TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

1954, 1975, và những bài học không thể nào quên

Ở tuổi 82, ông Sáu Dân (tức đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ) vẫn chưa thôi trăn trở trước các vấn đề thời cuộc nóng bỏng.

1954, 1975, và những bài học không thể nào quên Phóng to
(Từ trái sang): Đồng chí Võ Văn Kiệt đang trao đổi với giáo sư Tương Lai và Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Huỳnh Sơn Phước
TT - Ở tuổi 82, ông Sáu Dân (tức đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ) vẫn chưa thôi trăn trở trước các vấn đề thời cuộc nóng bỏng.

Lịch sử đã đặt cuộc đời cách mạng của ông vào những vị trí đặc biệt ở những thời điểm đặc biệt.

Ngay khi kết thúc chiến dịch giải phóng thị xã Hòa Bình, đầu năm 1952 ông đã đi từ chiến khu Việt Bắc dọc Trường Sơn vào Nam bộ xuyên qua hầu hết các chiến khu đầy ấn tượng.

Mới đây, tại nhà riêng của mình, ông đã có buổi trao đổi với GS Tương Lai và phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Huỳnh Sơn Phước.

Câu chuyện bên chén trà của họ không chỉ xoay quanh đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ, xen lẫn giữa những tràng cười thoải mái là bao nỗi ưu tư...

Điện Biên Phủ - một tiến trình toàn dân tộc

* Huỳnh Sơn Phước: Quả thật chúng tôi rất bất ngờ khi được biết ông từng có mặt tại chiến khu Việt Bắc vào thời điểm sau chiến dịch biên giới Tây Bắc, Hòa Bình...

Võ Văn Kiệt: Chính xác là vào năm 1950, tôi được tham gia đoàn đại biểu Nam bộ đi dự ĐH Đảng toàn quốc lần thứ II diễn ra tại chiến khu Việt Bắc. Chuyến đi khá vất vả song mọi người rất vui vì được đặt chân tới thủ đô kháng chiến và gặp Bác Hồ.

Xuất phát từ Bạc Liêu Đoàn đã băng rừng, vượt núi Tà Lơn (Campuchia) qua Thái Lan, rồi nghi trang đi theo tàu buôn của người Anh, từ Băngkok đến Hải Nam. Từ đó đi Quảng Châu, Quảng Tây rồi về Cao Bằng đến Việt Bắc đúng vào thời điểm chiến dịch biên giới (Cao - Bắc - Lạng) vừa kết thúc trước đó năm ngày.

Sau ĐH Đảng, tôi cùng số anh em được ở lại chiến khu để học chính trị. Kết thúc khóa học ở Trường Đảng sáu tháng, chúng tôi được "đi thực tế" hơn một năm nghiên cứu về thuế nông nghiệp kết hợp xây dựng Đảng ở cơ sở...

Vì thế, tôi mới có cơ hội tham gia cuộc bình bầu dân công chuẩn bị chiến dịch và dân công hỏa tuyến. Thiệt là hay, không khí chan hòa, cởi mở, bình bầu dân chủ công khai... Tôi nhớ, hồi ấy ngoài số thanh niên đi vào quân đội, thanh niên xung phong, một số còn lại tham gia dân công gồm những người từ 17,18 tuổi đến trung niên, trừ phụ nữ có thai bốn tháng trở lên.

Có thể nói, coi như tất cả mọi người đều được huy động và đều hồ hởi tham gia. Có ba loại dân công được bình bầu: A đi một tháng trở lên, B một, hai tuần, còn C đi gần.

Bình bầu thuế nông nghiệp cũng vậy, cũng công khai, dân chủ căn cứ vào sản lượng của từng vụ mà định thuế nông nghiệp, và người đóng thuế hiểu rằng cần đóng thuế để nuôi quân đánh giặc, giá trị từng cân thóc từ hậu phương chuyển ra tiền tuyến mới thấy hết được thế nào là chiến tranh nhân dân. Đây chính là cội nguồn của chiến thắng trước đó cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ.

* Huỳnh Sơn Phước: Đến lúc nào ông mới lên đường về Nam?

Võ Văn Kiệt: Đến đầu năm 1952, sau tết ta, tôi đi bộ gần một năm trên đường, vượt Tây Trường Sơn về Nam. Suốt từ chiến khu Việt Bắc về đến hết Nghệ An, Hà Tĩnh (khu 4), nối liền chiến khu Việt Bắc là đi trong vùng giải phóng.

Chỉ khi đến chiến khu Ba Lòng là tình hình còn khá căng kể cả lương thực, đúng là “Bình Trị Thiên khói lửa”. Từ đó vượt núi về Trà Mi xuống Tam Kỳ Quảng Nam là cả một vùng giải phóng khu 5 rộng lớn (Nam Ngãi - Bình Phú).

Từ Nam kỳ về Bồng Sơn tôi được đi bằng ôtô ray (đầu ôtô kéo sau toa xe lửa). Chúng tôi ở lại Bồng Sơn - “thủ đô” khu 5 - nghỉ dưỡng gần một tháng và chuẩn bị cho đoạn đường khó khăn nhất từ Tuy Hòa về cực Nam Trung bộ (khu 6).

Từ khu 6, chúng tôi về chiến khu Đ - Đông Nam bộ, tuy không căng thẳng về địch - ta nhưng rất thiếu lương thực, nên tôi dừng chân ngắn ở đây, trước khi lên đường về ăn tết ở Đồng Tháp Mười. Thế là tròn một năm, đầu năm 1953 chúng tôi mới đến Long Châu Hà, về vùng giải phóng Tây Nam bộ, không còn lội bộ nữa mà đi xuồng, ghe (giải phóng được hai cái chân).

Đặc biệt, dọc đường “Nam tiến”, từ Tuyên Quang tôi đi bộ qua Phú Thọ, xuống Hòa Bình qua Dốc Cun, đi qua Nho Quan, Ninh Bình rồi về đến Thanh Hóa tôi càng cảm nhận được rất rõ không khí nô nức chuẩn bị tiếp cho chiến dịch mới.

Có tận mắt chứng kiến cảnh hàng đoàn xe thồ nối đuôi nhau vận chuyển quân lương trong khí thế cách mạng sôi nổi của các chiến thắng mới, trực tiếp nhất là chiến dịch Hòa Bình đã mở tung cánh cửa nối liền giữa hai chiến khu Việt Bắc và khu 4. Đó cũng là tiền đề cực kỳ quyết định cho chiến thắng lừng lẫy Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 mà cả nước ta đang vui mừng kỷ niệm 50 năm.

Mỗi lần trở lại Thanh Hóa, tôi lại nhớ lại cảnh dân công tải gạo hồi đó ở một vùng có cái tên rất hay...

* Tương Lai: Chắc anh muốn nói đến rừng Thông, cầu Bố?

Võ Văn Kiệt: (cười) đúng đúng, sau này có câu vè chọc vui “vài cây lố nhố...".

* Tương Lai: “Cây cầu con con lại kêu cầu Bố, hàng cây lố nhố lại gọi rừng Thông” (cười). Đấy là câu đùa vui về Thanh Hóa, tỉnh đông dân nhất và là nơi đóng góp sức người sức của hết sức lớn cho chiến dịch sắp mở màn. Lịch sử dường như được lặp lại về sức mạnh vô bờ của dân mình khi quyết đứng lên cứu nước.

Cách đây bảy thế kỷ, Trần Nhân Tông đã từng nói đến lực lượng to lớn của Thanh Hóa khi bàn về cuộc chiến tranh chống quân Nguyên: “Hoan Ái do tồn thập vạn binh” (*). “Hoan Ái” là vùng từ Thanh Hóa kéo đến sông Gianh bây giờ.

Trong lịch sử chống ngoại xâm của ông cha ta cũng như trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cuộc chống Mỹ cứu nước tiếp theo, sức người, sức của của vùng bắc khu IV này đã có một vai trò rất lớn.

Võ Văn Kiệt: Đúng như thế, cái đêm ở rừng Thông, cầu Bố của đất Thanh Hóa trên đường trở về Nam bộ, được tận mắt nhìn khí thế của những đoàn dân công nườm nượp đưa gạo ra tiền tuyến bằng xe thồ, bằng người gánh trên lưng bằng hai sọt gạo tôi mới hình dung hết được sự kỳ diệu trong sức mạnh thật sự của dân ta.

Một chiến dịch lớn như Điện Biên Phủ lại cũng bắt đầu từ những chiếc xe thồ thô sơ và quan gánh trên vai con người như thế. Sức dân quả thật là vô bờ. Tụi này còn nhớ lúc đó cùng nhau chỉ vào mấy ông xe thồ và nhắc lại chuyện bình bầu dân công: “Chắc là hạng A - đi dài ngày đây”.

Sau này, khi đọc Người người lớp lớp của Trần Dần, hồi tưởng lại cảnh đó thấy thích lắm, thích ở chỗ mình có tham gia bình bầu dân công và hiểu vì sao Bác Hồ thường nhắc đến trọng trách của ông “tướng gạo” Trần Đăng Ninh.

Nói đến Điện Biên Phủ, không thể không nói đến "ông tướng gạo" này, tức là nói đến cả một đội ngũ tầng tầng, lớp lớp những người có vai trò góp phần cùng quyết định cho chiến thắng đã âm thầm và quyết liệt chuẩn bị cho chiến dịch.

Và đương nhiên không chỉ có khu 4, Việt Bắc và Tây Bắc mà thật ra từ khu 5, cho đến khu 6, cả miền Đông, miền Tây Nam bộ ở đâu cũng hừng hực khí thế chiến đấu, đánh địch ở khắp nơi, đẩy địch vào thế bị căng kéo, chống đỡ trên nhiều mặt trận.

* Huỳnh Sơn Phước: Có văn bản chính thức nào về chủ trương “căng kéo địch” này hay đó là sáng kiến của từng địa phương?

Võ Văn Kiệt: Đó là sự chỉ đạo xuyên suốt của T.Ư thấm đến từng đảng bộ tỉnh. Vùng nào lúc đó cũng nắm vững chủ trương : giải phóng đến đâu xây dựng chính quyền, xây dựng lực lượng, phát triển kinh tế mở rộng vùng giải phóng.

Đặc biệt là tôi muốn nói đến một chủ trương lớn ở các vùng giải phóng Nam bộ: chúng ta tổ chức một bộ phận địa chủ vào trong mặt trận, khuyến khích các nhà điền chủ hiến đất cấp cho nông dân không ruộng.

Ở Nam Bộ nói chung là không “đấu tố” gì cả. Một số địa chủ như ông Huỳnh Thiên Lộc, thuộc hàng lớn nhất Rạch Giá đã chủ động đem hiến toàn bộ ruộng vườn, tài sản rồi cả hai ông bà đi tham gia kháng chiến, lúc bấy giờ ta gọi là những “điền chủ khai minh”.

Quĩ đất này sau đó được tạm cấp cho nông dân không có đất. Ý nghĩa của chuyện này to lớn lắm, về sau này anh Ba Duẩn Tổng bí thư Đảng nhiều lần nhắc lại: “Ruộng đất cách mạng cấp cho nhân dân vào thời kỳ đó chính là lá bùa hộ mệnh cho cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này”.

Song song với chính sách ruộng đất, ta cũng bãi bỏ chế độ tô tức, tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, hình thành mặt trận chính trị vững chắc ở nông thôn.

* Huỳnh Sơn Phước: Lúc này ở miền Tây có cấp trung đoàn chưa thưa ông?

Võ Văn Kiệt: Việc mở rộng nhanh chóng các vùng giải phóng khiến cho lực lượng vũ trang phát triển vượt bậc của ba thứ quân, quân tập trung cơ động chủ yếu là từng trung đoàn, khả năng tổ chức một số chiến dịch cấp trung đoàn, thậm chí có chiến dịch qui mô liên trung đoàn mhư chiến dịch Long Châu Hà. Phối hợp chặt chẽ với phong trào chính trị ở các đô thị đặc biệt là Sài Gòn, hình thành thế trận nhân dân ba vùng nhất là ở Nam bộ - vùng giải phóng, vùng tranh chấp, vùng tạm bị chiến.

1954, 1975, và những bài học không thể nào quên Phóng to
Ở tuổi 82, ồng chí Võ Văn Kiệt vẫn chưa thôi trăn trở trước các vấn đề thời cuộc nóng bỏng
Những bài học lịch sử

* Huỳnh Sơn Phước: Thưa ông, lịch sử đã đặt ông ở vị trí từ một chiến sĩ tuổi 20 tiếp cận những bài học đầu tiên ở chiến trường Nam bộ đến trường Đảng cao cấp ở chiến khu Việt Bắc, đi dài trên đất nước, nhìn thấy, tham gia, đúc kết tiến trình toàn dân kháng chiến đó, rồi là nhà lãnh đạo- thủ tướng, trước đó là Bí thư thành ủy TP.HCM lãnh đạo một thành phố lớn trong thời bình, trong cả quá trình chuyển đổi kinh tế chưa hề có tiền lệ. Bây giờ ông có thể đúc kết một bài học, rút ra một câu trả lời rốt ráo nhất để hiểu triệt để cái “sức mạnh nhân dân” trong công cuộc tạo dựng hòa bình?

Võ Văn Kiệt: Vấn đề nhà báo nêu ra rất lớn mà cũng rất lý thú. Tôi nghiệm ra rằng, cái xuyên suốt trong chiến tranh cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước, nếu lúc nào mình không tự chủ về đường lối cũng như phương pháp trong tổ chức thực hiện không chủ động trong cái của mình mà rập khuôn, sao chép của nước ngoài cững như sao chép sách vở không căn cứ vào thực tiễn của đất nước, của dân tộc mình là không thành công thậm chí trả giá đắt.

Nếu mình đánh Mỹ theo như một thứ chiến tranh qui ước, hay đánh Pháp chỉ đánh du kích chiến trường kỳ, lấy nông thôn bao vây thành thị thì cuối cùng giải phóng đô thị thì chúng ta không thể thắng.

Kinh nghiệm của ta: chiến tranh nhân dân kết hợp giữa quân sự với chính trị, nông thôn, thành thị, miền núi, đồng bằng đều có sự phối hợp chăt chẽ, tùy theo đặc điểm và lợi thế của từng vùng mà quyết định cách huy động lực lượng, tổ chức chiến đấu với nhiều phương thức rất sáng tạo.

Như trong kháng chiến chống Mỹ và thắng Mỹ cũng không thể giống như kháng chiến thắng Pháp, một đối thủ không lần chiến bại, mạnh vào loại hàng đầu thế giới, chúng ta lại phải có cách thắng mới của chiến tranh nhân dân.

Con đường duy nhất là phải sáng tạo nên tìm ra con đường cách mạng phù hợp với điều kiện VN, đặc điểm VN, là dựa vào chính mình để tạo ra lợi thế VN, sức mạnh VN.

Có làm được như vậy thì mới huy động được mọi nguồn lực từ bên trong cũng như bên ngoài, trong chiến tranh đã vậy, trong xây dựng kinh tế , xây dựng con người về các mặt đều phải như vậy. Bài học về sức dân, về chiến tranh nhân dân, về sức mạnh của dân tộc là bài học phải nhớ đời và biết vận dụng sáng tạo trong mọi hoàn cảnh.

Tôi nhớ mãi lời phát biểu đầu tiên của đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn vừa bước ra bậc thang máy bay tại Tân Sơn Nhất sau 30-4-1975, đồng chí nắm tay đưa thẳng lên đầy xúc động nói: "Thắng lợi này là thắng lợi của cả dân tộc VN ta không của riêng ai".

* Tương Lai: Mà cũng thật là sâu sắc khi một nhà nghiên cứu người Ý đi tìm lời giải đáp cho “Câu hỏi từ Điện Biên Phủ” lại chọn đúng và làm nổi rõ lên một ý của đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vô vàn ý kiến của ông : “đây là một cuộc chiến tranh nhân dân; do đó cần phải hiểu hai khía cạnh mang tính quyết định :

a. chiến tranh như một hành động quân sự và chính trị – trong đó chính trị với mối quan hệ với người dân, thường có vai trò lớn hơn;

b. lịch sử và văn hoá của dân tộc Việt Nam, và cuộc đấu tranh vì độc lập là của tất cả mọi người”.

Trong hội thảo quốc tế về Điện Biên Phủ ở Hà Nội vừa rồi, ý tưởng về chiến thắng Điên Biên Phủ là chiến thắng của chiến tranh nhân dân cũng được đặc biệt lưu ý .

Võ Văn Kiệt: Đọc bài ấy tôi rất thích, quả là tác giả có cái nhìn rất tinh, rất sâu, đúng thực chất của vấn đề.

* Huỳnh Sơn Phước: Cả trong tạo dựng, có lúc ta không phải là ta nên chúng ta đã bỏ mất nhiều thời cơ tạo ra được những bước chuyển nhanh để bắt kịp bè bạn.

Võ Văn Kiệt: Đúng là chúng ta đã để mất thời cơ ngay sau khi thắng Mỹ, đó là bài học mà chúng ta phải trả giá quá đắt trên 10 năm sau đất nước thống nhất.

* Tương Lai: Nếu tôi nhớ không nhầm thì trong bài nói với thầy trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nôi năm 1967, anh Ba Duẩn cũng có giải thích về điều này:” Tại sao lúc bấy giờ , nhiều nước quanh ta cũng có Đảng Mác-Lênin, cũng có phong trào quần chúng, tỉ lệ đảng viên trong quần chúng còn cao hơn ở ta, cũng một điều kiện quốc tế như thế ... mà chỉ có Việt Nam ta làm Cách mạng Tháng Tám thành công? Vậy có phải vì Đảng ta, vì Bác Hồ biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong hoàn cảnh của nước ta, biết khởi động sức mạnh của cả dân tộc, dùng sức mạnh đó mà giành thắng lợi.” ... Tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và đạo lý làm người của dân tộc ta đã kết hợp làm một; chủ nghĩa Mác-Lênin đã hòa với truyền thống cách mạng sẵn có của dân tộc và trở thành sức mạnh của dân tộc”.

Võ Văn Kiệt: Và chúng ta cũng có thể nói như vậy về đại thắng mùa xuân năm 1975. Chiến dịch Hồ Chí Minh là sự thể hiện bản lĩnh tận dụng thời cơ phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp quân sự chính trị, ngoại giao một cách tự chủ.

* Huỳnh Sơn Phước: Trong điều kiện hội nhập toàn cầu, yếu tố “dân tộc, sức mạnh nhân dân” chất keo giữa Đảng và dân liệu có đứng trước những thử thách, đòi hỏi phải có nội dung mới, ý tưởng mới, giải pháp mới kiểu Việt Nam?

Võ Văn Kiệt: Đây là một thách thức lớn, một vấn đề đáng phải động não, suy nghĩ. Nói đơn giản, trong lúc chiến tranh, anh nào dám đánh giặc là chỗ dựa. Trong đấu tranh chính trị, anh nào dám lãnh đạo quần chúng, có bản lĩnh, đó là chỗ dựa.

Còn khi xây dựng, phải có thêm cái chỗ dựa mới nữa là những người biết làm ăn, làm giàu, làm giàu chính đáng. Phải biết khuyến khích và động viên, tạo điều kiện cho họ phát huy hết tài năng để làm giàu cho xã hội, trong đó có bản thân họ giàu có.

Đó là nhân tố quyết định trong xây dựng đất nước. Chính những anh làm ăn giỏi này sẽ gánh cho mấy anh không biết làm ăn vươn lên, hoàn thiện và tạo cơ hội việc làm, mưu cầu cuộc sống cho hàng triệu triệu lao động.

Nếu không thì roài mình cứ phải xách lao động đưa đi làm thuê khắp nơi. Miệng nói khuyến khích mà cứ bảo người ta “bóc lột”, còn nói mãi chuyện bóc lột và không bóc lột thì nhà đầu tư sẽ ngần ngại ngay.

Chúng ta đã có bài học cay đắng của bệnh giáo điều, rập khuôn khiến cho nằm trên đất trồng lúa mà phải đi vay gạo! Khi giải phóng tư duy, chưa cần gì phải có nhiều máy móc nông nghiệp, chỉ với một đường lối đúng, phù hơp với cuộc sống, đáp ứng lòng dân thì có ngay gạo để xuất khẩu.

* Tương Lai: Tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác Lênin phải hòa với truyền thống cách mạng sẵn có của dân tộc để phải trở thành sức mạnh dân tộc .

Võ Văn Kiệt: Rất chí lý. Trung Quốc đã mạnh dạn và đang thực sự cầu thị trên con đường tìm tòi cách mạng của họ để “xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”. Chúng ta cũng phải có con đường riêng của mình, xuất phát từ thực tiễn của dân tộc, nhân dân mình.

Làm thế nào để tạo ra những Điện Biên Phủ, những mùa xuân 1975 trong thời đại mới? Đó là tâm tư của ông Sáu Dân trong gần 4 tiếng đồng hồ trò chuyện.

_______________________

(*) - Nguyên văn câu thơ nổi tiếng của Trần Nhân Tông được chép trong “Đại Việt sử ký toàn thư” là như sau :

“ Cối Kê cựu sự quân tu ký , Hoan Ái do tồn thập vạn binh”

(Việc cũ Cối Kê ông nên nhớ, Hoan Ái vẫn còn chục vạn binh).“Tổng tập Văn học Việt Nam”. Tập 2 NXBKHXH. 2000. tr.297

Cối Kê là một địa danh ở bên Trung Quốc, gắn liền với sự tích Việt vương Câu Tiễn; còn Hoan Ái là vùng đất từ Thanh Hóa kéo dài cho đến sông Gianh của Quảng Bình bây giờ.

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness