Trung Quốc buộc quân đội tập luyện ngặt nghèo
Tạp chí National Interest (Mỹ) hôm 13/5 bình luận, nói cách khác, Bắc Kinh đang nỗ lực nâng cao khả năng sẵn sàng cho chiến tranh của quân đội.
Tờ này đánh giá, đây là động thái khiến Mỹ phải lo ngại, bởi cho đến nay, Washington đã đối diện với nguy cơ chiến lược không phát huy tác dụng, thậm chí bị "sa lầy" trong cuộc đối đầu cục bộ với Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương.
Đại úy Dale Rielage, người đứng đầu bộ phận tình báo Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ đánh giá: "Gần 10 năm qua, phạm vi và mức độ phức tạp trong huấn luyện của Hải quân Trung Quốc đã tăng đáng kể."
Theo ông Rielage, mặc dù không phương án huấn luyện nào, dù là ngặt nghèo, có thể tái hiện thực tế chiến tranh, nhưng tần suất các cuộc tập trận "hiện đại, giống như thật" ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, Trung tá về hưu Dennis Blasko, người từng có 23 năm phục vụ trong ngành tình báo quân đội Mỹ chuyên về Trung Quốc, bình luận:
"Quân đội Trung Quốc thường xuyên chỉ trích 'chủ nghĩa hình thức' và huấn luyện kiểu 'làm cảnh'. Họ cho rằng cách thức này làm giảm giá trị các cuộc tập trận.
Tuy Trung Quốc cũng thu được một số tiến bộ ở phương diện này, nhưng giới lãnh đạo quân đội vẫn hiểu rõ sự khiếm khuyết của các lực lượng quân sự."
Quân đội Trung Quốc tập trận trên biển Đông. (Ảnh: Chinanews)
Quân đội Trung Quốc được khích lệ "liều mạng" để vượt Mỹ
Dale Rielage chỉ ra, Bắc Kinh ngày càng có xu hướng xác định "chiến hạm nước ngoài" là địch thủ của quân đội Trung Quốc trong tập trận.
Đồng thời, Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của tập trận bắn đạn thật cũng như tình huống giả thiết "không nắm được số lượng và khả năng của đối phương". Đây cũng là những kỹ năng mà lực lượng hải quân Mỹ đã rất lão luyện, ông cho biết.
Theo NI, Hải quân Trung Quốc đã nâng cao mức độ nguy hiểm của các hoạt động huấn luyện hơn nhiều so với các quốc gia khác, bao gồm Mỹ.
Các quan chức cấp cao có ảnh hưởng lớn trong quân đội thậm chí còn khích lệ những chỉ huy "biết phá bỏ quy tắc thông thường" nếu điều đó có thể đem lại thắng lợi.
Rielage bình luận: "Một ấn tượng hết sức rõ ràng là Hải quân Trung Quốc đang sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm hơn nhiều so với Hải quân Mỹ."
"Trung Quốc tập trung vào các hoạt động tập trận có thể cho phép họ chiếm ưu thế một cách tương đối trước Mỹ hoặc ít nhất có thể cân bằng với Mỹ," ông Rielage nhận xét.
Theo tờ Tin tức tham khảo (Trung Quốc), tăng cường hoạt động quân sự trên biển Đông là một trong số phương án nhằm gia tăng hiện diện cũng như thể hiện "sự kiểm soát thực tế" của Bắc Kinh đối với khu vực này.
Song song với đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đẩy mạnh cuộc chiến truyền thông để chống lại ảnh hưởng bất lợi có thể đến sau phán quyết về vụ kiện biển Đông của Tòa trọng tài thường trực (PCA) The Hague.
Căn cứ vào báo cáo của Lầu Năm Góc hôm 13/5, tạp chí Quartz của Anh đưa ra nhận định Trung Quốc đang "bày binh bố trận", thông qua hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp và cuộc chiến dư luận để xây dựng hình ảnh "bị thách thức" ở biển Đông.
Mà "bị thách thức" thường là cái cớ để mở màn một cuộc xung đột - tờ này bình luận.
Báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc hôm 13/5 về tình hình quân sự Trung Quốc năm 2015 cho biết Trung Quốc đã bồi đắp (trái phép-PV) thêm gần 1.300 hecta diện tích trên 7 đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Đồng thời, nước này đã chuyển sang giai đoạn phát triển phi pháp cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, hậu cần và tình báo... cũng như đẩy mạnh quân sự hóa ở các đảo nhân tạo.
Hiện nay, Trung Quốc đang hoàn thiện 3 đường băng trái phép dài khoảng 3.000 mét trên 3 đảo nhân tạo, cho phép máy bay quân sự và dân dụng cỡ lớn cất/hạ cánh.