TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Lần theo dấu chân Người trên đất Mỹ - Bài 3: Bác Hồ ở Boston

 

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói chuyện với TS Sử học Nathaniel Sheidley.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói chuyện với TS Sử học Nathaniel Sheidley

 

- Những người bạn Mỹ ở TP New York và cả ở TP Boston nói rằng thật tuyệt vời khi mối quan hệ, bang giao hợp tác trên đà tốt đẹp, qua kênh giao lưu, trao đổi văn hóa ngoại giao nhân dân, người dân Hoa Kỳ càng biết thêm về mối quan hệ của Hồ Chí Minh với Boston. Đặc biệt, với khách sạn Parker House - được những nghệ sĩ ví như một cánh cửa khám phá những năm đầu sôi động của người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Văn Ba thời đó.

Tham dự buổi Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội gặp gỡ đại diện cộng đồng bà con, thanh niên, sinh viên học sinh trong khuôn viên khách sạn Ommi Parker hôm chúng tôi sang có vị khách Mỹ mái tóc trắng như cước, nói chuyện thân mật với những người Việt ta như người trong nhà! Các anh ở Sứ quán cho biết, đó là ông Kevin Bowen, nhà thơ Mỹ, nguyên Giám đốc Trung tâm William Joiner thuộc trường Đại học Massachusetts (nay là Viện William Joiner).

Trong không khí đầm ấm, Giáo sư Kevin Bowen, người cựu chiến binh có mặt trên mặt trận Tây Ninh Việt Nam năm xưa, đã trình bày công trình nghiên cứu hấp dẫn của mình. Quãng đời sinh sống và hoạt động của Bác Hồ ở Boston trong hành trình tìm đường cứu nước của Người dần sáng rõ, mạch lạc trong những hình ảnh, sự kiện lịch sử vừa cụ thể, vừa bao quát mang tính lô-gic, thuyết phục và rất nhân văn.

Những người nổi tiếng ở Parker House

Theo nội dung nghiên cứu được thuyết trình, Giáo sư Kevin Bowen cho biết: Cuối năm 1911 với tên gọi Văn Ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tàu từ cảng Le Havre (Pháp) tới TP New York với tư cách là một thuyền viên. Sau một thời gian ngắn ở New York, làm việc tại Brookyn, Người chuyển tới Boston. Nơi đây người thanh niên Việt Nam sống và làm việc ở đây trong những năm tháng sôi nổi nhất của thành phố này.

Nhiều tài liệu cho thấy, Anh Văn Ba từng một thời gian ngắn làm người giúp việc cho gia đình một người giàu có ở Brooklyn. Anh bị thành phố Boston cuốn hút và chẳng bao lâu sau đã tìm được công việc là người phụ giúp người làm bán tại khách sạn Parker House, dần dần trở thành người làm bánh chuyên nghiệp của khách sạn.

Boston là một thành phố lịch sử và người dân ở đây tự hào về truyền thống văn chương nổi tiếng của thành phố. Parker House được xây dựng năm 1855 và trở thành nơi hội họp thường xuyên của các cây bút xuất sắc của nước Mỹ, trong số này có Emerson, Thoreau, Hawthorne và Longfellow. Thời kỳ này được xem là Thời đại Hoàng kim đối với nền văn học Mỹ.

Ngày nay, văn bản lịch sử còn lưu giữ ở khách sạn Parker House ghi lại, tại nơi này, các thế hệ chính trị gia quốc gia và địa phương, trong đó có Ulysses S. Grant, James Michael Curley, Franklin Delano Roosevelt, John F. Kennedy, Colin Powell, Thomas “Tip” O’Neill, William Jefferson Clinton, Deval Patrick... họp các cuộc thảo luận riêng hay họp báo. Do Parker House gần khu vực nhà hát của Boston, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của thế kỷ thứ 19 đã coi đây như nhà của mình, gồm có những Charlotte Cushman, Sarah Bernhardt, Edwin Booth, và anh trai của ông là John Wilkes Booth…

“Năm ông đến, 1912, Boston đang trong thời kỳ chuyển đổi có tính bước ngoặt, do đó, chàng thanh niên trẻ Văn Ba, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tiếp xúc với những con người tạo nên những thay đổi đó khi ông đi trên những con phố hoặc khi họ đi ngang qua khách sạn Parker House nơi ông làm việc”. Giáo sư Kevin Bowen nói.

Văn Ba và Boston Cream Pies

Giáo sư Kevin Bowen trân trọng dùng cụm từ nhìn nhận Văn Ba là“người thợ làm bánh nổi tiếng nhất trong lịch sử”! Ông nói rõ hơn, Parker House từ lâu được biết đến như là một điểm đến quen thuộc của các nhà văn, nghệ sĩ, chính trị gia, cũng như các diễn viên nổi tiểng. Đây chính là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại một chiếc bàn đá nhỏ, làm công việc của một người thợ bánh, ông đã đóng góp cho danh tiếng của khách sạn, làm ra những chiếc bánh kem Boston Cream Pies và Lemon Meringue Pies. Chính món bánh kem Boston và bánh trứng đường với chanh tuyệt vời góp phần làm nên nổi tiếng của khách sạn này, nay được vào danh sách món tráng miệng đặc sắc chính thức tại các cuộc tiếp tân của bang Massachusetts thết đãi khách quý trong nước và nước ngoài.

Từ loạt cứ liệu lịch sử bằng hình ảnh chân thực của Giáo sư Kevin Bowen cho thấy, năm 1912, trong thời gian rảnh rỗi của mình và vào ngày nghỉ, Văn Ba cùng nhiều người dân thành phố và những người nhập cư mới tới phòng đọc của Thư viện công cộng Boston. “Với kiến thức của ông về Trung Quốc và vốn tiếng Pháp, tiếng Anh ngày càng hoàn thiện, ông liên tục cập nhật tin tức của thế giới và biết bài tại nhà, liên hệ với Phan Chu Trinh, gia đình và chính quyền ở Huế, nơi ông tìm cách xin gửi tiền về nhà như nhiều người nhập cư quanh ông vẫn làm...”.

Nhìn vào bối cảnh lúc đó, khi ở Boston, chàng thanh niên trẻ Văn Ba sống chủ yếu trong khu vực South Cove hoặc South End của thành phố, một khu vực không xa Boston Common, nơi có nhiều người nhập cư mới, bao gồm cả người dân Trung Quốc đầu tiên của thành phố và cũng là nơi có Nhà Văn hóa và trụ sở của các tổ chức xã hội tiến bộ đầu tiên của Boston.

“Năm 1912, đường tàu điện Green Line đi vào hoạt động. Văn Ba là một trong những hành khách đầu tiên. Nếu đi bộ qua khu vực Boston Common, ông hẳn đã thấy bia đá tưởng niệm Blackstone xây từ năm 1913, hay công trình mái vòm Parkman Bandstand...”. Giáo sư Kevin Bowen mô tả cuộc sống của người thanh niên Việt Nam, hòa mình như những người dân bình thường địa phương lúc đó.

Trong những tháng ngày lưu lại Boston, chàng thanh niên Văn Ba hẳn đã chứng kiến nhiều tòa nhà và khu phức hợp được hoàn thiện, nay là những công trình mang tính lịch sử, như: Vườn thú Franklin Park, Bảo tàng của trẻ em, Liberty Mutual Building, Công viên Fanway, Cảng cá Boston, Trụ sở của Hiệp hội thanh niên Cơ đốc giáo, Tháp Đồng hồ Boston - Customs House Clock Tower, Nhà ga Park Street… Sau hơn 100 năm, dịp đến thăm thành phố lần này, nhiều công trình văn hóa, lịch sử đó vẫn còn uy nghi nổi bật và được bảo tồn, khai thác du lịch giữa nhịp sống năng động của một trong những bang có nền kinh tế có nhiều thế mạnh về kinh doanh, dịch vụ du lịch, đặc biệt lĩnh vực giáo dục, y tế có hàng trăm cơ sở có chất lượng hàng đầu Hoa Kỳ.

Boston còn nổi tiếng khắp thế giới với những trường đại học danh tiếng như Harvard, M.I.T, Tuft, U-Mass… Thành phố này cũng là quê hương của cả hai trường học đầu tiên ở Mỹ: Trường Cao đẳng Boston, thành lập năm 1635, là nơi đầu tiên đào tạo sinh viên bậc đại học của nước Mỹ và Đại học Harvard (ra đời từ 1636) là trường đại học cổ nhất nước Mỹ.

Tháp tùng các hoạt động của Đoàn làm việc với các giáo sư, nhà quản lý giáo dục ở TP Boston, mùa này, chúng tôi được biết đang trong kỳ nghỉ hè nên hầu hết các giảng đường ở Harvard và M.I.T đều đóng cửa, nhưng sân trường thì rất đông du khách trong nước, quốc tế đến thăm. Ai cũng muốn được chạm vào chiếc giày của bức tượng nổi tiếng tại Harvard, với mong muốn đem lại may mắn trong việc học hành!

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và lãnh đạo QH bang Masachussetts.

“Bánh mì và hoa hồng”

Theo Giáo sư Kevin Bowen: Trong những năm 1912 - 1912, Văn Ba sống ở một thành phố, nơi các cuộc tuần hành, biểu tình đòi điều kiện sống và làm việc tốt hơn là chủ đề đối thoại hằng ngày.

Cụ thế, những năm tháng này, chàng thanh niên Văn Ba sống giữa các nhà hoạt động về quyền phụ nữ. Từ phong trào của các nhà nữ quyền Suffragettes đòi quyền bỏ phiếu cho đến cuộc đấu tranh của các tổ chức nghiệp đoàn vì điều kiện làm việc tốt hơn cho phụ nữ trong các nhà máy.

Khi bang Masachusetts thông qua đạo luật đầu tiên về chế độ tuần làm việc 54 giờ, các chủ nhà máy đối phó bằng cách cắt giảm lương của công nhân. Ở Lawrence bấy giờ, các nữ công nhân nhà máy, các tổ chức lao động đã khởi xướng phong trào mà sau này được biết đến trên toàn thế giới với tên gọi cuộc đình công của “bánh mì và hoa hồng”. “Chàng thanh niên Văn Ba có lẽ đã nghe những bài diễn thuyết của Big Bill Haywood và cùng tuần hành với những người ủng hộ phong trào”. Giáo sư Kevin Bowen nói.

Lịch sử thành phố còn ghi rõ, vào tháng 6-1912, hàng nghìn công nhân lái tàu của Công ty Đường sắt trên cao Boston xuống đường biểu tình phản đổi việc công ty này đối xử độc đoán với nhân viên và ngăn cản phong trào công đoàn. Khi các lái xe bắt đầu phá máy và toa tàu, công nhân từ địa phương khác được huy động về để ngăn cản đoàn biểu tình. Hơn 700 công nhân bị bắt giữ. Cuộc biểu tình kết thúc sau khi Thị trưởng John J.Fitzgerald, “Honey Fitz” vào cuộc, công đoàn được thừa nhận, và một Ủy ban Dịch vụ công được thành lập nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân, công nhân và các chủ sở hữu.

Theo Giáo sư Kevin Bowen, người thanh niên Văn Ba chắc hẳn đã chứng kiến trao đổi giữa những người môi giới quyền lực với các chính trị gia trong các căn phòng của Parker House ngay phía nơi ông làm việc. “Ông hẳn đã từng chuẩn bị bánh sinh nhật cho Honey Fitz trong những năm tháng ấy. Khó có thể hình dung rằng con gái của Honey Fitz sau này trở thành mẹ của một người đàn ông mà cũng như anh Văn Ba, đóng vai trò một nguyên thủ quốc gia và một nhân vật tiêu biểu trong thế kỷ 20. Đó là Tổng thống John. F. Kennedy!”.

“Thật thú vị khi hình dung về chàng thanh niên trẻ Văn Ba, người đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử hấp dẫn của Boston ngày ấy”. Giáo sư Kevin Bowen cho biết thêm, nhiều người còn nhớ về lĩnh vực thể thao, đội Red Sox thắng trận đầu tiên trên sân nhà mới ở Fanway Park. Người nhặt bóng Francis Ouimet đánh bại tay gôn chuyên nghiệp để đoạt danh hiệu quán quân giải Goft Mỹ mở rộng tại Country Club ở Brookline. Còn trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dây chuyền sản xuất đầu tiên tại nhà máy Ford ở Highland Park Michigan bắt đầu hoạt động.

Cùng vào thời điểm đó, Hoa Kỳ mở căn cứ quân sự tại Vịnh Guantanamo tại Cuba, lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ vào Nicaragua. Điều thú vị nữa là lúc này, Tờ Thời báo New York phát hành câu đố chữ đầu tiên, từ “nhạc Jazz” được nhắc đến đầu tiên trong một ấn phẩm in!

Giáo sư Kevin Bowen còn viện dẫn bối cảnh trong lòng nước Mỹ và thời thế cuộc sống vận động ở khu vực và quốc tế diễn ra trong năm 1912 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh có mặt ở Boston. Giáo sư Kevin Bowen phân tích rõ hơn bối cảnh lịch sử đó: Xa hơn về phía nam, Pancho Villa dẫn đầu quân nổi dậy Mexico đứng lên khởi nghĩa, còn công trình kênh đào Panama được hoàn thành. Ngài Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ Woodrow Wilson trở thành Tổng thống. Và ở New York, Tòa nhà Woolworth cao nhất thế giới bấy giờ được khánh thành…

Giáo sư Kevin Bowen

Vị giáo sư, nhà thơ cựu chiến binh Mỹ ở Boston bằng tấm lòng của người nghệ sĩ trải nghiệm của cuộc chiến tranh, đã có nhiều dịp trở lại Việt Nam với mong mỏi làm cầu nối hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy nhanh tiến trình hòa giải. Với ông và những người bạn Việt Nam, trước hết để hai bên hiểu hơn về nhau, cần khởi đầu bước đi trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, “từ trái tim đến trái tim”...

Ông Kevin Bowen trong 20 năm qua vẽ 34 bức tranh sơn dầu chân dung các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ Việt Nam là những người bạn tâm giao, từng là những người lính, bộ đội từng đến nước Mỹ, đến thăm và ở lại nhà ông. Mỗi bức tranh là những cảm nhận, suy nghĩ của nhà thơ Kevin Bowen về người bạn của mình , những nhân vật trong tranh.

Câu chuyện quay lại năm 1969, Kevin đến Việt Nam và tham gia chiến tranh ở núi Bà Đen, Tây Ninh. Một năm sau, ông trở về Mỹ và tham gia phong trào phản chiến của các cựu binh Mỹ trở về từ chiến trường Việt Nam. Trong thời gian học đại học, Kevin tranh thủ đi bán trái cây và gom được một số tiền. Năm 1972, Kevin đã dùng số tiền đó đi Pháp để chờ đợi kết quả từ Hội nghị Paris về hòa bình ở Việt Nam!

Ông tập hợp nhiều nhà văn, nhà thơ danh giá của nước Mỹ như Charles Simic (Pulitzer về thơ 1990), Grace Paley (Thi bá New York), Jusef Koumuniakaa (Pulitzer về thơ 1994), Larry Heineman (National Award về tiểu thuyết 1987), Tim Obrien (National Award về tiểu thuyết 1982)… Và những người này cũng là những cựu binh Mỹ đã tham gia chiến tranh Việt Nam và trở thành những người phản chiến.

Tập thơ để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng bạn đọc Mỹ của Kevin có tên Chơi bóng rổ với Việt Cộng.Tên tập thơ chính là tên một bài thơ trong tập viết tặng nhà văn Nguyễn Quang Sáng khi nhà văn sang thăm Mỹ và đã chơi bóng rổ với Kevin trong sân nhà ông ở Boston...

Không chỉ dừng ở đó, Kevin Bowen là người Mỹ đầu tiên có sáng kiến lập ra chương trình đưa các nhà văn Việt Nam đến Mỹ để nói về đất nước của mình. Kevin cũng chính là người đầu tiên tìm cách giới thiệu văn học Việt Nam vào Mỹ. Ông là người đề xướng việc dịch tuyển thơ của các nhà thơ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Khi dịch xong tập thơ này, các dịch giả Việt Nam kể lại rằng, còn băn khoăn chưa biết nên đặt tên cuốn sách là gì, ông Kevin đã quyết định đặt tên cuốn sách là Sông Núi. Khi hỏi ông Kevin vì lý do gì ông đặt tên cuốn sách như vậy? Kevin nói ông nghĩ đến bài thơ của Lý Thường Kiệt. - Đấy là bản tuyên ngôn về quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam: Sông núi nước Nam vua Nam ở… Và chính ông, muốn nhắc lại về quyền độc lập tự do của người Việt Nam và ý chí của người Việt Nam để bảo vệ quyền độc lập tự do ấy!

 
BÀI VÀ ẢNH: VĂN NGHIỆP CHÚC

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness