Tàu khu trục USS Lassen được cử tới Biển Đông tuần tra (Ảnh: AFP)
Ngày 26/10, Mỹ bắt đầu quá trình thách thức "bức tường cát" của Trung Quốc tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh cho cải tạo nhiều bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo, bằng cách cử tàu khu trục áp sát các đảo nhân tạo.
Quyết định của Washington được đưa ra là nhằm "lập lại trật tự quốc tế" trước sự hiện diện của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy nhiên, động thái này có khả năng dẫn tới căng thẳng và thậm chí là xung đột trong giai đoạn ngắn ở vùng biển này. Dẫu vậy, giới quan sát cho rằng quyết định cử tàu khu trục áp sát các đảo nhân tạo của Mỹ sẽ cản trở quá trình mở rộng các khu vực của Trung Quốc tại một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới.
Có thể nói sau nhiều tháng thảo luận và kêu gọi hỗ trợ từ các đồng minh châu Á, chính quyền Mỹ đã quyết định ra lệnh cho một tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường tiến vào vùng 12 hải lý gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép tại Biển Đông. Ngay sau khi có mặt tại khu vực này, tàu chiến Mỹ sẽ thực hiện hoạt động tuần tra.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết với tờ Foreign Policy rằng các hoạt động bảo đảm "tự do hàng hải" sẽ được thực hiện trong khu vực 12 hải lý gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Ngoài ra, Hải quân Mỹ cũng sẽ tiến hành các chuyến bay do thám để hỗ trợ hoạt động tuần tra của tàu khu trục.
"Chúng tôi sẽ hoạt động ở vùng biển quốc tế trong thời gian mà bộ chỉ huy lựa chọn", quan chức Mỹ trên cho hay.
Chính quyền Mỹ từng khẳng định hoạt động nói trên rất quan trọng trong việc bảo vệ trật tự dựa trên các quy định quốc tế mà Trung Quốc đã nhiều lần bỏ quan khi tiến hành các hoạt động ở Biển Đông trong những năm gần đây.
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích và quan chức kỳ cựu của Mỹ cho rằng hoạt động tuần tra của một tàu khu trục ở vùng gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc chưa phải là thông điệp mạnh mẽ để Bắc Kinh ngưng hoạt động cải tạo đảo hoặc "hạ giọng" trong những tuyên bố đòi chủ quyền cho các khu vực ở Biển Đông.
Tuy nhiên, quyết định cử tàu tới tuần tra của Mỹ cũng được xem là một thông điệp trấn an các đồng minh và đối tác trong khu vực, những quốc gia mà Washington đánh giá có thể hỗ trợ họ trong quá trình "khống chế" Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Michael Green, cựu quan chức tại Hội đồng An ninh Quốc gia và hiện là chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), cho rằng: "Có một sự đồng thuận giữa các đồng minh trong lĩnh vực hàng hải ở Thái Bình Dương và các hoạt động tuần tra cần phải được Mỹ đứng ra tiến hành vì người Trung Quốc đã vượt giới hạn quá xa. Mỹ cần phải hành động trước khi họ mất tín nhiệm trong khu vực".
Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố nước này không có ý định "quân sự hóa" các khu vực mà nước này đang kiểm soát ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo mới đây, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra lập luận trái ngược khi khẳng định Bắc Kinh có quyền xây dựng "các cơ sở quân sự" phục vụ "mục đích phòng vệ" tại những khu vực đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Tới nay, Trung Quốc chưa chính thức đòi chủ quyền cho khu vực 12 hải lý xung quanh các hòn đảo nhân tạo mà nước này xây dựng ở Biển Đông song các nhà ngoại giao nước này luôn nhắc tới bản đồ "đường chín đoạn", trong đó đòi chủ quyền của gần như toàn bộ khu vực Biển Đông. Đây là quan điểm vấp phải sự phản ứng của nhiều quốc gia trong khu vực, cũng như dư luận các nước chỉ trích về sự "tham lam" của quốc gia đông dân nhất thế giới.
"Trung Quốc đòi chủ quyền của họ trong cái gọi là bản đồ đường 9 đoạn. Do vậy, quyết định cử tàu tới tuần tra của Mỹ sẽ được xem là động thái không công nhận gián tiếp đòi hòi của Bắc Kinh ở khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ cần phải cẩn trọng vì các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải của nước này trong khu vực có thể dẫn tới nguy cơ gia tăng căng thẳng", ông James Kraska, giáo sư về luật đang giảng dạy tại Đại học Chiến tranh Hải quân của Mỹ.
Ngay sau khi Mỹ quyết định đưa tàu tới tuần tra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo. Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng nếu thông tin truyền thông đưa về hoạt động này là chuẩn xác, Trung Quốc sẽ yêu cầu Mỹ xem xét lại trước khi hành động, không nên hành động mù quáng hay gây sự.
Giới chuyên gia cho rằng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ giới hạn phản đối qua kênh ngoại giao, thay vì có các hành động quân sự tại Biển Đông, đặc biệt là khi Mỹ khẳng định hoạt động tuần tra là nhằm bảo đảm quá trình tự do hàng hải trong khu vực.
"Mỹ đã có sự chuẩn bị khi Trung Quốc tìm cách phản đối bằng việc cho tàu hoặc máy bay ra chặn. Họ sẽ cố gắng thể hiện quan điểm của mình. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng Mỹ đáng lẽ phải đưa tàu tới Biển Đông vào cuối tháng 8 khi Trung Quốc cho 5 tàu chiến tới biển Bering trong thời điểm Tổng thống Obama tới thăm Alaska", Giáo sư Kraska đánh giá.
Trong khi đó, ông Michael Green nhận định khó có khả năng xảy ra xung đột quân sự tại Biển Đông trong thời gian tới, dù Trung Quốc chưa đưa ra dấu hiệu nào cho thấy nước này sẽ giảm bớt các hoạt động xây dựng ở các khu vực tại Biển Đông.
"Tôi cho rằng Trung Quốc không có ý định giải quyết vấn đề bằng quân sự vào lúc này. Đây chưa phải lúc vì kinh tế của họ đang gặp nhiều vấn đề. Họ sẽ tiếp tục làm điều họ muốn và ra tuyên bố đòi chủ quyền cho các hòn đảo nhân tạo hoặc tiến hành một hoạt động quy mô nhỏ nào đó để khẳng định sự hiện diện tại Biển Đông", ông Green nhận xét.
Ngọc Anh
Theo ForeignPolicy
Mỹ, TQ củng cố thoả thuận để tránh va chạm trên không phận Biển Đông
Chiến đấu cơ Trung Quốc J-11 bay gần máy bay trinh sát P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ, khoảng 215 km (135 dặm) về phía đông đảo Hải Nam của Trung Quốc. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ/chụp ngày 19/8/2014).
Washington và Bắc Kinh vừa tu chính một thoả thuận Mỹ-Trung quy định cách hành xử để giữ an toàn khi máy bay quân sự của hai bên gặp nhau trên không, trong bối cảnh ngày càng xảy ra các cuộc chạm mặt thường xuyên hơn, và giữa lúc Hoa Kỳ đang cân nhắc việc điều máy bay và tàu áp sát các đảo mà Trung Quốc mới bồi đắp ở Biển Đông.
Hãng tin AP hôm nay tường thuật rằng thoả thuận này quy định phi công của hai nước phải duy trì một khoảng cách an toàn, phải liên lạc với nhau một các rõ ràng, và tránh những cử chỉ không thân thiện, hoặc có thể gây xúc phạm cho phía bên kia.
Điểm tu chính thứ 3, đòi hỏi 'phi hành đoàn quân sự phải tự chế, không dùng những lời lẽ bất nhã hoặc những cử chỉ kém thân thiện', theo AP, cho thấy mức độ hai bên hy vọng có thể tránh được những sự va chạm ngoài ý muốn, mặc dù không có chứng cớ về sự khiêu khích trong các vụ chạm trán mới đây giữa hai bên.
Hoa Kỳ và Trung Quốc ký kết các điều tu chính thoả thuận Mỹ-Trung không lâu sau chuyến công du chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Washington, tiếp theo sau khi xảy ra vụ việc hôm 15/9, khi hai chiến đấu cơ Trung Quốc cản đường bay của một máy bay trinh sát của không lực Hoa Kỳ đang thực hiện một phi vụ tuần tiễu cách bờ biển Trung Quốc 130 km. Phía Mỹ cho rằng hành động của hai chiếc máy bay chiến đấu của Trung Quốc 'không an toàn'.
Trong một sự cố trên không nghiêm trọng nhất giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra vào 2001, một máy bay trinh sát EP-3 của Hải quân Mỹ và một chiến đấu cơ Trung Quốc đâm vào nhau trên không phận Biển Đông, giết chết một phi công Trung Quốc và buộc phi công Mỹ phải đáp xuống một căn cứ của Trung Quốc trên đảo Hải Nam.
Bắc Kinh bắt giữ 24 thành viên phi hành đoàn trong hơn 1 tuần, gây ra cuộc khủng hoảng lớn nhất trong các quan hệ song phương trong một thập niên.
Trong trường hợp đó, phi công của Trung Quốc Vương Vĩ, đã bay gần phi cơ Mỹ tới mức phi hành đoàn có thể đọc được địa chỉ email của ông ta viết trên một tờ giấy mà ông ta giơ lên cao từ trong phòng lái.
Những hành động nguy hiểm đó của các phi công Trung Quốc cần được kiềm chế, theo lời ông Denny Roy, một chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii.
Chuyên gia này nhận định rằng bằng cách ký biên bản ghi nhớ và những điều khoản tu chính kèm theo để duy trì an toàn trong những lần máy bay quân sự hai nước đối mặt nhau trên không, Bắc Kinh muốn đánh đi tín hiệu tới Mỹ rằng những sự thách thức trên không không phải là chính sách của nhà nước.
Và theo ông, đây là một bước tích cực cho các quan hệ song phương. Trong khi đó, Biển Đông vẫn là một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất.
Tuần trước, Tư Lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô Đốc Scott Swift nói các binh sĩ dưới quyền ông sẵn sàng tuần tra trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo mà Trung Quốc mới xây trong Biển Đông, hành động đó củng cố lập trường của Washington, một mặt không công nhận vùng biển này là thuộc lãnh hải của Trung Quốc, và mặt khác, tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải tại vùng biển mà Mỹ và các nước đồng minh coi là biển quốc tế.
Theo tin AP, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng hoan nghênh việc ký kết các điều khoản tu chính để tránh đối đầu trên không với Mỹ. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói đây là ‘một bước tích cực có ý nghĩa nhằm củng cố sự tin cậy chiến lược giữa hai nước, và để tránh những sự hiểu lầm và tính toán sai lầm”.
Theo: Usnews, Bloomberg
Chiến hạm Mỹ vào vùng 12 hải lý quanh đá Subi
Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên xác nhận tàu USS Lassen đã vào trong phạm vi 12 hải lý quanh bãi đá Subi, nơi Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ. Ảnh: US Navy
Tàu USS Lassen đã di chuyển bên trong phạm vi 12 hải lý quanh bãi đá Subi, USA Today dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ không tiết lộ danh tính nói. Tàu đi cùng các máy bay trinh sát của hải quân Mỹ. Nhiệm vụ "hoàn thành mà không gặp sự cố nào", Washington Post dẫn lời quan chức giấu tên nói.
Hải quân Mỹ làm vậy để duy trì lợi ích của Mỹ với tự do đi lại trên không, trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào trên thế giới luật quốc tế cho phép, quan chức nói.
Straits Times cũng dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết tàu khu trục tên lửa của hải quân nước này sáng sớm nay vào trong 12 hải lý xung quanh một trong các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông.
Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Randy Forbes, nhà lập pháp Mỹ từng kêu gọi hải quân tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý, ca ngợi quyết định bật đèn xanh cho nhiệm vụ này. Ông cho rằng việc các tàu Mỹ đi vào trong 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông là phản ứng cần thiết dù quá chậm đối với hành vi gây bất ổn khu vực của Bắc Kinh.
"Luật quốc tế rõ ràng cho rằng Trung Quốc không có tuyên bố chủ quyền hợp pháp với các vùng biển này và đã thực sự đến lúc chính quyền tái khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ với tự do đi lại trên biển và duy trì hòa bình, ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương", ông Forbes cho biết trong tuyên bố.
Subi là một trong 7 bãi đá bị Trung Quốc bồi đắp và xây dựng từ năm ngoái, và là một trong ba bãi đá mà Trung Quốc nghi đang làm đường băng trên đó. Các bãi đá này đều thuộc chủ quyền Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết nước này vẫn đang xác thực xem tàu khu trục Mỹ đã tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo hay chưa. "Nếu là thật, chúng tôi khuyên Mỹ nên nghĩ kỹ trước khi hành động, không hành động mù quáng hay gây chuyện", Guardian dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong đó trích lời ông Vương.
Đây là chuyến tuần tra đầu tiên của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đáp đá trái phép ở Trường Sa cuối năm 2013.
Theo Điều 121, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), chỉ có các đảo tự nhiên có hoạt động của con người và hoạt động kinh tế mới được hưởng vùng lãnh hải rộng 12 hải lý, nơi nước có chủ quyền có thể kiểm soát việc sử dụng và sử dụng mọi tài nguyên. Việc mở rộng bồi đắp bất cứ thực thể nào không mang lại quy chế cho chúng theo luật quốc tế.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh còn ngang nhiên chiếm các bãi đá ngầm ở Trường Sa của Việt Nam và tiến hành bồi đắp phi pháp thành các đảo nhân tạo.
Việt Nam nhiều lần khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở hai quần đảo này mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.
Hình ảnh đường băng được Trung Quốc san nền trái phép trên đá Subi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: DigitalGlobe
Trọng Giáp
Khu trục hạm Mỹ tiến sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép
Hải quân Mỹ hôm qua đã điều một tàu khu trục tên lửa dẫn đường để vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
|
Tàu khu trục USS Lassen. Ảnh: navsource.org
|
Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, tàu USS Lassen đang đến gần đá Subi và Vành Khăn, nơi Trung Quốc tiến hành hoạt động nạo vét, bồi đắp lớn để biến chúng thành các đảo từ năm 2014. Các bãi đá nói trên nằm trong quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Quan chức Mỹ cho biết máy bay giám sát P-8A, và có thể cả P-3, có khả năng đi cùng con tàu. Tàu Lassen có thể ở trong khu vực trong vài giờ.
Mỹ sẽ tiến hành thêm các cuộc tuần tra khác vào những tuần tới, và cũng có thể tiến hành quanh các thực thể mà Việt Nam và Philippines xây dựng tại quần đảo Trường Sa. "Đây sẽ là hoạt động thường xuyên, chứ không phải sự kiện chỉ xảy ra một lần", quan chức này nói.
Khi được hỏi về bất kể hoạt động cụ thể nào, Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest đều chỉ dẫn các phóng viên đến hỏi Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, ông nói rằng Mỹ đã làm rõ với Trung Quốc tầm quan trọng của tự do thương mại tại Biển Đông.
"Có hàng tỷ USD thương mại đi qua khu vực đó", Earnest nói trong một cuộc họp báo. "Đảm bảo tự do thương mại là điều rất quan trọng với nền kinh tế toàn cầu", ông nói thêm.
Trong khi đó, đại sứ quán Trung Quốc ở Washington nói rằng khái niệm tự do hàng hải không nên được sử dụng như một cái cớ để phô diễn sức mạnh và Mỹ nên "kiềm chế, không phát ngôn hay làm bất cứ điều gì khiêu khích". Cơ quan Trung Quốc này nói rằng Mỹ "nên hành động có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực".
Cuộc tuần tra sẽ đánh dấu sự thách thức mạnh mẽ nhất của Mỹ với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và khiến Bắc Kinh tức giận. Trung Quốc hồi tháng trước ngang nhiên nói rằng sẽ "không bao giờ cho phép bất kỳ quốc gia nào" vi phạm cái gọi là "lãnh hải và không phận" trong quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh còn ngang nhiên tiến hành bồi đắp và xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
|
Trung Quốc xây trái phép các đường băng ở Trường Sa như thế nào (chi tiết). Đồ họa: Tiến Thành
|
Việt Nam nhiều lần khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở hai quần đảo này mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.
Trước đó, khi trả lời câu hỏi của VnExpress về kế hoạch điều tàu tuần tra của Mỹ vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói rằng: "Các quốc gia trong và ngoài khu vực đều có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực này".
|
7 đá Trung Quốc cải tạo trái phép ở Trường Sa. Đồ họa: The Diplomat. (Xem chi tiết)
|
Phương Vũ
Khu trục hạm USS Lassen đang ở gần bãi Đá Su Bi và Đá Vành Khăn, các thực thể ngập nước ở khu vực Trường Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
|
Khu trục hạm USS Lassen Mỹ đang áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc ở Trường Sa |
Tàu chiến Mỹ đang ở gần bãi Đá Vành Khăn và Đá Su Bi
Hôm qua (26/10), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký lệnh hành quân, cho phép Hải quân Mỹ điều tàu tới tuần tra vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Một quan chức quốc phòng Mỹ đã xác nhận thông tin này và cho biết, khu trục hạm USS Lassen đang ở gần bãi Đá Su Bi và Đá Vành Khăn, các thực thể ngập nước ở khu vực Trường Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và tiến hành cải tạo, bồi đắp phi pháp thành các đảo nhân tạo.
Được biết, đi kèm chung với tàu Hải quân sẽ có các máy bay săn ngầm P-8A Poseidon và máy bay trinh sát P-3 để nhằm theo dõi diễn biến tại khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby hôm 26/10 đã tuyên bố Mỹ đã làm điều này mà không cần thông báo cho Trung Quốc, bởi vì một nước không cần phải tham khảo ý kiến với các nước khác “khi đang thực hiện quyền tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế.
Kiểm tra tuyên bố của Tập Cận Bình
Cuộc tuần tra của Hải quân Mỹ ở Biển Đông diễn ra trong bối cảnh chỉ còn vài tuần nữa, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ hội ngộ tại Hội nghị thượng đỉnh châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Philippines.
Một số quan chức Mỹ cho biết một trong những mục đích tuần tra Biển Đông của Hải quân Mỹ lần này là nhằm để kiểm tra tuyên bố của ông Tập Cận Bình về quân sự.
Xin nhắc lại là hồi tháng 9 vừa qua, trong chuyến thăm Mỹ, ông Tập đã hùng hồn tuyên bố rằng Trung Quốc không có ý định “theo đuổi quân sự” ở Biển Đông, rồi thì hoạt động của Bắc Kinh không làm ảnh hưởng đến tự do hàng hải, hàng không trong vùng biển này.
Điều đáng lưu ý là lãnh đạo Trung Quốc đã khẳng định “xanh rờn” như vậy, bất chấp 3 đường băng quân sự của Trung Quốc xây dựng phi pháp tại bãi Đá Vành Khăn, Đá Su Bi và Đá Chữ Thập đã bị lộ diện trên các bức ảnh vệ tinh công bố từ trước khi ông Tập sang Mỹ.
Mặt khác, cả Mỹ và Philippines đều đã tố cáo và tung bằng chứng về việc Trung Quốc thường xuyên phát cảnh báo đe dọa máy bay của Philippines hoạt động gần khu vực các đảo nhân tạo. Khi Mỹ cho máy bay P8-A Poseidon thực hiện chuyến bay trinh sát vùng trời gần các hòn đảo nhân tạo hồi tháng 5/2015 cũng bị Hải quân Trung Quốc phát cảnh báo 8 lần liền.