TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 11
  • Hôm nay: 880
  • Tháng: 9582
  • Tổng truy cập: 5154846
Chi tiết bài viết

Bình luận khoa học hình sự tập 9

ĐINH VĂN QUẾ

CHÁNH TOÀ TOÀ HÌNH SỰ TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

 

BÌNH LUẬN KHOA HỌC

BỘ LUẬT HÌNH SỰ
 

PHẦN CÁC TỘI PHẠM

 

 (TẬP IX)

 

CÁC TỘI XÂM PHẠM AN TOÀN CÔNG CỘNG,

TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

 

(BÌNH LUẬN CHUYÊN SÂU)

 

NHÀ XUẤT BẢN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

 

LỜI GIỚI THIỆU

 

Bộ luật hình sự đã được Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1999, có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2000 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự năm 1999). Đây là Bộ luật hình sự thay thế Bộ luật hình sự năm 1985 đã được sửa đổi, bổ sung bốn lần vào các ngày 28-12-1989, ngày 12-8-1991, ngày 22-12-1992 và ngày 10-5-1997.

Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh đang xuất bản bộ sách BÌNH LUẬN KHOA HỌC BỘ LUẬT HÌNH SỰ, được thể hiện với nội dung Bình luận chuyên sâu. Hiện tại đã in 10 tập: 1 tập Phần chung và 9 tập Phần các tội phạm.

Tác giả của bộ sách là Thạc sĩ luật học Đinh Văn Quế, Chánh toà Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao; đã nhiều năm công tác trong ngành, có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia giảng dạy, đã cho xuất bản nhiều tác phẩm về luật hình sự, đồng thời cũng là người trực tiếp tham gia xét xử nhiều vụ án hình sự.

 Xin trân trọng giới thiệu tập 9 (Phần các tội phạm) của Bộ sách trên và mong nhận được sự đóng góp của bạn đọc.

 

NHÀ XUẤT BẢN

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

PHẦN THỨ NHẤT

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA CÁC TỘI XÂM PHẠM

AN TOÀN CÔNG CỘNG, TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

  

 

Bộ luật hình sự năm 1985 quy định các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng và trật tự quản lý hành chính cùng trong một chương (Chương VIII- Phần các tội phạm), nhưng cấu tạo thành ba mục khác nhau:

Mục A: Các tội xâm phạm an toàn công cộng;

Mục B: Các tội xâm phạm trật tự công cộng;

Mục C: Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính.

Nay Bộ luật hình sự năm 1999 quy định các tội xâm phạm an toàn công cộng và các tội xâm phạm trật tự công cộng cùng trong một chương, nhưng không cấu tạo thành các mục A, B như Bộ luật hình sự năm 1985. Đây cũng là vấn đề trong quá trình soạn thảo có nhiều ý kiến khác nhau về kỹ thuật lập pháp.

Có ý kiến cho rằng, lẽ ra khi tách chương VIII - Phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 1985 thành các chương khác nhau, thì phải quy định làm ba chương theo ba mục A,B,C. Nhưng nhà làm luật chỉ tách Mục C thành một chương riêng, còn Mục A và Mục B vẫn quy định trong cùng một chương, nhưng lại không cấu tạo thành các mục, nên việc xác định đâu là tội xâm phạm an toàn công cộng, đâu là tội xâm phạm trật tự công cộng sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, căn cứ vào dấu hiệu của từng tội phạm chúng ta thấy: có tội chỉ vi phạm quy định về an toàn giao thông1, có tội chỉ xâm phạm an toàn công cộng, có tội chỉ xâm phạm trật tự công cộng, nhưng có tội vừa xâm phạm an toàn công cộng vừa xâm phạm trật tự công cộng, nên việc tách bạch đâu là xâm phạm an toàn công cộng, đâu là xâm phạm trật tự công cộng là vấn đề không đơn giản. Chính vì vậy mà nhà làm luật quy định các tội xâm phạm an toàn công cộng và các tội xâm phạm trật tự công cộng trong cùng một chương là có cơ sở. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đối với các tội vi phạm về an toàn giao thông nhà làm luật nên quy định riêng thành một chương, vì đối với các tội phạm này có những đặc điểm tương tự như nhau và khác với các tội xâm phạm trật tự công cộng khác. Hy vọng rằng, khi có chủ trương sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự, ý kiến này sẽ được nhà làm luật quan tâm, xem xét.

Các tội các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng quy tại chương XIX, trừ các tội vi phạm quy định về an toàn giao thông (đã giới thiệu ở tập VII) thì còn lại hầu hết có sửa đổi, bổ sung. Một số tội trước đây quy định tại Mục B - Chương một – Phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 1985 nay được quy định tại Chương XIX như: tội chiếm đoạt máy bay, tàu thuỷ; tội điều khiển máy bay vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ; tội chiếm đoạt, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ; tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc; tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy. Một số tội đựơc tách ra từ tội phạm khác để cấu tạo thành tội riêng như: tội tổ chức đua xe trái phép; tội đua xe trái phép là tội phạm được tách từ tội gây rối trật tự công cộng. Một số tội mới hoàn toàn như: tội tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình vi-rút tin học; tội vi phạm các quy định về vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử; tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính; tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em; tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện; tội phá thai trái phép; tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ; tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có.

 

So với các chương khác thì Chương XIX nhà làm luật quy định nhiều tội phạm nhất; các tội phạm quy định trong chương này cũng xâm phạm đến nhiều khách thể được chia thành các nhóm; có trường hợp một tội phạm xâm phạm đến nhiều khách thể khác nhau; hầu hết các tội quy định trong chương này là tội cấu thành vật chất, nhưng cũng có một số tội do yêu cầu phòng ngừa nên nhà làm luật vẫn quy định là tội có cấu thành hình thức; nhiều tội phạm nhà làm luật quy định một số tình tiết là yếu tố định tội thuộc về nhân thân người phạm tội như: đã bị xử phạt hành chính, đã bị kỷ luật, đã bị kết án… mà còn vi phạm; nhiều tội phạm nhà làm luật quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau xâm phạm đến nhiều đối tượng khác nhau trong cùng một cấu thành.

 

Hầu hết các tội trong chương này, nhà làm luật đều bổ sung các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt.

 

So với Bộ luật hình sự năm 1985 thì Chương XIX Bộ luật hình sự năm 1999 nhà làm luật quy định nhiều hình phạt tiền là hình phạt chính hơn Bộ luật hình sự năm 1985. Nếu tính cả các tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông thì có tới 29 trên tổng số 55 tội nhà làm luật quy định hình phạt tiền là hình phạt chính; hầu hết các tội phạm trong chương này đều quy định hình phạt tiền là hình phạt bổ sung; có 2 tội có hình phạt cao nhất là tử hình, đó là: tội chiếm đoạt máy bay, tàu thuỷ và tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia nhưng thực tiễn xét xử tội chiếm đoạt máy bay, tàu thuỷ chưa xảy ra nên hình phạt tử hình cũng chưa áp dụng, còn đối với tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia tuy có xảy ra nhưng chưa có trường hợp nào áp dụng hình phạt tử hình; 7 tội có hình phạt cao nhất là tù chung thân. Các tội phạm có mức hình phạt là tử hình và tù chung thân đều là tội trước đây quy định tại chương “các tội xâm phạm an ninh quốc gia”.

 

Hầu hết các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng nhà làm luật đều quy định hình phạt bổ sung đối với người phạm tội và được quy định ngay trong cùng một điều luật.

 

 

PHẦN THỨ HAI

 CÁC TỘI PHẠM CỤ THỂ

 

1. TỘI TỔ CHỨC ĐUA XE TRÁI PHÉP

 

 

Điều 206.   Tội tổ chức đua xe trái phép

 

1. Người nào tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Tổ chức đua xe có quy mô lớn;

b) Tổ chức cá cược;

c) Tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;

d) Tổ chức đua xe nơi tập trung đông dân cư;

đ) Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;

e) Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác;

g) Tái phạm về tội này hoặc tội đua xe trái phép.

3. Phạm tội trong trường hợp tái phạm nguy hiểm hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba  mươi triệu đồng.

 

 

Định nghĩa: Tổ chức đua xe trái phép là hành vi cầm đầu, chỉ huy, cưỡng bức, đe dọa, rủ rê, lôi kéo người khác hoặc tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác để họ tham gia vào việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ trái phép.

 

Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định tội tổ chức đua xe trái phép. Điều này cũng dẽ hiểu, vì trước năm 1985 ở nước ta chưa có tình trạng đua xe trái phép, vào nhứng năm 90 tình trạng đua xe trái phép ở một số thành phố xảy ra khá phổ biến gây mất trật tự, an toàn công cộng. Do yêu cầu đấu tranh phòng chống hành vi đua xe trái phép nên Bộ luật hình sự năm 1999 đã bổ sung tội tổ chức đưa xe trái phép và tội đua xe trái phép. Tuy nhiên, trước khi Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực, hành vi tổ chức đua xe trái phép và hành vi đua xe trái phép không phải là không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự năm 1985. Đây cũng là lý do vì sao chúng tôi không xếp tội tổ chức đua xe trái phép và tội đua xe trái phép là tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông, mặc dù khoản 6 Điều 8 Luật giao thông đường bộ có quy địnhcấm đua xe, tổ chức đua xe trái phép và 2 tội này cũng xâm phạm đến an toàn giao thông đường bộ.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

 

Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp nào quy định tại điều luật.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Khách thể của tội phạm này vừa xâm phạm đến an toàn công cộng vừa xâm phạm đến trật tự công cộng.

 

Xâm phạm an toàn công cộng là gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khoẻ của con người ở nơi công cộng, làm cho mọi người hoang mang lo sợ. Điều này thì ai cũng thấy, bất kể ở đâu khi đoàn xe đua đi qua ai cũng sợ hãi và không ít trường hợp do đua xe trái phép đã gây ra hậu quả chết người hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của con người.

 

Cùng với việc gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khoẻ của con người thì hành vi tổ chức đua xe trái phép còn gây mất trật tự nơi công cộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của cộng đồng, gây náo động nơi công cộng, nhiều trường hợp làm tắc nghẽn giao thông nhiều giờ.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này chính là người đua xe, người cổ vũ đua xe chứ không phải phương tiện dùng để đua là ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ. Đây là vấn đề về lý luận cũng còn ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng con người không thể là đối tượng tác động của bất cứ tội phạm nào, nhưng cũng có ý kiến cho rằng con người cũng là một vật thể, đều có thể trở thành đối tượng tác động của tội phạm mà người phạm tội thông qua đó xâm phạm đến khách thể mà luật hình bảo vệ.

 

Đối với tội tổ chức đua xe trái phép nếu người phạm tội không tác động đến những người đua xe, người cổ vũ đua xe thì cũng không xảy ra cuộc đua xe; không thể tổ chức đua xe mà lại không tổ những người đua xe để đua xe trái phép. 

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi tổ chức. Hành vi tổ chức hoàn toàn khác với khái niệm “phạm tội có tổ chức” là một hình thức đồng phạm của nhiều người cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Phạm tội có tổ chức là nói lên quy mô của một vụ án, còn tổ chức với ý nghĩa là hành vi khách quan là hành vi do một hoặc một số người thực hiện như: tổ chức làm một việc gì đó, tổ chức đi nghỉ mát, tổ chức một bữa tiệc liên hoan, tổ chức một đêm ca nhạc, tổ chức một trận đá bóng giao hữu… và tổ chức đua xe. Hành vi tổ chức đua xe trái phép, tuỳ thuộc vào tính chất, quy mô, mục đích mà người tổ chức có thể huy động lực lượng, phương tiện, tiền của để đạt mục đích đề ra.

 

Người phạm tội tổ chức đua xe trái phép, có thể thực hiện một trong các hành vi sau:

 

Khởi xướng ra việc đua xe; vạch kế hoạch đua xe; chỉ huy việc đua xe; cưỡng bức, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo, kích động người khác đua xe; quyên góp tiền, cung cấp tiền, tài sản cho người đua xe hoặc để làm giải thưởng cho người đua xe; cung cấp xe cho người đua xe; tổ chức canh gác, bảo vệ hoặc chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ; huy động, lôi kéo, mua chuộc người khác cổ vũ cho cuộc đua.v.v…

 

Người phạm tội có thể thực hiện một hoặc một số hành vi nêu trên; nếu người phạm tội chỉ thực hiện những hành vi không trực tiếp liên quan đến hành vi tổ chức đua xe trái phép thì người phạm tội phải là người chịu sự chỉ huy của người khác và hành vi của người này cùng với hành vi của người khác tạo nên một cuộc đua xe trái phép. Ví dụ: Dưới sự chỉ huy của Vũ Văn A, nên Nguyễn Quốc B được phân công canh gác nếu thấy Cảnh sát giao thông thì điện thoại báo cho A biết, còn Bùi Quốc H được phân công rủ rê, lôi kéo một số thanh niên ra đường cổ vũ khi đoàn xe đua đi qua, còn Đặng Xuân Đ được phân công quyên góp tiền để làm giải thưởng cho cuộc đua; mỗi hành vi của từng người nếu tách riêng ra thì không có thể tổ chức thành một cuộc đua xe trái phép nhưng kết nối lại dưới sự chỉ huy của một người thì cuộc đua xe trái phép sẽ được thực hiện.

 

Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội đã thực hiện hành vi tổ chức đua xe trái phép, việc đua xe có xảy ra hay không không phải là dấu hiệu bắt buộc. Nếu đã tổ chức cuộc đua nhưng vì những lý do khách quan nên cuộc đua không thực hiện được thì cũng không vì thế mà cho rằng hành vi tổ chức đua xe chưa cấu thành tội phạm, mà người phạm tội chỉ có thể được coi là phạm tội ở giai đoạn chưa đạt. Tuy nhiên, nếu đã tổ chức đua xe trái phép nhưng trước khi cuộc đua bắt đầu, không có cản trở khách quan nào khác mà người phạm tội quyết định ngưng cuộc đua lại và không tiến hành đua xe nữa thì được coi là tự nguyện nửa chừng chấm dứt việc phạm tội và được miễn trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đua xe trái phép3.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tuy nhiên, nếu hậu quả xảy ra thì tuỳ trường hợp, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật.

 

Hậu quả do hành vi tổ chức đua xe trái phép là những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản gây mất trật tự công cộng và những thiệt hại khác cho xã hội.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Hành vi tổ chức đua xe được coi là hành vi phạm tội khi hành vi tổ chức đó không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép; nếu việc tổ chức đua xe được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thì không bị coi là tội phạm. Hiện nay ở nước ta việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ít được tổ chức, trừ một vài trường hợp được tổ chức ở sân Phú Thọ – thành phố Hồ Chí Minh; nước ta cũng chưa xây dựng được những trường đua có quy mô và đủ tiêu chuẩn để tổ chức những cuộc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ. Do đó, hầu hết các cuộc tổ chức đua xe hiện nay đều là trái phép.  

 

Chỉ coi là hành vi phạm tội nếu tổ chức đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ trái phép, nếu tổ chức đua xe thô sơ như: xe đạp, xe xích lô thì không bị coi là hành vi phạm tội này. Đây cũng là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau; có ý kiến cho rằng nhà làm luật không quy định hành vi tổ chức đua xe thô sơ trái phép là bỏ lọt một hành vi nguy hiểm cho xã hội mà không được hình sự hoá, không phù hợp với tình hình thực tế trong xã hội, có nhiều cuộc đua xe đạp, xe thô sơ trái phép gây mất trật tự công cộng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, việc nhà làm luật không quy định hành vi tổ chức đua xe thô sơ trái phép cũng như không quy định hành vi đua xe thô sơ trái phép là hành vi tội phạm là vì tính chất nguy hiểm cho xã hội của hai loại hành vi này ít nguy hiểm hơn so với hành vi tổ chức đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ. Mặt khác, nếu hành vi tổ chức đua xe thô sơ trái phép cũng như hành vi đua xe thô sơ trái phép gây hậu quả nghiêm trọng thì tuỳ trường hợp người tổ chức và người đua xe trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật từ công cộng. Do đó việc quy định các hành vi này thành một tội độc lập là không cần thiết.  

         

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội tổ chức đua xe trái phép thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi tổ chức đua xe trái phép, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.4

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 206 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội tổ chức đua xe trái phép theo khoản 1 Điều 206 Bộ luật hình sự, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự (từ Điều 45 đến Điều 54).5(Nguyên tắc này chúng tôi sẽ không nhắc lại khi phân tích đối với các tội phạm khác trong chương này).

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc áp dụng dưới một năm tù, nhưng không được dưới ba tháng tù vì đối với hình phạt tù mức thấp nhất là ba tháng. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự

 

a. Tổ chức đua xe có quy mô lớn

 

Cho đến nay chưa có giải thích hoặc hướng dẫn như thế nào là tổ chức đua xe trái phép có quy mô lớn; thực tiễn xét xử cũng chưa nhiều, nên việc xác định thế nào là tổ chức đua xe có quy mô lớn là khó khăn. Tuy nhiên, nghiên cứu các tội phạm quy định trong Bộ luật hình sự có tình tiết với quy mô lớn như tội tổ chức đánh bạc đã có hướng dẫn thì có thể coi trường hợp tổ chức đua xe trái phép có quy mô lớn là tổ chức cho từ 5 xe ôtô, 10 xe mô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ trở lên.

 

Nếu tổ chức cho 3 xe ôtô, 5 xe mô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ trở lên nhưng chưa tới 5 xe ôtô, 10 xe mô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ mà có huy động, lôi kéo, mua chuộc từ 50 người trở lên cổ vũ cho cuộc đua.6

 

b. Tổ chức cá cược

 

Cùng với việc tổ chức đua xe trái phép, người phạm tội có thể còn có hành vi tổ chức cá cược. Thực chất hành vi tổ chức cá cược là hành vi tổ chức đánh bạc, nhưng là đánh bạc bằng hình thức đua xe. Cá cược là đánh cuộc ăn tiền về việc thắng thua của những chiếc xe đua; một số địa phương gọi là “cá độ”.

 

Khi áp dụng tình tiết này cần chú ý:

 

- Chỉ người tổ chức đua xe trái phép mà tổ chức các cược về việc thắng thua của cuộc đua do mình tổ chức thì mới thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự; nếu không phải là người tổ chức đua xe trái phép mà là người khác tổ chức cá cược thì hành vi cá cược này là hành vi tổ chức đánh bạc thuộc trường hợp quy định tại Điều 249 Bộ luật hình sự. Ví dụ: A biết có cuộc đua xe do B tổ chức, nên đã tổ chức cho một số đối tượng cá cược, thì A phạm tội tổ chức đánh bạc, còn B chỉ phạm tội tổ chức đua xe trái phép. 

 

- Người phạm tội nếu đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc theo Điều 249 Bộ luật hình sự nữa, nhưng đối với người tham gia cá cược vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc nếu có đủ dấu hiệu quy định tại Điều 248 Bộ luật hình sự.

 

c. Tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép.

 

Trường hợp phạm tội này là trường hợp người phạm tội vừa tổ chức đua xe, vừa tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép. Nếu người phạm tội tổ chức đua xe không tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép, mà hành vi chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc chống lại người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép do người khác thực hiện thì người phạm tội không bị áp dụng điểm c khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự. Nếu có việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép do người khác thực hiện thì tuỳ trường hợp họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ. Vì vậy, khi xác định tình tiết này cần chú ý: không phải cứ có việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép là đã xác định người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 của điều luật mà phải xác định người phạm tội có tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép không hay người khác tổ chức hoặc việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép chỉ là do người đua xe hoặc người cổ vũ tự thực hiện. Nếu người đua xe trái phép hoặc người cổ vũ tự ý có hành vi chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép thì họ phải chịu trách nhiệm độc lập về hành vi chống người thi hành công vụ.

 

Hành vi tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép cũng tương tự như hành vi tổ chức đua xe trái phép hay tổ chức thực hiện một công việc nào khác, tức là người phạm tội phải có hành vi cầm đầu, chỉ huy, cưỡng bức, đe dọa, rủ rê, lôi kéo người khác hoặc tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác để họ tham gia vào việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép.  

 

d. Tổ chức đua xe nơi tập trung đông dân cư

 

Nơi tập trung đông dân cư là nơi có đông dân cứ trú, sinh sống, làm việc như thị tứ, thị trấn, thị xã, thành phố, các khu công nghiệp, khu nghỉ mát du lịch…

 

Cũng coi là nơi tập trung đông dân cư, nếu trong một không gian, thời gian nhất định ở đó có tập trung đông người như: Sân vận động, nhà thi đấu, nơi tổ chức lễ hội, mít tinh, biểu tình. Những nơi này bình thường không có đông người nhưng trong một không gian, thời gian nhất định số người tập trung đến những nơi này đông đúc.

 

Không coi là tổ chức đua xe trái phép nơi tập trung đông dân cư, nếu người phạm tội tổ chức đua xe trái phép đã lôi kéo đông người đứng hai bên đường cổ vũ cho đoàn đua đi qua mà đoạn đường đua đó không phải nơi đông dân cư.

 

đ. Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;

 

Các phương tiện tham gia vào cuộc đua như: ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ là các phương tiện đã được nhà sản xuất chế tạo theo một mấu thiết kế theo một tiêu chuẩn kỹ thuật được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm độ an toàn cho người điều khiển. Nói chung, việc tổ chức đua xe trái phép, người tổ chức không chủ trương tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện, mà việc tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện lại do chính người đua xe thực hiện. Dù người phạm tội tổ chức đua xe có chủ trương hay không có chủ trương tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện nhưng người đua xe có hành vi tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua thì người tổ chức đua xe trái phép vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự, vì điều luật chỉ quy định tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua mà không quy định tổ chức tháo dỡ.

 

Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua là hành vi tháo bỏ hoặc thay đổi cấu trúc các bộ phận của phương tiện như: tháo bỏ phanh (thắng), tháo bỏ ống bô, xoáy xi-lanh… Do tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện nên tính chất của hành vi tổ chức đua xe trái phép nguy hiểm hơn, tiềm ẩn những hậu quả nguy hiểm cao hơn.

 

e. Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác

 

- Gây thiệt hại cho tính mạng

 

Người tổ chức đua xe trái phép dẫn đến thiệt hại cho tính mạng của người khác là gây thiệt hại đến tính mạng cho người đua xe và người không tham gia đua xe (có thể là người đi đường, người cổ vũ hoặc người khác).

 

Người bị thiệt hại đến tính mạng có thể là do đua xe gây ra, nhưng cũng có thể do nguyên nhân khác nhưng phải do hành vi tổ chức đua xe gây ra như: do tổ chức đua xe nên có việc cá cược và vì cay cú được thua nên dẫn đến gây án mạng.

 

- Gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác

 

Gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác là do hành vi tổ chức đua xe trái phép mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác có tỷ lệ thương tật là từ 31% trở lên. Có thể gây ra cho một người và có thể gây ra cho nhiều người. Nếu gây ra cho nhiều người mà tổng tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 31% nhưng tổng tỷ lệ thương tật của nhiều người từ 31% trở lên thì cũng coi là gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác. 

 

- Gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của người khác

 

Gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của người khác là trường hợp do tổ chức đua xe trái phép mà gây thiệt hại về tài sản cho người tham gia đua hoặc của người khác có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Nếu gây thiệt hại trên 500 triệu đồng thì phải coi là trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 206 Bộ luật hình sự.

 

Khi áp dụng tình tiết quy định tại điểm e khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự đối với người phạm tội cần chú ý:

 

- Người khác quy định ở đây không phải là người tổ chức đua xe (người phạm tội), họ chỉ có thể là tham gia đua xe, người cổ vũ đua xe, người đi đường hoặc người khác.

 

- Nếu người tổ chức đua xe lại cùng tham gia đua xe thì những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ hoặc tài sản gây ra cho chính họ thì không tính để xác định tình tiết là yếu tố định khung hình phạt đối với người phạm tội.

 

g. Tái phạm về tội này hoặc tội đua xe trái phép.

 

Tái phạm về tội này là trường hợp đã bị kết án về tội tổ chức đua xe trái phép, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép.

 

Tái phạm về tội đua xe trái phép là trường hợp đã bị kết án về tội đua xe trái phép, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép.

 

Khi áp dụng tình tiết tái phạm về tội đua xe trái phép cũng cần chú ý: điều luật chỉ quy định “tái phạm về tội đua xe trái phép” mà không quy định “tái phạm về hành vi đua xe trái phép” nên đối với trường hợp một người tuy có hành vi đua xe trái phép nhưng lại bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng thì không coi là tái phạm về tội đua xe trái phép. Ví dụ: A, B, C và D đều có hành vi đua xe trái phép nhưng chỉ có A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đua xe trái phép vì A đã bị đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, còn B, C và D vì chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này cũng chưa bị kết án về tội này nên chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng. Sau khi bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng, B lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép thì B không bị coi là tái phạm về tội đua xe trái phép.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, phạm tội thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì Toà án có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới ba năm tù.

 

 Nếu tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 điều luật thì có thể bị phạt đến mười năm tù.

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 206 Bộ luật hình sự

 

a. Tái phạm nguy hiểm

 

Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội dặc biệt nghiêm trọng do cố ý, hoặc tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép.

 

Khi các định tình tiết tái phạm guy hiểm đối với người phạm tội tổ chức đua xe trái phép cần chú ý:

 

- Điều luật không quy định tái phạm nguy hiểm về tội này hoặc tội đua xe trái phép nên chỉ cần trước khi người phạm tội tổ chức đua xe trái phép họ đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý (không phân biệt đó là tội phạm nào), chưa được xoá án tích mà lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự (khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự là tội phạm rất nghiêm trọng).

 

- Người phạm tội cũng có thể đã bị kết án về tội tổ chức đua xe trái phép thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 206 Bộ luật hình sự hoăc hoăc tội đua xe trái phép thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 207 Bộ luật hình sự nhưng chưa được xoá án tích mà lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự. Nếu người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm thì không coi là trường hợp “đã tái phạm tội này hoặc tội đua xe trái phép” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự nữa. Tuy nhiên, tái phạm nguy hiểm về tội tổ chức đua xe trái phép hoặc tội đua xe trái phép thì tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn trường hợp tái phạm nguy hiểm khác.

 

- Người phạm tội đã tái phạm (không phân biệt đã tái phạm tội phạm nào), chưa được xoá án tích mà lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép (không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật). Nếu tái phạm tội tổ chức đua xe trái phép hoặc tội đua xe trái phép chưa được xoá án tích mà lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép thì tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn.

 

b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng

 

Gây hậu quả rất nghiêm trọng là gây ra những thiệt hại rất lớn cho tính mạng, sức khoẻ, tài sản, và những thiệt hại khác cho xã hội.

 

Cho đến nay chưa có giải thích hoặc hướng dẫn chính thức thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi tổ chức đua xe trái phép gây ra. Tuy nhiên, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm này, tham khảo hướng dẫn về tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng đối với một số tội phạm khác thì có thể coi hành vi tổ chức đua xe trái phép gây ra hậu quả rất nghiêm trọng nếu:

 

- Làm chết hai người;

- Làm chết một người và còn gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên

- Gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

- Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 200% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng.

 

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có thiệt hại phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội...thì phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do hành vi tổ chức đua xe trái phép gây ra có phải là rất nghiêm trọng hay không.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 206 Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật, không có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới bảy năm tù nhưng không được dưới ba năm.

 

 Nếu thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật hoặc tuy  tuy chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật nhưng còn tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, phạm tội thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 3 điều luật thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù.

 

4. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 206 Bộ luật hình sự

Khoản 4 của điều luật chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

Cũng như đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng, đến nay chưa có giải thích hoặc hướng dẫn chính thức thế nào là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi tổ chức đua xe trái phép gây ra, nên có thể tham khảo hướng dẫn về tình tiết gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với một số tội phạm khác để xác định hành vi tổ chức đua xe trái phép gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu:

- Làm chết ba người trở lên;

- Làm chết hai người và còn gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

- Làm chết một người và còn gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

- Gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có thiệt hại phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội... thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do hành vi tổ chức đua xe trái phép gây ra có phải là đặc biệt nghiêm trọng hay không.

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 206 Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới mười hai năm tù nhưng không được dưới bảy năm.

 

 Nếu ngoài trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà còn tập trung nhiều tình tiết thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt đến hai mươi năm tù hoặc tù chung thân.

 

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba mươi triệu đồng

 

Khi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội tổ chức đua xe trái phép cần chú ý:

 

- Chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung nếu người phạm tội không bị áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính;

- Chỉ áp dụng mức phạt tiền trong khung hình phạt đã quy định;

- Nếu không áp dụng hình phạt tiền thì phải nêu rõ lý do trong bản án.

 

 

2. TỘI ĐUA XE TRÁI PHÉP

 

 

Điều 207Tội đua xe trái phép

 

1. Người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thiệt hại cho sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ  năm triệu đồng đến năm mươi  triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác;

b) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

c) Tham gia cá cược;

d) Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;

đ) Đua xe nơi tập trung đông dân cư;

e) Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;

g) Tái phạm về tội này hoặc tội tổ chức đua xe trái phép.

3. Phạm tội trong trường hợp tái phạm nguy hiểm hoặc gây hậu quả rất  nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm  triệu đồng đến ba  mươi triệu đồng.

 

 

Định nghĩa: Đua xe trái phép là hành vi của hai hoặc nhiều người điều khiển xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ chạy thi trên đường bộ nhằm đuổi kịp hoặc vượt người cùng đua.

 

Cũng như đối với tội tổ chức đua xe trái phép, Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định tội đua xe trái phép. Do yêu cầu đấu tranh phòng chống hành vi đua xe trái phép nên Bộ luật hình sự năm 1999 đã bổ sung tội tổ chức đưa xe trái phép và tội đua xe trái phép. Trước khi Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực, hành vi đua xe trái phép bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, khi ấy chỉ cần có hành vi đua xe trái phép là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng mà không cần phải thêm điều kiện “gây thiệt hại cho sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” như Điều 207 Bộ luật hình sự năm 1999. Do tộigây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 245 Bộ luật hình sự năm 1999 cũng bỏ sung tình tiết là yếu tố định tội “gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” nên nhà làm luật cũng quy định tình tiết này là yếu tố định tội đối với tội đua xe trái phép tương tự như đối với tội gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, đối với tội đua xe trái phép chỉ cần người phạm tội có hành vi đua xe là đã cấu thành tội phạm không cần phải kèm theo các tình tiết“gây thiệt hại cho sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm”. Quy định này dẫn đến thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp khó xử lý như: Trong một vụ án đua xe trái phép, những người phạm tội đều có hành vi đua xe trái phép nhưng người này thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đua xe trái phép, người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng, mà điển hình nhất là vụ đua xe ô tô trái phép xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2002. Để phù hợp với thực tiễn xét xử, đồng thời phản ảnh đúng bản chát của hành vi phạm tội, hy vọng rằng khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự vấn đề này sẽ được Quốc hội quan tâm xem xét.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì, người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp nào quy định tại điều luật.

 

Nếu người phạm tội chưa gây thiệt hại cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi đua xe trái phép hoặc đã bị kết án về tội đua xe trái phép, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đua xe trái phép.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Cũng tương tự như đối với tội tổ chức đua xe trái phép, khách thể của tội phạm này vừa xâm phạm đến an toàn công cộng vừa xâm phạm đến trật tự công cộng.

 

Khác với tội tổ chức đua xe trái phép, đối tượng tác động của tội phạm này không phải là người đua xe, mà làphương tiện dùng để đua là ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi đua xe. Người đua xe trái phép, có thể thực hiện một trong các hành vi như: chuẩn bị phương tiện (xe đua) và những điều kiện cần thiết cho cuộc đua; đến nơi tập trung đua; điều khiển xe tham gia cuộc đua.

 

Trong các hành vi trên, thì hành vi điều khiển xe tham gia cuộc đua là hành vi quan trọng nhất, nó là điểm bắt đầu và cũng là điểm kết thúc cho một quá trình thực hiện việc đua xe trái phép. Tội phạm hoàn thành từ khi người phạm tội bắt đầu điều khiển xe tham gia vào cuộc đua. Nếu người phạm tội đã chuẩn bị phương tiện và những điều kiện cần thiết đang trên đường đến điểm tập trung đua xe bị phát hiện và bị bắt giữ thì chưa cấu thành tội đua xe trái phép mà tuỳ trường hợp người phạm tội sẽ bị xâm phạm hành chính hoặc trên đường đến nơi tập trung người phạm tội cũng lạng lách (đánh võng) trên đường thì có thể bị xử lý về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tuy nhiên, nếu trên đường đến nơi tập trung đua những người tham gia cuộc đua lại thực hiện một cuộc đua “mi ni” trên đường đến nơi tập trung thì hành vi của những người này bị coi là hành vi đua xe trái phép, nếu thoả mãn các dấu hiệu khác thì họ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đua xe trái phép.

 

Cũng coi là có hành vi đua xe trái phép nếu lúc đầu người phạm tội chưa có ý định tham gia cuộc đua nhưng khi đoàn đua đi qua đã tự nguyện tham gia vào cuộc đua trên đường đua. Loại hành vi này, thường xảy ra ở nhiều cuộc đua trong thời gian vừa qua và cũng là đặc điểm của các cuộc đua xe trái phép ở nước ta.

 

Người tham gia đua xe trái phép có thể được tổ chức từ trước, nhưng cũng có thể không được tổ chức mà cuộc đua có thể được hình thành trong quá trình tham gia giao thông giữa những người điều khiển xe.

 

Chỉ người điều khiển xe tham gia cuộc đua mới là người thực hiện hành vi đua xe, còn người ngồi sau xe đua (nếu có) chỉ là người cổ vũ, họ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đua xe trái phép mà tuỳ trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Nếu hậu quả chưa xảy ra, tức là chưa gây thiệt hại cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì hành vi đua xe trái phép chưa cấu thành tội đua xe trái phép. Tuy nhiên, hành vi đua xe trái phép của người đua xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng. Như trên chúng tôi đã phân tích thì quy định này là chưa phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, hy vọng rằng khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự vấn đề này sẽ được nhà làm luật quan tâm.

 

Điều luật chỉ quy định gây thiệt hại cho sức khoẻ, tài sản của người khác chứ không quy định gây thiệt hại tới mức nào, nên chỉ cần xác định có gây thiệt hại đến sức khoẻ và tài sản của người khác là hành vi đua xe trái phép đã cấu thành tội phạm rồi.

 

Đối với thiệt hại về sức khoẻ của người khác cũng cần phải có chứng nhận của cơ quan y tế hoặc giám định tỷ lệ thương tật nhưng không bắt buộc mọi trường hợp đều phải có giám định tỷ lệ thương tật mà chỉ cần xác nhận của cơ quan y tế là sức khoẻ bị tổn hại; nếu có giám định tỷ lệ thương tật thì mức độ thương tật cũng chỉ cần 1% cũng là gây thiệt hại đến sức khoẻ rồi. Trong khi chưa sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự theo hướng bỏ tình tiết “gây thiệt hại cho sức khoẻ, tài sản của người khác” là yếu tố định tội thì càng không nên giải thích hoặc hướng dẫn theo hướng ấn định mức tổn hại sức khoẻ của người khác do hành vi đua xe trái phép gây ra.

 

Đối với thiệt hại về tài sản của người khác do hành vi đua xe trái phép gây ra cũng phải được hiểu như đối với trường hợp gây thiệt hại về sức khoẻ của người khác, tức là chỉ cần có gây thiệt hại về tài sản mà không cần phải gây thiệt hại tới mức bao nhiêu. Có thể chỉ 100.000 đồng thậm chí dưới 100.000 đồng vẫn bị coi là gây thiệt hại về tài sản.

 

Nếu gây thiệt hại đến tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì tuỳ trường hợp, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Hành vi đua xe được coi là hành vi phạm tội khi hành vi đó không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép; nếu việc đua xe được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thì không bị coi là tội phạm.

 

Chỉ coi là hành vi phạm tội đua xe trái phép nếu phương tiện mà người sử dụng vào việc đua là xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ, nếu phương tiện dùng vào việc đua là xe thô sơ như: xe đạp, xe xích lô thì không bị coi là hành vi phạm tội này. Tuy nhiên, nếu hành vi đua xe thô sơ trái phép gây hậu quả nghiêm trọng thì tuỳ trường hợp người đua xe đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.

         

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội đua xe trái phép thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi đua xe trái phép, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 207 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 207 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội có thể thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 207 Bộ luật hình sự

 

a. Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm e khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự đối với tội tổ chức đua xe trái phép, chỉ khác ở chỗ thiệt hại về tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác là do hành vi đua xe trái phép trực tiếp gây ra, không bao gồm thiệt hại về tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người đua xe trái phép. Nếu người đua xe trái phép tự gây ra thiệt hại về tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng về sức khoẻ, tài sản cho chính mình thì không tính để xác định tình tiết là yếu tố định khung hình phạt theo điểm a khoản 2 của điều luật.

 

b. Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn

 

Điểm b khoản 2 của điều luật quy định hai trường hợp phạm tội khác nhau nhưng có cùng một tính chất, mức độ nguy hiểm, đó là: Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn.

 

Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm là trường hợp người phạm tội do tham gia vào cuộc đua xe trái phép gây tai nạn cho người khác nhưng đã bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm.

 

Nói chung người tham gia đua xe trái phép gây tai nạn ít có trường hợp không bỏ chạy vì họ không chỉ trốn tránh trách nhiệm đối với người bị tai nạn mà còn phải trốn tránh về hành vi đua xe trái phép. Tuy nhiên, nếu người phạm tội không bỏ chạy mà tai nạn xảy ra chỉ là thiệt hại cho sức khoẻ của người khác có tỷ lệ thương tật dưới 31% thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 của Điều 207 Bộ luật hình sự; nếu bỏ chạy thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 của Điều 207 Bộ luật hình sự. Nếu tai nạn xảy ra là tính mạng hoặc thiệt hại cho sức khoẻ của người khác mà có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên thì người phạm tội vừa thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 vừa thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 của Điều 207 Bộ luật hình sự (tức là có hai tình tiết là yếu tố định khung hình phạt).

 

Nếu người phạm tội bỏ chạy vì lý do bị đe doạ đến tính mạng và đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cũng như cuộc đua xe trái phép cho cơ quan công an thì không bị coi là bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm.

Cố ý không cứu giúp người bị nạn là trường hợp người phạm tội do đua xe trái phép gây thiệt hại cho sức khoẻ hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại dến tính mạng, sức khoẻ của người khác nhưng đã cố ý không cứu giúp người bị nạn.

 

Cố ý không cứu giúp là có điều kiện cứu mà không cứu, đã có yêu cầu của người khác nhưng vẫn không cứu giúp. Hành vi cố ý không cứu giúp không nhất thiết phải dẫn đến hậu quả là người bị nạn chết hoặc bị tổn hại nghiêm trọng đến sức khoẻ.

 

Trường hợp phạm tội này tương tự như trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự đối với tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thong đường bộ, chỉ khác ở chỗ người gây tai nạn là người tham gia vào cuộc đua xe trái phép.

 

c. Tham gia cá cược

 

Trường hợp phạm tội này là người tham gia cuộc đua đồng thời là người tham gia cá cược về việc thắng thua của cuộc đua, tức là vừa có hành vi đua xe trái phép vừa có hành vi đánh bạc.

 

Người đua xe trái phép có thể cá cược với người cùng đua xe, nhưng cũng có thể các cược với người khác không cùng đua xe. Nếu cá cược với người không cùng đua xe thì người đua xe bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tôị đua xe trái phép thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 207 Bộ luật hình sự mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội đánh bạc, còn người không tham gia đua xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc, nếu có đủ các yếu tố quy định tại Điều 248 Bộ luật hình sự.

 

d. Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm c khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự đối với người tổ chức đua xe trái phép, chỉ khác ở chỗ hành vi chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép do chính người đua xe trái phép thực hiện.

 

Nếu hành vi chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép mà gây thiệt hại đến tính mạng thì ngoài tội đua xe trái phép quy định tại điểm d khoản 2 Điều 207 Bộ luật hình sự, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự; nếu gây thiệt hại đến sức khoẻ của người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép có tỷ lệ thương tật thì tù trường hợp người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác thuộc trường hợp quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự.

 

Chỉ coi là phạm tội đua xe trái phép thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 207 Bộ luật hình sự nếu hành vi chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép chưa gây ra thị về tính mạng hoặc sức khoẻ của người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép. Tuy nhiên, họ sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội chống người thi hành công vụ theo Điều 257 Bộ luật hình sự nữa.

 

đ. Đua xe nơi tập trung đông dân cư

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm d khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ: trường hợp phạm tội này là đối với người đua xe trái phép. Thông thường, người tổ chức đua xe ở nơi đông dân cứ thì người đua xe cũng là người chịu chung tình tiết là yếu tố định khung hình phạt này. Tuy nhiên, cũng không phải bao giờ việc tổ chức với thực tế cuộc đua diễn ra như nhau. Thực tế có trường hợp cuộc đua xe không phải vì nó được tổ chức mà do những người tham gia giao thông tự thoả thuận với nhau và trong khi đua, họ đã đi qua nơi tập trung đông dân cư. Nếu người tổ chức đua xe có kế hoạch sẽ đua xe ở nơi đông dân cư, nhưng vì lý do nào đó mà người đua xe không đua ở nới đông dân cư thì người đua xe vẫn không chịu trách nhiệm về tình tiết đua xe nơi tập trung đông dân cư.

 

e. Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua

 

Trường hợp phạm tội này hoàn toàn tương tự với trường hợp phạm tội quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự đối với người tổ chức đua xe trái phép. Việc tháo dỡ thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua có thể do người đua xe tự tháo, nhưng có thể do người khác tháo. Tuy nhiên, người đua xe phải biết là phương tiện mà mình điều khiển để đua đã bị tháo dỡ thiết bị an toàn. Nếu người đua xe hoàn toàn không biết phương tiện mà mình điều khiển khi tham gia vào cuộc đua đã bị tháo dỡ thiết bị an toàn thì không thuộc trường hợp phạm tội này; nếu không có các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt khác thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 của điều luật.

 

g. Tái phạm về tội này hoặc tội tổ chức đua xe trái phép

 

Trường hợp phạm tội này hoàn toàn tương tự với trường hợp phạm tội quy định tại điểm g khoản 2 Điều 206 Bộ luật hình sự đối với người tổ chức đua xe trái phép.

 

Tuy nhiên, khi xác định tình tiết này cần chú ý với tình tiết là yếu tố định tội quy định tại khoản 1 của điều luật. Nếu người phạm tội chưa gây thiệt hại cho sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này mà tái phạm tội này hoặc tội tổ chức đua xe trái phép thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 của điều luật. Người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm g khoản 2 Điều 207 Bộ luật hình sự khi hành vi đua xe trái phép đã gây thiệt hại cho sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn thuộc trường hợp tái phạm.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 207 Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới hai năm tù.

 

 Nếu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 207 Bộ luật hình sự

 

Khoản 3 của điều luật quy định hai tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là: người phạm tội là người tái phạm nguy hiểm và gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 

Về nội dung của hai tình tiết này hoàn toàn tương tự như trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 206 Bộ luật hình sự đối với người phạm tội tổ chức đua xe trái phép, chỉ khác ở chỗ: người phạm tội là người đua xe trái phép.

 

Cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm g khoản 2 của điều luật, người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 207 Bộ luật hình sự khi hành vi đua xe trái phép đã gây thiệt hại cho sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 207 Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Nếu thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới năm năm tù nhưng không được dưới hai năm.

 

 Nếu thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 3 điều luật hoặc tuy chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 nhưng lại tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù.

 

4. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 207 Bộ luật hình sự

 

Trường hợp phạm tội này cũng hoàn toàn tương tự với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 206 Bộ luật hình sự đối với người phạm tội tổ chức đua xe trái phép, chỉ khác ở chỗ: người phạm tội trong trường hợp này là người đua xe trái phép. Nội dung của tình tiết này hoàn toàn giống với tình tiết quy định tại khoản 4 Điều 206 Bộ luật hình sự.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 206 Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm tù, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới mười hai năm tù nhưng không được dưới năm năm.

 

 Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể và còn tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3 của điều luật, thì có thể bị phạt đến hai mươi năm tù.

 

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

 

Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội đua xe trái phép cũng giống với hình phạt bổ sung đối với người phạm tội tổ chức đua xe trái phép, nên khi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội đua xe trái phép cũng cần chú ý:

 

- Chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung nếu người phạm tội không bị áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính;

- Chỉ áp dụng mức phạt tiền trong khung hình phạt đã quy định;

- Nếu không áp dụng hình phạt tiền thì phải nêu rõ lý do trong bản án.

 

 

3. TỘI CHIẾM ĐOẠT TÀU BAY, TÀU THUỶ

 

Điều 221. Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ 

 

1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác nhằm chiếm đoạt tàu bay hoặc tàu thuỷ, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Có tổ chức;

b) Sử dụng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

4. Người phạm tội còn bị phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác nhằm chiếm đoạt tàu bay hoặc tàu thuỷ.

 

Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ là tội phạm đã được quy định tại Điều 87 Bộ luật hình sự năm 1985 và là tội xâm phạm an ninh quốc gia, nay do yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nên nhà làm luật không coi là tội xâm phạm an ninh quốc gia nữa mà là tội xâm phạm trật tự công cộng.

 

So với Điều 87 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 221 Bộ luật hình sự năm 1999 có những sửa đổi, bổ sung sau:

 

Điều 221 Bộ luật hình sự năm 1999 cấu tạo thành 4 khoản, trong đó khoản 2 và khoản 3 là cấu thành tăng nặng, khoản 4 quy định hình phạt bổ sung; bổ sung thêm tình tiết “đe doạ dùng vũ lực” và tình tiết “nhằm” là yếu tố định tội đã làm thay đổi về bản chất của tội phạm này là tội phạm cấu thành hình thức; các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt cũng được quy định cụ thể hơn; về hình phạt, tuy mức hình phạt cao nhất vẫn là tử hình nhưng mức hình phạt thấp nhất của điều luật là 7 năm tù (Điều 87 là 5 năm tù).

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi nhất định đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

 

Người từ đủ 14 tuổi trở lên đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này, không phân biệt trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật, vì tội phạm này khoản 1 của điều luật đã là tội phạm rất nghiêm trọng, còn khoản 2 và khoản 3 của điều luật là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

Người phạm tội này có thể là người nước ngoài hoặc người không mang quốc tịch. Nếu là người nước ngoài hoặc người không mang quốc tịch mà phạm tội này thì cần phải căn cứ vào các quy định tại Điều 5 Bộ luật hình sự về hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điều 6 Bộ luật hình sự về hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam để xác định người phạm tội có thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế hay không.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Do tội phạm này không còn là tội xâm phạm an ninh quốc gia như Bộ luật hình sự năm 1985 nữa nên khách thể của tội phạm này cũng thay đổi. Mặc dù tội phạm này quy định trong chương “các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng” nhưng đối với tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ không chỉ xâm phạm đến an toàn công cộng, trật tự công cộng mà còn xâm phạm quan hệ sở hữu, tính mạng, sức khoẻ của con người.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này chính là tàu bay, tàu thuỷ.

 

Tàu bay bao gồm: Máy bay, tầu lượn, khí cầu và những thiết bị bay tương tự khác có thể được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí.

 

Tàu thuỷ là các phương tiện giao thông vận tải hoạt động trên mặt nước bằng sức động cơ bao gồm: tầu vận tải, tàu chở khách, tàu du lịch, tàu tuần tra, tàu chiến, tàu ngầm...

 

Do tội phạm này nhà làm luật quy định hai loại đối tượng tác động khác nhau nên tuỳ từng trường hợp cụ thể mà định tội cho phù hợp. Nếu chỉ chiếm đoạt máy bay hoặc tàu thuỷ thì định tội là “chiếm đoạt máy bay” hoặc “chiếm đoạt tàu thuỷ”; nếu chiếm đoạt cả máy bay và tàu thuỷ thì định tội là “chiếm đoạt máy bay, tàu thuỷ”

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

Do đặc điểm và tính chất đặc biệt nghiêm trọng của tội phạm này, nên có thể hiểu rằng các dấu hiệu khách quan của tội phạm này là tập hợp các dấu hiệu khách quan của nhiều tội phạm tương ứng như đối với các tội xâm phạm sở hữu, chỉ khác ở chỗ đối tượng tác động.

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội có thể thực hiện một trong các hành vi sau:

 

- Dùng vũ lực

 

Dùng vũ lực là hành vi (hành động) mà người phạm tội đã thực hiện, tác động vào cơ thể của con người như: đấm, đá, bóp cổ, trói, bắn, đâm, chém... Có thể nói một cách khái quát là hành vi dùng sức mạnh vật chất nhằm chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ. Hành vi dùng vũ lực có thể làm cho nạn nhân bị thương tích, bị tổn hại đến sức khoẻ hoặc bị chết, nhưng cũng có thể chưa gây ra thương tích đáng kể.

 

Đối với những vụ chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ có nhiều người cùng tham gia (đồng phạm), không nhất thiết tất cả những người tham gia đều phải dùng vũ lực, mà chỉ cần một hoặc một số người dùng vũ lực, còn những người khác có thể không dùng vũ lực hoặc chỉ đe doạ dùng vũ lực, nhưng tất cả những người cùng tham gia đều bị coi là dùng vũ lực.

 

- Đe doạ dùng vũ lực

 

Hành vi đe doạ dùng vũ lực bao gồm cả đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc và không ngay tức khắc.

 

 Đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc là hành vi dùng lời nói hoặc hành động nhằm đe doạ người bị đe dạo nếu không giao tàu bay, tàu thuỷ thì vũ lực sẽ được thực hiện ngay. Ví dụ: dí dao vào cổ, dí súng vào bụng yêu cầu người điều khiển tàu bay, tàu thuỷ giao ngay tàu bay, tầu thuỷ nếu không sẽ bị đâm, bị bắn ngay lập tức.

 

Đe doạ dùng vũ lực là chưa dùng vũ lực, nếu người phạm tội vừa đe doạ, vừa dùng vũ lực, mặc dù việc dùng vũ lực không mạnh mẽ bằng vũ lực mà người phạm tội đe doạ, nhưng vẫn bị coi là đã dùng vũ lực.

 

Đe doạ sẽ dùng vũ lực không ngay tức khắc là hành vi có thể được thực hiện bằng cử chỉ, hành động hoặc bằng lời nói, nhưng dù được thực hiện bằng hình thức nào thì việc dùng vũ lực cũng không xảy ra ngay tức khắc.

 

Tuy nhiên, việc phân biệt hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc với hành vi đe doạ dùng vũ lực không ngay tức khắc chỉ có ý nghĩa khi cần phân biệt giữa tội cướp tài sản với tội cưỡng đoạt tài sản, còn đối với tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ thì việc phân biệt hai hình thức đe doạ dùng vũ lực như trên là không cần thiết.

 

- Dùng các thủ đoạn khác

 

Ngoài hành vi dùng vũ lực và đe doạ dùng vũ lực người phạm tội còn dùng các thủ đoạn khác nhằm chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ như: lén lút, gian dối, công nhiên, lạm dụng tín nhiệm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn … Tuy nhiên, nếu người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp quản lý tàu bay, tàu thuỷ mà chiếm đoạt thì không thuộc trường hợp phạm tội “chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ” mà là phạm tội “tham ô tài sản” quy định tại Điều 278 Bộ luật hình sự. Ví dụ: Trần Minh T là Thuyền trưởng tàu vận tải H.L 314. Trong một chuyến vận chuyển hàng từ cảng Sài Gòn ra cảng Hải Phòng, trên đường gặp nạn; T đã bàn với các thuỷ thủ trên tàu vứt hàng xuống biển để thoát nạn. Sau khi thoát nạn, vì sợ trách nhiệm nên T bàn với các thuỷ thủ trên tàu trốn ra nước ngoài bằng chính con tàu H.L 314 nhưng tàu đến phao số 0 thì bị lực lượng tuần tra Bộ đội biên phòng bắt giữ.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, điều này được thể hiện ngay trong điều văn của điều luật “nhằm chiếm đoạt”, tức là người phạm tội chỉ cần thực hiện hành vi khách quan là tội phạm đã hoàn thành. Tội phạm này cũng tưng tự như đối với tội cướp tài sản, nhưng lại bao gồm cả hành vi khách quan của các tội chiếm đoạt có cấu thành vật chất như tội trộm cắp, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, công nhiên chiếm đoạt… Đây cũng là đặc điểm riêng mà đối với các tội phạm khác không có. Nếu là tội trộm cắp tài sản thì người phạm tội phải chiếm đoạt được tài sản thì tội phạm mới hoàn thành, nhưng nếu có hành vi lén lút nhằm chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ thì chỉ cần người phạm tội đã thực hiện hành vi lén lút là tội phạm đã hoàn thành.

 

Nếu hậu quả đã xảy ra thì người phạm tội sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn người phạm tội chưa gây hậu quả (chưa chiếm đoạt được tàu bay, tàu thuỷ)

 

Nếu người phạm tội dùng vũ lực mà gây chết người thì ngoài tội chiếm đoạt máy bay, tàu thuỷ, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giét người theo quy định tạ Điều 93 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, nếu chỉ gây ra thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác dù tỷ lệ thương tật là bao nhiêu thì người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt máy bay, tàu thuỷ.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Do đặc điểm của tội phạm này có liên quan đến vùng trời, vùng biển, lãnh hải; liên quan đến người nước ngoài, người không mang quốc tịch. Do đó khi xác định hành vi phạm tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ cần phải nghiên cứu các quy định của pháp luật về vùng trời, vùng biển, lãnh hải, người nước ngoài, người không mang quốc tịch; các quy định về miễn trừ trừ ngoại giao.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội không chỉ cố ý thực hiện hành vi phạm tội mà còn phải có mục đích chiếm đoạt tài sản thì mới là tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ. Như vậy, ý thức chiếm đoạt của người phạm tội phải có trước khi thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác. Tuy nhiên, đối với tội phạm này, nếu có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác nhưng vì động cơ và mục đích khác chứ chưa nhằm chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ, nhưng sau khi thực hiện hành vi mới có ý định chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ thì người phạm tội vẫn phạm tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ. Đây là đặc điểm để phân biệt giữa tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ với tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 221 Bộ luật hình sự 

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 221 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội chiếm đoạt máy bay, tàu thuỷ không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 221 Bộ luật hình sự có thể bị phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội chiếm đoạt máy bay, tàu thuỷ theo khoản 1 Điều 221 Bộ luật hình sự. Nếu các tình tiết khác như nhau thì mức hình phạt đối với người phạm tội phu thuộc vào những yếu tố sau:

 

- Người phạm tội dùng vũ lực phải bị phạt nặng hơn người chỉ đe doạ dùng vũ lực; người có hành vi đe doạ dùng vũ lực phải bị phạt nặng hơn người dùng thủ đoạn khác. Tuy nhiên, nếu dùng thủ đoạn nguy hiểm khác thì phải bị phạt nặng hơn người dùng thủ đoạn không nguy hiểm.

 

- Người phạm tội chiếm đoạt được tài sản phải bị phạt nặng hơn người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản.

 

Nếu các tình tiết khác như nhau thì người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng dưới bảy năm tù. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 221 Bộ luật hình sự

 

a.  Có tổ chức

 

Phạm tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ có tổ chức, là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện việc chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.

 

Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (khoản 3 Điều 20 Bộ luật hình sự )7

 

Trong vụ án chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ có tổ chức, cũng như trong các vụ án hình sự khác có tổ chức, tuỳ thuộc vào quy mô và tính chất mà có thể có những người giữ những vai trò khác nhau như: Người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức.

 

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người tổ chức có thể có những hành vi như: khởi xướng việc tội phạm; vạch kế hoạch thực hiện tội phạm cũng như kế hoạch che giấu tội phạm; rủ rê, lôi kéo người khác cùng thực hiện tội phạm; phân công trách nhiệm cho những người đồng phạm khác để thống nhất thực hiện tội phạm; điều khiển hành động của những người đồng phạm; đôn đốc, thúc đẩy người đồng phạm khác thực hiện tội phạm...

 

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Trực tiếp thực hiện tội phạm là trực tiếp có hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm như: trực tiếp cầm dao chém nạn nhân, cầm súng bắn nạn nhân, trực tiếp chiếm đoạt tài sản, trực tiếp nhận hối lộ v.v... Người thực hành là người có vai trò quyết định việc thực hiên tội phạm, vì họ là người trực tiếp thực hiên tội phạm. Nếu không có người thực hành thì tội phạm chỉ dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, mục đích tội phạm không được thực hiện; hậu quả vật chất của tội phạm chưa xảy ra và trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm khác sẽ được xem xét theo quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự. Trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm khác rõ ràng phụ thuộc vào hành vi của của người thực hành.

 

Người xúi dục là người kính động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm chỉ được coi là người đồng phạm trong vụ án có tổ chức, khi hành vi xúi dục có liên quan trực tiếp đến toàn bộ hoạt động tội phạm của những người đồng phạm khác và người thực hiện tội phạm trước khi bị xúi dục chưa có ý định tội phạm, vì có người khác xúi dục nên họ mới nảy sinh ý định tội phạm. Nếu việc xúi dục không liên quan trực triếp đến hoạt động tội phạm của những người đồng phạm khác và người thực hiện tội phạm đã có sẵn ý định tội phạm, thì không phải là người xúi dục trong vụ án có đồng phạm (phạm tội có tổ chức).

 

Người giúp sức là người tạo điều những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Trong một vụ án có đồng phạm, vai trò của người giúp sức cũng rất quan trọng,  nếu không có người giúp sức thì người thực hiện tội phạm sẽ gặp khó khăn. Ví dụ: Phạm Thị H hứa với Trần Công T sẽ tiêu thụ toàn bộ số tài sản nếu T cướp được. vì có sự hứa hẹn của H nên đã thúc đẩy T quyết tâm phạm tội vì đã có nơi tiêu thụ tài sản cướp được.

 

Người giúp sức có thể giúp bằng lời khuyên, lời chỉ dẫn; cung cấp phương tiện phạm tội hoặc khắc phục những trở ngại cho việc thực hiện tội phạm; hứa che giấu người phạm tội, phương tiện, xoá dấu vết, hứa tiêu thụ tài sản do phạm tôi mà có...

 

Hành vi tạo những điều kiện về tinh thần thường được biểu hiện như: Hứa hẹn sẽ che giấu hoặc hứa ban phát cho người phạm tội một lợi ích tinh thần nào đó như: hứa gả con, hứa đề bạt, thăng cấp, tăng lương cho người phạm tội, bày vẽ cho người phạm tội cách thức thực hiện tội phạm như: nói cho người phạm tội biết người bị hại hay đi về đường nào để người phạm tội phục cướp...

 

Hành vi tạo điều kiện vật chất cho việc thực hiện tội phạm là hành vi cung cấp phương tiện phạm tội như: cung cấp dao, súng, côn gỗ, xe máy, xe ô tô... để người phạm tội thực hiện tội phạm.

 

Dù tạo điều kiện tinh thần hay vật chất cho việc thực hiện tội phạm thì hành vi đó cũng chỉ tạo điều kiện dễ dàng cho việc thực hiện tội phạm chứ người giúp sức không trực tiếp thực hiện tội phạm.

 

Cần chú ý rằng, khi đã xác định vụ án được thực hiện có tổ chức thì tất   cả những người trong vụ án đều bị áp dụng tình tiết "phạm tội có tổ chức". Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự đối với từng người còn tuỳ thuộc vào vai trò của họ trong vụ án như đã phân tích ở trên.

 

b.  Sử dụng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm

 

Đối với tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ, có trường hợp người phạm tội sử dụng vũ khí, sử dụng phương tiện nguy hiểm đối với người bị hại nhằm chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ. Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội cướp tài sản có sử dụng vũ khí, sử dụng phương tiện nguy hiểm quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ không chỉ bao gồm hành vi sử dụng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm trước khi chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ mà bao gồm cả hành vi sử dụng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm để tẩu thoát sau khi đã chiếm đoạt được tàu bay, tàu thuỷ bằng những thủ đoạn khác.

 

Vũ khí bao gồm: vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn và vũ khí thô sơ theo Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành theo Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996 của Chính phủ) .

 

Vũ khí quân dụng là các loại súng trường, súng ngắn, súng liên thanh; các loại pháo, dàn phóng, bệ phóng tên lửa, súng cối, hoá chất độc và nguồn phóng xạ, các loại đạn; bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thuỷ lôi, vật liệu nổ quân dụng, hoả cụ và vũ khí khác dùng cho mục đích quốc phòng- an ninh.

 

Vũ khí thể thao là các loại súng trường, súng ngắn thể thao chuyên dùng các cỡ; các loại súng hơi, các loại vũ khí khác dùng trong luyện tập, thi đấu thể thao và các loại đạn dùng cho các loại súng thể thao nói trên.

 

Vũ khí thô sơ là dao găm, kiếm, giáo, mác, đinh ba, đại đao, mã tấu, quả đấm bằng kim loại hoặc chất cứng, cung, nỏ, côn các loại và các loại khác do Bộ Nội vụ ( nay là Bộ Công an) quy định. Tuy nhiên, cho đến nay ngaòi các loại vũ kí thô sơ được quy định tại Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành theo Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996 của Chính phủ) thì Bộ Công an chưa có quy định thêm các loại vũ khí thô sơ khác.

 

Khi áp dụng tình tiết sử dụng vũ khí đối với người phạm tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ cần chú ý:

 

- Nếu người phạm tội có mang vũ khí nhưng không sử dụng vũ khí trong và sau khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ thì không coi là sử dụng vũ khí.

 

- Nếu người phạm tội sử dụng loại vũ khí đã mất tính năng tác dụng như: Súng hỏng, lựu đạn đã tháo kíp nổ...nhưng người bị hại không biết thì người phạm tội vẫn bị coi là phạm tội có sử dụng vũ khí, kể cả trường hợp người phạm tội biết vũ khí đó mất tác dụng nhưng vẫn có ý thức sử dụng để đe doạ người bị hại.

 

- Nếu người phạm tội sử dụng vũ khí giả như súng nhựa, súng gỗ để đe doạ người bị hại nhằm chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ hoặc để tẩu thoát và người bị hại cũng tưởng là súng thật nên quá sợ hãi mà giao tài sản cho người phạm tội thì không thuộc trường hợp có sử dụng vũ khí, vì súng giả không được coi là vũ khí.

 

- Người phạm tội sử dụng vũ khí nhằm chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ hoặc để tẩu thoát, ngoài việc bị áp dụng diểm b khoản 2 Điều 221 Bộ luật hình sự, nếu vũ khí dó là vũ khí quân dụng còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo Điều 232 Bộ luật hình sự.

 

Phương tiện nguy hiểm là những vật mà người phạm tội sử dụng trước và sau khi chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ có khả năng gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của người bị hại như: Các loại dao ( dao bầu, dao nhọn, dao rựa, dao quắm, dao phát bờ, lưới lam, móc sắt...); các loại chất độc, chất cháy ( ête, thuốc mê, thuốc ngủ, a xít, chất phóng xạ...).

 

Sử dụng phương tiện nguy hiểm là hành vi của người phạm tội thông qua những vật chứa đựng tính nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của con người. Việc đánh giá những vật có khả năng gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ của con người không phụ thuộc vào cách sử dụng những vật đó như thế nào, mà chỉ cần xác định tính năng, tác dụng của các vật mà người phạm tội sử dụng có chứa đựng khả năng gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ của con người là người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 221 Bộ luật hình sự rồi.

 

c.  Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

 

Là trường hợp người phạm tội trước, trong và sau khi chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ đã có hành chính gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác không phân biệt tỷ lệ thương tật của người khác là bao nhiêu %. Nếu tỷ lệ thương tật của người bị xâm phạm càng cao thì trách nhiệm của người phạm tội càng nặng.

 

Hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà người phạm tội thực hiện có thể do cố ý, nhưng cũng có thể do vô ý. Ví dụ: Nguyễn Xuân K, Phạm Văn H và Đào Văn T bàn bạc cướp tàu thuỷ để trốn ra nước ngoài. Chúng đã dùng súng khống chế Thuyền trưởng và các thuỷ thủ buộc phải giao tàu cho chúng, đồng thời chúng trói Thuyền trưởng và các thuỷ thủ rồi nhốt xuống khoang tàu, trong quá trình lái tàu chạy trốn do bị lực lượng biên phòng truy đuổi nên tàu đã va vào đá ngầm làm hai thuỷ thủ bị thương.

 

d.  Tái phạm nguy hiểm

 

Là trường hợp người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật. Vì đối với tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ không có trường hợp nào là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng mà là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 221 Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù mười hai năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

Nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới mười hai năm tù nhưng không dược dưới bảy năm tù.

 

 Nếu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến hai mươi năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 221 Bộ luật hình sự

 

Khoản 3 của điều luật chỉ quy định hai tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là: Làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

a. Làm chết người

 

Trường hợp phạm tội này là trường hợp người phạm tội trước, trong và sau khi chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ không cố ý giết người mà chỉ do vô ý. Nếu người phạm tội cố ý giết người thì ngoài tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ họ còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Ví dụ: Trần Văn T, Bùi Văn D đã dùng súng khống chế lái tàu thuỷ để cướp tàu trốn đi nước ngoài; các thuỷ thủ trên tàu đều bị T và D trói rồi nhốt xuống khoang máy. Một trong số các thuỷ thủ đã tự gỡ được trói bí mật lên buồng lái dùng thanh sắt quật mạnh vào đầu T nhưng không trúng, liền bị D dùng súng bắn làm người thuỷ thủ chết ngay tại chỗ.

 

b. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

 

Cũng như đối với trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định đối với các tội phạm khác trong chương này, đến nay chưa có giải thích hoặc hướng dẫn chính thức thế nào là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ gây ra, nên có thể tham khảo hướng dẫn về tình tiết gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với một số tội phạm khác để xác định hành vi tổ chức đua xe trái phép gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu:

 

- Gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.

 

Ngoài các thiệt hại về sức khoẻ và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có thiệt hại phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội... thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do hành vi tổ chức đua xe trái phép gây ra có phải là đặc biệt nghiêm trọng hay không.

 

Đối với các tội phạm khác, tình tiết gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng còn bao gồm cả tiệt hại đến tính mạng, nhưng đối với tội phạm này vì tình tiết làm chết người đã được nhà làm luật quy định là yếu tố định khung hình phạt độc lập nên không còn nằm trong tình tiết gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nữa. Đây cũng là đặc điểm để phân biệt với các tội phạm khác có quy định tình tiết gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 221 Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù hai mươi năm đến tù chung thân hoặc tử hình, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

Nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới mươi hai năm tù nhưng không dược dưới mười hai năm tù.

 

 Nếu thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 3 điều luật hoặc chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật nhưng còn tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, phạm tội thì có thể bị phạt tử hình.

 

4. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ còn có thể bị phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

 

Quản chế là buộc người bị két án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định, có sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương.

 

Hình phạt quản chế chính là một hình thức cư trú bắt buộc, nhưng có kèm theo điều kiện là phải cải tạo ở nơi cư trú, có sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương nơi họ đến cư trú sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

 

Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú và bị tước một só quyền công dân, bị cấm hành nghề hoặc bị cấm làm công việc nhất định. Như vậy, khi áp dụng hình phạt quản chế thì bắt buộc Toà án phải áp dụng thêm hình phạt tước một só quyền công dân, bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

 

Cấm cư trú là buộc người bị kết án phạt tù không được tạm trú và thường trú ở một số địa phương nhất định.

 

Người bị phạt cấm cư trú phải rời khỏi nơi ở của mình để đến cư trú ở nơi khác mà nơi đó không bị Toà án cấm cư trú, nếu nơi người bị kết án đang cư trú bị Toà án cấm.

 

Cấm cư trú chỉ áp dụng đối với người bị kết án bị phạt tù, nhưng không phải tất cả những người bị phạt tù đều bị cấm cư trú mà chỉ đối với một số người bị kết án bị phạt tù nếu để họ cư trú ở những địa phương nhất định sẽ có nguy cơ gây nguy hại cho xã hội. Như vây, đối với hình phạt cấm cư trú chỉ áp dụng trong những trường hợp đặc biệt mà Bộ luật hình sự có quy định.

 

Khi quyết định hình phạt cấm cư trú đối với người phạm tội, Toà án phải tuyên cụ thể trong bản án là cấm cư trú ở địa phương nào, không nên tuyên một cách chung chung như: "cấm bị cáo cư trú ở các thành phố, thị xã " mà phải tuyên cụ thể cấm cư trú ở thành phố nào, tỉnh nào. Nếu chỉ cấm bị cáo cư trú trong nội thành thì phải tuyên "cấm cư trú ở các quận trong nội thành".

 

Thời hạn cấm cư trú là từ một năm đến năm năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Hết thời hạn này, người bị kết án có quyền về nơi cư trú cũ của họ hoặc có quyền đến cư trú ở bất cứ nơi nào trong lãnh thổ Việt Nam. Trong thời hạn cấm cư trú, người bị kết án phải tự chọn cho mình một chỗ ở và khi đến cư trú nơi nào phải đăng ký với chính quyền địa phương nơi đó; trong thời gian bị cấm, nếu được sự đồng ý của chính quyền địa phương nơi đang cư trú, người bị kết án có thể được đến chữa bệnh, đến thi cử hoặc tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao do các cơ quan Nhà nước tỏ chức, đến thăm những người thân bị ốm nặng, đến công tác... ở địa phương bị cấm cư trú.

 

4. TỘI ĐIỀU KHIỂN TÀU BAY VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH VỀ HÀNG KHÔNG CỦA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM  

 

Điều 222.   Tội điều khiển tàu bay vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam  

 

1. Người nào điều khiển tàu bay vào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 và Điều 81 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ  một trăm triệu đồng đến ba trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ ba trăm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ năm trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

4. Phương tiện bay có thể bị tịch thu.

 

Định nghĩa: Điều khiển tàu bay vi phạm các quy định về hàng không là hành vi của người điều khiển tàu bayvào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và không thuộc trường hợp phạm tội gián điệp quy định tại Điều 80 Bộ luật hình sự và tội xâm phạm an ninh lãnh thổ quy định tại Điều 81 Bộ luật hình sự.   

 

Tội điều khiển tàu bay vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tội phạm đã được quy định tại Điều 90 Bộ luật hình sự năm 1985 và cũng như đối với tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ là tội xâm phạm an ninh quốc gia, nay do yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nên nhà làm luật không quy định là tội xâm phạm an ninh quốc gia nữa mà là tội xâm phạm trật tự công cộng.

 

So với Điều 90 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1999 có những sửa đổi, bổ sung sau:

 

Về tên tội danh, Điều 90 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “tội vi phạm các quy định về hàng không”, nay Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định cụ thể hơn, đó là “tội điều khiển tàu bay vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

 

Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1999 cấu tạo thành 4 khoản, trong đó khoản 2 và khoản 3 là cấu thành tăng nặng, khoản 4 quy định biện pháp xử lý phương tiện dùng vào việc phạm tội (không phải là hình phạt bổ sung); bỏ tình tiết “phương tiện bay khác” là yếu tố định tội vì khái niệm “tàu bay” đã bao gồm các phương tiện bay khác; bổ sung tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” là yếu tố định khung hình phạt tại khoản 3 của điều luật; về hình phạt, tuy bổ sung thêm khoản 3 nhưng mức hình phạt cao nhất đối với tội phạm này vẫn là mười năm tù; hình phạt tiền là hình phạt chính cũng được quy định lại cho phù hợp.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Có thể nói chủ thể của tội phạm là chủ thể đặc biêt, vì chỉ có người điều khiển tàu bay mới là chủ thể của tội phạm này. Tàu bay là loại phương tiện giao thông đặc biệt nên không phải ai cũng có thể điều khiển được.

 

Chủ thể của tội phạm này có thể là người Việt Nam nhưng chủ yếu là người nước ngoài, người không có quốc tịch, vì tội phạm này chủ yếu xâm phạm đến an ninh lãnh thổ, vi phạm các hiệp định về hàng không giữa Việt Nam với các nước trên thế  giới.

 

Người điều khiển tàu bay có thể là một người nhưng cũng có thể là nhiều người (đội bay). Tuy nhiên, nếu là vụ án có tổ chức thì những đồng phạm khác không nhất thiết phải là người điều khiển tàu bay.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Mặc dù tội phạm này không còn là tội xâm phạm an ninh quốc gia như trước đây, nhưng do tính chất nguy hiểm của hành vi điều khiển tàu bay nên ngoài việc xâm phạm đến an toàn vùng trời, tội phạm này còn xâm phạm đến an ninh lãnh thổ trên không.

 

Tội phạm này chủ yếu xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước về lãnh thổ, lẽ ra phải quy định trong chương các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính mới chính xác. Tuy nhiên, hành vi vi phạm các quy định về hàng khôngcủa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng xâm phạm đến an trật tự công cộng và an toàn công cộng. Vấn đề không phải ở chỗ quy định trong chương nào là phù hợp mà điều quan trọng là xác định các dấu hiệu cấu thành của tội phạm để xử lý hành vi xâm phạm theo đúng quy định của pháp luật.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là tàu bay bao gồm: Máy bay, tàu lượn, khí cầu và những thiết bị bay tương tự khác có thể được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội thực hiện hành vi khách quan duy nhất là hành vi vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc  điều khiển tàu bay vào hoặc ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

 

Nếu chỉ xét riêng hành vi khách quan thì hành vi khách quan của người phạm tội này giống với hành vi khách quan của người phạm tội “vi phạm quy định điều khiển tàu bay” quy định tại Điều 216 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, người phạm tội “vi phạm quy định điều khiển tàu bay” chỉ vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông đường không, còn người phạm tội vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vi phạm quy định về bay vào hoặc bay ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

 

Người điều khiển tàu bay vào hoặc ra khỏi lãnh thổ Việt Nam có thể không vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông đường không, mà chỉ vi phạm các quy định của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc bay vào, bay ra lãnh thổ Việt Nam như: như bay vào, bay ra hoặc bay qua lãnh thổ Việt Nam mà không xin phép.

 

Căn cứ để xác định hành vi điều khiển tàu bay bay vào hoặc bay ra khỏi lãnh thổ Việt Nam có vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hay không là các quy định của Luật hàng không dân dụng Việt Nam và những điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc phê chuẩn về lĩnh vực hàng không.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi vi phạm quy định về bay vào hoặc bay ra khỏi lãnh thổ Việt Nam không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này nhưng việc xác định hậu quả là rất cần thiết. Nếu hậu quả xảy ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì tuỳ trường hợp, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Ngoài hành vi khách quan, đối với tội phạm này nhà làm luật quy định một số dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, đó là: các quy định của Luật hàng không dân dụng Việt Nam và những điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc phê chuẩn về lĩnh vực hàng không và hành vi phạm tội không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 và Điều 81 Bộ luật hình sự. 

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội có thể thực hiện hành vi điều khiển tàu bay vào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do cố ý hoặc do vô ý, nhưng chủ yếu là do cố ý.

 

Tuy nhiên, nếu do vô ý thì chủ yếu là vô ý vì quá tự tin, tức là người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể xảy ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 222 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 222 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội điều khiển tàu bay vào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị phạt tiền từ một trăm triệu đồng đến ba trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, là tội ít nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu người phạm tội thực hiện hành vi do vô ý, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc bị phạt dưới 6 tháng tù. Nếu người phạm tội thực hiện hành vi do cố ý, có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù.

 

Đối với nước ngoài phạm tội này, Toà án nên áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính, mà không nên áp dụng hình phạt tù, kể cả trường hợp phạm tội do cố ý.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 222 Bộ luật hình sự

 

Khoản 2 Điều 222 Bộ luật hình sự chỉ quy định một trường hợp phạm tội , đó là phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Cũng như đối với các tội phạm khác trong chương này, trong khi chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi điều khiển tàu bay vào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng do hành vi điều khiển tàu bayvào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất đã gây ra cho nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể là:

 

          - Làm chết một người;

 

          - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

 

          - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

         

          - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%;

 

          - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

 

            - Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

 

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là nghiêm trọng.

 

Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì người phạm tội bị phạt tiền từ ba trăm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ hai năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 222 Bộ luật hình sự, nếu người phạm tội thực hiện hành vi do vô ý, hậu quả gây ra tuy là nghiêm trọng nhưng mức độ thấp hơn trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng khác (gây thiệt hại từ 50 triệu đến dưới 100 triệu đồng), có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc bị phạt dưới hai năm tù. Nếu người phạm tội thực hiện hành vi do cố ý, hậu quả gây ra có mức độ lớn hơn trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng khác (gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 50% đến 60%), có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật hình sự

 

Khoản 3 của điều luật quy định hai tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, nhưng lại có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau, đó là “gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Đây không phải là trường hợp duy nhất mà trong một số điều luật nhà làm luật cũng quy định hai tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có mức độ nguy hiểm khác nhau trong cùng một khung hình phạt như chúng tôi đã phân tích là chưa phù hợp. Hy vọng khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự vấn đề này sẽ được quan tâm.

 

Cũng như đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, đến nay chưa có giải thích hoặc hướng dẫn chính thức thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi điều khiển tàu bay vào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gây ra, nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng để xác định hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi điều khiển tàu bay vào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gây ra. Cụ thể là:

 

Nếu điều khiển tàu bay vào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gây ra hậu quả sau đây thì bị coi là gây hậu quả rất nghiêm trọng:

 

          - Làm chết hai người;

 

          - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

 

          - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến bảy người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

 

          - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%, nếu không thuộc trường hợp có ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên hoặc năm đến bảy người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

 

          - Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng.

 

Nếu điều khiển tàu bay vào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gây ra hậu quả sau đây thì bị coi là gây hậu quả đặc biêt nghiêm trọng:

 

- Làm chết ba người trở lên;

- Làm chết hai người và còn gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

- Làm chết một người và còn gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

- Gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.

 

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng hay không.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ năm trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ năm năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể phạm tội chỉ gây hậu quả rất nghiêm trọng thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc áp dụng hình phạt dưới năm năm tù nhưng không được dưới hai năm.

 

 Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị phạt đến mười năm tù.

 

4. Biện pháp tư pháp đối với người phạm tội

 

 Khoản 4 của điều luật quy định: “phương tiện bay có thể bị tịch thu” là một biện pháp tư pháp chứ không phải là hình phạt bổ sung. Do đó, khi áp dụng khoản 4 Điều 222 Bộ luật hình sự không nên coi là hình phạt bổ sung.

 

 

5. TỘI ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN HÀNG HẢI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH VỀ HÀNG HẢI CỦA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 

 

 

Điều 223. Tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 

 

1. Người nào điều khiển tàu thuỷ hay phương tiện hàng hải khác vào hoặc ra khỏi Việt Nam hoặc đi qua lãnh hải Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 và Điều 81 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ hai trăm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến ba năm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ năm trăm triệu đồng đến tám trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ ba  năm đến bảy năm.

4. Phương tiện hàng hải có thể bị tịch thu.

 

Định nghĩa: Điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là hành vi của người điều khiển tàu thuỷ hay phương tiện hàng hải khác vào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và không thuộc trường hợp phạm tội gián điệp quy định tại Điều 80 Bộ luật hình sự và tội xâm phạm an ninh lãnh thổ quy định tại Điều 81 Bộ luật hình sự.  

 

Tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tội phạm đã được quy định tại Điều 91 Bộ luật hình sự năm 1985 là tội xâm phạm an ninh quốc gia, nay do yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nên nhà làm luật không xếp vào các tội xâm phạm an ninh quốc gia nữa mà là tội xâm phạm trật tự công cộng.

 

So với Điều 91 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1999 có những sửa đổi, bổ sung sau:

 

Về tên tội danh, Điều 91 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “tội vi phạm các quy định về hàng hải”, nay Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định cụ thể hơn, đó là “tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

 

Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1999 cấu tạo thành 4 khoản, trong đó khoản 2 và khoản 3 là cấu thành tăng nặng, khoản 4 quy định biện pháp xử lý phương tiện dùng vào việc phạm tội (không phải là hình phạt bổ sung); bổ sung tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” là yếu tố định khung hình phạt tại khoản 3 của điều luật; về hình phạt, tuy bổ sung thêm khoản 3 nhưng mức hình phạt cao nhất đối với tội phạm này vẫn là bảy năm tù; hình phạt tiền là hình phạt chính cũng được quy định lại cho phù hợp.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biêt. Tuy nhiên, chỉ có người điều khiển tàu thuỷ hay phương tiện hàng hải khác mới là chủ thể của tội phạm này.

 

Chủ thể của tội phạm này có thể là người Việt Nam nhưng chủ yếu là người nước ngoài, người không có quốc tịch, vì tội phạm này chủ yếu xâm phạm đến an ninh lãnh thổ, vi phạm các hiệp định về hàng hải giữa Việt Nam với các nước trên thế  giới.

 

Người điều khiển phương tiện hàng hải có thể là một người nhưng cũng có thể là nhiều người (Đoàn thuỷ thủ). Tuy nhiên, nếu là vụ án có tổ chức thì những đồng phạm khác không nhất thiết phải là người điều khiển phương tiện hàng hải.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Mặc dù tội phạm này không còn là tội xâm phạm an ninh quốc gia như trước đây, nhưng do tính chất nguy hiểm của hành vi điều khiển phương tiện hàng hải nên ngoài việc xâm phạm đến an toàn vùng biển, tội phạm này còn xâm phạm đến an ninh lãnh thổ trên biển.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là tàu bay bao gồm: Tàu thuỷ và các phương tiện hàng hải khác như: thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ chuyên hoạt động trên biển.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội thực hiện hành vi khách quan duy nhất là hành vi vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc điều khiển tàu thuỷ và các phương tiện hàng hải khác vào hoặc ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

 

Nếu chỉ xét riêng hành vi khách quan thì hành vi khách quan của người phạm tội này giống với hành vi khách quan của người phạm tội “vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ” quy định tại Điều 212 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, người phạm tội “vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ” chỉ vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông đường thuỷ, còn người phạm tội vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vi phạm quy định về vào hoặc ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

 

Người điều khiển phương tiện hàng hải vào hoặc ra khỏi lãnh thổ Việt Nam có thể không vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông đường thuỷ, mà chỉ vi phạm các quy định của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về vào, ra lãnh thổ Việt Nam như: như lái tàu thuỷ vào lãnh thổ Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của nước Công hào xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Căn cứ để xác định hành vi điều khiển phương tiện hàng hải vào hoặc ra khỏi lãnh thổ Việt Nam có vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hay không là các quy định của Luật hàng hải Việt Nam và những điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc phê chuẩn về lĩnh vực hàng hải.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện hàng hải vào hoặc ra khỏi lãnh thổ Việt Nam không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này nhưng việc xác định hậu quả là rất cần thiết. Nếu hậu quả xảy ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì tuỳ trường hợp, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Ngoài hành vi khách quan, đối với tội phạm này nhà làm luật quy định một số dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, đó là: các quy định của Luật hàng hải và những điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc phê chuẩn về lĩnh vực hàng hải và hành vi phạm tội không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 và Điều 81 Bộ luật hình sự. 

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội có thể thực hiện hành vi điều khiển phương tiện hàng hải vào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do cố ý hoặc do vô ý, nhưng chủ yếu là do cố ý. Nếu do vô ý thì chủ yếu là vô ý vì quá tự tin, tức là người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể xảy ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 223 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 223 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội điều khiển phương tiện hàng hải vào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 223 Bộ luật hình sự có thể bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu người phạm tội thực hiện hành vi do vô ý, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền. Nếu người phạm tội thực hiện hành vi do cố ý, có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến hai năm tù.

 

Đối với nước ngoài phạm tội này, Toà án nên áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính, mà không nên áp dụng hình phạt tù, kể cả trường hợp phạm tội do cố ý.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 223 Bộ luật hình sự

 

Khoản 2 Điều 222 Bộ luật hình sự chỉ quy định một trường hợp phạm tội , đó là phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Cũng như đối với các tội phạm khác trong chương này, trong khi chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi điều khiển phương tiện hàng hải vào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng do hành vi điều khiển phương tiện hàng hải vào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất đã gây ra cho nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì người phạm tội bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 223 Bộ luật hình sự, nếu người phạm tội thực hiện hành vi do vô ý, hậu quả gây ra tuy là nghiêm trọng nhưng mức độ thấp hơn trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng khác, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc bị phạt dưới một năm tù. Nếu người phạm tội thực hiện hành vi do cố ý, hậu quả gây ra có mức độ lớn hơn trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng khác, có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 223 Bộ luật hình sự

 

Khoản 3 của Điều 223 cũng quy định hai tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, nhưng lại có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau, đó là “gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

 

Cũng như đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, đến nay chưa có giải thích hoặc hướng dẫn chính thức thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi điều khiển phương tiện hàng hải vào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gây ra, nêncó thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng để xác định hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành viđiều khiển phương tiện hàng hải vào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 223 Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ năm trăm triệu đồng đến tám trăm triệu đồng hoặc bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể phạm tội chỉ gây hậu quả rất nghiêm trọng thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc áp dụng hình phạt dưới ba năm tù nhưng không được dưới một năm.

 

 Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

 

4. Biện pháp tư pháp đối với người phạm tội

 

 Tương tự như khoản 4 Điều 222 Bộ luật hình sự, khoản 4 của điều 223 quy định: “phương tiện hàng hải có thể bị tịch thu” là một biện pháp tư pháp chứ không phải là hình phạt bổ sung.

 

6. TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG LAO ĐỘNG TRẺ  EM 

 

Điều 228.  Tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ  em 

1. Người nào sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Đối với nhiều trẻ em;

c)  Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3.  Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng.

 

Định nghĩa: Vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em là sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục Nhà nước quy định.

 

Tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em là tội phạm mới chưa được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1985. Do yêu cầu đấu tranh phòng chống hành vi sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật xảy ra ngày càng phổ biến, có nơi có lúc rất nghiêm trọng, nhất là trong điều kiện nước ta chủ trương phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nên Quốc hội nước ta thấy cần phải hình sự hoá một số hành vi sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật và quy định tội phạm này tại Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1999. Tuy nhiên, do cấu tạo các dấu hiệu cấu thành của tội phạm này, nên thực tiễn xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng chưa khởi tố, truy tố hoặc xét xử nhiều loại tội phạm này, mà những hành vi sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật chủ yếu được xử lý bằng biện pháp hành chính. 

 

Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1999 được cấu tạo thành 3 khoản, trong đó khoản 2 là cấu thành tăng nặng, khoản 3 quy định hình phạt bổ sung.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này tuy không phải là chủ thể đặc biêt, nhưng chỉ những người sử dụng lao động mới có thể là chủ thể của tội phạm này.

 

Người sử dụng lao động có thể là chủ doanh nghiệp, nhưng cũng có thể chỉ là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân.

 

Khi xác định chủ thể của tội phạm này cần phân biệt trường hợp tuyển dụng với sử dụng trẻ em vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức. Nếu người có trách nhiệm tuyển dụng không vi phạm pháp luật về việc tuyển dụng trẻ em để làm một công việc nhất định nhưng sau khi đã tuyển dụng trẻ em vào làm việc mà người sử dụng lao động trẻ em đã vi phạm các quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động tre em mới là chủ thể của tội phạm này, nếu người tuyển dụng đồng thời là người sử dụng lao động trẻ em thì không cần phân biệt tuyển dụng hay sử dụng.

 

Nếu hành vi sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục Nhà nước quy định chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người có hành vi phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì mới bị coi là tội phạm.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em xâm phạm đến quyền lao động của trẻ em đã được quy định tại Hiến pháp, Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam tham gia quy định .

 

Việc sử dụng lao động trẻ em, Nhà nước ta quy định rất cụ thể, những loại công việc gì không được bắt trẻ em phải làm và những việc gì trẻ em được làm đều được quy định cụ thể và những quy định đó được liệt kê thành danh mục. Người sử dụng lao động phải căn cứ vào Danh mục do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này chính là trẻ em. Theo quy định tại Điều Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì trẻ em là người chưa đủ 16 tuổi.

 

Khi xác định tuổi của trẻ em cần căn cứ vào các giấy tờ tuỳ thân như: Giấy khai sinh, Giấy chứng minh nhân dân (nếu họ đã làm chứng minh), Sổ hộ khẩu, Sổ hộ tịch, học bạ và các giấy tờ có liên quan khác. Trong trường hợp không có các giấy tờ tuỳ thân hoặc tuy có nhưng các giấy tờ này không gióng nhau về ngày tháng năm sinh thì phải điều tra xác định xem người lao động có phải là trẻ em hay không. Nghĩa vụ chứng minh là của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội thực hiện hành vi khách quan duy nhất là hành vi vi phạm quy định về dụng lao động trẻ em nhưng được biểu hiện khác nhau tuỳ thuộc vào từng trường hợp vi phạm cụ thể như: Sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc; Sử dụng trẻ em làm những công việc nguy hiểm; Sử dụng trẻ em làm những công việc độc hại.

 

- Sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc là sử dụng trẻ em làm những công việc như: Công việc tiếp xúc với dầu, mỡ; ảnh hưởng của môi trường nóng, ồn, rung và bụi than vượt tiêu chuẩn cho phép. (Sửa chữa cơ điện trong nhà máy sàng tuyển than. Thay mỡ, bơm dầu ổ trục các thiết bị nhà máy sàng tuyển than.)

 

- Sử dụng trẻ em làm những công việc nguy hiểm là sử dụng trẻ em làm những công việc như: Thường xuyên làm việc trên cao, căng thẳng thần kinh tâm lý. (sửa chữa đường dây cao thế đang mang điện.)

 

- Sử dụng trẻ em làm những công việc độc hại là sử dụng trẻ em làm những công việc như: làm việc trong môi trường hoá chất độc hại và tiếng ồn cao; chịu tác động trực tiếp của hơi dầu nóng và hơi nước. (Thu hồi, lọc dầu, tái sinh dầu bôi trơn) 

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nếu người sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục Nhà nước quy định chưa gây hậu quả nghiêm trọng và cũng chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này thì không bị coi là tội phạm.

 

Hậu quả nghiêm trọng là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định vềdụng lao động trẻ em gây ra cho xã hội.  

 

Do chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục Nhà nước quy định gây ra, nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng để xác định hậu quả nghiêm trọng do sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục Nhà nước quy định gây ra.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Ngoài các tình tiết về nhân thân, hành vi khách quan và hậu quả nhà làm luật còn quy định tình tiết khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, đó là: “Danh mục mà Nhà nước quy định về những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành. Do nước ta đang trong thời kỳ phát triển công nghiệp nên nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới xuất hiện, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế cũng thường xuyên sửa đổi, bổ sung danh mục những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại cho phù hợp với tình hình phát triền kinh tế, xã hội. Vì vậy, khi xác định hành vi sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại có thuộc danh mục do Nhà nước quy định hay không cần phải liên hệ với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế để nhận được sự hỗ trợ.

 

 Ngoài ra, khi xác định hành vi phạm tội các cơ quan tiến hành tố tụng cần nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan đến việc sử dụng lao động đối với trẻ em như: Bộ luật lao động, Bộ luật dân sự, các văn bản hướng dẫn thì hành các Bộ luật này.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em là do cố ý, tức là biết người mà mình sử dụng lao động chưa đủ 16 tuổi và công việc giao cho trẻ em làm là công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc độc hại thuộc danh mục Nhà nước quy định. Nếu vì lý do khách quan mà người sử dụng lao động không biết người mà mình sử dụng lao động chưa đủ 16 tuổi và công việc giao cho trẻ em làm là công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc độc hại thuộc danh mục Nhà nước quy định thì không bị coi là hành vi phạm tội.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 228 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 228 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến hai năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 228 Bộ luật hình sự

 

a. Phạm tội nhiều lần

 

Phạm tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em nhiều lần là thực hiện hành vi vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em từ hai lần trở lên và mỗi lần thực hiện hành vi đó đã cấu thành tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em nhưng tất cả các lần phạm tội đó đều bị xét xử trong cùng một bản án. Ví dụ: Ngày 10 tháng 2 năm 2004 Trần Văn Q đã bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em, nhưng ngày 20 tháng 5 năm 2004, Q lại sử dụng trẻ em làm công việc nặng nhọc là phạm tội lần thứ nhất; đến ngày 15 tháng 12 năm 2004, Q lại sử dụng trẻ em làm công việc nguy hiểm gây hậu quả nghiêm trọng là phạm tội lần thứ hai, nên Trần Văn Q phạm tội thuộc trường hợp “phạm tội nhiều lần”.

 

Khi xác định trường hợp phạm tội nhiều lần cần phân biệt với trường hợp phạm tội liên tục ở chỗ: phạm tội liên tục, là do một loạt hành vi phạm tội cùng loại, xảy ra kế tiếp nhau về mặt thời gian tạo thành. Ví dụ: Vũ Văn T thuê cháu Nguyễn Thị H 15 tuổi để trông giữ con cho vợ chồng T. Nhưng ngoài việc trông giữ con cho T, cháu H còn phải làm việc nặng nhọc khác như bổ củi, đốt lò, gánh nước dẫn đến cháu H bị bệnh lao phải nằm điều trị dài ngày.

 

Khi xác định trường hợp phạm tội nhiều lần cần chú ý:

 

- Nếu hành vi vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em của bị cáo đã bị xử lý không kể bị xử lý bằng hình thức gì như: đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật... thì không tính lần phạm tội đó vào lần phạm tội sau để coi bị cáo phạm tội nhiều lần.

 

- Trường hợp, hành vi vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em đã được Viện kiểm sát miễn truy tố hoặc đã tách để xử lý ở vụ án khác thì cũng không coi là phạm tội nhiều lần.

 

b. Đối với nhiều trẻ em

 

Trường hợp phạm tội này tương tự như đối với trường hợp đối với nhiều người, nhưng nhiều người ở đây là trẻ em.

 

Phạm tội đối với nhiều trẻ em là trường hợp người phạm tội sử dụng từ hai trẻ em trở lên làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc độc hại theo danh mục do Nhà nước quy định; đối với mỗi trẻ em bị sử dụng lao động nặng nhọc, nguy hiểm hoặc độc hại chỉ xảy ra một lần và một lần đó đã cấu thành tội phạm.

 

Khi xác định trường hợp phạm tội này cần chú ý: Nếu người phạm tội sử dụng nhiều trẻ em làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc độc hại nhiều lần hoặc có một trẻ em bị sử dụng lao động nặng nhọc, nguy hiểm hoặc độc hại nhiều lần và mỗi lần đều cấu thành tội phạm thì người phạm tội thuộc cả hai trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 của điều luật.

 

c.  Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng

 

Cũng như đối với một số tội phạm khác, nhà làm luật quy định gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là hai trường hợp có tính chất, mức độ nguy hiểm khác nhau trong cùng một khung hình phạt.

 

Hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất rất nghiêm trọng hoặc đặc biêt nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về dụng lao động trẻ em gây ra cho xã hội.

 

Do chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục Nhà nước quy định gây ra, nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng để xác định hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục Nhà nước quy định gây ra.

  

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 228 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội có thể bị phạt từ hai năm đến bảy năm tù, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới hai năm tù hoặc chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn hoặc được áp dụng hình phạt tiền. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

 

3. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng.

 

Khi áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội này cần chú ý:

 

- Chỉ áp dụng hình phạt bổ sung khi người phạm tội bị áp dụng hình phạt chính;

 

- Không áp dụng hình phạt bổ sung khi đã áp dụng hình phạt chính đối với người phạm tội là hình phạt tiền;

 

- Không được phạt dưới một triệu hoặc trên hai mươi triệu đồng.

 

7. TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ XÂY DỰNG GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

 

Điều 229. Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng 

1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội  thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Là người có chức vụ, quyền hạn;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám  năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng  đến  năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành  nghề hoặc làm công việc nhất định từ một  năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Vi phạm quy định về xây dựng là hành vi vi phạm trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác.

 

Tội vi phạm quy định về xây dựng là tội phạm đã được quy định tại Điều 191 Bộ luật hình sự năm 1985.

 

So với Điều 191 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1999 có những sửa đổi, bổ sung sau:

 

Khoản 1 (cấu thành cơ bản) của tội phạm bổ sung thêm các tình tiết: “nếu không thuộc trường hợp vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông quy định tại Điều 220”; sửa đổi tình tiết: “gây thiệt hại đến tính mạng” thành tình tiết “gây thiệt hại cho tính mạng”, tình tiết “gây thiệt hại đến sức khoẻ của người khác” thành tình tiết “gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khoẻ của người khác”; bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính; quy định hình phạt tù từ ba tháng thay cho từ sáu tháng.

 

Điều 191 Bộ luật hình sự năm 1985 cấu tạo thành 2 khoản, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1999 cấu tạo thành 4 khoản, trong đó khoản 2 và khoản 3 là cấu thành tăng nặng, khoản 4 là hình phạt bổ sung; khoản 2 Điều 191 Bộ luật hình sự năm 1985 được quy định thành khoản 3 của Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1999, còn khoản 2 Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hai tình tiết mới là yếu tố định khung hình phạt “người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn và gây hậu quả rát nghiêm trọng”, mức hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 229 so với khoản 2 Điều 191 nhẹ hơn (từ ba năm đến mười năm), nhưng mức hình phạt quy định tại khoản 3 Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1999 là từ tám năm đến hai mươi năm, nếu so với khoản 2 Điều 191 Bộ luật hình sự năm 1985 thì nặng hơn và so với Điều 191 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nặng hơn.  

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này tuy không phải là chủ thể đặc biêt, nếu là chủ thể đặc biệt thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật.

 

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 của điều luật; người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

 

Tội vi phạm quy định về xây dựng là tội phạm xâm phạm đến sự an toàn về xây dựng mà cụ thể là sự an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản trong quá trình khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hoặc trong các lĩnh vực khác.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội phạm quy định về xây dựng có thể thực hiện một trong các hành vi sau đây:

 

Vi phạm các quy định về khảo sát

 

Khi xây dựng một công trình dù là lớn hay nhỏ thì công việc khảo sát bao giờ cũng là công việc đầu tiên, khảo sát đúng là tiền đề cho thiết kế chính xác. Khảo sát như là sự khởi đầu của quá trình xây dựng. Thực tế có không ít công trình do vi phạm các quy định về khảo sát nên dẫn đến chất lượng công trình kém, thậm chí bị sụp đổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

Vi phạm các quy định về khảo sát là khảo sát không đúng, không đầy đủ các quy định của Nhà nước về khảo sát. Ví dụ: Khi khảo sát để xây dựng cầu X, Nguyễn Văn H đã không khảo sát đầy đủ nên đã cung cấp các thông tin sai lệch về kết cấu địa tầng lòng sông dẫn đến thiết kế các trụ cầu không đảm bảo kỹ thuật hậu quả xảy ra làm cho cầu X bị nứt khi đưa vào sử dụng phải gia cố, khắc phục gây thiệt hại trên 2 tỷ đồng.

 

Vi phạm các quy định về thiết kế

 

Sau khảo sát là khâu thiết kế công trình, nói chung công việc này do các kiến trúc sư đảm nhiệm. Tuy nhiên, đối với các công trình nhỏ của cá nhân hoặc các công trình không yêu cầu kỹ thuật cao thì việc thiết kế thường do chính chủ đầu tư thực hiện. Dù là kiến trúc sư hay do chủ đầu tư thiết kế mà vi phạm các quy định về thiết kế mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xây dựng.

 

Vi phạm các quy định về thiết kế là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về thiết kế. Ví dụ: Khi thiết kế Nhà văn hoá tỉnh H.T, kiến trúc sư Bùi Văn C đã tính toán sai các dữ kiện kết cấu của dầm chịu lực nên công trình vừa hoàn thành thì trần nhà bị sập toàn bộ, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

 

Vi phạm các quy định về thi công

 

Tiếp theo khâu thiết kế, thì thi công là một khâu vô cùng quan trọng, vì suy đến cùng một công trình dù có thiết kế đẹp, các thông số kỹ thuật đều bảo đảm an toàn, nhưng nếu thi công không đúng với thiết kế thì công trình cũng không thể đảm bảo; những công trình bị xuống cấp, bị hư hỏng, thậm chí chưa đưa vào sử dụng đã bị đổ, bị sập chủ yếu là do khâu thi công; những người tổ chức thi công hoặc trực tiếp thi công đã bớt vật tư, thiết bị.

 

Vi phạm các quy định về thi công là thi công không đúng với thiết kế đã được phê duyệt như: việc trộn bê tông không đúng quy trình kỹ thuật, không bảo đảm chất lượng; việc hàn các mối hàn không bảo đảm kỹ thuật…

 

Vi phạm các quy định về sử dụng nguyên liệu, vật liệu

 

Trong quá trình thi công một công trình, căn cứ vào thiết kế, đơn vị thi công phải tuân thủ các quy định về việc sử dụng nguyên liệu, vật liệu đã được xác định trong bản thiết kế, việc thay đổi nguyên liệu, vật liệu phải được sự đồng ý của bên thiết kế và chủ đầu tư; nếu bên thi công tự ý thay đổi việc sử dụng nguyên liệu,vật liệu là vi phạm và do việc thay đổi đó mà gây ra hậu quả thì người quyết định việc thay đổi đó phải chịu trách nhiệm. Biểu hiện của hành vi này là bớt vật tư, thiết bị (sắt thép, xi măng…), thay thay thế vật tư, thiết bị chất lượng xấu hơn so với thiết kế ( dùng sắt phi 10 thay cho sắt phi 15, dùng xi măng mác 400 thay cho xi măng mác 500…)

 

Vi phạm các quy định về sử dụng máy móc

 

Trong xây dựng, nhất là đối với các công trình lớn theo quy định một số hạng mục cần phải thi công bằng máy móc như cần cẩu, máy trộn bê tông, máy đầm… xã hội càng phát triển, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào xây dựng càng cao thì việc sử dụng máy móc để xây dựng càng phát triển; máy móc dần dần thay thế lao động thủ công là một tất yếu.

 

Hành vi vi phạm các quy định về sử dụng máy móc là việc sử dụng máy móc trong khi thi công không đúng quy định như: theo quy định thì việc trộn bê tông phải trộn bằng máy trộn bê tông nhưng người phụ trách thi công lại quyết định trộn bằng tay; quy định là phải dùng máy đầm mặt đường nhưng lại đầm bằng tay…

 

Vi phạm các quy định về nghiệm thu công trình

 

Nghiệm thu công trình là khâu kết thúc của quá trình xây dựng. Nếu công trình xây dựng đúng khảo sát, đúng thiết kế, đúng thi công không vi phạm gì về xây dựng thì việc nghiệm thu không có vấn đề gì. Tuy nhiên, những công trình xây dựng kém chất lượng, thậm chí bị hư hỏng nặng, bị sụp đổ…là do khâu nghiệm thu đã bỏ qua các vi phạm trong quá trình khảo sát, thiết kế, thi công nên đã không phát hiện được những vi phạm. Vi phạm các quy định về nghiệm thu công trình không phải là hành vi trực tiếp gây ra những thiệt hại do hành vi vi phạm các quy định về xây dựng, mà là hành vi thiếu trách nhiệm trong khâu nghiệm thu nên để lọt những vi phạm trong xây dựng dẫn đến những thiệt hại cho xã hội.

 

Vi phạm các quy định về nghiệm thu công trình là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về nghiệm thu công trình như: công trình không bảo đảm chất lượng, không đúng với thiết kế nhưng vẫn nghiệm thu…

 

Vi phạm các quy định khác về xây dựng

 

Khi liệt kê các hành vi vi phạm về xây dựng, nhưng vì thực tế trong xây dựng còn có thể có những hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng mà không thể liệt kê hết được nên nhà làm luật đã quy định có tính chất dự phòng để tránh tình trạng lọt tội.

 

Vi phạm các quy định khác về xây dựng là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về xây dựng ngoài các hành vi vi phạm về trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình.

 

Khi xác định hành vi vi phạm các quy định về xây dựng cần phân biệt với hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự. Ví dụ: người lao động làm việc trong hầm lò phải có thiết bị phòng hộ, nhưng người sử dụng lao động đã không trang bị phòng hộ; người lao động làm việc trong môi trường độc hại không có thiết bị phòng độc; người lao động làm việc trên độ cao 100 mét không có giây an toàn… những vi phạm này cũng là vi phạm có thể xảy ra trong quá trình thi công công trình nhưng đó là những vi phạm về an toàn lao động chứ không thuộc trường hợp vi phạm các quy định về xây dựng.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này; nếu hành vi vi phạm các quy định về xây dựng mà chưa gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm.

 

Thiệt hại về tính mạng là làm cho người khác bị chết do hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây ra, điều này dễ xác định, nhưng việc xác định thiệt hại nghiêm trọng về sức khoẻ, tài sản thì tương đối phức tạp. Hiện nay chưa có hướng dẫn thế nào là thiệt hại nghiêm trọng về sức khoẻ, tài sản của người khác do hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây ra. Tuy nhiên, tội phạm này là tội phạm được thực hiện do vô ý nên việc xác định thiệt hại nghiêm trọng về sức khoẻ, tài sản của người khác do hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây ra cũng phải xem xét tương tự như đối với thiệt hại nghiêm trọng về sức khoẻ, tài sản như đối với các tội phạm khác do vô ý. Do đó có thể căn cứ vào Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng để xác định trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, tài sản do hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây ra, cụ thể là: gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên là gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khoẻ; có thể gây ra cho một người và có thể gây ra cho nhiều người. Nếu gây ra cho nhiều người mà tổng tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 31% nhưng tổng tỷ lệ thương tật của nhiều người từ 31% trở lên thì cũng coi là gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác. Gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của người khác là trường hợp gây thiệt hại về tài sản cho người khác có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Ngoài hành vi khách quan và hậu quả, điều luật còn quy định dấu hiệu khách quan khác, đó là: các quy định về xây dựng của Nhà nước và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 Bộ luật hình sự.

 

Các quy định về xây dựng của Nhà nước nói chung tương đối đa dạng, chủ yếu do Bộ Xây dựng ban hành; mỗi lĩnh vực xây dựng lại có quy định riêng. Vì vậy, khi xác định hành vi vi phạm quy định về xây dựng, các cơ quan tiến hành tố tụng cần nghiên cứu kỹ các văn bản quy định về lĩnh vực đó, nếu thấy cần thiết phải trưng cầu giám định chuyên môn.

 

Phạm vi điều chỉnh của Điều 229 không bao gồm các hành vi vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông quy định tại Điều 220 Bộ luật hình sự. Do đó, nếu người có hành vi vi phạm quy định về xây dựng nhưng đó là vi phạm về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xây dựng, mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông quy định tại Điều 220 Bộ luật hình sự.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người thực hiện hành vi phạm tội vi phạm quy định về xây dựng thực hiện hành vi do vô ý mà chủ yếu là vô ý vì quá tự tin (cố ý về hành vi, vô ý về hậu quả), tức là người thực hiện hành vi vi phạm quy định về xây dựng thấy trước hành vi vi phạm quy định về xây dựng có thể gây ra gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 229 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 229 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội có thể bị phạt tiền tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 229 Bộ luật hình sự

 

a. Người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn;

 

Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.

 

Điều luật chỉ quy định người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn mà không quy định “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” nên khi xác định trường hợp phạm tội này chỉ cần xác định người có hành vi vi phạm quy định về xây dựng là người có chức vụ, quyền hạn mà không cần xác định họ có lợi dụng chức vụ, quyền hạn hay không. Nói chung người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn thường lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm quy định về xây dựng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người có chức vụ, quyền hạn nhưng họ không lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhưng họ vẫn vi phạm quy định về xây dựng thì họ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 2 Điều 229 Bộ luật hình sự. Ví dụ: Hoàng Công B là Đội trưởng Đội thi công, vì muốn đẩy nhanh tiến độ thi công nên đã cùng với công nhân tự ý thi công không đúng với quy trình, dẫn đến công trình bị sập một phần làm chết một công nhân. 

 

b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 

Cấu thành cơ bản của tội phạm này, nhà làm luật không quy định gây hậu quả nghiêm trọng mà chỉ quy định: “gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác”. Những thiệt hại này chỉ là một phần hậu quả nghiêm trọng, vì hậu quả nghiêm trọng ngoài những thiệt hại vê tính mạng, sức khoẻ, tài sản thì còn những thiệt hại phi vật chất. Nhưng khoản 2 của điều luật lại quy định gây hậu quả rất nghiêm trọng, tức là bao gồm cả những thiệt hại phi vật chất.

 

Đến nay chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây ra, nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng để xác định hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây ra.

 

Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 229 Bộ luật hình sự thì có thể bị phạt phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự để phạt bị cáo dưới ba năm tù. Nếu thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 229 Bộ luật hình sự

 

Khoản 3 của điều luật chỉ quy định một trường hợp phạm tội, đó là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

 

Tương tự như trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng, cho đến nay chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây ra, nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để xác định hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây ra.

 

Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 229 Bộ luật hình sự thì có thể bị phạt phạt tù từ tám năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới tám năm tù nhưng không được dưới ba năm tù. Nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến hai mươi năm tù.

 

4. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Khi áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cần chú ý:

 

Nếu đã áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính thì không áp dụng hình phạt này là hình phạt bổ sung nữa;

 

Toà án có thể vừa áp dụng hình phạt tiền vừa áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định hoặc chỉ áp dụng một loại hình phạt.

 

Khi áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì phải ghi rõ là cấm đảm nhiệm chức vụ gì, cầm hành nghề gì, cấm làm công việc gì mà không được ghi cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề và làm công việc nhất định một cách chung chung.

 

8. TỘI CHẾ TẠO, TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN, SỬ DỤNG, MUA BÁN TRÁI PHÉP HOẶC CHIẾM ĐOẠT VŨ KHÍ QUÂN DỤNG, PHƯƠNG TIỆN KỸ THUẬT QUÂN SỰ 

 

Điều 230. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự 

 

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

c) Vận chuyển, sử dụng, mua bán qua biên giới;

d) Gây hậu qủa nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5.  Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là hành vi làm ra, cất giữ, chuyển dịch, bán hay mua để bán lại, cướp, bắt cóc nhằm chiếm đoạt, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, trộm cắp, tham ô, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.         

 

Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là tội phạm thuộc các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Điều 95 Bộ luật hình sự năm 1985, nay nhà làm luật quy định tội phạm này thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng, an toàn công cộng. 

 

So với Điều 95 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 230 Bộ luật hình sự năm 1999 có những sửa đổi, bổ sung sau:

 

Bổ sung hành vi “vận chuyển” vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự  là hành vi phạm tội.

 

Điều 95 Bộ luật hình sự năm 1985 cấu tạo 3 khoản, còn Điều 230 Bộ luật hình sự năm 1999, ngoài khoản 5 quy định hình phạt bổ sung thì được cấu tạo thành 4 khoản.

 

Bổ sung một số tình tiết là yếu tố định khung hình phạt như: “vận chuyển, sử dụng, mua bán qua biên giới; vật phạm pháp có số lượng rất lớn; gây hậu quả rất nghiêm trọng; vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

 

Do được cấu tạo thành 5 khoản nên hình phạt quy định trong từng khung hình phạt cũng quy định cho phù hợp. Bỏ hình phạt tử hình đối với tội phạm này.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

 

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của điều luật; người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là tội xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước đối với vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.

 

- Vũ khí quân dụng bao gồm: các loại súng ngắn, súng trường, súng liên thanh; các loại pháo, dàn phóng, bệ phóng tên lửa, súng cối, hoá chất độc và nguồn phóng xạ các loại đạn; bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thuỷ lôi, vật liệu nổ quân dụng, hoả cụ và vũ khí khác dùng cho mục đích Quốc phòng-An ninh8.

 

Khi xác định đối tượng tác động của tội phạm này cần chú ý: Chỉ có vũ khi quân dụng mới là đối tượng tác động của tội phạm này, còn các loại vũ khí khác như: vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ tuy cũng là vũ khí nhưng nó không phải là vũ khí quân dụng nên có thể là đối tượng của các tội phạm khác như tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ (Điều 233)  hoặc là phương tiện phạm tội của một số tội phạm mà nhà làm luật quy định là tình tiết định khung hình phạt như: tình tiết sử dụng vũ khí đối với các tội: cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.v.v…

 

- Phương tiện kỹ thuật quân sự bao gồm: các loại máy móc, thiết bị thông tin, liên lạc; các hệ thống ra-da; các loại xe cơ giới; các loại tàu chiến; các loại khí tài.v.v... dùng cho mục đích Quốc phòng-An ninh. Trong trường hợp có sự tranh chấp về đối tượng tác động thì cần yêu cầu cơ quan chuyên môn giám định xem có phải là phương tiện kỹ thuật quân sự hay không.

 

Nếu vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự đã được thanh lý theo đúng quy định của cơ quan Nhà nước hoặc thực tế không còn giá trị sử dụng theo chức năng của từng loại thì không phải là dối tượng tác động của tội phạm này. Tuy nhiên, nếu người phạm tội tưởng lầm là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự vẫn còn có giá trị sử dụng thì vẫn coi là đối tượng tác động của tội phạm này. Về lý luận, đây là trường hợp lầm đối tượng tác động. Ví dụ: Trần Văn B vào rừng săn bắn phát hiện một kho vũ khí của Quân giải phóng còn một thùng gỗ đã cũ, B cậy thùng gỗ thấy bên trong là thủ pháo, B đã lấy 5 quả thủ pháo về cất giấu với ý định để ném cá, sau 5 tháng B dùng 2 quả thủ pháo đem ném cá ở Sông Ba thì bị bắt. khám nhà còn thu được 3 quả thủ pháo. Khi đem 5 quả thủ pháo đi giám định thì cả 5 quả đều không còn giá trị sử dụng vì kíp nổ và dây cháy chậm đã bị hỏng.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau đây:

 

- Chế tạo trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

 

Chế tạo trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là làm ra các loại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự dưới bất kỳ hình thức nào mà không được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

 

Hành vi chế tạo vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự bao gồm làm mới hoàn toàn hoặc lắp ráp từ những bộ phận của loại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự này thành vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác cũng có tính năng tác dụng như vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.

 

Thực tiễn xét xử cho thấy loại hành vi làm mới hoàn toàn ít xảy ra vì việc chế tạo ra vũ khí mà là vũ khí quân dụng không phải là việc làm đơn giản, phải sử dụng các máy móc, thiết bị hiện đại; có chăng chỉ chế tạo ra các loại vũ khi thô sơ, súng săn, vũ khí thể thao bằng phương pháp thủ công. Tuy nhiên, nhà làm luật quy định hành vi chế tạo cũng không thừa vì cũng có thể có trường hợp lợi dụng việc được phép chế tạo vũ khí quân dụng mà chế tạo thêm đem trao đổi, buôn bán hoặc cung cấp cho những người mà mình quan tâm nhằm mục đích trục lợi hoặc vì động cơ khác.

 

- Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

 

Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là cất giữ bất hợp pháp vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự ở bất cứ nơi nào như: Trong nhà ở; phòng làm việc; trụ sở cơ quan, tổ chức; phương tiện giao thông; trong túi quần áo, túi xách... mà không nhằm mục đích mua bán hay chế tạo trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác hoặc vận chuyển từ này đến nơi khác.

 

Nguồn gốc vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự mà người phạm tội tàng trữ không kể do nguồn gốc nào mà có như: được tặng, cho, đào được, nhặt được... Tuy nhiên, nếu người phạm tội cất giấu vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là vật chứng của vụ án nhằm che giấu tội phạm thì tuỳ trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự và tội che giấu tội phạm.

 

Thời gian cất giữ dài hay ngắn không có ý nghĩa xác định người phạm tội có tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự hay không. Ví dụ: Nguyễn Văn T bị bắt quả tang đang giao một khẩu súng K54 cho Bùi Thanh H, nhưng không có căn cứ xác định H là người mua khẩu súng này, còn T thì khai rằng T được một người thuê vận chuyển khẩu súng K54 giao cho H còn H có phải là người mua súng hay không thì T không biết. Mặc dù H vừa nhận khẩu súng K54 từ tay T và không có căn cứ xác định H mua khẩu súng này, nhưng hành vi của Bùi Thanh H vẫn bị coi là hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.

 

Nếu tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác cho người khác mà biết rõ người này mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác đó thì hành vi cất giữ không phải là hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác mà là hành vi giúp sức người mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phépvũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác với vai trò đồng phạm. Tuy nhiên, hành vi mua bán, vận chuyển đã được quy định trong cùng một điều luật nên việc xác định chính xác hành vi tàng trữ, hành vi vận chuyển hay hành vi mua bán chỉ có ý nghĩa trong việc định tội theo hành vi (một hoặc một số hành vi hay định tội theo hành vi đầy đủ).

 

- Vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

 

Vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác là hành vi chuyển dịch bất hợp phápvũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác từ nơi này đến nơi khác, từ vị trí này sang vị trí khác, từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác... bằng bất kỳ phương thức nào (trừ hình thức chiếm đoạt), nhưng đều không nhằm mục đích mua bán.

 

Như vậy, khái niệm vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác được dùng ở đây có nội hàm rộng hơn khái niệm vận chuyển hàng hoá thông thường. Vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác có thể giống với vận chuyển hàng hoá từ nơi này đến nơi khác có một cự ly nhất định như: dùng ôtô, xe đạp, xe máy, tàu thuỷ, máy bay... nhưng cũng có thể chỉ là hành vi chuyển dịch từ vị trí này sang vị trí khác trong một không gian chật hẹp như từ gầm giường sang giá sách, từ túi người này sang túi người khác trong một phòng.

 

Nếu vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác hộ cho người khác mà biết rõ mục đích mua bán vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác của người ma mình nhận vận chuyển hộ thì người có hành vi vận chuyển đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác với vai trò giúp sức.

 

- Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

 

Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là dùng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự vào mục đích mà người sử dụng quan tâm như: dùng súng để săn bắt thú rừng, dùng lựu đạn để đánh cá dưới sông, dùng dùng máy bộ đàm để liên lạc với người thân, dùng xe quân sự để chở hàng thuê.v.v...

 

Nếu hành vi sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt của một tội phạm khác thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự. Ví dụ: Mạc Văn K là tự vệ nhà máy Z 172 được trang bị súng CKC, do Bùi Hồng Q và một số người vào khu vực nhà máy để nhặt sắt vụn, K đuổi K và những người cùng đi vẫn không nghe, nên K đã dùng súng CKC bắn về phía K và mọi người làm Q bị chết. Hành vi sử dụng súng của K bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ theo Điều 97 Bộ luật hình sự mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng vũ khí quân dụng trái phép nữa.

 

- Mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

 

Mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác là bán hay mua để bán lại; vận chuyểnvũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác để bán cho người khác; tàng trữ để bán lại hoặc để chế tạo ra vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác để bán lại trái phép; hoặc dùng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác để đổi lấy hàng hoá hay dùng hàng hoá để đổi lấy vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác.

 

Khi xác định hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác cần chú ý một số vấn đề sau:

 

Vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác mà người phạm tội có để bán cho người khác không phụ thuộc vào nguồn gốc do đâu mà có; không phụ thuộc vào vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác đó là thật hay giả, còn tác dụng hay đã mất tác dụng.

 

Trong trường hợp không chứng minh được mục đích bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà định tội là "tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác" hay tội "vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác" hoặc “tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác”.

 

Trong trường hợp người phạm tội vừa có hành vi chế tạo và kèm theo các hành vi khác như tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự  thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà định tội là “tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự ”; “vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất ma tuý”; “chiếm đoạt, mua bán trái phép chất vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự ” hay tội danh đầy đủ là “tàng trữ, vận chụyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự”.

 

- Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

 

Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là hành vi cướp, bắt cóc nhằm chiếm đoạt, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt, tham ô vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự .

 

Hành vi chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự cũng tương tự như hành vi chiếm đoạt tài sản, tức là người phạm tội phải có ý thức chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự ngay trước, trong khi thực hiện thủ đoạn phạm tội.

 

Cũng coi là chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự nếu người được trang bị vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự để huấn luyện, chiến đấu, để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian công tác, khi xuất ngũ, chuyển ngành, nghỉ việc mà không giao nộp lại theo quy định của Nhà nước.

 

 Nếu người phạm tội không có ý thức chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự hoặc không chứng minh được ý thức chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự mà chỉ nhằm chiếm đoạt tài sản, nhưng sau khi chiếm đoạt được tài sản mới biết trong tài sản còn có vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự nhưng vẫn cất giữ, vận chuyển hoặc mua bán thì không bị coi là hành vi chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, mà tuỳ trường hợp cụ thể người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt tài sản (cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp tài sản...) và tội tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.

 

Nếu ngay sau khi chiếm đoạt tài sản người phạm tội mới biết trong tài sản có vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự và đem nộp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì không coi là hành vi chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự mà chỉ bị coi là chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, nếu mục đích ban đầu là chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự nhưng khi thực hiện hành vi chiếm đoạt thì lại không có vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự mà chỉ có tài sản thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (ở giai đoạn chưa đạt). Nếu người phạm tội không có mục đích rõ rệt là sẽ chiếm đoạt cái gì (cái gì cũng được) nhưng khi chiếm đoạt lại là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự. 

 

Khi định tội đối với người có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạtvũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự cần chú ý:

 

Nếu người phạm tội thực hiện tất cả các hành vi quy định tại điều luật thì định tội danh đầy đủ là tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép  chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” ( thay từ hoặc bằng từ và); nếu người phạm tội chỉ thực hiện một hoặc một số hành vi quy định trong điều luật thì chỉ định tội theo hành vi mà họ đã thực hiện. Ví dụ: A chỉ thực hiện hành vi tàng trữ thì định tội là “tàng trữ hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự”; nếu A thực hiện hành vi tằng trữ và hành vi chiếm đoạt thì định tội là: “ tàng trữ và chiếm đoạt hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự”; nếu người phạm tội chỉ có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, mà không chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt phương tiện kỹ thuật quân sự thì chỉ định tội là: “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng” hoặc ngược lại.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này nhưng việc xác định hậu quả là rất cần thiết. Nếu hậu quả xảy ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì tuỳ trường hợp, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3  hoặc khoản 4 của điều luật.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Ngoài hành vi khách quan, đối với tội phạm này nhà làm luật quy định một dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, đó là: đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự phải là trái phép thì mới cấu thành tội phạm, nếu việc chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự được phép thì không thuộc trường hợp phạm tội quy định tại Điều 230 Bộ luật hình sự.

 

Khi xác định hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có trái phép trong một số trường hợp cần chú ý: nếu người được phép sử dụng vũ khí quân dụng nhưng lại cho người khác mượn để sử dụng thì người mượn là người sử dụng trái phép, còn người cho mượn là người vi phạm quy định về quản lý vũ khí; nếu người được giao vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về quản lý, sử dụng, cất giữ, bảo quản để người khác sử dụng, chiếm đoạt, thì thuộc trường hợp vi phạm quy định về quản lý vũ khí quy định tại Điều 234 Bộ luật hình sự; nếu đem vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự trao đổi, mua bán thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 230 Bộ luật hình sự.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội thực hiện hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái phép (trừ hành vi chiếm đoạt) nhưng vẫn thực hiện.

 

Nếu vì lý do nào đó mà người phạm tội không nhận thức được hoặc không buộc phải nhận thức được hành vi của mình là trái phép thì không thuộc trường hợp phạm tội này.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 230 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 230 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 230 Bộ luật hình sự có thể bị phạt tù từ một năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khoản 1 của điều luật tuy không quy định số lượng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng theo hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 7-1-1995 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985 thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự nếu chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng bộ binh, súng bắn phát một từ 1 khẩu đến 5 khẩu; súng liên thanh cá nhân như trung liên, tiểu liên các loại từ 1 khẩu đến 2 khẩu; súng bộ binh khác như thượng liên, đại liên, B40, B41, 12ly7, 14ly5 là 1 khẩu; lựu đạn, đạn cối, đạn pháo đến 100 ly từ 1 đến 10 quả; đạn cối, đạn pháo trên 100 ly từ 1 đến 5 quả; đạn bộ binh từ đại liên trở xuống từ trên 50 viên đến 300 viên; đạn 12ly7, 14ly5, 23ly, 24 ly (không phải là đạn pháo) từ trên 30 viên đến 200 viên; thuốc nổ các loại từ trên 1 kg đến 15 kg; kíp mìn, nụ xuỳ từ trên 200 cái đến 1000 cái; dây cháy chậm, dây nổ từ trên 500m đến 3.000m.

 

Nếu chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt dưới mức trên nhưng đã bị xâm phạm hành chính về hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự hoặc đã bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về tội cố ý hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 của điều luật.9 

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới một năm tù; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 230 Bộ luật hình sự

 

a. Có tổ chức;

 

Phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có tổ chức, là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện việc chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự  dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.

 

Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (khoản 3 Điều 20 Bộ luật hình sự)

 

Trong vụ án chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có tổ chức, cũng như trong các vụ án hình sự khác có tổ chức, tuỳ thuộc vào quy mô và tính chất mà có thể có những người giữ những vai trò khác nhau như: người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức.

 

b. Vật phạm pháp có số lượng lớn;

 

Vật phạm pháp có số lượng lớn đối với tội phạm này là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự mà người phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt có số lượng lớn.

 

Hiện nay, sau khi Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa có hướng dẫn mới về việc áp dụng Điều 230 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, Điều 230 Bộ luật hình sự năm 1999 là điều luật đã được quy định tại Điều 95 Bộ luật hình sự năm 1985 và tại Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 7-1-1995 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985. Nội dung của hướng dẫn này theo chúng tôi vẫn còn phù hợp và thực tiễn xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đang vận dụng Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 7-1-1995 để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự. Vì vậy, trong khi chưa có hướng dẫn mới về Điều 230 Bộ luật hình sự năm 1999 thì có thể vận dụng Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 7-1-1995 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985 để xác định vật phạm pháp có số lượng lớn đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, cụ thể là: được coi là vật phạm pháp có số lượng lớn nếuchế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng bộ binh, súng bắn phát một từ 6 khẩu đến 25 khẩu; súng liên thanh cá nhân như trung liên, tiểu liên các loại từ 3 khẩu đến 15 khẩu; súng bộ binh khác như thượng liên, đại liên, B40, B41, 12ly7, 14ly5 từ 2 khẩu đến 10 khẩu; lựu đạn, đạn cối, đạn pháo đến 100 ly từ 11 đến 50 quả; đạn cối, đạn pháo trên 100 ly từ 6 đến 15 quả; đạn bộ binh từ đại liên trở xuống từ trên 300 viên đến 1500 viên; đạn 12ly7, 14ly5, 23ly, 24 ly (không phải là đạn pháo) từ trên 200 viên đến 1000 viên; thuốc nổ các loại từ trên 15 kg đến 75 kg; kíp mìn, nụ xuỳ từ trên 1000 cái đến 5000 cái; dây cháy chậm, dây nổ từ trên 3000m đến 15.000m.10

 

Đối với các loại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự chưa được hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 7-1-1995 thì có thể căn cứ vào hướng dẫn này để xác định vật phạm pháp có số lượng lớn sao cho phù hợp với tính chất, số lượng mà người phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt. Đây cũng là vấn đề khó nếu như các cơ quan tiến hành tố tụng không hướng dẫn thì cũng rất khó xác định chính xác.    

 

c. Vận chuyển, sử dụng, mua bán qua biên giới;

 

Vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự qua biên giới là đưa vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào lãnh thổ Việt Nam các loại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự mà không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự qua biên giới cũng tương tự như vận chuyển, sử dụng, mua bán hàng hoá nhưng đây là loại hàng hoá đặc biệt đó là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.

 

Khi áp dụng tình tiết này cần chú ý: nếu người phạm tội vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự từ địa phương A đến địa phương B, trong quá trình vận chuyển vì muốn tránh sự phát hiện nên đã qua nước láng giềng rồi lại trở về Việt Nam thì không bị coi là vận chuyển qua biên giới đế áp dụng điểm c khoản 2 Điều 230 Bộ luật hình sự. Ví dụ: Lò Văn P, Lò Văn H, Hoàng Thế Q và Hứa Văn B đều ở tỉnh Cao Bằng đã bàn bạc rủ nhau vào Kon Tum để mua 4 khẩu súng AR15 ( loại súng bộ binh của Mỹ) mang về chế tạo lại thành súng săn. Trên đường vận chuyển số súng trên từ Kon Tum về Cao Bằng, để tranh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, các bị cáo đã băng rừng đi vòng qua nước bạn Lào để về Việt Nam.

 

d. Gây hậu qủa nghiêm trọng;

 

Gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự gây ra là những thiệt hại nghiêm trọng về vật chất và phi vật chất do hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự gây ra.

 

Cũng như đối với các tội phạm khác trong chương này, trong khi chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự gây ra có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự gây ra.

 

đ. Tái phạm nguy hiểm.

 

Là trường hợp người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật hoặc đã tái phạm chưa được xoá án tích mà lại phạm tội này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 230 Bộ luật hình sự, nếu người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới năm năm tù nhưng không được dưới một năm tù. Nếu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười hai năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 230 Bộ luật hình sự

 

a.  Vật phạm pháp có số lượng rất lớn.

 

Tương tự như trường hợp “vật phạm pháp có số lượng lớn” quy định tại điểm b khoản 2 điều luật, việc xác định thế nào là “ vật phạm pháp có số lượng rất lớn” đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có thể vận dụng Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 7-1-1995 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985 để xác định vật phạm pháp có số lượng rất lớn đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, cụ thể là: được coi là vật phạm pháp có số lượng rất lớn nếu trên mức tối đa được hướng dẫn tại điểm b khoản 2 của điều luật. Ví dụ: trên 25 khẩu súng bộ binh, súng bắn phát một; trên 15 khẩu súng liên thanh cá nhân như trung liên, tiểu liên các loại; trên 10 khẩu súng bộ binh khác như thượng liên, đại liên, B40, B41, 12ly7, 14ly5; trên 50 quả lựu đạn, đạn cối, đạn pháo đến 100 ly; trên 15 quả đạn cối, đạn pháo; trên 1500 viên đạn bộ binh từ đại liên trở xuống; trên 1000 viên đạn 12ly7, 14ly5, 23ly, 24 ly (không phải là đạn pháo); trên 75 kg thuốc nổ các loại; trên 5000 kíp mìn, nụ xuỳ; trên 15.000m dây cháy chậm, dây nổ.11

 

b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 

Gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự gây ra là những thiệt hại rất nghiêm trọng về vật chất và phi vật chất do hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự gây ra.

 

Cũng như đối với các tội phạm khác trong chương này, trong khi chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự gây ra có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 230 Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quy định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật cần chú ý:

 

Nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể thì có thể được áp dụng hình phạt dưới mười năm tù nhưng không được dưới năm năm.

 

 Nếu thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù.

 

4. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 230 Bộ luật hình sự

 

Do Điều 95 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ cấu tạo 3 khoản, trong đó các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt của khoản 3 Điều 95 được quy định lại tại k4 Điều 230 Bộ luật hình sự năm 1999 nên các tình tiết quy định tại khoản 3 Điều 230 được coi là mới. Nếu vận dụng Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 7-1-1995 hướng dẫn trường hợp phạm tội quy định tại khoản 3 Điều 95 Bộ luật hình sự năm 1985 để xác định trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 230 Bộ luật hình sự năm 1999 thì việc xác định tình tiết “vật phạm pháp có số lượng rất lớn và gây hậu quả rất nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 Điều 230 Bộ luật hình sự năm 1999 phải xem xét lại, và như vậy sẽ rất phức tạp, nhưng nếu vận dụng Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 7-1-1995 hướng dẫn trường hợp phạm tội quy định tại khoản 3 Điều 95 Bộ luật hình sự năm 1985 để xác định trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 230 Bộ luật hình sự năm 1999 thì việc xác định trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 230 Bộ luật hình sự năm 1999 tương đối đơn giản. Chúng tôi đồng tình với các xác định thứ hai vì như vậy vừa dễ xác định vừa không gây bất lợi cho người phạm tội.

 

a.  Vật phạm pháp có số đặc biệt rất lớn.

 

Do chưa có hướng dẫn chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự bao nhiêu là đặc biệt lớn và nếu vận dụng Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 7-1-1995 hướng dẫn trường hợp phạm tội quy định tại khoản 3 Điều 95 Bộ luật hình sự năm 1985 để xác định trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 230 Bộ luật hình sự năm 1999 thì được coi là vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn nếu chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự  gấp ba lần mức quy định tại khoản 3 điều luật. Ví dụ: trên 75 khẩu súng bộ binh, súng bắn phát một; trên 45 khẩu súng liên thanh cá nhân như trung liên, tiểu liên các loại; trên 30 khẩu súng bộ binh khác như thượng liên, đại liên, B40, B41, 12ly7, 14ly5; trên 150 quả lựu đạn, đạn cối, đạn pháo đến 100 ly; trên 45 quả đạn cối, đạn pháo; trên 4500 viên đạn bộ binh từ đại liên trở xuống; trên 3000 viên đạn 12ly7, 14ly5, 23ly, 24 ly (không phải là đạn pháo); trên 225 kg thuốc nổ các loại; trên 15000 kíp mìn, nụ xuỳ; trên 45.000m dây cháy chậm, dây nổ.12

 

b. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

Cũng như đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng, trong khi chưa có hướng thì có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 230 Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

Khi quy định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật cần chú ý:

 

Nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể thì có thể được áp dụng hình phạt dưới mười lăm năm tù nhưng không được dưới mười năm.

 

 Nếu thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật hoặc tuy chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 4 nhưng tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3 của diều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến tù chung thân.

 

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

 

9. TỘI PHÁ HUỶ CÔNG TRÌNH, PHƯƠNG TIỆN QUAN TRỌNG VỀ AN NINH QUỐC GIA

 

Điều 231. Tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia 

1. Người nào phá huỷ công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thuỷ lợi hoặc công trình quan trọng khác về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hoá và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 85 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Có tổ chức;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3.  Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế  từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia là hành vi phá huỷ công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thuỷ lợi hoặc công trình quan trọng khác về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hoá và xã hội. 

 

Tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia là tội phạm thuộc các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Điều 94 Bộ luật hình sự năm 1985, nay được quy định tại chương các tội xâm phạm trật tự công cộng, an toàn công cộng nhưng tên gọi của tội phạm vẫn là…về an ninh quốc gia. Đây cũng là trường hợp hy hữu về kỹ thuật lập pháp khi nhà làm luật quy định tội phạm này trong chương các tội xâm phạm trật tự công cộng, an toàn công cộng. Việc nhà làm luật quy định tội phạm này trong chương các tội xâm phạm trật tự công cộng, an toàn công cộng không có nghĩa là làm giảm đi tính chất quan trọng của khách thể cần phải bảo vệ; các đối tượng bị xâm phạm vẫn là những công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, nhưng đó chỉ là tên gọi của các công trình, phương tiện chứ không phải là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vện lãnh thổ; là sự an nguy của chế độ hay đến sự tồn tại, vững mạnh của chính quyền nhân dân.

 

So với Điều 94 Bộ luật hình sự năm1985 thì Điều 231 Bộ luật hình sự năm 1999 về cơ bản không có gì sửa đổi, bổ sung lớn mà chỉ sửa đổi, bổ sung có tính chất học thuật như: sửa đổi “hệ thống tải điện” bằng “công trình điện” và quy định hình phạt bổ sung ngay trong cùng điều luật; các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt cũng như mức hình phạt trong từng khung hình phạt vẫn như Điều 94 Bộ luật hình sự năm 1985.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

 

Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật, vì tội phạm này khoản 1 là tội phạm rất nghiêm trọng, khoản 2 là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia là tội xâm phạm đến quy định của Nhà nước về bảo vệ an toàn cho các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này chính là công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia bao gồm: công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thuỷ lợi hoặc công trình quan trọng khác về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hoá và xã hội.

 

Khi xác định đối tượng tác động của tội phạm này cần chú ý là: chỉ những công trình, phương tiện đang sử dụng hoặc đang hoạt động hoặc đã nghiệm thu để đưa vào sử dụng, hoạt động mới là đối tượng của tội phạm này; nếu các công trình hoặc phương tiện đang thi công chưa đưa vào sử dụng hoặc không còn hoạt động nữa thì không phải là đối tượng của tội phạm này mà tuỳ trường hợp người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt hoặc huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. 

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội chỉ thực hiện một hành vi khách quan duy nhất là “phá huỷ” nhưng bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Hành vi “phá huỷ” công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia cũng tương tự như hành vi “huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” nhưng tài sản bị huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng là một loại tài sản có giá trị đặc biệt.

 

Phá huỷ còn được hiểu là phá hoại mang ý nghĩa nghiêm trọng hơn huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản. Tính chất của hành vi phá hoại không chỉ làm hư hỏng cho chính các công trình, phương tiện đó mà còn gây mất an toàn cho xã hội. Cũng chính vì thế mà khi không còn quy định tội phạm này trong chương các tội phạm  an ninh quốc gia nữa thì nhà làm luật quy định tội phạm này trong chương các tội phạm xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng là phù hợp với tính chất của hành vi xâm phạm đến sự an toàn của xã hội.

 

Phá huỷ là hủy hoại hoặc làm hư hỏng bằng các phương pháp khác nhau như: đào, đập, đốt, cắt, khoan, nổ mìn… làm cho biến dạng hoặc mất hẳn không còn giá trị sử dụng như trước.

 

Căn cứ vào đối tượng tác động của tội phạm thì người phạm tội này có thể thực hiện một trong các hành vi sau:

 

Phá huỷ công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải là hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng các công trình hoặc phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, đường hàng không như: tháo thanh tà vẹt trên đường ray, tháo thanh giằng trên cầu, nổ mìn làm sạt nở đường bộ, phá bỏ các hệ thống biển báo trên các dòng sông, trên biển.v.v…

 

Khi xác định hành vi phá huỷ công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải cần chú ý phân biệt với hành vi cản trở giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đường không quy định tại các Điều 203, 209, 213 và 217 Bộ luật hình sự. Đối với hành vi quy định tại các điều luật này không có tính chất phá huỷ mà chỉ có mục đích căn trở có tính nhất thời trong một thời gian, không gian và hoàn cảnh nhất định. 

 

Phá huỷ công trình hoặc phương tiện thông tin - liên lạc là hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng hệ thống thông tin liên lạc hữu tuyến và vô tuyến. Trong điều kiện công nghệ thông tin hiện đại như hiện nay thì hành vi phá huỷ công trình hoặc phương tiện thông tin liên lạc không còn như nhưng năm của thế kỷ trước chỉ là hành vi cắt dây điện thoại, phá hỏng các thiết bị thông tin liên lạc hữu tuyến… mà hiện nay khi mà công nghệ tin học phát triển như vũ bão thì hành vi phá huỷ công trình hoặc phương tiện thông tin liên lạc ngày càng tinh vi xảo quyệt hơn. Khi xác định hành vi phá hủy công trình hoặc phương tiện thông tin liên lạc cần phân biệt với các hành vi phạm tội quy định tại các Điều 244, 245 và 246 Bộ luật hình sự liên quan đến tin học, đến mạng điện tử. Nếu các hành vi quy định tại các điều luật này có mục đích phá hoại thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phá huỷ công trình hoặc phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. 

 

Phá huỷ công trình điện là hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng các công trình sản xuất điện, tải điện như: nhà máy nhiệt điện, nhà máy thuỷ điện, các hệ thống tải điện, các trạm biến áp… Nếu phá huỷ đường dây tải điện dân dụng (điện sinh hoạt) thì cần phân biệt đường dây tải điện từ trạm biến áp đến Công tơ điện (điện kế) và từ Công tơ vào nhà của các hộ sử dụng. Nếu huỷ hoại hoặc làm hư hỏng đường dây tải điện từ công tơ vào các hộ dân thì tuỳ trường hợp mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt tài sản hoặc tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản chứ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia nếu người phạm tội hủy hoại hoặc làm hư hỏng đường dây tải điện dân dụng từ lưới điện đến trạm biến áp, còn từ trạm biến áp vào các hộ dân có qua Công tơ hay không qua Công tơ thì tuỳ trường hợp mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt tài sản hoặc tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản chứ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.

 

Phá huỷ công trình dẫn chất đốt là hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng hệ thống dẫn khí gar, xăng, dầu và các chất khác. Hiện nay hệ thống dẫn chất đốt ở nước ta chưa phát triển, những công trình dẫn chất đốt hiện có chủ yếu có trước chiến tranh, một số không còn sử dụng nữa; việc vận chuyển chất đốt hiện nay chủ yếu bằng các phương tiện giao thông, vận tải. Tuy nhiên, ở miền Bắc nước ta vẫn còn một số hệ thống đường ống dẫn xăng, dầu, khí gar đang được sử dụng; nếu huỷ hoại hoặc làm hư hỏng hệ thống đường ống này là hành vi phạm tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.

 

Phá huỷ công trình thuỷ lợi là hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng công trình phục vụ cho việc trị thuỷ, tưới, tiêu nước như: hệ thông đê, kè, các trạm bơm, hệ thống dẫn nước của trạm bơm… Nếu công trình thuỷ lợi đồng thời là công trình điện như: Nhà máy thuỷ điện, ngoài việc phát điện còn có hệ thống trị thuỷ, tưới, tiêu gắn liền với công trình thì tuỳ trường hợp, nếu phá huỷ hệ thống trị thuỷ, tưới, tiêu thì đó là hành vi phá huỷ công trình thuỷ lợi, nếu phá hủy hệ thống liên quan đến việc phát điện thì đó là hành vi phá huỷ công trình điện. Ví dụ: phá huỷ đập tràn làm cho nước không đủ để chạy các máy phát điện là hành vi phá huỷ công trình điện. Tuy nhiên, vì tội danh là tội “phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia” nên việc phân biệt trên cũng hỉ có ý nghĩa tương đối.

 

Phá huỷ công trình quan trọng khác về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hoá và xã hội là hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng các công trình quan trọng về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hoá và xã hội chưa được liệt kê trong cấu thành. Do nhà làm luật quy định các đối tượng tác động của tội phạm này theo cách liệt kê nên không thể không quy định những đối tượng tác động khác nhằm không để lọt những hành vi phạm tội mà nhà làm luật chưa liệt kê trong điều luật.

 

Khi xác định hành vi phá huỷ các công trình này cần phải căn cứ vào tính chất quan trọng cũng như lợi ích của nó trong việc phục vụ cho an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hoá và xã hội và phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định nó là công trình quan trong về an ninh quốc gia.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi phá huỷ công trình hoặc phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này nhưng việc xác định hậu quả do hành vi phạm tội gây ra là rất cần thiết. Nếu hậu quả xảy ra là đặc biệt nghiêm trọng thì tuỳ trường hợp, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật. Nhà làm luật quy định ngay hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là yếu tố định khung hình phạt mà không quy định trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc hậu quả rất nghiêm trọng là yếu tố định khung hình phạt không có nghĩa là không phải xác định trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi phá huỷ công trình hoặc phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia gây ra. Tuy nhiên, do tính chất nguy hiểm cho xã hội  của loại hành vi phạm tội này nên nói chung những thiệt hại do hành vi phá huỷ công trình hoặc phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia gây ra dù là thiệt hại về vật chất hay phi vật chất đã là hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng rồi.    

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Ngoài hành vi khách quan, đối với tội phạm này nhà làm luật không quy định dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, nhưng khi xác định hành vi phạm tội không thể không nghiên cứu các quy định của Nhà nước về danh mục công trình quan trọng về an ninh quốc gia, vì đó là đối tượng tác động của tội phạm.

 

 Mặc dù điều văn của điều luật quy định: “không thuộc trường quy định tại Điều 85 của Bộ luật này”, nhưng đó không phải là dấu hiệu khách quan khác mà là dấu hiệu thuộc mặt chủ quan (mục đích của tội phạm)

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội thực hiện hành vi phá huỷ công trình hoặc phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là xâm phạm đến công trình an ninh quốc gia nhưng vẫn thực hiện.

 

Nếu vì lý do nào đó mà người phạm tội không nhận thức được hoặc không buộc phải nhận thức được hành vi của mình là xâm phạm công trình quan trọng về an ninh quốc gia thì không thuộc trường hợp phạm tội này.

 

Nếu hành vi phá huỷ công trình hoặc phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia vì mục đích chống chính quyền nhân dân thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “phá hoại cơ sở vật chất-kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 85 Bộ luật hình sự. Đây là cũng là dấu hiệu cơ bản để phân biệt trường hợp phạm tội quy định tại Điều 231 với trường hợp phạm tội quy định tại Điều 85 Bộ luật hình sự.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 231 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 231 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội phá huỷ công trình hoặc phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 231 Bộ luật hình sự có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới ba năm tù; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười hai năm tù.

 

Do khoản 1 của điều luật quy định mức hình phạt thấp nhất với mức hình phạt cao nhất tương đối chênh lệch. Do đó khi quyết định hình phạt cần chú ý căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Thực tiễn xét xử có không ít trường hợp do nhận thức không đầy đủ về tầm quan trọng của các công trình về an ninh quốc gia hoặc vì lợi ích vật chất nên đã phá huỷ công trình quan trong về an ninh quốc gia. Ví dụ: chỉ vì thiếu dây buộc giàn mướp nên Vũ Mạnh T đã cắt 11m dây điện thoại hữu tuyến và bị bắt quả tang. Hành vi của T là hành vi có đủ dấu hiệu cấu thành tội “phá huỷ công trình quan trọng về an ninh quốc gia”, nhưng xét tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, xét động cơ, mục đích phạm tội và nhận thức của T về tầm quan trọng của hệ thống thông tin liên lạc nên Toà án chỉ phạt Vũ Mạnh T 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 231 Bộ luật hình sự

 

a. Có tổ chức;

 

Phạm tội phá huỷ công trình quan trọng về an ninh quốc gia có tổ chức, là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện việc phá huỷ công trình quan trong về an ninh quốc gia dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.

 

Trong vụ án phá huỷ công trình quan trong về an ninh quốc gia có tổ chức, tuỳ thuộc vào quy mô và tính chất mà có thể có những người giữ những vai trò khác nhau như: người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức.

 

Khi xác định hành vi phá huỷ công trình quan trong về an ninh quốc gia có tổ chức cần chú ý phân biệt với trường hợp “phá hoại cơ sở vật chất-kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 85 Bộ luật hình sự. Bởi lẽ khi thực hiện hành vi phá huỷ công trình quan trong về an ninh quốc gia có tổ chức là thường nghĩ ngay đến mục đích của những người phạm tội. Thực tiễn xét xử có những trường hợp lúc đầu Cơ quan an ninh điều tra khởi tố về tội “phá hoại cơ sở vật chất-kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 85 Bộ luật hình sự vì phạm tội có tổ chức, nhưng quá trình điều tra Cơ quan an ninh điều tra không chứng minh được những người phạm tội có mục đích chống chính quyền nhân dân nên đã thay đổi tội danh thành tội “phá huỷ công trình quan trong về an ninh quốc gia”.   

 

b. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

 

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi phá huỷ công trình quan trong về an ninh quốc gia là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội. Đối với tội phạm này thì những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng chủ yếu là thiệt hại phi vật chất. Do đó khi xác định hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi phá huỷ công trình quan trong về an ninh quốc gia cần chú ý đến những thiệt hại phi vật chất.

 

Hiện nay chưa có hướng dẫn chính thức về hậu quả dặc biệt nghiêm trọng do hành vi phá huỷ công trình quan trong về an ninh quốc gia gây ra, nên có thể tham khảo Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để xác định hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi phá huỷ công trình quan trong về an ninh quốc gia gây ra.  

 

c. Tái phạm nguy hiểm.

 

Là trường hợp người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội phá huỷ công trình quan trong về an ninh quốc gia không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoăc tử hình, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 231 Bộ luật hình sự, nếu người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới mười năm tù nhưng không được dưới ba năm tù. Nếu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt tù chung thân hoăc tử hình. Khi áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội cần cân nhắc thận trọng, phải tuân thủ các quy định tại Điều 35 Bộ luật hình sự; chỉ áp dụng hình phạt này đối với người phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, là người tổ chức, cầm đầu trong vụ án có tổ chức, có nhân thân rất xấu thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, không còn khả năng cải tạo, cần phải loại khỏi đời sống xã hội để răn đe người khác.

 

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội phá huỷ công trình quan trong về an ninh quốc gia còn có thể bị phạt quản chế từ một năm đến năm năm.

 

Tuy điều luật không quy định nhưng thực tiễn xét xử Toà án chỉ áp dụng hình phạt quản chế đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và cũng chỉ áp dụng đối với người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, là người cầm đầu, tổ chức việc thực hiện tội phạm.

 

10. TỘI CHẾ TẠO, TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN, SỬ DỤNG, MUA BÁN TRÁI PHÉP HOẶC CHIẾM ĐOẠT VẬT LIỆU NỔ   

 

Điều 232. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ   

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

c) Vận chuyển, sử dụng, mua bán qua biên giới;

d) Gây hậu qủa nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội  thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5.  Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ  một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt  vật liệu nổ là hành vi làm ra, cất giữ, chuyển dịch, bán hay mua để bán lại, cướp, bắt cóc nhằm chiếm đoạt, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, trộm cắp, tham ô, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt vật liệu nổ. 

 

Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ là tội phạm thuộc các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985, nay nhà làm luật quy định tội phạm này thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng, an toàn công cộng. Tuy nhiên, Điều 232 Bộ luật hình sự chỉ quy định một loại đối tượng là vật liệu nổ, còn các chất khác như chất độc, chất cháy, chát phóng xạ được quy định thành tội phạm riêng. 

 

So với Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 232 Bộ luật hình sự năm 1999 có những sửa đổi, bổ sung sau:

 

Nếu Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985 dùng thuật ngữ “chất nổ” là đối tựợng tác động thì Điều 232 Bộ luật hình sự năm 1999 dùng thuật ngữ “vật liệu nổ”;bổ sung hành vi “vận chuyển” là hành vi phạm tội mà Điều 96 chưa quy định.

 

Về cấu tạo, Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985 có 3 khoản, còn Điều 232 Bộ luật hình sự năm 1999 cấu tạo thành 5 khoản trong đó khoản 5 của điều luật quy định hình phạt bổ sung; hình phạt quy định trong từng khoản cũng được quy định lại cho phù hợp với cấu tạo của điều luật. ( mức hình phạt cao nhất ở khoản 2 là mười năm; của khoản 3 là mười lăm năm; của khoản 4 là tù chung thân)

 

Bổ sung một số tình tiết là yếu tố định khung hình phạt như: vận chuyển, sử dụng, mua bán qua biên giới; vật phạm pháp có số lượng rất lớn, đặc biệt lớn; gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;

 

Bỏ tình tiết “phạm tội rong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng” là yếu tố định khung hình phạt.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

Các dấu hiệu cơ bản của tội phạm này cũng tương tự như đối với tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” chỉ khác ở chỗ đối tượng tác động của tội phạm này là vật liệu nổ chứ không phải vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự. Tuy nhiên, để tiện theo dõi chúng tôi vẫn phân tích các dấu hiệu cơ bản của tội phạm này và nêu những dấu hiệu khác nhau giữa tội phạm này với tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự”

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này cũng không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

 

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của điều luật; người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ là tội xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước đối với vật liệu nổ.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là vật liệu nổ

 

Khi xác định đối tượng tác động của tội phạm này cần chú ý: Nếu vật liệu nổ là vật liệu nổ quân dụng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng”, chỉ vật liệu nổ công nghiệp mới là đối tượng của tội phạm này.

 

Vật liệu nổ công nhiệp mới là đối tượng của tội phạm này; việc quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp được thực hiện theo Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Ban hành theo Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996); Nghị định 27/CP ngày 20-4-1995 và Nghị định 02/CP ngày 5-1-1995 của Chính phủ về quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ thực hiện hành vi khách quan hoàn toàn tương tự như đối với người phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khi quân dụng, phương tiên kỹ thuật quân sự được quy định tại Điều 230 Bộ luật hình sự, nên chúng tôi không phân tích lại.

 

Tuy nhiên, do đối tượng tác động của tội phạm này chỉ là vật liệu nổ công nghiệp nên khi xác định hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt cần chú ý đến các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng, mua bán, vận chuyển vật liệu nổ để xác định hành vi khách quan của người phạm tội.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ cũngkhông phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này nhưng việc xác định hậu quả là rất cần thiết. Nếu hậu quả xảy ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì tuỳ trường hợp, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3  hoặc khoản 4 của điều luật.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Tương tự như tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, ngoài hành vi khách quan, nếu chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vạt liệu nổ phải là trái phép thì mới cấu thành tội phạm, nếu việc chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vật liệu nổ được phép thì không thuộc trường hợp phạm tội quy định tại Điều 232 Bộ luật hình sự.

 

Việc xác định hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ có trái phép hay không, cần căn cứ vào quy định của Nhà nước mà cụ thể là căn cứ vào Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Ban hành theo Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996); Nghị định 27/CP ngày 20-4-1995 và Nghị định 02/CP ngày 5-1-1995 của Chính phủ về quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội thực hiện hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái phép nhưng vẫn thực hiện.

 

Nếu vì lý do nào đó mà người phạm tội không nhận thức được hoặc không buộc phải nhận thức được hành vi của mình là trái phép thì không thuộc trường hợp phạm tội này.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4  Điều 232 Bộ luật hình sự có thể bị phạt tù từ một năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khoản 1 của điều luật tuy không quy định số lượng vật liệu nổ làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng theo hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 7-1-1995 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985 thì người bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985 nếu chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc nổ các loại từ 1kg đến 15kg; thuốc pháo từ 3kg đến 30kg; thuốc phóng từ 1kg đến 10kg; dây cháy chậm, dây nổ từ 500m đến 3000m; kíp nổ, nụ xuỳ từ 200 cái đến 1000 cái.

 

Nếu chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt dưới mức trên nhưng đã bị xâm phạm hành chính về hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ hoặc đã bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về tội cố ý hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 của điều luật.13 

 

Trong khi chưa có hướng dẫn chính thức về Điều 232 Bộ luật hình sự năm 1999 thì theo chúng tôi hướng dẫn tạiThông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 7-1-1995 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) vẫn còn phù hợp, cac cơ quan tiến hành tố tụng nên vận dụng để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới một năm tù; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự

 

a. Có tổ chức;

 

Tình tiết phạm tội này hoàn toàn tương tự với tình tiết quy định tại điểm a khoản 2 Điều 230 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ phạm tội có tổ chức trong trường hợp này là chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ; còn các dấu hiệu khác đều giống trường hợp quy định taịi điểm a khoản 2 Điều 230 Bộ luật hình sự và Điều 20 Bộ luật hình sự về trường hợp phạm tội có tổ chức.

 

b. Vật phạm pháp có số lượng lớn;

 

Vật phạm pháp có số lượng lớn đối với tội phạm này là vật liệu nổ mà người phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt có số lượng lớn.

 

Theo Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 7-1-1995 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985, thì được coi là vật phạm pháp có số lượng lớn nếu chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc nổ các loại từ trên 15kg đến 75kg; thuốc pháo từ trên 30kg đến 150kg; thuốc phóng từ  trên 10kg đến 50kg; dây cháy chậm, dây nổ từ trên 3000m đến 15000m; kíp nổ, nụ xuỳ từ trên 1000 cái đến 10.000 cái.14

 

c. Vận chuyển, sử dụng, mua bán qua biên giới;

 

Tình tiết phạm tội này cũng tương tự như tình tiết quy định tại điểm c khoản 2 Điều 230 Bộ luật hình sự chỉ khác nhau ở chỗ đối tượng mà người phạm tội vận chuyển, sử dụng, mua bán qua biên giới là vật liệu nổ chứ không phải là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, còn các dấu hiệu khác giữa hai tình tiết đều giống nhau.

 

d. Gây hậu qủa nghiêm trọng;

 

Tình tiết này cũng tương tự như tình tiết quy định tại điểm d khoản 2 Điều 230 Bộ luật hình sự chỉ khác ở chỗ hậu quả nghiêm trọng ở tình tiết này là do hành vi  chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ gây ra chứ không phải là do hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự gây ra.

 

Trong khi chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ gây ra có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ gây ra.

 

đ. Tái phạm nguy hiểm.

 

Là trường hợp người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật hoặc đã tái phạm chưa được xoá án tích mà lại phạm tội này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự, nếu người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới ba năm tù nhưng không được dưới một năm tù. Nếu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 232 Bộ luật hình sự

 

a.  Vật phạm pháp có số lượng rất lớn.

 

Tình tiết này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm a khoản 3 Điều 230 Bộ luật hình sự nên có thể vận dụng Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 7-1-1995 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985 để xác định vật phạm pháp có số lượng rất lớn đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, cụ thể là: được coi là vật phạm pháp có số lượng rất lớn nếu trên mức tối đa được hướng dẫn tại điểm b khoản 2 của điều luật. Ví dụ: trên 75kg thuốc nổ các loại; trên 150kg thuốc pháo; trên 50kg thuốc phóng; trên 15.000m dây cháy chậm, dây nổ; trên 10.000 cái kíp nổ, nụ xuỳ.  

 

b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 

Cũng như trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự gây ra quy định tại điểm b khoản 3 Điều 230 Bộ luật hình sự nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 232 Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quy định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật cần chú ý:

 

Nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể thì có thể được áp dụng hình phạt dưới bảy năm tù nhưng không được dưới ba năm.

 

 Nếu thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 3 của điều hoặc tuy chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 nhưng tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù.

 

4. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 230 Bộ luật hình sự

 

 Cũng tương tự như khoản 4 Điều 230 Bộ luật hình sự, do Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ cấu tạo 3 khoản, trong đó các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt của khoản 3 Điều 96 được quy định lại tại khoản 4 Điều 232 Bộ luật hình sự năm 1999 nên các tình tiết quy định tại khoản 3 Điều 232 được coi là mới. Do đó nên vận dụng Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 7-1-1995 hướng dẫn trường hợp phạm tội quy định tại khoản 3 Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985 để xác định trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 232 Bộ luật hình sự năm 1999 thì việc xác định trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 232 Bộ luật hình sự năm 1999.

 

a.  Vật phạm pháp có số đặc biệt rất lớn.

 

Do chưa có hướng dẫn chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ bao nhiêu là đặc biệt lớn và nếu vận dụng Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 7-1-1995 hướng dẫn trường hợp phạm tội quy định tại khoản 3 Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985 để xác định trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 232 Bộ luật hình sự năm 1999 thì được coi là vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn nếu chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ gấp ba lần mức quy định tại khoản 3 điều luật. Ví dụ: trên 225kg thuốc nổ các loại; trên 450kg thuốc pháo; trên 150kg thuốc phóng; trên 45.000m dây cháy chậm, dây nổ; trên 30.000 cái kíp nổ, nụ xuỳ.  

 

b. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

Cũng như đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng, trong khi chưa có hướng thì có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 232 Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

Khi quy định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật cần chú ý:

 

Nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể thì có thể được áp dụng hình phạt dưới mười lăm năm tù nhưng không được dưới bảy năm.

 

 Nếu thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật hoặc tuy chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 nhưng tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến tù chung thân.

 

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

 

11. TỘI CHẾ TẠO, TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN, SỬ DỤNG, MUA BÁN TRÁI PHÉP HOẶC CHIẾM ĐOẠT VŨ KHÍ  THÔ SƠ HOẶC CÔNG CỤ HỖ TRỢ   

 

Điều 233.  Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí  thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ 

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí  thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

c)  Vận chuyển, sử dụng, mua bán qua biên giới;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ  một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ  là hành vi làm ra, cất giữ, chuyển dịch, bán hay mua để bán lại, cướp, bắt cóc nhằm chiếm đoạt, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, trộm cắp, tham ô, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ .  

 

Nếu chỉ căn cứ vào tên gọi của tội phạm (tội danh) thì tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ là tội phạm mới mà Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử có một số trường hợp nếu căn cứ vào đối tượng tác động thì thuộc trường hợp phạm tội quy định tại Điều 233 Bộ luật hình sự năm 1999 nhưng người thực hiện hành vi đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại Điều 95 hoặc Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985. Ví dụ: trước khi Chính phủ ban hành Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành theo Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996) thì hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt các loại mã tấu, kiếm, giáo, mác, súng kíp, súng hoả mai; các loại súng thể thao…phục vụ cho chiến đấu, luyện tập quân sự, bảo vệ các mục tiêu quan trọng về an ninh, quốc phòng. Sau khi Chính phủ ban hành Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và để phù hợp với tình hình mới, nhà làm luật quy định các loại vũ khi thô sơ, công cụ hỗ trợ là đối tượng của tội phạm riêng. Vì vậy, có thể nói tội phạm này về hình thức là tội phạm mới nhưng về nội dung là tội phạm được tách từ Điều 95 và Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

Các dấu hiệu cơ bản của tội phạm này cũng tương tự như đối với các tội quy định tại Điều 230 và Điều 232 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ đối tượng tác động của tội phạm này là vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ chứ không phải vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự hoặc vật liệu nổ. Tuy nhiên, để tiện theo dõi chúng tôi vẫn phân tích các dấu hiệu cơ bản của tội phạm này và nêu những dấu hiệu khác nhau giữa tội phạm này với các tội quy định tại Điều 230 và Điều 232 Bộ luật hình sự.

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này cũng không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, do tính chất và mức độ quan trọng của khách thể của tội phạm không bằng các tội định tại Điều 230 và Điều 232 Bộ luật hình sự, nên người từ đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì tội phạm này không có trường hợp phạm tội nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

 

Nếu người phạm tội thực hiện hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ nhưng trước đó họ chưa bi xử phạt hành chính về hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ  hoặc chưa bị kết án về tội này hoặc đã bị kết án về tội này nhưng đã được xoá án tích thì cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ là tội xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước đối với vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ .

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ.

 

Vũ khí thô sơ bao gồm: Dao găm, kiếm, giáo, mác, đinh ba, đại đao, mã tấu, quả đấm bằng kim loại hoặc chất cứng, cung, nỏ, côn các loại và các loại khác do Bộ Công an quy định.

 

Công cụ hỗ trợ bao gồm: Các loại roi cao su, roi điện, găng tay điện; lựu đạn cay; súng bắn hơi cay, ngạt, gây mê; bình xịt hơi cay, ngạt, gây mê; súng bắn đạn nhựa, cao su; súng bắn laze, súng bắn đinh, súng bắn từ trường và các loại công cụ hỗ trợ khác.15

 

Khi xác định đối tượng tác động của tội phạm này, ngoài các loại vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ đã được liệt kê tại điểm d khoản 1 và khoản 3 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Ban hành theo Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996) còn phải căn cứ vào quy định của Bộ Công an và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về danh mục các loại vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ thực hiện hành vi khách quan hoàn toàn tương tự như đối với người phạm tội quy định tại các Điều 230, 232 Bộ luật hình sự, nên chúng tôi không phân tích lại.

 

Tuy nhiên, do đối tượng tác động của tội phạm này là vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ nên khi xác định hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt cần chú ý đến các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng, mua bán, vận chuyển vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ để xác định hành vi khách quan của người phạm tội.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này nhưng việc xác định hậu quả là rất cần thiết. Nếu hậu quả xảy ra là nghiêm trọng,  thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Tương tự như đối với các tội quy định tại các Điều 230, 232 Bộ luật hình sự, ngoài hành vi khách quan, nếu chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ phải là trái phép thì mới cấu thành tội phạm, nếu việc chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ được phép thì không thuộc trường hợp phạm tội quy định tại Điều 233 Bộ luật hình sự.

 

Việc xác định hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ có trái phép hay không, cần căn cứ vào quy định của Nhà nước mà cụ thể là căn cứ vào Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Ban hành theo Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996) và các văn bản khác của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội thực hiện hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái phép (trừ hành vi chiếm đoạt) nhưng vẫn thực hiện.

 

Nếu vì lý do nào đó mà người phạm tội không nhận thức được hoặc không buộc phải nhận thức được hành vi của mình là trái phép thì không thuộc trường hợp phạm tội này.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 233 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 233 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 233 Bộ luật hình sự có thể bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Khoản 1 của điều luật tuy không quy định số lượng vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự và các cơ quan có thẩm quyền cũng chưa có hướng dẫn như đối với các trường hợp phạm tội quy định tại các Điều 230, 232 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, trong khi chưa có hướng dẫn chính thức, chúng ta cũng có thể vận dụng Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 7-1-1995 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985 để xác định số lượng vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ mà người phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt để quyết định việc có truy cứu trách nhiệm hình sự hay chỉ xử phạt hành chính đối với người thực hiện hành vi đó. Ví dụ: chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt từ 6 đến 15 dao găm, kiếm, giáo, mác, đinh ba, đại đao, mã tấu, quả đấm bằng kim loại hoặc chất cứng, cung, nỏ, côn các loại và các loại khác do Bộ Công an quy định thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 233 Bộ luật hình sự; nếu số lượng vật phạm pháp dưới mức này thì bị xử phạt hành chính và nếu đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này mà còn vi phạm thì dưới mức này vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 233 Bộ luật hình sự.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến hai năm tù. Do tội phạm này là tội phạm ít nghiêm trọng mức cao nhất của khung hình phạt chỉ là hai năm tù, nên khi truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như khi xét xử đối với người phạm tội chủ yếu lấy giáo dục là chính, chỉ áp dụng hình phạt tù đối với người phạm tội đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này mà còn tái phạm và số lượng vật phạm pháp đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 233 Bộ luật hình sự.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 233 Bộ luật hình sự

 

a. Có tổ chức;

 

Tình tiết phạm tội này hoàn toàn tương tự với tình tiết quy định tại điểm a khoản 2 Điều 230 và điểm a khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ phạm tội có tổ chức trong trường hợp này là chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ; còn các dấu hiệu khác đều giống trường hợp quy định taị điểm a khoản 2 Điều 230, điểm a khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự và Điều 20 Bộ luật hình sự về trường hợp phạm tội có tổ chức.

 

b. Vật phạm pháp có số lượng lớn;

 

Vật phạm pháp có số lượng lớn đối với tội phạm này là vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ mà người phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt có số lượng lớn.

 

Do tội phạm này là tội phạm mới và chưa có hướng dẫn chính thức của cơ quan có thẩm quyền nên chỉ có thể tham khảo Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 7-1-1995 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985 để xác định vật phạm pháp có số lượng lớn. Trong khi chưa có hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền thì có thể coi số lượng vật phạm pháp trên mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 của điều luật là sô lượng lớn để truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội theo khoản 2 của điều luật. Ví dụ: chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt từ 16 dao găm, kiếm, giáo, mác, đinh ba, đại đao, mã tấu, quả đấm bằng kim loại hoặc chất cứng, cung, nỏ, côn các loại và các loại khác do Bộ Công an quy định trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 233 Bộ luật hình sự16

 

c. Vận chuyển, sử dụng, mua bán qua biên giới;

 

Tình tiết phạm tội này cũng tương tự như tình tiết quy định tại điểm c khoản 2 Điều 230 và điểm c khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự chỉ khác nhau ở chỗ đối tượng mà người phạm tội vận chuyển, sử dụng, mua bán qua biên giới là vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ chứ không phải là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự hoặc vật liệu nổ còn các dấu hiệu khác giữa hai tình tiết đều giống nhau.

 

d. Gây hậu qủa nghiêm trọng;

 

Tình tiết này cũng tương tự như tình tiết quy định tại điểm d khoản 2 Điều 230 và d khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự chỉ khác ở chỗ hậu quả nghiêm trọng ở tình tiết này là do hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ gây ra chứ không phải là do hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự hay vật liệu nổ gây ra.

 

Trong khi chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ gây ra có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ gây ra.

 

đ. Tái phạm nguy hiểm.

 

Là trường hợp người phạm tội đã tái phạm chưa được xoá án tích mà lại phạm tội này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật, vì đối với tội phạm này cả khoản 1 và khoản 2 của điều luật không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội bị phạt tù từ một năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 233 Bộ luật hình sự, nếu người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới một năm tù. Nếu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

 

3. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

 

12. TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ

 

 

Điều 234. Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ 

1. Người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chăn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.

5. Người phạm tội còn có thể  bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ  một năm đến năm năm.

 

 

Định nghĩa: Vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

 

Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là tội phạm đã được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, do yêu cầu của việc đấu tranh phòng chống loại tội phạm này nên nhà làm luật đã tách Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1985 thành ba tội khác nhau, trong đó Điều 234 Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ bao gồm một số đối tượng, còn chất phóng xạ được quy định tại Điều 237, chất cháy, chất độc được quy định tại Điều 239. 

 

So với Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 234 Bộ luật hình sự năm 1999 có những sửa đổi, bổ sung như sau:

 

Ngoài việc tách chất độc, chất cháy, chất phóng xạ thành một tội danh riêng thì tên gọi của tội phạm này cũng được quy định cho phù hợp với quy định của Nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Ban hành theo Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996).

 

Phạm vi áp dụng các quy định mà người phạm tội vi phạm cũng được sửa đổi, bổ sung, đó là vi phạm các quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán.

 

Nếu là thiệt hại về sức khoẻ thì phải là thiệt hại nghiêm trọng thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự; bổ sung tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng” là yếu tố định khung hình phạt quy định ở khoản 2 của điều luật; quy định thêm hình phạt bổ sung mà Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định đối với tội phạm này; sửa đổi mức hình phạt cao nhất quy định tại khoản 1 từ bảy năm xuống còn năm năm; tăng hình phạt cải tạo không giam giữ quy định tại khoản 3 Điều 192 từ một năm lên ba năm, mức thấp nhất hình phạt tù từ ba tháng lên sáu tháng và quy định lại thành khoản 4 Điều 234 Bộ luật hình sự năm 1999.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có trách nhiệm trong việc quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mới có thể là chủ thể của tội phạm này.

 

Tuy là chủ thể đặc biệt nhưng khác với chủ thể đặc biệt của một số tội phạm về chức vụ, người phạm tội này có thể không phải là người có chức vụ, quyền hạn mà chỉ là người có trách nhiệm và trách nhiệm này do tính chất nghề nghiệp mà có như: thủ kho, lái xe, người áp tải…Do đó, khi xác định chủ thể của tội phạm này cần chú ý đến nghề nghiệp và mối liên hệ giữa nghề nghiệp với trách nhiệm của họ khi thực hiện công việc được giao.

 

Là chủ thể đặc biệt nhưng người từ đủ 16 tuổi trở lên đã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 của điều luật. Tuy nhiên, những người này chỉ có thể là người đồng phạm.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là tội xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước về việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

 

Các quy định về việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của Nhà nước tương đối đa dạng, do nhiều cơ quan ban hành. Tuy nhiên, những quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hiện hành là Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Ban hành theo Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996), Nghị định 27/CP ngày 20-4-1995, Nghị định 02/CP ngày 5-1-1995 của Chính phủ về quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là vũ khí, vật liệu nổ hoặc công cụ hỗ trợ.

 

Khi xác định đối tượng tác dộng của tội phạm này cần chú ý: nếu là vật liệu nổ thì tương tự như đối với tội phạm quy định tại Điều 232 Bộ luật hình sự; nếu là công cụ hỗ trợ thì tương tự như tội phạm quy định tại Điều 233, nhưng nếu là vũ khí thì bao gồm: vũ quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn và vũ khí thô sơ quy định tại Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Ban hành theo Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996)

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Có thể nói, hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi vi phạm quy định về quản lý nhưng tuỳ thuộc vào đối tượng tác động mà người phạm tội có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau: vi phạm quy định về việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí; vi phạm quy định về việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vật liệu nổ; vi phạm quy định về việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán công cụ hỗ trợ.

 

Hành vi vi phạm quy định về sản xuất, sửa chữa, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán của tội phạm này có nhiều điểm giống với hành vi chế tạo, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ. Vì vậy, khi xác định hành vi khách quan của tội phạm này cần chú ý phân biệt với hành vi khách quan của các tội quy định tại các Điều 230, 232 và 233 Bộ luật hình sự. Nếu không được phép chế tạo, vận chuyển, sử dụng, mua bán mà chế tạo, vận chuyển, sử dụng, mua bán thì thuộc trường hợp quy định tại các Điều 230, 232 và 233 Bộ luật hình sự, còn nếu được phép nhưng lại vi phạm các quy định về sản xuất, vận chuyển, sử dụng, mua bán thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 234 Bộ luật hình sự. Ví dụ: A là thủ kho vật liệu nổ của đơn vị Z175 do không thực hiện đúng các quy định về bảo quản an toàn nên gây nổ làm chết một người, thì hành vi vi phạm của A thuộc trường hợp quy định tại Điều 234 Bộ luật hình sự, nhưng nếu A lợi dụng việc mình là thủ kho để cho người khác gửi vật liệu nổ nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng về hành vi mua bán trái phép vật liệu nổ thì hành vi của A thuộc trường hợp quy định tại Điều 232 Bộ luật hình sự.

 

Khi xác định từng hành vi cụ thể của tội phạm này, cần nghiên cứu kỹ các quy định của Nhà nước về việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Vì từng lĩnh vực Nhà nước có những quy định rất khác nhau, các quy định này lại không tập trung ở một văn bản mà có thể ở nhiều văn bản khác nhau, theo từng thời điểm khác nhau, Nhà nước cũng thường sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vừa là dấu hiệu bắt buộc vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc. Là dấu hiệu bắt buộc là trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của điều luật. Nếu chưa gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm; nếu hậu quả xảy ra là rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật. Không phải là dấu hiệu bắt buộc nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật. Khi xác định thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác do hành vi vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây ra cần chú ý:

 

Đối với thiệt hại về tính mạng thì tương đối rõ, chỉ cần có người bị chết do hành vi vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây ra là người có hành vi vi phạm đã cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, đối với thiệt hại về sức khoẻ và tài sản thì không phải mọi trường hợp cứ gây thiệt hại đến sức khoẻ, tài sản đều là hành vi phạm tội mà chỉ đối với trường hợp sau đây thì người có hành vi vi phạm mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

- Gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác

 

Được coi là thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác là do vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ  gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên. Có thể gây ra cho một người và có thể gây ra cho nhiều người. Nếu gây ra cho nhiều người mà tổng tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 31% nhưng tổng tỷ lệ thương tật của nhiều người từ 31% trở lên thì cũng coi là gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác. 

 

- Gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của người khác

 

Gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của người khác là trường hợp do vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ  mà gây thiệt hại về tài sản cho người tham gia đua hoặc của người khác có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Mặc dù điều luật không quy định những dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, để xác định hành vi vi phạm cũng như đối tượng tác động của tội phạm này không thể không nghiên cứu các quy định của Nhà nước về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Hiện nay, các quy định về quản lý khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được quy định tại Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Ban hành theo Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996), Nghị định 27/CP ngày 20-4-1995, Nghị định 02/CP ngày 5-1-1995 của Chính phủ về quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là do vô ý, tức là người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậy quả đó.17

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 234 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 234 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ  mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác có thể bị phạt tù từ một năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Do khoản 1 của điều luật không quy định “gây hậu quả nghiêm trọng” mà chỉ quy định gây thiệt hại đến tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác. Do đó ngoài thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ và tài sản thì không được coi các thiệt hại nghiêm trọng khác là hậu quả để xác định hành vi phạm tội nếu các thiệt hại đó chưa phải là hậu quả rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, tài sản của người khác, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới một năm tù; nếu gây thiệt hại làm chết người và còn gây thiệt hại đến sức khoẻ, tài sản nhưng chưa tới mức để truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật, có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 234 Bộ luật hình sự

 

Khoản 2 của điều luật chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 

Do chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây ra nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch sô 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu những thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất trên mức hậu quả nghiêm trọng nhưng ở mức thấp được xác định là hậu quả rất nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới ba năm tù nhưng không được dưới một năm tù; nếu những thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất ở mức cao được xác định là hậu quả rất nghiêm trọng, có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 234 Bộ luật hình sự

 

Tương tự như khoản 2 của điều luật, khoản 3 cũng chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

Do chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây ra nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch sô 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm, cũng là tội phạm rất nghiêm trọng nhưng mức hình phạt trong khung hình phạt cao hơn khoản 2 của điều luật.

 

Cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu những thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất trên mức hậu quả rất nghiêm trọng nhưng ở mức thấp được xác định là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới mười năm tù nhưng không được dưới ba năm tù; nếu những thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất ở mức cao được xác định là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù.

 

4. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 234 Bộ luật hình sự

 

Trường hợp phạm tội này tương tự như đối với một số trường hợp phạm tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông, nhà làm luật quy định trong trường hợp vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chăn kịp thời.

 

Vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chăn kịp thời là trường hợp chưa gây ra hậu quả nhưng lại được xác định trước hậu quả đó là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

Do chưa xảy ra hậu quả nhưng người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên có ý cho rằng, khoản 4 của Điều 234 Bộ luật hình sự là cấu thành hình thức, vì không cần có hậu quả xẩy ra tội phạm đã hoàn thành. Tuy nhiên, hậu quả chưa xẩy ra là do được ngăn chặn chứ không phải do hành vi phạm tội mới đe doạ xâm phạm đến các quan hệ xã hội như đối với các tội phạm có cấu thành hình thức nên tội phạm này vẫn là tội phạm có cấu thành vật chất. Vấn đề là làm sao để xác định được hậu quả dặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời. Ví dụ: Bùi Văn T là thủ kho vật liệu nổ công nghiệp đã không thực hiện đúng các quy định về bảo quản an toàn nên kho vật liệu nỏ bị bốc cháy, nếu không được lực lượng phòng cháy, chữa cháy kịp thời cứu chữa thì kho vật liệu nổ sẽ nổ và thiệt hại vật chất sẽ lên tới hàng tỷ đồng, chưa kể đến các thiệt hại khác.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 234 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 4 Điều 234 Bộ luật hình sự, nếu người phạm có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù.

 

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ  một năm đến năm năm.

 

Khi áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội này cần chú ý: tuỳ thuộc vào nhiệm vụ cụ thể của người phạm tội mà cấm họ đảm nhiệm chức vụ hay cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Ví dụ: A là xã đội trưởng đã giao vũ khí cho người không phải là tự vệ để người này sử dụng vũ khí đó đi săn gây chết người thì A có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ xã đội trưởng từ một năm đến năm năm, còn B là lái xe có nhiệm vụ vận chuyển vật liệu nổ, do không chấp hành các quy định về quản lý vật liệu nổ trong quá trình vận chuyển nên đã để nổ gây thiệt hại đến tính mạng người khác và thiệt hại về tài sản gần một tỷ đồng thì B có thể bị cầm làm nghề lái xe từ một năm đến năm năm.

 

13. TỘI THIẾU TRÁCH NHIỆM TRONG VIỆC GIỮ VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ  GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG 

 

Điều 235.  Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ  gây hậu quả nghiêm trọng 

1. Người nào được giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà thiếu trách nhiệm để người khác sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi của người được giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của Nhà nước để người khác sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác.

 

Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng là tội phạm đã được quy định tại Điều 193 Bộ luật hình sự năm 1985.

 

So với Điều 193 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 235 Bộ luật hình sự năm 1999 có những sửa đổi, bổ sung như sau:

 

Điều 193 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, còn Điều 235 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định thêm hành vi thiếu trách nhiệm trong việc giữ vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cũng là hành vi phạm tội.

 

Ngoài việc quy định thêm đối tượng tác động của tội phạm, Điều 235 Bộ luật hình sự năm 1999 còn bổ sung thêm trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng là tình tiết định khung hình phạt quy định tại khoản 2 của điều luật có khung hình phạt từ ba năm đến mười năm mà Điều 193 Bộ luật hình sự năm 1985 chứ quy định.

 

Điều 235 Bộ luật hình sự năm 1999 dùng thuật ngữ “gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ” thay cho thuật ngữ: “làm người chết hoặc bị thương nặng” quy định tại Điều 193 Bộ luật hình sự năm 1985; bổ sung cụm từ “của người khác”; những thay đổi về thuật ngữ chủ yếu có tính chất học thuật chứ không làm thay đổi các dấu hiệu cấu thành tội phạm này.

 

Về hình phạt, ngoài việc quy định thêm một khung hình phạt mới nặng hơn so với Điều 193 Bộ luật hình sự năm 1985, Điều 235 Bộ luật hình sự năm 1999 còn nâng mức hình phạt cải tạo không giam giữ lên đến ba năm và quy định hình phạt bổ sung đối với người phạm tội mà Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Có thể nói chủ thể của tội phạm này cũng là chủ thể đặc biệt, mặc dù người phạm tội không phải bao giờ cũng là người có chức vụ, quyền hạn mà không ít trường hợp họ chỉ là người dân. Tuy nhiên, dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người dân thì họ chỉ có thể trở thàn chủ thể của tội phạm này khi họ được giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

 

Người từ đủ 16 tuổi trở lên đã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật. Tuy nhiên, người dưới 16 tuổi rất ít trường hợp được giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhưng nếu trong trường hợp đặc biệt mà họ được giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì họ vẫn có thể là chủ thể của tội phạm này.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng là tội xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước về việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

 

Các quy định về giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chủ yếu do các cơ quan chủ quản của người được giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định trên cở sở những quy định chung của Nhà nước về việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là vũ khí, vật liệu nổ hoặc công cụ hỗ trợ, còn thế nào là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì phải căn cứ Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Ban hành theo Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996).

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Có thể nói, người phạm tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chỉ thực hiện hai hành vi khách quan, đó là: thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và hành vi để người khác sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà mình được giao giữ.

 

Thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của Nhà nước về việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Ví dụ: Nguyễn Mạnh Q là sĩ quan cảnh sát được trang bị vũ khí (Súng K54) khi về nhà đã để súng ở bàn, nên con trai của Q là Nguyễn Mạnh T mới 10 tuổi lấy súng này đùa nghịch với bạn cùng lớp làm súng nổ gây chết người. Nếu người được giao giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã làm hết trách nhiệm nhưng người khác vẫn sử dụng gây hậu quả nghiêm trọng thì người được giao giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đó không bị coi là hành vi phạm tội. Ví dụ: Vũ Quốc H là tự vệ Nhà máy X được giao hai quả thủ pháo để tập luyện; sau khi tập luyện, H đem giao nộp cho Ban chỉ huy tự vệ Nhà máy nhưng Ban chỉ huy chưa nhận mà nói cứ mang về lúc nào đem nộp cũng được. H đem hai quả thủ pháo về cất vào tủ khoá lại, nhưng do nhà H bị trộm vào phá tủ lấy đi một số tài sản, trong đó có chiếc túi đựng hai quả thủ pháo khi H và gia đình về quê chịu tang bố chết. Sau khi bị mất trộm, Vũ Quốc H đã báo cáo với Ban chỉ huy tự vệ về việc bị mất trộm hai quả thủ pháo. Kẻ trộm thấy trong số tài sản lấy được có hai quả thủ pháo nên đã đem vứt hai quả thủ pháo ra đống rác, Hồ Văn S 14 tuổi và một số bạn cùng lớp nhặt được đem nghịch làm phát nổ làm S chết tại chố và 2 bạn của S bị  bị thương nặng.

 

Để người khác sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà mình được giao giữ là tạo điều kiện thuận lợi cho người khác sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà mình được giao. Hành vi tạo điều kiện có thể được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: không cất giữ cần thận để người khác chiếm hữu, sử dụng định đoạt; chuyển giao cho người khác như cho mượn, cho thuê, nhờ cất hộ; nếu bán cho người khác thì tuỳ thuộc vào đối tượng tác động mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 230, Điều 232 hoặc Điều 233. 

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này; điều này được thể hiện ở ngay tội danh của điều luật. Nếu hành vi thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì chưa cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, theo điều văn của điều luật thì nhà làm luật không quy định hậu quả chung chung mà quy định những thiệt hại cụ thể được xác định là hậu quả nghiêm trọng, đó là tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác. Như vậy hậu quả nghiêm trọng của tội phạm này chỉ là những thiệt hại về vật chất mà không bao gồm những thiệt hại phi vật chất nhưng đối với các trường hợp phạm tội khác.

 

Cũng như đối với tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Điều 234 Bộ luật hình sự, đối với thiệt hại về tính mạng thì đã rõ, còn đối với thiệt hại về sức khoẻ và tài sản thì chỉ đối với trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, nếu gây ra cho nhiều người mà tổng tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 31% nhưng tổng tỷ lệ thương tật của nhiều người từ 31% trở lên. Đối với thiệt hại về tài sản thì phải có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, mới được coi là gây hậu quả nghiêm trọng.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Cũng như đối với tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, nhà làm luật không quy định những dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, để xác định hành vi thiếu trách nhiệm cũng như đối tượng tác động của tội phạm cần phải nghiên cứu Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Ban hành theo Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996), Nghị định 27/CP ngày 20-4-1995, Nghị định 02/CP ngày 5-1-1995 của Chính phủ về quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội thực hiện hành vi thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng là do vô ý, tức là người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậy quả đó.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 235 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 235 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, tài sản của người khác, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu gây thiệt hại làm chết người và còn gây thiệt hại đến sức khoẻ, tài sản nhưng chưa tới mức để truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật, có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 235 Bộ luật hình sự

 

Khoản 2 của điều luật chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 

Do chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây ra nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch sô 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây ra. Mặc dù điều luật chỉ quy định gây hậu quả rất nghiêm trọng nhưng nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật nhưng mức hình phạt sẽ phải cao hơn trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu những thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất trên mức hậu quả nghiêm trọng nhưng ở mức thấp được xác định là hậu quả rất nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới ba năm tù; nếu những thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất ở mức cao được xác định là hậu quả rất nghiêm trọng hoặc là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.

 

3. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một  năm đến năm năm.

 

Cũng như đối với tội vi phạm quy định về quản lý vũ khi, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tuỳ thuộc vào nhiệm vụ cụ thể của người phạm tội mà cấm họ đảm nhiệm chức vụ hay cấm hành nghề hoặc công việc nhất định

 

 

14. TỘI SẢN XUẤT, TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN, SỬ DỤNG, MUA BÁN TRÁI PHÉP HOẶC CHIẾM ĐOẠT CHẤT PHÓNG XẠ 

 

Điều 236. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ 

1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

c) Vận chuyển, sử dụng, mua bán qua biên giới;

d) Gây hậu qủa nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội  thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ là hành vi làm ra, cất giữ, chuyển dịch, bán hay mua để bán lại, cướp, bắt cóc nhằm chiếm đoạt, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, trộm cắp, tham ô, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt chất phóng xạ.        

 

Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ là tội phạm được tách từ tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ đã được quy định tại Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985, nay quy định thành 3 tội khác nhau, riêng chất phóng xạ được quy định tại Điều 236, còn chất cháy, chất độc quy định tại Điều 238, còn vật liệu nổ quy định tại Điều 232. 

 

So với Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 236 Bộ luật hình sự năm 1999 có những sửa đổi, bổ sung sau:

 

Nếu Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985 dùng thuật ngữ “chế tạo” là hành vi khách quan thì Điều 236 Bộ luật hình sự năm 1999 dùng thuật ngữ “sản xuất”; về bản chất tuy không khác nhau nhưng về mặt học thuật thì dùng thuật ngữ “sản xuất” chính xác hơn đối với đối tượng là chất phóng xạ; bổ sung hành vi “vận chuyển” là hành vi phạm tội mà Điều 96 chưa quy định.

 

Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985 có 3 khoản, còn Điều 236 Bộ luật hình sự năm 1999 cấu tạo thành 5 khoản trong đó khoản 5 của điều luật quy định hình phạt bổ sung; hình phạt quy định trong từng khoản cũng được quy định lại cho phù hợp với tính chất của hành vi và đối tượng tác động của tội phạm; (khung hình phạt ở khoản 1 là từ hai năm đến bảy năm, ở khoản 2 là từ năm năm đến mười hai năm; của khoản 3 là từ mười năm đến mười lăm năm; của khoản 4 là từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân).

 

Điều 236 Bổ sung một số tình tiết là yếu tố định khung hình phạt như: vận chuyển, sử dụng, mua bán qua biên giới; vật phạm pháp có số lượng rất lớn, đặc biệt lớn; gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;

 

Bỏ tình tiết “phạm tội rong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng” là yếu tố định khung hình phạt.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

Do được tách từ tội “chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ, chất cháy, chát độc, chất phóng xạ” nên các dấu hiệu cơ bản của tội phạm này cũng tương tự như đối với tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng  mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” quy định tại Điều 232 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ đối tượng tác động của tội phạm này là chất phóng xạ chứ không phải là vật liệu nổ. Do đó khi phân tích các dấu hiệu cơ bản của tội phạm này chúng tôi chỉ nêu những dấu hiệu khác nhau giữa tội phạm này với tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ”.

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này hoàn toàn tương tự với chủ thể của “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ”. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của điều luật; người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ là tội xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước đối với chất phóng xạ.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là chất phóng xạ. Chất phóng xạ là nhân tố sát thương của vũ khí hạt nhân, gồm những đồng vị không bền của các nguyên tố hoá học có khả năng phát ra các chùm tia An-pha, Bê-ta, Gam-ma... Tác hại đặc trưng của chất phóng xạ là gây bệnh, phóng xạ đối với người và động vật.

 

Khi xác định đối tượng tác động có phải là chất phóng xạ hay không các cơ quan tiến hành tố tụng cần tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn hoặc trưng cầu giám định.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ thực hiện hành vi khách quan hoàn toàn tương tự như đối với người phạm các tội quy định tại các Điều 230, 232, 233 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với Điều 236 Bộ luật hình sự thay thuật ngữ “chế tạo” bằng thuật ngữ “sản xuất”, về bản chất không có gì khác nhau nhưng về học thuật thì đối với chất phóng xạ mà dùng thuật ngữ “chế tạo” là không chính xác nên nhà làm luật dùng thuật ngữ “sản xuất”, vì chỉ có thể nói sản xuất chất phóng xạ không ai nói chế tạo chất phóng xạ.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này nhưng việc xác định hậu quả là rất cần thiết. Nếu hậu quả xảy ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì tuỳ trường hợp, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3  hoặc khoản 4 của điều luật.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Tương tự như đối với các tội quy định tại các Điều 230, 232 và 233 Bộ luật hình sự, nếu việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng chất phóng xạ được phép thì không thuộc trường hợp phạm tội quy định tại Điều 236 Bộ luật hình sự.

 

Việc xác định hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán có trái phép hay không, cần căn cứ vào quy định của Nhà nước về sản xuất, quản lý, sử dụng, vận chuyển, mua bán chất phóng xạ.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội thực hiện hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái phép (trừ hành vi chiếm đoạt) nhưng vẫn thực hiện.

 

Nếu vì lý do nào đó mà người phạm tội không nhận thức được hoặc không buộc phải nhận thức được hành vi của mình là trái phép thì không thuộc trường hợp phạm tội này.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 236 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 236 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ có thể bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khoản 1 của điều luật tuy không quy định số lượng chất phóng xạ làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, tạiThông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 7-1-1995 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985 cũng không hướng dẫn số lượng bao nhiêu chất phóng xạ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985. Thực tiễn xét xử cũng rất ít gặp trường hợp phạm tội này. Vì vậy, nếu tội phạm này xảy ra các cơ quan tiến hành tố tụng cần căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự và các quy định của Nhà nước về quản lý chất phóng xạ để xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra để xác định hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ đã cấu thành tội phạm chưa và nếu đã cấu thành tội phạm thì thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới hai năm tù; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 236 Bộ luật hình sự

 

Các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 của điều luật hoàn toàn tương tự với các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 của các Điều 230, 232 và 233 Bộ luật hình sự bao gồm: phạm tội có tổ chức; vật phạm pháp có số lượng lớn; vận chuyển, sử dụng, mua bán qua biên giới; gây hậu qủa nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm. Chỉ khác ở chỗ đối tượng tác động của tội phạm này là chất phóng xạ chứ không phải vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ hoặc vật liệu nổ.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 236 Bộ luật hình sự, nếu người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới năm năm tù nhưng không được dưới hai năm tù. Nếu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười hai năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 236 Bộ luật hình sự

 

Cũng như đối với khoản 2 của điều luật, các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 3 của điều luật hoàn toàn tương tự với các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 3 của các Điều 230, 232 Bộ luật hình sự bao gồm: vật phạm pháp có số lượng rất lớn; gây hậu qủa rất nghiêm trọng.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 236 Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm, cũng là tội phạm rất nghiêm trọng, nhưng tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn trường hợp quy định tài khoản 2 của điều luật.

 

Khi quy định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật cần chú ý:

 

Nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể thì có thể được áp dụng hình phạt dưới mười năm tù nhưng không được dưới năm năm.

 

 Nếu thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật hoặc tuy chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 nhưng tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù.

 

4. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 236 Bộ luật hình sự

 

Cũng như đối với khoản 3 của điều luật, các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 4 của điều luật hoàn toàn tương tự với các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 4 của các Điều 230, 232 Bộ luật hình sự bao gồm: vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 236 Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

Khi quy định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật cần chú ý:

 

Nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể thì có thể được áp dụng hình phạt dưới mười lăm năm tù nhưng không được dưới mười năm tù.

 

 Nếu thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật hoặc tuy chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 nhưng tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến tù chung thân.

 

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

 

15. TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT PHÓNG XẠ 

 

Điều 237. Tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ 

1. Người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán chất phóng xạ, có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội trong trường hợp gây thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ của người khác, thì  bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu qủa rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội gây hậu qủa đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ là hành vi vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán chất phóng xạ.

 

Tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ là tội phạm được tách từ Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1985 và tương tự như đối với tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Điều 234 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, do yêu cầu của việc đấu tranh phòng chống loại tội phạm nên cấu thành cơ bản của tội phạm này nhà làm luật quy định hành vi vi phạm mới có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời là tội phạm đã hoàn thành nhưng cũng tương tự như đối với các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 234 Bộ luật hình sự tội phạm này không phải là cấu thành hình thức.

 

So với Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 237 Bộ luật hình sự năm 1999 có những sửa đổi, bổ sung như sau:

 

Các tình tiết định khung hình phạt quy định tại khoản 3 của Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1985 được sưa đổi lại thành tình tiết định tội quy định tại khoản 1 Điều 237 Bộ luật hình sự 1999.

 

Nếu khoản 1 Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “vi phạm quy định về đặt kho, bảo quản, vận chuyển, sử dụng” thì khoản 1 Điều 237 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán ”.

 

Nếu khoản 1 Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ của người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm thì các thiệt hại này được quy định tại khoản 2 của Điều 237 Bộ luật hình sự 1999 là cấu thành tăng nặng chứ không còn là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này nữa.

 

Bổ sung trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng là tình tiết định khung hình phạt quy định tại khoản 3 của điều luật; tình tiết gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1985 nay được quy định tại khoản 3 Điều 237 Bộ luật hình sự năm 1999.

 

Tăng mức cao nhất của tội phạm này lên đến hai mươi năm tù mà Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định mức cao nhất của tội phạm này là mười lăm năm tù; quy định hình phạt bổ sung đối với người phạm tội mà Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định đối với tội phạm này.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Tương tự như đối với tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Điều 234 Bộ luật hình sự, chủ thể của tội phạm này cũng là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có trách nhiệm trong việc quản lý sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán chất phóng xạ mới có thể là chủ thể của tội phạm này.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Tội vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán chất phóng xạ là tội xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước về việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán chất phóng xạ.

 

Tương tự như đối với tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, đối tượng tác động của tội phạm này cũng là chất phóng xạ.

 

Chất phóng xạ là nhân tố sát thương của vũ khí hạt nhân, gồm những đồng vị không bền của các nguyên tố hoá học có khả năng phát ra các chùm tia An-pha, Bê-ta, Gam-ma... Tác hại đặc trưng của chất phóng xạ là gây bệnh, phóng xạ đối với người và động vật.

 

Khi xác định đối tượng tác động có phải là chất phóng xạ hay không các cơ quan tiến hành tố tụng cần tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn hoặc trưng cầu giám định.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ. 

 

Hành vi vi phạm quy định về việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán chất phóng xạ tương tự với hành vi vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Điều 234 Bộ luật hình sự. Dấu hiệu cơ bản để phân biệt giữa hai tội này là đối tượng tác động. Tuy nhiên, hành vi của tội phạm này có nhiều điểm giống với hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất phóng xạ quy định tại Điều 236 Bộ luật hình sự.

 

Khi xác định từng hành vi cụ thể của tội phạm này, cần nghiên cứu kỹ các quy định của Nhà nước về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán chất phóng xạ.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán chất phóng xạ không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng không vì thế mà cho rằng tội phạm này là tội phạm có cấu thành hình thức. Tuy nhiên, việc xác định hậu quả của hành vi phạm tội là rất quan trọng, vì nếu gây ra thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất thì tuỳ trường hợp mà người phạm tội bị trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật.

 

Khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời cũng tương tự như đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 234 Bộ luật hình sự, nhưng khác khoản 4 Điều 234 Bộ luật hình sự là khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 237 Bộ luật hình sự là hậu quả nghiêm trọng chứ không phải là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

Việc xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ sẽ gây ra nếu không được ngăn chặn kịp thời là một việc khó nhưng cũng như trường hợp đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 234 Bộ luật hình sự, căn cứ vào hành vi vi phạm trong trường hợp cụ thể, hoàn cảnh cụ thể vẫn có thể xác định được. Ví dụ: Đỗ Xuân Đ không thực hiện đúng các quy định về quản lý việc bảo quản chất phóng xạ nên đã để chất phóng xạ dỏ rỉ nhưng được phát hiện kịp thời nên ngăn chặn được thiệt hại; nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây tổn hại đến sức khoẻ của nhiều người.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Mặc dù điều luật không quy định những dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, để xác định hành vi vi phạm cũng như đối tượng tác động của tội phạm này không thể không nghiên cứu các quy định của Nhà nước về việc quản lý chất phóng xạ.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán chất phóng xạ là do vô ý.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 237 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 237 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Do khoản 1 của điều luật quy định “có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời” chứ không quy định gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó khi xác định người phạm tội có thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật hay không, ngoài các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì trước hết cần xác định hậu quả nghiêm trọng nếu xẩy ra là những thiệt hại gì và nếu không được ngăn chặn kịp thời thì những thiệt hại đó ắt sẽ xẩy ra. Bởi lẽ, nếu không xác định thiệt hại đó là thiệt hại gì thì cũng không thể xác định hành vi vi phạm đã cấu thành tội phạm chưa và còn phân biệt với trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 của điều luật.

 

Để xác định thế nào hậu quả nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời có thể căn cứ vào hướng dẫn tại Thông tư liên tịch sô 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ gây ra nếu không được ngăn chặn kịp thời.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt dưới sáu tháng tù; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 237 Bộ luật hình sự

 

Khoản 2 Điều 237 Bộ luật hình sự quy định tình tiết là yếu tố định khung hình, đó là gây thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ của người khác.

 

Khác với các trường hợp quy định tại các Điều 234, 235 Bộ luật hình sự nhà làm luật chỉ quy định gây thiệt cho sức khoẻ của người khác mà không quy định gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác, nên chỉ cần gây thiệt hại cho sức khoẻ của người khác là người phạm tội đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật. Tuy nhiên, người bị tổn hại đến sức khoẻ, tổn hại cho sức khoẻ của người khác là do vô ý gây ra nên cũng chỉ nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội theo khoản 2 của điều luật nếu gây thiệt hại cho sức khoẻ của người khác mà có tỷ lệ thương tật trên 31%; nếu tỷ lệ thương tật dưới 31% thì chỉ nên truy cứu người phạm tội theo khoản 1 của điều luật.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội chỉ gây thiệt hại cho sức khoẻ của người khác, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc nếu có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể thì có thể được áp dụng hình phạt dưới ba năm tù; nếu người phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt đến mười năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 237 Bộ luật

 

Khoản 3 Điều 237 Bộ luật hình sự quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình, đó là gây hậu qủa rất nghiêm trọng.

 

Do chưa có hướng dẫn thế nào là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ gây ra, nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng để xác định hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp  gây hậu quả rất nghiêm trọng thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, cũng là tội phạm rất nghiêm trọng nhưng mức độ nghiêm trọng cao hơn trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật.

 

Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc nếu có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể thì có thể được áp dụng hình phạt dưới bảy năm tù nhưng không được dưới ba năm tù; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù.

 

4. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 237 Bộ luật hình sự 

 

Khoản 3 Điều 237 Bộ luật hình sự quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình, đó là gây hậu qủa đặc biệt nghiêm trọng.

 

Cũng như đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định tại khoản 3 của điều luật, có thể vận dụngThông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để xác định hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc nếu có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể thì có thể được áp dụng hình phạt dưới mười lăm năm tù nhưng không được dưới bảy năm tù; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt đến hai mươi năm tù.

 

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ  một năm đến năm năm.

 

16. TỘI SẢN XUẤT, TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN, SỬ DỤNG HOẶC MUA BÁN TRÁI PHÉP CHẤT CHÁY, CHẤT ĐỘC 

 

Điều 238.  Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc 

 

1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì  bị phạt tù từ một năm đến  năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba  năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

c) Vận chuyển, sử dụng, mua bán qua biên giới;

d) Gây hậu qủa nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội  thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất cháy, chất độc là hành vi làm ra, cất giữ, chuyển dịch, bán hay mua để bán lại, cướp, bắt cóc nhằm chiếm đoạt, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, trộm cắp, tham ô, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt chất cháy, chất độc.

         

Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất cháy, chất độc là tội phạm được tách từ tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ đã được quy định tại Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985, nay quy định thành 3 tội khác nhau, riêng chất cháy, chất độc quy định tại Điều 238, chất phóng xạ được quy định tại Điều 236, còn vật liệu nổ quy định tại Điều 232.

 

Sự khác nhau giữa Điều 238 với Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985 cũng tương tự như sự khác nhau giữa Điều 236 với Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985 như đã phân tích đối với tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

Do được tách từ tội “chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ, chất cháy, chát độc, chất phóng xạ” nên các dấu hiệu cơ bản của tội phạm này cũng tương tự như đối với tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng  mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” quy định tại Điều 232 Bộ luật hình sự và tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ quy định tại Điều 236 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ đối tượng tác động của tội phạm này là chất cháy, chất độc chứ không phải là chất phóng xạ hay vật liệu nổ.

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này hoàn toàn tương tự với chủ thể của “sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ”. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của điều luật; người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất cháy, chất độc là tội xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước đối với chất cháy, chất độc.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là chất cháy, chất độc.

 

Chất cháy là chất có đặc tính tự bốc cháy khi tiếp xúc với ôxy trong không khí, nước hoặc khi có tác động của các yếu tố khác và những chất dễ tự bốc cháy ở nhiệt độ không cao như : diêm tiêu (ka-li-ni-trat), phốt pho, thuốc đạn...

 

Chất độc là những chất có độc tính rất cao và rất có hại đối với sức khoẻ và tính mạng của con người, nếu bị nhiễm phải một liều lượng nhất định nào đó (có thể là rất ít). Những loại chất độc quy định tại bảng A như : A-cô-ni-tin và các muối của nó, kẽm Phốt-pho, Ni-cô-tin và các mối của nó, các loại muối thuỷ ngân...

 

Khi xác định đối tượng tác động có phải là chất cháy, chất độc hay không các cơ quan tiến hành tố tụng cần tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn hoặc trưng cầu giám định.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất cháy, chất độc thực hiện hành vi khách quan hoàn toàn tương tự như đối với người phạm tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ quy định tại Điều 236 Bộ luật hình sự.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất cháy, chất độc cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này nhưng việc xác định hậu quả là rất cần thiết. Nếu hậu quả xảy ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì tuỳ trường hợp, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3  hoặc khoản 4 của điều luật.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Tương tự như đối với tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ quy định tại Điều 236 Bộ luật hình sự, nếu việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng chất cháy, chất độc được phép thì không thuộc trường hợp phạm tội quy định tại Điều 238 Bộ luật hình sự.

 

Việc xác định hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán có trái phép hay không, cần căn cứ vào quy định của Nhà nước về sản xuất, quản lý, sử dụng, vận chuyển, mua bán chất cháy, chất độc.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội thực hiện hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất cháy, chất độc là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái phép (trừ hành vi chiếm đoạt) nhưng vẫn thực hiện.

 

Nếu vì lý do nào đó mà người phạm tội không nhận thức được hoặc không buộc phải nhận thức được hành vi của mình là trái phép thì không thuộc trường hợp phạm tội này.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 238 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 238 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất cháy, chất độc không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4  Điều 236 Bộ luật hình sự có thể bị phạt tù từ một năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Cũng như đối với chất phóng xạ, khoản 1 Điều 238 Bộ luật hình sự không quy định số lượng chất cháy, chất độc làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 7-1-1995 cũng không hướng dẫn số lượng bao nhiêu chất cháy, chất độc thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985. Vì vậy, nếu tội phạm này xảy ra các cơ quan tiến hành tố tụng cần căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự và các quy định của Nhà nước về quản lý chất phóng xạ để xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra để xác định hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất cháy, chất độc đã cấu thành tội phạm chưa và nếu đã cấu thành tội phạm thì thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới một năm tù; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 238 Bộ luật hình sự

 

Các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 của điều luật hoàn toàn tương tự với các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 của Điều 236 Bộ luật hình sự bao gồm: phạm tội có tổ chức; vật phạm pháp có số lượng lớn; vận chuyển, sử dụng, mua bán qua biên giới; gây hậu qủa nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm. Chỉ khác ở chỗ đối tượng tác động của tội phạm này là chất cháy, chất độc chứ không phải chất phóng xạ.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 238 Bộ luật hình sự, nếu người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới ba năm tù nhưng không được dưới một năm tù. Nếu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 238 Bộ luật hình sự

 

Cũng như đối với khoản 2 của điều luật, các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 3 của điều luật hoàn toàn tương tự với các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 3 của Điều 236 Bộ luật hình sự, đó là: vật phạm pháp có số lượng rất lớn; gây hậu qủa rất nghiêm trọng.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 238 Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, cũng là tội phạm rất nghiêm trọng, nhưng tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn trường hợp quy định tài khoản 2 của điều luật.

 

Khi quy định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật cần chú ý:

 

Nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể thì có thể được áp dụng hình phạt dưới bảy năm tù nhưng không được dưới ba năm.

 

 Nếu thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù.

 

4. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 238 Bộ luật hình sự

 

Cũng như đối với khoản 3 của điều luật, các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 4 của điều luật hoàn toàn tương tự với các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 4 của Điều 236 Bộ luật hình sự, đó là: vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 238 Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

Khi quy định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật cần chú ý:

 

Nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể thì có thể được áp dụng hình phạt dưới mười lăm năm tù nhưng không được dưới bảy năm tù.

 

 Nếu thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật hoặc tuy chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 4 nhưng tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến tù chung thân.

 

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất chất cháy, chất độc còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

 

17. TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT CHÁY, CHẤT ĐỘC   

 

Điều 239.  Tội  vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc   

1. Người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển hoặc mua bán chất cháy, chất độc gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì  bị phạt tù từ một năm đến  năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc là hành vi vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán chất chất cháy, chất độc.

 

Tội vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc là tội phạm được tách từ Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1985 và tương tự như đối với tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Điều 234 Bộ luật hình sự và tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ quy định tại Điều 237 Bộ luật hình sự.

 

So với Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 239 Bộ luật hình sự năm 1999 có những sửa đổi, bổ sung như sau:

 

Nếu khoản 1 Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “vi phạm quy định về đặt kho, bảo quản, vận chuyển, sử dụng” thì khoản 1 Điều 239 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán ”.

 

Bổ sung trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng là tình tiết định khung hình phạt quy định tại khoản 2 của điều luật; tình tiết gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1985 nay được quy định tại khoản 3 Điều 239 Bộ luật hình sự năm 1999.

 

Bỏ trường hợp phạm tội quy định tại khoản 3 của Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1985.

 

Giảm mức cao nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 1 của Điều 239 xuống còn năm năm (khoản 1 Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1985 là bảy năm) và tăng mức hình phạt thấp nhất quy định tại khoản 3 của Điều 239 lên bảy năm (khoản 2 Điều 192 Bộ luật hình sự năm 1985 là năm năm).

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Tương tự như đối với tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Điều 234 Bộ luật hình sự và tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ quy định tại Điều 237 Bộ luật hình sự, chủ thể của tội phạm này cũng là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có trách nhiệm trong việc quản lý sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán chất cháy, chất độc mới có thể là chủ thể của tội phạm này.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Tội vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán chất cháy, chất độc là tội xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước về việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán chất cháy, chất độc.

 

Tương tự như đối với tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất cháy, chất độc, đối tượng tác động của tội phạm này cũng là chất cháy, chất độc.

 

Khi xác định đối tượng tác động có phải là chất cháy, chất độc hay không các cơ quan tiến hành tố tụng cần tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn hoặc trưng cầu giám định.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc. 

 

Hành vi vi phạm quy định về việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán chất cháy, chất độc cũng tương tự với hành vi vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và hành vi vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ. Dấu hiệu cơ bản để phân biệt giữa các tội này là đối tượng tác động.

 

Khi xác định từng hành vi cụ thể của tội phạm này, cần nghiên cứu kỹ các quy định của Nhà nước về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán chất cháy, chất độc.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán chất cháy, chất độc là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành cơ bản. Nếu hành vi vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc chưa gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm này.

 

Các thiệt hại về tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác cũng tương tự như đối với tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Điều 234 Bộ luật hình sự.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Mặc dù điều luật không quy định những dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, để xác định hành vi vi phạm cũng như đối tượng tác động của tội phạm này không thể không nghiên cứu các quy định của Nhà nước về việc quản lý chất cháy, chất độc.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán chất cháy, chất độc là do vô ý.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 239 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 239 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới một năm tù; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 239 Bộ luật hình sự.

 

Khoản 3 Điều 237 Bộ luật hình sự quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình, đó là gây hậu qủa rất nghiêm trọng.

 

Do chưa có hướng dẫn thế nào là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ gây ra, nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng để xác định hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc nếu có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể thì có thể được áp dụng hình phạt dưới ba năm tù nhưng không được dưới một năm tù; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt đến mười năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 239 Bộ luật hình sự 

 

Khoản 3 Điều 237 Bộ luật hình sự quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình, đó là gây hậu qủa đặc biệt nghiêm trọng.

 

Cũng như đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 của điều luật, có thể vận dụngThông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để xác định hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, cũng là tội phạm rất nghiêm trọng nhưng mức độ nghiêm trọng cao hơn so với khoản 2 của điều luật.

 

Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc nếu có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể thì có thể được áp dụng hình phạt dưới bảy năm tù nhưng không được dưới ba năm tù; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù.

 

4. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ  một năm đến năm năm.

 

18. TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY   

 

 

Điều 240. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy  

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm  năm.

2. Phạm tội gây hậu quả  rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ  ba năm đến tám  năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.

4.   Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc  bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một  năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về phòng cháy hoặc chữa cháy.

 

Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy là tội phạm đã được quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1985. 

 

So với Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 240 Bộ luật hình sự năm 1999 có những sửa đổi, bổ sung như sau:

 

Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định “gây thiệt hại đến sức khoẻ người khác” thì Điều 240 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định “ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ người khác”.

 

Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1985 có 3 khoản và không quy định hình phạt bổ sung đối với người phạm tội còn Điều 240 có 4 khoản và quy định hình phạt bổ sung đối với người phạm tội, trong đó khoản 2 của điều luật là quy định mới với tình tiết là yếu tố định khung hình phạt là “gây hậu quả rất nghiêm trọng”

 

Về hình phạt cũng như mức hình phạt quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự năm 1999 cũng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với cơ cấu của điều luật và tình hình phòng chống loại tội phạm này trong tình hình hiện nay.

 

Nếu khoản 1 Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến một năm và hình phạt tù từ ba tháng đến ba năm, thì khoản 1 Điều 240 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm và hình phạt tù từ sau tháng đến năm năm; nếu hình phạt cao nhất quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1985 là mười năm thì mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 240 là mười hai năm.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không là chủ thể đặc biệt, chỉ cần đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự là có thể là chủ thể của tội phạm này.

 

Người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này do vô ý và không có trường hợp phạm tội nào thuộc trường hợp nào là tội đặc biệt nghiêm trọng.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy là tội xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.

Các quy định về phòng cháy, chữa cháy của Nhà nước ta có tương đối sớm, ngày 27-9-1961 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành pháp lệnh phòng cháy, chữa cháy. Từ những văn bản pháp quy đầu tiên đó, cho đến nay Nhà nước ta ban hành nhiều văn bản quy định về phòng cháy, chữa cháy cho từng lĩnh vực như: quy định về phòng cháy, chữa cháy ở các công sở, nhà hàng, khách sạn, vũ trường, nhà ga, đường hầm, trên các phương tiện giao thông vận tải…ngày 29-6-2001 tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá X Quốc hội đã thông qua Luật phòng cháy, chữa cháy và ngày 04-4-2003 Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy.

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Có thể nói, hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Biểu hiện của hành vi vi phạm là không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy.

 

Không thực hiện là không làm những quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy mà lẽ ra phải làm. Ví dụ: Vũ Văn T là nhân viên bán xăng tại cây xăng số 76 đường quốc lộ 1A. Theo quy định trong khu vực bán xăng cấm hút thuốc lá nhưng trong khi bơm xăng vào bình xăng cho khách hàng, T đã không yêu cầu khách tắt thuốc lá nên đã gây ra cháy toàn bộ cây xăng gây thiệt hại 470.000.000 đồng và làm bị bỏng 3 người với tỷ lệ thương tật của mỗi người đều trên 31%.

 

Thực hiện không đúng là tuy có thực hiện nhưng thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện sai các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Ví dụ: Theo quy định thì trong khách sạn tất cả các phòng, các lối đi đều phải có bình chữa cháy, nhưng chủ khách sạn chỉ mua sắm một số bình chữa cháy cho lấy lệ, khi xảy ra hoả hoạn đã không có đủ bình chữa cháy nên khách sạn bị cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản và làm nhiều người bị bỏng nặng.

Theo quy định của Luật phòng cháy chữa, chữa cháy thì biện pháp cơ bản trong phòng cháy, chữa cháy bao gồm: Quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất cháy, chất nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất sinh lửa, sinh nhiệt; bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy; thường xuyên, định kỳ kiểm tra phát hiện các sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và có biện pháp khắc phục kịp thời. Huy động nhanh nhất các lực lượng, phương tiện để dập tắt ngay đám cháy; tập trung cứu người, cứu tài sản và chống cháy lan; thống nhất chỉ huy điều hành chữa cháy.

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy vừa là dấu hiệu bắt buộc vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc. Dấu hiệu này cũng tương tự như đối với tội vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định tại Điều 234 Bộ luật hình sự.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

Mặc dù điều luật không quy định những dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, để xác định hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy cần phải căn cứ vào các văn bản do Nhà nước quy định về phòng cháy, chữa cháy (Luật phòng cháy, chữa cháy và Nghị định số 35/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy); các văn bản quy định về việc xác định thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương.

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy là do vô ý, tức là người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậy quả đó.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 240 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 240 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác có thể  bị bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 234 Bộ luật hình sự điều luật chỉ quy định gây thiệt hại đến tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác. Do đó ngoài thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ và tài sản thì không được coi các thiệt hại nghiêm trọng khác là hậu quả để xác định hành vi phạm tội nếu các thiệt hại đó chưa phải là hậu quả rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, tài sản của người khác, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc dưới sáu tháng tù; nếu gây thiệt hại làm chết người và còn gây thiệt hại đến sức khoẻ, tài sản nhưng chưa tới mức để truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật, có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 240 Bộ luật hình sự

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 234 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ hậu quả rất nghiêm trọng là do hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây ra.

 

Do chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây ra nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ ba năm đến tám năm, là tội phạm rất nghiêm trọng. Đây cũng là trường hợp cá biệt rất ít thấy trong Bộ luật hình sự có mức cao nhất của khung hình phạt là tám năm.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu những thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất trên mức nghiêm trọng nhưng ở mức thấp được xác định là hậu quả rất nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới ba năm tù hoặc được chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu những thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất ở mức cao được xác định là hậu quả rất nghiêm trọng, có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến tám năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 240 Bộ luật hình sự

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 234 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là do hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây ra và mức hình phạt trong khung hình phạt thấp hơn khoản 3 Điều 234 Bộ luật hình sự.

 

Khi xác định trường hợp phạm tội này cũng có thể vận dụng Thông tư liên tịch sô 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm vi phạm quy định vềphòng cháy, chữa cháy gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm, cũng là tội phạm rất nghiêm trọng nhưng mức hình phạt trong khung hình phạt cao hơn so với khoản 2 của điều luật.

 

Cũng như trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu những thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất trên mức hậu quả rất nghiêm trọng nhưng ở mức thấp được xác định là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới bảy năm tù nhưng không được dưới ba năm tù; nếu những thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất ở mức cao được xác định là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười hai năm tù.

 

4. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 240 Bộ luật hình sự

 

Trường hợp phạm tội này tương tự như đối với một số trường hợp phạm tội quy định tại khoản 4 Điều 234 Bộ luật hình sự.

 

Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chăn kịp thời là trường hợp chưa gây ra hậu quả nhưng lại được xác định trước hậu quả đó là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

Tương tự như đối với các trường hợp khác, chưa xảy ra hậu quả nhưng người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nên phải nhận thức rằng hậu quả chưa xẩy ra là do được ngăn chặn chứ không phải do hành vi phạm tội mới đe doạ xâm phạm đến các quan hệ xã hội như đối với các tội phạm có cấu thành hình thức.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 240 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 4 Điều 240 Bộ luật hình sự, nếu người phạm có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt cảnh cáo hoặc cải tạo không giam giữ. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến hai năm tù.

 

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Người phạm tội có thể chị bị áp dụng một loại hình phạt bổ sung nhưng cũng có thể bị áp dụng tất cả các loại hình phạt bổ sung quy định tại khoản 5 của điều luật.

 

19. TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ TOÀN VẬN HÀNH CÔNG TRÌNH ĐIỆN 

 

 

Điều 241.  Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện 

1. Người nào có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng  đến ba năm:

a) Cho phép xây nhà, công trình hoặc tự ý xây nhà, công trình trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình điện;

b) Gây nổ, gây cháy, đốt rừng làm nương rẫy, làm đổ cây ảnh hưởng đến an toàn vận hành công trình điện;

c) Đào hố, đóng cọc, xây nhà lên hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm;

d) Thả neo tàu, thuyền trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm đặt ở lòng sông, lòng biển đã có thông báo hoặc biển báo.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công  việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện là hành vi cho phép xây nhà, công trình hoặc tự ý xây nhà, công trình trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình điện; gây nổ, gây cháy, đốt rừng làm nương rẫy, làm đổ cây ảnh hưởng đến an toàn vận hành công trình điện; đào hố, đóng cọc, xây nhà lên hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm; thả neo tàu, thuyền trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm đặt ở lòng sông, lòng biển đã có thông báo hoặc biển báo.

 

Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện là tội phạm mới, chưa được quy định ở Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, nếu trước đây nếu có những hành vi vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện mà cấu thành một tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1985 thì người có hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng. Ví dụ: hành vi đốt rừng làm nương rẫy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng tại Điều 181 Bộ luật hình sự năm 1985 nếu đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm này. Nhưng hiện nay nếu người có hành vi đốt rừng làm nương rẫy mà ảnh hưởng đến an toàn vận hành công trình điện thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về bảo vệ rừng quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự năm 1999.

 

Về cơ bản, những hành vi vi phạm được liệt kê tại Điều 241 Bộ luật hình sự là những hành vi mới chưa được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1985.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này cũng không là chủ thể đặc biệt, chỉ cần đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự là có thể là chủ thể của tội phạm này.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ16 tuổi trở lên có thể là chủ thể của tội phạm này.

 

Nếu người có hành vi vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì phải là người đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện là tội xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về an toàn vận hành công trình điện.

Đối tượng tác động của tội phạm này là hành lang bảo vệ an toàn vận hành công trình điện.

Hành lang bảo vệ an toàn vận hành công trình điện là giải đất hoặc khoảng không gian được quy định bắt buộc xung quanh công trình điện nhằm bảo đảm an toàn vận hành cho công trình điện như: hành lang bảo vệ an toàn đường dây tải điện 500 Ki-lô-vôn Bắc-Nam; hành lang bảo vệ trạm biến áp; hành lang bảo vệ đường dây dân điện dưới lòng đất, dưới biển, dưới sông, ngòi, kênh, rạch…

Khi xác định hành vi phạm tội cần chủ ý:

Công trình điện là các công trình sản xuất ra nguồn điện bao gồm: Nhà máy thuỷ điện hoặc nhiệt điện, các máy phát điện chạy bằng năng lượng mặt trời, năng lượng nguyên tử, sức gió… và các hệ thống tải điện như: đường giây tải điện, các cột đỡ dây điện và các thiết bị phục vụ cho việc tải điện…

Đối với các công trình điện đã hư hỏng không còn được sử dụng để vận hành điện thì không thuộc đối tượng tác động của tội phạm này.

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Hành vi khách quan của tội phạm này được liệt kê cụ thể tại khoản 1 của điều luật, đó là:

 

 - Cho phép xây nhà, công trình hoặc tự ý xây nhà, công trình trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình điện.

 

- Gây nổ, gây cháy, đốt rừng làm nương rẫy, làm đổ cây ảnh hưởng đến an toàn vận hành công trình điện.

 

- Đào hố, đóng cọc, xây nhà lên hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm.

 

- Thả neo tàu, thuyền trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm đặt ở lòng sông, lòng biển đã có thông báo hoặc biển báo.

 

Các hành vi trên có thể là hành vi khách quan của một số tội phạm khác. Nếu các hành vi trên vừa cấu thành tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điệnvừa cấu thành tội phạm khác thì tuỳ trường hợp mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả hai tội hoặc chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội. Về nguyên tắc, nếu hành vi cấu thành nhiều tội khác nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội nặng nhất, nhưng cũng có thể người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tất cả các tội mà họ đã thực hiện. Ví dụ: A tàng trữ trái phép chất nổ và do hành vi tàng trữ trái phép này dẫn đến gây nổ làm hư hại toàn bộ trạm biến áp thiệt hại hơn 750 triệu đồng thì A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội, đó là tội tàng trữ trái phép chất nổ và tội vi phạm quy định về quy định về an toàn vận hành công trình điện. Tuy nhiên, nếu hành vi tàng trữ một lượng chất nổ chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì A chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện vừa là dấu hiệu bắt buộc vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc. Dấu hiệu này cũng tương tự như đối với tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

Để xác định hành vi có vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện hay không nhất thiết phải căn cứ vào các văn bản do Nhà nước quy định về an toàn vận hành công trình điện, về hành lang bảo vệ an toàn vận hành công trình điện.

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện là do vô ý, tức là người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậy quả đó.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 241 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 241 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện mà gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khác với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 240 Bộ luật hình sự điều luật không quy định gây thiệt hại đến tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác mà quy định gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện gây ra là những thiệt hại nghiêm trọng về vật chất và phi vật chất. Do chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện gây ra nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện gây ra.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc dưới sáu tháng tù; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 241 Bộ luật hình sự

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 234 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ hậu quả rất nghiêm trọng là do hành vi vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện gây ra.

 

Do chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện gây ra nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù hai năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới hai năm tù hoặc được chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 241 Bộ luật hình sự

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 240 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là do hành vi vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ năm năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới năm năm tù nhưng không được dưới hai năm tù; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.

 

4. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 240 Bộ luật hình sự

 

Trường hợp phạm tội này tương tự như đối với một số trường hợp phạm tội quy định tại khoản 4 Điều 240 Bộ luật hình sự.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 241 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 4 Điều 241 Bộ luật hình sự, nếu người phạm có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt cảnh cáo hoặc cải tạo không giam giữ. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến hai năm tù.

 

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

 

20. TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH, SẢN XUẤT, PHA CHẾ THUỐC, CẤP PHÁT THUỐC, BÁN THUỐC HOẶC DỊCH VỤ Y TẾ KHÁC  

 

 

Điều 242.  Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác  

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

 

Định nghĩa: Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác là hành vi khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc tuy có phép nhưng thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác. 

 

Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác là tội phạm đã được quy định tại Điều 196 Bộ luật hình sự năm 1985.

 

So với Điều 196 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 242 Bộ luật hình sự năm 1999 có những sửa đổi, bổ sung như sau:

 

Về tội danh, nếu Điều 196 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định vi phạm về chữa bệnh, chế thuốc, bán thuốc, thì Điều 242 Bộ luật hình sự năm 1999 bổ sung thêm hành vi vi phạm về khám bệnh, sản xuất, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác; sửa khái niệm “chế thuốc” bằng khái niệm “pha chế thuôc” và bỏ cụm từ “gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

Về các dấu hiệu cấu thành tội phạm cơ bản quy định tại khoản 1 của điều luật cũng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm này và phù hợp với các quy định khác của Bộ luật tố tụng hình sự như: đối tượng áp dụng Điều 242 không bao gồm trường hợp vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự; bổ sung tình tiết là yếu tố định tội theo hướng phi hình sự hoá mà Điều 196 Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định dấu hiệu “hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm”.

 

Điều 242 Bộ luật hình sự bổ sung thêm khoản 2 với tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng” là yếu tố định khung hình phạt; khoản 2 của Điều 196 chuyển thành khoản 3 Điều 242.

 

Về hình phạt, khoản 1 Điều 242 Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là năm năm (khoản 1 Điều 196 là bảy năm); bổ sung hình phạt tiền là hình phạt bổ sung (Điều 218 chỉ quy định hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề). 

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có trách nhiệm trong việc khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác mới có thể là chủ thể của tội phạm này.

 

Nếu hành vi vi phạm chưa gây thiệt hại đến tính mạng hoặc chưa gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác thì người có hành vi vi phạm phải là người đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác là tội xâm phạm đến trật tự quản lý  của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Các quy định này chủ yếu do Bộ Y tế ban hành. Khi xác định hành vi phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ nghiên cứu các văn bản quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, mà cần tham khảo ý kiến của cơ quan y tế có thẩm quyền.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này chính là các quy định của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội này chỉ thực hiện một hành vi khách quan duy nhất là hành vi vi phạm, nhưng tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội vi phạm các quy định khác nhau có người chỉ vi phạm quy định về khám bệnh, có người vi phạm quy định về chữa bệnh, có người lại vi phạm quy định về sản xuất thuốc, về pha chế thuốc, về cấp phát thuốc, về bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.

 

Một người có thể chỉ vi phạm quy định về một lĩnh vực, nhưng có thể vi phạm quy định về nhiều lĩnh vực khác nhau như: vừa vi phạm quy định về khám bệnh, vừa vi phạm quy định về chữa bệnh. Đây là tội phạm mà nhà làm luật quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau. Vì vậy, khi định tội danh cần chú ý: Người phạm tội vi phạm quy định nào thì định tội danh theo hành vi vi phạm đó. Ví dụ: A vi phạm quy định về khám bệnh và chữa bệnh thì định tội là “vi phạm về khám bệnh và chữa bệnh”, B vi phạm quy định về pha chế thuốc, cấp phát thuốc thì định tội là “ vi phạm quy định về pha chế thuốc và cấp phát thuốc” mà không định tội danh đầy đủ như điều luật quy định.

 

Vi phạm là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng những quy định của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác là thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác.

 

Hậu quả vừa là dấu hiệu bắt buộc vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc.

 

Là dấu hiệu bắt buộc nếu người có hành vi vi phạm chưa bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích. Thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác là làm cho người khác bị tổn hại đến sức khoẻ có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên. Vì vậy, trong trường hợp thiệt hại chỉ là sức khoẻ thì nhất thiết phải trưng cầu giám định để xác định tỷ lệ thương tật của người bị hại.

 

Không phải là dấu hiệu bắt buộc trong trường hợp người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

Ngoài hành vi, hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, nhà làm luật còn quy định một dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc, đó là hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác là thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự thì người có hành vi vi phạm mới thuộc trường hợp phạm tội này.

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác là do vô ý.

 

Tội phạm này trước khi có Bộ luật hình sự năm 1985 được quy định là tội vô ý làm chết người hoặc vô ý gây thương tích nặng cho sức khoẻ người khác. Do tính chất của hành vi và đặc điẻm của người vi phạm nên khi soạn thảo Bộ luật hình sự năm 1985 nhà làm luật quy định hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác là tội phạm độc lập.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 242 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 242 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác có thể bị phạt tù từ một năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khoản 1 Điều 242 Bộ luật hình sự chỉ quy định gây thiệt hại đến tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác mà không quy định gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, ngoài thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ của người khác thì không coi các thiệt hại khác dù đó là hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới một năm tù; nếu gây thiệt hại cho tính mạng của người khác hoặc tuy chỉ gây thiệt hại cho sức khoẻ của người khác nhưng gây cho nhiều người hoặc tuy chỉ đối với một người nhưng có tỷ lệ thương tật trên 81% hoặc vừa gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, vừa đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 242 Bộ luật hình sự

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 241 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ hậu quả rất nghiêm trọng là do hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác gây ra.

 

Do chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác gây ra nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác gây ra. Tuy nhiên, các thiệt hại được coi là hậu quả rất nghiêm trọng chủ yếu là những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và những thiệt hại phi vật chất khác.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới ba năm tù nhưng không được dưới một năm; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 242 Bộ luật hình sự

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 241 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là do hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, cũng là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới bảy năm tù nhưng không được dưới ba năm tù; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù.

 

4. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu động, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

 

21. TỘI PHÁ THAI TRÁI PHÉP

 

Điều 243. Tội phá thai trái phép 

1. Người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người đó hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

 

Định nghĩa: Phá thai trái phép là hành vi thực hiện việc phá thai cho người khác không được cơ quan có thẩm quyền cho phép gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người đó. 

 

Tội phá thai trái phép là tội phạm mới chưa được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1985. Nhưng như vậy không có nghĩa là tội phá thai trái phép chưa từng được quy định trong lịch sử lập pháp của nước ta. Trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1985 hành vi phá thai trái phép đã được quy định là tội phạm và người có hành vi phá thai trái phép đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Sau khi Bộ luật hình sự năm 1985 có hiệu lực tội phá thai trái phép không còn nhưng hành vi phá thái trái phép mà gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ của người có thai bị phá thì tuỳ trường hợp người có hành vi phá thai trái phép bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về chữa bệnh gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 196 Bộ luật hình sự năm 1985 hoặc tội vô ý làm chết người tại Điều 104 hoặc tội vô ý gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của người khác tại Điều 110 Bộ luật hình sự năm 1985.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Mặc dù hành vi phá thai trái phép liên quan đến hành vi chữa bệnh và các quy định của Nhà nước về chữa bệnh nhưng chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt (chỉ những người thầy thuốc) mà chủ thể của tội phạm này còn có thể là khác không phải là thầy thuốc như: thầy lang, thầy bói hoặc chỉ là người dân bình thường. Tuy nhiên, để là chủ thể của tội phạm này phải đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự.

 

Nếu hành vi phá thai trái phép chưa gây thiệt hại đến tính mạng hoặc chưa gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác thì người có hành vi phá thai trái phép phải là người đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Tội phá thai trái phép tuy trực tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của con người nhưng không phải vì thế mà cho rằng tội phạm này xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của con người, vì tính mạng, sức khoẻ của con người (người phụ nữ mang thai) chỉ là hậu quả của hành vi phá thai trái phép, cái mà tội phạm nhằm vào là tật tự quản lý của Nhà nước về việc phá thai.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này không phải là thai nhi, cũng không phải là tính mạng, sức khoẻ của người phụ nữ mang thai mà là các quy định của Nhà nước về phá thai.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội này chỉ thực hiện một hành vi khách quan duy nhất là hành vi phá thai trái phép. Tuy nhiên, để thực hiện việc phá thai người phạm tội có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau như: cho uống thuốc để thai nhi chết, dùng các dụng cụ để lấy thai nhi ra ngoài dạ con của người phụ nữ…

 

Trái phép là không được phép của cơ Nhà nước có thẩm quyền. Nếu được phép phá thai nhưng do vi phạm các quy định về phá thai gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người mang thai thì không phải là hành vi phá thai trái phép, mà tuỳ trường hợp người có hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác quy định tại Điều 242 Bộ luật hình sự.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi phá thai trái phép là thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người phụ nữ có thai.

 

Hậu quả vừa là dấu hiệu bắt buộc vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc.

 

Là dấu hiệu bắt buộc nếu hành vi phá thai trái phép chưa bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích. Thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người phụ nữ có thai bị phá là làm cho người này bị tổn hại đến sức khoẻ có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên. Vì vậy, trong trường hợp thiệt hại chỉ là sức khoẻ thì nhất thiết phải trưng cầu giám định để xác định tỷ lệ thương tật của người có thai bị phá trái phép.

 

Không phải là dấu hiệu bắt buộc trong trường hợp người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

Ngoài hành vi, hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, nhà làm luật không còn quy định dấu hiệu khách quan nào khác là dấu hiệu bắt buộc, nhưng khi xác định  hành vi phá thai có trái phép hay không, nhất thiết phải căn cứ vào các quy định của Nhà nước về việc phá thai. Các quy định này chủ yếu do Bộ Y tế ban hành.

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện hành vi phá thai trái phép là do vô ý, tức là người phạm tội tuy thấy hành vi phá thai trái phép của mình có thể gây ra hậu quả làm người phụ nữ có thai bị chết hoặc gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người này, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc không thấy hành vi phá thai trái phép của mình có thể gây ra hậu quả làm người phụ nữ có thai bị chết hoặc gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người này, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậy quả đó.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 243 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 243 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội phá thai trái phép có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ một năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Cũng tương tự như một số trường hợp khác, khoản 1 Điều 243 Bộ luật hình sự chỉ quy định gây thiệt hại đến tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người phụ nữ có thai mà không quy định gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, ngoài thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ của người phụ nữ có thái bị phá thì không coi các thiệt hại khác dù đó là hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người phụ nữ có thai hoặc chưa gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người phụ nữ có thai nhưng đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc được phạt dưới một năm tù; nếu gây thiệt hại cho tính mạng của người phụ nữ có thai bị phá hoặc tuy chỉ gây tổn hại cho sức khoẻ của người này nhưng có tỷ lệ thương tật trên 81% hoặc vừa gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người này, vừa đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 243 Bộ luật hình sự

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 242 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ hậu quả rất nghiêm trọng là do hành vi phá thai trái phép gây ra.

 

Cũng như một số trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi phá thai trái phép gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới ba năm tù; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 243 Bộ luật hình sự

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 242 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là do hành vi phá thai trái phép gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, cũng là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới bảy năm tù nhưng không được dưới ba năm tù; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù.

 

4. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu động, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

 

22. TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM 

 

Điều 244.  Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm 

1. Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ một năm đến năm  năm.

2.  Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến  mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công  việc nhất định từ một  năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm là hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng.

 

Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm là tội phạm đã được quy định tại Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1985.

 

So với Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 244 Bộ luật hình sự năm 1999 có những sửa đổi, bổ sung như sau:

 

Về tên tội danh, nếu Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “vệ sinh thực phẩm” thì Điều 244 quy định “ vệ sinh an toàn thực phẩm”.

 

Do tội danh có bổ sung từ “an toàn” nên điều văn của điều luật cũng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp như:

 

Nếu khoản 1 Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “biết rõ là thực phẩm mất phẩm chất” thì khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định “biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn”; nếu khoản 1 Điều 197 quy định: “gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ người tiêu dùng” thì khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định “gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng”

 

Bổ sung tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng là yếu tố định khung hình phạt quy định tại khoản 2 của Điều 244 Bộ luật hình sự năm 1999, khoản 2 của Điều 197 chuyển thành khoản 3 của điều luật.

 

Về hình phạt, khoản 1 Điều 197 có mức cao nhất của khung hình phạt là bảy năm, còn khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự năm 1999 là năm năm; 

 

Quy định thêm hình phạt bổ sung phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng mà Điều 218 Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định đối với tội phạm này.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ người đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này là tội phạm mà người thực hiện hành vi của mình là do vô ý và không có trường hợp nào là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tuy trực tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của con người nhưng khách thể của tội phạm này không phải xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của con người, vì tính mạng, sức khoẻ của con người cũng chỉ là hậu quả của hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, cái mà tội phạm nhằm vào là tật tự quản lý của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này thực phẩm mà người phạm tội thông qua đó xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội này chỉ thực hiện một hành vi khách quan duy nhất là hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Vi phạm các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước. Hành vi vi phạm được biểu hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau như:

 

- Chế biến thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn;

 

Cung cấp hoặc bán thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm là thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng.

 

Nếu hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm chưa gây thiệt hại đến tính mạng hoặc chưa gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng thì người có hành vi chưa bị coi là hành vi phạm tội.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

Ngoài hành vi, hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, nhà làm luật còn quy định dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc, đó là tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiêu chuẩn này Chính phủ hoặc do Bộ Y tế ban hành. Vì vậy, khi xác định hành vi đã vi phạm các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm hay chưa cần phải căn cứ vào tiêu chuẩn vệ sinh an toàn đối với từng loại thực phẩm do Nhà nước quy định.

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

Mặc dù điều luật quy định người thực hiện hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm phải biết rõ là thực phẩm do mình chế biến, cung cấp hoặc bán không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, nhưng không vì thế mà cho rằng tội phạm này là do cố ý, vì người phạm tội tuy biết rõ thực phẩm do mình chế biến, cung cấp hoặc bán không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn có thể gây ra cho người tiêu dùng chết hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm có thể bị phạt tù từ một năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Cũng tương tự như một số trường hợp khác, khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự chỉ quy định gây thiệt hại đến tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng mà không quy định gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, ngoài thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ của người tiêu dùng thì không coi các thiệt hại khác dù đó là hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới một năm tù; nếu gây thiệt hại cho tính mạng của người tiêu dùng hoặc tuy chỉ gây tổn hại cho sức khoẻ của người tiêu dùng nhưng có tỷ lệ thương tật trên 81% hoặc dưới 81% nhưng gây cho nhiều người và tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người cộng lại từ 81% trở lên và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 243 Bộ luật hình sự

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 243 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ hậu quả rất nghiêm trọng là do hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm gây ra.

 

Cũng như một số trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm  gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới ba năm tù nhưng không được dưới một năm tù; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 244 Bộ luật hình sự

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 243 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là do hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, cũng là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới bảy năm tù nhưng không được dưới ba năm tù; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù.

 

4. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu động, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

 

23. TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG 

 

 

Điều 245.  Tội gây rối trật tự công cộng 

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;

b) Có tổ chức;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

 

Định nghĩa: Gây rối trật tự công cộng là hành vi làm náo động trật tự ở nơi công cộng.

 

Tội gây rối trật tự công cộng là tội phạm đã được quy định từ rất sớm trong các Sắc luật của Chính phủ trước đây và được Bộ luật hình sự năm 1985 quy định tại Điều 198. Tuy nhiên, qua thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm này trong nhiều năm, trong từng giai đoạn khác nhau nhà làm luật đã kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội.

 

So với Điều 198 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 245 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội phạm này có những sửa đổi, bổ sung như sau:

 

Nếu khoản 1 Điều 198 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “người nào gây rối trật tự nơi công cộng” thì khoản 1 Điều 245 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định “người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm”. Việc sửa đổi, bổ sung này đã làm cho phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây rối trật tự công cộng giám đi nhiều.

 

Bổ sung một số tình tiết là yếu tố định khung hình phạt quy định tại khoản 2 của Điều 245 Bộ luật hình sự năm 1999 mà khoản 2 của Điều 198 chưa quy định như: có tổ chức; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; tái phạm nguy hiểm. Sửa đổi tình tiết “lôi kéo, kích động người khác” thành tình tiết: “xúi dụcngười khác” 

 

Về hình phạt, khoản 1 Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1985 có mức cao nhất của hình phạt cải tạo không giam giữ là một năm, còn khoản 1 Điều 245 Bộ luật hình sự năm 1999 là hai năm; mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 198 là một năm còn khoản 2 Điều 245 là hai năm.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ người đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

Nếu hành vi gây rối trật tự công cộng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì người có hành vi chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Tội gây rối trật tự công cộng là tội xâm phạm đến an toàn công cộng, đến các quy tắc, sinh hoạt, đi lại, làm việc, vui chơi…ở nơi công cộng.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội thực hiện hành vi gây rối bằng nhiều phương thức khác nhau như: tập trung đông người ở nơi công cộng gây náo động làm mất trật tự công cộng; đuổi đánh nhau, hò hét gây náo động ở nơi công cộng; đập phá các công trình ở nơi công cộng, đập phá các tài sản trong các, quán ăn, quán giải khái có đông người. v.v…

 

Khi xác định hành vi gây rối trật tự cần phải phân biệt với hành vi tuy có gây rối trật tự công cộng nhưng đã cấu thành một tội khác thì người có hành vi gây rối chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng mà họ đã thực hiện, mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng. Ví dụ: Hai tốp thanh niên đuổi đánh nhau trong đó có Trần Văn H; trong khi đuổi đánh nhau, hò hét gây náo động đường phố thì Trần Văn H đã dùng dao nhọn mang theo đâm chết Bùi Văn T là một trong số thanh niên tham gia đánh nhau. Mặc dù Trần Văn H có hành vi gây rối trật tự công cộng nhưng từ việc gây rối mà H đã thực hiện hành vi giết người và tội giết người là tội phạm nặng hơn tội gây rối trật tự công cộng nên H chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người.

 

Nói chung, để có thể gây rối trật tự công cộng thì phải có nhiều người, nhưng không phải bao giờ trong vụ án gây rối trật tự công cộng cũng có người tham gia mà có thể chỉ do một người thực hiện. Ví dụ: Vũ Văn T là đối tượng đã có người tiền án, tiền sự. Ngày 7-11-2005, T cùng bạn gái vào rạp xem phim; trong lúc đang chiếu phim thì T lấy thuốc lá ra hút, mọi người xung quanh yêu cầu T tắt thuốc lá nhưng T không những không nghe mà còn dở thói côn đồ, chửi bới, lăng mạ mọi người xung quanh, gây mất trật tự trong rạp, buổi chiếu phim phải dừng lại để ổn định trật tự, đèn trong rạp bật sáng, mọi người nhận ra T là tên lưu manh đã có nhiều tiền án, tiền sự; anh Phạm Văn H là người cùng phố với T đã đến khuyên T không nên có thái độ càn quấy ở trong rạp, nhưng T không nghe mà còn chửi anh H rất thậm tệ, rồi túm cổ áo anh H định đánh thì những người làm nhiệm vụ bảo vệ trong rạp kịp thời tới can ngăn và đưa T ra khỏi rạp. Do hành vi gây mất trật tự của T nên buổi chiếu phim bị giãn đoạn hơn 30 phút.

 

Thực tiễn xét xử cho thấy, đối với hành vi gây rối trật tự công cộng thường là hành vi khởi đầu cho những hành vi phạm tội khác kế tiếp như: giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản… Tuy nhiên, cũng có trường hợp từ hành vi phạm tội khác mà dẫn đến hành vi gây rối trật tự công cộng như: tổ chức đua xe trái phép, đua xe trái phép, đánh bạc, vi phạm các quy định về điều khiển phương giao thông đường bộ… Những người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rỗi trong các trường hợp này là người có liên quan đến hành vi phạm tội khác nhưng vì không đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm đó.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi  gây rối trật tự công cộng là thiệt hại vật chất và pơhi vật chất được xác định là nghiêm trọng cho xã hội.

 

Hậu quả vừa là dấu hiệu bắt buộc, vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.

 

Là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc chưa bị kết án về tội này hoặc tuy đã bị kết án về tội này nhưng đã được xoá án tích.

 

Không phải là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

 

Theo hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao thì coi là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi gây rối trật tự công cộng nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

 

- Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ ;

- Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên;

- Làm chết người hoặc gây thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ cho người khác với tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên.

- Gây cho nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên;

- Gây cho người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên;

- Gây cho nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệuđồng trở lên.

 

- Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khoẻ và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không18.

 

Khi xác định hậu quả của hành vi phạm tội cần chú ý: có thể trong vụ án gây rối trật tự công cộng thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản đã là hậu quả của hành vi phạm tội khác và người phạm tội khác đó đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác nhưng vẫn được tính là hậu quả nghiêm trọng của hành vi gây rối để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi gây rối. Ví dụ: A, B, C và D vào quán của chị H uống bia hơi, trong khi uống bia A,B,C,D đã gây rối làm náo loạn quan bia, trong lúc gây rối, A đã lấy cốc và vỏ chai bia ném người khác làm hư hỏng tài sản của chị H trị giá 12 triệu đồng, còn C đã dùng dao đâm anh Q  làm anh Q bị thương có tỷ lệ thương tật là 45%. Mặc dù trong vụ án này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác và C bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích nhưng thiệt hại về sức khoẻ của anh Q và thiệt hại về tài sản của chị H đều được tính để xác định hậu quả nghiêm trọng về hành vi gây rối của B và D.

c. Các dấu hiệu khách quan khác

Ngoài hành vi, hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, nhà làm luật không quy định dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, khi xác định hành vi phạm tội gây rối cần nghiên cứu các quy định của Nhà nước về các quy tắc về trật tự ở nơi công cộng. 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng là do cố ý.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 245 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 245 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội gây rối trật tự công cộng thì có bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt tiền; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến hai năm tù.

 

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 245 Bộ luật hình sự

 

a. Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách.

 

- Dùng vũ khí khi thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng là dùng các loại vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn và vũ khí thô sơ theo Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành theo Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996 của Chính phủ) .

 

Vũ khí quân dụng là các loại súng trường, súng ngắn, súng liên thanh; các loại pháo, dàn phóng, bệ phóng tên lửa, súng cối, hoá chất độc và nguồn phóng xạ, các loại đạn; bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thuỷ lôi, vật liệu nổ quân dụng, hoả cụ và vũ khí khác dùng cho mục đích quốc phòng- an ninh.

 

Vũ khí thể thao là các loại súng trường, súng ngắn thể thao chuyên dùng các cỡ; các loại súng hơi, các loại vũ khí khác dùng trong luyện tập, thi đấu thể thao và các loại đạn dùng cho các loại súng thể thao nói trên.

 

Vũ khí thô sơ là dao găm, kiếm, giáo, mác, đinh ba, đại đao, mã tấu, quả đấm bằng kim loại hoặc chất cứng, cung, nỏ, côn các loại và các loại khác do Bộ Nội vụ ( nay là Bộ Công an) quy định.

 

- Có hành vi phá phách là trường hợp trong khi thực hiện hành vi gây rối, người phạm tội đã có hành vi đập phá tài sản nhưng thiệt hại về tài sản chưa đến mức cấu thành tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác. Nếu hành vi phá phách gây thiệt hại về tài sản đã cấu thành tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này ngoài tội gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật hình sự, vì thiệt hại về tài sản do hành vi phá phách đã bị truy cứu về tội độc lập.

 

b. Có tổ chức.

 

Cũng như đối với các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, phạm tội gây rối trật tự công cộng có tổ chức là trường hợp nhiều người cố ý cùng thực hiện một tội phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức.

 

c. Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng.

 

- Gây cản trở giao thông nghiêm trọng là gây cản trở giao thông từ 2 giờ trở lên hoặc gây cản trở giao thông ở những tuyến giao thông quan trọng, làm ách tắc giao thông trên diện rộng (không phân biệt thời gian bao lâu)19

- Gây đình trệ hoạt động công cộng là trường hợp do hành vi gây rối mà hoạt động công cộng bị đình trệ như: phải tạm dừng buổi chiếu phim; phải tạm dừng trận thi đấu bóng đá, bóng chuyền hoặc các môn thể thao khác; phải tạm dừng cuộc họp Hội đồng nhân dân.v.v… không phân biệt thời gian bị đình trệ dài hay ngắn.

 

d. Xúi giục người khác gây rối.

 

Xúi dục người khác gây rối là hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện hành vi gây rối. Tuy nhiên, hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện hành vi gây rối nhưng không thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức với vai trò là người xúi dục trong vụ án đồng phạm. Tuy nhiên khi xác định hành vi xúi dục người khác gây rối cần phải chú ý:

 

Nếu việc xúi dục không liên quan trực triếp đến hành vi gây rối của Toà án cấp phúc thẩm thì không phải là người xúi dục người khác gây rối. Ví dụ: Bùi Thế H đi đón con ở trường về thấy hai tốp thanh niên đang đuổi đánh nhau trên đường Cát Linh, H liền hô: đánh bỏ mẹ nó đi ! nói xong, H chở con về nhà. Sau đó hai tốp thành niên vẫn đuổi đánh nhau làm náo động đường phố, ách tắc giao thông. Hành vi của H tuy có vẻ xúi dục người khác gây rối, nhưng không phải vì câu nói đó mà làm cho hai tốp thành niện mới có hành vi gây rối, không có câu nói này của H thì hai tốp thanh niên dã đuỏi đánh nhau rồi, dù H có hô hay không hô câu "đánh bỏ mẹ nó đi" thì cũng không làm thay đổi ý định tội phạm của só thanh niên này, nên không thể coi H là người xúi dục gây rối được.

 

đ. Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng.

 

Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng là trường hợp trong khi thực hiện hành vi gây rối, có người can ngăn hoặc yêu cầu chấm dứt hành vi gây rối nhưng người có hành vi gây rối chẳng những không nghe mà còn có hành vi hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng.

 

Khi xác định tình tiết này cần chú ý: nếu người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng là người đang thi hành công vụ, có nhiệm vụ bảo vệ trật tự nơi công cộng mà người phạm tội có hành vi hành hung đối với người này thì thuộc trường hợp chống người thi hành công vụ ; nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người thi hành công vụ thì thuộc trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự.

 

e. Tái phạm nguy hiểm.

 

Là trường hợp người phạm tội bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, hoặc tái phạm, chưa được xoá án mà lại phạm tội do cố ý. Như vậy, đối với tội gây rối trật tự công cộng người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm chỉ có thể là người đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội gây rối trật tự công cộng, vì đối với tội phạm này không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới hai năm tù hoặc được chuyển sang hình phạt tiền; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

 

 

24. TỘI XÂM PHẠM THI THỂ, MỒ MẢ, HÀI CỐT 

 

 

Điều 246.  Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt 

1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ  ba tháng đến  hai năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt là hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.

 

Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt là tội phạm đã được quy định tại Điều 204 Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, qua thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm này nhà làm luật đã bổ sung thêm hành vi “xâm phạm thi thể” cũng là hành vi phạm tội. Đây là sự khác nhau duy nhất so với Điều 204 Bộ luật hình sự năm 1985.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt, chỉ cần đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ người đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt là tội xâm phạm đến trật tự, an toàn đối với thi thể, phần mộ và hài cốt của người đã chết và thông qua đó đã xâm phạm đến phong tục, tập quán, truyền thống của dân tộc Việt Nam.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội thực hiện một trong các hành vi sau đây:

Đào, phá mồ mả là hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng mồ mả, làm cho mồ mà không còn nguyên vẹn như trước. Hành vi đào, phá mồ mả được thực hiện dưới nhiều phương thức khác nhau và với những động cơ, mục đích khác nhau như: để lấy những đồ vật quý hiếm mà thân nhân người quá cố cho vào quan tài chôn cùng với người quá cố; để trả thù thân nhân người quá cố; để che giấu hành vi phạm tội… Tuy nhiên, nếu hành vi đào, phá mồ mả, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội  không đáng kể thì không coi là hành vi phạm tội như: đào mộ để bắt chuột, bắt rắn; đập phá một vài hoa tiết trang trí trên mộ…

 

Chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ

 

Hành vi chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ thường đi kèm với hành vi đào, phá mồ mả (đào phá mồ mả để chiếm đoạt những đồ vật để trong quan tài), nhưng cũng có trường hợp  người phạm tội không đào, phá mồ mả nhưng vẫn chiếm đoạt được những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ như: lợi dụng việc đổi mộ (bốc hài cốt) đã chiếm đoạt đồ trang sức chôn theo người chết; lấy các đồ vật có giá trị để trên mộ (bát hương, lọ hoa, di ảnh…)

 

Các hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt

 

Ngoài hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ thì các hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt cũng được coi là hành vi phạm tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.

 

Hành vi khác nói ở đây là bất cứ hành vi nào mà xâm phạm đến thi thể, mồ mả, hài cốt như: đánh tráo thi thể, lấy các bộ phận của thi thể, đánh tráo hoặc chiếm đoạt hài cốt, chia sẻ hài cốt. v.v…

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cứ xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt cũng bị coi là hành vi phạm tội mà chỉ những hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến thi thể, mồ mả, hài cốt mới bị coi là hành vi phạm tội.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

Đối với tội phạm này nhà làm luật không quy định dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, khi xác định hành vi phạm tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt cần chú ý đến phong tục, tập quán, truyền thống của từng địa phương, từng dân tộc để xác định hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt đã nghiêm trọng tới mức cần truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa, vì trong lĩnh vực này là vẫn đề nhậy cảm, không phải cứ truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi xâm phạm mới có tác dụng giáo dục, phòng ngừa tội phạm mà việc truy cứu trách nhiệm hình sự còn phải căn cứ vào phong tục, tập quán, đời sống tâm linh của những người thân của người quá cố.  

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt là do cố ý.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 246 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 246 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thì có bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ  ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến hai năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 246 Bộ luật hình sự

 

Khoản 2 của điều luật nhà làm luật chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt gây hậu quả nghiêm trọng. Việc xác định thế nào là hậu quả nghiêm trọng do hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt không giống với các trường hợp phạm tội khác, vì như đã phân tích ở trên, tội phạm này không chỉ gây ra những thiệt hại về vật chất mà chủ yếu xâm phạm đến đời sống tinh thần của người thân của người quá cố. Do đó, khi xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt gây ra; nếu là thiệt hại về vật chất thì có thể tham khảo Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng để xác định trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt gây ra; nếu là thiệt hại phi vật chất thì phải căn cứ vào tình hình chính trị, xã hội, phong tục, tập quán ở từng địa phương, từng dân tộc, đời sống tâm linh của người thân đối với người đã quá cố.

 

Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ một năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới một năm tù hoặc chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

 

25. TỘI HÀNH NGHỀ MÊ TÍN, DỊ ĐOAN   

 

Điều 247. Tội hành nghề mê tín, dị đoan 

1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích  mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu  tháng đến ba năm.

2. Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

 

Định nghĩa: Hành nghề mê tín, dị đoan là hành vi dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác.

 

Tội hành nghề mê tín, dị đoan là tội phạm đã được quy định tại Điều 199 Bộ luật hình sự năm 1985. So với Điều 199 thì Điều 247 Bộ luật hình sự năm 1999 có những sửa đổi, bổ sung như sau:

 

Tội danh quy định tại Điều 247 Bộ luật hình sự năm 1999 bỏ cụm từ “gây hậu quả nghiêm trọng” vì trường hợp chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích  mà còn vi phạm thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Bổ sung tình tiết là yếu tố định tội, đó là trong trường hợp chưa gây hậu quả nghiêm trọng mà người có hành vi hành nghề mê tín, dị đoan đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì vẫn bị coi là hành vi phạm tội.

 

Về hình phạt chính ở khoản 1 của điều luật, bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính, tăng mức hình phạt cải tạo không giam giữ từ một năm lên ba năm, tăng mức thấp nhất của khung hình phạt tù quy định tại khoản 1 từ ba tháng lên sáu tháng, tại khoản 2 từ hai năm lên 3 năm.

 

Về hình phạt bổ sung, bỏ loại hình phạt quản chế hoặc cấm cư trú và hình phạt tịch thu một phần tài sản, nhưng tăng mức hình phạt tiền từ một triệu đến năm triệu lên từ ba triệu đến ba mươi triệu.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt, chỉ cần đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này.

 

 

Người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này quy định tại khoản 2 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

Nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người có hành vi hành nghề mê tín, dị đoan phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích  mà còn vi phạm thì mới là chủ thể của tội phạm này.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Tội hành nghề mê tín, dị đoan là tội xâm phạm đến trật tự nếp sống văn minh của xã hội.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội thực hiện hành vi hành nghề mê tín, dị đoan bằng các hình thức như: dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác.

 

Mê tín, dị đoan là tin vào một điều mà không có căn cứ, không có cơ sở khoa học (tin một cách mù quáng), cho rằng có những sự việc nhất định đem lại hành phúc hoặc gây ra tai hoạ như: cho rằng giữa người sống và người chết có thể nói chuyện với nhau được thông qua việc lên đồng; nghe thấy tiếng chim lợn kêu thì sẽ có người sắp chết; tin vào bói toán; v.v…

 

Hành nghề mê tín, dị đoan là lấy việc thu nhập chủ yếu bằng việc bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác. Nếu việc bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác chỉ có tính chất nhất thời hoặc không vì mục đích lấy việc bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác để kiếm sống thì không gọi là hành nghề.

 

Bói toán là đoán về quá khứ và tương lai. Có nhiều kiểu bói như: vào xem hát chèo đang diễn, gặp hồi vui thì cho là vận hay, gặp hồi buồn thì cho là vận xấu (bói chèo); đoán quẻ trong kinh dịch (bói dịch); gieo quẻ bằng ba đồng tiền (bói gieo, bói quẻ); mở truyện Kiều ra, rồi căn cứ vào cảnh tả trong một số câu trong truyện mà đoán hay hoặc dở (bói Kiều); xem các nét trên mai con rùa để đoán điều hay điều dở (bói rùa); căn cứ vào ngày tháng năm sinh, vào chỉ tay, lông mày, nốt ruồi hoặc các đặc điểm khác trên cơ thể để đoán số mệnh (bói số); rút thẻ rồi căn cứ vào các bài thơ, đoạn văn ghi sẵn trong số thể rồi đoán (bói thẻ).v.v…

 

Đồng bóng là hình thức cúng lễ có người cho thần thánh, hồn ma nhập vào (người ngồi đồng) rồi thông qua người này để nói về quá khứ, hiện tại, tương lai của người sống như là “thánh phán”. Hình thức mê tín, dị đoan này chủ yếu xảy ra ở các đền, chùa hoặc ở nhà riêng của người hành nghề mê tín dị đoạn (lập điện thờ)

 

Các hình thức mê tín, dị đoan khác

 

Ngoài hành vi bói toán, đồng bóng thì bát kỳ hình thức mê tín, dị đoan nào mà người phạm tội sử dụng để kiếm sống đều bị coi là hành nghề mê tín, dị đoan như: yểm bùa, cúng giải hạn, cúng trừ tà ma, chữa bệnh bằng những khả năng thần bí không có căn cứ khoa học.v.v…

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi hành nghề mê tín, dị đoan vừa là dấu hiệu bắt buộc vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc.

 

Là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính về hành vi hành nghề mê tín, dị đoan hoặc chưa bị kết án về tội này hoặc tuy đã bị kết án về tội này nhưng đã được xoá án tích.

 

Không phải là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

 

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi hành nghề mê tín, dị đoan là những thiệt hại nghiêm trọng về vật và phi vật chất cho xã hội. Do chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi hành nghề mê tín, dị đoan gây ra, nên có thể tham khảo Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng để xác định trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi hành nghề mê tín, dị đoan gây ra.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

Đối với tội phạm này nhà làm luật không quy định dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, khi xác định hành vi hành nghề mê tín, dị đoan cần phân biệt với đời sống tâm linh, quyền tự do tín ngưỡng; mê tín, dị đoan mới bị Nhà nước cấm, còn tự do tín ngưỡng là quyền của mọi người được pháp luật bảo vệ.

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện hành vi hành nghề mê tín, dị đoan là do cố ý.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 247 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 247 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội hành nghề mê tín, dị đoan có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu người phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vừa gây hậu quả nghiêm trọng vừa đã bị đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm,  và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 247 Bộ luật hình sự

 

Khoản 2 của điều luật nhà làm luật chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là hành nghề mê tín, dị đoan gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nhà làm luật không quy định tình tiết hành nghề mê tín, dị đoan gây hậu quả rất nghiêm trọng là yếu tố định khung hình phạt. Do đó nếu hành vi hành nghề mê tín, dị đoan gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 của điều luật nhưng khi quyết định hình phạt người phạm tội có thể bị phạt với mức hình phạt cao hơn trường hợp chỉ gây hậu quả nghiêm trọng néu các tình tiết khác của vụ án như nhau.

 

Việc xác định thế nào là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi hành nghề mê tín, dị đoan gây ra, có thể tham khảo Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng để xác định trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi hành nghề mê tín, dị đoan gây ra.

 

Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới ba năm; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.

 

3. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

 

26. TỘI ĐÁNH BẠC   

 

Điều 248.  Tội đánh bạc 

1. Người nào đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 249 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

 

Định nghĩa: Đánh bạc là tham gia trò chơi có được thua bằng tiền hoặc tài sản dưới bất kỳ hình thức nào.

 

Tội đánh bạc là tội phạm đã được quy định rất sớm ngay từ sau khi Nhà nước ta được thành lập (Sắc lệnh số 168-SL ngày 14-4-1948), nhằm mục đích chặn tay địch và những phần tử thuộc các giái cấp báoc lột lúc bấy giờ mới bị hạn chế về mặt bóc lột, chưa bị thủ tiêu, dùng cờ bạc vào những mục đích phá hoại, đầu độc, bóc lột nhân dân, làm cho một số người sao lãng nhiệm vụ cách mạng.

 

Qua từng thời kỳ cách mạng, đường lối xử lý đối với người phạm tội đánh bạc cũng thay đổi, nhưng các dấu hiệu cấu thành tội đánh bạc vẫn không có gì thay đổi.

 

Bộ luật hình sự năm 1985 quy định tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một điều luật ( Điều 200). Bộ luật hình sự năm 1999 quy định tội đánh bạc tại Điều 248 còn tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc được quy định tại Điều 249. Việc tách tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thành hai điều luật riêng là nhằm cá thể hoá trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội do yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm này.

 

Điều 248 Bộ luật hình sự năm 1999 được cấu tạo từ khoản 1 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 1985 và có sửa đổi, bổ sung như sau:

 

Bổ sung tình tiết là yếu tố định tội, đó là: tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc phải có giá trị lớn, nếu chưa có giá trị lớn thì người đánh bạc phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 249 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì mới cấu thành tội đánh bạc.

 

Bổ sung các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt và được quy định tại điểm a và b khoản 2 của điều luật như:có tính chất chuyên nghiệp; tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn.

 

Bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính quy định tại khoản 1 của điều luật, tăng mức hình phạt cải tạo không giam giữ từ một năm lên ba năm; hình phạt bổ sung được quy định trong cùng một điều luật và tăng mức phạt từ một triệu đến năm triệu lên từ ba triệu đến ba mươi triệu; bỏ hình phạt tịch thu một phần tài sản mà Điều 218 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định đối với tội phạm này.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt, chỉ cần đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này vì tội phạm này là tội phạm do cố ý và không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

 

Nếu số tiền hoặc tài sản dùng để đánh bạc có giá trị không lớn thì người có hành vi hành đánh bạc phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc và hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì mới là chủ thể của tội phạm này.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Cũng như đối với tội hành nghề mê tín, dị đoan, tội đánh bạc là tội xâm phạm đến trật tự nếp sống văn minh của xã hội, vì tội đánh bạc cũng là một tệ nạn của xã hội.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội thực hiện hành vi đánh bạc bằng nhiều hình thức khác nhau. Nếu trước đầy đánh bạc chủ yếu là bằng hình thức tổ tôm, xóc đĩa, bài tây thì bây giờ có rất nhiều hình thức đánh bạc như: chới số đề, cá độ bóng đá, chọi gà, cá độ đua ngựa, đua xe… thủ đoạn phạm tội cũng rất tinh vi.

 

Theo điều văn của điều luật thì người có hành vi đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật đều bị coi là hành vi phạm tội. Tuy nhiên, trong thực tế không phải cứ tham gia trò chơi nào được thua bằng tiền hay hiện vật đều bị coi là hành vi phạm tội. Hiện nay các cơ quan, tổ chức có nhiều hình thức vui chơi giải trí có được thua bằng tiền hay hiện vật đều nhưng bị coi là hành vi phạm tội đánh bạc như: chơi sổ xố, lô tô, casino… các trò chơi này đựơc Nhà nước cho phép nên không coi là hành vi phạm tội. Cũng chính vì vậy, có ý kiến cho rằng, Điều 248 và Điều 249 Bộ luật hình sự cần được sử dụng theo hướng thêm cụm từ “trái phép” vào điều văn của điều luật. Ví dụ:Người nào đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trái phép… hoặc người nào tham gia bất kỳ trò chơi nào được thua bằn tiền hay hiện vật trái phép… Ngược lại, có ý kiến cho rằng không cần phải quy định thuật ngữ trái phép, vì các trò chơi được thua bằng tiền hay hiện vật mà được Nhà nước cho phép thì không gọi là đánh bạc. Khi nói đến đánh bạc là đã bao hàm yếu tố trái phép rồi; không ai nói chơi sổ xố là đánh bạc cả. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề học thuật còn thực tiễn xét xử không vướng mắc về vấn đề có được phép hay không được phép.

 

b. Hậu quả

 

Hậu quả của hành vi đánh bạc không phải là dấu hiệu bắt buộc và cũng không phải là yếu tố định khung hình phạt, mặc dù hành vi đánh bạc có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội như: do đánh bạc mà tan cửa nát nhà, do đánh bạc mà dẫn đến các hành vi phạm tội khác như trộm cắp, cướp giật, cướp, cưỡng đoạt, cố ý gây thương tích, giết người, gây rối trật tự công cộng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, cho vay lãi nặng. v.v… Nhà làm luật không quy định hậu quả là yếu tố định tội hoặc yếu tố định khung hình phạt không phải vì không tháy trước được hậu quả do hành vi đánh bạc gây ra cho xã hội, mà hậu quả do hành vi đánh bạc gây ra hầu hết đã cấu thành tội phạm độc lập và tội phạm đó bao giờ cũng nguy hiểm hơn tội đánh bạc. Do đó, nếu hành vi đánh bạc mà dẫn đến những hành vi phạm tội khác thì người phạm tội còn bị truy cứu về các tội phạm tương ứng.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

Đối với tội phạm này nhà làm luật không quy định hậu quả là dấu hiệu bắt buộc nhưng lại quy định giá trị tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

Nếu hành vi đánh bạc, mà giá trị tiền hay hiện vật dùng vào việc đánh bạc có giá trị được xác định chưa phải là lớn và người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc và hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc hoặc chưa bị kết án về một trong các tội này, hoặc đã bị kết án về các tội phạm này nhưng đã được xoá án tích thì chưa bị coi là phạm tội đánh bạc.

Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc có giá trị lớn là tiền hoặc hiện vật có giá trị từ một triệu đồng đến dưới mười triệu đồng bao gồm:

- Tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;

- Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng để đánh bạc;

- Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng để đánh bạc.

 

Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc

Trường hợp một người đánh bạc với nhiều người khác nhau (như trường hợp chơi số đề), thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc đối với người đánh bạc với nhiều người là tổng số tiền, giá trị hiện vật mà họ và những người đánh bạc khác dùng để đánh bạc; còn đối với người tham gia đánh bạc với người này là tiền, giá trị hiện vật mà bản thân họ và người đó cùng dùng để đánh bạc20.

Mặc dù đã có hướng dẫn tương đối cụ thể, nhưng thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp Toà án xác định không thống nhất về số tiền, giá trị hiện vật trong trường hợp chơi số đề. Để áp dụng thống nhất đúng tình thần hướng dẫn tại Nghị quyết số 02 ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, theo chúng tôi thì:

 

- Đối với chủ đề và người “thư ký” đề, thì chỉ tính một lần số tiền hoặc giá trị hiện vật mà họ dùng vào việc chơi đề với nhiều người. Ví dụ: A là chủ đề chơi với 20 người, mỗi người chơi với A là 1.000.000 đồng với tỷ lệ 1/70, thì chỉ tính số tiền mà A dùng để chơi đề với 20 người là 70.000.000 đồng, và như vậy tổng số tiền dùng để đánh bạc trong vụ án này là 90.000.000 đồng (20 triệu đồng của 20 người và 70 triệu đồng của A).

 

- Trường hợp, chỉ bắt được người chơi đề, mà không xác định được chủ đề hoặc “ thư ký” đề, thì số tiền hoặc giá trị tài sản dùng vào việc đánh bạc là số tiền hoặc tài sản mà người chơi đề dùng vào việc chơi đề. Ví dụ: Cơ quan điều tra bắt được B, khám người thấy trong túi B có một mảnh giấy (phơi đề) có ghi 3.000.000 đồng, nhưng Cơ quan điều tra không bắt được chủ đề hoặc “thư ký” đề, thì số tiền mà B dùng để đánh bạc được xác định là 3.000.000 đồng.

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện hành vi đánh bạc là do cố ý.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 248 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 248 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội đánh bạc có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu người phạm tội vừa đánh bạc với số tiền hay hiện vật có giá trị lớn, vừa đã bị đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 248 Bộ luật hình sự

 

a. Có tính chất chuyên nghiệp

 

Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc phạm tội là nguồn sống chính cho mình.

 

Phạm tội đánh bạc có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc đánh bạc là nguồn sống chính cho mình.

 

Việc xác định một người đánh bạc có tính chất chuyên nghiệp cũng không đơn giản, bởi lẽ việc đánh bạc là xuất phát từ các trò chơi, nhiều người đam mê tới mức không thể bỏ được như nghiện thuốc lá, nghiện rượu… Nhưng không phải trường hợp nào cũng coi hành vi đánh bạc của họ là có tính chất chuyên nghiệp; có người chơi số đề, cá độ bóng đá được cũng nhiều, thua cũng không ít, họ thường xuyên đánh bạc không thể nhớ được bao nhiêu lần nhưng cũng không thể coi là đánh bạc có tính chất chuyên nghiệp, vì họ không lấy việc đánh bạc là nguồn sống chính. Cũng đã có một thời gian để xác định một người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ căn cứ vào số lần phạm tội nhiều hay ít mà không căn cứ vào yếu tố quan trọng là lấy việc phạm tội là nguồn sống chính. Vì vậy, khi xác định tình tiết phạm tội này, không chỉ căn cứ vào số lần phạm tội mà phải căn cứ vào tính chất của hành vi và mục đích của người phạm tội, và cũng chỉ nên coi là phạm tội đánh bạc có tính chất chuyên nghiệp trong trường hợp rõ ràng như: người phạm tội không có nghề nghiệp, lấy việc đánh bạc là nguồn sống chính cho bản thân và gia đình.

 

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

 

Trường hợp phạm tội này không khó xác định, chỉ căn cứ vào giá trị tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn. Tuy nhiên, nhà làm luật quy định hai tình tiết có mức độ nghiêm trọng khác nhau là yếu tố định khung hình phạt trong cùng một khung hình phạt, xét về kỹ thuật lập pháp là không khoa học, đây cũng không phải là trường hợp cá biệt mà một số tội phạm khác cũng có tình trạng như vậy.

Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn là:

- Tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng là có giá trị rất lớn:

- Tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc có giá trị từ một trăm triệu đồng trở lên là có giá trị đặc biệt lớn21.

 

c. Tái phạm nguy hiểm.

 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự thì tái phạm nguy hiểm là trường hợp người phạm tội bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, hoặc tái phạm, chưa được xoá án mà lại phạm tội do cố ý.

 

Như vậy, đối với tội đánh bạc người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm chỉ có thể là người đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội đánh bạc, vì đối với tội phạm này không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật; tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc có giá trị rất lớn và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới hai năm tù hoặc được chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật; tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc có giá trị đặc biệt lớn, có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.Toà án

 

3. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội đánh bạc còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

 

Khi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội đánh bạc cần chú ý: chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung nếu không áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính.

 

Nói chung, trong tình hình phạm tội đánh bạc hiện nay, các Toà án rất ít áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính, mà chủ yếu áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung và hầu hết đối với người phạm tội đánh bạc đều bị phạt tiền ngaòi hình phạt chính.

 

27. TỘI TỔ CHỨC ĐÁNH BẠC HOẶC GÁ BẠC   

 

Điều 249. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc

1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 248 của Bộ luật  này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm,  thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến ba trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các  trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn  có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Định nghĩa: Tổ chức đánh bạc là chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, cưỡng bức, đe dọa người khác tham gia trò chơi có được thua bằng tiền hoặc tài sản dưới bất kỳ hình thức nào. Gá bạc là chứa việc đánh bạc để thu tiền (tiền hồ)

 

Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc cũng như tội đánh bạc, là tội phạm đã được quy định rất sớm và đều gọi chung là tội “cờ bạc”, sau này mới tách ra các hành vi khác nhau: đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc nhưng vẫn quy định cùng trong một điều luật.

 

Bộ luật hình sự năm 1985 quy định tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một điều luật ( Điều 200). Bộ luật hình sự năm 1999 quy định tội đánh bạc tại Điều 248 còn tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc được quy định tại Điều 249.

 

Tuy nhiên, hành vi tổ chức đánh bạc và hành vi gá bạc vẫn quy định trong cùng một điều luật. Vì vây, khi định tội phải tuỳ trường hợp mà định tội là tội tổ chức đánh bạc hay tội gá bạc. Ví dụ: nếu chỉ có hành vi tổ chức đánh bạc thì định tội là “tổ chức đánh bạc”, nếu chỉ có hành vi gá bạc thì định tội là “gá bạc” nếu có cả hành vi tổ chức đánh bạc và gá bạc thì định tội là “tổ chức đánh bạc và gá bạc” (thay liên từ hoặc bằng liên từ và), vì nếu định tội “tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” thì chưa xác định bị cáo phạm tội gì ? 

 

Điều 249 Bộ luật hình sự năm 1999 được cấu tạo từ khoản 2 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 1985 và có sửa đổi, bổ sung như sau:

 

Bổ sung tình tiết là yếu tố định tội, đó là: tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc “với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 248 của Bộ luật  này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” thì mới cấu thành tội cấu thành đánh bạc hoặc gá bạc.

 

Bổ sung các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt và được quy định tại điểm a và b khoản 2 của điều luật như:có tính chất chuyên nghiệp; thu lợi bất chính lớn, rát lớn hoặc đặc biệt lớn.

 

Bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính quy định tại khoản 1 của điều luật; hình phạt bổ sung được quy định trong cùng một điều luật và tăng mức phạt từ một triệu đến năm triệu lên từ năm triệu đến một trăm triệu và bổ sung hình phạt tịch thu toàn bộ tài sản mà Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định tịch thu một phần tài sản..

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Cũng tương tự như tội đánh bạc, chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt, chỉ cần đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

Nếu số tiền hoặc tài sản dùng để đánh bạc có giá trị không lớn thì người có hành vi hành đánh bạc phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc và hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì mới là chủ thể của tội phạm này.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Cũng như đối với tội hành nghề mê tín, dị đoan và tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc là tội xâm phạm đến trật tự nếp sống văn minh của xã hội, vì cờ bạc nói chung và tổ chức hoặc gá bạc nói riêng cũng là một tệ nạn của xã hội.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Tội phạm này nhà làm luật quy định hai hành vi khách quan khác nhau nhưng lại có liên quan với nhau, đó là hành vi tổ chức đánh bạc và hành vi gá bạc.

 

Tổ chức đánh bạc là chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, cưỡng bức, đe dọa người khác tham gia trò chơi có được thua bằng tiền hoặc tài sản dưới bất kỳ hình thức nào. Khi xác định hành vi tổ chức đánh bạc cần phân biệt với trường hợp phạm tội có tổ chức là một hình thức đồng phạm quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự và là yếu tố định khung hình phạt quy định tại một số điều luật. Hành vi tổ chức đánh bạc cũng tương tự như một số hành vi tổ chức phạm tội khác như: tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép quy định tại Điều 275 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội tổ chức đánh bạc thì người phạm tội phải tổ chức ít nhất là từ hai người trở lên đánh bạc, vì việc đánh bạc phải có từ hai người trở lên mới đánh bạc được, không ai đánh bạc với chính mình cả.

 

Hành vi tổ chức đánh bạc là hành vi tổ chức việc đánh bạc, người đánh bạc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc nhưng cũng có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc nhưng người tổ chức việc đánh bạc nếu đủ yếu tố cấu thành tội tổ chức đánh bạc thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc.

 

Nếu người có hành vi tổ chức ra việc đánh bạc để thoả mãn việc đánh bạc của mình và cùng tham gia đánh bạc với những người mà mình tổ chức để đánh bạc thì người tổ chức đánh bạc chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội đánh bạc, mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc. Ví dụ: Hoàng Ng là con bạc thường xuyên đi đến nhà Vũ Mạnh Q đánh “ba cây” ăn tiền; ngày 15-6-2005 Ng đã bị Công an quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội phạt hành chính. Ngày 10-12-2004, vợ con của Ng về quê ngoại; ở nhà một mình, Ng rủ Vũ Mạnh Q, Bùi Quốc C  và Đinh Trọng N đến nhà Ng để đánh bạc ăn tiền. Đánh được từ 9 giờ đến 14 giờ thì bị Công an phường bắt, thu trên chiếu bạc 5.000.000 đồng và các phương tiện dùng để đánh bạc. Trong trường hợp này, hành vi của Ng là hành vi tổ chức đánh bạc nhưng vì Ng tổ chức ra cuộc chơi bạc này là để mình cũng được đánh bạc nên Ng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc.

 

Gá bạc là dùng địa điểm (nhà ở, cửa hàng, khách sạn, phòng trọ, tầu, xe, thuyền, bè…) đang do mình quản lý sử dụng để cho người khác đánh bạc thu tiền (tiền hồ). Hành vi gá bạc có nơi còn gọi là chứa gá bạc hoặc chứa bạc. Nếu chỉ căn cứ vào việc dùng địa điểm mà mình đang quản lý sử dụng cho người khác đánh bạc thì hành vi này tương tự như hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý có thể lấy tiền hoặc không lấy tiền, còn hành vi gá bạc (chứa chấp việc đánh bạc) nhất thiết phải lấy tiền (tiền hồ) thì mới bị coi là gá bạc; nếu vì nể nang mà cho người khác dùng địa điểm đang do mình quản lý, sử dụng để đánh bạc thì không bị coi là gá bạc. Như vậy, dấu hiệu bắt buộc để xác định có hành vi gá bạc hay không là có thu tiền hồ hay không.

 

Người có hành vi gá bạc có thể đồng thời là người tổ chức đánh bạc, nhưng có thể người tổ chức đánh bạc và người gá bạc khác nhau.

 

Nếu người gá bạc mà còn cùng tham gia đánh bạc thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả tội đánh bạc nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội đánh bạc. 

 

b. Hậu quả

 

Cũng tương tự như đối với tội đánh bạc, nhà làm luật không quy định hậu quả do hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc gây ra là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt, nếu hậu quả do hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc gây ra cấu thành tội phạm độc lập thì người phạm tội còn bị truy cứu về các tội phạm tương ứng.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

Hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc chỉ bị coi là tội phạm khi việc tổ chức hoặc gá bạc đó được xác định là với quy mô lớn. Nếu hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc chưa được xác định là với quy mô lớn và người phạm tội chưabị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc và hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc hoặc chưa bị kết án về một trong các tội này, hoặc đã bị kết án về các tội phạm này nhưng đã được xoá án tích thì chưa bị coi là phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.

Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì hành vi  tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thuộc một trong các trường hợp sau đây được xác định  là “với quy mô lớn”:

- Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một lúc cho từ mười người đánh bạc trở lên hoặc cho từ hai chiếu bạc trở lên;

- Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; khi đánh bạc có phân công người canh gác, người phục vụ, có sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện như ô tô, xe máy, xe đạp, điện thoại... để trợ giúp cho việc đánh bạc;

- Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc trong cùng một lúc có giá trị từ mười triệu đồng trở lên.

 

- Người tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thuộc trường hợp chưa đến mức được hướng dẫn trên, nhưng nếu tổng số tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc có giá trị từ một triệu đồng đến dưới mười triệu đồng thì tuy họ không phải chịu trách nhiệm hình sự về “tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” nhưng họ phải chịu trách nhiệm hình sự về đồng phạm tội đánh bạc22.

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội tổ chức đánh bạc hạơc gá bạc thực hiện hành vi của mình là do cố ý.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 249 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 249 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến ba trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thực hiện một hành vi khách quan và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt tiền; nếu người phạm tội vừa tổ chức đánh bạc vừa gá bạc với quy mô lớn, vừa đã bị đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 249 Bộ luật hình sự

 

a. Có tính chất chuyên nghiệp

 

Tương tự như tội đánh bạc, phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc là nguồn sống chính cho mình.

 

b) Thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

 

Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì:

- Thu lợi bất chính từ năm triệu đồng đến dưới mười lăm triệu đồng là lớn;

- Thu lợi bất chính từ mười lăm triệu đồng đến dưới bốn mươi lăm triệu đồng là rất lớn;

- Thu lợi bất chính từ bốn mươi lăm triệu đồng trở lên là đặc biệt lớn23.

 

c. Tái phạm nguy hiểm.

 

Tương tự như trường hợp tái phạm nguy hiểm đối với người phạm tội đánh bạc, người phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là người đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 249 Bộ luật hình sự hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.

 

Như vậy, nếu một người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm thì họ phải bị áp dụng tình tiết “tái phạm nguy hiểm” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 249 và tình tiết tương ứng mà họ thực hiện. Ví dụ: Trần Thị Tuyết Nh đã bị kết án về tội mua bán chất ma tuý thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 194 Bộ luật hình sự, chưa được xoá án tích lại phạm tội tổ chức đánh bạc thuộc trường hợp thu lợi bất chính 20 triệu đồng, nên Trần Thị Tuyết Nh bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điểm b và c khoản 2 Điều 249 Bộ luật hình sự. 

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật; nếu thu lợi bất chính chỉ thuộc trường hợp lớn và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới ba năm tù hoặc được chuyển sang hình phạt tiền; nếu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật; thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn, có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.

 

3. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội đánh bạc còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Khi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội đánh bạc cần chú ý: chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung nếu không áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính.

 

Việc áp dụng hình phạt tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản chỉ nên áp dụng đối với trường hợp người phạm tội thu lợi bất chính đặc biệt lớn, là người tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc chuyên nghiệp.

 

28. TỘI CHỨA CHẤP HOẶC TIÊU THỤ TÀI SẢN DO NGƯỜI KHÁC PHẠM TỘI MÀ CÓ   

 

Điều 250. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có  

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm .

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b)  Có tính chất chuyên nghiệp ;

c) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn;

d)  Thu lợi bất chính lớn;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị rất lớn;

b) Thu lợi bất chính rất lớn.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn;

b) Thu lợi bất chính đặc biệt lớn.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.

 

Định nghĩa: Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là hành vi của người biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có tuy không hứa hẹn trước nhưng vẫn cất giữ, bảo quản, sử dụng, mua bán, trao đổi.  

 

Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, là tội phạm đã được quy định tại Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân ban hành ngày 21-10-1970. 

 

Bộ luật hình sự năm 1985 quy định tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có tại Điều 201 nhưng phạm vi áp dụng rộng hơn so với hai pháp lệnh ban hành ngày 21-10-1970, không chỉ đối với tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản riêng của công dân mà còn cả những tài sản khác và cũng không chỉ chứa chấp, tiêu thụ cho người phạm tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và người xâm phạm tài sản riêng của công dân mà cho tất cả các hành vi phạm tội.

 

So với Điều 201 Bộ luật hình sự năm 1985 và có sửa đổi, bổ sung như sau:

 

Về cơ cấu, ngoài hình phạt bổ sung, Điều 250 Bộ luật hình sự năm 1999 cấu tạo thành 4 khoản tương ứng với 4 khung hình phạt (Điều 201 có 3 khoản);

 

Bổ sung các tình tiết “tài sản, vật phạm pháp có giá trị rất lớn, đặc biệt lớn; thu lợi bất chính lớn, rất lớn, dặc biệt lớn” là yếu tố định khung hình phạt; bỏ tình tiết “tài sản, vật phạm pháp có số lượng lớn; phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng” là yếu tố định khung hình phạt.

 

Bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính quy định tại khoản 1 của điều luật và tăng mức hình phạt cải tạo không giam giữ lên ba năm; hình phạt bổ sung được quy định trong cùng một điều luật và tăng mức phạt từ một triệu đến năm triệu lên từ ba triệu đến ba mươi triệu và bổ sung hình phạt tịch thu toàn bộ tài sản mà Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định tịch thu một phần tài sản.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này cũng không phải chủ thể đặc biệt, chỉ cần đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này.

 

Người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là tội xâm phạm đến trật tự quản lý Nhà nước đối với tài sản do phạm tội mà có. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, tội phạm này lại chủ yếu xâm phạm đến hoạt động điều tra, thu hồi tài sản có nguồn gốc do phạm tội mà có; nhiều trường hợp hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có đã gây ảnh hưởng đến việc điều tra phát hiện tội phạm, có trường hợp làm cho việc điều tra phát hiện bị bế tắc phải tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra vì không thu hồi được tài sản do phạm tội mà có. Vì vậy, theo ý kiến này thì nhà làm luật nên quy định tội phạm này ở Chương XXII (các tội xâm phạm hoạt động tư pháp) sẽ phù hợp hơn. Hy vọng rằng, ý kiến này sẽ được xem xét khi có chủ trương sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự vào thời gian tới.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Tội phạm này nhà làm luật quy định hai hành vi phạm tội khác nhau nhưng lại có liên quan với nhau, đó là hành vi chứa chấp và hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Vì vậy, khi xác định tội danh (định tội) cần chú ý: nếu người phạm tội chỉ thực hiện hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có hoặc chỉ thực hiện hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì chỉ định tội “chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có” hoặc tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” chứ không định tội như điều luật quy định “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có” vì như vậy thì không biết người phạm tội phạm tội gì ? Nếu người phạm tội thực hiện cả hai hành vi chứa chấp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì định tội là “chứa chấp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. 

 

Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có là trường hợp biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn cất giữ, bảo quản; việc cất giữ, bảo quản có thể ở bất cứ địa điểm nào; có trường hợp chỉ cất giữ trong túi áo, túi quần hoặc trong người. Nếu tài sản do người khác phạm tội mà có lại là đối tượng phạm tội của tội phạm khác thì người có hành vi chứa chấp tài sản đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng mà Bộ luật hình sự quy định đối với hành vi tàng trữ các loại tài sản đó. Ví dụ: Đào Thị L biết rõ Nguyễn Văn T trộm cắp được một gói thuốc phiện có trọng lượng là 0,5 kg. T nhờ L giữ hộ khi nào cần thì L sẽ lấy. Khi Cơ quan điều tra khám nhà L vì L có hành vi tổ chức đánh bạc thì phát hiện 0,5 kg thuốc phiện. L khai của T gửi. Hành vi cất giữ 0,5 kg thuốc phiện của Đào Thị L là hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng L không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự.

 

Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn nhận hoặc mua để dùng, nhận để bán lại hoặc giới thiệu người khác mua, chuyển tài sản đó cho người khác theo yêu cầu của người phạm tội. v.v…Cũng như đối với trường hợp chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có, nếu người phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tài sản đó là đối tượng của tội phạm khác thì người có hành vi tiêu thụ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo quy định của Bộ luật hình sự. Ví dụ: Bùi Văn H là thủ kho vật liệu nổ của Công ty Z175 đã lấy thuốc nổ trong kho đem gạ bán cho Đỗ Trung Q. Q biết rõ thuốc nổ mà H gạ bán cho mình là thuốc nổ do H chiếm đoạt nhưng vẫn mua. Hành vi tiêu thụ thuốc nổ do H phạm tội mà có của Q sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “mua bán trái phép vật liệu nổ” quy định tại Điều 232 Bộ luật hình sự. 

 

Dù là chứa chấp hay tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì người chứa chấp hoặc tiêu thụ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này nếu họ không hứa hẹn trước. Nếu người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ có hứa hẹn trước với người phạm tội thì họ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hình sự về tội phạm mà người phạm tội thực hiện để có tài sản mà họ chứa chấp hoặc tiêu thụ.

 

Việc xác định hành vi có hứa hẹn trước hay không hứa hẹn trước của người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong một số trường hợp rất khó. Trước năm 1989, người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có tuy không hứa hẹn trước nhưng cứ chứa chấp hoặc tiêu thụ nhiều lần của một người phạm tội thì bị coi là đồng phạm với người phạm tội. Tuy nhiên, qua thực tiễn xét xử việc xác định đồng phạm trong trường hợp này rõ ràng là không đúng nên Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn lại là: dù người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà bao nhiêu lần nhưng không có hứa hẹn trước thì cũng không coi là đồng phạm với người khác do phạm tội mà có tài sản đó. 

 

Như vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có phải là người không hứa hẹn trước với người khác do phạm tội mà có tài sản đó. Nếu có căn cứ xác định người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có lại là người đã hứa hẹn trước với người khác do phạm tội mà có tài sản đó thì người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản đó là đồng phạm cới người do phạm tội mà có tài sản đó (người khác phạm tội gì thì người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản phạm tội đó).

 

b. Hậu quả

 

Đối với tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, nhà làm luật không quy định hậu quả do hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có gây ra là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt. Tuy nhiên, nếu hậu quả do hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có gây ra cấu thành tội phạm độc lập thì người phạm tội còn bị truy cứu về các tội phạm tương ứng.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

Đối với tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nhà làm luật không quy định thêm các dấu hiệu khách quan khác là yếu tố cấu thành tội phạm hoặc là yếu tố định khung hình phạt. Tuy nhiên, khi xác định hành vi chứa chấp hạơc tiêu thụ trong một số trường hợp cần chú ý: nếu người khác tuy có hành vi phạm tội nhưng hành vi đó chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cũng chưa cấu thành tội phạm. Ví dụ: Hồ Trung H tộm cắp được một chiếc xe đạp Trung Quốc trị giá 460.000 đồng đem bán cho Trần Thị D chuyên buôn bán xe đạp cũ lấy 200.000 đồng. D biết chiếc xe đạp mà H bán cho mình là do H trộm cắp nhưng vẫn mua. Sau một thời gian H bị bắt về hành vi trộm cắp xe máy, H khai đã bán cho D chiếc xe đạp trộm cắp trước đó. Cơ quan điều tra đến thu hồi chiếc xe đạp trả lại cho người mất nhưng không khởi tố Trần Thị D về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có vì nếu chỉ tính hành vi trộm cắp xe đạp của H thì chưa cấu thành tội phạm vì giá trị chiếc xe đạp chưa đến 500.000 đồng và trước khi H thực hiện hành vi trộm cắp chiếc xe đạp thì H cũng chưa bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản và hành vi trộm cắp chiếc xe đạp của H cũng chưa gây hậu quả nghiêm trọng.

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài do người khác phạm tội mà có thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức là biết rõ tài sản mà mình chứa chấp hoặc tiêu thụ là tài do người khác phạm tội mà có. Nếu vì một lý do nào đó mà họ không biết thì hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản đó không bị coi là hành vi phạm tội.

 

Việc xác định người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài có biết rõ là do người khác phạm tội mà có hay không là một vấn đề khó, vì họ không bao giờ tự nhận là mình biết rõ tài sản mà họ chứa chấp hoặc tiêu thụ tài là tài sản do người khác phạm tội mà có và thường khai rằng, nếu biết đó là của gian thì không bao giờ cất giữ hoặc tiêu thụ cả. Vì vậy, để xác định người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài có biết rõ là do người khác phạm tội mà có hay không phải căn cứ vào các tình tiết khách quan mà đặc biệt là nhân thân và mối quan hệ giữa họ với người có tài sản do phạm tội mà có. Thông thường để xác định người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản có biết rõ là tài sản đó do người khác phạm tội mà có hay không phải căn cứ vào việc giao dịch giữa người chứa chấp hoặc tiêu thụ với người có tài sản. Ví dụ: Lê Văn K biết Vũ Quốc H là con bạc đã nhiều lần đem xe đạp đến bán cho mình, K biết những chiếc xe đạp mà H bán cho mình là do đánh bạc mà có. Ngày 20-10-2005 Vũ Quốc H đem một chiếc xe máy đến nhờ K bán hộ; tuy không hỏi nhưng K biết rõ chiếc xe máy mà H nhờ mình bán hộ là do đánh bạc mà có nên nhận lời với H là cứ để đấy có ai mua sẽ bán hộ. Sau khi vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc bị phát hiện, theo lời khai của H, Cơ quan điều tra đến thu hồi chiếc xe máy mà H nhờ K bán hộ thì K khai rằng không biết xe do H phạm tội mà có. Tuy nhiên, căn cứ vào mối quan hệ giữa K và H, Cơ quan điều tra vẫn kết luận K biết rõ chiếc xe máy mà H nhờ K bán là tài sản do H phạm tội mà có.

 

Điều luật quy định “biết rõ là do người khác phạm tội mà có” nhưng không vì thế mà cho rằng, người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản phải biết người phạm tội là ai và họ phạm tội gì, mà chỉ cần biết rõ tài sản mà mình chứa chấp hoặc tiêu thụ là tài sản do người khác phạm tội mà có. Nhà làm luật quy định “do người khác phạm tội” mà không quy định “do phạm tội” là bảo đảm tính chuẩn xác, vì nếu chỉ nói do phạm tội là chưa đủ vì hành vi phạm tội có thể do một tổ chức, cơ quan thực hiện nhưng theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam thì không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cơ quan, tổ chức. Vì vậy, nếu người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản không do người khác phạm tội mà có thì cũng không bị coi là hành vi phạm tội. 

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 250 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 250 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng .

 

Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 250 Bộ luật hình sự

 

a. Có tổ chức.

 

Cũng như trường hợp phạm tội có tổ chức khác, phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có tổ chức là trường hợp có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức.

 

Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có tổ chức thường được biểu hiện như: chuẩn bị kho, bãi chứa hàng, tổ chức mạng lưới tiêu thụ, làm giả giấy tờ, mua hoá đơn, chứng từ, mua chuộc cán bộ có chức vụ, quyền hạn  để tiêu thụ tài sản dễ dàng…

 

b. Có tính chất chuyên nghiệp.

 

Cũng tương tự như trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khác, chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là nguồn sống chính cho mình.

 

c. Tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn.

 

Đây là trường hợp người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có mà tài sản mà họ chứa chấp hoặc tiêu thụ có giá trị lớn. Do chưa có hướng dẫn tài sản, vật phạm pháp có giá trị bao nhiêu thì được coi là lớn nên có thể tham khảo các quy định của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm sở hữu để xác định tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn. Ví dụ: chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và tình tiết này được quy định trong cùng một khung hình phạt với tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng trong một số tội phạm xâm sở hữu nên có thể coi tài sản, vật phạm pháp có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng là tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn.

 

d.  Thu lợi bất chính lớn.

 

Trường hợp phạm tội này có thể coi tương tự như trường hợp phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thu lợi bất chính lớn nên có thể vận dụng Nghị quyết số 02/2003 NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn trường hợp thu lợi bất chính lớn đối với tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, cụ thể là: Thu lợi bất chính do hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có từ năm triệu đồng đến dưới mười lăm triệu đồng là thu lợi bất chính lớn.

đ. Tái phạm nguy hiểm.

 

Tương tự như trường hợp tái phạm nguy hiểm đối với người phạm các tội khác, người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là người đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 250 Bộ luật hình sự hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

 

Như vậy, người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thuộc trường hợp tai phạm nguy hiểm chỉ có thể là trường hợp đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, vì nếu đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 250 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 của điều luật rồi.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới hai năm tù hoặc được chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 250 Bộ luật hình sự

 

a. Tài sản, vật phạm pháp có giá trị rất lớn.

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 của điều luật, chỉ khác ở chỗ: tài sản, vật phạm pháp mà người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ có giá trị rất lớn.

 

Được coi là tài sản, vật phạm pháp mà người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ có giá trị rất lớn là trường hợp tài sản, vật phạm pháp mà người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

 

b. Thu lợi bất chính rất lớn.

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 của điều luật, chỉ khác ở chỗ: do chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có mà người phạm tội thu lợi bất chính rất lớn.

 

Được coi là thu lợi bất chính rất lớn do hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có từ mười lăm triệu đồng đến dưới bốn mươi lăm triệu đồng.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ năm năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trong hai trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới năm năm tù nhưng không được dưới hai năm tù; nếu thuộc cả trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật hoặc tuy chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 nhưng tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.

 

4. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 250 Bộ luật hình sự

 

a. Tài sản, vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn.

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm c khoản 2; điểm a khoản 3 của điều luật, chỉ khác ở chỗ: tài sản, vật phạm pháp mà người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ có giá trị đặc biệt lớn.

 

Được coi là tài sản, vật phạm pháp mà người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ có giá trị đặc lớn là trường hợp tài sản, vật phạm pháp mà người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.

 

b. Thu lợi bất chính đặc biệt lớn.

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2; điểm b khoản 3 của điều luật, chỉ khác ở chỗ: do chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có mà người phạm tội thu lợi bất chính đặc biệt lớn.

 

Được coi là thu lợi bất chính rất lớn do hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có từ bốn mươi lăm triệu đồng trở lên.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, cũng là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trong hai trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới bảy năm tù nhưng không được dưới năm năm tù; nếu thuộc cả trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật hoặc tuy chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 nhưng tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù.

 

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội đánh bạc còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Khi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội đánh bạc cần chú ý: chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung nếu không áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính.

 

Việc áp dụng hình phạt tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản chỉ nên áp dụng đối với trường hợp người phạm tội thu lợi bất chính đặc biệt lớn, là người chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có tính chất chuyên nghiệp, là người tổ chức trong vụ án có tổ chức.

 

 

29. TỘI HỢP PHÁP HOÁ TIỀN, TÀI SẢN DO PHẠM TỘI MÀ CÓ

 

Điều 251. Tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có

1. Người nào thông qua các nghiệp vụ tài chính, ngân hàng hoặc các giao dịch khác để hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có hoặc sử dụng tiền, tài sản đó vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội nhiều lần.

3. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu tài sản, phạt tiền đến ba lần số tiền hoặc giá trị tài sản được hợp pháp hoá, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có là làm cho tài sản bất hợp pháp thành tài sản hợp pháp bằng cách thông qua các nghiệp vụ tài chính, ngân hàng hoặc các giao dịch khác hoặc sử dụng tiền, tài sản đó vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế khác.

 

Tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có là tội phạm mới, do yêu cầu của việc đấu tranh phòng chống hành vi hợp pháp hoá tiền hoặc tài sản phi pháp như: do buôn lậu, do tham nhũng, do mua bán các chất ma tuý hoặc do phạm các tội khác mà có.

 

Tội phạm này tương tự như tội “rửa tiền” trong luật hình sự của một số nước trên thế giới nhưng Bộ luật hình sự nước ta không chỉ quy định hành vi “rửa tiền” mà còn quy định cả hành vi “rửa tài sản”. Cũng chính vì thế mà một số luật gia của các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cho rằng Bộ luật hình sự của Việt Nam không có tội “rửa tiền” và đề nghị Nhà nước ta phải quy định tội danh “rửa tiền” trong Bộ luật hình sự. Thực ra thì không phải như vậy mà là do nhận thức máy móc của một số người và một phần do chúng ta chưa làm cho bạn hiểu là Bộ luật hình sự của chúng ta không chỉ có tội rửa tiền mà còn có tội “rửa tài sản” nữa mà các nước không có.

 

Về hành vi rửa tiền, Chính phủ đã có Nghị định Số 74/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2005 về phòng, chống rửa tiền. Các quy định của Nghị đạnh này không mâu thuẫn với các quy định tại Điều 251 Bộ luật hình sự nên có thể căn cứ vào các quy định tại Nghị định để xác định hành vi phạm tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có. Tuy nhiên, theo Nghị định 74/2005/NĐ-CP thì khái niệm “rửa tiền” bao gồm cả hành vi “rửa tài sản”24

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Có thể coi chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, vì chỉ những người do phạm tội mà có được tiền hoặc tài sản nhưng lại muốn hợp thức hoá số tiền hoặc tài sản mà mình “kiếm được” thành tài sản hợp pháp. Trước khi họ trở thành chủ thể của tội phạm này họ đã là chủ thể của tội phạm khác.

 

Nếu người phạm tội có hành vi hợp thức hoá tiền hoặc tài sản không phải do mình phạm tội mà có mà do người khác phạm tội mà có thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 250 Bộ luật hình sự. Đây cũng là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt giữa tội “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” với tội “tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có”.  

 

Tuy không phải ai cũng có thể là chủ thể của tội phạm này nhưng người phạm tội cũng phải đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Có thể người phạm tội đủ điều kiện là chủ thể của tội phạm mà họ đã thực hiện trước đó nhưng lại không đủ điều kiện là chủ thể của tội phạm này. Ví dụ: Phạm Quốc A 14 tuổi 8 tháng phạm tội cướp tài sản nên có được chiếc xe máy; A đem bán chiếc xe cho Bùi Văn C lấy 10.000.000 đồng và dùng số tiền này mua công trái xây dựng Thủ đô. Hành vi hợp pháp hoá tài sản do phạm tội mà có của Phạm Quốc A xét về các dấu hiệu khác đã cấu thành tội phạm tội theo quy định tại Điều 251 Bộ luật hình sự nhưng vì Phạm Quốc A chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên Phạm Quốc A không là chủ thẻ của tội phạm này.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Cũng tương tự như đối với tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có là tội xâm phạm đến trật tự quản lý Nhà nước đối với tài sản do phạm tội mà có và cũng đề nghị nhà làm luật nên quy định tội phạm này ở Chương XXII (các tội xâm phạm hoạt động tư pháp) sẽ phù hợp hơn.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau:

 

- Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào một giao dịch liên quan đến tiền, tài sản do phạm tội mà có;

 

- Thu nhận, chiếm giữ, chuyển dịch, chuyển đổi, chuyển nh­­ượng, vận chuyển, sử dụng, vận chuyển qua biên giới tiền, tài sản do phạm tội mà có;

 

- Đầu t­ư vào một dự án, một công trình, góp vốn vào một doanh nghiệp hoặc tìm cách khác che đậy, nguỵ trang hoặc cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất thật sự hoặc vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do phạm tội mà có25.

 

b. Hậu quả

 

Đối với tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có , nhà làm luật cũng không quy định hậu quả do hành vihợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có  là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt. Nếu hậu quả do hành vihợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có gây ra cấu thành tội phạm độc lập thì người phạm tội còn bị truy cứu về các tội phạm tương ứng.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Đối với tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có nhà làm luật không quy định thêm các dấu hiệu khách quan khác là yếu tố cấu thành tội phạm hoặc là yếu tố định khung hình phạt. Tuy nhiên, để xác định chính xác hành vi hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cần phải tham khảo các quy định của Nhà nước về tài chính, ngân hàng hoặc các giao dịch khác, về các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế, và dặc biệt là Nghị định Số 74/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2005 về phòng, chống rửa tiền.

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có thực hiện hành vi của mình là do cố ý.

 

Mục đích của người phạm tội là làm cho tài sản từ bất hợp pháp thành tài sản hợp pháp. Mục đích là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, viẹc người phạm tội có đạt được mục đích hay không lại còn phụ thuộc vào những thủ đoạn mà họ thực hiện. Nếu người phạm tội đã có hành vi nhưng chưa thực hiện được mục đích phạm tội thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 251 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 251 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

 

Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới một năm tù; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự

 

a. Có tổ chức.

 

Cũng như trường hợp phạm tội có tổ chức khác, phạm tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có có tổ chức là trường hợp có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức.

 

b. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

 

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để hợp pháp hoá tiền, tài sản do mình đã phạm tội mà có là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện việc hợp pháp hoá tiền, tài sản do mình đã phạm tội mà có và hành vi đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc hợp pháp hoá tiền, tài sản do mình đã phạm tội mà có; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện hợp pháp hoá tiền, tài sản một cách dễ dàng. Nếu việc hợp pháp hoá tiền, tài sản không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội thì cũng không bị coi là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội.

 

c. Phạm tội nhiều lần.

 

Phạm tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do mình đã phạm tội mà có nhiều lần là từ hai lần trở lên hợp pháp hoá tiền, tài sản do mình đã phạm tội mà có.

 

Khi xác định trường hợp phạm tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do mình đã phạm tội mà có nhiều lần cần chú ý:

 

Nhiều lần thực hiện hành vi hợp pháp hoá tiền, tài sản do mình đã phạm tội mà có, nhưng hành vi đó đã cấu thành tội phạm.

 

Nếu hành vi hợp pháp hoá tiền, tài sản do mình đã phạm tội mà có đã bị xử lý không kể bị xử lý bằng hình thức gì như: đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án thì không tính lần phạm tội đó vào lần phạm tội sau để coi bị cáo phạm tội nhiều lần.

 

Trường hợp, hành vi hợp pháp hoá tiền, tài sản do mình đã phạm tội mà có đã được Viện kiểm sát miễn tố hoặc không truy tố cùng với hành vi phạm tội bị đưa ra xét xử, hoặc tách thành một vụ án khác thì cũng không coi là phạm tội nhiều lần.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới ba năm tù nhưng không được dưới một năm tù; nếu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 251 Bộ luật hình sự

 

Khoản 3 của điều luật nhà làm luật chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là: phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, trong khi đó khoản 2 của điều luật không quy định phạm tội thuộc trường hợp nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.

 

Đối với tội phạm này, nhà làm luật không quy định phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng như một số trường hợp phạm tội khác mà quy định thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Việc xác định gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đã là khó, việc xác định phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng trong khi chưa có hướng dẫn lại càng khó hơn. Trước đây, trong các hướng dẫn về phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng trong một số trường hợp cũng chủ yếu căn cứ vào thiệt hại vật chất và phi vật chất do hành vi phạm tội gây ra tương tự như trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, để xác định hành vi hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có đã thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng hay chưa, trước hết phải căn cứ vào số tiền hoặc tài sản mà người phạm tội hợp pháp hoá, thủ đoạn thực hiện hành vi hợp pháp hoá và hậu quả do hành vi hợp pháp hoá tiền, tài sản gây ra.

 

Trong khi chưa có hướng dẫn chính thức thì có thể coi phạm tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng nếu: tiền hoặc tài sản mà người phạm tội hợp pháp hoá từ 500 triệu đồng trở lên; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc tiền, tài sản mà người phạm tội hợp pháp hoá từ trên 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội và còn gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới tám năm tù nhưng không được dưới ba năm tù; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù.

 

4. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội đánh bạc còn có thể bị tịch thu tài sản, phạt tiền đến ba lần số tiền hoặc giá trị tài sản được hợp pháp hoá, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Khi áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cần chú ý:

 

Việc tịch thu tài sản có thể tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và số tiền, tài sản mà người phạm tội hợp pháp hoá.

 

Chỉ áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ đối với trường hợp người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để hợp pháp hoá tiền hoặc tài sản do phạm tội mà có.

 

 

30. TỘI DỤ DỖ, ÉP BUỘC HOẶC CHỨA CHẤP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM PHÁP

 

 

Điều 252.  Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp 

 1. Người nào dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên hoạt động phạm tội, sống sa đoạ hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Dụ dỗ, ép buộc, chứa chấp, lôi kéo nhiều người;

c) Đối với trẻ em dưới 13 tuổi;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

 Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này, thì còn có thể bị phạt quản chế từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm pháp là rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi dục, đe doạ, uy hiếp, dùng vũ lực đối với người chưa đủ 18 tuổi hoạt động phạm tội, sống sa đoạ hoặc chứa chấp người chưa đủ 18 tuổi phạm pháp.

 

Tội dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm pháp là tội phạm đã được quy định tại Điều 148 Bộ luật hình sự năm 1985 thuộc chương các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình và các tội phạm đối với người chưa thành niên, nay tội phạm này được quy định tại chương các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. So với Điều 148 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 252 Bộ luật hình sự năm 1999 về cơ bản không có sửa đổi, bổ sung gì lớn. Tuy nhiên, do yêu cầu của tình hình đấu tranh phòng chống loại tội phạm này cũng như bảo đảm tính chính xác về kỹ thuật lập pháp, nên nhà làm luật sửa đổi, bổ sung một số điểm như:

 

Về tên tội danh, Điều 252 Bộ luật hình sự năm 1999 bổ sung thêm hành vi ép buộc; bổ sung tình tiết phạm tộiđối với trẻ em dưới 13 tuổi, tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là yếu tố định khung hình phạt; bổ sung hình phạt tiền là hình phạt bổ sung; chỉ áp dụng hình phạt quản chế nếu người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Có thể coi chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần đến một độ tuổi nhất định và không mất năng lực trách nhiệm hình sự đều có là chủ thể của tội phạm này.

 

Người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Mặc dù tội phạm này được quy định tại chương các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng nhưng tội phạm này vẫn là tội xâm phạm đối với người chưa thành niên, nhưng không phải xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người chưa thành niên mà xâm phạm đến chính sách của Nhà nước về việc bảo vệ sự phát triển lành mạnh của thế hệ trẻ.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội có thể thực hiện một trong hai hành vi sau: dụ dỗ hoặc ép buộc người chưa thành niên phạm pháp hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp.

 

Dụ dỗ người chưa thành niên phạm pháp là rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi dục người dưới 18 tuổi hoạt động phạm tội, sống sa đoạ.

 

Ép buộc người chưa thành niên phạm pháp là đe doạ, uy hiếp, dùng vũ lực đối với người chưa đủ 18 tuổi hoạt động phạm tội, sống sa đoạ.

 

Chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp là trường hợp cho ở trong nhà, cho ăn ngủ ở một nơi nhất định do mình quản lý hoặc có hành vi khác che giấu người chưa thành niên, để người chưa thành niên hoạt động phạm tội, sống sa đoạ. 

 

Khi xác định hành vi khách quan của người phạm tội cần chú ý:

 

- Nếu người chưa thành niên thực hiện hành vi phạm pháp mà hành vi đó đã cấu thành tội phạm, thì người dụ dỗ, ép buộc là người đồng phạm với người chưa thành niên về tội phạm mà người chưa thành niên đã thực hiện chứ không thuộc trường hợp phạm tội dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm tội. Ví dụ: Ma Văn B xúi dục Ma Văn Q 13 tuổi 6 tháng là cháu ruột của B bỏ thuốc độc vào bể nước nhà ông Hà Đình T nhằm giết hại cả nhà ông T, thì hành vi của B là hành vi giết người với vai trò chủ mưu chứ không phải là dụ dỗ người chưa thành niên phạm pháp. 

 

- Nếu không hứa hẹn trước và biết rõ người đó đã phạm tội và tội phạm đó theo quy định của Bộ luật hình sự thì người có hành vi chứa chấp phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hình sự về tội che giấu tội phạm thì không thuộc trường hợp quy định tại Điều 252 Bộ luật hình sự.

 

b. Hậu quả

 

Đối với tội dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm pháp hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tổ chức tội phạm. Tuy nhiên, nếu gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Căn cứ vào điều văn của điều luật thì đối với tội tội phạm này, ngoài hành vi khách quan, nhà làm luật còn quy định các dấu hiệu khách quan khác là yếu tố cấu thành tội phạm, đó là: người mà người phạm tội dụ dỗ, ép buộc phải là người chưa thành niên và người bị dụ dỗ ép buộc là người thực hiện hành vi phạm pháp.

 

Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi, do đó các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh tuổi của người bị dụ dỗ, ép buộc thực hiện hành vi phạm pháp.

 

Phạm pháp là vi phạm pháp luật, trong đó có trường hợp cấu thành tội phạm, có trường hợp chưa cấu thành tội phạm.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội  hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có thực hiện hành vi của mình là do cố ý.

 

Mục đích của người phạm tội là làm cho tài sản từ bất hợp pháp thành tài sản hợp pháp. Mục đích là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, viẹc người phạm tội có đạt được mục đích hay không lại còn phụ thuộc vào những thủ đoạn mà họ thực hiện. Nếu người phạm tội đã có hành vi nhưng chưa thực hiện được mục đích phạm tội thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 252 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 252 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm pháp có thể bị phạt tù từ một năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới một năm tù; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 252 Bộ luật hình sự

 

a. Có tổ chức.

 

Cũng như trường hợp phạm tội có tổ chức khác, phạm tội dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm pháp có tổ chức là trường hợp có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức.

 

b. Dụ dỗ, ép buộc, chứa chấp, lôi kéo nhiều người.

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội đối với người trong một số tội phạm khác nhưng đối với tội phạm này là người phạm tội đã dụ dỗ, ép buộc, chứa chấp, lôi kéo nhiều người chưa thành niên phạm pháp. Khi áp dụng tình tiết nà cần chú ý: Nếu người phạm tội dụ dỗ một người, ép buộc một người thì cần xác định là “dụ dỗ và ép buộc nhiều người”, tương tự như vậy, có thể có trường hợp “dụ dỗ, chứa chấp nhiều người”, “ép buộc, lôi kéo nhiều người”.v.v... 

 

c. Đối với trẻ em dưới 13 tuổi

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như đối với một số trường hợp khác, người chưa thành niên bị dụ dỗ, ép buộc phạm pháp được chia làm độ tuổi: từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi và dưới 13 tuổi. Nếu người chưa thành niên bị dụ dỗ, ép buộc phạm pháp chưa đủ 13 tuổi thì thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 của điều luật; nếu có hai người trở lên bị dỗ, ép buộc phạm pháp đều chưa đủ 13 tuổi thì thuộc trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 của điều luật; nếu có một người dưới 13 tuổi và một người đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi thì chỉ thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 của điều luật.

 

d. Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như một số trường hợp phạm tội quy định tại các tội phạm khác nhưng đây là trường hợp cá biệt, nhà làm luật quy định ba tình tiết là yếu tố định khung hình phạt có tính chất mức độ nguy hiểm khác nhau trong cùng một khung hình phạt, xét về kỹ thuật lập pháp thì chưa khoa học, lẽ ra chỉ cần quy định gây hậu quả nghiêm trọng là đủ vì nếu người phạm tội có gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì cũng chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật. Tuy nhiên, nhà làm luật quy định ba tình tiết khác nhau trong cùng một khung hình phạt thì khi áp dụng hình phạt Toà án cần phải cân nhắc và cá thể hoá đối với từng trường hợp cụ thể.

 

Do chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm pháp gây ra nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng để xác định hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm pháp gây ra.

 

đ. Tái phạm nguy hiểm.

 

Cũng tương tự như trường hợp tái phạm nguy hiểm khác, người phạm tội dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm pháp thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là người đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 252 Bộ luật hình sự hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm pháp.

 

Như vậy, người phạm tội dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm pháp thuộc trường hợp tai phạm nguy hiểm chỉ có thể là trường hợp đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, vì nếu đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 252 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật rồi. Tuy nhiên, nếu người phạm tội vừa phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, vừa thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn trường hợp không phải là tái phạm nguy hiểm.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ từ ba năm đến mười hai năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới ba năm tù nhưng không được dưới một năm tù; nếu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

 

3. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

 

 Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, thì còn có thể bị phạt quản chế từ một năm đến năm năm.

 

31. TỘI TRUYỀN BÁ VĂN HOÁ PHẨM ĐỒI TRỤY

 

Điều 253. Tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy 

1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, sử dụng, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

b) Phổ biến cho nhiều người;

c) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;

c) Đối với người chưa thành niên;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

 

Định nghĩa: Truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy là phổ biến cho người khác biết các vật phẩm có tính chất ăn chơi đàng điếm, dâm ô hoặc khêu gợi những ý định thúc đẩy con người thoả mãn lối sống ăn chơi đàng điếm, dâm ô bằng các thủ đoạn như: làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, sử dụng, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến hoặc có hành vi khác truyền bá những vật phẩm văn hoá có tính chất đồi trụy.

 

Tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy là tội phạm đã được quy định tại Điều 99 Bộ luật hình sự năm 1985 thuộc Mục B chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia, nhưng hiện nay tội phạm này được coi là tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng.

 

So với Điều 99 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 253 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều sửa đổi, bổ sung cơ bản theo hướng phi hình sự hoá, mặc dù có bổ sung một số tình tiết là yếu tố định khung tăng nặng và mức hình phạt cao nhất của tội phạm này là 15 năm ( Điều 99 Bộ luật hình sự năm 1985 là 12 năm)

 

Về tên tội danh, Điều 253 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi thuật ngữ “văn hoá đồi trụy” thành “văn hoá phẩmđồi trụy” nhưng đã làm thay đổi cơ bản tính chất của hành vi phạm tội. Nếu nói “văn hóa đồi trụy” thì có thể người nhiều người cho rằng một dân tộc, một quốc gia tồn tại song song hai nền văn hoá một nền văn hoá đồi trụy và một nền văn không đồi trụy, trong khi nói đến “văn hoá” là nó đến toàn thể những thành tựu của loài người trong sản xuất, xã hội và tình thần. Nhưng nếu nói “văn hoá phẩm đồi trụy” là nói đến một sản phẩm cụ thể có chứa đựng nội dung đồi trụy.

 

 Bổ sung thêm hành vi vận chuyển; sửa đổi hành vi “buôn bán” thành “mua bán” và đặc biệt bổ sung một tình tiết là yếu tố định tội theo hướng phi hình sự hoá như: Vật phạm pháp có số lượng lớn; phổ biến cho nhiều người; đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Trong các tình tiết trên thì tình tiết “vật phạm pháp có số lượng lớn” là tình tiết hiện nay các cơ quan tiến hành tố tụng vướng mắc nhất trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Ví dụ: bao nhiêu bức ảnh, bức ảnh có nội dung đồi trụy được coi là số lượng lớn ? bao nhiêu đĩa CD, VCD, băng VIDEO là số lượng lớn ? để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự hay chỉ xử phạt hành chính ?

 

Bổ sung thêm một số tình tiết là yếu tố định khung hình phạt như: vật phạm pháp có số lượng rất lớn, đặc biệt lớn; đối với người chưa thành niên; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; bổ sung hình phạt tiền là hình phạt bổ sung, nhưng bỏ hình phạt bổ sung là loại hình phạt tước một số quyền công dân và loại hình phạt quản chế, đồng thời cấu tạo lại thành bốn khoản trong đó khoản 4 quy định hình phạt bổ sung.

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần đến một độ tuổi nhất định và không mất năng lực trách nhiệm hình sự đều có là chủ thể của tội phạm này.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

Nếu vật phạm pháp chưa có số lượng lớn và chỉ phổ biến cho một người, thì người phạm tội phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì mới là chủ thể của tội phạm này.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Do tội phạm này được quy định tại chương các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng nên nó xâm phạm đến truyền thống văn hoá của dân tộc, những giá trị vật chất và tinh thần của loài người, xâm phạm đến sự quản lý của Nhà nước về việc duy trì, phát triển nếp văn hoá văn minh, mang đậm bản sắc dân tộc.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy. Việc xác định các vật phẩm có tính chất đồi trụy hay không, nhất thiết phải do cơ quan chuyên môn (cơ quan văn hoá) thẩm định.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội thực hiện duy nhất một hành vi, đó là truyền bá (phổ biến) cho người khác biết các vật phẩm có tính chất đồi trụy nhưng bằng nhiều thủ đạon khác nhau như: làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, sử dụng, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến hoặc có hành vi khác.

 

Làm ra vật phẩm văn hoá có tính chất đồi trụy là tạo ra các vật phẩm có tính chất ăn chơi đàng điếm, dâm ô hoặc khêu gợi những ý định thúc đẩy con người thoả mãn lối sống ăn chơi đàng điếm, dâm ô như: vẽ tranh, chụp ảnh, quay phim, ghi âm, sáng tác nhạc, viết truyện, làm thơ, viết kịch v.v…

 

Sao chép vật phẩm văn hoá có tính chất đồi trụy là từ một vật phẩm văn hoá có tính chất đồi trụy đầu tiên (bản gốc, bản chính) tạo ra nhiều vật phẩm khác giống như vật phẩm ban đầu có tính chất đồi trụy. Việc sao chép có thể sao chép toàn bộ hoặc chỉ sao chép một phần. Hình thức sao chép cũng đa dạng như: chụp lại, viết lại, ghi âm lại, ghi hình lại hoặc các hình thức sao chép khác.

 

Lưu hành vật phẩm văn hoá có tính chất đồi trụy là cho người khác xem, mượn, thuê các vật phẩm văn hoá có tính chất đồi trụy.

 

Vận chuyển vật phẩm văn hoá có tính chất đồi trụy là chuyên chở các vật phẩm văn hoá có tính chất đồi trụy từ nơi này đến nơi khác.

 

Mua bán vật phẩm văn hoá có tính chất đồi trụy là dùng tiền hoặc tài sản để trao đổi lấy vật phẩm văn hoá có tính chất đồi trụy hoặc dùng vật phẩm văn hoá có tính chất đồi trụy để trao đổi lấy tiền hoặc hoặc tài sản.

 

Tàng trữ vật phẩm văn hoá có tính chất đồi trụy là cất giữ các vật phẩm văn hoá có tính chất đồi trụy ở một địa điểm nhất định như: ở cơ quan, phòng làm việc, nhà ở, trong người, trên phương tiện giao thông...

 

Các hành vi khác truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy là ngoài các hành vi làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, sử dụng, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến, thì người phạm tội còn có những hành vi khác phổ biến cho người khác biết các vật phẩm có tính chất ăn chơi đàng điếm, dâm ô hoặc khêu gợi những ý định thúc đẩy con người thoả mãn lối sống ăn chơi đàng điếm, dâm ô. Việc nhà làm luật quy định các hành vi khác là nhằm tránh lọt tội.

 

b. Hậu quả

 

Đối với tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tổ cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì tuỳ trường hợp người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Đối với tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy, ngoài hành vi khách quan, hậu quả thì nhà làm luật còn quy định hai dấu hiệu khách quan khác mà nếu thiếu nó thì người có hành vi truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy chưa cấu thành tội phạm, đó là: vật phạm pháp có số lượng lớn và phổ biến cho nhiều người.

 

Về tình tiết vật phạm pháp có số lượng lớn.

 

Nếu Điều 99 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định vật phạm pháp có số lượng lớn là yếu tố định khung hình phạt quy định tại khoản 2 của điều luật thì Điều 253 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định vật phạm pháp có số lượng lớn là yếu tố định tội. Cho đến nay, các cơ quan có thẩm quyền chưa giải thích hoặc hướng dẫn vật phạm pháp (vật phẩm văn hoá đồi trụy) có số lượng bao nhiêu là lớn, nên thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử đối với người phạm tội này trong một số trường hợp gặp khó khăn. Nói chung các vụ án truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy được đưa ra truy tố, xét xử đều là những trường hợp người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm hoặc người phạm tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy với số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, còn lại hầu như người phạm tội chỉ bị xâm phạm hành chính.

 

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, việc quy định vật phạm pháp có số lượng bao nhiêu là lớn, rất lớn hoặc dặc biệt lớn đối với tội phạm nói chung và đối với tội phạm này nói riêng không phải là vấn đề đơn giản. Ví dụ: một bộ Tú-lơ-khơ có 54 quân bài, mỗi quân bài in một hình có tính chất kích dục với một đĩa VCD với thời lượng 120 phút có nội dung kích dục thì cái nào nguy hiểm hơn cái nào. Nếu chỉ căn cứ vào số lượng thì một bộ Tú-lơ-khơ với 54 bức hình phải coi là có vật phạm pháp có số lượng rất lớn, thậm chí dặc biệt lớn nhưng tính chất nguy hiểm chắc chắn không bằng một đĩa VCD, vì không ai gọi một đĩa VCD là vật phạm pháp có số lượng lớn cả.  Do đó có ý kiến cho rằng nhà làm luật không nên quy định số lượng vật phạm pháp đối với tội phạm này là tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt. Hy vọng rằng khi có chủ trương sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 1999, ý kiến này được các nhà làm luật quan tâm xem xét.

 

Về tình tiết phổ biến cho nhiều người.

 

Đối với tình tiết việ xác định tương đối dễ. Phổ biến cho nhiều người là phố biến cho từ hai người trở lên. Tuy nhiên, khi xác định tình tiết cũng cần phải chú ý: Phổ biến cho từ hai người trở lên là ngoài người phạm tội còn có hai người trở nên được người phạm tội cho xem, cho nghe vật phẩm văn hoá có tính chất đồi trụy. Nếu người phạm tội cùng xem, cùng nghe thì tính cả người phạm tội phải có từ 3 người trở lên thì mới coi là phổ biến cho nhiều người.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy thực hiện hành vi của mình là do cố ý.

 

Mục đích của người phạm tội là nhằm phổ biến văn hoá phẩm đồi trụy cho người khác với nhiều động cơ khác nhau. Đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải chứng mình mục đích của người phạm tội. Nếu một người có các hành vi làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, sử dụng, mua bán, tàng trữ hoặc có hành vi khác nhưng không nhằm phổ biến cho người khác thì cũng không cấu thành tội phạm này.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 253 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 253 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 253 Bộ luật hình sự

 

a. Có tổ chức.

 

Cũng như trường hợp phạm tội có tổ chức khác, phạm tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy có tổ chức là trường hợp có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức.

 

b. Vật phạm pháp có số lượng rất lớn.

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 của điều luật và như đã phân tích, việc xác định số lượng văn hoá phẩm có số lượng rất lớn cũng không dễ dàng. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử đã có trường hợp Toà án coi hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trên 20 đĩa VCD, 20 băng VIDEO là vật phạm pháp có số lượng rất lớn, còn các loại vật phẩm văn hoá khác như tranh, ảnh, sách, báo thì việc xác định thế nào là có số lượng lớn thì chưa có thực tiễn xét xử. Hy vọng rằng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ giải thích hoặc hướng dẫn chính thức, giúp cho việc áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng được thuận lợi hơn.

 

c. Đối với người chưa thành niên;

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như đối với các trường hợp phạm tội đối với người chưa thành niên, nhưng người chưa thành niên quy định ở đây là người được người phạm tội truyền bá văn hoá phẩm có tính chất đồi trụy, tức là người phạm tội đã truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy cho người chưa thành niên.

 

Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi; điều luật quy định đối với người chưa thành niên chứ không quy định truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy đối với người mà biết là người chưa thành niên nên chỉ cần xác định người được truyền bá là người chưa thành niên mà không cần phải xác định người phạm tội biết hay không biết người mà mình truyền bá là người chưa thành niên.

 

d. Gây hậu quả nghiêm trọng;

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như một số trường hợp phạm tội quy định tại các tội phạm khác. Do chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy gây ra nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, để xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy gây ra.

 

đ. Tái phạm nguy hiểm.

 

Cũng tương tự như trường hợp tái phạm nguy hiểm khác, người phạm tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là người đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 253 Bộ luật hình sự hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy.

 

Như vậy, người phạm tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm chỉ có thể là trường hợp đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội, vì nếu đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 253 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật rồi. Tuy nhiên, nếu người phạm tội vừa phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, vừa thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì sẽ bị áp dụng cả hai tình tiết là yếu tố định khung hình phạt và hình phạt nặng hơn trường hợp không phải là tái phạm nguy hiểm.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới ba năm tù hoặc chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, trong đó có tình tiết tái phạm nguy hiểm và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 253 Bộ luật hình sự

 

a. Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn.

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm a khoản 1, điểm b khoản 2 của điều luật như đã phân tích, hy vọng rằng sắp tới các cơ quan chức năng sẽ giải thích hoặc hướng dẫn chính thức, giúp cho việc áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng được thuận lợi.

 

b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như một số trường hợp phạm tội quy định tại các tội phạm khác. Do chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy gây ra nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, để xác định hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy gây ra.

 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, cũng là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trong hai trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật hoặc chỉ gây hậu quả rất nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới bảy năm tù nhưng không được dưới ba năm tù; nếu thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật hoặc tuy chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 nhưng tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù.

 

4. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

 

 

32. TỘI CHỨA MẠI DÂM

 

Điều 254. Tội chứa mại dâm 

1. Người nào chứa mại dâm thì bị phạt tù từ  một năm đến bảy năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ  năm năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Cưỡng bức mại dâm;

c) Phạm tội nhiều lần ;

d) Đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế từ một năm đến năm năm.

 

Định nghĩa: Chứa mại dâm là hành vi sử dụng, thuê, cho thuê hoặc mượn, cho mượn địa điểm, phương tiện để thực hiện việc mua dâm, bán dâm.26

 

Tội chứa mại dâm là tội phạm đã được quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1985 cùng với tội môi giới mại dâm. Do yêu cầu của việc cá thể hoá trách nhiệm hình sự nên Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hai tội này ở hai điều luật khác nhau.

 

So với Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 254 Bộ luật hình sự năm 1999 về cơ bản không có nhiều sửa đổi, bổ sung. Điều 254 Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ bổ sung trường hợp phạm tội có tổ chức là yếu tố định khung hình phạt quy định tại điểm a khoản 2 của điều luật. Ngoài ra, mức hình phạt thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 2 của điều luật được giảm xuống còn năm năm, khoản 3 của điều luật xuống còn mười hai năm (khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1985 là  bảy năm, còn khoản 3 là mười lăm năm); hình phạt bổ sung được quy định ngay trong cấu thành và bổ sung loại hình phạt tịch thu toàn bộ tài sản mà Điều 218 Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định. 

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần đến một độ tuổi nhất định và không mất năng lực trách nhiệm hình sự đều có là chủ thể của tội phạm này.

 

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Tội chứa mại dâm là tội xâm phạm đến đạo đức, thuần phong, mỹ tục, đến đời sống văn hoá, trật tự trị an xã hội.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Người phạm tội thực hiện duy nhất một hành vi, đó là hành vi chứa chấp việc mại dâm với nhiều thủ đoạn khác nhau như: sử dụng, thuê, cho thuê hoặc mượn, cho mượn địa điểm, phương tiện để  thực hiện việc mua dâm, bán dâm.

 

Khi xác định hành vi phạm tội chứa mại dâm trong một số trường hợp cần chú ý:

 

- Chứa mại dâm là chứa việc mua dâm, bán dâm, tức là phải có cả người mua lẫn người bán và hai người phải thực hiện việc giao cấu, bởi lẽ bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác còn mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vận chuyển khác trả cho người bán dâm để được giao cấu27. Nếu chỉ chứa người bán dâm (gái mại dâm) còn việc mua, bán dâm được thực hiện ở địa điểm khác không phải là địa điểm người bán dâm ở thì người có hành vi chứa người bán dâm không phạm tội chứa mại dâm; nếu người có địa điểm cho gái mại dâm thuê mà giới thiệu cho người mua dâm thì hành vi “giới thiệu” đó là hành vi môi giới mại dâm. Ví dụ: A là chủ nhà nghỉ cho H, T và Q là gái mại dâm thuê một phòng để ở, mỗi lần có người mua dâm có nhu cầu thì A báo cho các gai bán dâm biết để bán dâm.

- Địa điểm mà người phạm tội sử dụng, thuê, cho thuê hoặc mượn, cho mượn để  thực hiện việc mua dâm, bán dâm tương đối đa dạng; có thể chỉ là một chiếc thuyền (ghe); một lều vó, một phòng nhỏ trong quán Cà phê, nhà tắm, nhà vệ sinh, cacbin xe.v.v...

 

- Phương tiện mà người phạm tội sử dụng, thuê, cho thuê hoặc mượn, cho mượn để thực hiện việc mua dâm, bán dâm tuy không phải là địa điểm nhưng có phục vụ cho việc thực hiện mại dâm như: Giường, chiếu, chăn màn, khăn lau, thuốc kích dục.v.v... Trường hợp cung cấp các phương tiện tránh thai như: Bao cao su, thuốc tránh thai cho người bán dâm thì cần phải phân biệt: nếu biết có việc mại dâm mà cung cấp thì mới bị coi là chứa mại dâm, nếu biết là gái bán dâm mà cung cấp thuốc tránh thai hoặc bao cao su còn việc thực hiện hành vi mại dâm ở đâu vào lúc nào người cung cấp bao cao su không biết thì không bị coi là chứa mại dâm.

 

- Trường hợp dùng tiền thuê địa điểm, trả tiền cho người bán dâm nhưng để người khác giao cấu với người bán dâm thì cũng coi là hành vi chứa mại dâm.

 

- Trường hợp chứa hai người đồng giới để họ làm tình với nhau thì không coi là hành vi chứa mại dâm vì không có việc giao cấu.

 

- Trong trường hợp chủ hoặc người quản lý khách sạn, nhà trọ... gọi gái mại dâm đến cho khách để họ mua bán dâm ngay tại khách sạn, nhà trọ... thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của người gọi gái mại dâm thì người đó chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về “tội chứa mại dâm”28.

 

- Trong trường hợp chủ hoặc người quản lý khách sạn, nhà trọ... vừa gọi gái mại dâm đến cho khách để họ mua bán dâm ngay tại khách sạn, nhà trọ... thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của người gọi gái mại dâm vừa còn gọi gái mại dâm khác cho khách mua dâm khác để họ thực hiện việc mua bán dâm tại nơi khác thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về “tội chứa mại dâm” và “tội môi giới mại dâm”29.

 

 

b. Hậu quả

 

Đối với tội chứa mại dâm, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì tuỳ trường hợp người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Đối với tội chứa mại dâm tuy nhà làm luật không quy định các dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm nhưng không vì thế mà cho rằng không cần phải nghiên cứu các quy định của Nhà nước có liên quan đến mại dâm mà đặc biệt là Pháp lệnh phòng, chống mại dâm ngày 17-3-2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đây được là văn bản giải thích chính thức về tội chứa mại dâm và tội môi giới mại dâm. Ngoài ra, còn các văn bản của Chính phủ của các cơ quan, tổ chức liên quan đến phòng chống mại dâm.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội chứa mại dâm thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức là người phạm tội biết rõ việc sử dụng, thuê, cho thuê hoặc mượn, cho mượn địa điểm, phương tiện là để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm. Nếu vì một lý do nào đó mà người có hành vi sử dụng, thuê, cho thuê hoặc mượn, cho mượn địa điểm, phương tiện nhưng không biết người thuê, người mượn thực hiện việc mua dâm, bán dâm thì cũng không phạm tội chứa mại dâm. Ví dụ: Vũ Thị H là chủ khách sạn “Phượng Đỏ”. Ngày 12-3-2005 Cơ quan cảnh sát điều tra bắt quả tang tại các phòng 304, 306 có hai đôi nam nữ đang hoạt động mại dâm; Cơ quan cánh sát điều tra đã lập biên bản và yêu cầu Vũ Thị H ký vì đã có hành vi chứa mại dâm; vì là chủ khách sạn nên Vũ Thị H đã ký vào biên bản. Do điều tra không đầy đủ nên Viện kiểm sát nhân dân thành phố H đã truy tố Vũ Thị H về tội chứa mại dâm, nhưng tại phiên toà sơ thẩm, Vũ Thị H khai rằng, ngày 12-3-2005 Vũ Thị H cùng gia đình đi nghỉ mát ở Đà Lạt, mọi việc quản lý khách sạn giao cho Đỗ Tuấn A là em rể của H, từ trước tới nay tại khách sạn “Phượng Đỏ” chưa để xảy ra hoạt động mại dâm. Do có tình tiết mới mà Toà án cấp sơ thẩm không thể àm rõ tại phiên toà được nên Hội đồng xét xử đã hoãn phiên toà trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Kết quả điều tra bổ sung đã xác định lời khai của Vũ Thị H tại phiên toà là đúng nên Cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với Vũ Thị H vì hành vi của H không cấu thành tội phạm.

 

Động cơ của người phạm tội chứa mại dâm chủ yếu là do tư lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác; động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, việc xác định động cơ của người phạm tội cũng rất quan trọng có ý nghĩa đến việc quyết định hình phạt đối với người phạm tội; động cơ càng xấu mức hình phạt sẽ càng nặng và ngược lại.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 254 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 254 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội chứa mại dâm có thể bị phạt tù từ một năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới một năm tù; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.

 

Đối với tội chứa mại dâm trong tình hình hiện nay, nói chung là cần phải xử phạt nghiêm khắc để góp phần chặn đứng và đẩy lùi tệ nạn này; việc cho người phạm tội được hưởng án treo phải rất thận trọng và chỉ trong trường hợp cá biệt.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 254 Bộ luật hình sự

 

a. Có tổ chức.

 

Cũng như trường hợp phạm tội có tổ chức khác, phạm tội chứa mại dâm có tổ chức là trường hợp có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức.

 

b. Cưỡng bức mại dâm.

 

Cưỡng bức mại dâm là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn buộc người khác phải thực hiện việc bán dâm30

 

Như vậy, hành vi cưỡng bức mại dâm chỉ cưỡng bức đối với người bán dâm, chứ không bao gồm cưỡng bức người mua dâm nhưng không vì thế mà cho rằng trong thực tế không có hành vi cưỡng bức người mua dâm. Tuy nhiên, nếu cưỡng bức người chưa thành niên mua dâm thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ép buộc người chưa thành niên phạm tội quy định tại Điều 252 Bộ luật hình sự. Nếu cưỡng bức người bán dâm nhưng lại không thuộc trường hợp chứa mại dâm thì người có hành vi cưỡng bức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội môi giới mại dâm.

 

c. Phạm tội nhiều lần.

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội nhiều lần đối với các tội phạm khác, tức là chứa mại dâm từ hai lần trở lên.

 

Tuy nhiên, khi xác định trường hợp phạm tội mại dâm nhiều lần cần chú ý:

 

Nếu cùng một lúc người phạm tội chứa hai đôi mại dâm trở lên ở nhiều địa điểm khác nhau thì cần phân biệt:

 

- Nếu tất cả những người mua dâm cử một người thuê địa điểm (phòng ngủ) rồi giao chìa khoá phòng cho những người mua dâm để thực hiện việc mại dâm thì chỉ coi là một lần phạm tội nhưng đối với nhiều người.

- Nếu từng người mua dâm thuê địa điểm (phòng ngủ), mặc dù người chứa mại dâm cùng một lúc đưa chìa khóa phòng cho từng người mua dâm thì phải coi là trường hợp phạm tội nhiều lần.

 

d. Đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như đối với các trường hợp phạm tội khác đối với người chưa thành niên, nhưng người chưa thành niên quy định ở đây là người ở độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 và là người mua dâm hoặc bán dâm. Nếu đó là người bán dâm và người phạm tội lại có hành vi cưỡng bức buộc họ phải bán dâm thì người phạm tội thuộc cả hai trường hợp: “cưỡng bức mại dâm” và “đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi”.

 

đ. Gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như một số trường hợp phạm tội quy định tại các tội phạm khác. Do chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi chứa mại dâm gây ra nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, để xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi chứa mại dâm gây ra.

 

 e. Tái phạm nguy hiểm.

 

Cũng tương tự như trường hợp tái phạm nguy hiểm khác, người phạm tội chứa mại dâm thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là người đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4  Điều 254 Bộ luật hình sự hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội chứa mại dâm.

 

Như vậy, người phạm tội chứa mại dâm thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm chỉ có thể là trường hợp đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội chứa mại dâm, vì nếu đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 254 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật rồi. Tuy nhiên, nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội phải bị áp dụng 2 tình tiết định khung hình phạt đó là: “tái phạm nguy hiểm” và tình tiết tương ứng quy định tại khoản 2 của điều luật.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới năm năm tù nhưng được dưới một năm; nếu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, trong đó có tình tiết tái phạm nguy hiểm và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười  lăm năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 254 Bộ luật hình sự

 

a. Đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như đối với các trường hợp phạm tội khác đối với người chưa thành niên, nhưng người chưa thành niên quy định ở đây là người ở độ tuổi từ đủ 13 đến dưới 16 và là người mua dâm hoặc bán dâm.

 

b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như một số trường hợp phạm tội quy định tại các tội phạm khác. Do chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi chứa mại dâm gây ra nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng, để xác định hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi chứa mại dâm gây ra.

 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trong hai trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật, không thuộc trường hợp nào quy định tại khoản 2 của điều luật nữa và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới mười hai năm tù nhưng không được dưới năm năm tù; nếu thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật hoặc tuy chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 nhưng tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến hai mươi năm tù.

 

4. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 254 Bộ luật hình sự

 

Khoản 4 của điều luật, nhà làm luật chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là: gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như một số trường hợp phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại các tội phạm khác. Do chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi chứa mại dâm gây ra nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, để xác định hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi chứa mại dâm gây ra.

 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ hai mươi năm đến tù chung thân, cũng là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nhưng mức độ cao hơn khoản 3 của điều luật.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không thuộc trường hợp nào quy định tại khoản 2, khoản 3  của điều luật nữa và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới hai mươi năm tù nhưng không được dưới mười hai năm tù; nếu vừa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vừa tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến tù chung thân.

 

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế từ một năm đến năm năm.

 

Khi áp dụng hình phạt tịch thu tài sản cần chú ý:

 

- Chỉ nên tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật và tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật, thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn.

 

- Cần phân biệt tịch thu tài sản với biện pháp tư pháp tịch thu sung quỹ Nhà nước phương tiện phạm tội như: phòng ngủ trong khách sạn, giường, chiếu, chăn màn…

 

 

33. TỘI MÔI GIỚI MẠI DÂM

 

 

Điều 255.  Tội môi giới mại dâm 

1. Người nào dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mại dâm thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;

b) Có tổ chức;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Phạm tội nhiều lần ;

đ) Tái phạm nguy hiểm;

e) Đối với nhiều người;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng.

 

Định nghĩa: Môi giới mại dâm là hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt của người làm trung gian để các bên thực hiện việc mua dâm. bán dâm.31

 

Tội môi giới mại dâm là tội phạm đã được quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1985 cùng với tội chứa mại dâm. Do yêu cầu của việc cá thể hoá trách nhiệm hình sự nên Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hai tội này ở hai điều luật khác nhau.

 

So với Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1985 thì cũng tương tự như đối với tội chứa mại dâm, Điều 255 Bộ luật hình sự năm 1999 về cơ bản không có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn nhưng so với Điều 254 thì có nhiều sửa đổi, bổ sung hơn. Điều 255 Bộ luật hình sự năm 1999 bổ sung thêm trường hợp phạm tội có tổ chức; phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; đối với nhiều người là yếu tố định khung hình phạt quy định tại điểm b, c và e khoản 2 của điều luật. Ngoài ra, mức hình phạt thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 1 của điều luật được giảm xuống còn sáu tháng, khoản 2 của điều luật xuống còn ba năm, khoản 3 của điều luật xuống còn bảy năm và khoản 4 của điều luật xuống còn mười hai năm (khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1985 là một năm, khoản 2 là bảy năm, khoản 3 là mười lăm năm, còn khoản 4 là hai mươi năm); hình phạt bổ sung được quy định ngay trong cấu thành và bỏ loại hình phạt tịch thu một phần tài sản mà Điều 218 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định. 

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Cũng tương tự như đối với tội chứa mại dâm, chủ thể của tội phạm này  không phải là chủ thể đặc biệt, người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Cũng như đối với tội chứa mại dâm, tội môi giới mại dâm là tội xâm phạm đến đạo đức, thuần phong, mỹ tục, đến đời sống văn hoá, trật tự trị an xã hội.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Hành vi môi giới mại dâm của người phạm tội được thực hiện với thủ đoạn khác nhau như: dụ dỗ hoặc dẫn dắt với vai trò là người làm trung gian để các bên thực hiện việc mua dâm. bán dâm.

 

Trước hết phải xác định người phạm tội môi giới mại dâm phải là người làm trung gian cho người mua dâm và người bán dâm, nhưng không nhất thiết phải biết cụ thể người bán dâm bán dâm cho người nào hoặc người mua dâm mua dâm với ai. Ví dụ: Nguyễn Văn L làm nghề xe ôm, L biết Vũ Thị C là gái bán dâm, L đã nhiều lần chở C đến khách sạn hoặc nhà nghỉ để C bán dâm cho khách. L chỉ biết chở C đến khách sạn, nhà nghỉ là để C bán dâm còn bán cho ai thì L không biết cụ thể. Hành vi của L vẫn là hành vi môi giới mại dâm. Làm trung gian để thực hiện việc mua dâm, bán dâm khác với trường hợp làm trung gian trong các lĩnh vực khác nhất thiết người làm trung gian phải biết hai bên mà mình trung gian.

 

Khi xác định hành vi môi giới mại dâm cần phân biệt với hành vi của người đồng phạm trong vụ án chứa mại dâm có tổ chức; nếu tách riêng hành vi của người đồng phạm thì chỉ có thể xác định là hành vi môi giới mại dâm nhưng vì hành vi này là hành vi giúp sức cho việc chứa mại dâm. Ví dụ: Nguyễn Thị T là chủ tiệm làm đầu (cắt tóc và gội). T được Phạm Thanh B giao nhiệm vụ nếu có khách đến tiệm làm đầu thì gợi ý để khách mua dâm, khi khách mua dâm đồng ý thì chỉ cho khách đến nhà nghỉ của Phạm Thanh B để mua dâm, B sẽ trả cho T 50.000 đồng một khách mua dâm do T dắt mối. Hành vi của T nếu tách ra để xem xét một cách độc lập thì T chỉ phạm tội môi giới mại dâm nhưng nếu xét trong mối quan hệ giữa B với T thì hành vi của T là hành vi chứa mại dâm với vai trò giúp sức cho người chứa mại dâm (tìm người mua dâm để thực hiện việc mại dâm). Ngược lại, người có hành vi tưởng như đó là hành vi chứa mại dâm nhưng đó chỉ là hành vi môi giới mại dâm, nếu như hành vi đó không phải là đồng phạm trong vụ án chứa mại dâm. Ví dụ: Lê Thị V là chủ nhà nghỉ “Hồng Vân”, ngày 14-11-2004 có 3 người đàn ông đến thuê phòng trọ và gợi ý với V là tìm gái mại dâm cho họ. V đồng ý nhưng với điều kiện phải đi chỗ khác chứ không được thực hiện việc mua dâm ở trong phòng ngủ. V đã gọi 3 gái mại dâm cho 3 người đàn ông, sau đó họ đi đâu thì V không biết, sau khi mua dâm xong, 3 người đàn ông trở lại nhà nghỉ trả công cho V 100.000 đồng.

 

Trường hợp một hoặc một số người (thường là những người đã có nhiều tiền án, tiền sự) “chăn dắt” một số gái mại dâm để chuyên “cung cấp” cho các khách sạn, nhà nghỉ khi có yêu cầu thì cần phân biệt: nếu có sự bàn bạc, thoả thuận từ trước, thành đường dây “gái gọi” thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa mại dâm với vai trò đồng phạm; nếu không có sự bàn bạc, thoả thuận từ trước thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội môi giới mại dâm với các tình tiết định khung là: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; phạm tội nhiều lần;đối với nhiều người hoặc tái phạm nguy hiểm.

 

b. Hậu quả

 

Đối với tội môi giới mại dâm, hậu quả cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì tuỳ trường hợp người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Cũng như đối với tội chứa mại dâm, tội môi giới mại dâm nhà làm luật cũng không quy định các dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm nhưng cũng cần phải nghiên cứu các quy định của Nhà nước có liên quan đến mại dâm mà đặc biệt là Pháp lệnh phòng, chống mại dâm ngày 17-3-2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, còn các văn bản của Chính phủ của các cơ quan, tổ chức liên quan đến phòng chống mại dâm.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội môi giới mại dâm thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức là người phạm tội biết rõ việc dụ dỗ, dẫn dắt người mua đam hoặc người bán dâm để họ thực hiện việc mua dâm, bán dâm. Nếu vì một lý do nào đó mà họ không biết hoặc không thể biết có việc mua bán dâm thì không phạm tội môi giới mại dâm. Ví dụ: Mai Ngọc T làm nghề xe ôm trước cửa khách sạn “Thăng Long”. T biết Chu Thị H là nhân viên khách sạn thường ngày hay đi xe của T. Ngày 04-6-2004, H nhờ T chở H đến nhà nghỉ “Quỳnh Hương” để gặp người quen. Khi đến nhà nghỉ “Quỳnh Hương” H bảo T chờ ở ngoài để chở H về khách sạn “Thăng Long”. Khi H vào trong nhà nghỉ được 30 phút thì bị Công an bắt quả tang đang bán dâm cho khách. Do đã bị các trinh sát theo dõi từ trước, nên sau khi bắt quả tang H đang bán dâm thì đồng thời các chiến sĩ cảnh sát cũng bắt luôn cả T. Tuy nhiên, sau khi xác minh thấy T hoàn toàn không biết H đến nhà nghỉ “Quỳnh Hương” là để bán dâm nên Cơ quan điều tra đã quyết định không khởi tố đối với Mai Ngọc T.

 

Động cơ của người phạm tội môi giới mại dâm chủ yếu là do tư lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác; động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, việc xác định động cơ của người phạm tội cũng rất quan trọng có ý nghĩa đến việc quyết định hình phạt đối với người phạm tội; động cơ càng xấu mức hình phạt sẽ càng nặng và ngược lại.

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 255 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 255 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội mụi giới mại dâm có thể bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới sáu tháng tù; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

 

Trong tình hình hiện nay, nói chung là cần phải xử phạt nghiêm khắc để góp phần chặn đứng và đẩy lùi tệ nạn mại dâm; việc cho người phạm tội được hưởng án treo phải rất thận trọng và chỉ trong trường hợp cá biệt.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 255 Bộ luật hình sự

 

a. Đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như đối với trường hợp phạm tội quy định tại điểm d khoản 2 Điều 254 Bộ luật hình sự, người chưa thành niên là đối tượng mà người phạm tội môi giới là người ở độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 và là người mua dâm hoặc bán dâm.

 

b. Có tổ chức.

 

Cũng như trường hợp phạm tội có tổ chức khác, phạm tội môi giới mại dâm có tổ chức là trường hợp có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức.

 

c. Có tính chất nhuyên nghiệp.

 

Cũng tương tự như đối với trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp trong các tội phạm khác, môi giới mại dâm có tính chất chuyên nghiệp là lấy việc môi giới mại dâm làm nguồn sống chính cho mình và gia đình.

 

d. Phạm tội nhiều lần.

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm c khoản 2 Điều 254 đối với tội chứa mại dâm, chỉ khác ở chỗ là nhiều lần môi giới mại dâm.

 

 đ. Tái phạm nguy hiểm.

 

Cũng tương tự như trường hợp tái phạm nguy hiểm khác, người phạm tội môi giới mại dâm thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là người đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4  Điều 255 Bộ luật hình sự hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội môi giới mại dâm.

 

Như vậy, người phạm tội môi giới mại dâm thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm chỉ có thể là trường hợp đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội chứa mại dâm, vì nếu đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 254 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật rồi. Tuy nhiên, nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội phải bị áp dụng 2 tình tiết định khung hình phạt đó là: “tái phạm nguy hiểm” và tình tiết tương ứng quy định tại khoản 2 của điều luật.

 

e. Đối với nhiều người

 

Môi giới mại dâm đối với nhiều người là trường hợp một lần hoặc nhiều lần môi giới mại dâm đối với từ hai người trở lên. Nếu nhiều lần môi giới, nhưng mỗi lần chỉ môi giới đối với một người thì không bị coi là đối với nhiều người, nhưng nếu mỗi lần môi giới đối với nhiều người thì thuộc cả hai trường hợp: “phạm tội nhiều lần” và “đối với nhiều người”.  

 

g. Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như một số trường hợp phạm tội quy định tại các tội phạm khác. Do chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng khác do hành vi môi giới mại dâm gây ra nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, để xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi môi giới mại dâm gây ra.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới ba năm tù nhưng được dưới sáu tháng năm; nếu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, trong đó có tình tiết tái phạm nguy hiểm và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười  năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 255 Bộ luật hình sự

 

a. Đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như đối với các trường hợp phạm tội quy định tại điểm a khoản 2 Điều 254 Bộ luật hình sự, người ở độ tuổi từ đủ 13 đến dưới 16 cũng là người mua dâm hoặc bán dâm.

 

b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 254 Bộ luật hình sự nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng, để xác định hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi môi giới mại dâm gây ra.

 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trong hai trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới bảy năm tù nhưng không được dưới ba năm tù; nếu thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật hoặc tuy chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 nhưng tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù.

 

4. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 255 Bộ luật hình sự

 

Tương tự như đối với Điều 254 Bộ luật hình sự, khoản 4 Điều 255 Bộ luật hình sự, nhà làm luật chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là: gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 254 Bộ luật hình sự nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, để xác định hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi môi giới mại dâm gây ra.

 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không thuộc trường hợp nào quy định tại khoản 2, khoản 3  của điều luật nữa và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới mười hai năm tù nhưng không được dưới bảy năm tù; nếu vừa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vừa tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến hai mươi năm tù.

 

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng.

 

34. TỘI MUA DÂM NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

 

Điều 256. Tội mua dâm người chưa thành niên  

1. Người nào mua dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến tám  năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Mua dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Phạm tội nhiều lần đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;

b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên.

4. Người phạm tội còn bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến mười triệu đồng.

 

Định nghĩa: Mua dâm người chưa thành niên là hành vi dùng tiền hoặc lợi ích khác trả cho người bán dâm dưới 18 tuổi để được giao cấu.

 

Tội mua dâm người chưa thành niên là tội phạm đã được quy định tại Điều 202a Bộ luật hình sự năm 1985 theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự được Quốc hội thông qua ngày 10-5-1997 do yêu cầu đấu tranh phòng chống loại hành vi này xảy ra khá phổ biến.

 

So với Điều 202a Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 256 Bộ luật hình sự năm 1999 về cơ bản không có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn vì tội phạm này mới được bổ sung. Tuy nhiên, do yêu cầu của việc đấu tranh phòng chống tội phạm này trong tình hình mới nên nhà làm luật bổ sung một số tình tiết là yếu tố định khung hình phạt như: mua dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% (được quy định tại khoản 2 của điều luật); bổ sung khoản 3 của điều luật với các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt như: phạm tội nhiều lần đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên.

 

Ngoài khoản 4 quy định hình phạt bổ sung, thì Điều 256 cấu tạo thành 3 khoản nên khung hình phạt ở khoản 2 và khoản 3 được sửa đổi cho phù hợp (khoản 2 từ ba năm đến tám năm, khoản 3 từ bảy năm đến mười lăm năm), nhưng mức hình phạt thấp nhất và cao nhất của tội điều luật so với Điều 202a không thay đổi (từ một năm đến mười lăm năm)

 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

 

Cũng tương tự như đối với tội chứa mại dâm và tội môi giới mại dâm, chủ thể của tội phạm này cũng không phải là chủ thể đặc biệt, người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

 

Nói chung chủ thể của tội phạm này là nam giới, nhưng trong một số trường hợp có cả phụ nữ.

 

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

 

Tội mua dâm người chưa thành niên là tội xâm phạm đến sự phát triển bình thường của người chưa thành niên về thể chất, tâm sinh lý, đồng thời xâm phạm đến trật tự trị an xã hội.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là người chưa thành niên nhưng phải là từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi và những người này phải là người bán dâm, nếu họ không phải là người bán dâm thì cũng không gọi mua dâm mà tuỳ trường hợp người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu với trẻ em quy định tại Điều 115 Bộ luật hình sự.

 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

 

a. Hành vi khách quan

 

Hành vi mua dâm của người phạm tội được thực hiện với thủ đoạn khác nhau như: dùng tiền dùng tiền hoặc lợi ích khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.

 

Khi xác định hành vi mua dâm người chưa thành niên cần chú ý: Việc mua dâm không diễn ra không giống như việc mua bán hàng hoá bình thường khác nhất là đối với trẻ em từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Người bán dâm có thể bị cưỡng bức, bị mua chuộc dụ dỗ nên mới bán dâm; vì vậy, nếu trong quá trình giao cấu người được coi là “bán dâm” có biểu hiện của sự không đồng ý như chống cự, van xin hoặc miễn cưỡng để người mua dâm giao cấu thì tuỳ trường hợp người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm, cưỡng dâm, chứ không phải là mua dâm. Vụ án Lương Quốc Dũng ở Hà Nội là một ví dụ. Mặc dù Dũng cho rằng mình chỉ bỏ tiền ra mua dâm nhưng người bị hại là người bị người khác mua chuộc dụ dỗ đến khách sạn để Dũng thực hiện hành vi giao cấu; trước khi thực hiện việc giao cấu, người bị hại đã phản ứng đòi về, doạ mách mẹ và không đồng ý nhưng Dũng đã đe doạ buộc người bị hại phải miễn cưỡng, mặt khác trong hoàn cảnh chỉ có một mình trong phòng nên không thể chống cự phải miễn cưỡng để Dũng giao cấu. Trong quá trình giải quyết vụ án cũng có nhiều ý kiến cho rằng Dũng chỉ phạm tội mua dâm người chưa thành niên hoặc tội giao cấu với trẻ em, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự Lương Quốc Dũng về tội hiếp dâm.

 

b. Hậu quả

 

Đối với tội mua dâm, có thể gây ra những hậu quả nhưng nó không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu gây ra thiệt hại đến sức khoẻ cho người bán dâm có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật.

 

c. Các dấu hiệu khách quan khác

 

Cũng như đối với các tội liên quan đến mại dâm, tội mua dâm người chưa thành niên khi xác định hành vi phạm tội cần phải nghiên cứu các quy định của Nhà nước có liên quan đến mại dâm mà đặc biệt là Pháp lệnh phòng, chống mại dâm ngày 17-3-2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

 

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

 

Người phạm tội mau dâm người chưa thành niên thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức là người phạm tội biết rõ việc mình bỏ tiền hoặc lợi ích vật chất ra là để trả cho người bán dâm và được giao cấu với người bán dâm

 

Động cơ của người phạm tội là thoả mãn dục vọng là chủ yếu. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người phạm tội vì những động cơ cá nhân khác như trả thù, truyền bệnh cho người bán dâm…

 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 256 Bộ luật hình sự

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 256 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội mua dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị phạt tù từ một đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

 

Khoản 1 của điều luật không phải là cấu thành cơ bản của tội phạm mà chỉ là một cấu thành giảm nhẹ độc lập với các khoản khác, vì nếu coi là cấu thành cơ bản thì chỉ mua dâm đối với người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mới phạm tội mua dâm người chưa thành niên còn mua dâm người dưới 16 tuổi sẽ không phạm tội này.

 

Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới một năm tù; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù. Về nguyên tắc, nếu các Toà án khác của vụ án như nhau thì tuổi của người bán dâm càng thấp thì hình phạt đối với người phạm tội phải càng cao.

 

2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 256 Bộ luật hình sự

 

a. Phạm tội nhiều lần.

 

Mua dâm người chưa thành niên nhiều lần là từ hai lần mua dâm người chưa thành niên trở lên nhưng không có lần nào thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật. Nếu có trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật thì không áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần để áp dụng khoản 2 của điều luật nữa; nếu mua dâm người chưa thành niên nhiều lần nhưng có một lần thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 của điều luật thì người phạm tội vừa bị áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần và tình tiết quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 của điều luật.

 

b. Mua dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

 

Theo quy định của Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em thì trẻ em là người dưới 16 tuổi nên điểm b khoản 2 điều luật quy định mua dâm trẻ em mà không quy định mua dâm người chưa thành niên, nhưng dù là trẻ em thì cũng là người chưa thành niên. Khi xác định trường hợp phạm tội này, chỉ cần xác định tuổi của người bán dâm, mà không cần xác định người phạm tội có biết hay không biết người bán dâm bao nhiêu tuổi. Đây cũng là vấn đề thực tiễn xét xử còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng cơ quan tiến hành tố tụng đã không thừa nhận lời bào chữa của người phạm tội rằng họ không biết người bán dâm dưới 16 tuổi.

 

c. Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 61%.

 

Trường hợp phạm tội này là trường hợp do hành vi giao cấu với người bán dâm mà gây tổn hại cho sức khoẻ của người bán dâm có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%. Nếu người bán dâm vì những nguyên nhân khác mà bị tổn hại sức khoẻ thì người phạm tội không phải chịu trách nhiệm về việc tổn hại sức khoẻ đó. Ví dụ: Vũ Thị M là học sinh trung học nhưng đã nhiều lần bán dâm cho khách. Ngày 20-12-2004 M bán dâm cho một khách nước ngoài thì bị bắt quả tang. Do xấu hổ và lo sợ bị đuổi học, bị bố mẹ ruồng bỏ, bạn bè xa lãnh nên đã uống thuốc độc tự tử nhưng được cấp cứu nên không chết chỉ bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật là 35%.

 

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ ba năm đến tám năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới ba năm tù nhưng được dưới một năm tù; nếu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, trong đó có tình tiết tái phạm nguy hiểm và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến tám năm tù.

 

3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 256 Bộ luật hình sự

 

a. Phạm tội nhiều lần đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

 

Trường hợp phạm tội này tương tự như đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 của điều luật nhưng mỗi lần phạm tội đều đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Khi áp dụng tình tiết này cần chú ý:

 

 Nếu mua dâm nhiều lần nhưng chỉ có một lần người bán dâm từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi còn các lần khác đã từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 của điều luật.

 

Nếu mua dâm từ hai người trở lên trong đó có hai người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì cũng coi là phạm tội nhiều lần đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

 

b. Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội

 

Trường hợp phạm tội này là trường hợp người mua dâm biết mình bị nhiếm HIV nhưng vẫn vẫn cố tình mua dâm.

 

Khi áp dụng tình tiết này cần phân biệt với trường hợp phạm tội lây truyền HIV cho người khác quy định tại Điều 117 Bộ luật hình sự. Nếu người phạm tội mua dâm người chưa thành niên mà biết mình bị HIV mà vẫn mua dâm thì thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 256 Bộ luật hình sự, còn lại là thuộc trường hợp quy định tại Điều 117 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với trường hợp mua dâm người chưa thành niên chỉ cần người phạm tội biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn mua dâm là thuộc trường hợp  quy định tại điểm b khoản 3 Điều 256 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội có ý thức được việc lây truyền HIV cho người bán dâm hay không, không phải là yếu tố bắt buộc.

 

c. Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên.

 

Trường hợp phạm tội này tương tự như trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 của điều luật, chỉ khác ở chỗ nạn nhân trong trường hợp này có tỷ lệ thương tật từ 60% trở lên.

 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trong hai trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp hình phạt dưới bảy năm tù nhưng không được dưới ba năm tù; nếu thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật hoặc tuy chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 nhưng tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù.

 

4. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến mười triệu đồng.

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness