TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Thiền và kinh tế học "Thủy tự mang mang hoa tự hồng

Trong phần trước có nhắc tới lời Trang Tử, phải “tuyệt thánh khí trí” thì thiên hạ mới thái bình, cùng việc Hayek coi giới trí thức là “secondhand dealer” và môn kinh tế học chính thống hiện đại là “ngụy tạo tri thức”. Nhiều người dễ liên tưởng đến chuyện Mao Trạch Đông coi trí thức “không bằng cục phân”. Tôi không biết họ Mao có nói như vậy hay không và nói trong ngữ cảnh nào, nhưng nếu có chuyện đại loại như thế thì ông ta không phải là người đầu tiên, đầu tiên chính là Trang Tử và Lão Tử. Và người nói điều đó có “bài bản” nhất là Hayek.
 
Hayek cho rằng tai họa của thế kỷ 20 chính là chủ nghĩa duy khoa học. Theo ông thì không thể đem các phương pháp của khoa học tự nhiên như toán hay vật lý học để nghiên cứu, đo lường các hiện tượng kinh tế và xã hội nhằm rút ra các quy luật vận động của nó, vì xã hội là tập hợp vô số những hiện tượng phức đan xen tương tác giữa những ý chí, lợi ích, sở thích của hàng tỷ cá thể riêng lẻ. Không có bất cứ một bộ óc nào có thể thâu tóm hết những hiện tượng phức đó. Người ta chỉ có thể biết được những gì người ta có thể biết, người ta chỉ có thể đo được những gì có thể đo, mà những cái có thể biết có thể đo là rất ít ỏi và rất nhiều khi chúng không phải là các yếu tố chủ yếu của hiện tượng. Tri thức về một sự vật, một hiện tượng được quan sát, đo lường theo cách đó nhất định không phải là bản thân sự vật, hiện tượng. Đó là tri thức ngụy tạo.
 
Hayek chỉ thừa nhận kinh tế học vi mô, ông bác bỏ kinh tế học vĩ mô. Người ta có thể biết một doanh nghiệp, không thể biết cả một nền kinh tế. Tri thức vi mô là tri thức thật, tri thức vĩ mô là tri thức ngụy tạo. Nhà nước, dù gồm những thiên tài quản lý, không bao giờ có đủ tri thức để lập kế hoạch và điều khiển nền kinh tế theo kế hoạch. Sự sụp đổ của Liên Xô và các nền kinh tế kế hoach hóa Đông Âu là minh chứng.
 
Nhà nước cũng không đủ tri thức can thiệp vào thị trường, dù với sứ mệnh cao cả “bảo đảm công bằng xã hội”. Hậu quả của việc ngang ngược xóa bỏ bản vị vàng và thực hiện “chủ nghĩa can thiệp”, từ F.D. Roosevelt (Tổng thống Mỹ) đến Clement Attlee (Thủ tướng Anh), đã để lại những di hại nghiêm trọng cho đến tận ngày nay, khiến cho thế giới trở nên hỗn loạn không kiểm soát nổi. Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu hiện nay có nguồn gốc sâu xa từ mô hình “Nhà nước phúc lợi” của nước Anh thời kỳ Attlee. Anh Quốc vốn là “quê hương” của thị trường tự do, dẫn đầu thế giới về sự thịnh vượng ở thế kỷ 19, đã bị chủ nghĩa can thiệp của Attlee và Công Đảng Anh làm suy kiệt, cho đến khi Margaret Thatcher lên cầm quyền.
 
Xin nói thêm một chút việc bà đầm thép Thatcher đã “phá chấp” để đưa nước Anh “phản bản hoàn nguyên” như thế nào. Ngay khi mới lên cầm quyền, bà tuyên chiến với hai thế lực lớn : độc quyền kinh tế của các ngành quốc hữu hóa và độc quyền nghiệp đoàn. Bà cắt giảm các khoản chi tiêu công khổng lồ, giảm thiểu vai trò của Nhà nước, trả các hoạt động sản xuất kinh doanh lại cho thị trường. Ngày nay chúng ta đã quen với khái niệm “tư nhân hóa”, chính khái niệm đó đã ra đời ở nước Anh thời Thatcher. Đáp trả lại sự phản đối gay gắt trong nội các về việc bà áp dụng  “chủ nghĩa kinh tế tự do của Giáo sư Hayek”, bà nói : “Ồ, vâng, tôi biết, gần đây chúng ta đã được không dưới 365 nhà kinh tế học hàn lâm cho biết rằng những điều này là không thể … Sự tự tin về tính chính xác trong dự đoán của họ khiến tôi nín thở. Nhưng tôi đã lớn lên trong một cửa hàng kinh doanh, tôi tự hỏi liệu họ có dám đặt cược bằng tiền của chính họ cho những dự đoán đó hay không” (trích từ Daniel Yergin và Joseph Stanislaw - Commanding Heights : The Battle for the World Economy). Và bà đã thắng, nước Anh đã hồi sinh.
 
Ở Việt Nam, Đổi Mới là câu chuyện kinh thiên động địa. Đổi Mới hơn 25 năm, đất nước đã tiến một bước tiến dài. Đó thực chất là câu chuyện “bỏ bớt” Nhà nước, là Nhà nước từng bước lùi khỏi thị trường. Những tuyên bố “cởi trói”, “xóa bỏ”, “nới lỏng” dần dần thay cho các khẩu hiệu “tăng cường”, “siết chặt”, “đẩy mạnh”. Nói “kinh thiên động địa” là vì ngay một nước tư bản chủ nghĩa như nước Anh, hồi đó dù độc quyền kinh tế nhà nước nhưng thị trường chưa bị phế bỏ, mà trở lại kinh tế thị trường tự do còn khó đến như vậy, huống gì một nền kinh tế đã nằm gọn trong gọng kiềm kế hoạch hóa như Việt Nam.
 
Không ai biết các nhà kinh tế học Việt Nam làm được những trò trống gì để thúc đẩy Đổi Mới. Người ta chỉ biết ông Kim Ngọc khoán chui, ông Tạ Đình Đề hai lần bị bắt, hai lần ra tòa về “tội” dám tổ chức sản xuất kinh doanh của Xưởng Cao su Đường sắt theo thị trường, người ta chỉ biết các doanh nghiệp vượt rào, biết những người đứng mũi chịu sào như ông Võ Văn Kiệt xúi bà Ba Thi vượt ngăn sông cấm chợ để lưu thông lương thực với lời bảo đảm “nếu chị đi tù tôi sẽ đem cơm”, biết ông Phan Văn Khải khi làm Thủ tướng đã từng tuyên bố “Nhà nước chỉ làm những gì mà dân không làm được” – chủ nghĩa tự do của Hayek tựu trung cũng chỉ như vậy thôi.
 
Hôm nay Obama vừa tái cử thêm một nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ. Điều kỳ lạ là báo chí Việt Nam không giấu nổi sự hân hoan, thậm chí trước bầu cử có báo còn hào hứng đưa tin “thế giới mong Obama thắng cử”. Nhưng cần nhớ rằng, cũng như F.D. Roosevelt trước đây, Obama tiếp tục cầm quyền thì Nhà nước Mỹ to ra, tự do tạm thời ít đi, các biện pháp lấy lòng tầng lớp trung lưu (Middle America) sẽ khiến cho nợ nước Mỹ phình to thêm, vàng sẽ tiếp tục lên giá vì lượng cung tiền sẽ tăng, tóm lại là kinh tế giới giới sẽ có thêm 4 năm tích tụ bất ổn cho một cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn trong tương lai. Nhưng biết làm sao được khi đa số người Mỹ ngày nay thích đổi tự do để lấy sự an toàn trong hiện tại, còn tương lai thì mặc xác !
 
Trở lại câu chuyện của Thiền, về sự “Biết” (tri thức). Theo Hòa thượng Thích Trí Quang : Mục đích của việc hành thiền là làm cho “tâm nhất tánh cảnh”, nói nôm na là làm sao cho cái “Biết” của mình đồng nhất với đối tượng mà mình quan sát, tức là tri thức về đối tượng phản ánh đúng chân tướng của đối tượng. Thiền tông phân biệt sự “Biết” theo 2 cấp độ : đệ nhất phong đầu và đệ nhị phong đầu (ngọn núi thứ nhất và ngọn núi thứ hai). Đệ nhất phong đầu là chân tướng của đối tượng. Đệ nhị phong đầu, còn gọi là “tương tục tâm”, không phải là chân tướng của đối tượng, nghĩa là do sự nhận định tốt xấu và thái độ yêu ghét chủ quan của con người thêm thắt hoặc cắt xén, khiến cho đối tượng bị biến dạng, méo mó đi. Khốn nỗi con người bao giờ cũng có sẵn những định kiến tốt xấu và thái độ yêu ghét khi quan sát đối tượng, nên cái “Biết” thường chỉ là đệ nhị phong đầu. Đệ nhị phong đầu bao giờ cũng lấn át, che khuất đệ nhất phong đầu. Mọi thứ trần lao phiền não từ đó mà sinh ra. Khi nào cái “Biết” đúng với đệ nhất phong đầu, khi ấy mới giải thoát khỏi mọi trần lao phiền não, và như vậy là đã kiến tánh thành Phật rồi.
 
Cái “Trí” mà Trang Tử Lão Tử bảo phải bỏ (khí Trí) chính là đệ nhị phong đầu. Thứ “tri thức ngụy tạo” mà Hayek nhắc tới cũng là đệ nhị phong đầu…

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness