TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Ảo Vọng Mùa Thu

 

Alan Phan

20 September 2015

… Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Anh dặm trường mê mải
Đời chia hai nhánh sông

Phong thư tình ngây dại
Và vai môi rất mềm
Những hẹn hò cuống quýt
Trên lối xưa thiên đường

(Thơ của Phạm Văn Bình – Phạm Duy phổ nhạc)

 

Dù lớn lên trong khói lửa chiến tranh, bao quanh bởi bom đạn, chết chóc và thảm kịch; dù không giàu có gì khi so với số đông nhân loại, thế hệ của tôi và bạn bè dưới thời VNCH hơn 40 năm trước, vẫn giữ trong lòng nhiều kỷ niệm mật ngọt êm đềm của tuổi trẻ…mà sau bao năm xa cách, khi gặp nhau vẫn nhắc nhớ về …những ngày xưa thân ái.

Một người bạn cũ, sau hơn 15 năm về sống ở Saigon,  làm tôi bật cười khi ví cuộc bỏ chạy lần 2, năm 2012 (không phải 1975) như một lần ly dị thứ hai với quê hương trong đời mình.

Lần đầu, khi bỏ xứ đi tị nạn, anh mang nhiều mặc cảm, như một người tình ích kỷ, để người yêu trơ trọi với ông chồng mới cưới. Anh nghĩ là “đời 2 đứa đã chia như nhánh sông” và có lẽ chẳng bao giờ còn gặp lại.  Sau vài năm hoài niệm và mang chút thù hằn, lòng anh lắng xuống, an phận và tranh đấu với cuộc sống trước mặt, cho mình, cho gia đình mới, không muốn suy nghĩ  lang bang về những chuyện quá khứ, mà sự khơi dậy để tiếp tục, có lẽ chỉ là những ảo vọng viển vông như Biển Đông.

Nhưng định mệnh lại có ý khác. Vì sự nghèo đói và sống còn của bản thân, của quyền lực, anh chồng của người yêu cũ, suy sụp và thất bại toàn diện, phải muối mặt chối bỏ quán tính truyền thống của mình, để quay đầu 180 độ, hăng hái ve vãn những kẻ thù và tội phạm ngày xưa; mong tìm chút “cơm thừa sữa cặn” mà ông chồng này vẫn khinh bỉ, dè bỉu khi nói về bọn “chạy theo đế quốc”.

Cánh cửa hé mở và anh bạn phản động của chúng tôi được phép “làm khách mời” trong gia đình người yêu cũ. Anh lên kế hoạch xây dựng một hành trình mới, mong nối lại duyên xưa, cho người yêu cũ một mức sống văn minh và sung túc, như phần lớn thế hệ mới của nhân loại. Người vợ anh lấy sau này ở Mỹ cũng đã mất vì tai nạn xe cộ, nên không còn gì để ngăn trở giấc mộng mới của anh.

Anh gom góp hết tiền bạc tài sản từ Mỹ về lại Việt Nam năm 1997, hăng hái như các anh bộ đội bác Hồ vượt Trường Sơn, quyết sống mái với bọn Mỹ-Ngụy. Sau 15 năm kinh doanh, nào mở trường dậy English, nào làm quán ăn…và cả đi làm công cho vài công ty nước ngoài, anh trắng tay quay về nơi đã dung dưỡng anh những ngày tạm trú 75, hy vọng xây dựng lại sự nghiệp từ con số zero, khi tuổi đã gần 60.

Anh tâm sự,” không phải là thiếu cơ hội hay possibilities để có một cuộc sống thanh lịch, một công việc hứng thú hay một tình cảm sâu đậm. Nhưng xã hội và con người Việt Nam đã biến chất dưới ”văn hóa” mới”, du nhập từ Tàu, trên căn bản “dối trá và ngu dốt”. Môi trường sống cũng bị ô nhiễm trầm trọng, từ không khí, rác rưởi…đến thực phẩm, giải trí… Chưa bao giờ em cô đơn đến vậy trên đất nước của mình”.

“Em nhớ ông Trịnh Công Sơn có chửi xã hội VNCH ngày xưa là…gia tài của mẹ, một bọn lai căng, một lũ bạc tình...nên ông chọn ở lại với chế độ mới. Trước khi mất, không biết ông có ngẫm nghĩ về những lời quả báo cho chính ông?”

Một người bạn khác chia sẻ từ Florida,” Với tôi Việt Nam chỉ còn là giấc mơ đẹp của quá khứ và không có triển vọng gì nhiều nếu không có đổi máu toàn diện và sẽ còn tụt hậu thêm trong 10-20 năm còn lại của đời mình. Vì vậy tôi quyết định dành thì giờ sắp đến cho mình và gia đình mình, lo cho đám con nhỏ.” Mười năm trước, dù đang hưởng lương cao ở Mỹ, anh về Việt Nam với hy vọng về những đóng góp thực tiễn; cũng như được bơi tắm lại trong dòng sông của tuổi nhỏ. Chắc anh cũng cô đơn và thất vọng như những người khác.

Có lẽ tôi và những người như anh sống ở Mỹ quá lâu, tiêm nhiễm cái văn hóa “mọi thứ đều thay đổi…và càng thay đổi nhiều,càng nhanh chóng tìm ra giải pháp”. Đó là sự lạc quan có thể là phi lý của người Mỹ, khi họ chỉ biết nhìn về tương lai và những possibilities; không phải bám víu vào những thảm kịch, thù oán hay xác chết của quá khứ.

Cách đây vài tháng, tôi được mời dự bữa tiệc gây quỹ của một ứng viên Thượng Nghị Sỹ thuộc đảng Cộng Hòa. Trong bài diễn văn tại bữa ăn,ông ta ca ngợi chính sách khôn ngoan của Nixon-Kissinger trong việc bắt tay với Trung Cộng, thể hiện qua những thành quả kinh tế của Mỹ Trung và cho rằng hòa bình và thịnh vượng quốc tế đã tùy thuộc nhiều vào chiến lược này. Ông ta nghĩ rằng chính sách hiện tại của Obama-Kerry  tại Việt Nam sẽ đem một hệ quả tương ứng.

Ông nói,” chúng ta phải quên quá khứ và biến thù thành bạn. Chúng ta phải mở cửa đón mời những bạn mới này để cùng nhau phát triển và hưởng lợi”.

Ông gặp riêng tôi sau đó, nhờ tôi đứng ra tổ chức vài bữa tiệc gây quỹ trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Tôi cười, “tôi không biết là có thu tiền được hay không; nhưng tôi chắc sẽ có nhiều trứng thối và cà chua rotten đón chào chính sách này của ông”. Sau đó, tôi gởi email cho ông những tấm hình khắp xứ Việt về những bia căm thù và những bảo tàng tội ác Mỹ-Ngụy. Kể cả một video link phỏng vấn ông Hoàng Phủ Ngọc Tường về lòng căm thù chất ngất trời xanh của ông ta và dân Huế với Mỹ; khi bào chữa về  trận thảm sát Tết Mậu Thân của các đồng chí bộ đội.

Trong khi đó, mặc dù quân Trung Cộng giết hơn 62 ngàn người Việt chỉ trong vài tuần tại biên giới Trung-Việt năm 1979, dân Tàu vẫn là thượng khách, vẫn là anh em bằng hữu, tuy hai mà một, tay trong tay xây dựng XHCN mới cho thế hệ tương lai. Thay vì bia căm thù, bảo tàng tội ác, người Việt chỉ có tượng đài tôn vinh Hán kiều khắp nơi.

Tôi kết luận với ngài Nghị Sỹ,” Trong khi chúng ta sẵn sàng thay đổi để cùng xây dựng một hợp tác bền vững và chân thật, dường như đối tác của chúng ta không bao giờ muốn thay đổi. Họ đang quá ‘hạnh phúc với quyền lực và quyền lợi’; và nếu cần, chỉ thay đổi vài câu tuyên bố cho phù hợp với những lời cầu xin. Dân Việt đã ngây thơ 70 năm, có lẽ các chính trị gia Mỹ sẽ hết ngây thơ sau 30 năm nữa. Trong khi đó, con sói vẫn đi săn mồi theo phương cách duy nhất mà bản năng nó đã dậy.

Nhiều bạn chê trách là lúc này ông già Alan hay bi quan quá. Tôi nghĩ khi yên tĩnh ngồi dưới bóng mát nào đó của tâm hồn, chúng ta mới có một góc nhìn tổng quan, không khuấy động. Những sự thật có thể hơi chua chát, nhưng dối trá với chính mình là một điều tồi tệ hơn dối trá với tha nhân.

Cũng trong chiều hướng nhìn mọi góc cạnh, tôi phải công nhận vài điều hiển nhiên:

-          Là một quốc gia còn nằm dưới tầng cấp của nghèo khổ 0(thu nhập chỉ có thể cao hơn) và với một thị trường 90 triệu dân (hạng 14 thế giới), cơ hội để kinh doanh và lập sự nghiệp ở Việt Nam nhiều vô số kể. Tuy nhiên, những người Việt không có lý lịch tốt (COCC, tuổi đảng, quan hệ chính trị, con chốt sân sau…) hay tư duy CNXH sẽ phải chịu vất vả, thử thách và tham nhũng; nên tỷ lệ thành công gần như vô vọng.

-          Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư nước ngoài thuần túy (FDI), không mang những cảm xúc viển vông của một người gốc Việt, thì môi trường làm ăn tại Việt Nam vô cùng triển vọng. Chi phí điều hành rẻ nhiều so với các quốc gia đối thủ, nhất là những dự án cần nhiều đất đai, nhân công, ô nhiễm, công nghệ cũ…Ngoài ra, cơ chế đặc thù của tham nhũng và pháp luật tại Việt Nam cho phép những biệt lệ khó tìm ở nơi khác.

-          Vì sống thường trực dưới những kềm kẹp bức xúc, một số đông bạn trẻ thành thị biết tạo nên những kỹ năng bén nhậy để vươn cao, biết sáng tạo để vượt qua tình thế (từ giáo dục đến bộ máy công quyền) mong tìm một tương lai “sống được” cho mình và gia đình. Đôi khi những kỹ năng này mang nhiều thủ đoạn, lừa lọc…nhưng nói chung, nếu có một lối đi sáng sủa, chắc chắn trí thông minh và sáng tạo của người trẻ Việt sẽ chói rạng (miễn là đừng sống trong một thời đại ‘rực rỡ’ quá của lịch sử như các quan thích nổ).

Tuần rồi, nam California bỗng bừng lên một đợt nóng còn ngột ngạt hơn những ngày hè. Có lẽ đây là báo hiệu cuối cùng là chỉ còn vài tuần nữa thôi, gió thu lại hiu hiu quay lại. Mùa thu của những ảo vọng, dù thơ mộng thiết tha, nhưng cũng chỉ là ảo vọng. Dù mong ước thế nào, những tấm lòng Việt của thời hoa bướm ngày xưa, ở trong nước hay hải ngoại, cũng đều phải tha hương nhìn về cố quốc với nhiều ngậm ngùi.

Trong mùa thu lá phải vàng, phải bay và phải thành tro bụi trong mùa đông…để những lá xanh có thể mọc lại trong mùa xuân. Đó là chu kỳ sáng tạo và hủy diệt của thiên nhiên. Nhưng có lẽtrong nhãn quan của phần lớn quan chức Việt, chúng ta cứ thoải mái chặt cây xanh kiếm tí tiền lẻ đã…thiên nhiên và tuổi trẻ có thể đợi…vài ba thế kỷ.

Alan Phan

 

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness