dấu hiệu để phân biệt với các hành vi tương tự nhưng nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân quy định tại Chương XI- Các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Ví dụ: Tội tuyên truyền chống Nhà nước Công hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ( Điều 88 Bộ luật hình sự ), tội phá hoại chính sách đoàn kết ( Điều 87 Bộ luật hình sự).

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân không có các tình tiết định khung hình phạt

 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 258 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

So với tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội hoặc của công dân quy định tại Điều 205a Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 258 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn, vì khoản 1 Điều 258 Bộ luật hình sự năm 1999 mức cao nhất của hình phạt cải tạo không giam giữ là đến ba năm ( khoản 1 Điều 205a Bộ luật hình sự năm 1985 là hai năm) và mức thấp nhất của khung hình phạt tù là sáu tháng (khoản 1 Điều 205a Bộ luật hình sự năm 1985 là ba tháng). Nếu so sánh giữa Điều 205a Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 258 Bộ luật hình sự năm 1999 thì Điều 258 là điều luật nặng hơn, vì Điều 258 Bộ luật hình sự năm 1999 có thêm khoản 2 với khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm, nên  hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới xử lý thì áp dụng khoản 1 Điều 205 Bộ luật hình sự năm 1985 để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo khoản 1 Điều 258 Bộ luật hình sự, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt cảnh cáo; nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ và tuy có tình tiết tăng nặng nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể thì có thể áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc áp dụng hình phạt tù dưới sáu tháng, nhưng không được dưới ba tháng tù, vì đối với hình phạt tù mức thấp nhất là ba tháng. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 258 Bộ luật hình sự

 

Khoản 2 Điều 258 Bộ luật hình sự chỉ quy định một trường hợp phạm tội đó là: Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng và là quy định mới so với Điều 205a Bộ luật hình sự năm 1985.

 

Hiện nay, chưa có hướng dẫn về trường hợp phạm tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân như thế nào là thì coi là trong trường hợp nghiêm trọng. Tuy nhiên, qua thực tiễn xét xử, căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội  của tội phạm này, chúng ta có thể coi các trường hợp phạm tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân là nghiêm trọng nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng. 

 

Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng nói chung và phạm tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân nói riêng là trường hợp do hành vi phạm tội mà gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

 

Nếu lợi ích đó là tính mạng, sức khoẻ, tài sản, thì có thể căn cứ vào hướng dẫn tại Thông tư số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một só quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 về trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng để xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân gây ra.

 

Nếu lợi ích không phải là tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá tính chất, mức độ của hành vi và của hậu quả phi vật chất do tội phạm gây ra để xác định có thuộc trường hợp nghiêm trọng hay không.

 

Khi áp dụng tình tiết này, cần chú ý phân biệt, trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng với trường hợp phạm tội nghiêm trọng là hai khái niệm khác nhau. Thông thường, phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng nhà làm luật chỉ quy định đối với các tội phạm chủ yếu gây ra những thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín, còn nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản thì thường quy định là gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 258 Bộ luật hình sự  có thể tù từ hai năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì Toà án có thể áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới 2 năm hhoặc chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù. Nếu người phạm tội có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể được hưởng án treo, nhưng cần phải cân nhắc kỹ, vì trường hợp phạm tội này là nghiêm trọng.

 

3. TỘI TRỐN TRÁNH NGHĨA VỤ QUÂN SỰ 

 

Điều 259. Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự 

 

1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật  về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một  năm đến năm năm:

a) Tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của mình;

b) Phạm tội trong thời chiến;

c) Lôi kéo người khác phạm tội.

 

Định nghĩa: Trốn tránh nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện.

 

Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự là tội phạm đã được quy định trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1985, nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến tranh chống xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, nhằm xây dựng Quân dội nhân dân chính quy và hiện đại, tăng cường quốc phòng, bảo đảm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VII, ký họp thứ 2 ngày 30-12-1981 đã thông qua Luật nghĩa vụ quân sự ( Luật nghĩa vụ quân sự năm 1981) thay thế Luật nghĩa vụ quân sự năm 1960 đã được sửa đổi, bổ sung hai lần; lần một vào ngày 26-10-1962 và lần hai vào ngày 10-4-1965. Do yêu cầu của công bảo vệ và xây dựng đất nước, nên Luật nghĩa vụ quân sự năm 1981 cũng đã được bổ sửa đổi, bổ sung hai lần, lần một vào ngày 21-12-1990 và lần hai vào ngày 22-6-1994.

 

Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự đã được quy định tại Điều 206 Bộ luật hình sự năm 1985, nay được quy định tại Điều 259 Bộ luật hình sự năm 1999 và cũng được cấu tạo thành hai khoản, khoản 1 bổ sung những tình tiết mới là yếu tố định tội, khoản 2 vẫn giữ như khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự năm 1985, chỉ sửa từ “đến sức khoẻ” thành “cho sức khoẻ”; việc sửa đổi này chỉ có tính chất học thuật.

 

So với khoản 1 Điều 206 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 1 Điều 259 Bộ luật hình sự năm 1999 có những sửa đổi, bổ sung như sau:

 

Nếu khoản 1 Điều 206 quy định: “không chấp hành đúng những quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự”, thì khoản 1 Điều 259 quy định: “không chấp hành đúng những quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự”, vì thực tế có một số địa phương tổ chức đăng ký nghĩa vụ quân sự không đúng với quy định của pháp luật. Nếu một người không chấp hành đăng ký nghĩa vụ quân sự, nhưng quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự không phải là quy định của pháp luật thì họ không bị coi là trốn ránh nghĩa vụ quân sự. Bổ sung này có ý nghĩa thực tiễn rất lớn. Ví dụ: Điều 20 Luật nghĩa vụ quân sự quy định: “Tháng 4 hàng năm, theo lệnh gọi của chỉ huy trưởng quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, công dân nam giới đủ 17 tuổi trong năm đó pải đến cơ quan quân sự để đăng ký nghĩa vụ quân sự” Nếu địa phương nào tổ chức đăng ký nghĩa vụ quân sự không vào tháng 4 và đăng ký đối với cả người dưới 17 tuổi là trái pháp luật.

 

Nếu khoản 1 Điều 206 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định: “đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm”, thì khoản 1 Điều 259 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm”.

 

Bổ sung hình phạt cải tạo không giam giữ đối với trường hợp phạm tội tại khoản 1 của điều luật.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này tuy không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần hội tụ đủ điều kiện theo quy định của pháp luật là có thể là chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, cũng chỉ đối với những người ở một độ tuổi nhất định theo Luật nghĩa vụ quân sự quy định mới có thể là chủ thể của tội phạm này.

 

Theo quy định tại Điều 12 Luật nghĩa vụ quân sự thì, Công dân nam giới đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; lứa tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 27 tuổi, nhưng không phải chỉ những người từ đủ 18 tuổi đến hết 27 tuổi mới là chủ thể của tội phạm này, vì đó là tuổi gọi nhập nhũ, còn theo quy định tại Điều 20 Luật ghĩa vụ quân sự thì, công dân nam giới đủ 17 tuổi trong năm đó phải đến cơ quan quân sự để đăng ký nghĩa vụ quân sự. Do đó, chủ thể của tội phạm này là công dân năm giới từ đủ 17 tuổi đến hết 27 tuổi. Tuy nhiên, tuỳ từng hành vi phạm tội cụ thể mà chủ thể của tội phạm này là năm giới từ đủ 17 tuổi hay từ đủ 18 tuổi. nếu người phạm tội có hành vi không chấp hành quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi huấn luyện thì chỉ cần đủ 17 tuổi, nhưng nếu người phạm tội có hành vi không chấp hành lệnh gọi ngập ngũ thì họ phải đủ 18 tuổi.

Đối với phụ nữ, chỉ có thể trở thành chủ thể của tội phạm này khi họ có chuyên môn cần cho quân đội, trong thời bình không chấp hành việc dăng ký nghĩa vụ quân sự hoặc không chấp hành lệnh gọi huấn luyện. Nếu trong thời chiến thì họ có thể trở thành chủ thể của tội phạm này đối với cả hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, còn trong thời bình họ chỉ được gọi nhập ngũ nếu họ tự nguyện, nên không phải là chủ thể của tội phạm này.

Như vậy việc xác định chủ thể của tội phạm này phải căn cứ vào các quy định của Luật nghĩa vụ quân sự và các Luật sửa đổi, bổ sung luật này có liên quan đến giới tính, độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Để có thể trở thành chủ thể của tội phạm này, ngoài các dấu hiệu trên, người có hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người thực hiện hành vi phải là người “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm”

 

Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này là trường hợp, trước khi thực hiện hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ và không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện, người phạm tội đã bị xử phạt hành chính cũng về các hành vi trên bằng một trong các hình thức được quy định trong Pháp lệnh xử phạt hành chính do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dung mà chưa quá một năm; nếu người phạm tội bị xử phạt hành chính về hành vi khác (không phải là hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ và không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện) chưa cấu thành tội phạm này.

 

Khi xác định tình tiết đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm cần chú ý: Nếu người phạm tội đa bị xử phạt hành chính về hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, nhưng sau đó họ không vi phạm hành vi này mà thực hiện hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, thì không bị coi là mà còn vi phạm, vì điều luật không quy định “đã bị xử phạt về một trong các hành vi này”. mặt khác đối với tội phạm này nhà làm luật quy định hành vi phạm tội gồm 3 hành vi khác nhau nên không thể coi cả ba hành vi trên là một. 

 

Đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm là trường hợp, trước khi thực hiện hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ và không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện, người phạm tội đã bị Toà án kết án về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự chưa được xoá án tích theo quy định tại Điều 77 Bộ luật hình sự; nếu người phạm tội bị kết án về tội phạm khác ( không phải là tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự ) thì cũng không phạm tội này. Quy định này khác với trường hợp “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” ở chỗ: người phạm tội bị kết án về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự có thể do thực hiện một trong ba hành vi, nên hành vi vi phạm sau khi bị kết án cũng có thể là một trong ba hành vi đó chứ không nhất thiết phải cùng loại hành vi.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Khách thể của tội phạm này là xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ và gọi tập trung huấn luyện.

 

Tuy chỉ là lĩnh vực quản lý hành chính, nhưng liên quan trực tiếp đến việc thi hành Luật nghĩa vụ quân sự và việc tổ chức thực hiện việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ và gọi tập trung huấn luyện lại do cơ quan quan sự địa phương thực hiện, nên có thê rnói tội phạm này xâm phạm trự tiếp đến hoạt động bình thường của cơ quan quân sự địa phương về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ và gọi tập trung huấn luyện.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội này, có thể thực hiẹn một hoặc một số hành vi sau:

 

- Không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự;

- Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ;

- Không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện.

 

 Không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật như: đã có lệnh gọi, nhưng không đến cơ quan quân sự đăng ký nghĩa vụ quân sự hoặc đến không đúng thời gian, địa điểm đăng ký; không khám sức khoẻ hoặc có hành vi gian dối khi khám sức khoẻ nhằm trốn tránh việc nhập ngũ.

 

Theo quy định tại Điều 20 Luật nghĩa vụ quân sự thì tháng 4 hàng năm, theo lệnh gọi của chỉ huy trưởng quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, công dân nam giới đủ 17 tuổi trong năm đó phải đến cơ quan quân sự để đăng ký nghĩa vụ quân sự. Việc kiểm tra sức khoẻ cho những người đăng ký nghĩa vụ quân sự do cơ quan y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phụ trách. Người đã đăng ký nghĩa vụ quân sự được gọi là người sẵn sàng nhập ngũ.

 

Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ là hành vi của người đã đăng ký nghĩa vụ quân sự, có lệnh gọi nhập ngũ nhưng không nhập ngũ hoặc đã đến nơi nhập ngũ lại bỏ trốn không thực hiện các thủ tục cần thiết để nhập ngũ. Nếu đã làm thủ tục nhập ngũ, đã trở thành quân nhân mà bỏ trốn thì không thuộc trường hợp phạm tội này mà phạm tội “đào ngũ” quy định tại Điều 325 Bộ luật hình sự.

 

Được coi là đã có lệnh gọi nhập ngũ là trường hợp người phạm tội đã nhận được lệnh gọi nhập ngũ do chỉ huy trưởng quận sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và lệnh gọi nhập ngũ phải được đưa trước 15 ngày. Nếu lệnh gọi nhập ngũ không phải do cơ quan quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc lệnh đó không phải của chỉ huy trưởng quân sự mà người được gọi nhập ngũ không chấp hành thì không có hành vi phạm tội này.

 

Trường hợp người được gọi nhập ngũ biết trước sẽ có lệnh gọi nhập ngũ nhưng đã cố tình trốn tránh như: bỏ đi khỏi địa phương để lấy cớ không nhận được lệnh gọi nhập ngũ thì cũng coi là có hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ. Ví dụ: Trần Huy T đã đăng ký nghĩa vụ quân sự tại huỵên Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, T biết vào tháng 2 cơ quan quân sự huyện sẽ gọi nhập ngũ, nên sau khi ăn tết nguyên đán, T bỏ vào thành phố Hồ Chí Minh chơi với anh trai và lấy lý do không nhận được giấy gọi nhập ngũ để trốn tránh việc nhập ngũ.

 

Trường hợp cơ quan quân sự gọi nhập ngũ không đúng thời gian theo quy định của luật nghĩa vụ quân sự mà người được gọi không biết nên không chấp hành thì không coi là hành vi phạm tội. Ví dụ: Chính phủ đã quyết định việc gọi nhập ngũ vào tháng 4, nhưng Hội đồng quân sự huyện lại quyết định gọi nhập ngũ vào tháng 2 nên người được gọi nhập ngũ không biết.

 

Trường hợp người được gọi nhập ngũ đã nhận được giấy gọi nhập ngũ nhưng không đến đúng thời hạn và có giấy chứng nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn về lý do không đến đúng thời hạn, thì cũng không bị coi là không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.

 

Không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện là trường hợp người có đủ điều kiện theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự phải có nghĩa vụ huấn luyện và đã có lệnh gọi tập trung huấn luyện nhưng không đến nơi tập trung huấn luyện hoặc có đến nhưng bỏ về nên không thực hiện được Chương trình huấn luyện.

 

Theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự thì, Công dân nam giới, trước khi đến tuổi nhập ngũ và trước khi nhập ngũ, phải được huấn luyện theo chương trỡnh quõn sự phổ thụng, bao gồm giỏo dục chớnh trị, huấn luyện quõn sự, rốn luyện ý thức tổ chức, kỷ luật và rốn luyện thể lực.

 

Hành vi không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện không chỉ đối với  người trước khi được gọi nhập ngũ mà còn đối với hạ sĩ quan và binh sỹ đã xuất ngũ thuộc ngạch dự bị.

Theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự thì, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một phải tham gia huấn luyện tổng số thời gian nhiều nhất là mười hai tháng. Số lần huấn luyện và thời gian huấn luyện của mỗi lần do Bộ trưởng Bộ quốc phũng quy định. Giữa các lần huấn luyện, Bộ trưởng Bộ quốc phũng được quyền gọi tập trung quân nhân dự bị để kiểm tra tỡnh trạng sẵn sàng chiến đấu, trong thời gian không quá 7 ngày. Việc gọi quân nhân dự bị tập trung để huấn luyện hoặc kiểm tra tỡnh trạng sẵn sàng chiến đấu do Bộ trưởng Bộ quốc phũng quyết định. Nếu quân nhân dự bị không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện, thì bị coi là không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của tội phạm này là những thiệt hại do hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ và không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện gây ra. Các thiệt hại này có thể là vật chất hoặc phi vật chất. Tuy nhiên, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Vì vậy, chỉ cần xác định hành vi phạm tội và các dấu hiệu khách quan khác chứ không cần xác định hậu quả của tội phạm, nếu có thiệt hại xảy ra thì đó chỉ là tình tiết xem xét khi quyết định hình phạt.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Ngoài hành vi khách quan, đối với tội phạm này nhà làm luật không quy định thêm dấu hiệu khách quan nào khác là yếu tố định tội hoặc là yếu tố định khung hình phạt. Tuy nhiên, để xác định chính xác hành vi khách quan cũng như các yếu tố khác của tội phạm này, cần nghiên cứu kỹ Luật nghĩa vụ quân sự và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ và gọi tập trung huấn luyện. Các quy định này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định hành vi của một người đã vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ và gọi tập trung huấn luyện hay chưa.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự thực hiện hành vi do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là trốn tránh nghĩa vụ quân sự, gây ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển quân, kế hoạch huấn luyện của cơ quan quân sự nhưng vẫn cố tình không thực hiện. Người phạm tội có thể thấy trước hậu quả của hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự, nhưng chủ yếu là bỏ mặc cho hậu quả xẩy ra.

 

Người phạm tội có thể có nhiều động cơ khác nhau, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của xã hội và của gia đình người phạm tội. Ví dụ: Trong thời chiến, người phạm tội vì sợ chết, trong thời bình vì sợ gian khổ, có người vì sợ đi bộ đội  người yêu sẽ đi lấy chồng, có người vì sợ gia đình khó khăn.v.v... Động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, việc xác định động cơ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự không có các tình tiết định khung hình phạt

 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 259 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

So với tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự quy định tại Điều 206 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 259 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, vì khoản 1 Điều 259 Bộ luật hình sự năm 1999 có quy định hình phạt cải tạo không giam giữ là hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù mà khoản 1 Điều 206 Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định. Nếu so sánh giữa Điều 206 Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 259 Bộ luật hình sự năm 1999 thì Điều 259 là điều luật nhẹ hơn, vì Điều 259 Bộ luật hình sự năm 1999 có quy định hình phạt cải tạo không giam giữ là hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, nên hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới xử lý thì áp dụng khoản 1 Điều 159 Bộ luật hình sự năm 1999 để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự theo khoản 1 Điều 259 Bộ luật hình sự, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến hai năm tù. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo, Toà án chỉ áp dụng hình phạt tù trong trường hợp người phạm tội đã nhiều lần bị xử phạt hành chính, nhiều lần bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nghĩa vụ quân sự ở địa phương. Nếu trong thời gian đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chưa bị Toà án kết án mà tự nguyện chấp hành việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện thì có thể được miẽn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 Bộ luật hình sự, vì người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 259 Bộ luật hình sự

 

a. Tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của mình

 

Để trốn tránh nghĩa vụ quân sự, người phạm tội có nhiều có nhiều thủ đoạn khác nhau, trong đó có thủ đoạn tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của mình (tự thương).

 

Người phạm tội tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của mình cũng bằng nhiều phương pháp khác nhau như: chặt đứt ngón tay trỏ của bàn tay phải, uống thuốc làm cho mắt giảm thị lực.v.v... Tuy điều luật không quy định thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của mình có tỷ lệ thương tật là bao nhiêu phần trăm ( %), nhưng thực tiễn cho thấy thương tích hoặc tổn hại sức khỏe phải tới mức không đủ điều kiện nhập ngũ, không đủ điều kiện huấn luyện theo quy định của cơ quan quân sự. Ví dụ: Vũ Xuân K đã đủ 17 chỉ học hết lớp 9 phổ thông, không có nghề nghiêp, đã có lệnh gọi đang ký nghĩa vụ quân sự và khám sức khoẻ, nhưng K đã chặt đứt ngón tay trỏ của bàn tay phải để trốn tránh viẹc ngập ngũ. Tuy nhiên, nếu người phạm tội đã tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của mình và họ cho rằng như vậy thì không phải nhập ngũ, không phải tập trung huấn luyện, nhưng cơ quan y tế vẫn xác định họ có đủ sức khoẻ nhập ngũ, đủ sức khoẻ huấn luyện thì người phạm tội vẫn bị coi là phạm tội trong trường hợp tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của mình. Ví dụ: Đỗ Văn M 17 tuổi, khi nhận được lệnh đăng ký nghĩa vụ quân sự và khám sức khoẻ. Trước khi đi khám sức khoẻ, M đã lấy bột ớt xát vào mắt để đánh lừa cơ quan y tế, nhưng khi M khám sức khoẻ, Bác sỹ phát hiện M sát ớt vào mắt nên vẫn kết luận M đủ sức khoẻ nhập ngũ.

 

b. Phạm tội trong thời chiến

 

Phạm tội trong thời chiến là trường hợp phạm tội trong thời gian đất nước đang có chiến tranh mà người phạm tội đã có hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

 

Việc xác định đất nước đang có chiến tranh phải căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và được Chủ tịch nước công bố theo quy định tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp.

 

Trốn tránh nghĩa vụ quân sự trong thời chiến được coi là nghiêm trọng hơn thời bình, điều nay thì ai cũng biết, vì trong thời chiến, việc huy động sức người, sức của cho cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu và vô cùng quan trọng.

 

c. Lôi kéo người khác phạm tội

 

Lôi kéo người khác phạm tội là trường hợp một người không chỉ có hành vi trốn tránh ghĩa vụ quân sự, mà cò rủ rê, vận động, kích động hoặc dùng thủ đoạn khác để tác động người khác cùng trốn tránh nghĩa vụ quân sự với mình. Người bị lôi kéo có thể nghe theo người lôi kéo nhưng cũng có thể họ không nghe, nhưng người đã có hành vi lôi kéo vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này với tình tiết “lôi kéo người khác phạm tội”.

 

Trong trường hợp phạm tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự có tổ chức, thì người có hành vi lôi kéo có thể không trực tiếp thực hiện hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự mà chỉ giữ vai trong tổ chức, lôi kéo người khác trốn tránh nghĩa vụ quân sự. 

 

Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 259 Bộ luật hình sự  có thể bị phạt tù từ một năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì Toà án có thể áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới 1 năm tù, nhưng không được dưới 3 tháng tù. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù. Việc cho người phạm tội hưởng án treo phải rất thận trọng, vì khoản 2 Điều 259 Bộ luật hình sự là tội phạm nghiêm trọng, nhất là đối với người phạm tội trong thời chiến thì không nên cho hưởng án treo.

 

 

4. TỘI KHÔNG CHẤP HÀNH LỆNH GỌI QUÂN NHÂN DỰ BỊ NHẬP NGŨ

 

Điều 260. Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ

 

1. Người nào là quân nhân dự bị mà không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ trong trường hợp có lệnh tổng động viên, lệnh động viên cục bộ, có chiến tranh hoặc có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội để chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của mình;

b) Lôi kéo người khác phạm tội.

 

Định nghĩa: Không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ là hành vi của người là quân nhân dự bị mà không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ trong trường hợp có lệnh tổng động viên, lệnh động viên cục bộ, có chiến tranh hoặc có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội để chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

 

Đây là tội phạm mà trước đây và trong Bộ luật hình sự năm 1985 chưa được quy định, vì đất nước ta trải qua hai cuộc chiến tranh kéo dài, trong thời chiến, những quân nhân phục viên, chuyển ngành chủ yếu là thương, bệnh binh, việc gọi những người này tái ngũ chỉ trong những trường hợp cần thiết họ phải có đơn tình nguyện mới được tái ngũ. Sau khi đất nước thống nhất, cùng với việc sửa đổi, bổ sung Luật nghĩa vụ quân sự, việc cho xuất ngũ đối với hạ sỹ quan và binh sỹ đã phục vụ tại ngũ trong thời hạn nhất định được thực hiện thường xuyên theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự. Trong số những người xuất ngũ, nhiều người vẫn còn đủ sức khoẻ phục vụ trong quân đội, nhiều người có chuyên môn, kỹ thuật quân sự, nhưng vì những lý do khác nhau nên họ xuất ngũ theo Luật nghĩa vụ quân sự. Hạ sỹ quan và binh sỹ khi xuất ngũ về địa phương phải đăng ký vào ngạch dự bị; sau khi đăng ký, họ trở thành quân nhân dự bị. Mặc dù đất nước không còn chiến tranh, nhưng việc bảo vệ tổ quốc và sẵn sàng chiến đấu là một trong những nhiệm vụ chiến lược của đất nước. Và vì vậy, khi đất nước có chiến tranh hoặc có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội để chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, việc huy động lực lượng quân nhân dự bị vào quân đội là vô cùng cần thiết; việc nhà làm luật quy định hành vi không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ là hành vi phạm tội cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế này.

 

Đây là tội phạm mới, nên chỉ những hành vi không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ xảy ra từ 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 trở đi mới bị coi là tội phạm.  

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, điều này được thể hiện ngay tên của tội danh, chỉ những người là quân nhân dự bị mới có thể thực hiện hành vi và là chủ thể phạm tội này.

 

Theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự thì, Hạ sĩ quan và binh sĩ xuất ngũ khi về đến nơi cư trú, trong thời hạn mười lăm ngày, phải đến Ban chỉ huy quõn sự xó, phường, thị trấn và Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để đăng ký vào ngạch dự bị (Điều 35). Khi đã đăng ký, những người này trở thành quân nhân dự bị. Quân nhân dự bị có hai hạng, hạng một và hạng hai:

 

Quân nhân dự bị hạng 1 gồm hạ sĩ quan và binh sĩ đó phục vụ tại ngũ đủ thời hạn hoặc trên hạn định; hạ sĩ quan và binh sĩ xuất ngũ trước thời hạn, nhưng đã phục vụ tại ngũ trên 1 năm; hạ sĩ quan và binh sĩ đã trải qua chiến đấu.

 

Quân nhân dự bị hạng 2 gồm hạ sĩ quan và binh sĩ đã phục vụ tại ngũ dưới 1 năm; công dân nam giới chưa phục vụ tại ngũ vỡ lý do được hoãn, được miễn gọi nhập ngũ đến 27 tuổi và đã được chuyển sang ngạch dự bị; phụ nữ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự có chuyên môn cần cho quân đội.

 

Quân nhân nam giới thuộc loại dự bị hạng 2, nếu đã qua huấn luyện tập trung 12 tháng, thì được chuyển lên quân nhân dự bị hạng 1.

 

Như vậy, chủ thể của tội phạm này không chỉ là những quân nhân xuất ngũ, mà còn cả những người chưa nhập ngũ. Tuy nhiên, những người chưa nhập ngũ phải là người đã đăng ký nghĩa vụ quân sự đã làm đủ các thủ tục để sẵn sàng nhập ngũ, nhưng họ được hoãn nhập ngũ và sau khi được hoãn nhập ngũ họ được chuyển sang ngạch dự bị và trở thành quân nhân dự bị hạng hai.

 

Ngoài các tiêu chí trên, để trở thành chủ thể của tội phạm này, còn phải hội tụ đủ những yếu tố về năng lực trách nhiệm hình sự mà Bộ luật hình sự quy định đối với chủ thể của tội phạm nói chung.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Cũng giống với tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự, khách thể của tội phạm này là chính sách (chế độ) nghĩa vụ quân sự của Nhà nước; xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan hành chính Nhà nước, trong đó có các cơ quan quân sự địa phương về việc gọi quân nhân dự bị nhập ngũ.

 

Các quy định về việc gọi quân nhân dự bị nhập ngũ được quy định rất cụ thể trong Luật nghĩa vụ quân sự và các vă bản hướng dẫn thi hành Luật nghĩa vụ quân sự. Vì vậy, khi xác định hành vi không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ nhất thiết phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về việc gọi quân nhân dự bị nhập ngũ.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ và không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, về bản chất không có gì khác nhau. Quân nhân dự bị không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ thực chất là hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

 

Không chấp hành có thể là không hành động, nhưng cũng có thể là hành động. Người phạm tội không chấp hành có thể là đã nhận được lệnh gọi nhập ngũ nhưng không đến nơi nhập ngũ (nơi giao quân), nhưng cũng có thể là họ bỏ địa phương đi nơi khác trước ngày nhập ngũ hoặc biết trước có chủ trương gọi quân nhân dự bị nhập ngũ họ đã bỏ đi địa phương khác để tránh việc bị gọi nhập ngũ; có trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ bằng cách tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của mình để không phải nhập ngũ. Dù người phạm tội thực hiện thủ đoạn nào đi nữa thì cũng chỉ để không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ. Vì vậy, có thể nói rằng hành vi khách quan duy nhất của tội phạm này là hành vi “không chấp hành”.

 

Theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự thì khi có lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ, quân nhân dự bị được gọi nhập ngũ phải có mặt đúng thời gian và địa điểm ghi trong lệnh gọi nhập ngũ.

 

Hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ đối với quân nhân dự bị cũng tương tự như hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự, chỉ khác nhau ở tư cách chủ thể, nên có thể tham khảo hành vi khách quan của tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự để xác định người phạm tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ. Tuy nhiên, đối với người là quân nhân dự bị không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ khác với người trốn tránh nghĩa vụ quân sự ở chỗ là người trốn tránh nghĩa vụ quân sự bao gồm cả người chưa đăng ký nghĩa vụ quân sự, chưa khám sức khoẻ, còn quân nhân dự bị là người đã đủ điều kiện để nhập ngũ.

 

b. Hậu quả

 

Cũng như đối với tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, mà nó chỉ có ý nghĩa khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội.

 

Hậu quả của hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ đối với quân nhân dự bị chủ yếu là hậu quả phi vật chất, nó làm ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển quân, đến chính sách thực hiện nghĩa vụ quân sự của Nhà nước. Nếu là trong thời chiến thì hậu quả còn nguy hại hơn nhiều.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Ngoài các dấu hiệu để xác định hành vi khách quan của tội phạm, nhà làm luật còn quy định một số dấu hiệu thuộc mặt khách quan và nếu thiếu nó thì hành vi chưa cấu thành tội phạm.

 

Đối với tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ nhà làm luật một số tình tiết khách quan khác là yếu tố định tội và nếu thiếu nó thì người có hành vi chưa cấu thành tội phạm, đó là hành vi không chấp hành lệnh gọi ngập ngũ đối với quân nhân dự bị chỉ cấu thành tội phạm khi hành vi đó xảy ra “trong trường hợp có lệnh tổng động viên, lệnh động viên cục bộ, có chiến tranh hoặc có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội để chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”, còn trong hoàn cảnh khác thì tội phạm này không thể xảy ra. Như vậy, tội phạm này sẽ rất ít xảy ra trong hoàn cảnh đất nước không có chiến tranh.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Cũng như đối với người phạm tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự, người phạm tội “không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ” thực hiện hành vi do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, gây ảnh hưởng đến kế hoạch động viên quân dự bị tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội nhưng vẫn có tình không thực hiện. Người phạm tội cũng có thể thấy trước hậu quả của hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, nhưng chủ yếu là bỏ mặc cho hậu quả xẩy ra.

 

Động cơ phạm tội của người phạm tội cũng khác nhau, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của xã hội và của gia đình người phạm tội như: vì sợ chết, sợ gian khổ, sợ gia đình sẽ gặp khó khăn.v.v... Động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, việc xác định động cơ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ không có các tình tiết định khung hình phạt

 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ. Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ theo khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo. Việc cho người phạm tội được hưởng án treo cần phải cân nhắc kỹ, vì tội phạm này chỉ xảy ra khi đất nước có chiến tranh, có lệnh tổng động viên hoặc có lệnh động viên cục bộ hoặc có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội để chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự

 

a. Tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của mình

 

Trường hợp phạm tội này hoàn toàn tương tự với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 259 Bộ luật hình sự đối với tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự ( xem điểm a khoản 2 Điều 259 Bộ luật hình sự). Tức là chủ thể của tội phạm tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của chính mình ( tự thương).

 

b. Lôi kéo người khác phạm tội

 

Trường hợp phạm tội này cũng hoàn toàn tương tự với trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 259 Bộ luật hình sự đối với tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự ( xem điểm c khoản 2 Điều 259 Bộ luật hình sự). Người mà người phạm tội lôi kéo phải là chủ thể của tội phạm này. Tức là họ cũng là quân nhân dự bị và cũng có lệnh gọi nhập ngũ, nhưng bị người phạm tội khác lôi kéo nên đã không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ; người bị lôi kéo không phải chịu trách nhiệm hình sự về tình tiết “lôi kéo người khác phạm tội”, mà chỉ người lôi kéo mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tình tiết này. Nếu người phạm tội lại lôi kéo người khác phạm một tội khác, chứ không phải tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ, thì cũng không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự, mà tuỳ trường hợp người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội mà người phạm tội lôi kéo người khác thực hiện. Ví dụ: A là quân nhân dự bị hạng một đã có lệnh gọi ngập ngũ. Vì không muốn nhập ngũ, nên A rủ B không phải là quân nhân dự bị góp vốn đi buôn lậu thì bị bắt với giá trị hàng phạm pháp là 200 triệu đồng. Khi bị bắt về hành vi buôn lậu, Cơ quan điều tra mới phát hiện A là quân nhân dự bị đã có lệnh gọi nhập ngũ nhưng đã trốn tránh việc nhập ngũ. A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “ buôn lậu” và tội “không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ”.

 

Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự  có thể tù từ hai năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì Toà án có thể áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới hai năm tù hoặc chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ, việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 260 cũng phải cân nhắc thận trọng, vì tội phạm này là tội phạm nghiêm trọng và nó chỉ xảy ra khi đất nước có chiến tranh, có lệnh tổng động viên hoặc có lệnh động viên cục bộ hoặc có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội để chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể và thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

 

5. TỘI LÀM TRÁI QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

 

Điều 261.  Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự 

 

1.  Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội trong thời chiến thì bị phạt tù từ  hai năm đến  bảy năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện.

 

Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự đã được quy định tại Điều 207 Bộ luật hình sự năm 1985, nay được quy định lại tại Điều 261 Bộ luật hình sự năm 1999 và cũng được cấu tạo thành ba khoản, nhưng nội dung có nhiều thay đổi.

 

Khoản 1 Điều 261 Bộ luật hình sự năm 1999 về cơ bản vẫn giữ nguyên như khoản 1 Điều 207 Bộ luật hình sự năm 1985, chỉ sửa đổi, bổ sung về hình phạt. Nếu khoản 1 Điều 207 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm, thì khoản 1 Điều 261 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định là ba năm; nếu hình phạt tù quy định tại khoản 1 Điều 207 Bộ luật hình sự năm 1985 là từ sáu tháng đến năm năm thì khoản 1 Điều 261 Bộ luật hình sự năm 1999 là từ sáu tháng đến ba năm.

 

Khoản 2 Điều 207 Bộ luật hình sự năm 1985 chuyển thành Điều 262 Bộ luật hình sự năm 1999, còn khoản 3 Điều 207 Bộ luật hình sự năm 1985 chuyển thành khoản 2 Điều 261 Bộ luật hình sự năm 1999. Tuy nhiên, hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 261 là từ hai năm đến bảy năm ( khoản 3 Điều 207 Bộ luật hình sự năm 1985 là từ hai năm đến mười năm).

 

Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định hình phạt bổ sung đối với người  tội phạm này, nay khoản 3 Điều 261 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hình phạt bổ sung đối với người phạm tội.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Căn cứ vào điều luật và tên của tội danh thì chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, đối với vụ án có tổ chức thì người không có chức vụ, quyền hạn cũng có thể là chủ thể nhưng họ là người tổ chức, người xúi dục hoăc là người giúp sức, còn người thực hành nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

 

Người có chức vụ quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.

 

Tuy nhiên, đối với tội phạm này, người có chức vụ, quyền hạn phải là người có trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, vì khách thẻ bị xâm phạm của tội phạm này là chính sách về nghĩa vụ quân sự. Nhưng cũng không phải cứ có trách nhiệm thực hiện chính sách về nghĩa vụ quân sự mà đã có thể trở thành chủ thể của tội phạm này được, mà chỉ những người có liên quan đến những quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, về gọi nhập ngũ, về gọi tập trung huấn luyện mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

 

Người có chức vụ quyền hạn có thể là chủ thể của nhiều tội phạm và đối với mỗi tội phạm chức vụ, quyền hạn của người phạm tội có mối liên hệ riêng với hành vi. Ví dụ: Đối với tội thâm ô tài sản, người phạm tội phải là người có trách nhiệm trực tiếp quản lý tài sản; đối với tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, người phạm tội phải là người có trách nhiệm trong việc quản lý kinh tế. v.v…

 

Đối với tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự người có chức vụ quyền hạn là người có trách nhiệm trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc thực hiện quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, về gọi nhập ngũ, về gọi tập trung huấn luyện; và cũng chỉ trong lĩnh vực này. Đây cũng là dấu hiệu để phân tội phạm này với các tội phạm khác cũng do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Ví dụ: Nếu làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự; nếu làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 169 Bộ luật hình sự, còn nếu làm quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 261 Bộ luật hình sự .v.v…

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Cũng giống với tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự và tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ, khách thể của tội phạm này là chính sách (chế độ) nghĩa vụ quân sự của Nhà nước; xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan hành chính Nhà nước, trong đó có các cơ quan quân sự địa phương. Tuy nhiên, đối với tội phạm này, chính sách nghĩa vụ quân sự bị xâm phạm được giới hạn bởi chính sách về đăng ký nghĩa vụ quân sự; chính sách về gọi nhập ngũ, về gọi tập trung huấn luyện.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Trước hết, người phạm tội đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

 

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự đó, có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ không thể thực hiện được hành vi làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự được. Ví dụ: Chỉ có Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, thủ trưởng cơ quan Nhà nước mới là người chịu trách nhiệm tổ chức việc huấn luyện quân sự phổ thông cho thanh niên không học ở các trường. Ngoài những người này ra, thì không có ai có thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về gọi tập trung huấn luyện.

 

Theo quy định của điều luật thì người phạm tội chỉ có hành vi làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhưng không phải làm trái bất cứ quy định nào của Luật nghĩa vụ quân sự cũng là hành vi phạm tội này, mà người có chức vụ, quyền hạn chỉ làm trái quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự; làm trái quy định về gọi nhập ngũ hoặc làm trái quy định về gọi tập trung huấn luyện mới thuộc trường hợp phạm tội quy định tại Điều 261 Bộ luật hình sự.

 

 Làm trái quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự là hành vi không làm, làm không đầy đủ hoặc làm khác với quy định về việc đăng ký nghĩa vụ quân sự. Ví dụ: Theo quy định tại Điều 20 Luật nghĩa vụ quân sự thì việc đăng ký nghĩa vụ quân sự chỉ được thực hiện vào tháng 4 hàng năm và người phải đăng ký nghĩa vụ quân sự là công dân nam giới đủ 17 tuổi trong năm đó, nhưng ban chỉ huy quân sự huyện lại ra lệnh gọi công dân phải đến đăng ký nghĩa vụ quân sự vào tháng 2 hoặc gọi công dân chưa đủ 17 tuổi trong năm đó đến đăng ký nghĩa vụ quân sự là trái quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự.

 

Làm trái quy định về gọi nhập ngũ là hành vi không làm, làm không đầy đủ hoặc làm khác quy định của pháp luật về việc gọi nhập ngũ. Ví dụ: Theo quy định tại Điều 21 Luật nghĩa vụ quân sự thì việc gọi công dân nhập ngũ phải được thực hiện đối với từng người và phải đưa trước cho người được gọi nhập ngũ trước 15 ngày, nhưng chỉ huy trưởng quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lại ra lệnh gọi 4 người nhập ngũ trong cùng một quyết định hoặc chỉ đưa quyết định gọi công dân nhập ngũ cho người được gọi nhập ngũ trước 7 ngày là trái quy định về gọi nhập ngũ.

 

Làm trái quy định về gọi tập trung huấn luyện là hành vi không làm, làm không đầy đủ hoặc làm khác việc gọi tập trung huấn luyện theo quy định của pháp luật. Ví dụ: Theo quy định tại khoản 1 Điều 40 (điều luật sửa đổi, bổ sung ngày 22-6-1994) Luật nghĩa vụ quân sự thì quân nhân dự bị hạng một phải tham gia huận luyện tổng số thời gian nhiều nhất là 12 tháng. Số lần huấn luyện và thời gian huấn luyện mối lần do Bộ trưởng Bộ quốc phòng quy định và tại Điều 42 (điều luật sửa đổi, bổ sung ngày 22-6-1994), thì việc gọi quân nhân dự bị tập trung để huấn luyện do Bộ trưởng Bộ quốc phòng quyết định. Nếu người có chức vụ, quyền hạn không thực hiện đúng quy định trên là làm trái quy định về gọi tập trung huấn luyện. 

 

Chỉ cần người phạm tội thực hiện hành vi làm trái một trong ba quy định trên là đã cấu thành tội phạm rồi. Nếu người phạm tội làm trái hai hoặc cả ba quy định trên thì cũng không vì thế mà truy cứu trách nhiệm hình sự họ ba tội danh khác nhau, mà họ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự”. Tuy nhiên, nếu làm trái hai hoặc cả ba quy định trên thì khi quyết định hình phạt, người phạm tội sẽ bị phạt nặng hơn người chỉ làm trái một quy định, vì tính chất, mức độ của hành vi phạm tội do họ thực hiện nguy hiểm hơn.

 

b. Hậu quả

 

Khác với tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, người phạm tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự chỉ cần có hành vi làm trái là tội phạm đã hoàn thành, không cần hậu quả đã xẩy ra hay chưa xẩy ra. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này. Tuy nhiên, nếu người phạm tội thực hiện hành vi làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự mà gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì người phạm tội bị phạt nặng hơn người phạm tội chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, vì người phạm tội có tình tiết tăng nặng quy định tại điểm k khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Ngoài hành vi khách quan, đối với tội phạm này nhà làm luật không quy định thêm các dấu hiệu khách quan nào khác là yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, khi xác định dấu hiệu khách quan của tội phạm này, cần nghiên cứu kỹ các quy định của Luật nghĩa vụ quân sự, mà cụ thể là các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, về gọi nhập ngũ, về tập trung huấn luyện, nhất là đối với các quy định được sửa đổi, bổ sung, vì Luật nghĩa vụ quân sự đã sửa đổi, bổ sung hai lần, nên có nhiều quy định mới. Nếu không nghiên cứu nắm chắc sẽ không xác định đúng các yếu tố thuộc mặt khách quan của tội phạm. Ví dụ: Điều 21 Luật nghĩa vụ quân sự được Quốc hội thông qua ngày 30-12-1981 quy định: “Hàng năm, việc gội công dân nhập ngũ được tiến hành từ một đến hai lần, vào tháng 2- tháng 3 và tháng 8- tháng 9”. Nhưng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự do Quốc hội thông qua ngày 22-6-1994, thì tại Điều 21 đã sửa đổi, bổ sung: “Hàng năm, việc gội công dân nhập ngũ được tiến hành từ một đến hai lần, thời gian gọi nhập ngũ và số lượng công dân nhập ngũ trong năm do Chính phủ quyết định

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Mặc dù điều luật không quy định “cố ý làm trái…” như đối với tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng không vì thế mà cho rằng, người phạm tội thực hiện hành vi làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là do vô ý, vì một người đã lợi đụng chức vụ, quyền hạn để làm trái thì không thể vô ý được. Nếu do vô ý mà trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì không thuộc trường hợp quy định tại Điều 261, mà tuỳ trường hợp cụ thể mà người có hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự hoặc một tội phạm khác.

 

Động cơ của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc như đối với một số tội phạm khác do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, nhưng động cơ phạm tội cũng là dấu hiệu rất quan trọng để đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Ví dụ: Vì thành tích cá nhân hoặc vì thành tích của địa phương mà làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự khác với vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

 

Mục đích của người phạm tội chính là mong muốn thoả mãn động cơ phạm tội; giữa động cơ và mục đích của tội phạm này trong nhiều trường hợp không thể tách bách được.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự  không có các tình tiết định khung hình phạt

 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 261 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự theo khoản 1 Điều 261 Bộ luật hình sự, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, chỉ làm trái một trong ba trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật, thì có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, phạm tội vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, thì có thể bị phạt đến ba năm tù. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo. Những người phạm tội vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, lại gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì không nên cho hưởng án treo.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 261 Bộ luật hình sự

 

Khoản 2 của điều luật chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là “phạm tội trong thời chiến”.

 

Cũng tương tự như đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 159 Bộ luật hình sự, Phạm tội trong thời chiến là trường hợp phạm tội trong thời gian đất nước đang có chiến tranh mà người phạm tội đã có hành vi làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

 

Việc xác định đất nước đang có chiến tranh phải căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và được Chủ tịch nước công bố theo quy định tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp.

 

Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 261 Bộ luật hình sự có thể tù từ hai năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, phạm tội chưa gây hậu quả nghiêm trọng, thì Toà án có thể áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới hai năm tù hoặc chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ, việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 261 cũng phải rất thận trọng; không nên cho người phạm tội hưởng án treo, nếu người phạm tội làm trái cả ba trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật, phạm tội vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

 

3. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Theo quy định tại Điều 36 Bộ luật hình sự thì Cấm đảm nhiệm chức vụ là Toà án cấm người bị kết án giữ một hoặc một số chức vụ nào đó mà nếu để họ đảm nhiệm các chức vụ đó, thì có thể gây nguy hại cho xã hội.

 

Khi áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ đối với người bị kết án phải xuất phát từ yêu cầu phòng ngừa của loại hình phạt này là: Nếu để họ đảm nhiệm chức vụ đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội. Thông thường chức vụ người phạm tội đảm nhiệm khi thực hiện tội phạm có liên quan đến hành vi phạm tội của họ.

 

Thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ là từ một năm đến năm năm, Đây cũng là điểm mới so với Bộ luật hình sự năm 1985. Bộ luật hình sự năm 1985 thời hạn này là từ hai năm đến năm năm. Thời hạn cấm được tính bắt đầu từ khi chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.6

 

Đối với tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định hình phạt bổ sung; việc không quy định hình phạt bổ sung đối với tội phạm này rõ ràng là không hợp lý, vì đây là loại tội phạm có liên quan đến chức vụ và hành vi phạm tội của người phạm tội là lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Thấy được sự bất hợp lý đó, nên Bộ luật hình sự năm 1999 đã quy định hình phạt bổ sung đối với tội phạm nay là hoàn toàn chính xác.

 

 

6. TỘI CẢN TRỞ VIỆC THỰC HIỆN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

 

 

Điều 262.  Tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự

 

1.  Người nào cố ý cản trở việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc trong thời chiến, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi ngăn cản, gây khó khăn cho việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, việc gọi nhập ngũ hoặc việc gọi tập trung huấn luyện.

 

Tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự đã được quy định tại Điều 207 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng quy định chung với tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, nay được quy định tại Điều 262 Bộ luật hình sự năm 1999 thành tội danh độc lập và được cấu tạo thành hai khoản.

 

Khoản 1 Điều 262 Bộ luật hình sự năm 1999 về cơ bản vẫn giữ nguyên như khoản 2 Điều 207 Bộ luật hình sự năm 1985, chỉ sửa đổi, bổ sung về hình phạt. Nếu khoản 2 Điều 207 Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định hình phạt cảnh cáo, thì khoản 1 Điều 262 quy định thêm hình phạt cảnh cáo; nếu khoản 2 Điều 107 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến một năm, thì khoản 1 Điều 262 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định là hai năm; nếu hình phạt tù quy định tại khoản 2 Điều 207 Bộ luật hình sự năm 1985 là từ ba tháng đến ba năm thì khoản 1 Điều 262 Bộ luật hình sự năm 1999 là từ ba tháng đến hai năm.

 

Khoản 3 Điều 207 Bộ luật hình sự năm 1985 chuyển thành khoản 2 Điều 262 Bộ luật hình sự năm 1999. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 262 Bộ luật hình sự năm 1999 còn bổ sung thêm tình tiết là yếu tố định khung hình phạt đó là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” và  hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 262 là từ một năm đến năm năm ( khoản 3 Điều 207 cũ là từ hai năm đến mười năm).

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM                                  

 

Do tách từ tội “làm trái hoặc cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự”, nên về cơ bản các dấu hiệu cấu thành cũng có nhiều điểm giống với tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự như: đối tượng cản trở với đối tượng làm trái đều là việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, việc gọi nhập ngũ hoặc việc gọi tập trung huấn luyện, cũng như hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn quy định tại khoản 2 Điều 262 cũng tương tự như hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn là yếu tố định tội làm trái việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, nếu người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và trong trường hợp này thì củ thể lại là chủ thể đặc biệt.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự, vì cả khoản 1 và khoản 2 của điều luật không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khác với tội làm trái việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự không chỉ có người có chức vụ, quyền hạn là chủ thể mà còn người khác. Nếu người có chức vụ, quyền hạn thực hiện thì bị coi là nguy hiểm hơn người không có chức vụ, quyền hạn, nên họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của Điều 262 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, nếu người có chức vụ, quyền hạn nhưng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì họ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 262 Bộ luật hình sự. Vì vậy, có thể nói chủ thể của tội phạm này vừa là chủ thể đặc biệt, vừa không phải là chủ thể đặc biệt. Người phạm tội có thể là đối tượng thực hiện nghĩa vụ quân sự như: người được gọi nhập ngũ, người được gọi tập trung huấn luyện… nhưng cũng có thể không phải là đối tượng thực hiện nghĩa vụ quân sự mà là người khác.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Khách thể của tội phạm này hoàn toàn giống với khách thể của tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, vì nó chính là chính sách (chế độ) nghĩa vụ quân sự của Nhà nước; xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan hành chính Nhà nước, trong đó có các cơ quan quân sự địa phương, chính sách nghĩa vụ quân sự bị xâm phạm cũng được giới hạn bởi chính sách về đăng ký nghĩa vụ quân sự; chính sách về gọi nhập ngũ, về gọi tập trung huấn luyện.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự chỉ thực hiện hành vi khách quan duy nhất là “cản trở”. Tuy nhiên, biểu hiện của hành vi cản trở lại rất đa dạng. Nếu chúng ta liên hệ với hành vi cản trở giao thông đường bộ quy định tại Điều 203 Bộ luật hình sự thì hành vi cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự lại không giống một chút nào; người phạm tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự không thể bằng những hành động cụ thể như: đào, khoan, xẻ, đặt chướng ngại vật, tháo gỡ, di chuyển…như người có hành vi cản trở giao thông đường bộ quy định tại Điều 203 Bộ luật hình sự, mà hành vi cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự biểu hiện ở dạng trừu tượng, khó nhận biết hơn.

 

Cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là tìm cách ngăn lại làm cho việc thực hiện nghĩa vụ quân sự khó tiến hành hoặc tiến hành không được. Tuy nhiên, hành vi cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng như hành vi làm trái việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà hành vi cản trở được thực hiện như sau:

 

Cản trở quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự là hành vi tìm cách ngăn lại làm cho việc thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự khó tiến hành hoặc tiến hành không được. Ví dụ: Mặc dù đã biết có lệnh của chỉ huy trưởng quân sự huyện gọi công dân đến cơ quan quân sự để đăng ký nghĩa vụ quân sự, nhưng vì lợi ích cá nhân, Bùi Văn K đã thuê 20 nam thanh niên thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự đi trồng cây cho K, nên 20 nam thanh niên này không được đăng ký nghĩa vụ quân sự.

 

Cản trở quy định về gọi nhập ngũ là hành vi tìm cách ngăn lại làm cho việc gọi nhập ngũ khó tiến hành hoặc tiến hành không được. Ví dụ: Vì không muốn cho con nhập ngũ, nên Nguyễn Văn T đã đưa con trai là Nguyễn Quốc H đã có lệnh gọi ngập ngũ vào Đà Lạt chơi và ở tại Đà Lạt đến sau thời gian gọi nhập ngũ T mới đưa con về. Trong trường hợp phạm tội này, nếu Nguyễn Quốc H không biết mình có lệnh gọi nhập ngũ thì H không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự và Nguyễn Văn T là đồng phạm. T chỉ phạm tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong trường hợp H không biết mình có lệnh nhập ngũ và cũng không muốn trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

 

Cản trở quy định về gọi tập trung huấn luyện là hành vi tìm cách ngăn lại làm cho việc gọi tập trung huấn luyện khó tiến hành hoặc tiến hành không được. Ví dụ: Theo quy định tại Điều 17 Luật nghĩa vụ quân sự ( điều luật được sửa đổi, bổ sung ngày 22-6-1994), thì việc huấn luyện quân sự phổ thông cho học sinh ở các trường thuộc chương trình chính khoá; theo chương trình huấn luyện, các sinh viên đã tập trung huấn luyện, nhưng Trần Trọng Q với cương vị là Hiệu trưởng trường Đại học dân lập K đã quyết định cho hoãn việc huấn luyện quân sự phổ thông để lao động xây dựng trường.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này. Tuy nhiên, nếu người phạm tội thực hiện hành vi cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự mà gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì người phạm tội bị phạt nặng hơn người phạm tội chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, vì người phạm tội có tình tiết tăng nặng quy định tại điểm k khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Cũng như đối với tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, ngoài hành vi khách quan, đối với tội phạm này nhà làm luật không quy định thêm các dấu hiệu khách quan nào khác. Tuy nhiên, khi xác định dấu hiệu khách quan của tội phạm này, cần nghiên cứu kỹ các quy định của Luật nghĩa vụ quân sự, mà cụ thể là các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, về gọi nhập ngũ, về tập trung huấn luyện, nhất là đối với các quy định được sửa đổi, bổ sung, vì Luật nghĩa vụ quân sự đã sửa đổi, bổ sung hai lần, nên có nhiều quy định mới.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Ngay trong điều văn của luật đã nêu người phạm tội này thực hiện hành vi của minh là do cố ý.

 

Cố ý cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự không có các tình tiết định khung hình phạt

 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 262 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự theo khoản 1 Điều 262 Bộ luật hình sự, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, chỉ cản trở một trong ba trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật, thì có thể được áp dụng hình phạt cảnh cáo hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, phạm tội vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, thì có thể bị phạt đến hai năm tù. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo. Những người phạm tội vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, lại gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì không nên cho hưởng án treo.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 262 Bộ luật hình sự

 

a.                 Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn

 

Nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 261 Bộ luật hình sự, nhưng nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì lại thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 262 Bộ luật hình sự.

 

Việc xác định người phạm tội có lợi dụng chức vụ, quyền hạn hay không, cũng tương tự như trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn đối với tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhưng trường hợp này là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

 

Nếu so sánh giữa hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự nguy hiểm hơn, vì người phạm tội có thể bị phạt tù từ một năm đến năm năm, còn hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự chỉ có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sau tháng đến ba năm.   

 

b.                 Phạm tội trong thời chiến

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều 261 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ hành vi của người phạm tội là hành vi cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, chứ không phải hành vi làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

 

Nếu so sánh giữa hành vi làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời chiến với hành vi cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời chiến thì hành vi làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời chiến nguy hiểm hơn, vì người phạm tội có thể bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, còn người phạm tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời chiến chỉ có thể bị phat tù từ một năm đến năm năm.

 

Như vậy, nếu so sánh giữa hai tội phạm này thì có những bất hợp lý về hình phạt quy định ở khoản 2 Điều 261 và khoản 2 Điều 262. Nếu người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời chiến cũng như thời bình lại ít nguy hiểm hơn người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời chiến, nhưng lại nguy hiểm hơn người phạm tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình. Điều bất hợp lý này, hy vọng khi có củ trương sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự sẽ được nhà làm luật quan tâm xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 262 Bộ luật hình sự có thể tù từ một năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, phạm tội chưa gây hậu quả nghiêm trọng, thì Toà án có thể áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới một năm tù hoặc chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ. Tuy nhiên, việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 262 cũng phải rất thận trọng. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

 

 

7. TỘI CỐ Ý LÀM LỘ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC; TỘI CHIẾM ĐOẠT, MUA BÁN, TIÊU HUỶ TÀI LIỆU BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

 

 

Điều 263.  Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước 

 

1. Người nào cố ý làm lộ bí mật Nhà nước hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ  hai năm đến  bảy năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Điều 263 Bộ luật hình sự quy định hai tội danh khác nhau, đó là: tội “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” và tội “chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước”  nhưng cùng có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội như nhau nên nhà làm luật quy định trong cùng một điều luật. Tuy nhiên, hiện nay khi bình luận, phân tích Điều 263 Bộ luật hình sự, một số tác giả cho rằng Điều 263 Bộ luật hình sự quy định 4 tội danh khác nhau, đó là: tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; tội chiếm đoạt bí mật Nhà nước; tội mua bán tài liệu bí mật Nhà nước và tội tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước7. Quan điểm này căn cứ vào hành vi khách quan của tội phạm để xác định tội danh, nhưng không lý giải được, trong trường hợp một người có hai hoặc ba hành vi khách quan có liên quan đến nhau, nếu định tội theo mỗi hành vi thì khi quyết định hình phạt thế nào ? Ví dụ: A có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước và sau khi chiếm đoạt được đã đem tài liệu này tiêu huỷ. Nếu kết án A hai tội: tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước và tội tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước thì phải áp dụng Điều 50 Bộ luật hình sự để quyết định (tổng hợp) hình phạt. Nếu chỉ kết án A về tội chiếm đoạt và tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước thì A chỉ bị áp dụng một hình phạt chung cho cả hai hành vi phạm tội. Đây không phải là trường hợp duy nhất nhà làm luật quy định trong cùng một điều luật nhiều hành vi phạm tội, mà trong nhiều điều luật cũng có tình trạng quy định như Điều 263 Bộ luật hình sự. Ví dụ: Điều 180 quy định bốn hành vi, đó là: làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả; Điều 194 cũng quy định bốn hành vi, đó là: tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt chất ma tuý; Điều 238 quy định năm hành vi, đó là: sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc.v.v… Cũng có trường hợp nhà làm luật không chỉ quy định nhiều hành vi phạm tội trong cùng một điều luật như các ví dụ trên mà quy định nhiều tội trong cùng một điều luật nhưng ghi rõ là tội. Ví dụ: Điều 286 quy định hai tội, đó là: tội cố ý làm lộ bí mật công tác, tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác, tương tự như Điều 263.

 

Vì vậy, nếu gặp phải các trường hợp một Điều luật quy định nhiều hành vi phạm tội thì tuỳ trường hợp mà kết án người phạm tội về một tội với nhiều hành vi khác nhau hay kết án mỗi hành vi một tội. Nhưng nếu điều luật quy định hai tội danh khác nhau trong cùng một điều luật mà người phạm tội thực hiện cả hai hành vi phạm tội thì phải định hai tội như trường hợp quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự.

 

Để tiện việc nghiên cứu và theo dõi, chúng tôi sẽ phân tích dấu hiệu pháp lý của từng tội phạm.

 

7a. TỘI CỐ Ý LÀM LỘ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

 

Định nghĩa: Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước là nói, viết hoặc cho người khác xem, nghe, đọc, sao chụp hoặc để người khác chiếm đoạt bí mật Nhà nước và nhận thức rõ các hành vi trên của mình là làm lộ bí mật Nhà nước, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

 

Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước đã được quy định tại Điều 92 Mục B Chương I- Các tội xâm phạm an ninh quốc gia, nay được quy định lại tại Điều 263 Bộ luật hình sự năm 1999, nhưng không còn là tội xâm phạm an ninh quốc gia nữa mà là tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính và được cấu tạo thành bốn khoản ( Điều 92 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ cấu tạo hai khoản) .

 

Khoản 1 Điều 263 Bộ luật hình sự năm 1999 về cơ bản vẫn giữ nguyên như khoản 1 Điều 92 Bộ luật hình sự năm 1985, chỉ sửa đổi, bổ sung một vài từ có tính chất học thuật như: khoản 1 Điều 92 Bộ luật hình sự năm 1985 viết “ở Điều” thì khoản 1 Điều 263 viết “ tại Điều” và bổ sung từ “ của bộ luật này” cho chính xác hơn.  

 

Khoản 2 Điều 92 Bộ luật hình sự năm 1985 được quy định lại tại khoản 2 Điều 263 Bộ luật hình sự năm 1999. Tuy nhiên, hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 263 là từ năm năm đến mười năm ( khoản 2 Điều 92 Bộ luật hình sự năm 1985 là từ năm năm đến mười lăm năm).

 

Điều 263 Bộ luật hình sự năm 1999 cấu tạo thêm khoản 3 là trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng với khung hình phạt từ mười năm đến mười lăm năm và khoản 4 quy định hình phạt bổ sung đối với người phạm tội mà Điều 100 Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, người phạm tội này cũng thường là những người có trách nhiệm giữ bí mật Nhà nước, những người này nếu cố ý làm lộ bí mật Nhà nước thì thường lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chị trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 của điều luật.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước là tội xâm phạm đến hoạt động quản lý hành chính Nhà nước về những bí mật quốc gia. Tội phạm này Bộ luật hình sự năm 1985 quy định tại Chương các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia nên khách thể của tội này xâm phạm đến an ninh quốc, nay Bộ luật hình sự năm 1999 quy định tội phạm này ở chương các tội xâm phạm rật tự quản lý hành chính, nên khách thể loại của tội phạm này cũng thay đổi. Tuy nhiên, khách thể trực tiếp và đối tượng tác động của tội phạm này thì vẫn là “sự an toàn của những tin tức mà Nhà nước chưa công bố hoặc không công bố”.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là bí mật Nhà nước bao gồm: những tin tức về vụ, việc, tài liệu, địa điểm, vật, lời nói có nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, anh ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ hoặc các lĩnh vực khác mà Nhà nước Nhà nước chưa công bố hoặc không công bố. Các đối tượng trên, cũng là đối tượng của tội gián điệp quy định tại Điều 80 Bộ luật hình sự, vì đối với tội gián điệp người phạm tội thường cung cấp các tin tức, tài liệu, có nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, anh ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ hoặc các lĩnh vực khác cho nước ngoài để nước ngoài sử dụng chống Nhà nước ta.

 

Việc xác định những tin tức về vụ, việc, tài liệu, địa điểm, vật, lời nói có nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, anh ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ hoặc các lĩnh vực khác là bí mật Nhà nước, cần phải căn cứ vào danh mục bí mật Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Mỗi ngành, mỗi mỗi cấp, từng cơ quan, tổ chức đều có những tin tức bí mật khác nhau. Ví dụ: Danh mục bí mật Nhà nước ngành Thuỷ lợi khác danh mục Nhà nước ngành Thuỷ sản; Danh mục bí mật Nhà nước của Toà án nhân dân tối cao khác danh mục bí mật Nhà nước của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.v.v…

 

Căn cứ vào tính chất quan trọng, các tin tức thuộc phạm vi bí mật Nhà nước được chia ra làm ba mức độ: Tuyết mật, Tối mật và Mật. Việc xác định  tin tức nào là Tuyết mật, Tối mật và Mật phải căn cứ vào quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 8 Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về độ mật của các tin tức của mỗi ngành, mỗi cấp.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Hành vi làm lộ bí mật Nhà nước được biểu hiện ra bên ngoài bằng lời nói, chữ viết hoặc cho người khác xem, nghe, đọc, sao chụp bí mật Nhà nước.v.v…

 

Làm lộ bí mật bằng lời nói là trường hợp nói hoặc kể cho người khác nghe những tin tức thuộc bí mật Nhà nước mà mình biết. Ví dụ: Nguyễn Quang B là Điều tra viên biết được chủ trương xử lý vụ án, nên đã kể lại cho Bùi Văn T là đối tượng bị tình nghi biết; nhờ những tin tức mà B cho biết, T đã tiêu huỷ tài liệu, sổ sách nhằm che giấu hành vi phạm tội tham ô của mình, nhờ vậy mà Cơ quan điều tra không đủ chứng cứ để khởi tố T.

 

Làm lộ bí mật bằng chữ viết là trường hợp viết ra những tin tức thuộc bí mật Nhà nước mà mình biết để người khác đọc. Ví dụ: Vũ Quốc H là cán bộ Viện khoa học biết được các số liệụ kết quả nghiên cứu về lĩnh vực giống nuôi trồng thuỷ sản mà theo quy định thì kết quả này chưa được công bố, nhưng vì muốn bài tham luận của mình trước hội nghị khoa học quốc tế có sức thuyết phục, nên H đã dùng các số liệu này để chứng minh cho luận điểm của mình tại hội nghị.

 

Cho người khác xem, nghe, đọc, sao chụp là trường hợp, người có trách nhiệm quản lý, cất giữ, bảo quản các tin tức bí mật Nhà nước, đã để người khác xem, nghe, đọc, sao chụp hoặc để người khác  chiếm đoạt các tin tức đó.

 

Để cho người khác nghe được tin tức bí mật Nhà nước trong trường hợp này là để người khác nghe băng ghi âm chứ không phải kể cho người khác nghe. Ví dụ: Phạm Ngọc C có trách nhiệm kiểm tra những người có giấy mời vào dự cuộc họp bàn về chủ trương xử lý hành vi phạm tội của một số cán bộ cao cấp trong vụ án, nhưng Phạm Ngọc C đã cho Trần Q là phóng viên không có giấy mời, không phải là thành viên được dự họp vào họp để lấy những tin tức về chủ trương xử lý một số cán bộ cao cấp. Nếu kể cho người khác nghe bí mật Nhà nước thì thuộc trường hợp cố ý làm lộ bí mật Nhà nước bằng lời nói, chứ không phải cho người khác nghe bí mật Nhà nước.

 

Nếu để cho người khác chiếm đoạt tin tức bí mật Nhà nước chỉ có thể là trường hợp người phạm tội đồng phạm với người chiếm đoạt tin tức bí mật Nhà nước và người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”, vì nếu do thiếu trách nhiệm hay do sơ xuất mà để người khác chiếm đoạt tin tức bí mật Nhà nước thì không phải là cố ý mà thuộc trường hợp quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự về tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước, tội làm mất tài liệu bí mật Nhà nước.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của tội phạm này cũng không phải là yếu tố định tội. Tuy nhiên, việc xác định hậu quả của hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước là rất cần thiết vì nó là yếu tố định khung hình phạt. Nếu người phạm tội thực hiện hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước mà gây ra hậu quả nghiêm trọng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật, nếu gây ra hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 của điều luật.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Đối với tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, ngoài hành vi khách quan, nhà làm luật còn quy định thêm dấu hiệu khách quan khác, đó là: hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 Bộ luật hình sự thì mới thuộc trường hợp quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự, nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 Bộ luật hình sự thì người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gián điệp. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt giữa tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước với tội gián điệp.

 

Ngoài ra, cũng như đối với một số tội phạm khác, khi xác định hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước nhất thiết phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về bí mật Nhà nước như: Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước và các văn bản hướng dẫn, trong đó có danh mục bí mật Nhà nước của các ngành các cấp mà Thủ tướng quyết định là tài liệu không thể thiếu khi xác định hành vi phạm tội. Tuy nhiên, hiên nay các quy định này lại không được in ấn phổ biến rộng rãi, thậm chí do nhận thức chưa đầy đủ về việc bảo vệ bí mật Nhà nước, nên đồng nhất hai khái niệm “danh mục bí mật Nhà nước”  với “tin tức bí mật thuộc danh mục bí mật Nhà nước”, nên một số cơ quan xuất bản, in ấn lại coi các danh mục bí mật Nhà nước là tài liệu mật không được phổ biến. Cũng chính vì vậy, có nhiều người do không biết tin tức nào là bí mật Nhà nước, tin tức nào không phải là bí mật Nhà nước, nên vô tình đã làm lộ mà không biết. Ví dụ: Theo quyết định của Thủ tướng chính phủ thì, nội dung trao đổi chỉ đạo, hướng dẫn xét xử các vụ án của lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao đối với các cấp toà án là danh mục bí mật Nhà nước, còn nội dung cụ thể của việc trao đổi, hướng dẫn… mới là bí mật Nhà nước. Vì vậy, việc hiểu biết về bí mật Nhà nước cũng như việc phân biệt danh mục bí mật Nhà nước với nội dung bí mật Nhà nước là vô cùng quan trọng không chỉ đối với mọi người mà ngay cả đối với cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Tên của tội danh đã phản ảnh dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm này. Người phạm tội chỉ có thể thực hiện hành vi của mình do cố ý, nếu do vô ý thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, trong một số trường hợp việc xác định người phạm tội vô ý hay cố ý cũng không đơn giản. Ví dụ: Vì để khẳng định hành vi của Phạm Thị L là hành vi phạm tội, nên Nguyễn Văn Ng với cương vị là Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ký công văn trả lời cho ông Phạm Văn G (cha của L) có nội dung: “hành vi của L đã được Toà án, Viện kiểm sát và Công an họp tại cuộc họp liên ngành ngày… tháng… năm… và đã thống nhất đó là hành vi phạm tội”, đồng thời cung cấp công văn này cho một tờ báo để đăng bài về hành vi phạm tội của L. Việc xác định hành vi của Nguyễn Văn Ng cố ý hay vô ý làm lộ bí mật Nhà nước không đơn giản. Có ý kiến cho rằng, dù với động cơ nào thì hành vi của Nguyễn Văn Ng cũng là hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, vì với cương vị là Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Ng phải nội dung cuộc họp liên ngành về chủ trương giải quyết vụ án là tài liệu bí mật Nhà nước nhưng vẫn để người khác biết bằng cách viết ra và cung cấp cho báo chí. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, hành vi làm lộ bí mật Nhà nước của Ng là do vô ý, vì bản thân Ng không nhận thức được hành vi của mình là hành vi làm lộ bí mật Nhà nước, mà Ng cho rằng việc nêu nội dung cuộc họp liên ngành trong công văn trả lời ông Phạm Văn G là để có sức thuyết phục.

 

Mặc dù không quy định nhưng đối với tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước nhất thiết phải xác định động cơ, mục đích của người phạm tội, vì nếu người phạm tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước với mục đích để người nước ngoài sử dụng chống lại Nhà nước Việt Nam thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gián điệp quy định tại Điều 80 Bộ luật hình sự, nếu vì động cơ tư lợi hoặc động cơ cá nhân khác thì mới thuộc trường hợp phạm tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước không có các tình tiết định khung hình phạt

 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 263 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ hai đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước theo theo khoản 1 Điều 263 Bộ luật hình sự, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới hai năm tù; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

 

Nói chung, đối với tội phạm này thực tế xảy ra nhiều nhưng việc truy cứu trách nhiệm hình sự lại ít vì nhiều lý do, nhưng nó là tội phạm nghiêm trọng xâm phạm đến bí mật quốc gia nên cần phải xử lý nghiêm khắc.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 263 Bộ luật hình sự

 

Khoản 2 của điều luật chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là: “phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

Cho đến nay, chưa có giải thích hoặc hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước gây ra và thực tiễn xét xử đối với tội phạm này cũng ít, mặc dù tình hình vi phạm bí mật Nhà nước lại xảy ra khá phổ biến, nên cũng khó có thể căn cứ vào thực tiễn xét xử để xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước gây ra.

 

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước gây ra chủ yếu là những thiệt hại phi vật chất, ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách, kế hoạch của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước gây ra cũng gây ra những thiệt hại vật chất. Nếu là thiệt hại vật chất, có thể coi là hậu quả nghiêm trọng nếu hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước gây ra từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng tương đương với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu là hậu quả khác thì phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội...  để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là nghiêm trọng hay chưa.

 

Phạm tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước gây ra hậu quả nghiêm trọng thì người phạm tội có thể bị phạt từ năm năm đến mười năm tù. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới năm năm tù, nhưng không được dưới hai năm tù; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 263 Bộ luật hình sự

 

Khoản 3 của điều luật quy định hai tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, nhưng hai tình tiết này lại có mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau, đó là: “phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”.

 

Cũng tương tự như trường hợp phạm tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước gây ra hậu quả nghiêm trọng, chưa có giải thích hoặc hướng dẫn về trường hợp phạm tội này, nên có thể coi là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước gây ra nếu gây thiệt hại vật chất từ 300 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng; nếu gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

Nếu là hậu quả khác thì phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội...  để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là hậu quả rất nghiêm trọng hay hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

Phạm tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước gây ra hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì người phạm tội có thể bị phạt từ mười năm đến mười lăm năm tù. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, chỉ gây hậu quả rất nghiêm trọng  thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới mười năm tù, nhưng không được dưới năm năm tù; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể và gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù.

 

4. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể còn bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Khi áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội, cần chú ý:

 

Mặc dù điều luật không quy định trường hợp nào thì áp dụng hình phạt  phạt tiền, trường hợp nào thì áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, nhưng căn cứ vào chủ thể ( người phạm tội ) thực hiện tội phạm. Nếu người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn thì có thể áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; nếu là người không có chức vụ, quyền hạn thì có thể áp dụng hình phạt tiền. Tuy nhiên, người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn cũng có thể bị phạt tiền, nhưng người không có chức vụ, quyền hạn thì không thể áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. 

 

7b. TỘI CHIẾM ĐOẠT, MUA BÁN, TIÊU HUỶ TÀI LIỆU BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

 

Định nghĩa:

 

Nhà làm luật quy định tới ba hành vi trong cùng một tội danh, nên không   thể nêu một định nghĩa chung, mà chỉ có thể định nghĩa đối với từng hành vi.

 

Chiếm đoạt  tài liệu bí mật Nhà nước là hành vi dùng các thủ đoạn lén lút, gian dối, uy hiếp thể chất hoặc tinh thần đối với người quản lý tài liệu bí mật Nhà nước để lấy các tài liệu đó hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp quản lý tài liệu bí mật Nhà nước để lấy các tài liệu đó.

 

Có thể hiểu một cách khái quát là chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước là hành vi cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, công nhiên, trộm cắp, lừa đảo, tham ô, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.

 

 Mua bán tài liệu bí mật Nhà nước là hành vi dùng tiền hoặc tài sản để mua tài liệu bí mật Nhà nước để cất giữ, để bán lại cho người khác hoặc bán tài liệu bí mật Nhà nước mà mình quản lý, cất giữ  cho người khác để lấy tiền hoặc tài sản.

 

Tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước là làm cho tài liệu bí bật Nhà nước không còn giá trị sử dụng được nữa.

 

Hành vi chiếm đoạt, tiêu huỷ, mua bán tài liệu bí mật Nhà nước đã được quy định tại Điều 92 Bộ luật hình sự năm 1985 nhưng chưa quy định là một tội độc lập như Điều 263 Bộ luật hình sự năm 1999, mà chỉ là những hành vi khách quan của tội “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước”.

 

Vì tội phạm này quy định cùng trong một điều luật với tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, nên các đặc điểm, các sửa đổi, bổ sung so với Điều 92 Bộ luật hình sự năm 1985 cũng tương tự như đối với tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

Nói chung, các dấu hiệu của tội phạm này cũng tương tự tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước quy định trong cùng một điều luật, nếu có khác là khác ở các dấu hiệu thuộc mặt khách quan. Tuy nhiên, để có hệ thống, chúng tôi vẫn nêu lại các dấu hiệu về chủ thể, khách thể, mặt chủ quan của tội phạm, mà không chỉ phân tích các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm.

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Tương tự với tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chủ thể của tội phạm này cũng không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, người phạm tội này cũng thường là những người có trách nhiệm giữ bí mật Nhà nước.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chị trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 của điều luật.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Khách thể của tội phạm này là hoạt động quản lý hành chính Nhà nước về việc bảo đảm sự an toàn của những tin tức mà Nhà nước chưa công bố hoặc không công bố.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là những tin tức về vụ, việc, tài liệu, địa điểm, vật, lời nói có nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, anh ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ hoặc các lĩnh vực khác mà Nhà nước Nhà nước chưa công bố hoặc không công bố.

 

Việc xác định đối tượng tác động trên cũng phải căn cứ vào danh mục bí mật Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Như trên đã phân tích, tội phạm này nhà làm luật quy định ba hành vi phạm tội trong cùng một tội danh, nên việc nghiên cứu hành vi khách quan của tội phạm này cũng được nghiên cứu theo từng hành vi khác nhau, đó là: hành vi chiếm đoạt, hành vi mua bán và hành vi tiêu huỷ.

 

Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước là hành vi dùng các thủ đoạn lén lút, gian dối, uy hiếp thể chất hoặc tinh thần đối với người quản lý tài liệu bí mật Nhà nước để lấy các tài liệu đó hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp quản lý tài liệu bí mật Nhà nước để lấy các tài liệu đó.

 

Có thể hiểu một cách khái quát là chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước là hành vi cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, công nhiên, trộm cắp, lừa đảo, tham ô, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.

 

Tuy nhiên, đối với tài liệu bí mật Nhà nước, người phạm tội chiếm đoạt là chiếm đoạt thông tin bí mật trong tài liệu đó, chứ không phải bản thân tài liệu đó, vì vậy có trường hợp tài liệu không bị mất nhưng thông tin bí mật trong tài liệu đó đã bị người phạm tội chiếm đoạt thì người phạm tội vẫn bị coi là đã chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.

 

Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước cũng tương tự như hành vi chiếm đoạt tài sản nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm cao hơn, cũng như đối với một số trường hợp chiếm đoạt khác như: chiếm đoạt vũ khí quân dụng, chiếm đoạt ma tuý…, nên nhà làm luật quy định thành một tội độc lập. Nếu người phạm tội chiếm đoạt tài sản, nhưng trong tài sản có tài liệu bí mật Nhà nước mà người phạm tội không có mục đích chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước thì họ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt tài sản. Nếu người phạm tội không có mục đích rõ ràng, miễn là chiếm đoạt được tài sản còn tài sản đó là cái gì thì không quan tâm và trong tài sản đã chiếm đoạt có tài liệu bí mất Nhà nước nhưng vẫn cất giữ hoặc tiêu huỷ thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tôi, chiếm đoạt tài sản và chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.

 

 Mua bán tài liệu bí mật Nhà nước là hành vi dùng tiền hoặc tài sản để mua tài liệu bí mật Nhà nước để cất giữ, để bán lại cho người khác hoặc bán tài liệu bí mật Nhà nước mà mình quản lý, cất giữ cho người khác để lấy tiền hoặc tài sản.

 

Mua bán là một từ ghép gồm có mua và bán, nhưng nhà làm luật không quy định mua, (phẩy) bán nên chỉ cần có hành vi mua nhưng không bán hoặc chỉ có hành vi bán mà không mua là bị coi là “mua bán” mà không nhất thiết phải có cả hành vi mua và hành vi bán.

 

Mua bán còn bao gồm cả hành vi dùng tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để đổi lấy tài liệu bí mật Nhà nước như: dùng đồng hồ, xe máy, vàng, bạc… hoặc mời đi nghỉ mát, tham quan.

 

Khi xác định hành vi mua bán tài liệu bí mật Nhà nước cần phân biệt trường hợp người phạm tội dùng tiền hoặc tài sản hối lộ cho người quản lý tài liệu bí mật Nhà nước để người quản lý tài liệu bí mật Nhà nước giao tài liệu bí mật Nhà nước cho mình thì không coi là hành vi mua bán tài liệu bí mật Nhà nước mà tuỳ trường hợp người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự hình sự về tội đưa hối lộ và tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước với vai trò đồng phạm, còn người nhận hối lộ để cung cấp tài liệu bí mật Nhà nước cho người đưa hối lộ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ và tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.   

 

Tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước là làm cho tài liệu bí mật Nhà nước không còn giá trị sử dụng được nữa.

 

Hành vi tiêu huỷ được thể hiện bằng nhiều cách như: đốt cháy, xét nát, nghiền nát, đập phá, dùng các hoá chất để huỷ hoại.v.v… hành vi tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước cũng giống như hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản, nhưng đối với tài liệu bí mật Nhà nước nhà làm luật không dùng thuật ngữ huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng mà dùng thuật ngữ “tiêu huỷ” là phù hợp hơn.

 

Nếu người phạm tội tiêu huỷ tài liệu, trong đó có tài liệu bí mật Nhà nước, có tài liệu không phải là bí mật Nhà nước không phải là bí mật Nhà nước, mà người phạm tội không nhận thức được đó là tài liệu bí mật Nhà nước thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tiêu huỷ của cơ quan Nhà nước” theo Điều 268 Bộ luật hình sự; nếu người phạm tội vì mục đích nhằm che giấu tội phạm mà tiêu huỷ tài liệu, không cần biết đó là tài liệu gì thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: tội tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước và tội tiêu huỷ của cơ quan Nhà nước. 

 

b. Hậu quả

 

Cũng như đối với tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, hậu quả của tội phạm này cũng không phải là yếu tố định tội. Tuy nhiên, việc xác định hậu quả của hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước là rất cần thiết vì nó là yếu tố định khung hình phạt. Nếu người phạm tội thực hiện hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước mà gây ra hậu quả nghiêm trọng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật, nếu gây ra hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 của điều luật.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Cũng như đối với tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước, ngoài hành vi khách quan, nhà làm luật cũng quy định thêm dấu hiệu khách quan khác, đó là: Hành vi chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ bí mật Nhà nước không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 Bộ luật hình sự thì mới thuộc trường hợp quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự, nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 Bộ luật hình sự thì người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gián điệp. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt giữa tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ bí mật Nhà nước với tội gián điệp.

 

Ngoài ra, khi xác định hành vi chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ bí mật Nhà nước phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về bí mật Nhà nước như: Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước và các văn bản hướng dẫn, trong đó có danh mục bí mật Nhà nước của các ngành các cấp mà Thủ tướng quyết định là tài liệu không thể thiếu khi xác định hành vi phạm tội.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Mặc dù điều luật không quy định người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ do cố ý hay vô ý, nhưng bản chất hành vi chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước đã chứa đựng sự cố ý của người thực hiện hành vi đó rồi, cũng chính vì vậy mà trong nhiều trường hợp nhà làm luật không cần phải quy định cố ý phạm tội mà chỉ cần quy định hành vi phạm tội và hành vi đó chứa đựng sự cố ý như: giết người, trộm cắp, lừa đảo, cướp, cướp giật. v.v…

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước 

 không có các tình tiết định khung hình phạt

 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 263 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ hai đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng. Vì tội phạm này quy định cùng điều luật với tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước nên việc quyết định hình phạt cũng tương tự như trường hợp đối với tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 263 Bộ luật hình sự

 

Tương tự như tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước khoản 2 của điều luật đối với tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước cũng chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là: “phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

Việc xác định thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước gây ra và việc quyết định hình phạt đối với người phạm tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước cũng tương tự như đối với  người phạm tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước gây ra.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 263 Bộ luật hình sự

 

Tương tự như tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước khoản 3 của điều luật đối với tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước cũng quy định hai tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là: “phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”.

 

Việc xác định thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước gây ra và việc quyết định hình phạt đối với người phạm tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước cũng tương tự như đối với  người phạm tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước gây ra.

 

4. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Cũng tương tự đối với tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước người phạm tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà, ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể còn bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Việc áp dụng hình phạt tiền hay hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định cũng tương tự như đối với người phạm tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.

 

8. TỘI VÔ Ý LÀM LỘ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC; TỘI LÀM MẤT TÀI LIỆU BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

 

 

Điều 264.  Tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước, tội làm mất tài liệu bí mật Nhà nước  

 

1.  Người nào vô ý làm lộ bí mật Nhà nước hoặc làm mất tài liệu bí mật Nhà nước, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. 

 

Điều 264 Bộ luật hình sự cũng quy định hai tội danh khác nhau, đó là: tội “vô ý làm lộ bí mật Nhà nước” và tội “làm mất tài liệu bí mật Nhà nước”.

 

Để tiện việc nghiên cứu và theo dõi, chúng tôi sẽ phân tích dấu hiệu pháp lý của từng tội phạm.

 

8a. TỘI VÔ Ý LÀM LỘ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

 

Định nghĩa: Vô ý làm lộ bí mật Nhà nước là nói, viết hoặc cho người khác xem, nghe, đọc, sao chụp bí mật Nhà nước, nhưng không thấy trước được hành vi của mình có khả năng làm lộ bí mật Nhà nước mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể làm lộ bí mật Nhà nước nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra.

 

Tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước đã được quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1985 và là tội xâm phạm an ninh quốc gia, nay không còn là tội xâm phạm an ninh quốc gia nữa mà là tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính và được cấu tạo thành ba khoản (Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ cấu tạo hai khoản).

 

Khoản 1 Điều 264 Bộ luật hình sự năm 1999 về cơ bản vẫn giữ nguyên như khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1985, chỉ sửa đổi, bổ sung mức hình phạt cải tạo không giam giữ từ một năm lên ba năm.  

 

Khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1985 được quy định lại tại khoản 2 Điều 264 Bộ luật hình sự năm 1999 và được giữ nguyên không có gì sửa đổi, bổ sung.

 

Điều 264 Bộ luật hình sự năm 1999 cấu tạo thêm khoản 3 quy định hình phạt bổ sung đối với người phạm tội mà Điều 100 Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này cũng không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, người phạm tội có thể là người có trách nhiệm giữ bí mật Nhà nước, nhưng vì do sơ xuất nên đã để lộ bí mật Nhà nước.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này cả khoản 1 và khoản 2 của điều luật không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Khách thể bị xâm phạm của tội phạm này là hoạt động quản lý hành chính Nhà nước về việc bảo đảm sự an toàn của những tin tức mà Nhà nước chưa công bố hoặc không công bố.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là những tin tức về vụ, việc, tài liệu, địa điểm, vật, lời nói có nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, anh ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ hoặc các lĩnh vực khác mà Nhà nước Nhà nước chưa công bố hoặc không công bố.

 

Việc xác định đối tượng tác động phải căn cứ vào danh mục bí mật Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Cũng như đối với tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, điều văn của điều luật chỉ quy định một hành vi khách quan là “làm lộ”. Vì vậy, nếu chỉ xét về hành vi khách quan thì biểu hiện của hành vi làm lộ hoàn toàn giống với hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước. Tuy nhiên, giữa hành vi thực hiện do cố ý với hành vi được thực hiện do vô ý về bản chất là hoàn toàn khác nhau. Ví dụ: cũng là nói cho người khác nghe bí mật Nhà nước nhưng nếu là cố ý thì cách nói khác với trường hợp do vô ý mà nói ra bí mật Nhà nước. Cũng chính vì vậy, mà nhiều trường hợp căn cứ vào hành vi cụ thể mà xác định định ý thức chủ quan của người phạm tội.

 

b. Hậu quả

 

Cũng như đối với tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, hậu quả của tội phạm này cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, bí mật Nhà nước bị lộ đó chính là hậu quả của hành vi rồi, nhưng nhà làm luật không gọi đó là hậu quả với ý nghĩa là một dấu hiệu khách quan của tội phạm, nhưng nếu người phạm tội gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và người phạm tội bị phạt nặng hơn trường hợp chưa gây ra hậu quả.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Đối với tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước, ngoài hành vi khách quan, nhà làm luật cũng quy định thêm dấu hiệu khách quan khác, đó là các quy định của pháp luật về bí mật Nhà nước như: Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước và các văn bản hướng dẫn, trong đó có danh mục bí mật Nhà nước của các ngành các cấp mà Thủ tướng quyết định là tài liệu không thể thiếu khi xác định hành vi phạm tội.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Tên của tội danh đã phản ảnh dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm này. Người phạm tội chỉ có thể thực hiện hành vi của mình do vô ý, nếu do cố ý thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự.

 

Vô ý làm lộ bí mật Nhà nước là không thấy trước được hành vi của mình có khả năng làm lộ bí mật Nhà nước mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể làm lộ bí mật Nhà nước nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra.

 

Việc xác định người phạm tội vô ý hay cố ý làm lộ bí mật Nhà nước trong một số trường hợp phải căn cứ vào hành vi cụ thể, trong một hoàn cảnh cụ thể khi người phạm tội để lộ bí mật Nhà nước cho người khác biết. Thông thường người phạm tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước là người có tính ba hoa, có khi chỉ uống một vài cốc bia là có bao điều bí mật nói ra hết, trong đó có cả những bí mật Nhà nước, nói xong về nhà nghĩ lại mới thấy sai. Những người làm lộ bí mật Nhà nước thường không có động cơ mục đích, còn người cố lý làm lộ bí mật Nhà nước thì có động cơ mục đích rõ ràng.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước không có các tình tiết định khung hình phạt

 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 264 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước. Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt dưới sáu tháng tù; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể được hưởng án treo.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 264 Bộ luật hình sự

 

Khoản 2 của điều luật chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là: “phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng”. Nhưng không vì thế mà cho rằng, nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật. Đúng ra, để cho chặt chẽ, nhà làm luật nên quy định: “phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”, nếu muốn coi hành vi phạm tội vô ý làm lô bí mật Nhà nước gây ra các hậu quả trên đều thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 264 Bộ luật hình sự. Hy vọng rằng khi có chủ trương sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự vấn đề này sẽ được nhà làm luật quan tâm xem xét

 

Cũng như đối với tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chưa có giải thích hoặc hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vô ý làm lộ bí mật Nhà nước gây ra. Vì vậy, khi xác định hậu quả của hành vi vô ý làm lộ bí mật Nhà nước cần căn cứ vào nguyên tắc xác định hậu quả như đã giới thiệu đối với tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.

 

Phạm tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt từ hai năm đến bảy năm tù là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, chỉ gây hậu quả nghiêm trọng, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới hai năm tù, nhưng không được dưới sáu tháng tù; nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho người phạm tội hưởng án treo, nhưng phải thận trọng vì trường hợp phạm tội này là tội phạm nghiêm trọng; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

 

3. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Khi áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cần chú ý: Chỉ áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ đối với người phạm tội là người có chức vụ khi phạm tội; hình phạt cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định có thể áp dụng đối với người phạm tội nếu để họ làm nghề đó hoặc công việc đó thì dễ làm lộ bí mật Nhà nước.

 

Tuy nhiên, đối với tội phạm này người phạm tội thực hiện hành vi của mình do vô ý nên thực tế không có trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn hay lợi dụng nghề nghiệp hoặc công việc để phạm tội; do đó cũng không nhất thiết phải cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đối với người phạm tội.

 

8b. TỘI LÀM MẤT TÀI LIỆU BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

 

Định nghĩa: Làm mất tài liệu bí mật Nhà nước là hành vi của người có trách nhiệm quản lý tài liệu bí mật Nhà nước nhưng đã không thực hiện hoặc thực hiện không hết trách nhiệm trong việc quản lý tài liệu bí mật Nhà nước để mất tài liệu đó.

 

Cũng như đối với tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước, tội làm mất tài liệu bí mật Nhà nước không còn là tội xâm phạm an ninh quốc gia nữa mà là tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính.

 

Vì được quy định cùng một điều luật với tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước, nên cấu tạo của điều luật hoàn toàn giống với tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Khác với tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước, chủ thể của tội làm mất tài liệu bí mật Nhà nước là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có trách nhiệm quản lý tài liệu bí mật Nhà nước mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

 

Có thể nói, chủ thể của tội phạm này cũng tương tự như đối với chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước quy định tại Điều 114 và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự, nhưng người phạm tội này vì thiếu trách nhiệm mà để mất tài liệu bí mật Nhà nước chứ không phải vì thiếu trách nhiệm mà gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước hay gây ra hậu quả nghiêm trọng.

 

Người có trách nhiệm trong việc quản lý tài liệu bí mật Nhà nước thông thường là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức nhưng cũng có thể là người không có chức vụ, quyền hạn mà chỉ là người được giao quản lý tài liệu bí mật Nhà nước trong một thời gian nhất định nhưng đã không làm hết trách nhiệm để mất tài liệu bí mật Nhà nước. Ví dụ: Nguyễn Xuân K làm nghề lái đò tham gia cứu vớt người và tài sản bị tai nạn giao thông đường thuỷ. Trong quá trình cứu vớt, Nguyễn Xuân K được giao một gói tài liệu được niêm phong, có đóng dấu mật chưa xác định của ai đẻ đưa về trụ sở Công an, nhưng K không trực tiếp đem gói tài liệu đó về trụ sở Công an mà giao cho con trai là Nguyễn Xuân H mới 12 tuổi đem đến trụ sở Công an. Do mảng chơi, nên H đã để mất gói tài liệu này.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Khách thể bị xâm phạm của tội phạm này cũng là hoạt động quản lý hành chính Nhà nước về việc bảo đảm sự an toàn của những tin tức mà Nhà nước chưa công bố hoặc không công bố.

 

 

Đối tượng tác động của tội phạm này cũng là những tin tức về vụ, việc, tài liệu, địa điểm, vật, lời nói có nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, anh ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ hoặc các lĩnh vực khác mà Nhà nước chưa công bố hoặc không công bố. 

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

Nói chung, các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm này cũng tương tự như đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đối với tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước và đặc biệt rất giống với tội làm mất tài liệu bí mật công tác, chỉ khác ở chỗ, hành vi thiếu trách nhiệm trong tội phạm này gây ra hậu quả cụ thể là làm mất bí mật Nhà nước chứ không phải gây ra hậu quả khác.

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội không làm hoặc làm không đúng trách nhiệm được giao để mất tài liệu bí mật Nhà nước có thể được thực hiện dưới dạng hành động, nhưng chủ yếu là không hành động như: không khoá tủ tài liệu mật, không có mặt ở nơi được giao nhiệm vụ trông coi, quản lý tài liệu bí mật Nhà nước. Hành vi làm mất tài liệu bí mật Nhà nước được biểu hiện như: để cho người khác chiếm đoạt tài liệu bí mật mà mình có trách nhiệm quản lý; giao nhầm tài liệu bí mật Nhà nước cho người khác; để quên tài liệu bí mật Nhà nước mà không tìm lại được; để người khác chụp, sao chép tài liệu bí mật Nhà nước ...

 

Hành vi làm mất tài liệu bí mật Nhà nước bao giờ cũng gắn liền với nhiệm vụ của người phạm tội. Do đó, khi xác định hành vi làm mất tài liệu bí mật Nhà nước, trước hết pải xác định người đó có trách nhiệm trong việc quản lý, giữ gìn, vận chuyển, bảo quản tài liệu bí mật Nhà nước như thế nào; những điều kiện khách quan tác động.v.v... nếu đã làm hết trách nhiệm mà tài liệu bí mật của Nhà nước do họ quản lý vẫn bị mất thì người quản lý tài liệu bí mật Nhà nước không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi làm mất tài liệu bí mật Nhà nước là những thiệt hại về vật chất và phi vật chất cho cơ quan, tổ chức và cho con người.

 

Hậu quả cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, nhưng nếu làm mất tài liệu bí mật Nhà nước mà gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và người phạm tội bị phạt nặng hơn trường hợp chưa gây ra hậu quả.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Đối với tội làm mất bí mật Nhà nước, ngoài hành vi khách quan, nhà làm luật cũng quy định thêm dấu hiệu khách quan khác, đó là các quy định của pháp luật về bí mật Nhà nước như: Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước và các văn bản hướng dẫn, trong đó có danh mục bí mật Nhà nước của các ngành các cấp mà Thủ tướng quyết định là tài liệu không thể thiếu khi xác định hành vi phạm tội.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội chỉ có thể thực hiện hành vi của mình do vô ý, tức là người phạm tội không thấy trước được hành vi của mình có khả năng làm mất tài liệu bí mật Nhà nước mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể làm mất tài liệu bí mật Nhà nước nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra.

 

Nếu người phạm tội không thấy trước và không thể thấy trước hoặc không buộc họ phải thấy trước thì được coi là không có lỗi và không bị coi là hành vi phạm tội. Ví dụ: Trần Thị H là văn thư của cơ quan X, trước khi ra về H đã koá tủ tài liệu, khoá cửa như thường lệ. Hôm sau đến cơ quan H phát hiện tủ tài liệu bị kẻ gian cậy lấy đi một số tài liệu, trong đó có tài liệu bí mật Nhà nước. Việc Trần Thị H để mất tài liệu bí mật Nhà nước trong trường hợp H không thấy trước và không thể thấy trước, cũng như pháp luật không buộc phải thấy trước hành vi của mình là dẫn đến tài liệu bí mật Nhà nước bị mất, vì Trần Thị H đã làm đầy đủ trách nhiệm của một văn thư trong việc quản lý tài liệu bí mật Nhà nước.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

Vì tội phạm này quy định trong cùng một điều luật với tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước nên các trường hợp phạm tội cụ thể cũng hoàn toàn giống với tội vô ý là lộ bí mật Nhà nước. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt Toà án cần chú ý đến nhân thân người phạm tội vì tội phạm này, người phạm tội là người có trách nhiệm quản lý tài liệu bí mật Nhà nước.

 

Ngoài hình phạt chính, đối với tội phạm này Toà án cần áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, vì người phạm tội là người có trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ sự an toàn của tài liệu bí mật Nhà nước.

 

9. TỘI GIẢ MẠO CHỨC VỤ, CẤP BẬC

 

Điều 265.  Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc 

 

Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

 

Định nghĩa: Giả mạo chức vụ, cấp bậc là hành vi của một người không có chức vụ, cấp bậc nhưng đã mạo danh là mình có chức vụ, cấp bậc đó để thực hiện hành vi trái pháp luật.

 

Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc là tội phạm đã được quy định tại Điều 210 Bộ luật hình sự năm 1985, nay được quy định lại tại Điều 265 Bộ luật hình sự năm 1999. Về cơ bản không có gì sửa đổi, bổ sung, Điều 265 Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ bổ sung hình phạt cải tạo không giam giữ.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này cũng không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, người phạm tội có thể là người có chức vụ, cấp bậc nhưng cũng có thể là người khác, nhưng vì để dễ thực hiện hành vi trái pháp luật nên đã giả danh là người có chức vụ, cấp bậc. Nếu là người có chức vụ, cấp bậc thì họ thường giả danh chức vụ, cấp bậc không phải của họ (có thể cao hơn hoặc thấp hơn chức vụ mà họ đang có) để thực hiện hiện hành vi trái pháp luật.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Tội phạm này xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính Nhà nước đối với các chức vụ, cấp bậc trong cơ quan, tổ chức; đơn vị lực lượng vũ trang.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là chức vụ, cấp bập mà Nhà nước quy định cho cán bộ, nhân viên trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang.

 

Chức vụ của một người là do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. Ví dụ: Chức vụ Chủ tịch, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp; Bộ trưởng, Thứ trưởng các Bộ; Giám đốc, Phó giám đốc các Sở, các Công ty; Chánh án, Phó Chán án, Thẩm phán; Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên; Điều tra viên…

 

Cấp bậc (theo từ điển) là trật tự chức vụ trong quân đội, chính quyền, đoàn thể. Trật tự này được quy định tuỳ theo từng ngành, từng cơ quan, tổ chức. Ví dụ: Trật tự chức vụ trong ngành Toà án của tỉnh là Chánh án, Phó chánh án, Chánh toà, Phó chánh toà, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng...; Trong ngành kiểm sát tỉnh là Viện trưởng, Phó viện trưởng, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng…; Trong ngành công an tỉnh là Giám đốc, Phó giám đốc, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, Đội trưởng, Đội phó… Tuy nhiên, nếu hiểu cấp bậc là trật tự về chức vụ thì nó lại đồng nhất với khái niệm chức vụ, mặc dù khái niệm chức vụ chưa nói lên trật từ trên, dưới. Không ai nói cấp bậc Chánh án hoặc cấp bậc Trưởng phòng mà chỉ nói chức vụ Chánh án, chức vụ Trưởng phòng... Vì vậy, cần phải hiểu cấp bậc quy định ở đây là cấp hàm trong lực lượng vũ trang như: Cấp tướng, cấp tá, cấp uý, hạ sĩ quan, binh sĩ ( binh nhất, binh nhì) trong lực lượng vũ trang…

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Tội phạm này, người phạm tội thực hiện hai hành vi khách quan. Hành vi thứ nhất là hành vi giả mạo và hành vi thứ hai là hành vi trái pháp luật

 

Người phạm tội thực hiện hành vi giả mạo với nhiều thủ đoạn khác nhau như: Dùng giấy tờ giả; mặc trang phục giống với trang phục mà người phạm tội muốn giả mạo; đeo cấp hàm, cấp hiệu giống với cấp hàm, cấp hiệu mà người phạm tội muốn giả mạo.

 

Hành vi trái pháp luật mà người phạm tội thực hiện có thể là hành vi phạm tội nhưng cũng có thể chỉ là hành vi vi phạm khác. Ví dụ: Giả danh Công an để chặn xe lấy tiền; giả danh cán bộ thuế để thu thuế bất hợp pháp; giả danh nhà báo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc để được tiếp đón tử tế; giả danh bộ đội để vào nhà dân xin ngủ nhờ. v.v...

 

Người giả mạo chức vụ, cấp bật nhưng không thực hiện hành vi trái pháp luật thì chưa cấu thành tội “giả mạo chức vụ, cấp bậc” mà tuỳ trường hợp có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật; ngược lại nếu thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không phải là do giả mạo chức vụ, cấp bậc thì cũng không phạm tội “giả mạo chức vụ, cấp bậc” mà tuỳ từng trường hợp cụ thể nếu hành vi trái pháp luật là hành vi phạm tội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng hoặc bị xử lý hành chính. Hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc chỉ là tiền đề của hành vi trái pháp luật, còn hành vi trái pháp luật là hệ quả (mục đích) của hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc. Giữa hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc với hành vi trái pháp luật có mối liên hệ với nhau, thiếu một trong hai hành vi này thì không cấu thành tội “giả mạo chức vụ, cấp bậc”

 

Có thể nói một cách tổng quát là: Giả mạo chức vụ, cấp bậc là tự nhận mình có chức vụ, cấp bậc mà mình không có hoặc không đúng với chức vụ, cấp bậc mà mình có để thực hiện hành vi trái pháp luật.

 

Khi định tội, cần chú ý: Nếu người phạm tội chỉ giả mạo chức vụ hoặc chỉ giả mạo cấp bậc để thực hiện hành vi trái pháp luật thì chỉ định tội là “giả mạo chức vụ” hoặc tội “giả mạo cấp bậc”; nếu người phạm tội giả mạo cả chức vụ và cấp bậc thì định tội là “giả mạo chức vụ, cấp bập”.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi giả mạo chức vụ, cấp bật không phải là tình tiết định tội (dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm). Tuy nhiên, nếu hành vi giả mạo chức vụ, cấp bật gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội sẽ bị áp dụng điểm k khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự và bị xử phạt nghiêm khắc hơn người phạm tội chưa gây ra hậu quả. Đối với tội phạm này nhiều trường hợp hậu quả lại chính là hành vi tiếp theo ( hành vi trái pháp luật ) của người phạm tội như: Giả mạo Công an để thực hiện hành vi giết người cướp tài sản. Tuy nhiên, hành vi giết người cướp tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm độc lập, hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc chỉ là thủ đoạn để người phạm tội thực hiện mục đích, nên nhà làm luật chỉ quy định là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Ngoài hành vi khách quan, đối với tội giả mạo chức vụ, cấp bậc nhà làm luật không quy định thêm các dấu hiệu khách quan nào khác, nhưng khi xác định hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc cần nghiên cứu các văn bản quy định về chức vụ, cấp bậc để xác định người phạm tội đã giả mạo chức vụ, cấp bậc nào trong cơ quan, tổ chức và cơ quan, tổ chức đó là cơ quan, tổ chức nào để nếu cần kiến nghị cơ quan, tổ chức đó khắc phục nguyên nhân phát sinh tội phạm.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người giả mạo chức vụ, cấp bậc thực hiện hành vi trái pháp luật là do cố ý, tức là người phạm tội biết hành vi của mình là giả mạo chức vụ, cấp bậc; biết hành vi của mình là hành vi trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện không cần biết hậu quả của hành vi đó như thế nào.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

Đối với tội giả mạo chức vụ, cấp bậc nhà làm luật chỉ quy định một trường hợp phạm tội và đó cũng là cấu thành cơ bản của tội phạm. Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

So với Điều 210 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này thì Điều 265 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm năng hơn, vì Điều 210 Bộ luật hình sự năm 1985 có quy định hình phạt cảnh cáo, còn Điều 265 Bộ luật hình sự năm 1999 bỏ hình phạt cảnh cáo mà thay vào đó là hình phạt cải tạo không giam giữ.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo.

 

Tuy nhiên, qua thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm này trong thời gian vừa qua, nhiều trường hợp người phạm tội giả danh Công an, Quân đội hoặc cán bộ Nhà nước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc thậm chí để giết người cướp của, gây dư luận bất bình trong nhân dân, gây mất uy tín nghiêm trọng đến danh dự của ngành Công an, Quân tội hoặc của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội …Cũng chính vì vậy, có ý kiến đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 265 Bộ luật hình sự theo hướng cấu tạo thêm khoản 2 của điều luật với tình tiết định khung hình phạt là: “giả mạo chức vụ, cấp bậc để phạm tội” thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm tù. Hy vọng rằng, khi có chủ trương sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự ý kiến này được nhà làm luật xem xét.

 

 

10. TỘI SỬA CHỮA, SỬ DỤNG GIẤY CHỨNG NHẬN VÀ CÁC TÀI LIỆU CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC

 

Điều 266.  Tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức 

 

1. Người nào sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng,  cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến  ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức là hành vi sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật.

 

Tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức đã được quy định tại Điều 211 Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, Điều 266 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều sửa đổi, bổ sung. Điều 211 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định cả hành vi làm giả con dấu, giấy tiêu đề hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội trong cùng một điều luật, nay hành vi này được quy định riêng thành một tội độc lập tại Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999, đồng thời tên tội danh cũng được quy định lại cho phù hợp với hành vi phạm tội.

 

Do có sự sửa đổi, bổ sung, nên khoản 1 Điều 266 Bộ luật hình sự năm 1999 được cấu tạo lại cho phù hợp với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 211 Bộ luật hình sự năm 1985, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số loại giấy chứng nhận và tại liệu như: thị thực, các loại giấy chứng nhận, các loại tài liệu khác nhằm đáp ứng với yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này trong tình hình hiện nay. Ngoài việc sửa đổi, bổ sung một số điểm, nhà làm luật còn quy định thêm tình tiết là yếu tố định tội và nếu thiếu nó thì cưa cấu thành tội phạm, đó là tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”; bổ sung hình phạt cảnh cáo và hình phạt tiền; nâng hình phạt cải tạo không giam giữ từ đến một năm lên đến ba năm.

 

Khoản 2 Điều 211 Bộ luật hình sự năm 1985 được quy định lại tại khoản 2 Điều 266 Bộ luật hình sự năm 1999, nhưng bổ sung thêm tình tiết “phạm tội nhiều lần; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”. Tuy nhiên, về hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 266 là từ hai năm đến năm năm, chứ không phải đến bảy năm như khoản 2 Điều 211 Bộ luật hình sự năm 1985.

Ngoài ra, Điều 266 Bộ luật hình sự năm 1999 còn cấu tạo thêm khoản 3 quy định hình phạt bổ sung mà Điều 218 Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định hình phạt bổ sung đối với tội phạm này.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này cũng không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, những người phạm tội này thường là những người có trách nhiệm trong việc cấp hoặc quản lý hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức, vì họ có điều kiện thực hiện hành vi phạm tội hơn đối với người khác. Nếu những người này phạm tội thì thuộc trường hợp “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này cả khoản 1và khoản 2 của điều luật không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Nếu hành vi sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người thực hiện hành vi phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì mới bị coi là hành vi phạm tội.

 

Khi áp dụng tình tiết này cần chú ý: Nếu người phạm tội tuy đã bị xử phạt hành chính nhưng không phải là bị xử phạt về hành vi sửa chữa, làm sai lệch hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức mà là hành vi khác thì cũng không cấu thành tội phạm này hoặc tuy đã bị xử phạt hành chính về hành vi này nhưng đã quá một năm kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính thì cũng coi như chưa bị xử phạt hành chính.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Tội phạm này xâm phạm đến chế độ quản lý hành chính Nhà nước về hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức. Bảo vệ sự chính xác của các tài liệu trên cũng chính là bảo đảm sự hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính của Nhà nước về các loại giấy chứng nhận và các tài liệu này.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức. Những tài liệu giấy tờ này là tài liệu giấy tờ thật. Nếu người phạm tội biết tài liệu, giấy tờ trên là giả nhưng vẫn sửa chữa, làm sai lệch thì không thuộc trường hợp phạm tội này mà tuỳ trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 267 Bộ luật hình sự.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Trước hết, người phạm tội thực hiện hành vi Sửa chữa, làm sai lệch hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức. Sau khi đã sửa chữa, làm sai lệch các loại giấy tờ trên, người phạm tội dùng giấy tờ đã bị sửa chữa, làm sai lệch để thực hiện hành vi trái pháp luật.

 

Sửa chữa là tiền đề của hành vi làm sai lệch, còn làm sai lệch chỉ là hệ quả của hành vi sửa chữa; nếu sửa chữa mà không làm sai lệch nội dung thì không cấu thành tội phạm.

 

Hành vi sửa chữa, làm sai lệch các giấy tờ trên, người phạm tội có thể sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau như: Tẩy xoá, viết thêm hoặc bằng những thủ đoạn khác làm sai lệch nội dung của hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức. Hành vi sửa chữa có thể được thực hiện một cách giản đơn, nhưng cũng có thể được thực hiện bằng phương pháp công nghệ cao như dùng hoá chất để tẩy xoá rồi viết lại, in lại khác với nội dung ban đầu.

 

Dùng giấy tờ đã bị sửa chữa, làm sai lệch để thực hiện hành vi trái pháp luật là sử dụng giấy tờ đã bị sửa chữa vào mục đích phi pháp như: Dùng hộ chiếu đã bị sửa chữa để xuất cảnh trái phép; dùng giấy khai sinh đã bị sửa chữa để không phải nhập ngũ; dùng giấy chứng nhận hải quan đã bị sửa chữa để tiêu thụ hàng nhập lậu.v.v… Thường thì người phạm tội dùng giấy tờ đã bị sửa chữa vào mục đích phạm tội, nhưng cũng không ít trường hợp họ chỉ dùng giấy tờ đã bị sửa chữa vào những mục đích vi phạm pháp luật chưa tới mức bị coi là tội phạm như: dùng giấy khai sinh đã bị sửa chữa để được tham gia vào đội bóng đá U14, U15, U16,… U21.v.v...

 

Hành vi sửa chữa, làm sai lệch hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức và hành vi dùng giấy tờ đã bị sửa chữa, làm sai lệch để thực hiện hành vi trái pháp luật là điều kiện cần và đủ của hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm; nếu thiếu một trong hai hành vi trên đều không cấu thành tội phạm. Ví dụ: Nếu chỉ sửa chữa, làm sai lệch hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức mà không dùng giấy tờ đã bị sửa chữa, làm sai lệch để thực hiện hành vi trái pháp luật thì chưa cấu thành tội phạm hoặc ngược lại. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt với tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 267 Bộ luật hình sự.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả vừa là dấu hiệu bắt buộc vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

 

Là dấu hiệu bắt buộc nếu hành vi sửa chữa, làm sai lệch hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức gây hậu quả nghiêm trọng thì mới cấu thành tội phạm. Cho đến nay, chưa có giải thích hoặc hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi sửa chữa, làm sai lệch hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức gây ra. Tuy nhiên, qua thực tiễn xét xử thì có thể tham khảo Thông tư số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một só quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 về trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng để xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi sửa chữa, làm sai lệch hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức gây ra, nếu đó là hậu quả về tính mạng, sức khoẻ, tài sản.

 

Nếu nếu hậu quả không phải là tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá tính chất, mức độ của hành vi và của hậu quả phi vật chất do tội phạm gây ra để xác định có thuộc trường hợp gây hậu quả  nghiêm trọng hay không.

 

Không phải là dấu hiệu bắt buộc nếu hành vi sửa chữa, làm sai lệch hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng người thực hiện hành vi đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Đối với tội phạm này, nhà làm luật không quy định dấu hiệu khách quan khác là yếu tố bắt buộc của cấu thành. Tuy nhiên, khi xác định một người có phạm tội này hay không cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cần phải căn cứ vào từng loại giấy tờ mà điều luật quy định có thuộc đối tượng tác động của tội phạm hay không.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Dù không quy định trong điều luật nhưng người phạm tội này thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức là người phạm tội biết hành vi sửa chữa, làm sai lệch hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đã sửa chữa đó để thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện, mong muốn hoặc để mặc cho cho hậu quả nghiêm trọng xảy ra hoặc không cần biết hậu quả của hành vi đó như thế nào.

 

Động cơ phạm tội tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng việc xác định động cơ của người phạm tội là rất quan trọng, nếu vì nể nang, vì thành tích cục bộ thì tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội khác với trường hợp vì lợi ích vật chất hoăc vì trả thù cá nhân hay vì một động cơ hèn hạ khác.

 

Nếu người phạm tội dùng giấy tờ đã bị sửa chữa vó mục đích phạm tội, thì tuỳ trường hợp mà người có hành vi sửa chữa, làm sai lệch giấy tờ mà họ đã sửa chữa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng với tội mà họ đã phạm và tội sửa chữa, làm sai lệch hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức. Ví dụ: Bùi Văn D và đồng bọn sửa chữa giấy chứng nhận của Hải quan thành phố Hồ Chí Minh để tiêu thụ 12 xe ôtô nhập lậu từ Cam-Pụ-Chia vào Việt Nam, thì D và đồng bọn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: tội “sửa chữa, làm sai lệch giấy chứng nhận của cơ quan, tổ chức” và tội “tiêu thụ tàI sản do người khác phạm tội mà có”.

 

Tuy nhiên, nếu người phạm tội sửa chữa giấy tờ rồi dùng giấy tờ đã bị sửa chức vào mục đích lừa đảo chiếm đoạt tàI sản thì chỉ cần truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tàI sản” mà không cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự họ về tội “sửa chữa, làm sai lệch giấy chứng nhận của cơ quan, tổ chức” nữa, vì hành vi sửa chữa, làm sai lệch giấy chứng nhận của cơ quan, tổ chức là thủ đoạn để người phạm tội thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tàI sản, còn giấy tờ đã bị sửa chữa là phương tiện để người phạm tội thực hiện tội phạm.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức không có các tình tiết định khung hình phạt

 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 266 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức. Người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến án ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền ở mức thấp nhất (một triệu đồng); nếu không có tình tiết giảm nhẹ và cũng không có tình tiết tăng nặng thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tiền ở mức cao ( đến mười triệu đồng); nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt tù. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể được hưởng án treo.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 266 Bộ luật hình sự

 

a. Có tổ chức

 

Phạm tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức có tổ chức, là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện việc sửa chữa, làm sai lệch giấy chứng nhận của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.

 

Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (Điều 20 Bộ luật hình sự)8

 

Trong vụ án sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức có tổ chức, tuỳ thuộc vào quy mô và tính chất mà có thể có những người giữ những vai trò khác nhau như: Người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức.

 

Nói chung, các vụ án sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức có tổ chức thường là các vụ án mà việc sửa chữa làm sai lệch bằng công nghệ cao như dung hoá chất tẩy xoá, có sự phân công vai trò cho của từng đồng phạm.

 

b. Phạm tội nhiều lần;

 

Phạm tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức nhiều lần là một người thực hiện hành vi sửa chữa, làm sai lệch hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đã sửa chữa đó để thực hiện hành vi trái pháp luật từ hai lần trở lên và mỗi lần thực hiện hành vi đã cấu thành tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức nhưng tất cả các lần phạm tội đó đều bị xét xử trong cùng một bản án.

 

Khi áp dụng tình tiết này cần chú ý:

 

- Nếu người phạm tội nhiều lần sửa chữa, làm sai lệch hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức nhưng mới có một lần sử dụng giấy tờ đã sửa chữa đó để thực hiện hành vi trái pháp luật, thì cũng chưa bị coi là phạm tội nhiều lần. Tương tự như vây, nếu người phạm tội nhiều lần sử dụng giấy tờ đã sửa chữa để thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng chỉ có một lần sửa chữa, làm sai lệch hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức thì cũng không bị coi là phạm tội nhiều lần.

 

- Nếu hành vi sửa chữa, làm sai lệch hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đã sửa chữa đó để thực hiện hành vi trái pháp luật của bị cáo đã bị xử lý không kể bị xử lý bằng hình thức gì như: đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật... thì không tính lần phạm tội đó vào lần phạm tội sau để coi bị cáo phạm tội nhiều lần.

 

- Trường hợp, hành vi sửa chữa, làm sai lệch hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đã sửa chữa đó để thực hiện hành vi trái pháp luật đã được Viện kiểm sát miễn truy tố hoặc không truy tố cùng với hành vi sửa chữa, làm sai lệch hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức bị đưa ra xét xử, hoặc đã tách để xử lý ở vụ án khác, hoặc đã bị Toà án kết án nhưng đã được xoá án tích, thì các lần phạm tội đó không tính để coi là phạm tội nhiều lần.

 

- Đối với người tuy có hành vi phạm tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức nhiều lần, nhưng chỉ có một lần người phạm tội đủ 16 tuổi, còn những lần khác người phạm tội thực hiện hành vi khi họ chưa trong 16 tuổi thì cũng không coi là phạm tội nhiều lần, vì những lần phạm tội khác hành vi của họ chưa cấu thành tội phạm vì họ chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự. 

 

c. Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng nhưng hậu quả ở đây là hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Do chưa có giải thích hoặc hướng dẫn thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức gây ra, nên có thể tham khảo hướng dẫn tại Thông tư số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một só quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 về trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng để xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức gây ra, nếu đó là hậu quả về tính mạng, sức khoẻ, tài sản.

 

Nếu hậu quả không phải là tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá tính chất, mức độ của hành vi và của hậu quả phi vật chất do tội phạm gây ra để xác định có thuộc trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng hay không.

 

Phạm tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, người phạm tội có thể bị phạt tù từ hai năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự và được áp dụng hình phạt dưới hai năm tù; có thể được hưởng án treo nếu đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự hoặc chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt năm năm tù.

 

3. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể còn bị phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng; bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Khi áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội này cần chú ý:

 

- Chỉ áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nếu người phạm tội là người đã lợi dụng chức vụ để sửa chữa, làm sai lệch hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức. Hình phạt cấm hành nghề chỉ áp dụng đối với người đã lợi dụng nghề nghiệp của mình để sửa chữa, làm sai lệch hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức.

 

- Chỉ áp dụng hình phạt tiền khi không áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính.

 

11. TỘI LÀM GIẢ CON DẤU, TÀI LIỆU CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC

 

 

Điều 267. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức 

 

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c)  Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi  triệu đồng.

 

Định nghĩa: Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là hành vi làm ra con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức giống với con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thật của cơ quan, tổ chức đó hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.

 

Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là tội phạm được tách từ tội giả mạo giấy chứng nhận, tài liệu của cơ quan Nhà nước, của tổ chức xã hội đã được quy định tại Điều 211 Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều sửa đổi, bổ sung.

 

Điều 211 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định nhiều hành vi trong đó có hành vi đã được quy định tại Điều 266 Bộ luật hình sự năm 1999, đồng thời tên tội danh cũng được quy định lại cho phù hợp với hành vi phạm tội.

 

Do có sự sửa đổi, bổ sung, nên khoản 1 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999 được cấu tạo lại cho phù hợp với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 211 Bộ luật hình sự năm 1985, đồng thời sửa đổi, bổ sung một vài điểm như: dùng khái niệm “tài liệu” thay cho khái niệm “giấy tiêu đề” vừa chính xác, vừa phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này trong tình hình hiện nay. Ngoài việc sửa đổi, bổ sung một số điểm, nhà làm luật còn quy định thêm hình phạt tiền là hình phạt chính; bỏ hình phạt cải tạo không giam giữ, nâng hình phạt tù mức thấp nhất từ ba tháng đến ba năm lên từ sáu tháng đến ba năm.

 

Khoản 2 Điều 211 Bộ luật hình sự năm 1985 được quy định lại tại khoản 2 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999, nhưng bổ sung thêm tình tiết “phạm tội nhiều lần; tái phạm nguy hiểm. Tuy nhiên, về hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 267 là từ hai năm đến năm năm, chứ không phải đến bảy năm như khoản 2 Điều 211 Bộ luật hình sự năm 1985.Cấu tạo thêm khoản 3 với tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt từ bốn năm đến bảy năm và khoản 4 quy định hình phạt bổ sung mà Điều 218 Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định hình phạt bổ sung đối với tội phạm này.

So với các tội phạm khác, thì tội phạm này được cấu tạo tương đối đặc biệt, bởi lẽ. Nếu điểm a khoản 1 Điều 211 Bộ luật hình sự năm 1985 và Điều 266 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức  sử dụng giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật…”, thì điểm b khoản 1 Điều 211 Bộ luật hình sự năm 1985 và Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999 lại quy định: “làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân”. Như vậy, nếu sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức mà không sử dụng giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì chưa cấu thành tội phạm, còn nếu làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức mà không sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì cũng đã cấu thành tội phạm hoặc tuy không làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức mà lại sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì cũng cấu thành tội “làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức”. Quy định như vậy rõ ràng là không hợp lý vì, nếu hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân bị coi là tội phạm thì tội phạm này phải là tội “sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân” chứ không thể là tội “làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức” được. Hy vọng rằng, khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 1999 vấn đề này được xem xét lại.  

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này cũng không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, những người phạm tội này cũng có thể là người có chức vụ, quyền hạn có trách nhiệm trong việc khắc con dấu, trong việc quản lý con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức. Ví dụ: cho mượn con dấu của cơ quan mình để người khác làm con dấu giả. Nếu những người này phạm tội thì thuộc trường hợp “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này cả khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của điều luật không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Tội phạm này là xâm phạm đến sự hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước về con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác. Bảo vệ sự an toàn của con dấu và các tài liệu, giấy tờ trên cũng chính là bảo đảm sự hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính của Nhà nước về con dấu và các loại tài liệu, giấy tờ này.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là con dấu giả, tài liệu giả, giấy tờ giả.

 

Việc xác định thế nào là con dấu giả, tài liệu giả, giấy tờ giả trong một số trường hợp không khó, mắt thường cũng có thể phân bịêt được. Tuy nhiên, không ít trường hợp người phạm tội làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ bằng phương pháp công nghệ cao rất khó phát hiện, cần phải giám định mới có thể phân biệt được có phải là giả hay không.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội có thể thực hiện một trong hai hành vi khách quan, đó là:

 

- Hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức;

 

- Hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.

 

Về hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức cũng tương tự như đối với tội sản xuất hàng giả quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ vật “hàng” được làm ra không phải là “hàng hoá” mà là con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ. Vì vậy, khi xác định con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức có bị làm giả hay không phải căn cứ vào con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức là con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ có thật, nếu cơ quan tổ chức không có con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ đó thì cũng không thể coi hành vi làm con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ là hành vi làm giả được, vì không có thật thì cũng không có giả. Ví dụ: Đỗ Xuân Đ cùng với Đinh Văn K bàn bạc dùng giấy giới thiệu giả đi quan hệ ký hợp đồng bán hàng trả chậm rồi chiếm đoạt số hàng nhận bán trả chậm đó. Sau khi vụ án bị phát hiện, Cơ quan điều tra thu được tại nhà của Đỗ Xuân Đông một con dấu, một tập giấy giới thiệu mang tên “Công ty trách nhiệm hữu hạn Sao Mai”, nhưng trên thực tế không có Công ty này. Hành vi làm giả con dấu, giấy giới thiệu của Đỗ Xuân Đông và Đinh Văn K chỉ là thủ đoạn lừa đảo chứ không phải là hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức vì không có Công ty nào là “Công ty trách nhiệm hữu hạn Sao Mai”.

 

Khi xác định hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức cần chú ý: Nếu người phạm tội chỉ làm giả con dấu thì chỉ định tội là “làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức”, nếu người phạm tội chỉ làm giả tài liệu hoặc giấy tờ của cư quan, tổ chức thì chỉ định tội là “làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” mà không định tội danh đầy đủ như điều luật quy định. Nếu người phạm tội bằng tài năng của mình vẽ hình con dấu giả lên tài liệu, giấy tờ, thì hành vi này vừa là hành vi làm giả con dấu, vừa là hành vi làm giả tài liệu và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh đầy đủ như điều luật quy định.

 

Về hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân cũng tương tự như đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự chỉ khác ở chỗ người có hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân không nhằm chiếm đoạt tài sản mà nhằm mục đích khác như: dùng bằng tốt nghiệp giả để xin việc, để được bổ nhiệm, để tăng lương, để được đi lao động ở nước ngoàI; làm giả sổ hộ khẩu để được mua nhà ở thành phố, để được giao đất trồng trồng rừng…

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành cơ bản của tội phạm này, tức là người phạm tội chỉ cần thực hiện hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân là tội phạm đã hoàn thành. Nhưng hậu quả lại là tình tiết định khung hình phạt. Do đó, việc xác định hậu quả do hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức gây ra là rất cần thiết, vì nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2 Điều 267 Bộ luật hình sự; nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 267 Bộ luật hình sự.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Ngoài hành vi khách quan, nhà làm luật không quy định các dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, để xác định hành vi phạm tội cần nghiên các quy định của Nhà nước về con dấu, về tài liệu hoặc các giấy tờ của cơ quan, tổ chức. Trong trường hợp việc xác định gặp khó khăn cần trưng cầu giám định tư pháp, để xác định con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ có phải là giả hay không.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Cũng như đối với tội một số tội phạm khác, dù điều luật không quy định là do cố ý nhưng người phạm tội này thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức là người phạm tội biết hành vi làm con dấu, tài liệu hoặc các giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là hành vi làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả đó để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân nhưng vẫn thực hiện, mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra hoặc không cần biết hậu quả của hành vi đó như thế nào.

 

Động cơ phạm tội cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng việc xác định động cơ của người phạm tội là rất quan trọng, nếu vì nể nang, vì thành tích cục bộ thì tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội khác với trường hợp vì lợi ích vật chất hoăc vì trả thù cá nhân hay vì một động cơ hèn hạ khác. 

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không có các tình tiết định khung hình phạt

 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 267 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ năm triệu đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến án ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền ở mức thấp nhất (năm triệu đồng); nếu không có tình tiết giảm nhẹ và cũng không có tình tiết tăng nặng thì có thể bị phạt tiền ở mức cao (năm mươi triệu đồng) hoặc bị phạt tù 6 tháng đến 1 năm; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến 3 năm tù. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể được hưởng án treo.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 267 Bộ luật hình sự

 

a. Có tổ chức

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 266 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ: phạm tội có tổ chức trường hợp này là để làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân chứ không phải để sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức. Các dấu hiệu về phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự.

 

b. Phạm tội nhiều lần

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 266 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ: Phạm tội nhiều lần trong trường hợp này là nhiều lần làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức và nhiêu lần sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.

 

Khi xác định trường hợp phạm tội nhiều lần quy định tại điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật hình sự cần chú ý: Nếu một lần làm giả con dấu, một lần làm giả tài liệu, một lần làm giả giấy tờ thì người phạm tội không bị coi là phạm tội nhiều lần mà chỉ bị coi phạm tội theo khoản 1 Điều 267 Bộ luật hình sự nhưng với tội danh đầy đủ.

 

c.  Gây hậu quả nghiêm trọng

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 266 Bộ luật hình sự, nhưng khoản 1 Điều 266 Bộ luật hình sự là dấu hiệu cấu thành tội phạm và hậu quả nghiêm trọng gây ra là do hành vi sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức, còn trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 267 Bộ luật hình sự là yếu tố định khung hình phạt và do hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân gây ra.

 

d. Tái phạm nguy hiểm.

 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự thì trường hợp tái phạm nguy hiểm là:

 

Người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng hoăc tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng đối với tội làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức không có trường hợp phạm tội nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng nên chỉ bị coi là tái phạm nguy hiểm trong trường hợp đã tái phạm chưa được xoá án tích mà lại phạm tội làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức.

 

Phạm tội làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, người phạm tội có thể bị phạt tù từ hai năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, chỉ phạm tội thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự và được áp dụng hình phạt dưới hai năm tù hoặc chuyển sang hình phạt tiền; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể và phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, thì có thể bị phạt năm năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 267 Bộ luật hình sự

 

Khoản 3 của điều luật quy định hai tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, nhưng hai tình tiết này lại có mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau, đó là: “phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”.

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm c khoản 2 Điều 266 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là do hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm, cũng là tội phạm nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, chỉ phạm tội thuộc một trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự và được áp dụng hình phạt dưới bốn năm tù, nhưng không được dưới hai năm tù; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể và phạm tội thuộc nhiều trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì có thể bị phạt năm năm tù.

 

4. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

 

Khi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cần chú ý:

 

- Chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung, khi không áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính;

 

- Người phạm tội có thể được phạt dưới 5 triệu đồng nhưng không được dưới 1 triệu đồng và cũng không được trên 50 triệu đồng.

 

So với tội làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức nhà làm luật không quy định hình phạt bổ sung là hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định mặc dù người phạm tội có thể là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Tuy nhiên, thực tiến xét xử cho thấy, chủ thể của tội phạm này chủ yếu là người ngoài xã hội, nên yêu cầu của việc phòng ngừa đối với người có chức vụ, quyền hạn không đặt ra. 

 

12. TỘI CHIẾM ĐOẠT, MUA BÁN, TIÊU HUỶ CON DẤU, TÀI LIỆU CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, TỔ CHỨC XÃ HỘI 

 

 

Điều 268. Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ con dấu, tài liệu của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội 

 

1. Người nào chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội không thuộc tài liệu bí mật Nhà nước hoặc bí mật công tác, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ  ba tháng đến  hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa:

 

Tương tự như đối với tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự, nhà làm luật quy định tới ba hành vi trong cùng một tội danh, nên không thể nêu một định nghĩa chung, mà chỉ có thể định nghĩa đối với từng hành vi. (xem hành vi khách quan của tội phạm)

 

Nếu chỉ căn cứ vào hành vi chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu thì cũng tương tự với hành vi chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự. Sự khác nhau cơ bản giữa hai loại hành vi phạm tội này là đối tượng phạm tội. Nếu ở Điều 263 Bộ luật hình sự tài liệu bị chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ là tài liệu bí mật Nhà nước, còn ở Điều 268 Bộ luật hình sự tài liệu bị chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ không phải là tài liệu bí mật Nhà nước và cũng không phải là bí mật công tác, mà là tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội.

 

Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội đã được quy định tại Điều 212 Bộ luật hình sự năm 1985. Về cơ bản, Điều 268 Bộ luật hình sự năm 1999 không có nhiều sửa đổi, bổ sung mà chỉ bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính, thêm tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng và tái phạm nguy hiểm” là yếu tố định khung hình phạt và quy định hình phạt bổ sung mà Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

Như trên đã nêu, tội phạm này hoàn toàn tương tự như tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, để tiện việc theo dõi, chúng tôi nêu lại những dấu hiệu cơ bản và những điểm khác nhau giữa tội phạm này với tội phạm quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự.

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này cũng không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này cả khoản 1 và khoản 2 của điều luật không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Tội phạm này là xâm phạm đến sự hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội  trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước về sự an toàn, nguyên vẹn của con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội.

 

Đối tượng tác động là con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội bị chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ. Đây là dấu hiệu cơ bản để phân biệt tội phạm này với tội phạm quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự. Tài liệuhoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội bị chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ phải là các tài liệu có nội dung mà người phạm tội quan tâm. Ví dụ: Chiếm đoạt, tiêu huỷ chứng từ nghiệm thu công trình để nhằm trốn tránh trách nhiệm.

 

Khi xác định con dấu, tài liệu, giấy tờ bị chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ cần chú ý: Con dấu, tài liệu, giấy tờ phải là của cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội, chứ không phải của cơ quan, tổ chức như quy định đối với một số tội phạm trong Chương này, vì khái niệm “cơ quan, tổ chức” rộng hơn khái niệm cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. Cơ quan có thể bao gồm cả cơ quan không phỉa là của Nhà nước và tổ chức thì cũng rát da dạng, có tổ chức được coi là tổ chức xã hội , nhưng có tổ chức chỉ là một tổ chức có tính chất nghề nghiệp, tổ chức của nước ngoàI tại Việt Nam.v.v…

 

Như vậy phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội theo Điều 268 Bộ luật hình sự hẹp hơn so với các tội phạm quy định tại các Điều 266, 267 Bộ luật hình sự.

 

Đây cũng là vấn đề về lý luận cũng như thực tiễn xét xử còn nhiều ý kiến khác nhau và không ít trường hợp rất khó phân biệt, nhất là trong điều kiện hiện nay khi mà Nhà nước ta đang trên đường hội nhập, nếu phân biệt cơ quan Nhà nước với cơ quan không phải Nhà nước; tổ chức xã hội  với tổ chức không phải là tổ chức xã hội không phải đơn giản. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, Nhà nước chỉ nên quy định như Điều 266 và 267 Bộ luật hình sự. Hy vọng rằng khi có chủ trương sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự nhà làm luật sẽ quan tâm đến ý kiến này. 

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Chiếm đoạt con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội là hành vi dùng các thủ đoạn lén lút, gian dối, uy hiếp thể chất hoặc tinh thần đối với người quản lý con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác để lấy các tài liệu, giấy tờ đó hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp quản lý con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác để lấy con dấu, tài liệu, giấy đó.

 

Hành vi chiếm đoạt hoàn toàn giống với hành vi chiếm đoạt tàI sản, nên có thể nói chiếm đoạt con dấu, tài liệuhoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội là cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, công nhiên chiếm đoạt; trộm cắp, lửa đảo, lạm tín nhiệm, tham ô con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội.

 

 Mua bán con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội là hành vi dùng tiền hoặc tài sản để trao đổi với người có trách nhiệm quản lý con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội để có con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội để cất giữ, để bán lại cho người khác hoặc bán con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội mà mình quản lý, cất giữ cho người khác để lấy tiền hoặc tài sản.

 

Tiêu huỷ con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội là làm cho con dấu, tài liệuhoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội không còn giá trị sử dụng được nữa. Hành vi tiêu huỷ được thể hiện bằng nhiều cách như: đốt cháy, xét nát, nghiền nát, dùng các hoá chất để huỷ hoại. v.v…

 

Hành vi tiêu huỷ con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội cũng tương tự với hành vi cố ý làm hư hỏng hoặc huỷ hoại tàI sản.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của tội phạm này cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc, nhưng việc xác định hậu quả cũng rất quan trọng vì, nếu người phạm tội gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 268 Bộ luật hình sự.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Ngoài hành vi khách quan, nhà làm luật còn quy định dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, đó là: tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức xã hội, nhưng không phải là tài liệu hoặc giấy tờ có nội dung bí mật Nhà nước hoặc bí mật công tác. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt giữa tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội với tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ bí mật Nhà nước quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Bản chất hành vi chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức xã hội đã chứa đựng sự cố ý của người thực hiện hành vi, nên dù điều luật không quy định là cố ý thì ai cũng hiểu là người phạm tội này thực hiện hành vi phạm tội là do cố ý.

 

Động cơ, mục đích của người phạm tội cũng là một dấu hiệu quan trong để phân biệt với trường hợp chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức xã hội nhằm cung cấp cho nước ngoài để chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 80 Bộ luật hình sự về tội gián điệp.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ con dấu, tài liệu của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội không có các tình tiết định khung hình phạt

 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 268 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xã hội. Người phạm tội có thể bị phạt bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ  ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt đến 2 năm tù. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể được hưởng án treo.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 268 Bộ luật hình sự

 

a. Có tổ chức

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 266 và Điều 267 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ: phạm tội có tổ chức trong trường hợp này là để chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. Các dấu hiệu về phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự.

 

b. Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 266 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ: hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là do hành vi chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội gây ra.

 

c. Tái phạm nguy hiểm

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 267 Bộ luật hình sự. Chỉ bị coi là tái phạm nguy hiểm trong trường hợp đã tái phạm chưa được xoá án tích mà lại phạm tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội.

 

Phạm tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, người phạm tội có thể bị phạt tù từ một năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, chỉ phạm tội thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự và được áp dụng hình phạt dưới một năm tù hoặc chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tiền; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể và phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, thì có thể bị phạt năm năm tù.

 

3. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại khoản 3 Điều 266 Bộ luật hình sự. Chỉ áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nếu người phạm tội là người đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Hình phạt cấm hành nghề chỉ áp dụng đối với người đã lợi dụng nghề nghiệp của mình để chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. Chỉ áp dụng hình phạt tiền khi không áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính.

 

13. TỘI KHÔNG CHẤP HÀNH CÁC QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH CỦA CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN VỀ VIỆC ĐƯA VÀO CƠ SỞ GIÁO DỤC, CƠ SỞ CHỮA BỆNH, QUẢN CHẾ HÀNH CHÍNH

 

 

Điều 269. Tội không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính  

 

Người nào cố ý không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính mặc dù đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến  ba năm.

 

Định nghĩa: Cố ý không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính là hành vi của người đã có quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính mặc dù đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết nhưng vẫn cố tình không chấp hành.

 

Tội cố ý không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính đã được quy định tại Điều 213 Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, so với Điều 213 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 269 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều sửa đổi, bổ sung.

 

Nếu Điều 213 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: Không chấp hành các quyết định hành chính về cư trú bắt buộc, cấm cư trú, quản chế hoặc lao động bắt buộc, thì Điều 269 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: Cố ý không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính. Về nội dung tuy không có gì thay đổi lớn, nhưng về mặt học thuật, quy định tại Điều 269 chính xác hơn và khoa học hơn; quy định như Điều 213 Bộ luật hình sự năm 1985 thực chất là quy định về việc quản chế hành chính, vì nội dung của chế định quản chế đã bao gồm việc cư trú bắt buộc và cấm cư trú rồi. Chế định lao động bắt buộc cũng rộng hơn so với việc đưa vào cơ sở giáo dục quy định tại Điều 269 Bộ luật hình sự năm 1999; Điều 269 Bộ luật hình sự năm 1999 còn quy định thêm hành vi không chấp hành quyết định về việc đưa vào cơ sở giáo dục mà Điều 213 Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định.

 

Nếu Điều 213 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định người không chấp các quyết định hành chính về cư trú bắt buộc, cấm cư trú, quản chế hoặc lao động bắt buộc là đã cấu thành tội phạm, thì Điều 269 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định người không chấp hành phải là người đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết mà vẫn không chấp hành thì mới cấu thành tội phạm. Đây là quy định mới và cũng là vẫn đề thực tiễn xét xử có nhiều ý kiến khác nhau khi xác định hành vi phạm tội ( chúng tôi sẽ phân tích ở phần sau).

 

Nếu Điều 213 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định khung hình phạt từ ba tháng đến một năm, thì Điều 269 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định khung hình phạt từ sáu tháng đến ba năm.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM ,

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này có thể nói là chủ thể đặc biệt, nhưng không phải là đặc biệt như một số tội mà người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn; tính chất đặc biệt ở đây là người đã có quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính và đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết.

 

Người đã có quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính là người bị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định bằng văn bản về việc đưa họ vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc quyết định quản chế hành chính. Một người chỉ có thể bị áp dụng một trong ba loại quyết định, mà không thể cùng một lúc bị áp dụng cả ba quyết định trên; không thể vừa đưa vào cơ sở giáo dục, vừa đưa vào cơ sở chữa bệnh, vừa quản chế hành chính.

 

Người đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết là người đã có quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc quản chế hành chính, nhưng không tự nguyện chấp hành quyết định đó nên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp cưỡng, nhưng vẫn cố tình không chấp hành. Đây là vấn đề phức tạp thực tiễn có nhiều ý kiến khác nhau. Ví dụ: Thế nào là đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết về việc đưa vào cơ sở giáo dục ? Biện pháp cưỡng chế cân thiết là biện pháp gì ? Ai là người có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế... 9

 

Người cố ý không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính, chỉ bị coi là tội phạm khi họ đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết nhưng vẫn cố tình không vào cơ sở vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc không chấp hành các quy định về quản chế hành chính.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Khách thể bị xâm phạm của tội phạm này là hoạt đồng bình thường về lĩnh vực quản lý hành chính trong việc buộc người có hành vi vi phạm vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc về việc quản chế hành chính, mà cụ thể là quy định của cơ quan Nhà nước về việc đưa người có hành vi vi phạm vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc về việc quản chế hành chính.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Theo quy định của điều văn của điều luật thì người phạm tội có thể thực hiện một trong ba hành vi phạm tội sau đây:

 

- Cố ý không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục;

 

- Cố ý không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở chữa bệnh;

 

- Cố ý không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc quản chế hành chính.

 

Vì vậy, khi xác định tội danh đối với người phạm tội phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để định tội cho chính xác. Nếu người phạm tội chỉ thực hiện một hành vi thì chỉ định tội theo hành vi mà người phạm tội thực hiện. Ví dụ: Người phạm tội chỉ thực hiện hành vi không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, thì định tội là: Cố ý không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, mà không định tội đầy đủ như quy định tại điều luật.

 

Đối với trường hợp người phạm tội cố ý không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở chữa bệnh và quản chế hành chính, cần phân biệt với trường hợp người phạm tội bị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc và bị Toà án áp dụng hình phạt quản chế là hình phạt bổ sung.

 

Nếu người phạm tội bị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc mà không chấp hành thì cơ quan tiến hành tố tụng có biện pháp buộc người đó phải vào bệnh viện; nếu họ bỏ trốn hoặc cố tình không chấp hành quyết định đó thì không thuộc trường hợp phạm tội “cố ý không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở chữa bệnh”, vì quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh không phải là của cơ quan hành chính Nhà nước, mà là của cơ quan tiến hành tố tụng.

 

Nếu người bị Toà án áp dụng hình phạt quản chế mà cố ý không chấp hành các quy định của pháp luật về hình phạt quản chế thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội “cố ý không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quản chế hành chính” mà là hành vi phạm tội không thi hành án quy định tại Điều 305 Bộ luật hình sự.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này và nếu có hậu quả xảy ra thì người phạm tội cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về khung hình phạt nặng hơn, vì tội phạm này nhà làm luật chỉ quy định một khung hình phạt. Tuy nhiên, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị áp dụng hình phạt nặng hơn trường hợp chưa gây hậu quả.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Mặc dù nhà làm luật không quy định các tình tiết khách quan khác là tình tiết định tội, nhưng khi xác định hành vi phạm tội, không thể không nghiên cứu các quy định của Nhà nước về việc đưa một người vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, về quản chế hành chính. Ví dụ: Khi xác định hành vi cố ý không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục cần phải nghiên cứu Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính; Nghị định 76/2003/NĐ-CP, ngày 27-6-2003 của Chính phủ.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Theo điều văn của điều luật thì người phạm tội chỉ có thể thực hiện hành vi của mình do cố ý. Việc nhà làm luật quy định “cố ý không chấp hành…” không phải vì có trường hợp không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính do vô ý mà là muốn nhấn mạnh tình tiết “người phạm tội đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết mà vẫn cố tình không chấp hành”. Đây chỉ là kỹ thuật làm luật, đồng thời khẳng định hành vi của người phạm tội là do cố ý.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

Đối với tội không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính nhà làm luật chỉ quy định một trường hợp phạm tội và đó cũng là cấu thành cơ bản của tội phạm. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, mức hình phạt trên chỉ phù hợp với người phạm tội không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở chữa bệnh, còn đối với người phạm tội không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục và về quản chế hành chính cần quy định mức hình phạt năng hơn mới thoả đáng, vì những người bị đưa vào cơ sở giáo dục và người cần quản ché hành chính đều là những người có nhân thân xấu, thậm chí đã có nhều tiền án, tiền sự nhưng không chịu sự quản lý của chính quyền địa phương, thường có hành vi vi phạm pháp luật và những hành vi này chưa đấn mức cấu thành tội phạm. Nếu quy định mức hình phạt nhẹ đối với họ thì không có tác dụng đấu tranh phòng ngừa. Vì vậy, có ý kiến đề nghị khi có chủ trương sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự, nhà làm luật cần nâng mức hình phạt đối với người phạm tội không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục và về quản chế hành chính lên năm năm tù trong trường hợp tái phạm.

 

So với Điều 213 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này thì Điều 269 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm năng hơn, vì Điều 213 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hình phạt ba tháng đến một năm.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới sáu tháng tù; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo.

 

14. TỘI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ NHÀ Ở

 

 

Điều 270.  Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở 

 

1. Người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không  giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu.

2.  Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

 

Định nghĩa: Vi phạm các quy định về quản lý nhà ở là hành vi chiếm dụng chỗ ở hoặc xây dựng nhà trái phép.

 

Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở đã được quy định tại Điều 214 Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, so với Điều 214 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 270 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều sửa đổi, bổ sung.

 

Điều 269 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định thêm từ “ở” để làm rõ hơn tội danh nhằm phân biệt với trường hợp vi phạm các quy định về quản lý nhà mà không phải là nhà ở. Điều 269 Bộ luật hình sự 1999, ngoài việc quy định người phạm tội đã bị xử phạt hành chính thì còn quy định hoặc đã bị kết án về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở mà còn vi phạm thì mới cấu thành tội phạm và tăng hình phạt cải tạo không giam giữ từ một năm lên hai năm; quy định hình phạt bổ sung mà Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định đối với tội phạm này.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này cũng không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Tuy nhiên, để có thể trở thành chu thể của tội phạm này thì người có hành vi chiếm dụng chỗ ở hoặc xây dựng nhà trái phép phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì mới cấu thành tội phạm.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý hành chính về nhà ở của Nhà nước.

 

Các quy định của Nhà nước về quản lý nhà thì có nhiều nhưng người phạm tội chỉ xâm phạm đến các quy định về chỗ ở, về xây dựng nhà ở, còn các quy định khác về nhà không phải là nhà ở thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của tội phạm này.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội có thể thực hiện một trong hai hành vi: chiếm dụng chỗ ở trái phép hoặc hành vi xây dựng nhà ở trái phép.

 

- Chiếm dụng chỗ ở trái phép

 

Chiếm dụng chỗ ở trái phép là hành vi lén lút hoặc ngang nhiên vào chỗ ở của người khác và sử dụng như chỗ ở của mình như: vào ở nhà vắng chủ không được phép của chủ nhà hoặc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (nhảy dù); dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực đuổi người khác ra khỏi nhà rồi vào nhà đó để ở; lừa dối chủ nhà để chủ nhà ra khỏi nhà rồi vào nhà đó để ở; lợi dụng lúc chủ nhà đi vắng, dọn đồ đạc của chủ nhà ra khỏi nhà rồi dọn đò của mình vào nhà đó ở...

 

Chiếm dụng là chiếm và sử dụng như là của mình. Nều chỉ chiếm mà không sử dụng thì không thuộc trường hợp vi phạm quy định về quản lý nhà mà tuỳ trường hợp họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “xâm phạm chỗ ở của công dân”. Ví dụ: Huỳnh Văn B, Huỳnh Văn C và Huỳnh Văn D cho rằng ngôi nhà mà chị Huỳnh Thị H đang ở là nhà của bố mẹ để lại, chị H không có quyền sở hữu. Huỳnh Văn B, Huỳnh Văn C và Huỳnh Văn D đã kiện ra Toà án nhân dân quận L để chia thừa kế, nhưng Toà án nhân dân quận L đã bác đơn yêu cầu chia thừa kế của Huỳnh Văn B, Huỳnh Văn C và Huỳnh Văn D. Bị thua kiện, lợi dụng khi gia đình chị H đi nghỉ mát, Huỳnh Văn B, Huỳnh Văn C và Huỳnh Văn D đã đến phá khoá vào nhà chị H khuân hết đồ đạc đem ra ngoài xếp lại thành một đống rồi lấy khoá khác khoá nhà lại. Hành vi của Huỳnh Văn B, Huỳnh Văn C và Huỳnh Văn D không phải là hành vi chiếm dụng chỗ ở mà là hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác, vì Huỳnh Văn B, Huỳnh Văn C và Huỳnh Văn D không sử dụng nhà của chị H để ở.

 

 Khi xác định hành vi chiếm dụng trái phép chỗ ở cần phân biệt với hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân quy định tại Điều 124 Bộ luật hình sự.10 Nếu người phạm tội đuổi người khác ra khỏi nhà rồi chiếm dụng nhà để ở thì hành vi của người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả hai tội: tội xâm phạm chỗ ở của công dân và tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở; nếu đuổi người khác ra khỏi nhà để cho người mà mình quan tâm chiếm dụng nhà của người bị đuổi thì người có hành vi đuổi người khác ra khỏi nhà phạm tội xâm phạm chố ở của công dân, còn người được vào nhà đó phạm tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở.

 

Chỗ ở được hiểu là nơi con người sinh sống, sinh hoạt hàng ngày, bao gồm: nhà ở và các công trình phụ như: bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm…; chỗ ở còn là những nơi ở thường xuyên của một người, một gia đình mà đó được coi như là nhà ở như: Tầu, thuyền, giường ngủ trong khu ký túc xá sinh viên...

 

- Xây dựng nhà ở trái phép

 

Xây dựng nhà ở trái phép là hành vi làm nhà ở mà không có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc không đúng với giấy phép trong trường hợp Nhà nước quy định việc làm nhà ở phải có giấy phép. Việc xây dựng nhà ở trái phép chỉ có thể xảy ra trong trường hợp Nhà nước quy định việc xây dựng nhà ở phải xin phép, còn đối với những nơi việc làm nhà của người dân không cần phải xin phép thì không xảy ra hành vi này.

 

Xây dựng nhà ở trái phép còn bao gồm cả hành vi sửa chữa nhà đang được sử dụng vào mục đích khác thành nhà ở không được phép như: Sửa văn phòng làm việc, trường học, trụ sở cơ quan thành nhà ở; sửa đình, chùa, miếu, nhà thờ thành nhà ở...

 

Trong thời gian qua, tình trạng xây dựng nhà ở trái phép xảy ra tương đối phổ biến, nhưng các cơ quan chức năng không xỷ lý triệt để, gây bức xúc cho nhiều người; việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người xây dựng nhà ở trái phép cũng rất ít mà chủ yếu là phạt hành chính, buộc tháo dỡ công trình, nhưng hiện tượng phạt “cho tồn tại” cũng nhiều.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nếu hậu quả xảy ra cấu thành tội phạm khác thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng. Ví dụ: Chiếm dụng chỗ ở gây mất trật tự công cộng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng; Nếu xây nhà trái phép gây chết người thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Điều luật không quy định các dấu hiệu khách quan khác là yếu tố định tội nhưng khi xác định hành vi phạm tội cần chú ý nghiên cứu các quy định của Nhà nước về xác định nhà ở, về xây dựng nhà ở và các quy định khác của Nhà nước  về việc xử lý hành vi vi phạm để xác định dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Đối với tội phạm này, người phạm tội thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức được hành vi của minh là chiếm dụng chỗ ở của người khác hoặc hành vi của mình là hành vi xây dựng nhà trái phép, mặc dù đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội phạm này, nhưng vẫn cố tình vi phạm. Việc nhà làm luật quy định dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội phạm này mà còn vi phạm” là thể hiện sự cố ý của người phạm tội rồi.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

Đối với tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở, nhà làm luật chỉ quy định một trường hợp phạm tội và đó cũng là cấu thành cơ bản của tội phạm. Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo.

 

Đối với tội phạm này, nhà làm luật quy định biện pháp cưỡng chế hành chính ngay trong điều luật như là một hình phạt bổ sung nhưng không mang tính chất là một loại hình phạt, đó là: Nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu. Tuy nhiên, do điều luật chỉ quy định “có thể” nên khi xét xử, nếu thấy cần thiết phải dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu thì trong bản án Toà án phải tuyên rõ là có dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu nhà ở, công trình xây dựng trái phép đó ?

 

Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

 

15. TỘI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH VỀ XUẤT BẢN, PHÁT HÀNH SÁCH, BÁO, ĐĨA ÂM THANH, BĂNG ÂM THANH, ĐĨA HÌNH, BĂNG HÌNH HOẶC CÁC ẤN PHẨM KHÁC

 

Điều 271. Tội vi phạm các quy định về xuất bản, phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hĩnh, băng hình hoặc các ấn phẩm khác 

 

1. Người nào vi phạm các quy định về xuất bản và phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Vi phạm các quy định về xuất bản và phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác là hành vi không chấp hành hoặc chấp hành không đúng các quyết định của Nhà nước về xuất bản, về phát hành các loại sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác.

 

Tội vi phạm các quy định về xuất bản và phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác là tội phạm đã được quy định tại Điều 215 Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, Điều 271 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều sửa đổi, bổ sung cho phù hợp sự phát triền kinh tế, xã hội. Nếu trước đây chỉ có sách, báo thì này còn có đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình và nhiều ấn phẩm khác mà nhà làm luật cũng khó có thể liệt kê hết được nên vẫn gọi chung là “các ấn phẩm khác”. Nếu Điều 215 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hình phạt tiền từ 250.000 đồng đến 10.000.000 đồng thì Điều 271 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hình phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, đồng thời quy định hình phạt bổ sung mà Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định đối với tội phạm này.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này cũng không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, chủ thể của tội phạm này thường là những người có liên quan đến việc xuất bản và phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý hành chính về lĩnh vực xuất bản và phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác.

 

Hiện nay, việc quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất bản và phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác đang là vấn đề phức tạp, ranh giới giữa hành vi vi phạm hành chính với hành vi phạm tội cũng không rõ ràng, thông thường các hành vi vi phạm các quy định về xuất bản và phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác, nếu có phát hiện được cũng chủ yếu bị xử lý hành chính, it có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác được xuất bản trái phép hoặc phát hành trái phép.

 

Nếu các ấn phẩm được xuất bản, phát hành có nội dung bí mật Nhà nước hoặc bí mật công tác thì tuỳ trường hợp cụ thể, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý hoặc vô ý làm lộ bí mật Nhà nước hoặc bí mật công tác quy định tại các Điều 263, 264, 286 và 287 Bộ luật hình sự.

 

Nếu các ấn phẩm được xuất bản, phát hành có nội dung xâm phạm quyền tác giả (đạo văn, đạo nhạc…) thì tuỳ trường hợp người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm quyền tác giả quyền tác giả quy định tại Điều 131 Bộ luật hình sự 

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội có thể thực hiện hành vi vi phạm quy định về xuất bản và hành vi vi phạm các quy định về phát hành hoặc một trong hai hành vi đó.

 

Vi phạm các quy định về xuất bản

 

Vi phạm các quy định về xuất bản là hành vi phổ biến rộng rãi bằng kỹ thuật in sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác không đúng với quy định của Nhà nước về xuất bản.

 

Vi phạm các quy định về phát hành

 

Vi phạm các quy định về phát hành là hành vi đem bán hoặc phân phối sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác không đúng với quy định của Nhà nước về phát hành.

 

Xuất bản, phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác trái phép được người phạm tội thực hiện bằng nhiều thủ đoạn như: in lậu, bán hoặc phân phối lậu các ấn phẩm đã in lậu; in và phát hành các ấn phẩm Nhà nước cấm.v.v…

 

Việc xuất bản, phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác được quy định tại Luật xuất bản và các quy định khác của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, do nhiều lý do nên tình trạng xuất bản, phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác hiện nay có nhiều vi phạm. Trong đó, những vi phạm trong lĩnh vực này chủ yếu được xử lý bằng biện pháp hành chính, trường hợp người vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự rất hãn hữu, và nếu có bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì thường đi liên với hành vi xuất bản, phát hành trái phép là hành vi phạm tội nghiêm trọng hơn như: Truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy hoặc hành vi hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này, nhưng nếu hậu quả do hành vi xuất bản, phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì tuỳ trường hợp người phạm tội phải bị xử phạt nặng hơn người phạm tội chưa gây ra hậu quả.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Điều luật không quy định các dấu hiệu khách quan khác là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt nhưng khi xác định hành vi xuất bản, phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác trái phép cần nghiên cứu các quy định của Nhà nước về xuất bản, phát hành các ấn phẩm như: Luật xuất bản năm 2004, các quy định của Bộ thông tin-Văn hoá của các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực xuát bản, phát hành.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Đối với tội phạm này, người phạm tội thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là hành vi xuất bản, phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác là trái phép nhưng vẫn thực hiện.

 

Mục đích động cơ của người phạm tội cũng là dấu hiệu quan trọng để phân biệt trường hợp vi phạm các quy định về xuất bản, phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác với trường hợp truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy hoặc tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua hành vi xuất bản, phát hành trái pháp luật.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

Đối với tội vi phạm các quy định về xuất bản và phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác, nhà làm luật chỉ quy định một trường hợp phạm tội và đó cũng là cấu thành cơ bản của tội phạm. Người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền ở mức thấp; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt tiền ở mức cao hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo.

 

Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Khi áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cần chú ý: Chỉ áp dụng hình phạt tiền khi không áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính; chỉ áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ đối với người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; hình phạt cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định nếu người phạm tội lợi dụng nghề nghiệp hoặc công việc nhất định để phạm tội.

 

16. TỘI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HOÁ, DANH LAM, THẮNG CẢNH GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

 

 

Điều 272.  Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng 

 

1. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử, văn hoá,  danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà  còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ hai  triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

 

Định nghĩa: Vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh là không thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh.

 

 Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh là tội phạm đã được quy định tại Điều 216 Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, Điều 272 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều sửa đổi, bổ sung. Nếu Điều 216 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu định tội thì Điều 272 quy định thêm tình tiết “ hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà  còn vi phạm” là tình tiết định tội, đồng thời quy định thêm loại hình phạt tiền là hình phạt chính, tăng hình phạt cải tạo không giam giữ lên tới ba năm và cấu tạo thêm khoản 2 với tình tiết là yếu tố định khung hình phạt là “Phạm tội trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” với khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù, làm cho tính chất của tội phạm này từ tội ít nghiêm trọng thành tội nghiêm trọng.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này cũng không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp những người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích đó thì bị coi là phạm tội có tình tiết tăng nặng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội”.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này cả khoản 1 và khoản 2 của điều luật không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Nếu hành vi vi phạm chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người phạm tội phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì mới là chủ thể của tội phạm này.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Khách thể bị xâm phạm của tội phạm này là trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh.

 

Di tích lịch sử-văn hoá là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học. Ví dụ: Cây đa Tân Trào, Suối Lê-nin, núi Các-Mác, Đình Bảng, Văn Miếu, chùa Một Cột, Chùa Keo, …

 

Di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học.

 

Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên.

 

Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hoá, khoa học.

 

Di sản văn hoá còn bao gồm di sản văn hoá vật thể và phi vật thể.

 

Di sản văn hoá vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lich sử, văn hoá, khoa học bao gồm di tích lịch sử-văn hoá, danh lam, thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

 

Di sản văn hoá phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lich sử, văn hoá, khoa học được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hoá ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác.

 

Danh lam, thắng cảnh là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học. Ví dụ: Vịnh Hạ Long, động Phong Nha-Kẻ Bàng, Chùa Hương, rừng Cúc Phương…

 

Việc xác định di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh phải căn cứ vào Luật di sản văn hoá được Quốc hội thông qua ngày 29-6-2001 và các văn bản hướng dẫn của  Chính phủ, Bộ, Ngành. Trong một số trường hợp cần phải yêu cầu cơ quan chuyên môn thẩm định.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Có thể nói, đối với tội phạm này người phạm tội chỉ thực hiện một hành vi phạm tội là hành vi “vi phạm”, nhưng hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh.

 

Vi phạm là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh.

 

Hành vi vi phạm được biểu hiện bằng nhiều hình thức cụ thể như:

 

- Chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hoá;

 

- Huỷ hoại hoặc gây nguy cơ huỷ hoại di sản văn hoá;

 

- Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh;

 

- Mua bán, trao đổi và vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài;

 

- Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá để thực hiện những hành vi trái pháp luật.

 

Nếu buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài, thì tuỳ trường hợp cụ thể, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 153 Bộ luật hình sự về tội buôn lậu hoặc Điều 154 Bộ luật hình sự về tội vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này, nếu hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và người có hành vi chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc chưa bị kết án về tội này, hoặc đã bị kết án nhưng đã được xoá án tích thì chưa cấu thành tội phạm.

 

Cho đến nay chưa có giải thích hoặc hướng dẫn chính thức thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh gây ra, vì vậy các cơ quan tiến hành tố tụng có thể tham khảo Thông tư số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một só quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 về trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng để xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh gây ra.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Mặc dù điều luật không quy định các dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu cấu thành tội phạm, nhưng khi xác định hành vi phạm tội, cần nghiên cứu các quy định của Nhà nước về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh được quy định tại Luật di sản văn hoá được Quốc hội thông qua ngày 29-6-2001 và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, của Bộ văn hoá - Thông tin.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Tội phạm này, vừa do cố ý, vừa do vô ý. Tuy nhiên, không phải là người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm vừa cố ý, vừa vô ý mà tuỳ trường hợp cụ thể để xác định người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hay do vô ý.

 

Cố ý vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh là nhận thức nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh nhưng vẫn thực hiện. Ví dụ: Huỷ hoại, chiếm đoạt, mua bán trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

 

Vô ý vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh là tuy thấy trước hành vi của minh là vi phạm nhưng cho rằng có thể ngăn ngừa được hậu quả hoặc không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả, mặc dù phải thấy trước. Ví dụ: Do thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra nên không phát hiện được di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh bị hư hỏng hoặc bị sử dụng sai mục đích.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội vi phạm các quy định về về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh không có các tình tiết định khung hình phạt

 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 272 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội vi phạm các quy định về về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh. Người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền ở mức thấp nhất (hai triệu đồng); nếu không có tình tiết giảm nhẹ và cũng không có tình tiết tăng nặng thì có thể bị phạt tiền ở mức cao (hai mươi triệu đồng) hoặc cải tạo không giam giữ; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến 3 năm tù. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể được hưởng án treo.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 272 Bộ luật hình sự

 

Khoản 2 của điều luật quy định hai tình tiết là yếu tố định khung hình phạt nhưng có mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau, đó là vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

 

Do chưa có chưa có giải thích hoặc hướng dẫn chính thức thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh gây ra, vì vậy các cơ quan tiến hành tố tụng có thể tham khảo Thông tư số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một só quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 để xác định hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới hai năm tù hoặc chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

 

17. TỘI VI PHẠM CÁC QUY CHẾ VỀ KHU VỰC BIÊN GIỚI

 

Điều  273.  Tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới

 

1. Người nào vi phạm quy định về cư trú, đi lại hoặc các quy định khác về khu vực biên giới, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Tái phạm hoặc phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Vi phạm quy chế về khu vực biên giới là hành vi vi phạm quy định về cư trú, đi lại hoặc các quy định khác về khu vực biên giới.

 

Tội phạm này là tội phạm mới mà Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định, nhưng do tính chất và tầm quan trọng của biên giới là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, việc xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh, nên nhà làm luật quy định hành vi vi phạm quy chế khu vực biên giới là hành vi phạm tội là rất cần thiết.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này cũng không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này cả khoản 1 và khoản 2 của điều luật không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Nhưng những người trên chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới khi họ đã bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm quy định về cư trú, đi lại hoặc các quy định khác về khu vực biên giới hoặc đã bị kết án về tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Khách thể bị xâm phạm của tội phạm này là trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực cư trú, đi lại hoặc các quy định khác về khu vực biên giới, mà cụ thể là quy chế về khu vực biên giới.

 

Việc cư trú, đi lại hoặc các vấn đề khác về khu vực biên giới được Chính phủ quy định rất cụ thể và được các cấp chính quyền địa phương vùng biên phổ biến cho nhân dân. Do tính chất của vùng biên, nên Nhà nước phải quy định việc cư trú, đi lại… khác với các vùng dân cư khác. Vì là quy chế, nên nó không phải là quy định có tính bắt buộc chung cho tất cả các vùng mà chỉ có tính bắt buộc trong phạm vi vùng biên giới.

 

Theo Điều 6 Luật biên giới quốc gia thì, Khu vực biên giới bao gồm:

- Khu vực biên giới trên đất liền gồm xó, phường, thị trấn cú một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền;

- Khu vực biờn giới trên biển tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo;

- Khu vực biên giới trên không gồm phần không gian dọc theo biên giới quốc gia có chiều rộng mười kilômét tính từ biên giới quốc gia trở vào.

Hành vi vi phạm quy chế về khu vực biên giới chủ yếu là vi phạm quy chế về khu vực biên giới đất liền và khu vực biên giới trên biển.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Đối với tội phạm này người phạm tội chỉ thực hiện một hành vi phạm tội là hành vi “vi phạm”, nhưng là vi phạm quy định về cư trú, đi lại hoặc các quy định khác về khu vực biên giới.

 

Vi phạm quy định về cư trú khu vực biên giới là không chấp hành hoặc chấp hành không đúng những quy định về cư trú ở khu vực biên giới.

 

 Theo quy định tại Nghị định số 34/2000/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2000 về quy chế khu vực biên giới đất liền thì, những người không được cư trú ở khu vực biên giới là công dân Việt Nam không có hộ khẩu thường trú ở khu vực biên giới; không có giấy phép của cơ quan Cong an tỉnh biên giới cho cư trú ở khu vực biên giới hoặc không phải là người của cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang có trụ sở làm việc thường xuyên ở khu vực biên giới; người đang thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền cấm cư trú ở khu vực biên giới và người nước ngoài (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết có quy định khác). Những người thuộc diện trên, nếu đến cư trú ở khu vực biên giới là vi phạm quy định về cư trú.

 

Vi phạm quy định về đi lại khu vực biên giới là không chấp hành hoặc chấp hành không đúng những quy định về việc đi lại ở khu vực biên giới.

 

Theo quy định tại Nghị định số 34/2000/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2000 về quy chế khu vực biên giới đất liền thì, Cụng dõn Việt Nam khi vào khu vực biờn giới phải có giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ do công an xã, phường thị trấn nơi cư trú cấp; Cacn bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức của cơ quan, tổ chức khi vào khu vực biên giới về việc riêng phải có giấy chứng minh nhân dân hoặc chứng minh của quân đội, công an; Trường hợp vào khu vực biên giới công tác phải có giấy giới thiệu của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý. Người đang bị khởi tố hình sự, người đang bị Toà án tuyên phạt quản chế ở địa phương không được vào khu vực biên giới (trừ những người đang có hộ khẩu thường trỳ ở khu vực biên giới); Người nước ngoài đang công tác tại các cơ quan Trung ương vào khu vực biên giới phải có giấy phép do Bộ Công an cấp; nếu người nước ngoài đang tạm trú tại địa phương vào khu vực biên giới phải có giấy phép do công an cấp tỉnh nơi tạm trú cấp; Các cơ quan, tổ chức của Việt Nam khi đưa người nước ngoài vào khu vực biên giới phải có đủ giấy tờ theo quy định và cử cán bộ đi cùng để hướng dẫn và thông báo cho công an, Bộ đội biên phòng tỉnh nơi đến. Trường hợp người nước ngoài đi trong tổ chức của Đoàn cấp cao vào khu vực biên giới thì cơ quan, tổ chức của Việt Nam (cơ quan mời và làm việc với Đoàn) cử cán bộ đi cùng Đoàn để hướng dẫn và có trách nhiệm thông báo cho cơ quan công an và Bộ đội biên phòng cấp tỉnh nơi đến biết. Việc đi lại, hoạt động trong khu vực biên giới Việt Nam của những người trong khu vực biên giới nước tiếp giáp thực hiện theo Hiệp định về Quy chế biên giới giữa hai nước. Nếu người nào không chpâ shành hoặc chất hành không đúng các quy định trên sẽ bị coi là vi phạm quy định về đi lại khu vực biên giới.

 

Vi phạm các quy định khác về khu vực biên giới là hành vi không chấp hành hoặc chấp hành không đúng các quy định về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động khác như: quay phim, chụp ảnh, ghi hình, vẽ cảnh vật; làm hư hỏng, xê dịch cột mốc biên giới, dấu hiệu đường biên giới, biển báo khu vực biên giới, vành đai biên giới, vùng cấm;làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới; xâm canh, xâm cư qua biên giới; bắn súng qua biên giới, gây nổ, đốt nương rẫy trong vành đai biên giới; vượt biên giới quốc gia trái phép, chứa chấp, chỉ đường, chuyên chở, che giấu bọn buôn lậu vượt biên giới trái phép; khai thác trái phép lâm thổ sản và các tài nguyên khác; buôn lậu, vận chuyển trát phép vũ khí, chất cháy, chất nổ, chất độc hại, ma túy, văn hóa phẩm độc hại và hàng hóa cấm nhập khẩu, xuất khẩu qua biên giới. Săn bắn thú rừng qúy hiếm, đánh bắt cá bằng vật liệu nổ, kích điện, chất độc và các hoạt động gây hại khác trên sông, suối biên giới; Thải bỏ các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường hệ sinh thái; làm mất trật tự, trị an ở khu vực biên giới.

Các hành vi vi phạm trên, nếu có hành vi cấu thành tội độc lập thì không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới nữa, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng mà người phạm tội đã phạm.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả tuy không phải là dấu hiệu bắt định tội, nhưng lại là yếu tố định khung hình phạt, nên việc xác định hậu quả của hành vi vi phạm quy chế về khu vực biên giới là rất cần thiết.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Tuy điều luật không quy định các dấu hiệu khách quan khác là yếu tố định tội, nhưng khi xác định hành vi phạm tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới, không thể không nghiên cứu các quy định của Nhà nước về biên giới, mà đặc biệt là quy chế về khu vực biên giới do Chính phủ ban hành.

 

 Hiện nay, về biên giới quốc gia, ngày 17 tháng 6 năm 2003, Quốc hội đã ban hành Luật biên giới quốc gia và Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2004. Sau khi Luật biên giới quốc gia có hiệu lực thi hành, Chính phủ chưa có quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, trước đó ngày 18 tháng 8 năm 2000, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2000/NĐ-CP về quy chế khu vực biên giới đất liền. Nội dung của Nghị định này không trái với Luật biên giới quốc gia, nên trong khi Chính phủ chưa ban hành quy định mới thì có thể căn cứ vào các quy định của Nghị định số 34/2000/NĐ-CP về quy chế khu vực biên giới đất liền để xác định hành vi phạm tội trong trường hợp vi phạm quy chế khu vực biên giới đất liền.

         

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Dù điều luật không quy định người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm quy chế về khu vực biên giới do cố ý hay vô ý, nhưng căn cứ vào các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể khẳng định người phạm tội thực hiện hành vi của mình là do cố ý, vì trước đó người phạm tội đã có hành vi vi phạm quy chế về khu vực biên giới, họ đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án nhưng vẫn tiếp tục vi phạm.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới không có các tình tiết định khung hình phạt

 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 273 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến 3 năm tù. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể được hưởng án treo.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 273 Bộ luật hình sự

 

Khoản 2 của điều luật quy định hai tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là: Tái phạm hoặc phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng.

 

a. Tái phạm

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Bộ luật hình sự thì tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

 

Như vậy, đối với tội phạm này, người phạm tội chỉ bị coi là tái phạm nếu trước khi thực hiện hành vi phạm tội, họ đã bị kết án về một tội phạm khác ngoài tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới, vì nếu trước đó người phạm tội đã bị kết án vè tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới chưa được xoá án tích mà lại vi phạm quy chế về khu vực biên giới thì lại là yếu tố định tội rồi.

 

Mặc dù điều luật chỉ quy định tái phạm, nhưng nếu người phạm tội tái phạm nguy hiểm thì cũng không vì thế mà cho rằng người phạm tội không bị áp dụng khoản 2 Điều 273 Bộ luật hình sự.

 

b. Gây hậu quả nghiêm trọng

 

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy chế về khu vực biên giới gây ra là những thiệt hại nghiêm trọng về vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội.

 

Cũng như đối với các tội phạm khác quy định trong Chương này, hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy chế về khu vực biên giới gây ra chưa được giải thích hướng dẫn nên có thể tham khảo Thông tư số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một só quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 để xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy chế về khu vực biên giới gây ra. Nếu là hậu quả phi vật chất thì cần căn cứ vào tình hình chính trị, xã hội ở nơi mà người phạm tội vi phạm như: gây rối loạn, cản trở hoạt động quản lý hành chính ở khu vực biên giới, gây dư luận xấu trong xã hội , ảnh hưởng xấu đến an ninh, trtạ tự ở khu vực biên giới.v.v...

 

Tuy điều luật cũng chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng mà không quy định gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nhưng không vì thế mà cho rằng người phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 273 Bộ luật hình sự.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới hai năm tù hoặc chuyển sang hình phạt tiền; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

 

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

 

Do hình phạt tiền vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung, nên chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung, nếu người phạm tội không bị áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính.

 

Hình phạt cấm cư trú áp dụng đối với người phạm tội chủ yếu là cấm người phạm tội cư trú ở vùng biên giới, vì do họ cư trú ở vùng biên giới nên mới có điều kiện phạm tội này.

 

18. TỘI XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH TRÁI PHÉP; TỘI Ở LẠI NƯỚC NGOÀI HOẶC Ở LẠI VIỆT NAM TRÁI PHÉP

 

 

Điều 274. Tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tội ở lại nước ngoài hoặc ở lại Việt Nam trái phép 

 

Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại nước ngoài, ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

 

Tương tự như đối với Điều 263 và Điều 264 Bộ luật hình sự, Điều 274 nhà làm luật cũng quy định hai tội danh khác nhau, đó là: “tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép” và “tội ở lại nước ngoài hoặc ở lại Việt Nam trái phép” nhưng cùng có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội như nhau nên nhà làm luật quy định trong cùng một điều luật. Mỗi tội, nhà làm luật lại quy định hai hành vi phạm tội khác nhau, nên có ý kiến cho rằng Điều 274 Bộ luật hình sự nhà làm luật quy định bốn tội danh khác nhau chứ không phải hai tội.

 

Để tiện việc nghiên cứu và theo dõi, chúng tôi sẽ phân tích dấu hiệu pháp lý của từng tội phạm.

 

18a. TỘI XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH TRÁI PHÉP

 

Định nghĩa: Xuất cảnh, nhập cảnh trái phép là hành vi ra khỏi biên giới Việt Nam hoặc vào lãnh thổ Việt Nam không có giấy phép theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh.

 

Tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép là tội phạm đã được quy định tại Điều 89 Bộ luật hình sự 1985 thuộc các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại mục B Chương I phần các tội phạm. Tuy nhiên, Điều 89 Bộ luật hình sự năm 1985  chỉ quy định một tội với ba hành vi khác nhau, đó là : xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại nước ngoài trái phép và quy định trường hợp không áp dụng đối với người nước ngoài đến Việt Nam xin cư trú chính trị.

 

Điều 274 Bộ luật hình sự năm 1999, ngoài việc bổ sung thêm một hành vi ở lại Việt Nam trái phép, nhà làm luật còn quy định hành vi xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại nước ngoài hoặc ở lại Việt Nam trái phép chỉ cấu thành tội phạm khi người thực hiện các hành vi trên đã bị xử phạt hành chính về hành vi đó mà còn vi phạm, đồng thời bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này cũng không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép khi họ đã bị xử phạt hành chính về hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép mà còn vi phạm.

 

Chủ thể của tội phạm này không chỉ có người Việt Nam mà còn có thể người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch, nhưng họ chủ yếu thực hiện hành vi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam; cũng có trường hợp họ nhập cảnh trái phép và sau đó xuất cảnh trái phép san nước thứ ba.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép là tội xâm phạm đến hoạt động quản lý hành chính về lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội có thể thực hiện một hoặc cả hai hành vi sau:

 

- Xuất cảnh trái phép

 

Xuất cảnh trái phép là ra khỏi biên giới Việt Nam mà không có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Hành vi này trước đây thường gọi là “trốn ra nước ngoài”. Hành vi xuất cảnh trái phép xảy ra tương đối phổ biến vào những năm sau khi miền Nam giải phóng, nhưng hiện nay hành vi xuất cảnh trái phép không còn phổ biến như trước, nếu có thì cũng chủ yếu là đi liền với hành vi phạm tội khác như: tổ chức người khác trốn đi nước ngoài; buôn bán phụ nữ đưa ra nước ngoài hoặc sau khi phạm tội bị phát hiện, bị truy nã nên đã trốn ra nước ngoài để trốn tránh trách nhiệm.

 

- Nhập cảnh trái phép

 

Nhập cảnh trái phép là từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam. Nếu trước đây hành vi xuất cảnh trái phép là phổ biến thì hiện nay hành vi nhập cảnh trái phép lại xảy ra nhiều. Người nhập cảnh trái phép thường là người nước ngoài, họ vào Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau và từ Việt Nam đi nước thứ ba với nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người nhập cảnh trái phép lại chính là người Việt Nam nhưng họ đã ra nước ngoài làm ăn sinh sống, thậm chí đã nhập quốc tịch của nước sở tại, khi về Việt Nam không đựơc các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam cũng như Nhà nước sở tại cấp thị thực.

 

Không coi là nhập cảnh trái phép đối với người Việt Nam phạm tội sau đó trốn ra nước ngoài sau một thời gian lại trở về Việt Nam.

 

Mặc dù nhà làm luật đã bỏ quy định tại khoản 2 Điều 89 Bộ luật hình sự năm 1985 nhưng cũng không coi là nhập cảnh trái phép nếu người nước ngoài đến Việt Nam xin cư trú chính trị. Vấn đề là cần xác định có đúng là họ xin cư trú chính trị không.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này, nhưng nếu hậu quả do hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì hoặc là người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác hoặc phải bị xử phạt nặng hơn người phạm tội chưa gây ra hậu quả.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Tuy điều luật không quy định các dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu cấu thành tội phạm, nhưng khi xác định hành vi phạm tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, không thể không nghiên cứu các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh và chính các quy định này có những nội dung có ý nghĩa quyết định đối với việc xác định hành vi phạm tội.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người thực hiện hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép là do cố ý, còn động cơ, mục đích thì tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người, có người vì đoàn tụ gia đình, có người vì chuyện làm ăn kinh tế, có người vì trốn tránh tội lỗi… nhưng nếu xuất cảnh trái phép vì mục đích chống lại Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép cấu thành tội trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân quy định tại Điều 91 Bộ luật hình sự.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

Đối với tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, nhà làm luật chỉ quy định một trường hợp phạm tội và đó cũng là cấu thành cơ bản của tội phạm. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền ở mức thấp; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt tiền ở mức cao hoặc bị phạt tù đến hai năm. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo.

 

18b. TỘI Ở LẠI NƯỚC NGOÀI HOẶC Ở LẠI VIỆT NAM TRÁI PHÉP

 

Định nghĩa: Ở lại nước ngoài hoặc ở lại Việt Nam trái phép là hết hạn ở nước ngoài nhưng không về Việt Nam hoặc hết hạn ở Việt Nam nhưng không ra khỏi Việt Nam.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Ngoài các dấu hiệu như đối với tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, thì chủ thể của tội phạm này đối với hành vi ở lại nước ngoài trái phép chỉ do người Việt Nam thực hiện, còn đối với hành vi ở lại Việt Nam trái phép không chỉ do người nước ngoài thực hiện mà có thể có cả người Việt Nam. Ví dụ: Những người đang học tập, lao động ở nước ngoài về Việt Nam nghỉ hè, nghỉ phép nhưng hết hạn không chịu trở lại học tập, lao động mà không thuộc trường hợp đào nhiệm quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Tội ở lại nước ngoài hoặc ở lại Việt Nam trái phép là tội xâm phạm đến hoạt động quản lý hành chính về lĩnh vực cư trú.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Khác với tội xuất cảnh hoặc nhập cảnh trái phép, người phạm tội chỉ có thể thực hiện một trong hai hành vi sau mà không thể thực hiện cả hai hành vi:

 

- Ở lại nước ngoài trái phép

 

Ở lại nước ngoài trái phép là hết hạn ở nước ngoài nhưng không trở về Việt Nam.

 

Hành vi ở lại nước ngoài trái phép là hành vi của người Việt Nam được ra nước ngoài bằng con đường hợp pháp như: được cử đi học tập, lao động, công tác, tham quan, du lịch, thăm thân… nhưng sau khi hết hạn đã không trở về Việt Nam.

 

Hành vi ở lại nước ngoài trái phép trong những năm trước đây cũng tương đối phổ biến, còn trong giai đoạn hiện nay những người ở lại nước ngoài trái phép chủ yếu là người được cử đi lao động hợp tác, nhưng sau khi hết hạn đã không về nước mà ở lại nước ngoài để tìm việc làm khác hoặc để đi nước thứ ba sinh sống. Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính đối với những người này cũng không dễ dàng, nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ về tội ở lại nước ngoài trái phép càng khó khăn. Không ít trường hợp gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Việt Nam với Nhà nước ngoài mà họ ở lại trái phép.

 

- Ở lại Việt Nam trái phép

 

Ở lại Việt Nam trái phép là hết thời hạn ở Việt Nam nhưng vẫn không chịu rời khỏi Việt Nam.

 

Hành vi ở lại Việt Nam trái phép chủ yếu là người nước ngoài, người không có quốc tịch đến Việt Nam bằng con đường hợp pháp như: đến Việt Nam học tập, lao động, công tác, tham quan, du lịch, thăm thân… nhưng sau khi hết hạn đã không rời khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người Việt Nam đang học tập, lao động, công tác ở nước ngoài được về Việt Nam nghỉ phép nhưng hết hạn không chịu rời khỏi Việt Nam.

 

Không coi là ở lại Việt Nam trái phép đối với người nước ngoài bị Toà án áp dụng hình phạt trục xuất, nhưng cố tình không rời khỏi Việt Nam, mà trường hợp này nếu xảy ra thì thuộc trường hợp không chấp hành án quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự.

 

b. Hậu quả

 

Cũng như đối với tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, hậu quả cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này, nhưng nếu hậu quả do hành vi ở lại nước ngoài hoặc ở lại Việt Nam trái phép gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì hoặc là người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác hoặc phải bị xử phạt nặng hơn người phạm tội chưa gây ra hậu quả.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Cũng như đối với tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, điều luật không quy định các dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu cấu thành tội phạm, nhưng khi xác định hành vi phạm tội ở lại nước ngoài hoặc ở lại Việt Nam trái phép, không thể không nghiên cứu các quy định về cư trú, về hợp tác giữa nước Việt Nam với nước ngoài, các quy định này có nghĩa quyết định đối với việc xác định hành vi phạm tội.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Cũng như đối với tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, người thực hiện hành vi ở lại nước ngoài hoặc ở lại Việt Nam trái phép là do cố ý, còn động cơ, mục đích thì tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người, có người vì đoàn tụ gia đình, có người vì chuyện làm ăn kinh tế, có người vì trốn tránh tội lỗi… nhưng nếu ở lại nước ngoài trái phép vì mục đích chống lại Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì hành vi ở lại nước ngoài trái phép cấu thành tội trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân quy định tại Điều 91 Bộ luật hình sự.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

Cũng như đối với tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, do nhà làm luật quy định trong cùng một điều luật nên đối với tội ở lại nước ngoài hoặc ở lại Việt Nam trái phép, nhà làm luật chỉ quy định một trường hợp phạm tội và đó cũng là cấu thành cơ bản của tội phạm. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền ở mức thấp; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt tiền ở mức cao hoặc bị phạt tù đến hai năm. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo.

 

 

19. TỘI TỔ CHỨC, CƯỠNG ÉP NGƯỜI KHÁC TRỐN ĐI NƯỚC  NGOÀI HOẶC Ở LẠI NƯỚC NGOÀI TRÁI PHÉP

 

 

Điều 275.  Tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép 

 

1. Người nào tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 91 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2. Phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.

 

Định nghĩa: Tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép là chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, cưỡng bức, đe dọa người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

 

Tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép là tội phạm đã được quy định tại Điều 88 Bộ luật hình sự 1985, thuộc các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại mục B Chương I phần các tội phạm.

                                         

Về cơ bản, Điều 275 Bộ luật hình sự năm 1999 không có nhiều sửa đổi, bổ sung, vẫn cấu tạo thành ba khoản. Tuy nhiên, so với Điều 88 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 275 Bộ luật hình sự 1999 có một vài sửa đổi, bổ sung như sau:

 

Nếu khoản 2 Điều 88 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng, thì Điều 275 Bộ luật hình sự năm 1999 bổ sung thêm tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng; sửa đổi tình tiết “phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 Điều 88 thành tình tiết “phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” và mức hình phạt cao nhất quy định tại khoản 3 Điều 275 được sửa đổi chỉ còn hai mươi năm ( khoản 3 Điều 88 là tù chung thân).  

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, Chủ thể của tội phạm này cũng không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì, người từ đủ 14 tuổi (đối với trường hợp phạm tội ở khoản 2 và khoản 3) và đủ 16 tuổi trở lên (đối với trường hợp phạm tội ở khoản 1) có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép là tội xâm phạm đến hoạt động quản lý hành chính về lĩnh vực xuất cảnh, cư trú của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội có thể thực hiện các hành vi như sau:

 

- Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài;

- Tổ chức người khác ở lại nước ngoài;

- Cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài;

- Cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài.

 

Đối với tội phạm này, nhà làm luật quy định bốn hành vi phạm tội, chứ không phải quy định bốn tội danh khác nhau và càng không phải quy định hai tội danh (tội chức người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài trái phép và tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài trái phép) như quan điểm của một số luật gia. Tuy nhiên, khi định tội danh thì phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để định tội danh cho chính xác. Nếu người phạm tội chỉ thực hiện một hành vi trong số bốn hành vi nêu trên thì chỉ định tội theo hành vi mà họ đã thực hiện. Ví dụ: A chỉ tổ chức người khác trốn đi nước ngoài thì chỉ định tội là “ tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” mà không định tội danh đầy đủ là “tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phéToà án” như điều luật quy định.

 

- Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài.

 

Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài là chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy mọi hoạt động nhằm đưa người khác trốn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Hành vi tổ chức có thể với quy mô nhỏ như: tổ chức cho một vài người trốn, nhưng cũng có thể với quy mô lớn như: tổ chức cho hàng chục người, trăm người trốn đi nước ngoài. Hành vi tổ chức có thể được biểu hiện cụ thể bằng nhiều hình thức như: Khởi xướng việc trốn đi nước ngoài; vạch kế hoạch thực hiện việc trốn đi nước ngoài, cũng như kế hoạch che giấu việc trốn đi nước ngoài; rủ rê, lôi kéo người khác cùng thực hiện việc trốn đi nước ngoài; phân công trách nhiệm cho những người đồng phạm khác để thống nhất thực hiện việc trốn đi nước ngoài; điều khiển hành động của những người đồng phạm; đôn đốc, thúc đẩy người đồng phạm khác thực hiện việc trốn đi nước ngoài...

 

Khi xác định hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài cần chú ý:

 

Nếu tổ chức cho người trong gia đình như cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột cùng đi với mình thì không coi là tổ chức người khác trốn đi nước ngoài mà chỉ coi hành vi đó là hành vi xuất cảnh trái phép.

 

Những người không cùng trong một gia đình, mà rủ nhau cùng trốn đi nước nước ngoài thì cũng chỉ coi hành vi đó là hành vi xuất cảnh trái phép.

 

Nếu tổ chức người khác trốn đi nước ngoài để trục lợi ( lấy tiền, vàng…) và cùng với họ trốn đi nước ngoài, thì người có hành vi tổ chức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả hai tội: “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” và tội: “xuất cảnh trái phép”. Nếu người tổ chức không cùng đi thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội: “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.

 

Những người có chức vụ, quyền hạn như: Cán bộ, chiến sĩ Công an, Bộ đội biên phòng… mà nhận hối lộ để làm ngơ cho người khác trốn đi nước ngoài thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ. Nhưng nếu nhận hối lộ và còn cung cấp phương tiện, canh gác, bảo đảm cho người khác trốn đi nước ngoài trót lọt thì ngoài tội nhận hối lộ, họ còn bị truy cứu về tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.11

 

- Tổ chức người khác ở lại nước ngoài.

 

Tổ chức người khác ở lại nước ngoài là chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy mọi hoạt động nhằm giữ người đã hết hạn ở nước ngoài không trở lại Việt Nam. Cũng như đối với hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, tổ chức người khác ở lại nước ngoài có thể cho một và, nhưng cũng có thể cho nhiều người ở lại nước ngoài trái phép. Hành vi tổ chức cho người khác ở lại nước ngoài cũng được biểu hiện cụ thể bằng nhiều hình thức như: Khởi xướng việc ở lại nước ngoài; vạch kế hoạch thực hiện việc ở lại nước ngoài, cũng như kế hoạch che giấu việc ở lại nước ngoài; rủ rê, lôi kéo người khác cùng thực hiện việc ở lại nước ngoài; phân công trách nhiệm cho những người đồng phạm khác để thống nhất thực hiện việc ở lại nước ngoài; điều khiển hành động của những người đồng phạm; đôn đốc, thúc đẩy người đồng phạm khác thực hiện việc ở lại nước ngoài...

 

Khi xác định hành vi tổ chức người khác ở lại nước ngoài trái phép cũng cần chú ý:

 

Nếu người Việt Nam ở nước ngoài hết hạn mà không về nước lại tổ chức cho người khác ở lại nước ngoài trái phép thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: Tội tổ chức người khác ở lại nước ngoài trái phép và tội ở lại nước ngoài trái phép.

 

Nếu người Việt Nam ở Việt Nam tổ chức cho người khác ở lại nước ngoài trái phép thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức người khác ở lại nước ngoài trái phép.

 

Người nước ngoài tổ chức cho người Việt Nam ở lại nước ngoài trái phép mà hành vi này không được quy định trong các điều ước quốc tế hoặc có ghi nhưng Việt Nam không ký kết hoặc không tham gia thì người nước ngoài không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức cho người khác ( người Việt Nam ) ở lại nước ngoài trái phép.

 

- Cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài.

 

Cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hành vi cưỡng bức và ép buộc người khác trốn đi nước người mà người bị cưỡng ép không muốn trốn đi nước ngoài. Người bị cưỡng bức có thể bị cưỡng bức về vật chất ( cưỡng bức về thân thể) hoặc cưỡng bức về tinh thần.

 

- Cưỡng bức về thân thể là trường hợp một người bị bạo lực vật chất tác động (bị trói, bị giam giữ, bị bịt miệng) khiến họ không hành động được theo ý muốn của mình mặc dù họ biết mình trốn ra nước ngoài là sai; người bị cưỡng bức về thân thể không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trốn đi nước ngoài, vì họ không có lỗi.

 

- Cưỡng bức về tinh thần là trường hợp một người bị đe doạ uy hiếp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản hoặc những lợi ích khác, nếu họ không trốn ra nước ngoài. Người bị cưỡng bức vì sợ bị thiệt hại nên đã miễn cưỡng phải trốn ra nước ngoài. Nếu người bị cưỡng bức hoàn toàn bị tê liệt về ý chí, không còn cách nào khác, buộc phải hành động theo ý muốn của người cưỡng bức thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trốn đi nước ngoài. Ví dụ: Phạm Văn H dùng súng uy hiếp chị Nguyễn Thị M buộc chị M phải trốn ra nước ngoài, chị M không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trốn ra nước ngoài. Nếu sự cưỡng bức chưa tới mức làm cho người bị cưỡng bức tê liệt ý chí thì người bị cưỡng bức phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng được coi là phạm tội vì do người khác đe doạ, cưỡng bức. Ví dụ: Vũ Văn T biết chị Lê Thị Kim A đã có chồng nhưng quan hệ ngoại tình với người khác, nên T lôi kếo chị A trốn ra nước ngoài để lấy tiền, vàng. Chị A không muốn đi, nhưng T doạ nếu không đi, T sẽ nói với chồng chị A về việc chị A ngoại tình. Vì sợ nên chị A nhận lời trốn ra nước ngoài.

 

- Cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép.

 

Cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép, cũng tương tự với hành vi cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài, chỉ khác ở chỗ người bị cưỡng ép là người đang ở nước ngoài đã hết hạn, lẽ ra họ phải về nước, nhưng do bị cưỡng ép nên họ buộc phải ở lại nước ngoài.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả tuy không phải là yếu tố định tội nhưng là yếu tố định khung hình phạt, nên việc xác định hậu quả là rất cần thiết. Nếu người phạm tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật; nếu gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 của điều luật.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Đối với tội phạm này nhà làm luật quy định dấu hiệu khách quan khác là yếu tố định tội, đó là: hành vi tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 91 Bộ luật hình sự thì không thuộc trường hợp quy định tại Điều 275 Bộ luật hình sự. Vì vậy, khi xác định hành vi tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, thì đồng thời phải xác định hành vi phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Cũng như đối với tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc tội ở lại nước ngoài hoặc ở lại Việt Nam trái phép, người thực hiện hành vi tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép là do cố ý, còn động cơ, mục đích có thể khác nhau, nhưng chủ yếu là trục lợi, nhằm lấy tiền, vàng của người trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Nếu tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phépnhằm chống chính quyền nhân dân quy định tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt giữa tội phạm quy định ở Điều 275 và khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép không có các tình tiết định khung hình phạt

 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 275 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới hai năm tù hoặc được hưởng án treo nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 275 Bộ luật hình sự

 

Khoản 2 của điều luật quy định ba tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là: phạm tội nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.

 

a. Phạm tội nhiều lần

 

Phạm tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép nhiều lần là phạm tội từ hai lần trở lên và mỗi lần thực hiện hành vi đã cấu thành một tội phạm độc lập nhưng tất cả các tội phạm đó đều bị xét xử trong cùng một bản án.

 

Phạm tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép nhiều lần là người phạm tội có nhiều lần thực hiện hành vi tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nhưng hành vi đó chỉ cấu thành một tội, xâm phạm đến cùng một khách thể trực tiếp và chưa được đưa ra truy tố xét xử. Nếu nhiều lần phạm tội và mỗi lần đó lại cấu thành các tội phạm khác nhau thì không phải là phạm tội nhiều lần mà là phạm nhiều tội.

 

Đối với tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nhà làm luật quy định nhiều hành vi nhưng chỉ là một tội, nên việc xác định trường hợp phạm tội nhiều lần phải chú ý:

 

Nếu người phạm tội thực hiện nhiều lần nhưng mỗi lần chỉ thực hiện một hành vi thì coi là phạm tội nhiều lần. Ví dụ: Tháng 4 năm 2004, Bùi Văn K tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, tháng 12 năm 2004, K lại cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài, thì K phạm tội nhiều lần.

 

Nếu cùng một lúc thực hiện nhiều hành vi khác nhau, thì không coi là phạm tội nhiều lần. Ví dụ: Tháng 1 năm 2005, Đặng Kim T tổ chức cho 4 người trốn đi nước ngoài, trong đó có một người T phải dùng thủ đoạn cưỡng ép, thì hành vi phạm tội của T không bị coi là phạm tội nhiều lần. Tuy nhiên, tội danh của Toà án là tội “tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài”.

 

Nếu hành vi phạm tội đã bị xử lý, không kể bị xử lý bằng hình thức gì như: đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án thì không tính lần phạm tội đó vào lần phạm tội sau để coi bị cáo phạm tội nhiều lần.

 

Trường hợp, hành vi phạm tội đã được Viện kiểm sát miễn tố hoặc không truy tố cùng với tội bị đưa ra xét xử, hoặc tách thành một vụ án khác thì cũng không coi là phạm tội nhiều lần.

 

Khi xác định trường hợp phạm tội nhiều lần, cần phân biệt với trường hợp phạm nhiều tội và với trường hợp phạm tội liên tục12.

 

b. Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng

 

Hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng do hành vi tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép gây ra là những thiệt hại nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng về vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội.

 

Cũng như đối với các tội phạm khác quy định trong Chương này, hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng do hành vi tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép gây ra chưa được giải thích hướng dẫn nên có thể tham khảo Thông tư số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một só quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 để xác định hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng do hành vi tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm, là tội phạm rất nghiêm trọng. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới năm năm tù, nhưng không được dưới hai năm tù; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười hai năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 275 Bộ luật hình sự

 

Khoản 3 của điều luật chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

Cũng tương tự như đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, do chưa có hướng dẫn nên có thể tham khảo Thông tư số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một só quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 để xác định hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới mười hai năm tù, nhưng không được dưới năm năm tù; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến hai mươi năm tù.

 

 

20. TỘI XÚC PHẠM QUỐC KỲ, QUỐC HUY

 

 

Điều 276.  Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy 

Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 

 

Định nghĩa: Xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy là làm tổn thương đến danh dự quốc gia.

 

Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy là tội phạm đã được quy định tại Điều 217 Bộ luật hình sự năm 1985, nay được quy định tại Điều 276 Bộ luật hình sự năm 1999.

 

Nói chung, các dấu hiệu cơ bản cấu thành tội phạm Điều 276 Bộ luật hình sự không sửa đổi, bổ sung mà chỉ sửa đổi, bổ sung về hình phạt, cụ thể là: bổ sung hình phạt cảnh cáo, nâng mức hình phạt cải tạo không giam giữ từ một năm lên thành ba năm và nâng mức hình phạt tù tối thiểu từ ba tháng lên thành sáu tháng.

 

Đối với tội phạm này thực tiễn xét xử ít xảy ra, vì nhân dân ta có truyền thống yêu nước, lại do Đảng Cộng sản lãnh đạo từ trước khi nước ta dành được độc lập, ý thức của nhân dân đối với tổ quốc rất cao, không chỉ khi đất nước được giải phóng hoàn toàn, mà ngay trong thời kỳ đất nước còn chia cắt, đồng bào ta ở miền Nam dưới sự cai trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thà bị đòn roi, tra tấn, thậm chí phải hy sinh tính mạng, nhưng đồng bào ta vẫn không làm tổn thương đến danh dự tổ quốc.

 

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, trong các lĩnh vực thể thao, văn hoá đang phát triển, nhiều lễ hội, các cuộc thi đấu quốc tế, các cổ động viên đã mang theo cờ tổ quốc đến để cổ vũ, trong số đó cũng có những người quá khích đã có hành vi xúc phạm đến quốc kỳ. Mặt khác, cũng có những người vì bất mãn hoặc do quá chén dẫn đến say bia, rượu đã xúc phạm đến quốc kỳ ở treo ở nơi công cộng trong các ngày lễ. Do đó, việc nhà làm luật quy định hành vi xúc phạm đến quốc kỳ, quốc huy là tội phạm là cần thiết, nhằm bảo vệ danh dự của tổ quốc.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này cũng không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy là tội xâm phạm đến danh dự quốc gia; xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính về quốc kỳ, quốc huy.

 

Đối tượng tác động là quốc kỳ và quốc huy. Vì vậy, căn cứ vào hành vi cụ thể mà định tội cho phù hợp. Nếu chỉ xúc phạm quốc kỳ thì định tội là xúc phạm quốc kỳ; nếu chỉ xúc phạm quốc huy thì định tội là xúc phạm quốc huy, mà không định tội danh đầy đủ như quy định tại điều luật.

 

Quốc kỳ là cờ tượng trưng cho một nước ( cờ tổ quốc). Quốc kỳ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.

 

Quốc kỳ có thể được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau nhưng chủ yếu là bằng vải, nhưng dù được tạo ra bằng cách nào với chất liệu gì thì chỉ coi là quốc kỳ khi nó đầy đủ các điều kiện như đã quy định, đó là “hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”. Hiện nay trong các ngày tết, ngày lễ, ở những nơi công cộng các cơ quan thông tin treo băng, cờ khẩu hiệu, trong số đó có những băng màu đỏ, chiều dài 3 mét, chiều rộng 80cm, ở giữa cũng có ngôi sao vàng năm cánh; những tấm băng này không được coi là quốc kỳ. Cũng không coi là quốc kỳ những hình vẽ có hình giống quốc kỳ in trên tường, trên các phương tiện giao thông, trên quần, áo, nón, mũ, mặt, mũi…các hình vẽ này chỉ là hình ảnh, chứ không phải là quốc kỳ, nên không phải là đối tượng tác động của tội xúc phạm quốc kỳ.

 

Việc treo quốc kỳ ở trụ sở các cơ quan, tổ chức, ở nơi công cộng phải tuân theo những quy định của Nhà nước.

 

Quốc huy là huy hiệu của một nước, hình tượng trưng cho một nước. Quốc huy của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ: “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

 

Quốc huy thường chỉ được treo ở những cơ quan đại diện cho quyền lực Nhà nước như: Quốc hội, Phủ Chủ tịch, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, trụ sở các cơ quan ngoại giao của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước ngoài…

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Tội xúc phạm quốc kỳ, quốc huy nhà làm luật chỉ quy định một hành vi khách quan, đó là hành vi xúc phạm. Tuy nhiên, do đối tượng tác động của tội phạm này là quốc kỳ, quốc huy, nên người thực hiện hành vi xúc phạm khác với hành vi xúc phạm đối với, cơ quan, tổ chức hay cá nhân.

 

Xúc phạm quốc kỳ, quốc huy là hành vi tác động trực tiếp vào quốc kỳ hoặc quốc huy để thông qua đó làm tổn thương đến danh dự quốc gia, chứ không nhằm làm tổn thương đến một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào. Làm tổn thương đến danh dự của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân, người có hành vi xúc phạm có thể bằng lời nói, mà phải bằng hành động cụ thể như: xé rách, bôi bẩn, đâm thủng, dẫm, đạp, vò nát cờ tổ quốc; bôi bẩn, đập phá, làm hư hỏng quốc huy; viết, vẽ nội dung không lành mạnh lên quốc kỳ, quốc huy hoặc có những hành động khác làm biến dạng quốc kỳ, quốc huy.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả tuy không phải là yếu tố định tội, nhưng thông thường hành vi xúc phạm quốc kỳ hoặc quốc huy bao giờ cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, vì hành vi này xâm phạm đến danh dự quốc gia.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Đối với tội phạm này, nhà làm luật cũng không quy định dấu hiệu khách quan khác là yếu tố định tội hay định khung hình phạt, nhưng để xác định hành vi xúc phạm quốc kỳ, quốc huy có phải là hành vi phạm tội hay không phải căn cứ vào các quy định của Nhà nước về quốc kỳ, quốc huy và việc sử dụng quốc kỳ, quốc huy.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người thực hiện hành vi phạm tội này là do cố ý, tức là nhận thức được hành vi xúc phạm quốc kỳ, quốc huy của mình là xâm phạm đến danh dự quốc gia, nhưng vẫn thực hiện.

 

Có thể khẳng định rằng, động cơ mục đích là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này, vì nếu người phạm tội có hành vi xúc phạm quốc kỳ, quốc huy vì động cơ, mục đích chống chính quyền Nhà nước thì tuỳ trường hợp mà người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phản bội tổ quốc, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam…

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

Đối với tội phạm này, nhà làm luật chỉ quy định một trường hợp phạm tội và đó cũng là cấu thành cơ bản của tội phạm. Người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt cảnh cáo hoặc cải tạo không giam giữ; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt tù đến ba năm. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo.

 

 

 

 

 

PHẦN THỨ HAI

CÁC TỘI PHẠM VỀ MÔI TRƯỜNG

 

MỞ ĐẦU

 

Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên.

 

Môi trường có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống của con người, sinh vật và sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước, dân tộc và nhân loại.

 

Bảo vệ môi trường là giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp, bảo đảm cân bằng sinh thái, ngăn chặn, khắc phục các hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường.

 

Thực trạng môi trường ở nước ta cũng như trên thế giới đang bị ô nhiễm mà nguyên nhân chủ yếu là do con người gây ra như: thải vào không khí các loại khói, bụi, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác; phát bức xạ, phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép; thải vào nguồn nước dầu mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại và gây dịch bệnh hoặc các yếu tố độc hại khác; chôn vùi hoặc thải vào đất các chất độc hại quá tiêu chuẩn cho phép; sử dụng chất độc, chất nổ, các hoá chất khác, dòng điện để khai thác thuỷ sản hoặc huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản; khai thác thuỷ sản trong mùa sinh sản, khai thác các loài thuỷ sản quý hiếm; phá hoại nơi cư ngụ của các loài thuỷ sản quý hiếm; săn bắt động vậy hoang dã quý hiếm; vi phạm chế độ bảo vệ đối với khu bảo tồn thiên nhiên, khu di tích thiên nhiên, công viên quốc gia.v.v…

 

Mặc dù Nhà nước ta đã có nhiều biện pháp nhằm bảo vệ môi trường, kết hợp giữa tuyên truyền giáo dục nhân dân có ý thức bảo vệ môi trường với biện pháp xử lý hành chính, nhưng do nhiều nguyên nhân nên trong thời gian qua tình trạng xâm phạm môi trường xảy ra khá phổ biến và có nơi có lúc rất nghiêm trọng; việc xử lý chưa kịp thời, nghiêm minh.

 

Tại kỳ họp thứ tư, ngày 27 tháng 12 năm 1993 Quốc hội khoá IX đã thông qua Luật bảo vệ môi trường; Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và quy định việc bảo vệ môi trường như: Nghị định số 175-CP ngày 18-10-1994 hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường; Nghị định số 26/CP ngày 26-4-1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường; để thi hành Nghị định này, Bộ khoa học Công nghệ và Môi trường đã ban hành Thông tư số 2433/TT-KCM ngày 30 tháng 10 năm 1996 về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 26/CP ngày 26/4/1996 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.v.v...Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi cá nhân trong việc bảo vệ môi trường.

 

Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định một tội danh về môi trường, đó là tội: “vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 195) nhưng Bộ luật hình sự năm 1999 đã quy định một chương ( Chương XVII) gồm 10 điều ( từ Điều 182 đến Điều 191) tương ứng với 10 tội danh về môi trường, trong đó có 9 tội danh mới và một tội tách hành vi huỷ hoại rừng từ tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng quy định tại Điều 181 Bộ luật hình sự năm 1985 để cấu tạo thành tội “huỷ hoại rừng” và coi hành vi huỷ hoại rừng là hành vi phạm tội về môi trường. Tuy nhiên, vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường ở nước ta là một lĩnh vực mới nên nhà làm luật xây dựng các cấu thành tội phạm chủ yếu lấy giáo dục là chính, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm và gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Đã hơn 5 năm thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng cũng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự một số trường hợp hủi hoại rừng hoặc vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, còn các hành vi gây ô nhiễm, làm lây lan dịch bệnh cho người, cho động vật, thực vật chủ yếu được xử lý bằng biện pháp hành chính. Đây cũng là một vấn đề cần xem xét để sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ môi trường cũng như Bộ luật hình sự 1999 cho phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng chống hành vi xâm phạm môi trường.

 

CÁC TỘI PHẠM CỤ THỂ

 

 

1. TỘI GÂY Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ

 

 

Điều 182. Tội gây ô nhiễm không khí

 

1. Người nào thải vào không khí các loại khói, bụi, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác; phát bức xạ, phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

 

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

 

4.  Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Gây ô nhiễm không khí là hành vi thải vào không khí các loại khói, bụi, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác; phát bức xạ, phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự và cấu tạo của điều luật về tội phạm này thì người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

Người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi gây ô nhiễm không khí mà họ thực hiện đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Nếu quyết định xử phạt hành chính đã quá một năm ( đã xoá quyết định xử phạt hành chính ) thì không coi là đã bị xử phạt hành chính để xác định trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi gây ô nhiễm môi trường.

 

Tuy điều luật không quy định đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm nhưng vì nhà làm luật quy định đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền nên phải hiểu rằng người phạm tội phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi gây ô nhiễm không khí, chứ không phải hành vi khác.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Tội gây ô nhiễm không khí là tội xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về bảo vệ không khí (bầu khí quyển).

 

Ô nhiễm không khí là làm cho không khí bị thay đổi, vi phạm tiêu chuẩn không khí như: làm giảm lượng Oxi, tăng lượng khí Cácbonlich.

 

Các quy định của Nhà nước về bảo vệ không khí được quy định trong các văn bản pháp luật như: Luật bảo vệ môi trường; Nghị định sô 175/CP ngày 18-10-1994 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường; Nghị số 26/CP ngày 26-4-1996 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường; Thông tư số 2433/TT-KCM ngày 3-10-1996 của Bộ khoa học công nghệ và môi trường hướng dẫn thi hành Nghị định 26/CP ngày 26-4-1996 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là không khí (bầu khí quyển).

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau đây:

 

Thải vào không khí các loại khói, bụi, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác quá tiêu chuẩn cho phép.

 

Hành vi thải vào không khí các loại khói, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác quá tiêu chuẩn cho phép chủ yếu là của những người có trách nhiệm trong các nhà máy, xí nghiệp, các phương tiện giao thông cơ giới, xử lý rác thải.

 

Hành vi thải vào không khí các loại bụi quá tiêu chuẩn cho phép chủ yếu là do những người có trách nhiệm khi thi công các công trình xây dựng, khai thác, trong việc vận chuyển vật liệu xây dựng,

 

Hành vi thải vào không khí các chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác là do người có trách nhiệm trong việc sản xuất, chế biến, thí nghiệm trong lĩnh vực hoá sinh đã không có biện pháp xử lý nên đã thải vào không khí các chất độc hại như các loại khí SO2, NO2,CO, chì...

 

Các loại khói, bụi, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác được phép thải vào không khí phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định như: tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh ( TCVN 5937-1995); tiêu chuẩn khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ (TCVN 5939-1995) ban hành kèm theo quyết định số 229-QĐ/TĐC ngày 25-3-1995 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

 

Phát bức xạ, phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép.

 

Phát bức xạ, phóng xạ là hành vi làm thay đổi chất lượng, số lượng của thành phần không khí gây ảnh hưởng xấu cho đời sống của người và thiên nhiên bằng cách phát bức xạ, phóng xạ. 

 

Bức xạ gồm bức xạ ion và không ion hoá mà khi tác dụng lên cơ thể sống với liều lượng vượt quá giới hạn cho phép có thể gây tổn thương và nguy hiểm cho cơ thể như tia Rơnghen, tia X, bức xạ laze, sóng âm, hạ âm và siêu âm; chất phóng xạ là chất ở thể rắn, lỏng hoặc khí có hoạt độ phóng xạ riêng lớn hơn 7kilo Beccơren trên kg (70kBq/kg)13

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, nếu hành vi gây ô nhiễm không khí chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người thực hiện hành vi đó chưa phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này mà tuỳ trường hợp họ có thể bị xử phạt hành chính và nếu đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và gây hậu quả nghiêm trọng thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây cũng là quy định hạn chế hình sự hoá. Nếu ở các tội phạm khác nhà làm luật quy định hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị coi là phạm tội nhưng đối với các tội phạm về môi trường nói chung và đối với tội phạm này nói riêng thì nhà làm luật quy định đã bị xử phạt hành chính và gây hậu quả nghiêm trọng là hai yếu tố cần và đủ để xác định hành vi phạm tội của người gây ô nhiễm môi trường.

 

  Cũng như đối với một số tội phạm khác, các cơ quan có thẩm quyền chưa hướng dẫn thế nào hậu quả nghiêm trọng do hành vi gây ô nhiễm không khí gây ra nên có thể tham khảo Thông tư số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 để xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi gây ô nhiễm không khí gây ra.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Đối với tội phạm này, ngoài hành vi khách quan và hậu quả, nhà làm luật còn quy định dấu hiệu khách quan khác, đó là: tiêu chuẩn cho phép các loại khói, bụi, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác; bức xạ, phóng xạ trong không khí. Vượt quá tiêu chuẩn cho phép mới cấu thành tội phạm. Vì vậy, khi xác định hành vi gây ô nhiễm không khí đã cấu thành tội phạm hay chưa, ngoài các dấu hiệu khác, cần phải căn cứ vào tiêu chuẩn cho phép các loại khói, bụi, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác; bức xạ, phóng xạ trong không khí do Nhà nước quy định. Các tiêu chuẩn này được ban hành theo quyết định số 229-QĐ/TĐC ngày 25-3-1995 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Nếu cần, các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định chuyên môn.

 

Ngoài dấu hiệu trên, điều luật còn quy định dấu hiệu không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Nếu sau khi bị xử phạt hành chính mà người có hành vi gây ô nhiễm môi trường thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì cũng không cấu thành tội phạm.

 

Vấn đề đặt ra là, nếu sau khi đã bị xử phạt hành chính, người có hành vi gây ô nhiễm môi trường đã thực hiện đúng các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền nhưng hậu quả nghiêm trọng vẫn xảy ra thì họ có bị coi là phạm tội không ? Căn cứ vào điều văn của điều luật thì họ không bị coi là phạm tội vì điều luật không quy định: “cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc gây hậu quả nghiêm trọng”, nếu có từ “hoặc” thì chỉ cần người có hành vi gây ô nhiễm không khí đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm là đã cấu thành tội phạm rồi mà không cần phải gây hậu quả nghiêm trọng như điều luật quy định.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người thực hiện hành vi phạm tội này là do cố ý. Tuy nhiên, khi thực hiện hành vi thải vào không khí các loại khói, bụi, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác; phát bức xạ, phóng xạ người phạm tội không cố ý nhưng sau khi đã bị xử phạt hành chính, họ vẫn cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và dấu hiệu này cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm nên tội phạm này phải được coi là do cố ý.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội gây ô nhiễm không khí không có các tình tiết định khung hình phạt

 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 182 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội gây ô nhiễm không khí. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ ; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù; nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì được hưởng án treo. 

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 182 Bộ luật hình sự

 

Khoản 2 của điều luật nhà làm luật chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 

Do chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi gây ô nhiễm không khí gây ra nên có thể tham khảo Thông tư số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 để xác định hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi gây ô nhiễm không khí gây ra

 

Phạm tội gây ô nhiễm môi trường gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ hai nam đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng. Nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới hai năm tù hoặc chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tiền; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 182 Bộ luật hình sự

 

Khoản 3 của điều luật cũng chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

Cũng tương tự như trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể tham khảo Thông tư số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 để xác định hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi gây ô nhiễm không khí gây ra

 

Phạm tội gây ô nhiễm môi trường gây hậu quả đặc biêt nghiêm trọng, thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ năm nam đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới năm năm tù nhưng không được dưới hai năm tù; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.

 

4. Hình phạt bổ sung

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Khi áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cần chú ý:

 

Chỉ áp dụng hình phạt tiền nếu hình phạt chính đã áp dụng đối với bị cáo không phải là hình phạt tiền;

 

Toà án có thể áp dụng một loại hình phạt bổ sung nhưng cũng có thể áp dụng tất cả các loại hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 4 của điều luật.

 

Khi áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định cần tuyên rõ cấm đảm nhiệm những chức vụ cụ thể gì, cấm hành nghề gì và cấm làm công việc cụ thể gì, mà không tuyên chung chung như quy định của điều luật.

 

 

2. TỘI GÂY Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC

 

Điều 183. Tội gây ô nhiễm nguồn nước

 

1. Người nào thải vào nguồn nước dầu mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại và gây dịch bệnh hoặc các yếu tố độc hại khác, đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

 

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

 

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Gây ô nhiễm nguồn nước là hành vi thải vào nguồn nước dầu mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại và gây dịch bệnh hoặc các yếu tố độc hại khác.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

Có thể nói, tội gây ô nhiễm nguồn nước cũng tương tự như đối với tội gây ô nhiễm không khí quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự, nếu có khác là khác ở chỗ: đối tượng bị gây ô nhiễm là nguồn nước chứ không phải không khí và các chất thải vào nguồn nước khác với các chất thải vào không khí. Tuy nhiên, để tiện việc nghiên cứu, bảo đảm tính logic, chúng tôi vẫn phân tích các dấu hiệu cơ bản cấu thành tội phạm này, những dấu hiệu nào tương tự sẽ không bình luận sâu như các dấu hiệu khác.

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này cũng không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

 

Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

Người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi gây ô nhiễm nguồn nước mà họ thực hiện đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Tội gây ô nhiễm nguồn nước là tội xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về bảo vệ nguồn nước

 

Đối tượng tác động là nguồn nước, không phân biệt nước biển, sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch…kể các các nguồn nước ngầm dưới lòng đất.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội có thể thực hiện một hoặc một số các hành vi sau:

 

- Thải vào nguồn nước các loại dầu mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép.

 

- Đổ các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại hoặc các yếu tố độc hại khác xuống nguồn nước.

 

Khi xác định hành vi khách quan của người phạm tội cần chú ý:

 

Nếu hành vi thải vào nguồn nước các loại dầu mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ thì cần xác định xem đã quá tiêu chuẩn cho phép hay chưa; tiêu chuẩn này được Nhà nước quy định cụ thể như: TCVN 5942-1995 quy định về tiêu chuẩn chát lượng mặt nước; TCVN-5944-1995 quy định về tiêu chuẩn nước ngầm.v.v… ban hành kèm theo quyết định số 229-QĐ/TĐC ngày 25-3-1995 của Bộ trưởng Bộ Khoa học,Công nghệ và Môi trường.

 

Nếu đổ các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại xuống nguồn nước thì không cần phải xác định tiêu chuẩn cho phép, vì không có quy định nào cho phép đưa các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại xuống nguồn nước. Tuy nhiên, nếu các chất thải này gây nên dịch bệnh thì mới coi là hành vi phạm tội.

 

Riêng đối với các yếu tố độc hại khác ngoài những các chất đã được liệt kê trong điều luật thì tuỳ trường hợp mà xác định tiêu chuẩn cho phép; nếu các yếu tố độc hại đó là các chất hữu cơ thì không cần xác định tiêu chuẩn cho phép vì nó được coi như tương tự các chất thải, xác động vật, thực vật; nếu các yếu tố độc hại lại là chất vô cơ thì được coi như tương tự như các loại dầu mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ thì phải xác định tiêu chuẩn cho phép. Trong trường hợp này nếu cần thì phải trưng cầu giám định.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nếu hành vi gây ô nhiễm nguồn nước chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì người thực hiện hành vi đó chưa phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này mà tuỳ trường hợp họ có thể bị xử phạt hành chính và nếu đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và gây hậu quả nghiêm trọng thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

 Cũng như đối với một số tội phạm khác, trong khi chưa hướng dẫn thì có thể tham khảo Thông tư số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 để xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi gây ô nhiễm nguồn nước gây ra.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

 Cũng như đối với tội gây ô nhiễm không khí, tội phạm phạm này, nhà làm luật còn quy định dấu hiệu khách quan khác, đó là: tiêu chuẩn cho phép các loại dầu mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ hoặc các yếu tố độc hại khác. Vượt quá tiêu chuẩn cho phép mới cấu thành tội phạm.

 

Ngoài dấu hiệu trên, điều luật còn quy định dấu hiệu “không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền”. Tương tự như đối với tội gây ô nhiễm không khí, nếu sau khi bị xử phạt hành chính mà người có hành vi gây ô nhiễm nguồn nước thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền nhưng hậu quả nghiêm trọng vẫn xảy ra thì không bị coi là phạm tội.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Cũng tương tự như đối với tội gây ô nhiễm không khí, người thực hiện hành vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước là do cố ý, mặc dù lúc đầu hành vi thải vào nguồn nước các loại dầu mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép hay đổ các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại hoặc các yếu tố độc hại khác xuống nguồn nước có thể là do vô ý nhưng vì đã có cơ quan có thẩm quyền yêu cầu hiện các biện pháp khắc phục nhưng cố tình không thực hiện để gây ra hậu quả nghiêm trọng.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

Các trường hợp phạm tội cụ thể (kể cả hình phạt bổ sung) của tội gây ô nhiễm nguồn nước cũng tương tự như đối với các trường hợp phạm tội cụ thể đối với tội gây ô nhiễm không khí về cả các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt,  loại hình phạt cũng như mức hình phạt. Vì vậy, có thể coi các trường hợp phạm tội cụ thể đối với tội gây ô nhiễm không khí đã phân tích ở trên cũng là các trường hợp phạm tội cụ thể đối với tội gây ô nhiễm nguồn nước quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 183 Bộ luật hình sự.

 

3. TỘI GÂY Ô NHIỄM ĐẤT

 

Điều 184. Tội gây ô nhiễm đất

 

1. Người nào chôn vùi hoặc thải vào đất các chất độc hại quá tiêu chuẩn cho phép, đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

 

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

 

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Gây ô nhiễm đất là hành vi chôn vùi hoặc thải vào đất các chất độc hại quá tiêu chuẩn cho phép.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

Tội gây ô nhiễm đất cũng tương tự như đối với tội gây ô nhiễm không khí và tội gây ô nhiễm nguồn nước quy định tại các Điều 182 và 183 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ: đối tượng bị gây ô nhiễm là đất chứ không phải không khí hay nguồn nước và các chất mà người phạm tội chôn vùi hoặc thải vào đất chỉ là các chất độc hại, chứ không bao gồm các chất thải khác như đối với hai tội trên.

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

Người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi gây ô nhiễm đất mà họ thực hiện đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Tội gây ô nhiễm đất là tội xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về bảo vệ đất, làm cho đất không bị nhiễm độc do hành vi của con người gây ra.

 

Đối tượng tác động là đất, không phân biệt đất thổ cư, đất canh tác, đất rừng hay các loại đất khác.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Khác với tội gây ô nhiễm không khí và tội gây ô nhiễm nguồn nước, đối với tội phạm này người phạm tội chỉ thực hiện hành vi khách quan quy nhất là chôn vùi hoặc thải vào đất các chất độc hại.

 

Các chất độc hại bị chôn vùi hoặc thải vào đất là các chất khi chưa bị chôn vùi hoặc thải vào đất đã được xác định là chất độc hại chứ không phải sau khi chôn vùi hoặc thải vào đất bị phân huỷ thành các chất độc hại.

 

Các chất độc hại mà người phạm tội chôn vùi hoặc thải vào đất là các chất hữu cơ hoặc vô cơ được cơ quan có thẩm quyền xác định là chất độc hại như các chất hoá học có chứa độc tố, các chất phóng xạ, các loại thuốc bảo vệ thực vật, các động vật, thực vật bị nhiếm độc chưa được cơ quan y tế có thẩm quyền xử lý hoặc chôn cất không theo quy định của cơ quan vệ sinh dịch tễ…

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nếu hành vi gây ô nhiễm đất chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì người thực hiện hành vi đó chưa phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này mà tuỳ trường hợp họ có thể bị xử phạt hành chính và nếu đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và gây hậu quả nghiêm trọng thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

 Cũng như đối với một số tội phạm khác, trong khi chưa hướng dẫn thì có thể tham khảo Thông tư số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 để xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi gây ô nhiễm đất gây ra.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Cũng như đối với tội gây ô nhiễm không khí và tội gây ô nhiễm nguồn nước, đối với tội phạm này nhà làm luật cũng quy định dấu hiệu khách quan khác, đó là: tiêu chuẩn cho phép các loại chất độc hại được chôn vùi hoặc được thải vào đất. Vượt quá tiêu chuẩn cho phép mới cấu thành tội phạm. Tiêu chuẩn này được Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường quy định ban hành kèm theo Quyết định số 229-QĐ/TĐC ngày 25-3-1995 (TCVN 5941-1995 về tiêu chuẩn chất lượng đất) 

 

Ngoài dấu hiệu trên, điều luật còn quy định dấu hiệu “không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền”. Tương tự như đối với tội gây ô nhiễm không khí và gây ô nhiễm nguồn nươc, nếu sau khi bị xử phạt hành chính mà người có hành vi gây ô nhiễm đất thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền nhưng hậu quả nghiêm trọng vẫn xảy ra thì không bị coi là phạm tội.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Cũng tương tự như đối với tội gây ô nhiễm không khí và gây ô nhiễm nguồn nước, người thực hiện hành vi phạm gây ô nhiễm đát là do cố ý, mặc dù lúc đầu hành vi chôn vùi hoặc thải vào đất các chất độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép có thể là do vô ý nhưng vì đã có cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục nhưng cố tình không thực hiện để gây ra hậu quả nghiêm trọng.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

Các trường hợp phạm tội cụ thể của tội gây ô nhiễm đất cũng tương tự như đối với các trường hợp phạm tội cụ thể đối với tội gây ô nhiễm không khí và gây ô nhiễm nguồn nước về cả các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, loại hình phạt cũng như mức hình phạt. Riêng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền khoản 4 Điều 184 quy định có thấp hơn mức phạt so với khoản 4 Điều 182 và khoản 4 Điều 183 Bộ luật hình sự, đó là từ năm triệu đồng đến lăm mươi triệu đồng chứ không phải từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng. Vì vậy, có thể coi các trường hợp phạm tội cụ thể đối với tội gây ô nhiễm không khí đã phân tích ở trên cũng là các trường hợp phạm tội cụ thể đối với tội gây ô nhiễm  đất quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 184 Bộ luật hình sự.

 

 

4. TỘI NHẬP KHẨU CÔNG NGHỆ, MÁY MÓC, THIẾT BỊ, PHẾ THẢI HOẶC CÁC CHẤT KHÔNG BẢO ĐẢM TIÊU CHUẨN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

 

Điều 185. Tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường

 

1. Người nào nhập khẩu hoặc cho phép nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, các chế phẩm sinh học, chế phẩm hoá học khác, các chất độc hại, chất phóng xạ hoặc phế thải không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

 

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

 

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một  năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường là hành vi nhập khẩu hoặc cho phép nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, các chế phẩm sinh học, chế phẩm hoá học khác, các chất độc hại, chất phóng xạ hoặc phế thải không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này vừa là chủ thể đặc biệt, vừa không phải là chủ thể đặc biệt.

 

Là chủ thể đặc biệt nếu đó là hành vi cho nhập khẩu, vì chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong việc cho nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, các chế phẩm sinh học, chế phẩm hoá học khác, các chất độc hại, chất phóng xạ hoặc phế thải mới có thể cho phép nhập khẩu được.

 

Không là chủ thể đặc biệt nếu đó là hành vi trực tiếp nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, các chế phẩm sinh học, chế phẩm hoá học khác, các chất độc hại, chất phóng xạ hoặc phế thải, vì người không có chức vụ, quyền hạn vẫn có thể thực hiện được.

 

Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật. Tuy nhiên, chủ thể của tội phạm này hầu hết là người đã thành niên.

 

Người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi hành vi nhập khẩu hoặc cho phép nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, các chế phẩm sinh học, chế phẩm hoá học khác, các chất độc hại, chất phóng xạ hoặc phế thải không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Khác với các tội quy định tại các Điều 182, 183 và 184 Bộ luật hình sự, khách thể của tội phạm này là các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung chứ không riêng một lĩnh vực cụ thể nào.

 

Đối tượng tác động công nghệ, máy móc, thiết bị, các chế phẩm sinh học, chế phẩm hoá học khác, các chất độc hại, chất phóng xạ hoặc phế thải từ nước ngoài vào Việt Nam.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội có thể thực hiện một trong hai hành vi khách quan sau:

 

- Nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, các chế phẩm sinh học, chế phẩm hoá học khác, các chất độc hại, chất phóng xạ hoặc phế thải không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

 

Hành vi nhập khẩu trong cấu thành tội phạm này không phải là hành vi nhập lậu, mà việc nhập khẩu được Bộ Thương mại cho phép (có quota) hàng nhập khẩu đúng chủng loại, số lượng, chất lượng nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, không được cơ quan Nhà nước về bảo vệ môi trường cho phép. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt hành vi nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, các chế phẩm sinh học, chế phẩm hoá học khác, các chất độc hại, chất phóng xạ hoặc phế thải không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường với hành vi buôn lậu hoặc trốn thuế.

 

- Cho nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, các chế phẩm sinh học, chế phẩm hoá học khác, các chất độc hại, chất phóng xạ hoặc phế thải không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

 

Hành vi cho nhập khẩu cũng không phải cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế hay thiếu trách nhiệm hoặc đồng phạm với hành vi buôn lậu mà chỉ là hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Lẽ ra khi cho nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, các chế phẩm sinh học, chế phẩm hoá học khác, các chất độc hại, chất phóng xạ hoặc phế thải phải yêu cầu người nhập khẩu hoặc yêu cầu cơ quan Nhà nước về bảo vệ môi trường kiểm định xem có đồng ý hay không.

 

Nếu người có thẩm quyền cấp quota cho nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, các chế phẩm sinh học, chế phẩm hoá học khác, các chất độc hại, chất phóng xạ hoặc phế thải đã yêu cầu người nhập khẩu phải xin phép cơ quan Nhà nước về bảo vệ môi trường xem xét nhưng cơ quan Nhà nước về bảo vệ môi trường làm ngơ hoặc đồng ý cho nhập thì người cấp quota không phải chịu trách nhiệm mà cơ quan Nhà nước về bảo vệ môi trường phải chịu trách nhiệm.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của tội phạm này cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nếu nhập khẩu hoặc cho nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, các chế phẩm sinh học, chế phẩm hoá học khác, các chất độc hại, chất phóng xạ hoặc phế thải không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nhưng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì người có hành vi nhập khẩu hoặc cho nhập khẩu chưa bị coi là phạm tội mà tuỳ trường hợp có thể bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

 

Việc xác định thế nào là hậu quả nghiêm trọng, có thể tham khảo Thông tư số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Ngoài hành vi khách quan, hậu quả thì đối với tội phạm này nhà làm luật còn quy định một dấu hiệu khách quan nữa đó là: công nghệ, máy móc, thiết bị, các chế phẩm sinh học, chế phẩm hoá học khác, các chất độc hại, chất phóng xạ hoặc phế thải được nhập vào nước ta là không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

 

Căn cứ để xác định công nghệ, máy móc, thiết bị, các chế phẩm sinh học, chế phẩm hoá học khác, các chất độc hại, chất phóng xạ hoặc phế thải được nhập vào nước ta là không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường là những quy định của Luật bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn hoặc quy định của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Cho dù điều văn của điều luật không quy định cụ thể, nhưng căn cứ vào hành vi khách quan và các dấu hiệu khách quan khác thì có thể xác định người thực hiện hành vi phạm tội này là do cố ý.

 

Nếu có căn cứ xác định người nhập khẩu hoặc cho nhập khẩu không biết hoặc không thể biết công nghệ, máy móc, thiết bị, các chế phẩm sinh học, chế phẩm hoá học khác, các chất độc hại, chất phóng xạ hoặc phế thải không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường thì không bị coi là phạm tội, mà tuỳ trường hợp có thể bị xâm phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

Mặc dù hành vi phạm tội, đối tượng xâp phạm cũng như tính chất của tội phạm này khác với các tội gây ô nhiễm quy định tại các Điều 182, 183 và 184 Bộ luật hình sự nhưng các trường hợp phạm tội cụ thể của tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường cũng tương tự như đối với các trường hợp phạm tội cụ thể đối với tội gây ô nhiễm quy định tại các Điều 182, 183 và 184 Bộ luật hình sự về cả các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, loại hình phạt cũng như mức hình phạt. Vì vậy, có thể coi các trường hợp phạm tội cụ thể đối với tội gây ô nhiễm không khí đã phân tích ở trên cũng là các trường hợp phạm tội cụ thể đối với tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 185 Bộ luật hình sự.

 

5. TỘI LÀM LÂY LAN DỊCH BỆNH NGUY HIỂM CHO NGƯỜI

 

Điều 186. Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người

 

1. Người nào có một trong các hành vi sau đây làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

 

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

 

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người là hành vi đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người; đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người hoặc có hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này vừa là chủ thể đặc biệt lại vừa không phải là chủ thể đặc biệt.

 

Là chủ thể đặc biệt trong trường hợp người có hành vi cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người, vì chỉ những người có chức vụ, quyền hạn mới có thể có quyền “cho phép”. Các trường hợp còn lại không phải là chủ thể đặc biệt.

 

Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người là tội xâm phạm đến sự an toàn về tính mạng, sức khoẻ của cộng đồng. Khác với các tội xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của con người quy định tại Chương XII Bộ luật hình sự. Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người chỉ như là một nguy cơ tiềm ẩn sự nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của nhiều người.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm đã bị nhiễm bệnh mà bệnh đó có khả năng lây lan sang người.

 

Động vật là các loài chim, thú, gia cầm, các loài tôm, cá, các loại côn trùng…được gọi chung là sinh vật có cảm giác và tự vận động được;

 

Sản phẩm động vật là thực phẩm được chế biến từ động vật hay nói cách khác là sản phẩm có nguồn gốc từ động vật như: Thịt động vật, xương động vật, sữa, các bộ phận khác lấy từ động vật…

 

Thực vật là các loại cây, rễ, củ, hoa, lá, quả, hạt… Sản phẩm thực vật là các loại sản phẩm được chế biến từ thực vật làm thức ăn cho người và gia súc hoặc phục vụ cho tiêu dùng, nghiên cứu khoa học như: dầu ăn, các loại nước được ép từ các loại hoa quả

 

Vật phẩm khác là những đồ vật có mang mầm bệnh và bệnh đó là bệnh dịch có khả năng lây lan sang người như các bao bì đựng các sản phẩm được chế biến từ động vật, thực vật.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau đây:

 

- Đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người.

 

Đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh là vận chuyển động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người từ vùng đang có dịch bệnh đến vùng khác chưa có dịch bệnh.

 

Vùng có dịch bệnh là khu vực (được giới hạn bởi đơn vị hành chính như một địa danh, một địa phương, một vùng lãnh thổ…) đang có dịch bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền công bố ( Uỷ ban nhân dân các cấp, Bộ y tế hoặc Chủ tịch nước) trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

 Động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, cấm đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh, nhưng vẫn lén lút đưa ra khỏi vùng có dịch. Ví dụ: Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã công bố trên địa bàn toàn tỉnh đang có dịch cúm gia cầm, đã có lệnh cấm vận chuyển gia cầm ra khỏi phạm vi tỉnh, nhưng một số người do hám lợi vẫn lén lút vận chuyển gia cầm từ Thái Bình sang Nam Định, Hưng Yên, Hải Phòng để bán.

 

Khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người là dịch bệnh nguy hiểm tiềm ẩn trong động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có thể lây sang người, còn thực tế đã lây sang người hay chưa không phải dấu hiệu bắt buộc. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng không cần phải xác định dịch bệnh đó đã lây lan sang người hay chưa mà chỉ cần xác định khả năng dịch bệnh đó có khả năng lây sang người hay không. Việc xác định này sẽ do cơ quan y tế có thẩm quyền thực hiện.

 

- Đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người.

 

Đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người là hành vi nhập khẩu hoặc cho phép nhập khẩu vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người như: nhập gia cầm bị nhiễm bệnh sát (H5N1) từ Trung Quốc vào Việt Nam; nhập bò “điên” từ Úc vào Việt Nam v.v…  

 

Hành vi này cũng tương tự như hành vi nhập khẩu hoặc cho nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, các chế phẩm sinh học, chế phẩm hoá học khác, các chất độc hại, chất phóng xạ hoặc phế thải không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường quy định tại Điều 185 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở đối tượng nhập vào Việt Nam là động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người, còn thủ đoạn, động cơ, mục đích của người phạm tội không có gì khác.

 

-  Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

 

Nói chung đối với tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người, người phạm tội chủ yếu thực hiện một trong hai hành vi trên. Tuy nhiên, đề phòng lọt tội, nhà làm luật quy định bất cứ hành vi nào mà làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người đều bị xử lý bằng biện pháp hình sự nếu thoả mãn các yếu tố khác. Đây không chỉ đối với tội phạm này, mà nhiều tội phạm, sau khi liệt kê các hành vi cụ thể nhà làm luật còn quy định hành vi khác.

 

Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người là ngoài hành vi đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người và hành vi đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người thì bất cứ hành vi nào khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người đều bị coi là hành vi phạm tội này.

 

b. Hậu quả

 

Đối với tội phạm này, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc để định tội, tức là người phạm tội chỉ cần thực hiện một trong các hành vi khách quan là đã cấu thành tội phạm rồi, nếu có hậu quả xảy ra và hậu quả đó là rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Đối với tội phạm này, ngoài hành vi khách quan, nhà làm luật không quy định thêm các dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, để xác định đúng hành vi phạm tội thì các cơ quan tiến hành tố tụng không thể không nghiên cứu các quy định của Nhà nước, đặc biệt là của Bộ y tế về dịch bệnh, lan truyền dịch bệnh, các quy định khác về công bố dịch bệnh.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người thực hiện hành vi phạm tội này là do cố ý, tức là nhận thức được hành vi của mình là làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người nhưng vì những động cơ khác nhau mà vẫn thực hiện hành vi mà pháp luật cấm.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc trường hợp không có các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt

 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 186 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ một đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới một năm; nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể được hưởng án treo; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 186  Bộ luật hình sự

 

Tương tự như đối với một số tội phạm khác, trong cùng một khung hình phạt nhà làm luật quy định hai tình tiết có tính chất mức đọ nguy hiểm khác nhau là yếu tố định khung hình phạt, đó là: “phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”. Trong khi đó nhà làm luật lại không quy định gây hậu quả nghiêm trọng là tình tiết định tội. Do đó, có ý kiến cho rằng về kỹ thuật lập pháp cấu tạo của Điều 186 Bộ luật hình sự cần phải xem lại. Có thể cấu tạo khoản 2 với tình tiết là yếu tố định khung hình phạt là “gây hậu quả nghiêm trọng”, khoản 3 với tình tiết là yếu tố định khung hình phạt là “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và khoản 4 với tình tiết là yếu tố định khung hình phạt là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, khoản 5 là hình phạt bổ sung. Có như vậy mới có thể cá thể hoá hình phạt triệt để.

 

Cũng như đối với các tội phạm quy định trong chương này, chưa có hướng dẫn chính thức thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người gây ra, nên có thểtham khảo Thông tư số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 để xác định hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, người phạm tội có thể bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ gây hậu quả rất nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới năm năm tù nhưng không được dưới một năm tù; nếu người phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười hai năm tù.

 

3. Hình phạt bổ sung

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Khi áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cần chú ý:

 

Toà án có thể áp dụng một loại hình phạt bổ sung nhưng cũng có thể áp dụng tất cả các loại hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 3 của điều luật.

 

Khi áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định cần tuyên rõ cấm đảm nhiệm những chức vụ cụ thể gì, cấm hành nghề gì và cấm làm công việc cụ thể gì, mà không tuyên chung chung như quy định của điều luật.

 

6. TỘI LÀM LÂY LAN DỊCH BỆNH NGUY HIỂM CHO ĐỘNG VẬT, THỰC VẬT

 

 

Điều 187.  Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật

 

1. Người nào có một trong các hành vi sau đây làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến  ba năm:

a) Đưa vào hoặc mang ra khỏi khu vực hạn chế lưu thông động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật thuộc đối tượng kiểm dịch mà không thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm dịch;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật.

 

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

 

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật là hành vi đưa vào hoặc mang ra khỏi khu vực hạn chế lưu thông động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh; đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật thuộc đối tượng kiểm dịch mà không thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm dịch; hoặc có hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

Về cơ bản, các dấu hiệu của tội phạm này cũng tương tự như tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. Tuy nhiên, về tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm này cũng như chính sách hình sự của Nhà nước đối với người phạm tội có nhẹ hơn so với tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này vừa là chủ thể đặc biệt lại vừa không phải là chủ thể đặc biệt.

 

Là chủ thể đặc biệt trong trường hợp người có hành vi cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật thuộc đối tượng kiểm dịch mà không thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm dịch, vì chỉ những người có chức vụ, quyền hạn mới có thể có quyền “cho phép”. Các trường hợp còn lại không phải là chủ thể đặc biệt.

 

Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

Khác với tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người, Người thực hiện hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này nếu trước đó họ đã bị xử phạt hành chính về hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật mà còn vi phạm.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật là tội xâm phạm đến sự an toàn của môi trường sinh thái mà trực tiếp là sự an toàn cho động vật, thực vật.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm đã bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh thuộc đối tượng kiểm dịch.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau đây:

 

- Đưa vào hoặc mang ra khỏi khu vực hạn chế lưu thông động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh.

 

Đưa vào khu vực hạn chế lưu thông là vận chuyển động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác đã bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh vào vùng chưa có dịch bệnh.

 

Mang ra khỏi khu vực hạn chế lưu thông là vận chuyển động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh từ vùng đang có dịch bệnh đến vùng khác chưa có dịch bệnh.

 

Khu vực hạn chế lưu thông động vật, thực vật sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác là khu vực được giới hạn bởi đơn vị hành chính như một địa danh, một địa phương, một vùng lãnh thổ mà ở đó đang có dịch bệnh đối với động vật, thực vật sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác đã được cơ quan có thẩm quyền công bố ( Uỷ ban nhân dân các cấp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

 Động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền xác định và cấm đưa vào hoặc mang ra khỏi khu vực hạn chế lưu thông nhưng vẫn lén lút đưa vào hoặc mang ra khỏi khu vực đó.

 

- Đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật thuộc đối tượng kiểm dịch mà không thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm dịch.

 

Đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật thuộc đối tượng kiểm dịch mà không thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm dịch là hành vi nhập khẩu hoặc cho phép nhập khẩu vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật thuộc đối tượng kiểm dịch mà không thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm dịch như: trốn tránh việc kiểm dịch hoặc kiểm dịch qua loa không đúng với các quy định về kiểm dịch động vật, thực vật.

 

-  Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật.

 

Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật là ngoài hành vi đưa vào hoặc mang ra khỏi khu vực hạn chế lưu thông động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh; đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật thuộc đối tượng kiểm dịch mà không thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm dịch, thì bất cứ hành vi nào kháclàm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật đều bị coi là hành vi phạm tội này.

 

b. Hậu quả

 

Đối với tội phạm này, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm; nếu người phạm tội thực hiện hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật nhưng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và họ chưa bị xử phạt hành chính về hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật thì chưa cấu thành tội phchấp hành; nếu hậu quả đó là rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Đối với tội phạm này, ngoài hành vi khách quan, hậu quả nghiêm trọng, nhà làm luật không quy định thêm các dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, để xác định đúng hành vi phạm tội thì các cơ quan tiến hành tố tụng không thể không nghiên cứu các quy định của Nhà nước, đặc biệt là của Bộ y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về dịch bệnh, lan truyền dịch bệnh, các quy định khác về công bố dịch bệnh.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người thực hiện hành vi phạm tội này là do cố ý, tức là nhận thức được hành vi của mình là làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật nhưng vì những động cơ khác nhau mà vẫn thực hiện hành vi mà pháp luật cấm.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc trường hợp không có các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt.

 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 187 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến  ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù; néu có đủ đièu kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể được hưởng án treo.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 187  Bộ luật hình sự

 

Tương tự như đối với khoản 2 Điều 186 Bộ luật hình sự, trong cùng một khung hình phạt nhà làm luật quy định hai tình tiết có tính chất mức đọ nguy hiểm khác nhau là yếu tố định khung hình phạt, đó là: “phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”.

 

Cũng như đối với các tội phạm quy định trong chương này, chưa có hướng dẫn chính thức thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật gây ra, nên có thể tham khảo Thông tư số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 để xác định hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vilàm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật gây ra.

 

Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật có thể bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ gây hậu quả rất nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới hai năm tù hoặc chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn; nếu người phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

 

3. Hình phạt bổ sung

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Khi áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cần chú ý:

 

Chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung nếu hình phạt chính áp dụng đối với bị cáo không phải là hình phạt tiền.

 

Toà án có thể áp dụng một loại hình phạt bổ sung nhưng cũng có thể áp dụng tất cả các loại hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 3 của điều luật.

 

Khi áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định cần tuyên rõ cấm đảm nhiệm những chức vụ cụ thể gì, cấm hành nghề gì và cấm làm công việc cụ thể gì, mà không tuyên chung chung như quy định của điều luật.

 

7. TỘI HUỶ HOẠI NGUỒN LỢI THUỶ SẢN

 

Điều 188.  Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản

 

 1. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Sử dụng chất độc, chất nổ, các hoá chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ khác bị cấm để khai thác thuỷ sản hoặc làm huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản;

b) Khai thác thuỷ sản tại khu vực bị cấm, trong mùa sinh sản của một số loài hoặc vào thời gian khác mà pháp luật cấm;

c) Khai thác các loài thuỷ sản quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ;

d) Phá hoại nơi cư ngụ của các loài thuỷ sản quý hiếm được bảo vệ theo quy định của Chính phủ;

đ) Vi phạm các quy định khác về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

 

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ hai năm đến năm năm.

 

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng,  cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản là hành vi sử dụng chất độc, chất nổ, các hoá chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ khác bị cấm để khai thác thuỷ sản hoặc làm huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản; khai thác thuỷ sản tại khu vực bị cấm, trong mùa sinh sản của một số loài hoặc vào thời gian khác mà pháp luật cấm; khai thác các loài thuỷ sản quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ; phá hoại nơi cư ngụ của các loài thuỷ sản quý hiếm được bảo vệ theo quy định của Chính phủ và vi phạm các quy định khác về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này khung hình phạt cao nhất cũng chỉ là tội phạm nghiêm trọng.

 

Người có hành vi huỷ hoại nguồn lợi thủy sản chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu trước đó họ đã bị xử phạt hành chính về hành vi huỷ hoại nguồn lợi thủy sản hoặc đã bị kết án về tội huỷ hoại nguồn lợi thủy sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản là tội xâm phạm đến các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Nhà nước 

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là các loại động vật sinh sống dưới nước (ao, hồ, sông, suối, biển...). Nếu loại thuỷ sản là động vật hoang dã quý hiếm thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm quy định tại điểm c hoặc điểm d khoản 2 Điều 190 Bộ luật hình sự.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội huỷ hoại nguồn lợi thủy sản có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau:

 

-  Sử dụng chất độc, chất nổ, các hoá chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ khác bị cấm để khai thác thuỷ sản hoặc làm huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản.

 

Dùng chất độc, chất nổ, các hoá chất khác, để khai thác thuỷ sản là dùng các loại bom, mìn, thủ pháo, bộc phá, lựu đạn, thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, các chất hoá học vô cơ và hữu cơ để đánh bắt các loại thuỷ sản dưới nước như: dùng mìn ném xuống biển làm cho cá chết, dùng thuốc trừ sâu đổ xuống sông làm cho cá chết.

 

Dùng dòng điện để khai thác thuỷ sản dùng dòng điện chạy qua nước để thủy sản bị điện giật chết như: dùng bình ắc quy cho dòng điện chạy qua nước làm cho cá bị điện giật chết; câu móc điện và cho dòng điện chạy qua nước để cá hoặc các loài thuỷ sản bị điện giật chết.

 

Khi dùng chất độc, chất nổ, các hoá chất khác hoặc dùng điện để đánh bắt thuỷ sản thường làm cho thủy sản chết hàng loạt không phân biệt loài nào, lớn hay bé, có thể có loài nặng hàng chục ki-lô-gam, có loài chỉ nhỏ như con tép không chỉ huỷ diệt nguồn thuỷ sản mà còn huỷ hoại cả môi trường thuỷ sản.

 

Nếu người phạm tội dùng chất độc, chất nổ và các chất đó thuộc đối tượng tác động thuộc các tội quy định tại các Điều 230, 232, 234, 235, 236, 237, 238 và 239 thì ngoài tội hủy hoại nguồn thuỷ sản họ còn phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng quy định tại các điều luật trên. Ví dụ: Trước khi ra khơi đánh cá, Bùi Văn T đã mua 10 kg thuốc nổ TNT và 10 cái kíp nổ về tự chế thành 10 quả mìn để ra khơi dùng mìn tự tạo đánh cá thì Bùi Văn T bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội huỷ hoại nguồn thuỷ sản còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép vật liệu nổ quy định tại Điều 232 Bộ luật hình sự.

 

Dùng các phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thuỷ sản tuy không gây ra sự huỷ diệt như dùng chất độc, chất nổ nhưng cũng gây tác hại lớn đối với nguồn lị thuỷ sản như: Nhà nước quy định chỉ được dùng lưới có mắt lưới 20cmx20cm để đánh bắt cá ngoài khơi nhưng ngư dân đã dùng lưới vét (loại lưới có mắt nhỏ) để đánh bắt cả loài thuỷ sản nhỏ bé.

 

- Khai thác thuỷ sản tại khu vực bị cấm, trong mùa sinh sản của một số loài hoặc vào thời gian khác mà pháp luật cấm.

 

Để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Nhà nước quy định một số khu vực cấm khai thác, cấm khai thác trong mùa sinh sản của một loài thuỷ sản hoặc cấm khai thác vào những thời gian nhất định như: cấm khai thác thuỷ sản tại vùng vịnh X vì có liên quan đến an ninh, quốc phòng; cấm đánh bắt “Cá Ngựa” trong mùa sinh sản.v.v...; nếu đã có lệnh cấm và biết đã bị cấm mà vẫn khai thác là vi phạm.

 

- Khai thác các loài thuỷ sản quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ.

 

Cùng với các động vật qúy hiếm bị cấm săn bắt, Nhà nước cũng quy định một số loài thuỷ sản không được khai thác vì đó là các loài thủy sản quý hiếm như: rùa biển, cá voi... Các loài thủ sản qúy hiếm bị cấm khai thác do Chính phủ quy định ban hành kèm theo danh mục; nếu thuỷ sản mà ngư dân đánh bắt được ngoài biển là loài hiếm chưa thấy bao giờ nhưng Chính phủ chưa quy định đó là loài thủy sản quý hiếm bị cấm khai thác thì cũng không vi phạm.

 

-  Phá hoại nơi cư ngụ của các loài thuỷ sản quý hiếm được bảo vệ theo quy định của Chính phủ.

 

Bảo vệ nơi cư ngụ của các loài thủy sản quý hiếm cũng chính là bảo đảm cho loài thuỷ sản quý hiếm có điều kiện tồn tại và phát triển, phá hoại nơi cư ngụ của các loài thuỷ sản này cũng chính là hành vi huỷ hoại nguồn thủy sản. Ví dụ: Loài rùa biển thường lên bãi cát ven biển để đẻ trứng, nhưng một số người đã xây dựng lều quán trên bãi cát ven biển làm cho Rùa biển không có nơi đẻ trứng đã bỏ đi nơi khác sinh sống.

 

-  Vi phạm các quy định khác về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

 

Vi phạm các quy định khác về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản là ngoài hành vi sử dụng chất độc, chất nổ, các hoá chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ khác bị cấm để khai thác thuỷ sản hoặc làm huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản; khai thác thuỷ sản tại khu vực bị cấm, trong mùa sinh sản của một số loài hoặc vào thời gian khác mà pháp luật cấm; khai thác các loài thuỷ sản quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ và phá hoại nơi cư ngụ của các loài thuỷ sản quý hiếm được bảo vệ theo quy định của Chính phủ, thì bất cứ hành vi nào khác mà huỷ hoại nguồn lợi thủy sản đều bị coi là hành vi phạm tội này.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, nếu người có hành vi huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản mà chưa bị xử phạt hành chính về hành vi huỷ hoại nguồn lợi thủy sản hoặc chưa bị kết án về tội huỷ hoại nguồn lợi thủy sản thì phải gây hậu quả nghiêm trọng thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.

 

Việc xác định hậu quả nghiêm trọng đối với hành vi huỷ hoại nguồn lợi thủy sản không thể tham khảo Thông tư số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 để xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi huỷ hoại nguồn lợi thủy sản gây ra được, vì hậu quả do hành vi huỷ hoại nguồn lợi thủy sản gây ra chủ yếu là những thiệt hại về môi trường, những thiệt hại về kinh tế khó có thể xác định chính xác được. Do đó khi xác định hậu quả nghiêm trọng cũng như hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, cần đánh giá một cách toàn diện các thiệt hại cả về vật chất và phi vật chất do hành vi huỷ hoại ngừôn lợi thủy sản gây ra, nếu thấy cần thiết phải trưng cầu giám định chuyên môn.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Đối với tội phạm này, khi quy định hành vi khách quan của tội phạm, nhà làm luật đã quy định cả dấu hiệu khách quan khác cùng với hành vi khách quan như: khai thác các loài thuỷ sản quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc phá hoại nơi cư ngụ của các loài thuỷ sản quý hiếm được bảo vệ theo quy định của Chính phủ; nếu muốn biết loài thuỷ sản nào là quý hiếm, nơi nào là nơi cư ngụ của các loài thủy sản quý hiếm phải căn cứ vào quy định của Chính phủ. Ngoài ra, muốn xác định hành vi phạm tội còn phải căn cứ vào các quy định của các cơ quan chức năng mà cụ thể là Bộ Thuỷ sản về việc khai thác thuỷ sản, cũng như các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người thực hiện hành vi phạm tội này là do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là huỷ hoại nguồn lợi thủy sản, thấy trước được hậu quả nghiêm trọng  của hành vi mà mình thực hiện, mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả nghiêm trọng xảy ra.

 

Nhận thức của người phạm tội là bao gồm cả nhận thức về pháp luật, tức là biết Nhà nước cấm không được khai thác mà vẫn khai thác. Nếu vì lý do khách quan người có hành vi huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản mà không nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật thì không phải là cố ý phạm tội.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc trường hợp không có các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt.

 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội huỷ hoại nguồn thủy sản. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến  ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù; nếu có đủ đièu kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể được hưởng án treo.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 188 Bộ luật hình sự

 

Tương tự như đối với khoản 2 Điều 186 và khoản 2 Điều 187 Bộ luật hình sự, trong cùng một khung hình phạt nhà làm luật quy định hai tình tiết có tính chất mức độ nguy hiểm khác nhau là yếu tố định khung hình phạt, đó là:“phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”.

 

Tương tự như trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, việc xác định hành vi huỷ hoại nguồn thủy sản gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng không thể tham khảo Thông tư số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999, mà phải đánh giá một cách toàn diện các thiệt hại cả về vật chất và phi vật chất do hành vi huỷ hoại ngừôn lợi thủy sản gây ra. 

 

Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật có thể bị phạt tù từ hai năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ gây hậu quả rất nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới hai năm tù hoặc chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn; nếu người phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

 

 

3. Hình phạt bổ sung

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Khi áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cần chú ý:

 

Chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung nếu hình phạt chính áp dụng đối với bị cáo không phải là hình phạt tiền.

 

Toà án có thể áp dụng một loại hình phạt bổ sung nhưng cũng có thể áp dụng tất cả các loại hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 3 của điều luật.

 

Khi áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định cần tuyên rõ cấm đảm nhiệm những chức vụ cụ thể gì, cấm hành nghề gì và cấm làm công việc cụ thể gì, mà không tuyên chung chung như quy định của điều luật.

 

8. TỘI HUỶ HOẠI RỪNG

 

Điều 189. Tội huỷ hoại rừng

 

1. Người nào đốt, phá rừng trái phép rừng hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

c) Hủy hoại diện tích rừng rất lớn;

d) Chặt phá các loại thực vật quý hiếm thuộc danh mục quy định của Chính phủ;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn;

b) Hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Huỷ hoại rừng là hành vi đốt, phá rừng trái phép rừng hoặc có hành vi khác làm cho rừng mất hoàn toàn giá trị hoặc làm cho rừng giảm giá trị đáng kể.

 

Tội huỷ hoại rừng là tội phạm được tách từ tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng quy định tại Điều 181 Bộ luật hình sự năm 1985. Do tính chất của hành vi và thiệt hại do hành vi huỷ hoại rừng gây ra nên nhà làm luật quy định hành vi huỷ hoại rừng là tội phạm về môi trường.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

 

Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

Người có hành vi huỷ hoại rừng nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu trước đó họ đã bị xử phạt hành chính về hành vi huỷ hoại rừng mà còn vi phạm.

 

Khi xác định chủ thể của tội phạm này cần chú ý: người được giao trồng rừng, quan lý và chăm sóc rừng (chủ rừng) mà có hành vi huỷ hoại rừng do chính mình trồng, được giao quản lý, chăm sóc thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. đối với người đã bị kết án về tội huỷ hoại rừng chưa được xoá án tích mà còn vi phạm và chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì điều luật không quy định trường hợp “đã bị kết án về tội huỷ hoại rừng chưa được xoá án tích mà còn vi phạm”. Có lẽ đây cũng là vấn đề cần xem xét khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự, vì không có lý do gì mà một người chỉ bị xâm phạm hành chính về hành vi huỷ hoại rừng mà còn vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn người đã bị kết án về tội huỷ hoại rừng chưa được xoá án tích mà còn vi phạm lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Tội huỷ hoại rừng là tội xâm phạm đến chế độ quản lý rừng của Nhà nước, xâm phạm nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác cho đời sống xã hội.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này chính là rừng bao gồm: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất.

 

- Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hoà khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, bao gồm: Rừng phòng hộ đầu nguồn; Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường.

 

- Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường, bao gồm: Vườn quốc gia; Khu bảo tồn thiên nhiên gồm khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh; Khu bảo vệ cảnh quan gồm khu rừng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh; Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học

 

- Rừng sản xuất được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, lâm sản ngoài gỗ và kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường, bao gồm: Rừng sản xuất là rừng tự nhiên; Rừng sản xuất là rừng trồng; Rừng giống gồm rừng trồng và rừng tự nhiên qua bình tuyển, công nhận.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội huỷ hoại rừng có thể thực hiện một hoặc một số hành vi khách quan sau:

 

Đốt rừng là dùng lửa hoặc các hoá chất phát lửa làm cho rừng bị cháy, có thể cháy toàn bộ hoặc chỉ cháy một phần; Hành vi đốt rừng làm rẫy của đồng bào ở vùng cao nếu được chính quyền cho phép thì không coi là huỷ hoại rừng. Tuy nhiên, việc đốt rừng làm rẫy cho đến nay hầu như không được phép.

 

Phá rừng là chặt phá cây trong rừng hoặc khai thác tài nguyên của rừng không được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép như: khai thác gỗ, khai thác các lâm sản trái phép.v.v…

 

Hành vi khác hủy hoại rừng là ngoài hai hành vi đốt rừng và phá rừng trái phép thì bất cứ hành vi nào làm cho rừng bị tàn phá đều là hủy hoại rừng như: dùng hoá chất độc phun hoặc rải xuống đất làm cho cây rừng bị chết khô, thả gia súc vào rừng mới trồng để gia súc phá hoại cây rừng v.v…

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này; nếu người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính về hành vi huỷ hoại rừng thì phải gây hậu quả nghiêm trọng thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Theo quy định tại Nghị định số 77/CP ngày 29-11-1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì phá hoặc phát đốt rừng sản xuất trên 1 ha, phá hoặc phát đốt rừng phòng hộ trên 0,5 ha, phá hoặc phát đốt rừng đặc dụng trên 0,3 ha thì không còn thuộc phạm vi xử phạt hành chính nữa mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó có thể xác định huỷ hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng là huỷ hoại trên 1 ha rừng sản xuất, trên 0.5 ha rừng phòng hộ và trên 0,3 ha rừng đặc dụng.

 

Ngoài diện tích rừng bị huỷ hoại, còn có thể căn cứ vào các thiệt hại vật chất và phi vật chất khác để xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi huỷ hoại rừng gây ra. Về những thiệt hại này, có thể tham khảo Thông tư số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 về trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng để xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi huỷ hoại rừng gây ra.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Đối với tội phạm này, nhà làm luật không quy định thêm các dấu hiệu khách quan khác là yếu tố định tội nhưng không vì thế mà cho rằng khi xác định hành vi phạm tội huỷ hoại rừng không cần nghiên cứu các văn bản của Nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng như: Luật bảo vệ và phát triển rừng; Nghị định của Chính phủ về bảo vệ và phát triển rừng; Thông tư liên tịch của các Bộ, Ngành có liên quan đến việc bảo vệ và phát triển rừng, các hướng dẫn của các cơ quan tiến hành tố tụng về áp dụng Bộ luật hình sự đối với tội huỷ hoại rừng.v.v…

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người thực hiện hành vi phạm tội này là do cố ý, điều này thể hiện ngay ở tên tội danh “huỷ hoại” và trong điều văn của điều luật. Khái niệm “huỷ hoại” đã chứa đựng ý thức chủ quan của người có hành vi đốt, phá rừng rồi. Cũng tương tự như đối với tội “huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” nhà làm luật chỉ quy định cố ý làm hư hỏng chứ không quy định cố ý huỷ hoại.

 

Do đó đối với các trường hợp vi phạm vè phòng cháy, chữa cháy hoặc vô ý gây cháy rừng chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc trường hợp không có các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt.

 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 189 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội huỷ hoại rừng. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù; néu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể được hưởng án treo.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 189 Bộ luật hình sự

 

a.  Có tổ chức.

 

Phạm tội huỷ hoại rừng có tổ chức, là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện việc huỷ hoại rừng, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.

 

Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (Điều 20 Bộ luật hình sự)14

 

Trong vụ án huỷ hoại rừng có tổ chức, tuỳ thuộc vào quy mô và tính chất mà có thể có những người giữ những vai trò khác nhau như: Người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức.

 

Nói chung, các vụ án huỷ hoại rừng chủ yếu là do một hoặc một số người gây nên nhưng thực hiện hành vi đơn lẻ nếu có thì cũng chỉ là đồng phạm thông thường, các vụ huỷ hoại rừng có tổ chức ít xảy ra.

 

b.  Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức.

 

-  Lợi dụng chức vụ, quyền hạn

 

Trường hợp phạm tội này là người huỷ hoại rừng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện hành vi huỷ hoại rừng. Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để huỷ hoại rừng được coi là nguy hiểm hơn vì khó bị phát hiện và làm giảm lòng tin của nhân dân vào chế độ, làm cho một bộ phận cán bộ, công chức bị tha hoá.

 

Nói chung, người có chức vụ thì đi liền với chức vụ đó là quyền hạn nhất định, nên nếu lợi dụng chức vụ thì đồng thời họ cũng lợi dụng quyền hạn. Tuy nhiên, có trường hợp người phạm tội chỉ lợi dụng chức vụ mà không lợi dụng quyền hạn hoặc người không có chức vụ chỉ có quyền hạn, nhưng họ đã lợi dụng quyền hạn được giao để thực hiện hành vi huỷ hoại rừng.

 

Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. Nếu những người này, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để huỷ hoại rừng thì mới thuộc trường hợp lợi dụng chức vụ để phạm tội. Nếu có chức vụ, quyền hạn nhưng lại không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để huỷ hoại rừng thì không gọi là lợi dụng chức vụ. Ví dụ: Nguyễn Tấn Đ là Phó chủ tịch xã đã cùng với một số đối tượng chặt gỗ trong rừng, nhưng để che giấu tội phạm đã đốt rừng nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng về hành vi khai thác trái phép gỗ của mình; việc Đ khai thác gỗ trái phép cũng như những người dân bình thường khác, nên không coi hành vi của Đ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để huỷ hoại rừng.

 

-  Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức

 

Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức là người phạm tội thông qua cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên để huỷ hoại rừng. Thông thường, người phạm tội trường hợp này là lợi dụng việc Nhà nước cho phép cơ quan, tổ chức khai thác rừng và nhân việc đó mà họ lấy danh nghĩa cơ quan, tổ chức để phá rừng.

 

c.  Hủy hoại diện tích rừng rất lớn.

 

Diện tích rừng bị huỷ hoại rất lớn được xác định chủ yếu do các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương hoặc Chính phủ quy định. Tuy nhiên, hiện nay dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng các quy định tại Chương các tội phạm về môi trường của Bộ luật hình sự năm 1999 chưa được thông qua, nhưng nếu căn cứ vào dự thảo Thông tư liên tịch và Nghị định số 77/CP ngày 29-11-1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì được coi là huỷ hoại diện tích rừng rất lớn là diện tích rừng bị huỷ hoại từ 3 ha đến dưới 7 ha đối với rừng sản xuất; từ 1,5 đến dưới 5 ha đối với rừng phòng hộ; từ 1 ha đến dưới 3 ha đối với rừng đặc dụng15.

 

d. Chặt phá các loại thực vật quý hiếm thuộc danh mục quy định của Chính phủ.

Các loại thực vật quý hiếm thuộc danh mục quy định của Chính phủ, do đó khi xác định trường hợp phạm tội này cần căn cứ vào danh mục các loại thực vật qúy hiếm do Chính phủ ban hành như: Gỗ tròn quý hiếm thuộc nhóm I, nhóm II…

 

Tuy nhiên, theo điểm d khoản 2 của điều luật thì nhà làm luật không lượng hoá số lượng là bao nhiêu thì thuộc khoản 1, bao nhiêu là khoản 2, nhưng không vì thế mà cho rằng chỉ cần chặt một cây gỗ thuộc loại quý hiếm là đã thuộc trường hợp áp dụng khoản 2 của điều luật.

 

Trong lúc chưa có hướng dẫn chính thức thì có thể coi trường hợp phạm tội quy định tại điểm d khoản 2 Điều 189 Bộ luật hình sự nếu: Chặt phá các loại thực vật quý hiếm thuộc danh mục của Chính phủ quy định từ trên 3 mét khối gỗ tròn thuộc nhóm I và từ trên 15 mét khối gỗ trong thuộc nhóm II.

 

đ. Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 

Do chưa có hướng dẫn chính thức trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi huỷ hoại rừng gây ra nên có thể tham khảo Thông tư số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 về trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng để xác định hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi huỷ hoại rừng gây ra.

 

Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới ba năm tù hoặc chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn; nếu người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều  Bộ luật hình sự

 

a.  Hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn.

 

Được xác định diện tích rừng bị huỷ hoại là đặc biệt lớn nếu diện tích rừng bị huỷ hoại từ 7 ha trở lên đối với rừng sản xuất; từ 5 ha trở lên đối với rừng phòng hộ; từ 3 ha đối với rừng đặc dụng16

 

b.  Hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

 

Việc xác định rừng bị hủy hoại có phải là rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng hay không phải căn cứ vào Luật bảo vệ và phát triển rừng về các loại rừng này (như đã nêu ở phần đối tượng tác động) và quy định về các loại rừng này của cơ quan chức năng. Nếu có vấn đề nào chưa rõ hoặc có thể hiểu khác nhau thì cần yêu cầu cơ quan chuyên môn giám định.

 

c.  Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

Tương tự như trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 của điều luật, có thể tham khảo Thông tư số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 về trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để xác định hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi huỷ hoại rừng gây ra.

 

Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật có thể bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, cũng là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới bảy năm tù nhưng không dưới ba năm tù; nếu người phạm tội thuộc cả ba trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù.

 

4. Hình phạt bổ sung

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung nếu hình phạt chính áp dụng đối với bị cáo không phải là hình phạt tiền.

 

Toà án có thể áp dụng một loại hình phạt bổ sung nhưng cũng có thể áp dụng tất cả các loại hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 3 của điều luật.

 

Khi áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định cần tuyên rõ cấm đảm nhiệm những chức vụ cụ thể gì, cấm hành nghề gì và cấm làm công việc cụ thể gì, mà không tuyên chung chung như quy định của điều luật.

 

 

9. TỘI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ QUÝ HIẾM

 

 

Điều 190.   Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm

 

1. Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba  năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ,  quyền hạn;

c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;

d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

 

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm là hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

 

Chỉ người đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì cả khoản 1 và khoản 2 của điều luật không có trường hợp là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm là tội xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, xâm phạm nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác cho đời sống xã hội.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này chính là các loại động vật hoang dã quý hiếm, trừ loài thuỷ sản vì nếu là thuỷ sản quý hiếm bị cấm khai thác thì thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 188 Bộ luật hình sự

 

Động vật hoang dã thì nhiều loài nhưng động vật hoang giã quý hiếm chỉ có một số loài.

 

Động vật quý, hiếm là loài động vật có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng thuộc Danh mục các loài động vật quý, hiếm do Chính phủ quy định chế độ quản lý, bảo vệ theo chế độ đặc biệt như: Sếu đầu đỏ; Khỉ mặt đỏ; Tê giác; Bò tót; Hổ; Gấu.v.v…

 

Theo quy định của Chính phủ thì động vật hoang dã quý hiếm là các loại động vật quy định trong Bảng IB.“động vật rừng”, Phụ lục III “danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm” ban hành kèm theo Nghị định số 18-HĐBT ngày 17-1-1992 của Hội đồng Bộ trưởng ( nay là Chính phủ)

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau:

 

- Săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm

 

Săn bắt động vật hoang dã quý hiếm là dùng các loại vũ khí hoặc phương tiện khác để bắt động vật hoang dã quý hiếm; có thể bắn chết hoặc bắt sống.

 

Giết động vật hoang dã quý hiếm là làm cho động vật hoang dã quý hiếm chết sau khi đã bắt được.

 

Vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm là hành vi dịch chuyển động vật hoang dã quý hiếm từ này sang nơi khác bằng bất cứ phương tiện gì, không bao gồm hành vi buôn bán; nếu người buôn bán động vật hoang dã quý hiếm đồng thời vận chuyển động vật đó thì chỉ coi là buôn bán.

 

Buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm là mua để bán động vật hoang dã quý hiếm nhằm thu lợi nhuận. Nếu săn bắt được động vật hoang dã quý hiếm rồi bán lại cho người khác thì không coi buôn bán.

 

- Vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của động vật hoang dã quý hiếm

 

Sản phẩm của động vật hoang dã quý hiếm chính là các bộ phận cấu thành cơ thể của loại động vật hoang dã quý hiếm cụ thể và các sản phẩm được chế tạo từ các bộ phận đó như: thịt, xương, da, sừng, mật, lông... và các sản phẩm được chế tạo từ các bộ phận đó như: cao xương, cao toàn tính, mũ lông, áo lông...

 

b. Hậu quả

 

Đối với tội phạm này, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, chỉ cần người phạm tội thực hiện hành vi khách quan là tội phạm đã hoàn thành. Tuy việc xác định hậu quả của tội phạm cũng rất cần thiết vì nó là tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, nếu người phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Đối với tội phạm này, tuy nhà làm luật không quy định thêm các dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc, nhưng muốn xác định hành vi phạm tội thì không thể không nghiên cứu các quy định của Nhà nước mà cụ thể là danh mục các loại động vật hoang dã quý hiếm bị cấm do Chính phủ ban hành.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người thực hiện hành vi phạm tội này là do cố ý, tức là họ nhận thức được hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của động đó đã bị Nhà nước cấm nhưng họ vẫn thực hiện.

 

Nếu vì một lý do nào đó mà họ hoàn toàn không biết hoặc không buộc họ phải biết đó là động vật hoang dã quý hiếm thì không coi là cố ý và không bị coi là phạm tội này mà tuỳ trường hợp có thể họ chỉ bị xử phạt hành chính. Ví dụ: Trần Bảo K nhờ Phan Thị Ngọc A vận chuyển thịt hổ từ huyện Đăk Tô về thị xã Kon Tum giao cho nhà hàng “Hương Rừng”. Khi giao thịt cho A, K nói vơi A đó là thịt bò; do thiếu hiểu biết về thịt thú rừng nên A tưởng đó là thịt bò thật; khi bị cơ quan kiểm lâm bắt A mới biết đó là thịt hổ.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc trường hợp không có các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt.

 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 190 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù; nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể được hưởng án treo.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 190 Bộ luật hình sự

 

a.  Có tổ chức.

 

Phạm tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm có tổ chức, là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện việc săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của động đó, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.

 

Trong vụ án vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm có tổ chức, tuỳ thuộc vào quy mô và tính chất mà có thể có những người giữ những vai trò khác nhau như: Người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức.

 

b.  Lợi dụng chức vụ, quyền hạn

 

Trường hợp phạm tội này là người vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của động đó.

 

Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.

 

c. Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm

 

Có thể nói, tình tiết này cũng tương tự như tình tiết quy định tại điểm a khoản 1 Điều 188 Bộ luật hình sự về tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản. Tuy nhiên, đối với loài động vật hoang giã quý hiếm không phải là thủy sản việc sử dụng công cụ hoặc phương tiện bị cấm săn bắt cần phải căn cứ vào quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cứ không hoàn toàn như đối với thuỷ sản.

 

Công cụ, phương tiện săn bắt bị cấm thường là công cụ phương tiện có thể săn bắt hàng loạt động vật hoang dã quý hiếm, gây nguy hại cho người và môi trường sinh thái như vũ khí quân dụng, chất nổ, chất độc, chất cháy, hơi cay, hơi ngạt lưới điện v.v...

 

d. Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm.

 

Tình tiết phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 188 Bộ luật hình sự.

 

Khi xác định khu vực cấm săn bắt hoặc thời gian cấm săn bắt động vật quý hiếm phải căn cứ vào quy định của cơ quan nhưng có thẩm quyền

 

Khu vực cấm là khu vực được bảo vệ theo ché độ đặc biệt do cơ quan có thẩm quyền quy định như: các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, vùng phục hồi sinh thái, khu di tích lịch sử, khu quân sự.v.v...

 

Thời gian bị cấm săn bắt là thời gian mà việc săn bắt có thể gây nguy hiểm cho việc duy trì hay phát triển số lượng của các loài động vật hoang dã quý hiếm tại một khu vực nhất định như mùa sinh sản, làm tổ hoặc di cư đến của loài động vật hoang dã quý hiếm.v.v...

 

đ. Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

 

Hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội. Do tính chất của tội phạm này là xâm phạm đến môi trường sinh thái nên việc xác định hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cũng phải căn cứ vào những thiệt hại chủ yếu cho môi trường sinh thái. Hiện nay dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng Bộ luật hình sự về tội phạm về môi trường chưa thông qua, nên có thể coi những thiệt hại sau là hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm gây ra:

 

- Làm giảm từ 10% trở lên số lượng động vật hoang dã quý hiếm hiện có tại khu vực săn bắt, nếu động vật đó sống theo bầy đàn.

 

- Gây nguy cơ tuyệt chủng hoặc gây tuyệt chủng một hoặc một số loài động vật hoang dã quý hiếm.

 

- Gây thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên.

 

Ngoài ra còn căn cứ vào tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở từng nơi, từng lúc mà xác định những thiệt hại phi vật chất do hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm gây ra để xác định hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

 

Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật có thể bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới hai năm tù hoặc chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn; nếu người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

 

3. Hình phạt bổ sung

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung nếu hình phạt chính áp dụng đối với bị cáo không phải là hình phạt tiền.

 

Toà án có thể áp dụng một loại hình phạt bổ sung nhưng cũng có thể áp dụng tất cả các loại hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 3 của điều luật.

 

Khi áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định cần tuyên rõ cấm đảm nhiệm những chức vụ cụ thể gì, cấm hành nghề gì và cấm làm công việc cụ thể gì, mà không tuyên chung chung như quy định của điều luật.

 

10. TỘI VI PHẠM CHẾ ĐỘ BẢO VỆ ĐẶC BIỆT ĐỐI VỚI KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN

 

Điều 191. Tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên

 

1. Người nào vi phạm chế độ sử dụng, khai thác khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, di tích thiên nhiên hoặc các khu thiên nhiên khác được Nhà nước bảo vệ đặc biệt, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm.

 

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên là hành vi vi phạm chế độ sử dụng, khai thác khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, di tích thiên nhiên hoặc các khu thiên nhiên khác được Nhà nước bảo vệ đặc biệt.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

 

Người vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì trước đó họ phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên chưa hết thời gian 1 năm.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên là tội xâm phạm đến chế độ bảo vệ đa dạng sinh học, các nguồn gen quý hiếm phục vụ nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái của Nhà nước.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, di tích thiên nhiên hoặc các khu thiên nhiên khác được Nhà nước bảo vệ đặc biệt.

 

Khu bảo tồn thiên nhiên là khu vực đa dạng sinh học, các nguồn gen quý hiếm phục vụ  nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái;

 

Vườn quốc gia là quần thể các điều kiện tự nhiên của các loài động, thực vật tạo nên hệ sinh thái phục vụ nghiên cứu khoa học và du lịch;

 

Di tích thiên nhiên là nơi có danh lam thắng cảnh đặc biệt có ý nghĩa lớn đối với nhu cầu tham quan, thắng cảnh hoặc nghiên cứu khoa học;

 

Khu thiên nhiên khác là các khu danh lam, thắng cảnh phục vụ nghỉ ngơi, vui chơi giải trí…

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội chỉ có thể thực hiện hành vi vi phạm chế độ sử dụng, khai thác khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, di tích thiên nhiên hoặc các khu thiên nhiên khác được Nhà nước bảo vệ đặc biệt. Tuy nhiên, do có nhiều đối tượng tác động khác nhau nên cũng có thể chia hành vi khách quan của tội phạm này thành các hành vi sau:

 

Vi phạm chế độ sử dụng, khai thác khu bảo tồn thiên nhiên;

Vi phạm chế độ sử dụng, khai thác khu bảo tồn vườn quốc gia;

Vi phạm chế độ sử dụng, khai thác khu bảo tồn khu di tích thiên nhiên;

Vi phạm chế độ sử dụng, khai thác khu bảo tồn khu thiên nhiên khác.

 

Vi phạm chế độ sử dụng, khai thác khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, di tích thiên nhiên hoặc các khu thiên nhiên khác được Nhà nước bảo vệ đặc biệt là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về chế độ sử dụng, khai thác. Chế độ sử dụng, khai thác do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành tuỳ thuộc vào tầm quan trọng của các khu bảo tồn thiên nhiên.

 

Việc sử dụng, khai thác khu bảo tồn tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, di tích thiên nhiên hoặc các khu thiên nhiên khác được Nhà nước bảo vệ đặc biệt phải tuân theo các quy định rất chặt chẽ và chỉ có một số cơ quan, tổ chức mới được giao sử dụng, khai thác chứ không phải bất cứ ai cũng sử dụng, khai thác được; ngay đối với cơ quan, tổ chức được giao sử dụng, khai thác cũng phải tuân theo những quy định định; nếu vi phạm vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Hành vi vi phạm được biểu hiện bằng nhiều hành động cụ thể như: chặt cây, săn bắt động vật, khai thác lâm thổ sản, chăn thả gia súc, dựng lều quán…trái phép.

 

Khi xác định hành vi vi phạm chế độ sử dụng, khai thác khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, di tích thiên nhiên hoặc các khu thiên nhiên khác cần phân biệt với các hành vi phạm tội khác có các dấu hiệu tương tự như: hành vi huỷ hoại nguồn thủy sản, hành vi huỷ hoại rừng, đặc biệt là hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm. Nếu người phạm tội thực hiện hành vi vừa vi phạm chế độ sử dụng, khai thác khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, di tích thiên nhiên hoặc các khu thiên nhiên khác, vừa vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm thì họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm. Chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên khi không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 188, 189 và 190 Bộ luật hình sự.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nếu người phạm tội chưa bị xử phạt hành vi về hành vi vi phạm chế độ sử dụng, khai thác khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, di tích thiên nhiên hoặc các khu thiên nhiên khác thì phải gây hậu quả nghiêm trọng mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm chế độ sử dụng, khai thác khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, di tích thiên nhiên hoặc các khu thiên nhiên khác gây ra là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội mà chủ yếu là gây ra những thiệt hại về môi trường.

 

Do chưa có hướng dẫn chính thức về hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên gây ra, nên có thể coi những thiệt hại sau là hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên gây ra:

 

- Làm giảm từ 5% đến dưới 10% số lượng động vật hoang dã hiện có tại khu bảo tồn thiên nhiên, nếu động vật đó sống theo bầy đàn.

 

- Gây nguy cơ tuyệt chủng hoặc gây tuyệt chủng một hoặc một số loài động vật hoang dã.

 

- Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng trở lên17.

 

Ngoài ra còn căn cứ vào tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở từng khu bảo tồn thiên nhiên mà xác định những thiệt hại phi vật chất do hành vi vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên để xác định hậu quả nghiêm trọng.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Đối với tội phạm này, nhà làm luật quy định dấu hiệu khác quan khác là yếu tố định tội, đó là khu bảo tồn thiên nhiên phải được Nhà nước bảo vệ đặc biệt, nếu chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên bình thường chưa được Nhà nước quy định và bảo vệ đặc biệt thì hành vi vi phạm không bị coi là hành vi phạm tội.

 

Được Nhà nước bảo vệ đặc biệt là việc sử dụng, khai thác phải tuân theo quy định của Nhà nước; đồng thời Nhà nước đầu tư để duy trì và phát triển khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, di tích thiên nhiên hoặc các khu thiên nhiên khác.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người thực hiện hành vi phạm tội này là do cố ý, tức là biết rõ khu bảo tồn thiên nhiên mà mình có hành vi xâm phạm là khu bảo tồn đã được Nhà nước có chế độ bảo vệ đặc biệt cấm những hành vi xâm phạm.

 

Nếu vì một lý do nào đó mà người có hành vi vi phạm không biết hoặc không buộc phải biết đó là khu bảo tồn thiên nhiên đã được Nhà nước có chế đọ bảo vệ đặc biệt thì không bị coi là tội phạm mà tuỳ trường hợp họ có thể bị phạt hành chính hoặc các biện pháp xử lý khác.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp không có các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt.

 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 191 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù; nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể được hưởng án treo.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 191 Bộ luật hình sự

 

Cũng như đối với một số tội phạm khác, trong cùng một khung hình phạt nhà làm luật quy định hai tình tiết có tính chất mức đọ nguy khác nhau, đó là: gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

Do chưa có hướng dẫn chính thức về hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên gây ra, nên có thể coi những thiệt hại sau là hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên gây ra:

 

- Làm giảm từ 10% trở lên số lượng động vật hoang dã hiện có tại khu bảo tồn thiên nhiên, nếu động vật đó sống theo bầy đàn.

 

- Gây nguy cơ tuyệt chủng hoặc gây tuyệt chủng một hoặc một số loài động vật hoang dã.

 

- Gây thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên.18

 

Ngoài ra còn căn cứ vào tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở từng khu bảo tồn thiên nhiên, từng lúc mà xác định những thiệt hại phi vật chất do hành vi vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên gây ra để xác định hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

 

3. Hình phạt bổ sung

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung nếu hình phạt chính áp dụng đối với bị cáo không phải là hình phạt tiền.

 

Toà án có thể áp dụng một loại hình phạt bổ sung nhưng cũng có thể áp dụng tất cả các loại hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 3 của điều luật.

 

Khi áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định cần tuyên rõ cấm đảm nhiệm những chức vụ cụ thể gì, cấm hành nghề gì và cấm làm công việc cụ thể gì, mà không tuyên chung chung như quy định của điều luật.

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness