TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 25
  • Hôm nay: 163
  • Tháng: 10168
  • Tổng truy cập: 5143487
Chi tiết bài viết

Bào Chữa Vụ Án Lập quỹ trái phép phép tại Nông trường Sông Hậu

Lập quỹ trái phép phéptại Nông trường Sông Hậu (NTSH) “là nghiêm trọng”, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) vừa có kháng nghị đề nghị Tòa Hình sự Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) tuyên “cần phải hủy cả bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án từ giai đoạn điều tra”.

Sau hơn 4 tháng kể từ phiên tòa phúc thẩm vụ án “Lập quỹ trái phép” tại NTSH mở tại TAND TP. Cần Thơ (kết thúc ngày 19/11/2009) tuyên y án 8 năm tù giam, buộc bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng đối với bà Trần Ngọc Sương, khiến dư luận đặc biệt quan tâm, rốt cuộc thì vào ngày 3/4/2010, VKSNDTC đã có kháng nghị đề nghị TANDTC tuyên hủy cả 2 bản án đã tuyên trong vụ án này.

Bà Trần Ngọc Sương, nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu, tại phiên xét xử phúc thẩm vụ án “Lập quỹ trái phép” mở tại Tòa án Nhân dân TP. Cần Thơ. Ảnh: GVT.

VKSNDTC nhận định rằng “các sai lầm, thiếu sót” của cả Tòa sơ thẩm (bản án số 25/2009/HSST của Tòa án huyện Cờ Đỏ), Tòa phúc thẩm (bản án số 137/2009/HSPT của Tòa án TP. Cần Thơ) trong quá trình xét xử vụ án “Lập quỹ trái phép” tại NTSH “là nghiêm trọng”.

Vì vậy, phía VKSNDTC đã đề nghị TANDTC “xét xử giám đốc thẩm hủy các bản án hình sự nêu trên để điều tra lại theo thủ tục chung”.

Một hành vi bị khởi tố 2 lần

Cụ thể, về thủ tục tố tụng, VKSNDTC nhận định rằng Tòa sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của kiểm sát viên tại tòa tách phần tiền hơn 301 triệu đồng và phần tiền 850 triệu mà cáo trạng đã truy tố về tội “lập quỹ trái phép” để điều tra về tội “tham ô tài sản” là vi phạm điều 117 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS).

Điều 117 quy định việc tách các hành vi phạm tội chỉ được thực hiện trong giai đoạn điều tra, không được thực hiện trong giai đoạn xét xử.

Mặt khác, VKSNDTC nhận thấy rằng việc tách 2 hành vi nêu trên thực chất là rút một phần quyết định truy tố. Việc này vi phạm điều 195 và điều 221 BLTTHS. Bởi lẽ, 2 điều này quy định việc kiểm sát viên tại tòa có thể rút một phần quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn.

Trong khi đó, việc tách 2 hành vi của kiểm sát viên lại dẫn tới việc khởi tố một tội nặng hơn (tội “Tham ô tài sản”) so với tội danh đã khởi tố và đưa ra truy tố tại tòa (tội “Lập quỹ trái phép”).

Thực tế diễn biến sau phiên sơ thẩm là việc TAND huyện Cờ Đỏ đã yêu cầu VKSND huyện Cờ Đỏ khởi tố vụ án hình sự “Tham ô tài sản” đối với 2 hành vi đã tách nói trên là vi phạm quy định của BLTTHS về việc một hành vi vi phạm của bà Trần Ngọc Sương không thể khởi tố đến 2 lần.

Ngoài ra, Tòa án sơ thẩm còn tuyên về số tiền nợ – vay giữa NTSH với các ông/ bà Trần Thị Nhanh, Quách Quỳnh Tương, Đặng Quang Khang, Trần Minh Trang là không đúng quy định của pháp luật. VKSNDTC nhận định đây là giao dịch dân sự, nếu có tranh chấp thì giải quyết theo pháp luật tố tụng dân sự. Nói một cách dễ hiểu, thì ở đây tòa hình sự sơ thẩm đã “đá lộn sân”.

Hàng loạt sai lầm, thiếu sót trong điều tra, xét xử

Nhận định rằng từ 2001 đến tháng 12/2007, Trần Ngọc Sương và đồng phạm đã lấy từ các nguồn thu của NTSH duy trì một số lượng quỹ tiền mặt chi tiêu để ngoài sổ sách tài chính, không báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền là “có thật”, VKSNDTC khẳng định việc điều tra, truy tố, xét xử theo điều 166 BLHS “là đúng”.

Sau phiên phúc thẩm bị tuyên y án 8 năm tù giam và buộc bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng, bà Sương tiếp tục kháng án kêu oan lên cấp Giám đốc thẩm. Ảnh: GVT.

 

Tuy nhiên, hàng loạt khoản tiền bị tòa sơ thẩm, phúc thẩm quy kết là “trái phép”, thì VKSNDTC khẳng định chưa đủ căn cứ.

Chẳng hạn khoản tiền hơn 2,6 tỷ đồng bán 4 lô đất. Nguồn gốc 4 lô đất này được cố Giám đốc Trần Ngọc Hoằng mua từ năm 1993 và 1997 (từ tiền ngân sách và quỹ trái phép) tổng cộng hơn 245 triệu đồng. Như vậy, số tiền mua 4 lô đất này được ông Hoằng đưa vào quỹ trái phép trước khi bà Sương lên làm Giám đốc.

Việc cả 2 phiên tòa tại Cần Thơ quy kết số tiền mua đất đưa vào quỹ trái phép thuộc trách nhiệm của Trần Ngọc Sương và đồng phạm là “không có căn cứ”.

Liên quan đến số tiền gần 2,3 tỷ đồng tiền vay các cá nhân bị coi là khoản thu đưa vào quỹ trái phép, kháng nghị của VKSNDTC yêu cầu điều tra làm rõ khoản tiền 950 triệu chưa được xem xét (trong tổng số tiền 1,5 tỷ đồng các bị cáo vay của Trương Anh Dũng, đưa 550 triệu vào quỹ trái phép, 950 triệu vào bù đắp thâm hụt quỹ nông trường. Sau đó bà Sương phải bán cổ phiếu cá nhân trả 1,5 tỷ cho ông Dũng), vì trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử mới chỉ cấn trừ số tiền 550 triệu.

Kháng nghị của VKSNDTC cũng liệt kê hàng loạt khoản chi yêu cầu điều tra làm rõ vì “chưa đủ cơ sở để xác định là thiệt hại và buộc các bị cáo phải bồi thường”.

Về số tiền gần 2,3 tỷ đồng chi phí đi công tác trong và ngoài nước của bà Trần Ngọc Sương, VKS nhận thấy trong hồ sơ chỉ có các bản kê của thủ quỹ về số tiền “chi cán bộ đi công tác” có chữ ký xác nhận của bà Sương.

Vì vậy, VKSNDTC yêu cầu điều tra lại để làm rõ số lượng, tính chất, nhu cầu, mục đích của các chuyến công tác; đối tác; số người đi; các chi phí quy định và chi phí cần thiết.

VKSNDTC nhận định việc buộc bà Trần Ngọc Sương phải hoàn trả toàn bộ tiền tạm ứng đi công tác mà không xem xét đến các vấn đề trên là “chưa chính xác và hợp lý”.

Về số tiền 233 triệu được cho là chi bồi dưỡng đoàn kiểm toán Nhà nước năm 2004, VKSNDTC kháng nghị yêu cầu điều tra lại, nếu đúng thì thu hồi chứ không bắt bà Sương phải bồi hoàn số tiền này.

Liên quan đến số tiền hơn 1 tỷ đồng chi lấp âm quỹ ngân sách, chuyển từ quỹ trái phép sang, kháng nghị của VKSNDTC nêu rõ nếu không chứng minh được việc chi lấp âm quỹ này nhằm “che giấu các hành vi vi phạm pháp luật khác” thì không có cơ sở kết luận là thiệt hại và buộc bà Sương phải bồi thường.

Liên quan đến các khoản tiền chi mua quà sinh nhật, chi lương kiêm nhiệm, chi trợ cấp…, VKSNDTC khẳng định “không đúng quy định về chi tiêu tài chính”. Tuy nhiên, nhận thấy do các khoản tiền này chi hỗ trợ khó khăn cho gia đình người đã chết, hỗ trợ công tác cán bộ, số tiền hằng tháng không lớn, kéo dài trong nhiều năm nên VKSNDTC chỉ khuyến nghị cần xem xét lại các khoản tiền này để “quyết định xử lý cho phù hợp, thấu tình đạt lý”.

Liên quan đến số tiền hơn 678 triệu đồng bị cáo buộc “thiệt hại” do chi biếu tặng các cá nhân, ban, ngành địa phương và Trung ương, nay buộc bà Trần Ngọc Sương bồi thường toàn bộ, VKSNDTC khẳng định là “chưa đủ cơ sở”, bởi trong quá trình điều tra đã không xác minh làm rõ các cá nhân, đơn vị nhận tiền để xác định có thực chi hay không, từ đó mới có căn cứ thu hồi.

 

 

 

Đề nghị kháng nghị một năm chưa đủ để tòa để ý?

(CL)- Tháng 8/2009, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Tp Hồ Chí  Minh đưa ra xét xử vụ "Tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh" giữa Công ty Phát triển và Dịch vụ  Nhà Quận 1 (Cty Nhà Q1) và  Công ty TNHH Đông Dương (Cty Đông Dương).

 

 

 

Theo phía Cty Nhà Q1, phía Ðông Dương không chỉ vi phạm nghĩa vụ góp vốn theo Hợp đồng, mà theo cam kết, ngoài số tiền phải góp dưới dạng góp vốn đầu tư, phía Ðông Dương còn cam kết dàn xếp các khoản vay ưu đãi cho Dự án và nhiều cam kết khác, nhưng đều không thực hiện.


Một  năm qua, Cty Nhà Q1 liên tục có đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được tòa hồi âm.

Ông Trần Thanh Xa, Giám đốc Cty Nhà Q1 cho biết: Bản án nêu trên mà Cty ông đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm là Bản án Phúc thẩm số 107/2009/KDTMPT ngày 14 tháng 08 năm 2009, đã quyết định:

“Buộc Công ty TNHH Phát triển và Dịch vụ Nhà Quận 1 tiếp tục thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh số 04/HÐHTÐT ngày 06/11/2003 với bên Công ty TNHH Ðông Dương.        

Bác yêu cầu của Công ty Phát triển và Dịch vụ Nhà Quận I đề nghị huỷ bỏ hợp đồng hợp tác kinh doanh số 04/HÐHTÐT ngày 06/11/2003 giữa Công ty Phát triển & Dịch vụ nhà Quận 1 và Công ty TNHH Ðông Dương.

Huỷ  bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời  đã được áp dụng tại quyết định khẩn cấp tạm thời số 235/2008/QÐ-ADBPKCTT ngày 22/04/2008 của Toà án Nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh”.

Phía Cty Nhà Q1 bất bình vì với nội dung trên vì cho rằng bản án đã được tuyên chưa thỏa đáng, không đúng với nội dung hợp đồng đã giao kết, không khách quan, không phản ảnh đúng với bản chất và toàn bộ các cam kết của Công ty TNHH Ðông Dương trong hợp đồng.

Cty Nhà Q1 và Cty Ðông Dương đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 04/HÐHTÐT-KD ngày 06 tháng 11 nãm 2003, mục đích liên doanh là để đầu tư căn hộ, chung cư  Ða Kao 1 Bis - 1 Kép Nguyễn Ðình Chiểu, Phường Ða Kao, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh. Thời hạn thực hiện dự án bắt đầu từ ngày có hiệu lực cho đến khi kết thúc phần bán nhà, các tiện ích dịch vụ, các tiện ích công cộng khác.  

Theo hợp đồng, tổng vốn đầu tư ước khoảng 584 tỷ đồng.Vốn góp của hai bên tương đương 20% tổng vốn đầu tư là 116,8 tỷ đồng, mỗi bên phải góp 58,4 tỷ đồng. Hai bên thống nhất chi phí Cty Nhà Q1 đã chi ra đến ngày 30/10/2003 là 31.610.905.000 đồng, theo biên bản xác nhận chi phí hai bên ký ngày 06/11/2003 và cam kết góp vốn bằng nhau theo tiến độ và nhu cầu của dự án. Sau khi ký kết hợp đồng, tối đa 30 ngày, Cty Ðông Dương phải góp vào tài khoản của Cty Nhà Q1 khoản tiền bằng 50% chi phí Cty Nhà Q1 đã chi ra.

Ông Xa cho biết thêm: Theo quy định tại Khoản 1, Ðiều 1 của Hợp đồng thì Hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày Cty Nhà Q1 và Cty Ðông Dương xác định bằng văn bản về hoàn tất nghĩa vụ góp vốn ban đầu. Tuy nhiên, Cty Ðông Dương đã không góp vốn đúng thời hạn như đã cam kết.  

Sau thời hạn 30 ngày kể  từ ngày ký hợp đồng, do Cty Đông Dương không góp vốn theo qui định của Điều 4 Hợp đồng, Cty Nhà Quận 1 đã phải nhiều lần gửi công văn yêu cầu Cty Đông Dương thực hiện nghĩa vụ góp vốn. Cty Ðông Dương đã góp vốn nhỏ giọt nhiều lần, cụ thể như sau:  

Ngày 03/12/2003 góp 1.000.000.000 đồng (đây là khoản góp duy nhất được thực hiện trong thời hạn cam kết)

ngày 08/12/2003 góp 600.000.000 đồng;

ngày 17/12/2003 góp1.000.000.000 đồng;

ngày 19/12/2003 góp 900.000.000 đồng;

ngày 05/04/2004 góp 1.500.000.000 đồng;

ngày 24/11/2004 góp 1.000.000.000 đồng.

Tổng cộng 6.000.000.000 đồng (6 tỷ đồng).

Theo quy định tại mục 4.2.2 của hợp đồng thì sau khi ký kết tối đa 30 ngày, Cty Ðông Dương phải góp vào tài khoản của Cty Nhà Q1 khoản tiền bằng 50% chi phí Cty Nhà Q1 bỏ ra. Nghĩa là ở đây, phía Cty Ðông Dương phải góp đủ 15.805.452.500 đồng vào thời điểm 06/12/2003, tuy nhiên Đông Dương đã không thực hiện.

Mặc dù phía Ðông Dương vi phạm nghĩa vụ góp vốn, song với thiện chí hợp tác, Cty Nhà Q1 vẫn chấp nhận thời hạn đóng góp cuối cùng là ngày 24/11/2004. Tới hạn, phía Ðông Dương chỉ dừng góp vốn ở mức 6 tỷ đồng.  

Việc vi phạm của  Cty Ðông Dương đẩy Dự án vào sự bế tắc. Vì vậy, căn cứ vào Khoản 10.3 Ðiều 10 của hợp đồng, Cty Nhà Q1 chấm dứt hợp đồng là đúng với hợp đồng và đúng pháp luật.

Theo Biên bản làm việc giữa Cty Nhà Q1 và Cty Đông Dương vào ngày 13 tháng 10 năm 2005 do ông Xa cung cấp; thì ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc đại diện theo pháp luật của Cty Đông Dương sau khi phân tích sự những rủi ro của Dự án, khả năng vốn hạn chế và những khó khăn hiện tại của phía Đông Dương, đã khẳng định rằng “không thể thu xếp khoản tài chính 200 tỷ đồng để tài trợ cho Dự án”, tức là không thể thực hiện được nghĩa vụ qui định ở Khoản 7.2. Điều 7 của Hợp đồng, rằng “lãi suất ngân hàng 13,8 cho khoản vay trung hạn là quá cao”, “chi phí xây dựng sẽ thiếu 195 tỷ so với dự tính”. Với những tính toán như vậy, Cty Đông Dương kiến nghị “không thực hiện toàn bộ Dự án mà chỉ nên thực hiện khối cao ốc văn phòng”.  

Xuất phát từ những lý do trên, phía Cty Đông Dương và phía Cty Nhà Q1 thống nhất 4 điểm, trong đó điểm cuối cùng ghi rõ: “Công ty TNHH Đông Dương xin rút khỏi Hợp đồng số 04/HĐHTĐT-KD ký ngày 6 tháng 11 năm 2003. Công ty Phát triển & Dịch vụ Nhà ở Quận 1 là chủ đầu tư tự thực hiện Dự án”.  

Thực hiện theo ý nguyện của Cty Đông Dương, phía Cty Nhà Q1 đã ngưng hợp đồng với Cty Đông Dương và nhiều lần yêu cầu phía Đông Dương cử người đến nhận lại 6 tỷ đồng đã góp hoặc cung cấp số tài khoản để chuyển trả, đồng thời làm thủ tục thanh lý hợp đồng.  

Nhưng sau thời gian dài im lặng, đến khi thấy Dự án có những dấu hiệu khởi sắc thì phía Đông Dương lại đòi thực hiện Hợp đồng và khởi kiện Cty Nhà Q1 khi yêu cầu không được đáp ứng.

Vì Bản án Phúc thẩm số 107/2009/KDTMPT ngày 14 tháng 08 năm 2009 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Tp Hồ Chí Minh xét xử về vụ "Tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh" giữa Công ty Phát triển và Dịch vụ Nhà Quận 1 và Công ty TNHH Ðông Dương (nay là Công ty TNHH tập đoàn Ðông Dương) đã đứng về phía Đông Dương, nên suốt 1 năm nay phía Cty Nhà Q1 đã liên tục có đơn gửi các cơ quan chức năng “Đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm” bản án trên.

Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ kiện phức tạp này.

Bản kháng nghị không thuyết phục

Thứ Bảy, 31.7.2010 | 09:50 (GMT + 7)

(LĐ) - Vì việc làm sai của chính quyền địa phương mà bà Triệu Thị Mão (SN 1914, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Quang Phương, trú tại thôn 5, xã Đông Mỹ, Thanh Trì) bị mất quyền sử dụng đất và buộc phải khiếu kiện chính con trai và cháu họ ra toà. Sau gần 10 năm tố tụng, quyền lợi của bà Mão đã được trả lại bằng một bản án có tình, có lý. Bất ngờ, sau gần 1 năm rưỡi, ngày 9.6.2010, Toà án Nhân dân Tối cao ra quyết định kháng nghị huỷ án, xét xử lại!

Mẹ liệt sĩ bị tước quyền sử dụng đất

Bà Triệu Thị Mão và chồng là Nguyễn Văn Kế (mất năm 1988) sinh sống trên thửa đất 1.020m2 ổn định từ năm 1956 đến nay. Năm 1993, con trai út của bà Mão là Nguyễn Văn Tạo tự ý gửi đơn lên xã đề nghị tách thửa, cấp sổ đỏ cho mình và em con chú ruột là Nguyễn Văn Chung (bị tâm thần từ nhỏ). Theo ông Nguyễn Hữu Xưởng - anh rể của Tạo: “Do thiếu hiểu biết, trình độ chỉ học có
lớp 4, Tạo nghĩ là đất rộng khi làm sổ đỏ sẽ bị chính quyền thu bớt nên tách thửa. Tạo lấy tên người em họ là Nguyễn Văn Chung đứng tên một sổ đỏ vì nghĩ Chung bị tâm thần từ nhỏ không biết gì”.

Sự việc trở nên rắc rối khi mẹ Chung đòi Tạo cho xem sổ đỏ và cầm giữ luôn. Năm 2002, chị của Chung là Nguyễn Thị Bình đem sổ đỏ về đòi chia đất, lúc đó bà Mão mới té ngửa ra là đất của mình đã bị cấp sổ đỏ cho người khác. Bà Mão nói: “Tôi có 1.020m2 đất, chính quyền cấp sổ đỏ cho thằng Tạo 510m2, thằng Chung 510m2 thì tôi sống ở đâu?”.

Theo hồ sơ vụ án, đơn xin tách thửa và biên bản chia cắt đất đề ngày 20.4.1993 do Nguyễn Văn Tạo ký, nhưng đứng đơn và biên bản là Nguyễn Văn Kế, nhưng ông Kế đã chết từ năm 1988; đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất mang tên Nguyễn Văn Chung, nhưng Chung lại không ký. Theo Quyết định giám đốc thẩm số 63/2008/DS-GĐT ngày 21.4.2008 của Toà án Nhân dân Tối cao: “Việc làm này không đúng pháp luật vì không được sự đồng thuận, nhất trí của bà Mão và chị Nhung (chị gái của Tạo)... Như vậy, xác định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh Tạo và anh Chung đứng tên rõ ràng là không đúng...”.

Tiền - hậu bất nhất

Thế nhưng, ngày 9.6.2010, chính Toà án Nhân dân Tối cao lại ra Quyết định kháng nghị số 402/2010/KN-DS do Phó Chánh án Từ Văn Nhũ ký thay chánh án lại khẳng định: “Chính quyền địa phương đã căn cứ vào thực tế và đề nghị của anh Tạo cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (phần của ông Bốn) cho anh Chung là có căn cứ”. Lập luận này của Quyết định kháng nghị số 402 dựa trên cơ sở: Năm 1968, có sự phân chia tài sản do bố mẹ để lại là 2.036m2 giữa 3 anh em: Ông Nguyễn Văn Kế (anh cả) và ông Nguyễn Văn Sáu, ông Nguyễn Văn Bốn (bố của Chung). Những nhân chứng khẳng định có sự thoả thuận chia đất (được Quyết định 402 lấy làm căn cứ gồm cả những người mà khi sự việc xảy ra mới có tuổi đời từ chưa đẻ đến 7 tuổi).

Thực tế, năm 1956 khi ông Sáu đem vợ con về quê sinh sống, ông Kế đã chia cho ông Sáu 1.016m2, còn gia đình ông Kế sử dụng 1.020m2 đất. Ông Bốn sống ở trên phố không có ý kiến, yêu cầu gì đòi chia đất.

Điều trớ trêu là, khi nhận định về sự thoả thuận chia đất này, Quyết định giám đốc thẩm số 63/2008/DS-GĐT lại đánh giá hoàn toàn khác: “Việc thoả thuận chia nhà đất, xác định ranh giới đất như chị Bình (Nguyễn Thị Bình, chị của Chung) nêu trên đều bằng miệng. Chị Bình xuất trình một số giấy xác nhận do những người làm chứng tự viết để làm chứng cứ chứng minh (những người làm chứng này đều là họ hàng thân thích của chị Bình). Chị Bình không đưa ra được các tài liệu, chứng cứ để chứng minh vấn đề này”.

Một luật sư khi được PV tham vấn về vụ việc này đã khẳng định: “Việc TAND tối cao nhận định kiểu “tiền - hậu bất nhất” như trên, rõ ràng cần xem xét lại chính toà. Trong quyết định kháng nghị mới này, TAND Tối cao đã đưa ra các vấn đề mà trước đó đã được xem xét, giải quyết thỏa đáng bởi chính cơ quan này. Vì thế, quyết định kháng nghị là không có cơ sở pháp lý vững chắc, cần phải rút và huỷ bỏ”.

 

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Tấn Phương và bị cáo Đặng Văn Thân can tội “giết người” trước Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Đà Nẵng xử lưu động tại trụ sở Tòa án Nhân dân tỉnh Dak

I. Quyết định của án sơ thẩm:
Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2009/HS-ST ngày 25, 26 tháng 02 năm 2009 của TAND Tỉnh ĐakLak đã nhận định và tuyên phạt:

- Bị cáo Nguyễn Tấn Phương cầm cây gậy sắt đánh 02 (hai) cái vào vùng hông của anh Trương Minh Quốc (BL số 2249) nên đã áp dụng điểm a, c khoản 1 Điều 93 BLHS xử phạt Nguyễn Tấn Phương 14 năm tù về tội “Giết người” (BL số 2251).
- Bị cáo Đặng Văn Thân sau khi thấy số công nhân của mình bị đánh và bị đập phá tài sản trong lán, Đặng Văn Thân đã “hô hào”: “Anh em đâu dậy đánh lại bọn chúng” (BL số 2248) nên cũng đã áp dụng điểm a, c khoản 1 Điều 93 BLHS xử phạt Đặng Văn Thân 20 năm tù (BL số 2250).
II. Cần xem xét lại tội danh “Giết người” với các chứng cứ mà cơ quan CSĐT đã thu thập và diễn tiến cuộc thẩm vấn các bị cáo Phương và bị cáo Thân tại phiên tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm:
A. . Đối với bị cáo Nguyễn Tấn Phương:
1. Lời khai của Nguyễn Tấn Phương tại cơ quan điều tra và tại hai cấp tòa xét xử vụ án thể hiện: lúc Trần Văn Dũng, Trương Minh Quốc và đồng phạm vô cớ dùng hung khí xông vào tấn công mọi người và đập phá tài sản trong lán trại thì Nguyễn Tấn Phương còn đang ngủ say, Phương chỉ tỉnh giấc khi được chị Bình, chị Thúy đánh thức và báo cho biết sự việc đã và đang xảy ra ở khu vực lán trại, Phương liền đi tìm hiểu sự việc. Trên đường đi ra phía ngoài lán thì bất ngờ Phương bị hai đối tượng lạ mặt đi xe máy ném đá trúng vào mặt làm Phương ngất xỉu (BL số 256). Khi hồi tỉnh, Phương đi đến cây xăng nằm trên trục đường Quốc lộ 14 thì gặp Ngô Thanh Phong, Phong thấy Phương đi tay không nên đưa cho Phương 01 (một) thanh sắt giằng chéo giàn giáo xây dựng đã bị gãy, dài khoảng 80cm để tự vệ.

2. Căn cứ vào kết quả hoạt động điều tra được kiểm chứng tại phiên tòa hôm nay thì hành vi của Nguyễn Tấn Phương không ảnh hưởng đến cái chết của Trương Minh Quốc, nạn nhân duy nhất của vụ án mà Phương “lỡ tay” dùng thanh sắt giàn giáo đánh 02 (hai) cái vào đùi. 
Các bút lục có trong hồ sơ vụ án phản ảnh hiện trường xảy ra vụ án chưa làm sáng tỏ nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết của Trương Minh Quốc:
+ Một là: Khi bị ném cây trúng tay lái khiến Trương Minh Quốc loạng choạng, cả người và xe đều ngã xuống mặt đường nhựa, Quốc bị thương tích lại bị hành hung dẫn đến tử vong. Nếu cái chết của Quốc diễn ra như vừa đề cập thì Nguyễn Tấn Phương không thể là đồng phạm tạo ra cái chết của Quốc.

+ Hai là:  Có thể là do hoảng hốt khi bị chặn đánh, Trương Minh Quốc không làm chủ được tay lái trong lúc đang điều khiển xe máy với tốc độ cao đã đâm vào xe container biển số 81L – 1197 đang đậu bên đường dẫn đến bị thương nặng rồi tử vong. Trong tình huống này thì cái chết của Trương Minh Quốc cũng không phải do Nguyễn Tấn Phương tạo ra.
Sở dĩ chúng tôi phủ nhận hành vi giết người của Nguyễn Tấn Phương vì theo kết luận giám định pháp y thì: Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của Trương Minh Quốc  (BL số 63) là do vết da chấn thương vùng đầu gây ra. Trong khi đó, Nguyễn Tấn Phương đánh Trương Minh Quốc ở đùi trái không gây chấn thương, không để lại bất cứ dấu vết nào trên cơ thể Trương Minh Quốc.
Có thể nói cả 02 (hai) tình huống chúng tôi vừa nêu thì Nguyễn Tấn Phương cũng không góp phần tạo ra cái chết của Trương Minh Quốc. Theo chúng tôi, có nhiều khả năng Phương phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” quy định tại điều 245 BLHS thay vì tội “giết người” quy định tại điều 93 BLHS, là phù hợp với thực tế dấu vết thể hiện tại hiện trường vụ án.
Hồ sơ điều tra không xác định cái chết của Trương Minh Quốc xảy ra vào thời điểm nào (Trước hay sau khi Nguyễn Tấn Phương đánh vào người Quốc?). Theo nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị cáo, có phải Trương Minh Quốc đã chết trước khi Nguyễn Tấn Phương đánh. Nhận định của chúng tôi phù hợp thực tế khách quan. Vì sau khi đánh Quốc, Nguyễn Tấn Phương liền dùng tay lắc đầu Quốc thì Quốc không còn cử động nữa.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng vẫn đề cập tới nhân thân tốt của Nguyễn Tấn Phương để Quý Tòa xem xét: Ngoài các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điều 46 BLHS mà bản án sơ thẩm đã ghi nhận thì bị cáo Phương còn có tình tiết giảm nhẹ mới quy định tại điểm b khoản 1 điều 46 BLHS đó là: “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”. Bị cáo Phương đã nhờ gia đình khắc phục hậu quả vụ án bằng cách nộp toàn bộ số tiền thiệt hại cho nạn nhân theo như án sơ thẩm đã tuyên (Biên lai nộp tiền số 00437 ngày 12.6.2009 của cơ quan thi hành án dân sự tỉnh DakLak).
B. Đối với bị cáo Đặng Văn Thân
1. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và ghi nhận qua cuộc thẩm vấn tại phiên tòa phúc thẩm cho thấy:

Đặng Văn Thân đã hô hào: Anh em công nhân xây dựng ở lán trại đánh lại Trần Văn Dũng, Trương Minh Quốc và phe nhóm, dẫn đến cái chết của Trương Minh Quốc, Lê Văn Toàn, Trần Quốc Tuấn, Hoàng Minh Diện. Theo bản án sơ thẩm (BL số 2246) thì Đặng Văn Thân đã nói “Anh em đâu, dậy đánh lại bọn chúng”.
Nhận định như thế là chủ quan, không phản ánh đúng sự thật của sự việc đã diễn ra. Bởi lẽ:
- Khi bị nhóm côn đồ Trần Văn Dũng, Trương Minh Quốc đánh đập, đâm chém và phá hoại tài sản, chính Đặng Văn Thân cũng bị 03 (ba) thanh niên trong nhóm côn đồ nói trên do Trần văn Dũng cầm đầu khống chế (kề dao vào cổ), đe dọa sức khỏe, tính mạng. Được bọn Trần văn Dũng thả ra, quá bức xúc, Thân nói: “Tôi thấy ức quá, la lên dậy đánh lại tụi nó”. Khách quan mà nói: là người đội trưởng đội xây dựng, lại lớn tuổi hơn các anh em trong tổ, Đặng Văn Thân thấy mình có trách nhiệm nhắc nhở anh em tự vệ và giữ gìn tài sản đề phòng bọn Trần Văn Dũng, Trương Minh Quốc... tái diễn màn đập phá tài sản, hành hung anh em tổ viên của Thân.
- Đặng Văn Thân còn thể hiện tinh thần trách nhiệm trước anh em công nhân và ý thức tôn trọng luật pháp. Bằng chứng là: ngay sau khi sự việc xảy ra trong lán trại, Đặng Văn Thân đã nói và hành động ôn hòa thể hiện tại Biên bản ghi lời khai ngày 12.6.2007 (BL số 382): “Tôi đi sau, khi ra đến đường thì thấy anh em của tôi quay lại và nói tụi nó chạy hết rồi, tôi mới nói: Chạy hết thì thôi, để mình báo bảo vệ xí nghiệp Trường Thành ra can thiệp và xem hiện trường để báo Công an làm việc. Nói xong tôi xuống cổng bảo vệ báo người trực và anh Bê tổ trưởng bảo vệ”.
2. Lúc hai bên xô xát dẫn đến chết người thì nhóm của Trần Văn Dũng, Trương Minh Quốc đã rút khỏi lán trại rồi mới quay trở lại tiếp tục tấn công, ném đá vào số công nhân xây dựng. Còn sự việc xảy ra ngoài lán trại vào lúc 1 giờ 45 phút hôm sau tức ngày 12/6/2007.
Ở giai đoạn hai của vụ án, hai phe tấn công nhau dẫn đến chết người thì Đặng Văn Thân vẫn đang làm việc với đội trưởng bảo vệ Xí nghiệp gỗ Trường Thành, điện thoại báo cáo sự việc với công an huyện EaHLeo và chờ công an huyện đến giải quyết.
Điều này cho thấy: Ở giai đoạn này Đặng Văn Thân không liên quan, không có ảnh hưởng gì đến tiến trình diễn biến của sự việc xô xát dẫn đến chết người. Phải chăng trong vụ án này Đặng Văn Thân nếu có phạm tội thì mức độ và hành vi chỉ dừng lại ở tội danh “Gây rối trật tự công cộng”.
3. Về nhân thân của Đặng Văn Thân:
A. . Bị cáo Đặng Văn Thân có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, đã từng phục vụ trong hàng ngũ Quận đội nhân dân Việt Nam, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian quân ngũ.

B. Hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn, vợ Đặng Văn Thân không có nghề nghiệp ổn định, đi làm thuê, thu nhập rất thấp (chỉ từ 15 – 20 ngàn đồng/ ngày), có 6 con còn nhỏ dại, cháu lớn nhất 13 tuổi, nhỏ nhất mới 4 tuổi, trong đó có 2 cháu bị thiểu năng trí tuệ, không tự chăm sóc bản thân được, cần sự chăm sóc đặc biệt (có giấy xác nhận kèm theo).
C. Sau khi TAND tỉnh Daklak xử sơ thẩm, gia đình của Thân đã tích cực tiếp tục bồi thường phần lớn thiệt hại, cụ thể là đã bồi thường được 14 triệu đồng trong số tiền 17.000.000 đồng mà đại diện bị hại đòi hỏi (biên lai nộp tiền số 00451 ngày 24.6.2009 của cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Dak Lak).
D. Đặc biệt bị cáo Đặng Văn Thân thuộc gia đình có truyền thống Cách mạng đã không tiếc máu xương đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp thống nhất đất nước và nên độc lập của dân tộc. Cụ thể:
- Bằng khen của Hội đồng Bộ Trưởng tặng bà Phan Thị Đẹp “Đã có công góp sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Bà Đẹp là bà nội của Đặng Văn Thân.
- Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng Huân chương quyết thắng cho ông Đặng Trì vì “Đã có thành tích trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam Việt Nam”. Ông Đặng Trì là cha của Đặng Văn Thân
- Bảng gia đình vẻ vang chống Mỹ cứu nước của Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tặng ông Đặng Trì và bà Trần Thị Thành (bà Thành là mẹ của Đặng Văn Thân).
- Huân chương kháng chiến hạng Ba của Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng liệt sĩ Đặng Thị Thanh vì “Đã có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Liệt sĩ Đặng Thị Thanh là chị ruột của Đặng Văn Thân
- Huy chương chiến sĩ giải phóng của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng liệt sĩ Đặng Thị Thanh “Đã làm tròn nhiệm vụ trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống Mỹ cứu nước”.
- Bằng Tổ quốc ghi công của Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ghi công của liệt sĩ Đặng Thị Thanh đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
III. Đề nghị xử lý đối với bị cáo Đặng Văn Thân và bị cáo Nguyễn Tấn Phương:
Qua phân tích và nhận định trên, chúng tôi để nghị quý tòa tuyên: Bị cáo Đặng Văn Thân và bị cáo Nguyễn Tấn Phương không phạm tội “giết người” (Điều 93 BLHS) mà chỉ phạm tội “gây rối trật tự công cộng” (Điều 245 BLHS) phạt bị cáo Thân và bị cáo Phương: mỗi bị cáo 02 (hai) năm tù tương ứng với thời gian mà mỗi bị cáo đã bị bắt tạm giam từ ngày 13 tháng 6 năm 2007 cho đến ngày tuyên bản án phúc thẩm hôm nay.

Rất mong được quý tòa chấp nhận quan điểm bào chữa trên đây của chúng tôi
Trân trọng.

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 6 năm 2007

 

BẢN LUẬN CỨ

 

Kính thưa Hội Đồng xét xử phúc thẩm,

Tôi là Luật sư, thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, theo yêu cầu của thân chủ tôi là Ông C và Bà T và được sự chấp nhận của Quí Tòa qua giấy chứng nhận số 215/2007/TA-GCN ngày 14/05/2007,  hôm nay tại phiên Tòa Phúc thẩm dân sự nầy, tôi xin phép được thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của thân chủ tôi đã được Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận T phán quyết công nhận, trước đơn kháng cáo của phía Bị đơn dân sự.

Kính thưa Quí Tòa,

Trên cơ sở nội dung đơn kháng cáo, bản án sơ thẩm dân sự và nội dung xét hỏi hôm nay tại Tòa phúc thẩm, tôi xin trình bày các luận cứ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thân chủ tôi như sau:

Thứ nhất: Việc đơn kháng cáo nại ra vai trò trước Tòa sơ thẩm của Bà N, người bán nhà trực tiếp cho thân chủ tôi (là Ông C, Bà T), không phải là nhân chứng mà là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Theo tôi, đây không phải là vấn đề cốt lõi của vụ tranh chấp, mà vấn đề Bà N tường trình, khai báo có đúng sự thật khách quan hay không. Vì sự thật việc Bà N bán nhà cho vợ chồng ông C từ năm 1991 đến nay đã trên 26 năm, đây chỉ là mối quan hệ mua bán sòng phẳng “tiền trao cháo múc”, và từ đó đến nay 2 bên ở cách xa nhau và cũng không có bất cứ mối quan hệ láng giềng hay làm ăn nào, nên cũng không có lý do, cơ sở gì để nói là Bà N có thể bảo vệ một cách thiên vị cho quyền lợi của Ông C. Nếu suy diễn theo hướng đó, thì Ông H mới là nhân chứng thiên vị cho phía bị đơn (Ông H, Bà C) vì Ông H cùng là đơn vị lính biệt kích, cùng là thương binh của chế độ cũ với Ông H, tình cảm chắc chắn gắn bó hơn. Thực tế, Ông H đã bán nhà từ đầu tháng 04/1974, đến nay đã 33 năm, đã có nhiều thay đổi về thực tế, về xây cất tại đây, mà chính Ông H đã thú nhận với thân chủ tôi là căn nhà ông ta bán ông cũng quên, không còn nhận ra nữa. Như vậy, sự làm chứng của Ông H không đảm bảo thực tế khách quan và mang nặng tính chất đồng đội cũ mà thôi.

Hơn nữa, lời khai của Bà N hoàn toàn phù hợp thực tế quá trình mua bán xuyên suốt từ chủ sở hữu  đầu tiên của căn nhà -- Trần Triệu Luật (từ -- An Tôn cũ) là Ông H qua vợ chồng ông K, đến bà S, sang bà N và cuối cùng được bán qua thân chủ tôi (ông bà C). Và cho tới nay phần tường tranh chấp vẫn còn nguyên có cả đồng hồ điện, đồng hồ nước mang tên của chủ sở hữu đầu tiên là Ông H và các giấy tờ mua bán chuyển nhượng đều cho thấy căn nhà -- Trần Triệu Luật có bức tường đó, chứ không phải của nhà -- TTL.

Thứ hai: Chứng cứ gián tiếp từ lời khai của Ông T, tổ trưởng Dân phố -- trong Biên bản hòa giải ngày 17/8/2006 tại UBND Phường 7, Quận T cũng hoàn toàn không phù hợp pháp luật và cả không phù hợp với thực tế nên không có giá trị. Vì thứ nhất, trong danh sách thành phần tham dự buổi hòa giải không có tên ông T, Ông T chỉ là người ngồi nghe bên ngoài tự ý phát biểu hùn vào, nhưng do người chủ trì phiên họp lại có sơ hở về mặt nguyên tắc vào giờ cuối lại đưa Ông T ký tên vào. Hơn nữa, Ông T là đời thứ 3 đến cư trú tại nhà --  TTL sau ngày giải phóng 1975, nên hoàn toàn không nắm và không biết được sự thật ban đầu về bức tường tranh chấp, nên lời nói của Ông T, và cả lời khai ông T mang tính chất cảm tính, vì vốn từ lâu có mối mâu thuẫn nho nhỏ, nên không ưa thân chủ tôi trong quan hệ láng giềng.

Thứ ba: Trong thực tế khách quan, những thái độ và hành vi của bị đơn suốt từ năm 1987 đến nay (kéo dài đã hơn 20 năm) đã chứng minh rõ ràng phần tường đang tranh chấp (với kích thước 12m30 x 0,1m) là hoàn toàn thuộc sở hữu của nguyên đơn (vợ chồng ông C) vì các lẽ sau:

1.      Năm 1987, chị em bà N đục tường, đúc cột bê tông, nâng tường để đổ sàn bê tông ngay trên mãng tường này thì bị đơn (ông H, bà C) không có bất cứ phản ứng nào, mà chỉ yêu cầu làm đường thoát nước riêng không sử dụng chung như cũ mà thôi. Cụ thể qua giấy cam kết gởi UBND quận T và UBND Phường 7 ngày 22/05/2006, bà N đã xác định: “Tường là tường cũ căn nhà của tôi. Năm 1987, tôi và cậu em phá mái xây tiếp tường cũ lên cao và đổi mái sàn bê tông. Nay tôi cam kết và xác nhận 2 bức tường  bên dưới mái bê tông căn nhà -- An Tôn (tức là nhà -- TTL hiện nay), P7, Q. T mà tôi bán cho ông bà C là tường riêng của nhà tôi”. Và qua lời khai nhân chứng tại Tòa sơ thẩm T là: “Khoảng năm 1987 tôi sửa chữa nhà, cho đổ bê tông và sử dụng bờ tường đang có, ông H đã không có ý kiến gì về phần vách tường nhưng chỉ có ý kiến đề nghị là: trước kia nhà -- (tức nhà -- TTL) sử dụng chung đường thoát nước với nhà -- (tức nhà -- TTL), nay tôi sửa nhà thì làm đường thoát nước riêng và tôi đã làm đường thoát nước riêng”. Như vậy, rõ ràng không thể nói theo luận cứ úp chụp của  phía bị đơn là vào thời điểm đó bị đơn không hay biết sự việc đã xãy ra hoặc tưởng rằng nguyên đơn chỉ sử dụng tạm thời.

2.      Tiếp đến, từ tháng 9/1993 đến tháng 4/1994, với thời gian dài trên 7 tháng, nguyên đơn (ông bà C) đã đập bỏ toàn bộ dãy tường phía sau (cùng chung một dãy với phần tường tranh chấp), chỉ chừa phần tường phía trước để dự phòng theo qui hoạch giải tỏa mở rộng đường đã có thông báo trước của Nhà nước, để xây mới, xây tường lầu cao, bị đơn (ông bà H) cũng không hề có bất cứ sự phản đối cụ thể, dứt khoát nào.

3.      Cuối cùng, vào năm 1998, khi nguyên đơn tiến hành treo bảng hiệu doanh nghiệp của mình ngay trên đầu phần tường tranh chấp này thì bị đơn cũng không thể hiện bất cứ thái độ phản đối nào hoặc bất cứ yêu cầu nào buộc nguyên đơn phải làm cam kết khi sử dụng phần tường này đã liên tục qua thời gian dài (trên 20 năm từ thời chủ cũ sang nhượng là bà N) với ý thức của người chủ sở hữu bức tường.

4.      Trong khi đó, mới đây, vào năm 2006, bị đơn lại tiến hành xây một bức tường mới ốp sát phần tường đang tranh chấp để đở cái ô văng của nhà bị đơn.

Như vậy, từ lời khai và cam kết của người bán nhà cũ (bà N) đến các thái độ ứng xử và hành vi của bị đơn thụ động hoàn toàn trước quá trình thực hiện quyền chủ sở hữu liên tục 20 năm qua của nguyên đơn đối với phần tường tranh chấp này, cho thấy tính thực tế và tính hệ thống logique chặt chẽ quyền sở hữu phần tường (kích thước 0,1m x 12m30) hoàn toàn thuộc về nguyên đơn không thể chối cãi được và cũng không có bất cứ một chứng cứ, một nhân chứng nào phản bác được sự thật khách quan về quyền chủ sở hữu của nguyên đơn được.

Việc bị đơn nại lý lẽ là nguyên đơn sử dụng bức tường từ suốt 1987 đến khi có tranh chấp hiện nay là sử dụng tạm thời, mà không có bất cứ một chứng cứ, văn bản thỏa thuận nào là hoàn toàn không có cơ sở thực tiễn, không logique và hoàn toàn ngụy biện. Vì trong thực tế cuộc sống, không một chủ sở hữu nào lại thụ động để người khác xâm phạm, chiếm dụng quyền sở hữu (nếu thực sự của mình) suốt thời gian dài đó mà không bất cứ hành động hoặc điều kiện bắt buộc nào.

Mặt khác, việc bị đơn nại  ra trong kháng cáo, là “tờ khai trước bạ” nhà -- TTL (của bị đơn) ngày 11/8/1989 không có giá trị pháp lý đối chứng, vì cơ quan thuế không phải là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà đất. Theo tôi, tuy cơ quan thuế không có chức năng trực tiếp quản lý nhà đất, nhưng từ tờ khai của chủ sở hữu nhà, quyền sử dụng đất có sự kiểm tra của cơ quan thuế thực địa tại chổ để đóng thuế, lệ phí trước bạ trong thực tế và theo qui định pháp luật cũng là một trong những điều kiện rất quan trọng không thể thiếu để công nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở của chủ nhà. Không có một chủ sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nào lại dại dột để cơ quan thuế thu hẹp diện tích sở hữu của mình mà không phản ứng, vì trong thực tế nếu vì động cơ trốn thuế sử dụng đất, giảm bớt lệ phí trước bạ cũng sẽ hoàn toàn bất lợi và thiệt hại so với trị giá phần sử dụng đất bị  giảm bớt, bị mất đi.

Rõ ràng, từ diện tích 3,2m x 10m qua kiểm tra của cơ quan thuế đến diện tích tự khai của bị đơn trong “Tờ khai chuyển dịch tài sản nộp lệ phí trước bạ” là 3,2m x 20m và diện tích tự khai phình ra cả 2 chiều để hợp thức hóa vừa qua là 3,60m x 29,50m (chưa kể  vách tường xây thêm ốp với số nhà --TTL) là không hợp lý, bất thường và thiếu thực tế có lẽ do chiếm dụng đất thêm, mặc dù cơ quan quản lý nhà địa phương đã có sơ sót, thiếu kiểm tra khi cấp Giấy chứng nhận QSHNƠ và QSDĐƠ. Nhưng qua sự kiện này, một lần nữa cũng chứng minh Giấy chứng nhận QSHNƠ và QSDĐƠ nhà -- TTL của bị đơn là có phần chưa phù hợp, thiếu chính xác do lỗi của cơ quan quản lý nhà đất địa phương, đồng thời cũng chứng minh bị đơn (ông bà H) hoàn toàn không có cơ sở thực tế về quyền sở hữu đối với phần tường tranh chấp hiện nay.

Còn về phần bị đơn có nại ra là nguyên đơn (ông bà C) có Xác nhận thỏa thuận phần tường tranh chấp là tường riêng của bị đơn trong đợt kê khai nhà đất toàn thành phố năm 1999 là không đúng sự thật và đã bị nguyên đơn (ông C) bác bỏ hoàn toàn tại phiên Tòa sơ thẩm, vì xác định không phải tự dạng chữ viết của nguyên đơn.

Tóm lại, với các chứng cứ đã nêu cùng với thực tế khách quan thực hiện quyền sở hữu liên tục của thân chủ chúng tôi (là nguyên đơn ông bà C) xuyên suốt từ  1987 đến nay, cùng với các luận cứ đã trình bày, căn cứ theo các điều 164, 165, 169 Bộ Luật Dân sự năm 2005, với tư cách luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, chúng tôi kính kiến nghị Hội Đồng xét xử bác đơn kháng cáo của bị đơn và tuyên y án sơ thẩm

Trân trọng kính kiến nghị và kính cảm ơn Quí Tòa.

 

 

 

 

tội gián điệp theo Điều 80 BLHS Bào Chữa Vụ Nguyễn Vũ Bình
Luật sư: Đàm Văn Hiếu

1 – Cáo trạng của Viện KSND thành phố Hà Nội đã truy tố Nguyễn Vũ Bình vì tội gián điệp theo Điều 80 BLHS trong đó có nêu ra một số việc làm của Bình mà cáo trạng coi là phạm tội gián điệp.


Bình đã nhận hết những việc mình đã làm, là có quan điểm đa nguyên đa đảng (dân chủ đa nguyên) và cho rằng: trong quan điểm của Bình là trái với đường lối chính sách của Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhưng Bình "không vi phạm pháp luật bởi vì theo Điều 69 Hiến pháp thì mọi người có quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội" (BL284-287)


Theo tôi có những việc mà cáo trạng nêu ra như:


• Bình có quan điểm dân chủ đa nguyên, tuy trái với đường lối chính sách, nhưng đây là thuộc lĩnh vực tư tưởng, không phải là phạm tội.


• Bình xin thành lập Đảng tự do dân chủ và tham gia thành lập "Hội nhân dân Việt Nam chống tham nhũng" cũng vậy.


• Cũng như vậy việc ký vào các bản kiến nghị đòi thực thi dân chủ và đòi tha người này, giải quản cho người kia, không phải là hành vi phạm tội.


Mặt khác, những việc nói trên không dính dáng gì với tội gián điệp.


2 – Theo tôi hiểu, phải chăng quy Bình vào tội gián điệp, chỉ vì Bình đã liên hệ và trao đổi với một số cá nhân người Việt ở nước ngoài như: Nguyễn Gia Kiểng, Nguyễn Ngọc Đức (ở Pháp), Ngô Thị Hiền (ở Mỹ), Trương Minh Dũng (ở Canada), về tình hình dân chủ ở Việt Nam? Tức là Bình đã làm gián điệp cho mấy cá nhân này? Đó chính là vấn đề mà tôi muốn đề cập đến.


Từ trước đến nay, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, trong lĩnh vực đời thường cũng như trong lĩnh vực pháp lý, mọi người đều coi làm gián điệp là làm tay sai cho nước ngoài, cung cấp bí mật Nhà nước hoặc tin tức khác để nước ngoài sử dụng chống nước ta.
Phải chăng Bộ Luật hình sự nước ta có quy định gì khác ? Không, Điều 80 BLHS cũng quy định như vậy. Xin đọc trích dẫn Điều 80 của cáo trạng:


"Người phạm tội gián điệp là người cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài hoặc cung cấp tin tức tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước CHXHCN Việt Nam".


Nước ngoài đây phải hiểu là một nước khác, một quốc gia khác, mà đại diện là Chính phủ hoặc các tổ chức tình báo chứ không phải là một công dân của nước đó, càng không phải là một ngoại kiều hoặc một tổ chức ngoại kiều nào sống ở nước đó, nếu họ không phải là tay sai hoặc nằm trong tổ chức tình báo của nước này.


Như vậy, tinh thần và nội dung của Điều 80 là đúng đắn, phù hợp với khái niệm “tội gián điệp” trên trường quốc tế và trong quan điểm của mọi người. Không có nước nào coi là gián điệp người đã trao đổi quan điểm với người nước mình sống ở ngoại quốc. Nếu có đủ chứng cứ là phạm tội thì cũng không thể là tội gián điệp được. Đối chiếu với Điều 80 BLHS, Bình không làm gián điệp cho nước nào, cũng không cung cấp những bí mật Nhà nước hoặc các tài liệu tin tức gì khác cho nước ngoài nếu không phạm vào Điều 80 BLHS.


Cáo trạng có nêu ra một số tiền vào khoảng 500 – 600 đô mà Bình và vợ Bình đã nhận được, nhưng đâu phải là tiền công làm gián điệp. Vợ chồng Bình cho biết, người gửi cho nói là quà cho các con. Chẳng qua là Bình lâm vào cảnh khốn quẫn, khi rời khỏi Tạp chí cộng sản, không có việc làm, hai con nhỏ và mẹ già phải nuôi, tỉnh cảnh gia đình do một mình vợ Bình phải gánh vác, nên mọi người trong và ngoài nước thông cảm gửi cho mà thôi. Tôi chắc rằng những người có lòng nhân ái, không ai cho đó là tiền "gián điệp".


3 – Cũng cần nói thêm là: có ý kiến cho rằng: về yếu tố nước ngoài của Điều 80/BLHS, Uỷ Ban Pháp Luật của Quốc hội đã có công văn (số 783, ngày 16/07/2002) giải thích là : phải được "hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả cá nhân người Việt Nam, tổ chức người Việt Nam phản động lưu vong ở nước ngoài".


Theo luật tổ chức Quốc hội thì Uỷ Ban Pháp Luật không có quyền giải thích pháp luật. Theo điều 7 Khoản 3 của luật này, việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh thuộc nhiệm vụ quyền hạn của UBTV/QH. Còn UBPL/QH chỉ có mấy nhiệm vụ quyền hạn sau đây:


1. Thẩm tra các dự án luật, dự án pháp lệnh do Quốc hội hay UBTV/QH giao.


2. Thẩm tra báo cáo của các cơ quan chấp pháp và hành pháp.


3. Giám sát việc thực hiện luật, hoạt động điều tra, thi hành án (xem Điều 27 Luật Tổ chức Quốc hội)


Không hiểu vì lẽ gì mà UBPL làm sai thẩm quyền của mình; không thực hiện đúng nhiệm vụ quyền hạn của mình. Trong Nhà nước pháp quyền, phải thực hiện đúng thẩm quyền đã được luật quy định.


Nếu sai thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền thì không có hiệu lực thi hành. Không những thế, giải thích như vậy còn làm sai lệch cả tinh thần và nội dung đúng đắn của điều luật.


Không thể coi một cá nhân người Việt, một tổ chức người Việt lưu vong ở nước ngoài là nước ngoài được, dù hiểu rộng đến đâu đi nữa.


Thưa Hội đồng xét xử


4 – Toàn bộ hồ sơ đã chứng tỏ đây không phải là vụ án gián điệp mà thực chất là một vụ đấu tranh đòi thực hiện dân chủ đa nguyên, Nguyễn Vũ Bình là một thanh niên trí thức tốt nghiệp Đại học, công tác tại Tạp chí Cộng sản, thuộc gia đình liệt sỹ.


Theo lời khai của Bình, Bình nhận thức là vấn đề tự do dân chủ trong nước là vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay. Do đó, Bình mới trao đổi rộng rãi với mọi người để tìm kiếm một giải pháp nhằm thay đổi tình hình. Tuy nhiên, Bình mới chỉ dừng ở mức độ trao đổi, thảo luận quan điểm mà thôi (BL 284-287). Sau khi suy nghĩ nghiêm túc vấn đề này, Bình đã làm đơn xin lập Đảng tự do dân chủ, đồng thời xin thôi việc tại Tạp chí Cộng sản, mặc dầu Ban Lãnh đạo Tạp chí đã khuyên can và biết rằng quan điểm và hành động của mình là trái với đường lối chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, sẽ không có lợi cho bản thân và gia đình mình.


Vợ Bình sợ chồng mất việc, gia đình nheo nhóc nên khuyên Bình nghe lời Ban Lãnh đạo Tạp chí Cộng sản để giữ việc làm, Bình đã không nghe và bảo vợ "đó là quan điểm và nhận thức của anh, đừng bắt anh phải có nhận thức khác". Như vậy, dù đúng hay sai, những điều nói trên chứng tỏ là Bình là người có khí phách.


Với sự trình bày ở trên, để kết luận vấn đề, tôi cho rằng Bình không phạm tội gián điệp, xử phạt Bình theo tội danh này là gượng ép và không đúng tinh thần, nội dung của Điều 80 BLHS.


Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.
Ngày 31 tháng 12 năm 2003
Luật sư: Đàm Văn Hiếu


Và dưới đây là bài bào chữa thứ nhì.
Luật Sư Trần Lâm
Bào Chữa Cho Nguyễn Vũ Bình Bị Quy Tội Gián Điệp

Việc Bình đưa tài liệu ra nước ngoài và quan hệ trao đổi, đó là hình thức quảng bá. Xuất phát từ mục đích để tiếp cận ở bên ngoài và bên trong. Không làm theo mệnh lệnh vì một số người yêu cầu Bình viết và gửi ngay bài về nhưng Bình không làm và không gửi. Nếu làm gián điệp là phải làm ngay theo yêu cầu. Bình làm là do xuất phát từ bản thân, ý thức rằng các việc đó không hề phạm pháp. Về yếu tố nước ngoài: Các công ty nước ngoài ở Việt Nam cũng thể là gián điệp lắm chứ nhưng đó chỉ là giả định vì không thể chứng minh được. Nước ngoài phải là một quốc gia, một tổ chức, một cơ quan tình báo chứ không phải là một vài cá nhân, vì thế không thể qui tội gián điệp. Có nhiều ý kiến nói 80 triệu dân Việt Nam không phải tất cả cùng ý chí, cùng quan điểm. Như thế không thể nói những ai không cùng quan điểm là phạm tội gián điệp.


Ở đây không đủ yếu tố cấu thành tội gián điệp vì Bình không làm theo mệnh lệnh của nước ngoài, không làm theo mệnh lệnh của bất kỳ ai. Bình làm theo ý chí của bản thân. Đó là làm việc thiện cho nhân loại, không hề móc nối, không hề cung cấp tin tức mà chỉ trao đổi quan điểm. Chưa hề hành động bạo động.

 
Từ trước đến nay trong lĩnh vực đời thường và pháp lý. Làm gián điệp là làm tay sai, cung cấp tin tức, tài liệu cho nước ngoài thì mới phạm tội gián điệp. Không thể đưa việc trao đổi quan điểm với một số cá nhân Việt kiều để khép tội gián điệp là không đúng.
Ở đây chủ toạ, đại diện Viện Kiểm soát và luật sư có quan điểm khác nhau. Tôi xin hỏi có luật pháp nào qui định việc trao đổi quan điểm, tư tưởng cho người cùng dân tộc lại vi phạm pháp luật. Vì thế không thể kết tội bị cáo làm gián điệp.


Về yếu tố nhận tiền: tiền phải là tiền công. Đây là tiền giúp đỡ, tiền quà cho 2 con nhỏ. Không hề phạm tội. Khép tội gián điệp là không đúng, là khiên cưỡng. Tiền trao đổi giải thưởng của các tổ chức nhân quyền cũng bị cho là tiền gián điệp là không đúng.
Làm gián điệp gì mà lại quảng bá rộng rãi, công khai gửi đi các nơi – xin loại bỏ tội gián điệp.


Tuy không được đẹp, nhưng tôi xin dẫn lời nói của một người Mỹ nổi tiếng “Thế nào là dân chủ, dân chủ là phải biết lắng nghe ý kiến người chống đối mình để tìm ra giải pháp tốt hơn".


Việc muốn Đa Nguyên Đa Đảng là quan điểm và nhận thức của mỗi người.

 
Phạm tội chính trị, tội gián điệp là phải có hận thù, bức xúc. Bình không phải là người như thế. Bình là một trí thức trẻ tâm huyết muốn cho xã hội phát triển. Có thể là người nhiễm tư tưởng dân chủ. Không hề có động cơ xấu. Nếu khép bị cáo vào tội gián điệp sẽ để lại một bản án không đúng dù sau 50 năm sau mọi người vẫn nhận thấy đó là bản án khép tội khiên cưỡng. Đối với tình hình xã hội hiện nay thì chỉ nên dùng biện pháp răn đe không trừng trị.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

vi phạm hành chính xây dựng

 

 

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Độc lập- Tự do- Hạnh phúc

------------

TP. Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 01 năm 2008

 

BẢN LUẬN CỨ

 

Kính thưa Quí Tòa,

 

Tôi là Luật sư NGUYỄN ĐĂNG LIÊM, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, được sự yêu cầu của thân chủ tôi là nguyên đơn S và cũng đã được Quí Tòa chấp thuận cho phép tôi được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn tại phiên tòa phúc thẩm “vụ án hành chính” hôm nay.

Tôi xin phép Quí Tòa được trình bày tóm gọn nội dung vụ việc, các yêu cầu của thân chủ tôi và luận cứ bảo vệ như sau:

Nguyên vào ngày 24/01/2006 trong khi thân chủ tôi đi vắng vì công việc làm ăn hàng ngày, thì Tổ Quản lý trật tự xã B đã đến đập phá căn nhà gây hư hỏng, đổ nát gần như toàn bộ căn nhà có diện tích 4m x 8m = 32m2 (chỉ còn lại 1/3 căn nhà) với lý do cưỡng chế vi phạm hành chính về xây dựng, mà không có biên bản xử lý vi phạm hành chính tại chỗ và cũng không có quyết định cưỡng chế. Thêm vào đó, Tổ quản lý trật tự này còn hăm dọa hành hung cả em V, là con ruột của thân chủ tôi.

Đến trên 6 tháng sau, để chữa cháy việc xử lý vi phạm hành chính xây dựng không đúng pháp luật về qui trình xử lý, cưỡng chế của cấp dưới, UBND xã B đã liên tiếp ban hành các Quyết Định 942/QĐ-UBND về thu hồi và hủy biên bản vi phạm hành chính số 107 ngày 14/09/2005 của Tổ Quản lý Trật tự Đô thị vì nhầm đối tượng vi phạm và Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 631/QĐ-XPHC ngày 20/09/2005; Quyết định số 944/QĐ-XP-UBND về “xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng….” cũng trong ngày 30/6/2006 và Quyết định số 1099/QĐCC-UBND về “quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính”. Rõ ràng đây là một qui trình xử phạt ngược chiều, không đúng trình tự qui định của luật pháp trong xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, chưa kể sự sai sót cẩu thả trong việc lập Biên bản xử phạt và quyết định xử phạt lộn đối tượng đối với Ông L, là chồng cũ của nguyên đơn, đã ly hôn từ tháng 4/1999 (cách thời điểm xử lý đến 7 năm) không còn liên quan gì đến tài sản riêng của nguyên đơn.

Chính vì vậy, mà thân chủ tôi, bà S, đã phải làm đơn khiếu nại đến UBND xã B (theo đúng trình tự qui định của Luật Khiếu nại, Tố cáo) và đã bị UBND xã B bác đơn khiếu nại với Quyết định số 1236/QĐ-UBND ngày 22/8/2006 do chủ tịch UBND xã ký. Do đó, theo đúng trình tự luật pháp, thân chủ tôi đã khởi kiện tại Tòa án nhân dân Huyện B với 4 nội dung yêu cầu để được Tòa xét xử như sau:

1.      Đập nhà sửa chữa không có giấy phép, không có biên bản xử phạt hành chính.

2.      Không có Quyết định cưỡng chế của UBND xã B.

3.      Cắt rào vào nhà khi chủ nhà đi vắng.

4.      Rút súng hăm dọa đòi bắn con chủ nhà bể đầu (có sự làm chứng của nhân dân địa phương và công an xã B).

          Qua đó thân chủ tôi yêu cầu được xét xử và bồi thường thiệt hại hư hỏng nhà cửa trị giá thiệt hại 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) và truy cứu trách nhiệm người có hành vi dùng súng hăm dọa bắn vào đầu của con thân chủ tôi.

Nhưng Bản án sơ thẩm lại đưa ra phán quyết lệch hướng với quyết định: “Bác yêu cầu của Bà S yêu cầu hủy Quyết định 1236/QĐ-UBND ngày 22/8/2006 của UBND xã B và yêu cầu đòi UBND xã B bồi thường 20 triệu đồng tiền vật tư và 5 triệu đồng tiền thiệt hại tinh thần”. Và kết luận “Quyết định số 1236/QĐ-UBND ngày 22/8/2006 của UBND xã B có hiệu lực thi hành.” Theo chúng tôi, Bản án sơ thẩm đã không đi thẳng vào việc giải quyết các nội dung một cách đầy đủ mà nguyên đơn đã khởi kiện, mà chỉ giải quyết cái ngọn của vấn đề khiếu kiện.

Vấn đề ở đây là phải xét xử xem việc cưỡng chế đập phá căn nhà xây dựng trái phép của nguyên đơn có sai sót, không đúng qui trình xử lý vi phạm hành chính về xây dựng hay không? Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế vi phạm ban hành sau cưỡng chế đập phá thực tế căn nhà có đúng luật pháp qui định không? Việc hăm dọa hành hung con ruột của nguyên đơn bằng súng có đúng sự thật hay ở mức độ nào? Việc yêu cầu hủy Quyết định 1236/QĐ-UBND của UBND xã B ngày 22/08/2006 chỉ là hậu quả tất yếu của việc giải quyết các nội dung tranh chấp nói trên, đó là yêu cầu phụ, chứ không phải là các yêu cầu chính ,có tính trọng tâm, chủ yếu của Đơn Khởi Kiện của nguyên đơn, bà S.

Tất cả chúng ta ở đây và mọi công dân có ý thức, vì lợi ích chung đềuhoan nghênhtất cả các xử phạt đúng luật pháp của mọi cơ quan thẩm quyền nhà nước đối với người vi phạm luật pháp để đảm bảo kỷ cương, phép nước được nghiêm minh, trong đó có cả của UBND xã B. Nhưng rõ ràng, qua hồ sơ với nhiều bút lục chứng minh và có cả sự xác nhận của đại diện ủy quyền của UBND xã B trong Bản tự khai tại hồ sơ vụ án, cũng như tại Tòa phúc thẩm hôm nay, cho thấy đãcó những yếu tố lỗi thuộc về UBND xã B và cấp thừa hành của mình là Tổ Quản lý Trật tự đô thị do tâm lý bực tức, định kiến đối với người vi phạm trong xây dựng nên đã vội vã trong xử lý không theo đúng trình tự quy định của luật pháp và xử phạt vi phạm hành chính, đi nghịch chiều qui trình, thậm chí lúc đầu còn xử lý, cưỡng chế sai đối tượng vi phạm không xác minh kỷ càng và tiếp đến, còn ban hành những quyết định “chữa cháy” sai sót của mình không đúng luật.Việc cưỡng chế vi phạm này cũng không công bằng, vì ngay tại ấp 1 và ấp 4 xã B vẫn còn rất nhiều trường hợp xây dựng trái phép chưa được xử lý cưỡng chế mà Báo CA Tp.HCM số 1416 ngày 9/2/2006 và số 1417 ngày 14/2/2006 đã phản ảnh. Thậm chí Tổ Quản lý trật tự đô thị xã B còn chưa chấp hành nghiêm túc chỉ thị của lãnh đạo UBND huyện B, dẫn đến cưỡng chế đập phá nhà đã xây dựng trái phép hoàn chỉnh xong xuôi, vi phạm qui trình xử phạt hành chính. Vì chỉ thị của UBND HuyệnB số 02/2003/CT-UB ngày 22/5/2003 (theo Bút lục Số 43 tại Hồ sơ vụ án) đã chỉ đạo rõ ở điểm 1.1 là: giao chủ tịch UBND xã-thị trấn chịu trách nhiệm về các nội dung sau:

“- Củng cố Tổ quản lý đô thị đủ mạnh theo hướng chủ tịch xã-thị trấn kiêm tổ trưởng, tổ phó và các thành viên là chuyên trách. Tổ chức lực lượng kiểm tra thường xuyên 24/24giờ (kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ), kịp thời xử lý cương quyết, không để xảy ra các hành vi chuyển mục đích sử dụng đất, lấy đất hạ thấp mặt ruộng, san lấp, xây dựng bất hợp pháp trên địa bàn xã-thị trấn mình quản lý dưới mọi hình thức.

- Tiến hành lập thủ tục tạm giữ vật tư, phương tiện thi công (kể cả xe chuyên chở vật tư san lấp) và xử lý theo thẩm quyền. Buộc phải khôi phục trả lại ngay hiện trạng ban đầu; tháo dỡ ngay công trình xây dựng bất hợp pháp khi mới xây dựng.”

Rõ ràng nội dung chỉ thị của UBND Huyện là phải tuần tra kiểm soát    24/24 giờ và phải lập biên bản xử lý ngay từ đầu các vi phạm về xây dựng, để ngăn chặn, khôi phục lại ngay hiện trường, phải có bằng chứng quả tang đang xây dựng trái phép hẳn hoi một cách tức thời, ngay tại chỗ, đang khởi công xây dựng trái phép và có các tang vật phương tiện thi công, vật tư cụ thể. Nhưng theo các bút lục tại hồ sơ vụ án và theo xác nhận của đại diện ủy quyền của UBND xã B, thì Tổ quản lý trật tự đô thị xã B đã cưỡng chế đập phá căn nhà đã xây dựng xong, chủ nhà là S vắng mặt và không hề có tang vật là các phương tiện thi công, vật tư, vật liệu nào tại chỗ cả. Điều đó chứng minh việc xử lýcưỡng chế này là vội vã, không những không đúng qui định luật pháp, mà còn không đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo UBND Huyện nữa.

Nhưng để sang một bên các yếu tố lỗi, những sai sót không đúng qui định luật pháp của Tổ Quản lý Trật tự Đô thị xã B làm thiệt hại cho nguyên đơn là Bà S. Ở đây, đặc biệt chỉ đề cập đến Bản án Sơ thẩm, theo chúng tôi phân tích ở trên, là chưa thể hiện việc xét xử đúng và đầy đủ theo tinh thần và nội dung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (Bà S).Theo tôi, Bản án sơ thẩm, về nguyên tắc, đã vi phạm tố tụng. Vì vậy, tôi trân trọng kính đề nghị Hội Đồng Xét Xử phúc thẩm tuyên hủy Bản án Sơ thẩm, để tạo điều kiện xét xử sơ thẩm lại ngay từ đầu cho đúng thủ tục tố tụng qui định.

Trân trọng kính cảm ơn Quí Tòa.

                                                                      Người bảo vệ,

 

 

 

 

LS NGUYỄN ĐĂNG LIÊM        

 

 

 

 

 

 

 

 

cho vay nợ và trả nợ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

---------------------------------

Tp. HCM, ngày 20 tháng 9 năm 2007

 

BẢN LUẬN CỨ

 

Kính thưa Quí Tòa,

 

Tôi là LS Nguyễn Đăng Liêm, thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, trưởng VPLS Quang Trung, theo yêu cầu của bị đơn dân sự L và được sự đồng ý của Quí Tòa qua giấy: “Chấp nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp” số 07/CV-TA ngày 11/7/2007, hôm nay, trước phiên Tòa sơ thẩm này, tôi xin được thực hiện việc bảo vệ quyền lợi của thân chủ tôi (Bà L) với các quan điểm và luận cứ sau:

 

Thứ nhất: Việc cho vay nợ và trả nợ giữa nguyên đơn (ông H) và bị đơn (bà L) dựa trên cơ sở sự quen biết thân tình đặc biệt như người thân trong nhà, nên giấy nhận nợ chỉ viết tay (mà do chính nguyên đơn, tức chủ nợ viết, bị đơn chỉ cứ việc ký xác nhận) hay có trường hợp chỉ trao đổi miệng (như trường hợp bị đơn L nói có trả nợ gốc cho nguyên đơn 2 lần: một lần 150.000.000 đồng vào ngày 18/6/2004 và một lần 50.000.000 đồng vào ngày 20/11/2006, cộng dồn là 200 triệu đồng, nhưng nguyên đơn không nhớ).

 

Thứ hai: Việc cho mượn nợ, thu nợ, lãi, đối chiếu nợ hoàn toàn do nguyên đơn đạo diễn, tính toán, trong khi bị đơn có vẻ thụ động, không có bất cứ đề nghị nào về mặt thủ tục pháp lý (như viết hợp đồng có công chứng hoặc ít ra hợp đồng tay vay nợ có nhân chứng v.v…) xuất phát từ lý do là nguyên đơn ít học và dốt luật.

 

Thứ ba: Vì khoản cách biệt trong việc xác nhận nợ giữa 2 bên là rất lớn (Bên nguyên đơn cho rằng số nợ còn lại lên đến 1.176.134.000 đồng chưa tính lãi, trong khi bên bị đơn xác nhận số nợ chỉ còn vỏn vẹn khoảng 400 triệu đồng kể cả lãi tính đến thời điểm ngày 28/6/2004, tức là ngày mà bị đơn trả nợ cho nguyên đơn bằng việc bán căn nhà trị giá 750 triệu đồng, nghĩa là tiền lãi chỉ thiếu từ ngày này về sau (còn tất cả tiền lãi trước ngày 28/6/2004 thì đã được thanh toán). Cho nên việc hòa giải giữa hai bên là không khả thi và thực tế tại Tòa án qua mấy lần cũng không hòa giải được.

 

Từ tình hình thực tế, qua 3 nhận định trên, với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn L, tôi kính đề xuất Hội Đồng xét xử sơ thẩm mấy điểm sau:

 

I.        Chấp nhận cơ sở thực tế và tính pháp lý của bản photo, tổng hợp đối chiếu nợ do bị đơn đã ký xác nhận với nguyên đơn , vì tất cả mặt chữ và số liệu nợ và lãi đều do nguyên đơn chấp bút và đây là cơ sở khách quan nhất so với các chứng từ được xuất trình (mặc dù nguyên đơn cho rằng đó là bản nháp và đã làm mất hoặc đốt rồi, nhưng bị đơn đã lục tìm được bản photo). Và từ bản sao tổng hợp đối chiếu nợ giữa 2 bên này đã làm rõ thêm 2 vấn đề là:

1)         Bị đơn đã 4 lần trả nợ gốc (lần I: 50 triệu, lần II: 20 triệu, lần III: 100 triệu (số V trong bản đối chiếu nợ) và lần IV: cấn trừ căn nhà bán cho phía người thân của nguyên đơn là 750 triệu) tổng cộng là: 920 triệu (chín trăm hai chục triệu). Vì vậy, trong tính toán nợ tồn đọng của bị đơn, đề nghị Quí Tòa trừ khoản này ra.

2)         Có bằng chứng là nguyên đơn đã đôn lãi vào vốn tất cả là: 103.660.000 đồng (một trăm lẻ ba triệu sáu trăm sáu chục ngàn đồng), là không phù hợp với luật pháp, vì như vậy là có tình trạng tính lãi chồng lên lãi. Phần này cũng đề nghị Quí Tòa trừ bớt vào nợ tồn tại (đó là chưa kể số lãi thặng dư không hợp lý phát sinh từ các khoản lãi cộng dồn này mà bên bị đơn đã phải chịu thanh toán).

 

II.     Công nhận tổng số tiền lãi (với lãi suất thỏa thuận cao chưa phù hợp với qui định luật pháp) cho đến trước thời điểm 28/6/2004 (tức là thời điểm bị đơn xác nhận kể từ đó về sau chưa trả lãi tiếp tục, theo biên bản kết thúc ghi nhận trong hồ sơ tại Tòa) với tổng số là : 273.800.000 đồng (hai trăm bảy mươi ba triệu tám trăm ngàn đồng) mà bị đơn đã thanh toán cho nguyên đơn và được trả làm 13 đợt từ đợt đầu vào tháng 8/2003 đến đợt cuối vào tháng 4/2004 theo bút tích của nguyên đơn trên bản đối chiếu. Nếu áp dụng chế tài theo qui định của Bộ Luật Dân sự, kể cả Bộ Luật Dân sự năm 1995 có hiệu lực từ ngày 01/7/1996 và Bộ luật Dân sự 2005 hiện nay, thì phần đã trả lãi vay cao vượt qui định, theo tôi, cũng nên trừ bớt vào phần vốn còn nợ của bị đơn.

 

III.   Không công nhận số tiền nợ 300 triệu (ba trăm triệu đồng chẳn) mà nguyên đơn giao cho bị đơn ngày 16/6/2004, vì đây là tiền hùn vốn kinh doanh bất động sản theo nguyên tắc “lời ăn lỗ chịu” mà thực tế là bị đơn đã bị lỗ nặng, nên nguyên đơn cũng phải cùng chịu hậu quả thua lỗ qua việc góp vốn làm ăn này.

 

IV.  Xác nhận quan hệ dân sự bị vô hiệu từ giấy nhận nợ ngày 24/01/2005 với số nợ 1.874.000.000 đ (một tỉ tám trăm bảy mươi bốn triệu đồng) do có sự nhầm lẫn của bên bị đơn và do vi phạm các hình thức văn bản (dù viết tay) giữa 2 bên như: ghi “người làm chứng” nhưng không có ai làm chứng ký tên cả; ghi “người viết giấy nhận nợ ký tên” nhưng bị đơn không hề chấp bút, mà chính nguyên đơn là chủ nợ tự viết; ghi “giấy làm 2 bản mỗi người một bản giá trị như nhau” nhưng thực tế chỉ có nguyên đơn giữ mà bị đơn (tức con nợ) không giữ bản nào.

Việc tuyên bố quan hệ dân sự vô hiệu ở đây dựa trên cơ sở các điều khoản của Luật Dân sự như sau:

-        Điều 139 Bộ Luật Dân sự nước CHXHCN VN ngày 09/11/1995 về “Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ qui định về hình thức” Điều 141 Bộ Luật trên về “giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn” ở khoản 2 qui định: “Khi giao dịch dân sự vô hiệu do nhầm lẫn, thì bên có lỗi trong việc để xảy ra nhầm lẫn phải bồi thường thiệt hại”. Ở đây, bên có lỗi chính là nguyên đơn, vì chính nguyên đơn chấp bút và đưa ra các qui định hình thức gây nhầm lẫn cho bị đơn, vì bị đơn là người ít học, dốt luật pháp.

Vì chính Điều 400 Bộ Luật Dân sự năm 1995, có hiệu lực từ ngày 01/7/1996 này cũng qui định: “Khi các bên giao kết hợp đồng bằng hình thức nhất định, thì hợp đồng được coi là đã giao kết khi đã tuân theo hình thức đó”, nhưng ở đây quan hệ dân sự được thực hiện sai hình thức đã thỏa thuận.

Và ngay cả khi vận dụng hồi tố Bộ Luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực từ ngày 01/01/2006 Điều 131 về “giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn” Điều 134 về “giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ qui định về hình thức” cũng có nội dung qui định về vô hiệu tương tự như trên về giao dịch dân sự.

Hơn nữa, giấy nhận nợ ngày 24/01/2005 về khoản nợ 1.874.000.000 đồng còn vi phạm yếu tố trung thực, vì theo nhân chứng tình cờ L (đã có bản khai tại hồ sơ vụ kiện), thì bị đơn L ký xác nhận trước rồi, nguyên đơn mới ghi nội dung phần sau, trong đó có việc ghi thêm số nợ 1.874.000.000 đồng.

Và rõ ràng một khi quan hệ dân sự bị vô hiệu, thì quan hệ đó mất giá trị và không tồn tại, hoàn toàn không thể điều chỉnh nghĩa vụ bên bị đơn (tức con nợ) vì bị đơn là người ngay tình, do nhầm lẫn. Và bị đơn cũng phủ nhận hoàn toàn là không hề có nhận khoảng nợ này.

 

Tóm lại , trên cơ sở các luận cứ viện dẫn trên, với tư cách luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn, chúng tôi kiến nghị Hội Đồng xét xử chấp nhận yêu cầu phía bị đơn để tuyên xác nhận số nợ còn tồn đọng mà bị đơn có nghĩa vụ phải trả là 400.000.000 đ (bốn trăm triệu đồng chẳn) và số lãi phát sinh kể từ thời điểm ngày 28/6/2004 về sau như bị đơn đã thành thật khai báo trước Tòa hôm nay.

Và căn cứ theo Điều 476 khoản 1 (về lãi suất của hợp đồng vay tài sản) của Bộ Luật Dân sự năm 2005 (mục 4 chương XVIII) có ghi rõ: “ Lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Trong quá trình vay và trả nợ, lãi của bị đơn L có thể xác định thuộc loại hình vay vốn lưu động trung hạn, và căn cứ theo các tài liệu thông báo của Ngân hàng, thì trong các khoản thời gian đó lãi suất tín dụng ngân hàng biến động từ 0,8%/tháng cho đến cao nhất là 1,1%, tức là bị đơn chỉ phải thanh toán lãi tối đa 1,65%/tháng (tức 1,1% x 150%). Nhưng trong quá trình thanh toán lãi , bị đơn L đã chịu thiệt hại vì phải thanh toán lãi từ thấp nhất là 2%/tháng đến mức cao là 3%/tháng và thậm chí còn phải trả lãi chồng lên lãi (do nguyên đơn cộng nợ lãi vào vốn để tính lãi tiếp). Vì vậy, chúng tôi cũng kiến nghị Hội Đồng xét xử sơ thẩm cho áp dụng theo đúng lãi suất cho vay hiện nay của Ngân hàng (là 1,1% đến cao nhất là 1,2%/tháng) đối với khoản nợ 400 triệu đồng còn lại kể từ thời điểm 28/6/2004 đến ngày khởi kiện của nguyên đơn. Kính mong được Quí Tòa nghiên cứu chấp nhận các luận cứ và các kiến nghị cụ thể hợp tình , hợp lý và thỏa đáng nói trên, để cho thân chủ tôi không bị quá thiệt hại.

 

Trân trọng kính kiến nghị và kính cảm ơn Hội Đồng xét xử.

 

 

 

 

 

 

 

Luật sư NGUYỄN ĐĂNG LIÊM

 

 

 

 

 

 

 

OÀN LUẬT SƯ TP.HCM

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ QUANG TRUNG

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-----o O o-----

     

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 6 năm 2007

 

BẢN LUẬN CỨ

 

Kính thưa Hội Đồng xét xử phúc thẩm,

Tôi là Luật sư Nguyễn Đăng Liêm, trưởng VPLS Quang Trung, thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, theo yêu cầu của thân chủ tôi là Ông C và Bà T và được sự chấp nhận của Quí Tòa qua giấy chứng nhận số 215/2007/TA-GCN ngày 14/05/2007,  hôm nay tại phiên Tòa Phúc thẩm dân sự nầy, tôi xin phép được thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của thân chủ tôi đã được Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận T phán quyết công nhận, trước đơn kháng cáo của phía Bị đơn dân sự.

Kính thưa Quí Tòa,

Trên cơ sở nội dung đơn kháng cáo, bản án sơ thẩm dân sự và nội dung xét hỏi hôm nay tại Tòa phúc thẩm, tôi xin trình bày các luận cứ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thân chủ tôi như sau:

Thứ nhất: Việc đơn kháng cáo nại ra vai trò trước Tòa sơ thẩm của Bà N, người bán nhà trực tiếp cho thân chủ tôi (là Ông C, Bà T), không phải là nhân chứng mà là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Theo tôi, đây không phải là vấn đề cốt lõi của vụ tranh chấp, mà vấn đề Bà N tường trình, khai báo có đúng sự thật khách quan hay không. Vì sự thật việc Bà N bán nhà cho vợ chồng ông C từ năm 1991 đến nay đã trên 26 năm, đây chỉ là mối quan hệ mua bán sòng phẳng “tiền trao cháo múc”, và từ đó đến nay 2 bên ở cách xa nhau và cũng không có bất cứ mối quan hệ láng giềng hay làm ăn nào, nên cũng không có lý do, cơ sở gì để nói là Bà N có thể bảo vệ một cách thiên vị cho quyền lợi của Ông C. Nếu suy diễn theo hướng đó, thì Ông H mới là nhân chứng thiên vị cho phía bị đơn (Ông H, Bà C) vì Ông H cùng là đơn vị lính biệt kích, cùng là thương binh của chế độ cũ với Ông H, tình cảm chắc chắn gắn bó hơn. Thực tế, Ông H đã bán nhà từ đầu tháng 04/1974, đến nay đã 33 năm, đã có nhiều thay đổi về thực tế, về xây cất tại đây, mà chính Ông H đã thú nhận với thân chủ tôi là căn nhà ông ta bán ông cũng quên, không còn nhận ra nữa. Như vậy, sự làm chứng của Ông H không đảm bảo thực tế khách quan và mang nặng tính chất đồng đội cũ mà thôi.

Hơn nữa, lời khai của Bà N hoàn toàn phù hợp thực tế quá trình mua bán xuyên suốt từ chủ sở hữu  đầu tiên của căn nhà -- Trần Triệu Luật (từ -- An Tôn cũ) là Ông H qua vợ chồng ông K, đến bà S, sang bà N và cuối cùng được bán qua thân chủ tôi (ông bà C). Và cho tới nay phần tường tranh chấp vẫn còn nguyên có cả đồng hồ điện, đồng hồ nước mang tên của chủ sở hữu đầu tiên là Ông H và các giấy tờ mua bán chuyển nhượng đều cho thấy căn nhà -- Trần Triệu Luật có bức tường đó, chứ không phải của nhà -- TTL.

Thứ hai: Chứng cứ gián tiếp từ lời khai của Ông T, tổ trưởng Dân phố -- trong Biên bản hòa giải ngày 17/8/2006 tại UBND Phường 7, Quận T cũng hoàn toàn không phù hợp pháp luật và cả không phù hợp với thực tế nên không có giá trị. Vì thứ nhất, trong danh sách thành phần tham dự buổi hòa giải không có tên ông T, Ông T chỉ là người ngồi nghe bên ngoài tự ý phát biểu hùn vào, nhưng do người chủ trì phiên họp lại có sơ hở về mặt nguyên tắc vào giờ cuối lại đưa Ông T ký tên vào. Hơn nữa, Ông T là đời thứ 3 đến cư trú tại nhà --  TTL sau ngày giải phóng 1975, nên hoàn toàn không nắm và không biết được sự thật ban đầu về bức tường tranh chấp, nên lời nói của Ông T, và cả lời khai ông T mang tính chất cảm tính, vì vốn từ lâu có mối mâu thuẫn nho nhỏ, nên không ưa thân chủ tôi trong quan hệ láng giềng.

Thứ ba: Trong thực tế khách quan, những thái độ và hành vi của bị đơn suốt từ năm 1987 đến nay (kéo dài đã hơn 20 năm) đã chứng minh rõ ràng phần tường đang tranh chấp (với kích thước 12m30 x 0,1m) là hoàn toàn thuộc sở hữu của nguyên đơn (vợ chồng ông C) vì các lẽ sau:

1.      Năm 1987, chị em bà N đục tường, đúc cột bê tông, nâng tường để đổ sàn bê tông ngay trên mãng tường này thì bị đơn (ông H, bà C) không có bất cứ phản ứng nào, mà chỉ yêu cầu làm đường thoát nước riêng không sử dụng chung như cũ mà thôi. Cụ thể qua giấy cam kết gởi UBND quận T và UBND Phường 7 ngày 22/05/2006, bà N đã xác định: “Tường là tường cũ căn nhà của tôi. Năm 1987, tôi và cậu em phá mái xây tiếp tường cũ lên cao và đổi mái sàn bê tông. Nay tôi cam kết và xác nhận 2 bức tường  bên dưới mái bê tông căn nhà -- An Tôn (tức là nhà -- TTL hiện nay), P7, Q. T mà tôi bán cho ông bà C là tường riêng của nhà tôi”. Và qua lời khai nhân chứng tại Tòa sơ thẩm T là: “Khoảng năm 1987 tôi sửa chữa nhà, cho đổ bê tông và sử dụng bờ tường đang có, ông H đã không có ý kiến gì về phần vách tường nhưng chỉ có ý kiến đề nghị là: trước kia nhà -- (tức nhà -- TTL) sử dụng chung đường thoát nước với nhà -- (tức nhà -- TTL), nay tôi sửa nhà thì làm đường thoát nước riêng và tôi đã làm đường thoát nước riêng”. Như vậy, rõ ràng không thể nói theo luận cứ úp chụp của  phía bị đơn là vào thời điểm đó bị đơn không hay biết sự việc đã xãy ra hoặc tưởng rằng nguyên đơn chỉ sử dụng tạm thời.

2.      Tiếp đến, từ tháng 9/1993 đến tháng 4/1994, với thời gian dài trên 7 tháng, nguyên đơn (ông bà C) đã đập bỏ toàn bộ dãy tường phía sau (cùng chung một dãy với phần tường tranh chấp), chỉ chừa phần tường phía trước để dự phòng theo qui hoạch giải tỏa mở rộng đường đã có thông báo trước của Nhà nước, để xây mới, xây tường lầu cao, bị đơn (ông bà H) cũng không hề có bất cứ sự phản đối cụ thể, dứt khoát nào.

3.      Cuối cùng, vào năm 1998, khi nguyên đơn tiến hành treo bảng hiệu doanh nghiệp của mình ngay trên đầu phần tường tranh chấp này thì bị đơn cũng không thể hiện bất cứ thái độ phản đối nào hoặc bất cứ yêu cầu nào buộc nguyên đơn phải làm cam kết khi sử dụng phần tường này đã liên tục qua thời gian dài (trên 20 năm từ thời chủ cũ sang nhượng là bà N) với ý thức của người chủ sở hữu bức tường.

4.      Trong khi đó, mới đây, vào năm 2006, bị đơn lại tiến hành xây một bức tường mới ốp sát phần tường đang tranh chấp để đở cái ô văng của nhà bị đơn.

Như vậy, từ lời khai và cam kết của người bán nhà cũ (bà N) đến các thái độ ứng xử và hành vi của bị đơn thụ động hoàn toàn trước quá trình thực hiện quyền chủ sở hữu liên tục 20 năm qua của nguyên đơn đối với phần tường tranh chấp này, cho thấy tính thực tế và tính hệ thống logique chặt chẽ quyền sở hữu phần tường (kích thước 0,1m x 12m30) hoàn toàn thuộc về nguyên đơn không thể chối cãi được và cũng không có bất cứ một chứng cứ, một nhân chứng nào phản bác được sự thật khách quan về quyền chủ sở hữu của nguyên đơn được.

Việc bị đơn nại lý lẽ là nguyên đơn sử dụng bức tường từ suốt 1987 đến khi có tranh chấp hiện nay là sử dụng tạm thời, mà không có bất cứ một chứng cứ, văn bản thỏa thuận nào là hoàn toàn không có cơ sở thực tiễn, không logique và hoàn toàn ngụy biện. Vì trong thực tế cuộc sống, không một chủ sở hữu nào lại thụ động để người khác xâm phạm, chiếm dụng quyền sở hữu (nếu thực sự của mình) suốt thời gian dài đó mà không bất cứ hành động hoặc điều kiện bắt buộc nào.

Mặt khác, việc bị đơn nại  ra trong kháng cáo, là “tờ khai trước bạ” nhà -- TTL (của bị đơn) ngày 11/8/1989 không có giá trị pháp lý đối chứng, vì cơ quan thuế không phải là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà đất. Theo tôi, tuy cơ quan thuế không có chức năng trực tiếp quản lý nhà đất, nhưng từ tờ khai của chủ sở hữu nhà, quyền sử dụng đất có sự kiểm tra của cơ quan thuế thực địa tại chổ để đóng thuế, lệ phí trước bạ trong thực tế và theo qui định pháp luật cũng là một trong những điều kiện rất quan trọng không thể thiếu để công nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở của chủ nhà. Không có một chủ sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nào lại dại dột để cơ quan thuế thu hẹp diện tích sở hữu của mình mà không phản ứng, vì trong thực tế nếu vì động cơ trốn thuế sử dụng đất, giảm bớt lệ phí trước bạ cũng sẽ hoàn toàn bất lợi và thiệt hại so với trị giá phần sử dụng đất bị  giảm bớt, bị mất đi.

Rõ ràng, từ diện tích 3,2m x 10m qua kiểm tra của cơ quan thuế đến diện tích tự khai của bị đơn trong “Tờ khai chuyển dịch tài sản nộp lệ phí trước bạ” là 3,2m x 20m và diện tích tự khai phình ra cả 2 chiều để hợp thức hóa vừa qua là 3,60m x 29,50m (chưa kể  vách tường xây thêm ốp với số nhà --TTL) là không hợp lý, bất thường và thiếu thực tế có lẽ do chiếm dụng đất thêm, mặc dù cơ quan quản lý nhà địa phương đã có sơ sót, thiếu kiểm tra khi cấp Giấy chứng nhận QSHNƠ và QSDĐƠ. Nhưng qua sự kiện này, một lần nữa cũng chứng minh Giấy chứng nhận QSHNƠ và QSDĐƠ nhà -- TTL của bị đơn là có phần chưa phù hợp, thiếu chính xác do lỗi của cơ quan quản lý nhà đất địa phương, đồng thời cũng chứng minh bị đơn (ông bà H) hoàn toàn không có cơ sở thực tế về quyền sở hữu đối với phần tường tranh chấp hiện nay.

Còn về phần bị đơn có nại ra là nguyên đơn (ông bà C) có Xác nhận thỏa thuận phần tường tranh chấp là tường riêng của bị đơn trong đợt kê khai nhà đất toàn thành phố năm 1999 là không đúng sự thật và đã bị nguyên đơn (ông C) bác bỏ hoàn toàn tại phiên Tòa sơ thẩm, vì xác định không phải tự dạng chữ viết của nguyên đơn.

Tóm lại, với các chứng cứ đã nêu cùng với thực tế khách quan thực hiện quyền sở hữu liên tục của thân chủ chúng tôi (là nguyên đơn ông bà C) xuyên suốt từ  1987 đến nay, cùng với các luận cứ đã trình bày, căn cứ theo các điều 164, 165, 169 Bộ Luật Dân sự năm 2005, với tư cách luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, chúng tôi kính kiến nghị Hội Đồng xét xử bác đơn kháng cáo của bị đơn và tuyên y án sơ thẩm

Trân trọng kính kiến nghị và kính cảm ơn Quí Tòa.

 

 

 

LS NGUYỄN ĐĂNG LIÊM

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đòi nợ

ỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-----oOo-----

 

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 7 năm 2005

 

BẢN LUẬN CỨ

 

          Kính thưa Quí Toà Phúc Thẩm,

 

            Tôi là  Luật sư  NGUYỄN ĐĂNG LIÊM, thuộc Đoàn Luật sư TP. HCM, được sự yêu cầu của Nguyên đơn dân sự là Bà E, Việt kiều Mỹ và được sự chấp nhận cho phép của Quí Toà, tôi được thực hiện việc bào chữa để bảo vệ quyền lợi của thân chủ tôi trong vụ “Đòi nợ” bị kháng cáo bởi bị đơn dân sự S, tại phiên toà phúc thẩm hôm nay.

 

            Được phép Quí Toà, tôi xin được trình bày các nội dung vụ việc như sau :

 

            VẤN ĐỀ THỨ NHẤT:   Về nội dung kháng cáo của bị đơn dân sự, tôi cho là chưa đủ cơ sở pháp lý, vì các lý lẽ sau:

 

1)     Toà cấp Sơ thẩm đã tiến hành quá trình thủ tục mời hoà giải theo đúng qui định tại Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự (hai lần triệu tập hoà giải tại bút lục 42, 49 và bút lục 55; bốn lần phối hợp niêm yết giấy triệu bị đơn tại UBND phường H tại các bút lục 50, 54, 60 và 64, lập Biên bản hoà giải bất thành do bị đơn dân sự vắng mặt không có lý do 2 lần tại các bút lục 53 và 56; quyết định hoãn phiên Toà 1 lần tại bút lục 63 ngày 05/05/2005 theo giấy triệu tập lần thứ tư mà Bị đơn vắng mặt (tại bút lục số 3), trước khi đưa ra xét xữ chính thức vào sáng ngày 24/05/2005 với sự có mặt của bị đơn dân sự).

 

2)     Do bị đơn dân sự coi thường luật pháp, cố tình né tránh tiếp nhận giấy triệu tập của Toà, kể cả lần có mặt tại nhà nhưng do khinh nhờn giấy triệu tập bằng thái độ từ chối không chịu ký nhận. Chứng cứ và nhân chứng cụ thể được thể hiện tại các bút lục sau:

 

      Tại bút lục số 43: (theo yêu cầu xác nhận của Toà án, Công an phường H) đã xác nhận: “đương sự S hiện còn cư trú tại địa phương (hộ KT3) vào ngày 03/03/2005 tức là có mặt tại địa chỉ cư trú trước các thời điểm Toà phát Giấy triệu tập, nhưng đã cố tình né tránh để khỏi nhận Giấy triệu tập của Toà.

 

      Tại bút lục số 1 (khi có giấy triệu tập lần 2 vào ngày 08/3/2005: UBND phường H xác nhận có cử cán bộ tên H trực tiếp đến nhà giao giấy triệu nhưng bị đơn tuy có mặt tại nhà nhưng không chịu ký nhận, nên UBND phường đã xác nhận: “đương sự có mặt tại địa phương nhưng không ký nhận”.

 

      Như vậy, quá trình tiến hành thủ tục mời hoà giải trước khi chính thức xét xữ đã được Toà cấp Sơ thẩm tiến hành là hoàn toàn chặt chẽ, đúng qui định luật tố tụng dân sự  và các chứng cứ là rõ ràng cụ thể về sự né tránh, cố tình từ chối tiếp nhận “Giấy triệu tập” của Bị đơn. Lại nữa, bị đơn dân sự không thể viện lý do không biết Bà E khởi kiện vụ việc gì, vì đã nhiều lần Bà E đòi nợ, đòi nhà đối với Ông S và đã làm đơn kiện Ông S tại UBND phường 20 Quận T về căn nhà và khoản nợ này vào ngày 13/11/2003. Bà ta cũng đã điện thoại nhiều lần thông báo rõ là sẽ đưa Ông ra Toà. Mặt khác, bị đơn dân sự vào giờ cuối cũng có mặt tại phiên Toà Sơ thẩm, cho nên việc bị đơn nêu lý do không biết Bà E kiện cáo việc gì là không có cơ sở thực tế và là hoàn toàn không đúng.

 

      Từ các cơ sở pháp lý và thực tế đã nêu, đối chiếu với Điều 200 khoản 2 Bộ Luật Tố tụng Dân sự có qui định: “Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 mà vẫn vắng mặt thì Toà án vẫn tiến hành xét xữ vắng mặt họ”. Chưa nói là ở đây Toà Sơ Thẩm đã xét xữ với sự có mặt của bị đơn.

 

      Rõ ràng việc kháng cáo của Bị đơn dân sự là không có cơ sở pháp lý và thực tiễn.

 

      VẤN ĐỀ THỨ HAI :  về nội dung vụ kiện “Đòi nợ”, theo sự trình bày của thân chủ tôi và người đại diện tại phiên Toà Sơ thẩm cũng như tại phiên Toà Phúc thẩm hôm nay có thể tóm tắt như sau:

 

      Nguyên vào đầu năm 1999, do có ước vọng và ý định trở về định cư tại Việt Nam để làm ăn dưỡng già, nên thân chủ tôi là Bà E muốn mua nhà để có chổ ăn ở ổn định về sau. Song vào thời điểm này Nhà nước ta chưa có chủ trương cho Việt Kiều mua nhà. Chính vì lý do đó, thân chủ tôi đã có nhờ một người quen biết, tin cậy là nghệ sĩ cải lương đàn em (vì Bà E cũng vốn là nghệ sĩ cải lương  từ trước khi xuất cảnh) là Ông S đứng tên để hợp thức hoá  việc mua căn nhà số ---/-- Hương lộ --, Phường --, Quận T (nay là ---/-- Bis Luỹ Bán Bích, Phường H, Quận T, Tp. HCM). Và do thấy gia đình Ông S nghèo, thiếu nhà ở, còn ở hộ tập thể của Đoàn Cải lương S, nên thân chủ tôi đã kết hợp một công hai chuyện, vừa đồng ý để vợ chồng Ông S mượn nhà ở, vừa trông coi dùm nhà cửa cho thân chủ tôi. Nhưng để đảm bảo sự sòng phẳng, tránh rủi ro tranh chấp về sau, nên thân chủ tôi (Bà E) đã giữ toàn bộ giấy tờ pháp lý về căn nhà (dù đứng tên Ông S) và bản sao giấy mượn nợ của Ông S (vì do Ông S chỉ viết tay có một bản).

 

      Cho đến khi có Nghị định 81/2001/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 05/11/2001 về việc “Người VN định cư ở nước ngoài mua nhà ở tại VN”, mà đặc biệt khi Luật Đất đai mới năm 2003 có qui định chính thức các loại đối tượng Việt Kiều được mua nhà (mà trường hợp thân chủ tôi cũng là đối tượng được phép theo qui định ở Điều 121, khoản 1, điểm d về “người có nhu cầu về sống ổn định tại VN”,nên thân chủ tôi đã trực tiếp đặt vấn đề nhiều lần với ông S để được lấy lại căn nhà đã cho mượn ở. Nhưng Ông S đã từ chối trả nhà và tìm mọi cách tránh né với ý đồ, mà theo thân chủ tôi đánh giá, là muốn chiếm đoạt căn nhà này. Thân chủ tôi, Bà E, cũng có đơn kiện tại UBND phường 20 Quận T vào ngày13/11/2003 như đã nói ở phần trên, nhưng do quận T đang trong thời kỳ tách Quận T và do không đủ chức năng thẩm quyền nên chưa giải quyết.

 

      Cơ sở thực tế và pháp lý chứng minh sự thật trên gồm:

 

1)     Biên nhận mượn 40 lượng vàng SJC do chính Ông S viết tay ngày 04/01/1999 mà chính bị đơn S đã xác nhận nguyên văn tại phiên Toà sơ thẩm theo bút lục 68 là: “Dạ có, tôi có làm giấy mượn nợ tiền của Bà E” “Bà E nói tôi viết giấy nợ làm tin cho Bà E, chữ viết trong đó là tôi tự viết ra”.

 

2)     Giấy mua bán nhà (viết tay) và việc đặt cọc trước 5 lượng vàng SJC giữa Bà E và Ông H, nguyên chủ sở hữu căn nhà này vào ngày 18/01/1999.

 

3)     Nhân chứng H (nguyên chủ sở hữu căn nhà ---/-- Bis Luỹ Bán Bích, phường H, quận T) cũng đã xác nhận trực tiếp trong hồ sơ tại Toà Sơ thẩm (theo bút lục 41) với hai nội dung:

 

  • Một là :   Ông  đã bán căn hộ này trực tiếp cho Bà E, Bà E đã trực tiếp ký giấy tay, đưa tiền vàng. Ông H đã nhận trực tiếp đủ 40 lượng vàng SJC và giao giấy tờ trực tiếp cho Bà E.

 

  • Hai là :  Về giấy tờ pháp lý, thì: “Bà E có nói để Ông S đứng tên trong Hợp đồng mua bán nhà lập ngày 02/02/1999, đăng bộ ngày 11/02/1999 tại Quyển số 04, tờ số 1521 tại Sở Địa chính – Nhà đất  Tp. HCM.

 

4)     Trình tự thời điểm mượn tiền, thời điểm tiến hành đặt cọc nhà, thời điểm ký hợp đồng mua nhà và đăng bộ sở hữu là hoàn toàn hợp lý , logique đối với vụ việc do thân chủ tôi và người đại diện trình bày tại hai cấp Toà.

     

      Cho nên, dựa trên các chứng cứ và nhân chứng có thật và hoàn toàn thuyết phục trên , tôi kính đề nghị Quí Toà Phúc Thẩm xem xét “vụ kiện Đòi nợ” của thân chủ tôi (Bà E), là hoàn toàn có cơ sở pháp lý vững chắc và hợp tình hợp lý.

 

 

      Vì các lẽ trên, rõ ràng nội dung kháng cáo của Bị đơn S hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và các chứng cứ về khoản nợ 40 lượng vàng SJC là quá rõ ràng, cụ thể . Theo tôi nghĩ, Quí Toà nên bác đơn kháng cáo là hợp lý và đúng luật. Và mặc dù với Bản án Sơ thẩm, thân chủ tôi có bị thiệt thòi nhiều (vì thực tế căn nhà ---/-- Bis Luỹ Bán Bích, quận T,Tp. HCM hiện nay giá thị trường thấp nhất cũng trên 100 lượng vàng SJC). Nhưng để đảm bảo tình lý, có trước có sau, rất thông cảm hoàn cảnh nghèo, thiếu chổ ở của gia đình Ông S, nên thân chủ tôi đã thuận tình, chấp hành phán quyết của Toà Sơ Thẩm.

 

      Cho nên, với tư cách Luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho Bà E, tôi trân trọng kiến nghị Hội Đồng Xét Xữ Phúc Thẩm hôm nay  nghiên cứu để có phán quyết  y án Sơ thẩm là hợp tình, hợp lý và đúng luật pháp.

 

                   Trân trọng kính đề nghị và kính cám ơn Quí Toà.

 

                                                                          Người bào chữa,

 

 

 

 Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân

 

                                                          Luật sư  NGUYỄN ĐĂNG LIÊM

TP. H ồ Chí Minh, ngày 29 tháng 11 năm 1997

 

BIỆN MINH TRẠNG

(Tóm tắt)

 

Kính thưa Hội Đồng Xét Xử,

Viện Kiểm Sát nhân dân TP.HCM đã có cáo trạng 1704/KSĐT-TA truyu tố trước toà bị cáo D về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân” theo khoản 3 điều 157 Bộ Luật Hình Sự nước CHXHCN Việt Nam.

 

I. Nhân thân bị cáo:

- D sinh năm 1959 tại S. Thường trú tại số -/-- ấp T, D, tỉnh S (nay thuộc tỉnh B). Quốc tịch: Việt Nam. Trình độ văn hoá: 6/12. Bản thân và gia đình thuộc thành phần nhân dân lao động. Không có tiền án tiền sự.

- Quá trình bản thân bị cáo: Từ 1975-1978: là CB-CNV thuộc quân đoàn -, từ 1988-1993: tổ chức chơi hụi, đến tháng 03/1993: không trả được nợ bỏ trốn về địa phương L và D. Bị bắt giam cứu từ ngày 03/12/1996.

Tổng số nợ chiếm đoạt của 28 chủ nợ và hụi viên chưa trả được (chưa kể lãi) gồm 149.600.000 đồng, 2.550 USD và 24 chỉ vàng 24K.

II. Căn cứ hành vi phạm tội của bị cáo D và số tài sản do D chiếm đoạt, VKS Nhân dân TP.HCM đã đề nghị áp dụng khoản 3 điều 157 Bộ Luật Hình Sự về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân”.

III. Phần biện hộ:

Việc VKS Nhân dân Thành phố truy tố bị cáo D về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân” theo điều 157 Bộ Luật Hình Sự là có cơ sở. Ở đây, chúng tôi muốn nêu ra vấn đề mức độ phạm tội, mà theo chúng tôi nếu áp dụng khoản 3 điều 157 thì quá nặng đối với hành vi phạm tội của bị cáo, bởi vì các lẽ sau đây:

1. Do trình độ văn hoá thấp, lại thiếu kinh nghiệm về hoạt động kinh tế (dù chỉ gói gọn trong hoạt động “chơi hụi”), bị cáo D đã chấp nhận lãi suất vay từ 5%-7%, 10%/ tháng thậm chí đến 15%,20%/tháng, điều tất yếu dẫn đến phá sản mà thôi. Vì ngay cả doanh nghiệp lớn chỉ vay Ngân hàng với lãi suất trước đây 2,1%/tháng rồi 1,8%/tháng và hiện nay có 1,2-1,4% tháng phục vụ SXKD mà đã phải lỗ hàng 100 tỷ đồng, trong khi bị cáo D vay vốn chỉ để thuần tuý chơi hụi và phục vụ tiêu dùng sinh hoạt, thì con đường phá sản là tất yếu, không tránh được. Hành vi rồ dại đó xuất phát từ sự thiếu trình độ, không có kinh nghiệm, tính toán sai lầm hơn là một sự cố ý lừa đảo hay chủ mưu lừa đảo. Từ sự tính toán non kém, sai lầm đã dẫn D trượt dài xuống hố nợ nần, cho đến khi mất khả năng chi trả bị các chủ nợ bao vây đành phải tính đến con đường chẳng đặng dường là “Tẩu vi thượng sách”.

Trong thời gian trốn tránh, bị cáo đã biết hối hận bằng việc nỗ lực lao động bằng nghề chẽ tâm nhang để sống bằng chính sức lao động của mình. Điều này chứng minh bị cáo D là kẻ sa cơ lỡ bước vì hậu quả “Những lỡ dại” của một phụ nữ ít học hơn là một kẻ chủ mưu lừa đảo hay lừa đảo chuyên nghiệp.

2. Bản thân bị cáo trong giai đoạn đầu chơi hụi đã nỗ lực, giữ được chữ tín bằng cách trả vốn, lãi sòng phẳng cho các hụi viên và chủ nợ, nên mới được khá đông đảo bà con địa phương tin cậy và sẳn sàng đóng hụi hoặc cho vay. Thậm chí cả khi gặp khó khăn mất khả năng chi trả, bị cáo D cũng đã tự nguyện bán chính căn nhà đang ở của mình để hoàn trả các món nợ lớn, kể cả đưa cả xe gắn máy cho chủ nợ xiết nợ, trừ nợ. Hành động đó chứng tỏ thiện chí, thật tâm nỗ lực trả nợ chứ không phải cố tình lừa gạt, trốn nợ, chẳng qua ở đường cùng của sự tính toán non kém, rồ dại nên bế tắt, bí đường giải quyết, phải lánh mặt, trốn nợ mà thôi.

3. Mặt khác các chủ nợ của bị cáo D, một phần nào đó do hấp dẫn bởi lãi suất mà bị cáo D chấp nhận, đã vô tình hay cố ý cho bị cáo D vay với lãi suất rất nặng từ 5% đến 20%/tháng. Thậm chí có trường hợp bị cáo D đã vay với lãi suất đến 30%/tháng, đúng là khoản lãi cắt cổ. Tôi cũng xin lỗi các bà con chủ nợ những người bị hại có mặt tại phiên toà này dừng buồn, là hành vi cho vay với lãi suất quá cao đó có vô tình vi phạm điều 171 Bộ Luật Hình Sự về “Tội cho vay nặng lãi”. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khách quan đẩy nhanh bị cáo D vào con đường cùng, phải vay trả nợ cuốn chiếu không có lối ra, đặt bị cáo D vào một chọn lựa duy nhất “chẳng đặng đừng” là trốn chạy nợ, đi vào con đường phạm pháp.

Ngay việc càng về sau, bị cáo D còn phải chấp nhận vay nợ với lãi suất ngày càng cao chứng tỏ ý chí của bị cáo là muốn trả nợ chứ không phải cố tình gạt nợ, nhưng rõ ràng là “lực bất tòng tâm”,bị cáo đã “sai con toán bán con trâu” không còn cứu vãn nổi con đường phạm pháp. Tình trạng tâm lý của bị cáo trong quá trình phạm pháp là đã “lỡleo lưng cọp không trụt xuống được”, “lỡ phóng theo lao phải theo lao”.

4. Bị cáo D thuộc thành phần nhân dân lao động, chưa có tiền án tiền sự, trình độ văn hoá thấp, phạm pháp một phần do thiếu hiểu biết, mù quáng chạy theo cái lợi trước mắt, đáng được chiếu cố của luật pháp. Chính bản thân bị cáo cũng bị các con nợ lừa gạt chiếm đoạt trên 55.000.000 đồng (trong đó có 37.000.000 đồng nợ vay và 17.500.000 nợ hụi) chiếm tỉ lệ 25% tổng số nợ mà bị cáo chiếm đoạt, chứng tỏ bị cáo D vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của tệ nạn hụi hè bất hợp pháp, ngoài vòng kiểm soátcủa luật pháp Nhà nước.

Vì các lẽ trên, chúng tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử chiếu cố theo điều 38 Bộ Luật Hình Sự về “Những tình tiết giảm nhẹ” ở khoản 1 điểm “d” và điểm “g” để có thể áp dụng mức độ hình phạt theo khoản 2 thay vì khoản 3 của điều 157 theo cáo trạng của VKSNDTP.

Với trách nhiệm bảo vệ thân chủ của mình, với tư cách luật sư, tôi trân trọng kiến nghị Hội đồng Xét xử quan tâm chiếu cố cho bị cáo về mức độ hình phạt phù hợp, giảm  nhẹ hợp lý để tạo điều kiện cho bị cáo cơ hội phấn đấu sửa chữa tốt khắc phục sai phạm của mình để trở thành một công dân tốt của đất nước.

 

Trân trọng cảm ơn Hội đồng Xét xử.

                                                               

                                                                       Ký tên,

 

 

 

 

 

LSTS NGUYỄN ĐĂNG LIÊM

 

BIỆN MINH TRẠNG

(Tóm tắt)

 

Kính thưa Quí Toà,

Viện Kiểm Sát Nhân dân TP.HCM đã truy tố bị cáo N (tự N ca sĩ), sinh năm 1972 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thường trú tại --- đường C, phường 05, quận T. Quốc tịch Việt Nam, trình độ văn hoá 9/12. Nghề nghiệp: ca hát tụ điểm chưa ổn định. Tiền án tiền sự: không.

Về tội: Mua bán chất ma tuý.

Theo qui định khoảng 1 điều 96A của Bộ luật hình sự.

 

Trước hết, với tư cách luật sư biện hộ cho thân chủ N, tôi không thắc mắc gì về nội dung phạm pháp và điều khoản áp dụng truy tố của Viện Kiểm Sát và của Quí Toà đối với đương sự.

 

Ở đây, tôi chỉ muốn được phân tích để Quí Toà thông cảm thêm hoàn cảnh của thân chủ của chúng tôi sở dĩ có vi phạm là do nhiều yếu tố khách quan như sau:

1. Bị cáo N là nữ do bước đầu có quan hệ tình cảm ở mức độ với L. Một phần vì sự nhẹ dạ, thiếu kinh nghiệm của một thiếu nữ và phần vì cả nể với bạn là L về tình cảm, nên đã nghe lời của L và chính L đã giới thiệu quan hệ để nhận hàng héroin của các đối tượng là vợ chồng các tên K, T để phân phối chủ yếu cũng trong nhóm bạn của L hầu kiếm hoa hồng.

2. Nguyên nhân khách quan đưa đẩy cũng xuất phát từ bước đầu bị cáo N được L giới thiệu qua vợ chồng K-T và vợ chồng K-T đã hỏi mượn tiền của N 500.000 đồng để buôn bán quần áo, nhưng chưa trả được đi đến việc vợ chống K-T rủ rê N vào con đường tiếp tay với K-T trong việc mua bán Héroin lúc nào không hay. Do bản thân N vì tình cảm với L mà mất cảnh giác, bị đưa đẩy đến vi phạm pháp luật. Vì thực chất khoảng tiền và các tép héroin mà L đã lợi dụng và chiếm dụng tiêu xài riêng đã làm cho N mất cả vốn lẫn lời, chưa kể số tiền mượn 500.000 đồng mà vợ chồng K-T chưa trả được và đã bỏ trốn.

3. Số lượng héroin N nhận tiêu thụ cho đến ngày bị tạm bắt giam giữ là 10 tép với trị giá bán là 1.000.000 đồng (một triệu đồng). Có thể nói mức độ vi phạm chưa lớn và mang tính chất cơ hội do nhẹ dạ bị rủ rê, chứ chưa thấy có dấu hiệu cố tình phạm pháp.

4. Bản thân N là nữ, chưa hề có tiền án tiền sự, đã bị giam cứu gần 11 tháng, xét ra thời gian và biện pháp ngăn chặn cách ly với xã hội như thế đã đủ mức cần thiết trong việc giáo dục đối với bị cáo trong mức độ phạm pháp cơ hội lần đầu. Theo kinh nghiệm nhiều vụ án về mua bán héroin, các đối tượng buôn bán đều nghiện héroin. Ở đây bị cáo N hoàn toàn không có dấu hiệu nghiện héroin, đó cũng là cơ sở để chúng ta tin tưởng, bị cáo N sẽ rút kinh nghiệm một lần đầu nhẹ dạ mất cảnh giác lỡ dại phạm pháp, để phấn đấu trở thành một công dân tốt của xã hội. Hơn nữa, bị cáo N đương là ca sĩ bán chuyên nghiệp, có chất giọng tốt được một số không ít khán thính giả hâm mộ, có triển vọng có thể rèn luyện thành một nghề nghiệp kiếm sống lương thiện và ổn định không có ảnh hưởng xấu gì đến xã hội, một khi bị cáo được Quí Toà chiếu cố tạo điều kiện cho bị cáo được giải toả các biện pháp ngăn chặn, để trở về với gia đình và với xã hội.

 

Trên cơ sở các phân tích đó, chúng tôi kính đề nghị Hội Đồng Xét Xử quan tâm chiếu cố trường hợp thân chủ chúng tôi là N, là nữ, nhân thân tốt chưa hề có tiền án tiền sự, vi phạm có tính cơ hội do lần đầu bị xúi giục, mức độ phạm tội không nghiệm trọng để có thể áp dụng Điều 38 ở khoản 1 điểm d điều 44 khoản 1 của Bộ Luật Hình sự để tuyên phạt với hình thức nhẹ nhất mang tính chất giáo dục là chủ yếu, để tạo điều kiện thuận lợi cần thiết cho thân chủ tôi tự sửa chữa khuyết điểm đầu đời của mình, để nỗ lực phấn đấu tự rèn luyện trở thành một công dân tốt, có ích cho xã hội.

 

Thay mặt thân chủ và gia đình thân chủ, một gia đình vốn có truyền thống và nề nếp, sống ổn định theo lễ giáo và theo tập quán Việt Nam rất tốt, xin cảm ơn sự quan tâm chiếu cố theo luật pháp của Hội Đồng Xét Xử.

 

                                                     Người bào chữa,

 

 

 

 

 

 

Luật sư Tiến sĩ NGUYỄN ĐĂNG LIÊ

Bản bào chữa cho bị cáo Lê Minh Hoàng tại phiên tòa xét xử

LTS: “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp” là một trong các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị, về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Nhằm trao đổi kinh nghiệm và kỹ năng bào chữa tại các phiên tòa hình sự, chúng tôi gởi đến Quý đồng nghiệp: Bản bào chữa của Luật sư Nguyễn Văn Trung, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật Sư TP.HCM tại phiên tòa xét xử sơ thẩm “Vụ án điện kế điện tử”. Rất mong nhận được các bản bào chữa tâm đắc của Quý đồng nghiệp để chúng ta cùng trao đổi, rút kinh nghiệm.

Kính thưa Hội đồng xét xử,

Là luật sư đảm nhận bào chữa cho bị cáo Lê Minh Hoàng, nguyên giám đốc Công ty Điện lực TP. HCM, bị truy tố về tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà Nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo khoản 3 điều 165 Bộ luật Hình sự, chúng tôi xin có ý kiến như sau:

Xuất phát từ những là đơn khiếu nại của khách hàng tiêu thụ điện và một số bài báo về chất lượng kém (chạy quá nhanh) của điện kế điện tử 1 pha LTE66 và 1 số dấu hiệu vi phạm trong việc đấu thầu mua sắm điện kế điện tử của Công ty Điện lực TP. HCM, ngày 18-8-2005 cơ quan CSĐT-Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự và đã khởi tố bị can để tiến hành điều tra.

Do tính chất phức tạp của vụ án, có nhiều quan điểm đánh giá và xử lý khác nhau, VKSND tối cao đã 2 lần trả hồ sơ và Tòa án nhân dân TP. HCM cũng đã 1 lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Vì vậy mà vụ án kéo dài đến nay đúng 3 năm 9 tháng mới đưa ra xét xử sơ thẩm! Chúng tôi hy vọng rằng lời bào chữa của các luật sư tại phiên tòa sơ thẩm này sẽ góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án một cách toàn diện, đầy đủ, nhằm giúp Hội đồng xét xử xem xét, cân nhắc đưa ra phán quyết công minh, thấu tình đạt lý.

Kính thưa Hội đồng xét xử,

Hai dấu hiệu bắt buộc của tội danh “cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế của Nhà Nước gây hậu quả nghiêm trọng” là:

1- Có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà Nước về quản lý kinh tế.

2- Có hậu quả nghiêm trọng thực tế đã xảy ra từ hành vi cố ý làm trái nói trên. Tức là có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi cố ý làm trái và hậu quả thiệt hại đã xảy ra.

Vì vậy, vấn đề ở đây là cần làm sáng tỏ:

- Bị cáo có hành vi cố ý làm trái hay không? Tổng Cty Điện lực VN và các cơ quan chức năng có biết không?

- Từ hành vi của Bị cáo có hậu quả nghiêm trọng xảy ra hay không?

- Hậu quả xảy ra như kết luận giám định của Hội đồng giám định tư pháp Bộ công thương có phải do bị cáo Hòang và các bị cáo là cán bộ Cty Điện lực TP. HCM gây ra hay không? Ai là người phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả này?

- Xét về mặt hiệu quả nếu không xảy ra vụ án thì việc triển khai sử dụng Điện kế Điện tử đã mang lại lợi ích gì?

I- Bị cáo Hoàng có cố ý làm trái các quy định của Nhà Nước trong việc đấu thầu và mua sắm 312.000 điện kế điện tử như cáo trạng quy kết hay không?

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Lê Minh Hoàng đều khai nhận bị cáo chỉ thiếu trách nhiệm, do khối lượng công việc quá lớn, lại đa đoan kiêm nhiệm nhiều chức vụ nên đã không thể quán xuyến và làm tròn trách nhiệm được giao. Về nhận thức chủ quan, bị cáo có sai lầm là đã hiểu và vận dụng không đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu và phân cấp quản lý của Công ty, xuất phát từ động cơ, mục đích là nôn nóng triển khai thực hiện công nghệ mới, hiện đại lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam theo chủ trương của Tổng công ty. Bị cáo hoàn toàn không có ý thức cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế của Nhà Nước. Chúng tôi cho rằng lời khai nhận này là xuất phát tự đáy lòng của bị cáo và hoàn toàn có căn cứ, thể hiện bằng các chứng cứ sau đây:

1/- Về việc đấu thầu 10.000 ĐKĐT với giá 580.000 đ/chiếc:

a/ Về việc đấu thầu 10.000 chiếc thay vì 40.000 chiếc theo kế hoạch được duyệt: Quyết định số 2186EVN/HĐQT-TCCB &ĐT ngày 12-9-2001 của Tổng Công ty đã phân cấp đối với các gói thầu giá trị dưới 15 tỷ đồng, Công ty Điện lực TP. HCM được quyết định việc mua sắm từ khâu lập hồ sơ mời thầu đến ký và thực hiện hợp đồng theo kế hoạch đấu thầu được Tổng Cty Điện lực VN phê duyệt; đảm bảo chất lượng và giá cả cạnh tranh. Ngày 01-2-2005, Hội đồng quản trị Tổng Cty Điện lực VN đã ban hành Quyết định số 47/QĐ-EVN-HĐQT, trong đó đã phân cấp cho các Cty Điện lực chịu trách nhiệm toàn bộ đối với các gói thầu từ 30 tỷ đồng trở xuống, trong đóbao gồm cả việc duyệt kế hoạch đấu thầu. Gói thầu 40.000 ĐK ĐT có giá trị nhỏ hơn 15 tỷ đồng. Vì vậy theo phân cấp, quá trình mua sắm là do Cty Điện lực TP. HCM đảm nhận, toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm thực hiện. (BL9204, văn bản ngày 28-02-2006 của ông Trần Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Điện lực VN gởi cho cơ quan CS ĐT-Bộ Công an).

- Trước khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu, các Cty Điện lực được giao quyền và chịu trách nhiệm việc xác định các vật tư, thiết bị và công trình cần đưa vào sửa chữa, phê duyệt phương án kỹ thuật, bóc tách và tổng hợp toàn bộ vật tư thiết bị lẻ cần mua để phục vụ sửa chữa. Tổng Cty chỉ phê duyệt kế hoạch đấu thầu; các bước tiếp theo từ lập hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, xét thầu, ký kêt hợp đồng, Cty Điện lực được quyền quyết định đối với các gói thầu dưới 15 tỷ đồng. Số lượng 40.000 chiếc Đ K Đ Tvới giá 340.000 đ/chiếc cũng do Cty Điện lực TP. HCM đề xuất (BL9194-Báo cáo của Ban kỹ thuật Lưới điện-Tổng Cty ĐLVN ngày 22-02-2006)

-Quyết định số 2780/QĐ-EVN-KTLĐ ngày 01-10-2003 của Tổng Giám đốc Tổng Cty Điện lực VN, phê duyệt kế hoạch đấu thầu “cung cấp vật tư thiết bị cho các công trình sửa chữa lớn, vận hành và sửa chữa thường xuyên lưới điện năm 2004 “ của Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, chia làm 74 gói thầu đều có giá trị dưới 15 tỷ đồng, trong đó có gói thầu 40.000 ĐKĐT trị giá 13,6 tỷ đồng. Tạiđiều 2 Quyết định có nội dung: “Ông Giám đốc Công ty Điện lực Thành phố HCM chịu trách nhiệm trước Tổng Cty về việc chuẩn xác số lượng các vật tư, thiết bị cần thiết phục vụ công tác sửa chữa lớn, vận hành và sửa chữa thường xuyên theo nhu cấu cần thiết trong suốt quá trình thực hiện kế hoạch đấu thầu”.

-Quy chế đấu thầu (ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01-9-1999 của Chính phủ, tại điều 8 khoản 1 quy định: “kế hoạch đấu thầu của dự án do Bênmời thầu lập theo quy chế này và phải được người có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp chưa đủ điều kiện lập kế hoạch đấu thầu của toàn bộ dự án, Bên mời thầu có thể lập kế hoạch đấu thầu cho từng phần của dự án theo giai đoạn thực hiện, nhưng phải được người có thẩm quyềncho phép. Theo giải thích tại Điều 3 khoản 8 điểm b: “Đối với việc mua sắm đồ dùng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện làm việc của doanh nghiệp Nhà Nước “Người có thẩm quyền” là người quyết định việc mua sắm theo quy định của pháp luật”.

Tại khoản 10-Điều 1-Nghị định số 66/2003/NĐ-CP ngày 12-6-2003 của Chính phủ sửa đổi bổ sung điều 15 Quy chế đấu thầu, đã quy định:

1/- Người có thẩm quyền có trách nhiệm:

a/- Phê duyệt kế hoạch đấu thầu của dự án, phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với tất cả các gói thầu thuộc dự án trên cơ sở thẩm định của cơ quan thẩm định.

b/- Chỉ đạo, kiểm tra chủ dự án, bên mời thầu thực hiện quy chế đấu thầu.

2/- Chủ dự án có trách nhiệm…. Trường hợp chủ dự án đồng thời là người có thẩm quyền quyết định dự án hoặc đồng thời là bên mời thầu thì phải thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều này. (khoản 3 quy định trách nhiệm bên mời thầu).

Theo xác nhận của đại diện Tổng Cty Điện lực VN, nay là Tập đoàn Điện lực VN trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa: Tổng Cty Điện lực VN chỉ phê duyệt kế hoạch đấuthầu, còn việc tổ chức đấu thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu, ký kết hợp đồng…… đều do Cty ĐL TP. HCM chủ động thực hiện, Tổng Cty ĐL VN hoàn toàn không phê duyệt hồ sơ mời thầu, dự thảo hợp đồng, kiểm tra kết quả đấu thầu. Rõ ràng việc phê duyệt chỉ mang tính hình thức, Tổng Cty không phải là “người có thẩm quyền” theo quy định tại nghị định số 88 (được sửa đổi bổ sung theo nghị định 66), mà chính Giám đốc Cty ĐL TP. HCM mới là người có thẩm quyền. Vì vậy, mà ngày 01-02-2005, Tổng Cty Điện lực VN đã có Quyết định số 47/QĐ.EVN-HĐQTphân cấp cho các Cty Điện lực được toàn quyền quyết định đối với các gói thầu dưới 30 tỷ đồng trở xuống kể cả phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Mặt khác, ngày 25-02-2005 Tổng Cty cũng đã có văn bản số 874/CV-EVN-KD & ĐNT đồng ý cho Cty Điện lực TP. HCM mua sắm trước 50.000 ĐKĐT1 pha mà không qua thủ tục phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Do đó, việc ông Lê Minh Hoàng Giám đốc Cty Điện lực TP. HCM duyệt hồ sơ mời thầu 10.000 ĐKĐT (thay vì 40.000 ĐKĐT theo kế hoạch được Tổng Cty duyệt) là do bị cáo hiểu và vận dụng các quy định trên để xác định thuộc thẩm quyền quyết định của mình, chứ không phải cố ý làm trái quy định Nhà Nước.

b/- Về việc nâng giá từ 340.000 đ/cái lên 580.000 đ/cái:

Tháng 8/2002 Cty Điện lực TP. HCM đã nhập 150 Đ K Đ T của Linkton Singapore để lắp đặt thử nghiệm tại Điện lực Phú Thọ-giá là 575.000 đ/chiếc gồm cả 150 bộ phận phát sóng. Tháng 2/2003 Linkton Singapore đã giao hàng. Khi Phòng kinh doanh lập dự trù năm 2004 số lượng 40.000 chiếc, giá 340.000 đ/chiếc là do Phòng vật tư cung cấp giá tồn kho ĐKĐT chưa có bộ phận phát sóng vì được hạch toán riêng. Kế hoạch đấu thầu do Phòng HTQT soạn thảo, số lượng do Phòng Kinh doanh cung cấp, giá 575.000 đ/chiếc cộng thêm 5.000 đ trượt giá 1% thành 580.000 đ/chiếc. (Bút lục 7750 lời khai ngày 24-1-2005 của Lê Ngô Hữu Thiện Tâm). Do đó, việc nâng giá này là hoàn toàn có căn cứ và thuộc thẩm quyền quyết định của Giám đốc Cty Điện lực TP. HCM như đã phân tích.

c/- Về việc ký Hợp đồng mua ĐKĐT có xuất xứ Singapore nhưng lại chấp nhận điều kiện giao hàng tại kho trong nước:

- Theo Incoterms2000 thì điều kiện CIP quy định người bán phải trả cước phí chuyên chở và bảo hiểm hàng hóa để đưa hàng tới nới quy định. Việc giao hàng tận kho Cty Điện lực TP. HCM hoàn toàn có lợi và không trái điều kiện CIP.

- Tại điều 10 Quy chế đấu thầu (NĐ 88) được sửa đổi bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 66/2003/NĐ-CP, khoản 2 quy định: Nhà thầu nước ngoài khi tham gia dự đấu thầu quốc tế tại VN về cung cấp hàng hóa phải liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc phải cam kết sử dụng nhà thầu phụ VN, trong đó nêu rõ sự phân chia giữa các bên về phạm vi công việc, khối lượng và giá trị tương ứng. Khoản 4 qui định: các nhà thầu tham gia đấu thầu ở VN phải cam kết mua sắm và sử dụng vật tư thiết bị phù hợp về chất lượng và giá cả, đang sản xuất, gia công hoặc hiện có tại VN.

Cty LinktonVna là 1 Công ty liên doanh giữa Cty TNHH SXTM Quang trung với Cty Linkton Singapore, vốn pháp định 2 triệu USD, trong đó Linkton Singapore góp 65% vốn. Do đó, việc chấp nhận cho Linkton Vina giao hàng và thanh toán tại VN là có lợi cho Cty Điện lực TP. HCM và không trái quy định trên.

2/- Việc ký tiếp 13 Hợp đồng mua thêm 302.000 ĐKĐT :

Quy chế đấu thầu (ban hành kèm theo Nghị định 88/1999/N Đ-CP) tại điều 4 khoản 5 có quy định: “ Hình thức mua sắm trực tiếp được áp dụng trong trường hợp bổ sung Hợp đồng cũ đã thực hiện xong (dưới một năm) hoặc hợp đồng đang thực hiện với điều kiện chủ đầu tư có nhu cầu tăng thêm số lượng hàng hóa mà trước đó đã tiến hành đấu thầu, nhưng phải đảm bảo không được vượt mức giá hoặc đơn giá hợp đồng đã cung cấp trước đó”.

Theo phân cấp của Tổng Cty Điện lực VN tại Quyết định số 2186/EVN/HĐQT-TCCB & ĐT ngày 12-9-2001 quy định việc mua sắm vật tư thiết bị có giá trị từ 15 tỷ đồng trở xuống do Cty Điện lực TP. HCM quyết định.

Quyết định số 2780/QĐ-EVN-KTLĐ ngày 01-10-2003 của Tổng Giám đốc Cty Điện lực VN, tại điều 2 có quy định: “Ông Giám đốc Cty Điện lực TP. HCM, chịu trách nhiệm trước Tổng Cty về việc chuẩn xác số lượng các vật tư, thiết bị cần thiết phục vụ công tác sửa chữa lớn, vận hành và sửa chữa thường xuyên theo nhu cầu cần thiết trong suốt quá trình thực hiện kế hoạch đấu thầu”.

Xuất phát từ nhu cầu mua vật tư thiết bị phục vụ cho công tác gắn mới và thay thế bảo trì điện kế, căn cứ tờ trình đề xuất ký hợp đồng mua điện kế điện tử đọc từ xa của Phòng Kinh doanh phân bổ theo từng tháng có giá trị dưới 15 tỷ đồng, căn cứ các quy định trên, bị cáo Hoàng hiểu và nhận thức rằng việc ký tiếp các hợp đồng mua sắm hàng hóa trị giá dưới 15 tỷ đồng trong thời hạn 1 năm và không thay đổi giá trị của hợp đồng đầu tiên đã đấu thầu và đang thực hiện là hoàn toàn đúng quy định. Điều này còn được minh chứng bằng các chứng cứ sau đây:

+ Tại công văn số 8408/BKH-QLĐT ngày 13-11-2006 gửi Cơ quan CSĐT-BCA, về việc thực hiện đấu thầu mua sắm điện kế kỹ thuật số 1 pha của Cty Điện lực TP. HCM, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có ý kiến như sau: “ Trường hợp Cty Điện lực TP. HCM trước đó đã tổ chức đấu thầu và đã lựa chọn được nhà thầu thực hiện gói thầu cung cấp điện kế điện tử thì việc bổ sung hợp đồng thông qua hình thức mua sắm trực tiếp là hợp lý, nếu thời gian kể từ khi nhà thầu ký hợp đồng thực hiện gói thầu với chủ đầu tư là dưới 1 năm và đơn giá không vượt đơn giá trong Hợp đồng gốc đã ký trước đó”. (BL 11152).

+ Tại bản giải trình ngày 28-02-2006 của ông Nguyễn Mạnh Hùng-Phó TGĐ Tổng Cty Điện lực VN (BL 9210), Biên bản xác minh và thu thập tài liệu ngày 08-4-2006 tại Tổng Cty Điện lực VN do cơ quan CS ĐT-Bộ CA thực hiện (BL 9182) và Bản giải trình ngày 27-02-2006 của Ban Kinh doanh và Điện Nông thôn-Tổng Cty Điện lực VN gởi Cơ quan CS ĐT-Bộ CA (BL9213), tất cả đều thống nhất xác định: ngày 17-02-2005, Cty Điện lực TP. HCM có văn bản số 611 đề nghị mua 50.000 ĐKĐT, Tổng Công ty Điện lực VN đã có văn bảnsố 874/CV-EVN-KD&ĐNT ngày 25-02-2005 đồng ý cho Cty Điện lực TP. HCM mua sắm trước 50.000 ĐKĐT một pha có chức năng đọc chỉ số qua sóng radio bằng thiết bị ghi chỉ số cầm tay HHU, từ các căn cứ sau đây:

- Căn cứ nhu cầu cấp thiết về công tơ phục vụ công tác phát triễn mới khách hàng, thay thế công tơ chết cháy và thay thế định kỳ của Cty Điện lực TP. HCM để đảm bảo công tác kinh doanh bán điện và chất lượng công tơ theo Nghị định 45/2001/NĐ –CP của Chính phủ. Cụ thể hàng năm nhu cầu lắp mới 80.000 – 100.000 chiếc, thay thế chết cháy và định kỳ 150.000 chiếc.

- Căn cứ chủ trương ứng dụng công nghệ mới cải tiến công tác ghi chỉ số công tơ của Tổng Cty Điện lực VN đối với công ty Điện lực TP. HCM.

- Theo Quyết định số 47/QĐ-EVN-HĐQT ngày 01-02-2005 của HĐQT , đối với việc mua sắm VTTB lẽ có giá trị dưới 30 tỷ đồng, từ năm 2005 các Cty không phải lập kế hoạch đấu thầu trình Tổng Cty duyệt.

Trên đây là 2 hành vi quan trọng nhất mà cáo trạng đã quy kết Lê Minh Hoàng cố ý làm trái. Đối với các hành vi khác nêu tại trang 39-40 của cáo trạng như: ký quyết định công nhận nhà thầu Linkton Singapore trúng thầu trong khi hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu mời thầu, đồng ý cho nhà thầu không phải lập bảo lãnh thực hiện hợp đồng, ký duyệt cho phép thanh toán 14 Hợp đồng trong khi thủ tục chứng từ hồ sơ thanh toán không hợp lệ, không đăng ký phê duyệt mẫu, kiểm định theo quy định…. Về các hành vi này sẽ được các luật sư đồng nghiệp trình bày khi bào chữa cho các bị cáo có liên quan, Bị cáo Lê Minh Hoàng với cương vị Giám đốc, lãnh đạo cao nhất của Cty Điện lực TP. HCM, bên dưới còn có hệ thống Phòng, Ban giúp việc và tổ chuyên gia xét thầu. Bị cáo không thể và cũng không cần thiết phải đọc, kiểm tra lại toàn bộ các tiêu chuẩn, chứng từ hồ sơ mời thầu, xét thầu, thanh toán. Bị cáo chỉ có thể căn cứ tờ trình của các Phòng, Ban chức năng và Tổ xét thầu để phê duyệt. Tất nhiên, Bị cáo vẫn phải chịu trách nhiệm nếu cấp dưới có sai sót. Nhưng trách nhiệm đó như bị cáo thừa nhận là do thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát và tin tưởng khả năng cấp dưới, chứ hoàn toàn không phải là hành vi cố ý làm trái.

3/- Vấn đề cần đặt ra là việc tổ chức đấu thầu 10.000 ĐKĐT với giá 580.000 đ/c và ký tiếp 13 Hợp đồng mua thêm 302.000 ĐKĐT Tổng Cty Điện lực VN và các cơ quan chức năng có biết và đồng ý hay không?

- Tại Bản giải trình ngày 09-02-2006 của Trưởng Ban kế hoạch Tổng Cty Điện lực VN đã xác định: “Ban kỹ thuật lưới điện thẩm định và trình lãnh đạo Tổng Cty phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Ban kinh doanh và Điện nông thôn theo dõi đo đếm công tơ”. (BL 9209)

- Tại Biên bản xác minh và thu thập tài liệu ngày 08-4-2006 tại Ban kinh doanh và Điện nông thôn-Tổng Cty Điện lực VN (BL 9182), ông Nguyễn Tấn Lộc-Trưởng Ban KD & Đ NT đã xác nhận: “Từ tháng 7/2004 đến tháng 6/2005, Cty Điện lực TP. HCM đều có báo cáo kinh doanh gởi về Ban KD & Đ NT-Tổng Cty và trong báo cáo đều có số liệu ĐKĐT 1 pha 1 giá mà Cty có đến thời điểm 30-6-2005 là 282.248 chiếc. Tại Bản giải trình ngày 28-02-2006, ông Nguyễn Mạnh Hùng-Phó TGĐ Tổng Cty Đ LVN (BL 9210) đã xác nhận: “ Hàng tháng tất cả các Cty Điện lực đều có báo cáo kinh doanh điện năng về Tổng Cty, trong đó có báo cáo số lượng các loại công tơ đến kỳ báo cáo, số lượng công tơ tăng thêm do phát triễn khách hàng mới. Số liệu này phục vụ cho việc tổng hợp số liệu kết quả kinh doanh điện năng chung, đánh giá công tác quản lý kinh doanh điện năng, phục vụ cho công tác lập kế hoạch SXKD… của Tổng Cty”.

- Tại Bản giải trình ngày 28-02-2006 (BL 9198) và Biên Bản xác minh ngày 08-4-2006 (BL 9187)-Ban Tài chính kế toán Tổng Cty Điện lực VN đã xác nhận như sau:

+ Ban Tài chính kế toán có nhận được Quyết định số 2780/QĐ-EVN-KTLĐ ngày 01-10-2003 của Tổng Cty Điện lực VN phê duyệt kế hoạch đấu thầu cho Cty Điện lực TP. HCM.

+ Theo Hợp đồng kiểm toán, Cty kiểm toán VACO kiểm tra, soát xét chứng từ, bảng kê, sổ kế toán các khoản mục liên quan tài sản lưu động, tài sản cố định và đầu tư dài hạn, công nợ ngắn hạn và dài hạn,nguồn vốn, số dư tình hình sử dụng quỹ, doanh thu, chi phí và các khoản thu nhập khác… Cty kiểm toán VACO đã có báo cáo kiểm toán số 420/VACO ngày 29-4-2005 của Cty Điện lực TP. HCM. Trong báo cáo chưa phát hiện vấn đề liên quan mua bán ĐKĐT .Tổng Cty đã thông báo phê duyệt Báo cáo tài chính năm 2004 cho Cty Điện lực TP. HCM tại văn bản số 3325/TB-EVN-TCKT ngày 30-6-2005. Tại thời điểm thông qua Báo cáo tài chính, sự việc ĐKĐT đã có thông tin của các Báo, Đài. Tuy nhiên, theo Luật kế toán Tổng Cty phải thông qua báo cáo tài chính để công khai theo quy định. Do vậy trong thông báo phê duyệt Tổng Cty đã yêu cầu: “Trong quá trình thực hiện, nếu các cơ quan chức năng kiểm tra có số liệu thay đổi so số liệu đã phê duyệt, Cty xử lý hạch toán vào báo cáo tài chính năm 2005 theo chế độ kế toán hiện hành và báo cáo Tổng Cty.

+ Chi phí ĐKĐT được hạch toán vào chi phí vật liệu, ĐKĐT 1 pha là công cụ, dụng cụ được phản ảnh tổng hợp trên tài khoản công cụ, dụng cụ (TK153) và tài khoản đang chờ phân bổ (TK 242), báo cáo tổng hợp chi phí.

- Tại Báo cáo tình hình nhập xuất kho và phân bổ ĐKĐT 1 pha đến 30-6-2005 (BL.9015), Cty Điện lực TP. HCM đã báo cáo như sau:

+ Trong năm 2004, Cty Điện lực TP. HCM đã xuấtdùng Đ K Đ T phản ánh TK 242 chi phí trả trước dài hạn số tiền 91.522.246.979 đồng, trong đó phân bổ chi phí SXKD năm 2004 là 45.761.123.489 đồng.

+ Tại báo cáo quyết toán tài chính SXKD của Cty Điện lực TP. HCM đến ngày 31-12-2004 đã được Tổng Cty phê duyệt quyết toán, số liệu về ĐKĐT một pha thể hiện trên số dư một số tài khoản trên Bảng cân đối kế toán ngày 31-12-2004 như sau:

èèðCông cụ dụng cụ trong kho là 75.552.872.792 đ, trong đó giá trị ĐKĐT một pha tồn kho là 16.139.594.321 đ (29.744 ĐKĐT).

èèðTổng chi phí trả trước dài hạn là 118.009.171.831 đ, trong đó giá trị ĐKĐT 1 pha chưa phân bổ là 45.761.123.481 đ.

èèðBáo cáo quyết toán SXKD đến 30-6-2005, số liệu Đ K Đ T 1 pha thể hiện trên số dư của một số tài khoản trên Bảng cân đối kế toán như sau: chi phí trả trước dài hạn là 144.431.191.907 đ , trong đó giá trị ĐKĐT 1 pha chưa phân bổ là 84.473.730.587 đ.

- Tại văn bản số 5347/CV-EVN-TTBV&PC ngày 17-10-2005 gửi Thủ tướng Chính phủ (BL 10297), Tổng Giám đốc Tổng Cty Điện lực VN đã xác nhận:

+ Hàng năm TCty đều có hợp đồng với các Cty kiểm toán độc lập tiến hành kiểm toán các đơn vị thành viên TCty.

+ Riêng năm 2004, tại Cty Điện lực TP. HCM đã có 05 đoàn thanh tra, kiểm tra của TCty và các cơ quan chức năng như: Cục thuế TP. HCM, Sở Công nghiệp TP. HCM, Cục KTAT Bộ Công nghiệp

+ Trong thời gian từ 2001-2005 các cơ quan quản lý Nhà Nước đã tiến hành 14 đợt thanh tra, kiểm tra tại Cty Điện lực TP. HCM, trong đó Thanh Tra Nhà Nước TP. HCM 2 đợt, Thanh tra Tổng Cục đo lường chất lượng khu vực 3 có 03 đợt, Tổng Cục thuế và Cục Thuế TP HCM 04 đợt, Kiểm toán Nhà Nước 01 đợt. Riêng Sở Công nghiệp hàng năm đều tiến hành kiểm tra hoạt động điện lực tại Cty Điện lực TP. HCM theo chức năng quản lý Nhà Nướcvề điện tạiđịa phương.

Qua các dẫn chứng trên cho thấy, việc đấu thầu mua sắm 312.000 ĐKĐT của Cty Điện lực TP. HCM với số tiền trên 181 tỷ đồng, Tổng Cty Điện lực VN biết rất rõ và đã chấp nhận duyệt báo cáo quyết toán hàng Quý, 6 tháng, năm. Tổng Cục thuế, Cục thuế TP. HCM, Thanh tra, Kiểm toán …đều biết và đều không có ý kiến. Nghĩa là tất cả các cơ quan đều đã chấp nhận, không có cơ quan nào kết luận Cty Điện lực TP. HCM vi phạm pháp luật!

Như Hội đồng xét xử đã thẩm tra lý lịch bị cáo Hoàng tại phiên tòa: Một cán bộ xuất thân từ 1 gia đình truyền thống Cách Mạng, đã phục vụ lâu năm và có nhiều đóng góp công sức cho ngành điện lực, đã được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng II, Hạng III, Huy chương vì sự nghiệp Đại Đoàn kết dân tộc, là đại biểu Quốc hội 2 nhiệm kỳ liên tục, là người đi đầu trong việc áp dụng công nghệ mới theo chủ trương hiên đại hóa của Nhà Nước và Tổng Cty Điện lực VN, hoàn toàn không hề có động cơ, mục đích vụ lợi, cá nhân gì, nếu bị cáo có phạm sai sót trong quá trình điều hành, lãnh đạo Cty Điện lực TP. HCM thì rõ ràng nguyên nhân chỉ có thể là do bị cáo đã nôn nóng đi tắt đón đầu, nhưng lực bất tòng tâm, không quán xuyến hết toàn bộ công việc. Ngay sau khi xảy ra “sự kiện ĐKĐT”, bị cáo đã dũng cảm nhận lấy trách nhiệm của mình và đã xin từ chức! Do đó, chúng tôi cho rằng việc quy kết bị cáo đã có hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà Nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là không có căn cứ thuyết phục. Tại văn bản số 3482/VKSTC-V1 ngày 25-10-2006. chính VKSNDTC cũng đã đặt vấn đề xem xét ý thức chủ quan của bị cáo về tội cố ý làm trái

II/- Về hậu quả thiệt hại:

Theo đề nghị của UBND TP. HCM và Tcty Điện lực VN, ngày 29-6-2005 Bộ Công nghiệp đã có Quyết định số 2168/QĐ-TCCB thành lập Đoàn kiềm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra các vấn đề liên quan đến công tơ điện tử một pha tại Cty Điện lực TP. HCM. Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành ngày 15-7-2005 thì kết quả kiểm tra như sau:

- Kiểm tra công tơ điện tử và công tơ điện cảm ứng với công tơ chuẩn, kết quả cho thấy các công tơ điện tử có sai số nằm trong phạm vi + 1%.

- Kiểm tra công tơ thu hồi do khách hàng khiếu nại qua Sở Công nghiệp thành phố: Căn cứ danh sách 92 khách hàng khiếu nại gởi về Sở Công nghiệp thành phố, Đoàn đã chọn xác suất 20 công tơ để kiểm tra sai số. Thực tế Cty Điện lực đã thu hồi được 19 công tơ. Hầu hết khách hàng khiếu nại đều có mặt chứng kiến việc kiểm tra tại Trung tâm thí nghiệm điện ngày 14-7-2005. Tất cả 19 công tơ đều cho kết quả sai số đo nằm trong phạm vi + 1%.

- Kiểm tra các thông số cơ bản của các công tơ điện tử chưa sử dụng và đã được niêm phong: Đoàn đã lấy 20 công tơ điện tử của Điện lực Gia Định kiểm tra các thông số theo quy định và được kết quả sai số của cả 20 công tơ điện tử đều năm trong phạm vi + 1%.

Đoàn kiểm tra đã kết luận 2 vi phạm:

+ Các công tơ điện tử 1 pha LTE66 được công ty TNHH Linkton Vina lắp ráp tại Việt Nam sai với nguồn gốc xuất xứ ghi trong hợp đồng.

+ Chưa làm thủ tục phê duyệt mẫu là vi phạm điều 22 pháp lệnh về đo lường.

Tuy chỉ kết luận có 2 lỗi kể trên, nhưng Đoàn kiểm tra lại kiến nghị: Tạm đình chỉ việc sử dụng toàn bộ số công tơ điện tử 1 pha LTE66 của Linkton Vina đã lắp đặt. Giao TCty Điện lực VN chỉ đạo Cty Điện lực TP. HCM khẩn trương thay thế bằng những công tơ đảm bảo theo quy định của pháp lệnh về đo lường! Tại văn bản số 286/CV-KTĐT ngày 18-7-2005, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành đã báo cáo Bộ Trưởng Bộ Công nghiệp như sau:

“Sáng 16-7-2005, Đoàn đã thông báo toàn bộ nội dung báo cáo với lãnh đạo cán bộ chủ chốt của Cty Điện lực TP. HCM. Đồng chí Lê Minh Hoàng thay mặt Cty Điện lực TP. HCM tiếp thu và bày tỏ sự đồng tình với toàn bộ nội dung bản Báo cáo, tuy nhiên cũng đề nghị Đoàn báo cáo với lãnh đạo Bộ xem xét để có giải pháp thỏa đáng, vì theo giải pháp mà Đoàn kiến nghị sẽ rất khó khăn cho Điện lực Thành phố. Đổng chí Trưởng Đoàn đã ghi nhận và hứa sẽ báo cáo với lãnh đạo Bộ”.. Rất tiếc ý kiến này đã không được chấp nhận! Và như Quý Tòa đã biết, toàn bộ ĐKĐT đã bị tháo gỡ thay thế bằng điện kế cơ. Sau 1 năm đem ĐKĐT đi kiểm tra thẩm định đánh giá chất lượng trong nước và ngoài nước (Viện Đo lường thử nghiệm Giang Tô-Trung Quốc, Phòng thử nghiệm Superintending Company of Indonesia – Indonesia, Phòng thủ nghiệm KEMA của Hà Lan) và tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ nới sản xuất bo mạch chính công tơ LTE66 tại Cty TNHH Vũ Năng thuộc thành phố Nam Kinh-Trung Quốc (Cty Vũ Năng khẳng định: đã sản xuất và cung cấp 312.000 bo mạch công tơ LTE66 cho Cty Linkton Singapore để cung cấp cho Việt Nam; các linh kiện chủ yếu được nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Na uy, Nhật.. Công ty Linkton Singapore cung cấp khoảng 10.000 bộ linh kiện NRF401 thực hiện chức năng thu phát sóng radio đọc số liệu từ xa của hãng NORDIC-Na uy) Từ đó, Bộ Công nghiệp đã có các văn bản số 4350/BCN-KTAT ngày 31-7-2006 và số 6345/BCN-KTAT ngày 15-11-2006 kết luận công tơ điện tử LTE66 đảm bảo chất lượng, chỉ phải hoàn thiện các thủ tục về mặt pháp lý như nhản, mác sản phẩm, đăng ký phê duyệt mẫu theo đúng quy định hiện hành và đề nghị Thủ Tướng Chính phủ sớm quyết định cho sử dụng lại số công tơ điện tử này!

Kính thưa Hội đồng xét xử,

Như vậy là hai năm rõ mười: tháo dỡ, kiểm tra, thẩm định, xác minh cuối cùng kết quả quay lại từ đầu: Việc đưa vào sử dụng ĐKĐT 1 pha LTE66 chỉ có 2 thiếu sót: chưa phê duyệt mẫu và không ghi chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ! Quy định của pháp luật xử lý đối với 2 thiếu sót này như sau:

1/- Đối với việc phê duyệt mẫu:

+ Quy định về phê duyệt mẫu phương tiện đo, ban hành kèm theo Quyết định số 28/2002/QĐ-BKHCNMT ngày 17-5-2002 của Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường quy định: Những trường hợp sản xuất nhập khẩu phương tiện đo sau đây cơ sở không phải đăng ký phê duyệt mẫu, nhưng phải thông báo với cơ quan quản lý Nhà Nước về đo lường có thẩm quyền:

èèðPhương tiện đo đã có giấy chứng nhận phê duyệt mẫu của cơ quan đo lường quốc gia của những nước có sự thừa nhận lẫn nhau về kết quả thử nghiệm phương tiện đo với nhau (mục 1.3.2.b)

èèðTrường hợp sản xuất, nhập khẩu phương tiện đo để dùng chính tại cơ sở, những phương tiện đo này phải thực hiện kiểm định theo quy định (mục 1.3.3).

+ Pháp lệnh đo lường năm 1999 quy định: “Nhà Nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất phương tiện đo-Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phương tiện đo thuộc danh mục phải kiểm định để buôn bán phải theo mẫu phương tiện đo đã được cơ quan quản lý Nhà Nước về đo lường chất lượng phê duyệt”. (điều 22).

Từ các quy định trên, Cty Điện lực TP. HCM nghĩ rằng việc nhập khẩu ĐKĐT không phải để bán và nhà cung cấp ĐKĐT đã đăng ký phê duyệt mẫu ở nước ngoài rồi, nên không phải đăng ký phê duyệt mẫu. Tuy nhiên, cho dù có phải phê duyệt mẫu trước khi đưa ra sử dụng, thì thiếu sót này cũng chỉ bị xử lý như sau:

Nghị định số 126/2005/N Đ-CP ngày 10-10-2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định:

+ Phạt tiền từ 5.000.000đ đến 7.000.000đ đối với hành vi sản xuất phương tiện đo khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước và đo lường có thẩm quyền phê duyệt mẫu (Điều 6 khoản 3).

+ Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn thành thủ tục phê duyệt mẫu phương tiện đo lường trong thời hạn nhất định đối với hành vi vi phạm qui định tại khoản 3 điều này (Điều 6 khoản 5 điểm c).

Rõ ràng, không thể vì thiếu sót chưa phê duyệt mẫu mà xử lý bằng cách tháo gở, thu hồi, thay thế bằng điện kế cơ!

2/- Đối với nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa:

Ngày 20-6-2003, Linkton Singapore đã nộp đơn đăng ký nhản hiệu hàng hóa và đã được Cục Sở hữu trí tuệ-Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận số 57036; ghi rõ: có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn.

Sau khi trúng thầu cung cấp 10.000 ĐKĐT, Cty Linkton Singapore và Cty Linkton Vina đã ký thỏa thuận hợp tác ngày 15-02-2004, nội dung chỉ định Cty Linkton Vina (là 1 Cty liên doanh trong đó Linkton Singgapore góp 65% vốn) ký hợp đồng trực tiếp với nhà cung cấp nước ngoài để nhập khẩu bo mạch chính, và 1 số nhà cung cấp trong nước để cung cấp các phụ kiện, chuyển giao công nghệ lắp ráp và thử nghiệm cho Linkton Vina. Việc làm này là hoàn toàn phù hợp quy định tại điều 10 Nghị định 88/1999/NĐ-CP ngày 01-9-1999 và khoản 8 điều 1 Nghị định 66/2003/NĐ-CP ngày 12-6-2003 của Chính phủ (sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế đấu thầu). Do đó, nhãn hiệu Linkton Singapore trên ĐKĐT 1 pha LTE66 hoàn toàn đúng, không sai. Thiếu sót ở đây chỉ là đã không ghi đầy đủ trên nhản hiệu hàng hòa dòng chữ “lắp ráp bởi Linkton Vina” hoặc “Assembly by Linkton Vina”, theo quy định tại điều 66 chương VIII-Nghị định 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp: “Nếu sản phẩm được sản xuất tại VN theo lixăng của nước ngoài, hoặc mang nhãn hiệu hàng hóa của nước ngoài hoặc có nguồn gốc nước ngoài thì bắt buộc phải ghi một cách đầy đủ (không viết tắt) chỉ dẫn “Sản xuất tại Việt Nam” trên sản phẩm”. Theo quy định tại Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 06-3-1999 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, hành vi này bị xử lý như sau:

- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000đ đến 5.000.000đ đối với tổ chức cá nhân có hành vi không ghi hoặc ghi không rõ ràng, đầy đủ trên sản phẩm cụm từ “sản xuất tại Việt Nam” đối với các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam theo li-xăng của nước ngoài, sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam mang nhãn hiệu hàng hóa gây hiểu sai lệch rằng hàng hóa là của nước ngoài hoặc có nguồn gốc nước ngoài (Điều 6 khoản 2 điểm b).

- Ngoài hình thức xử phạt theo quy định, tổ chức cá nhân vi phạm còn thể bị buộc bổ sung chỉ dẫn đối với các hành vi quy định tại khoản 2 điều này (Điều 6 khoản 4 điểm b). Thông tư số 825/2000/TT-BKHCNMT ngày 03-5-2000 của Bộ Khoa học Công nghệ và môi trường, hướng dẫn thi hành Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 06-3-1999, tại Mục II-xác định các hành vi vi phạm liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, tiết 6- loại hành vi vi phạm quy định về các chỉ dẫn liên quan đến sở hữu công nghiệp (Điều 6 Nghị định)-điểm 6.5 đã quy định: “Hành vi không ghi hoặc ghi không rõ ràng, đầy đủ cụm từ “sản xuất tại Việt Nam” đối với các trường hợp bắt buộc phải ghi (Điều 6.2.b). Theo Điều 66 Nghị định 63/CP, nếu sản phẩm sản xuất tại Việt Nam theo li-xăng của nước ngoài hoặc nếu sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam mang nhãn hiệu gây nên sự hiểu sai lệch rằng đó là là hàng hòa của nước ngoài hay có nguồn gốc nước ngoài thì bắt buộc phải ghi đầy đủ mà không được viết tắt cụm từ “sản xuất tại Việt Nam”. Nếu không ghi chỉ dẫn như vậy thì bị coi là hành vi vi phạm thuộc dạng này.

Rõ ràng ĐKĐT LTE66 không phải là hàng giả, việc xử lý tháo gỡ, thu hồi, thay thế (thậm chí có đề nghị tiêu hủy) là không đúng quy định pháp luật. Các cơ quan chức năng đã áp dụng Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKHCNMT ngày 27-4-2000, hướng dẫn thực hiện chỉ thị số 31/1999/CT-TTg ngày 27-10-1999 của Thủ Tướng Chính phủ về đấy tranh chống hàng giả để xử lý hành vi này. Chúng tôi xin có ý kiến như sau:

- Về nguyên tác pháp lý, Thông tư liên tịch này không thể có giá trị cao hơn Nghị định 12/1999/NĐ-CP ngày 06-3-1999 của Chinh phủ. Ngay chỉ thị số 31/1999/CT-TTg ngày 27-10-1999 của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo phải áp dụng Nghị định số 12/1999/NĐ –CP và các quy định hiện hành của pháp luật.

- Cho dù có áp dụng Thông tư liên tịch số 10 để cho rằng ĐKĐT LTE66 có dấu hiệu giả mạo về chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ đi chăng nũa (khoản 2.4 điểm 2) thì việc xử lý cũng chỉ là “được lưu thông phải tuân thủ điều kiện loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hóa (nhãn mác, bao bì vi phạm) và thông báo rộng rãi cho người tiêu dùng biết” (khoản 6.3 điều 6).

Tổng giá trị thiệt hại theo kết luận giám định số 141/KL-BCT ngay 22-7-2008 là 8.139.200.668 đồng, bao gồm các khoản:

+ Chi phí khắc phục nhãn mác:378.675.842đ

+ Thiệt hại do lắp đặt ban đầu:557.401.248đ

+ Thiệt hại do vận chuyển về kho:5.214.142đ

+ Thiệt hại do bảo quản:1.572.420.820đ

+ Thiệt hại do kiểm định lại:2.602.704.000đ

Thiệt hại này hoàn toàn không phải do hành vi đấu thầu và ký 14 Hợp đồng mua 312.000 ĐKĐT của Lê Minh Hoàng và các bị cáo Cty Điện lực TP. HCM gây ra, các bị cáo không phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại này. Vậy thì đâu là nguyên nhân của thiệt hại này? Và ai là người chịu trách nhiệm? Nguyên nhân gây ra thiệt hại xuất phát từ sức ép của công luận thời điểm đó đã làm cho các cơ quan chức năng đánh giá không đúng bản chất sự việc, từ đó đã vội vã thực hiện các biện pháp xử lí không phù hợp. Cụ thể là:

Ngày 18-7-2005 Bộ Công nghiệp đã có công văn số 3846/CV-KTAT yêu cầu đình chỉ sử dụng và tháo gỡ toàn bộ 260.000 chiếc ĐKĐT đã lắp đặt cho khách hàng do sai số quá lớn (từ -16% đến +26% trong khi Hợp đồng từ -2% đến +2%). Ngày 17-8-2005, Bô Khoa học và Công nghệ có văn bản số 2141/BKHCN-Ttra kết luận “Đã có đủ yếu tố kết luận điện kế điện tử Linkton Singapore là hàng giả (giả mạo về nguồn gôc xuất xứ)”. Ngày 22-8-2005 cơ quan CS ĐT-BCA có văn bản số 2545/CQCSĐT (C15) báo cáo Phó Thủ Tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng, cho rằng: Sau khi lắp đặt hầu hết các hộ tiêu dùng đã có đơn khiếu nại điện kế chạy quá nhanh; các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều bài báo phản ảnh về những hành vi vi phạm trong quá trình tổ chức đấu thầu, ký kết hợp đồng mua 312.000 chiếc ĐKĐT chất lượng kém không đảm bảo chất lượng, không sử dụng được. Rõ ràng, việc xử lí tháo gỡ, thay thế toàn bộ số lượng ĐKĐT đã lắp đặt xuất phát từ việc đánh giá cho rằng tòan bộ 312.000 ĐKĐT là hàng giả, kém chất lượng, sai số quá lớn không sử dụng được!

Thế nhưng, sau khi tháo gỡ đưa đi kiểm tra, thẩm định, đánh giá chất lượng ĐKĐT LTE66 có kết quả đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường và có thể đưa vào sử dụng.

Bộ Công nghiệp đã có văn bản số 4350/BCN-KTAT ngày 31-7-2006 báo cáo Thủ Tướng Chính phủ. Viện KSNDTC đã có quyết định số 13 ngày 13-10-2006 trả hồ sơ điều tra bổ sung và văn bản số 3482/VKSTC-V1 ngày 25-10-2006 yêu cầu cơ quan CS ĐT-BCA trưng cầu giám định thiệt hại. Nhưng rất tiếc cơ quan CS ĐT-BCA đã không thực hiện. Ngày 29-12-2006 Thủ Tướng Chính phủ đã có văn bản số 2199/TTg-CN đồng ý đưa công tơ điện tử LTE66 vào sử dụng theo đề nghị của Bộ Công nghiệp. Viện KSNDTC đã có Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung số 02/VKSTC-V1B ngày 14-2-2007 yêu cầu thực hiện công văn số 2199 ngày 29-12-2006 của Thủ Tướng Chính phủ. Thế nhưng, tại các văn bản số 113/C15 (P10) ngày 25-4-2007 và số 232/C15 (P10) ngày 12-7-2007 cơ quan CS ĐT –BCA vẫn cho rằng 312.000 ĐKĐT là hàng giả, được sản xuất lắp ráp tại Việt Nam bằng linh kiện không rõ nguồn gốc, không được kiểm định chất lượng, lắp ráp thủ công không đồng nhất, kết quả thí nghiệm một số ĐKĐT không đủ cơ sở để kết luận 312.000 ĐKĐT chất lượng tốt đảm bảo đưa vào sử dụng được. Việc xử lý 312.000 Đ K Đ T là vật chứng vụ án phải do Tòa án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc Chính phủ và Bộ Công nghiệp cho sử dụng lại số Đ K Đ T là quyết định về hành chính để tận dụng số ĐKĐT có thể sử dụng được, tránh lãng phí. Quyết định đó không ảnh hưởng đến việc truy tố, xét xử đối với vụ án. Vì vậy, cơ quan CS ĐT –BCA đã không thực hiện văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của VKSNDTC!

Chỉ đến khi TAND.TP.HCM có Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung số 12/2008/HSST-Q Đ ngày 16-01-2008 và VKSNDTC có Quyết định trả hồ sơ bổ sung số 05/VKSTC-V1B ngày 03-4-2008, thì ngày 14-5-2008 cơ quan CSĐT –BCA mới có Quyết định số 13/C15 (P10)trưng cầu giám định về thiệt hại do việc Công ty Điện lực TP HCMmua, sử dụng, khắc phục sửa chửa 312.000 chiếc ĐKĐT LTE66 kém chất lượng để đưa vào sử dụng.. Sau khi có kết luận giám định số 141/KL-BCT ngày 22-7-2008, ngày 09-12-2008 cơ quan CS ĐT-BCA mới có quyết định xử lí vật chứng số 02/C15 (P10) và công văn số 997/C15 (P10) gởi Bộ Công thương đề nghị phối hợp thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2199/TTg-CN ngày 29-12-2006! Rõ ràng, nếu không có sự chỉ đạo sáng suốt của Thủ Tướng Chính phủ và quyết định công minh của TAND TP HCM trả hồ sơ điều tra bổ sung, thì không biết số phận của17 bị cáo gắn liền với hậu quả thiệt hại của vụ án do 312.000 ĐKĐT bị cho là hàng giả, kém chất lượng, không thể sử dụng được sẽ đi đến đâu!?

Mục 4.1 kết luận giám định đã đánh giá thiệt hại do việc mua công tơ điện tử LTE66 như sau: “Công tơ điện tử LTE66 đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và giá trị sử dụng sẽ được đưa vào sử dụng sau khi hoàn tất một số thủ tục, vì vậy không coi là thiệt hại do việc mua loại công tơ này”. Chi phí gắn thêm dòng chữ “lắp ráp bởi LinktonVina” hoặc “Assembly by LinktonVina” với số tiền 378.675.842 đồng thuộc trách nhiệm Cty LinktonVina. Các chi phí thiệt hại còn lại: tháo gỡ, lưu kho bảo quản, kiểm định lại…không thuộc trách nhiệm của các bị cáo. Các chi phí này, như trên đã phân tích,phát sinh do đánh giá sai bản chất sự việc, áp dụng các biện pháp xử lý không phù hợp thực tế và qui định pháp luật. Việc xác định cơ quan nào chịu trách nhiệm thuộc thẩm quyền của Quý Tòa và các cơ quan có thẩm quyền!

III-Về hiệu quả của việc sử dụng ĐKĐT LTE66:

Thủ Tướng Chính phủ đã kết luận: Việc thay thế điện kế cơ khí bằng điện kế điện tử để từng bước hiện đại hóa ngành điện là chủ trương đúng và cần thiết. Tính ưu việt của điện kế điện tử so điện kế cơ là điều không thể tranh cãi. Cụ thể là:

- Độ chính xác cao, chống thất thoát điện.

- Đọc điện kế từ xa, không làm phiền khách hàng.

- Tăng năng suất lao động, quản lý lao động chặc chẽ

- Không tiêu hao điện năng khi vận hành, so điện kế cơ tiết kiệm 2W/h/1 điện kế; nghĩa là 48watts/ngày/1 điện kế. Nếu tính trên 312.000 ĐKĐT trong 1 năm điện năng tiết kiệm được sẽ là: 48w x 312.000 x 365 ngày =973.440.000w = 973.440 Kw/năm.

- Theo giải trình ngày 28-02-2006 của Ban tài chính kế toán TCty Điện lực VN (BL9198), trong năm 2004, mặc dù chi phí vật liệu của cty cao hơn định mức tính toán giá bán điện nội bộ, nhưng kết quả hoạt động kinh doanh điện của Cty vẫn lãi là 178 tỷ đồng, vượt kế hoạch 29 tỷ đồng!

Rõ ràng, việc không đưa 312.000 ĐKĐT vào sử dụng 4 năm qua, con số thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều!

IV.- Kiến nghị:

Từ những phân tích trên cho thấy bị cáo Lê Minh Hoàng không có hành vi cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế của Nhà Nước và hậu quả thiệt hại đã được giám định kết luận không phải do hành vi của bị cáo ký kết 14 Hợp đồng mua 312.000 ĐKĐT đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng với giá thấp nhất gây ra.

Vì vậy, tôi kính đề nghị Quý Tòa tuyên bị cáo không phạm tội cố ý làm trái, khôi phục mọi quyền lợi cho bị cáo.

Trong thời gian tòa xét xử, có bài báo thắc mắc tại sao các bị cáo đều cười?! Theo tôi cái cười của các bị cáo chính là tiếng khóc khô không lệ! Tôi tin tưởng rằng phán quyết công minh của Quý Tòa sẽ không làm các bị cáo cười, mà sẽ làm cho bị cáo rơi lệ thật sự, nhưng đó là giọt lệ “vui sao nước mắt lại trào” vì không kìm nổi xúc động vui mừng khi được ánh sáng công lý soi xét!

Trân trọng cảm ơn Quý Tòa.

Người bào chữa

Luật sư Nguyễn Văn Trung

Bài bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thế Vũ trong vụ án Nguyễn Quốc Quân và các đồng phạm hoạt động khủng bố

Bản Tin Luật Sư giới thiệu lại nội dung bài bào chữa của luật sư Trừng với các đồng nghiệp đặc biệt là các luật sư trẻ để tham khảo”.
Kính thưa Quí tòa,
Theo yêu cầu của bị cáo và được Quí tòa chấp nhận, tôi nhận bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thế Vũ, trong vụ án Nguyễn Quốc Quân và các bị cáo hoạt động khủng bố, riêng bị cáo Nguyễn Thế Vũ bị truy tố về tội khủng bố theo Điều 84, khoản 3, Bộ Luật Hình sự với vai trò giúp sức.
Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, theo dõi sự khai nhận của các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm hôm nay, tôi đề nghị Quí tòa xem xét cho bị cáo Nguyễn Thế Vũ mấy điểm sau đây:
I/- Nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh và mức độ phạm tội của bị cáo
Tuy trước đây thông qua những người chuyển tiền cho gia đình Nguyễn Đức Thuận từ Na Uy về Việt Nam, bị cáo Nguyễn Thế Vũ  có biết Nguyễn Đức Thuận tham gia tổ chức chống đối Nhà nước Việt Nam ở nước ngoài nhưng bị cáo không biết rõ đó là Đảng Việt Tân như bị cáo đã khai tại cơ quan an ninh điều tra: “Tôi thật sự không hiểu biết gì về tổ chức Đảng Việt Tân và tôi cũng chưa tham gia tổ chức này, cho nên tôi không biết rõ về vị trí vai trò của họ (tức các bị cáo trong vụ án này) như thế nào và cơ cấu tổ chức của đảng này ra sao”. (Bút lục số 72 hồ sơ vụ án).
Còn nội dung các tài liệu bỏ vào các phong bì chuyển cho những người nhận tuy bị cáo Nguyễn Thế Vũ có biết nhưng ở mức độ nghe nói là khiếu kiện và nói xấu chế độ, chỉ sau khi bị bắt được cơ quan an ninh điều tra (CQANĐT) cho đọc bản kết quả giám định nội dung các tài liệu trên thì bị cáo Nguyễn Thế Vũ mới biết một cách cụ thể như bị cáo đã khai nhận: “Nội dung tờ truyền đơn này sau khi bị bắt tôi mới được CQANĐT cho xem và đọc toàn bộ nội dung, còn trước đó tôi chỉ nghe nói là khiếu kiện và nói xấu chế độ. Đến nay tôi mới thấy hết sự nguy hiểm và tác hại của nó. Bản thân tôi thấy ân hận vì đã có tham gia những công việc giúp sức trong việc làm cắt dán in ấn phong bì, tập kết người làm tại nhà tôi để đưa vào phong bì gởi đi”. (Bút lục số 80 hồ sơ vụ án).
Riêng về số tiền 1.000 USD mà Nguyễn Đức Thuận gởi cho bị cáo Nguyễn Thế Vũ để mua bì thư, tem, máy in, giấy in, USB modern, dụng cụ cắt dán giấy, bị cáo Nguyễn Thế Vũ đã xác định rõ: “Thực tế tôi cũng không biết tiền này là của tổ chức đảng việt tân hay là tiền của cá nhân anh Thuận. Tôi chỉ biết anh Thuận khi nhờ tôi làm phong bì giúp anh Thuận, tôi nói là không có tiền thì anh Thuận gởi cho tôi”. (Bút lục số 73 hồ sơ vụ án).
Lúc đầu bản thân bị cáo Nguyễn Thế Vũ đã thấy Nguyễn Đức Thuận làm một việc không bình thường, bị cáo đã sợ và từ chối làm nội dung trong phong bì để gởi đi, nhưng do cả nể tình cảm anh em bà con họ hàng bởi vì cha của Nguyễn Đức Thuận là Nguyễn Đức Thọ là anh ruột của bà Nguyễn Thị Mùi tức là mẹ của bị cáo Nguyễn Thế Vũ, lại thêm Nguyễn Đức Thuận đã hứa cho bị cáo Vũ mượn 3.000 USD để phụ thêm tiền mua nhà của vợ chồng bị cáo Vũ mặc dù cho đến khi bị bắt, bị cáo Vũ chưa nhận được số tiền trên. Ngoài ra bị cáo Vũ đã suy nghĩ đơn giản không lường hết hậu quả nghiêm trọng của việc làm của mình nên đã dẫn bị cáo đến cho phạm tội.
Đối với vụ án này lực lượng công an đã điều tra phát hiện kịp thời và đã bắt giữ tất cả các đối tượng trong vụ án nên những tài liệu phản động đã không gởi được đến những người nhận, do đó hậu quả của vụ án đã đựơc hạn chế rất nhiều.
II/- Đề nghị Quí tòa xem xét và cho bị cáo Nguyễn Thế Vũ được hưởng các tình tiết giảm nhẹ sau đây:
1- Tình tiết giảm nhẹ thứ nhất: Người phạm tội đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải được qui định tại Điểm p, khoản 1, Điều 46 Bộ Luật Hình sự. Cụ thể trong bản nhận tội ngày 25/11/2007 gởi cho CQANĐT Bộ Công an bị cáo Nguyễn Thế Vũ đã viết “Qua thời gian làm việc với CQANĐT đã phân tích cho tôi thấy được rằng những công việc mà tôi đã làm trong thời gian qua như mua tem, phong bì, in địa chỉ người nhận, người gởi là một cách gián tiếp tiếp tay cho một thế lực xấu làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Tôi nhận ra rằng những việc làm trên là hoàn toàn sai trái. Trong thời gian qua, tôi cũng đã cộng tác tích cực với cơ quan điều tra và đã tường trình chi tiết đầy đủ những gì mà mình đã biết được.
Tôi xin cam kết sẽ không bao giờ tái phạm những việc làm như trên cũng như những việc làm tương tự có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Nếu tôi phát hiện được những hành động nào của người nào làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia tôi sẽ trình báo với cơ quan công an Việt Nam”. (Bút lục số 97 hồ sơ vụ án).
2- Tình tiết giảm nhẹ thứ hai: Phạm tội do lạc hậu được qui định tại Điểm k, khoản 1, Điều 46 Bộ Luật Hình sự. Lạc hậu ở đây không phải do trình độ văn hóa mà lạc hậu về nhận thức hiểu biết chính trị.
3- Ngoài ra bị cáo Nguyễn Thế Vũ nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, chưa có tiền án, tiền sự, tuổi đời cũng còn trẻ.
Tôi đề nghị Quí Tòa áp dụng Điều 46, khoản 2, coi đây là một tình tiết giảm nhẹ và cho phép bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ này.

Tôi đề nghị Quí tòa áp dụng thêm Điều 47 Bộ Luật Hình sự. điều này qui định: “Khi có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ qui định tại khoản 1, Điều 46 Bộ Luật Hình sự, Tòa có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã qui định”.
Ở đây bị cáo Nguyễn Thế Vũ bị truy tố về tội khủng bố được qui định tại Điều 84 khoản 3 có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù và đây là khung hình phạt nhẹ nhất của Điều 84 Bộ Luật Hình sự.
Nên với 3 tình tiết giảm nhẹ trên đây tôi đề nghị Quí Tòa xem xét và quyết định  mức hình phạt dưới 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo hoặc mức phạt tù bằng thời gian bị cáo đã bị tạm giam.
Xin trân trọng cảm ơn Quí Tòa đã quan tâm theo dõi những lời baò chữa của tôi đối với bị cáo Nguyễn Thế Vũ.

 

 

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 27-11, tòa án Hà Nội đã giảm một năm tù cho hai luật sư hoạt động nhân quyền, nhưng giữ nguyên tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" với ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thị Công Nhân.

Hai luật sư này kêu gọi Việt Nam chấp nhận chế độ chính trị đa đảng, và bị xử sơ thẩm hồi tháng Ba.

Hồi tháng Năm 2007, luật sư Nguyễn Văn Đài bị kết án năm năm tù giam, bốn năm quản chế, và luật sư Nguyễn Thị Công Nhân bốn năm tù giam, ba năm quản chế - gây nên phản đối của nhiều quốc gia Phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ.

Báo chí Việt Nam đưa tin Thẩm phán Nguyễn Minh Mắn thay mặt Hội đồng xét xử đã tuyên mức án mới đối với các bị cáo nhưng giữ nguyên mức án quản chế sau hạn tù giam.

Chủ toạ phiên toà được dẫn lời nói: "Không thể coi hành vi đó là đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, nhân phẩm... Hành vi của các bị cáo là trái với Hiến pháp, vi phạm luật Hình sự, nên không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo".

Trong khi đó, một trong các luật sư nhận bào chữa cho hai bị cáo là luật sư Lê Công Định, người cho rằng quan điểm của hai bị cáo "có vẻ trái với quan điểm chính thống, song không vì thế mà chúng ta có thể nghi ngờ ý định và động cơ của họ".

Dưới đây là phần bào chữa của luật sư Lê Công Định mà những người tham dự đã ghi lại tại phiên tòa ngày 27-11.

Bản án sơ thẩm và các vấn đề

1. Bản án hình sự sơ thẩm số 153/2007/HSST ngày 11/5/2007 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã tuyên xử hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên cơ sở áp dụng Điểm a và c Khoản 1 của Điều 88 Bộ luật hình sự, theo đó xử phạt:

Luật sư Nguyễn Văn Đài, năm (5) năm tù, tính từ ngày 6/3/2007, và quản chế bốn (4) năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù; và

Luật sư Lê Thị Công Nhân, bốn (4) năm tù, tính từ ngày 6/3/2007, và quản chế ba (3) năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Ngoài ra, Tòa sơ thẩm còn tuyên tịch thu một số tài sản cá nhân của các hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân.

2. Bản án sơ thẩm được tuyên trên cơ sở các chứng cứ như sau: (a) tài liệu thu thập tại Văn phòng luật sư Thiên Ân và nhà riêng của hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, và (b) việc tổ chức những buổi thảo luận tại Văn phòng luật sư Thiên Ân.

Tòa án sơ thẩm đã nhận định nội dung các chứng cứ nêu trên là “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tôi liệt kê dưới đây nhóm nội dung các chứng cứ mà Bản án sơ thẩm đã nêu:

(a) Hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, bôi nhọ Hồ Chủ tịch và các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản và nhà nước;

(b) Xuyên tạc lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản;

(c) Xuyên tạc tình hình thực tế tại Việt Nam;

(d) Tiếp xúc và trao đổi thông tin về dân chủ và nhân quyền;

(e) Ủng hộ đa nguyên, đa đảng, kêu gọi thay thế Đảng Cộng sản;

(f) Tham gia và ủng hộ tích cực các tổ chức hoạt động bất hợp pháp, bao gồm “Tuyên ngôn tự do dân chủ cho Việt Nam”, “Khối 8406”, “Đảng Thăng tiến Việt Nam”, “Hội dân oan” và “Công đoàn độc lập”; và

(g) Có ý thức muốn thành lập một số tổ chức, đảng phái chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhận định về chứng cứ và nhân chứng

1. Các chứng cứ nêu tại Bản án sơ thẩm không xác định được hành vi phạm tội dựa vào yếu tố cấu thành tội phạm như quy định tại Điều 88 của Bộ luật hình sự.

2. Vì chứng cứ không rõ ràng nên lập luận của Tòa sơ thẩm và vị đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa hôm nay chủ yếu dựa trên sự suy đoán và áp đặt, nhưng lại là suy đoán theo hướng có tội.

Điều này vi phạm nghiêm trọng luật pháp Việt Nam và nền tảng của tất cả luật hình sự trên thế giới, theo đó nếu phải sử dụng chứng cứ gián tiếp nhằm suy đoán hành vi thì chỉ có thể là suy đoán theo hướng vô tội.

3. Ngày 19/11/2007 các luật sư biện hộ đã gửi đơn thỉnh cầu triệu tập 17 nhân chứng, nhưng vì lý do này lý do kia, chỉ 5 nhân chứng dự phiên tòa phúc thẩm. Về phần nhân chứng Phạm Văn Trội bị công an cản trở đến tòa làm chứng mà tôi đã lưu ý Hội đồng xét xử khi bắt đầu phiên tòa sáng nay và yêu cầu phải có biện pháp giải quyết vấn đề này, nhưng tôi chưa thấy Hội đồng xét xử có ý kiến gì cả. Đó là một sự việc nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đối với những nhân chứng không có mặt tại đây, chúng tôi không thể trực tiếp lắng nghe lời khai của họ để đánh giá các chứng cứ khác. Do vậy tôi đề nghị Hội đồng xét xử không được sử dụng các tài liệu mà họ là tác giả hoặc các công việc mà họ làm như những chứng cứ để buộc tội hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân.

Lưu ý, 17 nhân chứng mà các luật sư thỉnh cầu triệu tập bao gồm:

(1) Phạm Sỹ Nguyên (vắng mặt)
(2) Nguyễn Xuân Đệ (vắng mặt)
(3) Trần Thanh (có mặt)
(4) Nguyễn Thị Hương Lan (vắng mặt)
(5) Trần Văn Hòa (vắng mặt)
(6) Đồng Thị Giang (có mặt)
(7) Khổng Văn Thành (có mặt)
(8) Nguyễn Bá Trực (có mặt)
(9) Giáp Văn Hiếu (có mặt)
(10) Nguyễn Thanh Giang (vắng mặt)
(11) Dương Thu Hương (vắng mặt)
(12) Vũ Quốc Dụng (vắng mặt)
(13) Nguyễn Đình Thắng (vắng mặt)
(14) Trần Ngọc Thành (vắng mặt)
(15) Nguyễn Văn Lý (vắng mặt)
(16) Đỗ Nam Hải (vắng mặt)
(17) Hoàng Minh Chính (vắng mặt)

4. Vì những lý do nêu trên, tôi khẳng định rằng các chứng cứ trong Vụ án này không đủ để kết luận các Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân phạm tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 của Bộ luật hình sự.

Phân tích

A. Yếu tố cấu thành tội phạm

1. Theo Điều 88, “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là mục tiêu mà hành vi “tuyên truyền” nhắm đến. Tuy nhiên, thế nào là “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thì Điều 88 và cả Bộ luật hình sự đều không quy định và xác định. Do đây là một khái niệm không được luật pháp minh định nên cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa sơ thẩm đã tùy tiện suy đoán hành vi của các Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân.

 

 Điều 4 của Hiến pháp tuy khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội, song rõ ràng không nghiêm cấm việc lập đảng hoặc lập hội ngoài Đảng Cộng sản

 

LS Lê Công Định

2. Chỉ trích Đảng Cộng sản Việt Nam, các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, thực trạng xã hội, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam không thể được xem là “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” vì những lý do sau đây:

(a) Không thể suy diễn theo hướng đồng hóa Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nếu không sẽ trái với Hiến pháp hiện hành;

(b) Bàn đến thực trạng xã hội không thể đương nhiên được suy diễn thành “chống”; và

(c) Bàn đến dân chủ và nhân quyền không thể được suy diễn thành “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trừ phi nhà nước đó chống lại dân chủ và nhân quyền.

3. Chưa có sự thẩm định độc lập của bất kỳ cơ quan hoặc tổ chức độc lập nào về nội dung của các tài liệu tịch thu từ nhà và nơi làm việc của các Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân để kết luận những tài liệu đó có nội dung “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hay không.

Những cơ quan tham gia tố tụng đều không thể được xem là độc lập để thẩm định và đưa ra kết luận khách quan, hơn nữa cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát không đương nhiên có quyền độc lập thẩm định và kết luận vì luật không quy định trao quyền như vậy.

Thiếu sự thẩm định khách quan cho thấy nhận định và kết luận của cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát trong Vụ án này hoàn toàn có tính chất chủ quan và thiên lệch. Dựa vào kết luận của những cơ quan này để truy tố tội phạm và bị cáo, tôi hiểu vì sao Bản án sơ thẩm thiếu công bằng và sai lầm.

Nếu Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục sử dụng các tài liệu đã nêu như là chứng cứ để buộc tội và xét xử, tôi đề nghị một sự tranh luận chi tiết giữa các luật sư chúng tôi và vị đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố đối với từng nội dung của các tài liệu đó tại phiên tòa phúc thẩm này để xác định xem thế nào là “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

B. Thế nào là "chống nhà nước CHXHCN Việt Nam"?

1. Về phương diện pháp lý, chỉ có thể xem là “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nếu hành vi bị truy tố chống lại Hiến pháp hiện hành.

2. Liệu hành vi của hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân có thể xem là chống lại Hiến pháp hiện hành hay không? Tôi xin khẳng định hoàn toàn không, bởi lẽ:

(a) Đề nghị đa đảng không thể bị xem là trái với Hiến pháp.

Thật vậy, Điều 4 của Hiến pháp tuy khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội, song rõ ràng không nghiêm cấm việc lập đảng hoặc lập hội ngoài Đảng Cộng sản.

Để Hội đồng xét xử tham khảo, tôi xin cung cấp thông tin được báo Tuổi Trẻ số ra ngày 17/11/2007 đăng tải về việc Văn phòng thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc vào ngày 15/11/2007 đã phát hành sách trắng mang tên “Chế độ chính đảng của Trung Quốc”, theo đó chế độ chính đảng trong tương lai gần tại Trung Quốc sẽ là chế độ hợp tác đa đảng và hiệp thương chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Như vậy đề nghị một thể chế đa đảng không đồng nghĩa với việc chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa. Trường hợp đã nêu về Trung Quốc là điều mà Hội đồng xét xử cần suy nghĩ thêm và cân nhắc thấu đáo.

(b) Ủng hộ và tham gia các tổ chức chính trị khác cũng không thể bị xem là trái với Hiến pháp.

Thật vậy, Việt Nam chưa có Tòa án Hiến pháp nên không thể tùy tiện tuyên bố hoạt động của bất kỳ tổ chức nào là bất hợp pháp và trái Hiến pháp.

 

 Việt Nam chưa có Tòa án Hiến pháp nên không thể tùy tiện tuyên bố hoạt động của bất kỳ tổ chức nào là bất hợp pháp và trái Hiến pháp

 

LS Lê Công Định

Cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ phán quyết nào của tòa án các cấp xem xét một cách riêng biệt tính chất hợp hiến và hợp pháp của những tổ chức như “Khối 8406”, “Đảng Thăng tiến Việt Nam”, “Hội dân oan” và “Công đoàn độc lập”. Do đó, việc vội vã kết luận những tổ chức này là bất hợp pháp để từ đó suy đoán hành vi ủng hộ những tổ chức đó là chống nhà nước rõ ràng thiếu cơ sở pháp lý.

(c) Kêu gọi tôn trọng và bảo vệ nhân quyền và dân chủ càng không thể bị xem là trái với Hiến pháp.

Nội dung các tài liệu và thảo luận của các Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân nhằm mục đích kêu gọi thực hiện các quyền công dân và nhân quyền được quy định tại Điều 69, 70 và 71 của Hiến pháp hiện hành, theo đó công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật; có quyền tự do tín ngưỡng; và có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.

Chỉ trích và lên án những hành động thiếu tôn trọng hoặc vi phạm các quyền công dân và nhân quyền được quy định tại Điều 69, 70 và 71 của Hiến pháp không thể bị xem là “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; trái lại chỉ những hành động vi phạm quyền công dân và nhân quyền mới là chống Hiến pháp và do đó chống nhà nước.

C. Quyền tự do biểu đạt ý kiến và quan điểm cá nhân theo luật quốc tế

Nhà nước Việt Nam có bổn phận tuân thủ các điều ước quốc tế đã gia nhập hoặc công nhận, đặc biệt là các công ước của Liên hiệp quốc mà Việt Nam là thành viên. Luật pháp quốc gia cần phải được ban hành, sửa đổi, giải thích và thi hành theo quy định của các điều ước quốc tế đó.

Liên quan đến Vụ án này, tôi xin dẫn chiếu các quy định sau đây của luật pháp quốc tế mà Nhà nước Việt Nam phải tuân thủ, và tôi cũng đề nghị Hội đồng xét xử tôn trọng và ghi nhận bổn phận đó của Nhà nước Việt Nam trong bản án sẽ được tuyên:

1. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Covenant on Political and Civil Rights) do Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua vào ngày 16/12/1966, có hiệu lực từ ngày 23/3/1976 và Việt Nam tham gia vào ngày 24/9/1982, đã quy định quyền tự do biểu đạt ý kiến và quan điểm của cá nhân tại Điều 19 như sau:

“1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp vào.

2. Mọi người đều có quyền tự do biểu đạt. Quyền này phải bao gồm cả sự tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến thuộc tất cả các loại không phân biệt ranh giới, dưới hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào khác tùy theo sự lựa chọn của họ.”

2. Cần lưu ý rằng trước khi bị bắt giam các Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân vẫn đang hành nghề luật sư. Với tư cách là luật sư, họ có vai trò và quyền hạn được quy định trong bản Các Nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư (Basic Principles on the Role of Lawyers) do Hội nghị Liên hiệp quốc lần thứ tám về phòng chống tội phạm và xử lý người phạm tội, tổ chức tại Havana từ ngày 27/8/1990 đến ngày 7/9/1990. Mục 23 của Các Nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư quy định như sau:

“Cũng như những công dân khác, luật sư được hưởng quyền tự do biểu đạt, tín ngưỡng, kết giao và hội họp. Đặc biệt, họ phải có quyền tham gia vào các cuộc thảo luận của công chúng có liên quan đến luật pháp, quản lý tư pháp, việc đẩy mạnh và bảo vệ quyền con người.” (xem bản dịch trong sách “Quyền con người trong quản lý tư pháp” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành năm 2000, tại trang 110)

3. Như vậy, hành vi mà các Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân thực hiện thuộc phạm vi các quyền công dân, quyền chính trị và quyền về nghề nghiệp mà mọi nhà nước trên thế giới phải tôn trọng và bảo vệ. Sẽ được xem là vi phạm luật pháp quốc tế nếu nhà nước nào vi phạm hoặc cản trở việc thực thi các quyền đó mà thôi.

D. Lớp học về nhân quyền

Trong kế hoạch phổ biến sự hiểu biết chung và cơ bản về nhân quyền trên toàn thế giới, Cao ủy Liên hiệp quốc về nhân quyền đã khuyến khích các quốc gia, tổ chức phi chính phủ và nhóm xã hội tổ chức những lớp học về nhân quyền. Đây là một chương trình toàn cầu mang tên “Chương trình thế giới về giáo dục nhân quyền” (World Programme for Human Rights Education) được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua trong Nghị quyết số 59/113A ngày 10/12/2004. Với tư cách là thành viên của Liên hiệp quốc, Việt Nam lẽ ra phải thực hiện và bảo đảm việc thực hiện chương trình này.

Trên thực tế, các buổi thảo luận tại Văn phòng luật sư Thiên Ân được tổ chức trong khuôn khổ chương trình nói trên. Nội dung và tài liệu của những buổi thảo luận đó hầu hết chỉ liên quan đến vấn đề nhân quyền nói chung và vai trò của luật sư trong việc bảo vệ nhân quyền. Tôi xin nêu dưới đây nội dung của tập tài liệu mà cơ quan điều tra tịch thu (xem các Bút lục từ số 610 đến số 635):

1. Mục đích của chương trình tập huấn: đưa ra những hiểu biết cơ bản về nhân quyền;

2. “Nhân phẩm - nền tảng của nhân quyền”;

3. Xây dựng một xã hội dân chủ làm nền tảng cho sự phát triển nguồn nhân lực và nhân tài cho Việt Nam;

4. Đánh giá việc thực hiện dân chủ ở nước ta sau 20 năm đổi mới; và

5. Chương trình huấn luyện luật sư nhân quyền.

Cần lưu ý rằng tài liệu “Nhân phẩm - nền tảng của nhân quyền” của tác giả Đỗ Mạnh Tri đề ngày 20/4/2006 mà hồ sơ Vụ án đã nhắc đến nhiều lần (xem nội dung tại các Bút lục từ số 67/1 đến số 67/20) chỉ nêu khái niệm về quyền, cơ sở triết học của quyền, nhân quyền và nhân phẩm qua các thời đại.

Giảng dạy và thảo luận về nhân quyền và dân chủ không thể xem là “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Nhà nước Việt Nam nếu không tổ chức được những lớp học về đề tài này thì cũng không thể ngăn cản hoặc cấm đoán công dân mình thực hiện chương trình phổ quát mà Liên hiệp quốc khuyến khích trên toàn thế giới, và càng không có lý do hoặc cơ sở pháp lý nào để bỏ tù những người đảm nhiệm công việc đó hoặc gán cho họ tội danh tuyên truyền chống nhà nước.

E. Yêu nước có phải là tội phạm hay không?

Có thể các Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân đã công khai bày tỏ quan điểm và ý kiến riêng trái ngược với quan điểm chính thống mà Nhà nước Việt Nam đang tuyên truyền và thích nghe. Có thể suy nghĩ và nhận thức của họ tuy không xa lạ với hầu hết các dân tộc khác trên thế giới, nhưng lại đi trước so với tầm suy nghĩ chung của xã hội Việt Nam hiện tại và có vẻ trái với quan điểm chính thống, song không vì thế mà chúng ta có thể nghi ngờ ý định và động cơ của họ.

Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng tuyên bố rằng “chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng” (xem bài trả lời phỏng vấn của Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt dành cho Đài BBC ngày 17/4/2007). Ông cũng khẳng định “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả. […] Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào”.

Hai vị Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân là những nhà yêu nước và chỉ có yêu nước họ mới dám dũng cảm nói lên một cách công khai và hòa bình quan điểm riêng của mình và tìm kiếm sự ủng hộ quan điểm ấy từ những người Việt Nam yêu nước khác, ngoài Đảng Cộng sản. Hành động của họ cần được khuyến khích vì đã dám đứng lên bảo vệ niềm tin của mình.

Chính kiến có thể khác song dứt khoát không thể bị quy chụp khi xét đến ý định và động cơ. Vấn đề là liệu bắt giam họ có thể làm cho thực trạng xã hội mà họ lên tiếng tốt hơn không và liệu có dập tắt được những tiếng nói yêu nước khác hay không? Thực tế đã chứng minh rằng không.

Nếu tại một nơi nào và ở một thời điểm nào mà luật pháp xem lòng yêu nước là tội phạm, thì thay vì trừng phạt những nhà yêu nước, hãy thay đổi luật pháp ấy.

Kết luận và đề nghị

Thưa Hội đồng xét xử, vì những lý lẽ nêu trên, tôi với tư cách là luật sư biện hộ cho hai đồng nghiệp của tôi là Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, kết luận rằng không một điều luật hiện hành nào của Việt Nam tạo ra hoặc hội đủ cơ sở pháp lý để kết tội và kết án họ. Họ vô tội một cách đương nhiên.

Do vậy, tôi đề nghị Hội đồng xét xử hãy tuyên trả tự do cho hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, đồng thời trả lại tài sản của họ. Việc trả tự do cho hai vị luật sư này sẽ tôn vinh nghĩa lớn và trí tuệ nhân bản của dân tộc Việt Nam, mà Nguyễn Trãi đã từng nói trong “Bình Ngô Đại Cáo”:

“Mang đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy trí nhân để thay cường bạo”

Tôi xin chân thành cám ơn Hội đồng xét xử đã lắng nghe ý kiến của tôi.

Nội dung của bài thể hiện quan điểm riêng của luật sư bào chữa. Quý vị có ý kiến gì xin gửi về Diễn đàn BBC ở địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk


ngo nghi, Việt Nam
Tôi rất tán đồng quan điểm của luật sư Lê Công Định. Chống lại hay tuân theo lý tưởng hay cách hành xử của một Đảng không có nghĩa là chống lại nhà nước. Nếu Đảng Cộng Sản luôn luôn thể hiện là Đảng ưu tú nhất và chiếm trọn niềm tin của dân chúng thì hà cớ phải sợ sự có mặt cuả một hoặc thậm chí nhiều Đảng khác. Hãy dũng cảm trưng cầu dân ý như Tổng thống Venezuela thì sẽ có câu trả lời rõ ràng thôi! Ai dám???

Kien Hoi, Sài Gòn
Đã từ lâu rồi, ĐCSVN đã coi đất nước này là của họ, chứ không như bác Võ Văn Kiệt nói đâu. Cho nên, nếu chống đối ĐCSVN thì đương nhiên bị xem là chống đối nhà nước. Và chuyện luật và lệ nằm trên hiến pháp ở VN là "chuyện thường ngày ở huyện"...Ở VN, một khi mà chủ trương của nhà nước là anh có tội, thì cho dù luật sư có cãi mỏi miệng thì anh vẫn có tội, cho dù đúng hay sai, có luật sư chơi cho vui thôi.

Thanh, Miami
Nếu nhà nước làm sai, tại sao không có quyền chống đối? Nhà nước đã từng làm sai, cho nên bây giờ mới có sửa đổi. Phải cám ơn những người có ý kiến đối nghịch, sự đối nghịch chân chính mới có tiến bộ. Chừng nào người ta hô hào lật dân chúng lôi kéo nhiều người bạo động thì lúc đó mới có quyền kết tội người đối lập. Đảng CS đang vi phạm hiến pháp của chính họ.

bagiayamaha
Ls Định nói hay quá:dùng ngay chính quan điểm của tòa để nói lại với tòa.Hy vọng VN sớm tới một ngày mà người dân được hưởng sự công bằng,tự do ,dân chủ , thực sự.Hy vọng chính quyền nên nghĩ lại cho người dân thấp cổ bé miệng được nhờ.Những cái gần giống như chân lý thì có nhiều, nhưng chân lý thì chỉ có một."Một mẫu bánh mì thì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật vẫn không phải là sự thật ".Đừng để mọi chuyện trở nên khôi hài như câu chuyện cổ tích : "Bộ quần áo mới của Hòang Đế"và những người mang tiếng trí thức nên can đảm đứng về lẽ phải.

True Hanoi
Tôi thấy toà án xử thật đúng người, đúng tội, có xét đến yếu tố nhân đạo, khoan hồng nên mới giảm án.

KD TP.HCM
Gửi Hạnh (Hải Phòng): nói thì cũng phải cói cơ sở chứ bạn, bạn hãy cho tôi thấy cái mà bạn nói là "chống phá nhà nước" xem nào. Nói thì phải có căn cớ chứ, nói theo kiểu chóp bu như vậy nghe buồn cười quá. Ở VN thì đừng nói đến dân chủ, công bằng mà chỉ có thể là đàn áp và đã được sắp dặt trước.

Long Hanoi
Theo tôi 2 nghi can trên bị tuyên án là đúng bởi:

- Theo điều 4 Hiến pháp: Đảng CS có vai trò là lực lượng lãnh đạo nhà nước CHXHCN VN, như vậy chống lại Đảng là chống nhà nước CHXHXN VN

- Họ kêu gọi đa nguyên đa đảng một cách bất hiựp pháp, họ muốn tạo dựng nên một đảng phái chính trị, không phải để chơi, mà là để tìm cách chống lại Đảng cộng sản, thay thế vai trò lãnh đạo của ĐCS, mà điều này đã qui định trong Hiến pháp.

- Nhân dân Việt nam không cần những kẻ mông muội chính trị đó làm rối ren đất nước, cần phải trừng trị đích đáng.

Các bạn thử tượng tượng xem nếu đa nguyên ở Việt nam thì sao, lúc đó bạn có thể ăn ngon ngủ yên không hay lại như Philippin, Indoneia, miền nam Tháilan? Một người bạn Indonesia của tôi nói rằng: F**king democracy, vì lúc nào cũng nom nớp lo sợ khủng bố.

Tommy Sài Gòn, Việt Nam
Gửi Bạn Nobody: bạn nói là phiên tòa xử công khai mà mà người dân không được bén mảng đến khu vực tòa án. Ở đây mọi người chỉ thấy một chuyện công khai đó là bắt bớ những nhà dân chủ đến tham dự phiên toà và công khai không cho nhân chứng vào tòa!

tran HCM
Từ việc Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định thường xuyên viết bài cho BBC đến việc LS Lê Công Định nhận bào chữa cho Nguyễn Văn Đài đã cho tôi một sự nghi ngờ-nghi ngờ về mối quan hệ giữa các bên có liên quan.

Phiên phúc thẩm không chỉ có LS Lê Công Định bào chữa và phát biểu nhưng BBC chỉ đăng có một bài phát biểu này, mối nghi ngờ đấy của tôi càng thêm có cơ sở! Hơn nữa, bài viết này thay vì hướng người đọc đến việc khảo cứu xem lý lẽ của LS Lê Công Định có xác đáng không thì lại hướng đến việc xét xem Nguyễn Văn Đài - Lê Thị Công Nhân có tội không? Càng làm cho vấn đề thêm phần nguỵ biện.Vì muốn như thế người đọc cần phải biết lý lẽ của đại diện Viện Kiểm Sát và Chánh Án là như thế nào? Phát ngôn của hai vị này đâu có bí mật?

Mặt nữa, tôi cho rằng nếu người ghi chép lại lời của LS Lê Công Định không nhầm lẫn hay thiếu sót gì, thì lời bào chữa của LS Lê Công Định là thiếu logic và nguỵ ngôn từ! Ví dụ như trong câu mệnh đề về giả thuyết mà lại sử dụng cụm từ như thế này: " Bàn đến thực trạng xã hội không thể đương nhiên được suy diễn thành “chống”";-vì rõ ràng truyền đơn của các bị cáo có nội dung là "chống " rất rõ ràng chứ không phải "bàn "!

Mập mờ khái niệm như vậy ngay trong vế đầu của mệnh đề thì vế sau vô giá trị! Nhà quê như tôi còn bác được lý lẽ của LS biện hộ thì các bị cáo kia thoát tội thế nào được???

Pham Vietnam
Rồi đây cả ông Lê Công Định cũng sẽ phải chịu chung số phận như 2 luật sư kia thôi nếu vẫn giữ cái lập luận như thế. Xã hội này người ta chỉ thích người dân phục tùng mà thôi, bạn chỉ cần biết nghe, gật và làm thì bạn luôn yên thân mà sinh sống.

Bùi Hải
Quốc gia nào cũng có hiến pháp, xã hội nào cũng có luật lệ riêng, nhưng bất đồng chính kiến với nhà nước, phản đối sự độc đoán của một đảng mà bị quy kết tội, thì đó là luật rừng, luật của băng đảng giang hồ. Thử hỏi ngoài mấy nước bị CS cai trị, có nước nào dân chúng chịu khuất phục những thứ gọi là "luật pháp" như thế?

Dương Xinh
Từ thế kỷ 19 cho đến nay, nhân loại đã ý thức đánh giá thế nào là một chính quyền độc tài, độc diễn, chuyên chế, cho dù chính quyền ấy chấm dứt được nội chiến, biết sửa đổi theo "kinh tế thị trường", và nhận được sự trợ giúp, đầu tư của các nước tư bản; cho dù thể chế ấy cũng có những cơ quan với tên gọi "lập pháp, hành pháp, và tư pháp", và cũng ban cho dân một số quyền hiến định.

Hãy đánh giá một chế độ từ bản chất của nó trong quá trình, từ thủ đoạn của tập đoàn lãnh đạo,chứ không thể chỉ lấy tệ trạng xã hội của nước khác để so sánh gượng ép, rồi tự mãn.

Khi nào ở VN đảng CS không còn độc quyền, chính quyền VN không do đảng CS chỉ đạo, quốc hội VN không do CS thao túng, tư pháp VN cũng không do CS điều hành, thì khi ấy đất nước mới thật sự là dân chủ, dân Việt Nam sẽ muôn người như một quyết không để những tập đoàn cơ hội chủ nghĩa có thể hồi phục, lợi dụng,tuyên truyền lừa đảo, và gây xáo trộn khiến "Việt Nam chìm vào biển máu thêm 1 lần nữa".

Hình ảnh ông Boris Yeltsin đứng trên xe tăng kêu gọi dân Nga đoàn kết bảo vệ nền dân chủ, và hàng ngàn người dân Nga cùng nhau thiết lập chướng ngại vật trên đường phố Mạc Tư Khoa để ngăn chặn "biển máu" là bài học cho những ai còn mê muội nghĩ rằng phải góp sức với độc tài để giúp đất nước phát triển, và tiến tới tự do dân chủ.

Mai Nam VN
Báo chí nước ta nếu cứ dựa vào tin do Thống Tấn Xã và Công An cung cấp thì rồi sẽ nói bậy hết.

Theo nội dung bào chữa, ông luật sư Định đã tổng kết các "tội" do toà sơ thẩm đối với 2 luật sư Đài và Công Nhân thì 2 vị này không có tội nhận tiền của ngoại quốc. Vậy mà báo ta cứ nói như vậy đến nỗi hôm nay có người còn tin như vậy.

Thực ra Việt Kiều gửi về 6 tỷ đô la, vậy ai nhận tiền là có tội sao? Hai vị luật sư được giải thưởng về nhân quyền, gồm cả tiền, nhưng có lẽ không thể quy đó là "tội" nên án sơ thẩm không dám nhắc tới, nhưng công an cứ mập mờ coi là "tội" để tuyên truyền nhồi sọ người dân chăng? Tóm lại, toà án VN không dám kết tội "nhận tiền" vì sợ thế giới nói là vu vạ, dù 2 vị luật sư có nhận hay không.

Còn tội chống chính phủ? Vô số chính phủ trên thế giới này đã lên rồi xuống, tuỳ lòng dân. Sao cái chính ohủ của các ĐCS cứ không cho phép ai phản đối vậy? Trên cõi đời này, có cái đảng nào cứ cầm quyền vĩnh viễn không, trừ đảng ta?

AK Việt Nam
Cảm ơn Luật sư Lê Công Định với nội dung bào chữa cho hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân. Đó đúng là những Luật sư thật và dũng cảm. Dân Tộc và Nhân dân Việt Nam rất cần có nhiều Lê Công Định để bảo vệ lẽ phải và qua đó Luật pháp mới được bảo vệ để không ai có quyền lợi dụng nó (L.P) cho mục đích riêng của mình.

Phu La Son
Bài luận cứ này của luật sư Lê Công Định rồi sẽ được lịch sử Việt Nam ghi nhận như một bản tuyên ngôn về dân chủ, nhân quyền?

LTL Vũng Tàu
"Nếu tại một nơi nào và ở một thời điểm nào mà luật pháp xem lòng yêu nước là tội phạm thì thay vì trừng phạt những nhà yêu nước thì hãy thay đổi luật pháp ấy "

Lời tác giả nói mới "hay" làm sao? Nếu tác giả cho rằng các "nhà dân chủ" là những người yêu nuớc thì tôi và những người đang hàng ngày LĐ để xây dựng đất nước là không yêu nuớc chăng? Nếu vậy thì tôi thà không làm người yêu nước còn hơn?

Một điều nữa tác giả nói sao mà nhẹ nhàng, dễ dàng quá nhưng để thay đổi luật pháp đâu có dễ vậy? Vả lại tác giả là ai chứ, đại diện cho ai mà đòi thay đổi luật pháp VN? Đừng có nói là các nhà dân chủ đại diện cho người dân VN nhé. Mắc cười lắm đó. Người dân VN đâu cáo bầu các ông bà dân chủ đâu?

Danchu, Singapore
Đây sẽ là 1 cột mốc xét xem chính phủ VN có thật sự muốn đạt được dân chủ hay ko. Như lãnh đạo Singapore đã từng đề nghị, nếu đảng CS được lòng dân thì lo gì các đảng khác được thành lập, cái gì của mình sẽ là của mình thôi. Đừng bắt bớ chụp mũ người khác chỉ vì sợ mình bất tài, như vậy càng cho người khác thấy mình bất tài hơn thôi!

HT Sai Gon
Qua cách viết sơ sài vài dòng của báo đảng cộng sản VN về tội "chống phá nhà nước CHXHCNVN" của LS Đài & LS Nhân thì tôi đã biết là CS vu khống cho hai người rồi. Nếu có đầy đủ bằng chứng thì họ đã chụp hình, quay film đầy đủ đưa lên báo đài rồi chứ đâu có viết sơ sài như vậy.

Tôi thật lòng ngưỡng mộ hai người đã đấu tranh để đòi dân chủ, dân quyền cho người dân VN. Mặc dù phong trào dân chủ còn nhỏ bé nhưng nó có tác dụng làm cho DCS chùng bước, bớt ức hiếp dân lành. Đó là cái lợi của người dân VN có được từ sự hy sinh của các nhà đấu tranh cho dân chủ.

Dang, Hai Phong
Các bạn hãy tìm xem có lý lẽ nào không thuyết phục không? Có lý lẽ nào không dựa trên sự thực không? Thế nhưng luật sư Đài và ls Công Nhân vẫn bị kết tội. Người ta đã phớt lờ đi chân lý để đạt được mục đích của mình.

xp, TP HCM
Theo quý vị những hành động của các nhà dân chủ không phải là chống đối lại nhà nước, chống đối nhân dân mà là "bất đồng chính kiến", là "đấu tranh cho tự do dân chủ, nhân quyền".

Vậy trước khi quý vị nói đến việc thả các nhà dân chủ , tôi đề nghị các nhà dân chủ nên gửi một thỉnh cầu lền chính phủ VN là nên xoá bỏ tội trạng PHẢN QUỐC cho ngài Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc. Các vị ấy đâu có phạm tội PHẢN QUỐC, các vị ấy chỉ là "bất đồng chính kiến" với nhà nuớc đương thời, các vị ấy chỉ "đấu tranh cho tự do dân chủ nhân quyền", các vị ấy đang "tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế " để giải phóng dân tộc khỏi bọn "độc tài" thôi mà. Vậy mà lâu này ngừơi Việt chúng ta lại hiểu lầm các vị ấy. Thật là oan uổng cho các vị ấy !!!!!

Một đề nghị nữa là tôi đề nghị các nhà dân chủ nên đến thắp hương trước mộ của các vị này để tỏ lòng kính trọng với các ngài Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc - các nhà dân chủ đầu tiên của VN.

Nobody
Sao chẳng thấy ông/bà nào lên tiếng bênh vực cho hai bị can kia? Phiên tòa đã được xử công khai đấy chứ.

Hung
Cảm ơn BBC đã đăng tải bài bào chữa của LS Lê Công Định. Cảm ơn LS Lê Công Định đã thẳng thắn phân tích hiện trạng tại VN. "Nếu tại một nơi nào và ở một thời điểm nào mà luật pháp xem lòng yêu nước là tội phạm, thì thay vì trừng phạt những nhà yêu nước, hãy thay đổi luật pháp ấy." Tôi hoàn toàn đồng ý với câu nói súc tích này.

Hanh, Hai Phong
Luật sư Định nói hay, nhưng ông ấy không nói được luật sự Đài và Nhân đã nhận tiền của ngoại bang để tuyên truyền chống phá nhà nước. Thực ra Đài và Công Nhân chỉ là làm ăn chứ chính trị gì. Tòa án xử như vậy còn nhẹ.

John Pham, USA
Thật tình không hiểu tại sao đọc và nghe bài dẫn chứng thật rõ ràng của luật sư Lê Công Định và chứng minh thật sáng tỏ rằng lai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân hoàn toàn toàn vô tội mà đảng vẫn buộc tội những người yêu nước. Như vậy rõ ràng là đảng đã phạm pháp và vi hiến 100%. Vì sao Đảng Cộng sản Việt Nam trắng trợn vu khống và kết tội những người yêu nước.

Quoc Viet, Germany
Đây có thể xem là một bước đột phá của giới luật sư Việt Nam nói riêng và trí thức Việt Nam nói chung. Rất cảm ơn anh Lê Công Định đã dũng cảm đứng ra nói lên sự thật.

Long, USA
Lời bào chửa của Luật Sư Lê Công Định quá rõ ràng. Tòa Án phải tha bổng cho ông Đài và bà Nhân. Ngoại trừ trường hợp Tòa Án không biết nghe và không biết hiểu tiếng Việt.

Mai Ninh, Việt Nam
Thực tình rất gần đây tôi mới đọc điều 88 bộ luật hình sự. Càng đọc kỹ, tôi càng thấy rõ: 1)Nó tù mù quá. Nó kết tội người ta "chống phá" nhà nước mà không định nghĩa rõ thế nào là chống phá. Viết bài cho BBC cũng là tội!!!. Phê phán cái sai của đảng và của nhà nước cũng là tội!!! Nó không nói rõ thế nào là tự do ngôn luận và tự do đến mức nào thì coi là "tôi".

Do vậy, muốn xử ra sao là tuỳ quan toà. 2)Nó trái hiến pháp là bộ luật cao nhất của VN. Cứ như bài cãi của luật sư Định thì hoá ra quan toà và chính quyền mới là bị cáo. Bài cãi hay quá, không đọc ở BBC thì có thể đọc ở khắp nơi. Báo chí của đảng nên đăng lại bài này bên cạnh bài của công tố để toàn dân thấy bên nào có lẽ phải.

Công Minh, Hà Nội
Luật sư Lê Công Định đã có những lập luận cứng rắn tỏ ra hơn hẳn các vị quan toà. Tôi mong rồi đây VN sẽ tôn trọng các ý kién của các luật sư và tranh luận theo luật pháp một cách sòng phẳng để xem xét tội trạng con ngưòi, chứ cái kiểu chụp mũ và dân chủ giả hiệu thì còn lâu nước ta mới tiến bộ được. Quan toà mà như vị Chánh án toà tối cao Nguyễn văn Hiện mà ra điều trần trước quốc hội mà có mấy câu trả lời đơn giản mà còn ấp úng thì thật đáng xấu hổ thay cho nến tư pháp XHCN."Thà làm tớ thằng khôn còn hơn làm thày thằng dại" Mà dân VN suốt đời làm tớ thằng dại.

Tommy, Sai Gon
Bài tuy dài nhưng tôi vẫn cố gắng đọc hết và trong đầu tôi đã hình dung được hình ảnh của một "Hội đồng xét xử" đang đuối lý trước các luật sư tại phiên tòa mà bản án đã sắp đặt sẵn. Tại sao không cho dân chúng tham dự phiên tòa này? Hay là tòa sợ trình độ dân trí chưa đủ để nhận thức các vấn đề dân chủ nhân quyền à? Tôi đặc biệt thích câu này: "(c) Bàn đến dân chủ và nhân quyền không thể được suy diễn thành “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trừ phi nhà nước đó chống lại dân chủ và nhân quyền".

Nobody
VN là thành viên của HĐBA và còn là thành viên của UB Nhân Quyền LHQ. Vậy mà họ lại xử tù những người tuyên truyền phổ biến nhân quyền. Việc làm của chính quyền VN thật là sai trái. Nhưng thái độ dửng dưng của LHQ và những nước lớn trước việc này lại còn khiến cho chính quyền VN tự đắc hơn nữa. Bài bào chữa của LS Định rất hay nhưng 100 bài bào chữa như vậy cũng chỉ cho vui mà thôi.

 

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness