TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Tranh giành Quyền lực và Hòa giải Dân tộc

Nguyễn Quang Dy

 Đoàn kết thì đứng vững, chia rẽ thì đổ”

(Ngụ ngôn của Aesop “Bốn con bò và con sư tử”)

 Ý tưởng để suy nghĩ

Trong Di chúc, điều đầu tiên cụ Hồ Chi Minh, người đã lập ra nước Viêt Nam mới, dặn dò Đảng và đồng bào là “cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Cụ Hồ thường kết thúc một cuộc họp bằng cách yêu cầu mọi người hát bài “Kết đoàn” như một tục lệ. Tại sao cụ Hồ làm như vậy? Có lẽ cụ biết quá rõ Đảng và và đồng bào dễ dàng chia rẽ như thế nào. Có lẽ cụ biết quá rõ bản thân mình đã trở thành nạn nhân của tranh giành quyền lực như thế nào, và mình đã cô đơn thế nào trong những năm cuối cuộc đời. 

Dù muốn hay không, chủ nghĩa bè phái là một thực tế trong chính trị đảng phái của mỗi quốc gia, không có ngoại lệ. Nhưng chủ nghĩa bè phái khác nhau từ nước này sang nước khác. Ví dụ ở Nhật Bản, các phe phái được tổ chức chặt chẽ như những thực thể chính trị trong một chính đảng (như Liberal Democratic Party, gọi tắt là LDP). Trong thời kỳ hưng thịnh của LDP, chính trị của Nhật được hiểu là “Các phe phái cạnh tranh trong một nền kinh tế phát triển”. Ở Trung Quốc, các phe phái gắn liền với nguồn gốc gia đình/nghề nghiệp, vị trí địa lý xuất thân, Chủ trương chính sách, v.v. Trong thời kỳ địa ngục của “Cách mạng Văn hóa”, chính trị của Trung Quốc được hiểu là “Các phe phái diệt nhau trong một xã hội bị phân hóa cao độ, và nền kinh tế bị đổ vỡ”. Những gì đang diễn ra tại Trung Quốc hiện nay, dưới thời ông Tập Cận Bình, vẫn là một câu hỏi lớn, nhưng không phải ngoại lệ.

Ở Việt Nam, các phe phái không được tổ chức chặt chẽ (như ở Nhật) và cũng không gắn liền với các tiêu chí (như ở Trung Quốc). Họ chủ yếu dựa vào các nhóm lợi ích và chủ nghĩa thân hữu hơn là vào các tiêu chí nhận dạng thông thường khác. Vì vậy, các phe phái ở Việt Nam lỏng lẻo và không chính thức. Các nhà nghiên cứu khoa học chính trị cần lý giải chủ nghĩa bè phái hoạt động và tác động thế nào đến chính trường hiên nay, cũng như trong tương lai khi chế độ đa đảng trở thành hiện thực như tại Đông Âu, Campuchia, hay Miến Điện.

Nhưng chính trị đảng phái và tranh giành quyền lực sẽ vô nghĩa nếu chủ quyền và độc lập quốc gia bị mất. Vì vậy, cần phải hiểu rõ tranh giành quyền lực tác động đến hòa giải dân tộc thế nào. Bởi vì, nếu không có hòa giải dân tộc thì hầu như không thể khôi phục được sức mạnh của dân tộc và không thể bảo vệ được chủ quyền quốc gia trước mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc. Vì vấn đề cốt lõi này đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu sâu thêm, nên bài bình luận khiêm tốn này chỉ muốn nêu vấn đề như một ý tưởng để suy nghĩ.   

Chủ nghĩa cá nhân         

Trong những dịp trao đổi chính thức về chính trị hay xã hội, người Việt thường hay nói về đoàn kết nhất trí như để che đậy một mặc cảm vô thức về một tâm trạng bất an. Nhưng trong các dịp giao lưu không chính thức (như tại bàn nhậu hay bàn tiệc riêng) nơi mọi người thư giãn và cởi mở, người Việt thường tỏ ra cá nhân chủ nghĩa đến mức làm cho cả người Pháp hay người Mỹ cũng phải ngạc nhiên. Tại một bữa tiệc điển hình, khi một nhóm đông người Việt gọi món ăn, chắc sẽ mất rất nhiều thời gian vì họ khó lòng nhất trí với nhau gọi những món gì, lại thường thay đổi ý kiến, khiến người phục vụ lúng túng vì những sở thích khác nhau. Hay tại một cuộc trò chuyện điển hình của một nhóm bạn bè người Việt, người ta thường thấy họ chỉ nói và nói mà chẳng ai chịu lắng nghe ai. Chủ nghĩa cá nhân ở Việt Nam dễ dẫn đến chủ nghĩa bè phái, và xung đột lợi ích (thường là cực đoan).     

Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cực đoan thường đồng hành trong một xã hội chuyển đổi như Việt Nam, nơi thay đổi là bức thiết nhưng vẫn lo ngại và cưỡng lại. Tuy chủ nghĩa cực đoan biểu hiện dưới nhiều dạng, nhưng những “tiêu chí cực đoan” thường gặp bao gồm: (1) Chỉ nói mà không chịu nghe và chỉ nghe những gì mình thích; (2) Luôn khẳng định những gì mình muốn và phủ định những gì không muốn, mà không xem xét thực tế; (3) Không muốn chấp nhận và hợp tác với những người khác mình, và không thừa nhận sự khác biệt.    

Một chủ đề thường thấy của những người nước ngoài hiếu kỳ sống lâu tại Việt Nam là tại sao người Việt lại khó hợp tác với nhau như một cộng đồng đến thế. Họ rất khác những cộng đồng Châu Á khác như người Nhật hay người Trung Quốc (họ cũng đã khác rồi). Rất khó lý giải tại sao ý thức cộng đồng của người Việt lại thấp đến thế, trong khi chủ nghĩa cá nhân của họ lại cao đến thế. Một số người thử lý giải bằng những lý thuyết xã hội học, như thuyết “prisoner dilemma”. Những người khác mặc nhiên chấp nhận và hay trích dẫn câu chuyện vui là một người Việt thường ngang ngửa với một người nước ngoài (trong cạnh tranh), nhưng ba người Việt chắc sẽ thua một người nước ngoài vì họ thường cãi nhau và chống đối lẫn nhau.  

Trong những ngày đầu dựng nước (những năm 1950 và 1960), sau thảm họa Cải cách Ruộng đất, người Việt Nam (ở Miền Bắc) cố xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa dựa trên hợp tác hóa nông nghiệp, về cơ bản bắt chước mô hình Liên Xô (và Trung Quốc) về tập thể hóa (cuối cùng đã thất bại). Ý tưởng hợp tác hóa nông nghiệp là không sai, nhưng vấn đề là Chính phủ Việt Nam không hiểu bản chất cá thể cố hữu của những người nông dân Việt Nam, bắt họ phải làm việc trong một hệ thống hợp tác xã nông nghiệp theo mô hình công xã vốn xa lạ với họ, mà không tính đến chủ nghĩa cá nhân của họ. Đây là một bài học về duy ý chí.  

Về cơ bản, Việt Nam là một nước nông nghiệp, nên những thói quen cá thể của người nông dân rất sâu nặng và khó thay đổi. Người nông thôn sẽ đem theo những thói quen đó ra thành thị khi họ di cư ra các đô thị để kiếm sống. Giao thông điên rồ tại Hà Nội và Sai Gòn là một ví dụ về chủ nghĩa cá nhân của người Viêt, vừa hỗn độn vừa vô kỷ luật, làm cho những khách du lịch Pháp lãng mạn và những khách du lịch Mỹ đầy cá tính cũng ngại không dám qua đường. Nói cách khác, đặc tính bè phái ở Việt Nam cũng chẳng khác gì đặc tính giao thông. Muốn hay không, bạn phải tự hiểu và học cách chung sống với luật rừng.   

Hệ quả lịch sử

Trong lịch sử gần đây, chiến dịch Cải cách Ruộng đất và phong trào “Chỉnh Huấn”, “Tự Phê Bình” cực đoan để “tẩy não” về chính trị (bắt chước chủ nghĩa Mao một cách mù quáng) đã chia rẽ xã hội và các gia đình người Việt Nam bằng cách reo rắc nghi ngờ và thù địch, làm hủy hoại những cấu trúc xã hội cơ bản. Nó củng cố thêm tâm trạng tiêu cực vì lo sợ và nghi ngờ trong một cộng đồng bị đổ vỡ và trở thành nạn nhân của chủ nghĩa Mao, chỉ vì ngây thơ chính trị. Đáng tiếc, điều này đã xảy ra không đúng lúc trong quá trình dựng nước, và chồng lên những hệ quả lịch sử của một quốc gia bị chia rẽ.  

Quá trình chia rẽ và đổ vỡ lặp đi lặp lại bởi tư duy cực đoan và thái độ bạo lực của người Việt, trong giai đoạn lịch sử đầy biến động này của thời phong kiến từ cuối đời Hậu Lê, là một bước thụt lùi xa so với những thành tựu tuyệt vời của nhà Trần (1225-1400) đã đánh thắng quân Nguyên và xây dựng một nền văn minh mới. Xu hướng tụt dốc này đã tiếp tục kéo dài bởi các Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn cùng hậu duệ của họ đã giành giật lẫn nhau, để lại những hệ quả tiêu cực lâu dài cho tương lai một văn hóa chính trị bạo lực, phân hóa, và bất hợp tác. Nếu nhìn lại, việc tiếm quyền bằng bạo lực để thay thế nhà Lý đã thối nát bằng nhà Trần đang lên, có thể biện minh được bằng những thành tựu của nhà Trần đã bảo vệ được chủ quyền quốc gia và xây dựng được một đất nước hùng mạnh với nền văn minh rực rỡ.   

Lịch sử Viêt Nam như một quốc gia đã bị đứt đoạn bởi sự chia rẽ đáng tiếc thành Miền Bắc và Miền Nam như hai thực thể chính trị. Vào cuối thời Hậu Lê, Viêt Nam bị chia cắt (năm 1672) bởi sông Gianh thành Miền Bắc do Chúa Trịnh cai trị, và Miền Nam do Chúa Nguyễn cai trị. Sự chia cắt này đã kéo dài gần hai thế kỷ, với những cuộc nội chiến liên miên, kéo dài đến tận năm 1775. Chưa hết, sau Hiệp định Hòa Bình Geneva (1954) chấm dứt “Cuộc Chiến tranh Đông Dương” lần thứ hai, Viêt Nam lại bị chia cắt bởi sông Bến Hải mất hơn hai thập kỷ. Cuộc Chiến tranh Việt Nam, bắt đầu từ 1965 khi lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, và cuối cùng chấm dứt vào năm 1975 khi Sài Gòn thất thủ. 

Tuy đất nước cuối cùng đã thống nhất năm 1976 (về hành chính), nhưng vẫn bị chia rẽ về chính trị và tâm lý, vì hòa giải dân tộc vẫn còn là cái mắt xích bị thiếu, nên chưa hàn gắn được vết thương nội chiến, và vết sẹo thù hận quốc gia. Tuy Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa và hòa giải, nhưng hai nửa Việt Nam vẫn chưa. Có thể nói, những gì đang diễn ra lúc này có liên quan một phần đến hệ quả lịch sử của đất nước. Hy vọng, các nhà sử học sẽ lý giải và diễn giải những sự kiện trong quá khứ bằng cái nhìn mới, đưa ra những hiểu biết mới để có tầm nhìn mới về tương lai, để tránh lặp lại những sai lầm lịch sử trước đây.   

Tiếp tục đấu đá    

Tại Viêt Nam, chủ nghĩa thân hữu và các nhóm lợi ích đã trở thành một hiện tượng tác động đến sự phát triển chính trị phe phái trong trò chơi quyền lực và trong thực tiễn tham nhũng nhà nước của một “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tuy điều này đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng diễn biến gần đây chứng tỏ đấu tranh quyền lực ngày càng quyết liệt hơn giữa các phe phái cầm quyền, khi thủ lĩnh của họ đang chạy đua để giành những chiếc ghế cao nhất tại Đại hội Đảng sắp tới. Hãy nhìn lại một số diễn biến gần đây.  

Ngày 24/10/2014, chủ tịch Ocean Bank Hà Văn Thắm đã bị bắt để điều tra những sai phạm về ngân hàng. Phát súng mở màn này chứng tỏ sự bế tắc về chính trị từ cuối năm 2013 đã bị phá vỡ, hứa hẹn nhiều màn pháo hoa trong cuộc đua tăng tốc để tranh những chiếc ghế cao nhất tại Đại Hội Đảng lần tới. Nước cờ mới này của phe chính phủ đã giáng một đòn đau cho một đối thủ chính trị là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, người bị cáo buộc là đã chống lưng cho Ocean Bank như một bộ phận của nhóm lợi ích.   

Ngày 7/1/2015, trong một sự kiện khác có liên quan, ông Kim Quốc Hoa, tổng biên tập của tờ bào chống tham nhũng “Người Cao Tuổi” đã bị cách chức đột ngột để điều tra về những cáo buộc vi phạm luật hình sự. Điều này chứng tỏ đấu đá nội bộ sẽ còn tiếp diễn vì phe Chính phủ đang trên đà thắng thế, và báo chí là một vũ khí lợi hại.    

Cuộc đấu được nâng lên một đỉnh cao mới, với phương tiện mới. Ngay trước Hội nghị Trung ương 10 (5-12/1/2015), trang mạng bí ẩn “Chân Dung Quyền Lực” đã mở một đợt tấn công ác liệt vào một số lãnh đạo đứng đầu với những cáo buộc tham nhũng. Trong vòng 28 ngày (1-29/1/2015) trang mạng này đã đăng 29 bài về tham nhũng, tập trung vào 4 lãnh đạo cao cấp (Phó TT Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình). Những cáo buộc này được soạn thảo một cách chuyên nghiệp hơn hẳn so với trang mạng gây tranh cãi “Quan Làm Báo” đã nổi lên trước Hội nghị Trung Ương 6 (10/2013). Những cáo buộc tham nhũng lần này đã tác động lớn đến kết quả bỏ phiếu tín nhiệm tại Hội nghị Trung ương 10, tạo ra một chuyển biến chính trị lớn và một bước ngoặt, giúp TT Nguyễn Tấn Dũng thắng thế và cải thiện chính danh.   

Trang mạng “Chân Dung Quyền Lực” còn nói rằng Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đã bị đầu độc bằng chất phóng xạ bởi đối thủ chính trị, có bàn tay Trung Quốc. Dư luận này đã tạo thêm một khía cạnh mới cho trò chơi quyền lực, làm trầm trọng thêm khủng hoảng chính trị. Bản tin chi tiết của trang mạng này với những hình ảnh bệnh hoạn của ông Bá Thanh khi đang điều trị tại một bệnh viện bên Mỹ và chuyến bay đã đưa ông về Đà Nẵng, đã gây ấn tượng như một kịch bản đang diễn ra trong một bộ phim hành động. Cái chết thê thảm của ông Bá Thanh (12/2/2015) càng làm tăng thêm những lời đồn đại về một âm mưu. Điều này càng tô đậm thêm trò chơi quyền lực nguy hiểm trong một hệ thống tàn bạo mà ông Nguyễn Bá Thanh đã không may trở thành nạn nhân của nó, và của chính sai lầm của ông ta.   

Trong một diễn biến mới đây, có tin Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh (một ứng viên hàng đầu cho ghế chủ tịch nước) đã sang Paris để phẫu thuật u phổi (30/6/2015) trong khi TBT Nguyễn Phú Trọng đi thăm Mỹ (6-9/7/2015) như một bước “xoay trục” (mà không có Bộ trưởng Quốc phòng). Trong khi đó, TT Nguyễn Tấn Dũng chủ trì một hội nghị quan trọng của toàn quân (1/7/2015) như tư lệnh tối cao “trên thực tế” vì vắng mặt Tổng Bí thư và Bộ trưởng Quốc phòng, lẽ ra phải chủ trì với tư cách chủ tịch và phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Lời đồn về ông Phùng Quang Thanh “mất tích” như ngôi sao bị rụng (hay chết như DPA đưa tin) đã làm người ta nhớ lại kết cục bi thảm của ông Nguyễn Bá Thanh tại Đà Nẵng trước đây.

Thế rồi, đùng một cái ông Phùng Quang Thanh lại trở về Viêt Nam một cách đầy bí ẩn, sau chuyến thăm đột ngột của Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ, tiếp theo việc thay tư lệnh và một số sỹ quan của hai quân khu chủ chốt, làm rộ lên tin đồn về một âm mưu binh biến và phản đảo chính. Dù ông Thanh vẫn còn sống (như báo lề phải đưa tin) thì sự nghiệp chính trị của ông ta (và của phe thân Trung Quốc) đã bị đánh trọng thương bởi miếng đòn hiểm này, tiếp theo cú đòn đau của trang mạng bí hiểm “Chân dung Quyền lực”.  

Cách thức vở kịch bí ẩn (úp mở) về ông Phùng Quang Thanh được đạo diễn, chứng tỏ: (1) Có những thế lực chính trị đang ráo riết hoạt động sau hậu trường để thay đổi ván cờ chính trị trươc khi Tổng thống Obama đến thăm Hà Nội (11/2015) và trước Đại hội Đảng tới (đầu 2016); (2) Sự kiện đầy kịch tính này đã tạo ra một bước ngoặt mới có lợi cho TT Nguyễn Tấn Dũng và bất lợi cho phe thân Trung Quốc; (3) Ai đạo diễn vở kịch này rất chuyên nghiệp, qua mặt được các đối thủ chính trị (và cả Trung Quốc) trong trò chơi mèo vờn chuột. Nếu chuột vẫn thoát, thì mèo sẽ vồ bằng một đòn cuối cùng (coup de grace) sử dụng Thanh tra Chính phủ một cách chính danh, trước khi Hội nghị Trung ương 12 dàn xếp nhân sự cấp cao cho Đại hội. 

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness