|
Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện K trung ương (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Do vậy, chúng ta không nên quá tin vào những thông tin không chính thống qua Internet, người quen truyền miệng…
Rất nhiều bệnh nhân ở Việt Nam và các nước đang phát triển đã chết do ung thư sau khi phát hiện bệnh vì chẩn đoán quá trễ. Ngoài ra, không ít trường hợp “chạy chữa” bằng các phương pháp thiếu cơ sở khoa học càng làm chậm trễ việc điều trị, dễ gây biến chứng nặng.
Những dấu hiệu
cảnh báo
Sau đây là những dấu hiệu cảnh báo của cơ thể mọi người cần lưu ý:
1. Thay đổi thói quen đại hoặc tiểu tiện.
2. Vết thương không lành.
3. Chảy máu hoặc dịch bất thường.
4. Khối u hoặc những vùng dày lên ở ngực, tinh hoàn hoặc bất kỳ ở đâu.
5. Khó tiêu hoặc khó nuốt.
6. Thay đổi kích thước, màu sắc, hình dạng hoặc dày lên ở mụn cóc, nốt ruồi hoặc chỗ loét miệng.
7. Ho hoặc khàn giọng không dứt.
Cần tham vấn bác sĩ khi có một trong những dấu hiệu nêu trên mà không do nguyên nhân nào khác, triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần. Nếu bị ung thư, được chẩn đoán chính xác càng sớm, bắt đầu điều trị sớm thì tiên lượng càng tốt, có nghĩa là cơ hội khỏi bệnh càng cao.
Trong quá trình thăm khám, vẫn có thể xảy ra trường hợp thầy thuốc chẩn đoán không chính xác 100% do nhiều nguyên nhân.
Vì thế, người bệnh nên đến khám ở những nơi đáng tin cậy về chuyên môn. Bất luận khám ở đâu, khi các triệu chứng trên không cải thiện trong khoảng 2 tuần, nên đề nghị chuyển lên cơ sở chuyên khoa cao hơn.
Sai sót có thể xảy ra
Chúng tôi và các đồng nghiệp đã chứng kiến một số trường hợp sai sót đáng tiếc xảy ra trong quá trình theo dõi diễn tiến của những bệnh nhân là người thân.
Trường hợp thứ nhất, bệnh nhân nam 45 tuổi, qua hai lần khám tổng quát đều được kết luận là không phát hiện bất thường trên phim X-quang phổi. Hai năm sau bệnh nhân bị ho, đau ngực, sốt, chụp CT phổi phát hiện khối u 3cm ở phổi, được điều trị phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, sống thêm được khoảng hai năm.
Khi xem 2 phim X-quang phổi cũ (trước đây chúng tôi không có dịp xem), đã phát hiện hình ảnh khối u hình bầu dục khá lớn khoảng 2cm, chứng tỏ thầy thuốc của hai cơ sở y tế trên đã bỏ sót chẩn đoán ung thư phổi cho bệnh nhân.
Trường hợp thứ hai, bệnh nhân nữ 25 tuổi, khối u vùng mang tai xuất hiện khoảng 2 năm, có tham vấn một bác sĩ ngoại khoa nhưng được trả lời “không sao đâu”.
Khi phát hiện khối u lớn nhanh, bệnh nhân đi khám tại một phòng khám chuyên khoa, được chẩn đoán u tuyến mang tai chưa loại trừ ác tính và phẫu thuật tại một bệnh viện đa khoa tư nhân. Kết quả sinh thiết cho thấy u lành tính.
Chưa đầy một năm, khối u phát triển trở lại với kích thước lớn hơn nhiều lần, nên được chẩn đoán u ác tính và phẫu thuật, sau đó là xạ trị, hóa trị. Bệnh nhân sống thêm khoảng một năm rưỡi với vết thương loét sâu thủng gần toàn bộ vùng má.
Hiện nay, nhiều cán bộ y tế và thầy thuốc đã được đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, hạn chế sai sót trong chẩn đoán và điều trị, kéo dài cuộc sống cho những bệnh nhân ung thư nói riêng cũng như những bệnh nhân khác.
Tuy nhiên, quá trình điều trị bệnh ung thư đòi hỏi sự chủ động rất lớn của người bệnh, cũng như là sự hợp tác điều trị. Hơn bao giờ hết, mối lo về căn bệnh này đã không của riêng ai.
6 triệu chứng báo hiệu một số loại ung thư
1. Nhức đầu dai dẳng (u não).
2. Sụt cân hoặc chán ăn không thể giải thích lý do.
3. Đau nhức mãn tính xương hoặc bất kỳ vùng nào trên cơ thể (ung thư máu, tủy, xương...).
4. Mệt mỏi, buồn nôn, hoặc ói mửa dai dẳng (ung thư dạ dày, tụy...).
5. Sốt nhiệt độ thấp kéo dài, liên tục hoặc cách hồi.
6. Nhiễm trùng tái diễn.
|