TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Cơ sở lý luận và thực tiễn nghiên cứu thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

TCCSĐT - Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là một trong những vấn đề lý luận đặc biệt căn bản hiện nay. Để làm rõ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay thì nghiên cứu những cơ sở lý luận và thực tiễn chủ yếu ở nước ta là một điều kiện tiên quyết.

 

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa (hay bỏ qua giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản) ở Việt Nam là một trong những nội dung chủ yếu hợp thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định lựa chọn con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến triển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sự lựa chọn này được Đảng ta khẳng định trong “Chính cương vắn tắt” năm 1930 do Người soạn thảo. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất của Đảng ta (năm 1930) khẳng định tính chất cách mạng Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền, sau đó chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa.

 

Trong điều kiện quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, thì ở nước ta phải xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào? Đây chính là vấn đề đặc điểm nước ta khi bước vào thời kỳ quá độ, về xác định những điều kiện, biện pháp, cách làm và bước đi, mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là hết sức quan trọng, đòi hỏi nhiều nỗ lực sáng tạo. Theo Người, đặc điểm to nhất của nước ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, không kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Đặc điểm bao trùm này quy định loại hình phát triển của nước ta lên chủ nghĩa xã hội là loại hình “phát triển rút ngắn” theo phương thức quá độ gián tiếp. Ở đây, có hai điểm đáng lưu ý:

 

Một là, đối với Việt Nam, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa là một tất yếu. Không qua chế độ tư bản chủ nghĩa, bởi đó là một chế độ áp bức, bóc lột và nô dịch con người. Song, không qua tư bản chủ nghĩa không có nghĩa là vứt bỏ, là phủ định sạch trơn mọi thành tựu của văn hóa và văn minh, mọi tiến bộ khoa học - kỹ thuật mà loài người đã đạt được trong tư bản chủ nghĩa. Việt Nam ở điểm xuất phát thấp, từ xã hội thuộc địa, nửa phong kiến đi lên càng phải chú trọng khai thác, vận dụng những tri thức, những thành tựu đó trong thực tiễn xây dựng chế độ mới.

 

Hai là, “tiến thẳng” lên chủ nghĩa xã hội chỉ với nghĩa là bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Với hoàn cảnh, điều kiện và trình độ của Việt Nam, “tiến thẳng” lên chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải tiến dần, từ từ, từng bước một, cố gắng đi nhanh cho kịp với thế giới, nhưng phải đúng quy luật, không thể chủ quan, duy ý chí, không thể đốt cháy giai đoạn, làm bừa, làm ẩu.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình dung tính chất phức tạp và lâu dài của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, vì việc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới không chỉ là về vật chất mà còn là cải tạo tư tưởng, gạt bỏ những gì cũ kỹ, lạc hậu, những thói hư, tật xấu kìm hãm sự phát triển. Người cho rằng, xây dựng chủ nghĩa xã hội là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài. Một chế độ này biến đổi thành chế độ khác là cả một cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt và lâu dài giữa cái xấu và cái tốt, giữa cái cũ và cái mới.

 

Từ đó, Người xác định toàn diện các nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa (bao gồm cả đạo đức, tư tưởng, tinh thần, lối sống), đào tạo cán bộ, phát triển khoa học - kỹ thuật, phát triển giáo dục, xây dựng con người mới. Mấu chốt của vấn đề kinh tế là phát triển lực lượng sản xuất. Mấu chốt của vấn đề chính trị là giữ vững chế độ, bảo vệ thành quả cách mạng, thực hành và phát huy dân chủ, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Mấu chốt của vấn đề xã hội là bảo đảm công bằng xã hội, hướng vào sự phát triển con người và xã hội. Mấu chốt của vấn đề văn hóa là xây dựng con người mới, đạo đức, và lối sống mới.

 

Trong báo cáo “Bàn về cách mạng Việt Nam” của đồng chí Trường Chinh trình bày tại Đại hội II của Đảng (năm 1951) có đề cập tới triển vọng của cách mạng Việt Nam và nêu rõ con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam là tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nội dung của bản báo cáo này được đúc kết trong bản Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam. Ở đây, Đảng ta khẳng định, cách mạng Việt Nam đi theo con đường tất yếu của nó là tiến lên chủ nghĩa xã hội, quyết không thể có một con đường nào khác. Đặc điểm cơ bản của quá trình phát triển của nó là từ xã hội có tính chất thuộc địa nửa phong kiến qua dân chủ nhân dân, đến xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong báo cáo đó, đồng chí Trường Chinh nêu lên ba giai đoạn của quá trình cách mạng Việt Nam: (1) Giai đoạn tiêu diệt đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, củng cố Nhà nước dân chủ nhân dân; (2) Giai đoạn xóa bỏ những di tích phong tiến và nửa phong kiến, triệt để thực hiện “người cày có ruộng”, hoàn thành chế độ dân chủ nhân dân; (3) Giai đoạn làm xong nhiệm vụ dân chủ nhân dân, xây dựng đầy đủ điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ông cho rằng, ở hai giai đoạn đầu, hình thức chính quyền nhà nước là dân chủ chuyên chính, thực chất là công nông chuyên chính. Đến giai đoạn thứ ba, dân chủ chuyên chính sẽ biến thành vô sản chuyên chính. Hình thức nhà nước cộng hòa dân chủ nhân dân vẫn có thể tồn tại khi nội dung của nó đổi thành chuyên chính vô sản. Nhưng nội dung phát triển và hoàn thiện tới một mức nào đó thì chế độ dân chủ nhân dân sẽ trở thành chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa.

 

Khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc (năm 1954), Đảng ta đã lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa. Tại nghị quyết các Hội nghị Trung ương 8 (năm 1955), 14 (năm 1958) và 16 (năm 1959) khóa II đã cho thấy rõ điều đó. Như vậy, từ năm 1954, miền Bắc nước ta đã từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa và cũng có nghĩa là bắt đầu thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Đường lối chung của Đảng ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội lúc đó ở miền Bắc là: đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội; sử dụng chính quyền dân chủ nhân dân làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản để thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp nhỏ và công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa tư doanh; phát triển thành phần kinh tế quốc doanh, thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa bằng cách ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ; đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa về tư tưởng, văn hóa và kỹ thuật; biến nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, văn hóa và khoa học tiên tiến.

 

Khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (năm 1975), Đảng ta vẫn nhất quán lựa chọn con đường cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội IV (năm 1976) của Đảng đã thông qua đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới ở nước ta là: Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng - văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt; đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ lên... Đại hội IV đã dự báo chúng ta phấn đấu hoàn thành về cơ bản quá trình đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trong khoảng thời gian 20 năm. Đại hội coi nội dung của đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nội dung cơ bản của đấu tranh giai cấp gay go, phức tạp nhằm giải quyết vấn đề “ai thắng ai”, giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa con đường xã hội chủ nghĩa và con đường tư bản chủ nghĩa.

 

Đại hội V (năm 1982), Đảng ta khẳng định tiếp tục khẳng định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa và con đường xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa do Đại hội IV của Đảng xác định. Nhưng Đại hội V đã đề ra những mục tiêu và chính sách lớn để thực hiện đường lối của Đại hội IV và cụ thể hóa đường lối mà Đại hội IV đã đưa ra, đặc biệt là đã xác định chiến lược kinh tế - xã hội cho chặng đường đầu tiên của quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Đại hội V dự đoán rằng, quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở nước ta phải trải qua hai chặng đường dài là chặng đường đầu tiên và chặng đường tiếp theo. Như vậy, Đại hội V đã nhận thấy thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam phải trải qua quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường.

 

Hiện nay, Đảng ta vẫn dùng khái niệm “thời kỳ quá độ”, nhưng nội dung của khái niệm đó đã có nhiều thay đổi. Trong Cương lĩnh được thông qua tại Đại hội VII (năm 1991), Đảng ta xác định: Nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản, từ một xã hội vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, lực lượng sản xuất rất thấp. Đất nước trải qua hàng chục năm chiến tranh, hậu quả để lại còn nặng nề. Những tàn dư thực dân, phong kiến còn nhiều. Các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại chế độ xã hội chủ nghĩa và nền độc lập dân tộc của nhân dân ta... Đại hội IX (năm 2001) của Đảng khẳng định: Trong thời kỳ quá độ, có nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất, nhiều thành phần kinh tế, giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng cơ cấu, tính chất, vị trí của các giai cấp trong xã hội ta đã thay đổi nhiều cùng với những biến đổi to lớn về kinh tế, xã hội. Đại hội XI của Đảng (năm 2011) nêu mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội, với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

 

Cơ sở thực tiễn nghiên cứu thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

 

Nhiều năm liên tục chúng ta áp dụng máy móc mô hình chủ nghĩa xã hội Xô - viết để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ. Đó là học hỏi kinh nghiệm của Liên Xô với sự khái quát thành 9 quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ mà Hội nghị các đảng cộng sản và công nhân các nước xã hội chủ nghĩa họp ở Mát-xcơ-va năm 1957 đã thông qua. Có thể thấy, 9 quy luật đó được phản ánh trong văn kiện các Đại hội III, IV, V của Đảng ta. Mặc dù cũng đạt được những thành tựu nhất định trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng chúng ta đã áp dụng máy móc mô hình chủ nghĩa xã hội Xô-viết vào Việt Nam mà nội dung của nó là không thừa nhận sản xuất hàng hóa và cơ chế thị trường, coi kế hoạch là đặc trưng quan trọng nhất của kinh tế xã hội chủ nghĩa; không thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, coi kinh tế quốc doanh và tập thể là chủ yếu, muốn nhanh chóng xóa bỏ sở hữu tư nhân, xây dựng nền kinh tế khép kín, hướng nội, thiên về phát triển công nghiệp nặng, chủ yếu dựa vào lợi thế về lao động, tài nguyên, đất đai và nguồn viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa đi trước; thi hành chế độ phân phối theo lao động trên danh nghĩa, nhưng thực tế là bình quân, cào bằng, ít quan tâm tới lợi ích cá nhân; thực hiện chế độ bao cấp tràn lan, tạo ra tâm lý thụ động, ỷ lại vào Nhà nước, không phát huy được tính năng động và tích cực của người lao động. Gắn liền với việc áp dụng máy móc chủ nghĩa xã hội Xô-viết vào Việt Nam là những sai lầm về lãnh đạo và quản lý. Đó là những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện, đặc biệt là bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội, chạy theo nguyện vọng chủ quan.

 

Đến nay, nội dung của thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta đã nêu ra tại các Đại hội III, IV và V của Đảng có nhiều điểm không còn thích hợp. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại nội dung của thời kỳ quá độ và tìm nội dung mới thích hợp.

 

Qua đây, ta có thể rút ra một số nhận xét sau:

 

Một là, trong quá trình vận dụng học thuyết Mác - Lênin về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội của các nước xã hội chủ nghĩa vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam, Đảng ta đã luôn vận dụng sáng tạo, thậm chí mạnh dạn bổ sung thêm quy luật công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

 

Hai là, Đảng ta rất chú ý đến đặc điểm xuất phát của đất nước để từ đó định ra đường lối, chính sách. Điều đó được thể hiện rõ ở các Đại hội II, III, IV và V.

 

Ba là, Đảng ta nhận thấy thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta là thời kỳ quá độ lâu dài và do đó, đã nói tới các chặng đường mà nước ta phải trải qua.

 

Một số vấn đề rút ra từ tìm hiểu cơ sở lý luận và thực tiễn quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa

 

Qua sự phân tích trên, có thể rút ra kết luận là, chúng ta không chỉ phải đổi mới tư duy về chủ nghĩa xã hội mà còn phải đổi mới tư duy về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta, nghĩa là phải xây dựng một lý thuyết mới về thời kỳ quá độ.

 

1. Các nhà kinh điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ để tiến lên chủ nghĩa cộng sản có rất nhiều con đường khác nhau phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế, xã hội và đặc điểm của các dân tộc. Từ đó các ông khẳng định, đi lên chủ nghĩa cộng sản, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa là một con đường phát triển tất yếu, khách quan của nhiều dân tộc có xuất phát điểm tiền tư bản chủ nghĩa với những điều kiện nhất định.

 

2. Trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng nhiều quan niệm về thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội không còn phù hợp; nhiều vấn đề của thời đại cần được quan tâm; sự thay đổi một cách tổng thể tương quan lực lượng, sức mạnh, vai trò trong quan hệ quốc tế... đòi hỏi ta cần có sự thay đổi một cách căn bản tư duy lý luận về quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong bối cánh mới.

 

3. Sau nhiều năm áp dụng mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên xô và các nước Đông Âu, mặc dù có sự sáng tạo và đã đạt được nhiều thành tựu nhưng trong bối cảnh hiện nay, quan điểm của Đảng ta về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã có nhiều điểm đổi mới.

 

Thứ nhất, Đảng ta không dùng cụm từ “bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” mà là “bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa”.

 

Thứ hai, Đảng ta đề cao đặc điểm xuất phát. Chính xuất phát điểm đặc thù quy định kiểu quá độ của nước ta, quy định nội dung, nhiệm vụ, hình thức, biện pháp, lực lượng, động lực, độ dài và bước đi.

 

Thứ ba, xuất phát từ thực trạng bối cảnh thế giới mới: Hệ thống xã hội chủ nghĩa hiện thực đã sụp đổ; chủ nghĩa tư bản có sự điều chỉnh và có sự hoàn thiện mới; phong trào cộng sản và công nhân thế giới đang trong thời kỳ thoái trào; toàn cầu hóa sâu sắc; những thành tựu mới của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ; sự xuất hiện và vai trò của kinh tế tri thức…

 

Thứ tư, đặc biệt quan trọng là vấn đề “con người”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có những con người xã hội chủ nghĩa. Con người là chủ thể, là mục đích, động lực của thời kỳ quá độ, vì vậy, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề con người, xây dựng con người mới phù hợp với quá trình phát triển trong thời kỳ quá độ. Điều cơ bản đối với xã hội Việt Nam với xuất phát điểm lên chủ nghĩa xã hội từ xã hội thuộc địa, nửa phong kiến thì để con người gánh vác được nhiệm vụ của thời kỳ quá độ cần phải đặc biệt quan tâm hai khía cạnh dân chủ và kỷ cương. Đó là phát huy dân chủ một cách thực sự và đề cao vai trò của pháp luật (xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa) để tạo lập kỷ cương xã hội trong thời kỳ quá độ. Những hệ lụy, nguy cơ, thách thức nảy sinh trong đời sống xã hội ta thời gian qua về cơ bản đều bắt nguồn từ sự “thái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên trong quá trình thực thi công vụ./.

 

TS. Phạm Tất Thắng

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness