TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 11
  • Hôm nay: 228
  • Tháng: 10677
  • Tổng truy cập: 5143995
Chi tiết bài viết

Những điều lạ trong dự báo thế giới 100 năm tới - NGUYỄN HẢI HOÀNH

THẾ kỷ XXI mới bắt đầu được hơn một thập  niên mà đã có bao nhiêu đại gia nói hoặc  viết sách dự đoán về những sự việc lớn sẽ xảy ra trên thế giới trong 100 năm tới. Các dự báo ấy được cả loài người quan tâm, vì thế kỷ này chắc chắn sẽ có những chuyển biến vô cùng mới lạ chưa từng thấy.

Cách đây ít lâu Vanhoanghean.com.vn đăng loạt bài giới thiệu sách Giấc mộng Trung Hoa [1], tác giả sách là đại tá Lưu Minh Phúc khẳng định trong thế kỷ XXI Trung Quốc sẽ soán ngôi bá chủ thế giới của Mỹ. Mạng này cũng từng giới thiệu cuốn Thế giới vừa nóng, vừa phẳng lại vừa chật chội [2] của Thomas Friedman, cây bút 3 lần đoạt giải Pulitzer, đưa ra các dự báo đáng sợ về môi trường sống của loài người.

Mới đây Vietnamnet lại có bài viết về cuốn 100 năm tới: Một dự báo cho thế kỷ 21 [The Next 100 Years: A Forecast for the 21st Century (2009)] của George Friedman [3],người sáng lập và là Chủ tịch Công ty Dự báo chiến lược STRATFOR, một think tank phi chính phủ hàng đầu thế giới từng dự báo chính xác một số sự kiện chiến lược. Friedman là người Hungary gốc Do Thái theo gia đình di cư sang Mỹ khi mới 3 tuổi. Người ta thường nói dân Do Thái có trực giác nhạy bén, giỏi khái quát, giàu tưởng tượng, ít sa đà vào các chi tiết dễ gây lạc hướng, dám nghĩ tới những chuyện người khác không nghĩ tới.  

Trên thế giới luôn có nhiều nhà dự báo tương lai, kể cả các nhà chiêm tinh. Không ít người đã dự báo về ngày tận thế của nhân loại. Kịch bản phim Năm 2012 được dựng trên cơ sở các dự đoán của nền văn minh Maya, một dân tộc giỏi thiên văn, khoa học, mấy nghìn năm trước đã tính toán chính xác một năm có 365,2420 ngày. Nền văn minh ấy để lại 2500 chữ khắc trên một bậc đá kim tự tháp hiện còn, cho biết lịch pháp Maya sẽ chấm dứt vào ngày đông chí 21/12/2012. Người ta suy ra đó sẽ là ngày tận thế của Trái Đất, gây ra bởi các tác động của thiên nhiên.

Trên báo The Australian hôm 21/6/2010, nhà khoa học tiến hoá Frank Fenner 95 tuổi nói nhân loại đã quá trễ trong việc tự cứu mình khỏi thảm họa diệt vong trong khoảng một thế kỷ tới, gây ra bởi nạn thiếu lương thực (do người đông quá và hiệu ứng nhà kính) và nạn tiêu xài hoang phí.

Nói chung ít người quan tâm tới các dự đoán quá xa xôi; nhưng khi đó là dự đoán của những bộ óc thông thái thì chớ nên bỏ qua, nhất là các dự đoán liên quan tới tương lai đất nước mình. Thí dụ Thomas Friedman nói về vấn đề nước biển dâng cao trong thế kỷ này, có lẽ người Việt Nam cần quan tâm ngay từ bây giờ nếu không muốn mất trắng hai vựa lúa nuôi sống cả dân tộc, bởi lẽ việc xây đập ngăn biển kiểu Hà Lan cần làm dần dần từ hàng dăm chục năm trước khi nước biển dâng cao (tuy nó không tốn nhiều tiền và xi măng như dự án đường sắt cao tốc xuyên Việt).

100 năm tới của George Friedman chỉ dự báo những vấn đề chiến lược, không đi vào chi tiết. Dự báo của ông có lắm điều kỳ lạ tới mức ngạc nhiên so với dự báo của nhiều người, nhưng không ai vội bác bỏ, vì họ biết ông là chủ nhân kho tàng đầy ắp thông tin chiến lược của STRATFOR. Cách dự báo độc đáo ấy khiến cuốn sách trở nên rất đáng để chúng ta quan tâm.

Điều lạ thứ nhất: dự báo nước Mỹ còn chưa trưởng thành

Friedman dự báo trong thế kỷ XXI nước Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới, thậm chí ông nói bây giờ nước Mỹ hãy còn là đứa trẻ (?), thập niên 50 thế kỷ này mới trở thành siêu cường đích thực và thập niên 60 mới là thời đại vàng son của Mỹ.

Dự báo ấy khác với quan điểm của Zbigniew Brzezinski, Henry Kissinger, Stephen Brooks, William Wohlforthhoặc của Martin Jacques (trong cuốn Khi Trung Quốc thống trị thế giới [4]), cũng như nhiều dự báo rất xấu về kinh tế Mỹ trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Nó giội gáo nước lạnh lên những cái đầu phát sốt sau khi đọc sách của Lưu Minh Phúc cho rằng trong thế kỷ XXI Trung Quốc sẽ thay Mỹ lãnh đạo thế giới.

Friedman dự báo dựa trên quan điểm sự thực lịch sử và tình trạng địa-chính trị quyết định tất cả,

Friedman nhận định: nước Mỹ đã xây dựng được một nền văn hoá và chế độ chính trị tiên tiến nhất thế giới.

Trên thực tế, văn hoá Mỹ đang dẫn đầu thế giới, có sức lan toả và chiếm lĩnh mạnh mẽ. Nhạc pop, vũ điệu rock and roll cũng như đồ ăn thức uống fastfood và CocaCola... được giới trẻ khắp nơi ưa chuộng. Hollywood thống trị điện ảnh 5 châu. Truyền thông Mỹ dẫn đầu truyền thông thế giới. Văn hoá chính trị-tư tưởng của Mỹ rất phát triển, họ luôn có nhiều nhà tư tưởng, nhà chính trị học hàng đầu, chiếm lĩnh mặt trận tư tưởng thế giới. KHKT, còn giáo dục đại học thì khỏi phải nói.  

Tư tưởng dân chủ bình đẳng sinh ra ở châu Âu nhưng nảy mầm và thành cây lá sum sê trên đất Mỹ khi châu Âu còn ngột ngạt dưới ách phong kiến. Giới tinh hoa (elite) Mỹ đã hấp thu được tinh hoa của giới tinh hoa châu Âu và biến nó thành hiện thực, xây dựng nên một chế độ chính trị không giống bất kỳ quốc gia nào. Hiến pháp Mỹ 1787 là bộ hiến pháp thành văn đầu tiên của giai cấp tư sản trong lịch sử thế giới. Nó dựa trên cơ sở tư tưởng dân chủ tư sản, đầu tiên dựng nên một quốc gia có đặc trưng là chế độ cộng hòa, chế độ liên bang, chế độ Tổng thống, chế độ tam quyền phân lập, chính phủ dân bầu, chế độ nhiệm kỳ của người lãnh đạo. Cơ chế ấy bảo đảm dân chủ hóa trình tự ra quyết sách, tránh được sự lạm dụng chức quyền. Tuy chưa sang Mỹ nhưng Karl Marx từng hết lời ca ngợi nước này. Trong bài Hình thái ý thức của nước Đức, Marx viết: “Thí dụ hoàn thiện nhất về quốc gia hiện đại là Bắc Mỹ.” Trong Siêu hình học chính trị kinh tế học, Marx gọi nước Mỹ là “quốc gia tiến bộ nhanh nhất tại Bắc Mỹ” [5]. Sức sống của mô hình chính quyền Mỹ thể hiện ở chỗ từ ngày lập quốc (1776) đến nay nước này chưa hề có đảo chính hoặc cách mạng lật đổ chính phủ. Khó tìm được nước lớn nào có nền chính trị ổn định, được lòng dân lâu như vậy.

Dù từng phạm không ít sai lầm nhưng nước Mỹ đã đứng vững và chiến thắng trong hai cuộc thế chiến và chiến tranh lạnh, vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế vô cùng trầm trọng. Được như vậy trước hết là do cơ chế chính trị phát huy được vai trò làm chủ của toàn dân, họ tìm ra được những nhân vật tinh hoa của đất nước và bầu vào chức vụ lãnh đạo. Nhờ thế chỉ sau 150 năm dựng nước, Mỹ đã trở thành siêu cường bá chủ thế giới. Trung tướng Lưu Á Châu, chính ủy trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc nói: Chế độ cán bộ, chế độ tranh cử của Mỹ có thể bảo đảm những người quyết sách đều là tinh hoa. Bi kịch của Trung Quốc chúng ta, lớn đến nhà nước, nhỏ tới từng đơn vị, phần lớn tình hình là người có tư tưởng thì không quyết sách, người quyết sách thì không có tư tưởng. Có đầu óc thì không có cương vị, có cương vị thì không có đầu óc. Nước Mỹ ngược hẳn lại, cơ chế hình tháp của họ đưa được những người tinh hoa lên. Nhờ thế, một là họ không mắc sai lầm; hai là họ ít mắc sai lầm; ba là mắc sai lầm thì có thể nhanh chóng sửa sai. Chúng ta thì mắc sai lầm, thường xuyên mắc sai lầm, mắc sai lầm rồi thì rất khó sửa sai.

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, các số liệu về tỷ lệ thất nghiệp, nợ nhà nước và thâm hụt ngoại thương đem lại cảm giác kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ sụp đổ. Thế nhưng giờ đây người Mỹ vẫn sống đàng hoàng bằng núi tiền các nước khác tự nguyện cho vay. Châu Âu mới là kẻ chịu thiệt với đồng Euro có nguy cơ đổ sập. Cơ chế chính trị Mỹ có khả năng tự sửa đổi cho thích hợp hoàn cảnh, như chính sách Kinh tế mới của Tổng thống F. Roosevelt, hoặc luật cải tổ tài chính Tổng thống Obama vừa trình Quốc hội đã và sẽ có thể đưa nước Mỹ thoát khỏi khủng hoảng.

Trên lĩnh vực kinh tế, người Mỹ cũng dẫn đầu thế giới đưa ra nhiều sáng kiến vĩ đại. Thời gian 1863-1869 họ đã xây dựng xong tuyến đường sắt Thái Bình Dương 3000 km xuyên suốt Đông Tây, vừa góp phần quan trọng thống nhất đất nước, vừa giúp nhanh chóng phát triển kinh tế. Công tŕnh này được đài BBC đánh giá là một trong 7 kỳ tích của lịch sử công nghiệp hoá thế giới và được dân Mỹ coi là biểu tượng thống nhất quốc gia (thời gian 1861-1865 Mỹ có nội chiến, đất nước chia rẽ sâu sắc). 30 năm sau, nước Nga mới bắt đầu làm đường sắt xuyên Siberia.

Thập niên 50 họ có sáng kiến xây dựng mạng xa lộ cao tốc nối tất cả các bang, các thành phố, khiến cho đất nước này trở nên vô cùng năng động, người dân tha hồ phóng xe đi khắp nơi tìm việc làm, khai thác tài nguyên.

Thập niên 90 họ đầu tiên đề xuất và triển khai xa lộ cao tốc thông tin (gồm hệ thống thông tin số và mạng thông tin internet), dẫn đầu thế giới tiến sang kỷ nguyên thông tin, nhờ đó nguồn tri thức tăng gấp bội, bảo đảm công nghệ cao phát triển như vũ bão, bỏ xa các cường quốc khác.

Hai mạng xa lộ nói trên đã đem lại cho nước Mỹ sức mạnh bá chủ thế giới trong 50 năm qua.

Giờ đây George Friedman dự báo trong thế kỷ XXI Mỹ sẽ hoàn tất xây dựng xa lộ cao tốc năng lượng, năm 2080 nhà máy điện trên vũ trụ sẽ bắt đầu phát điện về cho trái đất sử dụng.

Nước Mỹ có ưu thế tốt nhất thế giới về địa lý. Đất rộng và màu mỡ, giàu tài nguyên, có nhiều con sông lớn thông thương được và những hồ nước ngọt khổng lồ. Hai đại dương quan trọng nhất bao bọc hai bên. Ngày nay tiêu điểm cạnh tranh địa chính trị toàn cầu đã chuyển từ đại lục Âu Á sang giành giật quyền kiểm soát biển, mà về mặt này Mỹ có ưu thế vô địch, đã và đang kiểm soát toàn bộ các đường hàng hải, vì thế họ sẽ tiếp tục kiểm soát nền kinh tế toàn cầu. Ưu thế này có được là nhờ ngay từ ngày mới lập quốc người Mỹ đã có tư duy biển, tức nhận thức được biển là quan trọng nhất, chứ không phải đất liền (người Trung Quốc thì chỉ có tư duy đất liền). Trong khi người Anh, Pháp... chỉ lo chiếm đất làm thuộc địa thì người Mỹ lo chiếm các đảo nhỏ trên khắp mọi đại dương. Cuối cùng Anh, Pháp... mất hết thuộc địa, nhưng các đảo nhỏ Mỹ chiếm (như Hawaii, Guam, Midway...) thì còn nguyên, góp phần quan trọng bảo vệ từ xa nước Mỹ trước sự xâm lăng của phát xít Nhật. Người Mỹ thật khôn ngoan, hơn cả cáo già Anh.

Friedman viết: trong 10-20 năm đầu thế kỷ XXI, Mỹ sẽ gặp những thách thức nghiêm trọng, nhưng không nước nào có thể thay thế vị trí số 1 của Mỹ; thế giới vẫn lấy nước Mỹ làm trung tâm. Mỹ tập hợp nguồn tài nguyên của Bắc Mỹ, kiểm soát các đại dương và vũ trụ, triển khai sức mạnh ở bất cứ nơi nào. Nhờ dẫn đầu thế giới về khoa học kỹ thuật, gần đây họ liên tiếp thử nghiệm các loại máy bay vũ trụ không người lái, máy bay-tên lửa siêu siêu âm nhằm bảo đảm trong vòng 2 giờ từ lúc báo động, Mỹ có thể tấn công tiêu diệt bất cứ địa điểm nào trên toàn cầu.

Thí dụ, máy bay vũ trụ không người lái (unmanned spaceplane) X-37B phóng lên ngày 22/4, sau 7 tháng hoạt động bí mật trên quỹ đạo vòng quanh Trái Đất như một tàu vũ trụ, ngày 3/12/2010 đã tự động hạ cánh an toàn xuống một sân bay. X-37B có thể bay trong tầng khí quyển như máy bay bình thường (nhưng với vận tốc gấp 6-12 lần máy bay chiến đấu hiện đại nhất và bay ở độ cao 60 km, không tên lửa phòng không nào với tới nó), đồng thời khi cần, nó có thể bay vọt lên quỹ đạo Trái Đất như tàu con thoi hoặc tàu vũ trụ và ở trên đó tối đa 9 tháng, bay bằng pin mặt trời. Giới quân sự cho rằng máy bay vũ trụ còn nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra Mỹ cũng đang thí nghiệm máy bay siêu - siêu âm Falcon Hypersonic Technology Vehicle 2 với vận tốc 20800 km/h trong chương trình chế tạo loại máy bay không người lái có thể bay trong tầng khí quyển với vận tốc gần 20 lần tiếng động (Mach 20). Nếu các thí nghiệm này thành công thì Mỹ sẽ có thể thực hiện được mục tiêu Tấn công chớp nhoáng toàn cầu (Prompt Global Strike) với tính bất ngờ cao nhất.

Mỹ tiến ra thế giới như năm xưa Anh quốc tiến ra châu Âu. Cả hai nước này đều dựa vào kiểm soát biển để bảo vệ lợi ích của họ và hiểu rằng cách tốt nhất để tiếp tục kiểm soát biển là ngăn cản các nước khác xây dựng hải quân. Mục tiêu đầu tiên của Mỹ là ngăn cản sự xuất hiện một cường quốc có thể bá chủ lục địa Âu Á và bán đảo châu Âu.

Với sự tan rã của Liên Xô, sự hạn chế của Trung Quốc, sự chia rẽ của châu Âu, hiện nay nước Mỹ không gặp mối đe dọa nào. Cho nên Mỹ đang chuyển sang mục tiêu thứ hai là ngăn cản sự xuất hiện quốc gia bá quyền khu vực có thể trong một thời kỳ lâu dài lớn mạnh trở thành mối nguy hiểm với họ. Mỹ lập quan hệ tốt với Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn Nga vươn ra thế giới và giữ Trung Đông ổn định. Vòng cung bao vây Trung Quốc từ Alaska, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Đông Nam Á đã hoàn tất. Mỹ khuyến khích sự bất ổn tại Trung Quốc bằng cách bán vũ khí cho Đài Loan, nêu vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng. 

Điều lạ thứ hai: đánh giá thấp về Trung Quốc và châu Âu

Lâu nay thế giới đã quen nói tới việc Trung Quốc năm 2030 sẽ vượt Mỹ về kinh tế, trở thành đối thủ lớn nhất thách thức Mỹ về mọi mặt, thế kỷ XXI sẽ không còn là của Mỹ mà là của Trung Quốc – quốc gia quán quân thế giới (từ của Lưu Minh Phúc).

Friedman cho rằng về địa lý, Trung Quốc của người Hán được bao bọc bởi 4 tiểu bang đệm (buffer states) là Mãn Châu, Nội Mông Cổ, Tân Cương và Tây Tạng. Không có 4 cái đệm ấy, biên giới Trung Quốc sẽ lùi vào trong và trở nên dễ bị tấn công. Với 4 cái đệm này, Trung Quốc được an toàn, song nó chỉ còn là một hòn đảo cô đơn bị các lục địa bao quanh; núi rừng, dãy Hymalaya, các đồng cỏ Trung Á, và miền đất hoang Siberia bọc kín Trung Quốc về mọi hướng, trừ hướng biển.

Phần lớn dân Trung Quốc sống ở vùng trải dài vài nghìn dặm dọc ven biển Thái Bình Dương. Người đông nhưng thiếu nguồn nước ngọt. Hầu hết khu công nghiệp nằm trong vùng vài trăm dặm dọc bờ biển. Theo số liệu của Trung Quốc, khoảng 65 triệu hộ dân có thu nhập trên 20.000 USD/năm; 165 triệu hộ có thu nhập từ 2.000 đến 20.000 USD; hầu hết số nói trên sống trong vùng 100 dặm dọc bờ biển. 400 triệu hộ thu nhập từ 1.000 đến 2.000 USD, trong khi 670 triệu hộ thu nhập dưới 1.000 USD. Trung Quốc là mảnh đất của nghèo đói và chênh lệch giàu nghèo, nguyên nhân gây ra bất ổn nội bộ nước này. Đây là nguồn gốc khiến Trung Quốc khó trở thành cường quốc thế giới.

Hội thảo Tương lai Trung Quốc (Future China Global Forum) họp cuối năm 2010 tại Singapore nhận định Trung Quốc chưa có tương lai xác định, còn nhiều biến số khó lường. Để đuổi kịp Mỹ về GDP, Trung Quốc cần tăng gấp ba quy mô nền kinh tế (nếu Mỹ đứng im). Kinh tế dựa vào xuất khẩu là một nhược điểm chí tử. Nếu kinh tế Mỹ suy thoái thì Trung Quốc cũng suy thoái theo. Gần đây người Trung Quốc nói nhiều về chuyện Mỹ là con nợ của họ, song trong khi kêu con nợ tiêu hoang thì chủ nợ lại cứ cho con nợ vay tiếp. Nhiều quân sư Trung Quốc hiến kế chính phủ họ bán tháo công trái Mỹ (để phá giá đồng USD) và gây sức ép về quân sự... nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục mua công trái Mỹ, dù có đại biểu Quốc hội đề nghị chia đều ngoại tệ dự trữ cho toàn dân. 

George Friedman nói Trung Quốc còn yếu kém về quân sự. Quân đội họ chỉ là lực lượng bảo vệ an ninh trong nước. Khả năng triển khai sức mạnh bị hạn chế bởi các rào cản thiên nhiên. Hải quân họ chủ yếu đang trong giai đoạn chuẩn bị [6] và chẳng thể đe dọa nghiêm trọng Mỹ (tuy báo mạng Trung Quốc thường xuyên khoe nước này lúc nào cũng có 2 tàu ngầm nằm sát Mỹ). Để giải quyết các vấn đề ấy Trung Quốc cần gần hết 1 thế kỷ.

Friedman nhận định: Ý tưởng châu Âu trở thành một quốc gia đa dân tộc với hệ thống quyết sách kinh tế thực sự hợp nhất và lực lượng quân sự toàn cầu được chỉ huy thống nhất cũng xa vời như giấc mơ Trung Quốc trở thành cường quốc toàn cầu. Quả thật, nợ công của Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland đang đe dọa đồng Euro sụp đổ. Số công ty châu Âu phá sản trong khủng hoảng kinh tế nhiều hơn công ty Mỹ tuy khủng hoảng xảy ra trước tiên ở Mỹ.

Nước Nga sau khi từ bỏ mô hình công nghiệp hoá của Liên Xô cũ đã chuyển sang sống dựa vào xuất khẩu năng lượng, do đó cơ sở công nghiệp càng suy yếu. 

Điều lạ thứ ba: dự báo về các cường quốc trong tương lai

Trong khi hiện nay dư luận nói nhiều về khối BRIC thì Friedman cho rằng các cường quốc nổi lên trong tương lai sẽ làNhật, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico (đối thủ của Mỹ) và Ba Lan (đồng minh của Mỹ).

Nhật đã là một siêu cường với nền kinh tế thứ hai thế giới, có sự phân phối thu nhập quốc dân và cấu trúc xã hội ổn định nhiều so với Trung Quốc. Nhật có lực lượng hải quân lớn nhất châu Á và lục quân lớn hơn Anh quốc, dù chỉ là lực lượng phòng vệ chứ chưa phải là quân đội chính quy.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay là nền kinh tế lớn thứ 17 trên thế giới và lớn nhất trong các nước Hồi giáo. Lực lượng quân đội của họ mạnh nhất trong khu vực và cũng có thể là mạnh nhất châu Âu, trừ Anh. Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng bao trùm vùng Caucasus, vùng Balkans, vùng Trung Á và thế giới A Rập. Nếu nước Nga suy yếu thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nổi lên như một cường quốc chính trong vùng, kể cả vùng Đông Địa Trung Hải. Nước này là một cường quốc hải quân được thừa nhận. Chính sách đối ngoại của họ tuân theo chủ nghĩa thực dụng truyền thống.

Ba Lan có nền kinh tế thứ 18 thế giới, lớn nhất trong các nước vệ tinh của Liên Xô cũ và lớn thứ 8 châu Âu. Ba Lan là một tài sản chiến lược quan trọng đối với Mỹ. Trong cuộc cạnh tranh mới nổi lên giữa Mỹ và Nga, Ba Lan đại diện ranh giới địa lý giữa châu Âu với Nga và nền tảng địa lý của bất kỳ nỗ lực nào bảo vệ vùng Baltics. Quan hệ Mỹ-Ba Lan trở nên rất quan trọng vì nước này có ý nghĩa chiến lược giúp Mỹ bao vây các quốc gia bá quyền trên đại lục Âu Á.

Hai trong ba cường quốc nói trên sẽ là cường quốc biển. Rõ ràng Nhật sẽ là nước quan trọng nhất.

Điều lạ (và thú vị) thứ tư: dự báo về chiến tranh thế giới lần thứ ba

Về chiến lược, Mỹ coi bất kỳ cường quốc biển nào cũng là mối đe dọa với họ. Hình ảnh một liên minh Nhật - Thổ xem ra có vẻ lạ lùng, song thực ra không lạ gì hơn liên minh Nhật - Đức năm 1939. Cả hai nước này đều chịu sức ép ghê gớm phải trở thành cường quốc.

Không gian vũ trụ là nơi thể hiện sức mạnh quân sự Mỹ. Bất cứ cường quốc nào muốn thách thức Mỹ thì phải tiêu diệt căn cứ quân sự Mỹ trên vũ trụ. Như vậy tới giữa thế kỷ này Mỹ phải có cách bảo vệ các căn cứ đó. Nếu Mỹ trở nên câm điếc đui mù thì một liên minh Nhật - Thổ sẽ buộc Mỹ phải nhượng bộ.

Nhật - Thổ sẽ bất ngờ tấn công các căn cứ ấy. Khó tưởng tượng Mỹ sẽ thua trong cuộc chiến này. Nhưng chiến tranh sẽ không đẫm máu như các cuộc chiến xưa kia, vì trên vũ trụ không thể chứa hàng triệu lính.

George Friedman hư cấu chuyện đại chiến thế giới lần thứ III sẽ nổ ra vào 5 giờ chiều ngày 24/11/2050 tức ngày Lễ Tạ Ơn: liên quân Nhật - Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tấn công các căn cứ quân sự vũ trụ của Mỹ, lặp lại kịch bản Nhật đánh úp Trân Châu Cảng 7h55 sáng Chủ nhật 7/12/1941. Sau đó Nhật - Thổ sẽ đàm phán ngay với Mỹ. Lợi dụng đàm phán, Mỹ củng cố lực lượng, 72 giờ sau, Mỹ chỉ cần dùng 2 tiếng đồng hồ để diệt hết lực lượng quan trắc của đối phương, tức các vệ tinh. Máy bay Mỹ sẽ triệt hạ toàn bộ các bệ phóng vệ tinh của đối phương và giành chiến thắng.

Do đâu George Friedman dự báo sẽ có chiến tranh thế giới lần thứ ba?

Lịch sử cho thấy nước Mỹ xưa nay hưởng lợi nhiều từ chiến tranh. Nội chiến (Civil War) 1861-1865 đem lại sự thống nhất nước Mỹ. Sau hai cuộc Thế chiến, Mỹ thành siêu cường. Sau chiến tranh lạnh, Mỹ thành siêu cường duy nhất. Cho nên Mỹ luôn luôn chuẩn bị chiến tranh, Quốc hội cho phép bộ máy quân sự ngốn tiền khủng khiếp để đưa KHKT quân sự luôn tiến trước, sau đó chuyển thành KHKT dân sự. Hầu hết công nghệ Mỹ đều phát triển theo cách như vậy. Điện thoại di động, tên lửa, vệ tinh, internet, hệ thống GPS v.v.. trước tiên do quân đội nghiên cứu - triển khai, sau đó chuyển sang phục vụ dân sự rất có kết quả. Quân sự kéo kinh tế đi lên, đó là mô hình kinh tế Mỹ.

Bởi vậy, một cuộc chiến tranh thế giới mới sẽ chỉ có lợi cho Mỹ. Thời kỳ hoà bình kể từ 8/1945 đến nay đã quá dài, khó có thể kéo dài nữa. Thế giới không ngừng xuất hiện các cường quốc mới và họ đòi công nhận vị trí của họ. Và thế là chiến tranh nổ ra.

Một dự báo kỳ lạ nữa: trong 100 năm tới Mexico láng giềng sẽ là đối thủ lớn nhất của Mỹ! Nước này hiện có hơn 100 triệu dân với nền kinh tế 1000 tỷ USD, thứ 15 thế giới, giàu nhất Mỹ La tinh (năm 2006). Nhiều dân Mexico đang trốn sang Mỹ, ma tuý cũng tuồn từ đây sang Mỹ, rồi tiền bán ma tuý chuyển từ Mỹ về nơi xuất phát. Mexico sẽ giàu mạnh với một bộ phận dân sống ở vùng Tây Nam nước Mỹ, vùng đất họ cho là của mình. Hiện tượng tăng nhanh dân Mỹ gốc Mexico tại vùng ven bờ vịnh Mexico (hiện chiếm từ 1/5 tới 1/3 số dân trong vùng) cũng như tại California và Texas đang làm chính phủ Mỹ lo lắng. George Friedman dự báo năm 2100 Mexico sẽ gây chiến tranh biên giới với Mỹ.

***

Chẳng ai sống nổi 100 năm để xem dự báo nào sai hay đúng. Dự báo của George Friedman cũng có thể sai. Song cái có giá trị nhất trong sách 100 năm tới là ở chỗ tư duy dự báo rất sáng tạo, mạnh dạn, khác các phương pháp dự báo truyền thống.

George Friedman không tin rằng lịch sử đầy rẫy những sự việc ngẫu nhiên mà cái gì cũng có quy luật, xuất phát từ khoa học địa-chính trị (geopolitics) mà STRATFOR tôn sùng, tức nguyên lý môi trường thiên nhiên, tình trạng địa lý quyết định tất cả. Vào mạng stratfor.com bạn sẽ thấy hầu như tất cả các bài đều phân tích theo nguyên lý đó. [Thí dụ Geopolitical Weekly ngày 29/6/2010 có bài The 30 Year War in Afghanistan; ngày 28/6 có bài The Geopolitics of 2010 World Cup Countries. Đến Cúp bóng đá thế giới cũng được phân tích theo địa-chính trị học, thật thú vị!]

Địa - chính trị học có ảnh hưởng sâu sắc tới không ít nhà chính trị học, thí dụ học thuyết Clash of Civilization của Samuel Huntington, và bây giờ nó chỉ đạo tư duy dự báo chiến lược của George Friedman. Tính chính xác của tư duy ấy ra sao, chắc thế hệ sau mới đánh giá được./.

 

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness